CHƯƠNG 5: CHẾT TRONG TỪNG SÁT-NA
Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh (Tập V, Thiên Đại Phẩm, Chương VII, Tương ưng Sự thật (b), Phẩm V, §6 Hắc ám) rằng Đức Phật đã nói với các tỳ kheo:
Này các tỳ kheo, có một hắc ám giữa các thế giới không có trần che, tạo ra tối tăm, tạo ra hắc ám; ở đấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy cũng không hiện ra.
Ðược nghe nói như vậy, một Tỳ kheo bạch Thế Tôn:
— Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Thật là to lớn, bạch Thế Tôn, tối tăm ấy! Bạch Thế Tôn, có một tối tăm nào khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy?
— Này Tỳ kheo, có một tối tăm khác, còn to lớn hơn, còn đáng sợ hãi hơn tối tăm ấy. Và tối tăm ấy là gì?
Này các Tỳ kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật rõ biết: Ðây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến khổ diệt. Họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh, họ hoan hỷ với các hành đưa đến già, họ hoan hỷ với các hành đưa đến chết, họ hoan hỷ với các hành đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ tạo dựng các hành đưa đến sanh, họ tạo dựng các hành đưa đến già… đưa đến chết,… do họ tạo dựng các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, nên họ rơi vào tối tăm sanh, họ rơi vào tối tăm già, họ rơi vào tối tăm chết, họ rơi vào tối tăm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ không liễu thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ không liễu thoát khỏi đau khổ.
Và này các Tỳ kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật rõ biết: Ðây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến khổ diệt. Họ không hoan hỷ với các hành đưa đến sanh… đưa đến già… đưa đến chết… đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não… Ta nói rằng, họ liễu thoát khỏi đau khổ.
Do vậy, này Tỳ kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: Ðây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến khổ diệt.
Lodewijk luôn thấy đoạn kinh này thật tuyệt và ông ấy bị ấn tượng mạnh bởi nó. Chừng nào chúng ta còn vô minh chừng đó sẽ không có sự chấm dứt tái sinh trong vòng sinh tử luân hồi. Đức Phật đã chỉ ra sự nguy hiểm của vô minh và khuyến giáo các tỳ kheo vun bồi hiểu biết đúng để có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế.
Khi chúng tôi đang ăn sáng, Achaan thường tham gia cùng và nói chuyện về Pháp. Trong một bữa sáng, bà đã nhắc nhở chúng tôi về tứ chánh cần (samma-padhānas): tinh tấn ngăn ngừa bất thiện pháp chưa sinh khởi, tinh tấn đoạn trừ bất thiện pháp đã sinh khởi, tinh tấn làm phát sinh thiện pháp chưa sinh khởi, là các phẩm trợ đạo[1], và tinh tấn để duy trì thiện pháp đã sinh khởi. Liên quan đến chánh cần thứ nhất, bà đã khích lệ chúng tôi để không còn vô minh và ngăn ngừa vô minh chưa sinh khởi. Không có một tự ngã nào có thể ngăn trừ vô minh nhưng thấy được sự nguy hiểm của nó có thể tạo duyên cho sự phát triển hiểu biết. Có thể có một chút hiểu biết được phát triển mỗi ngày. Vô minh thì không hiểu về những gì xuất hiện. Achaan nói không có hiểu biết thì giống như là mơ vậy. Khi có cái thấy sinh khởi, không có ai ở đó cả. Chúng ta phải suy xét điều này thật nhiều để có sự xả ly khỏi ý niệm về tự ngã hay một người nào đó.
Achaan nhắc nhở rằng khi cảm thấy cô đơn, chúng ta cô đơn với vô minh nhưng khi hiểu về thế giới đơn độc này, thế giới không có tự ngã hay một cá nhân nào, chúng ta có thể vui vẻ, không có vấn đề gì. Và rồi chỉ có cái thấy, cái nghe và các thực tại khác sinh và diệt ngay.
Bà đã đưa ra lời nhắc nhở quý giá rằng khi một ai đó buồn phiền và tuyệt vọng, người đó bị ám ảnh bởi “tự ngã”, người ấy nghĩ về một cá thể nào đó. Những khoảnh khắc như vậy có thể được hiểu chỉ là các thực tại hữu vi sinh và diệt ngay. Khi một người quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của những người khác, người ấy sẽ bớt nghĩ về bản thân mình.
Khi mọi người nói phát triển hiểu biết về thực tại thật khó khăn, Achaan sẽ trả lời “Giờ bạn đang tán thán trí tuệ của Đức Phật đó”. Điều này thật đúng, Ngài đã tích lũy trí tuệ trong vô vàn đại kiếp và đã vun bồi các ba la mật như bố thí, trì giới, tâm từ hay kham nhẫn. Ngài đã quyết tâm vun bồi các ba la mật để đạt được quả vị Phật, vì lòng thương tưởng với tất cả chúng ta. Nếu Ngài không trở thành một vị Phật toàn giác, thì ngày nay ai có thể dạy chúng ta về các thực tại, chúng ta sẽ mãi vô minh và chịu sự nô dịch, dính mắc vào cái được thấy, âm thanh và các đối tượng ngũ dục. Chúng ta cũng cần phải kham nhẫn và can đảm để vun bồi trí tuệ và các phẩm chất thiện với sự kiên định. Có thể có sự khởi đầu ngay giờ đây, và chúng ta không nên bận tâm rằng việc phát triển Con đường đạo sẽ cần bao lâu. Chúng ta không thể mong đợi phiền não được diệt trừ do mệnh lệnh, chúng là vô ngã.
Đôi khi mọi người hỏi điều gì tạo duyên cho chánh niệm của Tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) sinh khởi, là chánh niệm về danh và sắc. Chúng ta đọc trong Thanh tịnh đạo (chương XIV, 141) rằng cận nhân của chánh niệm là tưởng vững mạnh (thirasaññā) hay “Tứ niệm xứ”[2]. Tưởng vững mạnh về thực tại hiện giờ tạo duyên cho satipaṭṭhāna. Nếu chúng ta quên rằng hiện giờ chỉ có các thực tại sẽ không có duyên cho sự sinh khởi của satipaṭṭhāna. Không có đủ hiểu biết về vô ngã để tạo duyên cho chánh niệm hiện giờ.
“Tứ niệm xứ” bao hàm tất cả các danh pháp và sắc pháp có thể là đối tượng của chánh niệm. Khi chúng trở thành đối tượng của chánh niệm chúng cũng sẽ là nhân gần của chánh niệm. Danh và sắc sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày là các đối tượng của chánh niệm. Có thể có chánh niệm về danh và sắc cho dù chúng ta đang đi bộ, đang đứng, đang ngồi hay đang nằm. Cũng vậy, khi các tâm bất thiện sinh khởi nó có thể là đối tượng của chánh niệm, nó được xếp vào mục “niệm tâm”. Chúng ta nên học để không chấp tưởng tâm bất thiện là mình, là tự ngã.
Một vài lần, Achaan đã nhắc nhở chúng tôi rằng nguyên nhân thiếu chánh niệm là bởi vì không có tưởng vững mạnh (thirasaññā) về những gì được nghe. Khi một người nghe Pháp và suy xét đi suy xét lại, có thể có tưởng vững mạnh về những gì người đó đã nghe, và nhờ vậy, có duyên cho sự sinh khởi của sati, là chánh niệm về danh và sắc đang xuất hiện tại khoảnh khắc hiện tại. Như vậy, chúng ta thấy được giá trị của việc nghe Pháp. Chúng ta nghe nhưng thường quên những gì đã nghe. Chúng ta cần phải nghe nhiều hơn nữa, không bao giờ là đủ cả.
Lời nhắc nhở của Achaan rằng hôm nay sẽ thành hôm qua của ngày mai là một sự hối thúc, khích lệ để không lãng phí thời gian ngắn ngủi của chúng ta trong thế giới loài người này, nơi mà chúng ta vẫn có thể được nghe Giáo Pháp và phát triển trí tuệ. Thời gian trôi đi thật nhanh, tử thức sẽ tới trước khi chúng ta kịp nhận ra, và chúng ta không biết tương lai của mình.
Biết Giáo pháp về lý thuyết thì hoàn toàn khác xa với việc thực chứng thực tại đang có mặt hiện giờ. Rất nhiều lần Achaan nhắc nhở chúng ta về thực tế này. Chẳng hạn, chúng ta học về các loại cảm thọ khác nhau: thọ hỷ, thọ ưu và thọ trung tính. Trong mỗi tiến trình tâm, tâm thiện và bất thiện sinh khởi, chặp tâm này trong tiếng Pali được gọi là “javana-cittas” (tâm đổng lực, tốc hành). Bảy javana-cittas thường sinh khởi trong mỗi lộ trình. Khi chúng ta suy xét về cảm thọ đồng sinh, chúng ta được học rằng thọ hỷ có thể sinh khởi với tâm thiện và với tâm bất thiện căn tham. Thọ ưu thì luôn sinh khởi với tâm sân căn, do vậy là đi kèm với tâm bất thiện. Thọ trung tính có thể sinh khởi với tâm thiện và cả tâm bất thiện, gồm có tâm tham căn và tâm si căn. Chúng ta đã học tất cả điều này về mặt lý thuyết, nhưng cảm thọ là những thực tại luôn sinh khởi trong cuộc sống hàng. Chúng ta dính mắc vào cảm thọ và cho chúng là của mình. Chúng ta có thể tự hỏi mình: hiện giờ có thọ không? Dường như là, khi có thọ trung tính, tâm không phải là bất thiện và rằng chúng ta không hại ai cả. Tuy nhiên, khi mục đích của chúng ta không phải là bố thí (dāna), trì giới (sīla) hay phát triển tâm trí (bhāvanā), chúng ta sẽ hành động, nói năng và suy nghĩ với tâm bất thiện. Ngay cả khi nghe Pháp và suy xét về Pháp, chúng ta cho rằng mình đang phát triển tâm trí nhưng không phải lúc nào tâm thiện cũng sinh khởi. Chúng xảy ra xen kẽ với cả tâm bất thiện. Chúng ta có thể thấy rằng Giáo pháp giúp chúng ta biết về mức độ phiền não của mình, chúng sinh khởi do duyên bởi đã được tích lũy trong nhiều đại kiếp, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác và từ kiếp này qua kiếp khác. Chúng ta có thể hiểu hơn một chút nào đó về bản chất vô ngã của các pháp sinh khởi. Chúng ta không thể kiểm soát các pháp sinh khởi nhưng hiểu biết về chúng có thể được phát triển.
Trước khi nghe Pháp, chúng ta không có hiểu biết về các thực tại, về các phiền não. Ngày này qua ngày khác, chúng ta tích lũy nhiều vô minh và dính mắc hơn. Chúng ta cần phải tri ân vì đã được nghe Pháp và có thể bắt đầu phát triển hiểu biết về cuộc sống của mình, về chân lý. Chúng ta học rằng có nhiều loại duyên cho mỗi thực tại sinh khởi.
Chúng ta thấy khó để chấp nhận rằng một người thân đã chết sẽ không bao giờ trở lại. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rằng mỗi danh và sắc sinh khởi rồi diệt ngay, không bao giờ quay trở lại. Có sự chết trong từng khoảnh khắc: nhãn thức sinh và rồi diệt đi mãi mãi, và cũng tương tự như vậy với nhĩ thức, với các thức khác và với suy nghĩ. Chúng ta sẽ có nhiều hiểu biết hơn về thế giới là gì: chỉ một khoảnh kinh nghiệm một đối tượng tại một thời điểm và rồi diệt đi mãi mãi. Thậm chí một người đang sống cũng chỉ là các tâm, tâm sở và sắc sinh khởi do duyên và rồi diệt đi, rất tạm bợ.
Cái thấy diệt đi, cái nghe diệt đi ngay tại khoảnh khắc này, vậy mọi người ở đâu, một người ở đâu? Người đã chết ở đâu đây? Trên thực tế, không có một con người nào cả. Một khoảnh khắc của cái thấy không thể là một người, nó sinh và diệt đi. Chúng ta nghĩ rằng có một con người thường tồn có thể thấy, nghe nhưng thực chất cái thấy là một thực tại được tạo duyên sinh và rồi diệt đi ngay.
Có sự khác biệt nào giữa việc sống trong thế giới của khái niệm và sống trong thế giới của các thực tại tối hậu không? Sự khác biệt là gì? Nó thực chất là: sống trong thế giới của vô minh và sống trong thế giới của trí tuệ. Thế giới của khái niệm là cốc chén, bàn ghế, con người và đồ vật. Nhưng dưới góc độ tối hậu, những gì xuất hiện có thể là một ai đó hay đồ vật gì đó thường tồn hay không? Chúng dường như là thường hằng bởi các thực tại sinh và diệt quá nhanh, nên có vẻ như là không có sự sinh diệt của bất cứ thứ gì cả. Vì sự sinh khởi của cái thấy không xuất hiện, do vậy, sự diệt đi của nó cũng không thể xuất hiện. Bất cứ thứ gì được kinh nghiệm đều diệt đi ngay sau khi nó được kinh nghiệm.
Từ khi sinh ra đến khi chết đi có các tâm sinh khởi trong tiến trình, các tâm lộ (vīthi-cittas) kinh nghiệm đối tượng qua nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn. Các tâm lộ bị xen kẽ bởi các tâm hộ kiếp (bhavanga-cittas) sinh khởi giữa các lộ trình tâm. Tâm hộ kiếp không kinh nghiệm đối tượng ngũ dục qua các cửa giác quan mà kinh nghiệm cùng một đối tượng với thức tái tục. Thức tái tục (paṭisandhi-citta) là tâm quả được tạo duyên bởi nghiệp và tâm này kinh nghiệm cùng một đối tượng với đối tượng của chặp javana-cittas cuối cùng sinh khởi ngay trước tử thức. Tử thức (cuti-citta) kinh nghiệm cùng một đối tượng với thức tái tục và và tất cả các tâm hộ kiếp của một kiếp sống. Thức tái tục, tâm hộ kiếp và tử thức trong một kiếp sống cùng là một loại tâm. Tử thức ngay lập tức được tiếp nối bởi thức tái tục của kiếp sống sau và sau đó sẽ không còn một con người của kiếp sống trước nữa. Tuy nhiên, các thiện pháp và bất thiện pháp được tích lũy sẽ còn tiếp tục cho đến kiếp sau, chúng nối tiếp từ đời này qua đời khác. Do vậy, vòng sinh tử luân hồi còn tiếp diễn mãi cho đến khi sinh khởi tử thức của một vị a la hán. Lúc đó, vòng sinh tử luân hồi đã chấm dứt.
Achaan nhắc nhở chúng ta về ba loại tâm: Tâm đầu tiên (tiếng Pali: paìhama citta) là tâm hộ kiếp trước khi bất cứ thứ gì xuất hiện. Khi cái gì đó xuất hiện, như cái thấy, nghe, thì có tâm thứ hai (tiếng Pali: dutiya citta). Cuối cùng là tử thức (cuti-citta) của một vị a la hán (tiếng Pali: pacchima citta, tâm cuối cùng). Mỗi kiếp sống giống như thế này: thức tái tục sinh khởi, rồi đến các tâm hộ kiếp sinh khởi và đối tượng không được biết, không có gì xuất hiện. Khi có gì đó xuất hiện thì sẽ có các tâm lộ, loại tâm thứ hai. Theo cách này, cuộc sống cứ tiếp diễn từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, từ khi sinh ra đến khi chết đi, lặp đi lặp lại như vậy cho đến khoảnh khắc cuối cùng của một vị a la hán.
Tại khoảnh khắc này, chúng ta đang ở trong vòng sinh tử luân hồi, saṃsāra. Ngày hôm qua có cái thấy và suy nghĩ, cái nghe và suy nghĩ và hôm nay cũng vậy, nên tương lai cũng sẽ như vậy. Chúng ta đắm chìm trong các đối tượng mà mình kinh nghiệm, lặp đi lặp lại trong vòng luân hổi sinh từ. Achaan đã nói:
“Cái đã mất đi không bao giờ quay trở lại. Các thực tại sinh và diệt ngay, sinh và diệt ngay. Ta có nên dính mắc không? Nếu có thì ta đang dính mắc với cái đã diệt đi hoàn toàn và không còn tồn tại nữa. Chúng ta có thể tìm nó ở đâu? Có sự dính mắc bởi vì người ta không hiểu về sự thật, Chỉ có các thực tại sinh khởi và diệt đi nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Đây là vòng sinh tử luân hồi, saṃsāra. Có một cơ hội để bắt đầu hiểu biết về điều này”.
Chừng nào vô minh và tham ái chưa được tận diệt, chúng ta còn tiếp tục tái sinh trong vòng luân hồi. Nếu chúng ta không phát triển tuệ minh sát (vipassanā) thì số lần tái sinh sẽ là vô tận. Vì lòng từ bi mà Đức Phật nói về sự nguy hiểm của tái sinh, Người muốn khích lệ chúng sinh phát triển hiểu biết đúng về thực tại đang xuất hiện hiện giờ.
Achaan luôn nhấn mạnh về giá trị của việc hiểu biết khoảnh khắc này của cái thấy, nghe, suy nghĩ và các thực tại khác xuất hiện. Điều này đã giúp tôi thấy được sự bất lợi của việc đắm chìm trong các chuyện buồn phiền đã xảy ra trong quá khứ và dính mắc vào cái đã diệt đi, không bao giờ quay trở lại. Những cách suy nghĩ như vậy là do duyên sinh, và thay vì cố gắng ngăn ngừa suy nghĩ, chúng ta có thể học rằng cả suy nghĩ sinh khởi cũng có thể được hiểu để biết nó không phải là “của tôi”, chỉ là một pháp.
Sự đối lập giữa việc sống trong thế giới ảo mộng khi dính mắc vào quá khứ với sự khởi đầu hiểu biết về thế giới của các pháp chân đế đã trở nên rõ ràng đối với tôi hơn trước. Sự khác biệt giữa hai thế giới này thực sự thật đáng kinh ngạc. Tôi rất tri ân Achaan vì đã luôn chỉ ra điểm này dưới nhiều cách khác nhau. Chúng ta nghe Pháp để có hiểu biết hơn về khoảnh khắc hiện tại. Trong suốt chuyến đi, tôi đã thấy rõ ràng hơn rằng được nghe Giáo Pháp là điều quý giá nhất trong đời.
*******
[1] Các yếu tố thiện đưa đến giác ngộ, gồm có Tứ niệm xứ, tín, tấn, niệm, định tuệ và nhiều yếu tố khác
[2] Như được giải thích trong “Kinh Tứ niệm xứ” gồm có: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp