Vòng Sinh Tử Luân Hồi – CHƯƠNG MỘT: CUỘC SỐNG LÀ GÌ?

CHƯƠNG MỘT: CUỘC SỐNG LÀ GÌ?

 

Trong “Tương Ưng Bộ Kinh”, Thiên Nhân duyên (chương IV, phẩm 1, III, Nước Mắt), chúng ta đọc rằng Đức Thế Tôn đã thuyết tại Savatthi:

Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỳ kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn? Dòng nước mắt tuôn chảy do các Ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các Ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này hay là nước trong bốn biển lớn?”

Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng, cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là dòng nước mắt tuôn chảy do chúng con than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này chớ không phải nước trong bốn biển lớn.”

“Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo! Lành thay, này các Tỷ-kheo, các Ông đã hiểu như vậy Pháp do Ta dạy!

Trong một thời gian dài, này các Tỷ-kheo, các Ông chịu đựng mẹ chết, con trai chết, con gái chết, các Ông chịu đựng tai họa về bà con, về tiền của, bệnh tật …

Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỳ kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là vừa đủ để các Ông nhàm chán, là vừa đủ để các Ông từ bỏ, là vừa đủ để các Ông giải thoát đối với tất cả các hành”.

Chúng ta được sinh ra, chúng ta chết đi và rồi lại được sinh ra, điều này cứ tiếp diễn xoay vần như vậy chừng nào chúng ta còn trong vòng sinh tử luân hồi. Mỗi kiếp sống thật vô cùng ngắn ngủi, trước khi chúng ta kịp nhận ra thì nó lại chấm dứt rồi. Khi tái sinh, chúng ta sẽ không nhớ cuộc sống của mình trong kiếp này, cũng như hiện giờ, chúng ta không nhớ kiếp trước của mình. Cái gì đã diệt đi không bao giờ quay trở lại, và điều ấy luôn đúng với mỗi khoảnh khắc của tâm thức và  vật chất. Mỗi khoảnh khắc ngay lập tức sẽ là quá khứ nhưng chúng ta bị lường gạt và lầm tưởng các hiện tượng vật chất (sắc pháp) và tinh thần (danh pháp) là thường hằng và có tự ngã. Đức Phật đã thuyết giảng chi tiết về các thực tại để chúng có thể được hiểu là vô ngã (tiếng Pali: anattā).

Có vài ngày tôi đã ở cùng khách sạn với Sarah và Jonothan tại khách sạn Peninsula, Bangkok. Tôi đã có khoảng thời gian an vui bên các bạn ấy và trong suốt chuyến đi, họ đã cho tôi nhữn lời khuyên từ ái mỗi khi tôi gặp khó khăn. Từ cửa sổ phòng mình nhìn qua bên kia bờ sông là khách sạn Oriental nơi Lodewijk và tôi đã tận hưởng những ngày vui vẻ. Tất cả những điều này giờ đây đã thuộc về quá khứ.

Hôm sau, tôi được nghe tin một người bạn tốt của chúng tôi, Ivan Walsh, đã đột ngột qua đời. Chúng tôi đã đến ngôi chùa nơi cử hành tang lễ và sau đó sẽ tổ chức hỏa táng. Achaan Sujin và một vài người bạn đã có mặt ở đó rồi. Sáng hôm ấy, em gái của Achaan, Khun Sujid và con gái bà vẫn còn thấy Ivan trên phố, thế mà giờ đây, anh ấy đã là một người khác. Mọi chuyện có thể xảy ra thật bất ngờ. Từ giã kiếp sống này cũng tương tự như từ giã kiếp sống trước. Khi chúng ta giã từ kiếp sống trước và được sinh trong kiếp sống này, tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ đều bị lãng quên. Thật khó chấp nhận điều này bởi sự dính mắc của mình. Chúng ta không thích ý niệm mình bị quên lãng bởi những người thân yêu đã qua đời và sang kiếp sống khác.

Achaan giải thích với tôi rằng rất khó để chấp nhận sự thật về khoảnh khắc này: “Ai là người bạn nhìn thấy đây? Luôn là một ai đó, ngay cả bây giờ đây”. Dưới góc độ thực tại, không có người nào, không có ai ở đó cả. Cái chúng ta lầm tưởng là một người chỉ là tâm (tiếng Pali: citta), các yếu tố tinh thần (tâm sở) đi kèm với tâm (tiếng Pali: cetasika) và những hiện tượng vật chất, hay còn gọi là sắc (tiếng Pali: rūpa). Đó chỉ là những danh pháp và sắc pháp sinh khởi và rồi điệt di ngay lập tức.

Nhãn thức là một khoảnh khắc của tâm, một citta, chỉ thấy cái được thấy, hay đối tượng thị giác, cái là một sắc pháp. Nó thấy đối tượng thị giác trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi và rồi diệt đi. Sau khi cái thấy diệt đi, chúng ta suy nghĩ với dính mắc về đồ vật và con người mà chúng ta tin rằng mình đã thấy. Dường như là chúng ta thấy chúng, nhưng  thực tế chúng ta không thấy chúng, cái thấy đã diệt đi rồi. Bởi có tưởng (saññā), một tâm sở (danh pháp) sinh khởi với mỗi tâm, mà chúng ta nghĩ về con người, đồ vật, và chúng ta tin rằng chúng tồn tại. Dưới góc độ thực tại, cái thấy, đối tượng thị giác hay suy nghĩ sinh khởi trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi và rồi diệt đi. Chúng chỉ là những yếu tố (dhatu, giới) và không ai có thể thay đổi bản chất của chúng. Achaan nói rằng: “Cái gì đã diệt đi sẽ không bao giờ quay trở lại, không bao giờ và không bao giờ nữa”.

Tôi nói rằng thật đau buồn khi nghĩ về Lodewijk, ông ấy sẽ không bao giờ trở lại nữa. Achaan trả lời:

“Hãy nghĩ về ngày hôm qua. Ngày hôm qua bạn đã ở đâu? Và nghĩ về sáng nay, bạn đã ở đâu? Không ai ở đó cả, chỉ là một khoảnh khắc. Chúng ta phải rất dũng cảm để chấp nhận rằng đó là một sự thật. Thậm chí khi có cảm thọ khó chịu, nó cũng chỉ là một khoảnh khắc. Nó đã sinh khởi, và nếu nó không sinh khởi nó  không thể ở đây lúc này”.

Nina: “Trí tuệ còn thật yếu ớt”.

Achaan: “Đúng vậy, bởi ý niệm về, tự ngã, về bạn. Nhưng khi không phải là bạn, nó chỉ là tính chất của một thực tại. Vì vậy, chúng ta không phải bận tâm về việc bao nhiêu kiếp sống nữa sẽ tới, bởi chúng ta không thể thúc ép sự chấm dứt của vòng luân hồi khi không có duyên cho việc đó. Phải là như vậy. Nhưng trí tuệ (paññā, hiểu biết về thực tại) sẽ dần được vun bồi. Đó là lý do Đức Phật đã thuyết giảng cho chúng ta về những câu chuyện tiền thân (Jātaka) của Ngài khi còn là một vị Bồ tát. Mỗi thực tại đã trôi qua, âm thanh, cái thấy, không có gì còn lại. Có chăng là người ta dính mắc với ai đó trong chính suy nghĩ của mình? Trên thực tê chỉ có cái thấy, suy nghĩ, đối tượng thị giác”.

Đức Phật, trong vô lượng kiếp khi còn là một vị Bồ tát, đã vun bồi trí tuệ, để có thể trở thành một vị Phật toàn giác trong kiếp sống cuối cùng của mình. Ngài đã không ngừng bồi đắp chánh kiến về cái thấy, đối tượng thị giác, cái nghe, âm thanh, sự dính mắc, lòng quảng đại, và về tất cả các thực tại trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta cũng cần vun bồi hiểu biết đúng về các thực tại từ kiếp này qua kiếp khác để cuối cùng có thể đạt được giác ngộ[1] và tận diệt phiền não. Cái thấy là một thực tại, nó sinh khởi và chỉ kinh nghiệm cái được thấy rồi diệt đi. Nó sinh khởi bởi có các duyên: nhãn căn và đối tượng thị giác là duyên cho cái thấy, cái thấy (nhãn thức) là một tâm là kết quả của nghiệp, gọi là tâm quả, vipākacitta. Nó chỉ thấy đối tượng thị giác, nhưng chúng ta tin rằng chúng ta thấy con người và đồ vật. Đó là suy nghĩ, sinh khởi dựa trên cái được thấy. Suy nghĩ không phải là tâm quả. Khi chúng ta nghĩ, tâm có thể là tâm thiện (kusala citta)  hoặc cũng có thể là tâm bất thiện (akusala citta). Dường như chúng ta có thể thấy và suy nghĩ cùng một lúc, nhưng chỉ có một tâm có thể sinh khởi tại một thời điểm và kinh nghiệm một đối tượng. Tâm sinh khởi và diệt đi, nối tiếp nhau rất nhanh và đó là lý do tại sao chúng ta bị mê ảo về sự thật.

Suy nghĩ thường bị thúc đẩy bởi bất thiện (akusala) và nó hiện hữu khi chúng ta không có tác ý với những gì là thiện, như bố thí, giúp đỡ người khác hay phát triển hiểu biết. Tâm có thể nghĩ về thực tại hoặc cái không phải thực tại mà là khái niệm. Suốt cả ngày, chúng ta sống trong thế giới của giấc mơ, suy nghĩ về cái không có thật, chúng ta vô minh và tâm là bất thiện. Chúng ta nên nhớ rằng không có ai trong đối tượng thị giác, không có con người hay đồ vật. Đối tượng thị giác chỉ là một loại sắc in dấu lên nhẵn căn và có thể được thấy. Chúng ta có ý niệm về “tôi thấy”, nhưng không có cái ngã nào thấy, chỉ có cái thấy thấy.

Achaan đã giải thích rằng: “Khi nghĩ về Lodewijk hoặc Ivan, có sự dính mắc và điều đó gây trở ngại, nó ngăn cản hiểu biết về cái thấy, nhưng cần rất nhiều thời gian để thực sự hiểu được điều này. Con đường Đạo rất vi tế nhưng vô cùng hữu hiệu, trí tuệ thực sự biết cái gì là cản trở.

Bây giờ chúng ta không biết cái gì gây trở ngại. Chúng ta khóc và nghĩ thật nhiều về hoàn cảnh mà mình gặp phải. Khi trí tuệ thấy cái gì là điều cản trở nó sẽ không thể gây trở ngại nữa bởi nó đã được hiểu.”

Sarah nhận xét: “Mọi người thường nói rằng họ thấy thật khó khăn khi rơi vào tình cảnh biệt tử, rằng họ không có cơ hội để nói lời từ biệt, nhưng trên thực tế, đó chỉ là sự  dính mắc vào suy nghĩ và ý niệm riêng của mình.”

Achaan Sujin nói: “Ngay cả khoảnh khắc ấy cũng diệt đi, không còn được nghĩ về nữa. Nó đã thành quá khứ, đã qua và qua đi, luôn là như vậy. Không có gì còn lại, chỉ là suy nghĩ và ký ức. Không có cái gì thuộc về bất kỳ ai”. Đây là một bài học tốt nhắc nhở chúng ta không quá coi trọng của những câu chuyện mà chúng ta nghĩ về. Suy nghĩ sinh khởi là do duyên và chúng ta không thể ngăn chặn nó, nhưng chúng ta có thể nhớ rằng điều thực sự quan trọng là học về sự thật của thực tại sinh khởi hiện giờ.

Thi hài của Ivan đã được đặt trọng thể tại một ngôi chùa với một cánh tay duỗi ra ngoài để chúng tôi có thể rắc nước lên đó và nhớ về những thiện hành của anh. Ivan  luôn khuyến khích tôi viết về Giáo pháp. Tôi  không thích sử dụng máy tính nhưng anh ấy đã thuyết phục tôi tập viết bằng máy tính, như vậy tôi có thể chia sẻ những gì mình viết với nhiều người.

Achaan nói thêm: “Vì vậy, tôi mỉm cười với Ivan và nguyện cho anh ấy trân quý những phước thiện của tôi. Đức Phật không dạy ai phải khóc, bởi vì đó là bất thiện. Tại khoảnh khắc của thiện pháp không có sân (dosa), không khóc lóc, nhưng có sự trân quý.”

Khi tôi nói rằng có duyên cho sân và đau buồn sinh khởi, bà đã nhận xét:

“Khi có hiểu biết, ta có thể thấy rằng trí tuệ là điều tuyệt vời nhất trong các thực tại hữu vi, nó là điều quý báu nhất trong cuộc đời mỗi người. Mọi thứ sẽ thành quá khứ trong cuộc đời mỗi người, luôn là như vậy. Nó qua đi và không bao giờ quay trở lại.”

Tôi nhận xét rằng hiểu biết về mặt lý thuyết không thực sự giúp ích nhiều. Nó chỉ giúp ích trong khoảng thời gian ngắn và rồi diệt đi, nỗi buồn lại sinh khởi trở lại.

Achaan đã trả lời: “Sự tích lũy hiểu biết đúng có thể trở nên mạnh mẽ hơn, tuyệt hảo hơn những tích lũy khác. Nếu không có văn tuệ làm sao hiểu biết đúng có thể mạnh mẽ hơn được? Chúng ta phải đi từng bước một, giống như leo núi vậy. Chúng ta không thể lên tới đỉnh núi ngay lập tức. Mỗi một bước đi sẽ dẫn đến hiểu biết đúng sâu sắc hơn.”

Chúng ta đã tích lũy thật nhiều tham ái, vô minh và tà kiến. Achaan giải thích rằng nó cần phải được tận diệt từng chút một, vô cùng ít ỏi tại mỗi thời điểm, nhưng như vậy còn tốt hơn là không chút nào. Chúng ta phải can đảm và kiên nhẫn để phát triển hiểu biết về từng pháp một.

Elle, vợ của Ivan, đã hỏi Achaan làm thế nào để đối diện với nỗi buồn và sự cô đơn. Cô ấy cảm thấy rất khó khăn khi ở nhà một mình. Achaan đã giảng rằng một người không đơn độc khi người đó nghiên cứu giáo lý của Đức Phật; từng lời kinh là sự hiện diện của Ngài, Ngài đang thuyết dạy cho chúng ta. Điều này đúng, nhưng chúng ta phải nghe đi nghe lại đến khi có thêm hiểu biết về những gì xuất hiện tại khoảnh khắc hiện tại.

Achaan nói: “Khi nghĩ về việc sống một mình, ngay khi biết có ý nghĩ ấy, nó đã diệt rồi, rất nhanh như vậy. Suy nghĩ nối tiếp nhau và dường như kéo dài, nhưng thực tế ngay khi được biết tới, nó đã diệt đi”.

Trong suốt chuyến đi này, tôi bắt đầu thấy rằng việc chìm đắm trong quá khứ, vào những câu chuyện về thời gian ốm đau của Lodewijk, về những ngày cuối đời và sự đớn đau của ông ấy, thật khác biệt với việc nghiên cứu và suy xét cái là thực theo nghĩa tối hậu và đang xuất hiện ngay tại khoảnh khắc này, như cái thấy và đối tượng thị giác. Chúng ta đã thảo luận về pháp chân đế (các thực tại tối hậu) hàng giờ, ngày này qua ngày khác. Có một sự đối lập rất lớn giữa thế giới của khái niệm, trí tưởng tượng và thế giới của các thực tại. Điều này đã giúp tôi không bị chìm đắm hoàn toàn vào những gì không phải là thật.Thi hài của Ivan được đặt trong quan tài và sau đó các vị sư tụng kinh. Achaan nói về cuộc đời của Ivan, và đây cũng là cuộc sống của tất cả chúng ta :“Anh ấy đã sinh ra và rồi chết đi. Anh ấy đã có được những gì trong suốt cuộc đời mình? Mọi thứ sinh khởi và diệt đi trong từng sát na, luôn là vậy, ngày này qua ngày khác, khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Không có gì thuộc về anh ấy bởi vì không có anh ấy. Danh pháp và sắc pháp sinh và diệt do duyên và không bao giờ quay trở lại. Cuộc sống của mọi người cũng giống như vậy bởi không có tự ngã nào cả. Đó là lý do tại sao chúng ta nghe về sự thật của những gì xuất hiện hiện giờ, để hiểu nó là sự thật. Để hiểu được cái thấy là cái thấy; không ai thấy và nó không thuộc về bất cứ ai bởi nó đã diệt đi hoàn toàn, không bao giờ quay trở lại. Làm sao cái thấy có thể là của tôi được đây? Nó chỉ là một khoảnh khắc kinh nghiệm đối tượng. Ai có thể ngăn không cho cái thấy sinh khởi đây? Có duyên cho nó sinh khởi thì nó sinh khởi, vậy thôi.”Cuộc sống chỉ là sự kinh nghiệm một đối tượng qua một trong sáu cửa gồm ngũ quan và ý. Chỉ một tâm sinh khởi tại một thời điểm, kinh nghiệm một đối tượng và rồi diệt đi. Tại khoảnh khắc  cái thấy chỉ thấy đối tượng thị giác, không thể có sự kinh nghiệm âm thanh, chúng là những tâm khác nhau kinh nghiệm những đối tượng khác nhau. Tâm suy nghĩ nghĩ về con người hoặc các tình huống. Dưới góc độ chân đế, một người đơn thuần chỉ là các yếu tố (dhatu) sinh và diệt. Chúng ta có thể học rằng người ta sinh ra một mình, thấy một mình, suy nghĩ một mình và chết đi một mình. Sau khi từ giã kiếp sống này sẽ không còn sự trở lại của chính cá thể đó nữa. ————

[1] Sự giác ngộ, trong giáo lý của đạo Phật, là tuệ giác phát triển ở mức độ cao làm công việc tận diệt phiền não và kinh nghiệm pháp vô vi, niết bàn (nibbåna). Có các mức độ giác ngộ khác nhau.

Leave a Reply

Translate »