Khảo cứu pháp chân đế – CHƯƠNG 6: CÁC KHÍA CẠNH KHÁC NHAU CỦA BỐN PHÁP CHÂN ĐẾ

CHƯƠNG 6. CÁC KHÍA CẠNH KHÁC NHAU CỦA BỐN PHÁP CHÂN ĐẾ

Tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc (rūpa) và niết bàn (nibbanā) là các pháp chân đế; chúng là thực tại. Tâm, tâm sở và sắc sinh và diệt một cách liên tiếp, chúng xuất hiện để có thể được nhận biết và nhờ đó có thể được biết rằng chúng là thực tại. Chẳng hạn, khi ta thấy màu, nghe âm thanh hay suy nghĩ, tâm sinh và diệt một cách liên tiếp và đảm nhận các chức năng khác nhau. Một số tâm thấy màu sắc, số khác nghe âm thanh, số khác suy nghĩ, tùy theo loại tâm và các duyên tố khiến chúng sinh khởi. Sự tiếp nối của tâm, tâm sở và sắc diễn ra vô cùng nhanh, đó là lý do vì sao chúng ta không nhận ra được sự sinh và diệt. Mọi người thường tưởng nhầm rằng sắc thay đổi dần dần và rằng tâm sinh khởi khi có một ai đó hay có một chúng sinh nào được sinh ra và vẫn là một tâm đó tồn tại kéo dài trong suốt cả cuộc đời và chỉ diệt đi khi người ấy chết.

Nếu chúng ta không nghiên cứu và thẩm sát Giáo pháp, nếu ta không phát triển chánh niệm (sati) và trí tuệ (paññā) để có thể chứng nghiệm được những đặc tính của tâm, tâm sở và sắc thì chúng ta sẽ không biết gì về bản chất thực sự của danh pháp và sắc pháp, tức là của tâm, tâm sở và sắc luôn sinh và diệt liên tục.

Các pháp có thể sinh khởi như vậy vì có những yếu tố làm duyên cho sự sinh khởi của chúng. Chúng không thể sinh khởi nếu như không có các duyên tố. Đại đức Sāriputta (Xá Lợi Phất) đã có niềm tin vào Giáo lý của Đức Phật khi Ngài gặp Đại đức Assaji, một tỳ kheo thuộc nhóm năm đại đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Đại đức Sāriputta ấn tượng về cử chỉ và hành vi của Đại đức Assaji đến mức Ngài đã đi theo vị này để hỏi xem ai là vị thầy tế độ của vị ấy và về những gì mà vị thầy tế độ này đã dạy. Đại đức Assaji đã trả lời như sau[1]:

“Pháp sanh lên do nhân,

Như lai giảng nhân ấy,

Nhân diệt thời pháp diệt,

Đại sa môn nói vậy”

Nếu như Đức Phật không dạy về các pháp và về mối duyên hệ giữa chúng mà Ngài đã xuyên thấu qua sự giác ngộ của mình, sẽ không ai biết được pháp nào sinh khởi từ những duyên nào. Sẽ không ai biết được các pháp làm duyên cho sự sinh khởi của từng loại tâm chân đế pháp, tâm sở chân đế pháp và sắc chân đế pháp. Với sự giác ngộ của mình, Đức Phật đã xuyên thấu bản chất của tất cả các pháp. Ngài đã dạy rằng các pháp sinh khởi đều bởi các duyên tố tương ứng và Ngài cũng dậy các duyên tố nào tạo duyên cho sự sinh khởi của các pháp nào. Pháp không thể sinh khởi nếu không có các yếu tố làm duyên.

Chúng ta nói về con người, về các chúng sinh khác hay về các chư thiên, rằng họ sinh ra, nhưng trên thực tế chỉ có citta (tâm), cetasika (tâm sở) và rūpa (sắc) được sinh khởi. Khi có một loại tâm nhất định sinh kèm với tâm sở sinh khởi cùng với sắc, trong ngôn ngữ chế định, chúng ta nói rằng một con người đã ra đời. Khi tâm và tâm sở sinh khởi với sắc của một vị chư thiên, ta nói rằng vị chư thiên ấy đã sinh ra. Con người, các chúng sinh khác và các vị chư thiên sinh ra ở các cõi khác nhau vì các duyên tố cho sự tái sinh trong mỗi trường hợp là khác nhau, những duyên tố này rất đa dạng và phức hợp. Tuy nhiên, khi Đức Phật đạt giác ngộ, bằng chánh biến tri của mình, Ngài đã xuyên thấu bản chất thật của tất cả các pháp cũng như tất cả những yếu tố khác nhau làm duyên cho sự sinh khởi chúng. Ngài dạy về bản chất thực của từng pháp và giảng rằng các pháp sinh khởi đều do duyên.

Các pháp sinh khởi được gọi là saṅkhāra dhamma, tức là các pháp hữu vi. Chúng ta biết rằng có tâm, tâm sở và sắc bởi chúng sinh khởi và chúng sinh khởi do những duyên tố tương ứng. Do vậy tâm, tâm sở và sắc là các pháp hữu vi[2].

Giáo lý của Đức Phật hoàn hảo đến từng chữ và từng nghĩa. Ngài giảng về các chủ đề về Pháp và đưa ra thêm giải nghĩa để mọi người có thế hiểu được. Ngài đã thêm từ mô tả ý nghĩa khiến cho nghĩa trở nên rõ ràng hơn nữa. Mọi người có thể hiểu nhầm lời dạy của Đức Phật về các pháp hữu vi (saṅkhāra dhamma) là các pháp sinh khởi do duyên; họ có thể hiểu nhầm rằng các pháp đã sinh rồi có thể tiếp tục tồn tại. Vì vậy, Đức Phật đã dạy rằng tất cả các pháp hữu vi cũng là saṅkhata dhamma[3], tức là các pháp sinh và rồi diệt[4]. Đức Phật sử dụng cả hai thuật ngữ “saṅkhata dhamma” và “saṅkhāra dhamma” để giải thích rằng một pháp sinh khởi bởi có các yếu tố làm duyên cho sự sinh khởi của chúng và khi các duyên tố ấy diệt đi thì pháp sinh khởi bởi các duyên tố ấy cũng phải diệt đi. Saṅkhata dhamma là các pháp đã sinh và diệt, vì vậy saṅkhāra dhamma là các pháp hữu vi được tạo bởi các duyên tố cũng là saṅkhata dhamma[5]. Các pháp chân đế bao gồm tâm, tâm sở và sắc đều vừa là các pháp hữu vi saṅkhāra dhamma, vừa là saṅkhata dhamma, và có những đặc tính như sau:

  • Sabbe saṅkhārā aniccā – Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường
  • Sabbe saṅkhāra dukkha – Tất cả các pháp hữu vi đều khổ
  • Sabbe dhammā anattā – Tất cả các pháp đều vô ngã[6]

 

Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường

Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Sự hủy hoại và vô thường của sắc pháp là rõ ràng, nhưng sự vô thường của danh pháp thì khó nhận ra hơn. Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ  Kinh (Phần 2, Thiên Nhân Duyên, Ch.12.7, Đại Phẩm Thứ 7, Vô Văn) rằng Đức Phật khi ở tại Sāvatthī, trong chùa Kỳ viên tại vườn của trưởng giả Cấp Cô Độc, nói với các tỳ kheo như sau:

“Này các Tỳ kheo, kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát thân do bốn đại tạo thành này. Vì cớ sao? Này các Tỳ kheo, vì họ thấy được cái thân do bốn đại tạo thành này được tăng, được giảm, được thủ, được xả. Do vậy, ở đây kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát.

Và này các Tỳ kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát. Vì sao? Ðã lâu ngày, này các Tỳ kheo, kẻ vô văn phàm phu đắm trước, xem là của tôi, chấp thủ: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi. Do vậy, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ để có thể giải thoát.… Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, này các Tỳ kheo, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác”

Mặc dù tâm, tâm sở và sắc luôn luôn sinh và diệt, rất khó mà hiểu được điều này và buông xả, loại bỏ dính mắc vào nāma (danh) và rūpa (sắc). Danh (nāma) và sắc (rūpa) cần được thẩm xét và hiểu bởi trí tuệ (paññā) để sự dính mắc có thể được diệt trừ. Chúng ta đọc trong Kinh Pháp Cú (đoạn 277 – 280, Tiểu Bộ Kinh) rằng Đức Phật đã nói:

Tất cả hành vô thường

Với Tuệ, quán thấy vậy

Ðau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh

 

Tất cả hành khổ đau

Với Tuệ, quán thấy vậy,

Ðau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh.

 

Tất cả pháp vô ngã,

Với Tuệ, quán thấy vậy,

Ðau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh.

Khi ta chưa liễu ngộ được sự sinh diệt của danh pháp và sắc pháp để nhờ đó sự dính mắc vào tà kiến được loại bỏ, ta chưa thể xuyên thấu được Tứ Thánh Đế và trở thành bậc thánh nhân đã giác ngộ. Bậc thánh nhân hiểu được ý nghĩa của từ “giác ngộ” hay “Phật quả”, tức là sự giác ngộ của Đức Phật. Người ấy hiểu điều ấy không chỉ dựa trên lý thuyết về các pháp mà Đức Phật đã dạy, mà bằng trí tuệ trực nhận về các pháp mà Đức Phật đã xuyên thấu khi giác ngộ. Thánh nhân đã diệt bỏ hoàn toàn hoài nghi về các pháp mà Đức Phật đã xuyên thấu vì các vị ấy đã tự mình chứng ngộ các pháp ấy[7]. Thánh nhân đã liễu ngộ ý nghĩa của cụm từ “Phật quả”, vì bằng sự giác ngộ, vị ấy đã tự mình xuyên thấu bản chất các pháp mà Đức Phật đã dạy. Người hiểu và thấy pháp là thấy Như Lai[8]. Người nghiên cứu Giáo pháp và thực hành Giáo pháp để xuyên thấu bản chất thật của thực tại có thể đạt được giác ngộ và loại trừ được phiền não tùy thuộc vào mức độ giác ngộ đã đạt được, có thể là mức độ của bậc Thánh Dự lưu (Sotāpanna), bậc Thánh Nhất lai (Sakadāgāmī), bậc Thánh Bất lai (Anāgāmī) hay bậc Thánh A la hán (Arahat)[9].

 

Tất cả các Pháp hữu vi đều khổ

Tất cả các pháp hữu vi đều sinh và diệt, dù là tâm thiện hay bất thiện, dù là sắc đẹp hay sắc xấu, tất cả đều sinh và diệt như nhau. Sự sinh và diệt của thực tại, tính vô thường của chúng, là khổ (dukkha). Bản chất khổ nội tại của các pháp hữu vi không chỉ bao hàm những đau khổ kinh nghiệm khi đau trên thân, khi bệnh tật hay gian truân, khi phải xa lìa người thân yêu hoặc phải sống cùng với người không ưa thích. Bản chất khổ hàm chứa trong tất cả các pháp hữu vi chính là ở sự vô thường của chúng; khi vừa sinh khởi thì chúng đã diệt đi và vì vậy chúng không thể được coi là phúc lạc. Một số người có thể thắc mắc, tại sao tất cả các pháp hữu vi đều là khổ, tại sao cả những tâm kinh nghiệm hạnh phúc và hưởng thụ các đối tượng khả ái cũng là khổ. Kể cả các tâm kinh nghiệm hạnh phúc cũng tồn tại ngắn ngủi và vì vậy chúng là khổ. Tất cả các pháp hữu vi – tâm, tâm sở và sắc đều là khổ vì chúng là vô thường, chúng không trường tồn.

 

Tất cả các Pháp đều vô ngã

Tất cả các pháp là vô ngã. Cả bốn pháp chân đế tâm, tâm sở, sắc và niết bàn đều vô ngã. Chúng không phải là tự ngã, chúng không nằm trong sự kiểm soát của ai cả.

Niết bàn là pháp chân đế, là thực tại. Niết bàn không phải là pháp hữu vi mà là pháp vô vi (visaṅkhāra[10] dhamma). Niết bàn là pháp không sinh khởi[11], đối nghịch với pháp hữu vi. Saṅkhāra dhamma là pháp sinh khởi do duyên, còn visaṅkhāra dhamma là pháp không sinh khởi nên nó không được tạo duyên bởi bất cứ thứ gì.

Niết bàn là asaṅkhata dhamma, tức là một loại pháp không phải là saṅkhāta[12]. Saṅkhāta dhamma là pháp sinh và diệt còn asaṅkhata dhamma là pháp không sinh không diệt. Niết bàn không sinh khởi và không diệt đi vì nó là vô duyên khởi.

Tâm, tâm sở và sắc đều là pháp hữu vi (saṅkhāra dhamma), chúng thuộc về pháp thế gian, lokiya. Chúng đều chịu sự tận diệt[13]. Niết bàn là pháp vô vi, visaṅkhāra dhamma và là siêu thế – lokuttara. Từ “lokuttara” có nghĩa là vượt lên trên thế gian, thoát khỏi thế gian[14].

Tóm tắt các pháp chân đề bao gồm:

Các pháp hữu vi – saṅkhāra dhamma và saṅkhāta dhamma:

Danh pháp – Nāma dhamma (pháp nhận biết đối tượng) trong đó có:

– Tâm chân đế pháp (Citta Paramattha) bao gồm 89 hoặc 121 loại tâm.

– Tâm sở chân đế pháp (Cetasika Paramattha) bao gồm 52 loại tâm sở.

Sắc pháp – Rūpa dhamma (thực tại không kinh nghiệm đối tượng), hay sắc chân đế pháp (rūpa paramattha dhamma) bao gồm 28 loại sắc.

Pháp vô vi – visaṅkhāra dhamma và asaṅkhata dhamma: Danh pháp (loại không nhận biết đối tượng) là niết bàn chân đế pháp.

 

Ngũ uẩn

Ngũ uẩn (khandha) bao gồm:

  • Sắc uẩn (rūpakkhandha), gồm các loại sắc,
  • Thọ uẩn (vedanākkhandha)
  • Tưởng uẩn (saññākkhandha)
  • Hành uẩn (saṅkhārakkhandha), gồm tất cả cả tâm sở còn lại trừ thọ và tưởng
  • Thức uẩn (viññāṇakkhandha), gồm tất cả các loại tâm[15].

 

Bốn thực tại chân đế và ngũ uẩn

  • Tâm (citta) là thức uẩn (viññāṇakkhandha)
  • Tâm sở (cetasika) là thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha), hành uẩn (saṅkhārakkhandha)
  • Sắc là sắc uẩn (rūpakkhandha)
  • Niết bàn không phải là uẩn vì nó thoát ly khỏi các uẩn (khandhavimutta)

Từ uẩn ở đây nói đến pháp (dhamma) có thể được mô tả là quá khứ, tương lai hay hiện tại, bên ngoài hay bên trong, thô hay tế, cao thượng hay hạ liệt, gần hay xa. Như vậy, uẩn là pháp hữu vi, do duyên tạo, sinh và diệt, vì vậy được mô tả ở quá khứ, hiện tại và tương lai,… Trong khi ấy, niết bàn vô vi pháp là pháp không sinh khởi, không do duyên tạo[16]. Không thể nói niết bàn đã sinh khởi, chưa sinh khởi, hay sẽ sinh khởi. Nó không thể được mô tả trong quá khứ, tương lai hay hiện tại, vì vậy niết bàn không phải là uẩn, và nó hoàn toàn ly uẩn (khandhavimutta).

Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ  Kinh (Phần 3, Ch. 22, I5§48, Các Uẩn) rằng Đức Phật khi ngự ở Sāvatthī đã giảng cho các vị Tỷ kheo về ngũ uẩn và ngũ thủ uẩn như sau:

“Nhân duyên ở Sāvatthī…

Này các Tỳ kheo, Ta sẽ giảng năm uẩn và năm thủ uẩn, hãy lắng nghe… Này các Tỳ kheo, thế nào là năm uẩn?

Này các Tỳ kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần[17]; đây gọi là sắc uẩn.

Này các Tỳ kheo, phàm có thọ gì… phàm có tưởng gì… phàm có các hành gì…

Này các Tỳ kheo, phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây gọi là thức uẩn.

Những cái này, này các Tỳ kheo, được gọi là năm uẩn.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là năm thủ uẩn?

Này các Tỳ kheo, phàm có sắc gì quá khứ vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại… hoặc xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là sắc thủ uẩn.

Này các Tỳ kheo, phàm có thọ gì… phàm có tưởng gì… phàm có các hành gì…

Này các Tỳ kheo, phàm có thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, có lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là thức thủ uẩn.

Này các Tỳ kheo, đây được gọi là năm thủ uẩn.”

Ba pháp chân đế phân chia theo ngũ uẩn

  • Tâm (citta), bao gồm 89 tâm (hoặc 121 tâm) là Thức uẩn
  • Tâm sở (cetasika) bao gồm 52 loại tâm sở, trong đó:
  • Tâm sở thọ là Thọ uẩn
  • Tâm sở tưởng là Tưởng uẩn
  • 50 tâm sở còn lại là Hành uẩn
  • Sắc pháp có 28 loại là Sắc uẩn

 

Ngũ uẩn phân chia theo ba pháp chân đế

  • Sắc uẩn là Sắc chân đế pháp (bao gồm 28 sắc)
  • Thọ uẩn là Tâm sở chân đế pháp (thọ)
  • Tưởng uẩn là Tâm sở chân đế pháp (tưởng)
  • Hành uẩn là 50 tâm sở chân đế pháp còn lại
  • Thức uẩn là Tâm chân đế pháp (bao gồm 89 hoặc 121 loại tâm)

 

********

 

Câu hỏi

 

  1. Những pháp chân đế nào là pháp hữu vi (do duyên sinh)?
  2. Các pháp hữu vi có phải là hành uẩn không?
  3. Pháp vô vi – visaṅkhāra (không do duyên sinh) có phải là saṅkhāta dhamma không?
  4. Uẩn nào là pháp vô vi?
  5. Pháp vô vi (asaṅkhata dhamma) thuộc về pháp thế gian hay pháp siêu thế?
  6. Tâm có phải là hành uẩn không?
  7. Tâm sở có phải là hành uẩn không?
  8. Pháp chân đế nào là thọ uẩn?
  9. Uẩn nào không phải là pháp chân đế?

10. Pháp chân đế nào không phải là uẩn?



[1] Tạng Luật  IV, Đại phẩm I, §39.

[2] Saṅkhāra xuất phát từ “Saṅkhāroti” có nghĩa là “tạo thành”.

[3] Sankhata là quá khứ phân từ của “sankharoti”, có nghĩa là “cái đã được tạo thành”.

[4]Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Ba Pháp, phẩm V, §47.

[5]Bộ Pháp Tụ, quyển III, Phần I, chương III. Thuật ngữ “saṅkhāra dhamma” và “sankhata dhamma” cùng chỉ về các thực tại, nhưng chúng được sử dụng để giải thích rõ hơn bản chất của các pháp hữu vi. “Saṅkhāra dhamma” chỉ  pháp phụ thuộc vào các pháp khác cho sự sinh khởi của nó, còn “sankhata dhamma” chỉ pháp, ngoài tính chất do duyên khởi, còn là pháp sinh và diệt.

[6]Tiểu Bộ Kinh , Đại Nghĩa Tích, Kinh Thanh Tịnh (Suddhatthaka Sutta), Số 4. Xem thêm Kinh Pháp Cú, Phần I (vần 277-280)

[7] Tương Ưng Bộ Kinh,  Thiên Đại Phẩm, chương IV, Tương Ưng Căn.

[8] Tương Ưng Bộ Kinh, Thiên Nhân Duyên, Tương Ưng Nhân Duyên, §87 Vakkali.

[9] Tiểu Bộ Kinh , Cảm Ứng Ngữ, chương V, §5, Kinh Uposatha §54-55.

[10] “Vi” là tiếp đầu ngữ ở đây có nghĩa phủ định.

[11]Đạo Vô Ngại Giải, Phần I, chương I, Giải Về Trí, mục 1, số 18

[12] Tiếp đầu ngữ “a” có nghĩa phủ định. Xem thêm Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Ba Pháp, V, §47

[13] Thuật ngữ Pāli “lujjati” có nghĩa là “sẽ tan hoại”, gắn liền với nghĩa trong từ “loko”  (thế gian). Có thể xem trong Tương Ưng Bộ Kinh, Thiên sáu xứ, Tương ưng sáu xứ, b, phẩm Channa, 84, Biến Hoại.

[14] “Uttara” có nghĩa là “cao hơn”, “vượt qua”. “Lokuttara” vì vậy có nghĩa là “vượt lên trên thế gian”, “siêu thế”. Các tâm kinh nghiệm niết bàn đều là các tâm siêu thế. Điều này sẽ được giải thích thêm sau.

[15] Bộ Phân Tích, Chương I, Phân Tích Uẩn. §1-68.

[16] Bộ Pháp Tụ, Quyển III, Phần II, Phụ lục II, và Quyển III, Phần I, Chương III, §1086.

[17] Một nhóm phiền não.

Comments are closed.

Translate »