Bức thư Vipassana 11
Hague, ngày 26 tháng mười, năm 1992
Các bạn đạo thân mến,
Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh (Tập I, Thiên có kệ, Tương Ưng Chư Thiên, 3, Phẩm Kiếm) rằng có một vị chư thiên đã đọc bài kệ sau với Đức Phật:
Như kiếm đã chạm da
Như lửa cháy trên đầu
Tì kheo hãy chánh niệm
Xuất gia bỏ ái dục
Đức Thế tôn đã nói:
Như kiếm đã chạm da
Như lửa cháy trên đầu
Tì kheo hãy chánh niệm
Xuất gia bỏ thân kiến
Giống như một người bị kiếm kề cổ hoặc lửa cháy sém tóc và khăn, thấy sự nguy hiểm của tình thế sẽ cố gắng dùng mọi khả năng để thoát khỏi, cũng như vậy, vị tì kheo không được dễ duôi mà luôn luôn cần giữ chánh niệm, tỉnh giác. Đức Phật đã nhắc lại bài kệ của vị chư thiên, nhưng người đã thay đổi một dòng và sự thay đổi này rất ý nghĩa. Vị chư thiên đã nói về sự kiềm chế tham ái. Tuy nhiên, chừng nào tham ái còn chưa được diệt trừ bằng tâm đạo (magga-citta), chừng đó chúng ta còn bị tham ái buộc chặt. Chúng ta đọc trong Chú giải Trưởng Lão ni kệ – “Saratthappakasini”, Đức Phật, với quan điểm này, muốn thay đổi bài kệ của vị chư thiên, Ngài đã sử dụng sự so sánh tương tự nhưng áp dụng cho tâm đạo đầu tiên của bậc thánh Dự lưu (Sotapanna), sát na tâm đạo tận diệt được thân kiến – sakkaya ditthi.
Chúng ta dễ bỏ sót một điểm rất tinh tế của bài kinh này. Chúng ta hiểu về mặt lý thuyết rằng, trước tiên, tà kiến cần được tận diệt trước khi các ái dục có thể được đoạn trừ ở tầng giác ngộ thứ ba của bậc Thánh Bất Lai. Dù biết như vậy, nhưng chúng ta vẫn luôn lo lắng về sự dính mắc vào các ham muốn thay vì biết đặc tính của ham muốn khi chúng sinh khởi. Đây là cách duy nhất để tận diệt được ham muốn. “Chúng ta có nên ghét tâm bất thiện của mình? Nó chỉ là một thực tại, nó sinh khởi”, Khun Sujin đã nhắc Sarah và Jonothan khi họ ở Bangkok. Họ đã ghi âm lại cuộc đối thoại với bà và tôi sẽ thuật lại nội dung của cuốn băng đó.
Khun Sujin giải thích rằng bà không nghĩ bà phải loại bỏ tất cả các phiền não bây giờ. Bà nhấn mạnh: Tôi không nghĩ “phiền não thật xấu xa”, chúng chỉ là những thực tại. Nên hiểu về chúng. Mọi người muốn loại bỏ mọi phiền não nhưng họ không hiểu biết chút nào về chúng. Tại sao chúng ta không đặt mục tiêu trước tiên phải là chánh kiến? Tôi không hiểu tại sao mọi người lại khó chịu đến vậy bởi phiền não của mình? Người ta luôn bị kéo vào ý niệm về ngã, và điều này sẽ làm họ bớt phiền não đi hay nhiều hơn? Không có sự hiểu biết mà chỉ cứ nghĩ thiện hay bất thiện là “của tôi”. Chừng nào còn vô minh, chừng đó còn phải có tâm bất thiện ở các cấp độ khác nhau. Chúng ta chỉ việc phát triển hiểu biết về bất kỳ thực tại nào sinh khởi. Tại thời điểm phát triển hiểu biết, chúng ta sẽ không bị cuốn vào suy nghĩ về lượng phiền não mà chúng ta có và phân vân liệu phiền não có được giảm bớt hay không. Chỉ cần chánh niệm ngay tức thì !
Chúng ta có thể không nhận ra rằng mình nghĩ thiện hay bất thiện là “của tôi”, nhưng ý niệm đó vẫn nằm sâu trong tiềm thức của chúng ta. Lời nhắc nhở của Khun Sujin có thể giúp chúng ta suy xét thấu đáo hơn điều gì thực sự thúc đẩy suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Chẳng phải hầu hết luôn có sự dính mắc vào tự ngã hay sao? Sarah nói rằng khi cô phát hiện ra tâm tham thì lập tức có tâm sân và điều này “làm giảm sự thú vị”. Khun Sujin đã trả lời: Đó chỉ là một suy ngẫm mà không phải là hiểu biết trực nhận về đặc tính (của tâm tham đó), cái là vô ngã. Ai có thể thay đổi đặc tính của sự dính mắc? Hiểu biết nên được phát triển một cách tự nhiên. Quả như trút được một gánh nặng! Ngay cả nếu tâm tham lại sinh khởi, chúng ta nên nhận diện nó chỉ là một thực tại. Bạn có thể hiểu về đặc tính của tâm tham mà chúng ta đã nói tới nhiều. Đặc tính vô ngã nằm ở đó. Cách phát triển hiểu biết như vậy là tích cực nhất. Khi đó sẽ không có sự dính mắc hay tâm sân với đối tượng được sinh khởi. Bạn không nên kiềm chế sự vui thích, đó không phải là “bạn”.
Đối tượng xuất hiện là đối tượng để phát triển hiểu biết. Trong khi hiểu biết được phát triển sẽ không có dính mắc hay khó chịu với đối tượng, không có tham khi đối tượng là thiện, không có sân khi đối tượng là bất thiện. Chúng ta không cần phải cảm thấy tội lỗi khi vui thích, vui thích chỉ là một thực tại. Khi chúng ta nghĩ về phiền não của mình, phần lớn thời gian là ta đang nghĩ về ngã. Liệu chúng ta có thấy mình bận rộn với “cái tôi” đến nhường nào không? Chúng ta phát triển hiểu biết và thỉnh thoảng có chánh niệm, nhưng khi gặp phải rắc rối trong cuộc sống, ta thất vọng và lại thấy thật khó để chánh niệm về các thực tại. Khun Sujin đã nói:
Khi không có chánh niệm, hẳn là đã chưa nghe đủ và chưa có đủ sự hiểu biết đúng ở mức độ tư duy. Ai đó có thể cho rằng biết có danh và sắc là đủ, nhưng còn cần phải nhận ra đặc tính của chúng nữa. Biết tường tận về các thực tại có thể giúp chúng ta nhìn thấy bản chất vô ngã của chúng. Điều này rất quan trọng để phát triển tuệ giác. Chúng ta phải là “người nghe nhiều” (Bahusutta) để được giác ngộ.
Sarah đã hỏi Khun Sujin về đối tượng của chánh kiến và những đặc tính cụ thể cần biết. Tôi xin trích dẫn một phần trong đoạn đối thoại của họ khi bị tắc đường hàng giờ ở Bangkok:
Khun Sujin: Chúng ta phải biết tường tận về từng căn trong sáu căn, về các nhân duyên làm các thực tại sinh khởi, về các đại, về các xứ (ayatanas). Đức Phật đã dạy về danh và sắc trong suốt 45 năm. Ngài Xá Lợi Phất đã giác ngộ ngay khi nghe chữ “Pháp”, ngài hiểu thực tại chỉ là danh và sắc. Đối với chúng ta thì khác, chúng ta phải nghe đi nghe lại và suy ngẫm danh là gì và sắc là gì. Cái thấy hiện giờ là một kinh nghiệm, chỉ là một thực tại. Chúng ta phải suy ngẫm, nghe và thảo luận nhiều về những chủ đề này.
Sarah: Chúng ta đã nghiền ngẫm về cái thấy và thảo luận chi tiết về các thực tại rất nhiều, tôi băn khoăn mình còn phải nghe nhiều thêm chừng nào nữa?
Khun Sujin: cho tới khi chánh niệm sinh khởi cùng với hiểu biết ngay tại lúc đó. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy về danh và sắc trong 45 năm. Vi diệu pháp là cốt lõi của các Giáo lý của Người. Đức Phật dạy về các pháp chân đế để ta có thể thấy được sự khác nhau giữa các pháp chân đế và khái niệm. Người dạy về lý duyên khởi của các thực tại. Biết tâm sở đi kèm với các tâm giúp ta hiểu về bản chất của vô ngã. Thật kinh ngạc rằng phải cần biết bao nhiêu nhân duyên cho một khoảnh khắc kinh nghiệm một đối tượng thị giác và sau đó, khoảnh khắc đó biến mất hoàn toàn. Những cái này rất vi tế và không phải mọi người đều hiểu ngay tức thì.
Sara: Không bao giờ là đủ, chúng ta luôn luôn có thể biết đối tượng chính xác hơn và một cách chi tiết hơn nữa.
Khun Sujin: Nếu không chúng ta sẽ đánh giá thấp trí tuệ của Đức Phật, chúng ta có thể nghĩ rằng Ngài nói những điều bình thường, thông dụng. Ngài dạy chúng ta để chúng ta nghe nhiều, suy ngẫm nhiều hơn và đến một ngày chúng ta có thể trở thành bậc thánh Nhập lưu. Bằng cách phát triển hiểu biết đúng từng chút một, đến một ngày chúng ta sẽ có sự hiểu biết đầy đủ về các thực tại được sinh khởi. Hiểu biết đúng về đối tượng thị giác và cái thấy là cách duy nhất để tiêu diệt ý niệm tiềm ẩn sâu dày là “tôi thấy” và “tôi” vốn luôn có trong mọi lúc. Cứ khi nào có cảm thọ, lúc đó lại có “tôi”. Đức Phật dạy về năm uẩn, ngài dạy bằng nhiều cách khác nhau để giúp chúng ta có thể suy xét hơn, hiểu hơn, nhờ đó, khi có chánh niệm, chánh kiến có thể phát triển dần dần, từ những gì chúng ta đã nghe được.
Sarah: Khi không có chánh niệm, chúng ta trở nên thiếu kiên nhẫn. Tại sao không có thêm chánh niệm?
Khun Sujin: Do chưa tích lũy đủ ba la mật.
Sarah: Những Ba la mật nào?
Khun Sujin: Cần tất cả ba la mật. Chúng ta không nên xem nhẹ chúng và coi thường bất kỳ loại ba la mật nào. Trí tuệ cần trên hết, chín ba la mật khác là “kết quả” của trí tuệ. Thiếu trí tuệ, không thể phát triển các ba la mật khác.
Chúng ta đọc trong bản chú giải Kinh Hạnh tạng (Cariyapitaka), rằng giống như khát vọng (để trở thành một vị Phật), lòng từ bi bao la và các phương tiện thiện xảo cũng là điều kiện phát triển ba la mật. Kinh viết: “Trong đó, phương tiện thiện xảo là trí tuệ, thứ giúp chuyển hóa tuệ giác và chín ba la mật khác thành điều kiện tiên quyết cho sự giác ngộ. “Tại thời điểm có sự hiểu biết đúng về thực tại, không có bám chấp vào “thiện tâm của tôi”. Tuy nhiên, chúng ta thường muốn là “một người tốt”. Chúng ta nhận thấy sẽ dễ chịu hơn khi có thiện tâm, và lúc đó lại có sự dính mắc. Khi chúng ta giữ năm giới hay tám giới, dường như có sự dính mắc, có phải chúng ta muốn tốt hơn những người không giữ giới? Khi chúng ta muốn phát triển tâm từ, chúng ta có thể băn khoăn liệu mình có bao nhiêu tâm từ, chúng ta có thể cố gắng đong đo nó. Khi đó chúng ta lại nghĩ đến “thiện tâm của tôi”, thay vì phát triển tâm từ. Chúng ta không nên đánh giá thấp sự tích lũy phiền não. Chúng ta không nhận thấy tâm tham khi có sự dính mắc vào tự ngã, khi muốn mình là người tốt.
Khun Sujin nhận xét rằng, khi không có hiểu biết, sẽ có tâm tham.
Khi chúng ta cố gắng có tâm từ thay vì tức giận, liệu có “tự ngã” ở đây không? Jonothan nói rằng khi anh ta sắp nổi nóng, anh ta cố gắng bình tĩnh. Thật khó chịu cho người khác khi ở gần một người đang tức giận. Chúng ta có thể thấy tâm sân là vô ích và khi đó chánh niệm có thể sinh khởi để ngăn cơn tức giận khởi sinh. Không có một “tự ngã” cố gắng làm việc này, mà là chánh niệm đang thực hiện chức năng của nó. Đó là một cấp độ của chánh niệm, nhưng chưa phải là chánh niệm của tứ niệm xứ đi cùng với trí tuệ , thấy thực tại chỉ là danh và sắc, không phải là ngã. Khi có tà kiến về ngã – rằng có một cái ta cố gắng kiềm chế cơn giận, cơn giận sẽ không bị ngăn chặn. Khun Sujin lưu ý:
Chúng ta không nên bám chấp vào ý nghĩ “tôi rất giận dữ, tôi cố gắng không như vậy”. Khi đó chỉ luôn có suy nghĩ với ý niệm về ngã. Tôi không bận tâm mức độ bất thiện nào sinh khởi, ngay cả nếu đó là cơn giận khủng khiếp. Nó sinh rồi sẽ diệt, nó không thể ở mãi đó. Thế còn giây phút hiện tại? Tôi luôn khuyến khích mọi người hãy có hiểu biết đúng thay vì kiểm soát cơn giận với tà kiến về ngã. Khi đó họ sẽ không bao giờ có được mức độ hiểu biết gì về thực tại, kể cả hiểu biết dựa trên sự suy ngẫm về danh và sắc. Có thể có chánh niệm về cơn giận mà bạn vừa nói nhiều về nó. Khi sân sinh khởi và thực hiện chức năng của nó, nó sẽ giúp bạn nhìn thấy đặc tính “chỉ là thực tại” của nó, thay cho việc suy nghĩ về nó. Sarah băn khoăn liệu có những lúc nên thiết lập ra những nguyên tắc hành xử nhất định. Cô ấy băn khoăn làm thế nào chúng ta có thể điều chỉnh những lời nói bất thiện. Khun Sujin đã nhắc cô ấy rằng bất cứ những gì chúng ta làm hay không làm đều không phải là ngã. Có phải chúng ta luôn quên điều đó? Chúng ta biết rằng chúng ta chưa loại trừ được ý niệm về “ngã”, nhưng chúng ta không nhận thấy tà kiến ấy bám rễ sâu dày trong ta ra sao. Khun Sujin đã nói:
Ngay cả khi chúng ta muốn thiết lập các quy tắc – vẫn không có cái ngã nào làm việc đó, đó chỉ là suy nghĩ. Cách duy nhất để loại bỏ ngã là phải hiểu biết mọi hoàn cảnh. Chúng ta không nên tạo ra bất kỳ quy tắc nào, chỉ nên phát triển hiểu biết về các thực tại. Có thể điều chỉnh những lời nói bất thiện bằng trí tuệ – thứ nhận thấy sự nguy hại của nó và đó là một mức độ của chánh niệm. Mức độ khác của chánh niệm là tứ niệm xứ. Giây phút quý giá nhất là giây phút chánh niệm. Nếu chúng ta tạo áp lực cho bản thân, tạo ra những nguyên tắc hay bám chấp vào một kiểu thực hành nào đó, thì sẽ không giúp chúng ta hiểu giây phút hiện tại, cái nghe, cái thấy và sự suy nghĩ của chúng ta.
Thay vì chánh niệm trong giây phút hiện tại, chúng ta lại bị cuốn đi bởi các suy nghĩ về người khác hay sự việc đã diễn ra. Chúng ta cứ nghĩ về tâm tham, tâm sân, tâm si của người khác và điều này tạo duyên cho tâm sân. Chúng ta không thể thay đổi người khác bởi vì mỗi khoảnh khắc đều có nhân duyên. Thay cho việc nghĩ đến sai lầm của người khác, ta có thể nhận biết cái tâm đang suy nghĩ của mình. Chúng ta có thể bị rối trí khi nghĩ về những kinh nghiệm xấu trong quá khứ nhưng khi đó chúng ta cần hiểu biết đúng để lại bắt đầu tiếp. Khun Sujin nói, “Hãy quên ngày hôm qua đi”. “Tỉnh giác về thực tại sẽ cứu giúp chúng ta khỏi những khoảnh khắc bất thiện”, bà nhấn mạnh. Nếu có chánh niệm về tâm bất thiện đang sinh khởi, đối tượng lúc đó là pháp chân đế, và không có sự dính mắc vào khái niệm. Chúng ta đã nghe điều này trước kia, nhưng chúng ta cần nghe đi nghe lại cho đến khi nó thật ngấm vào ta. Mục đích của chúng ta là hiểu biết thực tại sinh khởi tại thời điểm này. Không cần đi xa hơn giây phút này. Khun Sujin nói, nếu chúng ta nghĩ về những vấn đề hay tình huống, sẽ không có sự hiểu biết về thực tại sinh khởi trong sát na hiện tại.
Qua hiểu biết đúng về danh và sắc, chúng ta sẽ thấy tin hơn vào sự thật về nghiệp và quả của nghiệp. Khoảnh khắc của cái thấy hay cái nghe là quả của nghiệp, một việc đã làm trong quá khứ. Chúng ta không thể biết loại nghiệp nào trong quá khứ tạo ra quả trong thời điểm cụ thể, nhưng rất hữu ích khi biết rằng một kinh nghiệm dễ chịu hay khó chịu là quả được tạo duyên bởi một việc mà ta đã làm. Không ai có thể ngăn quả của nghiệp xảy ra. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người khác. Ví dụ, khi chúng ta thấy khó chịu trước tiếng ồn của đài phát thanh hay tiếng ồn của lũ trẻ con nhà hàng xóm, chúng ta có thể nhớ rằng cái nghe là quả, còn suy nghĩ với tâm sân là một tâm bất thiện được sinh khởi vào khoảnh khắc khác. Khi đó đối tượng của tâm là thực tại hiện tiền và chúng ta không bị cuốn vào suy nghĩ về các khái niệm. Khi đã có niềm tin vào sự thật về nghiệp và quả của nghiệp, sẽ bớt sợ hãi và lo lắng hơn. Khi không ngủ được, chúng ta có thể lo lắng, nhưng chúng ta nên biết rằng điều đó được tạo duyên bởi nghiệp – thứ tạo ra các tâm quả cũng như cái thấy và cái nghe đang kinh nghiệm các đối tượng khác nhau. Khi chúng ta ngủ say, không mộng mị, có tâm tái tục (hay tâm hộ kiếp) – bhavanga citta và đó cũng là quả của nghiệp. Khun Sujin đã nói với Sarah và Jonothan:
Khi bạn hiểu bản chất của pháp, bạn sẽ nhìn thấy mọi việc đều do duyên khởi. Chúng ta rơi và giấc ngủ và tỉnh lại, nhờ có nhân duyên. Khi có vấn đề xảy ra, là do nhân duyên. Chỉ có các thực tại khác nhau, và mặc dù thực tại xuất hiện, vô minh không thể nhận biết chúng. Chúng ta luôn cho rằng thực tại là “cái gì đó”. Nhưng chánh niệm có thể “lóe sáng” bất kỳ lúc nào, nhờ có nhân duyên, và đó là *chánh* niệm.
Khun Sujin nói rằng chúng ta hoàn toàn sống đơn độc, thật vô cùng hữu ích khi nhận ra điều đó. Chúng ta đã nghe điều này trước đây, nhưng nó sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi hiểu biết đúng sự khác biệt giữa khoảnh khắc đối tượng của tâm là pháp chân đế và khoảnh khắc chúng ta nghĩ về khái niệm về người hay vật. Nếu chúng ta khó chịu về người khác, dường như có ai đó ở đây, thế thực tại là cái gì? Chỉ có tâm suy nghĩ. Khi chúng ta trở về với thực tại hiện tiền, pháp chân đế, chúng ta biết rằng chúng ta đang sống đơn độc, và thật là một khoảnh khắc lợi lạc. Chỉ có danh và sắc, không có ai cả. Khi chúng ta nghĩ, chúng ta sống trong thế giới của suy nghĩ. Dù trong kiếp quá khứ, kiếp hiện tại hay kiếp vị lai, chúng ta luôn sống đơn độc.
Trong buổi thảo luận, Khun Sujin đã nhấn mạnh rằng chúng ta nên thấy pháp là pháp. Chúng ta có thể nói rằng mọi thứ là pháp, chỉ là một thực tại, nhưng hiểu biết đúng phải được phát triển thông qua chánh niệm về thực tại, nhờ đó pháp được thấy chỉ là pháp, không có người hay vật, không có ngã. Chúng ta phải nghe đi nghe lại, nhưng ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) chỉ cần nghe một vài câu về thực tại, ngài hiểu ngay lập tức và trực nhận nhận ra pháp chỉ là pháp. Ngài đã được tích lũy trí tuệ trong nhiều kiếp. Chúng ta đọc trong Luật tạng (Vinaya) (Phần 4, Đại Phẩm 1, 23, 3-5) rằng Ngài Xá Lợi Phất đã hỏi tì kheo Assaji rằng Đức Phật đã thuyết giảng cho tì kheo điều gì. Tì kheo Assaji đã trả lời rằng, tì kheo mới xuất gia nên không thể thuyết pháp một cách chi tiết, mà chỉ có thể tóm lược. Ngài Xá Lợi Phất đã xin vị tì kheo hãy nói ý nghĩa, không cần đi vào chi tiết. Chúng ta đọc như sau:
Khi đó Đại đức Assaji đã thuyết bài pháp ngắn này cho khất sĩ Xá Lợi Phất:
“Pháp sinh lên do nhân (hetu), Như lai giảng nhân ấy, nhân diệt thời pháp diệt (nirodha) – đại sa môn nói vậy”. Khi ngài Xá Lợi Phất nghe bài pháp ngắn này thì nhãn pháp không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sinh khởi, rằng “điều gì có bản tính được sinh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tính được hoại diệt”. Ngài nói: “Nếu giáo pháp chính là đây, hiền giả đã xuyên thấu con đường không sầu muộn đã không được nhìn thấy, đã không được nói ra bởi muôn ngàn kiếp sống”.
Ngài Xá Lợi Phất đã trực ngộ Tứ Thánh đế: Khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ. Chúng ta có hiểu biết tư duy về tứ thánh đế, nhưng tứ thánh đế có thể được trực nhận mà không cần phải suy nghĩ về chúng. Chúng ta không thể hình dung làm sao có thể có điều ấy, chừng nào trí tuệ còn chưa phát triển đến mức độ đó. Cái thấy hiện giờ được sinh khởi nhờ nhân duyên, nó là một phần trong vòng luân hồi sinh tử. Cái thấy đã diệt, vì vậy nó là khổ. Ngài Xá Lợi Phất ngay lập tức hiểu rằng chánh kiến về thực tại sinh khởi tại giây phút hiện tại dẫn đến diệt trừ vô minh và ái dục, cái chính là nhân duyên cho vòng sinh tử luân hồi, tạo duyên cho cái thấy, cái nghe và các thực tại khác được sinh khởi. Ngài đã hiểu thực tại hiện tiền là pháp, do duyên sinh khởi. Ngài đã thấu triệt đặc tính vô ngã của nó. Với chúng ta thì thật khó để thấy pháp chỉ là pháp vì vô minh đã che phủ sự thật. Chúng ta đọc trong Chú giải Bộ Phân tích của Tạng Diệu Pháp (Vibhanga), cuốn “Xua ta si ám”(I, Chương VI, Phân tích duyên khởi, 140) về vô minh che dấu sự hiểu biết. Chúng ta đọc như sau:
Điều đó có thể nói như sau: Trí chính là tuệ. Có nghĩa là, tuệ khiến ta biết một cách rõ ràng tứ thánh đế với từng ý nghĩa và từng nguyên nhân. Nhưng vô minh này khi sinh khởi không để cho trí đó làm cho pháp (dhamma) đó được biết một cách rõ ràng; như vậy, vì đối nghịch với tuệ, vô minh là không hiểu biết. Cũng vậy, thấy là tuệ. Nó thấy đặc tính. Nhưng vô minh khi khởi lên không cho ta thấy được, như vậy vô minh là không thấy.…
Sau đó chúng ta đọc rằng, bất cứ khi nào vô minh sinh khởi, nó sẽ không cho phép hiểu biết được xuyên thấu, nắm bắt và suy xét đúng đắn về sự thật. Vì vậy, mỗi khi vô minh sinh khởi, nó sẽ ngăn chặn và che dấu hoạt động của trí tuệ. Đoạn viết này nhắc chúng ta về hoạt động của vô minh mà không hề được nhận ra, vì khi có vô minh chúng ta không biết có vô minh. Điều này vô cùng nguy hiểm. Chúng ta cần phát triển trí tuệ về pháp chân đế từ kiếp này sang kiếp khác, nhằm thấy pháp là pháp, thấy nó là vô ngã. Chúng ta dính mắc vào ý niệm “thân thể của tôi”, nhưng khi có sự xúc chạm, đặc tính cứng là pháp xuất hiện. Ý niệm về thân thể chỉ có trong trí nhớ của chúng ta. Khun Sujin nói: Khi có sự xúc chạm, đâu là đầu của bạn? đâu là chân của bạn? Chỉ có trong trí nhớ của bạn thôi. Khi có sự xúc chạm, bạn có thể không nhận ra, đó chỉ đơn thuần là khoảnh khắc kinh nghiệm một đối tượng. Sâu trong tâm tưởng của bạn vẫn có ý niệm về “cái gì đó”. Ví dụ, khi bạn chạm vào đồ vật nào đó trong bóng tối, bạn muốn biết đó là cái gì, vì vẫn có “cái gì đó”. Chỉ có sáu căn và có một đối tượng xuất hiện tại một khoảnh khắc. Nó không ở lại, chờ đợi bạn chạm vào.
Cần một số nhân tố làm duyên để kinh nghiệm đặc tính cứng, như sắc là tính cứng và sắc là cảm giác trên thân. Bản thân các yếu tố làm duyên này cũng do duyên khởi. Đặc tính cứng là một trong tứ đại và nó được tạo duyên bởi ba yếu tố khác là nhiệt lượng, sự chuyển động, sự gắn kết sinh khởi cùng với nó. Sắc là cảm giác trên thân được tạo bởi nghiệp. Kinh nghiệm về đối tượng xúc chạm trên thân căn là quả (vipaka) của nghiệp. Chúng ta thấy các yếu tố nhân duyên kết hợp với nhau phức tạp đến thế nào. Chúng ở đó chỉ trong một khoảnh khắc kinh nghiệm đặc tính cứng. Chúng ta không thể điều khiển chúng đến cùng nhau và không có yếu tố nào có thể duy trì. Chúng chỉ ở đó trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, gần như vô nghĩa.
Một số người muốn tập trung quán sắc trên thân. Bằng việc tập trung vào một điểm trên thân, họ tin rằng họ có thể nhận ra sắc của thân căn. Thân căn nằm trên toàn thân nhưng khi có sự tác động của đối tượng xúc chạm lên thân căn, nó chỉ xảy ra trên một điểm. Điểm vô cùng nhỏ đó là một sắc được coi là căn vật lý cho thân thức, và đó chính là căn môn qua đó đối tượng xúc chạm được kinh nghiệm . Khi một sắc có đặc tính nóng hay cứng tác động lên thân căn, chúng ta có thể cảm thấy đau và có thọ khổ. Nhưng liệu chúng ta có thể trực tiếp kinh nghiệm được sắc của thân căn, sinh khởi và hoại diệt ngay nơi có sự tác động của đối tượng lên thân căn trong khoảnh khắc đó? Nó diệt ngay lập tức. Thật vô ích khi cố gắng nhận ra tác động đó nằm ở đâu.
Sau đó chúng ta tiếp tục nghĩ về thực tại và không có hay biết về các thực tại khác đang hiển hiện, như cái thấy hay đối tượng thị giác. Không thể tránh khỏi suy nghĩ về chỗ bị đau trên thân, nhưng chúng ta nên biết đó chỉ là suy nghĩ, một thực tại do duyên khởi. Nếu chúng ta cứ bận tâm vào một chỗ trên thân, vậy còn khoảnh khắc hiện tại này thì sao? Nếu chúng ta có chánh niệm về cái đang sinh khởi tại giây phút hiện tại thì sẽ chỉ có pháp đó, và không cần tìm ra sự tác động ấy nằm ở đâu trên thân. Khun Sujin đã giảng giải rằng chúng ta không sở hữu cái gì cả: Chúng ta nghĩ về thân thể và tài sản của mình – những thứ thuộc về của tôi, nhưng không có cái gì là của tôi cả, kể cả đối các đối tượng thị giác trong căn phòng này. Nó sinh khởi, hiện diện và hoại diệt. Sự tiếp nối liên tục của các sắc – đối tượng thị giác là điều kiện để hình thành khái niệm “cái gì đó”. Chúng ta có thể nhìn thấy tâm sinh khởi và hoại diệt nhanh đến mức nào. Nó biến hóa như ảo thuật gia. Khi chúng ta không thấy điều đó thì trong mọi lúc vẫn còn “tôi” và “của tôi”. Liệu âm thanh có thuộc về ai đó không? Nếu đó là giọng nói của bạn, nó có thuộc về bạn không? Đối tượng thị giác chỉ là một sắc trong 28 sắc pháp. Nó là thực tại duy nhất có thể được thấy (bằng mắt). Bạn thấy các suy nghĩ của mình về đối tượng thị giác rất quan trọng, nhưng đối tượng thị giác chỉ là một loại sắc. Khi chúng ta hiểu về đối tượng thị giác và suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giữa sự thật chân đế và sự thật tục đế. Chúng ta biết sự thật quy ước (tục đế) bắt đầu khi nào và như thế nào.
Khi hiểu hơn về sự khác biệt giữa cái thấy và sự chú tâm tới hình dạng của đối tượng, sẽ thấy rõ hơn khi nào đối tượng của tâm là một thực tại chân đế xuất hiện qua một trong sáu căn, và khi nào đối tượng là một khái niệm.
Theo nghĩa tuyệt đối, không có ai sở hữu bất cứ thứ gì, nhưng như vậy thì việc cố gắng sở hữu tài sản có ý nghĩa gì hay không? Đã có một buổi tranh luận về chủ đề này tại nhà của Ivan và El. Ivan đã từng nghĩ, khi chúng ta suy ngẫm về Giáo pháp, chúng ta nên bớt mong muốn. Khi đó không cần mở rộng hoạt động kinh doanh để kiếm thêm tiền. Bây giờ thì anh ấy hiểu rằng, nên phát triển tứ niệm xứ một cách tự nhiên, rằng chúng ta không nên cố gắng thay đổi nếp sống của mình. Nếu chúng ta là một cư sĩ, chúng ta không nên cố gắng sống như người xuất gia, một cuộc sống rất ít nhu cầu. Khun Sujin nói:
Chúng ta có tâm tham, cho dù chúng ta làm việc hay không làm việc. Bạn làm việc bởi vì bạn đã được sinh ra. Làm việc chỉ là nhìn, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm và suy nghĩ. Bạn không phải thay đổi bản thân hay chuẩn bị cái gì vì Giáo pháp. Bạn không cần phải dành toàn bộ thời gian để học Giáo pháp, mà hãy phát triển hiểu biết tất cả mọi lúc, để nhìn thấy thực tại chỉ là các pháp. Cái thấy và đối tượng thị giác chỉ là các pháp, tất cả mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta là pháp. Chúng ta không thấy pháp, chúng ta không hiểu pháp như nó là. Chúng ta cố gắng dành thời gian để học Pháp, để thay đổi cuộc sống, nhưng pháp đang ở ngay đây, bây giờ. Nếu chúng ta bàn nhiều về các thực tại hay các pháp hơn và chúng ta bắt đầu hiểu pháp như chúng là, khi đó, chánh niệm sẽ đến rất nhanh. Đó là chánh niệm thực sự. Nếu bạn cố sức dành thời gian để học Giáo pháp, cố ngồi thiền, cố gắng quan sát thực tại, chân pháp không xuất hiện. Chánh niệm sẽ hay biết khi có đủ hiểu biết đúng về thực tại. Bạn không nên ép mình phải có chánh niệm, khi đó lại là tâm tham. Pháp rất tự nhiên, không cần chừa riêng thời gian vì nó hay chuẩn bị tinh thần cho nó. Chúng ta cần hiểu biết nhiều hơn – đó là điều kiện cho chánh niệm tự sinh khởi bất cứ lúc nào. Khi đó là chánh niệm thực sự (samma sati).
Bạn có thể phân vân, liệu xem ti vi có cản trở phát triển chánh niệm. Trong khi chúng ta xem, có nhiều điều kiện cho sự dính mắc, hoặc, khi bộ phim ghê rợn, chúng ta sợ hãi. Khun Sujin nói về điều này như sau: “mỗi một hành động đều do duyên khởi, đó chính là ý nghĩa của vô ngã”. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn xem ti vi, mong muốn đó đã được tạo nên bởi các nhân duyên. Kể cả trong lúc xem, vẫn có cái thấy, cái nghe hay suy nghĩ, từng thực tại một. Thực tại vẫn sinh khởi cho dù bạn xem hay không xem ti vi. Luôn có một thế giới xuất hiện qua một trong sáu căn tại một thời điểm. Sáu thế giới này cần được phân tách rõ ràng cho tới khi nào không tìm ra cái ngã nữa. Các thực tại xuất hiện do nhân duyên riêng của nó, không phải do chúng ta mong muốn. Khun Sujin nói: Đặc tính cứng đã sẵn sàng như một đối tượng để phát triển hiểu biết về nó. Đối tượng thị giác sinh khởi. Chúng ta thôi làm bất cứ điều gì.
Khi Sarah hỏi tại sao chúng ta luôn có quá nhiều tâm tham, Khun Sujin đã trả lời:
Chức năng của tâm tham là bám víu, đó là lý do tại sao luôn có sự bám víu. Chúng ta không thể thay đổi đặc tính hay chức năng của tâm tham. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng tâm tham chỉ là pháp, nó do duyên sinh khởi, nó có đó như một đối tượng để phát triển hiểu biết đúng về nó.
Đức Phật đã dạy các tì kheo, tì kheo ni và cư sĩ nam, cư sĩ nữ mỗi người hãy phát triển tứ niệm xứ trong từng hoàn cảnh và theo nếp sống riêng của mình, qua đó họ có thể nhận thấy pháp chỉ là pháp. Chúng ta đọc trong Tăng Chi bộ kinh” (Chương Tám Pháp, VII. Phẩm đất rung chuyển, phần 10) rằng Đức Phật, trong khi ngụ tại Đại Lâm – Vesàli, đã cho Tôn giả Ananda ba cơ hội để thỉnh cầu ngài sống trọn thọ mạng. Tôn giả Ananda đã không thỉnh cầu điều đó, vì khi ấy tâm của Tôn giả đang bị Ác ma ám ảnh. Sau khi Tôn giả đi khỏi, Ác ma đã đến và nói Đức phật hãy diệt độ. Sau khi suy xét, Đức Phật đã nói với Ác ma rằng ngài sẽ không diệt độ chừng nào các đệ tử của ngài có thể thực hành và tinh thông giáo pháp. Sau đó Ác ma tiếp tục xin ngài diệt độ. Đức Phật đã trả lời rằng Ngài sẽ diệt độ sau ba tháng nữa. Chúng ta đọc rằng Ngài đã “từ bỏ thọ hạnh” và khi đó có một trận đại địa chấn. Trong bài kinh, chúng ta được nhắc nhở về tâm nguyện của Đức Phật đối với các đề tử của mình. Sau khi suy xét, Đức phật đã nói với Ác ma như sau:
Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ cho đến khi nào những Tì kheo của Ta chưa trở thành những đệ tử tinh thông, có huấn luyện, có tin tưởng, đạt được an ổn khỏi khổ ách, nghe nhiều, thọ trì pháp, thực hành pháp và tùy pháp, sở hành chân chánh, hành trì theo pháp; biết sống trọn vẹn với giáo pháp như các bậc Sư trưởng của mình, họ có thể tuyên bố, thuyết giảng trình bày xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, chưa có thể bác bỏ, hàng phục với chánh pháp, chưa có thể thuyết pháp thần diệu.
Chúng ta đọc rằng Đức Phật đã nói chính xác điều tương tự như vậy đối với các tì kheo ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Chú giải của bộ kinh này – “Manorathapurani” (Luận giải kinh tăng chi), giải thích rằng “người nghe nhiều”, bahusutta, là người đã được nghe Tam tạng. Chú giải bổ sung thêm “người nghe nhiều” là người có pháp học “pariyatti”, về mặt lý luận, và là người có pháp hành để đạt được chứng ngộ “pativedha”. Chúng ta nên phát triển giáo pháp bằng cả hai cách. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng chỉ nghe hay đọc giáo pháp thì chưa đủ. Nên áp dụng những điều chúng ta đã được nghe để kinh nghiệm trực tiếp sự thật. Các đệ tử nên thiết lập trọn vẹn trong Chánh Pháp . Chúng ta thấy trong Chú giải có nói: “Họ thực hành minh sát, vốn là Pháp xứng đáng là pháp của bậc Thánh.” Các phật tử nên lấy Pháp là vị đạo sư của mình. Khun Sujin lại nhắc Sarah và Jononothan rằng chúng ta không nên phụ thuộc vào ai cả. Bà nói:
Hãy lấy Giáo pháp làm đạo sư của bạn, đừng phụ thuộc quá nhiều vào người khác. Hiểu biết thực tại phụ thuộc vào cách bạn học hỏi. Tôi không thích phụ thuộc vào người khác. Đó phải là hành trình của riêng tôi để liễu ngộ giáo lý. Bạn không cần một ai khác chỉ cho bạn biết bạn có bao nhiêu hiểu biết. Đối tượng trong giây phút hiện tại này sẽ nói cho bạn biết.
Bây giờ đang có đối tượng thị giác. Chúng ta cần kiểu tra xem liệu nó có được nhận biết chỉ là pháp hay liệu vẫn có “cái gì đó” ở đó. Không ai có thể nói cho bạn biết. Pháp chính là đạo sư của bạn.
Với tâm từ
Nina van Gorkom
(Chuyển ngữ: Thanh Mai)