Nương nhờ Giáo Pháp của Đức Phật

LỜI GIỚI THIỆU

Cuốn sách này là tập hợp những buổi pháp đàm về Đạo Phật  giữa Khun Sujin va những bạn đạo Campuchia vào năm 1992 và năm 1993 tại tỉnh Nakorn Nayok gần biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Ông Buth Sawong, người hướng dẫn của nhóm này, đã học tiếng Thái trong bảy năm để có thể theo dõi chương trình của Khun Sujin trên một kênh phát thanh về Đạo Phật mà ở Campuchia cũng nghe được. Vài năm trước đó, một người bạn mù đã khuyến khích ông nghe Khun Sujin giảng pháp. Vào ban ngày ông Buth Sawong nghiên cứu Đạo Phật và đến buổi tối thì giải thích cho người khác những gì mà ông đã nghe được về sự phát triển chánh kiến, về danh và sắc trong cuộc sống hàng ngày. Mọi người thông thường nghĩ rằng, mình cần phải ngồi yên để có thể phát triển trí tuệ như là Đức Phật đã dạy; điều mà họ đã học được từ Khun Sujin về sự phát triển trí tuệ trong cuộc sống hàng ngày khá là mới mẻ đối với họ. Khi tôi gặp ông Buth Sawong tại Thái Lan, ông nói ông chưa từng được nghe những lời dạy về sự phát triển chánh kiến như vậy. Ông rất hạnh phúc được biết rằng sự phát triển ấy cần phải được diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Người Thái giúp đỡ ông Buth Sawong lập nên một trạm phát thanh mới và bây giờ ông đã có chương trình riêng của ông trên hai kênh khác nhau. Ông cũng là người đã dịch cuốn “Vi diệu pháp trong đời sống hàng ngày” của tôi ra tiếng Campuchia.

Một trong những thành viên của nhóm này là một ảo thuật gia rất nổi tiếng khắp Campuchia và ông ấy cũng đã giúp chúng tôi giải trí với những trò ảo thuật trong lúc ông ấy ở Thái Lan. Một điều còn tuyệt diệu hơn là sau mỗi buổi biểu diễn như vậy thì ông lại nói một bài pháp về Đạo Phật và giải thích rằng tất cả các trò ảo thuật của mình chỉ là những ảo giác và ảo giác thì khác với thực tại. Ông nói rằng mọi người không nên chỉ thích thú với những gì chỉ là ảo giác mà cũng cần phải học về các thực tại trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Đó chính là con đường trung đạo mà Đạo Phật đã dạy. Mọi người không cần phải ép mình đi theo những cách thực hành khó khăn khổ hạnh mà có thể phát triển hiểu biết về các hiện tượng xuất hiện tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả phiền não. Đức Phật dạy cách phát triển trí tuệ (hay chánh kiến) về tất cả những gì là thực của các hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày sinh khởi qua năm môn và ý môn. Hiểu biết này cuối cùng có thể đưa đến sự tận diệt của tất cả những xấu xa và lỗi lầm. Sự phát triển tuệ giác là chủ đề của các buổi pháp đàm về Đạo Phật được diễn ra tại Campuchia. Khun Sujin đã nhắc đi nhắc lại rằng điều kiện để phát triển hiểu biết trước tiên là nghe Giáo pháp và suy xét về những gì đã được nghe. Qua việc lắng nghe và suy xét, các điều kiện nhân duyên cần thiết sẽ được tích lũy để chánh niệm trực tiếp về thực tại sinh khởi, và tại mỗi một giây phút như vậy, hiểu biết hay trí tuệ trực tiếp về thực tại có thể được phát triển. Đức Phật dạy rằng không có ai cả, không có chúng sinh nào, không có cái ngã, cái mà chúng ta vẫn tưởng là tâm và thân của chúng ta chỉ là những hiện tượng danh và sắc khác nhau sinh khởi bởi các duyên tố và rồi lại diệt đi. Tất cả những thực tại như vậy, trong đó bao gồm cả chánh niệm và trí tuệ, đều là vô ngã, không có ai có thể kiểm soát sự sinh khởi của chánh niệm và trí tuệ, không có một phương pháp cụ thể nào cần phải được theo đuổi để phát triển hiểu biết đúng. Hiểu biết lý thuyết về thực tại nhờ việc nghe và suy xét là cơ sở cho trí tuệ trực tiếp về thực tại.

Cuốn sách này bao gồm các câu hỏi và câu trả lời. Tại mỗi buổi pháp đàm, có một người phiên dịch đã dịch những lời của Khun Sujin ra tiếng Campuchia và tóm tắt các câu hỏi của những người nghe. Ở Chương 6 chúng ta sẽ được đọc về cuộc đời riêng của Khun Sujin, và về quá trình bà bắt đầu quan tâm đến Giáo lý của Đức Phật. Bà có nói đến việc thiếu bản dịch của các kinh điển và chú giải ở Thái Lan trước năm 1957. Khi đã có thêm nhiều bản dịch thì bà trích dẫn nhiều hơn từ các kinh điển trong các buổi nói pháp của mình và do vậy đã khuyến khích được rất nhiều người tự đọc kinh điển. Bằng cách ấy, họ sẽ được dẫn dắt trực tiếp bởi Giáo lý chứ không đi theo những người khác một cách mù quáng. Khun Sujin cũng đã làm được rất nhiều trong sự xúc tiến việc dịch thuật các chú giải cổ về tạng Kinh sang tiếng Thái. Trong các bản ấn hành của kinh Phật ngày nay tại Thái lan, mỗi một bài kinh sẽ được đi kèm theo chú giải của kinh ấy.

Tôi hy vọng người đọc sẽ được tạo cảm hứng về sự phát triển chánh kiến trong đời sống hàng ngày, cũng giống như những người bạn Campuchia của chúng ta. Ông Buth Sawong đã chứng tỏ niềm tin rất lớn và sự kính trọng rất sâu sắc đối với Khun Sujin bởi vì ông coi bà như là một người mẹ, người đã cho mình một cuộc đời mới. Nếu như chúng ta học để áp dụng giáo lý của Đức Phật thì đúng là cuộc sống mới bắt đầu. Với sự trân quí sâu sắc nhất của mình đối với sự dậy dỗ của Khun Sujin và với niềm hoan hỷ lớn lao, tôi đã dịch cuốn sách về sự phát triển của chánh kiến này cho những người biết tiếng Anh. Tôi cũng ghi nhận sự trân trọng của mình đối với “Tổ chức Nghiên cứu và Hoằng dương Phật Pháp”; với người đã tài trợ cho việc ấn hành này là ông Robert Kirkpatrick; với ông Alan Weller , người đã xuất bản cuốn sách này.

Các trích dẫn từ Kinh bằng tiếng Anh hầu hết được lấy ở các bản dịch của Pali Text Sociaty (73 Lime Walk, Headington, Oxford, OX 37 AD, England). Tôi có thêm một số chú trích ở cuối trang để việc đọc cuốn sách này dễ dàng hơn. Trong phần Dẫn Nhập, tôi sẽ đưa ra các giải thích của mình và tóm tắt một số khái niệm và thuật ngữ của Đạo Phật nhằm giúp các bạn đọc chưa quen với chúng.

 

Nina Van Gorkom


Comments are closed.

Translate »