CHƯƠNG 2: SỐNG MỘT MÌNH
Achaan Sujin đã lặp lại nhiều lần rằng những gì là hiện tại hôm nay sẽ trở thành hôm qua của ngày mai. Điều này nhắc nhở rằng tất cả những gì mình thấy là quan trọng hiện giờ sẽ nhanh chóng trở thành quá khứ. Hiểu đúng về các thực tại sinh và diệt sẽ dẫn đến sự xả ly. Chúng ta thấy được sống giữa những người bạn là rất quan trọng nhưng Achaan đã nhắc nhở rằng chỉ trong phút chốc thôi chúng ta sẽ lại không biết nhau nữa. Trong một kiếp sống mới chúng ta sẽ có những nguời bạn mới. Bà đã nói về một ví dụ trong Tam tạng kinh điển (Tipitaka) về bảy người bạn trong kiếp sống cuối cùng của mình đã không nhớ rằng truớc đây họ đã từng là bạn bè. Họ đã đạt được A la hán quả.
Achaan nói rằng: “Khi chúng ta lắng nghe nhiều hơn sẽ có nhiều hiểu biết hơn về cái thấy. Phải có cái thấy và cái được thấy, chỉ là như vậy. Không có thế giới nào khác, không có ai ở đó cả. Mỗi khoảnh khắc chỉ có một tâm sinh khởi, không có cái nghe, không có âm thanh, không có ý niệm về đối tượng được thấy và không có suy nghĩ.Nếu không có thực tại nào sinh khởi sẽ không có thế giới. Bất cứ cái gì sinh khởi, dù chỉ là một thực tại, đó chính là thế giới. Đó là sự sinh và diệt của các thực tại khác nhau. Ý nghĩa của sinh và diệt là: nó không bao giờ quay trở lại. Không có ai ở đó, chỉ có các tâm khác nhau, các tâm sở khác nhau, các pháp khác nhau. Hiểu biết không đuợc phát triển bởi một con người nào đó. Nó đuợc vun bồi bằng việc nghe và suy xét, không ai có thể làm được gì bởi không có tự ngã nào cả.Một khoảnh khắc của hiểu biết giống như một giọt nuớc trong đại dương vô minh.”
Hiểu biết không đuợc phát triển bởi một ai đó bởi vì không có con người, không có tự ngã nào làm việc đó. Hiểu biết, tự bản thân nó, phát triển khi có các duyên phù hợp. Có thật nhiều vô minh, nhưng Pháp (Dhamma) giống như một hòn đảo giữa đại dương của khái niệm, đại dương của phiền não. Cái thấy là một tâm và khi nó sinh khởi không thể có cái nghe xảy ra đồng thời. Cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác. Cái nghe là một tâm khác kinh nghiệm âm thanh. Dường như chúng ta có thể thấy và nghe cùng một lúc nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Mỗi tâm chỉ có thể kinh nghiệm một đối tượng tại một thời điểm và rồi diệt đi ngay lập tức. Sau khi nó diệt đi, chúng ta lại nghĩ về cái được thấy, được nghe và rồi chúng ta sống trong thế giới của các khái niệm. Cái chúng ta lầm tưởng là một người chỉ là các yếu tố sinh và diệt. Chúng ta đọc trong “Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga)” chương XI, 30 như sau: “Có nghĩa là gì? Cũng như người đồ tể cho bò ăn xong, đem nó tới lò thịt, trói nó lại, làm thịt nó. Khi thấy nó đã bị giết, đã chết, người ấy vẫn không mất cái tưởng “con bò” cho đến khi nó bị phanh ra chia thành từng phần. Khi người ấy đã chia con bò ra, khi ngồi đấy, anh ta mất cái tưởng “con bò” và cái tưởng “thịt” phát sinh. Anh ta không nghĩ:” Ta đang bán bò” hoặc “Họ đang đem con bò đi” mà anh ta nghĩ: “Ta đang bán thịt” hoặc “Họ đang mang thịt đi”. Cũng vậy, tỳ kheo này, khi còn là phàm phu ít học – dù đang là bậc tại gia hay xuất gia – không mất cái tưởng “chúng sinh”, hay “con người”, hay “ngã tính”, chừng nào chưa quán sát thân này, bằng lối phân tích thành các yếu tố tứ đại, dù ở trong tư thế nào, được sử dụng cách nào, đều chỉ gồm có tứ đại. Nhưng khi tỳ kheo ấy đã phân tích thân này là gồm tứ đại, thì vị ấy mất đi cái tưởng về “chúng sanh”, và tâm vị ấy an trú trên bốn đại chủng.
Có thể không hấp dẫn khi liên hệ đến cơ thể chỉ là các yếu tố tứ đại. Chúng ta nghĩ về mọi nguời là “nguời đàn ông này” hay “nguời phụ nữ kia”. Chúng ta không quen với việc phân tích những gì mình cho là một “con nguời” như cách chúng ta phân tích các vật chất khác. Chúng ta có thể thấy gớm ghiếc khi nghĩ về một cơ thể người được cắt nhỏ ra và chia thành từng phần, giống như một con bò bị người đồ tể xé ra từng mảnh. Khi một con bò bị lột da và phanh thành từng phần, rồi sau đó lại lấy lớp da đó phủ lên, chúng ta có thể tin rằng vẫn có một con bò nhưng trên thực tế thì không có một con bò nào cả. Mặc dù chúng ta có thể vẫn tin vào sự tồn tại của một con người nhưng không có con người nào cả, chỉ là các yếu tố tứ đại rỗng không một tự ngã.
Chúng ta nên suy xét nhiều lần rằng cái mà mình lầm tưởng là một con người thường tồn thực chất chỉ là các danh pháp (tiếng Pali: nāma) và sắc pháp (tiếng Pali: rūpa) sinh và diệt. Tâm (citta) là một danh pháp. Mỗi khoảnh khắc chỉ có duy nhất một tâm sinh khởi nhưng mỗi tâm lại sinh kèm với các tâm sở (cetasika) và mỗi tâm sở đảm nhận một chức năng riêng trong việc hỗ trợ tâm nhận biết đối tượng. Một nguời có thể suy nghĩ với sân, với cảm thọ dễ chịu hay với trí tuệ. Sân, cảm thọ và trí tuệ là các danh pháp không phải tâm. Chúng là các tâm sở đi kèm với các loại tâm khác nhau. Như vậy, cả tâm và tâm sở đều là danh pháp, cùng kinh nghiệm một đối tượng, còn sắc pháp như âm thanh hay nhãn căn thì không kinh nghiệm gì cả. Một số tâm sở như thọ hay tuởng (saññā) sinh kèm với mọi loại tâm trong khi một số tâm sở khác chỉ sinh kèm với một số loại tâm cụ thể. Tham (lobha), sân (dosa), si (moha) là những tâm sở bất thiện chỉ đi kèm với những tâm bất thiện. Vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) hay trí tuệ (paññā) là những tâm sở tịnh hảo (sobhana cetasikas), những tâm sở đẹp, chỉ có thể đi kèm với những tâm tịnh hảo (sobhana citta).
Khi chúng ta mất đi nguời thân vì họ qua đời, chúng ta dễ cảm thấy mình thật cô đơn. Tôi đã có cuộc đối thoại về chủ đề này như sau:
Nina: “Khi cảm thấy cô đơn, rất khó để nhận biết từng thực tại một. Nhưng nếu chúng ta cố gắng để thoát khỏi tình trạng này thì lại là tham (lobha)”.
Achaan Sujin: “Cách đó không hiệu quả. Chúng ta phải đủ dũng cảm và can đảm để thấy rằng thực sự không có ai cả, thậm chí ngay cả bạn tại thời điểm đó. Đây là liệu pháp chữa trị tốt nhất”.
Sarah: “Ngay cả khi chúng ta ở cùng với mọi nguời, chúng ta cũng thấy một mình, nghe một mình”.
Nina: Các tâm sở bất thiện là những nguời bạn tồi và họ đi rồi.
Sarah: “Khi cảm thấy hối tiếc, lại có những người bạn tồi.”
Nina: “Bọn họ vẫn cứ đến, lần này qua lần khác.”
Achaan: “Chỉ có một tâm với các thực tại đó. Nó không thể tồn tại kéo dài, nó sẽ diệt đi. Vậy, tốt không khi có nó?
Nina: “Không tốt chút nào cả.”
Achaan: “Vậy thì tốt hơn là có hiểu biết.”
Nina: “Điều này không thể ra lệnh được.”
Achaan: “Ở khoảnh khắc của hiểu biết thì không có sự hối tiếc. Ta thoát khỏi sự nô dịch, và điều này chưa từng được nhận ra truớc đó, bởi ta vốn thỏa thích trong sự nô dịch. Khi có nhiều hiểu biết hơn về Pháp, sẽ không có sự mong cầu về bất cứ điều gì. Đây là sự khởi đầu của hiểu biết. Nó có duyên để sinh khởi và không ai có thể làm được gì. Chúng ta có thể học để thấy từng thực tại ở mỗi thời điểm. Như lúc này đây, có cái thấy và ở khoảnh khắc khác, có cái nghe hoặc suy nghĩ nhưng chúng luôn không được biết. Nếu có một khoảnh khắc của hiểu biết về một thực tại, nó có thể sinh khởi lại và rồi chuyển sang các thực tại khác.”
Tâm kinh nghiệm một đối tượng, và nó thực sự chỉ có một mình. Tại khoảnh khắc thấy đối tượng thị giác, không có ai cả, chỉ có một mình cái thấy. Tại khoảnh khắc của cái thấy, không có cái nghe hay suy nghĩ sinh khởi. Cái thấy chỉ kinh nghiệm đối tượng một mình. Khi các thực tại bị gom thành một khối hay một tập hợp, sẽ có thế giới với rất nhiều người. Các tâm sinh và diệt nối tiếp nhau rất nhanh, giống như ánh đèn flash. Do vậy mà chúng ta có khái niệm hoặc ý niệm về sự tồn tại kéo dài của những gì xuất hiện. Achaan đã nói chúng ta cần phải dũng cảm để hiểu rằng cái xuất hiện chỉ là một thực tại. Chúng ta cần sự can đảm để từ bỏ tà kiến dính mắc vào ý niệm về con người hay “tự ngã”. Hiểu biết đúng dẫn đến sự xả ly, nhưng bản chất của chúng ta là dính mắc.
Khi ở Hua Hin, chúng tôi đã đi ra biển thả tro và cốt của Ivan. Chúng tôi đi trên tàu của Cảnh sát biển. Trong khi chờ tàu tại cảng, và cả khi trên tàu, Achaan vẫn nói về bản chất thực của thực tại xuất hiện tại khoảnh khắc hiện tại. Chúng tôi đã suy xét về các thực tại thay vì chìm đắm quá nhiều vào các tình huống hay sự kiện đau buồn. Một vị sư vẫn thường nghe chương trình của Achaan trên đài phát thanh cũng có mặt và sau khi vị đó tụng kinh, tro được thả xuống biển. Con tàu đi vòng quanh khu vực thả tro ba lần và chúng tôi cũng thả hoa xuống nước. Cuối cùng, có một vòng tròn hoa đã được tạo ra ở quanh khu vực thả tro. Achaan nói: vòng hoa này giống như vòng sinh tử luân hồi.
Thật lợi ích khi được nhắc nhở về vòng sinh tử luân hồi. Tâm cuối cùng của kiếp sống, tử thức (cuti-citta) được nối tiếp ngay lập tức bởi thức tái tục (paṭisandhi-citta) của kiếp sống sau. Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi các tâm không gián đoạn. Các phẩm chất thiện và bất thiện sinh khởi trong quá khứ có thể tạo duyên cho sự sinh khởi của các phẩm chất tương ứng trong hiện tại. Bởi vì cuộc sống của chúng ta là một chuỗi các tâm không gián đoạn, nối tiếp nhau nên các phẩm chất thiện, bất thiện có thể được tích lũy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác và do vậy, có duyên cho sự sinh khởi của chúng (tâm thiện và bất thiện) trong hiện tại. Khi chúng ta nghe pháp và có một chút hiểu biết, điều này sẽ không bao giờ mất đi. Hiểu biết được tích lũy và nó có thể tăng trưởng từ đời này sang đời khác.
Mỗi ngày, chúng tôi có một thời pháp hai tiếng vào buổi sáng và một thời pháp hai tiếng vào buổi chiều. Ở Huahin, các buổi pháp đàm được tổ chức trong một phòng khách lớn của căn biệt thự nơi John và Sarah ở một phòng và tôi ở một phòng khác. Sau thời pháp chiều, các bạn Thái phục vụ trái cây, bánh quy và các đồ ăn vặt khác. Có nhiều đồ ăn dư thừa đến mức chúng tôi không cần phải ra ngoài để ăn tối nữa. Những người bạn này đã rất chu đáo với các nhu cầu của chúng tôi và chăm sóc chúng tôi mọi lúc. Chúng tôi đi ăn trưa ở những địa điểm khác nhau và ngay cả khi ăn trưa, Achaan cũng nói về các pháp chân đế đang xuất hiện hiện giờ. Bầu không khí chung vô cùng dễ chịu vì chúng tôi được vui vẻ với bạn bè, thích thú với phong cảnh đẹp và nhiều món ăn phong phú.
Chúng tôi đã có cuộc đối thoại sau đây về hiểu biết thực tại:
Achaan: “Đối tượng thị giác có thể được hiểu nhưng kí ức cho rằng đó là con người hay đồ vật. Cần có sự phát triển (hiểu biết) về tất cả các thực tại, kể cả suy nghĩ. Ta có thể bắt đầu thấy được sự khác biệt giữa chánh kiến và tà kiến về con người và đồ vật. Đừng quan niệm rằng không nên có suy nghĩ mà hãy hiểu suy nghĩ chỉ là một thực tại”.
Nina: “Cố gắng không suy nghĩ là khiên cưỡng”.
Achaan: “Điều đó không tự nhiên. Trí tuệ (Paññā) không thể sinh khởi khi mọi thứ không diễn ra tự nhiên. Nó sinh khởi do duyên và nó có thể trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn”.
Sarah: “Khi đủ duyên, suy nghĩ hay nỗi buồn có mặt bởi đó là thời điểm của chúng. Không ai có thể thay đổi hay ngăn cản điều đó.”
Nina: “Chúng ta không nên lựa chọn mà chỉ nhận biết bất kỳ thực tại nào.”
Achaan: “Bản ngã đang cố gắng. Khi có sự gắng sức, điều đó cho thấy hiểu biết về vô ngã (anattā) không mạnh mẽ, không được thiết lập vững vàng. Nhưng cho dù có những ngày không có chánh niệm, điều đó cũng là do duyên. Khi chánh niệm sinh khởi do duyên riêng của chúng thì tốt hơn nhiều so với việc nỗ lực cả ngày với ý niệm về ngã. Ý niệm về ngã được bồi đắp tại những khoảnh khắc như vậy. Khi chánh niệm sinh khởi dù chỉ ở một khoảnh khắc, sự khác biệt giữa việc thất niệm cả ngày và một khoảnh khắc của hiểu biết về thực tại có thể được thấy rõ. Chỉ có trí tuệ mới có thể thấy khi nào tham không sinh khởi, và thực tế nó luôn sinh khởi, sau cái thấy, cái nghe, tại khoảnh khắc của sự cố gắng. Tham giống như một chủ lớn.”
Nhiều lần Achaan nhắc nhở chúng tôi về sức mạnh của tham ái, dính mắc. Điều nguy hiểm là nó hầu như không được nhận biết. Chỉ có trí tuệ mới thấy được khi nào tham sinh khởi và dẫn ta lạc lối. Một người có thể mong ước có nhiều hiểu biết hơn, nhưng tại khoảnh khắc như vậy, người đó đang dính mắc vào ý niệm về ngã.
Sau đợt pháp đàm ở Huahin, chúng tôi về Bangkok vào cuối tuần. Trưa ngày thứ 7, Khun Duangduen mời chúng tôi tới ăn trưa ở vườn nhà bà, một nơi rất dễ chịu và yên ả. Ngày Chủ nhật, có pháp đàm bằng tiếng Thái ở hội trường của “Hiệp hội Nghiên cứu và Hỗ trợ Giáo pháp” [1]. Hôm đó là ngày sinh nhật của Achaan và thật là xúc động khi thấy nhiều người đến tặng quà và đảnh lễ Achaan. Chúng tôi có thể thấy được sự quảng đại lớn lao của người Thái. Căn phòng nhỏ mà Achaan dùng làm nơi tiếp khách tràn ngập hoa, trái cây và các quà tặng khác.
Trong suốt buổi pháp đàm, chúng tôi nói về cuộc sống dưới góc độ tục đế và cuộc sống về mặt chân đế. Điều được nhấn mạnh là: biết sự khác biệt giữa khái niệm và thực tại là rất quan trọng. Khi nghĩ về con người, chúng ta sống trong thế giới của khái niệm, còn khi hiểu biết về từng thực tại xuất hiện qua một trong sáu môn được phát triển, chúng ta dần biết về thế giới của các pháp chân đế.
Chúng tôi đã ăn trưa tại tòa nhà của Hiệp hội, ở một cái bàn dài với Achaan và các đạo hữu khác. Chúng tôi thưởng thức các món ăn được dâng bởi cặp vợ chồng thí chủ. Cả người chồng và người vợ đã phục vụ chúng tôi rất ân cần và trìu mến, luôn tận tình săn sóc xem có ai cần gì. Những người con của họ thì vào phòng và đảnh lễ Achaan. Tôi thấy trở lại Hiệp hội là một trải nghiệm đặc biệt. Tất cả những người bạn Thái chào đón tôi với sự thân tình, và họ luôn tươi cười, biểu lộ vẻ hiền từ. Khi mọi người xung quanh chúng tôi luôn tươi cười với sự từ ái chân thành, chúng tôi tự động phải cười theo mà không thể nào buồn rầu hay sầu não được.
Chuyến đi thứ hai ra ngoài Bangkok là đến vùng Đông Bắc, Wang Nam Khiao, hay còn gọi là Korat. Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm bảo tàng của một khu rừng hóa thạch. Đó là nơi trưng bày về lịch sử địa chất của vùng và người ta có thể thấy nhiều mẫu vật hiếm về các loại cây hóa thạch. Ở đó có rất đông học sinh nên chúng tôi phải chờ lâu, và vì chuyến tham quan mất nhiều thời gian nên chúng tôi đến Wang Nam Khiao khá muộn. Đây là một vùng núi nơi chúng tôi đi dạo vào buổi sáng trước khi đến giờ ăn sáng. Chúng tôi nghỉ tại các căn nhà đơn lập yên tĩnh có ban công hướng ra hồ nước. Chúng tôi phải đi bộ từ khu nhà của mình đến nhà hàng ăn sáng. Buổi trưa, chúng tôi ra ngoài ăn ở một số nơi khác nhau. Bàn ăn bữa trưa được kê ở ngoài vườn của nhà hàng nên cảm giác như chúng tôi đang ở giữa một khu rừng vậy. Một lần, chúng tôi ra ngoài ăn ở một nhà hàng ngon nhất vùng. Vùng đất này là nơi có ẩm thực rất tinh tế, và được xếp hạng thứ bảy trên thế giới về phương diện không khí trong lành. Điều này khiến tôi nghĩ đến xứ Kuru nơi có các điều kiện ngoại cảnh và khí hậu thuận lợi cho sự phát triển hiểu biết Giáo pháp.
Tôi ngồi cạnh Achaan trên xe ô tô và rất thích thú với phong cảnh đồi núi. Lúc đó, chúng tôi đã có một đoạn Pháp thoại vô cùng lợi lạc.
Achaan: “Đôi khi có tham rất mạnh hoặc sân rất mạnh, ai có thể tạo duyên cho điều đó? Bản chất của tham thì khác với bản chất của sân. Ai có thể kiểm soát chúng? Dù là thiện pháp hay bất thiện pháp, cần phải có duyên cho chúng sinh khởi. Sự thật về vô thường có thể xuất hiện từng chút một. Tại khoảnh khắc này, có thể có một chút hiểu biết về tính chất không thể kiểm soát của cái đang xuất hiện; nó không thuộc về ai. Liệu cái sinh khởi rồi diệt ngay và không bao giờ quay trở lại có thể là một ai đó không? Không thể nào. Đó là con đường mà trí tuệ (paññā) phát triển từ pháp học (pariyatti), đến pháp hành (paṭipatti)- sự kinh nghiệm trực tiếp, đến pháp thành (pativedha)- sự chứng ngộ chân lý.
Bỗng nhiên, ta thành một con người khác trong kiếp sống mới, nhưng những tích lũy quá khứ sẽ còn tiếp tục. Bởi lẽ đó, mọi người có những tính cách khác nhau, những điểm thích và không thích khác nhau.”
Nina: “Tôi kinh nghiệm một đối tượng dễ chịu với thọ hỷ, như cảnh núi non chẳng hạn.”
Achaan: “Đó là một thực tại, nó được tạo duyên. Nó diệt đi trước khi chúng ta biết nó là gì. Ngay khi một đối tượng được kinh nghiệm, nó diệt đi ngay. Và rồi một đối tượng khác xuất hiện và trí tuệ có thể hiểu được điều đó. Văn tuệ tạo duyên cho sự xả ly khỏi dính mắc khi thời điểm chín muồi. Nhưng hiểu biết tư duy không tác động mạnh bằng hiểu biết trực tiếp. Có thể thấy được sự khác biệt giữa hai điều này.”
Nina: “Thật không dễ dàng để biết cái hiểu trực tiếp.
Achaan: “Khi chánh niệm sinh khởi, có thể thấy rằng nó hoàn toàn khác biệt. Văn tuệ có thể tạo duyên cho cái hiểu trực tiếp, và nó còn tiếp tục do duyên. Nếu không sẽ luôn là làm sao, làm thế nào để “tôi có hiểu biết”.
Chúng ta thường đặt các câu hỏi “làm sao để tôi có thể …” và quả thực, điều này được thúc đẩy bởi tham, lobha. Chúng tôi được Achaan nhắc nhở luôn lưu tâm rằng tất cả các pháp là vô ngã, anattā, và rằng chúng ta, nhờ cách đó, sẽ không bao giờ bị lạc trong những suy nghĩ riêng của mình hay bởi hiểu biết sai lầm. Chúng ta dính mắc vào việc phải có tiến bộ trong sự phát triển hiểu biết và điều này không hiệu quả. Như Achaan thường nói, chúng ta không thể làm gì cả. Các thực tại sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng và không ai có thể khiến chúng sinh khởi. Cái thấy sinh khởi khi có những duyên thích hợp cho chúng sinh khởi. Đối tượng thị giác in dấu lên nhãn căn và rồi có duyên cho cái thấy. Cái thấy được tạo duyên bởi nghiệp, kamma, nó là tâm quả, vipākacitta.
Một số tâm là kết quả của nghiệp bất thiện và nghiệp thiện, chúng là các tâm quả. Nghiệp là tác ý hay ý định. Tác ý bất thiện có thể thúc đẩy một việc làm bất thiện mà có thể mang đến quả bất thiện sau này, và tác ý thiện có thể thúc đẩy một việc làm thiện có thể mang đến quả thiện sau này. Nghiệp thiện và bất thiện được tích lũy từ khoảnh khắc tâm này sang tâm tiếp theo và do vậy, chúng có thể tạo quả trong tương lai. Nghiệp tạo quả dưới hình thức của tâm tái sinh hoặc, nếu trong một kiếp sống sẽ dưới hình thức của các tâm thấy, nghe, ngửi, nếm và kinh nghiệm các đối tượng xúc chạm qua thân căn. Các tâm quả (vipākacittas) kinh nghiệm đối tượng dễ chịu hay khó chịu tùy thuộc vào nghiệp đã tạo ra chúng.
Nghiệp cũng tạo ra các sắc như nhãn căn, nhĩ căn và các sắc thần kinh khác. Nếu không có nhãn căn và không có đối tượng thị giác, sẽ không thể có cái thấy.
Có nhiều duyên cho mỗi pháp sinh khởi và điều này cho thấy bản chất vô ngã của các pháp. Chúng ta không thể tạo ra sự sinh khởi của chúng.
Không ai có thể khiến cho chánh niệm (sati) và trí tuệ (paññā) sinh khởi dù mong muốn chúng sinh khởi đến bao nhiêu đi nữa. Chúng chỉ có thể sinh khởi khi có những duyên thích hợp. Chúng là các tâm sở tịnh hảo (sobhana cetasikas) và chỉ có thể sinh khởi với tâm tịnh hảo (sobhana citta) và có nhiều mức độ khác nhau. Khi nghe Pháp, chúng ta học về các thực tại có thể được kinh nghiệm qua sáu môn, từng thứ một, và khi suy xét đi suy xét lại về cái được nghe, dần dà hiểu biết về lý thuyết có thể được phát triển. Nếu các duyên đã chín muồi, chánh niệm trực tiếp về các thực tại có thể sinh khởi, một đôi lần, để hiểu biết trực tiếp có thể được vun bồi. Nhưng điều này không thể xảy ra chừng nào ta còn sự mong cầu.
Achaan đã luôn nhắc nhở chúng ta về sự dính mắc đã bắt rễ sâu dày và khó nhận ra vào chánh niệm và trí tuệ. Chúng ta có xu hướng quên rằng chánh niệm và trí tuệ là vô ngã, anattā. Sự phát triển hiểu biết sẽ đưa đến xả ly, sự xả ly khỏi ý niệm về ngã.
***********
[1] Đây là trung tâm thường tổ chức các buổi Pháp đàm với Achaan Sujin vào cuối tuần.