Nương nhờ Giáo Pháp của Đức Phật. Chương 3: Ý nghĩa của Pháp

Chương 3

Ý nghĩa của Pháp

Buổi thảo luận thứ hai tại Battambang

Buth Sawong: Làm thế nào để chúng ta có thể thực hành đúng theo tứ niệm xứ?

        Khun Sujin: Mọi người thường hỏi làm thế nào để họ thực hành Tứ niệm xứ. Cả ở Thái lan cũng vậy, mọi người thường hỏi câu này. Thay cho việc hỏi chúng ta nên thực hành như thế nào và băn khoăn về điều ấy, chúng ta nên có hiểu biết đúng về các thực tại, về các pháp chân đế ngay từ ban đầu. Tại khoảnh khắc này chúng ta đang thấy và nghe, có các thực tại và, như Đức Phật đã dạy, chúng đều là vô ngã. Thấy chỉ là một khoảnh khắc tâm sinh khởi do duyên và liền diệt mất. Thay cho việc phân vân phải thực hành như thế nào thì chúng ta nên hiểu về những thực tại xuất hiện tại khoảnh khắc này. Chúng ta cần hiểu rằng thấy là pháp, nghe là pháp, ngửi là pháp, nghĩ là là pháp. Tất cả mọi thứ đều là pháp, không bao giờ thiếu pháp cả. Liệu trí tuệ đã biết rõ đặc tính của các pháp như chúng là hay chưa? Mọi người không nên cố gắng thực hành theo một cách khiên cưỡng mà cần phải phát triển hiểu biết đúng đắn hơn về các thực tại đang sinh khởi một cách tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày.

        Buth Sawong: Vậy dhamma chính xác là gì?

        Khun Sujin: từ “dhamma” chỉ đến tất cả những gì có thực. Tiếng Pali, từ “sacca dhamma”, tức là pháp đế hay pháp thực cũng được sử dụng, và từ này được dùng để chỉ những gì có thực. Ở thời điểm này có cái thấy, và đó là thực. Vì vậy cái thấy là pháp đế, là pháp thực, nghe cũng là pháp đế, là pháp thực. Tại khoảnh khắc này có pháp đế hay pháp-dhamma, nhưng khi có vô minh, dhamma không được nhận biết. Đức Phật, khi giác ngộ, đã xuyên thấu được từng loại pháp và nhận biết chính xác được bản chất của chúng. Ngài hiểu rằng chỉ có các thực tại sinh khởi bởi các duyên tương ứng và không có một chúng sinh, một con người hay cái ngã nào cả. Tuy nhiên, chừng nào chúng ta vẫn chưa hiểu thực tại như chúng là, chúng ta vẫn còn bám dính vào tà kiến rằng “tôi đang thấy”, “tôi đang nghe” và chúng ta dính mắc vào những sắc trên thân là “thân của tôi”.

        Buth Sawong: Một số người nghĩ rằng cuộc sống thường ngày của chúng ta tại giây phút này thì không phải là dhamma, là pháp. Điều đấy có đúng hay không?

        Khun Sujin: Nếu khoảnh khắc này không phải là dhamma thì khi nào mới là dhamma?

        Buth Sawong: Tất cả những gì được thấy, được nghe dù là hữu tình hay không thì đều là dhamma, là pháp.

        Khun Sujin: Đúng vậy, và tất cả các pháp đều vô ngã. Chúng ta đọc trong Kinh Pháp cú:

        Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường

        Tất cả các pháp hữu vi đều khổ

        Tất cả các pháp đều vô ngã

Điều ấy chỉ cho chúng ta rằng mọi thứ, không có gì ngoại trừ, đều là pháp, là một thực tại vô ngã. Đặc tính cứng, chẳng hạn, là dhamma. Liệu có ai có thể tạo nên sự sinh khởi của tính cứng hay không? Không có ai có thể tạo nên sự sinh khởi của tính cứng. Nó sinh khởi bởi những duyên riêng của nó, và tất cả các hiện tượng có thật đều là pháp.

        Buth Sawong: Vậy ý nghĩa của việc xuyên thấu bản chất thực sự của dhamma – pháp là gì?

        Khun Sujin: Tại thời điểm hiện giờ, thực tại đang sinh khởi. Trước khi chúng ta có thể xuyên thấu được bản chất thực sự của pháp thì chúng ta cần phải biết đặc tính của từng thực tại ở một thời điểm mà chúng ta vẫn thường cho là ta. Hiểu biết về pháp được duyên bởi việc nghe, nghiên cứu và suy xét. Bằng cách này, chúng ta sẽ biết rằng có hai loại thực tại: danh pháp, thực tại biết hay kinh nghiệm thứ gì đó, và sắc pháp, thực tại không kinh nghiệm gì cả. Chẳng hạn, “thấy” là thực tại kinh nghiệm cái xuất hiện qua mắt, còn cái xuất hiện qua mắt, đối tượng thị giác, thì không biết gì cả. Khi trí tuệ hiểu một cách rõ ràng các đặc tính của danh pháp và sắc pháp chỉ là các thực tại không phải là ngã, rồi nó sẽ chứng ngộ sự sinh và diệt của các pháp ấy và sẽ xuyên thấu được Tứ Thánh Đế.

        Buth Sawong: Tôi biết rằng tất cả các thực tại đều không phải là ngã, không phải là một chúng sinh, không phải là một người. Tôi biết rằng tất cả mọi thứ có tâm và không có tâm đều vô thường, nhưng tôi muốn biết sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế có nghĩa là như thế nào. Phải chăng sự nhận biết rằng các thực tại đều là vô thường và khổ, chính là chứng ngộ Tứ Thánh Đế?

        Khun Sujin: Biết được những thứ này vẫn chưa phải là xuyên thấu Tứ Thánh Đế.

        Buth Sawong: Biết rằng mọi thực tại khổ và vô ngã, đó có phải là chánh kiến về chân lý hay không?

        Khun Sujin: Có chăng cái hiểu về khổ hiện giờ, trong khi bạn đang ngồi đây? Cái hiểu về dukkha hiện giờ là gì? Nói cách khác, vào thời điểm này có chánh niệm hay không, có sự phát triển của Bát chánh đạo hay không? Nếu chánh niệm không sinh khởi, liệu có thể có hiểu biết rằng thực tại đang thấy là danh, rằng nó sinh và diệt, rằng nó là vô thường hay không?

        Buth Sawong: Đâu là duyên để cho sukha – lạc và dukkha – khổ sinh khởi?

        Khun Sujin: Dù một người là người Campuchia hay người Thái, dù là sống ở đâu, dù là nghèo hay giàu, chừng nào người ấy vẫn còn phiền não thì người ấy sẽ có dukkha. Bởi vì tham, sân, si khiến người ấy lo lắng và cảm thấy bị đè nén, và người ấy sẽ bị khổ đau. Không có ai thực sự hạnh phúc và an vui tĩnh lặng trừ khi đã trở thành một vị a la hán, người đã diệt tận toàn bộ phiền não, người khi chết đi sẽ đạt Bát niết bàn. Vị A la hán sẽ không còn tái sinh và vì vậy sẽ không còn dukkha đối với vị ấy nữa. Tôi đánh giá rất cao mối quan tâm về pháp mà các đạo hữu Campuchia đã thể hiện. Thiện pháp của các bạn trong quá khứ đã tạo duyên cho mối quan tâm của các bạn với việc nghe pháp hôm nay. Các bạn đang nghe bởi vì các bạn biết rằng Giáo pháp là nơi trú ẩn thực sự của các bạn. Chúng ta có thể nghe ở thời điểm này, vì còn nghiệp là duyên để cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp tục từ giây phút này đến giây phút khác, dù chúng ta đang ở đâu. Giây phút của thấy hay nghe một cái gì đó dễ chịu, dù chúng ta đang ở Campuchia hay đâu nữa thì đều là kết quả của nghiệp thiện. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả các kinh nghiệm dễ chịu qua các căn là sự thực rằng, các bạn, do nhân duyên từ việc nghe Giáo pháp trong quá khứ, đã có đủ niềm tin hôm nay để tiếp tục nghe và tiếp tục phát triển hiểu biết đúng. Bằng cách ấy, các đặc tính của thực tại đang sinh khởi hiện giờ có thể được hiểu như chúng là. Không có gì khác trên thế giới này có giá trị hơn Tam bảo, Tam bảo thực sự là nơi nương tựa của chúng ta.

        Buth Sawong: Liệu chúng ta có nên xua đuổi phiền não hoặc chạy trốn khỏi phiền não hay không?

        Khun Sujin: Phiền não đi kèm với tâm, chúng đã được tích lũy. Dù bạn có trốn đi đâu chăng nữa thì phiền não vẫn luôn luôn theo đuổi bạn. Nơi nào có tâm thì có phiền não. Nhưng khi tâm là kusala – tức là thiện tâm, khi có trí tuệ, thì sẽ không có tham (lobha), sân (dosa) hay si (moha); vào giây phút đó sẽ không có phiền não tạo nên đau khổ.

        Buth Sawong: Tôi nên làm gì để vượt qua phiền não?

        Khun Sujin: Bạn tin rằng bạn có thể tự mình vượt qua phiền não ư? Hay bạn nên phát triển trí tuệ, mà chính trí tuệ đó sẽ đảm nhận chức năng tận diệt phiền não?

        Buth Sawong: Một số người hỏi họ nên làm gì để có thể đạt niết bàn?

        Khun Sujin: Tại thời điểm này niết bàn không xuất hiện. Bạn đang thấy hay đang nghe hiện giờ. Nếu bạn đã xuyên thấu đặc tính của các thực tại đang xuất hiện hiện giờ thì sự dính mắc vào các thực tại ấy có thể được loại bỏ. Khi trí tuệ đã được phát triển đến mức độ có thể đạt được giác ngộ thì tâm sẽ quay lưng lại với các pháp hữu vi, tức là các thực tại do duyên khởi luôn sinh và diệt, nó sẽ không còn mong muốn kinh nghiệm chúng nữa; nó hướng tới thực tại vô vi là niết bàn. Và vào thời điểm giác ngộ thì trí tuệ là trí tuệ siêu thế.

        Buth Sawong: Mọi người có đặt câu hỏi về những mức độ khác nhau của các vị thánh Dự lưu (sotapanna), của những người đã đạt được giai đoạn đầu tiên của sự giác ngộ. Các vị thánh Dự lưu khác nhau có số lần tái sinh khác nhau và các kiểu tái sinh khác nhau.

        Khun Sujin: Điều ấy tùy thuộc vào mức độ sức mạnh của trí tuệ của vị thánh Dự lưu đó. Nếu như mức độ trí tuệ của vị ấy rất lớn thì vị ấy sẽ chỉ tái sinh một lần nữa mà thôi. Nếu mức độ trí tuệ của vị ấy ít hơn thì vị ấy sẽ tái sinh nhiều hơn một lần. Nhưng theo kinh điển thì một vị Thánh Dự lưu sẽ không bao giờ tái sinh lại quá bảy lần.

        Buth Sawong: Làm sao có thể có những mức độ trí tuệ khác nhau mà cùng xuyên thấu Tứ Thánh Đế ở giây phút giác ngộ? Liệu có thể phân biệt giữa trí tuệ ở mức độ cao và mức độ thấp hay không?

        Khun Sujin: Điều này có thể so sánh với việc nhiều thí sinh khác nhau cùng thi đỗ. Tất cả họ đều đỗ nhưng một số người đỗ điểm cao và một số người đỗ điểm thấp, tùy vào mức độ kiến thức và khả năng của họ. Cũng như vậy, khi giác ngộ đạt được thì trí tuệ của những người khác nhau có mức độ khác nhau và dù nó ở mức độ thấp hơn hay cao hơn thì nó đều xuyên thấu Tứ Thánh Đế.

Comments are closed.

Translate »