PHÁP ĐÀM SÁNG 30/09/2019 tại Hà nội – Phần I

 

Người tham dự: Kính thưa pháp hội, con xin phép được phát biểu: Trước tiên con rất lấy làm cảm kích trước lời dạy của hai vị thầy đã không quản đường xa để đến đây giảng pháp và giúp chúng ta trong mấy ngày hôm nay. Qua hai ngày lắng nghe con thấy có mấy điều như lời nhắc nhở của bác Jon: Trong việc tìm hiểu Giáo Pháp thì có ba loại:1. Tìm hiểu vì ngườ ikhác, 2. Tìm hiểu vì bản thân và 3. Tìm hiểu vì hiểu biết. Achaan cũng từng nói trí tuệ sẽ làm việc theo cách của nó. Tâm Bạch cũng nhắc nhở nếu mình cố làm cái gì đó thì đằng sau đó đã là cái tôi, một cái ngã nào đó rồi, động cơ của nó xuất phát từ ngã. Ba ý này hoàn toàn tương đồng nhau, bởi các pháp do duyên sinh. Vì vậy mình cứ lắng nghe để thu thập, bản thân sự hiểu biết sẽ dẫn chúng ta đến hành động của chính chúng ta mỗi ngày. Không cố bỏ công việc, cũng không cần cố để bỏ những thú vui để tập trung vào nghiên cứu Giáo pháp, cứ để sự lắng nghe và suy xét dần dần tự làm nhiệm vụ của nó, đến một lúc nào đó nó sẽ hướng dẫn người cư sĩ tại gia hay các vị xuất gia hướng đến giải thoát theo bản thân cái cách mà trí tuệ nó làm.  Trí tuệ sẽ làm công việc của nó, khi ấy chúng ta sẽ nhận ra rằng: cần phải nhẫn nại, nhẫn nại với sự hiểu biết ít ỏi của bản thân mình, sự nhẫn nại này có thể sẽ hơi lâu, nó lâu hơn một đời người.

Sarah: Vừa rồi là lời mở đầu rất hay, nó dẫn chúng ta đến những câu hỏi căn bản.  Bây giờ sẽ là thời gian để dành cho các câu hỏi của các bậc phụ lão cũng như các vị xuất gia.

Người hỏi:  Thưa Thầy, thưa cô chú Jon và Sarah, được sự động viên cổ vũ của mọi người tôi xin đưa ra những thắc mắc của mình mà lâu nay tôi vẫn chưa được giải tỏa. Tôi có hai câu hỏi:

1.Trước đây cũng có lần tôi phát biểu, mục đích ban đầukhi đi học Giáo pháp của tôi là để xem nội dung học là gì mà lại thu hút các bạn trẻ, trong đó có con gái tôi và bạn bè của cháu,như thế. Dần dần tôi nghe nhiều hơn và cảm nhận được những điều hay của Giáo pháp, nhưng tôi chưa hiểu được mục đích của việc học Giáo pháp, tôi từng nghĩ học Giáo pháp để rèn rũa bản thân, bỏ tham sân si và để mình trở nên tốt hơn.  Tuy nhiên qua những gì được trao đổi suốt hai ngày qua, các vị thầy đã chỉ ra rằng nếu học để cho mình, vì mình thì đó là tà kiến. Con rất phân vân vậy không biết việc học là để làm gì? Vì ai?  Con đường đi đến là thế nào? Theo anh Giao vừa nói thì việc học sẽ tự thấm dần, nó như kim chỉ nam, hướng suy nghĩ hành động của mình theo duyên mà đi. Tôi chưa hiểu lắm về những điều này, kính mong thầy cô giảng giải giúp.

2.Trong dịp kỉ niệm 47 năm ngày cưới của vợ chồng tôi thì con gái tôi tặng bố mẹ một lời chúc: chúc ba mẹ có bốn đồng-đồng giới, đồng thí, đồng tín và đồng tuệ.Xin được quý thầy cô và các đạo hữu giải thích giúp.

Sarah: Cũng như anh Giao có nói lúc mở đầu buổi Pháp đàm, khi chúng ta bắt đầu tìm hiểu Giáo pháp hay còn gọi là “tu tập”, thường mục đích là để có thêm một cái gì đó cho bản thân, chẳng hạn như có từ tâm hơn, bớt sân hơn,… tóm lại mục đích là để được một cái gì đó cho bản thân– “tìm hiểu vì bản thân”. Hoặc như bác nói, do tò mò muốn xem con gái tìm hiểu điều gì, có tốt không… Hoặc vì đó là một thành viên trong gia đình nên mình cũng làm theo cho được sự hòa hợp, hay bởi vì trong con mắt của xã hội thì đó là một việc làm tốt… Những xuất phát điểm như vậy chính là “tìm hiểu vì người khác”. 

Còn theo đức Phật, lý do thực sự để tìm hiểu Giáo pháp là để hiểu đúng, chỉ để hiểu đúng mà thôi.

Chúng ta có nhiều mục tiêu trong cuộc sống: kiếm sống, thu vén cho gia đình, xây dựng nhà cửa và các trách nhiệm khác nhau. Chúng ta thường bận bịu với đủ các mối quan tâm và nghĩa vụ trong cuộc sống, có rất nhiều thứ mà chúng ta cần phải làm trong cuộc đời này. Nhưng ta cần phải đặt câu hỏi: “cái gì là lợi ích nhất cho cuộc đời này?” để đến khi nhắm mắt, chúng ta thấy rằng cuộc đời này đã được sống một cách có ích, trong khi cái chết có thể tới bất cứ lúc nào. Tất cả những thứ chúng ta cho là quan trọng như nhà cửa, gia đình, những món ăn mà mình đã nấu, những thứ mà mình đã gây dựng,… tất cả sẽ mất đi hoàn toàn khi cuộc đời này chấm dứt, thậm chí là cũng chẳng nhớ gì về chúng cả. Cũng như bây giờ chúng ta không biết được kiếp trước chúng ta đã sống trong căn nhà nào, những người thân, quyến thuộc của mình là ai? Ăn những món ăn gì?… Mọi thứ sẽ bị quên lãng khi cuộc đời này chấm dứt… Nhưng hiểu biết thì sẽ được tích lũy, đó là thứ quý giá duy nhất của cuộc đời còn lại để mang tới kiếp sau, tích luỹ từ kiếp này sang kiếp khác. Như vậy cuộc đời dù dài hay ngắn thì thứ quý báu nhất vẫn là hiểu biết về sự thật, sự thật của cuộc sống, sự thật diễn ra từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.

Sự thật -chân lý mà Đức Phật đã thuyết giảng cho chúng ta là: tất cả các khoảnh khắc thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, hay suy nghĩ tự diễn tiến mà không có một con người hay tự ngã nào đằng sau đó, chỉ là những khoảnh khắc kinh nghiệm, khoảnh khắc này tiếp nối khoảnh khắc khác. Với hiểu biết dần phát triển về sự thật của mỗi khoảnh khắc, ý niệm về một cái tôi hay tự ngã sẽ dần dần suy giảm. Thực chất, cái tôi này được chúng ta coi quan trọng hơn cả những thứ khác như nhàcửa, người thân trong gia đình…Việc tìm hiểu Giáo pháp có mục đích duy nhất là để hiểu sự thật của cuộc sống ngày một sâu sắc hơn,và tiến trình hiểu biết này phải được diễn ra một cách tự nhiên như trong lời dẫn nhập câu anh Giao lúc nãy.  Bởi nếu chúng ta tìm hiểu Giáo pháp với ý niệm mình là người đang học pháp,là người đang cố tập trung vào đề mục này, v.v…thì ngay ở đó đã có sự dính mắc vào ý niệm về ngã– “tôi”-có-thể-làm, “tôi”-có-thể-thấy…, ta có thể thấy rằng đó không phải là hiểu biết đúng về Giáo pháp của Đức Phật. Như vậy chúng ta sống một cách tự nhiên mà không cố để làm gì đó để trí tuệ hay hiểu biết sinh khởi, các pháp sẽ diễn tiến theo duyên của nó.

Đức Phật có nói về hai loại hạnh phúc: loại hạnh phúc thứ nhất là loại hạnh phúc mà ai cũng thường nghĩ, đó là hạnh phúc khi được ở bên người thân, được quây quần bên con cháu, thưởng thức ẩm thực mỹ vị, cùng vui vẻ bên những người bạn, hay có thời gian tụ họp với nhau đi chùa, v.v…Đó là những hạnh phúc thông thường mà người đời biết đến và cho là định nghĩa về hạnh phúc.  Nhưng thực tế,hạnh phúc này thường sinh kèm với dính mắc, nó luôn ngắn ngủi, dễ bị mất đi. Khi chúng ta mất đi ngôi nhà của mình, người thân của mình, hay những khoảnh khắc vui đùa đã qua, … khi đối tượng mà chúng ta dính mắc vào không còn thì thay vào cảm giác hạnh phúc sẽ là sự đau khổ và mất mát. Bởi hạnh phúc này gắn liền với sự mất mát nên Đức Phật nói rằng đây là loại hạnh phúc đưa đến khổ đau, đến mọi rắc rối trên thế gian. Loại hạnh phúc thứ hai mà Ngài nói tới là loại hạnh phúc gắn liền với hiểu biết về sự thật, là niềm vui sinh từ trí tuệ. Đây là loại hạnh phúc sâu sắc hơn rất nhiều, nó xa lìa với những ý niệm về mình và tự ngã, nó không bị đe dọa bởi sự mất mát và không dẫn tới khổ đau.

Sở dĩ chúng ta ngồi đây hôm nay cùng nhau đàm đạo về Pháp và có những khoảnh khắc hiểu biết sinh khởi là bởi trong quá khứ chúng ta đã từng có sự tìm hiểu và lắng nghe Giáo pháp, và chính nhờ hiểu biết đó mà lại có duyên để cùng nhau nghe Pháp và có cơ hội để phát triển hiểu biết hơnlên. Càng nghe Pháp thì hiểu biết đó càng tăng trưởng và khi chúng ta rời khỏi cõi đời này,hiểu biết đó được mang tới những kiếp sau, nơi nó sẽ tiếp tục được vun bồi và trở nên vững mạnh,vững mạnh hơn.

Jonathan:    Tôi cũng muốn bày tỏ rằng tôi đánh giá cao những chia sẻ chân tình của bác cũng như rất trân trọng mối quan tâm của bác với Giáo pháp. Những gì bác mô tả, như cô Sarah đã nói,phản ánh chân thực động cơ mà đa phần chúng ta đều có khi đến với Giáo pháp, đó là cho bản thân mình, muốn mình trở thành con người tốt hơn, minh triết hơn. Nhưng khi chúng ta đã tìm hiểu kỹ hơn lời dạy của Đức Phật, chúng ta biết được rằnghiểu biết hay trí tuệ sẽ làm thanh tịnh mọi loại thiện pháp.Nhờ đó,khi không có hiểu biết sinh khởi thì các khoảnh khắc thiện pháp khác nhau trong cuộc sống sẽ ít bị ô nhiễm bởi ý niệm về ngã bao quanh nó, Như vậy bản thân chúng ta cũng có sự kiểm chứng ở một mức độ nhất định về những lời dạy của Đức Phật trong cuộc sống qua trải nghiệm ấy.

Tôi cũng trân trọng lời dẫn nhập từ ái và đúng đắn của anh Giao. Tôi đã nghe cẩn thận tất cả những gì anh nói, cho đến đoạn anh nêu lên một ý rằng dù với những người kinh doanh hay với những người học Pháp thì mọi thứ đều phải làm với trí tuệ. Trước đó anh đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng trí tuệ chỉ làm công việc của nó, nó chỉ sinh khởi khi có đủ duyên chứ không sinh khởi chỉ bởi vì ta muốn hay cố để có nó. Khi đã nói như vậy thì không cần nói thêm rằng chúng ta cần phải có thêm trí tuệ trong cuộc sống thường nhật. Không có nghĩa là điều ấy không thể xảy ra,nhưng nếu chúng ta hiểu các duyên để trí tuệ sẽ sinh khởi là gì thì sẽ không bị lạc lối sang những suy nghĩ muốn có thêm trí tuệ.

Một trong những duyên quan trọng để trí tuệ sinh khởi là được nghe Pháp và suy xét chân chánh về ý nghĩa của những gì được nghe, và đó là những gì chúng ta đã làm trong những buổi Pháp đàm trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên khi nào những yếu tố ấy sẽ làm duyên cho trí tuệ sinh khởi, chúng ta không thể biết trước được, cũng như không thể tiên đoán trí tuệ khi đó sẽ lấy đối tượng là pháp nào. Những gì tốt nhất mà chúng ta có thể làm là suy xét về nhừng lời dạy của Đức Phật và để trí tuệ phát triển theo nhịp độ tự nhiên của nó.

Sarah: Khi chúng ta dùng những từ như ta cần phải, nên thế này, …nó rất dễ xuất phát bởi ý niệm “tôi”-có-thể-làm. Khi ta nói “cần phải có trí tuệ sinh khởi nhiều hơn”, hay “trong lúc làm việc cần phải có trí tuệ” rất dễ là ý niệm về ngã đằng sau đó, và ta đã quên đi là các pháp sinh khởi do duyên.

Về câu hỏi thứ hai của bác:  Tôi nhớ rằng khi tôi và Jonathan làm lễ thành hôn, chúng tôi cũng nhận được lời chúc phúc từ một vị sư.trong đó vị ấy có nhắc đến một bài kinh, nội dung bài kinh đó nói về điều kiện để cho một cặp vợ chồng có thể gặp nhau trong kiếp sau đó là cần phải có bốn yếu tố tương đồng, đó là đồng giới, đồng tín, đồng thí và đồng tuệ.  Hôm qua có câu hỏi về nghiệp nào đưa đến kết quả nào. Thông thường,khi nói về nghiệp và quả của nghiệp mọi người hay nói dưới những ngôn từ chế định, nhưng chúng ta cần suy xét xem dưới góc độ chân đế, thực tại của nó là gì? Trong ngôn ngữ chế định,ta nói rằng chúng tôi chia sẻ Pháp với các bạn.Thực tế thì, trí tuệ sinh khởi nơi tôi không thể được chia cho các bạn.Với Đức Phật cũng thế thôi, Ngài không thể đem trí tuệ của mình chia cho người này hay người kia, bởi những gì trong dòng tâm của người này không thể được chuyển sang dòng tâm của người kia. Tương tự, chia phước không có nghĩa là chúng ta lấy phước của mình mang ra chia cho một ai đó, vì điều ấy là không thể, mà chỉ đơn thuần là chúng ta nhắc đến thiện pháp mà bản thân đã làm để người khác có cơ hội biết tới điều ấy và sinh khởi tùy hỷ, khi ấy có phước lành nơi họ. Cũng tương tự như vậy khi nói đến bốn yếu tố tương đồng nhau trong đời sống vợ chồng là giới, tín, thí, và tuệ.  

Chú thích: chủ đề này được đức Phật thuyết giảng trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp, phẩm Nguồn Sanh Phước, V. (55) Xứng đôi

Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga tại núi Sumsumàra, rừng Bhesakalà, ở vườn Nai. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ gia chủ cha Nakulà, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ cha Nakulà và nữ gia chủ mẹ Nakulà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha Nakulà bạch Thế Tôn

Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulà được đem về đây cho con khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.

Nữ gia chủ mẹ Nakulà bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulà, khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến gia chủ cha Nakulà, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau, trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.

– Vậy này các Gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.

Cả hai, tín, bố thí,
Sống chế ngự, chánh mạng,
Cả hai vợ chồng ấy,
Nói lời thân ái nhau,
Ðời sống nhiều hạnh phúc,
Chờ đợi hai người ấy.
Kẻ thù không thích ý,
Cả hai giới hạnh lành,
Ở đây sống theo Pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Cả hai giới hạnh lành,
Sống hoan hỷ Thiên giới,
Hân hoan được thỏa mãn,
Ðúng với điều sở cầu
.

Hôm qua chúng ta có bàn về việc khi trí tuệ được phát triển,nó tự phát huy ảnh hưởng, nó tác động đến cách chúng ta làm việc, đến cuộc sống cũng như hành xử của ta với những người xung quanh. Ví dụ như, để chuẩn bị cho những buổi Pháp đàm này, có rất nhiều thiện pháp đã sinh khởi: bạn Mai đã sửa soạn chuẩn bị cho Pháp đàm, thu xếp các bữa ăn chu đáo, cũng như đảm bảo nhà luôn ngăn nắp gọn gàng. Cùng với những người khác, mỗi người một tay một chân góp sức cho pháp đàm. Đó là bởi tín tâm cũng như nhận thức về tầm quan trọng của phát triển hiểu biết. Trong những buổi pháp đàm như thế này chúng ta cũng có thể thấy có rất nhiều thiện pháp sinh khởi nơi mọi người… Tôi cũng muốn đăc biệt nhắc đến anh Sơn, mặc dù không có mặt ở đây nhưng anh đã cũng ủng hộ cúng dường các bữa ăn trưa, cũng như góp chi phí tổ chức khiến cho pháp đàm được thành công tốt đẹp.

Tôi muốn nói những điều ấy để chỉ ra rằng mọi người cùng nhau tìm hiểu Giáo pháp, xuất phát từ niềm tin vào giá trị của hiểu biết về sự thật của cuộc sống. Trong kinh điển có nói về những thân bằng quyến thuộc, bạn bè cùng nhau tụ họp để nghe PPP, và nhờ vậy tạo ra được những cộng trú ấm cúng, hòa thuận, đem lại bao lợi ích không chỉ cho kiếp này mà còn cho nhiều kiếp sau. Đức Phật có giảng về 38 pháp hạnh phúc, chúng ta có phước lành vì trong 38 pháp ấy chúng ta có được rất nhiều. Đức Phật có nói rằng một trong những điều đó là được nghe Pháp và đàm đạo về Pháp. Một phước lành nữa là gần gũi bậc thiện trí để cùng nhau chia sẻ và tìm hiểu Giáo pháp. Những phước lành này có giá trị lợi ích và ý nghĩa hơn rất nhiều so với những ý niệm thông thường của thế gian về hạnh phúc hay những thứ cần có. Điều ấy không có nghĩa là trong đời sống gia đình hay trong các mối quan hệ với mọi người không còn có những lúc mâu thuẫn, cãi cọ hay những thời điểm khó khăn. Tuy nhiên khi hiểu về Giáo pháp, chúng ta sẽ biết được điều gì thực sự là quý giá nhất trong cuộc đời-đó chính là hiểu biết.Vì vậy, chúng ta dành thời gian cho việc chia sẻ hiểu biết ấy, và luôn cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ lẫnnhau khi có thể.

Hôm qua chúng ta cũng nói về việc hiểu biết sẽ khiến một người trở nên biết cảm thông hơn. Vì vậy, khi chúng ta chia sẻ Pháp, có thể có những người có những quan điểm hay mối quan tâm khác với mình, ta sẽ không cố để thuyết phục họ nghĩ giống chúng ta, ta hiểu tích luỹ của mỗi người là khác nhau, và vì vậy dễ chấp nhận và cảm thông với họ.

Người hỏi:   Cảm ơn Pháp đàm đã cho tôi lời động viên. Do không theo dõi từ đầu nênnhững gì tôi sắp nói ra có lẽ sẽ lạc đề nhưng tôi mong mọi người thông cảm. Đó là những băn khoăn của riêng tôi nhưng tôi nghĩ nó cũng là của đa phần những người già như tôi, mong các vị hiểu. Người già rất thận trọng khi cuối đời ở với con cái. Từ khi sinh con ra bố mẹ như hai ngọn núi Thái Sơn, chăm sóc cho con, và con cũng tiếp nhận điều đó, cái gì cũng đúng, cái gì cũng nghe theo, rồi dần dần theo thời gian thì ngọn núi lụi dần, thấp dần xuống. Đến đỉnh cao con trưởng thành thì bố mẹ lại là trở ngại với con, hoặc lại càng ngày càng thận trọng hơn khi sống với con. Một nhu cầu cần trao đổi với con cũng phải thận trọng. Ví dụ: ở tuổi của chúng tôi là phải nghĩ đến hậu vận về sau, đến khi nằm xuống thì đặt ở đâu? Ai lo? Làm thế nào để khỏi bị động? Nhưng con nó bàng quang, trong khi mối lo đó chính là điều tôi lo cho các con. Tôi biết khi chết đi rồi thì ai muốn làm gì thì làm, nhưng mà đó là những nỗi niềm của người cha, người mẹ, lo lắng cho các con.  Nhưng con lại coi đó là bình thường, gặp đâu xử lý đấy, trong vòng 15 phút. Thời đại công nghệ cái gì cũng dễ dàng. Nhưng với chúng tôi, chúng tôi quan niệm như vậy là không có đạo lý.  Hôm nay tôi mới đi thăm một người bạn của mình, cũng là một người bà con. Vị này là một giáo sư có tên tuổi, khi gặp nhau chúng tôi chỉ cầm tay nhau và khóc, chúng tôi đồng cảm với nhau ở chỗ đều là những người già sắp ra đi hoặc đã đi thử một lần (là tai biến mạch máu não) nhưng không đi được bởi vẫn suy nghĩ và lo lắng cho các con chưa thành gia thất. Như vậy ý tưởng này có đúng không? có cần có con, có cháu để nối dõi tông đường không? Tôi đặt ra câu hỏi đó vì một số lớp trẻ bây giờ quan niệm rằng chỉ sống trên đời như vậy rồi thôi còn khi chết đi rồi là hết. Tôi không đồng tình với quan điểm như vậy, ý tưởng như vậy là bỏ hết gia phong, gia tộc. Nếu nói dựa trên khoa học thì ADN còn tiếp, bây giờ công nghệ khoa học đã tìm ra những ADN tốt để tạo ra những con người thông minh,như vậy có nghĩa là bố mẹ phải có thông minh, ông bà phải thông mình thì mới tạo ra những người con tốt, có trí tuệ. Vậy tôi xin dừng lại ở đây, mong ông bà giải đáp những thắc mắc của tôi.

Jonathan: Sáng nay chúng ta đã nói về ý niệm mạnh mẽ về bản thân, về những gì bản thân mình quan tâm.Chúng ta có thể thấy rằng mối bận tâm với bản thân đó sẽ dẫn dắt khiến chúng ta lo lắng không chỉ về khi còn sống mà cả về lúc chết đi. Thực tế là, ta không kiểm soát được việc mọi người sẽ làm gì khi chúng ta ra đi và phải mai táng, cũng như không ai có thể kiểm soát được những gì diễn ra hiện giờ. Tuy nhiên, lo lắng, bận tâm về những thứ như vậy nằm trong bản tính của chúng ta và sự lo lắng đó là thực. Tôi biết rằng mấy ngày trước bác chưa tham dự. Trong những ngày ấy, chúng tôi đã nói rất nhiều về các pháp chân đế và rằng, toàn bộ Giáo lý của Đức Phật là để hiểu về bản chất của các pháp tại mỗi khoảnh khắc. Đức Phật nói rằng các thực tại hay các pháp chân đế đó đều sinh và diệt theo duyên của chúng. Một số người có xu hướng lo lắng về những chuyện đã qua trong quá khứ, có những người lại lo lắng về những gì diễn ra hiện giờ và cũng có những người lo lắng về gì sẽ xảy ra trong tương lai, tất cả phụ thuộc vào tích lũy riêng của mỗi người. Cũng có một số khác lại không bận tâm đến tương lai -đó là tích lũy riêng của họ. Tôi không nói trường hợp này tốt hơn hay tệ hơn trường hợp kia, mà chỉ nói về những trường hợp khác nhau,và những trường hợp khác nhau ấy đưa đến các thực tại khác nhau.  Đôi khi chúng ta mong muốn cuộc sống hiện giờ khác đi để mình không phải lo lắng về điều gì đó, và dù có lo lắng như thế nhưng lúc chúng ta xem tivi hay bận nghĩ ngợi hoặc làm gì đó khác thì những lo lắng đó không tồn tại. Đó là minh hoạ cho thấy rằng các pháp diễn ra một cách tự nhiên và thực tế là ta không có sự kiểm soát nào về những gì xảy ra trong cuộc sống.

Sarah: Chúng ta hãy nói thêm về cái chết và những gì Đức Phật giảng về cái chết.Theo nghĩa sâu xa thì mỗi khoảnh khắc hiện giờ đều đang chết đi bởi ở mỗi khoảnh khắc tâm sinh khởi rồi diệt đi hoàn toàn, cũng giống như cái chết vậy. Như vừa nãy tôi đã nói, suy nghĩ với hạnh phúc sinh khởi, nó không kéo dài,nó diệt đi- chết đi, nó có thể được tiếp nối bởi những suy nghĩ với đau khổ hay buồn chán, và rồi những suy nghĩ ấy cũng diệt đi. Như vậy theo nghĩa tối hậu thì trong mỗi khoảnh khắc đều có cái chết. Cũng tương tự như vậy, đến thời điểm cuối cùng của cuộc đời này, khi tử thức sinh khởi và diệt đi, ngay lập tức sẽ có thức tái tục tiếp nối và bắt đầu một kiếp sống mới. Như vậy theo nghĩa chế định thì có một người chết đi nhưng theo nghĩa tối hậu, chỉ đơn thuần có một tâm diệt đi và được tiếp nối bởi một tâm khác sinh khởi trong một kiếp sống khác. Cái còn lại chỉ là phần sắc thân. Như chúng ta đã nói, nơi cái gọi là thân có những sắc được duyên bởi nghiệp,ví dụ như sắc nhãn căn, sắc nhĩ căn hay thân căn. Khi cuộc đời này chấm dứt,nghiệp không còn làm duyên cho các sắc đó sinh khởi nữa nên sẽ không còn các sắc do nghiệp sinh như nhãn căn, nhĩ căn hay thân căn,và theo chế định,ta nói rằng người ngày đã chết.Do đó,phầnthi hài còn lạivề bản chất chỉ là các sắc do nhiệt sinh, giống như các vật chất vô tri, không còn là con người mà chúng ta vẫn biết trước đó nữa.

Khi ta chạm vào xác chết hay thi hài, nó cũng cứng như chạm vào cái bàn này,vào một vật vô tri, bởi sắc do nghiệp sinh đặc trưng nơi chúng sinh có mạng sống không còn nữa.  Thức nơi người mà chúng ta gọi là người thân của mình đã tái tục ở một nơi khác rồi theo duyên nghiệp, không biết ở nơi nào. Khi chúng ta nhìn vào thi hài và cảm thấy buồn đau, thực chất dòng tâm thức của người quá cố đã theo duyên trôi chảy mà bắt đầu ở một nơi khác, một gia đình, một ngôi nhà khác hoặc một cõi khác, mà chúng ta không biết cụ thể là ở đâu. Vì vậy sự buồn đau than khóc lúc đó không dành cho người quá cố nữa mà cho chính sự mất mát của bản thân mình, chúng ta đã mất đi một người thân và giờ đây than khóc cho chính cảm giác mất mát ấy. Điều tốt đẹp nhất người sống có thể thể hiện với người đã ra đi không phải là việc làm gì đó với một nghi lễ nào đó với thi hài này, bởi như ta đã nói thi hài này chỉ như một vật chất vô tri. Điều đáng quý hơn sẽ là việc người còn sống có thể tưởng nhớ lại những điều tốt đẹp, những thiện pháp nơi người quá cố và mong người quá cố bắt đầu cuộc sống mới an lành.

Nếu những người thân còn lại trong gia đình đã được học Giáo pháp, đã tạo được nhiều thiện pháp và phát triển hiểu biết về sự thật của cuộc sống thì đó là cách tuyệt vời nhất để báo hiếu những người sinh thành ra mình, hơn cả những lễ nghi hình thức.  Trong khi làm theonhững thủ tục truyền thống thì họ vẫn có thể phát triển hiểu biết, đó là phước lành thực sự, cao thượng hơn rất nhiều.

Liên quan đến việc cần thiết duy trìnòi giống hay gia tộc, Đức Phật đã dạy rằng chúng ta đã trải qua vô vàn kiếp sống trong vòng sinh tử luân hồi, và trong vô số những kiếp sống đó thì tất cả những người xung quanh đây rất có thể đã từng là người thân trong gia đình chúng ta, là cha, là mẹ, là con, là thân bằng quyến thuộc.là bạn hữu của chúng ta. Vì vậy thực tế ta có vô số cha mẹ và vô số con cái. Vì vậy có thể có sự tôn trọng, tử tế, từ ái với tất cả những người xung quanh mình chứ không chỉ với những người thân trong gia đình mình.

Jonathan:    Tôi rất thích ẩn dụ về ngọn núi Thái Sơn của bác về hình ảnh bậc cha mẹ trong mắt con cái,bởi ở một khía cạnh nào đó,nó rất tương đồng với hành trìnhđiển hình của mỗi chúng ta trong cuộc đời. Khi còn trẻ chúng ta nghĩ rằng tất cả những người xung quanh đều phụ thuộc vào chúng ta. Nhưng khi chúng ta có tuổi hơnvà có thêm thời gian và sự từng trải để chiêm nghiệm, chúng ta nhận ra mọi thứ khác với những gì mình từng nghĩ, và rằng tất cả những gì mình dự định, trù bị cuối cùng đều diễn ra không giống như đã lên kế hoạch. Những người mà trước đây chúng ta cho rằng phụ thuộc vào mình giờ đã trưởng thành hơn, có những mối quan tâm riêng của họ, còn bản thân chúng ta, càng có tuổi thì lại càng phải dần từ bỏ những thú vui của cuộc sống và những gì mà ta gắn bó. Và đến khi cái chết tới thì chúng ta mất tất cả: tất cả những gì mà ta nghĩ mình từng có hay từng biết. Đây chỉ là những suy xét rất thông thường của thế gian, tuy nhiên suy ngẫm về những thực tế ấy cũng có ích lợi.

Chẳng hạn như,chúng ta thường quan tâm đến hình thức của mình,đến kiểu tóc, đến hình dáng và màu sắc của móng tay…Nhưng khi chúng ta tới tiệm cắt tóc thì những phần tóc cắt rồi rớt xuống đất trở nên hoàn toàn vô nghĩa: chúng ta không còn quan tâm đến chúng nữa, chúng ta chỉ quan tâm đến những gì còn lại trên đầu, những gì còn lại trên người mình thôi. Khi cuộc đời này chấm dứt, thân thể chúng ta cũng giống như những mớ tóc còn lại trên sàn của tiệm cắt tóc mà thôi. Tóc đã bị cắt cũng giống như cái thân này đã bị rời đi, hoại đi bởi thức, vì vậy cũng không cần lo lắng về điều gì sẽ xảy ra với thân thể của chúng ta khi chết.  Nó sẽ còn tồn tại trong một thời gian và rồi sẽ tan hoại, phân hủy như chúng ta biết. Chúng ta đều hiểu điều ấy về mặt lý thuyết nhưng vẫn lo lắng, mà bản chất chính là lo lắng về việc những người khác sẽ nghĩ như thế nào về ta. Tuy nhiên hình ảnh của chúng ta trong lòng người khác cũng chỉ là những thứ rất tạm bợ, chúng ta cũng không kiểm soát được hình ảnh của mình trong con mắt của người khác. Mặt khác, nếu con cái của chúng ta là những người đã phát triển những phẩm chất thiện thì ta có thể tin tưởng rằng họ sẽ tưởng nhớ về ta một cách đúng đắn.

Sarah: Cái chết cũng giống như việc ngủ say và rồi thức dậy ở một đất nước, một thế giới khác, chẳng còn liên quan gì đến nơi cũ nữa, chẳng còn bận tâm đến mớ tóc đã rớt xuống còn lại trên sàn nhà. Còn hình ảnh ngọn núi lùn đi, đó là mẫu số chung cho tất cả. Nó gợi tôi nhớ đến mẹ của tôi mấy năm trước, khi bà đã yếu đi rất nhiều, bắt đầu lãng trí và không còn khả năng tựlo cho bản thân mình nữa, tôi có nói với bà rằng mẹ cần phải làm việc này hay việc kia đi, nghe vậy bà bỗng nhiên bật dậy và nói rằng chính bà mới là người sẽ bảo tôi phải làm gì chứ không phải là ngược lại. Một tình huống phổ biến ở mọi nơi….Tôi cũng phảinói với bà rằng bà nên tập từ bỏ ý nghĩ quen thuộc rằng mình mới là người biết và chỉ dẫn cho các con cần phải làm gì, đó là một thực tế cần phải chấp nhận…

Những câu hỏi và những vấn đề bác đưa ra rất hữu ích cho mọi người, đó là những điều tưởng như bình thường nhưng lại khác khi được nghe giải thích dưới nhãn quan của Giáo lý Đức Phật.

———

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Translate »