Tâm Từ – Giới thiệu và Mục lục

Vietnam Dhamma Home trân trọng gửi tới quý độc giả cuốn sách mới nhất được VDH  dịch và ấn tống, đó là cuốn  “Tâm từ” của tác giả Sujin Boriharnwanaket.

Chuyển ngữ: Trần Văn Thái, Trần Thanh Mai

Hiệu đính bản chuyển ngữ: Vietnam Dhamma Home

(Từ bản tiếng Anh của dịch giả Nina Van Gorkom) 

Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019

Lời giới thiệu

Achaan Sujin tiếp cận về phát triển tâm từ (mettā) rất trực tiếp. Bà hướng đến việc áp dụng lời dạy của Đức Phật trong đời sống hàng ngày. Đức Phật dạy con đường diệt trừ bất thiện và phát triển thiện. Tâm từ (mettā) là một thiện pháp thiết yếu. Nhưng rất khó phát triển tâm từ vì chúng ta luôn nghĩ đến bản thân mình. Phát triển tâm từ đưa đến lợi ích tối ưu cho cả hai, cho bản thân mình và người khác: tâm từ làm giảm sự vị kỷ và là yếu tố cốt yếu cho sự hòa hợp và bình yên trong xã hội.

Cuốn sách này tổng hợp các bài giảng của Achaan Sujin tại chùa Bovoranives, Bangkok. Tại các buổi giảng của Bà, mọi người đặt câu hỏi và vì vậy cuốn sách này có một phần hỏi đáp.Khun Sujin1 giải thích, để phát triển tâm từ, ta cần biết chính xác tâm từ là gì và khi nào thì tâm từ sinh khởi. Chúng ta dễ cho những thương mến cá nhân là tâm từ và khi ấy, tâm từ không thể được phát triển. Khun Sujin trích dẫn Tam Tạng kinh điển và các chú giải để làm sáng tỏ việc phát triển tâm từ theo lời dạy của Đức Phật. Bà luôn nhấn mạnh, sự thực hành tâm từ phải thống nhất với những lời dạy của Đức Phật còn được lưu truyền đến ngày nay. Mọi người trước kia luôn chấp nhận những gì thầy mình nói mà không tự tìm hiểu Tam Tạng. Khun Sujin luôn hết mực khuyến khích mọi người đọc kinh điển, suy xét điều đọc được và tự kiểm chứng sự thật thông qua thực hành Giáo pháp – lời dạy của Đức Phật, trong đời sống hàng ngày. Khi Bà bắt đầu giảng Pháp từ hơn 25 năm trước, có rất ít bản dịch Chú giải sang tiếng Thái. Mỗi lần cần chú giải cho các bài kinh sẽ được dẫn trong buổi giảng, Bà phải nhờ các vị sư dịch từ tiếng Pali sang. Nhờ sự khuyến khích của Bà, cả người xuất gia lẫn cư sĩ đã quan tâm hơn đến Giáo lý và chú giải, nhiều bản dịch chú giải đã được dịch sang tiếng Thái. Ngày nay tại Thái Lan, Tam Tạng đã được in theo cách sau mỗi bài hay đoạn kinh đều có phần chú giải liên quan để giải thích cho đoạn kinh đó. Khun Sujin không những giúp mọi người tra cứu kinh điển mà còn hiểu đúng việc áp dụng và thực hành Giáo lý trong cuộc sống thường ngày. Mọi người có thể nghe các bài giảng của Bà qua radio vào buổi sáng và tối. Đài phát thanh các vùng khác nhau của Thái Lan đã phát bài giảng của Bà và số lượng các nhà đài ngày càng tăng lên. Ở các nước láng giềng như Lào, Malaysia và Cam-pu-chia, người ta cũng có thể được nghe Bà giảng. Với lòng cảm kích sâu sắc nhất đối với sự hướng dẫn và giúp đỡ của Khun Sujin, tôi hân hạnh dịch cuốn sách về tâm từ này cho các độc giả tiếng Anh. Bản biên dịch này của tôi có điều chỉnh cho phù hợp với “người Tây phương”, với một số thay đổi, bổ sung và chú thích. Người Thái đã quen với các thuật ngữ và ý nghĩa Pali, nhưng với những người mới tìm hiểu Giáo lý thì sẽ khó nắm bắt. Để giúp độc giả hiểu hơn về cuốn sách, giờ tôi sẽ giải thích một vài ý căn bản làm tiền đề để hiểu về tâm từ và việc áp dụng nó trong đời sống hàng ngày.

Không thể phát triển tâm từ (mettā) nếu không biết về “trạng thái tâm” của mình, tiếng Pali gọi là “citta”. Cái chúng ta cho là “tâm của tôi” thực chất là các khoảnh khắc tâm thức (citta) khác nhau thay đổi liên tục. Có một tâm tại một thời điểm, sinh rồi diệt ngay lập tức, rồi được tiếp nối bởi tâm tiếp theo. Cuộc sống của chúng ta là chuỗi tâm sinh diệt không gián đoạn. Mỗi tâm kinh nghiệm một đối tượng. Cái thấy là một tâm, nó kinh nghiệm màu sắc thông qua mắt. Cái nghe là một tâm, nó kinh nghiệm âm thanh thông qua tai. Tâm kinh nghiệm đối tượng thông qua sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

 

Tâm rất đa dạng: một số tâm là thiện (kusala citta), một số bất thiện (akusala citta), một số lại không thiện hay bất thiện. Khi có tâm từ sinh khởi cùng tâm, tâm khi ấy là thiện, nhưng khi có thương mến cá nhân hay sân đi cùng, tâm là bất thiện. Có một tâm tại một thời điểm, nhưng mỗi tâm lại kèm theo một số tâm sở (cetasika), các tâm sở này thực hiện chức năng riêng khi sinh khởi cùng tâm. Một số tâm sở, như thọ hay tưởng, sinh khởi cùng tất cả các tâm, trong khi một số tâm sở khác chỉ có thể sinh khởi với tâm bất thiện hoặc tâm thiện. Tâm bất thiện có các tâm sở bất thiện đi kèm, như tham (lobha), sân (dosa); còn tâm thiện đi kèm với các “tâm sở tịnh hảo” như vô tham hay vô sân.

Tâm và tâm sở là các thực tại sinh khởi do duyên tương ứng. Chẳng hạn, các phẩm chất thiện và phiền não sinh khởi trong quá khứ có thể làm duyên cho những phẩm chất ấy sinh khởi ở hiện tại. Tâm sinh rồi diệt đi, nhưng vì mỗi tâm được tiếp nối bởi tâm tiếp theo, nên các phẩm chất thiện hay phiền não đều được tích lũy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, và vì thế có duyên cho chúng sinh khởi ở hiện tại.

Thấy, nghe, nếm, ngửi và kinh nghiệm các đối tượng xúc chạm qua thân không phải là các tâm thiện hay bất thiện, mà là tâm quả của nghiệp (vipākacitta). Những việc làm bất thiện và thiện đã tạo trong quá khứ có thể mang đến kết quả bất khả ái hoặc khả ái ở hiện tại. Nghiệp thực chất là tác ý hay ý định. Tác ý thiện hoặc bất thiện thúc đẩy nên hành động được tích lũy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, vì thế nó có thể cho quả về sau. Nghiệp (kamma) cho quả dưới dạng là tâm tái tục, hay trong suốt kiếp sống là cái thấy, cái nghe và các kinh nghiệm qua ngũ quan khác. Thấy, nghe và các kinh nghiệm đối tượng khả ái hay bất khả ái tùy thuộc vào nghiệp tạo ra những tâm quả này. Khi thấy một đối tượng thị giác khả ái, hầu như tham sinh khởi ngay sau cái thấy; khi thấy một đối tượng bất khả ái, hầu như sân sinh khởi ngay sau cái thấy. Sau kinh nghiệm ngũ quan, tâm bất thiện sinh khởi thường xuyên hơn tâm thiện. Không có tự ngã nào có thể điều khiển hay kiểm soát tâm, tâm sinh khởi vì những duyên riêng của chúng, chúng là vô ngã (anattā). Hiểu biết đúng về các tâm khác nhau có thể làm duyên cho các phẩm chất thiện được phát triển.

Đức Phật đã dạy, cái ta cho là “tâm của ta” và “thân của ta” là những thực tại thay đổi liên tục, sinh rồi diệt ngay lập tức, chúng là vô thường và vô ngã. Tâm (citta) và tâm sở (cetasika) là các danh pháp (tiếng Pali gọi là nama). Danh pháp và sắc pháp là các thực tại tối hậu, hay pháp chân đế. Danh pháp như cái thấy, tâm từ hay sân hận, sắc pháp như màu sắc, âm thanh hay đặc tính cứng, đều là các thực tại tối hậu. Mỗi thực tại đều có đặc tính riêng và có thể được kinh nghiệm trực tiếp khi chúng xuất hiện. Chúng là thực đối với tất cả mọi người. Tên gọi của chúng có thể thay đổi, nhưng đặc tính của chúng thì không. Có sự thật tối hậu [hay chân đế] và sự thật chế định [hay tục đế]. Nếu không tìm hiểu lời dạy của Đức Phật, chúng ta chỉ biết đến sự thật chế định: là thế giới về con người, chúng sinh, tự ngã, cây cối và xe cộ… Đó là những khái niệm mà ta thường nghĩ về, nhưng không phải là sự thật tối hậu – cái có thể được kinh nghiệm trực tiếp. Đạo Phật không phủ nhận sự thật chế định, nhưng chỉ ra sự khác biệt giữa sự thật tối hậu và chế định, nhờ đó ta có thể phân biệt chúng. Kể cả khi đã biết thứ vốn được cho là con người chỉ bao gồm danh và sắc sinh rồi diệt, chúng ta vẫn nghĩ về con người. Chúng ta có thể nghĩ theo cách bất thiện – với sự vị kỷ hay khó chịu; hay theo cách thiện – với tâm từ hay lòng bi mẫn.

Đạo Phật dạy về các hình thái thiện pháp khác nhau: bố thí (dāna), trì giới (sīla) và phát triển tâm trí (bhāvanā) – bao gồm phát triển sự an tịnh (samatha) và phát triển tuệ minh sát (vipassanā). Có những loại tâm thiện khác nhau, một số sinh kèm với tuệ (paññā) và một số không. Có thể có bố thí và trì giới không với trí tuệ, nhưng để phát triển tâm trí thì cần có trí tuệ.

Có những mức độ trí tuệ khác nhau. Khi tâm thiện với bố thí sinh khởi, nó có thể sinh kèm với trí tuệ hiểu rằng bố thí là thiện pháp và nghiệp thiện sẽ cho quả an lành. Đó là một mức độ của trí tuệ. Có mức độ trí tuệ hiểu Giáo lý về mặt lý thuyết, hiểu về danh và sắc sinh khởi do duyên, là vô thường và vô ngã. Trí tuệ trong sự phát triển an tịnh (samatha) lại là một mức độ khác nữa. Nó không chỉ hiểu lý thuyết, mà còn nhận biết chính xác khi tâm là thiện và khi tâm là bất thiện; nó nhận ra hiểm họa của bất thiện và lợi ích của thiện. Trí tuệ trong samatha biết duyên phù hợp để phát triển sự an tịnh dựa trên đề mục thiền. An tịnh sinh khởi cùng với tâm thiện và khi có sự kinh nghiệm trực tiếp đặc tính của an tịnh, nó có thể được phát triển. An tịnh được phát triển nhờ chú tâm trên một trong các đề mục thiền. Nhưng nếu chỉ cố gắng chú tâm trên đề mục mà không có hiểu biết, không thể phát triển được an tịnh. Có các đề mục samatha cụ thể như được giải thích trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) – một bách khoa toàn thư về Phật giáo do nhà chú giải Buddhaghosa biên soạn. Tâm từ là một trong các đề mục thiền của samatha. Khi sự an tịnh được phát triển, có thể đắc định (jhāna). Ở khoảnh khắc đắc định, không có sự kinh nghiệm qua ngũ quan và chúng ta được thoát ly khỏi phiền não – thứ vốn liên đới chặt chẽ với kinh nghiệm ngũ quan. Tâm thiền là tâm thuộc cõi thức cao hơn. Tuy nhiên, sau khi tâm thiền diệt đi, phiền não có thể sinh khởi trở lại. Thông qua samatha, phiền não tạm thời bị đè nén nhưng không bị tận diệt. Đắc định vô cùng khó và chỉ rất ít người có thể đạt được. Người có thể đắc định với đề mục tâm từ có thể trải tâm từ đến tất cả các cõi và tới mọi chúng sinh. Đó chính là “trải tâm từ tới mọi chúng sinh” như được đề cập ở cuốn sách này. Khun Sujin giải thích, kể cả những người không định phát triển an tịnh ở mức độ cao cũng có thể và nên phát triển tâm từ trong cuộc sống hàng ngày. Khi biết chính xác tâm lúc nào là thiện và lúc nào là bất thiện, và khi biết đặc tính của tâm từ thì họ có thể phát triển tâm từ, và ở khoảnh khắc đó tâm có sự an tịnh.

Phát triển tuệ minh sát hay vipassanā khác với phát triển samatha. Cách thức và mục tiêu của hai loại phát triển tâm trí này khác nhau. Phát triển tuệ minh sát là phát triển hiểu biết đúng về các thực tại tối hậu, là các danh pháp và sắc pháp, nhằm tận diệt tà kiến về ngã. Bằng tuệ giác, mọi phiền não và xu hướng ngủ ngầm có thể dần tận diệt hoàn toàn. Trong phát triển tuệ minh sát, chúng ta không cố chú tâm trên một đề mục, nhưng với chánh niệm (sati), hiểu biết về các thực tại xuất hiện qua một trong sáu căn có thể được phát triển. Hiểu biết về thực tại có thể được phát triển bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu, trong cuộc sống hàng ngày, mà không cần phải đến một nơi yên tĩnh. Chánh niệm là tâm sở thiện, nó không quên mà hay biết về danh hoặc sắc xuất hiện tại khoảnh khắc hiện tại. Ngay khoảnh khắc có chánh niệm, hiểu biết trực tiếp về thực tại đang xuất hiện có thể được phát triển, nhờ đó thực tại có thể dần được nhận biết là vô ngã. Tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) là một từ khác để chỉ sự phát triển tuệ giác về danh và sắc. Khi mới bắt đầu, chánh niệm và trí tuệ còn yếu, nhưng mỗi sát na chúng sinh khởi, chúng được vun bồi, kể cả khi ta không nhận ra. Chúng có thể phát triển từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, từ kiếp này sang kiếp khác.

Bạn đọc sẽ gặp thuật ngữ “chánh niệm – tỉnh giác” (sati – sampajañña), thay cho chánh niệm và trí tuệ. Tỉnh giác (sampa- jañña) là một từ khác để chỉ trí tuệ. Chánh niệm và trí tuệ là các tâm sở khác nhau, mỗi cái có một chức năng riêng, nhưng cả hai đều cần thiết để hiểu về thực tại đang xuất hiện. Nếu chỉ nhận biết thực tại mà không có trí tuệ, sẽ không thể đạt được mục đích thấy thực tại như chúng là. Chánh niệm-tỉnh giác là vô ngã, không thể tạo ra, mà chỉ có khi đủ duyên. Đó là các duyên: được nghe giảng Pháp bởi người có hiểu biết đúng, và cẩn trọng suy xét về Pháp. Đầu tiên cần có hiểu biết lý thuyết về danh và sắc. Cần biết danh là thực tại kinh nghiệm gì đó, và sắc là thực tại không kinh nghiệm gì cả. Cần hiểu rằng cái thấy là danh, nó kinh nghiệm cái xuất hiện qua mắt, là đối tượng thị giác, và đối tượng thị giác là sắc. Cần hiểu rằng cái thấy khác với suy nghĩ về con người, là cái sinh khởi sau cái thấy; cần hiểu về các danh pháp khác nhau kinh nghiệm đối tượng qua sáu môn. Chúng ta cho rằng mình có thể chạm vào thân, nhưng sự thật, nó bao gồm những yếu tố khác nhau, xuất hiện mỗi cái tại một thời điểm. Qua xúc chạm, đặc tính cứng hoặc mềm được kinh nghiệm, chứ không phải là một cái thân. Thân là một khái niệm do suy nghĩ tạo ra, không phải là thực tại tối hậu. Khi hiểu thực tại tối hậu [hay chân đế pháp] là gì và sự khác biệt của nó với sự thật chế định, sẽ có duyên cho chánh niệm sinh khởi. Chánh niệm để ý và hay biết trực tiếp về danh hoặc sắc đang xuất hiện. Chúng ta liên tục kinh nghiệm sắc pháp qua thân căn, như đặc tính cứng hoặc mềm, nhưng thường thất niệm và vô minh về chúng. Chúng ta thường chú ý đến đồ vật hay thân thể – cái là cứng hoặc mềm, đến ý niệm về một “khối”. Nhưng khi chánh niệm sinh khởi, nó có thể hay biết về một sắc pháp như đặc tính cứng hoặc mềm, hoặc về một danh pháp – cái kinh nghiệm những sắc pháp ấy; và tại khoảnh khắc đó, trí tuệ có thể thẩm sát những thực tại đó. Chúng có thể được nhận biết là sắc pháp hoặc danh pháp, sinh khởi do duyên riêng và là vô ngã. Trí tuệ được phát triển ở các mức độ khác nhau. Đầu tiên cần nhận biết sự khác biệt giữa danh pháp và sắc pháp, nếu không sẽ không thể kinh nghiệm trực tiếp sự sinh diệt của danh và sắc, là một mức độ tuệ giác cao hơn. Có thể hiểu về mặt tư duy rằng, danh khác với sắc, nhưng khi chúng thực sự hiện diện, vẫn chưa có nhận biết trực tiếp về đặc tính khác biệt của chúng. Chúng ta thường nhầm lẫn các thực tại như cái nghe và âm thanh hay cái thấy và đối tượng thị giác. Chánh niệm chỉ có thể hay biết một thực tại tại một thời điểm và chỉ khi có chánh niệm lặp đi lặp lại, trí tuệ mới có thể được phát triển, nhờ đó mà danh và sắc có thể được biết như chúng là.

 

Khi trí tuệ được phát triển hoàn mãn, có thể đạt được giác ngộ: kinh nghiệm niết bàn (nibbāna), là thực tại vô vi. Tâm, tâm sở và sắc là các thực tại hữu vi, sinh khởi do duyên rồi diệt đi. Niết bàn không phải là sắc, không phải là một nơi chốn để đến; nó là danh. Niết bàn là thực tại tối hậu [pháp chân đế], là danh pháp, không do duyên sinh, không sinh và diệt. Niết bàn được gọi là sự chấm dứt khổ (dukkha), chấm dứt bất toại nguyện – đặc tính vốn có trong mọi thực tại hữu vi sinh diệt. Có bốn giai đoạn giác ngộ và tại mỗi giai đoạn, các phiền não lần lượt bị tận diệt, cho đến khi tất cả phiền não bị đoạn tận ở giai đoạn giác ngộ cuối cùng – giai đoạn của bậc A La Hán, bậc toàn hảo.

Đối tượng của satipaṭṭhāna (tứ niệm xứ) là các pháp chân đế – danh và sắc. Tâm từ hướng đến các chúng sinh, lấy chúng sinh và con người làm đối tượng. Chúng sinh không phải là các pháp chân đế mà là tục đế [sự thật chế định]. Tuy nhiên, như Khun Sujin nói, ích lợi nhất là phát triển cả tứ niệm xứ và tâm từ. Khi có sự hay biết về danh và sắc, vẫn có thể có suy nghĩ về chúng sinh, về các loại danh pháp sinh khởi do duyên. Ta thường nghĩ về mọi người với tâm bất thiện, tâm có sự dính mắc hay khó chịu. Thay vì nghĩ với tâm bất thiện, ta có thể học để nghĩ với tâm từ (mettā-citta). Tâm từ là một loại danh pháp, và nếu có chánh niệm về nó, ta sẽ thấy nó là một thực tại do duyên, là vô ngã. Nếu không bám chấp vào ý niệm “tâm từ của tôi”, tâm từ sẽ thanh tịnh hơn. Khun Sujin nhấn mạnh, phát triển tứ niệm xứ làm duyên cho tâm từ sinh khởi thường xuyên hơn. Khi tứ niệm xứ được phát triển, những phiền não như ngã mạn, hà tiện và ghen tị – là những trở ngại của tâm từ, cuối cùng sẽ bị tận diệt. Hiểu rằng cả bản thân mình và người khác chỉ là tâm, tâm sở và sắc sẽ làm duyên cho tâm từ nhiều hơn. Nếu hiểu tâm bất thiện của mình sinh khởi do duyên, ta cũng sẽ hiểu tâm bất thiện của người khác là do duyên. Ta sẽ bớt xu hướng chỉ trích và thấu hiểu hơn những vấn đề của người khác. Như Khun Sujin nói, chúng ta có thể học để trở thành “một người thấu hiểu”, người biết cảm thông và giúp đỡ người khác. Nếu ai đó không đáp lại lòng tốt của ta, ta vẫn có thể đối xử với họ như những người bạn. Tình bạn thực sự không phụ thuộc vào thái độ của người khác, nó sinh khởi cùng với tâm từ.

Tâm từ là một “ba la mật” – những phẩm chất tuyệt hảo mà Đức Phật đã vun bồi trong vô lượng kiếp quá khứ khi còn là đức Bồ Tát – một chúng sinh có phát nguyện cho quả vị Phật. Những người có niềm tin vào Giáo lý và phát triển tứ niệm xứ sẽ phát triển ba la mật cùng với chánh niệm về danh và sắc. Các ba la mật, trong đó có tâm từ, là duyên cần thiết để đạt đến giác ngộ. Mục tiêu phát triển các ba la mật là để tận diệt phiền não.

Khun Sujin giúp mọi người hiểu về tâm của mình, biết khi nào tâm là thiện và khi nào tâm là bất thiện. Khi có hiểu biết đúng về tâm của mình, mọi người sẽ không lầm tưởng về bản thân và nhầm tưởng bất thiện là tâm từ. Lời giảng của Khun Sujin về tâm từ rất hữu ích để hiểu tâm từ là gì và làm sao phát triển nó. Cách giảng của Bà rất thuyết phục và trực tiếp, giúp nhiều cho việc thực hành tâm từ trong đời sống hàng ngày. Nhiều lời kinh Phật được Bà trích dẫn là sự nhắc nhở và động viên việc thực hành tâm từ trong cuộc sống thường nhật.

Cuốn sách sử dụng các trích dẫn trong Tam Tạng và các Chú giải, bao gồm cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Atthasālinī) – chú giải cho bộ đầu của Tạng Vi Diệu Pháp (Dhammasaṅgani) và cuốn Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Bản tiếng Anh của các cuốn này hiện có tại Hội văn bản Pali, 73 Lime Walk, Heading- ton, Oxford OX3 7AD, Anh quốc.

Trong cuốn sách này, tôi muốn giữ nguyên các thuật ngữ Pali, vì rất cần biết một số thuật ngữ ấy. Các từ tương đương trong tiếng Anh thường không hoàn toàn chuẩn xác vì nó bắt nguồn từ triết lý phương Tây và vì vậy thường khác với những ý nghĩa trong Giáo lý Đạo Phật.

Tôi tha thiết bày tỏ lòng biết ơn tới “Hiệp hội Nghiên cứu và Hoằng dương Phật pháp” và nhà xuất bản Alan Weller – người đã giúp bản dịch được ra đời.

Nina Van Gorkom

page14image992

Mục lục

Giới thiệu …………………………………………………………………………………………………

Chương 1. Duyên tố và trở ngại ………………………………………………………….

Chương 2. Vượt qua sân hận ……………………………………………………………….

Chương 3. Thực hành trong cuộc sống hàng ngày …………………………

Chương 4. Đặc tính của tâm từ …………………………………………………………..

Chương 5. Tâm từ trong thân hành và khẩu hành …………………………..

Chương 6. Lợi ích của tâm từ ………………………………………………………………

Chương 7. Phước lành của tâm từ………………………………………………………

Chương 8. Nhân và quả trong cuộc sống………………………………………….

Chương 9. Tâm từ – Nền tảng của thế giới………………………………………..

Các bài kinh được dẫn …………………………………………………………………………

Kinh tâm từ: Kinh tập (143-152) ……………………………………………………..

Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Trường bộ kinh, III, 180) ………………….

Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Như Thị Ngữ)
Itivuttaka (Chương 3, phẩm IV) ………………………………………………………

Giải thích thuật ngữ……………………………………………………………………………..

Vài lời về bản dịch Việt ngữ

Chúng tôi xin trân trọng gửi đến quý đạo hữu, quý độc giả bản dịch Việt ngữ cuốn Tâm từ – tập hợp các lời giảng của Achaan Sujin Boriharnwanaket về sự phát triển tâm từ trong cuộc sống hàng ngày, do Nina Van Gorkom biên tập và chuyển Anh ngữ.

Bản dịch chắc chắn vẫn có thiếu sót, rất mong nhận được góp ý của quý độc giả cho lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn.

Các phần dịch kinh trong cuốn sách được lấy từ bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu và một số phần dịch chú giải được tham khảo và lấy từ bản dịch của Tỳ khưu Indacanda. Chúng tôi xin được cảm tạ và tùy hỷ công đức của quý Ngài.

Chúng tôi xin hồi hướng phần công đức này tới các quý vị đã và đang hùn phước với Vietnam Dhamma Home để ấn tống sách và tổ chức Pháp đàm; xin hồi hướng tới cha mẹ, thầy tổ, thân bằng quyến thuộc và bạn hữu, hiện tiền và quá vãng. Nguyện cho các vị tùy hỷ phước thiện này! Nguyện cho phước thiện làm đây là duyên lành để dứt khỏi những ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm trong ngày vị lai!

Sadhu! Sadhu! Sadhu!

Vietnam Dhamma Home 

Chú thích

1 Trong tiếng ái, “Khun” nghĩa là “Ông” hoặc “Bà”

Leave a Reply

Translate »