CHƯƠNG VII: LỘ TRÌNH TÂM
Pháp đàm tại Huế, chiều ngày 25/05/14 với một vị sư
Vị sư: Sau khi cảnh sắc diệt đi, tâm biết được tướng-nimitta của sắc đó. Lộ trình tâm sau đó suy nghĩ về tướng đó. Trong lộ trình có tâm suy nghĩ đó, chánh niệm có đồng thời biết hiện tại có cái tâm suy nghĩ về khái niệm? Như vậy tại một thời điểm, tâm suy nghĩ đối tượng là khái niệm, còn chánh niệm thì hay biết có tâm suy nghĩ là đối tượng chân đế?
Sarah: Khi ta suy nghĩ về đối tượng là khái niệm, ngay sau đó có thể có chánh niệm về suy nghĩ đó. Khi ấy, suy nghĩ- thực chất là nimitta của suy nghĩ, vì nó đã diệt đi rồi – là đối tượng của chánh niệm. Nimitta này là bản sao giống hệt bản gốc, tức là trung thành với đặc điểm của suy nghĩ đã diệt đi. Mỗi khoảnh khắc tâm chỉ kinh nghiệm một đối tượng, vì vậy, nếu chánh niệm ghi nhận đối tượng là khái niệm thì lúc đó không có kinh nghiệm về chân đế.
Vị sư: Bởi vì trong cuốn sách đã dùng chữ ” đồng thời”…
Sarah: Gọi là “đồng thời” bởi vì nimitta có cùng một đặc điểm với thực tại vừa diệt đi. Chẳng hạn, đối tượng thị giác sinh khởi và diệt đi, nhưng nimitta của đối tượng thị giác đó là đối tượng hiện tại, và đặc điểm của nó vẫn giống hệt đặc điểm của đối tượng thị giác đã diệt đi. Kể cả khi có mức độ cao của hiểu biết, chẳng hạn ở khoảnh khắc của tuệ minh sát, nó vẫn lấy đối tượng là nimitta của thực tại mà nó kinh nghiệm. Nhưng nó được gọi là đối tượng hiện tại bởi vì nó có đặc điểm giống hệt như thực tại.
Sarah: Để cái thấy có thể kinh nghiệm đối tượng, trước đó đã phải có nhãn căn và đối tượng thị giác sinh khởi để nhãn thức có thể sinh khởi sau đó. Tâm nhãn thức sinh khởi cùng với bảy tâm sở biến hành kinh nghiệm thực tại đó. Đối tượng thị giác có tuổi thọ dài hơn 17 lần tuổi thọ của tâm. Trong lộ trình của nhãn môn, trước hết có các tâm hộ kiếp, sau đó có ngũ môn hướng tâm, là tâm lộ đầu tiên trong lộ trình này thực sự kinh nghiệm đối tượng thị giác đó. Nhưng ngũ môn hướng tâm – ở đây cụ thể là nhãn môn hướng tâm, thì không thấy đối tượng đó, mà chỉ làm công việc hướng vào đối tượng đó. Nó chỉ làm nhiệm vụ làm cho nhãn thức sinh khởi để thấy đối tượng đó. Nhãn môn hướng tâm không phải là tâm thiện hay bất thiện mà là tâm duy tác. Nó làm nhiệm vụ của nó mà thôi. Nhãn thức và các tâm sở đồng sinh thấyđối tượng. Sau đó nó được tiếp nối bởi hai tâm kế tiếp là tiếp nhận tâm và suy đạt tâm. Ba tâm vừa kể là các tâm quả. Tâm sau đó- xác định tâm – là tâm duy tác. Nó cần thiết để nối các tâm quả với luồng tốc hành tâm sẽ sinh khởi ngay sau đó. Tiếp sau đó có bảy đổng lực tâm sẽ sinh khởi và kinh nghiệm cùng đối tượng đó. Sau đó, có thêm một hoặc hai tâm trong cùng lộ trình được gọi là các tâm mót. Chỉ khi đó thì đối tượng thị giác mới diệt đi. Rồi lại có một vài tâm hộ kiếp, chúng ta biết rằng các tâm hộ kiếp không kinh nghiệm đối tượng qua sáu căn. Đối tượng của những tâm hộ kiếp, trong đó có tử thức và thức tái tục, hoàn toàn không được nhận biết bởi những người bình thường như chúng ta. Tâm hộ kiếp được tiếp nối bởi lộ trình tâm qua ý môn. Và đối tượng của lộ trình tâm qua ý môn đầu tiên là một với đối tượng thị giác vừa diệt đi. Như đã nói, đối tượng thị giác đó vừa diệt đi một cách hoàn toàn rồi. Nhưng nimitta được kinh nghiệm tiếp theo thì giống hệt đối tượng vừa mới diệt đi, vì thế cho nên nó được coi như là kinh nghiệm đối tượng trong hiện tại. Tiếp theo lộ trình đó, bắt đầu có những suy nghĩ về hình và dạng, và rồi có ý niệm về con người hay cảnh vật ở trong các lộ trình tâm tiếp theo. Theo nghĩa như vậy, chánh niệm về đối tượng thị giác có thể sinh khởi ở trong cả lộ trình ý môn và trong lộ trình ngũ môn. Không cần thiết phải tìm ra một cách chính xác là nó nằm ở chỗ nào.
Vị sư:Nói về kinh nghiệm sắc trong các lộ trình ngũ môn. Ví dụ cảnh sắc được kinh nghiệm thông qua nhãn môn và nhãn môn chính là sắc nhãn căn. Nhưng trong lộ trình ý, thì ý môn lại là tâm hộ kiếp dứt dòng, chứ không phải là sắc ý vật. Tại sao có sự khác nhau như vậy?
Sarah: Bản thân tôi cũng thấy đây là một điểm khó. Như sư đã nói, chúng ta biết nhãn căn là cửa/môn cho lộ trình nhãn môn kinh nghiệm đối tượng thị giác, tâm hộ kiếp dứt dòng là môn cho lộ trình ý môn kinh nghiệm các đối tượng sau đó. Vì nếu không có tâm hộ kiếp dứt dòng thì sẽ không thể có ý môn hướng tâm sinh khởi để hướng đến đối tượng, nên cái gọi là hộ kiếp dứt dòng này được coi là cận nhân của ý môn hướng tâm sinh khởi sau đó. Chính vì nó là cận nhân nên nó được coi là môn cho lộ trình qua ý môn. Cũng như vậy, đối với lộ trình của nhãn môn, nếu không có nhãn căn sinh khởi thì sẽ không thể có sự kinh nghiệm đối tượng qua mắt, như vậy nó cũng là cận nhân. Như chúng ta được biết, trong các cõi có ngũ uẩn, tất cả các tâm, ngoại trừ ngũ song thức, đều nương vào sắc ý vật. Nhưng trong cõi Phạm thiên Vô sắc giới, tâm có thể sinh khởi mà không cần tới sắc -kể cả sắc ý vật. Như vậy cái gọi là sắc ý vật không hoàn toàn tuyệt đối cần thiết, còn tâm hộ kiếp dứt dòng lại hoàn toàn thiết yếu để kinh nghiệm tâm tiếp theo, vì vậy nó được gọi là môn.
Achaan Sujin: Không cần thiết phải quá bận tâm đến những lộ trình tâm mà như vừa rồi đã mô tả. Việc chúng ta tìm hiểu các lộ trình tâm như vậy trong Vi diệu pháp có mục đích là để thấy rõ hơn tính chất vô ngã của các pháp. Ở khoảnh khắc cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác và cái nghe nghe âm thanh, không cần phải nghĩ đến những lộ trình. Nhờ việc học, chúng ta biết rằng những lộ trình này rất ngắn ngủi, và giữa chúng có xen kẽ các tâm hộ kiếp. Vậy cuộc sống thực chất là một dòng tâm hộ kiếp được xen kẽ đôi lúc bởi những khoảnh khắc kinh nghiệm mà ta gọi là lộ trình. Rất ngắn ngủi: cứ một lộ trình lại được tiếp nối bởi các tâm hộ kiếp và tiếp tục. Đọc những thông tin ấy cũng để hiểu rằng các tâm sinh khởi trong lộ trình đó không hề trường tồn. Nếu không biết kỹ thì ta sẽ tưởng rằng chúng tồn tại lâu dài. Do niềm tin vào sự thật về sự sinh diệt của các thực tại ngay hiện giờ, ta sẽ thấy rằng không ai có thể làm gì hết. Như vậy, hành uẩn (sankhara khandha) tiếp tục được phát triển, nhưng ta sẽ không biết chính xác khi nào chánh niệm thực sự sẽ sinh khởi.
Liệu có ai có thể biết trước, tính trước được khi nào chánh niệm sẽ sinh khởi không? Giống như cái nghe, ta không biết trước được khi nào nó sẽ sinh khởi. Các pháp đều như vậy, đều do duyên, và chánh niệm cũng là một pháp do duyên. Khoảnh khắc chánh niệm sinh khởi phải rất khác so với khoảnh khắc không có chánh niệm. Điều ấy chỉ có thể được biết khi chánh niệm sinh khởi. Như vậy không thể có chánh niệm ở khoảnh khắc có ý nghĩ: “bây giờ tôi sẽ áp dụng chánh niệm”, bởi vì ở khoảnh khắc suy nghĩ như vậy thì có sự dính mắc, không có sự xả ly. Tất cả những gì được thực hiện do dính mắc thì không phải là những gì Đức Phật dạy. Mỗi lời dạy của Ngài đều làm duyên cho sự xả ly. Chẳng hạn, về từ “pháp” (dhamma), ta có thể suy xét rằng tất cả những gì đang xuất hiện hiện giờ chỉ là pháp, và từng pháp sinh khởi do các duyên riêng của nó. Mỗi pháp (thực tại) đó đều không thuộc về ai cả. Chúng không sinh khởi do ý chí của chúng ta, và không tồn tại lâu như những gì chúng ta mong đợi. Trí tuệ cũng có thể hiểu rằng, ngay cái thấy lúc này đây cũng rất ngắn ngủi. Cái thấy chỉ sinh khởi để thấy và rồi lại diệt đi, ngay lập tức. Ta có thể thấy rằng vô minh hiện giờ không hiểu được các thực tại như Đức Phật đã dạy.
Nếu không có Giáo lý của Đức Phật thì không thể có sự xả ly khỏi dính mắc về mọi thứ xuất hiện hiện giờ. Nếu hiện giờ không có tham hoặc bất thiện pháp nào thì không cần thiết phải phát triển trí tuệ. Nhưng thực tế là, có một sự tích lũy rất sâu dầy của phiền não. Chính vì thế, ta biết rằng không thể nào nhanh chóng diệt được vô minh. Những khoảnh khắc nhỏ nhoi của hiểu biết đang tận diệt vô minh, nhưng rất từ từ mà thôi. Sự tận diệt như vậy là con đường đúng, và nó có thể bắt đầu được phát triển. Nó diễn ra ở khoảnh khắc mà chúng ta được nghe giảng về những gì xuất hiện hiện giờ. Sự chân thật sẽ biết hiện giờ mức độ trí tuệ hiểu những gì xuất hiện đang ở đâu. Không có một cách thức cụ thể nào để khiến hiểu biết về những gì đang xuất hiện sinh khởi. Chỉ trí tuệ hiểu đúng lời Giáo lý dạy về những gì đang xuất hiện hiện giờ mới làm nhiệm vụ của nó mà thôi. Khi không có hiểu biết đúng làm nền tảng mà ta cứ cố để có trí tuệ, thì việc đó có thể xảy ra hay không? Bằng việc làm việc này hay việc kia, dù là ngồi dưới gốc cây Bồ đề đi nữa, thì sẽ không ích lợi.
—————-/
Pháp đàm tại Huế, chiều ngày 26/05/14
Sarah: Vừa rồi quý sư có đặt câu hỏi với tôi: “Hôm qua chúng ta nói về sinh và tử. Khoành khắc cuối cùng của kiếp trước, gọi là tử thức, được tiếp nối ngay bởi khoảnh khắc đều tiên của kiếp sau, gọi là thức tái tục. Và rằng nghiệp cuối cùng trước khi tử thức sinh khởi trong lộ trình cuối cùng chính là cái làm duyên cho thức tái tục ở kiếp sau, khiến thức tái tục có thể sinh khởi ở cõi người, cõi trời, hay cõi súc sinh, v.v… tùy thuộc vào tính chất của nghiệp đó. Ở khoảnh khắc của thức tái tục không có thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm. Khi đó chỉ có thức tái tục là quả của nghiệp. Nhưng cùng lúc đó thì nghiệp cũng làm duyên cho ba nhóm sắc sinh khởi cùng với tâm ấy. Nhóm sắc thứ nhất chính là nhóm sắc ý vật, nhóm thứ hai là nhóm sắc tính nam hoặc sắc tính nữ, và nhóm thứ ba là nhóm thân căn. Sau khi thức tái tục diệt đi, có một số tâm hộ kiếp sinh khởi rồi được tiếp nối bởi lộ trình đầu tiên của kiếp sống, luôn luôn là lộ ý, và luôn sinh khởi với tâm tham, đối tượng của tâm tham khi đó là hữu(bhava)- sự tồn tại.
Vị sư: Chúng ta biết rằng để tái sinh phải có tanha (tham ái), kể cả với các bậc thánh nhân chưa phải là A la hán, sự tái sinh của họ trong kiếp kế tiếp vẫn được duyên bởi tham hữu (bhava tanha), đối tượng của bhava tanha là sắc ý vật. Điều này được xảy ra trong lộ trình nào?
Sarah: Có ai biết hiện giờ sắc ý vật là gì và ở đâu hay không, mặc dù ta đã đọc về nó ở trong sách? Vì vậy nó không phải là đối tượng dính mắc thông thường. Chỉ một vị A la hán mới tận diệt hết tanha. Còn đối với tất cả chúng ta, các nghiệp thiện và bất thiện sẽ cho quả, bởi gốc rễ của sự tái sinh là vô minh và tham ái vẫn chưa được tận diệt. Chừng nào vô minh vẫn chưa được tận diệt thì sau các kinh nghiệm ngũ quan sẽ có thiện và bất thiện sinh khởi và chúng sẽ làm vòng luân hồi tiếp tục. Mặc dù vô minh và tham ái là thứ làm duyên cho việc tạo nghiệp, nhưng không có nghĩa là vô minh và tham ái sẽ sinh khởi ở khoảnh khắc lâm chung. Ở thời điểm đó có thể có nghiệp thiện cũng như nghiệp bất thiện sinh khởi. Nếu là nghiệp thiện, nó sẽ làm duyên cho sự tái sinh ở nơi an lành, chẳng hạn như cõi người hoặc cõi chư thiên. Nếu là nghiệp bất thiện, nó sẽ làm duyên cho sự tái sinh ở cõi khổ.
Mặc dù sắc ý vật là cơ sở cho tâm của tất cả các tâm ngoại trừ ngũ song thức, nhưng tôi chưa gặp tài liệu nào nói rằng nó là đối tượng của tham trước khi tử thức sinh khởi.
Jonothan:Tôi muốn thêm một bình luân là mặc dù vị thánh thứ ba, bậc A-na-hàm đã hoàn toàn tận diệt tham dục, chỉ còn sự dính mắc vào hữu và chính tham hữu này là duyên cho sự tái sinh của vị ấy nhưng tôi không biết rõ các chi tiết về thời điểm lâm chung và tái sinh của vị ấy.
Sarah: Sáng nay ta đã nghe rằng sắc không thể sinh khởi một mình mà phải sinh khởi theo nhóm. Chẳng hạn như đối tượng thị giác hiện giờ không thể sinh khởi một mình mà phải sinh kèm với nhóm tams sắc bất ly. Ở khoảnh khắc đầu tiên của một kiểm sống, sắc do nghiệp sinh làm duyên cho thức tái tục nương vào để sinh khởi. Ở cõi người, thông thường sắc ý vật sinh khởi trước khi tâm sinh khởi. Còn ở khoảnh khắc tái tục, nó sinh cùng lúc với tâm. Nhóm thứ hai là nhóm sắc tính nam hoặc sắc tính nữ cũng sinh kèm nhóm sắc bất ly. Nhóm cuối cùng là nhóm sắc thân căn. Những nhóm sắc có nhĩ căn, nhãn căn sẽ sinh khởi về sau. Như vậy sắc ý vật ngay từ thời điểm đầu tiên của kiếp sống làm nơi cho tâm tương vào để sinh khởi. Các nhóm sắc vừa kể tới sinh khởi với các tổ hợp sắc và rồi diệt đi ko bao giờ quay lại. Quả thật như Achaan Sujin đã nói, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, và không ai có thể biết được đối tượng xuất hiện ở thời khắc cuối cùng sẽ là gì. Nếu ta có hiểu biết đúng về cái là thực trong khoảnh khắc này, ta sẽ hiểu rằng đến cuối cuộc sống này vẫn là như vậy mà thôi.
Achaan Sujin: Vậy liệu thức tái tục có kinh nghiệm sắc ý vật không?
Vị sư: Ta biết rằng thức tái tục chỉ kinh nghiệm một trong ba đối tượng: nghiệp, nghiệp tướng (kamma nimitta), gati nimitta (điềm tướng)
Achaan Sujin: Tại sao ta lại dùng những từ ấy để chỉ các đối tượng đó? Chúng cũng là những đối tượng như hiện giờ, nhưng tại sao ta lại dùng những từ đặc biệt ấy
Chúng ta có thể nghĩ đến bất cứ thứ gì bất cứ lúc nào. Nếu cái chết đến bây giờ, thứ mà ta nghĩ đến sẽ là đối tượng của thức tái tục trong kiếp sống mới. Nhưng vì đó là thời điểm cuối cùng của một kiếp sống nên chúng có những tên gọi đặc biệt.
Đối tượng được kinh nghiệm ở lộ trình tâm cuối cùng cũng sẽ là đối tượng của thức tái tục
Người hỏi: Tại sao trong tiến trình tâm của kiếp trước là nó là đối tượng của ý, và sau đó khi là đối tượng của thức tái tục thì không thể được kinh nghiệm qua sáu căn?
Sarah: Lý do chúng ta không nhận biết được đối tượng của thức tái tục là bởi vì đối tượng đó không xuất hiện qua các căn. Chỉ trí tuệ như Đức Phật mới biết tường tận về đối tượng của thức tái tục và tử thức. Tuy nhiên, ta được học rằng những gì được kinh nghiệm trong lộ trình tâm cuối cùng của kiếp trước cũng sẽ được kinh nghiệm bởi thức tái tục, các tâm hộ kiếp, và tử thức của kiếp này
Một lần nữa tôi muốn nhắc lại là chúng ta nói đến tất cả những điều này không phải vì việc biết các thông tin chi tiết như vậy là thiết yếu, mà là để nhấn mạnh đến sự thật rằng trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai đều không có một tự ngã nào cả. Chỉ là các tâm sinh khởi giống như bây giờ và đều là vô ngã. Nếu ta hiểu được cái thấy, cái nghe hiện giờ ta sẽ hiểu được rằng quá khứ hay tương lai sẽ vẫn vậy.
Liệu sắc ý vật có là đối tượng của tâm trong đời sống hang ngày không? Có ai biết sắc ý vật hiện giờ không? Nếu không biết về sắc này, làm sao nó không thể là đối tượng của tâm trong đời sống hàng ngày?
Nhóm sắc ý vật ở thời điểm của thức tái tục được gọi là nhóm thập sắc, bao gồm tám sắc bất ly, sắc mạng căn và chính nó, tổng cộng là một nhóm mười sắc sinh khởi cùng nhau. Cũng tương tự như vậy với hai nhóm sắc thân căn và sắc tính. Có mười hai loại sắc thô nhưng chỉ có bảy loại sắc thường xuyên được kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, đó là: ba đại trong Tứ đại: cứng-mềm, nóng-lạnh, chuyển động, co giãn, cùng với đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị. Sắc ý vật là sắc tế, nó chỉ được kinh nghiệm qua ý môn mà thôi. Sắc ý vật chỉ có thể được kinh nghiệm bởi trí tuệ ở một mức độ rất cao. Những đối tượng khác, chẳng hạn như đối tượng thị giác hiện giờ hay âm thanh hiện giờ là những đối tượng thông thường, vì vậy khi cái chết tới, một số trong chúng có thể là đối tượng của lộ trình tâm cuối cùng và là đối tượng cho thức tái tục của kiếp sống tiếp. Nhưng sắc ý vật là loại sắc rất vi tế nên nó không hề xuất hiện trong cuộc sống đời thường. Nếu bây giờ cái chết có tới, nó không thể là đối tượng của tâm kinh nghiệm, và không thể là đối tượng của thức tái tục của kiếp sống sau.
Vị sư: Như vậy, trong phần nói vật cảnh sinh duyên, sắc ý vật là đối tượng của tâm tham, vì sao sắc vi tế đó lại là đối tượng của tâm tham?
Achaan Sujin: Trong ba nhóm tổ hợp sắc sinh khởi ở khoảnh khắc đầu tiên của thức tái tục có nhóm sắc ý vật, liệu tâm có thể lấy đối tượng là sắc ý vật mà sinh khởi cùng với nó khi đó hay không, có thể kinh nghiệm cái là “căn” cho tâm nương vào khi đó hay không?
Vị sư: Không thể.
Achaan Sujin: Đúng thế.
Sarah: Như chúng ta đã nói, ngoại trừ ngũ song thức, tất cả các tâm còn lại đều nương vào sắc ý vật để làm căn cho nó sinh khởi. Nhưng điều đó không có nghĩa là sắc ý vật là đối tượng của tâm.
Vị sư: Nếu suy xét kỹ một chút thì thấy rằng mọi thứ đều tạo ra do nghiệp, không ai có thể tạo ra bất cứ cái gì hết ngoài việc phát triển hiểu biết về vô ngã.
Achaan Sujin: Đó chính là mục đích, mấu chốt của việc nghiên cứu Giáo Pháp: để thấy bản chất vô ngã của cuộc sống, và trở nên xả ly hơn từ việc học và nghiên cứu về các thực tại. Nó sẽ phát triển từ từ như vậy cho đến khi trí tuệ kinh nghiệm thực tại một cách trực tiếp, và khi đó sẽ là pháp hành. Như vậy, nếu không có pháp học sẽ không thể có pháp hành sinh khởi. Nếu không có pháp hành sẽ không thể có pháp thành. Hiện giờ sắc ý vật có là đối tượng của tâm không?
Trả lời: Không
Achaan Sujin: Hiện giờ sắc ý vật không là đối tượng của tâm, nhưng việc tìm hiểu này sẽ cho ta thấy rằng, sắc ý vật là nơi tâm nương vào cho tất cả các tâm ngoại trừ các tâm sinh khởi ở năm căn – tức là ngũ song thức. Vậy, ở khoảnh khắc của thức tái tục, loại sắc nào làm căn (cơ sở) cho thức tái tục sinh khởi?
Vị sư: Cũng là sắc ý vật.
Achaan Sujin: Và sau khi thức tái tục diệt đi, nó lại làm duyên cho tâm tiếp theo sinh khởi là tâm hộ kiếp, và trong suốt cuộc đời, cũng có nhiều khoảnh khắc khiến tâm hộ kiếp sinh khởi, và căn cho tâm hộ kiếp là gì?
Tâm trước nhãn thức nương vào căn nào?
Trả lời: Sắc ý vật
Achaan Sujin: Sau nhãn thức, tâm tiếp theo sinh khởi nương vào tâm nào?
Vị sư: Sắc ý vật
Achaan Sujin: Hiện giờ tâm nương vào căn nào để sinh khởi?
Vị sư: Nếu ở khoảnh khắc của cái thấy, là nhãn căn…
Achaan Sujin: Thế còn ở khoảnh khắc của tử thức?
Vị sư: Cũng là sắc ý vật.
Achaan Sujin: Đức Phật đã giảng cho chúng ta rằng, chỉ có mười tâm không sinh khởi nơi sắc ý vật. Như vậy ta có thể thấy được sự khác biệt rất lớn giữa ngũ song thức và các loại tâm khác. Ta có thể nghĩ về cái ta đã thấy, nhưng nó không phải cùng khoảnh khắc với cái thấy. Khi đó không có ngôn từ nào, nhưng rất rõ ràng khi nó kinh nghiệm được cái được thấy. Tương tự như vậy với nghe, ngửi, nếm, xúc chạm. Trong tiếng Pali có một từ riêng dành cho ngũ song thức là upati, và một từ cho tất cả tâm còn lại là nipati.
Trong giấc mơ, khi đó có là khoảnh khắc của cái thấy thực sự không? Đó là loại tâm nào?
Vị sư: Có thể là tâm thiện hoặc bất thiện.
Achaan Sujin: Có thể là tâm thiện hoặc bất thiện cùng với suy nghĩ. Vì khi đó không có kinh nghiệm đối tượng thị giác hay âm thanh, mà chỉ là suy nghĩ về những thứ đã được kinh nghiệm. Suy nghĩ sinh khởi nương vào căn nào?
Vị sư: Sắc ý vật
Achaan Sujin: Thế còn tâm bất thiện?
Vị sư: Sắc ý vật
Achaan Sujin: Thế còn tâm thiện?
Vị sư: Sắc ý vật.
Achaan Sujin: Còn các tâm quả khác ngoài ngũ song thức?
Vị sư: Tất cả các loại tâm còn lại đều nương vào sắc ý vật.
Achaan Sujin: Tất cả những tâm còn lại. Và tái tục là một trong 14 chức năng của tâm. Nó cũng là tâm quả, nhưng nó đảm nhận chức năng tái tục, dù là ở bất cứ cõi nào, không có tự ngã nào, không có chúng sinh nào, không ai có thể kiểm soát và điều khiển tất cả những điều đó. Chẳng hạn hiện giờ ở khoảnh khắc này, cái thấy sinh khởi nơi nhãn căn, có ai nhận biết được không? Mặc dù nhãn căn đang có ở đó, và mọi người biết về mặt lý thuyết nhưng không có kinh nghiệm trực tiếp. Có ai muốn kinh nghiệm nó không? Bạn có muốn tìm phương pháp để kinh nghiệm nó hay không?
Trả lời: Không ạ.
Achaan Sujin: Việc có kinh nghiệm được trực tiếp hay không sẽ tùy thuộc vào duyên. Nếu như ta cứ cố để kinh nghiệm điều đó thì có nghĩa là gì?
Trả lời: Là tham, dính mắc
…..
Achaan Sujin: Mời ông Jonanthan trình bày lộ trình qua ý môn trước, bởi vì lộ trình tâm đầu tiên của một kiếp sống luôn là lộ trình qua ý môn.
Jonothan: Nhìn chung, như bạn biết tâm kinh nghiệm đối tượng qua ngũ môn và ý môn. Các tâm lộ tức là các tâm sinh khởi trong lộ trình khác với tâm hộ kiếp -là những tâm không kinh nghiệm các đối tượng của ngũ môn và ý môn. Trong lộ trình, có những tâm tiếp nhận đối tượng và có những tâm nghĩ về đối tượng. Những tâm nghĩ về đối tượng có thể là thiện hoặc bất thiện, chúng đảm nhận chức năng chạy qua đối tượng, và các tâm khác trong cùng lộ trình sẽ đảm nhận các chức năng khác nhau. Một số tâm là tâm quả, một số tâm là tâm duy tác. Đó là mô tả chung về những lộ trình tâm qua ý môn
Trong trường hợp của lộ trình qua ngũ môn, lộ trình này bắt đầu khi một trong các đối tượng của ngũ môn in dấu lên môn tương ứng. Và sẽ có ba tâm hộ kiếp sinh khởi khi đối tượng tiếp xúc với căn tương ứng. Sau đó, ngũ môn hướng tâm sinh khởi và hướng tâm đến đối tượng đó. Tiếp theo, sẽ có một chuỗi các tâm kinh nghiệm đối tượng ấy, trong đó có các tâm đổng lực (hay tốc hành tâm) đảm nhận chức năng chạy qua đối tượng. Nếu ta lấy ví dụ trường hợp của lộ trình qua nhãn môn, thì khi nhãn thức kinh nghiệm một đối tượng, khoảnh khắc đó là tâm quả. Sau khi lộ trình qua ngũ môn diệt đi, cùng đối tượng đó sẽ được kinh nghiệm trong lộ trình ý môn. Những vòng lộ trình như vậy sẽ cứ lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời của chúng ta qua các căn khác nhau. Nhưng vì những lộ trình này diễn ra quá nhanh, cho nên ta có cảm tưởng rằng có rất nhiều đối tượng được kinh nghiệm cùng một lúc. Chính vì vậy, bản chất của thực tại không xuất hiệnnhư nó làđối với chúng ta hiện giờ. Sự tiếp nối liên tục của những thực tại này tạo nên ảo ảnh và che giấu bản chất của những thực tại ấy.
Như ta nói từ trước, các tâm hộ kiếp sinh khởi rất nhiều trong cuộc đời của chúng ta. Thực chất là chúng (các dòng tâm hộ kiếp) chỉ bị ngắt quãng bởi các lộ trình tâm qua ngũ môn và ý môn, và giữa các lộ trình của ngũ môn và ý môn cũng có các tâm hộ kiếp. Thông tin này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về bản chất của cái mà chúng ta gọi là cuộc sống. Điều này cũng giúp cho chúng ta nhận thức rõ hơn những điều mà Đức Phật dạy chúng ta về các pháp sinh và diệt: cuộc sống mà chúng ta coi là liên tục và kéo dài chỉ diễn ra trong mỗi khoảnh khắc mà thôi.
Achaan Sujin: Ý nghĩa của lộ trình ý môn và ngũ môn là gì?
Trả lời: Không có ai cả.
Achaan Sujin: Thức tái tục có kinh nghiệm đối tượng nào không?
Trả lời: Có
Achaan Sujin: Qua môn nào?
Vị sư: Ý môn
Achaan Sujin: Không phải vậy, tôi sẽ giải thích rõ hơn sau đây. Bất kể tâm nào sinh khởi, nó luôn có đối tượng, dù là qua một trong sáu môn hay không qua sáu môn. Mọi người đều biết có những khoảnh khắc ngủ sâu. Liệu khi đó có các tâm sinh và diệt luôn luôn từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác hay không? Trong lúc ngủ say hoàn toàn thì có ai biết được không? Không biết gì cả. Nhưng thực chất, ở những khoảnh khắc đó vẫn có các tâm sinh và diệt và kinh nghiệm đối tượng cùng là một với đối tượng của thức tái tục – tâm ở khoảnh khắc đầu tiên của kiếp sống này. Bởi vì nghiệp không chỉ làm duyên cho thức tái tục: chỉ một khoảnh khắc là quả thôi thì vẫn chưa đủ là quả của nghiệp tạo ra kiếp sống này. Nghiệp làm duyên cho nhiều hơn một khoảnh khắc của quả. Sau khoảnh khắc của thức tái tục được làm duyên bởi nghiệp, nghiệp tiếp tục trổ quả là những tâm khác. Bản chất của tâm là mỗi khi nó diệt đi, nó làm duyên cho những tâm tiếp theo sinh khởi, không có sự gián đoạn giữa các tâm ấy. Trong khi ta ngủ say thì có sự gián đoạn nào không? Không có chút gián đoạn nào, các tâm sinh khởi tiếp nối nhau. Chúng sinh khởi từ khoảnh khắc đầu tiên cho đến khi kết thúc cuộc đời. Một tâm chỉ kinh nghiệm một đối tượng. Ở khoảnh khắc của cái thấy này, liệu cái thấy cũng có thể nghe không? (Trả lời: không thể). Vậy ta có thể cảm nhận được sự sinh và diệt vô cùng nhanh chóng của các tâm tiếp nối nhau suốt cả ngày. Để có thể thấy được tính chất vô ngã của tất cả các tâm, tâm sở và sắc, cần phải có sự nghiên cứu rất cẩn mực, một cách tôn kính, không đi theo ý niệm riêng của mình, bởi vì chúng ta không phải là Đức Phật. Đối tượng của tâm sau khi thức tái tục diệt đi là gì?
Vị sư: Hai tâm đó có cùng một đối tượng.
Achaan Sujin: Ở những khoảnh khắc của thức tái tục, cũng như những khoảnh khắc của tâm hộ kiếp, khoảnh khắc của lúc ngủ say, thế giới này có xuất hiện không? Cũng như lúc ngủ say, không có gì xuất hiện khi đó, nhưng tâm có ở đó và sinh rồi diệt do duyên. Vậy sự khác biệt giữa tâm là thức tái tục và tâm tiếp nối thức tái tục là gì?
Vị sư: Nó có chức năng khác nhau, thức tái tục có chức năng tái tục, cái kia chỉ là tâm hộ kiếp
Achaan Sujin: Đúng, sự khác biệt là về chức năng. Khi tâm tiếp theo sinh khởi thì không có chức năng tái tục nữa. Nghiệp đã tạo ra thức tái tục sẽ tiếp tục làm duyên cho các tâm hộ kiếp cùng kiếp sống đó cả cuộc đời ấy. Ở những khoảnh khắc đó thì thế giới không xuất hiện. Đêm qua có tâm hộ kiếp không? (Trả lời: có ạ)
Achaan Sujin: Ở những khoảnh khắc đó không có gì xuất hiện, đúng không? Kể cả ngay bây giờ cũng có những tâm hộ kiếp, nhưng chúng không được nhận biết. Bất kể là sắc sinh khởi qua căn nào, nó chỉ có thể tồn tại trong 17 sát na tâm. Sau khi nó diệt đi thì cái gì xảy ra? Cái gì sinh khởi?
Trả lời: Tâm hộ kiếp
Achaan Sujin: Vậy cuộc sống này chỉ là một chuỗi của các tâm hộ kiếp và xen kẽ chúng có những lộ trình ngũ môn, tâm hộ kiếp, rồi lại lộ trình ý môn suy nghĩ, rồi tâm hộ kiếp, rồi lại lộ trình qua môn khác, rồi lại tâm hộ kiếp, cứ như vậy. Nhưng vì chúng xảy ra rất nhanh nên dường như mọi thứ đang xuất hiện cùng một lúc. Khi dùng từ lộ trình, ta nói đến các tâm không phải là tâm hộ kiếp. Thế giới khi đó bắt đầu xuất hiện. Thế giới đó chính là đối tượng mà tâm kinh nghiệm. Hãy nói về khoảnh khắc sau thức tái tục. Có rất nhiều tâm hộ kiếp khác nhau. Chúng ta không nhớ được loại tâm đó, bởi vì khi đó ta ở trong bụng mẹ. Ai có thể nhớ lại được những khoảnh khắc đó?
Lộ trình đầu tiên của một kiếp sống là lộ trình qua ý môn, chưa có thấy nghe, ngửi, nếm, xúc chạm. Những gì đã được tích lũy trong tâm có thể làm duyên cho suy nghĩ nghĩ về một điều gì đó cụ thể, nó được tích lũy do duyên, và cũng chỉ để rơi vào lãng quên mà thôi.
Tất cả những kinh nghiệm của thiện và bất thiện đều được tích lũy. Khi một đứa trẻ cười, ta có thể biết được đối tượng của tâm lúc ấy là gì không? Mỗi một trường hợp lại rất khác nhau. Chỉ với các tổ hợp sắc bao gồm tám sắc bất ly là tứ đại và bốn sắc ý sinh đã tạo ra rất nhiều thứ khác nhau, như nhiều loài hoa, nhiều loài cây. Nhưng sự đa dạng của tâm và các tâm sở còn đáng kinh ngạc hơn thế nữa. Vì vậy mỗi khoảnh khắc lại khác nhau, dù bất kể ở thế giới nào, và suy nghĩ cũng vậy. Ai không có tham? Người nào không còn tham nữa thì không còn duyên để tái sinh trở lại. Chính vì vậy, lộ trình đầu tiên trong một kiếp sống là lộ trình qua ý môn và với tham. Những tâm sinh khởi trong lộ trình ý môn có sinh và diệt không? Khi chúng diệt đi, chúng có thể làm duyên cho các tâm khác trong các lộ trình khác sinh khởi. Có thể có khoảnh khắc nào quay lại hay không? Tôi ở đâu, tự ngã ở đâu? Tự ngã chỉ là suy nghĩ với dính mắc vào một ý niệm sai lầm, và đó chính là tà kiến.
Sarah: Ta có thể tìm hiểu về khoảnh khắc đầu tiên của một lộ trình. Sau khi các tâm hộ kiếp diệt đi, có ngũ môn hướng tâmhướng về đối tượng để rồi ngũ thức sinh khởi. Sau đó có các tâm khác cùng lộ trình, có thể là quả, duy tác, thiện hoặc bất thiện, tiếp tục kinh nghiệm đối tượng đó. Khi lộ trình tâm qua ý môn diễn ra, không có gì được kinh nghiệm qua ngũ môn. Khi đó cửa ngũ môn được coi như đã đóng lại. Không ai có thể làm công việc đóng môn này hay môn kia, mọi thứ diễn ra do duyên. Sau khi lộ trình của ý môn đầu tiên diệt đi, có lộ trình qua các môn tương ứng, rồi lại làm duyên cho các tâm hộ kiếp sinh khởi xen kẽ và rồi có duyên cho các lộ trình ngũ môn sinh khởi, cứ như vậy, không có ai làm gì ở đó hết.
Achaan Sujin: Bây giờ tôi sẽ nói về từng loại tâm một, để chúng ta có thể hiểu hơn. Bây giờ, tất cả mọi người đều đã biết về thức tái tục. Đó là tâm quả, là quả của nghiệp. Nếu không có nghiệp, không thể có thức tái tục. Nó xảy ra chỉ một lần trong một kiếp sống. Sau khi thức tái tục diệt đi, sẽ không còn bất cứ thức tái tục nào trong kiếp đó nữa. Nhưng nó được tiếp nối bởi cùng loại tâm quả, chúng sinh khởi liên tục mà không được nhận biết. Khi nói đến lộ trình là chúng ta đang nói đến những tâm kinh nghiệm những đối tượng qua sáu căn, khác với các tâm hộ kiếp. Chẳng hạn, lúc đang thấy thì không có tâm hộ kiếp. Tuy nhiên, tâm thấy và nghe thì không phải là những tâm đầu tiên của lộ trình đầu tiên của cuộc đời.
Bây giờ chúng ta học về một loại tâm nữa. Chúng ta đã nói về thức tái tục và tâm hộ kiếp. Những tâm này kinh nghiệm cùng đối tượng. Nếu không có những tâm trong lộ trình thì không đối tượng nào khác có thể được kinh nghiệm. Việc các đối tượng cụ thể nào được kinh nghiệm trong lộ trình là do bởi những duyên khác nhau. Nếu không có đối tượng thị giác in dấu lên nhãn căn, có thể có khoảnh khắc tâm biết được đối tượng không phải là đối tượng của tâm hộ kiếp hay không? Hãy nghĩ về tâm thấy (nhãn thức) hiện giờ, ngay trước đó có các tâm hộ kiếp. Nếu không có nghiệp làm duyên cho nhãn căn, làm duyên cho nhãn thức thì sẽ không thể có cái thấy hiện giờ. Nhưng khoảnh khắc đầu tiên của một lộ trình không phải là khoảnh khắc mà ta gọi là nhãn thức. Ở khoảnh khắc đó mới chỉ có sự nhận ra là có một “cái gì đó” đã được in dấu lên nhãn căn. Trong trường hợp của âm thanh, đó là âm thanh in dấu lên nhĩ căn. Trong trường hợp của đối tượng thị giác, đó là đối tượng thị giác in dấu lên nhãn căn. Khi đó vẫn chưa có thấy hoặc nghe, mà mới chỉ có sự nhận biết là có một cái gì đó. Sau khi nó diệt đi, nó sẽ làm duyên cho tâm tiếp theo là cái thấy thấyđối tượng thị giác. Trong trường hợp âm thanh in dấu lên nhĩ căn, tâm hộ kiếp không thể kinh nghiệm được âm thanh, nhưng có một tâm khác bắt đầu biết là có một cái gì đó, đó là nhĩ môn hướng tâm. Và sau khi diệt tâm này diệt đi, nó sẽ làm duyên cho nhĩ thức sinh khởi kinh nghiệm âm thanh. Vậy tâm đầu tiên kinh nghiệm đối tượng khác với các tâm hộ kiếp chính là ngũ môn hướng tâm. Nó không phải là tâm quả, nó được duyên bởi đối tượng in dấu lên căn tương ứng. Ngũ môn hướng tâm này chỉ có thể hay biết đối tượng qua ngũ môn, tức là đối tượng ngũ dục mà thôi. Nó kinh nghiệm đối tượng vẫn còn chưa được nghe hoặc thấy.
Đức Phật dùng những từ khác nhau cho các thức, chẳng hạn như nhãn thức thấy hiện giờ, nhĩ thức nghe hiện giờ. Tâm sinh khởi trước đó không thể nghe, không thể thấy, nó chỉ biết là có một đối tượng ở đó, không có ai cả. Và Đức Phật dạy cho chúng ta tất cả những điều này để hiểu rằng đó là vô ngã, không có thực tại hữu vi nào là trường tồn.
Như vậy nhãn thức không phải là tâm đầu tiên của lộ trình nhãn môn, nhãn môn hướng tâm mới chính là tâm đầu tiên. Nó là tâm quả, là tâm thiện hay tâm bất thiện? Nó không phải là thiện, không phải là bất thiện, không phải là quả. Bây giờ chúng ta biết đến loại tâm thứ tư- tâm duy tác (kiriya). Thông thường, chúng ta chỉ nghe về các tâm là tâm quả, tâm thiện và bất thiện, nhưng có một loại tâm khác không phải là thiện, không phải là bất thiện cũng không phải là quả. Nó chính là tâm đầu tiên trong một lộ trình. Một vị A la hán có loại tâm này không? Một con chó hay một con chim có loại tâm này không? Bất cứ khi nào có cái thấy, trước khi có cái thấy thì phải có tâm này. Một vị A la hán thì không có tâm thiện và bất thiện, bởi vì Ngài không còn có các tâm với các nhân tham, sân, si. Vì không có những nhân đó nữa, nên bất cứ những gì Ngài làm sau khi giác ngộ đều không thể tạo quả. Những nhân tịnh hảo (vô tham, vô sân, vô si) có thể sinh kèm tâm thiện, tâm quả, hoặc tâm duy tác. Đối với những người không phải là A la hán thì chỉ có hai loại duy tác: loại thứ nhất- ngũ môn hướng tâm, loại tâm không trực tiếp thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm; loại thứ hai là tâm sinh khởi trước các tâm đổng lực (javana) thiện và bất thiện.
Vị sư: Sư muốn làm rõ nghĩa của ngũ môn hướng tâmvà tâm sở manasikara. Bởi vì chúng ta biết là manasikara là tác ý hướng đến đối tượng, còn ngũ môn hướng tâm chỉ là khai mở cái cửa của một trong ngũ môn thôi. Vậy thì cái hướng đến……
Achaan Sujin: Có ba loại manasikara, chúng khác nhau như thế nào? Chúng là gì?
Vị sư: Một loại hiện giờ tới đối tượng, một loại hướng đến ngũ môn, một loại hướng đến tốc hành tâm.
Achaan Sujin: Một loại hướng tâm theo tư cách tâm sở, hai loại kia là tâm. Loại thứ nhất là aramana patipatika manasikara, là tâm sở tác ý hướng đến đối tượng. Tôi muốn đưa ra một ví dụ rất đơn giản, ai hướng đến cái đồng hồ này? Ai làm ra nó và nó được làm như thế nào? Khi chú ý đến một đối tượng nào đó, đó chính là tính chất của tâm sở manasikara, tâm sở này sinh khởi với mỗi tâm, bất kể mức độ chú ý như thế nào. Nó hướng tới đối tượng được kinh nghiệm. Thức tái tục có manasikara không? Có, vì nó là một tâm sở, còn hai loại còn lại là tâm, chỉ sinh khởi ở một số thời điểm cụ thể.
Sarah: Loại thứ nhất là aramana patipatika manasikara, loại tâm sở sinh khởi với mỗi tâm, nó có chức năng là hướng tới đối tượng. Loại thứ hai là loại chúng ta vừa nói đến, được gọi là vitthi patipatika manasikara. Vitthi nghĩa là lộ/ lộ trình, và patipatika là bàn đạp, nghĩa là nó là bàn đạp cho các tâm tiếp theo trong lộ trình có thể sinh khởi. Nếu không có tâm này thì các tâm khác trong lộ trình không thể sinh khởi, và đó là loại thứ hai. Loại thứ ba, là javana patipattika manasikara, là xác định tâm (vothapana citta), tâm sinh khởi ngay trước các tâm thiện và bất thiện trong chuỗi đổng lực. Ý nghĩa của nó là tâm là bàn đạp cho các tâm thiện và bất thiện sinh khởi tiếp theo.
Achaan Sujin: Hôm nay chúng ta đã được nghe về bao nhiêu loại tâm? Hôm nay chúng ta không học về các tâm theo số lượng, mà ta học về chức năng của các loại tâm. Về sau ta sẽ biết có bao nhiêu tâm đảm nhận chức năng này hoặc chức năng kia. Chúng ta đã học về thức tái tục, tâm hộ kiếp, ngũ song thức, ngũ môn hướng tâm (pañcadvāravajjanacitta), ý môn hướng tâm (manodvāravajjanacitta). Bất cứ khi nào có tâm thiện hoặc bất thiện thì ý môn hướng tâm sẽ phải sinh khởi trước đó. Các thuật ngữ này trong tiếng Pali lúc đầu rất khó nhớ, nhưng khi các bạn hiểu được ý nghĩa thì sẽ dễ nhớ hơn, chẳng hạn, “pañca”có nghĩa là “năm”, “dvāra”có nghĩa là “môn”, như vậy pañcadvāravajjanacitta làngũ môn hướng tâm. “Mano” là ý, manodvāravajjanacittalà ý môn hướng tâm. Có rất nhiều cần được biết, nhưng tất cả những cái đó đều chính là khoảnh khắc này.
Nghiên cứu Giáo lý không phải là nghiên cứu những gì trong sách mà là những gì đang xuất hiện hiện giờ. Chỉ nhớ tên và con số thì không phải là pháp học. Phải thực sự hiểu về những gì mà Đức Phật dạy về tinh thần vô ngã, khi đó mới có pháp học, và đó là bàn đạp cho một mức độ cao hơn là pháp hành. Nó sẽ dẫn tới pháp thành và sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế, thông qua các tuệ minh sát. Không ai có thể thực hành minh sát, nhưng vipassana (minh sát tuệ) sẽ được sinh khởi nhờ quá trình nghe và suy xét.
Pháp đàm tại Sài gòn, sáng ngày 05/01/15
Vị sư 2: Khi xúc chạm, đặc tính cứng-mềm xuất hiện, lúc đó chưa có ý niệm về con người. Nhưng khi đứng trong bóng tối, chạm vào vật gì đó thì có hai tình huống xảy ra: chạm vào chúng sanh hữu tình và cảm nhận đó là chúng sanh hữu tình, nhưng có lúc chạm vào chúng sanh hữu tình thì lại cảm nhận đó là vật vô tri. Vậy lúc nhận định sai lầm đó là do sắc thay đổi hay do yếu tố tâm?
Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc kinh nghiệm đặc tính cứng, không thể có ý niệm nào, bởi vì ở khoảnh khắc đó, cái duy nhất được kinh nghiệm là đặc tính cứng. Ở khoảnh khắc đó vẫn chưa có suy nghĩ qua ý môn. Nhưng ở ý môn đầu tiên, sau khi lộ trình qua thân môn đã diệt đi, sẽ có kinh nghiệm đặc tính của thực tại vừa diệt đi. Nếu không có một tuệ giác rất phát triển, liệu ai có thể nói được rằng, cái hiện giờ đang được kinh nghiệm được kinh nghiệm qua nhãn môn, qua thân môn hoặc qua ý môn hay không? Ở khoảnh khắc đặc tính cứng được kinh nghiệm, nó không chỉ được kinh nghiệm qua thân môn, mà cũng được kinh nghiệm qua ý môn sinh khởi ngay sau đó. Ở khoảnh khắc đặc tính cứng được kinh nghiệm, không thể có ý niệm nó đang được kinh nghiệm qua thân môn hay qua ý môn. Vậy điều quan trọng nhất là hiểu rằng, thực tại được kinh nghiệm đó chỉ là một pháp được kinh nghiệm mà thôi, trước khi có thể có được sự xả ly khỏi ý niệm về một “cái gì đó” – đối tượng được xúc chạm. Khi trí tuệ phát triển cao hơn, nó có thể kinh nghiệm trực tiếp cả điều đấy nữa (tính chất của pháp thay cho một “cái gì đó” – VDH).
Bây giờ hãy nói về sắc là nhãn căn – sắc được làm duyên bởi nghiệp. Tâm không thể làm duyên cho nhãn căn, nhiệt độ cũng không thể làm duyên cho nhãn căn, dưỡng chất không thể làm duyên cho nhãn căn sinh khởi. Có ai nhìn thấy được nhãn căn hay không? đặc tính của nhãn căn không phải là cứng, mềm hay “có thể được thấy”, đặc tính của nó là có thể được xúc chạm, hay in dấu bởi đối tượng thị giác. Măc dù nhãn căn rất nhỏ, nhưng nó cũng được duyên bởi những sắc đồng sinh với nó. Ở khoảnh khắc có xúc chạm với cái gọi là mắt, thì cái được xúc chạm không phải là nhãn căn, mà chỉ là đặc tính cứng sinh khởi cùng với nhãn căn. Hiểu biết ở mức độ lý thuyết có thể làm duyên cho hiểu biết trực tiếp, điều đó diễn ra bởi trí tuệ chứ không phải bởi một con người nào. Càng phát triển thì trí tuệ sẽ càng thấy được đặc tính của vô ngã một cách rõ ràng hơn, chắc chắn hơn. Càng chắc chắn bao nhiêu thì sẽ càng rời xa ý nghĩ phải làm một cái gì đó, hay cố gắng nắm bắt một cái gì đó.
Cũng như cái thấy sinh khởi do duyên, chánh niệm cũng sinh khởi do duyên. Bất cứ cái gì có thể làm đối tượng cho chánh niệmthì là những thứ đã sinh khởi rồi. Khi không có duyên để chánh niệm sinh khởi thì chánh niệm sẽ không thể được nhận biết. Khi chánh niệm thực sự (chánh niệm của Bát Chánh Đạo-VDH) sinh khởi, sẽ có hiểu biết đồng sinh với nó. Khi chánh niệm thực sựsinh khởi thì hoàn toàn khác với lúc chúng ta được bảo, “hãy chánh niệm đi”. Có những lúc ta nghĩ rằng mình đang có chánh niệm, nhưng đó không phải là chánh niệm thực sự được làm duyên bởi hiểu biết đúng đã được phát triển, mà chỉ là cái mà chúng ta tưởng lầm là chánh niệm. Khi không được làm duyên bởi chánh kiến, đó sẽ không phải là chánh niệmcủa Bát Chánh Đạo. Hiểu biết đúng về Giáo lý sẽ đưa tới sự buông xả, sẽ không còn ý niệm “tôi đang cố gắng” hay “tôi sẽ cố gắng” để biết điều này hay hiểu điều kia.
Sarah: Trước khi có ý niệm rằng đây là cái bàn, có rất nhiều lộ trình khác nhau kinh nghiệm đối tượng xúc chạm, rồi có suy nghĩ, rồi kinh nghiệm đối tượng xúc chạm rồi lại suy nghĩ. Xen kẽ giữa chúng cũng có các lộ trình của các căn môn khác. Bữa trước, chúng ta có nói rằng, mặc dù có thể ánh sáng có vẻ yếu ớt, gần như là tối, theo ngôn ngữ chế định thì ta nói “Bây giờ nhìn không rõ”, nhưng trên phương diện chân đế thì vẫn chỉ có cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác là cái được thấy. Nếu bây giờ chúng ta có nhắm mắt lại thì vẫn có một chút ánh sáng, và sẽ vẫn có đối tượng thị giácđược thấy, tức là vẫn có cái thấy. Khi ở trong một căn phòng tối, ta đi lại chạm vào một cái gì đó thì có thể có sự nhầm lẫn, nhận ra cái này là cái bàn, hay cái ly, thì về bản chất vẫn chỉ là đối tượng thị giác, và cái được xúc chạm chỉ là đặc tính cứng-mềm nóng-lạnh. Vẫn có tưởng tiếp nối ở mỗi một khoảnh khắc và đánh dấu ghi nhận đặc tính của đối tượng. Suy nghĩ đó có thể là suy nghĩ đúng, tức là nhận ra đúng đối tượng của nó, hoặc nhầm lẫn, ví dụ cái bàn thì nhầm là cái ly. Điều đó xảy ra chỉ là do có duyên khiến cho suy nghĩ nghĩ theo những cách khác nhau mà thôi. Theo ngôn ngữ chế định, ta có thể nói rằng, đây là do nhầm tưởng, hay lẫn lộn. Nhưng dưới góc độ của Pháp, bất cứ khoảnh khắc của bất thiện nào đều là khoảnh khắc của điên đảo tưởng (saññā–vipallāsā). Như vậy, ở cả những khoảnh khắc chúng ta gọi đối tượng này là cái ly và cùng chung ý kiến đó với tất cả mọi người, nhưng nếu không có hiểu biết đúng về nó thì vẫn có điên đảo tưởng. Vì vậy chúng ta luôn nhấn mạnh đến việc hiểu đúng về các pháp đang xuất hiện hiện giờ, nhưng đó không phải là cái mà ta vẫn gọi trong ngôn ngữ thế gian là “suy nghĩ một cách đúng đắn”.
Vị sư 2: Khi sắc được kinh nghiệm qua lộ trình ngũ môn, sau đó diệt đi, “tướng” của nó được kinh nghiệm ở nơi ý môn. Nimitta [của sắc đã diệt đi trước đó] được kinh nghiệm ở một vài lộ ý môn đầu tiên, còn sau đó chỉ là những nimitta của khái niệm? Khi chúng ta nói về khái niệm trong lộ trình ý môn thì là nói đến nimitta của khái niệm? Bà có thể nói chi tiết hơn về điều này?
Sarah: Xét cho cùng thì việc chúng ta sử dụng ngôn từ nào không thực sự quá quan trọng. Nhưng đúng như sư đã nói, sau khi ngũ môn chấm dứt thì nimitta – bản sao của thực tại đã diệt đi đó- được kinh nghiệm trong ý môn đầu tiên. Ví dụ, nếu nói về kinh nghiệm qua nhãn môn, khi đó đối tượng là đối tượng thị giác. Khi lộ trình của nhãn môn chấm dứt và đối tượng của nhãn môn diệt đi, lộ trình của ý môn tiếp theo vẫn là lộ trình kinh nghiệm đối tượng thị giácvừa diệt đi. Trên thực tế, đối tượng thị giác đã thực sự diệt đi khi tâm cuối cùng của lộ trình nhãn môn đã chấm dứt, vì vậy cái được kinh nghiệm trong lộ trình của ý môn tiếp theo không phải là chính đối tượng thị giác đó, nhưng đặc tính của nó giống hệt, mà ta có thể gọi đó là bản sao hoàn chỉnh của nó, tiếng Pali là nimitta, hay tướng của đối tượng thị giác.
Về phương diện đối tượng của trí tuệ và chánh niệm, do tướng của đối tượng vừa diệt đi này giống hệt như đặc tính của đối tượng vừa diệt đi nên không cần phân vân liệu kinh nghiệm ấy xảy ra trong lộ trình của nhãn môn hay lộ trình của ý môn. Bởi vì khi đó “cái xuất hiện” với tâm chỉ là đặc tính của đối tượng thị giác mà thôi, vì thế xảy ra ở đâu thì cũng không thực sự quan trọng. Sau lộ trình của ý môn kinh nghiệm đặc tính của đối tượng thị giác, có nhiều lộ trình của ý môn khác tiếp theo. Và bắt đầu có những ý niệm khác nhau về kích cỡ, về hình và dạng của đối tượng thị giácvừa diệt đi. Sau đó bắt đầu có ý niệm cụ thể đối tượng thị giác đó là gì. Ý niệm đó được hình thành sau khi có rất nhiều lộ trình qua nhãn môn và lộ trình qua nhĩ môn nối tiếp nhau, biết được rằng “đây là cái bàn”, hay “đây là cái ly”. Ý niệm được hình thành trong những lộ trình ý môn không phải là thực tại, mà là khái niệm (pannati). Khi ta nói về đối tượng thị giác hiện giờ thì thực chất là đang bàn luận về khái niệm về đối tượng thị giác. Nhưng khi hiểu biết bắt đầu phát triển hơn, nó sẽ dần tiến gần đến đặc tính thực sự của đối tượng thị giáckhi nó xuất hiện.
Jonothan: Như vừa rồi chúng ta đã nói, có ba giai đoạn riêng biệt. Ở giai đoạn thứ nhất, đối tượng thị giácđược kinh nghiệm trực tiếptrong lộ trình nhãn môn. Giai đoạn thứ hai, khi đó đối tượng thị giácđã diệt đi rồi, nhưng bản sao của nó vẫn được kinh nghiệm trong lộ trình của ý môntiếp theo. Giai đoạn thứ ba, trong những lộ trình của ý môn sau đó, tâm suy nghĩ về các đối tượng đã diệt đi rồi và nó không còn kinh nghiệm đặc tính của đối tượng ấy như trong ý môn đầu tiên nữa. Khi đó nó có thể nghĩ tới những khái niệm, như hình và dạng v.v. Khi đó không giống như ở giai đoạn thứ hai, là giai đoạn mà đặc tính của đối tượng thị giác vẫn được kinh nghiệm.
Pháp đàm tại Sài gòn, chiều ngày 06/01/15
Người hỏi: Trong 17 sát na tâm của lộ trình tâm thì khi nào nghiệp xuất hiện? Con nghi ngờ là nó xuất hiện ở đổng lực tâm hoặc ở tâm suy đạt. Xin Bà giải thích ạ.
Sarah: Tùy thuộc vào loạicetanā (tư-tác ý). Như chúng ta đã nói, có hai loại cetanāvà chỉ một loại có năng lực tạo nghiệp. Tôi nghĩ bạn đang nói đến loại cetanāthứ hai. Trong trường hợp đó, những tâm có khả năng tạo nghiệp nằm trong luồng đổng lực (luồng tốc hành). Khi tính chất thiện hoặc bất thiện đủ mạnh, nó có thể làm duyên cho hành động qua thân, hoặc lời nói qua khẩu. Khi đó nó có năng lực tạo quả trong tương lai. Tâm tiếp nhận và tâm suy đạt là những tâm quả, chúng không có năng lực tạo quả trong tương lai nữa. Các tâm là tâm duy tác là ngũ môn hướng tâm, xác định tâm và ý môn hướng tâm. Chúng không phải là những tâm quả, không phải tâm thiện hoặc bất thiện, chúng không có năng lực tạo quả trong tương lai. Chỉ các tâm trong luồng đổng lực mới có thể có tính chất thiện hoặc bất thiện, nhưng chúng chỉ có năng lực tạo quả khi có đủ sức mạnh. Chẳng hạn khi ta uống một đồ uống và cảm thấy thích thú thì mới chỉ đơn thuần là tham mà thôi, nó chưa có sức mạnh tạo quả. Tuy nhiên, nếu sự dính mắc của chúng ta đủ mạnh đến mức chúng ta có thể lấy một món đồ không thuộc về mình, khi đó nghiệp xấu đã được tạo và sẽ có năng lực trổ quả trong tương lai.
Người hỏi: Nguyên nhân gì khiến cho có lúc lộ trình tâm dừng lại ở sau tâm xác định, lúc thì dừng lại sau tốc hành tâm, lúc thì dừng lại sau hai tâm mót? Có phải điều đó là phụ thuộc vào năng lực khác nhau của nghiệp?
Sarah: Điều đó không phụ thuộc vào cường độ của nghiệp, mà tùy thuộc vào thời điểm sắc sinh khởi. Chúng ta đã học rằng sắc có tuổi thọ tương đương với 17 sát na tâm. Chúng ta tính từ thời điểm ba tâm hộ kiếp (quá khứ, hộ kiếp rung động và hộ kiếp dứt dòng) trước khi có ngũ môn hướng tâm, khi sắc tác động lên căn tương ứng. Trường hợp sắc sinh khởi và in dấu lên căn tương ứng cùng thời điểm với tâm hộ kiếp quá khứ, sau khi các tâm hộ kiếp diệt đi, chúng được tiếp nối bởi ngũ môn hướng tâm, rồi sắc đó sẽ được kinh nghiệm bởi một trong ngũ song thức, rồi sau đó là tiếp nhận tâm, suy đạt tâm, xác định tâm, và bảy tâm trong lộ trình của tốc hành tâm và hai tâm mót. Đó chính là mô tả lộ trình đầy đủ khi sắc được kinh nghiệm bởi 17 sát na tâm. Nhưng giả dụ sắc đó đã sinh khởi trước khi hộ kiếp quá khứ sinh khởi hai sát na tâm thì nó sẽ phải diệt đi trước khi có hai tâm mót sinh khởi. Như vậy lộ trình đó sẽ dừng lại sau bảy tâm tốc hành. Bởi vì nó đã sinh khởi trước nên 17 sát na tương ứng với tuổi thọ của nó đã hết cùng với thời điểm tâm tốc hành cuối cùng kinh nghiệm nó. Vì thế không thể có hai tâm mót sinh khởi để kinh nghiệm nó nữa. Đó chỉ là một ví dụ mà thôi
Pháp đàm tại Sài gòn, sáng ngày 01/01/15
Người hỏi: Câu hỏi thứ hai: Thế giới này được kinh nghiệm qua ngũ song thức, tức là 10 tâm. Thế còn suy nghĩ, Bà có thể nói rõ hơn về suy nghĩ, tâm nào thực hiện chức năng suy nghĩ?
Achaan Sujin: Thức còn lại, tức là ý thức, chính là thức đảm nhận các chức năng của suy nghĩ,mà ta vẫn gọi là hoạt động của ý môn.
Sarah: Chúng ta biết rằng sau thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, có suy nghĩ về đối tượng được kinh nghiệm. Khi nói đến suy nghĩ, chúng ta cần phải hiểu rằng, ta đang nói đến cả tâm cùng với những tâm sở đồng sinh. Một trong những tâm sở đóng vai trò then chốt trong công việc suy nghĩchính là tâm sở tầm (vitakka). Nhờ có sañña-tâm sở tưởng, sinh khởi cùng với các tâm mà sau đó có ý niệm về con người và mọi thứ suốt cả ngày. Về mặt bản chất, không có một con người nào suy nghĩ mà chỉ là tâm cùng với một số tâm sở sinh khởi cùng nhau và làm công việc đó.
Người hỏi: Khoảnh khắc của suy nghĩ thực sự là gì? Những tâm qua ngũ môn như tâm thấy, tâm nghe đều đảm nhận một chức năng, vậy tâm sinh khởi để đảm nhận chức năng suy nghĩlà gì?
Sarah: Như ta đã biết, khi cái thấy sinh khởi, nó đảm nhận chức năng thấy đối tượng thị giác. Tại khoảnh khắc của suy nghĩ, tâm không đảm nhận chức năng thấy mà lúc đó đối tượng của tâm là khái niệm. Sau lộ trình nhãn môn sẽ là lộ trình qua ý môn. Các tâm của lộ trình ý môn đầu tiên kinh nghiệm tướng của đối tượng của lộ trình ngũ môn trước đó. Tiếp theo, có rất nhiều lộ trình qua ý môn khác kinh nghiệm đối tượng là hình và dạng. Sau đó sẽ là suy nghĩ về các khái niệm, như cái cốc hay cái ly. Nếu không có cái thấy qua nhãn môn trước đó, không thể có lộ trình trong đó có “thấy cái ly”. Chỉ tại khoảnh khắc của cái thấythì mới có ánh sáng, còn tại khoảnh khắc của các tâm khác thì luôn luôn kinh nghiệm trong bóng tối. Nếu ta thấy thế giới luôn luôn sáng thì chứng tỏ không thực sự có cái hiểu về cái thấy. Trên thực tế, chỉ ở khoảnh khắc của cái thấy thì thế giới mới thực sự trong ánh sáng, và sau đó, cả thế giới chìm trong bóng tối. Kể cả khoảnh khắc suy nghĩvề cái được thấycũng không hề có ánh sáng, như vậy ta mới thấy được rằng những lời dạy của Giáo lý là vô cùng vi tế.
Sau lộ trình qua nhãn môn là lộ trình qua ý môn. Tâm đảm nhận chức năng suy nghĩlà thực, tâm sở đi kèm tâm lúc đó cũng là thực, ví dụ như tâm sở tầm, tưởng,thọ hay xúc. Tất cả đều là những thực tại có đặc tính riêng. Nhưng đối tượng được nghĩ về lúc đó không phải là thực, đó chỉ là một ý niệm, khái niệm- panati. Và không thể có cái hiểu trực tiếp về cái là khái niệm, vì nó chỉ là cái được nghĩ về. Giống như khi chúng ta ngủ mơ thì mọi thứ đều không thực. Tất cả những hình ảnh ta thấy trong giấc mơ đều là sự tưởngtượng mà thôi. Tương tự, khi chúng ta đang thức thì thứ mà chúng ta nghĩ về cũng đều chỉ là khái niệm. Nhưng sự khác biệt với khi ta thức là ở chỗ, trong khi thức thì giữa những lộ trình qua ý môn có những lộ trình qua ngũ môn như nhĩ môn và nhãn môn, v.v…
Jonothan: Ở trong lộ trình ý môn, tâm suy nghĩ sẽ là thiện hoặc bất thiện. Những tâm sinh khởi để thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm qua các lộ trình ngũ môn là tâm quả chứ không phải là tâm thiện hay bất thiện. Còn những tâm nghĩ về những gì đã được kinh nghiệm, chẳng hạn về đối tượng thị giáckinh nghiệm qua mắt hay âm thanhkinh nghiệm qua tai, là tâm thiện hoặc bất thiện.
Pháp đàm tại Đà lạt, chiều ngày 15/05/15
Người hỏi: Thưa Achaan Sujin, cho con hỏi, tại sao chúng ta nói nhiều về lộ trình tâm trong khi chưa thể kinh nghiệm về nó. Điều đó sẽ mang lại lợi ích gì?
Achaan Sujin: Nếu Đức Phật chỉ nói, “tâm không phải là bạn”, như vậy có đủ không?
Người hỏi: Không ạ
Achaan Sujin: Ngay cả khi Ngài nói thêm, “cái gì sinh ra? chỉ có tâm, tâm sở và sắc sinh ra, được làm duyên bởi nghiệp”, như vậy đã đủ chưa?
Người hỏi: Chưa ạ
Achaan Sujin: Nếu Ngài nói rằng, “tất cả các pháp sinh rồi diệt, không thường hằng”, như vậy đã đủ chưa?
Người hỏi: Dạ chưa
Achaan Sujin: Đó là lý do vì sao chúng ta cần học thêm các chi tiết: để thấy không có cái ngã nào cả. Chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu để niềm tin vào tính chất vô ngã của các pháp trở nên kiên cố đến mức độ trở thành sacca-ñāna, sau đó các mức độ trí tuệ cao hơn có thể được phát triển – không phải bởi ai đó mà bởi chính trí tuệ. Hãy có niềm tin vào trí tuệ. Nó có thể hiểu dần dần, từng chút một, đến mức độ có thể hiểu được sự sinh và diệt của thức tướng ngay trong khoảnh khắc này. Giáo lý sẽ dần tận diệt vô minh và dính mắc vào ý niệm về ngã. Pháp chân đế chỉ có thể xuất hiện đối với trí tuệ cùng chánh niệm đã phát triển. Bất kể vô minh có cố gắng bằng nhiều cách khác nhau thì nó cũng không thể kinh nghiệm bản chất của thực tại. Hãy có niềm tin vào trí tuệ.
Jonothan: Trong thời Đức Phật, có nhiều người không cần nghe nhiều chi tiết đến vậy. Họ đã tích lũy trí tuệ nhiều đến mức chỉ cần nghe một vài từ thôi đã có thể khiến cho trí tuệ của họ vượt sang một mức khác. Nhưng để đạt được mức độ đó, họ đã phải nghe rất nhiều chi tiết từ nhiều kiếp trước để có thể hiểu đúng đắn. Với chúng ta, những người sinh ra rất xa thời Đức Phật tại thế, chắc chắn cần phải nghe rất nhiều và thường xuyên về những chi tiết này. Vì vậy, quay trở lại với câu hỏi trước đó, chúng ta đều mới được nghe về Giáo Pháp và mới hiểu ở mức độ lý thuyết mà thôi, chưa thể ngay lập tức hiểu được trực tiếp. Chẳng hạn như, chúng ta được nghe giảng rằng, cái được thấy chỉ là đối tượng thị giác mà thôi, nhưng dường như với chúng ta cái được thấy luôn là con người và sự vật. Chúng ta được biết rằng chỉ âm thanh là cái được kinh nghiệm bởi nhĩ thức, nhưng khi ta nghe thì dường như luôn ngay lập tức là giọng nói bằng các ngôn ngữ khác nhau rồi. Nhưng như Achaan Sujin đã nói, chúng ta cần được nghe về những sư thật này một cách thường xuyên, nghe đi nghe lại, và có niềm tin rằng, nếu đó là Giáo lý của Đức Phật thì đến thời điểm chín muồi, trí tuệ sẽ phát triển đến mức độ cao hơn.
Chúng ta có thể nhớ đến một ví dụ quen thuộc mà Đức Phật đã đưa ra là ví dụ về “chiếc cán búa”, đại ý rằng khi cầm chiếc cán búa, ta sẽ không thấy nó mòn đi trong một, hai ngày, nhưng sau một thời gian dùng đủ dài, ta sẽ thấy cán búa đã bị mòn đi, từng chút một.
Pháp đàm tại Nha Trang, sáng ngày 05/04/2016
Achaan Sujin: Giải thoát là giải thoát khỏi vô minh. Trong Kinh điển có nói rằng, dù có phát triển Tứ vô lượng tâm bao nhiêu đi nữa, thì cũng không thể so sánh với một khoảnh khắc của hiểu biết về vô thường. Nhiều vị thầy có thể dạy chúng ta cách để phát triển tâm từ, nhưng không hiểu rằng tâm từ không phải là tự ngã. Đó là sự khác biệt lớn lao giữa Đức Phật và những người không phải là Đức Phật. Như vậy ta biết rằng ai là người dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi vô minh. Dù ở trong thế giới này hay bất kể thế giới nào, chỉ có một người duy nhất làm việc ấy. Vì vậy chúng ta không chỉ đơn thuần nghe những gì Đức Phật dạy, mà cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kĩ lưỡng. Chẳng hạn chúng ta đã nói rất nhiều về thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Hiện giờ có hiểu biết về những thực tại đang thấy, đang suy nghĩ ở khoảnh khắc này hay không? Vẫn chưa thể, bởi vì trí tuệ phải phát triển một cách từ từ, từng chút một. Nếu chúng ta không được nghe về từ “pháp” ngày hôm nay, thì không ai nghĩ gì về nó. Nếu như chúng ta không nói về cái thấy hiện giờ thì ta lại nghĩ về những thứ khác. Bởi vì có rất nhiều duyên để chúng ta không nghĩ về các thực tại. Có bao giờ ta có ý nghĩ rằng, nếu không có những thực tại nhận biết, kinh nghiệm và những thực tại không nhận biết, kinh nghiệm gì cả, sẽ không có bất cứ ai trong căn phòng này.
Sáng nay ta thức dậy. Nó là pháp nào trong các pháp mà ta đã được nghe? Cái gì ngủ và cái gì thức? Không có con người nào từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Chính vì vậy chúng ta cần phải nghe đi nghe lại và hiểu từng thực tại, một cách đơn giản hơn. Theo nghĩa tối hậu thì không có gì khác ngoài các pháp chân đế. Khi chúng ta nói về các pháp chân đế, mỗi pháp có một đặc tính riêng và đặc tính ấy không thể thay đổi. Cái thấy hiện giờ là cái có khả năng thấy bất cứ đối tượng thị giác nào, bất kể ở nơi nào và là cái gì. Nhưng hiện giờ khi thấy thì dường như đã thấy rất nhiều thứ khác nhau. Khi vẫn còn thấy như vậy, chứng tỏ rằng chưa có hiểu biết. Bởi vì cần có sự phân biệt được rất rõ giữa thực tại kinh nghiệm và thực tại không kinh nghiệm. Nếu không vẫn chỉ là ý niệm “tôi” đang thấy một cái gì đó suốt cả ngày. Nhưng thực chất từ sáng tới tối không có một con người nào cả, chỉ có các pháp khác nhau mà thôi. Nếu Đức Phật không giác ngộ thì ai có thể nói với chúng ta về sự thật ấy, rằng cái thấy thấy và rồi diệt đi ngay lập tức.
Ngày hôm qua chúng ta đã nói về khoảnh khắc đầu tiên của kiếp sống là khoảnh khắc của thức tái tục. Ai tái sinh và ai là thức tái tục? Thức tái tục chỉ là thức tái tục. Nó có khả năng kinh nghiệm đối tượng của nó và nó có chức năng sinh ra để bắt đầu một kiếp sống. Ai biết được rằng sau khoảnh khắc của thức tái tục đó thì cuộc sống sẽ tiếp diễn, như cuộc sống đang tiếp diễn hiện giờ. Không ai biết được sự thật ấy. Không ai biết được khoảnh khắc tiếp theo chúng ta sẽ thấy gì. Lúc thì có một người bước vào căn phòng này, và lúc khác lại có một người bước ra. Liệu chúng ta có thể biết trước được rằng, ở khoảnh khắc ấy sẽ có một người bước vào và một người khác lại bước ra hay không? Mỗi khoảnh khắc đều sinh khởi do duyên.
Sau khoảnh khắc của thức tái tục lại là một khoảnh khắc khác của một tâm hộ kiếp, cũng là tâm quả và nó là quả của cùng nghiệp đã sản sinh ra thức tái tục. Khi đó vẫn chưa phải là sự chấm dứt của một kiếp sốngmới, và mỗi khoảnh khắc hộ kiếp của kiếp sống đó lại được làm duyên bởi nghiệp đã tạo trong quá khứ. Tâm hộ kiếp sinh khởi sau tâm tái tục thì không phải là thức tái tục, bởi vì nó là khoảnh khắc sau đó. Nghiệp khiến cho những tâm ấy sinh rồi diệt và rồi lại sinh và diệt, khi ấy vẫn chưa có con người nào cả. Nhưng khi đến thời điểm đủ duyên thì sẽ cho không có các tâm hộ kiếp ấy sinh khởi, mà là những tâm khác. Tâm đầu tiên sinh khởi sau những tâm hộ kiếp đó là một lộ trình qua ý môn.
Tất cả chỉ có sáu cửa giác quan thôi, không có nhiều hơn thế. Dù là ở trong bất cứ cuộc đời nào, ở trong cõi nào đi nữa thì vẫn chỉ có sáu giác quan mà thôi. Chẳng hạn mắt- nhãn căn sẽ là nơi để cho nhãn thức-cái thấy nương vào để kinh nghiệm đối tượng thị giác. Bản thân mắt không tự thấy được. Vì nó là quả của nghiệp nên một số người có mắt, một số người thì không có mắt. Với những người có mắt thì rất có thể một ngày nào đó họ không còn có mắt nữa. Tất cả những điều ấy không diễn ra do ý chí của ai cả mà do nghiệp. Vì vậy ta có thể nói rằng một nửa cuộc đời là do nghiệp làm duyên và một nửa khác thì do những tích lũy làm duyên.
Chúng ta đã biết rằng có sáu cửa giác quan, đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Có ai không biết về mắt, tai, mũi, lưỡi và thân hay không? Ai cũng biết, nhưng là biết với những ý niệm “mắt của tôi”, “tai của tôi”, “mũi của tôi”, “thân của tôi”, “lưỡi của tôi”, và không hiểu gì về những thực tại ấy. Chính vì không hiểu bản chất của chúng nên dính mắc cho đó là “của tôi”. Vì vậy khi nghe những lời dạy của Đức Phật, ta không chỉ đơn thuần nghe, mà cần phải suy xét về những gì được nghe thì mới có thể hiểu được bản chất của những pháp ấy: mắt thì không phải là mắt của tôi, thân thì không phải là thân của tôi, v.v.
Có ai biết rằng, lộ trình nhận thức đầu tiên của một kiếp sống luôn luôn bắt đầu với lộ trình của ý môn, dù là ở bất cứ cõi nào. Có rất nhiều tích lũy khác nhau, có những tích lũy thiện và cũng có những tích lũy bất thiện, nhưng cái gì làm duyên cho suy nghĩ ở lộ trình ý môn đầu tiên trong một kiếp sống? Khi nói đến ý môn, ta cần phải hiểu ý môn là gì. Có sáu cửa giác quan khác nhau. Tâm hộ kiếp cuối cùng giữa các lộ trình chính là cửa (môn) để cho ý thức sinh khởi, bởi vì sau khi tâm đó diệt đi, nó sẽ làm duyên cho các tâm khác không phải là tâm hộ kiếp sinh khởi.
Sau khi tâm hộ kiếp diệt đi, sẽ không thể có thiện hay bất thiện sinh khởi ngay lập tức, mà cần phải có một tâm khác trước đó. Tâm ấy không phải là thiện, cũng không phải là bất thiện, cũng không phải là tâm hộ kiếp, hay tâm quả, vậy tâm này là tâm gì? Chúng ta biết rằng tâm hộ kiếp là tâm quả, tâm thiện là tâm thiện, và tâm bất thiện là tâm bất thiện, chúng là những tâm thuộc về những chủng loại (jati) khác nhau, vậy loại tâm khác đó thuộc chủng loại gì đây? Chúng ta vẫn chưa nói nhiều về thực tại này, nhưng bây giờ chúng ta biết rằng khi tâm không phải là tâm quả, tâm thiện, hay tâm bất thiện thì nó sẽ phải là tâm duy tác – kiryacitta.
Chúng ta biết rằng trong cuộc sống của chúng ta, có những khoảnh khắc tâm là quả. Những tâm tái tục, tâm hộ kiếp là tâm quả. Tâm thấy, tâm nghe, tâm ngửi, tâm nếm, tâm xúc chạm cũng là những tâm quả, vậy những tâm còn lại sẽ phải là tâm thiện hoặc tâm bất thiện hoặc tâm duy tác. Liệu tham có thể sinh khởi cùng tâm duy tác hay không? Sân và si có thể sinh khởi với tâm duy tác hay không? Chúng ta biết rằng tham, sân chỉ sinh khởi với những tâm bất thiện. Chúng cũng không sinh khởi với tâm quả và tâm duy tác. Chính vì vậy tham và sân không thể sinh khởi cùng với tâm duy tác.
Có vô số tâm sinh khởi từ vô lượng kiếp đến giờ, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, và cứ thế không thể nào đếm được. Chỉ có Đức Phật – đấng Thế Tôn là người xuyên thấu được bản chất của các pháp và đã phân loại những loại tâm này thành những chủng loại khác nhau. Chúng ta biết rằng tâm thường được chia thành 89loại, nhưng không phải ai cũng có cả 89 loại tâm. Bởi có những tâm thuộc về những cõi khác và cũng có những tâm cụ thể chỉ sinh khởi ở những thời điểm cụ thể. Khi chúng ta được nghe về những tâm này, chúng ta có thể thấy được mức độ trí tuệ lớn lao của Đức Phật.
Chúng ta hãy quay về với khoảnh khắc tâm hộ kiếp diệt đi và bắt đầu với lộ trình tâm đầu tiên của kiếp sống. Do tích lũy, tâm duy tác này sẽ hướng về một đối tượng. Ý môn đầu tiên này luôn luôn sinh khởi cùng với tham, bất kể ở cõi nào đi chăng nữa. Đây là điều vượt qua tầm kiểm soát của bất kỳ ai. Không ai có được thiện pháp ở trong lộ trình ý môn đầu tiên sau khi các tâm hộ kiếp đã diệt đi. Một vị A-la-hán có còn tâm bất thiện không? Ý nghĩa của bậc Alahan là gì? Một vị A la hán là một vị đã đoạn tận lậu hoặc, đoạn tận các phiền não, cho nên sau khi trở thành vị Ala hán thì sẽ không còn có tâm bất thiện nữa. Vậy khi ta nói đến các tâm duy tác sinh khởi cùng các tâm sở tịnh hảo là nói đến tâm duy tác của vị A la hán. Nhưng với những người chưa phải bậc A la hán, sẽ chỉ có hai loại tâm duy tác mà thôi, nhưng những tâm này thì khác với tâm duy tác của vị A la hán.
Vì chúng ta đã bắt đầu nói về khoảnh khắc đầu tiên của kiếp sống cho đến ngày hôm nay. Chúng ta có thể nói về hai loại tâm: loại tâm thuộc lộ trình (vithicitta – tâm lộ) và những tâm không thuộc lộ trình.
Hiện giờ ở khoảnh khắc này, có những tâm là tâm lộ và những tâm không phải tâm lộ. Mọi người có thể cho rằng lúc nào cũng có tâm lộ vì dường như các giác quan luôn luôn tiếp nhận cảnh ở khoảnh khắc này, nhưng thực chất vẫn có những tâm xen kẽ giữa các giác quan không phải là tâm lộ. Chẳng hạn, cái thấy là tâm lộ, cái nghe là tâm lộ, chúng phụ thuộc vào các căn môn để có thể kinh nghiệm đối tượng. Và xen kẽ giữa những tâm kinh nghiệm đối tượng qua các căn môn có những tâm hộ kiếp. Đức Phật đã giác ngộ về điều này và nhờ Giáo lý của Ngài mà chúng ta biết được rằng, xen kẽ giữa những lộ trình qua các giác quan có những khoảnh khắc tâm không kinh nghiệm các đối tượng ấy, và để thấy rằng nếu chúng ta không hiểu được rõ các thực tại đang diễn tiến ở khoảnh khắc này thì sẽ không thể nào giải thoát được khỏi vô minh và các phiền não. Vậy nếu ai đó nói rằng chúng ta không cần học Giáo lý mà chỉ cần thực hành thôi, thì điều đó liệu có đúng hay không? Điều đó chắc chắn không phải Giáo lý của Đức Phật. Nếu không có hiểu biết ở mức độ tư duy, liệu có thể có cái hiểu trực tiếp về những gì đang xuất hiện hiện giờ? Để hiểu rằng hiện giờ không có một tự ngã, không có một thực thể nào trong những gì được kinh nghiệm.
…
Vị sư: Thưa Achaan Sujin lúc nãy bà có nói về các tâm nằm trong lộ trình, có những tâm trước ngũ song thức, có hai chức năng là khai ngũ (ngũ môn hướng tâm) và khai ý (ý môn hướng tâm). Như vậy thì hai tâm này có nằm trong lộ trình không?
Sarah: Những tâm đó là tâm duy tác và cũng là tâm lộ, bởi chúng cũng kinh nghiệm cùng đối tượng qua các căn môn đó. Những tâm duy nhất không phải tâm lộ là các tâm hộ kiếp.
Vị sư: Khi bà giải thích về lộ trình tâm, bà thường nói rằng sau cái thấy hoặc cái nghe, dòng tâm được tiếp nối ngay lập tức bởi lộ trình của suy nghĩ về cái vừa được thấy và được nghe. Nhưng vài nguồn tài liệu khác có nói, sau lộ trình của cái thấy và cái nghe, sẽ có nhiều lộ trình suy nghĩ tiếp nối, đó là những suy nghĩ về hình và dạng, rồi mới tới lộ trình suy nghĩ thực sự. Như vậy là phải có rất nhiều lộ trình ở giữa?
Sarah: Mỗi lộ trình ngũ môn đều được tiếp nối bởi lộ trình của ý môn. Đúng như là sư đã nói, ngay sau lộ trình của nhãn môn thì sẽ chưa có ý niệm ngay lập tức về bông hoa, về cái bàn, hay con người. Trong lộ trình ý môn đầu tiên tiếp nối lộ trình của nhãn môn, đối tượng của nó có đặc tính giống hệt như trong lộ trình của nhãn môn, và rồi cũng có những lộ trình khác ở trong đó bắt đầu có những ý niệm về hình và dạng trước khi có ý niệm thực sự về bông hoa. Rồi sau đó mới có suy nghĩ về mầu, về sắc, hay về âm thanh. Và mãi về sau mới có ý niệm về bông hoa hay cái gì đó ở đó. Khi chúng ta nói rằng ngay sau cái thấy có suy nghĩ về cái được thấy, thì đó chỉ là cách nói tắt mà thôi. Bởi vì các lộ trình diễn ra rất nhanh nên trong thực tế, điều đó xảy ra gần như ngay lập tức. Trên thực tế, như ta thấy, ý niệm về một cái gì đó dường như có ngay rồi, nhưng nếu xét về mặt chi tiết, quả thực phải có rất nhiều lộ trình của ý môn khác nhau, nhưng những lộ trình này không được nhận biết.