Bức thư vipassana số 5

Các đạo hữu thân mến!

Chúng ta bị xao động bởi sân sinh khởi thường xuyên và vì vậy muốn loại bỏ nó. Chúng ta muốn kiên nhẫn hơn trong những hoàn cảnh khó khăn và có nhiều từ tâm hơn với người khác, nhưng thiện tâm không thường xuyên sinh khởi.

Nếu muốn vun bồi sự kiên nhẫn và từ tâm, ta phải thấy được bất lợi không chỉ của sân mà của tất cả các pháp bất thiện khác. Ta thấy khó chịu khi có sân nhưng sân lại được tạo duyên bởi tham. Dính mắc của ta với các đối tượng dễ chịu tạo duyên cho sân sinh khởi khi ta không có được cái mình muốn. Có rất nhiều khoảnh khắc của bất thiện pháp mà ta không nhận ra. Ta có thể hay biết về tâm bất thiện khi có những hành động hay lời nói khó chịu nhưng có vô số các khoảnh khắc của suy nghĩ bất thiện bị bỏ qua mà không được hay biết. Chúng ta nghĩ về người khác theo cách nào, với tâm thiện hay bất thiện đây? Chẳng hạn, khi thấy một người ăn mặc kỳ quặc, chúng ta có thể thấy anh ấy trông thật nực cười, và có thể có ngã mạn. Chúng ta so sánh anh ấy với bản thân mình, anh ấy không ăn mặc theo cách chúng ta nghĩ là phù hợp. Khi có ngã mạn thì không có từ tâm. Khi bực dọc về điều gì đó khó chịu, ta biết có sân nhưng ta có thể không hay biết về sân khi nó ở mức độ nhẹ hơn, chẳng hạn khi có gì đó không hoàn toàn như mong muốn. Chúng ta có tâm thiện hay bất thiện khi nếm trái cây đã chín nẫu, khi thấy một chiếc cúc bị khuyết, khi thấy quá lạnh hoặc quá nóng? Chúng ta thấy việc “bản thân” có cảm giác thế nào là rất quan trọng. Chúng ta chỉ muốn các đối tượng dễ chịu mà quên mất rằng nhãn thức, nhĩ thức và thức khác được tạo bởi nghiệp. Chúng ta không thể nhìn thấy nghiệp, nó đã được tạo trong quá khứ, nhưng không ai có thể thay đổi kết quả của nghiệp. Nếu chúng ta không tích lũy thiện pháp thì sẽ càng có nhiều bất thiện pháp được tích lũy từ đời này sang đời khác.

Khi thấy rằng có rất ít các khoảnh khắc của tâm từ xuất hiện trong ngày và có rất nhiều khoảnh khắc của tâm bất thiện, chúng ta có thể nản lòng. Tuy nhiên, không có tự ngã nào có thể ngăn cản sự sinh khởi của bất thiện pháp và khiến tâm từ sinh khởi ngay lập tức. Tâm bất thiện cũng như tâm thiện, là các danh pháp sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng, không thể kiểm soát được. Tùy thuộc vào các xu hướng đã được tích lũy mà loại tâm nào sẽ sinh khởi tại một khoảnh khắc cụ thể. Nhờ việc nghiên cứu giáo Pháp, sẽ có hiểu biết nhiều hơn về những đặc tính khác nhau của thiện và bất thiện. Giáo pháp làm duyên để giảm bớt vô minh trong cuộc đời mỗi người. Nếu muốn phát triển tâm từ, chúng ta phải có hiểu biết chính xác về đặc tính của nó khi nó xuất hiện. Tại khoảnh khắc của tâm từ sẽ không có sự ích kỷ, người ta chỉ nghĩ về phúc lợi của người khác mà thôi. Có tâm từ mà không mong sự đáp trả nào cả.

Tâm từ là một trong “Tứ vô lượng tâm” (Brahmavihāra). Các vô lượng tâm khác gồm có: bi, hỷ và xả. Chúng là các đối tượng của samatha hay còn gọi là thiền định. Thông qua sự phát triển của samatha, bất thiện có thể tạm thời bị đè nén. Tuy nhiên, samatha không thể phát triển nếu không có hiểu biết đúng. Trí tuệ phải biết đặc tính của sự an tịnh thực sự là thiện pháp. Khi nghe đến từ samatha, ta có thể nghĩ rằng mình phải đến một nơi hẻo lánh để có định tâm và ta nên tụng tâm từ, ví dụ vậy. Tuy nhiên, sự phát triển tâm từ không phải là vấn đề cố gắng định tâm hay tụng đọc. Tâm từ cần phải được phát triển trong cuộc sống hàng ngày khi chúng ta ở cùng những người khác, sau đó, ta có thể biết được đặc tính thực sự của tâm từ. Trước hết, phải là cái hiểu đúng biết đặc tính của tâm từ khi nó xuất hiện.

Chúng ta đọc trong kinh về những người đã phát triển samatha đến mức độ đắc thiền (jhāna), nhưng ta nên biết rằng không phải ai cũng có thể chứng đắc các tầng thiền. Người đã tích lũy các kỹ năng thiền định thuần thục có thể đạt được các tầng thiền khác nhau, nhưng, theo cuốn Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga, chương XII, 7), việc chứng đắc thiền là vô cùng khó và không nhiều người có thể đạt được điều đó. Một người phải sống ở nơi hẻo lánh và cần nhiều điều kiện hỗ trợ để có thể đắc thiền. Tại khoảnh khắc của tâm thiền không sự kinh nghiệm qua các giác quan và các “triền cái” tạm thời bị đè nén. Các triền cái gồm có: tham dục, sân hận, hôn trầm và thụy miên, trạo cử, và hoài nghi. Tuy nhiên, các phiền não không thể bị tận diệt thông qua samatha.

Nhờ hiểu biết đúng được phát triển trong vipassanā, phiền não có thể được tận diệt. Chúng ta nghĩ về bản thân mình và người khác là những con người và dính mắc với khái niệm về “tự ngã”, nhưng thông qua vipassanā, ta học để thấy chúng ta thực sự chỉ là các tâm, tâm sở và sắc pháp sinh và rồi diệt ngay. Khi một người ra qua đời hay chết đi, ta có thể nghĩ đến một cái tên nhưng rồi cái tên đó cũng nhanh chóng bị lãng quên. Chúng ta đọc trong Kinh Tập (Nipāta , về Tan hoại, đoạn 807-809) rằng: Một người tỉnh dậy sau giấc ngủ không còn thấy điều đã xảy ra trong giấc mơ của mình, tương tự như vậy, anh ta không còn thấy người mình yêu quý vì người ấy đã chết. Những người đã được thấy, được nghe và được gọi bằng tên này hay tên khác nhưng cũng chỉ là những cái tên suông còn tồn tại khi họ đã qua đời.

Khi chúng ta tái sinh, lại có một kiếp sống khác và chúng ta không còn là “con người này” nữa nhưng ngay lúc này đây cũng không có “con người này” tồn tại. Ta nên suy xét xem thân mình từ đâu đến. Ta có mắt, có tai nhưng không thể biết cái gì tạo ra nhãn căn và nhĩ căn. Nó là kết quả của nghiệp đã tạo trong quá khứ. Các sắc hình thành nên thân của chúng ta được tạo duyên bởi nghiệp, tâm, nhiệt độ và dưỡng chất. Chúng ta luôn thấy và nghe, lặp đi lặp lại. Thấy và nghe là các tâm được sinh bởi nghiệp. Chúng sinh khởi và rồi diệt đi ngay lập tức. Khi nghĩ về người khác, chúng ta thường nghĩ về tên gọi của họ. Chúng ta nên suy xét về sự khác nhau giữa các tên gọi và các pháp chân đế, các thực tại tuyệt đối là danh và sắc có thể được kinh nghiệm trực tiếp mà không cần phải gọi tên. Hầu như, chúng ta sống trong thế giới của chính những suy nghĩ của mình, ta cứ nghĩ về những câu chuyện về con người, tên của họ và những khái niệm. Tuy nhiên, để biết sự thật chúng ta nên học chánh niệm về các thực tại khi chúng xuất hiện một mình tại một thời điểm qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn. Dần dà, chúng ta sẽ có thể thấy thực tại như chúng là: vô thường, khổ và vô ngã.  Khi nhìn một cái ghế, nó dường như không diệt đi. Cái ghế là một khái niệm chúng ta có thể nghĩ về nhưng nó không phải là một thực tại. Chỉ các pháp chân đế mới có đặc tính vô thường, khổ và vô ngã, những thứ có thể được chứng ngộ bởi trí tuệ khi trí tuệ được vun bồi.

Vipassanā nên được phát triển trong cuộc sống hàng ngày, đó là hiểu biết đúng về tất cả các thực tại ở trong và xung quanh chúng ta. Đối tượng của vipassanā là các pháp chân đế khi chúng xuất hiện một mình tại một thời điểm qua sáu cửa giác quan. Đối tượng của samatha là một trong các đề mục thiền và mục đích phải là sự an tịnh thực sự, tạm thời giải thoát khỏi các bất thiện pháp. Tâm từ (mettā) là một đề mục của samatha, nhưng nó có thể và nên được phát triển trong cuộc sống hàng ngày. Tâm từ hướng tới đối tượng là con người và vì vậy, đối tượng của nó không phải là pháp chân đế mà là một khái niệm. Có rất nhiều khoảnh khắc chúng ta nghĩ về con người và thay vì nghĩ với sự dính mặc, sân hận hay ngã mạn, chúng ta có thể học suy nghĩ với tâm từ. Tâm từ là một thực tại và vì vậy, nó có thể là đối tượng của chánh niệm và có thể được biết là một loại danh, không phải tự ngã. Chúng ta có thể phát triển cả vipassanā và tâm từ trong cuộc sống hàng ngày. Tâm từ là một trong những Ba la mật cần được phát triển với tứ niệm xứ từ đời này sang đời khác. Nhờ sự phát triển tâm từ, chúng ta học để trở nên bớt ích kỷ hơn, và như vậy, cả tâm từ và các tâm sở tịnh hảo khác sẽ được tích lũy, làm duyên cho trí tuệ sinh khởi để cuối cùng có thể tận diệt tà kiến về ngã. Tứ niệm xứ tạo duyên cho tâm từ sinh khởi thường xuyên hơn. Khi có chánh niệm về các tâm khác nhau, chúng ta học để biết đặc tính của chúng rõ ràng hơn, để biết khi nào tâm là thiện và khi nào là bất thiện. Khi tâm từ sinh khởi và có chánh niệm về nó, chúng ta sẽ bớt xu hướng lầm tưởng cho từ tâm đó là mình.

Một số người cho rằng họ phải có sự an tịnh trước để làm duyên cho những khoảnh khắc của tứ niệm xứ sinh khởi sau này nhưng đó là sự mong cầu, không phải tâm đại thiện hợp trí.

Ai đó đã viết cho tôi rằng phát triển các tầng thiền (jhāna) sẽ có lợi cho việc phát triển vipassanā. Anh ấy viết như sau:

“Các tầng thiền jhāna có thể tạo một nền tảng vững chắc cho sự phát triển tuệ giác. Mặc dù jhāna không hoàn toàn cần thiết cho sự phát triển vipassanā nhưng có thể minh chứng rằng nó rất hiệu quả trong việc đè nén các triển cái và nhờ đó, hỗ trợ cho sự phát triển tuệ giác diễn ra một cách đặc biệt mạnh mẽ và vũng vàng. Jhāna đảm nhận vai trò của Chánh định trong Bát chánh đạo”.

Các chi của Bát chánh đạo phải đi kèm với chánh kiến và đối tượng của Bát chánh đạo phải là một danh hoặc sắc.

Các chi của Bát chánh đạo là các tâm sở đảm nhận chức năng riêng của mình trong việc phát triển chánh kiến về các pháp chân đế và các thực tại xuất hiện hiện giờ. Khi chánh kiến về các thực tại sinh khởi, cũng có chánh tư duy (vitaka), hỗ trợ chánh kiến. Nó “chạm” vào đối tượng xuất hiện để trí tuệ có thể xuyên thấu các đặc tính của đối tượng đó và biết nó như nó là. Tại khoảnh khắc đó cũng có chánh tinh tấn sinh khởi, hỗ trợ hay sách tấn sự phát triển chánh kiến về đối tượng xuất hiện; nó củng cố và hỗ trợ trí tuệ. Chánh niệm với vai trò là một chi của Bát chánh đạo là sự hay biết về danh hoặc sắc xuất hiện để chánh kiến có thể phát triển. Chánh định (sammmā-samādhi) là việc định trên một pháp chân đế xuất hiện chỉ tại khoảnh khắc đó. Đối với các chi khác liên quan đến giới (sila) như chánh nghiệp, chánh ngữ và chánh mạng, chúng chỉ sinh khởi một mình tại một thời điểm khi có cơ hội cho chúng sinh khởi. Khi có một khoảnh khắc của chánh niệm và chánh kiến, Bát chánh đạo đang được phát triển. Người ta cũng có thể nói rằng tứ niệm xứ đang được phát triển hay minh sát tuệ (vipassana) đang được phát triển. Điều đó là như nhau.

Sự phát triển Bát chánh đạo không phải là vấn đề phát triển định một cách tách biệt khỏi các yếu tố khác của Bát chánh đạo. Khi có hiểu biết đúng về một pháp chân đế xuất hiện, ngay đó cũng có chánh định sinh khởi một cách tự nhiên, bởi duyên riêng của chúng. Tại khoảnh khắc đó, chánh kiến được hỗ trợ bởi các chi khác của Bát chánh đạo và không cần phải nghĩ về các chi của Bát chánh đạo hay định danh cho chúng.

Nếu ai đó khuyến khích mọi người phát triển jhāna như là nền tảng cho vipassanā, nhiều hiểu biết sai lầm chắc chắn sẽ sinh khởi. Người ta có thể không biết sự an tịnh thực sự là gì, jhāna là gì. Họ không hiểu đối tượng của vipassanā và và samatha là khác nhau. Chúng ta đọc trong cuốn Thanh tịnh đạo rằng jhāna có thể là cơ sở cho sự phát triển của vipassanā. Tuy nhiên, chúng ta cần nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng điều này chỉ có thể xảy ra khi một người  nắm chắc năm pháp thuần thục (vasis, Chương 23, 227): thuần thục trong việc hướng đến đề mục thiền và nhập thiền bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ nơi nào, quyết định thời gian nhập, xuất thiền bất kể thời điểm nào, bất kể nơi nào và hồi quán các chi thiền, bất kể thời điểm nào, bất kể nơi nào. Chỉ khi ấy, các tâm thiền mới có thể sinh khởi một cách tự nhiên, là thực tại trong cuộc sống của một người và do vậy, có thể trở thành đối tượng của chánh niệm. Nó có thể là nhân gần hay làm cơ sở cho tuệ giác. Dù thế, những người có kỹ năng như vậy cũng không thể bỏ qua việc chánh niệm về các pháp chân đế, danh và sắc xuất hiện một mình tại một thời điểm. Ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của các danh và sắc phải được chứng ngộ cho dù một người có phát triển jhāna hay không.

Chúng ta thường đọc trong kinh về những người phát triển định, tuệ và rồi đắc A la hán quả. Trước khi Đức Phật giác ngộ cũng có nhiều người phát triển thiền định. Đắc thiền định không chỉ xảy ra đối với các Phật tử, nhưng Đức Phật dạy rằng một người không được lầm tưởng các tâm thiền là ngã. Vì vậy, đối với những người đắc thiền, tâm thiền phải là đối tượng của tứ niệm xứ. Đức  Phật nói về thiền định bởi lẽ lời dạy của Người bao hàm tất cả, vì sự toàn hảo và hoàn mỹ của Giáo lý. Người đã tính đến mọi căn tánh của chúng sinh.

Tôi nhận thấy rằng mọi người có xu hướng chú trọng vào định trong việc thực hành vipassanā, ngay cả khi họ không có ý định phát triển thiền định trước. Họ nghĩ rằng cần phải có định tâm trong sạch nhờ việc đè nén các triền cái trước và điều này sẽ dẫn đến chánh niệm không bị gián đoạn. Tuy nhiên, phiền não cần được biết như chúng là, không phải là tự ngã, đó là con đường duy nhất dẫn đến sự tận diệt chúng. Cái thấy phải được biết chỉ là một danh, và cả tâm bất thiện có xu hướng sinh khởi sau cái thấy cũng phải được biết chỉ là một loại danh. Chẳng phải có thích hoặc không thích các đối tượng khác nhau xuất hiện qua sáu giác quan hết lần này qua lần khác? Những thứ này không cần được biết như chúng là hay sao? Chúng ta không nên lơ là về bất thiện pháp sinh do bởi các đối tượng xuất hiện qua sáu giác quan. Chúng ta đọc trong “Tương Ưng Bộ kinh” (Thiên Đại phẩm, Chương VIII phẩm Bộc lưu, 177.VII. Các triền cái) như sau:

“Này các Tỷ-kheo, có năm triền cái này. Thế nào là năm? Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Này các Tỷ-kheo, đó là năm triền cái này. Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm triền cái này, này các Tỷ-kheo, Thánh đạo Tám ngành này cần phải tu tập”.

Khi mới bắt đầu, chúng ta chưa thể có hiểu biết rõ ràng về danh là danh và sắc là sắc. Bước đầu chỉ có thể là bước đầu. Nhìn chung, mọi người không thể chấp nhận điều đó, họ muốn tập trung cố gắng, kiểm soát ý chí, làm điều này hay theo kỹ thuật đặc biệt kia trước, trước khi phát triển chánh niệm về danh và sắc. Bất kể thực tại nào xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày đều có thể là đối tượng của tứ niệm xứ. Ngay từ đầu, một người nên hiểu rằng các thực tại là vô ngã. Cái thấy là vô ngã, nó sinh khởi bởi nghiệp tạo ra nó, không ai có thể tạo ra cái thấy của mình. Trong tiến trình này, ngay lập tức sẽ có các tốc hành tâm có thể là thiện hoặc bất thiện nhưng phần lớn là bất thiện sinh khởi. Chúng đã sinh khởi trước khi người ta nhận ra nó. Chúng là vô ngã, ngoài sự kiểm soát. Ta phải bắt đầu hay biết về danh và sắc ngay bây giờ, chúng không trừu tượng. Chúng ta biết rằng nhãn thức thấy, nhĩ thức nghe nhưng khoảnh khắc này thì sao? Chúng ta học về các tiến trình tâm nhưng hiện giờ chúng không xảy ra sao? Mọi thứ khác nhau xuất hiện nhưng chúng không thể xuất hiện nếu không có các tâm sinh khởi trong tiến trình. Khi chúng ta ngủ sâu, chúng ta không biết mình là ai hay mình ở đâu, không có nhà cửa, sách vở, không có gì xuất hiện. Tất cả những thứ này lại xuất hiện khi chúng ta tỉnh dậy. Các thực tại đã xuất hiện, ta không phải cố gắng làm điều gì đó với chúng cả. Một vài người nói rằng “Tôi ngừng việc hành thiền vì bị ốm, căng thẳng với các hoàn cảnh hay vì công việc”. Không đâu, khi vipassanā được phát triển tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, người ta sẽ không phải gián đoạn sự phát triển của nó. Tôi tin rằng, chúng ta cần phải hiểu hơn về khoảnh khắc này, và khoảnh khắc kế tiếp. Chúng ta nên suy xét về sự phức hợp của tâm, cái vốn rất đa dạng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Sẽ không ích lợi gì khi nghĩ rằng “khi nào tôi sẽ đạt được tầng tuệ này, tầng tuệ kia, hay khi nào giác ngộ”, điều đó tùy thuộc vào tâm sở tuệ và các tâm sở tịnh hảo khác đã được tích lũy; chúng có thể tạo duyên cho sự sinh khởi của tuệ minh sát, vipassanā nana, vào thời điểm chín muồi.

Tác giả của bức thư nghĩ rằng một người không nên nói các thực tại là “ngoài sự kiểm soát”, và không nên nói tùy thuộc vào sự tích lũy của mỗi người mà tâm thiện hay bất thiện sinh khởi. Người ấy có khuynh hướng muốn kiểm soát ý chí. Anh ấy nói rằng, dù một người không thể kiểm soát hoàn toàn nhưng cần phải có sự nỗ lực và mức độ kiểm soát nhất định, nếu không người ta sẽ là nạn nhân của số phận, không thể làm được gì.

Alan Weller đã viết như sau về chủ đề này như sau:

“Tôi nghĩ rằng chúng ta luôn cần phải được nhắc nhở nhiều lần về việc không thể kiểm soát các thực tại để phát triển chánh niệm về các thực tại đang xuất hiện một cách tự nhiên. Nếu không, sẽ có ý niệm về cái tôi cố gắng, tinh tấn, v.v… Khi được nghe về từ “ngoài sự kiểm soát”, điều đó không có nghĩa chúng ta là nạn nhân của số phận nhưng chúng ta phải suy xét cẩn trọng về sự phát triển Chánh đạo. Chính hiểu biết Giáo Pháp là duyên cho thiện pháp ở các mức độ khác nhau, chứ không phải sự kiểm soát, Mỗi khoảnh khắc thức tỉnh, chúng ta tích lũy hoặc thiện hoặc bất thiện pháp. Suy xét về Giáo Pháp nhiều hơn làm duyên cho sự tích lũy thiện pháp nhiều hơn nhưng điều đó cũng phụ thuộc và các tích lũy từ trước. Tốt hơn là không nên quan tâm thực tại gì đang sinh khởi mà chỉ cần hiểu nó. Đối với tôi, đây là điểm vi tế của giáo lý. Cần thiết phải suy xét thật nhiều để không bị lạc hướng bởi tham cầu hay ý niệm về ngã. Hiểu về tính chất không thể kiểm soát có thể giúp ta phát triển hiểu biết và không tích lũy thêm vô minh. Nó có thể giúp chúng ta tự nhiên trong việc phát triển thiện pháp. Cho dù chúng ta bận rộn đến đâu, thiện pháp ở bất kể mức độ nào cũng có thể sinh khởi vào bất kể thời điểm nào do những duyên riêng của nó. Hiểu biết này có thể giúp ta không dính mắc vào sự thực hành của mình. Chúng ta không cố sức. Chúng ta trở nên kiên nhẫn với những kết quả ít ỏi và với bất thiện pháp của mình. Việc thực hành có thể trở thành một phần rất tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày của ta. Chúng ta không giới hạn nó bởi suy nghĩ về một nơi chốn hay tình huống nhất định nào, hay bởi thỉnh thoảng cố gắng tinh tấn. Niềm tin vào Giáo Pháp, trạng thái khẩn cấp tu niệm, sự định tâm, tất cả đều là các thực tại tự chúng vận hành. Tất cả đều tăng trưởng khi hiểu biết về Giáo Pháp phát triển. Không có ai ngoài các thực tại này. Khoảnh khắc này có thể là thiện hoặc bất thiện, một hiểu biết sắc bén hơn sẽ trực ngộ được điều này ngày một sâu sắc hơn và điều đó sẽ dẫn đến sự quay lưng với bất thiện pháp. Thấy hay nghe mà không có hiểu biết thật nguy hiểm. Chúng ta nên tìm hiểu khoảnh khắc này là thiện hay bất thiện. Tôi học để trở nên thận trọng hơn trong lời nói và hành động, cũng như đối với những thứ tưởng như không quan trọng thường bị coi nhẹ trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như việc để đồ giặt bẩn hay chén cốc khắp nơi, bởi vì điều này mang lại khó chịu cho những người khác. Có rất nhiều ví dụ như thế này, thật gần quanh mình. Pháp luôn ở ngay trước mặt chúng ta”.

Khi tôi sử dụng cụm từ “ngoài tầm kiểm soát”, tôi không có ý nói đến số phận, tôi chỉ muốn giải thích rằng các thực tại là vô ngã. Người ta muốn làm thật nhiều thứ thay vì hiểu về các thực tại khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên. Nếu một người thực sự tự mình suy xét một cách cẩn trọng xem phải chăng có một ý niệm về “tôi làm điều đó, tôi muốn tiến bộ” hay không? Chắc hẳn phải có, chừng nào chúng ta không phải là các vị Thánh Dự lưu, và do vậy, chúng ta luôn cần được nghe những lời nhắc nhở. Có thể có chánh niệm về những khoảnh khắc như vậy.

Khi nói tùy thuộc vào sự tích lũy thiện hay bất thiện của mỗi người mà loại tâm nào sẽ sinh khởi, tôi không có ý nói rằng chúng ta ở trong một tình huống vô vọng. Sự tích lũy không phải là cái gì đó cố định; tại mỗi khoảnh khắc, các kinh nghiệm mới lại được tích lũy. Điều này đầy hy vọng, nếu như không có sự tích lũy, làm sao chúng ta có thể học để có nhiều từ tâm hơn hay làm sao tứ niệm xứ có thể được phát triển? Sẽ là không đúng nếu nhận định rằng không thể làm được gì. Chúng ta nên suy xét về Giáo lý và nghiên cứu nhiều hơn để kiểm chứng điều mình đã đọc trong cuộc sống hàng ngày. Nghe Pháp tạo duyên cho hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, một số người có thể nghe Giáo lý nhưng điều đó không có ý nghĩa gì với họ. Tại sao vậy? Bởi họ không có những tích lũy cho việc đó.

Nếu ai đó nghĩ rằng mình là nạn nhân vô vọng của những tích lũy của mình và không thể phát triển hiểu biết, đó là một khoảnh khắc của suy nghĩ bất thiện. Khi người ấy nghĩ “Tôi không thể”, anh ta nghĩ vậy là do thiếu hiểu biết về các duyên. Khi hiểu biết đúng được phát triển, nó chỉ có thể hiểu khoảnh khắc này mà thôi. Pháp thật vi tế và phức hợp, ta cần phải suy xét về nó một cách cẩn trọng. Mọi khoảnh khắc của suy xét về thực tại đều được tích lũy, chúng không bao giờ mất đi. Nhờ vậy, hiểu biết có thể ngày một tăng trưởng cho đến một lúc nào đó đủ duyên cho chánh niệm trực tiếp thay cho suy nghĩ về các thực tại. Khi ấy, một bước tiến khác đã đạt được. Không ai có thể lên kế hoạch hoặc kiểm soát sự sinh khởi của các tầng tuệ hay sự giải thoát. Chúng ta có thể chấp nhận được điều này không hay có một sự đối kháng ngầm nào với thực tế này? Chúng ta luôn muốn kiểm soát. Mong muốn kiểm soát đưa chúng ta đi trệch khỏi sự phát triển hiểu biết tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Một số người muốn ngồi thiền và tập trung trước tiên vào hơi thở hay vào các sắc trên thân mà họ tin rằng họ sẽ cảm nhận được sự chuyển động. Ta có xu hướng muốn làm cái gì đó trước, bất kể là điều gì, ngoại trừ hay biết về khoảnh khắc hiện tại. Do vậy, cũng là điều dễ hiểu rằng một số người thích chú trọng vào việc kiểm soát ý chí hơn là phát triển trí tuệ.

Tư tâm sở, cetana cetasika, sinh khởi với mỗi tâm, làm nhiệm vụ đôn đốc các tâm sở đồng sinh nhưng nó chỉ đôn đốc tại khoảnh khắc mà nó sinh khởi cùng các tâm sở đó. Nó không thể khiến cho trí tuệ sinh khởi sau đó khi không có trí tuệ vào khoảnh khắc đó. Có tư tâm sở thiện và bất thiện, có tư tâm sở sinh khởi với tâm quả và tâm duy tác (tâm không có chức năng tạo nghiệp) và các tư tâm sở này luôn khác nhau. Chúng được tạo duyên bởi các pháp đồng sinh và bản thân chúng cũng tạo duyên cho các tâm sở đồng sinh. Tư tâm sở không phải là một chi của Bát chánh đạo. Tinh tấn thì có nhưng nó là sự nỗ lực, sách tấn cho chánh niệm và phát triển hiểu biết về thực tại đang xuất hiện. Nó phải sinh khởi cùng chánh kiến của Bát chánh đạo để thực hiện chức năng của mình và giúp ta không bị nản lòng trong phát triển tuệ giác.

Khi đọc về tinh tấn, chúng ta không nên chỉ nghĩ về tinh tấn mà loại bỏ các chi khác của Bát chánh đạo. Một người vẫn có thể dính mắc với ý niệm về một tự ngã tinh tấn, cố gắng kiểm soát tâm mình, dù người ấy hiểu về mặt lý thuyết rằng các thực tại là vô ngã. Một số người cố tách biệt “cuộc sống hành thiền” với đời sống hàng ngày của họ. Họ tin rằng, đối với sự phát triển Bát chánh đạo, trước tiên, cần phải đến một nơi hẻo lánh nhằm đè nén bất thiện và tạo sự an tịnh. Người ta có thể đã quen với ý niệm về việc cố gắng kiểm soát tâm mình nhưng cần phải nhớ rằng các thực tại sinh khởi bởi duyên riêng của chúng. Khi chánh niệm về thực tại đang xuất hiện hiện giờ sinh khởi, cho dù thực tại đó là khó chịu hay bất thiện, vẫn có chánh tinh tấn đi kèm và đảm nhận chức năng của mình mà không  có ý niệm về một cái ngã tinh tấn. Chánh tinh tấn không là gì khác ngoài sự tinh tấn cho chánh niệm hiện giờ và sinh khởi bởi duyên riêng của nó. Lợi ích của việc nghiên cứu Giáo pháp là gì nếu nó không đưa đến mục đích hiểu đúng về bất cứ thực tại nào xuất hiện. Chừng nào chưa phải là A la hán, chừng đó chúng ta thường xuyên là nạn nhân bởi chính những tích lũy của mình. Tuy nhiên, hiểu được điều này đã là sự khởi đầu của quá trình chữa bệnh, bởi vì ta thấy được rằng bất thiện không phải là tự ngã, nó là một danh do duyên tạo. Hiểu biết đúng cuối cùng sẽ đưa đến sự diệt trừ bất thiện.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên mất kiên nhẫn hay nản chí bởi thiếu chánh niệm và thiện pháp. Dần dà, các duyên cho sự tăng trưởng tuệ giác có thể được vun bồi đầy đủ, không phải bởi sự kiểm soát của ý chí, không phải bởi sự cố gắng tạo ra các thực tại cụ thể hay đối tượng đặc biệt nào đó cho chánh niệm sinh khởi, hay thực hiện một cách thức đặc biệt nào thay vì chánh niệm tự nhiên về các thực tại sinh khởi bởi duyên riêng của chúng. Nếu thực tại sinh khởi là một triền cái, điều đó cũng không vấn đề bởi thực tại đó có thể được biết như nó là và khi ấy có thiện tâm, không phải triển cái.

Khi hiểu biết hơn về các pháp chân đế, chúng ta có thể đọc kinh với hiểu biết đúng. Chúng ta đọc về tinh tấn và kiểm soát bản thân nhưng ta sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa về cái được nói là gì: rằng đây chỉ là các tâm sở tịnh hảo sinh khởi bởi duyên riêng của chúng. Những lời dạy từ giáo lý có thể hữu ích nhất trong việc nhắc nhở chúng ta bớt dính mắc vào ý niệm về một tự ngã có thể phát triển tuệ giác. Không phải chúng ta phát triển hiểu biết mà trí tuệ làm việc đó.

 

Với tâm từ

Nina Van Gorkom

 

(Chuyển ngữ: Nguyễn Huyền và Thanh Tâm)


Leave a Reply

Translate »