Chương 17
Chánh định
Câu hỏi: Chánh định, sammå-samådhi, là một trong các chi thuộc Bát chánh đạo. Có định trong samatha và có định trong vipassanå. Định trong vipassanå là gì?
Nina: Samådhi là một tâm sở nhất tâm hay định tâm, ekaggatå cetasika. Mỗi tâm kinh nghiệm chỉ một đối tượng và chức năng của ekaggatå cetasika, hay còn được gọi là samådhi, là tập trung trên một đối tượng.
Mỗi citta đều đi kèm với ekaggatå cetasika hay samådhi, nhưng vì có nhiều loại citta nên cũng có nhiều loại samådhi. Khi samådhi đi kèm với akusala citta, nó là akusala và khi nó đi kèm với kusala citta, nó cũng là kusala.
Có sammå-samådhi hay chánh định trong samatha. Nó tập trung trên một đối tượng: trên đề mục thiền tạo duyên cho sự an tịnh. Có nhiều mức độ chánh định trong samatha. Khi an tịnh phát triển và đạt được giai đoạn an tịnh cao hơn, định cũng phát triển.
Có sammå-samådhi trong vipassanå. Sammå-samådhi của Bát chánh đạo sinh khởi cùng với chánh kiến (sammå-ditthi) và chánh niệm (sammå-sati). Đối tượng của nó là thực tại xuất hiện thông qua một trong sáu căn.
Câu hỏi: Như vậy, sammå-samådhi tập trung trên nåma hoặc rúpa là đối tượng của chánh niệm. Dường như là chúng ta phải tập trung trên nåma hoặc rúpa trong một khoảng thời gian nào đó; nhưng bằng cách ấy không thể có chánh niệm trong suốt các hoạt động thường ngày được.
Nina: Nhất tâm trên nåma hay rúpa đang xuất hiện không có nghĩa là chú tâm trong một khoảng thời gian nào đó. Sammå-samådhi của Bát chánh đạo sinh khởi cùng với chánh niệm và chánh kiến thẩm sát đặc tính của nåma hay rúpa. Nó sinh và diệt cùng với citta mà nó đi kèm. Trong vipassanå, ta không cố chú tâm trên thực tại đang xuất hiện trong một khoảng thời gian nào đó.
Phát triển vipassanå không tách khỏi cuộc sống hàng ngày của chúng ta; bất kể nåma hay rúpa nào xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày đều có thể là đối tượng của chánh niệm. Chẳng phải có cái thấy bây giờ, có cái nghe bây giờ ư? Chúng có thể là đối tượng của chánh niệm. Khi chúng ta đang nói chuyện, có nåma và rúpa đang xuất hiện thông qua sáu căn. Tại sao không thể có chánh niệm về chúng? Chúng ta không phải dừng nói chuyện khi có chánh niệm về nåma và rúpa đang xuất hiện. Sati có thể là nhân duyên cho việc nói chuyện với kusala citta thay vì akusala citta.
Câu hỏi: Tôi cần phải làm gì để hiểu nåma hay rúpa đang xuất hiện tại giây phút hiện tại? Có chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày của tôi, nhưng chưa có cái hiểu rõ ràng về nåmas và rúpas đang xuất hiện. Tôi cảm thấy rằng, vẫn có thể có chánh niệm dù không biết chút nào về các đặc tính của nåma và rúpa. Phải vậy không?
Nina: Khi chúng ta bắt đầu phát triển Bát chánh đạo, chưa thể có cái hiểu rõ ràng về nåma hay rúpa là đối tượng của chánh niệm. Hơn nữa, có nhiều mức độ hiểu biết. Hiểu biết chắc chắn là rất mơ hồ khi mới bắt đầu, nhưng nếu có chánh niệm về nåma và rúpa thường xuyên hơn, sẽ có thêm hiểu biết sâu sắc hơn về các đặc tính của chúng.
Trong vipassanå, bạn không phải làm gì đặc biệt để phát triển chánh kiến về thực tại đang xuất hiện, như cố gắng chú tâm vào nó. Khi có nhân duyên cho chánh niệm sinh khởi, và tại khoảnh khắc đó, chánh kiến có thể thẩm sát đặc tính của thực tại đang xuất hiện; và cũng có cả chánh định tập trung trên thực tại đó. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng, chánh kiến không thể phát triển trong một thời gian ngắn, và như vậy cần rất nhiều kiên nhẫn để phát triển chánh kiến.
Câu hỏi: Một số người nói rằng để phát triển vipassanå, phải phát triển samatha làm nền tảng. Họ nghĩ rằng khi định được phát triển trong samatha, nó có thể giúp phát triển tuệ giác.
Nina: Samatha là sự phát triển an tịnh, tức là sự giải phóng tạm thời khỏi phiền não. Có cũng có sati và paññå trong samatha, nhưng chúng khác với sati và paññå trong vipassanå và chúng có đối tượng khác. Cách phát triển samatha khác với cách phát triển vipassanå và mỗi loại có một mục đích khác nhau. Trong samatha, đối tượng của sati và paññå là đề mục thiền – cái có thể tạo duyên cho sự an tịnh; trong samatha, chúng ta không tập để thấy nåmas và rúpas đang xuất hiện như chúng là và vì vậy, sự xả ly khỏi ý niệm về ngã không thể đạt được.
Mọi người có xu hướng nghĩ họ nên phát triển samatha trước khi phát triển vipassanå để tích lũy nhiều sati, nhưng họ nên nhớ rằng sati trong samatha khác với sati trong vipassanå. Mục đích phát triển vipassanå, ngay từ lúc ban đầu, nên là sự hiểu biết, hiểu biết các thực tại như chúng là, là vô thường, khổ và vô ngã. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua chánh niệm về nåma hay rúpa đang xuất hiện bây giờ, ngay tại khoảnh khắc này.
Câu hỏi: Trong trường hợp những người đang bị căng thẳng, liệu có tốt hơn là phát triển ít nhất một mức độ samatha trước khi phát triển vipassanå hay không?
Nina: Nếu chúng ta có tích lũy cho samatha, chúng ta có thể phát triển nó, nhưng thông qua samatha, chúng ta không tập hay biết về nåmas và rúpas xuất hiện bây giờ, một lần tại một thời điểm, để biết chúng là vô ngã. Khi đó, làm sao samatha có thể là điều kiện cần thiết cho vipassanå?
Không có nguyên tắc về việc ai nên phát triển loại kusala nào, bởi vì điều này tùy thuộc vào tích lũy của người ấy. Nếu những người đang bị căng thẳng đã từng học Giáo lý của Đức Phật và thực hành điều Ngài dạy, họ sẽ có thêm hiểu biết về các hiện tượng trong cuộc sống của mình. Hiểu biết này sẽ giúp họ một cách hiệu quả.
Câu hỏi: Tôi từng nghe mọi người nói rằng, những ai bất an thì không nên nghiên cứu Giáo lý bởi vì nó sẽ khiến họ rối trí hơn. Người ấy chỉ nên thực hành, mà không nên nghiên cứu.
Nina: Tất cả mọi người đều rối trí, lầm lẫn trước khi được nghe Giáo lý và nghiên cứu về nó. Tất cả chúng ta đều vô minh; vì vô minh mà chúng ta vẫn còn trong vòng luân hồi sinh tử. Chúng ta có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; chúng ta có tham (lobha), sân (dosa), và si (moha) sinh khởi do những cái chúng ta kinh nghiệm thông qua các căn và ý căn. Nhưng chừng nào chúng ta còn vô minh, chúng ta còn chưa biết về các thực tại này.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu Giáo lý và suy ngẫm về chúng, chúng ta sẽ bắt đầu có thêm hiểu biết về cuộc đời mình. Liệu sự hiểu biết rõ ràng hơn có làm cho chúng ta rối trí không? Hơn nữa, làm sao chúng ta có thể thực hành mà không có sự nghiên cứu? Nếu chúng ta muốn phát triển vipassanå mà không nghiên cứu, chúng ta sẽ không biết cái gì là chánh đạo và cái gì là phi đạo. Khi mọi người không biết đặc tính của sammåsati trong Bát chánh đạo, họ sẽ sai lầm nghĩ rằng sati có thể được tạo ra, họ sẽ không biết rằng sati là vô ngã, anattå. Kết quả là mọi người sẽ dính mắc hơn vào ý niệm về ngã, thay cho bớt dính mắc. Họ có thể tin rằng, họ có thể tăng cường kiểm soát tất cả các thực tại, rằng họ có thể kinh nghiệm nåma và rúpa như chúng là, rằng họ có thể kinh nghiệm sự sinh khởi của chúng, mặc dù trên thực tế, họ chẳng biết gì cả. Chúng ta nên nhớ rằng, nghiên cứu Giáo lý là điều kiện cần thiết cho sự phát triển Bát chánh đạo.
Câu hỏi: Nhưng chẳng phải những người mới bắt đầu phát triển chánh niệm nên đi đến một nơi đặc biệt như trường thiền, một nơi khá yên bình và yên tĩnh hay sao?. Hầu hết mọi người đều quá bận rộn trong cuộc sống hàng ngày đến mức chánh niệm là điều không thể đối với họ. Trong trường thiền, họ có thể làm cho đầu óc tỉnh thức và họ có thể tập trung vào nåma và rúpa.
Nina: Ý nghĩ đến trường thiền để làm cho đầu óc tỉnh thức là ý nghĩ được thúc đẩy bởi tà kiến về ngã – người có thể kiểm soát các thực tại. Một trường thiền có thể hữu ích khi chúng ta nhận được sự chỉ dẫn về Giáo pháp, nhưng chúng ta không nên tin rằng, chúng ta phải đi đến một trung tâm nào để có thêm chánh niệm. Trong trường thiền, có thể có dính mắc vào sự yên tĩnh và điều này là bất thiện pháp, vì vậy không có ích lợi. Chúng ta có thể trở nên ngày càng dính mắc vào sự yên tĩnh. Khi sự an tịnh bị quấy rầy, sẽ có nhân duyên cho tâm sân, dosa. Khi mọi người quay trở về cuộc sống hàng ngày, họ lại nhận thấy họ không thể chánh niệm, bởi vì cuộc sống hàng ngày không còn yên tĩnh. Một số người nghĩ rằng họ đang “trong thiền” khi họ ở trong trường thiền và rằng họ ở “ngoài thiền” khi họ tiếp tục cuộc sống thường lệ, cuộc sống hàng ngày của mình.
Trong phát triển vipassanå, không có câu hỏi về “trong thiền” và “ngoài thiền”. Chỉ có nåma và rúpa, cho dù chúng ta đang ở đâu. Cái thấy bây giờ không khác với cái thấy ở trong trường thiền; cái thấy luôn luôn là cái thấy, nó kinh nghiệm đối tượng thị giác ở tất cả mọi nơi. Cái cứng sinh khởi hiện giờ không khác với các cứng ở trong trường thiền; nó là một loại rúpa có thể được kinh nghiệm thông qua thân căn. Hiểu đúng về chánh niệm trong Bát chánh đạo là nhân duyên cho sự sinh khởi chánh niệm ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào.
Câu hỏi: Tôi nghe mọi người nói rằng những ai bắt đầu phát triển vipassanå nên cử động chậm rãi, người ấy cũng nên ăn và đi chậm để có thêm chánh niệm.
Nina: Khi bạn cử động tay một cách chậm rãi để có thêm chánh niệm, loại citta nào thúc đẩy hành động đó? Có phải là tâm tham không?
Người hỏi: Đúng vậy, có tâm tham muốn có sati.
Nina: Vì vậy có tâm tham căn, lobha-múlacittas. Tại những khoảnh khắc đó, chúng ta nghĩ về chánh niệm mà chúng ta muốn có, nghĩ về cái chưa hề xuất hiện. Chúng ta dính mắc vào cái có thể sinh khởi trong tương lai thay cho việc chú ý đến giây phút hiện tại. Chúng ta có thể vô minh và thất niệm về tâm tham đã sinh khởi và khi cái thấy hay cái nghe xuất hiện, cũng không có cả chánh niệm về chúng. Như vậy, sẽ không bao giờ có thể buông bỏ được ý niệm về ngã.
Khi chúng ta ăn chậm để có thêm sati, lại có dính mắc vào sati thay cho chánh niệm. Khi chúng ta đang ăn, các phiền não chắc chắn sinh khởi vì chúng ta vẫn chưa diệt trừ được chúng. Có thể có thích hay không thích các món ăn mà chúng ta đang ăn, nhưng có thể có chánh niệm về cái thích hay không thích, nhờ đó chúng có thể được biết là nåma do duyên khởi. Bất kể chúng ta đang làm mọi việc nhanh hay chậm, các thực tại đều đang xuất hiện qua sáu căn và sati có thể thực hiện chức năng của nó là hay biết các thực tại. Kể cả khi chúng ta đi nhanh, đặc tính cứng, chẳng hạn, có thể xuất hiện và nó có thể là đối tượng của chánh niệm.
Chúng ta không nên quên Thánh đế thứ hai: tham ái là nguồn gốc của dukkha. Chừng nào còn có dính mắc vào nåma và rúpa, chừng đó vẫn còn có tái sinh và chưa chấm dứt dukkha. Khi chúng ta dính mắc vào kết quả trong phát triển vipassanå, chúng ta đã quên Thánh đế thứ hai này. Chẳng hạn, chúng ta có thể muốn biết, trong một thời gian ngắn, sự khác biệt giữa nåma và rúpa, như sự khác biệt về cái thấy và đối tượng thị giác, cái nghe và âm thanh; hoặc chúng ta có thể muốn kinh nghiệm sự sinh diệt của nåma và rúpa. Nhưng chừng nào chúng ta còn dính mắc vào kết quả phát triển tuệ giác, chừng đó con đường dẫn tới sự thấu hiểu chân lý vẫn còn đóng. Bát chánh đạo không thể được phát triển chỉ trong một thời gian ngắn. Để có thể buông bỏ ý niệm về ngã, cần phải phát triển hiểu biết sâu sắc về các nåma và rúpa khác nhau đang xuất hiện.
Câu hỏi: Khi có thêm chánh niệm cũng sẽ có thêm sự bình an. Tôi có xu hướng muốn có sự bình an và không cần phát triển hiểu biết sâu sắc về các thực tại.
Nina: Khi có chánh niệm, tại khoảnh khắc đó, chúng ta không có tâm bất thiện và như vậy có sự an bình. Cũng có cả sự an tịnh trong phát triển vipassanå. Có nhiều mức độ an tịnh hay bình an. Khi chúng ta đã trở thành một bậc a la hán, chúng ta được giải thoát khỏi phiền não mãi mãi. Khi đó, chúng ta đã đạt đến an bình thực sự.
Chúng ta có thể dính mắc vào sự an tịnh sinh khởi khi có sati. Loại dính mắc này là một thực tại có thể được biết khi nó xuất hiện: nó chỉ là một loại nåma. Chúng ta có thể thấy phiền não bắt rễ sâu đến nhường nào: nếu thiếu sati, chúng ta tiếc nuối vì thiếu sati, nhưng khi sati sinh khởi, chúng ta dính mắc vào nó. Cần chánh niệm về tất cả các thực tại để có thể xả ly khỏi ý niệm về ngã. Nếu chúng ta vui mừng khi chánh niệm sinh khởi, chúng ta không nên nghĩ rằng chúng ta đã đạt được mục tiêu. Chánh kiến là mục tiêu và vì vậy, chúng ta nên kiên trình phát triển hiểu biết sâu sắc hơn về các đặc tính của nåma và rúpa.
Câu hỏi: Trong Kinh Niệm xứ (Trung bộ kinh Tập I, 10), có đoạn nói rằng các đề mục thiền của samatha cũng nằm trong Tứ niệm xứ. Chẳng hạn, các đề mục thiền như chánh niệm trên hơi thở, quán tử thi và quán thân bất tịnh cũng thuộc về “niệm thân”. Tại sao không tách biệt các đối tượng của samatha và vipassanå? Tôi cứ nghĩ rằng chúng ta không nên lẫn lộn hai cách thức phát triển tâm trí này.
Nina: Samatha và vipassanå là những cách phát triển tâm trí khác nhau và chúng có mục tiêu khác nhau, như chúng ta đã biết. Khi đọc trong kinh điển, chúng ta sẽ thấy các đoạn nói về phát triển chánh định tới mức đạt được tầng thiền – jhåna. Điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người nên phát triển an tịnh tới mức độ jhåna. Chúng ta đọc trong kinh điển về các vị sư, những người dẫn đầu cuộc sống ẩn dật, đã phát triển jhåna và sau đó đạt giác ngộ. Họ đã phát triển jhåna bởi vì họ đã có tích lũy các kỹ năng và khuynh hướng để làm như vậy. Trước khi Đức Phật giác ngộ và giảng Giáo pháp, samatha là cách phát triển thiện pháp cao nhất. Tuy nhiên, những người phát triển jhåna và sau đó đạt được giác ngộ có thể cũng không cần phát triển vipassanå. Một số người trong thời kỳ Đức Phật đã phát triển cả jhåna và vipassanå và sau đó đạt được giác ngộ, nhưng cũng có cả nhiều người phát triển vipassanå và đạt được giác ngộ mà không cần phát triển sự an tịnh trước. Đức Phật không đưa ra bất kỳ quy tắc nào cho rằng samatha là sự chuẩn bị cần thiết để phát triển vipassanå. Đức Phật đã khuyến khích những người có thể phát triển an tịnh tới mức jhåna để hay biết về các thực tại nhằm thấy jhåna cũng là vô ngã. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng, đạt được jhåna là vô cùng khó khăn và chỉ rất ít người có thể đạt được nó. Những người đã tích lũy kỹ năng và khuynh hướng để phát triển samatha tới mức độ jhåna phải biết đâu là các nhân duyên cho jhåna và đâu là những yếu tố có thể cản trở nó. Người ấy phải hay biết các citta của mình để biết liệu các chi thiền nào cần phải phát triển tới mức độ có thể đạt được jhåna. Nếu người ấy không bị dính mắc vào jhåna, người ấy, sau khi các tâm thiền (jhånacittas) đã diệt đi, sẽ phát triển chánh kiến về bất kỳ thực tại nào xuất hiện. Cả jhånacitta cũng có thể là đối tượng của chánh niệm, nó có thể được nhận biết là vô ngã. Bất kỳ cái gì là thực và xuất hiện đều có thể là đối tượng của chánh niệm.
Với lòng từ bi vô lượng, Đức Phật đã nói về tất cả những gì là thực. Bởi biết được những tích lũy khác nhau (căn cơ) của mọi người, Ngài đã dùng nhiều cách khác nhau để giải thích sự thực, Ngài đã dạy tất cả các loại thiện pháp. Tùy thuộc vào tích lũy của mỗi người mà có loại tâm thiện sinh khởi tại một thời điểm cụ thể: có thể có tâm thiện suy xét bản chất thực của các thực tại, hay tâm thiện với mức độ an tịnh cao hơn, đến mức độ của jhåna, cũng có thể có tâm thiện với chánh niệm về nåma và rúpa, hay kể cả các tâm siêu thế (lokuttara citta) kinh nghiệm niết bàn.
Chánh niệm hơi thở và các đề mục khác là các đề mục thiền của samatha cũng thuộc về “niệm thân”, bởi vì chúng có thể là đối tượng của chánh niệm trong vipassanå. Trong kinh Niệm xứ, sau phần về chánh niệm hơi thở, về quán tử thi, về quán thân bất tịnh và sau các phần khác, chúng ta đọc rằng chúng ta nên suy niệm về những yếu tố sinh khởi và những yếu tố diệt tận trên thân. Để hiểu ý nghĩa của bài kinh này, chúng ta không nên bỏ qua những câu này. Suy niệm về tính sinh khởi và diệt tận của các hiện tượng không đơn thuần chỉ là suy nghĩ về chúng, nó là sự chiêm nghiệm thông qua tuệ giác. Mục tiêu của Tứ niệm xứ không phải là sự an tịnh – cái chỉ là tạm thời mà là trí tuệ có thể tận diệt phiền não. Loại trí tuệ, hay tuệ giác này, chỉ có thể được phát triển thông qua chánh niệm về bất kỳ thực tại nào xuất hiện bây giờ.
Tất cả các đối tượng trong Tứ niệm xứ có thể nhắc nhở chúng ta về bản chất thực của các thực tại, là vô thường, khổ và vô ngã. Chúng có thể khích lệ chúng ta hay biết cái đang xuất hiện bây giờ. Quán tử thi có thể tạo duyên cho sự an tịnh đối với một số người, và đối với những người đã tích lũy các kỹ năng cho jhåna, tới cả mức độ jhåna, điều đó tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Tuy nhiên, để tận diệt phiền nào, kể cả những người đã đạt được jhåna, cũng nên phát triển tuệ giác; người ấy nên suy niệm, cùng với trí tuệ, về tính sinh khởi và tận diệt của các thực tại. Người phát triển cả jhåna và tuệ giác cũng như người chỉ phát triển tuệ giác (khô quán hành giả) đều nên hay biết bất kỳ thực tại nào đang xuất hiện nhằm diệt trừ tà kiến và mọi loại phiền não. Chúng ta đọc trong Kinh Niệm xứ, trong đoạn cuối của phần quán tử thi, rằng vị tì kheo nên quán thân như sau: “Thân này cũng như thân của ta, tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy”. Kể cả đối với những người không có khuynh hướng phát triển jhåna, các đề mục như quán tử thi cũng có thể là đối tượng cho chánh niệm trong vipassanå: khi họ thấy một xác người hay xác thú vật chết, họ có thể được nhắc nhở về tính chất vô thường của thân mình. Chỉ trong một khoảnh khắc như vậy, chánh niệm về bất kỳ thực tại nào xuất hiện đều có thể sinh khởi. Chúng ta có thể không có tích lũy để quán tử thi, như chúng ta vẫn có thể nghĩ về sự ngắn ngủi của kiếp sống, và điều này có thể giúp chúng ta bớt tham, bớt sân và không phí phạm cơ hội để phát triển chánh kiến về nåma và rúpa.
Có rất nhiều giây phút thất niệm về các thực tại, nhưng chúng ta có thể được nhắc nhở về bản chất của các thực tại qua những thứ chúng ta nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, “quán thân bất tịnh”, được liệt là một dạng quán thân, có thể nhắc nhở chúng ta chánh niệm. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể nhận ra “các phần của cơ thể”, như tóc, móng tay, răng và da. Chẳng phải không thực rằng chúng là bất tịnh hay sao? chẳng phải chúng không chịu sự biến hoại hay sao? Chúng có thể nhắc nhở chúng ta về bản chất thực của các hiện tượng. Khi chúng ta quán xét sự thực, có thể có khoảnh khắc an tịnh, nhưng liệu chúng ta chỉ muốn an tịnh – cái giải phóng tạm thời khỏi các bất thiện pháp thôi sao? Nếu mục tiêu của chúng ta là phát triển chánh kiến và nếu chúng ta không dính mắc vào sự an tịnh, có thể có chánh niệm về bất kỳ thực tại nào xuất hiện. Tất cả mọi thứ trong cuộc đời chúng ta đều có thể thúc đẩy chúng ta chánh niệm về nåma hoặc rúpa đang xuất hiện bây giờ. Khi chúng ta nhìn vào gương và thấy mình đang già đi, nó có thể nhắc nhở chúng ta về bản chất thực của thân. Cái mà chúng ta cho là “thân của tôi” chỉ là các yếu tố vô thường và vô ngã. Chẳng phải có rất nhiều thứ trong cuộc sống chúng ta là xấu xí hoặc khó chịu hay sao, chẳng hạn như hơi thở hôi của mình hoặc của người khác? Sự bất tịnh và biến hoại trong chính chúng ta và cả những người khác có thể dẫn chúng ta đến điều hữu ích nhất trong cuộc sống: đó là sự phát triển chánh kiến về các thực tại. Đức Phật đã nói về mọi thứ có thực, bởi vì các đối tượng có thể nhắc nhở chúng ta hay biết về giây phút hiện tại đối với mỗi người là khác nhau, do tất cả chúng ta đều có những tích lũy khác nhau. Tùy thuộc vào các nhân duyên được tích lũy mà loại citta tương ứng sẽ sinh khởi tại một thời điểm cụ thể. Nó có thể là một citta đi cùng với sự an tịnh suy niệm về vô thường, một citta đi cùng với sự an tịnh ở mức độ jhåna, kinh nghiệm một đề mục thiền khác hoặc một citta đi cùng với chánh niệm về thực tại hiện tiền. Chúng ta không thể buộc bản thân phải có một loại citta cụ thể nào, khi đó chúng ta đang bị dẫn dắt bởi sự dính mắc vào ý niệm về ngã. Vì vậy, không có quy tắc cho việc phát triển loại thiện pháp nào tại một thời điểm cụ thể. Tuệ giác về các thực tại sinh khởi tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày có thể được phát triển.
Tất cả mọi thứ trong và xunh quanh chúng ta có thể nhắc chúng ta hay biết hiện giờ. Quán xét về sự tích lũy của chúng ta cũng có thể giúp chúng ta chánh niệm về giây phút hiện tại. Chúng ta có thể nhận thấy dính mắc đã bắt rễ sâu dày đến mức nào; chúng ta đã tích lũy nó trong vô lượng kiếp. Liệu chúng ta có muốn tiếp tục tích lũy dính mắc hay chúng ta muốn tiếp bước trên con đường dẫn đến diệt trừ dính mắc? Kể cả các tâm bất thiện của chúng ta cũng có thể nhắc nhở chúng ta hay biết về giây phút hiện tại.
Đôi khi chúng ta nhận thấy tâm bất thiện của người khác; chúng ta thấy sự dính mắc, lo âu, vô minh và hoài nghi của họ. Hay chúng ta có thể thấy họ có tâm thiện như là lòng quảng đại và từ bi. Hay biết citta của người khác cũng thuộc về Tứ niệm xứ, trong phần niệm tâm. Chúng có thể nhăc nhở chúng ta về thực tại, và vì vậy chúng có thể tạo duyên cho sati sinh khởi. Khi đó, sati có thể hay biết bất kỳ nåma hay rúpa nào xuất hiện.
Không có bất kỳ thực tại nào không thuộc Tứ niệm xứ. Chúng ta không phải làm mọi thứ phức tạp để phát triển Bát chánh đạo. Đó là những thứ gần gũi nhất với chúng ta, các thực tại trong và xunh quanh chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, đều có thể là đối tượng của chánh niệm tại bất kỳ thời điểm nào. Bất kỳ thứ gì trên thế giới đều có thể thúc đẩy chúng ta phát triển Bát chánh đạo, cho đến khi đạt được mục tiêu: đó là sự tận diệt tham (lobha), sân (dosa) và si (moha).
Chúng ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (Tập V – Thiên Đại Phẩm, Chương I, Tương ưng đạo, Phần II – Mục 9) rằng tại Påìaliputta, Đại đức Bhadda đã đến gặp Ngài Ånanda và nói rằng:
“Phạm hạnh, Phạm hạnh”, này Hiền giả Ananda, được nói đến như vậy. Này Hiền giả, thế nào là Phạm hạnh, thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?”
“Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh. Tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si là cứu cánh Phạm hạnh này.