Pháp đàm với các sư ngày 04-09-2013

11/ Pháp đàm với các sư buổi chiều ngày 04.09.2013 tại SG.

 

Vị sư 1:          Khi không có cái hiểu thì luôn luôn có sự cố gắng. Thậm chí khi sư đến gặp Achaan , sư vẫn có ý niệm là đến để có thêm sự hiểu biết cho chính mình.

Achaan:         Sẽ vẫn là như vậy cho đến khi tà kiến về ngã được tận diệt hoàn toàn. Trong Tam tạng có cụm từ giới cấm thủ (silabata paramassa), có nghĩa là sự chấp thủ vào những sự thực hành sai trái, kể cả với những người đã hiểu được Giáo lý. Bởi bất cứ thứ gì sinh khởi đều do duyên, chừng nào còn ý niệm về ngã, chừng ấy sẽ còn những khoảnh khắc có ý muốn cố gắng. Kể cả hiện giờ, có thể đang có ý định chánh niệm. Hiểu biết đúng có thể thấy được rằng điều đó là không đúng, bởi vì ý định –cetana không phải là một chi của Bát chánh đạo. Hiểu biết đó sẽ làm duyên cho sự buông bỏ ý định chánh niệm, hay cố làm một cái gì đó. Chỉ một vị Tu đà hoàn mới hoàn toàn tận diệt giới cấm thủ, nhưng panna- trí tuệ sẽ giúp ta quay về con đường đúng, vì nó biết rằng đó là sai lầm, và như vậy sẽ cứ phải bắt đầu, rồi bắt đầu lại, để hiểu một cách vững vàng hơn rằng bất cứ cái gì xuất hiện đều do duyên. Sẽ cần một thời gian rất dài để có thể có được hiểu biết kiên cố, gọi là sacca nanna, nhờ có trí tuệ  biết và thấy mỗi khi ditthi – tà kiến sinh khởi.

Như vậy thì đừng mong đợi một kết quả nhanh chóng là có thể tận diệt ngay được những ý niệm về ngã. Đó chỉ là chức năng của trí tuệ, chứ không phải là của một ai đấy, hay một tự ngã. Chính hiểu biết đó sẽ giúp ta xa rời tà kiến rằng mình là có thể làm cái gì đó, theo những ý niệm riêng của mình. Ở khoảnh khắc có sự hay biết về đặc tính cứng, thay cho việc gọi chung chung là “bất cứ thực tại nào”, thì phải rất chi tiết, bởi cái được kinh nghiệm khi đó là đặc tính cứng. Trước khi được nghe Giáo lý về thực tại, không hề có ý niệm rằng kể cả đặc tính cứng thôi cũng cần phải được nhận biết. Vì nó cũng giống như các thực tại khác, đều sinh và diệt, tuệ giác không lựa chọn một đối tượng cụ thể. Trí tuệ thực sự xảy ra rất tự nhiên, nó sinh khởi do duyên chứ không phải do ai đó cố gắng.Trong  một ngày có rất nhiều khoảnh khắc kinh nghiệm đặc tính cứng, ở đây chúng ta đang nói về một thực tại có thể áp dụng cho tất cả thực tại khác. Hiện giờ đặc tính cứng đang xuất hiện bình thường như mọi lúc. Không ai có thể thay đối đặc tính của cái cứng khiến nó trở nên cứng hơn hay mềm hơn, nó chỉ như nó là ở khoảnh khắc nó xuất hiện nhanh chóng đó. Vậy  không phải là việc cố gắng tập trung vào nó. Hiểu biết đúng sau khi nghe pháp có thể hiểu được thực tại đó với đúng đặc tính của nó, tức là không phải là tự ngã. Nếu ở khoảnh khắc này, ai đó cố gắng tập trung vào nó hay cố gắng chánh niệm về đặc tính cứng thì đó không phải là chánh niệm đúng đắn, bởi vì chỉ có trí tuệ mới có thể hiểu thực tại đó mà thôi. Tà kiến về ngã có thể sinh khởi cùng với sự hoan hỉ về điều đó (khi cố gắng chánh niệm- ND), nhưng đó không phải là trí tuệ cùng chánh niệm thực sự sinh khởi một cách tự nhiên. Cái xuất hiện hiện giờ xuất hiện một cách không hề mong đợi, đó là cách mà pháp vận hành. Cần phải có các ba la mật để hỗ trợ cho sự phát triển hiểu biết ở tất cả các mức độ khác nhau.

Ví dụ, trong một ngày, đặc tính cứng xuất hiện như thường lệ, nhưng nhờ có việc đã được nghe đi nghe lại nhiều lần, hiểu biết bắt đầu biết rằng không phải là tôi hay biết mà là hay biết biết đặc tính cứng đó. Lúc khởi đầu, đó mới chỉ là suy nghĩ mà thôi. Chúng ta có thể thấy rằng trong một ngày ta có thể nghĩ đến nhiều thứ khác nữa, vậy thì cái gì làm duyên cho việc suy nghĩ về đặc tính cứng đây? Cần phải có duyên để suy nghĩ về đặc tính cứng đó sinh khởi, thay cho suy nghĩ về thứ khác, và ở khoảnh khắc đó, suy nghĩ cũng không phải là tự ngã. Nhưng lúc ban đầu, không thể có suy nghĩ về vô ngã ngay lập tức. Trí tuệ sẽ học cách hiểu bất cứ cái gì xuất hiện một cách từ từ. Trí tuệ tự nó biết, ta không cần phải hỏi người khác hiện giờ hiểu biết của mình ở mức độ nào.

Cũng như vậy đối với bất kỳ thực tại nào đang xuất hiện. Chúng ta đã được nghe rất nhiều lần rằng, hiện giờ chỉ có đối tượng thị giác đang được thấy mà thôi. Mặc dù chúng ta đã nghe vô cùng nhiều lần rồi, nhưng vẫn chưa ai thấy được đối tượng thị giác. Nhưng đến một lúc nào đấy, một cách không mong đợi, nó bắt đầu nghĩ chỉ về cái đó mà thôi, và khi đó ta hiểu được chi thứ hai của Bát chánh đạo, đó là Chánh tư duy- tâm sở tầm – vitakka. Thông thường chúng ta nghĩ đến vitakka trong sự gắn kết với suy nghĩ. Nhưng thực chất, nó có thể sinh khởi trước khi cái mà chúng ta vẫn gọi là suy nghĩ sinh khởi. Và bây giờ, ngoại trừ khoảnh khắc của cái thấy, cái nghe, luôn có vitakka nhưng không được nhận biết, tất cả đều trong bóng tối chừng nào tuệ giác vẫn chưa sinh khởi.

Trong thế giới của các thực tại, mọi thứ đều sinh khởi trong bóng tối. Vì chỉ có duy nhất một căn môn là nhãn căn qua đó đối tượng thị giác mới được thấy, và như vậy có rất nhiều khoảnh khắc của bóng tối. Khi không có đối tượng thị giác, mọi thứ đều tối. Một thứ còn tối hơn nữa là vô minh. Vô minh không biết cái gì đang có ở đó, và chúng ta sống trong thế giới của vô minh. Chính vì thế, mặc dù có cái thấy nhưng không có hiểu đúng về cái thấy như nó là. Cái thấy sinh khởi do duyên. Nó sinh khởi và rồi diệt đi, chỉ thế mà thôi. Các tâm khác thì sinh khởi trong bóng tối. Hãy nghĩ đến cái xuất hiện là đối tượng thị giác chỉ là đối tượng thị giác. Mỗi khi chúng ta nhắm mắt lại, đối tượng thị giác sẽ không thể được thấy. Nhưng có tưởng nhớ về cái được thấy, và có suy nghĩ về cái được thấy, giống như trong một giấc mơ. Trong giấc mơ thì không có đối tượng thị giác, nhưng vẫn có suy nghĩ về cái được thấy. Cái đó cần phải được hay biết, nhưng vô minh thì đâu có biết được đâu. Nhờ có việc nghiên cứu Giáo lý và suy xét về nó ngày càng nhiều hơn, ta có thể hiểu rằng trên thực tế thì ta sống trong bóng tối nhiều hơn là trong ánh sáng. Vì cái thấy sinh và diệt luôn luôn, nên thế giới dường như là sáng, nhưng khi các thực tại xuất hiện như nó là (không phải chỉ riêng cái thấy,  mà còn các thực tại khác nữa – ví dụ như sự kinh nghiệm đặc tính cứng), không phải luôn là sáng . Và vì chỉ có một đối tượng ở một thời điểm thôi, nên ở khoảnh khắc của kinh nghiệm đặc tính cứng, làm sao mà không tối được đây? Nhưng kể cả trong bóng tối thì trí tuệ vẫn có thể hiểu, dù là trong bóng tối hay không trong bóng tối, nó có thể hiểu bất cứ cái gì xuất hiện. Vậy thực tại kinh nghiệm (tâm) tối hay không tối đây? Ta có thể nói hiện giờ ta đã hiểu tâm như nó là hay chưa? Bởi vì khi nó xuất hiện, nó xuất hiện trong bóng tối. Khi nó xuất hiện, không có hình và dạng, nó chỉ kinh nghiệm đối tượng được kinh nghiệm mà thôi. Khi đó thì ta mới thực sự hiểu được ý nghĩa của từ “thế giới- thế gian”: không có gì cả, rồi có một cái gì đó, rồi lại không gì cả. Nếu không có gì sinh khởi, liệu ta có thể nói rằng có thế giới hay không? Nếu không có gì sinh khởi thì không có thế giới, nhưng bất cứ khi nào có cái gì đó sinh khởi thì đó là thế giới, dù đó là gì đi nữa. Chính vì vậy ý nghĩa của thế gian là cái sinh và diệt. Chỉ có duy nhất một thực tại không sinh diệt, vượt lên trên thế gian, đó là Niết bàn. Nếu không nghiên cứu, ta sẽ cho rằng đó là một nơi chốn rất đẹp đẽ, rất yên bình và hạnh phúc. Nhưng nếu như vậy, nó lại là một thế giới rồi, nhưng nó thực chất là siêu thế chứ không phải là thế gian. Nếu Đức Phật không dạy về Niết bàn thì có ai có thể biết về Niết bàn không?

Vị sư 1:          Achaan nói rằng hiểu biết phát triển bởi biết đặc tính của thực tại một cách từ từ.  Vậy sự khác biệt giữa đặc tính của thiện và bất thiện, đặc tính của lạnh và nóng về mặt tối hậu?

Achaan:         Bằng lý thuyết, chúng ta biết rằng tính chất của thực tại là khác nhau, chẳng hạn như về tâm: một số tâm là thiện, một số là bất thiện, một số là quả và một số là duy tác (không phải thiện hay bất thiện). Lúc khởi đầu chưa hiểu được thực tại là pháp thì chưa thể biết được ngay lập tức tính chất của các thực tại ấy. Nếu chưa có hiểu biết về từng thực tại riêng biệt thì chưa thể hiểu được thực tại này là thiện, và thực tại kia là bất thiện. Hiểu biết về tất cả các các pháp cần phải được phát triển, nhưng chưa thể hiểu ngay lập tức nó là thiện hay bất thiện, hãy chỉ cần bắt đầu hiểu rằng nó không giống như bất cứ cái gì trước đây, nó chỉ là một đặc tính, không phải là cái bàn, cái ghế hay những thứ mà trước đây ta vẫn nghĩ. Ở khoảnh khắc này, đặc tính cứng xuất hiện nhưng nó không thực sự rõ ràng, bởi vì cũng có những thực tại khác xuất hiện, và chưa sinh khởi thực tại có đặc tính hay biết (tức là chánh niệm – ND). Khi chánh niệm sinh khởi, sẽ khác với lúc bình thường, mặc dù chỉ chút xíu mà thôi. Chẳng hạn ở khoảnh khắc có sự xúc chạm hiện giờ, vẫn chưa có cái hiểu về đặc tính cứng, nhưng ở khoảnh khắc có chánh niệm, chỉ có đặc tính cứng xuất hiện mà thôi. Khi đó ta không cần phải nói là chánh niệm đang hay biêt về nó, nhưng đặc tính của cái cứng thực sự xuất hiện như nó là. Đây là sự khác biệt giữa cuộc sống hàng ngày có hiểu biết và cuộc sống hàng ngày không có hiểu biết, và cũng là sự khởi đầu của hiểu biết đã khác với hiểu biết thuần tùy tư duy. Kể cả sự kiện ấy cũng có thể trở thành đối tượng của sự dính mắc ngay lập tức. Vì vô minh vẫn còn đó, dính mắc còn đó và ý niệm về ngã còn đó. Duy nhất chỉ có trí tuệ mới có thể thấy được sự khác biệt. Nếu không, nó sẽ lại rơi vào cái bẫy của sự dính mắc. Tham ái là một ông chủ rất quyền lực. Kể từ khoảnh khắc ta mở mắt, có ai thấy ông chủ không? Chúng ta cử động, chúng ta làm mọi thứ đều do ông chủ.

Như vậy trí tuệ cứ phát triển từ từ tiếp tục cho đến khi nó hiểu được thực tại như nó là, nhiều hơn và kỹ hơn. Chỉ có trí tuệ mới có thể tận diệt được tà kiến và vô minh mà thôi. Chỉ đến khi tâm siêu thế kinh nghiệm Niết bàn mới tận diệt hoàn toàn dính mắc vào ý niệm về ngã, hoàn toàn loại bỏ không bao giờ trở lại. Khoảnh khắc không muốn có tham thì lúc đó tham đã có mặt rồi. Làm thế nào thoát khỏi nó đây? Chỉ có hiểu biết đúng mới có thể thấy một cách rõ ràng hơn. Và trí tuệ không hoài nghi về các đối tượng đã được hiểu. Nhưng tuệ giác vẫn còn chưa đủ để hiểu rằng bản thân hoài nghi đó cũng không phải là tự ngã. Dù trong kiếp sống này hay trong kiếp sống khác, tham và si vẫn là những ông chủ lớn. Chúng ta đã là nô lệ của tham từ rất lâu rồi, vậy làm sao để tham từ bỏ nô lệ của chúng đây? Chỉ có trí tuệ mới có thể làm điều ấy, một cách từ từ cho đến khi tham hoàn toàn tận diệt.

Vị sư 1:          Vậy thì ý niệm về tham hay sân chỉ là suy nghĩ của chúng ta và tại khoảnh khắc mà nó sinh khởi thì nó chỉ sinh khởi mà thôi?

Achaan:         Thực tại là vô ngã và trí tuệ có thể hiểu được điều ấy. Thông thường, sẽ có ý niệm “tôi thích” hoặc “tôi bực”, nhưng khi tham sinh khởi thì có sự dính mắc, khi dosa sinh khởi thì sự khó chịu, những đặc tính ấy khác nhau, nếu không sẽ không thể phân biệt được rằng lúc này tôi tham và lúc này tôi sân.

Vị sư 1:          Nhưng cái đó có thể là ở khoảnh khắc sau. Còn trong khoảnh khắc đó thì chỉ là sinh khởi.

Achaan:         Khi sân sinh khởi thì ta có cần phải gọi nó là sân chưa? Sân là một thực tại có đặc tính riêng và chức năng riêng của nó, đó cũng là một loại pháp. Hiểu biết đúng  bắt đầu hiểu được từng thực tại là pháp cho đến khi tất cả các pháp đều chỉ là vô ngã mà thôi.

Vị sư 1:          Khi Bà nói nó là thực tại thì có phải ý rằng đó là như nó là hay không?

Achaan:         Đúng như vậy. Ví dụ sân thì không phải là tham, nó có đặc tính riêng.

Vị sư 1:          Khi chúng ta nói tham và sân thì thường có xu hướng nghĩ rằng đó là xấu, nhưng tại khoảnh khắc cái mà là tham và sân thì nó không có cái ý niệm đó, mà nó ở khoảnh khắc sau.

Achaan:         Ở khoảnh khắc có sự suy nghĩ, suy nghĩ đó có thể sinh khởi với tham hoặc sân. Nhưng suy nghĩ chỉ làm nhiệm vụ suy nghĩ, không phải là tham cũng không phải là sân. Tâm làm nhiệm vụ kinh nghiệm đối tượng không phải là suy nghĩ, không phải là tham hay sân. Mỗi thực tại có chức năng riêng của chúng, mỗi thực tại như tâm và tâm sở đều sinh khởi để đảm nhận chức năng riêng của chúng. Ở khoảnh khắc có một âm thanh rất lớn làm chói tai, dù ta vẫn chưa biết đó là âm thanh gì thì đã có sân với âm thanh đó rồi, như vậy, lúc có sân sinh khởi cùng với suy nghĩ, nhưng có lúc nó không sinh khởi cùng với suy nghĩ.

Vị sư 1:          Khi nói về sân và tham hay khi nghĩ về chúng, thì thường là có sự phản ứng nghĩ rằng nó là cái không tốt, nó là cái chướng ngại, nhưng có lúc lại nghĩ rằng chúng chỉ là các pháp tự nhiên. Tại sao lại như vậy?

Achaan:         Do duyên.  Có rất nhiều loại duyên khác nhau, về cơ bản thì có hai mươi tư loại duyên hệ,  nếu tính những loại duyên phụ thì còn nhiều hơn nữa.

Vị sư 1:          Khi Achaan nói đến kinh nghiệm khoảnh khắc hiện tại thì điều đó có thưởng xảy ra trong ngày? hay là nó xảy ra rất lâu, có thể  nhiều năm cũng chưa thể thấy được nó.

Achaan:         Ý sư là kinh nghiệm cùng với hiểu đúng về thực tại?

Vị sư 1:          Đúng.

Achaan:         Phải nói rõ là với hiểu biết đúng, bởi vì lúc nào cũng có tâm kinh nghiệm đối tượng, kể cả ở khoảnh khắc ngủ say, khi đó tâm hộ kiếp vẫn đảm nhận nhiệm vụ duy trì sự sống. Khi kiếp sống đó kết thúc, sẽ không còn tâm sinh khởi cùng với thân đó nữa. Ngay sau khi tâm cuối cùng trong kiếp sống đó diệt đi, lại có những tâm khác sinh khởi tiếp nối mà không có sự gián đoạn. Mỗi tâm sẽ làm duyên cho tâm tiếp nối theo phương thức vô gián duyên, ngoại trừ tâm tử của một vị Arahat.  Đó được gọi là Đại Niết bàn hay Bát Niết bàn. Với các tâm còn lại, bất cứ tâm nào diệt đi cũng lại tạo duyên cho tâm tiếp theo. Nếu như hiện giờ không có tâm sinh khởi thì sẽ không có cái thấy, không có con người, không có gì xuất hiện cả.

Vị sư 1:          Cái hiểu đúng sinh khởi nhiều lần trong ngày hay phải mất thời gian rất lâu và khó khăn? Có nhân duyên nào mà có thể xảy thường trong ngày hay nhiều ngày sau đó.

Achaan:         Ông chủ lớn đang có ở mặt ở đó. Hiện giờ tham đang sinh khởi và nó trăn trở khi nào, bao lâu, được nhiều không? Nếu hiểu biết đúng sinh khởi, nó chỉ biết là nó sinh khởi và tại thời điểm đó nó biết rất rõ điều ấy, còn bất kể khoảnh khắc hiểu biết tiếp theo sẽ sinh khởi vào khi nào thì không quan trọng, vì điều ấy tùy thuộc vào nhân duyên, không quyết định được. Mời Sarah nói thêm về các ách hay xiềng xích (yoga).

Sarah:            Như chúng ta đã nói từ trước, các loại xiềng xích (ách, gông) như vô minh, tham ái và dính mắc trói buộc chúng ta trong vòng luân hồi. Chẳng hạn bây giờ có thể có một chút hiểu biết về mặt tư duy về thực tại. Chúng ta có thể cảm thấy phấn khích về điều đó và cho rằng có sự hoan hỉ ở trong đó. Liệu có thể có tham thọ hỷ mà chúng ta đã tích lũy từ lâu trong đó? Cái đó giống như một cái bẫy. Nếu chúng ta băn khoăn liệu có thể có thêm những khoảnh khắc hiểu biết hay không vào ngày mai, đó đã là một cái ách to hơn rồi. Khi chúng ta bắt đầu phân vân, liệu đây có phải là cái hiểu về đối tượng thị giác v.v… đó lại là cái ách nữa. Khi lại tiếp tục hỏi liệu bao lâu nữa ta sẽ lại có thêm hiểu biết ấy, thì đó lại là thêm ách, thêm cái bẫy tiếp theo. Thay cho việc tiếp tục bị chìm đắm trong những câu chuyện về con người và mọi thứ, chúng ta có thể bị chìm đắm trong những câu chuyện về cái cứng, về cái thấy, đối tượng thị giác và v.v. Ở những khoảnh khắc đó có tâm tham hợp với tà kiến về ngã và mong muốn có thêm hiểu biết cho bản thân ra. Đây không phải là mục đích của việc phát triển hiểu biết đúng. Mục đích tốt nhất của sự phát triển trí tuệ không phải là để cho bản thân, cho thế giới, hay cho một người nào đó, mà chỉ cho chính trí tuệ đó mà thôi.  Ngay lúc đầu, sư có nói một câu rất trung thực rằng, đến đây nghe Achaan giảng cũng bị thúc đẩy bởi ý niệm về ngã và mong muốn cho bản thân; đó cũng đều là những thực tại hữu vi mà thôi, là sự dính mắc vào việc muốn có hiểu biết. Đó cũng là vô ngã. Như vậy, tất cả những gì ở khoảnh khắc này, ví dụ như dính mắc, hay xiềng xích mà chúng ta vừa nói tới, đều có thể trở thành đối tượng của hiểu biết. Bất cứ thực tại nào, bất cứ pháp nào đều có thể là đối tượng của hiểu biết đúng, kể cả những dính mắc đã đưa chúng ta đi vào con đường sai.

Achaan:         Chúng ta có thể nói về một số những khía cạnh khác nhau của phiền não, nếu không thì chúng ta sẽ không thể nhận ra là chúng ta có nhiều phiền não đến mức nào. Mỗi người chỉ có một tâm ở một thời điểm, ai biết được có những gì ở trong đấy đã được tích lũy, bao nhiêu bất thiện và bao nhiêu thiện, cùng với những thực tại khác, tùy thuộc vào khoảnh khắc mà nó sinh khởi mà thôi. Vậy nếu không có những gì đã tích lũy thì sẽ không còn những phiền não nữa, nhưng một khi nó đã sinh khởi và diệt đi thì tâm tiếp theo sẽ mang theo tích lũy vừa xảy ra, cứ tiếp tục như vậy trong mỗi khoảnh khắc của tâm. Kể cả ở khoảnh khắc của sự tái sinh (trong kiếp cuối), Đại Bồ tát cũng chưa tận diệt được hết phiền não. Mặc dù vẫn còn phiền não dưới dạng ngủ ngầm nhưng những Ba la mật của Ngài còn mạnh mẽ hơn.

Ta có thể thấy những gì mà chúng ta đang tích lũy hôm nay, dù là thiện pháp hay bất thiện pháp, đều không phải là tôi mà chỉ là những tích lũy trong tâm được chuyển tiếp từ tâm này sang tâm khác. Chính những tích lũy hiểu sự thật mới đưa chúng ta tới đây. Nhưng bên cạnh đó, cũng có tất cả những tích lũy bất thiện. Chính vì vậy khi trí tuệ vẫn chưa đủ, ta vẫn nghe Pháp chỉ vì cho bản thân mình mà thôi. Khi đó sẽ có ý niêm tôi sẽ nghe, tôi sẽ hiểu. tôi sẽ chứng đắc, v.v. Đấy là một khía cạnh của phiền não gọi là ách mà cô Sarah vừa đề cập tới.

Hôm trước, chúng ta có nhắc tới 3 nhóm phiền não: ngủ ngầm, lụt và ách (xiềng xích, gong, cùm). Asava- lậu hoặc là những ô nhiễm đã được tích lũy, ủ men, và chúng sẵn sàng tiết ra bất cứ lúc nào. Ngay ở khoảnh khắc của cái thấy, nếu đó là thời điểm để cho một loại phiền não sinh khởi thì nó sẽ lập tức sinh khởi. Không ai có thể biết được mức độ đó của phiền não, nó rất vi tế. Chỉ những loại phiền não mạnh hơn như thế thì chúng ta mới có thể nhận biết được mà thôi. Chỉ có Đức Phật mới có năng lực biết được cả những phiền não dưới dạng ngủ ngầm của chúng sinh. Đó chính là cái chúng ta gọi là phiền não ngủ ngầm. Nó vẫn tiềm ẩn trong tâm nhưng chưa sinh khởi, nó chỉ chờ đợi ở đó để có dịp sinh khởi mà thôi. Đó là loại phiền não vi tế nhất. Asava lậu hoặc cũng vi tế, bởi vì nó sinh khởi mà ta không biết, còn ngủ ngầm thì hoàn toàn không sinh khởi. Nếu không có ngủ ngầm thì chẳng còn phiền não nào cả. Từ chỗ không có gì cả, nhưng do nó tồn tại dưới dạng ngủ ngầm, khi có cơ hội để nó sinh khởi thì nó lại sinh khởi. Dường như chỉ có một cái lỗ rất nhỏ để nó có thể thoát ra, cái lỗ nhỏ đấy chính là asava – lậu hoặc. Có một cụm từ dùng để chỉ các vị A la hán, đó là người đã đoạn tận các lậu hoặc, khi các lậu hoặc đã được tận diệt bởi tâm đạo. Thay cho việc nói rằng các phiền não đã được tận diệt, ta cũng có thể nói là đoạn tận lậu hoặc. Có bốn loại lậu hoặc: thứ nhất là dục lậu hoặc – khi nào thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm thì lậu hoặc này ở đó; cùng với nó có thể có tà kiến lậu hoặc cho rằng cái được kinh nghiệm là một cái gì đó tồn tại kéo dài; cũng có thể có hữu lậu hoặc ở đó nữa; và lậu hoặc căn bản nhất là avijja asava- vô minh lậu hoặc, luôn có ở khoảnh khắc của bất thiện. Do vô minh mà có tham, và mỗi khi có sân thì cũng có vô minh ở đó, vô minh đứng đằng sau tất cả bất thiện. Vậy tâm mang theo nhiều bất thiện đến mức nào, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Và nó lại dày thêm, dày thêm ở mỗi khoảnh khắc bất thiện sinh khởi. Như vậy, đừng nghĩ ta có thể sớm trở thành một vị Tu đà hoàn mà không có hiểu biết thực sự phát triển. Mỗi khi lậu hoặc sinh khởi thì nó giống như là một trận lụt, giống như biển cả cứ rộng thêm và rộng thêm nữa. Ta cảm thấy rất khó khăn khi bơi qua đại dương đó khi nó càng ngày càng xâm lấn nhiều hơn. Một loại phiền não nữa là ách hay xiềng xích. Đó là một cái ách, gông, cùm hay xiềng xích giữ chúng ta ở một chỗ khiến ta không thể di chuyển được, giống như một cái khung tranh vậy, khung tranh giữ ta ở đó không thể thoát ra khỏi, như bị dính chặt vào. Khi có những ý niệm như “làm thế nào” hay “liệu tôi có thể”, thì lúc đó không thể thoát ra khỏi cái ách đó. Cũng có thể ví nó như việc một người bị cùm ở trong một căn phòng, căn phòng đó lại bị khóa kín, và cửa nhà cũng bị đóng chặt. Vậy nếu không có trí tuệ thì không thể nào thoát khỏi mấy ông chủ là tham, tà kiến và vô minh.

Kể cả khi ta đã tạo được các thiện pháp ở mức độ cao như đắc thiền, nó cũng giống như  một sợi dây thôi, nó cho ta đi xa một đoạn nhưng vẫn bị kéo về, rồi lại bị nhốt vào căn  phòng đó và lại bị khóa cửa lại. Hãy hiểu điều đấy để thấy được giá trị và ơn đức lớn lao của Đức Pháp, cái giúp chúng ta thoát khỏi vòng xiềng xích của những phiền não ấy. Khi đọc về cuộc đời của những vị đệ tử của Đức Phật, chúng ta thấy các vị ấy đã phát triển tuệ giác trong nhiều đại kiếp, bắt đầu từ hiểu biết về mặt tư duy. Kể cả từ pháp, sáng nay chúng ta đã nghe nhiều lần, nhưng bây giờ có cái hiểu nào về pháp hiện khởi ở đây hay không? Nếu ta không được nhắc nhở thường xuyên, thì suy nghĩ lại cứ nghĩ sang những chuyện khác, luôn luôn suốt cả ngày. Chính vì vậy Đức Phật đã thuyết giảng trong 45 năm, từ sáng đến trưa, đến chiều và cả tối nữa cho bất cứ ai có cơ hội nghe Ngài thuyết giảng, và Ngài vẫn tiếp tục thuyết giảng kể cả ngay trước khi nhập diệt.

Vị sư 1:          Chúng ta sống trong vô minh dày đặc, vì thế để có chánh niệm nhận ra đặc tính của thực tại thì rất là khó khăn.

Achaan:         Chính vì lẽ đó mới cần nhấn mạnh đến hiểu biết đúng. Thông thường chúng ta vẫn hay nhắc đến chánh niệm, nhưng mấu chốt là, khi có hiểu biết đúng sẽ có chánh niệm ở đó. Bình thường chánh niệm cũng có trong bố thí, trì giới, nhưng chánh niệm của Bát Chánh đạo phải đi kèm với hiểu biết đúng. Còn khoảnh khắc muốn có chánh niệm thì sẽ có xiềng xích ở đó, nó không thể sinh khởi từ việc muốn có mà phải từ việc hiểu. Khi hiểu biết về mặt lý thuyết vẫn chưa đủ vững vàng đến mức độ sacca nana, nó không thể tạo duyên cho chánh niệm sinh khởi. Chính vì vậy chánh niệm không nên là đối tượng của mong muốn, dính mắc, mà nó cần phải là đối tượng của hiểu biết đúng. Khi không có hiểu biết đúng thì chánh niệm cũng sẽ trở thành đối tượng của sự dính mắc. Khi có đủ hiểu biết đúng, sẽ thấy chẳng có gì cần phải làm về nó, bởi vì tất cả các pháp sinh khởi do duyên và chỉ do duyên mà thôi. Hiện giờ cái thấy được sinh khởi do duyên, cũng như vậy chánh niệm cũng sinh khởi do duyên. Cách tốt nhất là không nghĩ về việc có nó, hãy hiểu thôi! Đấy là cách duy nhất để giúp chúng ta xa rời các ông chủ kia.

Sadhu sadhu sadhu!

 

Leave a Reply

Translate »