Pháp đàm chiều 04-09-2013 tại Sài gòn

12/ Pháp đàm buổi chiều ngày 04.09.2013 tại SG.

 

Vị sư 1:          Khi nãy Achaan và cô Sarah nói về sự dính mắc, rằng tâm tham trong đời sống rất nhiều, phần lớn khoảnh khắc có vô minh và tâm tham. Chẳng hạn trong cái nhìn thì muốn thấy cái gì đó xem nó là màu xanh hay màu trắng, cái muốn đó có phải là tâm tham không?

Achaan:         Tâm thấy sinh khởi và diệt đi ngay lập tức, tâm tiếp theo kinh nghiệm cùng đối tượng với nó nhưng đảm nhận một chức năng khác. Mỗi tâm có chức năng riêng của mình. Chẳng hạn, tâm đầu tiên của một kiếp sống sinh khởi và đảm nhận chức năng tiếp nối tử thức của kiếp trước và rồi diệt đi ngay lập tức. Sau khi thức tái tục này diệt đi, nó lại được tiếp nối bởi một tâm khác, tâm này không có chức năng nghe, thấy, nếm, ngửi, xúc chạm như bình thường, mà chỉ có chức năng tiếp tục duy trì mạng sống trong kiếp đó mà thôi. Ngay cả hiện giờ, giữa khoảnh khắc của cái thấy và cái nghe cũng có những tâm ấy xen kẽ và tiếp nối để duy trì được mạng sống trong kiếp này. Như vậy chúng ta có thể mô tả là có một dòng hữu phần (hay dòng hộ kiếp), và xen kẽ có cái thấy, cái nghe, suy nghĩ v.v sinh khởi. Từ không hề có một thực tại nào xuất hiện, sau đấy lại có một khoảnh khắc của cái thấy hay một cái nghe, rồi lại có những khoảnh khắc của các tâm hộ kiếp đó. Tâm sinh và diệt tiếp nối nhau rất nhanh. Một số tâm không kinh nghiệm đối tượng qua sáu căn. Một số tâm chỉ có thể có đối tượng thị giác là đối tượng mà thôi. Một số thì chỉ có thể có âm thanh là đối tượng. Những mô tả này chính là về hiện tại, nhưng tất cả trôi qua rất nhanh nên không ai có thể biết gì về nó. Chắc chắn cần phải có tâm trước khi có cái thấy, nhưng có ai biết được không? Phải có những tâm tiếp nối cái thấy, nhưng ai có thể biết được nào? Nhưng thường thì chỉ ở những khoảnh khắc bắt đầu có tham hay sân với đối tượng, chúng ta mới biết đến cái được kinh nghiệm.

Kể cả những mức độ phiền nào rất vi tế như lậu hoặc cũng có thể được tận diệt bởi trí tuệ. Nhưng trước khi trí tuệ có thể phát triển đến mức độ ấy, cần phải có hiểu biết ở mức độ tư duy nhờ nghe những lời dạy chân chánh về sự thực của tất cả những gì đang xuất hiện hiện giờ. Khi không được nghe Pháp, không có hiểu biết đúng, vô minh và dính mắc sẽ đi liền sau cái thấy. Nhưng nếu như có hiểu biết đúng, khi không có vô minh và dính mắc, trí tuệ có thể hiểu đúng về thực tại ở khoảnh khắc đó, và đó chính là sự phát triển của hiểu biết. Khi đó thay cho bất thiện sau cái thấy sẽ có thiện hợp trí. Ở khoảnh khắc của suy nghĩ, nếu ta chưa phải một vị A la hán thì hẳn sẽ phải là thiện hoặc bất thiện. Nếu không nghiên cứu Giáo lý thì ta sẽ không thể biết được loại tâm đang suy nghĩ đó là tâm gì. Kể cả bây giờ nếu như được hỏi là những suy nghĩ đó là gì, liệu ai đó có thể nói mình đang suy nghĩ như thế nào hiện giờ không? Bởi vì suy nghĩ sinh và diệt quá nhanh. Nhưng khi trí tuệ sinh khởi, nó có thể hiểu được đặc tính của cái xuất hiện trước đó. Còn bây giờ, mặc dù thực tại xuất hiện nhưng không có hiểu biết đúng về nó.

Tại sao chúng ta cứ nói đi nói lại mãi về cái thấy, cái nghe, hay cái cứng? Đó là bởi vì chúng đang xuất hiện hiện giờ. Nếu chúng ta nói về những thứ khác, sẽ không thể có duyên để hiểu về những gì đang xuất hiện, để có thể thấy được sự khác biệt giữa khoảnh khắc trước khi được nghe Pháp và sau khi nghe Pháp. Cái cứng xuất hiện nhiều hơn hay ít hơn trước đây, kể từ sau khi được nghe pháp? Dù là trước đó hay bây giờ, mặc dù đặc tính cứng được kinh nghiệm nhưng không có hiểu biết đúng. Bất cứ khi nào có sự xúc chạm, ví dụ cầm một cái gì đó lên, thì đã có ý niệm là tôi cầm một cuốn sách, chẳng hạn, chứ không phải là sự xuất hiện của đặc tính cứng. Vậy thì cái thực sự sinh khởi lại không xuất hiện (trở thành đối tượng nhận biết của tâm – ND). Bởi cái mà chúng ta xúc chạm luôn xuất hiện với tư cách là cái bàn, cái khăn v.v… Hay cái xuất hiện ở khoảnh khắc của cái thấy xuất hiện với tư cách là những bông hoa, hay cái bàn. Tuy nhiên, cái thực sự là đối tượng của cái thấy sinh và diệt trong thời gian vô cùng ngắn ngủi, được tiếp nối bởi rất nhiều suy nghĩ về nó, đó chính là lý do khiến đối tượng ấy không xuất hiện như nó là.

Cả cái cứng và cái kinh nghiệm đặc tính cứng đó là một phần của luân hồi, nếu không có những thứ đó thì có luân hồi hay không? Bất cứ cái gì xuất hiện trong ngày đều là một phần của luân hồi. Khi chúng ta nói về luân hồi, chúng ta dễ quên đi cái cứng, trong khi nó vẫn đang có ở đó, ngay bây giờ đây. Nó cần phải được biết đúng như nó là, rằng đó không phải là cái bàn, không phải là bông hoa hay bất cứ cái gì khác. Để bớt đi sự dính mắc về ý niệm về con người hay vạn vật, cần phải có hiểu biết về thực tại đúng như nó là. Cái cứng chỉ là cứng thôi, không có gì ở trong đó cả. Đối tượng thị giác chỉ là cái được thấy, không ai trong đó cả. Chỉ có âm thanh được nghe thôi, chứ không có ngôn từ trong đó. Nếu như không hiểu điều ấy, sẽ không thể có được khoảnh khắc hiểu được thực tại là vô ngã, vì vô minh đã có ở đó. Nó không thể hiểu được các thực tại như chúng là vì khi ấy, các thực tại xuất hiện cùng nhau theo khối, với hình và dạng. Chính vì thế nếu không có hiểu biết đúng về các thực tại chân đế, sẽ luôn luôn có ý niệm về một cái gì đó- đó chính là attanuditthi (tà kiến về ngã đối với những gì bên ngoài -ND).

Vì vậy nếu như không có Giáo lý của Đức Phật thì sẽ không ai biết tới, hoặc không ai hiểu được thực tại như nó là. Chỉ khi ấy mới hiểu được ơn đức của Đức Phật, ở khoảnh khắc đó mới có Buddhanusati. Buddhanusati không phải là khoảnh khắc tụng câu đó bằng tiếng Pali mà không hề biết Đức Phật đã giác ngộ về cái gì, khi ấy sẽ không có sự an tịnh và không có niệm ơn đức Phật. Nhưng nếu có hiểu biết đúng tại khoảnh khắc của cái thấy hiện giờ, thì cũng sẽ có cái hiểu về cội nguồn của hiểu biết ấy, là bậc Giác ngộ đã thuyết giảng cho chúng ta về thực tại. Khoảnh khắc có sự an tịnh cùng hiểu biết và sự ghi ơn đức Phật như vậy cũng là một loại samatha. Nếu sự an tịnh đó lớn mạnh dần, nó có thể đạt được mức độ của sự toàn định, khi tâm an trụ hoàn toàn, không rời khỏi đối tượng nữa. Khi ta nhận thức được đâu là con đường đúng và đâu là con đường sai, khi đấy có thể niệm ơn đức Pháp (Dhammanusati). Vì vậy từng từ trong Giáo lý cần phải được nghiên cứu. Nếu trí tuệ được phát triển, ngay sau khoảnh khắc của cái thấy có thể tâm thiện sinh khởi thay cho bất thiện, và nếu Tuệ giác được phát triển hơn nữa thì thay cho thiện và bất thiện có thể có tâm duy tác sinh khởi. Chỉ khi ấy thì mới hiểu được sự khác biệt giữa tâm thiện và tâm duy tác của một vị A la hán. Tâm thiện là tâm thiện đối với bất cứ ai vẫn còn phiền não. Do vẫn còn phiền não ngủ ngầm, tâm thiện đó vẫn còn năng lực tạo quả. Nhưng khi là tâm thiện mà không còn chút phiền não ngủ ngầm nào nữa, nó sẽ không còn năng lực để tạo quả. Đó là ý nghĩa của việc một vị A la hán sẽ không còn tái sinh.

Vị sư 1:          Như Achaan nói khi có chánh niệm kinh nghiệm trực tiếp khoảnh khắc hiện tại, ngay khi đó thì phải phát sinh các chi trong Bát chánh đạo. Vậy trong khoảnh khắc kinh nghiệm thực tại đó, chức năng và biểu hiện của chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm là gì?

Achaan:         Tất cả các chi của Bát chánh đạo đều là các tâm sở nhưng chúng khác nhau, chẳng hạn tâm sở chánh kiến thì đối nghịch với tà kiến. Khoảnh khắc thấy bông hoa, tà kiến sẽ cho rằng đó là một thứ thường hằng, tồn tại kéo dài, nhưng hiểu biết đúng thì biết rằng nó rất tạm bợ, rằng nếu không có cái thấy, nó sẽ không thể xuất hiện. Nhưng những gì diễn ra thực sự vi tế hơn nhiều, hiện giờ dường như là bông hoa đang xuất hiện với cái thấy, nhưng thật ra, có rất nhiều khoảnh khắc của cái thấy, khi ta biết đến bông hoa, cả cái thấy cũng như đối tượng của cái thấy đã diệt đi rồi. Nếu không có đối tượng thị giác (cảnh sắc) thì sẽ không thể có cái thấy. Nhưng khi cái thấy sinh khởi và thấy đối tượng thị giác thì đối tượng thị giác ấy vẫn chưa diệt đi bởi vì sắc có tuổi thọ dài hơn tâm. Chính vì vậy sắc đó vẫn là cảnh duyên cho những tâm khác sinh khởi kinh nghiệm nó vì nó vẫn chưa diệt đi. Vì những khoảnh khắc đó nó sinh và diệt và tiếp nối nhau rất nhanh cho nên ta hoàn toàn không hay biết gì về những tâm đó, cho đến khi bắt đầu thấy thích và không thích đối tượng đó, khi ấy mới bắt đầu nhận ra là có cái thích hay không thích đó sinh khởi. Đức Phật dạy chúng ta rất chi tiết về từng khoảnh khắc của tâm: tâm được tạo duyên như thế nào, có bao nhiêu tâm sở sinh khởi cùng với nó, chỉ để cho người nghe suy xét xem điều được nghe ấy có đúng không. Đó chính là hiểu biết đúng, là chánh kiến. Khi không có hiểu biết đúng sẽ có tà kiến. Khi hiểu biết đúng sinh khởi, nó biết cái gì là đúng và cái gì là sai. Sư có muốn hỏi thêm gì về chánh kiến không?

Vị sư 1:          Achaan hãy chia sẻ thêm.

Achaan:         Chánh kiến là một tâm sở, nó sinh và diệt, nhân gần để nó sinh khởi là được nghe chánh pháp và suy xét về những gì được nghe một cách chân chánh. 

Về chi thứ hai của Bát chánh đạo, chánh tư duy, samma samkapa, nó cũng là một tâm sở, tâm sở này sinh khởi với hầu như tất cả các loại tâm, trừ những tâm được gọi là ngũ song thức. Ngũ song thức là năm cặp tâm quả, là quả của nghiệp: mỗi cặp bao gồm quả của nghiệp thiện và quả của nghiệp bất thiện. Khi nhãn thức diệt đi, ngay khoảnh khắc sau đó đã có tâm sở tầm sinh khởi. Trong một ngày, chúng ta có thể thấy được sự khác biệt giữa cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, nó xảy ra rất nhanh như một tia chớp vậy. Bởi vì ngoài những thức đó ra, không có tâm nào khác có thể đảm nhận chức năng thấy hoặc chức năng nghe, một cái là quả thiện, một cái là quả bất thiện. Vì vậy chúng ta có thể hình dung rằng cái thấy hoàn toàn khác với những tâm khác. Đức Phật dùng thuật ngữ upatti để chỉ ngũ song thức. Ở khoảnh khắc của một trong ngũ song thức, tất cả các xứ đều phải có mặt cùng nhau ở thời điểm đó, chẳng hạn nhãn thức sinh khởi nương vào nhãn căn cùng đối tượng thị giác. Vậy, khoảnh khắc của cái thấy hoàn toàn khác với khoảnh khắc của những tâm khác, mặc dầu dường như bây giờ các tâm khác cũng đang thấy, như là tham hay sân cũng đang thấy. Nhưng trên thực tế đó là những tâm khác, chúng cũng kinh nghiệm đối tượng đó nhưng chúng không phải là cái thấy, chúng tiếp nhận đối tượng từ nhãn thức, bởi vì có tâm sở tầm ở đó. Rất khó để nói về các tâm sở, bất kể là tâm sở nào. Chúng ta đã nói rất nhiều về tâm, nhưng chừng nào đặc tính của thực tại đó chưa xuất hiện đối với hiểu biết đúng, ta vẫn chưa thể hiểu được nó một cách trọn vẹn. Chẳng hạn, nhãn thức sinh khởi cùng với bảy tâm sở khác nhau, không có thực tại nào trong đó là đối tượng được kinh nghiệm cho nên chúng không được biết. Nhưng tâm tiếp nối nhãn thức lại là một tâm sinh khởi cùng tâm sở tầm. Làm thế nào chúng ta có thể thực sự hiểu được điều ấy đây? Chúng ta mới chỉ hiểu được một khía cạnh của tâm sở, là khía cạnh mà chúng ta vẫn gọi là suy nghĩ. Tại sao mọi người lại suy nghĩ khác nhau? Đó là do bởi vitaka- tâm sở tầm. Tâm sở tầm đó sẽ chạm vào những đối tượng khác nhau, trong khi xúc chỉ làm nhiệm vụ xúc chạm mà thôi. Chức năng của phassa –xúc là chỉ xúc chạm, nếu không có vitaka thì đối tượng ấy sẽ không thể được biết sau khi có nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức v.v… sinh khởi . Chính vì vậy, các loại tâm sinh khởi sau mười tâm này phải có vitakka sinh khởi cùng. Ở khoảnh khắc của suy nghĩ thì có xúc không?

Ai đó trả lời: Có.

Achaan:         Đúng là như vậy, nhưng nó có xuất hiện hay không? Nhưng ta vẫn biết được là mình đang suy nghĩ, sở dĩ như vậy bởi vì có  đặc tính của tâm sở tầm xuất hiện, cái chỉ suy nghĩ về một đối tượng ở một thời điểm. Tất cả những tâm sở khác đều rất vi tế, rất khó nhận biết. Chẳng hạn thông thường, tâm sở tầm luôn sinh khởi cùng tâm sở tứ. Nói như vậy là để cho tất cả mọi người thấy rằng tất cả các thực tại đều là vô ngã, không ai có thể khiến một thực tại cụ thể trở thành đối tượng của chánh niệm – xúc không thể trở thành đối tượng của chánh niệm bằng ý chí. Vậy những gì chúng ta có thể biết được hiện giờ là gì nào? vẫn chưa có gì cả. Chỉ cần nghe và biết rằng hiện giờ đang có những thực tại ấy mà thôi, để tuệ giác có thể được phát triển đến mức độ bất cứ đối tượng nào cũng có thể trở thành đối tượng của nó, và mỗi một khoảnh khắc đều không thể mong đợi hay lên kế hoạch. Đó là ý nghĩa của từ vô ngã – không thể kiểm soát được.

Vừa rồi là lời mô tả về tâm sở tầm. Khi nó đi cùng với tâm sở chánh kiến, nó sẽ trở thành một chi của Bát chánh đạo mà chúng ta gọi là chánh tư duy. Chúng ta có thể nói rằng bất cứ khi nào có chánh kiến thì chánh tư duy cũng có ở đó. Nhưng vì chánh kiến vẫn chưa đủ mạnh nên tất cả những tâm sở sinh khởi cùng với tâm sở ấy đều chưa được nhận biết. Chúng ta có thể biết được tại sao tầm lại là một trong các chi của Bát chánh đạo, bởi vì chức năng của nó là nhấn vào đối tượng để chánh niệm có thể hay biết về đối tượng ấy, còn chánh kiến – trí tuệ có thể hiểu đúng đặc tính của đối tượng ấy. Có rất nhiều tâm sở khác nhau sinh khởi cùng với tâm và diệt đi cùng với tâm ngay bây giờ đây.

Sarah:            Có một số người có thể thắc mắc là tại sao Achaan lại nhấn mạnh đến chánh kiến – Yếu tố đầu tiên của Bát chánh đạo nhiều đến như vậy. Bởi vì họ quen với những ý niệm như là: đầu tiên phải có tinh tấn trước hay chánh niệm trước rồi mới có hiểu biết, hay phải có chánh định trước rồi mới có trí tuệ sinh khởi. Nhưng chúng ta đã học từ mấy ngày hôm nay rằng, nếu không có chánh kiến sinh khởi để biết được rằng các thực tại đều là vô ngã thì các tâm sở đi cùng sẽ không thể là chánh được. Ở khoảnh khắc có chánh kiến sinh khởi, chánh tư duy – samma samkapa (vitakka –tầm) sẽ làm nhiệm vụ nhấn vào đối tượng và hỗ trợ cho trí tuệ hiểu rõ hơn về đối tượng ấy. Ở khoảnh khắc có chánh kiến thì chánh niệm cũng có ở đó, nó hay biết về đối tượng ấy một cách thiện. Nó hay biết về thực tại, về đối tượng mà không hề có ý niệm là đang phải cố gắng chánh niệm. Ở thời điểm có chánh kiến như vậy thì đồng thời cũng có mặt chánh tinh tấn, chánh tinh tấn khi ấy sẽ đảm nhận chức năng của mình là hỗ trợ chánh kiến hiểu đúng đối tượng. Khi ấy chánh định cũng sẽ có mặt, trụ trên đối tượng ấy một cách đúng đắn. Ở khoảnh khắc của sự giác ngộ, mức độ định của Chánh định (samadhi) tương ứng với các tầng thiền (jhana), vì đối tượng của tâm lúc đó là Niết bàn. Đó chính là lý do mà Achaan nhấn mạnh đến chánh kiến nhiều như vậy. Bởi vì bất cứ khi nào chánh kiến có mặt thì các tâm sở đồng sinh cũng sẽ thành chánh và nó hỗ trợ cho chánh kiến, nhưng trong tất cả các chi đó thì chánh kiến chính là yếu tố dẫn đầu. Đó chính là cái giúp chúng ta không đi lệch khỏi con đường đúng và cho rằng cần phải cố gắng theo một cách cụ thể đặc biệt nào đó, hay là cố gắng có chánh niệm.

Học viên 2:   Mình nói rất nhiều về sự hiểu biết đúng đắn- trí tuệ, nó có những thang bậc khác nhau để chúng ta có thể đo được trí tuệ của chúng ta đến đâu không? vì rõ ràng chúng ta phải vun bồi nó từ từ, khi hành thiền minh sát thì các thiền sư hay nói về 16 tầng tuệ giác, cái đó có phải là bảng để chúng ta tham chiếu được hay không? Con được biết thì trong kinh điển thì chính Đức Phật không thuyết giảng về các tầng tuệ này mà nó chỉ xuất hiện trong Thanh tinh đạo.

Jonathan:     Đúng như bạn vừa nói, tuệ giác phải phát triển một cách rất từ từ. Nó bắt đầu ở mức độ rất sơ khởi mà hiện giờ tất cả chúng ta đang ở đó. Nhưng kể cả ở giai đoạn đầu tiên đó. nó chỉ có thể sinh khởi khi có hiểu biết đúng về đối tượng của trí tuệ. Chính vì vậy chúng ta đã nói rất nhiều về những loại pháp khác nhau có thể sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bước chuyển từ sự khởi đầu của phát triển tuệ giác đến các tuệ minh sát không  thể diễn ra trong vòng một kiếp sống. Chúng ta đọc trong kinh điển Pali về các vị trưởng lão tăng, trưởng lão ni, về các kiếp quá khứ của họ thì thấy rằng phát triển trí tuệ cần đến nhiều đại kiếp. Rất nhiều người có thể có ý niệm rằng có thể đạt được tuệ giác vipassana bằng cách thực hành một số kỹ thuật nào đấy. Chúng ta rất dễ bị dụ vào những diễn giải đó bởi tâm tham cho rằng điều ấy là có thể. Với sự thực rằng Trí tuệ chỉ có thể phát triển một cách rất từ từ, chúng ta không nên có mong đợi rằng sẽ có sự chứng đắc nào đó chỉ trong một kiếp sống mà thôi. Khi có tham vọng đó nó sẽ trở thành một chướng ngại cho sự sinh khởi của chánh niệm và tỉnh giác.

Achaan:         Thế bạn muốn nói đến tuệ giác vipassana nào để làm thước đo đây?

HV 2:             Khi được nghe về các tầng tuệ giác thì chúng ta có thể dùng các thông tin ấy để làm thước đo hay không? Bởi vì con không hiểu nên con muốn hỏi Achaan, chứ con nghĩ mình cũng chưa có được cái Tuệ giác nào.

Achaan:         Vậy thì trước hết chúng ta hãy tìm hiểu xem, thế nào là tuệ minh sát?

HV 2:             Con cũng chưa được nghiên cứu nhiều, tầng tuệ đầu tiên là tầng tuệ phân biệt danh sắc, tầng tuệ thứ hai là Tuệ nhân quả, tuệ ba là tuệ diệt thì có cũng chỉ hiểu như vậy, khi hành thiền thì thỉnh thoảng con cũng có một vài trải nghiệm nhưng con không chắc đó có phải là Tuệ giác hay không?

Achaan:         Trước hết hãy xác định thế nào là tuệ minh sát, chứ chưa cần phải nói đến từng tầng tuệ.

HV 2:             Tuệ minh sát là một cái hiểu rõ pháp như nó là.

Achaan:         Hiểu về cái mà chúng ta đang nói hiện giờ thì có phải là tuệ minh sát không?

HV 2:             Chắc chắn đúng là như vậy.

Sarah:            Chẳng hạn bây giờ ta đang nói về rất nhiều về cái thấy là một danh kinh nghiệm một đối tượng. Đối tượng thị giác là một đối tượng được thấy, nó không phải là con người, không phải là đồ vật hay bất cứ cái gì có hình dạng, mà chỉ là cái được thấy mà thôi. Như vậy thì có thể có một vài sự suy xét chân chánh về cái thấy và đối tượng thị giác. Nhưng đó vẫn chưa phải là hiểu biết trực tiếp về cái xuất hiện. Trí tuệ trực nhận khác hẳn với suy nghĩ về những thực tại ấy. Nếu không có hiểu biết trực tiếp về cái xuất hiện thì cũng không thể nào cố gắng để hay biết về chúng, và khi ấy vẫn chưa phải là sự bắt đầu của Tứ niệm xứ. Trừ phi ta có được hiểu biết về pariyati- pháp học một cách hoàn toàn đúng đắn và không còn ý niệm về một ai đấy có thể cố gắng chánh niệm,  chúng ta chưa thể nói đến sự phát triển Tứ niệm xứ (sự hay biết trực tiếp về thực tại). Và nếu chưa có những căn bản ấy thì cũng chưa có gì để mà phấn khích vội. Vì cần phải có chánh niệm hay biết trực tiếp về tất cả các loại thực tại nhiều lần trước khi có thể có xuất hiện được tuệ thứ nhất là Tuệ phân biệt danh sắc. Khi đó sẽ có sự phân biệt một cách rõ ràng sự khác biệt giữa đặc tính của danh và đặc tính của sắc, chứ không phải chỉ là suy nghĩ về những thứ ấy như hiện giờ.

HV 2:              Đây là câu hỏi cho Sarah và Jonathan, tôi rất ngưỡng mộ trí tuệ của hai vị và tôi được biết hai vị đã học theo Achaan hơn 40 năm. Tôi cũng muốn hiểu về Vi diệu pháp. Tôi muốn hỏi là hai vị chỉ học theo lời Achaan dạy hay hai vị có nghiên cứu chính xác cả 7 cuốn vi diệu pháp hay không?

Achaan:         Có phải ý bạn muốn nói rằng những điều tôi nói không đúng theo Tam Tạng?

HV 2:             Không phải thế, những lời Achaan giảng rất ngắn gọn và dễ hiểu cho những người mới như con, nhưng trong thời gian ngắn ngủi như thế này thì đương nhiên nó chỉ mang đến một phần kiến thức nhỏ thôi, còn nếu giả sử con muốn tập trung vào học vi diệu pháp một cách nghiêm túc thì con có cần học kỹ cả bảy cuốn vi diệu pháp hay không?

Jonathan:      Tất cả những lời của Achaan luôn luôn chính xác theo Tam tạng kinh điển. Achaan luôn khuyến khích chúng ta khảo cứu những điều này ở trong Tam tạng kinh điển. Như bạn biết tôi và Sarah cũng có diễn đàn trên mạng và trao đổi về pháp với nhiều người với những nền tảng đa dạng. Những cuộc thảo luận trên mạng này không có sự có mặt của Achaan. Những gì chúng tôi đề cập cũng được phản biện và tính chính xác của chúng được tham chiếu tới Tam tạng kinh điển để kiểm chứng. Với bản thân tôi, tôi cũng muốn chia sẻ là tôi không dựa vào lời nói của người khác mà tôi phải tự kiểm chứng.

Sarah:            Đối với tôi, tôi cũng giống như các bạn, đã hỏi rất nhiều, suy xét rất nhiều và luôn kiểm tra đối chiếu với kinh điển để có thể suy xét và tìm ra cái gì là đúng.

Achaan:         Thực chất, đó không phải là những lời của tôi. Những lời chân lý về bản chất của thế giới là Phật ngôn. Chính Đức Phật đã nói rằng tất cả lời chân lý đều là những lời của Ngài. Nhưng ai có thể nói lại Phật ngôn về chân lý như vậy mà không có sự nghiên cứu đây? Vậy thì tất cả lời nói đúng đắn đều là lời nói của Đức Phật. Không phải là lời nói của riêng ai, không phải là lời nói của riêng tôi.

Sarah:            Tất cả những gì chúng ta đã thảo luận trong vài ngày qua – về các thực tại, về vitakka, về các lậu hoặc,  các ách, các chi của Bát chánh đạo hay nghiệp đạo, v. v. , tất cả các chi tiết ấy các bạn có thể tìm thấy trong Tam tạng kinh điển. Tất cả các thực tại ấy là vô ngã, và khi hiểu như vậy thì nơi chốn không phải là vấn đề. Sự phát triển hiểu biết phải rất tự nhiên. Mặc dù chúng tôi đã phải làm việc rất nhiều và sống xa nơi Achaan sống, nhưng tất cả những điều ấy không phải là sự cản trở cho việc nghiên cứu Giáo pháp, cản trở duy nhất chính là tà kiến không thể thấy được con đường đúng đắn.

Jonathan:     Để trả lời câu hỏi của bạn là liệu có cần phải đọc một cuốn sách cụ thể nào không, thì điều quan trọng nhất là chúng ta được gần gũi một bậc thiện trí, là người có thể giúp chúng ta có cái hiểu đúng đắn về Giáo pháp. Bởi nếu chúng ta đọc sách mà không có nền tảng hiểu biết đúng ngay từ ban đầu, chúng ta có thể hiểu sai những ý đề cập trong cuốn sách đó, và như vậy sẽ không giúp cho chúng ta có được hiểu biết đúng và đi trên con đường đúng. Khi Đức Phật thuyết pháp, Ngài thường thuyết pháp cho những đối tượng là những người đã có mức độ tuệ giác rất cao, đủ chin muồi cho giác ngộ. Với những người như chúng ta, do mức độ tuệ giác còn rất ít ỏi, chúng ta cần được nghe những lý giải về những gì Đức Phật đã thuyết giảng cho các vị đệ tử khi ấy bởi người có hiểu biết đúng về những lời dạy ấy, những lý giải ấy không sẵn có trong Kinh.

Achaan:         Tôi nghĩ rằng điều quan trọng không phải là ai nói mà là điều người ấy nói ra có đúng hay không.

Vị sư 1:          Hôm qua Achaan có hỏi mọi người, cái cứng có phải là uẩn không? Đáp là nó là uẩn, Achaan lại hỏi tại sao nó là uẩn, vì nó sinh diệt. Achaan có hỏi cái cứng sinh diệt nó có khổ không? Mọi người đáp là khổ, Achaan lại hỏi vậy tại sao nó lại khổ? Nhưng chưa có câu trả lời, vậy nhân đây Achaan hãy trả lời cho mọi người được biết.

Achaan:         Cái sinh khởi và lại diệt đi ngay lập tức thì để làm gì đây? Và lại lặp lại rồi lặp lại nữa thì để làm gì đây?  Nó thật là một sự bất toại nguyện lớn lao, nó cứ sinh và diệt, và không ai có thể làm ngưng sự vận hành như vậy của các thực tại. Cái mà ta cho là ta, thân ta hay tự ngã có sinh và diệt ngay lập tức hay không? Không. Chính vì vậy (vẫn còn chìm đắm trong những ý niệm như vậy -ND) nên vẫn còn cảm thấy dễ chịu, vì rằng, khi ấy vẫn có suy nghĩ là dù điều gì xảy ra đi nữa thì cũng không làm sao cả, một ngày nào đó mọi sự sẽ tốt hơn.

Đó là lý do vì sao ở thời Đức Phật, các vị tỳ kheo thường được hỏi: tại sao vị này lại trở thành vị tỳ kheo và câu trả lời là để thấy dukkha. Điều ấy có nghĩa rằng dukkha không dễ thấy và hiểu. Bây giờ thì chẳng có cái gì là dukkha cả, bởi vì không có cái gì dường như đang sinh và diệt hiện giờ. Nhưng trên thực tế khi thực sự liễu ngộ rằng không có con người và mọi thứ, mà chỉ có những thực tại sinh và diệt mà thôi, khi ấy chẳng phải là dukkha hay sao? Để làm cái gì đây, cứ sinh rồi diệt , rồi biến mất hoàn toàn, như vậy không khổ hay sao? Chúng ta có thể nói đó là một sự đau khổ- dukkha vĩ đại bởi vì không có cách nào chữa lành nó cả.

Sarah:            Và theo nghĩa tối hậu thì tất cả thực tại như chánh niệm, trí tuệ hay tâm thiền thì cũng đều là khổ, vì chúng đều sinh và diệt và không có gì đáng để bám víu vào.

Học viên 5:   Người tu tập luôn luôn hiểu nhầm về sự tinh tấn. Mấy ngày học vừa qua Achaan nói về cái tinh tấn không giống lâu nay như chúng con vẫn nghĩ. Nếu tinh tấn cố gắng làm cái gì đó, cái đó hoàn toàn là ảo tưởng về bản ngã. Achaan hãy dạy cho chúng con tinh tấn như thế nào mới gọi là Chánh tinh tấn?

Achaan:         Chánh tinh tấn là chánh khi nó sinh khởi cùng với tâm thiện, và đặc biệt khi nó đi kèm với chánh kiến.

HV 5:             Làm thế nào để có chánh tinh tấn?

Achaan:         Không ai có thể làm gì cả vì nó cũng là một pháp hữu vi do duyên tạo, nó là vô ngã. Chánh tinh tấn luôn sinh khởi cùng với chánh kiến, cho nên đừng lo lắng về việc làm thế nào để có chánh tinh tấn vì bất kỳ khoảnh khắc nào có chánh kiến thì chánh tinh tấn đã có ở đó rồi. Hiện giờ có tinh tấn hay không?

HV 5:             Có ạ

Achaan:         Tinh tấn có sinh khởi với cái thấy không?

HV 5:             Dạ, có

Achaan:         Không phải đâu. Không cần phải có tinh tấn thì vẫn thấy được. Bởi vì đó là khoảnh khắc của sự hội tụ giữa nhãn căn, nhãn thức và đối tượng thị giác, chừng ấy đã tạo duyên cho cái thấy sinh khởi rồi. Vì không thể có sự sinh khởi của tâm nếu không có các tâm sở cho nên cần phải có bảy tâm sở để cho cái thấy sinh khởi, trong đó không có tinh tấn. Hiện giờ có ai phải cố gắng để thấy không? Cái thấy đã sinh khởi do duyên rồi

HV 5:             Ý con muốn nói là trên cái thấy đó có sự hiểu đúng trên cái thấy chứ không phải con nói là cố gắng trên cái thấy.

Achaan:         Khoảnh khắc của nhãn thức sinh khởi không sinh khởi cùng với tinh tấn, đó là sự thực. Khi tâm là bất thiện nhưng không có tham và sân mà chỉ có si ở đó thôi thì có tinh tấn không?

HV 5:             Không ạ.

Achaan:         Có đấy. Bất cứ khi nào có tâm bất thiện, mặc dù không có tham, sân nhưng vẫn có tinh tấn ở đấy rồi. Có ai ở đây phải cố gắng để không hiểu không? Dường như chúng ta không cần phải cố gắng, nhưng thực ra để có vô minh sinh khởi ở khoảnh khắc không hiểu, vẫn cần phải có sinh khởi tâm sở viriya-tinh tấn. Ai có thể biết được điều này? Đó là trí tuệ từ sự giác ngộ của chính Đức Phật. Bởi vậy, nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ, chúng ta sẽ theo các ý niệm riêng của mình mà thôi, vì chúng ta không biết rõ về tâm, về tinh tấn, hay các thực tại khác.

Jonathan:     Điều mà Achaan vừa giải thích về viriya – tâm sở tinh tấn không phải là ý niệm thông thường hay chế định về cái mà chúng ta gọi là nỗ lực hay cố gắng, hay là cố làm một cái gì đó. Nó là một tâm sở, nó hoàn toàn vô ngã, không thuộc về ai.

HV 5:             Trong lúc mình tu tập, không cần phải làm gì hết chỉ cần có sự hiểu đúng thôi ạ. Tại sao Đức Phật lại dạy Bát chánh đạo như trong Kinh Đức Phật có nói hãy tinh tấn ngăn ngừa ác pháp chưa sanh, tinh tấn trong tứ chánh cần thì sao ạ?

Sarah:            Ở khoảnh khắc của thiện thì có sự ngăn ngừa bất thiện ở đấy rồi đúng không? Ở khoảnh khắc có chánh niệm về đặc tính cứng, khi ấy có thể có bất thiện nào tại khoảnh khắc đó không? Bởi vì ở khoảnh khắc của tâm thiện đó, cũng có chánh tinh tấn ở đó, nó ngăn ngừa bất thiện ngay khi ấy nên không phải làm gì đó thêm. Chính vì vậy khi Đức Phật nói đến chánh tinh tấn trong kinh, Đức Phật nói hãy nỗ lực, hãy cố gắng, nhưng đó chỉ là theo cách nói chế định mà thôi. Về bản chất, Ngài nói đến chánh tinh tấn đi kèm với chánh kiến, chúng là các pháp vô ngã. Ngay ở khoảnh khắc này, khi chúng ta đang nghe pháp và có hiểu biết đúng thêm một chút, dù ở mức độ tư duy, thì ở khoảnh khắc đó cũng có chánh tinh tấn ngăn ngừa những bất thiện ở chính khoảnh khắc đó. Ngay khi có ý niệm ta phải cố gắng nỗ lực, cố gắng chánh niệm thì đã có tà tinh tấn sinh khởi cùng với tâm bất thiện. Như vậy chúng ta cứ cần phải ghi nhớ rằng, tâm sở tinh tấn là chánh tinh tấn đã sinh khởi ở khoảnh khắc có hiểu biết đúng rồi, chứ không cần nỗ lực hay làm thêm cái gì đó đặc biệt. Vậy hãy quên đi ý niệm rằng có một cái ngã nào đó nỗ lực hoặc làm một cái gì đó.

HV 5:             Dạ, con hiểu rồi, cảm ơn ạ.

Học viên 2:    Nếu chánh kiến sinh khởi thì có tất cả chi của Bát chánh đạo đi kèm, thế thì Đức Phật phải dạy 8 chi làm gì? Tại sao không gọi là Nhất chánh đạo, học một thứ thôi cho đơn giản.

Achaan:         Liệu chánh kiến có thể sinh khởi một mình không?

Jonathan:     Nó được gọi là Bát chánh đạo bởi vì khi tâm đạo sinh khởi thì ở đó có tám chi, chứ không phải bởi vì ở đó có tám thứ phải làm. Khi chúng ta nói rằng bất cứ khi nào có chánh kiến thì đã có chánh tinh tấn ở đó rồi, thì ý ở đây là: không cần phải phát triển chánh tinh tấn như là một thứ riêng rẽ với chánh kiến. Khi ấy, chúng ta hiểu rằng con đường Bát chánh đạo về thực chất chỉ là một khoảnh khắc của tâm sinh khởi, trong đó có những tâm sở bao gồm trí tuệ, tinh tấn cùng những chi khác.

Sarah:            Và vì chánh kiến không thể sinh khởi và đảm nhận chức năng của mình mà không có sự hỗ trợ của các chi kia.

Achaan:         Khi có chánh kiến, nó hiểu về vô ngã. Các thực tại không thể sinh khởi một mình mà cần các thực tại khác trợ duyên cho nó sinh khởi. Có nhiều hơn là bảy tâm sở sinh khởi cùng với trí tuệ nhưng những tâm sở kia không được tính là các chi của Bát chánh đạo. Từ  Đạo có nghĩa là gì?

HV 2:             Là con đường

Achaan:         Dẫn tới đâu?

HV 2:             Đạo là con đường dẫn đến sự diệt khổ.

Achaan:         Thế có thể đi trên con đường đó mà không hiểu gì cả không?

HV 2:             Không thể.

Học viên 12: Phát triển con đường Bát chánh đạo là phát triển dần dần, Vậy có phải là bất cứ khi nào có duyên để phát triển một trong các yếu tố đó, thì mình sẽ phát triển cái yếu tố đó, có phải không?

Achaan:         Đối tượng của Bát chánh đạo là gì?

HV 12:           Niết bàn.

Achaan:         Tứ diệu đế không chỉ có một mà thôi. Niết bàn là diệu đế thứ mấy? Trước đó thì là gì nào?

Học viên 2:   Trước đó là nguyên nhân về khổ.

Học viên 12: Là sự thật về khổ.

Achaan:         Thế nào là khổ?

HV 12:           Theo con hiểu chấp thủ vào ngũ uẩn là khổ. Con muốn Bà giải thích về khổ theo nghĩa chấp thủ vào ngũ uẩn là khổ, như thế nào là sự hiểu biết đúng về những điều Đức Phật dạy trong kinh về 11 yếu tố mà Đức Phật dạy là khổ như sinh, già, bệnh, chết…

Sarah:            Tôi nghĩ rằng cả hai bạn đều chưa trả lời vào câu hỏi của Achaan về đối tượng của con đường đạo là gì, khi con đường đạo đang được phát triển thì đâu là đối tượng của con đường đạo? Câu trả lời cho câu hỏi này là tất cả các thực tại hữu vi đều là đối tượng của con đường Bát chánh đạo trước khi diệu đế thứ ba được chứng ngộ (Diệt đế hay Niết bàn).

Achaan:         Theo nghĩa tuyệt đối thì thế nào là dukkha?

HV 12:           Do sự sinh và diệt của mọi pháp.

HV 2:             Tôi không nghĩ vậy, tôi nghĩ bản thân sự sinh diệt của pháp không có vấn đề gì cả mà tà kiến về cái sinh và diệt đó mới dẫn đến khổ.

Achaan:         Chúng tôi nghĩ rằng, điểm này cần phải được làm rõ, bây giờ bạn hãy nói đến từng cái khổ mà bạn vừa kể đến, từng cái một.

HV 12:           Khi nói khổ là bởi vì mọi thứ đều sinh và diệt nên nó khổ. Với con, điều đó dường như chỉ là suy nghĩ về mặt logic thôi.

Achaan:         Nếu như không có sự sinh khởi thì có thể có sự diệt đi của thực tại không?

HV 12:           Nếu nó không sinh thì  không có diệt và cũng không có khổ.

Achaan:         Tại sao các vị tỳ kheo ở thời Đức Phật đã xuất gia chỉ để thấy Khổ?

HV 12:           Bởi vì Đức Phật đã nói ngũ uẩn thủ là Khổ.

Achaan:         Một thực tại sinh và rồi lại diệt đi hoàn toàn không bao giờ trở lại, cứ như vậy thì cái đó không phải là khổ hay sao?

HV 12:           Có những khi rất chánh niệm và thấy mọi thứ nó sinh và diệt rất là nhiều thì khi đấy thấy rất mệt và lúc đó đúng là thấy rất là khổ.

Sarah:            Có phải ý của bạn là nó chỉ khổ khi nó được hiểu là nó sinh và diệt thôi hay sao? Chẳng hạn như hiện giờ đang có cái cứng, nó đang sinh và diệt nhưng không có cái hiểu về điều đó thì có khổ không?

Achaan:         Khi bạn nói như vậy là bạn khổ thôi, chứ không phải là cái hiểu của tuệ giác về khổ, đó không phải là cái hiểu của panna. Bạn cho cảm thọ khổ đó là diệu đế hay sao?

HV 12:           Không ạ.

Achaan:         Chỉ có tuệ giác khi hiểu được sự sinh diệt của thực tại thì nó hiểu về khổ, còn khi có ý niệm là mình khổ thì khi đó chỉ là thọ khổ thôi chứ không phải là cái hiểu trực tiếp về sự sinh diệt của thực tại.

Sarah:            Liệu Tuệ giác có mệt khi nó hiểu thực tại hay nó hiểu về sự sinh diệt của thực tại hay không?

HV 12:           Không.

Achaan:         Vậy thì đó không phải là panna. Chỉ có tuệ giác mới có thể thấy được sự sinh và diệt, cho nên cái mà bạn gọi là sự sinh diệt đó không phải là sự sinh diệt của thực tại, cái chỉ xảy ra một cái ở một thời điểm. Nếu trí tuệ mệt thì chúng ta có nên có trí tuệ không?

HV 12:           Con không nói là trí tuệ mệt ạ.

HV 12:           Câu hỏi lúc nãy là phát triển con đường Bát chánh đạo, nếu có duyên để phát triển bất cứ một trong tám yếu tố trong Bát chánh đạo, thì sẽ phát triển yếu tố đấy. Đó có phải là phát triển dần dần không?

Achaan:         Không có người nào phát triển Bát chánh đạo mà chỉ có Trí tuệ phát triển mà thôi.

Sarah:            Phát triển dần dần có nghĩa là bắt đầu ngay bây giờ, ở khoảnh khắc hiểu về thực tại, hiểu đúng về con đường phát triển của hiểu biết, không có ai ở đó. Khi có ý niệm rằng ai đó hay tùy thuộc vào nhân duyên mà một trong các chi của Bát chánh đạo sẽ được phát triển, thứ nhất là ở đó có ý niệm về một ai đó phát triển Bát chánh đạo, thứ hai là không có hiểu biết đúng về sự phát triển Bát chánh đạo thực sự là gì,

HV 12:           Ví dụ trường hợp nếu tiếp xúc với đối tượng nào đó mà có thể dẫn đến sân hoặc si. Ở cái khoảnh khắc đó với sự hiểu biết đúng thì sẽ là phát triển Tứ chánh cần tức là làm cho bất thiện pháp chưa sinh không sinh khởi, bất thiện pháp đã sinh không phát triển, thiện pháp chưa sinh thì sinh khởi, thiện pháp đã sinh thì tăng trưởng.

Jonathan:      Chánh tinh tấn là một trong những chi của Bát chánh đạo, nó sinh khởi cùng các chi khác, chúng ta không chọn để làm chánh tinh tấn đó, bất cứ khi nào có tâm thiện thì đã có tinh tấn là thiện rồi. Bất cứ khi nào tâm là thiện thì tâm sở tinh tấn đó sẽ đảm nhận chức năng mà bạn vừa đề cập tới, hoặc một trong số các chức năng đó.  Chẳng hạn như ở khoảnh khắc của giữ giới thì khi đó chánh tinh tấn sẽ làm nhiệm vụ ngăn ngừa bất thiện pháp sinh khởi, chứ không phải là việc cố gắng làm cái gì đó khi có tham hay sân.

HV 12:           Tại khoảnh khắc ấy có thể có cái thực hành, cái phát triển về Tứ chánh cần, tức là không để cho bất thiện pháp sinh khởi, hoặc để cho thiện pháp sinh khởi và tăng trưởng. Ở khoảnh khắc đó chỉ có chánh tinh tấn thôi, chứ không có được chánh kiến là cái sự hiểu biết về Tứ đế.

Sarah:            Khi đến thời điểm để cho cái thấy sinh khởi vì có cái duyên cho cái thấy sinh khởi thì nó sẽ sinh khởi. Khi đến thời điểm để cho sân sinh khởi bởi vì có duyên cho nó sinh khởi thì nó sẽ sinh khởi. Khi có những con người hay chúng sinh có duyên để cho tâm từ sinh khởi thì tâm từ sẽ sinh khởi. Ở khoảnh khắc đó, có thể không có hiểu biết nhưng mà tâm là tâm thiện. Ở khoảnh khắc đó có tinh tấn là thiện cùng với tâm đang là tâm từ, chứ không phải là một ai đấy cố gắng có tâm từ hay có sự thân thiện, không ai có thể khiến cho tinh tấn sinh khởi. Tinh tấn sinh khởi cùng tâm thiện là thiện, nhưng nó không phải là chánh tinh tấn của con đường Bát chánh đạo.

HV 12:           Bây giờ chúng ta đang thảo luận, phát triển con đường Bát chánh đạo thì phải phát triển cả 8 yếu tố đó đồng thời cùng lúc thì là như thế nào? Bởi vì như thế kia là chỉ có 1 yếu tố, đâu có đủ hết các yếu tố khác.

Jonathan:      Chúng ta đang không nói đến khoảnh khắc của Bát chánh đạo ở tâm đạo, tức là tâm siêu thế khi cả tám chi cùng có mặt, mà chúng ta đang nói đến những khoảnh khắc phát triển con đường Bát chánh đạo, có thể gọi là Bát chánh đạo hiệp thế, thì ở khoảnh khắc của Bát chánh đạo hiệp thế, có năm hoặc sáu chứ không phải cả tám chi đều sinh khởi một lúc.

HV 12:           Dường như phát triển từng yếu tố thì còn dễ dàng một chút, chứ nếu bảo là phát triển đồng loạt thì không có dễ dàng, dù là không đủ cả tám yếu tố.

Jonathan:      Khi có hiểu biết đúng về các pháp thì tự các chi đó sinh khởi cùng nhau, chứ không cần phải có chúng ta phát triển chúng một cách riêng biệt. Ở khoảnh khắc của Bát chánh đạo hiệp thế, có ít nhất các tâm sở như chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định sinh khởi cùng với nhau, và có thể với một trong ba tâm sở tiết chế: chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, nếu như có cơ hội để cho một trong ba tâm sở này sinh khởi (vì cả ba không bao giờ sinh khởi cùng nhau trong Bát chánh đạo hiệp thế).

Achaan:         Bạn nói là bạn muốn cố gắng phát triển chánh tinh tấn?

HV 12:           Không phải là con mà đó là công việc của tâm.

Học viên 9:    Con hiểu Khổ là sự vận hành của 12 nhân duyên, mà bắt đầu là do vô minh. Nếu như chấm dứt được nhân duyên thì sẽ không có khổ?

Achaan:         Thế nào là dukhha- khổ? Chúng ta dùng từ này rất nhiều, nhưng nó là gì đây? Chúng ta đang nói đến dukhha là một trong tam tướng mà vẫn chưa thể được biết, được hiểu hiện giờ, hay là chúng ta nói về cái khổ trong cuộc sống hàng ngày của mình? Cái mà chúng ta đang nói đến ở đây, là dukkha trong Tứ diệu đế, là khổ đế. Bạn có mệt không? Cái mệt đó có phải là dukkha không? Chính xác hơn là, bất cứ cái gì, trong đó bao gồm cả cái mệt này, đều sinh và diệt, và đó là khổ. Bất cứ cái gì sinh và diệt là khổ, đó là ý nghĩa tuyệt đối của dukkha. Nếu như không có kinh nghiệm trực tiếp về sự sinh diệt của thực tại hiện giờ, thì liệu ta có thể gọi đó là thánh đế thứ nhất không? Chính vì vậy, chưa cần phải nói về mức độ dukkha mà hiện giờ chúng ta vẫn chưa thể thấy được, mà cần phải bắt đầu với việc hiểu về thực tại khi chúng xuất hiện. Bởi vì, ngay cả ở tuệ đầu tiên của minh sát tuệ –tuệ phân biệt danh sắc, vẫn chưa có cái hiểu về khổ – dukkha, vì lúc đó chưa có sự xuyên thấu sự sinh diệt của thực tại.

Sarah:            Có ba loại khổ: thứ nhất là loại khổ sinh khởi cùng với thọ khổ khi chúng ta đau đớn hay buồn rầu, cái đó gọi là dukkha-dukkha (khổ khổ), rất dễ nhận biết ; thứ hai là loại khổ được biết đến với sự diệt đi của thọ lạc và thọ hỷ, kể cả những thứ dễ chịu cũng sinh và diệt, nó không kéo dài, vì vậy cũng là khổ và được gọi là viparinama dukkha (hoại khổ); thứ ba, là khổ do sự sinh diệt của tất cả các thực tại hữu vi, được gọi là hành khổ (sankkhara dukkha). Kể cả khi chưa có giáo lý của Đức Phật, mọi người vẫn biết rất rõ về khổ khổ, tức cái khổ của thọ khổ, người ta cũng biết hơn một chút về hoại khổ, cái khổ của trạng thái dễ chịu nhưng không kéo dài. Nhưng chỉ khi Đức Phật ra đời và giảng về thực tại, người ta mới biết được về Hành khổ, chính là loại dukkha nói đến trong Tứ Thánh đế, là một mức độ dukkha rất sâu sắc mà chỉ có trí tuệ ở mức độ chứng nghiệm về sự sinh diệt của thực tại mới hiểu được.

Học viên 1:    Theo hiểu biết của con về khổ thì có hai cách hiểu về Khổ. Khổ theo cách nghĩ thông thường là không có nhà cửa, không có thứ đồ mà họ muốn có thì là khổ, đấy là do sự dính mắc với các đối tượng là các sắc. Thứ hai Khổ mà Đức Phật nói đến trong Tứ diệu đế, là cái khổ trong bản chất của các pháp, tại sao có cái khổ này, là do tính chất vô thường của tất cả các pháp. Hình thành rồi tan hoại thì dẫn đến cái khổ đó.

Sarah:            Sẽ không thể hiểu được ý nghĩa thâm sâu của loại khổ thứ ba này nếu như không bắt đầu từ các thực tại hiện giờ như cái thấy, cái nghe, cái cứng v.v., và chỉ nhờ sự phát triển hiểu biết về các thực tại đang xuất hiện hiện giờ, đến một lúc nào đấy, có thể có được tuệ giác xuyên thấu sự sinh diệt của thực tại, khi ấy cái hiểu về dukkha- khổ đế mới thực sự được chứng nghiệm.

Ai đó hỏi:      Hôm qua Bà nói sắc chẳng hạn như cái cứng, cái mềm đều sinh và diệt do vậy nó đều là khổ. Nhưng theo con thì sắc không biết cái gì cả. Vậy thì làm sao nó có thể là khổ? Chỉ có sự dính mắc vào cái sinh và diệt đó thì mới là khổ.

Achaan:         Cái cứng là một thực tại là sắc và nó không biết gì cả, nhưng nó cũng sinh và diệt giống như các thực tại hữu vi khác, chúng vô thường, vậy nếu chúng ta dính mắc vào cái sinh và diệt đi và không bao giờ quay trở lại, đó là khôn ngoan hay xuẩn ngốc đây? Thánh đế thứ nhất hay sự thật về khổ  không phải nói về thọ khổ đâu.

Sadhu sadhu sadhu!

 

Leave a Reply

Translate »