Lời giới thiệu
“Khảo cứu pháp chân đế” là một kiệt tác được viết bởi Achaan Sujin Boriharnwanaket, với sự kham nhẫn và trạng thái khẩn cấp tu niệm, nhằm giúp mọi người có được hiểu biết đúng đắn về thực tại. Cuốn sách giải thích một cách chi tiết về tâm (citta), tâm sở (cetasika) và sắc (rūpa). Toàn bộ cuốn sách toát lên tâm từ rộng lớn. Achaan Sujin nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng, hiểu biết về mặt lý thuyết, tức là chỉ biết tên của các thực tại, sẽ không đủ, mặc dầu nó là nền tảng của hiểu biết trực nhận. Mục đích thực sự của việc nghiên cứu Giáo pháp là thấy rằng: chính khoảnh khắc này đây là pháp, là vô ngã. Tất cả các thực tại cần phải được biết bây giờ, khi chúng sinh khởi, để tà kiến về ngã có thể được tận diệt.
Các trích dẫn từ Kinh bằng tiếng Anh hầu hết được lấy trong ấn phẩm của Pāli Text Society (P.T.S).
CHƯƠNG I. KINH ĐIỂN VÀ CÁC CHÚ GIẢI
Phật ngôn – Pháp và Luật mà Đức Phật đã thuyết giảng bao gồm chín thể tài, đó là Kinh (Sutta), Ứng Tụng (Geyya), Biện Giải (Veyyākaraṇa), Kệ Tụng (Gāthā), Cảm Hứng Ngữ (hay Tự Thuyết) (Udāna), Phật Thuyết Như Vậy (Như Thị Ngữ) (Itivuttaka), Tiền Thân Đức Phật (Bổn Sanh) (Jātaka), Vị Tằng Hữu (Abbhuta) và Phương Quảng (Vedalla)[1].
Kinh (Sutta)[2] bao gồm tất cả các bài thuyết Pháp, như Hạnh Phúc Kinh (Mangala Sutta), Tạng Luật (Vinaya Piṭaka[3]) và Nghĩa Tích (Niddesa).
Ứng Tụng (Geyya) bao gồm tất cả các bài kinh có kệ (gāthā), như Thiên có kệ (Sagāthā-vagga) trong Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya).
Biện Giải (Veyyākaraṇa), bao gồm tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka), các bài kinh không có kệ và những lời dạy của Đức Phật không nằm trong tám thể tài còn lại.
Kệ Tụng (Gāthā) bao gồm Pháp Cú (Dhammapada), Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā) và Trưởng Lão Ni Kệ (Therigāthā) và các phần của Kinh Tập (Sutta-nipāta) không được gọi là “Kinh” và hoàn toàn dưới dạng kệ.
Cảm Hứng Ngữ (hay Tự Thuyết – Udāna) bao gồm tám mươi hai bài kinh với kệ được tụng bởi Đức Phật, với cảm hứng do trí và hỷ.
Như Thị Ngữ (hay Bổn Sự – Itivuttaka)[4] bao gồm một trăm mười bài kinh bắt đầu với “Phật Thuyết Như Vậy” (tiếng Pāli là “Vuttaṃ h’etaṃ Bhagavatā”)
Tiền Thân Đức Phật (hay Bổn Sanh Jātaka) bao gồm năm trăm năm mươi câu chuyện về các tiền kiếp của Đức Phật và các đệ tử của Ngài, bắt đầu với Chuyện Pháp Tối Thượng (Apaṇṇaka Jātaka)
Vị Tằng Hữu (Abbhuta) bao gồm các bài kinh liên quan tới những điều diệu kỳ và tuyệt hảo.
Phương Quảng (Vedalla) bao gồm các bài kinh hỏi – đáp có kết quả là sự sinh khởi trí tuệ và hoan hỷ, chẳng hạn như Kinh Tiểu Phương Quảng (Cullavedalla Sutta)
Phật ngôn bao gồm tám mươi tư ngàn pháp uẩn. Đại đức Ānanda học tám mươi hai ngàn pháp uẩn từ Bậc Thiện Thệ và hai ngàn pháp uẩn từ các vị tỳ kheo, phần lớn là từ Đại đức Sāriputta (Xá Lợi Phất). Mỗi chủ đề là một pháp uẩn. Như vậy, một bài kinh về một chủ đề sẽ là một pháp uẩn. Khi có các câu hỏi và trả lời, mỗi câu hỏi là một pháp uẩnvà mỗi câu trả lời lại là một pháp uẩnkhác.
Khi kinh điển được chia thành Tam Tạng (Tipiṭaka), chúng được xếp làm ba phần, bao gồm: Tạng Luật (Vinaya), Tạng Kinh (Suttanta) và Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma)
Tạng Luật bao gồm năm quyển, đó là:
- Yết Ma Và Truyền Giới Pháp (Parivāra)
- Đại Phân Tích (Mahāvibhaṅga)
- Phân Tích Tỳ Kheo Ni (Bhikkhunī-vibhaṅga)[5]
- Đại Phẩm (Mahāvagga)
- Tiểu Phẩm (Cullavagga)
Chú giải cho Tạng Luật là Samantapāsādikā.
Cuốn Tạng Kinh bao gồm năm bộ Nikāya, đó là Trường Bộ (Dīgha Nikāya)[6] (hay Đối Thuyết Của Đức Phật)[7], Trung Bộ (Majjhima Nikāya)[8], Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Nikāya)[9], Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya)[10] và Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya)[11]
Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya) là tập hợp các bài kinh dài (“dīgha” có nghĩa là “dài”) bao gồm ba mươi tư bài kinh. Bộ này lại được chia làm ba phẩm (vagga)[12]:
- Phẩm Giới Uẩn (Sīla-kkhandha-vagga) (“sīla” có nghĩa là “giới”, còn “khandha” có nghĩa là “uẩn”, “nhóm”)
- Đại phẩm (Mahā-vagga) (“mahā” có nghĩa là “đại”, “lớn”)
- Phẩm Pāṭika (Pāṭika-vagga), gọi theo tên bài kinh đầu tiên; Pāṭika là một tên riêng.
Chú giải của bộ này là cuốn Sumaṅgalavilāsinī.
Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) là tập hợp các bài kinh có độ dài trung bình (“Majjhima” có nghĩa là “trung”) và bao gồm một trăm năm mươi hai bài kinh. Bộ này được chia làm ba phần, tiếng Pāli gọi là “paṇṇāsa”, có nghĩa là “năm mươi”. Hai phần đầu tiên gồm năm mươi kinh mỗi phần, còn phần thứ ba gồm năm mươi hai kinh. Chúng được gọi như sau:
- Mūla-paṇṇāsa (“mūla” có nghĩa là “gốc rễ”), bao gồm năm phần, mỗi phần mười bài kinh.
- Majjhima-paṇṇāsa, bao gồm năm phần, mỗi phần mười bài kinh.
- Upari-paṇṇāsa (“upari” có nghĩa là “trên” hoặc ‘về sau”), bao gồm năm phần, trong đó bốn phần có mười bài kinh và phần thứ năm có mười hai bài kinh.
Chú giải của bộ này là Papañcasūdanī.
Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya) là một nhóm các bài kinh [theo chủ đề] (“saṃyutta” có nghĩa là “tương ứng, liên kết”) được chia thành năm phần (thiên), đó là:
- Thiên Có Kệ (Sagāthā-vagga) (“gāthā” có nghĩa là “kệ, với kệ”) bao gồm mười một chương (tương ưng)
- Thiên Nhân Duyên (Nidāna-vagga) (“Nidāna” có nghĩa là “nguồn gốc” hoặc “nguyên nhân”), bao gồm chín tương ưng
- Thiên Uẩn (Khandha-vagga) (bàn về ngũ uẩn), bao gồm mười ba tương ưng.
- Thiên Sáu Xứ (Saḷāyatana-vagga) (“Saḷāyatana” có nghĩa là “sáu xứ”), bao gồm mười tương ưng.
- Thiên Đại Phẩm (Mahā-vagga), bao gồm mười hai tương ưng.
Chú giải của bộ này là cuốn Sāratthappakāsinī.
Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya) bao gồm các bài kinh được xếp theo số lượng các chủ đề pháp (pháp số) đề cập tới trong mỗi bài. Chúng được xếp theo thứ tự tăng dần, từ một đến mười một. Tổng cộng có tất cả mười một chương (Nipāta). “Chương một Pháp” bao gồm tất cả các bài kinh với một loại chủ đề và cứ như vậy cho tới “Chương mười một Pháp”. Chúng bao gồm như sau:
- Eka-nipāta (“eka” có nghĩa là “một”), Chương Một Pháp
- Duka-nipāta (“duka”, xuất phát từ “dve” (hai) có nghĩa là “đôi”), Chương Hai Pháp
- Tika-nipāta, Chương Ba Pháp
- Catuka-nipāta, Chương Bốn Pháp
- Pañcaka-nipāta, Chương Năm Pháp
- Chaka-nipāta, Chương Sáu Pháp
- Sattaka-nipāta, Chương Bảy Pháp
- Aṭṭhaka-nipāta, Chương Tám Pháp
- Navaka-nipāta, Chương Chín Pháp
- Dasaka-nipāta, Chương Mười Pháp
- Ekādasaka-nipāta, Chương Mười Một Pháp
Chú giải của Tăng Chi Bộ Kinh là cuốn Manorathapūranī.
Ngoài bốn Nikāya này, còn có Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya), bao gồm các lời dạy của Đức Phật. Kinh này gồm các bộ sau:
- Kinh Tiểu Tụng(Khuddakapāṭha)[13]
- Kinh Pháp Cú(Dhammapada) [14]
- Kinh Phật Tự Thuyết (Cảm ứng ngữ) (Udāna)
- Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka)
- Kinh Tập (Suttanipāta)
- Chuyện Thiên Cung (Vimānavatthu)
- Chuyện Ngạ Quỷ (Petavatthu)
- Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā)
- Trưởng Lão Ni Kệ (Therigāthā)
- Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jātaka)
- Đại Nghĩa Tích (Mahā-Niddesa) (“niddesa” có nghĩa là “mô tả, trình bày”)
- Tiểu Nghĩa Tích (Cūḷa-Niddesa) (“Cūḷa” và “Culla” có nghĩa là “nhỏ, tiểu”)[15]
- Đạo Vô Ngại Giải (Paṭisambhidāmagga)
- Thánh Nhân Ký Sự (Apadāna)[16]
- Phật Tông (Buddhavaṃsa)
- Hạnh tạng (CariyāPiṭaka)
Các chú giải của Tiểu Bộ Kinh là các cuốn sau:
- Paramatthajotikā, chú giải cho Tiểu Tụng (Khuddakapātha) và Kinh Tập (Suttanipāta)[17]
- Dhammapadaṭṭhakathā, chú giải cho Kinh Pháp Cú (Dhammapada)
- Paramatthadīpanī, chú giải cho các cuốn Kinh Phật Tự Thuyết (Cảm Ứng Ngữ) (Udāna), Kinh Phật Đã Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), Chuyện Ngạ Quỷ (Petavatthu), Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā), Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā), Hạnh Tạng (CariyāPiṭaka) và Chuyện Thiên Cung (Vimānavatthu)[18]
- Jātakatthavaṇṇanā, Chú giải cho Tiền Thân Đức Phật (Jātaka)[19]
- Saddhammapajjotika, Chú giải cho Đại Nghĩa Tích (Mahā-Niddesa) và Tiểu Nghĩa Tích (Cūḷa-Niddesa)
- Saddhammappakāsinī, Chú giải cho Đạo Vô Ngại Giải (Paṭisambhidāmagga)
- Visuddhajanavilāsinī, Chú giải cho Thánh Nhân Ký Sự (Apadāna)
- Madhuratthavilāsinī, Chú giải cho Phật sử (Buddhavaṃsa).
Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka) bao gồm bảy bộ sau:
- Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇī), với Chú giải là Aṭṭhasālinī[20]
- Bộ Phân Tích (Vibhaṅga), với Chú giải là Xua Tan Si Ám (Sammohavinodanī)[21].
- Bộ Chất Ngữ (Giới Thuyết) (Dhātukathā)
- Bộ Nhân Chế Định (hay Nhân Thi thuyết-Puggalapaññatti)
- Bộ Ngữ Tông (hay Những điểm dị biệt – Kathāvatthu)
- Bộ Song Đối (Yamaka)[22]
- Bộ Duyên hệ (Paṭṭhāna)[23]
Chú giải cho năm bộ sau là cuốn Pañcappakara-ṇatthakathā[24]
Đa số các chú giải cho Tam Tạng tới từ tay của nhà Chú giải vĩ đại Buddhaghosa[25]. Ngài đã dịch các Chú giải cổ sang tiếng Pāli, tập hợp và sắp xếp các tài liệu từ các Chú giải cổ được viết bằng tiếng Tích lan (Sri Lanka). Các Chú giải này, cuốn Mahā-Atthakathā, Mahā-paccarī và Kuruṇḍi có từ thời Trưởng lão Mahinda, con trai của Hoàng đế Asoka (A dục), người đã tới Sri Lanka để hoằng pháp.
Lại nữa, có các phụ chú giải, tiếng Pāli là “ṭīkā” chú thích cho các chú giải. Chúng bao gồm: Sārattha Dīpanī, phụ chú giải cho Samantapāsādikā, là chú giải của Tạng Luật; Sārattha Mañjūsā, phụ chú giải cho Tạng Kinh; Paramatthapakāsinī, phụ chú giải cho Tạng Vi Diệu Pháp; ngoài ra còn có các anuṭīkā (“anu” có nghĩa là “dọc theo”), là các chú thích về nghĩa từ và các thuật ngữ trong Phụ chú giải. Ngoài các tác phẩm đã được kể trên, có một số tài liệu cần thiết cho việc nghiên cứu Giáo pháp đã được soạn bởi các bậc Trưởng lão[26] đủ năng lực để nối tiếp Giáo pháp. Đó là các tác phẩm sau:
- Mi Tiên Vấn Đáp (Milindapañha), được soạn vào khoảng năm 500 Phật Lịch (43 trước C.N).
- Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), một bách khoa toàn thư về Đạo Phật, soạn bởi Buddhaghosa vào khoảng năm 1000 Phật lịch (457 sau C.N).
- Vi Diệu Pháp Toát Yếu (Abhidhammattha Saṅgaha), soạn bởi Đại đức Anuruddha khoảng năm 1000 Phật lịch (457 sau C.N)[27].
- Sārattha Saṅgaha, soạn bởi Đại đức Nanda khoảng năm 1000 Phật lịch(457 sau C.N).
- Paramattha Mañjūsa, một phụ chú giải cho Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), soạn bởi Đại đức Dhammapāla.
- Saccasaṇkhepa (Có nghĩa là “Trình bày sự thật”), soạn bởi Đại đức Dhammapāla.
- Abhidhammattha-vibhāvinī-ṭīka, một phụ chú giải cho Vi Diệu Pháp Toát Yếu (Abhidhammattha Saṅgaha), soạn bởi Ngài Sumangala của Tích Lan (Sri Lanka).
- Moha Vicchedanī, lý giải Bộ Pháp Tụ và Bộ Phân Tích, soạn bởi Đại đức Kassapa của Tích Lan, khoảng năm 1703 Phật lịch (năm 1160 sau C.N)
- Mangalattha Dīpanī, lý giải Hạnh Phúc Kinh (Mangala Sutta), thuộc Tiểu Tụng (Khuddakapāṭha, số 5), soạn bởi Đại đức Sirimangala ở Chiangmai (Thái lan)[28].
Chú thích
[2] Thuật ngữ Pāli “Sutta” có nghĩa là “cái được nghe” (Phật ngôn được nghe).
[4] Trong Chú Giải Bộ Pháp Tụ, con số là một trăm mười hai.
[5] P.T.S đã chỉnh lý và dịch hai cuốn này thành ba phần, gọi là Sutta Vibhaṅga (Phân tích giới bổn).
[6] Nikāya có nghĩa là “thân” hay “tập hợp”.
[7] Bản tiếng Anh của P.T.S được dịch với tựa đề là “Đối Thuyết Của Đức Phật”.
[8] Bản tiếng Anh được in làm ba tập.
[9] Bản tiếng Anh được in làm năm tập.
[10] Bản tiếng Anh được in làm năm tập.
[11] Bộ này bao gồm mười sáu phần đã được chỉnh lý in thành ba tập, nhưng vẫn có phần chưa được dịch sang tiếng Anh.
[12] Các phần này được xuất bản bằng tiếng Pāli, nhưng chưa có bản tiếng Anh.
[13] Đã được dịch sang tiếng Anh và hiệu đính bởi P.T.S thành một tập cùng với bản dịch của chú giải của nó, cuốn Minh Họa Ý Nghĩa Tối Hậu.
[14] Có nhiều bản dịch tiếng Anh của tài liệu này.
[15]Đại Nghĩa Tích (Mahā-Niddesa) và Tiểu Nghĩa Tích (Cūḷa-Niddesa) chưa được dịch sang tiếng Anh
[16] Cuốn này chưa được dịch sang tiếng Anh
[17] Chú giải cho Kinh Tiểu Tụng (Khuddakapātha) đã được dịch sang tiếng Anh, nhưng chú giải cho Kinh Tập (Sutta Nipāta) thì chưa được dịch sang tiếng Anh.
[18] Các bản đã được dịch sang tiếng Anh gồm: Chú giải Cảm Hứng Ngữ, Chú giải Chuyện Thiên Cung, Chú giải Chuyện Ngạ Quỷ, Chú giải Trưởng Lão Ni kệ
[19] Trong bản tiếng Anh của Tiền Thân Đức Phật có thêm một phần của Chú giải.
[20] In làm hai tập.
[21] In làm hai tập.
[22] Yamaka có nghĩa là “đôi”. Bộ này chưa được dịch ra tiếng Anh.
[23] Một phần của Bộ Duyên Hệ đã được dịch ra tiếng Anh. Ngoài ra cũng có cuốn “Hướng dẫn tìm hiểu Bộ Duyên Hệ” (Guide to Conditional Relations) gồm hai tập của U Narada (Miến điện) lý giải một phần của Bộ này. Hiện này cuốn sách này đã hết lưu hành.
[24] Mới chỉ có Chú giải của Bộ “Những Điểm Dị Biệt” được dịch sang tiếng Anh, với tựa đề “Chú Giải Đối Ngữ” (Debates Commentary).
[25] Ngài sống vào thế kỷ thứ năm Tây lịch, và ngự tại Đại tu viện Anurādhapura, Srilanka
[26] Thera (trưởng lão) là bậc huynh bá trong hàng xuất gia, là vị tỳ kheo đã được thọ giới từ ít nhất mười năm.
[27] Ấn bản của P.T.S đề xuất rằng niên đại của cuốn này nằm trong giai đoạn thế kỷ 8 đến thế kỷ 12 sau C.N
[28] Tôi cũng có thể thêm vào danh sách này cuốn Nettippakaraṇa, được dịch sang tiếng anh là Hướng dẫn (The Guide) bởi nhà xuất bản P.T.S và Peṭakopadesa (có nghĩa là Disclosure of the Pitaka – Hé mở về Tạng) vẫn chưa được dịch ra tiếng Anh. Theo truyền thống, những cuốn này được biên soạn bởi một trường phái có nguồn gốc từ đại đức Mahā-Kaccana (Đại Ca Chiên Diên), một trong các bậc đại đệ tử của Phật. Dhammapāla đã viết một chú giải về cuốn Netti, có thể vào thế kỷ thứ 5 sau C.N