Đạo Phật trong đời sống hàng ngày: chương 13

 

Chương 13 – Bát chánh đạo

Câu hỏi: Tôi hiểu rằng chánh niệm là cần thiết; nhưng tôi vẫn chưa biết làm thế nào để chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày. Tôi thấy mình không có thời gian cho việc đó; tôi phải làm việc.

Nina: Phát triển tuệ minh sát, Vipassanā, chính là phát triển hiểu biết sâu sắc về bản thân mình, về cuộc sống hàng ngày của mình. Tuy nhiên, dường như mọi người muốn biết các thứ khác chứ không phải là bản thân họ. Phải chăng chúng ta sợ biết về bản thân mình? Đức Phật đã chỉ ra rằng, hiểu biết về bản thân mình ích lợi hơn hiểu biết về những thứ khác.

Chúng ta đọc trong Thanh tịnh đạo (XII, 82), Đức Phật đã làm cho hoàng hậu của vua Māha-Kappina cùng một nghìn vị phu nhân khác đi theo không nhìn thấy vua và các cận thần của đức vua đang ngồi cạnh đó. Chúng ta đọc như sau:

… và khi đó Hoàng hậu hỏi: “Bạch Thế Tôn, Ngài có thấy vua đâu không?”, Đức Phật nói: “Ngươi nên tìm vua, hay tìm chính ngươi”. Bà đáp: “Bạch Thế tôn, tìm chính con”. Sau đó Đức Phật đã giảng pháp cho Bà nghe trong lúc Bà ngồi đó, khiến cho Bà cùng với các phu nhân đều chứng quả Dự lưu, còn quần thần chứng Bất lai, vua chứng A-la-hán quả.

Sự phát triển tuệ giác không nên bị tách khỏi cuộc sống hàng ngày; chính trong cuộc sống hàng ngày, tuệ giác, hay hiểu biết đúng, về các thực tại cần được phát triển. Cần có chánh niệm về danh và sắc xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Bằng cách ấy, chúng ta đang phát triển Bát chánh đạo. Nếu mọi người nói rằng họ không có thời gian để phát triển tuệ giác, họ không hiểu Bát chánh đạo là gì.

Câu hỏi: Bát chánh đạo chính xác là gì? Có phải nó cũng như chánh niệm không? Nó có thiết yếu cho sự giác ngộ hay không? Liệu sự giác ngộ có khiến ta hạnh phúc hơn và giúp ta hoàn thành nghĩa vụ của mình tốt hơn không?

Nina: Khi nói về một thực tại, chúng ta nên biết đó là loại thực tại nào, nếu không chúng ta không thể có hiểu biết đúng về nó. Loại thực tại tuyệt đối nào, hay pháp chân đế nào (paramattha dhammā) (1), là Bát chánh đạo? Có bốn pháp chân đế:

Tâm (citta)

Tâm sở (cetasika)

Sắc (rūpa)

Niết bàn (nibbāna)

Bát chánh đạo bao gồm tám chi và là các tâm sở. Chúng là các tâm sở tịnh hảo (sobhana cetasikas) sinh khởi cùng với tâm tịnh hảo, cái hay biết đặc tính của danh và sắc. Qua chánh niệm về danh và sắc, Bát chánh đạo sẽ được phát triển. Khi giác ngộ, tám chi bát chánh đạo sẽ sinh khởi cùng với tâm siêu thế (supramundane citta) – tâm kinh nghiệm niết bàn. Khi đó, Bát chánh đạo là tâm siêu thế. Khi các chi của Bát chánh đạo không sinh khởi cùng với tâm siêu thế, Bát chánh đạo lúc ấy là Bát chánh đạo hiệp thế.

Bạn đã hỏi tôi liệu Bát chánh đạo có giống như chánh niệm hay không. Chánh niệm, hay sati, là một chi thuộc Bát chánh đạo; nó được gọi là “sammā-sati” (2) hay “chánh niệm”. Như bạn đã biết, chánh niệm sinh khởi cùng với tâm tịnh hảo. Chánh niệm là sammā-sati của Bát chánh đạo khi nó sinh khởi cùng với trí tuệ, paññā, hiểu biết đặc tính của danh hay sắc sinh khởi qua một trong sáu môn. Bất kỳ khi nào có chánh niệm về đặc tính của danh hay sắc đang xuất hiện, khi đó Bát chánh đạo đang được phát triển.

Câu hỏi: Như vậy, đối tượng của Bát chánh đạo có thể là bất kỳ đặc tính nào của danh hay sắc xuất hiện qua một trong sáu môn, phải vậy không?

Nina: Đúng vậy. Một người hay một cái cây là khái niệm hay ý niệm mà chúng ta có thể nghĩ đến, nhưng chúng không phải là những thực tại tuyệt đối xuất hiện một mình tại một thời điểm qua sáu môn. Chỉ những thực tại tuyệt đối mới là đối tượng của Bát chánh đạo. Cái thấy là một thực tại, nó có đặc tính không thay đổi, đặc tính này có thể được biết trực tiếp mà không cần phải nghĩ về nó. Cái thấy là một danh pháp, nó kinh nghiệm đối tượng thị giác – cái xuất hiện thông qua nhãn căn; không có người nào thấy cả. Cái nghe là một thực tại khác, nó có đặc tính không thay đổi; nó có thể được biết trực tiếp khi nó xuất hiện. Cái nghe là một danh pháp, nó kinh nghiệm âm thanh qua nhĩ căn; không có người nào nghe cả. Nếu chúng ta học để thấy danh và sắc như chúng là, tà kiến về ngã sẽ bị diệt trừ.

Câu hỏi: Tôi được biết rằng đối tượng của Bát chánh đạo là thuộc về Tứ niệm xứ hay “satipaṭṭhāna”, gồm có niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp. Vậy âm thanh có thuộc đối tượng của chánh niệm không?

Nina: Âm thanh có phải là thực không?

Câu hỏi: Nó là thực

Nina: Tại sao nó là thực?

Câu hỏi: Bất kỳ ai cũng có thể kinh nghiệm âm thanh thông qua tai.

Nina: Vì âm thanh là thực, nó có thể được kinh nghiệm, liệu có thể có chánh niệm về nó hay không?

Câu hỏi: Có, có thể có chánh niệm về nó.

Nina: Âm thanh là một đối tượng của chánh niệm hay tứ niệm xứ, bởi vì nó là một thực tại, nó có đặc tính riêng có thể được kinh nghiệm. Nếu có chánh niệm về đặc tính của âm thanh thường xuyên hơn, chúng ta sẽ biết rằng nó chỉ là một loại sắc pháp có thể được kinh nghiệm thông qua nhĩ căn và nó khác với danh pháp kinh nghiệm âm thanh.

Câu hỏi: Thế còn cảm thọ ưu, nó cũng là đối tượng của chánh niệm phải không?

Nina: Nó là thực hay không?

Câu hỏi: Chắc chắn rồi

Nina: Vậy thì nó là đối tượng của chánh niệm hay tứ niệm xứ. Mọi thực tại có thể được kinh nghiệm qua sáu môn đều có thể là đối tượng của chánh niệm hay tứ niệm xứ.

Về câu hỏi của bạn liệu bát chánh đạo có thiết yếu cho sự chứng ngộ hay không: Nó là thiết yếu, không có cách nào khác. Khi đạt đến giai đoạn đầu tiên của sự giác ngộ, giai đoạn của vị thánh Tu đà hoàn (Sotāpanna), tà kiến về ngã sẽ bị tận diệt hoàn toàn. Sự dính mắc vào ý niệm về ngã có thể được tận diệt chỉ khi chúng ta phát triển tuệ giác để thấy rõ mọi hiện tượng trong và xung quanh chúng ta chỉ là danh và sắc và không có gì khác ngoài danh và sắc. Khi đó, các thực tại sẽ được biết như chúng là.

Bạn cũng hỏi liệu Bát chánh đạo có làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, liệu nó có giúp chúng ta hoàn thành nghĩa vụ của mình tốt hơn không. Phiền não của chúng ta làm cho chúng ta đau khổ và có lúc chúng ta thấy cuộc sống rất khó khăn. Trong phát triển Bát chánh đạo, chúng ta không thể ngay lập tức diệt trừ được phiền não, nhưng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đời mình. Khi bớt dính mắc vào ý niệm về ngã, cuộc sống của chúng ta sẽ bớt tối tăm. Chánh kiến mang đến lợi ích cho cả bản thân mình lẫn người khác. Khi hiểu hơn về cuộc đời mình, chúng ta cũng sẽ hiểu hơn về cuộc đời người khác. Thông qua sự phát triển tứ niệm xứ, sẽ dần dần có thêm duyên cho các tâm thiện sinh khởi cùng với tâm từ và tâm bi. Khi thực hiện các nghĩa vụ hàng ngày của mình với thiện tâm, bạn có nghĩ rằng chúng ta sẽ thực hiện nghĩa vụ đó tốt hơn không?

Câu hỏi: Bà đã giải thích rằng tám chi của Bát chánh đạo là tám tâm sở tịnh hảo. Có phải tất cả tám chi này đều sinh khởi với chánh niệm không?

Nina: Không phải tất cả tám chi đều sinh khởi cùng nhau khi tâm không phải là tâm siêu thế – “lokuttara citta” kinh nghiệm niết bàn. Khi tâm siêu thế sinh khởi tại thời điểm giác ngộ, cả tám chi đều sinh khởi cùng với tâm siêu thế.

Câu hỏi: Chi đầu tiên trong Bát chánh đạo là gì?

Nina: Chi đầu tiêu là chánh kiến (sammā-ditthi) hay hiểu biết đúng. Chánh kiến là một loại trí tuệ, nó hiểu trực tiếp đặc tính của danh hay sắc đang xuất hiện thông qua một trong sáu môn. Thiếu hiểu biết đúng về danh và sắc và về cách phát triển Bát chánh đạo, sẽ không thể đạt tới giác ngộ.

Chúng ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (Tập V, Chương XII, Tương ưng sự thật, Phần IV, Mục 7, Ví dụ mặt trời) rằng chánh kiến là “điềm đi trước” sự giác ngộ Tứ diệu đế. Tứ diệu đế sẽ đạt được tại giây phút giác ngộ. Chúng ta đọc Đức Phật đã nói rằng:

Này các Tỳ kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, đây là điềm đi trước, đây là tướng báo trước sự giác ngộ như thật bốn Thánh đế, tức là chánh tri kiến…

Với Tỳ kheo có chánh tri kiến này, này các Tỳ kheo, chờ đợi là vị ấy sẽ rõ biết: “Ðây là Khổ”… “đây là Khổ tập”… “đây Khổ diệt”… “đây là con đường đưa đến Khổ diệt”….

Do vậy, này các Tỳ kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là con đường đưa đến Khổ diệt.

Chúng ta cần biết mình muốn phát triển Bát chánh đạo để làm gì. Vì sao ta muốn phát triển nó?

Câu hỏi: Tôi muốn phát triển Bát chánh đạo để tận diệt phiền não như sự sân hận, ghen tị, ích kỷ và tất cả các loại tâm bất thiện khác, nói cách khác là tất cả những gì được gọi là xấu xa.

Nina: Mọi người nghĩ rằng Vipassanā có thể giải quyết mọi vấn đề một lúc và họ tin rằng phiền não có thể được diệt trừ ngay lập tức. Nhưng phiền não của chúng ta đã được tích lũy trong bao nhiêu kiếp rồi? Vì đã có từ vô lượng kiếp nên làm sao có thể tận diệt phiền não ngay lập tức được? Chừng nào chưa phải là thánh nhân, mục tiêu phát triển Vipassanā của chúng ta là biết sự thật về bản thân mình, để diệt trừ tà kiến về ngã. Phải vô cùng kiên nhẫn. Chúng ta không nên quên bài kinh về cán búa (Tương ưng bộ kinh Tập III, Năm mươi ở giữa, Chương V, Mục 101, Cán búa), trong đó Đức Phật đã dạy như sau:

Ví như, này các Tỳ kheo, một người thợ đá hay đệ tử người thợ đá, khi nhìn vào cán búa thấy dấu các ngón tay và dấu các ngón tay cái. Vị ấy không có thể biết được như sau: “Hôm nay, từng ấy cán búa của ta bị hao mòn; hôm nay từng ấy, các ngày khác từng ấy”. Nhưng vị ấy biết được cán búa bị hao mòn trên sự hao mòn của cán búa.

Cũng như vậy, một vài tà kiến sẽ bị diệt trừ mỗi khi có chánh niệm về danh hay sắc, nhưng chúng ta không thể thấy bao nhiêu phiền não đã được diệt trừ mỗi ngày.

Câu hỏi: Nhưng khi có sự dính mắc mạnh mẽ hay khi rất giận dữ, làm thế nào có thể chánh niệm vào lúc đó?

Nina: Khi có tâm tham căn (lobha-mūla-citta) hay tâm sân căn (dosa-mūla-citta), không thể có tâm sinh khởi cùng chánh niệm vào lúc đó, vì chỉ có thể có một tâm tại một thời điểm. Nhưng ngay sau khi tâm bất thiện diệt đi, có thể có tâm thiện sinh khởi cùng chánh niệm. Đặc tính của tâm bất thiện khi đó có thể là đối tượng của chánh niệm và nó có thể được biết như là danh pháp, không phải là ta.

Câu hỏi: Liệu chúng ta có thể không bị chi phối bởi tâm tham (lobha) hay tâm sân (dosa), đặc biệt khi chúng rất mạnh đến mức không thể chánh niệm được?

Nina: Liệu cái tham mạnh mẽ hay cơn giận thô tháo có phải là các thực tại không?

Câu hỏi: Có, chúng xuất hiện, chúng là những thực tại.

Nina: Vậy thì chúng có thể được biết như chúng là. Nếu cho rằng không thể hay biết loại thực tại cụ thể nào đó, chúng ta vẫn chưa hiểu Bát chánh đạo là gì – đó là sự phát triển hiểu biết đúng về bất kỳ thực tại nào đang xuất hiện. Một số người sợ bất thiện tâm đến mức họ cố gắng lẩn tránh thực tại xuất hiện tại khoảnh khắc đó. Họ nghĩ rằng họ nên áp dụng một phương pháp thực hành nhất định nào đó, như chú tâm vào hơi thở, nhằm điều khiển chánh niệm. Khi làm như vậy thay cho chánh niệm về thực tại xuất hiện tại giây phút hiện giờ, họ đang không phát triển Bát chánh đạo. Khi phát triển Bát chánh đạo – hay còn gọi là “trung đạo”, cần phải có chánh niệm về bất kỳ loại thực tại nào xuất hiện, kể cả tâm bất thiện.

Chúng ta có thể có xu hướng nghĩ rằng không nên chánh niệm về tâm bất thiện, đặc biệt là những loại mà ta thấy là rất xấu xa, như lòng tham dục hay cơn sân hận mạnh mẽ. Tại sao chúng ta lại lo lắng về những thực tại xuất hiện, dù rằng nó là tâm bất thiện? Chúng ta không thể thay đổi thực tại đã xuất hiện rồi, nhưng chúng ta có thể biết đặc tính của nó. Thật vô ích khi cứ tiếp tục lo lắng về sự ham muốn hay sân hận mạnh mẽ. Tại khoảnh khắc đó, chỉ có danh và sắc. Tại sao không thể biết các thực tại này như chúng là: chỉ là các hiện tượng do duyên khởi và hoàn toàn vô ngã?

Thông qua Vipassanā, chúng ta sẽ dần biết hơn về tâm bất thiện của mình, không chỉ là những loại tâm bất thiện thô mà cả các tâm bất thiện vi tế nữa. Không chỉ sự ham muốn mạnh mẽ mới là tham mà cả ưa thích những thứ đẹp đẽ cũng là tham. Chúng ta không thể ép mình không ưa thích những thứ đẹp đẽ vì chúng ta đã tích lũy dính mắc, mà chúng ta nên biết rằng tại khoảnh khắc đó, tâm không phải là tâm thiện mà là tâm bất thiện. “Trung đạo” không phải là ép bản thân thực hành theo lối cụ thể nào nhằm đè nén dính mắc, mà là biết bất kỳ thực tại nào xuất hiện. Chúng ta cũng nên biết cả tâm si căn (moha-mūla-citta) như chúng là. Chúng ta luôn không nhận ra khi nào có tâm si bởi vì tâm si căn không sinh khởi cùng với cảm thọ hỷ hay cảm thọ ưu mà với cảm thọ trung tính. Chúng ta có thể không nhận ra rằng khi cảm thọ là trung tính, có thể có tâm bất thiện. Khi không có tâm thiện thì cũng có không chỉ nhiều khoảnh khắc của tâm tham căn và tâm sân căn mà còn cả tâm si căn. Chúng ta thường vô minh về danh và sắc đang xuất hiện, có vô số khoảnh khắc thất niệm và vô minh. Si rất nguy hiểm. Si của ngày hôm nay tạo duyên cho si trong tương lai. Liệu còn bao nhiêu kiếp sống nữa chúng ta tiếp tục vô minh về các thực tại? Thông qua phát triển Vipassanā, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình vẫn vô minh về nhiều thực tại.

Câu hỏi: Tôi cứ nghĩ rằng Đức Phật nói ta nên chánh niệm mỗi khi hít vào và thở ra. Chẳng lẽ chúng ta không nên chú tâm vào hơi thở ư?

Nina: Chừng nào chúng ta còn thở, chừng đó vẫn còn sự sống. Trong suốt cuộc đời, chánh niệm nên được phát triển. Trong Vipassanā, chúng ta không chọn bất kỳ đối tượng cụ thể nào cho chánh niệm. Có thể có chánh niệm về bất kỳ loại danh hay sắc nào xuất hiện thông qua một trong sáu môn; bằng cách ấy tà kiến và hoài nghi về các thực tại mà chúng ta coi là “ngã” có thể được tận diệt.

Trong Vipassanā, chúng ta không phải theo bất kỳ luật lệ nào. Chúng ta không phải chú tâm vào hơi thở; nếu chúng ta chọn đối tượng cho chánh niệm và cố gắng kiểm soát chánh niệm bằng cách ấy, sẽ không có sự xả ly khỏi tà kiến về ngã. Khi nói về hơi thở, chúng ta đang sử dụng một thuật ngữ chế định trong ngôn ngữ hàng ngày. Những thực tại nào có thể được kinh nghiệm trực tiếp khi thở? Có thể có chánh niệm về những hiện tượng như đặc tính mềm, cứng, nóng, lạnh, sự chuyển động hay co dãn. Khi chúng xuất hiện thông qua thân căn, và chúng có thể được biết như là các loại sắc pháp khác nhau. Danh và sắc xuất hiện, nhưng không có cái ngã hay “cái ta” nào có thể quyết định loại thực tại nào nên được chánh niệm.

Câu hỏi: Dựa trên những gì bà nói về chánh niệm về danh và sắc, tôi có thể chấp nhận và hiểu rằng không có cái ngã nào, nhưng tôi không thể kinh nghiệm điều ấy là sự thực. Và đôi khi, tôi vẫn cảm thấy phải có một cái ngã – một người nào đó hướng tâm và ra quyết định. Chẳng hạn hôm nay tôi quyết định nghiên cứu Giáo pháp và giữ năm giới; tôi thấy rất khó tin là không có cái tôi hay cái ngã nào đưa ra lựa chọn này hay quyết định này.

Nina: Chừng nào chúng ta chưa phải là thánh nhân, tà kiến về ngã chưa thể bị tận diệt; vẫn còn có nhân duyên cho sự dính mắc vào ý niệm về ngã. Chánh niệm về danh và sắc sẽ dần dẫn đến hiểu rõ hơn mọi thứ như chúng là. Khi đó chúng ta sẽ nhận ra rằng, đưa ra quyết định là một loại danh do duyên khởi. Khi trí tuệ phát triển tới mức độ giác ngộ, sẽ không còn hoài nghi về các thực tại và sẽ có sự hiểu biết rõ hơn về vô ngã.

Để phát triển Chánh đạo, phải hiểu đúng về con đường phát triển ngay từ ban đầu. Nếu hiểu sai khi bắt đầu, ta có thể sẽ đi con đường sai trong một thời gian dài. Có thể sẽ rất khó tìm lại được con đường đúng. Nếu ta tiếp tục hiểu sai, sẽ lại tiếp tục có tà kiến trong bao nhiêu kiếp sống nữa?

Câu hỏi: Có phải phát triển Bát chánh đạo chỉ là quan sát mọi hiện tượng trong cuộc sống của chúng ta?

Nina: Ai quan sát? Có thể có ý niệm về “tôi” đang quan sát và chúng ta không nhận ra điều ấy.

Phát triển chánh kiến không phải là quan sát. Khi đối tượng thị giác xuất hiện, nó có thể được biết chỉ là một thực tại được kinh nghiệm thông qua nhãn căn, không phải là ai đó, không phải là cái gì đó. Khi cái thấy xuất hiện, nó có thể được biết chỉ là sự kinh nghiệm đối tượng thị giác, không có ai đang thấy. Khi chúng ta chú ý vào hình khối của cái gì đó, khi đó có một loại danh pháp khác, nó khác với cái thấy, và đặc tính riêng của nó cũng có thể được hay biết. Mọi thực tại xuất hiện thông qua sáu môn đều có thể là đối tượng của chánh niệm. Chánh niệm không phải là ta, nó sinh khởi bởi nó được tạo duyên nhờ việc nghe Giáo pháp, nhờ việc nghiên cứu Giáo pháp và nhờ suy xét chân chánh về Giáo pháp. Ngay từ khi bắt đầu, không nên có ý niệm về ngã – người đang quan sát các hiện tượng hay người có thể chọn đối tượng cho chánh niệm.

Hiểu biết cụ thể về mọi hiện tượng khác nhau đang xuất hiện nên được phát triển nhằm thấy các hiện tượng ấy như chúng là, là vô ngã, nằm ngoài sự kiểm soát. Đó là sự phát triển Bát chánh đạo.

********

Chú thích

(1) Một thực tại với đặc tính không đổi có thể được biết bởi kinh nghiệm trực tiếp khi nó xuất hiện qua một trong sáu môn. Nó khác với những khái niệm hay ý niệm mà ta có thể nghĩ tới, nhưng nó không có thực theo nghĩa tối hậu.

(2) Sammā có nghĩa là đúng, chánh.

 

Comments are closed.

Translate »