Chương 5
Trình bày về pháp chân đế (III) (Niết bàn)
Niết bàn chin đế pháp là một loại thực tại chân đế khác. Đức Phật gọi đó là niết bàn vì đó là sự chấm dứt của “vāna”, nghĩa là tham ái[1]. Niết bàn chân đế pháp là sự chấm dứt khổ – dukkha. Tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc (rūpa) là khổ bởi chúng vô thường, sinh và diệt. Tham ái cần phải được tận diệt để có sự chấm dứt dukkha. Tham ái là gốc rễ, là nguyên nhân của sự khởi sinh dukkha. Nó cũng là nguyên nhân của sự sinh khởi của ngũ uẩn (khandha), tức tâm, tâm sở và sắc[2]. Tham ái có thể được tận diệt bằng cách phát triển tuệ giác (paññā) cho đến khi đặc tính sinh diệt của tâm, tâm sở và sắc đã được xuyên thấu. Khi trí tuệ đã được phát triển tới mức độ niết bàn có thể được chứng ngộ và liễu tri một cách rõ ràng, sự dính mắc và tà kiến về tâm, tâm sở và sắc có thể được tận diệt. Niết bàn là pháp chấm dứt của dukkha(khổ), và sự chấm dứt của ngũ uẩn[3]. Niết bàn là thực tại, là pháp chân đế, là pháp có thể được liễu ngộ.
Niết bàn chân đế pháp có thể được xếp thành 2 loại[4]:
- Hữu dư niết bàn (Sa-upādisesa nibbāna dhātu), tức niết bàn với ngũ uẩn còn tồn tại;
- Vô dư niết bàn (An-upādisesa nibbāna dhātu), tức niết bàn không còn ngũ uẩn[5].
Từ “upādi” trong từ “upādisesa” là một cách nói khác về ngũ uẩn, bao gồm tâm, tâm sở và sắc. Niết bàn với ngũ uẩn còn tồn tại – hữu dư niết bàn – có nghĩa là tất cả các phiền não đã được tận diệt nhưng ngũ uẩn vẫn còn, sinh và diệt một cách liên tiếp. Còn niết bàn không còn ngũ uẩn – vô dư niết bàn – có nghĩa là sự tận diệt vĩnh viễn của ngũ uẩn, không còn sinh khởi trở lại nữa, đó cũng là bát niết bàn – parinibbāna của một bậc A la hán.
Như vậy, có hai loại niết bàn được tuyên thuyết[6].
Khi Đức Phật đạt giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề, Ngài đã đạt được hữu dư niết bàn (Sa-upādisesa nibbāna dhātu). Ngài đã tận diệt hoàn toàn các phiền não và tất cả các pháp (tâm, tâm sở) sinh kèm với phiền não, khiến chúng không bao giờ sinh khởi trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn các ngũ uẩn, tức là các tâm và tâm sở không kèm phiền não và các sắc sinh và diệt liên tiếp.
Chúng ta đọc trong Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Tiểu Bộ Kinh, Chương II, Phẩm II, It. 38), rằng Đức Phật nói với các vị tỳ kheo như sau:
“Nàycác Tỳ kheo, thế nào là niết bàn giới có dư y? Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo là bậc A la hán, các lậu hoặc đãtận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Trong vị ấy, năm căn còn tồn tại, ngang qua các căn ấy, vị ấy hưởng thọ khả ý, không khả ý vì rằng tự ngã không có thương hại cảm giác lạc khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các Tỳ kheo, đây gọi là niết bàn có dư y”.
Vô dư niết bàn (an-upādisesa nibbāna) là niết bàn không còn ngũ uẩn. Khi Đức Phật tịch diệt giữa 2 cây Sāla, đạt bát niết bàn[7], đó được gọi là vô dư niết bàn – sự diệt đi vĩnh viễn của ngũ uẩn. Tâm, tâm sở và sắc tận diệt hoàn toàn không bao giờ sinh khởi nữa – đó là sự chấm dứt hoàn toàn của tái sinh, của vòng sinh tử luân hồi.
Có bốn giai đoạn giác ngộ. Ở mỗi giai đoạn, các phiền não nhất định được tận diệt. Vị Thánh Dự lưu (Sotāpanna) – người đã đạt được giai đoạn giác ngộ thứ nhất, vị Thánh Nhất lai (sakadāgāmī) – người đạt giai đoạn giác ngộ thứ hai và vị Thánh Bất lai (anāgāmī) – người đạt giai đoạn giác ngộ thứ ba đều được gọi là các bậc hữu học (sekha), bởi họ vẫn còn phải tiếp tục phát triển trí tuệ cao hơn để có thể tận diệt những phiền não còn lại. Vị A la hán được gọi là bậc vô học (asekha), bởi vị ấy đã tận diệt hoàn toàn các phiền não, đã đạt được sự toàn hảo và không cần phát triển paññā tới các mức độ cao hơn nữa.
Niết bàn là pháp chân đế có thể được sắp xếp theo ba đặc tính:
- Không (suññatta);
- Vô tướng (animitta);
- Vô dục (appaṇihita).
Niết bàn được gọi là không (suññatta) bởi nó trống rỗng các thực tại hữu vi; được gọi là vô tướng (animitta) bởi nó không có tướng trạng, hay các đặc tính của các thực tại hữu vi; được gọi là vô dục (appaṇihita) bởi nó không phải là cơ sở của tham ái như các thực tại hữu vi.
Khi ai đó đã phát triển tuệ giác tới mức độ sắp đạt được giác ngộ, người ấy có thể xuyên thấu các pháp xuất hiện tại những khoảnh khắc ấy là vô thường, khổ hay vô ngã. Chỉ có một trong ba đặc tính ấy có thể được chứng ngộ tại một thời điểm. Khi người ấy đắc niết bàn, lối giải thoát của người ấy là gì tùy thuộc vào việc đặc tính nào trong ba đặc tính của pháp hữu vi đã được người ấy xuyên thấu trong lộ trình giác ngộ. Khi một người chứng ngộ sự vô thường của các pháp, vị ấy được gọi là giải thoát (chứng ngộ Tứ Thánh Đế) bằng vô tướng (animitta vimokkha) [8]. Khi một người chứng ngộ tính chất khổ của các pháp, vị ấy được gọi là giải thoát bằng vô dục (appaṇihita vimokkha) [9]. Khi một người chứng ngộ sự vô ngã của các pháp, vị ấy được gọi là giải thoát bằng tính không (suññattavimokkha)[10].
Chung cho cả ba lối giải thoát này, người ta nhận thấy có bốn khía cạnh[11]:
- Theo nghĩa chiếm ưu thế: Khi một người chứng ngộ pháp là vô thường, sự giải thoát bằng vô tướng (animitta vimokkha) chiếm ưu thế. Khi một người chứng ngộ pháp là khổ, sự giải thoát bằng vô dục (appaṇihita vimokkha) chiếm ưu thế. Khi một người chứng ngộ pháp là vô ngã, sự giải thoát bằng tính không (suññattavimokkha) chiếm ưu thế.
- Theo nghĩa giữ vững: Khi một người chứng ngộ pháp là vô thường,tâm được giữ vững bởi sự giải thoát bằng vô tướng. Khi một người chứng ngộ pháp là khổ, tâm đượcgiữ vững bởi sự giải thoát bằng vô dục.Khi một người chứng ngộ pháp là vô ngã, tâm được giữ vững bởisự giải thoát bằng tính không.
- Theo nghĩa hướng tâm: Khi một người chứng ngộ pháp là vô thường, tâm hướng tới giải thoát bằng vô tướng. Khi một người chứng ngộ pháp là khổ, tâm hướng tới giải thoát bằng vô dục, khi một người chứng ngộ pháp là vô ngã, tâm hướng tới giải thoát bằng tính không.
- Theo nghĩa dẫn dắt: Khi một người chứng ngộ khía cạnh vô thường của các pháp, tâm được dẫn tới niết bàn do khả năng giải thoát bằng vô tướng. Khi một người chứng ngộ khía cạnh khổ của các pháp, tâm được dẫn tới niết bàn do khả năng giải thoát bằng vô dục. Khi một người chứng ngộ khía cạnh vô ngã của các pháp, tâm được dẫn tới niết bàn do khả năng giải thoát bằng tính không.
[1]Tiểu Bộ Kinh , Kinh Phật Thuyết Như Vậy, chương Hai Pháp, phẩm II. “Vāna” có nghĩa là “dệt” hay “tham”. “Ni” là một tiếp đầu ngữ có nghĩa “phủ định”. Một gốc từ khác là: “vā” có nghĩa là “thổi”; “Nibbāna” có nghĩa là “tắt ngấm”.
[2] Ngũ uẩn là sắc uẩn (rūpakkhadha), thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha), hành uẩn (saṅkhārakkhandha) (bao gồm tất cả các tâm sở trừ thọ và tưởng), và thức uẩn (bao gồm tất cả các tâm).
[3] Chừng nào còn phiền não thì chừng ấy còn duyên cho tái sinh. Khi tất cả các phiền não đã được tận diệt, sẽ có sự chấm dứt của vòng sinh tử luân hồi, ngũ uẩn sẽ không còn sinh khởi trở lại nữa.
[4] Tiểu Bộ Kinh , Kinh Phật Thuyết Như Vậy, chương Hai Pháp, phẩm II và các chú giải của nó.
[5] “Sa” có nghĩa là “với”, “upādi” có nghĩa là “nền tảng của cuộc sống” hay các uẩn, “sesa” có nghĩa là “tàn dư”. “An” ở đây là phủ định khía cạnh trước của niết bàn.
[6] Kinh Phật Thuyết Như Vậy cùng Chú giải.
[7] Trường Bộ Kinh , số 16. Kinh Đại Bát Niết Bàn.
[8] “Vimokkha” có nghĩa là “giải phóng, giải thoát”.
[9] Các pháp sinh và diệt không phải là lạc, chúng không đáng bám víu vào, chúng là khổ (dukkha). Người chứng ngộ đặc tính dukkha ngay trước khi đắc niết bàn được giải thoát bởi “vô cầu”.
[10] Các pháp là vô ngã.
[11] Tiểu Bộ Kinh , Đạo Vô Ngại Giải, Phần I, Luận về giải thoát, chương V, Phần tụng thứ ba, §65-66.