Pháp đàm buổi chiều ngày 02-09-2013 tại Sài Gòn

7/ Pháp đàm buổi chiều ngày 02.09.2013 tại SG

 

Vị sư 1:          Trong cách hướng dẫn của Achaan, Bà khuyến khích mọi người kinh nghiệm thực tại từ cái thấy, cái nghe. Vậy theo Bà liệu có nên kiểm tra xem trong sự kinh nghiệm đó có chánh kiến không hay là có tà kiến ví dụ tôi đang kinh nghiệm, tôi như thế này thế kia?

Achaan:         Hiện giờ có âm thanh không? Hiện giờ đang có âm thanh cũng như có các thực tại khác như thấy- nghe -ngửi -nếm -xúc chạm, tất cả thực tại này là vô ngã, không trường tồn, đều sinh và diệt, Đức Phật đã dạy cho chúng ta về bản chất của những thực tại đó, đều không phải là ai đó, mà là các thực tại sinh khởi do duyên ,và sau khi sinh khởi thì chúng diệt đi chứ không tồn tại kéo dài. Đức Phật khuyến khích chúng ta suy xét liệu những gì Ngài giảng có đúng hay không, chẳng hạn như về cái thấy, nếu cái thấy không diệt đi thì sẽ không thể có cái nghe, âm thanh xuất hiện. Hiện giờ có cái thấy, cái nghe, và suy nghĩ, điều đó chứng tỏ các thực tại ấy đã sinh khởi và diệt đi. Nhưng điều ấy đã không được nhận biết. Nếu có cái ý niệm cho rằng đây là “tôi” thì đó cũng chỉ là một thực tại trong chuỗi thực tại sinh và diệt tiếp nối lẫn nhau.

Vị sư 1:          Nếu ngay đó có một ý niệm nghĩ rằng tôi đang thấy, tôi đang nghe thì chỉ nhận biết đó cũng là một thực tại?

Achaan:         Cái thấy có thực không?

Vị sư 1:          Có thực.

Achaan:         Và cái đó chính là ý nghĩa của từ thực tại. Tất cả chúng ta đều nghe và thấy rất nhiều thứ trong một ngày và đều nghĩ rằng tôi đang thấy và tôi đang nghe. Nhưng cái thấy là gì, cái nghe là gì? Chúng đã qua rồi, chỉ có tưởng –sanna- ghi nhớ và tiếp tục nghĩ về cái đã diệt đi: “tôi đã nghe cái này”, “tôi đã thấy cái kia”. Nhưng cái nghe, cái thấy đã diệt đi hoàn toàn rồi, ai có thể tìm thấy được nó đây?

Vị sư 1:          Khi có suy nghĩ về cái được thấy, được nghe thì cũng có suy nghĩ là tôi đang thấy tôi đang nghe. Có phải Achaan muốn nói rằng chúng ta không nên cố gắng chuyển đổi một cái gì hết mà chỉ nhận ngay cái suy nghĩ tôi đang thấy, tôi đang nghe đó cũng là một thực tại. Bản thân sự suy nghĩ đó cũng là một thực tại đang sinh khởi.

Achaan:         Ta sẽ làm gì nếu không phải như vậy.

Vị sư 1:          Chỉ là chấp nhận và thấy đó là một thực tại chứ không có ta trong đó, có phải như vậy không?

Achaan:         Vậy ai là người chấp nhận?

Vị sư 1:          Đôi lúc có cái hiểu rằng chỉ là cái tâm đang kinh nghiệm nhưng đôi lúc có suy nghĩ rằng tôi đang suy nghĩ. Nó thường trộn lẫn hai cái qua lại như vậy.

Achaan:         Nếu như không có thực tại là suy nghĩ sinh khởi trước đó thì có thể có cái ý niệm rằng tôi đang suy nghĩ không?

Vị sư 1:          Không thể có được.

Achaan:         Vậy bản thân suy nghĩ làm nhiệm vụ nghĩ chứ không phải là tôi suy nghĩ, đúng không?

Vị sư 1:          Đúng vậy.

Người phiên dịch: Cho phép con hỏi có phải ý của sư là muốn Achaan hướng dẫn một phương pháp hay một cách thức, đúng không ạ?

Vị sư 1:          Không phải. Ý sư muốn nói ở đây là: Tất cả thực tại là do duyên khởi, vậy cái xưa nay mình gọi là thực tập thì kỳ thực đó chỉ là kinh nghiệm những gì đang xảy ra và nó có xu hướng là không chuyển đổi hay chống đối bất cứ một cái gì vì tất cả những gì đang sinh khởi đều mang bản chất của thực tại. Như vậy cho dù bất cứ cái gì xuất hiện thì chỉ kinh nghiệm chứ không có ý muốn làm cái gì khác, phải vậy không?

Achaan:         Nếu nói “không làm gì hết” thì có nghĩa là phải có một trường hợp khác là “làm một cái gì đấy”. Vậy “làm một cái gì đấy” là cái gì?

Vị sư 1:          Thường có xu hướng kiểm tra lại, ví dụ như thế này đã phải là chánh niệm chưa, đối tượng đó thuộc về thực tại hay khái niệm.

Achaan:         Cái đã xảy ra thì đã qua rồi, vậy ta còn có đối tượng nào để mà kiểm tra nữa đây?

Vị sư 1:          Như vậy nếu có mong muốn kiểm tra thì đó cũng là một sự dính mắc, một ảo tưởng về ngã hay không?

Achaan:         Chính là như vậy. Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã nói là Ta đã nhìn thấy người xây nhà. Và ngôi nhà đó ở đâu? Ngôi nhà đó chính mỗi khoảnh khắc của luân hồi, hay một từ khác là uẩn. Thực tại của uẩn là gì?

Vị sư 1:          Chỉ là cái sinh và diệt thôi, đó là nói theo lý thuyết. Còn nói theo một cách khác là cái đã sinh khởi.

Achaan:         Cái thấy có phải là uẩn không?

Vị sư 1:          Phải.

Achaan:         Trong ngũ uẩn thì cái thấy thuộc về uẩn nào?

Vị sư 1:          Theo lý thuyết thì nó thuộc về thức uẩn.

Achaan:         Nó không “thuộc về”, nó thức uẩn. thức sinh khởi và kinh nghiệm những đối tượng như đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị hay đối tượng xúc chạm, tất cả những cái đó là thức. Đối tượng của ngũ thức là sắc. Sắc cũng là một uẩn. Riêng từng thứ ấy đã là uẩn rồi, chứ không phải chỉ tổng hợp những thứ ấy mới là uẩn.

Vị sư 1:          Như Achaan nói thì sự hiện bày ở đây chỉ là Ngũ uẩn. Ngũ uẩn là do duyên khởi, nó biểu hiện ý nghĩa của Vô ngã. Vậy ví dụ trong lúc Achaan tọa thiền nhưng cái tâm bảo rằng không thích ngồi nữa muốn đứng lên thì lúc đó Achaan xử lý như thế nào? Nên tiếp tục ngồi hay đứng lên?

Achaan:         Nhưng tôi không ngồi thiền.

Vị sư 1:          Vậy thì sư ngồi thiền, những lúc như vậy sư nên tiếp tục ngồi hay đứng lên?

Achaan:         Chúng ta nên làm một cái gì đấy hay là nên hiểu?

Vị sư 1:          Xin Achaan chia sẻ thêm chỗ này. Bây giờ sư cũng chưa biết thế nào là đúng.

Achaan:         Tôi sẽ không làm theo cái người khác bảo tôi làm. Nhưng tôi sẽ lắng nghe và hiểu, thay cho làm một cái gì đó. Tại sao Đức Phật thuyết pháp cho chúng ta? Đức Phật đã dạy chúng ta làm hay hiểu? Nếu chỉ đơn giản là bảo mọi người hãy làm cái gì đó cụ thể thì Đức Phật đã không cần phải giảng pháp trong suốt 45 năm, nếu chỉ cần làm thôi và không cần hiểu gì cả.

Vị sư 1:          Vậy Achaan muốn nói rằng việc đứng dậy hay ngồi tiếp tục không phải là vần đế mà vấn đề là phải có sự hiểu trong đó?

Achaan:         Hiện giờ chúng ta đang ngồi, đúng không? Chúng ta sẽ làm gì đây, hay là chỉ cần tiếp tục nghe pháp thôi?

Sarah:            Tôi nghĩ rằng chúng ta luôn quên rằng tất cả các thực tại hữu vi đều vô ngã. Vừa rồi Achaan có nói khi có ý niệm phải kiểm tra xem liệu đã có chánh niệm về cái vừa sinh khởi hay chưa, thì khi đó đã có ý niệm về ngã có thể kiểm soát chánh niệm. Đúng là vậy. Bởi vì thực tại, chẳng hạn cái thấy, đã sinh và diệt mất rồi. Vậy ý niệm kiểm tra hoàn toàn là ý niệm về ngã mà thôi vì có cái gì để kiểm tra nữa đâu? Cetana hay  ý định, tư, là một trong những uẩn là Hành uẩn, nó là một thực tại hữu vi, nó sinh và diệt, nó sinh khởi do những duyên của nó và rồi diệt đi, không ai là cetana cả.

Bây giờ ta có thể có ý niệm rằng chúng ta đang ngồi đây, nhưng về mặt thực chất, đó chỉ là suy nghĩ về ý niệm rằng tôi đang ngồi trong một căn phòng. Nhưng thực chất đều chỉ là các thực tại sinh và diệt, ví dụ  như: cái thấy, cái nghe, sự xúc chạm, v.v…, chúng sinh khởi và tất cả đều chỉ là ngũ uẩn, chúng sinh và diệt tiếp nối lẫn nhau. Nếu có việc thay đổi một tư thế nào đấy, điều đó cũng xảy ra do duyên, đó là hoạt động của ngũ uẩn chứ không phải một ai đó ở bên ngoài tác ý  để thay đổi theo một cách đặc biệt nào đó. Bất cứ khi nào có ý niệm rằng “ta” có thể lựa chọn một pháp khác ngoại trừ pháp đang sinh khởi hiện giờ để hay biết, thì đồng thời lúc đó cũng có tâm tham cùng với tà kiến cho rằng có một cái ngã có thể lựa chọn đối tượng của chánh niệm và hiểu biết. Cái mà chúng ta gọi là Bhavana thường được dịch là Thiền, Tu thực chất là phát triển tâm trí,  và sự phát triển tâm trí luôn xoay quanh cái hiểu của pháp hiện giờ đang xuất hiện, bởi vì mọi thứ đã được tạo duyên rồi.

Vị sư 1:          Về thực tại thì không có ai hết, không có tôi. Nhưng với sự hiểu biết của những người như chúng tôi và những người mới chưa có được sự hiểu biết đó, trong cuộc sống hàng ngày, nổi lên phiền não ví dụ như sân hận, muốn đánh người hay tham lam muốn lấy của người thì khi đó phải làm như thế nào?

Sarah:            Tùy thuộc vào duyên khi đó. Kể cả đối với người chưa bao giờ được nghe giáo lý thì về mặt bản chất cũng chỉ là ngũ uẩn và tất cả các khoảnh khắc đó đều sinh khởi do duyên. Cho nên không có ai có thể quyết định được ở khoảnh khắc kia, loại duyên gì sẽ sinh khởi. Chẳng hạn chúng ta không thể nào quyết định được rằng từ giờ tôi sẽ chỉ nói những lời ái ngữ. Kể cả có ý muốn đó thì điều ấy cũng không thể xảy ra nếu không có đủ duyên. Như vậy việc gì xảy ra không tùy thuộc vào mong muốn, vào ý định của mình, vạn pháp đều là do duyên. Nếu có duyên cho một điều nào đó xảy ra thì nó sẽ xảy ra.

Vị sư 1:          Như vậy, nếu có mong muốn hoàn thiện cũng là dư thừa. Mỗi khoảnh khắc chỉ là do nhân duyên sinh khởi và khi nó sinh khởi thì ta biết là nó như vậy, chứ không cần thiết phải mong mỏi nó được tốt hơn hay là ta phải ngăn ngừa một cái gì đó đừng để không xảy ra. Tất cả ta không thể đoán trước được.

Sarah:            Bây giờ chúng ta sẽ nói về cái thấy. Cái thấy là tâm quả, nó là quả của nghiệp quá khứ, tùy vào nghiệp thiện hay bất thiện mà hiện giờ cái thấy nó sẽ thấy đối tượng dễ chịu hay khó chịu. Nó là quả của nghiệp quá khứ, không thể nào thay đổi được quả. Sau khi có cái thấy, một loại duyên hệ gọi là cận hành duyên, do những tích lũy trong quá khứ từ nhiều kiếp hay thói quen, có thể có tham hoặc sân với đối tượng vừa được thấy và được nghe. Chẳng hạn như hiện giờ chúng ta đang nghe Pháp, nếu có sự chú ý lắng nghe thì đó là bởi đã có tích lũy cho việc nghe và suy xét về Giáo lý. Hiểu biết từ việc nghe ấy có thể tiếp tục phát triển và lớn mạnh. Đó chính là sự phát triển tâm trí- bhavana. Nếu có hiểu biết đúng đắn về các pháp là vô ngã, sẽ có thể có duyên cho hiểu biết trực tiếp, bởi hiểu biết về lý thuyết- pháp học sẽ làm duyên cho pháp hành. Tất cả các thực tại mà chúng ta nói đến như cái thấy, cái nghe, suy nghĩ, dính mắc, si mê, trí tuệ v.v…, từng thứ trong đó đều là khanda- uẩn và đều là vô ngã.

Ngoài những thực tại hữu vi mà chúng ta gọi là uẩn thì chẳng còn gì khác ở cuộc sống mà chúng ta đang sống. Nếu có những ý niệm rằng chúng ta phải thực hành hay làm cái gì đó đặc biệt, đó cũng chỉ là một suy nghĩ và suy nghĩ đó cũng được tạo duyên, nó sinh khởi do duyên. Bản chất của cái chúng ta vẫn gọi là thực hành hay thiền- tiếng Pali là Bhavana, mà dịch đúng là sự phát triển tâm trí thực chất chỉ là sự phát triển của trí tuệ cùng với các tâm sở đồng sinh.

Achaan:         Nếu Đức Phật ở đây thì các bạn sẽ làm gi nào?

Vị sư 1:          Thì cũng là thấy, nghe, xúc chạm, không có gì khác.

Achaan:         Nếu có Đức Phật ở đây thì các bạn có nghe những gì Đức Phật giảng không?

Trả lời:           Có

Achaan:         Đức Phật đã không còn tại thế nhưng chúng ta vẫn còn những lời giảng từ khẩu ngôn của Ngài đã được truyền tụng cho tới ngày nay. Trước khi Đức Phật thuyết giảng, Đức Phật luôn nói từ Bhikkhuve. Từ này có rất nhiều nghĩa chứ không chỉ có nghĩa là “tỳ kheo”.  Từ này cũng để chỉ tất cả những người thấy được mối hiểm họa của vòng sinh tử luân hồi, của  các thực tại hữu vi sinh và diệt do duyên không thể nào ngưng. Khi Đức Phật nói “Bhikkhuve”, đó cũng là một lời nhắc nhở để mọi người lắng nghe điều Ngài sẽ nói. Chúng ta có thể nói về điều này hay điều kia, nhưng Đức Phật luôn luôn dạy về cái đang xuất hiện hiện giờ, về cái thấy, về cái nghe, chúng được tạo ra bởi duyên hay bởi một người nào đấy? Nếu các thực tại ấy sinh khởi do duyên, chúng có thuộc về ai không? Có ai sở hữu chúng không? Thực tại  đã sinh và diệt hoàn toàn rồi thì không bao giờ trở lại nữa. Nếu xuyên thấu được điều ấy, nó sẽ tạo duyên cho việc có sự xả ly với những thứ mà chúng ta vẫn cho là tôi hay là của tôi. Tuy nhiên, hiện giờ mức độ tuệ giác như vậy chưa sinh khởi, do chưa có đủ duyên cho sự sinh khởi của nó, cho nên khi có cái thấy thì ngay lập tức đã có một ý niệm về “tôi”; nếu không phải là tôi thì sẽ là ý niệm về một bông hoa, một cái bàn hay cái gì đó khác.

Một trong thập thiện là sửa Tà kiến thành Chánh kiến. Nếu không có những lời chân lý của Đức Phật, làm sao có thể thấy được sự vô thường của những thực tại hiện giờ? Chúng ta chỉ có thể nghĩ rằng chẳng có gì trường tồn mà thôi. Cuộc sống không trường tồn, ngày hôm qua không phải là ngày hôm nay và không phải là ngày mai. Và không có ai ở đó cả, bởi vì ngày hôm qua đã hoàn toàn qua rồi. Ngày hôm nay của ngày hôm qua thì cũng giống như ngày mai của ngày hôm nay. Mọi thứ đều qua đi khi ngày mai sẽ tới. Cũng giống như cuộc đời này, kiếp trước và kiếp sau cũng vậy. Ai biết được khi nào ta sẽ còn có cơ hội được nghe những lời những lời chân lý (vacca sacca) nữa đây? Vậy bây giờ hãy là lúc suy xét những gì được nghe, chẳng hạn như từ dhamma-pháp. Nếu chúng ta chưa từng được nghe thì sẽ không thể có ý niệm “pháp” là gì. Những người chưa nghiên cứu Pháp thì sẽ tưởng rằng từ “pháp” chỉ là có nghĩa là Giáo lý của Đức Phật mà thôi.

Pháp thực chất là gì? Chính là khoảnh khắc này, bởi vì khoảnh khắc này cũng chính là một khoảnh khắc của vòng luân hồi. Nếu không có khoảnh khắc này thì có thể có vòng luân hồi hay không? Vì samsara – vòng luân hồi – là sự tiếp nối của các thực tại sinh và diệt, không thể kiểm soát, không thể có được nhờ ý chí. Không ai muốn bị đau ốm, bị mất chân hay tay. Nhưng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào. Ai làm cái đó? Chính là cái bàn tay vô hình. Thông thường, khi chúng ta làm các việc, chúng ta vẫn nghĩ rằng đây là cái tay đang làm, nhưng thực ra bàn tay ấy là cái mà không ai thấy được, là nghiệp đã tạo trong quá khứ. Nhân đã ở đó rồi nên nó có thể tạo ra quả ở bất cứ thời điểm nào có thể. Không có ai ở đó cả. Tưởng hay trí nhớ thì không phải là bàn tay vô hình. Chức năng của tưởng chỉ là ghi nhận và đánh dấu.

Chúng ta phải học về các thực tại mà chúng ta hoàn toàn chưa hay biết hiện giờ, để hiểu rằng mỗi một thực tại đó đều là vô ngã. Nếu từng thực tại đều không phải là ngã thì làm gì có cái ngã, cái ta nào ở đây? Chẳng hạn, cái thấy thấy chứ có ai thấy đâu? Suy nghĩ nghĩ, nó chỉ sinh khởi để nghĩ và rồi diệt đi, chỉ có một thế giới ở một thời điểm. Và cái suy nghĩ trước đó đã ở đâu rồi? Cái đã qua rồi thì không bao giờ trở lại, giống như một ngọn lửa đã tắt ngấm. Tự ngã có thể nằm ở đâu nữa đây? Đức Phật đã dạy tất cả những chi tiết ấy để mọi người có thể suy xét và thực sự hiểu rằng không có một cái ngã nào cả.

Cái gì sinh ra, tôi sinh ra hay cái gì sinh ra? Hoàn toàn không có ý niệm nào về “tôi” ở khoảnh khắc của tái sinh, mà chỉ có thực tại sinh khởi mà thôi. Nếu không có thực tại thì sẽ không có chúng sinh nào cả. Nếu chỉ có thực tại “không có khả năng kinh nghiệm gì cả” sinh khởi thì cũng không có chúng sinh nào cả. Không hề có ý niệm rằng là “tôi” đã sinh ra khi ấy. Chỉ có cái tâm cùng với các tâm sở sinh khởi, là kết quả của một nghiệp đã tạo trong quá khứ., để đảm nhận chức năng tái tục gọi là paṭisandhi kicca. Thức này tiếp nối tử thức của kiếp  trước ngay lập tức không có sự gián đoạn. Như vậy tâm cùng tâm sở sinh khởi không có sự ngừng nghỉ. Các thiện cũng như bất thiện được tích lũy từ tâm này qua tâm khác. Chính vì thế mọi người rất khác nhau. Ở thời Đức Phật có rất nhiều người đến nghe Đức Phật giảng. Một số vị đạt A la hán quả, một số vị đạt Thánh Bất lai, một số vị đạt Thánh Nhất lai, một số vị đạt Thánh Dự lưu và một số thì không có sự chứng đắc nào cả. Việc chứng đắc tùy thuộc vào trí tuệ đã tích lũy hiểu được chừng nào những gì Đức Phật dạy, chứ không dựa trên ý niệm riêng của mình hay của một người khác không phải là Đức Phật. Kể cả ở thời Đức Phật còn tại thế, cũng có rất nhiều tà kiến hiện hữu, và cũng không có ai có thể thay đổi tà kiến của những người ấy. Một trong những vị thầy lớn đương thời ở rất gần nơi cư ngụ của Đức Phật, nhưng cũng không bao giờ đến nghe Đức Phật giảng pháp. Thời đó có sáu người đứng đầu sáu trường phái triết học khác nhau và một trong số đó không bao giờ đến nghe Đức Phật giảng pháp. Chúng ta có thể thấy rằng, trong bất cứ cộng động nào luôn có những người không bao giờ đến nghe Đức Phật giảng pháp. Họ không thể tiếp nhận những luồng tư tưởng khác với các ý niệm mà họ bám chặt vào. Mặc dù Đức Phật thuyết giảng ở nhiều nơi khác nhau, nhưng những người không có tích lũy để nghe Ngài vẫn không tham dự.

Đức Phật dạy rằng, thật ra là chúng ta sống một mình. Hiện giờ chúng ta có một mình không? Nếu có hiểu biết đúng thì sẽ thấy rằng không có ai cả nếu không có suy nghĩ. Cái thấy không biết có ai ở đây. Cái thấy là một yếu tố mà không thể sinh khởi nếu không có nhãn căn, mặc dù bây giờ nhãn căn chưa phải là đối tượng của chánh niệm và hiểu biết, nhưng chúng ta có thể thấy rằng nếu không có thực tại có thể tiếp xúc với đối tượng được thấy (đối tượng thị giác- cảnh sắc) thì không thể có nhãn thức sinh khởi để có cái thấy. Vậy tôi nằm ở đâu trong này? Cakkhu pasādasắc thần kinh ở mắt, hay còn gọi là nhãn căn, là một thực tại nằm ở giữa mắt, bản thân nó không biết gì cả, nó không thể thấy nhưng có thể tiếp xúc với đối tượng thị giác, tức là cái có thể được thấy, và nó tạo duyên cho nhãn thức sinh khởi. Vậy có thể nói là mắt của tôi không? Đối tượng thị giác hiện giờ có phải là sắc của tôi không? Tâm là yếu tố dẫn đầu trong việc nhận biết, khi có duyên cho nó sinh khởi thì nó sinh khởi, nó có phải là tôi hay là ta không? Hay nó chỉ là một khoảnh khắc của cái có thể kinh nghiệm một đối tượng, nó sinh và diệt.

Nếu không có ai từng chứng ngộ sự thực mà Đức Phật đã thuyết giảng dạy thì cũng không có ai có thể được coi là savaka -Thanh văn đệ tử phật. Khi Đức Phật giảng bài kinh đầu tiên, một trong số những người nghe bài pháp này đã có đủ tích lũy để xuyên thấu sự thật mà Đức Phật nói tới và đã trở thành một vị Tu đà hoàn. Cái đó có phải là thực hành không? Nó có giống như cái chúng ta vẫn coi là thực hành- thiền đi, thiền ngồi – hay không? Dù ta đang ngồi tư thế nào, đang đi hay đang làm gì, nếu không có hiểu biết thì không phải là theo lời dạy của Đức Phật. Nếu chúng ta nghe đi, nghe lại và cứ tiếp tục nghe để phát triển hiểu biết một cách dần dần, đến khi trở nên vững chãi, khi đó gọi là sacca nanāṇa – hiểu biết rõ ràng về Tứ đế. Đức Phật dạy nhiều khía cạnh khác nhau để giúp những người có ít hiểu biết suy xét về những thứ đó, để thấy được sự thật về mức độ trí tuệ của mình.

Khi có rất ít hiểu biết, nó có thể tạo duyên cho những suy nghĩ che lấp hiểu biết đúng hay suy nghĩ chân chánh. Giáo lý và các thực tại mà Giáo lý đề cập tới là vô cùng vi tế. Nếu ta có hiểu biết đúng về sự vi tế của các thực tại, sẽ giảm bớt sự dính mắc vào việc chứng đắc hay muốn đạt được gì đó ngoài việc hiểu biết thêm về các thực tại. Bất cứ khoảnh khắc nào không có hiểu biết sẽ không phải là con đường dẫn tới sự giác ngộ. Cái ta gọi là giác ngộ không chỉ là việc hiểu khi nghe. Nghe và hiểu một chút mới chỉ là sự khởi đầu của con đường phát triển đúng đắn. Nó vẫn chưa phải là sự xuyên thấu trực tiếp bản chất của thực tại, nhưng nó là sự khởi đầu hiểu biết về vô ngã, để hiểu biết có thể phát triển thêm nữa.

Có rất nhiều câu chuyện về các đệ tử Thanh văn của Đức Phật. Họ đã phát triển Tuệ giác trong rất nhiều kiếp sống, đúng hơn là trong nhiều đại kiếp. Hiện giờ hiểu biết của chúng ta ở mức độ nào đây? Chúng ta cứ hi vọng, cứ mong muốn, cứ làm một cái gì đấy thay cho việc hiểu về cái đang xuất hiện hiện giờ. Đó không phải là những gì mà Đức Phật đã dạy về việc phát triển hiểu biết về cái đang xuất hiện hiện giờ, để khởi đầu cho con đường phát triển tuệ giác trực tiếp về thực tại. Nếu như có sự sinh khởi của tuệ giác về sự sinh diệt của thực tại, khi đó sẽ không còn hoài nghi về vô thường, khổ, vô ngã. Nếu không có sự trợ giúp của các Ba la mật, sẽ không có sự xuyên thấu bản chất của các thực tại đang xuất hiện hiện giờ. Chúng ta cần phải rất chân thực, tại sao chúng ta nghe giáo lý của Đức Phật? có phải là để đi đến một nơi nào đấy để ngồi thiền? Bất cứ khoảnh khắc nào có hiểu biết đúng, khi đó đã là sự phát triển của tuệ giác rồi. Mỗi một từ mà đức Phật đã dạy lại dẫn tới thêm hiểu biết và trí tuệ. Vậy khi nào còn ý niệm phải tới một nơi nào đấy và ở một thời điểm nào đấy,  lúc đó vẫn chưa phải là sacca ñāṇa, nếu không có sacca ñāṇa, thì không thể nào có được kicca ñāṇa (hiểu biết về phận sự của Tứ đế)- cái mà ta gọi là thực hành (pattipati); về bản chất kicca ñāṇa chính là trí tuệ đảm nhận chức năng của mình cùng với các tâm sở tịnh hảo khác, cùng với tàmquý. Hiện giờ có tàmquý hay không? Ở khoảnh khắc có sự lắng nghe để hiểu một cách tôn trọng thì khi đó có tàm (hiri), nó xấu hổ với việc nghe mà không hiểu. Nhưng ai biết được nó đang có đó hay không? Có nhiều mức độ của chánh niệm khác nhau, nếu nói đến con đường Bát Chánh Đạo, chánh niệm luôn luôn phải đi kèm với trí tuệ – hiểu biết đúng. Khi có những kinh nghiệm kỳ lạ xảy ra, bắt đầu có hoài nghi không biết đấy có phải là tuệ giác hay không? Và cái đó tạo duyên cho sự dính mắc

Học viên 9:   Con không hiểu về bài kinh thứ hai của Đức Phật sau khi Ngài chứng đắc, có nói về vô thường, khổ và vô ngã. Con không hiểu nhiều về vô ngã, giữa cái ngã và vô ngã. Con chỉ hiểu về như người thế gian vẫn hiểu. Xin Achaan giải thích ý nghĩa vi tế hơn cho con được rõ.

Jonathan:     Từ ba ngày nay thì chúng ta đã nói về phamma- pháp. Và pháp là điều Đức Phật đã dành 45 năm thời gian hoằng pháp của mình để nói về. Có lúc Đức Phật dạy pháp là uẩn, có lúc Đức Phật gọi đó là giới –dhatu, có lúc Đức Phật gọi đó là xứ. Dù Đức Phật có dùng từ nào, hay cách phân loại nào, Ngài luôn nói rằng các pháp đó là vô thường- aniccam, là khổ- dukkham, và là vô ngã –anatta. Để hiểu về vô thường, khổ, vô ngã, chúng ta cần phải hiểu dhamma – pháp. Chứ không chỉ có ý niệm vô ngã một cách chung chung và trìu tượng. Bao giờ cái hiểu đúng về vô ngã cũng gắn với cái hiểu về pháp là vô ngã.

Chẳng hạn bây giờ đang có cái thấy và đang có đối tượng thị giác- đối tượng của cái thấy. Tất cả những cái đó đều là pháp. Cái thấy không phải là Ta, đối tượng thị giác cũng vậy cũng không phải là Ta. Nhưng hiểu biết về cái pháp đó, về cái thấy đó là vô ngã cần phải được phát triển. Vậy bước đầu tiên là phải hiểu pháp chỉ là pháp. Ở khoảnh khắc hiện tại có những pháp như cái thấy và đối tượng thị giác, âm thanh và cái nghe, nhưng vẫn chưa có cái hiểu về những khoảnh khắc hiện tại chỉ là các pháp sinh khởi mà thôi.

Achaan:         Cái thấy có phải là pháp không?

HV 9:             Phải ạ.

Achaan:         Tại sao bạn lại nói đó là pháp? Đừng chỉ vì được nghe nói như vậy, Cái gì hiện giờ ở đó? Hãy nói gì về cái đó đi. Hay là chẳng có cái gì cả? Bây giờ đang có cái gì nào? Ai muốn nói ?

Học viên 2:    Hiện giờ có nhãn căn, có đối tượng thị giác.

Achaan:         Hiện giờ đang có suy nghĩ đúng không?

HV 2:             Đúng như vậy, đang có suy nghĩ.

Achaan:         Tại sao bạn không nghĩ giống như là bạn kia? Rõ ràng hai người có suy nghĩ khác nhau là bởi vì các suy nghĩ cũng đều được tạo duyên. Nếu không có suy nghĩ, liệu có thể có các câu chuyện dài hay không? Suy nghĩ có phải là pháp không? Có, bởi vì suy nghĩ là thực, cái thấy cũng là thực, tất cả những thực tại đó trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đều là thực và khác nhau, cái thấy không phải là cái nghe, bởi vì cái thấy không thể nghe, còn cái nghe không thể thấy. Cái thấy phải sinh và diệt rồi thì sau đó cái nghe mới có thể sinh khởi. Khi có một chút hiểu biết về sự xuất hiện ngắn ngủi của các thực tại, khi ấy sẽ hiểu rằng chúng không mang lại sự toại nguyện, không mang lại lạc thú, vì có ích gì đây khi nó xuất hiện và biến mất chỉ trong khoảnh khắc? Và đó chính là Khổ. Cái còn lại chỉ là vô minh và dính mắc.

Cái xuất hiện hiện giờ là thế giới bên ngoài, thế còn thế giới ở bên trong thì sao? Thế giới ở  đằng sau cái xuất hiện như là con người và mọi thứ ấy là gì?

HV 2:             Khandhā- Uẩn

Achaan:         Đúng, nếu là ngôn từ thì là Khandhā. Khi ta sử dụng từ đó thì đã có nghĩa là ta thực sự hiểu về nó chưa? Trước khi nghiên cứu giáo lý, chúng ta có thể nói về những thứ thậm chí chúng ta không hiểu.

Học viên 1:  Để trả lời câu hỏi của Achaan thì câu trả lời là tất cả những cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm,  tất cả những cái sinh khởi như vậy đều là pháp, và cuộc sống thì hoàn toàn chỉ có pháp mà thôi.

Achaan:         Đúng rồi, nhưng đó không chỉ là ngôn từ, mà thực sự là những thực tại đang xuất hiện và có đặc tính riêng. Không nhất thiết phải có những từ đó thì mới có thể hiểu được các thực tại ấy. Thực tại đó là thực tại kinh nghiệm. Nhưng chúng ta cần phải có các từ để giao tiếp, chẳng hạn để nói về cái thấy, vì cái thấy thì không phải là cái nghe, chúng là những thực tại khác nhau. Chúng ta không cần phải nhắc đi nhắc lại “thấy, thấy” hay “nghe, nghe”, thấy và nghe đã xảy ra rồi. Nhưng cần phải hiểu rằng bản chất không nằm ở ngôn từ mà ở đặc tính của các thực tại ấy.

Làm sao bạn có thể biết được rằng âm thanh là thực?

Ai đó trả lời: Tôi đang nghe.

Achaan:         Nếu không có cái nghe thì ai biết được âm thanh là thực? Âm thanh có phải là uẩn không?

Học viên 9:   Không phải ạ.

Achaan:         Vậy ý nghĩa từ uẩn là gì? Ý nghĩa của từ Uẩn là cái sinh rồi diệt và không phải là tự ngã.

Học viên 2:    Âm thanh là rūpa khandhā- Sắc uẩn.

Achaan:         Tại sao?

HV 2:             Bởi vì Đức Phật đã nói như vậy.

Achaan:         Nếu như Đức Phật không nói như vậy, thì nó có còn là sắc uẩn nữa hay không? Âm thanh là một thực tại là sắc, nó là thực tại không kinh nghiệm gì cả. Bất cứ thực tại nào không kinh nghiệm gì cả thì được gọi là sắc uẩn, để phân biệt với thực tại kinh nghiệm một cái gì đó mỗi khi sinh khởi. Đôi khi khandhā cũng được dịch là không gian (ākāsa). Bởi vì khi nó sinh và diệt và chẳng có gì còn lại thì nó cũng giống như không gian vậy, không có gì ở trong đó.

Vị sư 1:          Như Achaan mới nói bản chất của uẩn là sinh và diệt, cái gì sinh và diệt thì đều là uẩn. Sư có thắc mắc, vì theo lý thuyết thì uẩn được tạo nên bởi nghiệp, vậy những sắc pháp vô tri ví dụ đối tượng của cái thấy thì có thể được gọi là uẩn được hay không?

Sarah:            Vừa rồi Achaan có nói tất cả sắc như âm thanh, đối tượng thị giác thì đều là sắc uẩn. Nhưng không phải tất cả các sắc đều được tạo duyên bởi nghiệp mà cũng có những sắc được tạo bởi tâm, vật thực, thời tiết, có những nguyên nhân khác nhau để tạo sắc.

Bốn uẩn còn lại là những thực tại có thể kinh nghiệm một đối tượng. Trong bốn uẩn còn lại đó thì một số là quả của nghiệp và một số thì không phải là quả của nghiệp. Chẳng hạn nhãn thức- thức thấy hiện giờ, nó là thức uẩn và là kết quả của nghiệp. Sau khi nhãn thức diệt đi, lại có những tâm khác sinh khởi và suy nghĩ về cái được thấy, đó cũng là thức nhưng không phải là quả của nghiệp. Cũng tương tự như vậy, tâm ở khoảnh khắc của nhãn thức là quả của nghiệp thì những tâm sở đồng sinh như xúc, thọ, tưởng, nhất tâm v.v… cũng là quả của Nghiệp. Những tâm sở  thiện hoặc bất thiện sinh khởi sau cái thấy không phải là quả của Nghiệp.

Vị sư 1:          Sư có hiểu thêm một vài vấn đề. Tuy nhiên vẫn còn thắc mắc, chưa rõ được nghi ngờ. Sư muốn hỏi chẳng hạn bản chất của cái ly này có sinh và diệt hay không?

Sarah:            Cái mà chúng ta gọi là ly đó là gì về mặt thực tại, đó là uẩn nào?

Vị sư 1:          Đó là điều sư muốn hỏi, nó có thuộc về Sắc uẩn hay không?

Sarah:            Cái cứng hoặc đối tượng thị giác thì là sắc uẩn. Nhưng cái ly thì không phải là một thực tại mà là khái niệm, nó không sinh và diệt. Nếu không có suy nghĩ nghĩ về cái được thấy và được xúc chạm thì không thể có suy nghĩ về cái ly. Cái ly không thể được xúc chạm, không thể được thấy. Cái được xúc chạm là cái cứng, cái được thấy là đối tượng thị giác. Do vậy cái ly thì không phải là uẩn.

Vị sư 1:          Ý sư không phải nói đến cái ly mà là bản chất của cái ly tức là đối tượng được thấy, nó có sinh và diệt hay không?

Sarah:            Cái được thấy là sắc uẩn, đó là đối tượng thị giác, nó sinh và diệt. Vì nó sinh và diệt, nó là sắc uẩn, không phải là một cái gì đấy, không phải là tự ngã.

Người phiên dịch: Con xin phép hỏi sư, bởi vì câu này con đã từng hỏi Achaan, khi con hỏi như vậy Achaan có nói là “Làm sao biết được đây là cái ly?”

Vị sư 1:          Biết đó là cái ly thì phải có tưởng để biết rằng đó là cái ly.

Người phiên dịch: Để biết khái niệm về cái ly thì phải có đối tượng thị giác, phải có sự xúc chạm sinh khởi trước đó, đúng không ạ?

Vị sư 1:          Đúng

Người phiên dịch: Do đó bản chất thực sự của cái ly là các thực tại sinh và diệt, vì thế nó là uẩn.

Vị sư 1:          Trước giờ sư cứ nghĩ cái gì thuộc về uẩn là thuộc về cơ thể vật chất này còn những thứ bên ngoài chẳng hạn âm thanh cũng sinh và diệt nhưng nó không phải là sắc uẩn.

Sarah:            Có 28 loại sắc và 28 loại sắc đó bao gồm tất cả các thực tại có thể được thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, là những thực tại không kinh nghiệm gì cả, mà ta vẫn gọi là thân người hay bàn, ghế. Vừa nãy sư có nói “ngồi thiền khi đau có nên đứng dậy hay không?” Cái mà ta coi là thân thực chất là sắc. Nhưng không phải chỉ sắc của thân, mà bất cứ cái gì không kinh nghiệm thì đều là sắc, nhưng do sự dính mắc nên ta mới chỉ coi thân mình là sắc uẩn mà thôi. Trong phần niệm thân- kayanupassana trong Tứ niệm xứ không chỉ nói đến sắc của thân, mà còn nói đến các sắc mà ta vẫn nhầm tưởng là thân của tôi. Bởi lẽ, về mặt thực chất, khi có kinh nghiệm về sự xúc chạm, dù sự xúc chạm đó diễn ra ở đây – khi chạm vào tay mình-,  hay khi chạm vào cái bàn thì về mặt bản chất chỉ có kinh nghiệm sắc mà thôi, chứ không phải đây là chạm vào thân tôi còn kia là chạm vào cái bàn – đó chỉ là chế định. Chính vì vậy khi có ý niệm đây là thân của tôi đang đau, liệu tôi có cần phải cử động thân của tôi hay không, thì ở khoảnh khắc đó không có cái hiểu đúng về sắc chỉ là sắc, mà ngược lại có ý niệm là thân của tôi.

Vị sư 1:          Như vậy tất cả những gì thể hiện tính chất như cứng mềm nóng lạnh, chuyển động thì đều là sắc uẩn?

Sarah:            Đúng vậy. Khi chúng ta nói đến thọ khổ, và rằng bây giờ nên thay đổi tư thế để bớt đau thì khi đó có ý niệm về sự kiểm soát, nhưng điều đó không đúng với sự thực, bởi cái đau là một cảm thọ, nó được kinh nghiệm bởi thân thức và đó là quả của nghiệp quá khứ, nếu nghiêp là thiện thì quả của nó sẽ là thọ lạc trên thân, nếu nghiệp là bất thiện thì quả của nó sẽ là thọ khổ trên thân, không có ai có thể kiểm soát được.Thân thức là một thực tại hữu vi, là thức uẩn, không phải là tự ngã, không phải là ai cả. Thọ lạc hay thọ khổ cũng đều là thực tại hữu vi, những  uẩn do duyên tạo thành và không phải là ta, không ai có thể kiểm soát được.

Học viên 5:    Vừa rồi mới nói về sắc uẩn, tiếp theo con muốn được nghe chia sẻ về  danh uẩn. Ví dụ lúc mình đói bụng có cảm giác cồn cào nơi bụng thì có phải thuộc sắc uẩn, vậy còn cảm giác thèm ăn muốn ăn thì có phải là danh uẩn không?

Achaan:         Để có thể hiểu ý nghĩa từ uẩn một cách kỹ lưõng, tôi sẽ đặt câu hỏi thay cho việc trả lời ngay vào câu hỏi của bạn. Liệu khandhā – uẩn có thể được thấy không?

HV 5:             Không.

Học viên 2:   Có

Achaan:         Loại uẩn nào có thể được thấy?

HV 2:             Sắc uẩn.

Achaan:         Vậy cái gì trong sắc uẩn có thể được thấy, có phải là tất cả sắc uẩn được thấy không?

HV 2:             Chỉ đối tượng thị giác là có thể được thấy.

Achaan:         Âm thanh cũng là sắc uẩn, nhưng âm thanh không thể được thấy, chỉ duy nhất một sắc uẩn có thể được thấy, đó là đối tượng thị giác. Đó chính là cái đang xuất hiện hiện giờ đối với cái thấy trong khoảnh khắc này. Cái được thấy không thể kinh nghiệm gì cả, nó là thực, và đó là nghĩa của sắc uẩn. Sắc uẩn có thể được thấy hoặc không. Chẳng hạn như âm thanh, không ai có thể thấy âm thanh, nhưng âm thanh là thực Trong giấc mơ  đối tượng thị giác có xuất hiện không ?

Ai đó trả lời: Không

Achaan:         Bởi vì khoảnh khắc của giấc mơ thì không có cái thấy, không có đối tượng thị giác xuất hiện. Đó chỉ là sự nhớ tưởng về cái đã được kinh nghiệm, dù đó là âm thanh hay đối tượng thị giác hay cái gì khác. Những thực tại khác cũng là thực nhưng không thể là đối tượng của cái thấy. Chỉ có duy nhất một sắc là có thể được thấy, đó là đối tượng thị giác. Tất cả các sắc là các thực tại hữu vi đều sinh và diệt, chúng ta không cần gọi đó là uẩn với nghĩa một nhóm nào đó cụ thể, nhưng chúng ta cần phải hiểu bất cứ cái gi đã sinh thì phải diệt, và cái sinh và diệt thì đều là uẩn.

Cái nghe có phải là uẩn không? Hiện giờ đang có nhĩ thức, nó thuôc loại uẩn nào? Cái nghe có phải là sắc uẩn hay không? Nó là uẩn nhưng không phải là sắc uẩn. Bây giờ có nhĩ thức sinh khởi và nó kinh nghiệm một âm thanh, nó không thể làm nhiệm vụ nào khác, nó không thể thấy, không thể ngửi hay xúc chạm, nhưng nó nghe âm thanh và cũng sinh và diệt. Đau có phải là uẩn không ?

HV 2:             Có.

Achaan:         Tại sao?

HV 2:             Bởi vì nó cũng sinh và diệt

Achaan:         Đau là uẩn nào? Nó có phải là sắc uẩn không?

HV 2:             Nó là thọ uẩn.

Achaan:         Đừng vội đặt tên cho nó, chúng ta hãy suy xét về nó, chẳng hạn đau là thực đúng không? Nó thực nhưng nó sinh và diệt và không còn ở đấy nữa, do đó nó là uẩn. Khi cái đau đã diệt đi rồi thì nó ở đâu?

Vị sư 1:          Không thể nói nó ở đâu được.

Achaan:         Nó không ở đâu cả, khi không có duyên cho nó sinh khởi thì nó không có mặt. Chỉ ở khoảnh khắc được tạo duyên thì nó mới sinh khởi và rồi nó diệt đi, chính vì vậy nó là uẩn. Đau thì là thọ và không phải là sắc. Trước khi chia thành nhóm hay đặt tên nó là loại uẩn này hay uẩn kia thì chúng ta chỉ cần biết về sự khác nhau giữa danh uẩn và sắc uẩn mà thôi. Chúng ta không cần vội đi sâu vào thọ uẩn, trước hết hãy phân biệt cái nào là danh uẩn cái nào là sắc uẩn.

Bây giờ chúng ta sẽ bàn về đói, đói là uẩn nào? Đói thì dễ chịu hay khó chịu?

Vị sư 1:          Khó chịu.

Achaan:         Cái gì kinh nghiệm sự khó chịu đó? nếu không có yếu tố kinh nghiệm thì sẽ không thể có cảm nhận gì cả. Vậy cái gì kinh nghiệm nó? Khi cái đau xuất hiện, đối tượng của sự kinh nghiệm đó (cái cứng, mềm….) không xuất hiện. Khi chạm vào một thứ rất cứng thì có dễ chịu không?

Vị sư 1:          Không dễ chịu.

Achaan:         Ở khoảnh khắc đó có thọ khổ sinh khởi tức là đau sinh khởi. Chẳng hạn, khi ta chạm vào một lưỡi dao, trước khi kịp có ý niệm về lưỡi dao thì thọ đau đã khởi lên rồi. Thực tại sinh khởi làm nhiệm vụ cảm nhận thì khác với các thực tại khác như tưởng hoặc tác ý. Nó chỉ sinh khởi để cảm nhận đối tượng mà thôi. Cái bàn có thể đói được không? Vậy cái gì đói, thế nào là đói? Về bản chất, đó là một thực tại cảm nhận. Chúng ta gọi đó là đói. Ở khoảnh khắc cái đói sinh khởi, không phải là toàn thân đói, nó chỉ xuất hiện ở một số nơi cụ thể, nó không phải ở mắt, ở mũi hay ở tay. Tại sao Đức Phật lại dạy về tất cả những thứ này, là để chúng ta thấy rõ bản chất vô ngã của tất cả các pháp. Chúng ta có thể thực sự quy y Pháp khi hiểu rằng tất cả các pháp đều là vô ngã.

HV 5:              Như vậy cảm giác đói có phải là sắc uẩn không? Cái biết mình đang đói có phải là danh uẩn không?

Achaan:         Sự khác biệt giữa cái cứng ở trong thân và cái cứng ở bàn này là gì? Cái cứng không thể kinh nghiệm gì cả, dù ở đâu cũng thế, nó không thể cảm nhận. Chính vì vậy ta phải làm rõ sự khác biệt giữa sắc uẩn và danh uẩn. Vậy cái đói có phải là uẩn không?

HV 5:             Cái đói cũng là uẩn ạ.

Achaan:         Cái đói có phải là sắc uẩn không?

HV 5:             Cái cảm giác đói thì là sắc uẩn.

Achaan:         Sắc thì nó có thể cảm nghiệm gì không?

HV 5:             Cảm thọ khổ ạ.

Achaan:         Vậy cảm thọ khổ có phải là sắc uẩn không?

HV 5:             Cảm thọ khổ thì nó thuộc về danh uẩn. Dạ con đã hiểu rồi

Câu hỏi online: Bước tiếp theo chúng ta nên làm gì khi đã có hiểu biết đầy đủ ở mức độ lý thuyết về vô thường, khổ và vô ngã?

Achaan:         Tiếp tục thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm do duyên như thường lệ mà thôi.

Câu hỏi online: Làm thế nào để hiểu về tâm từ một cách đúng đắn và kinh nghiệm nó như nó là?

Achaan:         Chúng ta cần phải hiểu tâm từ là gì? Nó có thực không? Nó có phải là sân không? Hay nó là sự thân thiện? Bất cứ cái gì sinh khởi đều có đặc tính riêng của nó. Nhưng chúng ta không hiểu rằng đó chỉ là Uẩn mà thôi.

Câu hỏi online:        Xin bà cho lời khuyên đối với người cư sỹ, làm thế nào để giữ giới trong đời sống hàng ngày?

Achaan:         Câu hỏi thực sự phải đặt ra là sẽ giữ giới với ý niệm về ngã hay với sự hiểu biết đây? Thông thường thì bất cứ ai cũng có thể giữ giới nhưng vẫn có cái ý niệm rằng tôi giữ giới. Nhưng về bản chất, đó chỉ là một thực tại sinh khởi với hiểu biết rằng bất thiện pháp này sẽ mang tới những quả xấu, nó là bất thiện, nó không có lợi. Chính hiểu biết đó sẽ tạo duyên cho sự giữ giới, chứ không có ai ở đó cả. Một cách tuyệt đối, ai là người sẽ không bao giờ phạm phải ngũ giới đây?

Người phiên dịch: Một vị Tu đà hoàn.

Achaan:         Đúng vậy. Chúng ta có thể thấy rằng kể cả những khi không phạm tội ác lớn, nhưng những nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như khi chúng ta chơi trò đá bóng có sử dụng những tiểu xảo khác nhau, đó cũng là bất thiện, đúng không? Dù là lừa đảo lớn hay ăn gian nhỏ thôi thì vẫn là bất thiện.

Chính vì vậy Đức Phật không ra lệnh cho mọi người không được sát sinh, mà Đức Phật dạy cho mọi người hiểu được hiểm họa của việc sát sinh để người đó hiểu và không còn sát sinh. Khoảnh khắc giữ giới có phải là khandha không? Đúng, bất cái gì sinh khởi cũng đều là khanda, giữ giới cũng là uẩn mà thôi. Ở khoảnh khắc có cái hiểu về vô ngã, khi chúng ta nói về khandha, bất cứ uẩn nào cũng là vô ngã. Kể cả khi chúng ta nói câu “ ngũ uẩn ngũ uẩn” nhưng thực chất ý niệm về tôi, về một cái ngã vẫn có đó. Cho nên khi chúng ta nói “sắc uẩn” chẳng hạn, cần phải hiểu thực sự sắc uẩn là gì, chỉ là uẩn thôi, hiểu rõ chứ không phải chỉ là ngôn từ.

Học viên 1:    Trước tiên con xin tri ân Achaan, trong suốt ba ngày qua những lời giảng của Bà đã mang đến những hiểu biết rất mới mẻ, những điều trước đây chúng ta đã từng học mà tưởng là đã hiểu, nhưng vẫn chưa hiểu một cách thực sự. Một số người đến với chương trình này với ý nghĩ là sẽ học một phương pháp nào đó để họ có thể tự thực hành. Nhưng rõ ràng cái điểm tóm tắt về những điều Achaan thuyết giảng đó là: Không thể có sự thực hành nếu không có hiểu biết; Không có phương pháp của ai đó ấn định mà thực chất đó là giáo lý phải được truyền dạy bởi một vị có thẩm quyền và hiểu biết sâu sắc về những lời dạy của Đức Phật; Giáo pháp phải được nghe và suy xét một cách chân thật để có thể tạo duyên cho những hiểu biết và những hiểu biết đó sinh khởi thì nó sẽ làm duyên cho hiểu biết ở mức cao hơn và dẫn đến sinh khởi của Trí tuệ. Nói một cách khác cái hiểu biết đó nó sẽ làm duyên cho sự phát triển của chánh niệm và Trí tuệ. Xin Achaan cho biết con hiểu như thế có đúng hay không?

Achaan:         Mặc dù là đúng nhưng hiểu biết phải rất chi tiết, chẳng hạn chúng ta nói về khandhā- uẩn. Không chỉ dùng từ “khandha” mà thôi, mà cần phải hiểu thực tại của khandha mà chúng ta đang nói tới, đặc tính của thực tại đó là gì.

HV 1:             Như vậy để hiểu được thì chúng ta cần phải phát triển hiểu biết về các đặc tính của các thực tại? Tức là trước khi chúng ta có thể hiểu về vô thường, vô ngã và khổ, nếu mà chúng ta không hiểu được đặc tính của các thực tại thì chúng ta sẽ không hiểu được vô thường, vô ngã và khổ.

Achaan:         Chỉ có một tâm kinh nghiệm một đối tượng ở một khoảnh khắc mà thôi, như vậy chỉ có một thực tại có thể là đối tượng của trí tuệ ở một khoảnh khắc. Ở khoảnh khắc của cái thấy, không có ai thấy, mà là tâm và tâm sở thấy, chúng sinh khởi để thấy đối tượng được thấy, và rồi chúng diệt đi. Hiểu biết phải rất chi tiết. Khổ đế là sự thật về tất cả các thực tại hữu vi. Tuệ giác có thể xuyên thấu sự sinh diệt của thực tại, chứ không chỉ đơn thuần nghĩ về nó mà thôi. Như vậy từ giờ trở đi, chúng ta không cần đi tìm pháp ở đâu cả, không cần đi tìm uẩn ở đâu cả, bởi vì bây giờ đang có uẩn, đang có pháp, nhưng không có hiểu biết đúng về những gì đang sinh khởi. Như vậy chỉ cần tiếp tục nghiên cứu và lắng nghe để hiểu hơn một cách đúng đắn về tất cả những gì đã có sẵn hiện giờ. Mặt trăng là gì nào? Mặt trăng xuất hiện đối với cái thấy chứ không thể xuất hiện đối với sự xúc chạm đúng không? Nhưng vì nó là đối tượng được thấy, nó là thực. Vậy thì nó là uẩn nào đây?

Ai đó trả lời: Rupa khandhā.

Achaan:         Mặt trăng không thể cảm nhận, không thể kinh nghiệm, vì vậy nó là sắc uẩn. Nó có cứng không? Mặc dù chúng ta không thể chạm vào nó nhưng chúng ta hiểu rằng nếu không có tứ đại, sẽ không thể có cái được thấy, bởi vì đối tượng thị giác luôn sinh khởi với tứ đại. Mặt trăng cũng là cứng mềm nhưng mà ta không thể chạm vào nó. Ngoài ra, cùng sinh khởi với tứ đại còn có những sắc khác như dưỡng chất, mùi, vị luôn luôn sinh khởi cùng nhau không bao giờ tách rời.

Sadhu sadhu sadhu!            

Comments are closed.

Translate »