Bức thư Vipassana 10
Hague, ngày 02 tháng 10 năm 1991
Các đạo hữu thân mến,
Cuộc sống hàng ngày của chúng ta thật phức tạp, chúng ta bận rộn với công việc và luôn có những vấn đề gây phiền phức cho chúng ta. Dường như là có rất ít cơ hội cho những việc thiện. Chúng ta tin rằng chúng ta thấy giá trị của Giáo Pháp, nhưng lại khó mà áp dụng được chúng. Chúng ta đọc trong “ Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Sáu Pháp, phẩm Bà La môn, phần 51, Hai người):
Có hai vị Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Những Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi là những Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng chúng tôi không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Tôn giả Gotama hãy răn dạy chúng tôi, Tôn giả Gotama hãy giảng dạy chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
– Thật vậy, các ông là những Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng các Ông không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Thật vậy, này các Bà-la-môn, thế giới này đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn. Thế giới đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn như vậy, này các Bà-la-môn, thời chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý trong đời này, đối với kẻ đã đi đến cõi chết, phải là chỗ nương tựa, là hang trú ẩn, là hòn cù lao (hay ngọn đèn), là chỗ quy y và là đích xứ nó đến.
Hai người Bà la môn này đã rất thành thật, họ nhận ra rằng hầu hết thời gian là tâm bất thiện sinh khởi. Chúng ta cũng như vậy có phải không?
Sau khi thấy, nghe, ngửi và nếm hoặc kinh nghiệm những đối tượng xúc chạm (qua thân căn), chúng ta thấy tâm bất thiện sinh khởi nhiều hơn là tâm thiện. Chúng ta dính mắc với tất cả đối tượng ngũ dục, sự dính mắc, tham theo sau chúng ta như bóng với hình trong suốt cuộc đời. Nếu những đối tượng này không như ý, tâm tham trong ta sẽ làm duyên cho sự sinh khởi của tâm sân.
Khun Sujin đã nói về bài kinh hai người Bà la môn này tại chùa Bovornives, giải thích rằng chúng liên quan tới cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tôi xin trích dẫn lời bà ở đây:
Các nhân duyên là khác nhau đối với những người khác nhau. Một số người luôn luôn chỉ nghĩ về bản thân họ, họ chẳng làm gì cho người thân hay bạn bè. Từ sáng đến đêm họ bận rộn với công việc của họ, kiếm sống cho gia đình họ, và họ phải đối diện với nhiều vấn đề liên quan đến nghĩa vụ của họ. Nếu chúng ta không tích lũy thiện nghiệp để chúng trở thành tự nhiên, tâm thiện sẽ không được sinh khởi dễ dàng. Chúng ta nên tích lũy thiện nghiệp trong mối quan hệ của chúng ta với những người khác, trong khi làm việc hay rảnh rỗi, nếu không thì chẳng có cơ hội nào cho thiện nghiệp cả. Khi chúng ta nghỉ ngơi sau một ngày bận rộn, có thể tâm tham sẽ sinh khởi. Chúng ta dính mắc vào tự ngã, chúng ta tìm kiếm thú vui và sự giải trí để tiêu khiển. Sau đó chúng ta lại nghĩ rằng ta không có thời gian dành cho thiện pháp. Hai vị Bà la môn già kia đã phải giải quyết rất nhiều vấn đề của gia đình họ. Tuy nhiên, đây là vấn đề của tất cả chúng ta. Chúng ta chắc chắn có những lúc lo lắng và phiền não. Có đủ mọi vấn đề nảy sinh hàng ngày. Nếu không có vấn đề về nhà, gia đình, về công việc của chúng ta, thì lại có vô số lý do khác để lo lắng . Chúng ta lo lắng trong kiếp này, nhưng chúng ta nên nhớ rằng lo lắng cũng xảy ra trong những kiếp trước đây. Những lo lắng này thuộc về quá khứ. Dù vậy, những lo lắng trong kiếp này không thể ở lại. Đã có lo lắng trong quá khứ và sẽ có lo lắng trong kiếp sau. Chúng ta lo lắng về bệnh tật và đau đớn. Cũng vậy, trong những kiếp trước đã có những lo lắng về bệnh tật, mặc dù chúng ta chẳng biết là đã mắc những bệnh gì. Trong đời này, chúng ta có thể mắc bệnh tương tự hoặc bệnh khác mà chúng ta chưa từng mắc trước đây, nhưng có sự Lo Lắng đã có trong các kiếp trước trong vòng luân hồi sinh tử và sẽ lại có lo lắng đến trong các kiếp về sau.
Chúng ta không nên quên việc tư duy liên tục về tám “cơ sở khởi sinh khẩn cấp tu niệm” ( Vis IV, 63): 1.sinh, 2.lão, 3.bệnh, 4.tử, 5.khổ do sinh ra trong bốn đường ác đạo, 6.khổ trong quá khứ bắt nguồn từ vòng luân hồi sinh tử, 7.khổ trong tương lai bắt nguồn từ vòng luân hồi sinh tử, và 8.khổ trong hiện tại bắt nguồn từ việc tìm kiếm cái ăn.
Chúng ta không thể nhớ những nỗi khổ trong quá khứ, nhưng chúng không khác gì những nỗi khổ khởi sinh trong đời hiện tại và những nỗi khổ sẽ sinh ra trong tương lai. Nếu ta có một ngôi nhà, chúng ta sẽ lại buộc phải lo lắng về nó không ngừng. Nếu ta có những nghĩa vụ trong công việc hàng ngày, ta buộc phải lo lắng về nó không ngừng. Vì chúng ta có thân, chúng ta sẽ luôn phải lo lắng đến sức khỏe. Chúng ta nên suy nghĩ sâu sắc về sự thật của khổ trong cuộc đời liên quan đến việc tìm kiếm cái ăn. Thực ra chúng ta tìm kiếm thức ăn cho Khổ. Điều này giải thích vì sao chúng ta vẫn tiếp trục đi trong vòng luẩn quẩn, luôn luôn chạy quanh để tìm kiếm thức ăn cho Khổ.
Bất cứ khi nào kinh nghiệm được đối tượng ưa thích qua mắt, chúng ta tiếp tục tìm kiếm thức ăn cho Khổ. Chúng ta tìm kiếm mọi thứ cho Khổ trong vòng luân hồi sinh tử. Bất cứ khi nào có nghe và chúng ta dính mắc vào âm thanh, chúng ta đang tìm kiếm Khổ. Tham ái là nguyên nhân dẫn đến khổ trong vòng sinh tử. Chúng ta không bao giờ ngừng việc tìm kiếm Khổ. Qua mũi, ngửi mùi thơm, hương hoa, nước hoa, và rồi chúng ta tiếp tục tìm kiếm khổ mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta tìm kiếm khổ khi chúng ta nếm vị qua lưỡi, hoặc khi có đối tượng xúc chạm qua thân căn.
Khi chúng ta nghĩ về một câu chuyện, liệu chúng ta có tìm kiếm cái khổ không? Chúng ta tìm kiếm cái khổ mọi nơi từ sáng đến đêm. Nếu chúng ta không nhận ra điều này, chúng ta không thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Trước khi có thể diệt trừ được phiền não, trước khi xả ly, vô tham, có thể sinh khởi, trở nên mạnh mẽ và nhờ đó mà sự vị kỷ được loại bỏ, chúng ta nên biết những đặc tính của nguyên nhân của khổ, thức ăn cho khổ. Chính là tham ái, dính mắc đi tìm kiếm. Tham là nguyên nhân của Khổ, trong khi vô tham, không dính mắc là cội nguồn của hạnh phúc. Khi chúng ta bớt dính mắc vào các đối tượng sinh khởi nơi sáu căn, có phải là sự tìm kiếm khổ bớt đi không? Đời sống tiếp theo sẽ lại giống như hiện tại, và cái vòng này sẽ dài ra nếu không có trí tuệ biết về những đặc tính của thực tại như chúng là. Tuệ nên được vun bồi tới mức độ chứng ngộ Tứ Thánh đế và đạt được giải thoát.
Trong kiếp sau, sẽ lại có hạnh phúc và khổ đau, và điều này phụ thuộc vào nghiệp. Nếu chúng ta có hiểu biết đúng đắn về nghiệp và và có quyết tâm vun trồng thiện nghiệp thì ta sẽ không dễ duôi. Khun Sujin đã nói vậy.
Tiếp sau bài kinh về hai vị bà la môn già, là một bài kinh có một phần nội dung tương tự. Đức Phật đã nói với hai vị bà la môn già rằng thế giới bị thiêu cháy bởi tuổi già, bệnh tật và cái chết.
Sau đó chúng ta đọc câu kệ mà Ngài đã thuyết:
Khi một ngôi nhà đang cháy, đồ đạc được dỡ ra.
Những gì đã cháy, sẽ vô dụng với người ta.
Cũng vậy, thế giới bị đốt cháy bởi tuổi già và cái chết. Vậy, bảo vệ bản thân mình bằng bố thí.
Những gì được cho đi sẽ được lưu lại.
Giữ gìn thân, khẩu và ý làm việc thiện trong đời sống này,
Điều này tạo hạnh phúc khi người đó ra đi.
(hoặc:
Trong ngôi nhà bị cháy,
Ðồ đạc được đem ra,
Ðồ ấy lợi cho nó,
Không phải đồ bị cháy,
Cũng vậy đời bị cháy,
Do già chết thiêu đốt,
Nhờ bố thí tự cứu
Khéo cứu, đồ bố thí.
Ở đây, chế ngự thân,
Chế ngự lời và ý,
Kẻ ấy dầu có chết,
Cũng được hưởng an lạc,
Vì khi còn đang sống
Ðã làm các công đức.)
Thông qua phát triển hiểu biết đúng đắn về danh và sắc, chúng ta sẽ thấy hiểm họa của bất thiện và lợi lạc của thiện. Chúng ta sẽ tới lúc thấy được những bất lợi của tái sinh luân hồi. Tại thời điểm này, chúng ta không thấy được cuộc đời này là khổ. Chúng ta còn tìm kiếm khổ lâu chừng nào còn dính mắc vào danh và sắc. Chúng ta có thể phát triển thêm hiểu biết về khổ trong đời sống của chúng ta bằng việc nghiên cứu những gì kinh điển và chú giải nói về chủ đề này. Mặc dù hiểu biết của chúng ta về khổ chỉ là trên lý thuyết nhưng việc nghiên cứu nhiều khía cạnh của khổ cũng đem lại ích lợi. Nghiên cứu kỹ lưỡng Giáo Pháp là nhân duyên để trí tuệ được tăng trưởng. Thông qua phát triển thiền tứ niệm xứ, chúng ta sẽ dần có hiểu biết trực tiếp về chân đế.
Chú giải của Bộ phân tích (Vibhanga), cuốn Xua tan si ám (Sammohavinodani), trình bày về những khía cạnh khác nhau của khổ. Chúng ta đọc trong phần “Phân loại Chân đế” (P.4, Saccavibhanga) về nhiều loại khổ. Chúng ta đọc về khổ (93):
Nơi đây, cảm thọ khó chịu trên thân và tâm được gọi là “khổ khổ” (dukkha-dukkha, khổ nội tại) bởi bản chất của nó, bởi tên của nó và bởi tính chất đau đớn của nó. Cảm thọ dễ chịu nơi thân và tâm được gọi là “hoại khổ ” bởi là duyên cho sự sinh khởi khổ do sự thay đổi của nó tạo ra . Cảm thọ trung tính và những cấu thành còn lại của tam giới được gọi là “hành khổ” bởi chịu sự o ép của sinh diệt.
Tất cả các pháp hữu vi do duyên sinh đều không thể tránh được việc sinh ra hoặc diệt đi, không thể nương náu vào được, vì vậy chúng là khổ. Trong mục nói về sinh, chúng ta đọc rằng sinh là khổ. Chú giải giải thích rằng sinh là khổ bởi vì nó là nền tảng cho sự khổ phát sinh. Sinh là nền tảng cho rất nhiều loại khổ khi sự tái sinh ấy diễn ra trong bốn đường ác đạo. (Xem thêm trong Thanh tịnh đạo 16, 32-61 Giới), nó cũng là nền tảng của khổ trong các cõi an lành. Trong cõi người, khổ bắt đầu từ sự thụ thai trong tử cung. Chú giải mô tả nỗi khổ của bào thai bởi sức nóng của cơ thể người mẹ, bởi cái lạnh khi người mẹ uống nước lạnh, bởi tất cả những nỗi đau khi người mẹ sinh nở. Trong quá trình tồn tại, có cái khổ khi một người tự tử, ép xác, vì giận dữ mà nhịn ăn hoặc treo mình, hoặc chịu đau khổ dưới sự bạo hành của người khác. Tuổi già là khổ. Chú giải đã giải thích rằng gọi chúng là khổ vì nó bắt nguồn từ khổ thân và khổ tâm.
Chúng ta đọc:
Người già ốm yếu giống như cái xe cũ kỹ. Người ấy vô cùng khổ sở khi đứng, đi hay ngồi. Người ấy đau khổ khi vợ con không còn quan tâm đến mình như trước. Ví dụ này giúp chúng ta hiểu về sự khổ từ hai loại khổ về thân và tâm này. Hơn nữa:
Với tứ chi nặng nề
Các giác quan tàn lụn
Với tuổi trẻ đi qua
Trí nhớ, tuệ suy dần
Sức khỏe bị phá sản
Càng ngày càng xấu xí
Dưới mắt những người thân
Càng ngày càng lẩn thẩn
Khổ nào bằng khổ này
Về thân và về tâm
Mà con người phải gặp?
Vì già sẽ đem đến
Tất cả điều nói trên
Già đáng gọi là khổ
Trên đây là nói về cái khổ già.
Cái chết là khổ. Giây phút lâm chung xảy ra chỉ là một sát na tâm diệt và sau đó sẽ là cuộc đời mới, nhưng chúng ta sẽ không còn là con người như cũ nữa. Cái chết là khổ bởi vì nó là căn nguyên của cả khổ thân và tâm. Khổ thân và tâm xuất hiện trước cái chết. Khi chúng ta mất đi tài sản thì chúng ta sẽ thấy bất hạnh, nhưng khi cái chết đến, chúng ta sẽ mất tất cả, mất thân thể và mất cuộc sống với tư cách cá nhân này. Cái chết là nỗi khổ lớn nhất. Chúng ta dính mắc vào tài sản của mình và chúng ta có thể có tính keo kiệt. Nếu chúng ta nhớ rằng khi cái chết đến thì chúng ta phải từ bỏ mọi thứ lại phía sau, thì nó có thể là nhân duyên để ít nắm giữ chúng hơn. Keo kiệt là nhân tạo ra pháp bất thiện, dẫn tới việc tái sinh bất hạnh. Khun Sujin giải thích rằng “Nếu chúng ta muốn cất giữ mọi thứ cho chúng ta thì thực tế là dành chúng để mua chỗ trong Địa ngục”. Chú giải cho thấy những người nào tạo nghiệp bất thiện đưa đến tái sinh bất hạnh sẽ có nỗi sợ hãi và đau khổ ghê gớm ngay trước khi chết. Vào thời điểm đó thì nghiệp bất thiện đã gắn liền với họ hoặc hình ảnh về địa ngục có thể xuất hiện trước mặt. Bởi vậy chúng ta hiểu rằng cái chết là nguồn gốc của khổ thân và tâm.
Sầu (soka) là khổ. Chú giải ghi rằng : sự buồn rầu loại bỏ và phá hủy an sinh. Có năm loại tàn hoại hoặc mất mát: người thân, tài sản, sức khỏe, giới và chánh kiến. Khi chúng ta chịu tác động của một trong những mất mát này và bị chôn vùi bởi chúng, ta sẽ trở nên phiền muộn. Những mất mát này là một phần của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta có thể mất đi người thân khi họ bị kẻ cướp giết hại, hoặc chúng ta mất họ vì chiến tranh hoặc bệnh tật. Rõ ràng rằng mất đi người thân hoặc tài sản hoặc sức khỏe sẽ khiến chúng ta buồn rầu. Không giữ giới làm cho chúng ta lo lắng về nó và vô cùng khổ sở. Khi mất đi chánh kiến, nhận thức sai lầm sẽ tạo duyên cho rất nhiều việc làm xấu dẫn tới kết quả không tốt đẹp. Chừng nào ta còn dính mắc vào tà kiến, chừng ấy ta còn luẩn quẩn trong vòng luân hồi sinh tử. Chú giải sử dụng từ « sầu muộn » và « đốt cháy tâm ». Chúng ta đọc « … vì khi sầu não sinh khởi, nó đốt cháy và tiêu hủy tâm giống như ngọn lửa, khiến chúng ta nói rằng « Tâm của tôi đang bị đốt cháy, tôi không thể suy nghĩ được điều gì ». Sầu não được so sánh như mũi tên gây ra sự đau đớn. Nó là cơ sở cho nỗi khổ thân và tâm. Chúng ta đọc trong chú giải rằng nó có đặc tính tiêu hủy bên trong, rằng chức năng của nó là tiêu hủy tâm một cách hoàn toàn và biểu hiện là sự phiền muộn liên tục. Chúng ta đọc bài kệ sau:
Sầu như mũi tên độc
Đâm thấu tim chúng sinh
Như khiên rời lò lửa
Vẫn cháy đỏ khôn nguôi
Mang theo những khổ đau
Như bệnh, già và chết
Thế nên gọi “khổ đau”.
Trong Tăng chi bộ kinh (Chương Hai Pháp, Phẩm Hình Phạt, số 3, kinh Tapaniya) chúng ta đọc về sự đốt cháy của hối hận :
Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, làm cho nung nấu. Thế nào là hai? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân làm ác, thân không làm thiện, miệng nói lời ác, miệng không nói thiện, ý nghĩ ác, ý không nghĩ thiện. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Thân ta đã làm ác”. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Thân ta đã không làm thiện”. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Miệng ta đã nói lời ác”. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Miệng ta đã không nói lời thiện”. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Ý ta đã nghĩ ác”. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Ý ta đã không nghĩ thiện”. Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, làm cho nung nấu.
Chú giải cho kinh này, cuốn “”Manorathapurani”, chỉ ra rằng ân hận có thể gây ra những phiền não to lớn. Chúng ta đọc về hai anh em đã giết bò và chia nhau thịt bò. Tuy nhiên, người em muốn lấy phần nhiều hơn vì anh ta rất đông con. Họ đã tranh cãi và sau đó người anh đã giết chết người em. Anh ta nhận ra rằng anh ta đã gây nghiệp đại bất thiện và thường xuyên lo lắng về điều này. Anh ta không thể nghỉ ngơi cho dù khi đứng hay ngồi, và anh ta không thể ăn uống gì được nữa, và kết quả là anh ta chỉ còn da bọc xương. Và kết quả của nghiệp bất thiện này là anh ta đã tái sinh nơi địa ngục.
Bi (pariveda) là khổ. Nó là căn nguyên cho khổ thân và khổ tâm. Chúng ta đọc:
Trúng phi tiêu, một người than khóc,
Cổ họng cháy khô nỗi đau càng khốc liệt
Vòm miệng bốc lửa thêm môi bỏng rát
Thế Tôn gọi đó là bi ai.
Đau đớn (khổ) là khổ. Nỗi đau về thân và tâm đều là khổ, bởi vì mỗi đau đớn là duyên cho khổ nơi thân và tâm. Khi thân của một người bị đau, người đó cũng chịu đau nơi tâm. Khi một người phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp nơi thân thì người đó có thể đấm ngực hoặc thậm chí tự tử.
Ưu, não- upasaya, là khổ vì nó cũng là nhân duyên của khổ nơi thân và tâm. Theo chú giải, nó có đặc tính là thất vọng, bản chất là sự rầu rĩ, biểu hiện là sự não nề.
Hơn nữa, chú giải làm rõ các loại khổ khác, đó là: oán tằng hội khổ (gần người mình không ưa); ái biệt ly khổ (xa người mình yêu thương); cầu bất đắc khổ (không đạt được cái mình mong muốn). Chúng đều tạo nên khổ nơi thân và tâm.
Nói tóm lại, ngũ uẩn thủ là khổ. Chú giải giải thích rằng:
Trong phần mô tả về ngũ uẩn thủ, cụm từ “nói tóm lại” (sankhittena) là nói đến cách thuyết giảng. Vì khổ không thể tóm tắt ngắn gọn bởi có tới hàng trăm loại khổ, hàng ngàn loại khổ đến hàng trăm ngàn loại khổ, nhưng có thể tóm tắt cách thuyết giảng. Vì vậy Ngài đã thuyết, tóm tắt giáo lý bằng cách này: Không có nỗi khổ nào khác ngoài năm uẩn thủ”. Tất cả các loại khổ khác nhau trong cuộc sống không thể nằm ngoài “ngũ uẩn thủ” này.
Theo chú giải, các loại khổ khác nhau này khởi sinh từ năm uẩn như cỏ mọc trên mặt đất hoặc hoa quả trên cây. Khổ là bản chất của ngũ uẩn thủ.
Thực tế rằng “tóm lại ngũ uẩn thủ là khổ” nhắc nhở chúng ta về chân lý. Rằng, trong chân đế không có ai cả, chỉ có ngũ uẩn, danh và sắc. Chúng sinh và diệt ngay tức thì và vì vậy mà chúng là bất toại nguyện. Chúng ta không thể an trú vào chúng được. Chúng ta có thể nói rằng cuộc đời là bất toại nguyện, và cuộc đời là khổ, nhưng liệu chúng ta đã nhận ra được sự thật của khổ không? Chúng ta cần phát triển hiểu biết đúng về thực tại sinh khởi tại thời điểm này, bởi vì đây là con đườ ng duy nhất để nhận biết được sự thật về danh và sắc. Thông qua sự phát triển tứ niệm xứ, chúng ta sẽ có thêm hiểu biết về nhân và quả trong cuộc sống của mình, về nghiệp và quả của nghiệp, và hiểu biết thêm về những phiền não duyên bởi những tích lũy của chúng ta trong quá khứ. Khi có thêm hiểu biết thì chúng ta sẽ bớt khổ. Chúng ta thường phản ứng với tâm bất thiện khi ta kinh nghiệm đối tượng khả ái và bất khả ái. Chúng ta phiền não bởi tám “ngọn gió đời” như: được và mất, khen và chê, vinh và nhục, lạc và khổ. Nghiệp khiến chúng ta sinh ra, và tạo ra các giác quan, qua đó chúng ta kinh nghiệm các đối tượng khả ái và bất khả ái. Thấy, nghe cùng các kinh nghiệm ngũ quan khác là kết quả của nghiệp. Nếu không có nghiệp thì không thể có thấy, nghe hoặc kinh nghiệm xúc chạm tại thời điểm này. Chúng ta không thể thấy được nhân được tạo trong quá khứ, nhưng nên nhớ rằng chúng ta là kẻ thừa tự của nghiệp. Chúng ta có hiểu biết trên lý thuyết về nghiệp và quả nhưng lại không áp dụng hiểu biết này trong cuộc sống. Chúng ta luôn bám chặt vào “ cái ngã” và chúng ta phân vân tại sao điều bất như ý này hay kia lại xảy ra với “tôi”. Chúng ta luôn quên rằng bất kỳ điều gì xảy ra đều do duyên. Khi có sự mất mát, chúng ta phiền muộn, than vãn và buồn rầu, chúng ta tự buộc tội và hối tiếc về bản thân. Khi những thời điểm này sinh khởi, chúng ta có thể có chánh niệm về chúng và vì thế chúng ta có thể học được rằng chúng chỉ là thực tại do duyên sinh. Khi tuệ giác được phát triển tới mức độ phát sinh tầng tuệ thứ nhất, danh sẽ được biết là danh, sắc được biết là sắc, đặc tính khác nhau của chúng được phân biệt rõ ràng. Tuệ giác này có thể đạt được chỉ khi hiểu biết về tất cả danh và sắc xuất hiện qua sáu căn đã được phát triển. Khi một tầng tuệ sinh khởi sẽ không có tự ngã, không có thế gian, chỉ có danh và sắc duyên với nhau. Với mỗi tầng tuệ giác, sẽ có sự phát triển của “nghiệp vận trí”-”kammassakata nana”, tức hiểu biết về “ chủ nhân của nghiệp”, của nghiệp và quả. Sự phát triển tứ niệm xứ là con đường duy nhất để có thể ứng dụng kiến thức về nghiệp và quả vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thay vì phản ứng với duyên trần bằng tâm bất thiện, chúng ta sẽ có nhiều nhân duyên để phản ứng với trí tuệ. Chúng ta sẽ có thêm kiên nhẫn và bình thản đối với những nghịch cảnh của cuộc sống.
Với tâm từ
Nina van Gorkom
(Chuyển ngữ: Minh Hằng)