Pháp đàm chiều 06-09-2013 tại Vũng tàu

14/      Pháp đàm buổi chiều ngày 06.09.2013 tại Vũng tàu.

 

Sarah:            Sau buổi pháp đàm sáng nay, có một câu hỏi liên quan đến những lo lắng về những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Achaan có nói rằng, ở khoảnh khắc lo lắng ấy đang có sự quên lãng đối với thực tại hiện giờ. Vậy mời Achaan nói kỹ hơn về điều này.

Achaan:         Tương lai là gì? Khoảnh khắc này chẳng phải là tương lai của khoảnh khắc trước sao? Có thể lo lắng gì cho những khoảnh khắc trong tương lai? bởi vì khoảnh khắc này là quá khứ của khoảnh khắc tương lai rồi, chỉ thế mà thôi. Vậy bạn muốn quan tâm đến loại tương lai nào đây? Bởi vì cái nghe hiện giờ đã là tương lai của cái thấy trong quá khứ của khoảnh khắc trước. Chúng ta cần phải rất cụ thể, kể cả khi nói đến tương lai, khoảnh khắc tiếp theo sẽ là tương lai của khoảnh khắc này, chỉ có thế mà thôi. Liệu chúng ta có thể lo lắng về cái thấy và cái nghe trong tương lai? Không cần phải bận tâm, bởi vì mỗi khoảnh khắc đều đã được tạo duyên, và luôn luôn có các duyên cho từng khoảnh khắc. Nếu như không có duyên thì sẽ không có khoảnh khắc này. Cũng như vậy, nếu không có duyên sẽ không có khoảnh khắc tiếp theo. Bây giờ chúng ta đã hiểu về tương lai rõ hơn một chút, đúng không?

Khi nói ta lo lắng về tương lai, điều ấy thực chất là lo lắng về cái thấy và cái nghe trong tương lai. Những khoảnh khắc này là tương lai của những khoảnh khắc đã qua trong sáng nay. Cứ như vậy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Nếu khoảnh khắc này là thiện pháp, nó sẽ tạo duyên cho thiện pháp ở những khoảnh khắc sau đó. Chúng ta có cần phải bận tâm đến cái gì khác không? Thay cho bận tâm đến những thứ ấy, chúng ta cần nên quan tâm đến việc hiện không có hiểu biết về khoảnh khắc hiện tại, để khoảnh khắc tiếp theo có thể có thêm hiểu biết.

Sarah:            Khi chúng ta đang lo lắng cho bản thân, người thân, bạn bè trong tương lai, thì chắc chắn ở khoảnh khắc đó đang có lãng quên về thực tại đã được tạo duyên hiện giờ. Tuy nhiên ngay ở khoảnh khắc có những suy nghĩ như vậy thì bản thân những suy nghĩ đó cũng có thể trở thành đối tượng của hiểu biết, cũng như cái nghe, cái thấy, bất cứ thực tại nào cũng có thể trở thành đối tượng của hiểu biết đúng,

Achaan:         Cái chết có thể tới bất cứ lúc nào, cái chết nên tới sau khi chúng ta lo lắng hay là sau khi chúng ta đã hiểu đúng? Về mặt chân đế, bạn nghĩ cái gì thực sự thuộc về bạn đây? Cái thân này có thuộc về bạn không? Cái thấy và cái nghe có thuộc về bạn không? Kể cả những thứ ấy đã không thuộc về bạn, thì làm sao có thể nghĩ rằng những chúng sinh khác cũng thuộc về bạn đây?

Sarah:            Ngay trước buổi pháp đàm bắt đầu, cũng có một số nhận xét rằng đối với giới trẻ hiện nay, có thể sẽ rất thiếu kiên nhẫn khi nghe về việc phát triển hiểu biết cần đến nhiều thời gian như vậy. Họ có thể muốn đi tìm người thầy khác với những lời dạy khác để có được kết quả nhanh chóng hơn. Achaan đã trả lời về nhận xét đó rằng, vô minh và tà kiến luôn  muốn tìm một con đường tắt.

Achaan:         Có chánh tư duy và tà tư duy. Ở khoảnh khắc này đang có cái thấy, bạn muốn đi tới ai đây? Đi tới một người nào đó, hay tới giáo lý của Đức Phật giúp bạn hiểu về cái thấy? Nếu như không có chút ý niệm nào về sự phát triển hiểu biết về những gì đang xuất hiện hiện giờ, vậy khi nào và ở đâu khác bạn có thể hiểu được đây? Nếu bạn nghĩ đến việc tìm hiểu một cái gì đấy khác ngoài những thực tại đang xuất hiện hiện giờ thì bạn muốn hiểu là cái gì đây? Dù ở nơi nào và khi nào thì vẫn chỉ là những thực tại như chính hiện giờ. Nếu quay lưng lại với việc nghe và hiểu về những gì đang xuất hiện hiện giờ, bạn muốn biết gì đây? Dù bạn có ở nơi nào đi nữa thì vẫn có thấy, nghe, ngửi, nếm, suy nghĩ như hiện giờ mà. Vậy bạn sẽ quay lưng lại với những thứ đó hay tiếp tục nghe và hiểu đúng thêm một chút? Tại sao không nghĩ tới sự vô minh trong tương lai? Nếu như có cái hiểu đúng hiện giờ thì sẽ có bớt vô minh hay nhiều vô minh hơn trong tương lai?

Học viên 18: Con có đọc những bài viết của Achaan và con thấy có lợi lạc hơn cho sự hiểu biết. Con nghe một số bạn tham dự pháp đàm tại Sài Gòn nói lại là Achaan nói không phải ngồi thiền, con nghĩ điều này chắc là họ đã hiểu sai. Theo con hiểu thì Bà nhấn mạnh vào việc phải có cái hiểu biết đúng bất cứ khi nào hay đang làm việc gì, chứ không phải bà nói rằng không nên ngồi thiền. Con hiểu như thế có đúng không?

Sarah:            Khi chúng ta nói đến ngồi thiền, thì về mặt thực tại nó là gì? Hiện giờ chúng ta cũng đang ngồi, và đang nghe Pháp. Đó có phải là ngồi thiền không?

HV 18:           Thực tại của ngồi thiền là những nhận thức về những gì đang xảy ra xung quanh nhưng như nó là. Nó không có ý tưởng thêm bớt vào mà mình chỉ thấy giây phút hiện tại mình đang có cái nghe, cái thấy, đang có sự hiểu, và thậm chí những tà kiến hiện lên trong tâm thì mình cũng thấy đang sinh khởi trong tâm.

Sarah:            Như chúng ta đã nói, ở mỗi một khoảnh khắc có một tâm kinh nghiệm một đối tượng. Những tâm đã sinh khởi và diệt đi rồi thì đã hoàn toàn biến mất, không bao giờ trở lại. Một tâm thấy hay nghe trong tương lại chưa sinh khởi thì vẫn chưa sinh khởi, như vậy chỉ có khoảnh khắc của thực tại hiện giờ mới có thể được hiểu, đúng không?

Như vậy, cái mà chúng ta gọi trong tiếng Pali là bhavana – sự phát triển tâm trí – chỉ có thể diễn ra bây giờ, bất kể chúng ta đang ngồi ở tư thế nào, bạn có đồng ý với điều này không? Sáng nay, chúng ta có nói rằng chỉ có hai loại thực tại, một là thực tại kinh nghiệm đối tượng và một thực tại không kinh nghiệm gì cả nhưng được kinh nghiệm, chẳng hạn cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác, cái nghe kinh nghiệm âm thanh, và sau đó thì có suy nghĩ về cái được thấy và cái được nghe, tất cả diễn ra một cách nhanh chóng. Thông thường, luôn có cái thấy, cái nghe và suy nghĩ trong suốt cả ngày nhưng chúng ta không có hiểu biết đúng về những thực tại ấy. Khi chúng ta thảo luận về những chủ đề này, có thể có thêm một chút hiểu biết sáng rõ hơn về đặc tính của các thực tại kinh nghiệm một cái gì đó và đặc tính của các thực tại không kinh nghiệm gì cả. Như vậy, chúng ta có thể thấy được rằng, không có gì có thể làm công việc quan sát, hay biết hay ngăn chặn những thực tại đang sinh khởi. Như vậy, cái gọi là bhavana mà Đức Phật đã dạy, theo cái hiểu của tôi, phải luôn bắt đầu với hiểu biết rằng tất cả các pháp đều là vô ngã. Như vậy, ý niệm về một sự quan sát chủ động nhiều khoảnh khắc tâm liên tiếp, hay ghi nhận sự sinh diệt v.v… không phải là bhavana theo nghĩa mà Đức Phật đã dạy, vì đằng sau nó có ý niệm về một tự ngã có thể làm công việc ấy một cách chủ động. Cái gọi là bhavana- sự phát triển tâm trí – luôn luôn là trong chính khoảnh khắc này, không phải là một nơi nào khác hay lúc nào khác, không phải là việc cố làm một cái gì đấy, hay trong một tư thế nào đấy.

Achaan:         Có sự khác biệt nào giữa quan sát và hiểu không? Bất kỳ ai chưa có hiểu biết thì vẫn có thể cố gắng quan sát, nhưng liệu khi ấy có hiểu biết đúng về cái đang sinh khởi hay không? Nếu ta không biết chút nào về Giáo lý, liệu ta có thể quan sát gì hiện giờ không? Nếu như thiền có nghĩa là quan sát thì nó quan sát gì đây? Hiện giờ đây, nó quan sát gì? Hiện giờ chúng ta đang ngồi, cái gì có thể là đối tượng của sự quan sát đây? Sẽ quan sát gì nếu như chúng ta cho rằng thiền có nghĩa là quan sát? Hãy nói với người khác “bây giờ bạn hãy quan sát!”. Liệu bạn có thể quan sát khi người khác khuyên bạn hãy quan sát đi không? Tôi thực sự không biết đối tượng của quan sát đó là gì? Chẳng hạn như hiện giờ có sự xúc chạm, ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, chỉ có cái cứng hoặc mềm, nóng hoặc lạnh xuất hiện mà thôi, và thông thường không có hiểu biết gì về những thực tại ấy, mà luôn có ý niệm rằng cái được chạm là một cái gì đó. Vậy thì nghĩa của từ quan sát là gì? Đối tượng của thiền là gì, những đối tượng có thể được quan sát ấy. Đối với tôi điều ấy rất mù mờ, không rõ ràng. Nghe như là ta đang làm một cái gì đó, ta đang quan sát, nhưng quan sát gì nhỉ? Tôi muốn nghe câu trả lời.

Học viên 12: Đối tượng bây giờ nó có thể là một số thứ.

Achaan:         Chỉ một đối tượng thôi.

HV 12:           Thân thức.

Achaan:         Vậy thì thân thức là gì?

HV 12:           Thân thức là một citta- tâm

Achaan:         Ở khoảnh khắc quan sát thân thức, bạn làm gì? Bạn gọi (đặt tên) đó là thân thức hay là thế nào?

HV 12:           Khi đọc Giáo lý thì tại khoảnh khắc kinh nghiệm đối tượng qua thân căn thì khi đấy sẽ có thân thức sinh khởi.

Achaan:         Đó là kiến thức nhờ nghe, thế còn hiện giờ, chính hiện giờ đây thì tâm nào đang có ở đó? Đặc tính của tâm hiện giờ là gì? Hiện giờ có tâm, vậy đặc tính của tâm là gì để có thể được biết là không phải là tự ngã?

HV 12:           Citta kinh nghiệm một đối tượng.

Achaan:         Ở khoảnh khắc này đang có sự quan sát tâm, hay là đang có sự bắt đầu của  hiểu biết rằng tâm là cái kinh nghiệm một đối tượng, chứ không phải là một ai đang kinh nghiệm? Vậy thì quan sát là gì? Và hiểu là gì?

HV 12:           Ở một chừng mực nào đấy, thì rõ ràng có thể thấy được sự khác biệt giữa cái cứng, cái thân căn và cái thân thức.

Achaan:         Khoảnh khắc của cái thấy hiện giờ, cái gì có thể được hiểu?

HV 12:           Tại khoảnh khắc của cái thấy thì có thể là có cái hiểu rằng đối tượng thị giác và nhãn căn thì làm duyên cho nhãn thức sinh khởi, cả ba cái yếu tố ấy đều chỉ là vô ngã mà thôi.

Jonathan:     Nếu quan sát là quan sát một đối tượng, một sắc hay danh mà ta đã chọn thì đâu là sự khác biệt giữa sự quan sát với hiểu biết đúng và sự quan sát không có hiểu biết đúng?

HV 12:           Tất cả mọi người đều đồng ý là dù có thực hành hay hành thiền chánh niệm thì tất cả đều đồng ý phải có chánh kiến, có sự hiểu biết đi đầu.

Jonathan:     Hiểu biết đúng mà bạn nói đến là chúng ta cần phải có đó là gì?

HV 12:           Chánh kiến cao nhất là sự hiểu biết đúng về Tứ diệu đế, tại từng khoảnh khắc thì cần có hiểu biết về thực tại ở khoảnh khắc đó, đồng thời cũng phải có hiểu biết về nhân và quả, về thập nhị nhân duyên.

Jonathan:      Đó là mức độ hiểu biết cao nhất, nhưng mức độ hiểu biết bắt đầu – nơi chúng ta đang là – thì là gì?

HV 12:           Tại cái sự hiểu biết ban đầu thì nó là sự hiểu biết là cái nhãn căn và đối tượng thị giác làm duyên cho nhãn thức sinh khởi. Nhưng liệu ai có thể biết được là trong đại chúng thì đã có những người có sự hiểu biết sâu sắc hơn cái sự hiểu biết ban đầu đó.

Jonathan:     Tôi đang cố liên kết câu trả lời của bạn với câu hỏi của tôi, có phải ý bạn muốn nói là khởi đầu của sự hiểu biết là hiểu biết về một pháp, từng thực tại một, đúng không?

HV 12:           Vâng, hiểu biết ban đầu là yếu tố thực tại sinh khởi tại khoảnh khắc ấy, là về nhãn căn, nhãn thức, đối tượng thị giác.

Achaan:         Hiện giờ ở khoảnh khắc của cái thấy thì cái gì xuất hiện?

HV 12:           Tại khoảnh khắc nhãn thức sinh khởi, cái mà được kinh nghiệm là đối tượng thị giác, nhưng ngay lập tức cái mà được biết đến lại là sản phẩm của cái tưởng, mình nhìn thấy cái cốc hay cái chai.

Achaan:         Tôi chỉ muốn hỏi về cái xuất hiện thôi, chứ không hỏi về suy nghĩ về nó.

HV 12:           Tại khoảnh khắc của cái thấy, đối tượng thị giác được kinh nghiệm.

Achaan:         Ở khoảnh khắc đang thấy đây thì cái gì xuất hiện nào? Chúng ta có cần phải nói gì về cái đó không, hay là nó đã xuất hiện với cái thấy rồi? Ở khoảnh khắc này, nhãn căn có xuất hiện không? Bởi vì nó chưa xuất hiện, nên làm sao có thể hiểu được rằng đó là một thực tại, không phải là một tự ngã? Ta cần phải rất trung thực để biết rằng ở khoảnh khắc này, đã thực sự có hiểu biết trực nhận về cái xuất hiện và được thấy, rằng đó không phải là một con người, hay một cái gì đó, mà chỉ là một đối tượng, một thực tại mà thôi. Cần phải có thời gian để trí tuệ có thể phát triển tới mức độ là bất cứ khi nào có cái thấy, chỉ có thực tại đó mà thôi chứ không có ai ở trong đó cả. Bằng việc hiểu rằng trong cái được thấy đó không có một ai cả, dần dần sẽ bắt đầu hiểu được rằng đó chỉ là đối tượng thị giác mà thôi. Bởi lẽ,  không thể nào vừa mới nghe giảng về điều đó, chúng ta đã trực ngộ rằng, đúng là ở khoảnh khắc của cái thấy thì chỉ có đối tượng thị giác mà thôi, không có ai trong đó.

HV 12:           Sau khi đã đọc Giáo lý của Đức Phật và nghe bà nhấn mạnh nhiều lần về nhãn thức, đối tượng thị giác, xúc chạm thì khi được hỏi về nhãn thức hay thân thức kinh nghiệm thì ngay lập tức nghĩ đến đối tượng thị giác, đối tượng xúc chạm nhưng thực ra nó chỉ là suy nghĩ thôi. Bà cũng nói đi nói lại là từ sự hiểu biết về mặt lý thuyết cho đến sự hiểu biết thực hành, từ từ từng chút một, rất là lâu. Nếu như lần này và lần sau nó vẫn chỉ là một cái suy nghĩ như thế thôi thì làm sao có được sự hiểu biết sâu sắc hơn?

Achaan:         Đức Phật có dạy con đường phát triển hiểu biết không? Và con đường đó là gì?

HV 12:           Dù mình có đọc hay nghe về tiến trình tâm, các đặc tính, biểu hiện, chức năng của các loại tâm và tâm sở thì không có dễ dàng gì để kinh nghiệm được điều đó, con nghĩ nhiều người đều có suy nghĩ là cần phải có sự hỗ trợ của Định và Niệm.

Achaan:         Định có phải là yếu tố đầu tiên của Bát chánh đạo hay không? Và Đức Phật có nói về Chánh định và Tà định hay không?

HV 12:           Chúng ta đều đồng ý rằng trong Bát chánh đạo thì Chánh kiến đi đầu, và bây giờ chúng ta đã có sự hiểu biết ở mức độ về mặt văn tuệ thì chánh kiến là như thế nào rồi.

Achaan:         Điều trước tiên, hiểu biết đúng hay chánh kiến phải là chánh kiến về vô ngã.

HV 12:           Như con hiểu Đức Phật có dạy về vô ngã tức là mọi thứ đều là do duyên.

Achaan:         Vậy thì không thể kiểm soát được, không có ai kiểm soát cả. Có sự khác biệt giữa cái thấy chỉ thấy một đối tượng thị giác với cái thấy thấy con người đồ vật. Để có thể hiểu thực sự rằng đối tượng được thấy chỉ là đối tượng thị giác, chẳng phải cần rất nhiều thời gian hay sao? Hay là chúng ta nghĩ rằng ngay lập tức có thể thấy được trực tiếp như vây? Hiểu biết phải bắt đầu được vun bồi ở chính khoảnh khắc này, khi đối tượng thị giác đang xuất hiện và có sự hiểu đúng về nó, chứ không phải là ở khoảnh khắc chỉ có sự suy nghĩ về từ “cái thấy”. Khoảnh khắc chỉ nghĩ là “cái thấy không phải là một tự ngã” thì không phải là khoảnh khắc suy xét về một thực tại xuất hiện và ngay sau khi nó diệt đi thì không còn gì nữa cả.

Học viên 20: Xin Achaan hãy giải thích về thực tại suy nghĩ?

Achaan:         Nếu không có suy nghĩ thì có thể biết được cái được thấy là gì không? Trong một giấc mơ, chúng ta có thể thấy rất nhiều thứ như thể ta thấy những thứ ấy thật, nhưng không hoàn toàn giống như cái ta thấy hiện giờ, chính vì vậy chúng ta mới gọi đó là giấc mơ, vậy khoảnh khắc của mơ đó là gì?

HV 20:           Là suy nghĩ.

Sarah:            Tôi nghĩ bạn (HV12) đồng ý rằng chỉ có các thực tại chân đế, vậy thì thực tại chân đế của cái mà chúng ta gọi là quan sát đó là gì nào? Chẳng hạn khi bạn nói quan sát đối tượng thị giác, nhãn thức, và nhãn căn, thì cái mà bạn gọi là quan sát đó là thực tại nào?

Bởi vì khi chúng ta nói đến thực tại hiểu, ta nói đến trí tuệ, khi nói đến thực tại hay biết, ta nói đến chánh niệm, chúng đều là các pháp hữu vi, sinh khởi do duyên. Khi chúng ta nói đến nói đến giấc mơ trong đó có thể có bất cứ cái gì, thực tại của nó là suy nghĩ. Vì vậy tôi hỏi bạn về sự khác biệt giữa quan sát và suy nghĩ.

HV 12:           Con hiểu về quan sát là tại khoảnh khắc mà có cái thấy sinh khởi, ngay lập tức có cái nhớ đến những hiểu biết về cái được nghe và được đọc về đối tượng thị giác, nhãn thức. Nhưng cũng ngay lập tức biết đó là cái cốc hay cái chai, và cũng hiểu đó là sản phẩm của tâm sở tưởng.

Sarah:            Vậy cái đó chỉ là suy nghĩ mà thôi. Và dù chúng ta gọi đó là suy nghĩ hay quan sát hay bất cứ cái gì khác, bất kể nghĩ về những thứ lạ kỳ như là trong một giấc mơ hay nghĩ về những thứ mà chúng ta đã được nghe như về nhãn căn và về đối tượng thị giác chẳng hạn, thực tại có thể được biết ở khoảnh khắc ấy chính là suy nghĩ. Nhưng  khái niệm mà suy nghĩ nghĩ về thì không phải là thực. Vậy thì những thứ lạ kỳ mà chúng ta nghĩ đến trong một giấc mơ, hay khi chúng ta ngồi trên tọa cụ thiền, hay những ý niệm về con người và đồ vật hiện giờ, hay những câu chuyện về thực tại  đều là các khái niệm, chúng không phải là thực và không phải là đối tượng của Trí tuệ. Cái duy nhất có thể được hiểu chỉ là những thực tại hiện giờ đang xuất hiện mà thôi. Ví dụ như: nghĩ, thích, không thích, cái thấy, đối tượng thị giác v.v.

HV 12:           Đối tượng thị giác hay nhãn thức không dễ để kinh nghiệm trực tiếp, ngay sau khi nhãn thức sinh khởi thì suy nghĩ về sự hiểu biết về mặt lý thuyết, ngay sau đấy lại là cái biết về cái khái niệm, ngay sau đấy thì lại là một suy nghĩ về sự hiểu biết về mặt lý thuyết rằng cái cốc hay cái chai thì chỉ là kết quả của tâm sở tưởng nó làm cái chức năng của nó mà thôi.

Jonathan:     Tôi nghĩ rằng có sự khác biệt giữa việc hiểu đúng về những gì chúng ta đã được nghe và ý niệm rằng có một ai đấy có thể theo một số bước thực hành nào đấy để cho trí tuệ sinh khởi. Khi chúng ta nghe về Giáo lý và chúng ta thảo luận về cái thấy, về đối tượng thị giác chẳng hạn, có thể có sự suy xét về điều được nói đến xem nó là gì ở khoảnh khắc hiện tại. Khi ấy, có thể có cái hiểu ở mức độ tư duy về thực tại đó.  Nhưng nếu ta cho rằng nghĩ theo một cách cụ thể nào đó sẽ có thêm hiểu biết, suy nghĩ ấy bị thúc đẩy bởi ý niệm muốn có thêm chánh niệm. Điều ấy hoàn toàn khác với sự suy xét tự nhiên sinh khởi cùng hiểu biết đúng đắn về những gì được nghe.

 HV 12:          Con đã thực hành theo cách là những gì mà nó sinh khởi tại một khoảnh khắc đấy thì con xem xét trên nhiều góc độ, cùng một khoảnh khắc đấy thì có thể xem xét ở góc độ nội xứ hoặc ngoại xứ, hoặc ngũ uẩn, hoặc các giới.

Sarah:            Bất cứ khi nào có sự cố gắng làm một cái gì đó, dù là đang ngồi tọa thiền và cố gắng tập trung vào một đối tượng, hay cố gắng nghĩ đến những kinh nghiệm theo nội xứ hay ngoại xứ, hay cố gắng tìm hiểu câu chuyện về các thực tại… đều là một dạng của giới cấm thủ. Bởi vì khi ấy nó bị thúc đẩy bởi một ý niệm có một ai đó đang cố gắng làm một cái gì đấy, chứ không phải là cái hiểu về cái đã được tạo duyên hiện giờ, chẳng hạn như suy nghĩ, là vô ngã mà thôi.

HV 12:           Sao cô nghĩ rằng có ai đó cố gắng làm gì đấy? Có thể cũng có khi cái tâm tự nó làm công việc của nó và tại khoảnh khắc ấy, cũng không có ý niệm về ai đó làm cái gì đó sinh khởi.

Sarah:            Bởi vì bạn đã mô tả cái xảy ra và cuối cùng bạn có nói đây chính là cái cách mà tôi đã làm.

Học viên 18: Về câu hỏi sự khác biệt giữa quan sát và hiểu biết, con trả lời thế này:

Khi ngồi thiền mình quan sát hay biết tất cả những cảm giác, âm thanh, mình để tâm hoàn toàn thư thả, hoàn toàn không có ý muốn gì. Sau một thời gian thiền thực hành như vậy, lúc đầu nó chỉ là quan sát trên đối tượng đến một cách hết sức tự nhiên, không biết là bao lâu thì hiểu biết có thể sinh khởi, nhưng đến một giai đoạn thì mình thấy là hóa ra chỉ có một đối tượng và một tâm hay biết liên tục liên tục như vậy và nó chỉ là một tiến trình tự nhiên, không có  ai ở trong này cả. Giây phút mình hiểu là không có ai ở trong này cả thì có phải đến lúc đó là có chút hiểu biết ít ỏi. Như vậy quan sát là nền tảng để hiểu biết đằng sau nó xuất hiện. Giây phút hiểu hoàn toàn không có ai cả, hoàn toàn là tiến trình thì lúc đó sinh khởi một chút hiểu biết. Con hiểu như vậy thì có đúng không?

Achaan:         Nếu như không có tâm thì liệu ta có thể nói tâm của tôi hay không?

HV 18:           Con chưa rõ câu hỏi của Achaan, vì chúng ta còn sống thì chúng ta vẫn phải có tâm.

Achaan:       Tại sao ta lại nói là chúng ta đang sống?

HV 18:           Bởi vì chúng ta biết về đối tượng.

Achaan:         Chúng ta hay chỉ là yếu tố kinh nghiệm cái sinh khởi do duyên mà thôi? Nếu không có cái hiểu về cái gì tạo duyên cho cái gì, sẽ luôn luôn có ý niệm về tôi. Giờ đây, chúng ta đang lắng nghe Giáo lý của bậc Giác ngộ, một người không phải chỉ suy nghĩ, quan sát và quán xét về những điều ây, mà là người đã thực sự xuyên thấu và giác ngộ về sự thực ấy ở bất cứ thời điểm nào. Có sự khác biệt giữa việc suy xét về những gì đã được nghe và khoảnh khắc liễu ngộ về điều ấy. Không có người nào có thể chứng ngộ chân lý cả, mà chính là một thực tại khác hẳn với vô minh và tà kiến.  Mỗi lời của Đức Phật đều tới từ sự giác ngộ Tứ Thánh đế của Ngài. Tứ Thánh đế không chỉ là con số bốn, chúng ta cần phải hiểu thật cặn kẽ ý nghĩa của từng đế một. Thánh đế đầu tiên là khổ để, có dễ hiểu về khổ đế hay không?

Khổ để -dukkha sacca có nghĩa là gì? Là sự sinh diệt của thực tại ngay hiện giờ. Không phải chỉ là nghe rằng cái thấy sinh và diệt, hay cái nghe sinh và diệt, đó chỉ là suy nghĩ mà thôi. Đó không phải là khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp rằng bất cứ cái gì sinh khởi thì đều diệt đi trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi. Chính vì thế mới nói đến ba mức độ của trí tuệ: mức độ tư duy tới từ việc nghe Pháp, trong đó về sự khác biệt giữa khổ và khổ đế. Lúc nghĩ đến việc các thực tại sinh và diệt không phải là lúc trực nhận về nó. Nhưng nếu không có hiểu biết (lý thuyết) về cái thấy và cái được thấy, sẽ không thể dẫn tới việc là xả ly một cách từ từ ý niệm cho rằng cái được thấy đó là một cái gì đó. Như vậy không thể chỉ nghe thôi mà ngay lập tức có thể kinh nghiệm được cái sinh và diệt, mà thực chất chỉ là nghĩ về nó và bắt đầu hiểu nó về mặt lý thuyết.

Như bây giờ, chúng ta đang nói về cái thấy, có ai hiểu được nó đúng như là chúng ta đã nghe về nó trong Giáo lý hay không? Trong một ngày, có rất nhiều khoảnh khắc không hề nghĩ đến sự sinh diệt của bất cứ cái gì, mà chỉ có suy nghĩ về cái xuất hiện như là con người hay đồ vật. Nhưng nếu không có thực tại không phải là tự ngã hay là ai cả (tức chánh niệm và trí tuệ) sẽ không thể nhớ lại được rằng cái đang được thấy hiện giờ không phải là một con người. Khi có cái ý niệm là có một ai đấy hay một cái gi đấy thì khi đó ý niệm về ngã đang có ở đó, cho cái sinh và diệt đó là một cái gì đó tồn tại kéo dài. Bởi  chưa có sự chứng ngộ sự sinh diệt của thực tại cho nên vẫn có ý niệm về cái gì đó. Những gì được thấy hiện giờ là tướng của cái sinh và diệt, chúng xuất phát từ các thực tại sinh và diệt đi một cách nhanh chóng.

Trong một ngày, ý niệm về con người và sự vật sinh khởi nhiều hơn là hiểu đúng về thực tại xuất hiện. Chính vì vậy, kể cả ở thời Đức Phật còn tại thế, các vị tỳ kheo luôn luôn đi theo Đức Phật ở khắp mọi nơi chỉ để nghe Ngài giảng Pháp, để hiểu một cách rõ hơn và sâu sắc hơn. Khi Trí tuệ đã lớn mạnh hơn thì vô minh sẽ bớt dần đi. Sự dính mắc sẽ từ từ bớt đi dần, và trí tuệ hiểu tiến trình ấy diễn ra như thế nào. Ngày hôm nay đã có bao nhiêu khoảnh khắc chúng ta nghe Pháp đây? Có bao nhiêu khoảnh khắc có suy nghĩ về những câu chuyện về con người và mọi thứ mà không hề nhớ đến việc các thực tại đang sinh và diệt?

Nhờ học về từng thực tại ở từng thời điểm, chúng ta có thể biết được mức độ trí tuệ thực sự đang ở đâu. Vẫn chưa thể là mức độ hiểu được sự sinh diệt của thực tại khi vẫn có ý niệm về những thứ của tôi và những người thân của tôi, và chưa thể tận diệt được ý niệm về tự ngã. Chẳng hạn như hiện giờ, nếu ta rất trung thực, ta sẽ thấy rằng kể cả khi đang nghe về đối tượng thị giác, vẫn chưa phải là hiểu biết rằng đối tượng thị giác chỉ là đối tượng thị giác, rằng không có ai ở đó. Cần rất, rất lâu để có thể phát triển hiểu biết về điều ấy. Hãy nghĩ đến một đứa trẻ mới sinh. Nó có thấy không? Nó có biết cái gì được thấy không? Nó có biết mẹ và những thứ khác không? Nó vẫn chưa biết cho đến khi nó được thấy nhiều hơn nữa, và học được thêm về những đặc tính khác nhau trước khi có thể nói bập bẹ. Và nhờ có việc nghe những âm thanh khác nhau, nó có thể biết được âm thanh ấy có nghĩa là gì, và nhờ vậy nó có thể nói được. Khi lớn lên, nó có thể biết nói. Và bây giờ chúng ta đang nghe về đối tượng thị giác, một cách trung thực nào, liệu ai có thể thấy được đối tượng thị giác như nó là, rằng không có ai ở trong đó cả?

Đức Phật đã tích lũy rất nhiều bala mật, nếu không Ngài đã không thể hiểu được bất cứ thực tại nào ở bất cứ thời điểm nào. Để có thể hiểu được rằng cái thấy không phải là tôi thấy, và cái xuất hiện đối với cái thấy không phải là con người hay đồ vật thì cần rất nhiều thời gian. Cần phải có duyên để cho các mức độ hiểu biết khác nhau sinh khởi chứ không chỉ dừng ở mức độ lý thuyết. Đừng quên là có ba mức độ hiểu biết để có thể biết rõ mình đang ở mức độ hiểu biết nào. Hiện giờ có sự liễu ngộ sự sinh diệt của thực tại không hay là chỉ đang suy nghĩ về điều ấy thôi? Nhưng vì điều ấy là thực cho nên nó có thể được chứng ngộ – một ngày nào đó, nhưng không thể mong đợi đối tượng của trí tuệ sẽ là gì. Cũng tương tự như việc ai biết được khoảnh khắc tiếp theo là gì đây? Cái có thể được hiểu thì chỉ là bây giờ mà thôi. Ở khoảnh khắc của cái thấy, ta học về cái thấy được tạo duyên và về đối tượng được thấy. Ở khoảnh khắc của cái nghe chỉ có cái nghe, nó không phải là cái thấy. Và ta học về yếu tố kinh nghiệm âm thanh, không phải ai cả mà chỉ là một yếu tố được tạo duyên để sinh khởi và để nghe. Nếu không có nhĩ căn – cái có thể tiếp xúc với âm thanh, nếu không có âm thanh, không có nghiệp tạo duyên cho khoảnh khắc của cái nghe sinh khởi, sẽ không thể có cái nghe. Nhưng ở thời điểm nghiệp trổ quả để tạo duyên cho cái nghe sinh khởi, không ai có thể ngừng âm thanh sinh khởi, như bây giờ đây, chính bây giờ, các bạn có thấy không? Ta có thể hiểu điều Đức Phật nói, rằng, hiểu đúng về mặt tư duy trong hiện tại thể tạo duyên cho khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp một thực tại ở một thời điểm trong tương lai. Vì lẽ ấy, Đức Phật đã giảng về các thực tại và các duyên cho sự sinh khởi của từng thực tại. Có ba mức độ của hiểu biết và hiện giờ mức độ của hiểu biết là gì ? Chúng ta cần phải rất trung thực, ở mức độ nào?

HV 18:           Mức độ lý thuyết

Achaan:         Khi mức độ hiểu biết về mặt tư duy đủ vững vàng, nó có thể tạo duyên cho khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp, chứ không phải là do ta muốn kinh nghiệm điều ấy. Khi chúng ta theo những phương pháp khác nhau và cố gắng ghê gớm, điều ấy chứng tỏ không có hiểu biết thực sự về Giáo lý, và lại quên về vô ngã. Kết quả đúng cần phải tới từ nhân đúng, duyên đúng. Khi có một vài hiểu biết hiện giờ, rồi tiếp tục nghe, tiếp tục hiểu  nó có thể tạo duyên khiến hiểu biết lớn mạnh từng bước một. Với hiểu biết, cũng thêm sự trung thực để hiểu rằng hiểu biết này vẫn chưa phải là hiểu biết trực tiếp về thực tại. Trí tuệ không thể sai. Vậy cái gì và khi nào là sự khác biệt giữa hiểu biết ở mức độ tư duy và hiểu biết trực tiếp? Sẽ có sự bắt đầu của một mức độ hiểu biết cao hơn, không chỉ là hiểu biết ở mức độ tư duy nữa. Nếu không có cái hiểu một cách rõ ràng Bát chánh đạo là gì, sẽ có ý niệm về ai đấy đang cố gắng làm một cái gì đấy, đi theo một con đường tắt. Nhưng con đường tắt đó chính là tà kiến, vì làm gì có con đường tắt để có thể hiểu được thực tại hiện giờ đang thấy và cũng đang sinh diệt? Bởi vì sự dính mắc về tự ngã vẫn còn chưa được tận diệt từng bước một hiện giờ. Vì vậy nó vẫn ở đó và nó đeo bám ta suốt dọc con đường, đó là một ông chủ lớn.

Vì vậy trí tuệ bao giờ cũng là trí tuệ hiểu về thực tại đang xuất hiện hiện giờ, từng chút một, kể cả khi hiểu biết vẫn chưa phải là cái hiểu trực tiếp. Khi nó đủ vững chãi, nó sẽ tạo duyên cho trí tuệ trực nhận, nhưng ta không thể lên kế hoạch và biết trước được. Nếu không quán triệt điều này thì ý niệm về ngã sẽ hướng chúng ta đi theo những con đường khác mà không biết cái gì đang ở đó. Nhưng khi có đủ duyên cho chánh niệm trực tiếp sinh khởi, trí tuệ sẽ hiểu tính chất của chánh niệm khi ấy, và nó cũng biết là khoảnh khắc ấy rất khác với khi chỉ là hiểu về mặt lý thuyết mà thôi. Và những cái đó đều là trí tuệ, nó không bao giờ sai cả, bởi vì nó hiểu và nó cũng biết được nhân duyên của mọi thứ. Nó biết là khoảnh khắc của hiểu biết trực tiếp khác với hiểu biết ở mức độ tư duy. Và nó sẽ biết rõ lúc nào thì nó đang phát triển và lúc nào thì không. Không phải luôn luôn có được cái hiểu trực tiếp trong một ngày, một tháng, một năm, và có thể trong cả một kiếp sống. Do vậy, chúng ta thấy được tầm quan trọng của các ba la mật kham nhẫn, chân thực, và quyết định, thực sự thấm nhuần rằng chẳng có cái gì khác ngoài thực tại hiện giờ có thể được xuyên thấu và hiểu. Nếu không, dính mắc và tà kiến sẽ quay lưng lại khoảnh khắc hiện tại. Nếu kham nhẫn không phải là kham nhẫn với sự phát triển hiểu biết, nó sẽ là gì đây? Lúc này, kham nhẫn là kham nhẫn để lắng nghe, bởi vì hôm nay có thể có một số hiểu biết và ngày mai thì có thể có thêm một chút hiểu biết nữa.  Và đó là cách duy nhất để tận diệt sự dính mắc vào ý niệm về ngã, chỉ khi có khoảnh khắc hiểu về thực tại.

Ta nói về mơ và không mơ. Hiện giờ có phải là một giấc mơ không? Trong một giấc mơ, có con người, cảnh vật và cả những tình huống, đúng không? nhưng khi ấy không có sự xuất hiện của đối tượng thị giác. Ta có thể nói khi nào là một giấc mơ và khi nào thì không, hay là nói nó chỉ giống như một giấc mơ. Ở khoảnh khắc đối tượng thị giác xuất hiện, khi ấy có cái thấy, nếu như không có cái thấy thì đối tượng thị giác sẽ không thể xuất hiện. Trong giấc mơ thì không có cái thấy, đối tượng thị giác, cái nghe, âm thanh, mà chỉ có suy nghĩ về cái đã được kinh nghiệm mà thôi. Nó cũng giống hệt như bây giờ trừ điểm khác biệt là không có đối tượng của cái thấy và cái thấy.

Vậy thì có thể có thêm một chút hiểu biết rằng sau khi có cái thấy thì có suy nghĩ. Nếu không có sự suy nghĩ về hình dạng về tướng của cái đã xuất hiện, sẽ không thể có ý niệm nào về những gì được thấy hiện giờ. Nhưng có một thực tại không phải là pháp dẫn đầu trong việc kinh nghiệm một đối tượng, nhưng nó sinh khởi với mỗi khoảnh khắc kinh nghiệm đối tượng. Nó nhớ cái được thấy, nó nhớ âm thanh đã được nghe và về sau nó có thể nghĩ rất nhiều về đã được kinh nghiệm qua mắt và qua tai, nhưng nó không phải là khoảnh khắc thực sự của cái thấy, vậy thì cái thấy không phải là tự ngã, suy nghĩ cũng không phải là tự ngã, bất cứ cái gì xuất hiện cũng đều không phải là tự ngã, nó không phải là một thứ tồn tại kéo dài, và đấy là cách hiểu được vô ngã, không có ai ở trong đấy cả.

Học viên 20: Trong những khoảnh khắc không có cái nghe, không có cái thấy, không có cái ngửi, nếm, xúc chạm thì đó là khoảnh khắc của giấc mơ phải không ạ?

Achaan:         Mơ là suy nghĩ, và hiện giờ có suy nghĩ. Nhưng sự khác biệt là có những khoảnh khắc của cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm trước khi có suy nghĩ về nó. Chúng ta có thể mơ về bất cứ thứ gì, nhưng khi chúng ta thức dậy thì những thứ dường như có thực trong giấc mơ ấy đã biến đi đâu rồi? Hệt như vậy, cả cuộc đời chỉ là những giấc mơ với những cái thấy và cái nghe xen kẽ giữa chúng mà thôi. Cái thấy được tạo duyên để thấy, nó diệt đi không bao giờ quay lại nữa. Vậy thì làm sao ta có thể tìm được cái thấy đã hoàn toàn diệt đi đây? Cũng như vậy, ta không thể tìm thấy những gì thuộc về giấc mơ một khi ta thức dậy. Những cái gì đã xảy ra trong cuộc sống này sẽ không còn được nhớ khi mà một kiếp khác bắt đầu.

Bạn đã tới từ đâu trên thế giới này? Cái gì đã đưa bạn đến thế giới này, tới chính thế giới này chứ không phải thế giới khác, với tư cách chúng sinh này chứ không phải chúng sinh khác? Những gì xảy ra trong cuộc sống này khác biệt với mỗi người. Nếu như không có duyên thì không gì có thể sinh khởi để trở thành cuộc sống. Khi không có hiểu biết về thực tại, sẽ luôn là “tôi”, nhưng “tôi” ở đâu? Cái thấy sinh và diệt, cái nghe sinh rồi cũng diệt, vậy thì “tôi” nằm ở đâu?

Ở khoảnh khắc của cái thấy này, liệu có nên hiểu biết về những thứ khác hay không? Nếu như không có cái thấy và nhãn căn, sẽ không thể có cái được thấy. Nhãn căn là một thực tại nhưng nó có xuất hiện và được biết hiện giờ không? Trong tất cả thực tại, chỉ có một thực tại có thể được thấy mà thôi. Ta nghe trong bóng tối hay là không? Kể cả khi ta nhắm mắt thì vẫn có cái nghe, vậy thì cái nghe là ở trong bóng tối; ngửi, nếm, xúc chạm trong bóng tối, suy nghĩ trong bóng tối.  Bản chất của thế giới là rất tối, chỉ duy nhất ở những khoảnh khắc của cái thấy thì có ánh sáng mà thôi, nó có xuất hiện như nó là hay không? Đây đang là mức độ của hiểu biết về mặt lý thuyết, nhưng khoảnh khắc thực sự kinh nghiệm nó sẽ là khoảnh khắc của sự liễu ngộ, và khi đó sẽ chấm dứt ý niệm về tự ngã. Khi ấy, cái thấy xuất hiện chỉ là cái thấy, đối tượng thị giác xuất hiện chỉ là đối tượng thị giác, cái nghe xuất hiện chỉ là cái nghe, âm thanh xuất hiện chỉ là âm thanh, v.v. Chỉ có một đặc tính xuất hiện ở một thời điểm mà thôi. Trí tuệ hiểu được cái gì đã tạo duyên cho chính nó: bắt đầu từ sự phát triển hiểu biết về những thực tại hiện giờ, ý niệm về ngã được tận diệt một cách rất từ từ, không phải bởi kinh nghiệm trực tiếp mà bằng sự suy xét; sự suy xét ấy sẽ dẫn tới sự xả ly với bất cứ cái gì xuất hiện, và bây giờ nó đang phát triển.

Những cái đó được Đức Phật goi là hành uẩn, nhưng mọi người lại có cái ý niệm là có một cái ngã làm thay công việc của hành uẩn, đó chính là cái hiểu sai và con đường sai. Hiểu biết sai, tà kiến sẽ không thể hiểu được con đường chánh đạo. Nhưng khi có chánh kiến và trí tuệ, chúng sẽ biết được đâu là con đường chánh đạo và đâu là con đường phi đạo và rằng bản thân hiểu biết đúng cũng không phải tự ngã. Có năm uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, không có cái nào gọi là ngã uẩn cả, nhưng dường như nó lại là thực do bởi tà kiến. Tà kiến là một thực tại không thể nào hiểu đúng rằng khoảnh khắc này không có cái ngã nào ở đó. Và nó là hành uẩn, không phải là thọ uẩn, thức uẩn, sắc uẩn, tưởng uẩn

Theo nghĩa đen, từ khandha là không gian, hư không. Âm thanh chưa sinh khởi thì không xuất hiện. Nhưng khi nó xuất hiện và là đối tượng của nghe, nó chỉ xuất hiện lúc ấy mà thôi, rồi cái kinh nghiệm và âm thanh cùng biến mất, như chưa từng có gì, giống như hư không. Vậy chúng ta dính mắc vào gì đây? Vào những thứ sinh và diệt và không bao giờ quay lại, và chúng ta vẫn tin rằng có cái gì đó trường tồn ở đấy. Với hiểu biết đúng, trí tuệ có thể phát triển một cách từ từ cho đến khoảnh khắc của sự giác ngộ mà không có sự mong cầu. Bất cứ khi nào có sự mong cầu, khi ấy có sự dính mắc. Khi chúng ta nghĩ rằng mình đang ngồi thiền, chẳng phải có sự mong cầu một cái gì đó hay sao? Và sẽ không có cái hiểu về những gì đang xuất hiện hiện giờ.

Những người ở thời Đức Phật có thể giác ngộ trong khi nghe Pháp giảng về các thực tại đã có thể xuyên thấu bản chất của thực tại ấy bởi mức độ tuệ giác rất phát triển. Nếu không có sự lắng nghe Giáo lý một cách cẩn thận và tôn kính liệu có thể có thêm hiểu biết rõ dần hơn về những gì đang xuất hiện hiện giờ không? Nghe để bớt đi sự dính mắc về những gì xuất hiện, để hiểu hơn về những gì đang xuất hiện, nếu không thấm nhuần sự vô ngã của tất cả các thực tại, sẽ không có duyên để cho hiểu biết trực tiếp về thực tại sinh khởi. Và trí tuệ luôn biết rõ sự khác biệt giữa khoảnh khắc có kinh nghiệm trực tiếp về thực tại và khoảnh khắc không có. Một số người nói tôi không thể nói về điều ấy vì nó vượt qua ngôn từ. Như vậy không đúng, vì Đức Phật đã dùng chính ngôn từ để dạy về điều ấy, nếu không sẽ không ai có thể hiểu một cách đúng đắn về những gì xuất hiện hiện giờ. Đừng chỉ tự nghĩ theo cách này hay cách kia, nói “do duyên” mà không biết cụ thể là những duyên nào, duyên để cho cái thấy sinh khởi không phải là duyên để cho trí tuệ sinh khởi, bởi vì trí tuệ không phải là cái thấy.

HV 20:           Có phải đối tượng của tâm tham là những khái niệm về những thực tại vừa sinh và diệt đấy hay không?

Achaan:         Tâm tham đã sinh khởi trước khi khái niệm về thực tại đó sinh khởi.

Sarah:            Chẳng hạn, sau khi có cái thấy sinh khởi, trước khi biêt đó là gì thì đã có sự dính mắc rồi, nó nhanh lắm.

Tôi muốn nói thêm một chút về quan sát. Như chúng ta đã đề cập, mặc dù không cố ý làm gì đặc biệt, và rất tự nhiên, nhưng khi có sự suy xét lặp đi lặp lại, trí tuệ có thể sinh khởi về sau. Nhưng khi có ý niệm là có cái gì đấy để làm, thì lại chứng tỏ không có hiểu biết đúng về thực tại là vô ngã. Khi đó có ý niệm về một cái ngã có thể chủ động làm để đi đến kết quả, và như vậy sẽ không thể dẫn tới hiểu biết. Vì vậy, hiểu biết đúng phải có mặt trước tiên. Bất cứ sự phát triển tâm trí nào đều bắt đầu với hiểu biết đúng, chứ không phải là làm một cái gì đó với suy nghĩ rằng nó sẽ đem tới hiểu biết đúng.

Achaan:         Vậy thì chúng ta cần phải hiểu một cách rất kỹ lưỡng, thế nào là thiền?

Vị sư 1:          Đó là cái hiểu biết về bất cứ cái gì đang xuất hiện

Achaan:         Cái hiểu thì hiểu cái xuất hiện hiện giờ. Khi chúng ta nghe Pháp, không phải ai cũng hiểu, nhưng ở khoảnh khắc hiểu thì đó là trí tuệ sinh khởi, không phải là đang hành thiền. Nghe thì chỉ là nghe thôi, không phải là hành thiền đúng không? Vậy thiền là gì nào? Nếu như chúng ta không biết ý nghĩa của từ ấy mà chúng ta sử dụng thì làm sao ta có thể hiểu được đây?

Giống như cái thấy, chúng ta dùng từ cái thấy nhưng cái thấy là gì? Tương tự như vậy, thiền là gì? Khi nói đến cái thấy là ta nói đến khoảnh khắc kinh nghiệm cái được thấy, vậy thì thiền là gì nào?

Học viên 12: Ở trong Kinh, Đức Phật có nhắc nhiều lần về bốn  chi thiền , đó là những trạng thái rất cao của các thiện tâm và sự hiểu biết, có tầm có tứ.

Achaan:         Tầm-vitakka là gì? Chúng ta nói đến thiền, đến tầm thì phải hiểu từng thứ một, cũng như là hiểu về cái thấy vậy.

HV 12:           Tâm sở tầm chạm vào đối tượng.

Achaan:         Chạm à? Vậy bây giờ tôi sẽ nói thêm một chút: ngay sau khoảnh khắc của cái thấy thì đã có tâm sở tầm sinh khởi rồi (chứ không phải chỉ trong thiền chứng –ND)

HV 12:           Mọi tâm đều sinh khởi cùng bảy biến hành tâm sở.

Achaan:         Trong bảy tâm sở đó thì có bao gồm tầm hay không?

HV 12:           Không.

Achaan:         Ở khoảnh khắc của cái thấy thì chỉ có cái thấy kinh nghiệm đối tượng, chỉ có một khoảnh khắc như vậy thôi, và nó rất khác với các khoảnh khắc khác, vì đó là khoảnh khắc chính xác của sự thấy, sau đấy nó diệt đi, tâm tiếp theo sau nó sinh khởi với tầm chạm vào đối tượng. Ở khoảnh khắc của cái thấy, rất khó có thể thấy được cái thấy là vô ngã. Kể cả khi bây giờ cái thấy đang thấy, làm sao có thể hiểu được trực tiếp về bảy tâm sở sinh khởi cùng với cái thấy đây? Trong bảy biến hành tâm sở có tâm sở xúc, vậy liệu có thể có cái hiểu về tâm thấy hay về những tâm sở đồng sinh với tâm ấy hay chưa? Những lời dạy về các tâm và tâm sở đều để chỉ cho chúng ta rằng, không có một cái ngã nào ở trong đó cả, chỉ có tâm, tâm sở và sắc mà thôi. Và khi tuệ giác sinh khởi, nó có thể lấy bất cứ cái gì làm đối tượng, hoàn toàn không có sự chuẩn bị nào hết, hiện giờ cái thấy có là đối tượng của hiểu biết trực tiếp hay không?

HV 12:           Như Bà vừa nói, tâm và tâm sở Đức Phật có dạy và mình có nghe có học thì cũng chỉ là để hiểu thôi, chứ kinh nghiệm thì rất là khó. Chính vì thế con có nói là cần có sự hỗ trợ của định.

Achaan:         Có thể có cái hiểu về câu chuyện về các thực tại, nhưng chưa thể có cái hiểu biết trực tiếp về thực tại là cái thấy. Hiện giờ, chúng ta đang nói về tâm sở tầm thì cần phải hiểu thêm về tâm sở tầm là gì. Nó không phải là một ai đấy mà là một thực tại. Đó là một thực tại, là một trong các tâm sở sinh khởi cùng với các tâm. Hiện giờ có tầm không? Nếu không có tâm nào thì sẽ không có cái thấy, nghe ,ngửi. Đức Phật dạy nhiều về các thực tại như vậy là để thấy rằng không có tự ngã nào trong đó. Các tâm sở tầm sinh khởi sau khoảnh khắc của cái thấy, cái nghe có thể là vipaka-quả hoặc có thể là thiện hay bất thiện hoặc duy tác. Ở khoảnh khắc của suy nghĩ thì có tầm không?

HV 12:           Có ạ.

Achaan:         Nó có thể nghĩ về bất cứ thứ gì đúng không? Một cách đúng đắn hay là sai lầm? Làm thế nào để ta biết được nó nghĩ được một cách đúng đắn hay sai lầm đây?

HV 12:           Nhờ có hiểu biết đúng

Achaan:         Nếu như không có hiểu biết đúng thì sẽ không thể có tâm sở tầm là thiện. Ở khoảnh khắc của sự suy nghĩ, tâm sở xúc tiếp xúc với đối tượng và tâm sở tầm chạm vào đối tượng ấy. Hiện giờ tâm sở tầm có chạm vào cái thấy không?

Nếu không có trí tuệ thì liệu tầm có thể chạm vào thực tại là cái thấy không? Chánh tư duy (chi thứ hai của Bát chánh đạo, cũng là tâm sở tầm) luôn phải sinh khởi cùng với chánh kiến.

Sarah:            Có một câu hỏi của Lukas, một cư sỹ người Ba- lan.  Trước khi đọc câu hỏi, tôi sẽ giải thích một số thuật ngữ được nói trong đó, aramana có nghĩa là cảnh, ví dụ như: cái được thấy là cảnh của cái thấy; một thuật ngữ nữa là upanissaya nghĩa là cận y và từ paccaya có nghĩa là duyên; aramano upanisaya paccayacảnh cận y duyên. Câu hỏi là:

“Tại sao sân không phải được tạo duyên bởi cảnh cận y duyên, bởi vì cứ thấy một người Hippi thì tôi không thích, bất cứ khi nào thấy người theo phong cách Hippy thì lại có sân sinh khởi và điều này lại được tích lũy thêm nữa. Vậy tại sao chỉ có tham mới được tích lũy theo cảnh cận y duyên, chứ không phải sân được tích lũy theo duyên này?”

Achaan:          Khi chúng ta thích cái gì thì chúng ta có muốn có thứ đó hay không? Khi chúng ta ghét cái gì thì chúng ta có muốn có thứ đó hay không? Trong ngày luôn có những thứ mà chúng ta muốn có, cái mà chúng ta thích, và nó sẽ tạo duyên cho việc cố gắng để có được những cái đó. Đó là ý nghĩa của cái gọi là aramano upanisaya paccayacảnh cận y duyên, nó là sự kêt hợp của hai loại duyên và cảnh duyên và cận y duyên.

Nếu như tôi cho bạn cái này thì bạn có lấy không? Chúng ta chỉ luôn muốn có cái mà chúng ta thích mà thôi, kể cả khi ăn cũng vậy. Việc nghe Pháp và suy xét về Pháp có phải là cảnh cận y duyên của bạn hiện giờ hay không? Bất cứ cái gì mà chúng ta làm để biết hay để hiểu v.v… thì đều là cảnh cận y duyên.

Sarah:            Khi ấy thì nó có thể là cảnh duyên cho Trí tuệ ở khoảnh khắc đó.

Người phiên dịch: Có một câu hỏi từ một vị sư. Tại sao sự dính mắc ở khoảnh khăc hiện tại cũng là pháp chân đế?

Achaan:         Vậy thế nào là pháp chân đế?

Người phiên dịch: Bản thân dính mắc cũng là pháp chân đế.

Achaan:         Bất cứ cái gì cũng là pháp chân đế, nó sinh và diệt.

Jonathan:     Nếu như có cái hiểu về thực tại đó chỉ là thực tại chân đế mà thôi, thì sẽ không có sự dính mắc, cho nên chỉ khi có hiểu biết đúng về thực tại đó thì mới không có sự dính mắc mà thôi.

Sadhu sadhu sadhu!

 

Leave a Reply

Translate »