Con đường Đức Phật: Bát Chánh Đạo

Bát chánh đạo

==================

 

Sự phát triển của Bát chánh đạo dẫn đến mục tiêu của Giáo lý Đức Phật: chấm dứt khổ, dukkha. Như đã giải thích ở chương 2, Đức Phật dạy Tứ Thánh Đế: Sự thật của khổ, nguyên nhân của khổ, đó là tham ái, sự diệt khổ, đó là Niết Bàn, và con đường dẫn đến diệt khổ. Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ kinh (Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Sự Thật, II, Phẩm Chuyển Pháp Luân, §1 Như Lai Thuyết) thấy rằng Đức Phật khi đang ngự ở tại Isipatana, trong vườn Nai đã nói với nhóm năm tỳ kheo như sau:

Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?

Một là đắm say trong các dục (kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Khi có chánh niệm và chánh kiến về một thực tại xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày, vào khoảnh khắc đó không có chỗ cho dục lạc (lợi dưỡng), hay khổ hạnh. Khi ấy, ta đang trên con đường trung đạo, tức là Bát Chánh Đạo. Khi hiểu biết trực tiếp về thực tại dần được phát triển, tà kiến về ngã có thể được loại bỏ.  Khi ấy sẽ hiểu rõ rằng cái được cho là con người hay tự ngã thực tế chỉ là các hiện tượng danh và sắc sinh khởi và diệt đi ngay lập tức. Khi các thực tại sinh khởi do duyên riêng của chúng được hiểu như chúng thực là, là vô thường, khổ và vô ngã thì có thể đạt tới giác ngộ. Vào khoảnh khắc ấy, Niết Bàn được kinh nghiệm. Niết Bàn là một pháp vô vi, một thực tại không sinh và không diệt. Có bốn giai đoạn giác ngộ và ở các giai đoạn này các phiền não dần dần được loại bỏ. Trước hết là tà kiến về ngã cần được loại bỏ vì các phiền não khác không thể được tận diệt chừng nào chúng vẫn còn được cho là “tự ngã”. Tất cả mọi phiền não được tận diệt khi giai đoạn thứ tư, cũng là giai đoạn cuối cùng được chứng ngộ, đó là giai đoạn giác ngộ hoàn toàn của một vị “A-la-hán”. Ngài đã tận diệt hoàn toàn vô minh và tất cả các hình thức chấp thủ, dính mắc, không còn chút phiền não tiềm ẩn, ngủ ngầm nào còn sót lại. Vô minh và tham ái là duyên cho sự tái sinh luân hồi, cho sự tồn tại của chúng sinh trong vòng sinh tử. Khi vô minh và tham ái đã hoàn toàn tận diệt thì sẽ là sự chấm dứt vòng sinh tử, chấm dứt của khổ đau.

 

Việc phát triển Bát Chánh Đạo dẫn đến sự chấm dứt khổ. Để biết Bát Chánh Đạo là gì, các yếu tố của Bát Chánh Đạo được liệt kê trong bài kinh trích dẫn ở trên phải được xem xét một cách chặt chẽ hơn. Chúng là những tâm sở [Tiếng Pāli là cetasika] sinh kèm với tâm. Như đã giải thích ở trên, chỉ có một tâm  sinh khởi tại một thời điểm nhưng nó sinh kèm với các tâm sở, mỗi tâm sở thực hiện chức năng của mình trong khi hỗ trợ tâm  nhận biết đối tượng. Tâm sở có thể là bất thiện, thiện hoặc không thiện cũng không bất thiện, tương ứng với tâm đồng sinh. Ở khoảnh khắc Bát Chánh Đạo được phát triển, các tâm sở là các chi đạo sẽ thực hiện chức năng cụ thể của mình để có thể đạt được tới đích: tận diệt phiền não. Ngay từ đầu chúng ta nên nhớ rằng không có tự ngã, không có con người nào phát triển Bát Chánh Đạo mà chính là tâm và các tâm sở đồng sinh phát triển nó. Như chúng ta đọc trong kinh, tám chi (tám yếu tố) của Con đường là như sau:

 

– Chánh kiến

– Chánh tư duy

– Chánh ngữ

– Chánh nghiệp

– Chánh mạng

– Chánh tinh tấn

– Chánh niệm

– Chánh định

 

Chánh kiến hay hiểu biết đúng là nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất của Bát Chánh Đạo. Chánh kiến của Bát Chánh Đạo là gì? Có nhiều mức độ hiểu biết. Có thể có hiểu biết lý thuyết về Giáo lý của Đức Phật, về các hiện tượng danh và sắc. Tuy nhiên, yếu tố chánh kiến của Bát Chánh Đạo không phải là cái hiểu lý thuyết về thực tại. Khi nó được phát triển, có hiểu biết trực tiếp về bản chất thực sự của các hiện tượng danh và sắc xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, khi chánh kiến mới bắt đầu phát triển, nó chưa thể ngay lập tức là hiểu biết rõ ràng và trực tiếp. Các hiện tượng danh và sắc xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày cần phải được tìm hiểu, xem xét lặp đi lặp lại. Như đã giải thích ở chương 7, đối tượng của hiểu biết trực tiếp không phải là các khái niệm mà là các thực tại tối hậu. Đặc tính của cái thấy, của đối tượng thị giác, cái nghe, âm thanh, sự dính mắc hay buông bỏ có thể được tìm hiểu bởi chánh kiến của Bát Chánh Đạo. Bằng cách đó, chúng có thể được hiểu là các thực tại do duyên (pháp hữu vi), là vô ngã. Khi có duyên cho sự sinh khởi của chánh kiến, nó sẽ sinh khởi và xem xét thực tại hiện hữu qua một trong sáu căn vào thời điểm đó. Chánh kiến sinh khởi và diệt đi ngay lập tức cùng với tâm  đồng sinh, tuy nhiên, nó được tích lũy và vì vậy, khi có đủ nhân duyên, nó lại tiếp tục sinh khởi. Hiểu biết phát triển theo cách này; nó phát triển chứ không có ai phát triển nó. Chánh kiến có thể xuyên thấu đặc tính của vô thường, khổ và vô ngã và cuối cùng thấy được Tứ Thánh Đế.

 

Chánh Tư duy là một chi khác của Bát Chánh Đạo. Chánh tư duy hay suy nghĩ đúng không giống như cái mà chúng ta gọi là tư duy theo nghĩa thông thường (chế định). Khi sử dụng từ “tư duy” theo ngôn ngữ chế định, chúng ta muốn nói đến tư duy về một khái niệm, một sự kiện hay một câu chuyện. Theo nghĩa tột cùng, tư duy là một tâm sở (tâm sở tầm) đi kèm với nhiều loại tâm, dù không phải tất cả. Tầm “chạm vào” hoặc “tiếp xúc” đối tượng mà tâm kinh nghiệm, và theo cách này, nó hỗ trợ tâm nhận biết đối tượng. Tâm sở tầm kinh nghiệm cùng đối tượng với tâm  mà nó đi kèm. Đối tượng có thể là một khái niệm hay một thực tại tột cùng, một hiện tượng danh hay một hiện tượng sắc. Tư duy (tầm) sinh khởi chỉ trong một khoảnh khắc cực ngắn cùng với tâm và sau đó diệt đi cùng với tâm . Tư duy có thể là bất thiện, thiện, hay không bất thiện cũng không thiện. Khi nó là bất thiện thì là tà tư duy, và khi nó thiện thì là chánh tư duy. Yếu tố chánh tư duy của Bát Chánh Đạo sinh khởi cùng với yếu tố chánh kiến của Bát Chánh Đạo. Đối tượng của yếu tố chánh tư duy trong Bát Chánh Đạo là một thực tại xuất hiện tại thời điểm hiện tại. Ban đầu, có thể có hoài nghi liệu thực tại xuất hiện tại thời điểm hiện tại là một thực tại sắc, ví dụ như đối tượng thị giác, hay một thực tại danh, ví dụ như cái thấy. Khi chánh kiến mới chỉ bắt đầu phát triển thì chưa có hiểu biết chính xác về sự khác biệt về đặc tính của các thực tại này. Chức năng của yếu tố chánh tư duy của Bát Chánh Đạo là “xúc chạm” vào thực tại xuất hiện ở thời điểm hiện tại để chánh kiến có thể điều tra, xem xét đặc tính của thực tại đó. Bằng cách đó, hiểu biết chính xác về đối tượng đó có thể được phát triển cho đến khi không còn sự bối rối nhầm lẫn giữa đặc tính của một thực tại danh và một thực tại sắc. Chánh tư duy hỗ trợ chánh kiến xuyên thấu bản chất thực sự của thực tại: bản chất vô thường, khổ và vô ngã. Chính vì vậy chúng ta thấy rằng yếu tố Chánh tư duy của Bát Chánh Đạo rất cần thiết cho sự phát triển hiểu biết.

 

Có ba chi trong Bát Chánh Đạo là các yếu tố thuộc nhóm Giới, [tiếng Pāli là Sila ] đó là: chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Chúng có chức năng tiết chế tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng. Tà mạng là tà ngữ và tà nghiệp phạm phải vì lợi ích sinh nhai của mình. Khi có duyên cho sự tiết chế những bất thiện nghiệp này, các yếu tố thuộc nhóm Giới sẽ thực hiện chức năng tiết chế. Chỉ một yếu tố sinh khởi tại một thời điểm. Khi có sự tiết chế đối với tà nghiệp như sát sinh thì không đồng thời có tiết chế tà ngữ. Sự phát triển chánh kiến sẽ tạo duyên giữ giới, tuy nhiên, chỉ sau khi đạt được giác ngộ thì việc giữ giới mới trở nên bền vững. Người đã đạt được giai đoạn đầu tiên của sự giác ngộ thì không còn duyên phạm phải những nghiệp bất thiện dẫn đến tái sinh nơi khổ cảnh. Do đó, chánh kiến về thực tại hỗ trợ trực tiếp việc giữ giới trong cuộc sống hàng ngày. Như chúng ta đã thấy, chỉ một trong ba tâm sở tiết chế sinh khởi vào một thời điểm, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên vào thời điểm giác ngộ thì cả ba yếu tố Bát Chánh Đạo thuộc về Giới sẽ đồng sinh khởi. Lý do là vào thời điểm đó, chúng thực hiện chức năng tận diệt các nhân cho những hành vi sai trái như tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng. Các khuynh hướng tiềm ẩn của phiền não được tận diệt để không còn phát sinh trở lại. Như đã giải thích ở phần trước, phiền não được loại bỏ ở từng giai đoạn giác ngộ và chỉ ở giai đoạn thứ tư và là giai đoạn cuối cùng thì mọi bất thiện pháp mới được tận diệt hoàn toàn.

 

Chánh tinh tấn hay nỗ lực đúng đắn là một chi của Bát Chánh Đạo. Tinh tấn là tâm sở có thể sinh khởi cùng với tâm thiện, tâm bất thiện hoặc những tâm không có tính chất thiện hay bất thiện. Chức năng của nó là hỗ trợ và củng cố tâm. Khi nỗ lực là thiện, nó tạo duyên cho sự can đảm và kiên trì trong việc thực hành thiện pháp. Tinh tấn là chánh tinh tấn của Bát Chánh Đạo khi nó đi kèm với chánh kiến của Bát Chánh Đạo. Nó tạo duyên cho sự kiên trì tìm hiểu, xem xét thực tại xuất hiện tại thời điểm hiện tại, dù là hiện tượng danh hay sắc. Tinh tấn và kiên trì là điều không thể thiếu cho sự phát triển chánh kiến. Cần phải có sự hay biết các hiện tượng danh và sắc liên tục, lặp đi lặp lại trong suốt các kiếp sống để chánh kiến có thể thấy thực tại như chúng là, là vô thường, khổ và vô ngã. Khi chúng ta nghe từ “nỗ lực”, chúng ta có thể có một khái niệm về tự ngã, cái tôi tinh tấn, nỗ lực phát triển chánh kiến. Tinh tấn là vô ngã, là một tâm sở hỗ trợ cho chánh kiến. Khi có chánh niệm về một thực tại và trí tuệ xem xét bản chất của nó thì vào thời điểm đó có chánh tinh tấn thực hiện chức năng của mình. Chánh tinh tấn không sinh khởi theo ý muốn của chúng ta mà do duyên riêng của nó.

 

Chánh niệm là một chi khác của Bát chánh đạo. Như đã giải thích trong chương 7, có rất nhiều mức độ chánh niệm. Có chánh niệm với mỗi tâm thiện, nó có chức năng lưu tâm, không quên những gì là thiện. Chánh niệm là một chi của Bát Chánh Đạo khi nó đi kèm với chánh kiến của Bát Chánh Đạo. Có thể có hiểu biết lý thuyết về thực tại thông qua việc đọc và tư duy. Người ta có thể có tư duy đúng đắn về các hiện tượng của cuộc sống là vô thường và vô ngã. Tuy nhiên, để trực tiếp kinh nghiệm sự thật thì phải có chánh niệm về thực tại xuất hiện vào thời điểm hiện tại. Khoảnh khắc của chánh niệm là cực ngắn và nó diệt đi ngay lập tức. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc đó, trí tuệ có thể thẩm xét đặc tính của thực tại xuất hiện, và bằng cách này hiểu biết có thể phát triền dần dần. Chánh kiến sinh khởi cùng với chánh niệm nhưng chúng có chức năng khác nhau. Chánh niệm chuyên tâm, chú ý hoặc hay biết thực tại xuất hiện nhưng không xem xét bản chất của thực tại. Chánh kiến mới có chức năng thẩm xét và xuyên thấu bản chất của pháp xuất hiện vào thời điểm hiện tại.

 

Chánh định là một chi khác của Bát Chánh Đạo. Định hay nhất tâm là một tâm sở sinh khởi với mỗi tâm. Tâm kinh nghiệm chỉ một đối tượng tại một thời điểm, và định có chức năng tập trung vào đối tượng mà tâm kinh nghiệm. Định có thể đi cùng tâm thiện,  tâm bất thiện,  và tâm  không thiện cũng không bất thiện. Chánh định là định thiện. Có rất nhiều loại và mức độ chánh định. Như chúng ta đã thấy trong chương 7, có chánh định trong samatha. Khi an tịnh được phát triển đạt đến tứ thiền, có sự định tâm rất cao tập trung vào đề mục thiền. Không còn các kinh nghiệm ngũ quan như cái thấy hoặc cái nghe, và phiền não tạm thời được đè nén. Cũng có chánh định trong phát triển hiểu biết trực tiếp về các thực tại. Chi đạo chánh định trong Bát Chánh Đạo đi kèm với chánh kiến trong Bát Chánh Đạo. Nó tập trung một cách đúng đắn vào thực tại xuất hiện ở khoảnh khắc hiện tại, và thực tại này là đối tượng của chánh kiến (trí tuệ). Không cần phải có nỗ lực đặc biệt để tập trung vào các hiện tượng danh và sắc. Nếu người ta cố gắng tập trung thì có sự dính mắc với ý niệm “tôi tập trung” , và do vậy không có phát triển chánh kiến. Khi có duyên cho sự sinh khởi của chánh niệm và chánh kiến thì đã có chánh định tập trung vào thực tại hiện hữu vào thời điểm đó.

 

Một số người tin rằng trước hết cần phát triển về Giới (đạo đức), sau đó là Định rồi mới đến Tuệ. Tuy nhiên, tất cả các loại thiện pháp, dù là bố thí, trì giới hay an tịnh đều có thể phát triển song song với trí tuệ. Không có thứ tự đặc biệt nào trong sự phát triển thiện pháp. Tâm thiện là vô ngã, anattā. Khi đọc kinh điển, có thể bắt gặp một số đoạn nói về sự phát triển chánh định đạt tới tứ thiền. Điều này không có nghĩa là tất cả mọi người nên phát triển an tịnh đến mức tứ thiền. Như đã giải thích trong chương 7, có khả năng phát triển an tịnh hay không tùy phụ thuộc vào căn tính mỗi người. Đức Phật khuyến khích những người có khả năng phát triển an tịnh đến mức tứ thiền chánh niệm các thực tại để thấy tứ thiền cũng là vô ngã. Khi đọc kinh điển, mỗi chủ đề được thuyết giảng cần được xem xét trên nhiều khía cạnh, nếu không ta sẽ hiểu sai những gì đọc trong kinh điển. Những lời dạy của Đức Phật rất vi tế, sâu sắc và không dễ nắm bắt. Chúng ta đọc trong  Tương Ưng Bộ Kinh, (Thiên Đại Phẩm, Tương ưng Sự Thật, Phẩm Chuyển Pháp Luân, §9 Thi Thiết), Đức Phật nói với các Tỳ-kheo rằng:

Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, đã được Ta trình bày. Ở đây có vô lượng chữ (vannà –sắc thái), vô lượng văn (vyanjanà – ý nghĩa), vô lượng thi thiết (sankàsanà – cách mô tả). Ðây là Thánh đế về Khổ.

… Ðây là Khổ tập…

… Ðây là Khổ diệt…

Ðây là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đã được Ta trình bày. Ở đây có vô lượng chữ, vô lượng văn, vô lượng thi thiết. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

Do vậy, này Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

Bát Chánh Đạo cần phải được phát triển trong cuộc sống hàng ngày. Ta cần nhận biết tất cả thực tại, bao gồm những phiền não của mình, những pháp sinh khởi do duyên riêng của chúng. Ta không thể thay đổi thực tại sinh khởi, nó là vô ngã. Dễ có hiểu lầm về phát triển trí tuệ nếu chúng ta không hiểu đúng các đối tượng của chánh niệm và chánh kiến là gì. Vì vậy, cần nhấn mạnh một vài điểm liên quan đến chúng. Một số người tin rằng một nơi yên tĩnh thuận lợi hơn cho sự phát triển tuệ giác. Họ nên xem xét bản thân để hiểu được loại tâm nào thúc đẩy suy nghĩ của mình. Nếu một cư sĩ muốn sống như một nhà tu hành để có nhiều cơ hội phát triển trí tuệ hơn thì họ đang bị chi phối bởi ham muốn. Tùy thuộc vào điều kiện nhân duyên, căn tính mỗi người, mà người ta là tu sĩ hay cư sĩ. Cả tu sĩ và cư sĩ cần phát triển hiểu biết trong hoàn cảnh riêng của mình. Do đó người ta sẽ dần hiểu được căn tính, khuynh hướng tích lũy của mình. Sự phát triển Con đường Bát Chánh Đạo là sự phát triển Chánh kiến về các thực tại sinh khởi do duyên, kể cả tham, sân, si và các phiền não khác. Để nhắc nhở mọi người về các thực tại có thể là đối tượng của chánh niệm và chánh kiến, Đức Phật dạy “Tứ Niệm Xứ”. Tứ Niệm Xứ bao gồm tất cả các hiện tượng danh và sắc trong cuộc sống hàng ngày có thể là đối tượng của chánh niệm và chánh kiến. Đó là: Niệm Thân, gồm tất cả các hiện tượng sắc (thân/vật chất), Niệm Thọ, Niệm Tâm và Niệm Pháp, bao gồm tất cả các thực tại không đề cập trong ba Niệm Xứ kia. Niệm ở đây không có nghĩa là suy nghĩ về các thực tại. Nó là sự hay biết trực tiếp với chánh kiến. Chúng ta đọc trong kinh “Tứ Niệm Xứ ” (Trung Bộ Kinh, bài số 10) , khi Đức Phật đang ngụ trong cộng đồng người Kuru tại Kammāssadamma, đã nói với các Tỳ-kheo như sau:

 

“Này các tỳ kheo, đây là con đường duy nhất đưa đến thanh tịnh chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn, đó là Tứ Niệm Xứ.”

 

Những lời dạy về các chi của Bát Chánh Đạo cũng như về Tứ Niệm Xứ đều liên quan đến sự phát triển hiểu biết về các thực tại trong cuộc sống hàng ngày, nhưng thể hiện các khía cạnh khác nhau. Những thuyết giảng về các chi của Bát Chánh Đạo cho chúng ta thấy rằng, đối với sự phát triển tuệ giác, ngoài chánh kiến ra, còn có các chi đạo khác làm duyên cho chánh kiến thực hiện chức năng của nó, nhằm đạt được tới đích là tận diệt phiền não. Khi thuyết Tứ Niệm Xứ, Đức Phật khuyến khích mọi người chánh niệm ở mọi tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Trong Niệm Tâm, tâm được nhắc đến đầu tiên là tâm tham, điều này nhắc nhở chúng ta là không được trốn tránh các bất thiện pháp vì chúng cũng là đối tượng của chánh niệm. Đức Phật giải thích rằng có thể có chánh niệm về các thực tại dù đang đi, đứng, ngồi hay nằm, dù đang làm bất cứ việc gì. Những ai phát triển an tịnh và đạt được an tịnh tới mức độ nhập định, có thể chánh niệm các thực tại. Ngài còn chỉ ra rằng, không có thực tại nào không thể là đối tượng của chánh niệm hay trí tuệ. Khi người ta phát triển hiểu biết đúng về bất kỳ thực tại nào xuất hiện thì không cần phải suy nghĩ về Tứ Niệm Xứ hay các chi của Bát Chánh Đạo

 

Giáo lý của Đức Phật về phát triển hiểu biết đúng về các pháp rất thâm sâu, thật không dễ nắm bắt chánh niệm và chánh kiến là gì. Do vậy, tôi muốn giải thích thêm về các đối tượng của Chánh niệm thường xuất hiện trong đời sống hàng ngày. Môt số người tưởng rằng Chánh niệm là hay biết mình đang làm cái gì. Nếu hay biết về những gì mình đang làm, chẳng hạn như đọc sách hoặc đi bộ, thì đã có suy nghĩ về các khái niệm chứ không có chánh niệm về các thực tại. Có sự dính mắc vào ý niệm về tự ngã, cái tôi đọc hoặc đi. Cho dù người ta đang làm gì, đều có các thực tại danh và sắc, và có thể phát triển hiểu biết về chúng. Ví dụ một người đang ngồi xem ti vi có thể có suy nghĩ về câu chuyện đang diễn ra. Tuy nhiên, không chỉ có suy nghĩ, mà còn có cái thấy, đối tượng thị giác, cái nghe, âm thanh, cảm thọ hay tưởng. Hầu hết thời gian chúng ta quên thực tại mà chỉ suy nghĩ về các khái niệm. Tuy vậy, giữa các khoảnh khắc của suy nghĩ, có thể có chánh niệm về một thực tại xuất hiện qua một trong sáu căn, một thực tại tột cùng, có thể là danh hoặc sắc. Đặc tính của các thực tại khác nhau có thể được học hỏi từ từ. Khi đọc sách, chúng ta nghĩ về nghĩa của từ hoặc câu chuyện, nhưng cũng có những khoảnh khắc của cái thấy đơn thuần đối tượng thị giác, những gì xuất hiện qua nhãn căn. Do tưởng mà chúng ta biết được nghĩa của những gì mình đọc. Tưởng là một tâm sở sinh khởi cùng với tâm, không phải là một tự ngã. Tưởng cũng có thể được hiểu như nó là. Có vẻ như suy nghĩ xuất hiện đồng thời với cái thấy, nhưng chúng là các tâm  khác nhau với đặc tính khác nhau. Đặc tính của các thực tại có thể được thẩm xét cho dù chúng ta đang thấy, đọc, nghe hay chú ý đến ý nghĩa của từ. Khi chúng ta hiểu được điều này thì sẽ thấy rằng, không thiếu các đối tượng của chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Có sáu cửa giác quan, có các đối tượng được kinh nghiệm qua sáu căn và có các thực tại kinh nghiệm các đối tượng này. Đó chính là cuộc sống của chúng ta.

 

Trí tuệ phát triển rất từ từ, nó phải được tích lũy trong vô lượng kiếp trước khi có thể trở thành hiểu biết đầy đủ về tất cả các thực tại xuất hiện. Quá trình phát triển trí tuệ có một số giai đoạn cụ thể gọi là các tầng tuệ. Ngay cả tầng tuệ thứ nhất, chỉ là giai đoạn bắt đầu của tuệ giác thôi, cũng rất khó đạt được. Ở giai đoạn này những đặc tính khác nhau của danh và sắc xuất hiện được phân biệt rõ ràng. Ở mỗi tầng tuệ cao hơn, hiểu biết càng trở nên sâu sắc. Các đối tượng của tuệ giác đều như nhau: các hiện tượng danh và sắc xuất hiện, nhưng hiểu biết về chúng trở nên rõ ràng hơn. Khi các pháp hữu vi đã được thấy là vô thường, khổ và vô ngã thì Niết Bàn, thực tại là pháp vô vi, được kinh nghiệm. Tâm  kinh nghiệm Niết Bàn là một tâm ” siêu thế ” [tiếng Pāli là lokuttaracitta], nó thuộc về cảnh giới tâm cao hơn cảnh giới tâm kinh nghiệm các đối tượng ngũ quan hay cảnh giới tâm nhập định. Tất cả tám chi của Bát Chánh Đạo sinh kèm với tâm siêu thế vào khoảnh khắc giác ngộ. Các phiền não lần lượt được tận diệt qua bốn giai đoạn giác ngộ. Tâm siêu thế kinh nghiệm Niết Bàn sinh khởi và diệt đi ngay lập tức. Người chưa đạt đến giai đoạn thứ tư, cũng là giai đoạn cuối cùng của giác ngộ thì vẫn còn phiền não, nhưng không còn nhân duyên cho phạm giới (bất thiện nghiệp) dẫn đến tái sinh vào khổ cảnh nữa.

 

Khi đọc các từ “giác ngộ” và “siêu thế “, người ta có thể tưởng tượng rằng giác ngộ là một cái gì đó bí ẩn, nó không thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chức năng của trí tuệ là xuyên thấu bản chất thật của các thực tại trong cuộc sống hàng ngày, và khi nó đã được phát triển đến mức độ giác ngộ thì tâm siêu thế kinh nghiệm Niết Bàn có thể sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày. Giác ngộ thậm chí có thể đạt được ngay sau khi một tâm bất thiện phát sinh nếu trí tuệ thâm nhập được bản chất thật sự của nó. Chúng ta đọc trong Trưởng lão Ni kệ (Therīgāthā, Canto I, 1) về một người phụ nữ đạt giác ngộ trong nhà bếp. Khi nhận thấy cà ri đã bị cháy trong lò, bà nhận ra đặc tính của vô thường hiện hữu trong các thực tại hữu vi (do duyên) và sau đó đạt được giác ngộ. Các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày có thể nhắc nhở chúng ta về bản chất thực sự của thực tại. Sẽ không là hiểu biết thực sự nếu hiểu biết ấy không được phát triển trong cuộc sống hàng ngày . Chúng ta đọc thấy rằng con người vào thời Đức Phật thậm chí có thể đạt giác ngộ ngay khi đang nghe Phật thuyết hoặc ngay sau khi bài pháp vừa dứt. Người ta có thể tự hỏi làm thế nào họ có thể đạt được giác ngộ một cách nhanh chóng như vậy. Thực ra, họ đã tích lũy được những nhân duyên phù hợp cho sự giác ngộ trong vô lượng kiếp, và khi thời điểm đã chín muồi, các loại tâm siêu thế phát khởi.

Sự phát triển trí tuệ từ bước sơ cơ cho đến khi viên mãn là một quá trình dài vô tận. Vì vậy, cần hội tụ nhiều duyên tố khác nhau để đạt đến đích. Việc tìm hiểu, suy xét về Giáo lý và hiểu được cách phát triển Bát chánh đạo là nhân duyên cho chánh niệm và trí tuệ trực nhận các pháp. Tuy nhiên, ngoài những điều kiện này thì có những yếu tố cần thiết khác. Vô minh, chấp thủ và những phiền não khác đã bắt rễ sâu dầy và khó loại bỏ. Vì vậy, để đạt tới đích là tận diệt phiền não, cần phải tích lũy tất cả các loại thiện pháp song song với phát triển trí tuệ. Trong vô lượng kiếp, ngay cả khi ở kiếp loài vật, Đức Phật đã phát triển tất cả các phẩm hạnh tối thượng, các “Ba-la-mật”. Các phẩm hạnh này là điều kiện cần thiết để đạt được quả vị Phật. Các môn đệ của Ngài cũng đã phát triển các Ba-la-mật từ kiếp này qua kiếp khác, trước khi họ có thể đạt tới giác ngộ. Do sự tích lũy Ba-la-mật là điều thiết yếu để có thể phát triển Bát Chánh Đạo, sau đây tôi sẽ giải thích Ba-la-mật là gì.

 

Mười Ba-La-Mật là:

 

*Bố thí

*Trì Giới

*Xuất Gia

*Trí Tuệ

*Tinh Tấn

*Nhẫn Nại

*Chân Thật

*Quyết Định

*Tâm Từ

*Tâm Xả

 

Đức Phật khi còn là một vị Bồ-tát, đã phát triển tất cả các Ba-la-mật đến mức độ cao nhất. Đối với những người xem mục tiêu của mình là diệt trừ phiền não, thì tất cả các Ba-la-mật này là điều kiện cần thiết để đạt được đến đích, không nên bỏ qua bất kỳ pháp nào trong mười Ba-la-mật.

 

Trước hết tôi muốn đưa ra một minh họa về sự phát triển Ba-la-mật của đức Bồ-tát trong kiếp là Akitti khổ hạnh. Chúng ta đọc Hạnh Tạng (Chương I, Giới của Akitti) Đức Phật đã nói về Bố thí Ba-la-mật mà Ngài đã tích lũy trong kiếp sống ấy. Vua Trời Đế Thích, vị vua của Tam Giới cải trang trong hình dạng của một vị Phạm Thiên đến xin Ngài đồ khất thực. Bữa ăn của Bồ-tát Akitti chỉ có ít rau luộc, nhưng Ngài đã bố thí hết cho vị ấy, còn mình thì nhịn đói. Chúng ta đọc thấy rằng:

 

Và lần thứ hai và thứ ba vị ấy đến gặp Ta. An nhiên, không dính mắc, Ta đã bố thí cho vị ấy như lần trước. Vì thế mà thần sắc Ta vẫn tươi tắn. Ta hoan hỷ và hạnh phúc trọn ngày hôm đó. Nếu chỉ trong một tháng hoặc hai tháng mà Ta tìm thấy người nhận xứng đáng, Ta sẽ an nhiên, không dính mắc và bố thí cho họ món quà tối thượng. Trong khi bố thí cho vị ấy, Ta không mong được tiếng thơm hay lợi lộc. Với ước nguyện thành tựu chánh trí, Ta đã thực hành thiện pháp này.

 

Bồ-tát Akitti thực hành pháp bố thí nhằm tích lũy nhân duyên để đạt được quả vị Phật trong tương lai. Chú giải cho đoạn kinh này, cuốn Paramatha dīpanī, nói rằng Bồ-tát Akitti đã tích lũy đủ cả mười Ba-la-mật trong khi ngài bố thí món quà ấy.

 

Phát triển Bố thí Ba-la-mật là nhằm giảm bớt dính mắc với của cải, tài sản. Chúng ta dính mắc vào vật chất bởi vì chúng ta muốn “mình” được hạnh phúc. Nếu chúng ta không học cách cho đi vật sở hữu thì làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi sự chấp thủ vào các khái niệm về tự ngã? Bồ-tát Akitti cũng tích lũy giới hạnh, tức là thiện pháp qua hành động và lời nói. Ngài đã bố thí bữa ăn cho vị Phạm Thiên. Ngài tích lũy hạnh xuất gia. Xuất gia không chỉ đơn thuần là từ bỏ cuộc sống gia đình. Tất cả mọi thiện pháp đều là những hình thức buông bỏ, không dính mắc. Người ta buông bỏ sự dính mắc vào bản thân, buông bỏ sự thoải mái của chính mình. Đức Akitti đã từ bỏ sự thoải mái của mình khi nhịn đói trong ba ngày liền. Ngài tích lũy trí tuệ. Trí tuệ Ba-la-mật không chỉ là chánh kiến của Bát Chánh Đạo, mà là bao gồm tất cả các mức trí tuệ. Đức Bồ-tát, khi trong kiếp loài vật, đã tích lũy Trí tuệ Ba-la-mật. Ngài biết bất thiện là bất thiện, thiện là thiện, Ngài biết được những nhân duyên thích hợp cho sự thành tựu quả vị Phật. Khi Ngài bố thí bữa ăn cho vị Phạm Thiên, có sự tinh tấn hay nỗ lực, là yếu tố không thể thiếu cho mỗi loại thiện pháp. Tinh tấn hỗ trợ tâm thiện thực hành thiện pháp. Ngài có sự nhẫn nại, ngài hoan hỷ nhịn đói trong ba ngày liền. Nếu có cơ hội cho bố thí đồ ăn, dù phải nhịn đói dài ngày hơn, thậm chí trong một hay hai tháng, Ngài cũng hoan hỷ bố thí. Ngài cũng tích lũy Ba-la-mật Chân thật. Chân thật có một số khía cạnh. Đó không chỉ là tính chân thật trong lời nói, mà còn trong hành động và suy nghĩ. Thiện cần phải biết là thiện, bất thiện cần phải biết là bất thiện. Người ta không nên tự lừa dối bản thân mình về những lỗi lầm và thói xấu của mình, ngay cả khi chúng ở mức vi tế. Cần biết rằng khi một người bố thí với động cơ ích kỷ, thì không có sự chân thành hướng tới thiện pháp, rằng người ta có thể coi bất thiện là thiện. Đức Akitti đã chân thành muốn bố thí và không mong đợi bất kỳ lợi ích cho chính mình. Ba-la-mật Chân thật là điều không thể thiếu cho sự phát triển chánh kiến. Người ta phải chân thật đối với những gì mình đã hiểu và với những gì mình chưa hiểu, nếu không sẽ không thể tiến bộ. Bồ-tát tích lũy quyết tâm, Ngài đã có một quyết tâm không thể lay chuyển để kiên trì phát triển hiểu biết và các Ba-la-mật khác cho đến khi đạt được tới đích. Ngài có lòng từ bi, Ngài nghĩ đến lợi ích của vị Phạm Thiên chứ không nghĩ cho bản thân. Ngài có tâm xả, không sân ngay cả khi nhịn đói trong ba ngày. Ngài đã an nhiên tự tại trước mọi thăng trầm của cuộc sống. Chánh kiến về nghiệp và quả của nghiệp tạo duyên cho tâm xả sinh khởi.

 

Đoạn kinh cho thấy rằng các Ba-la-mật có thể được tích lũy khi thực hành một thiện pháp. Như chúng ta đã thấy, có mười loại phẩm chất tốt đẹp đã được xếp vào hạng phẩm hạnh tối thượng – Ba-la-mật. Phẩm chất tốt đẹp không phải lúc nào cũng là Ba-la-mật. Chúng được gọi là Ba-la-mật chỉ khi mục đích của việc thực hành thiện pháp là nhằm giảm bớt phiền não và cuối cùng là tận diệt phiền não khi đạt giác ngộ. Sự tích lũy mười Ba-la-mật song song với phát triển hiểu biết đúng về thực tại chính là áp dụng Giáo lý của Đức Phật trong cuộc sống hàng ngày. Có thể không chánh niệm được các thực tại tối hậu một cách thường xuyên, nhưng có rất nhiều cơ hội tích lũy các thiện pháp khác, các Ba-la-mật. Thật được khích lệ khi biết rằng tất cả các loại và mức độ thiện pháp đều có thể là Ba-la-mật, các điều kiện hữu ích để đạt tới đích. Ngay cả khi chúng ta giúp đỡ người khác bằng cách cho lời khuyên tốt hoặc an ủi họ khi họ gặp tai họa cũng là cơ hội cho sự tích lũy Ba-la-mật, nhân duyên giảm bớt lòng ích kỷ và các phiền não khác.

 

Sự phát triển của Bát Chánh Đạo dẫn đến sự giác ngộ có vẻ như xa vời đối với một người bình thường. Đó là một chặng đường rất dài trước khi có thể đạt tới đích. Sẽ có thêm niềm tin vào những lời dạy của Đức Phật khi người ta thấy rằng, những gì Ngài đã dạy có thể được kiểm chứng và áp dụng trong cuộc sống của chính mình. Sự phát triển hiểu biết chỉ có thể rất từ từ, giống như học một kỹ năng mới, như ngoại ngữ chẳng hạn, phải rất từ từ. Ba-la-mật nhẫn nại là điều kiện là không thể thiếu cho sự phát triển của Chánh kiến về thực tại. Biết được rằng mỗi chi của Bát Chánh Đạo tự thực hiện chức năng của mình giúp chúng ta thấy rằng không có tự ngã, không có người phát triển tuệ giác. Chúng ta không cần phải theo một lối sống đặc biệt nào đó để phát triển hiểu biết. Hiểu biết có thể phát triển khi nó được hỗ trợ bởi các chi đạo khác cùng các nhân duyên khác, trong đó có các Ba-la-mật. Đừng nản lòng về con đường dài ở phía trước. Ít ra, có thể có một sự khởi đầu của hiểu biết về thực tại đang xuất hiện vào lúc này qua một trong sáu căn.

 

Đức Phật đã dạy các điều kiện nhân duyên cho sự phát triển những gì là tốt đẹp và thiện lành, cũng như các điều kiện nhân duyên cho sự tận diệt phiền não. Trong việc phát triển con đường Đức Phật, người ta sẽ dần biết được sự vô minh về các thực tại, về sự ích kỷ cũng như các phiền não khác của mình. Sự thay đổi từ ích kỷ, nắm giữ, chấp thủ sang buông bỏ, từ vô minh đến hiểu biết là khoảng cách rất lớn. Làm sao sự chuyển hóa đó có thể diễn ra trong một thời gian ngắn được? Đó là một hành trình dài. Đức Phật và các môn đệ của Ngài đã phải đi một chặng đường rất dài mới có được hiểu biết viên mãn về Tứ Thánh Đế và tự do thoát khỏi luân hồi sinh tử. Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh (Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Sự Thật, Phẩm III Koṭigāma, §1 Minh) rằng Đức Phật khi đang ngự ở Vajjians tại Koṭigāma, đã nói với các tỳ kheo như sau:

— Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt bốn Thánh đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn?

Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này… Thánh đế về Khổ tập… Thánh đế về Khổ diệt… Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này.

Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ này đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Khổ tập đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Khổ diệt đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được giác ngộ, đã được thông đạt. Ðược chặt đứt là hữu ái, được đoạn tận là những gì đưa đến tái sanh (bhavanetti). Nay không còn tái sanh nữa.

Việt dịch: Phạm Thu Hằng

Leave a Reply

Translate »