Bức thư vipassana số 9

Hague, ngày 29 tháng 7 năm 1991

 

Các đạo hữu mến thân,

Chúng ta có thực sự muốn hay biết tham khi nó sinh khởi hay không? Chúng ta có thể biết rằng, bất cứ thực tại nào cũng có thể là đối tượng cho chánh niệm, nhưng áp dụng hiểu biết này như thế nào đây? Chúng ta không thích các phiền não của mình, và mong muốn thoát khỏi chúng, nhưng ta quên mất rằng, cách duy nhất để tận diệt chúng là chánh niệm về chúng để biết chúng như chân như thật. Chúng ta đọc trong Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Tiểu Bộ Kinh, Chương I, Mục 9) rằng Đức Phật đã dạy:

Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Tham, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Tham, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, thời có thể diệt được khổ đau.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.

Với tham, bị tham đắm

Chúng sanh đi ác thú,

Bậc thiền quán, chánh trí

Từ bỏ tham ái ấy,

Từ bỏ, không bao giờ

Trở lại tại đời này.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Ngài cũng đã dạy tương tự về sân, si, thịnh nộ và ác ý. Ta có thể tưởng rằng, có thể từ bỏ phiền não mà không cần hay biết chúng cặn kẽ, nhưng điều đó là không thể. Chẳng phải ta vẫn có xu hướng trốn tránh phiền não của mình thay cho đối diện với chúng một cách dũng cảm và chân thành? Chừng nào còn vô minh, các phiền não của ta còn ẩn giấu, chúng bị che lấp. Khi nghe Pháp và suy xét về pháp, và khi bắt đầu chánh niệm, ta dần biết rõ hơn các phiền não mà trước đây mình không thấy. Ta biết rõ hơn các tích lũy của mình. Như đã được đọc trong bài kinh, các phiền não chỉ có thể được tận diệt bằng tuệ giác. Chừng nào chúng còn bị lầm tưởng là tự ngã, chúng sẽ không thể được đoạn tận.

Sarah gửi cho tôi một số băng thu âm được ghi tại Bangkok về sự phát triển hiểu biết đúng. Các buổi pháp đàm này diễn ra tại nhà của Khun Sujin và trong một chuyến đi tới Kanchanaburi. Sarah nói rằng nhiều người muốn thay đổi tính cách của mình, rằng họ muốn trở thành người tốt hơn. Trong cuộc sống có rất nhiều bất hòa, và mọi người trở nên thất vọng vì cuộc sống của họ không cải thiện sau khi nghe Pháp. Họ hy vọng mình sẽ có thể thay đổi trong một thiền viện nếu thực sự nỗ lực. Khun Sujin nhận xét rằng, các tâm bất hòa là vô ngã, rằng chúng sinh khởi do duyên. Hiểu biết đúng có thể thấy rằng ở khoảnh khắc ấy không có ai cả. Chỉ có kinh nghiệm xảy ra, và nay cả ngôn từ cũng được thúc đẩy bởi các thực tại khác nhau, chúng không thuộc về ai. Sarah nói rằng, có thể mục đích của ai đó là một cuộc sống bình an, tĩnh lặng, không bất hòa cãi cọ. Khun Sujin giải thích rằng, vẫn chưa có hiểu biết ở mức độ mà bất hòa sẽ được tận diệt. Thực tế, sân chỉ được tận diệt ở giai đoạn giác ngộ thứ ba – tầng thánh Bất lai. Khun Sujin nói: Thay cho quá lo lắng về các phiền não khác nhau, ta có thể phát triển hiểu biết về các thực tại, nhờ vậy bất thiện sẽ suy giảm. Vô minh, cái là nhân của mọi bất thiện, sẽ suy giảm. Có thể ai đó thấy việc bớt được sự cãi cọ bất hòa đã thỏa mãn rồi mà không cần phát triển hiểu biết, không cần diệt trừ vô minh, cũng tùy thiên hướng mỗi người. Một số các buổi pháp đàm thảo luận về việc đi đến trường thiền, vì có nhiều người tin rằng điều ấy là lợi ích. Họ nghĩ rằng cách ly khỏi những người khác là cần thiết. Ta cần phải tìm hiểu xem liệu việc ấy có hợp với tính cách tự nhiên của mình không, và liệu điều ấy có giúp ta bớt dính mắc, bớt bám víu vào kết quả, liệu điều ấy có giúp ta hiểu tích lũy của mình một cách sâu sắc hơn không. Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu có một vài khoảnh khắc của chánh niệm và hiểu biết không với mong muốn hoạch định chúng? Một số người tin rằng những “khóa tu tích cực” trong một trường thiền có thể là một con đường tắt để đạt tới đích. Làm sao có thể có lối tắt nếu không có hiểu biết về khoảnh khắc này? Hiểu biết về chính khoảnh khắc này sẽ là phép thử cho tiến bộ của chúng ta. Khun Sujin nói:

Ta cần phải hiểu ra cái tham vi tế khi có mong đợi sự sinh khởi của chánh niệm trong tương lai. Chánh niệm có thể sinh khởi bây giờ. Nếu có hiểu biết hiện giờ thì hiểu biết ấy có thể được tích lũy. Ta phải nhận biết tham ái nếu nó có mặt. Thay cho tham ái, mong muốn, có thể có chánh niệm và hiểu biết đúng ngay đây. Đó chính là ý nghĩa của “Trung Đạo”.

Hiểu các thực tại với chánh niệm, đó là khoảnh khắc của tiến bộ. Bạn nghĩ rằng bạn có thể từ bỏ tham ái ở một nơi nào đó, một lúc nào đó, thế còn khoảnh khắc này thì sao? Sẽ có tham ái nếu không có hiểu biết. Tham ái không phải là ta hay tự ngã, đó là một thực tại, một pháp. Nếu bạn không hiểu nó, bạn sẽ không thể thoát khỏi nó. Nếu bạn đọc báo, bạn có thể phát triển hiểu biết về tham được tạo duyên. Bạn không thể làm gì về tham, nhưng có thể có hiểu biết về nó là một thực tại do duyên tạo. Mọi người sẽ phản ứng khác nhau khi họ nghe câu “bạn không thể làm gì về nó”, như thế nào sẽ tùy thuộc vào hiểu biết của người nghe. Hiểu rằng mình không thể làm gì về các thực tại sinh khởi do duyên là hiểu biết đúng. Đó là sự phát triển hiểu biết về vô ngã. Có tà kiến nếu ta cho rằng do không thể làm gì về phiền não của mình, việc phát triển thiện pháp và trí tuệ sẽ là vô nghĩa. Khi mọi người nói nặng lời với ta, sẽ lợi ích nếu nhận ra rằng ta không thể làm gì với cái nghe đã sinh khởi do duyên. Nghe là quả (vipaka), quả của nghiệp. Như Khun Sujin đã nói, không có ai ở đó, chỉ có kinh nghiệm xảy ra. Không có tự ngã nghe, đó chỉ là một loại danh, và không có tự ngã nào bị tổn thương bởi những lời nặng nề. Khi ta suy xét điều này một cách kỹ lưỡng và có thể có chánh niệm về danh và sắc, ta sẽ bớt thói quen đáp trả những lời nói khó nghe. Ta sẽ hiểu biết rõ hơn về sự thật rằng không có ai ở đó.

Sarah nói rằng thật nhẹ nhõm vì ta không phải làm gì đặc biệt cho sự phát triển hiểu biết, chẳng hạn luôn đọc sách về Pháp hay đi tới một trường thiền. Khun Sujin trả lời:

Ý niệm về tự ngã luôn đẩy ta chọn cách này hoặc cách kia. Còn sự phát triển hiểu biết chỉ theo sát các thực tại mà thôi. Khi ấy, tham không thể thúc bạn che lấp các thực tại đã sinh khởi do duyên. Hãy chỉ hiểu bất cứ thực tại nào đã có duyên để xuất hiện. Cái thấy hiện giờ đã được tạo duyên và vì vậy nó sinh khởi và thấy. Hãy phát triển hiểu biết về thực tại đã sinh khởi do duyên. Jonathan nói rằng mình nên nghiên cứu Pháp thường xuyên hơn, anh ấy nuối tiếc vì bỏ qua những cơ hội học Pháp. Khun Sujin trả lời:

Khi trao đổi về các thực tại, ba la mật trí tuệ đã tự phát triển, dù ta không gọi tên nó, hoặc không nói về quyết tâm phát triển các ba la mật. Nếu không có quyết tâm phát triển tuệ giác, bạn đã không đi từ Hong Kong tới đây để đàm đạo. Hành động của bạn thể hiện điều đó. Khi có chánh niệm sinh khởi dù chỉ trong giây lát, “trượt vào”, và rồi “trượt ra”, đó cũng là sự phát triển của ba la mật trí tuệ. Bất kỳ khoảnh khắc nào cũng có thể là khoảnh khắc phát triển các ba la mật. Không phải lúc nào cũng tiện để nghe pháp, nhưng khi ấy ta vẫn có thể phát triển các ba la mật khác ngoài việc nghe.

Ta có thể nuối tiếc việc nghiên cứu ít ỏi của mình, và ta có thể phân vân liệu mình có nên tránh những tình huống cụ thể, chẳng hạn như đi chơi hay hưởng thụ, để có thể có thêm thời gian cho việc tìm hiểu và suy xét về Pháp . Vẫn là ý niệm về tự ngã đẩy chúng ta chọn cách này hay kia. Thay cho như vậy, ta chỉ nên “theo sát” các thực tại xuất hiện. Tôi xin trích dẫn bức thư mà Alan Weller đã viết cho tôi về chủ đề này:

Tôi đã từng nghĩ rằng mình nên tìm hiểu Giáo Pháp và ở một mình hơn là đi chơi với bạn bè. Nói như vậy ra thể không có sự dễ duôi khi ta đi xem phim, trong khi thực chất là phiền não luôn bao quanh ta. Câu chuyện trên màn ảnh không khác gì các câu chuyện trong cuộc sống hang ngày của chúng ta. Chúng ta có các cảm thọ hỷ hay ưu được tạo duyên bởi những gì được thấy, bất kể ta đang xem phim hay không. Tất cả các tình huống đều như nhau, theo nghĩa rằng chúng đều được tạo bởi các thực tại có tính chất khổ, vô thường và vô ngã. Thọ hỷ có tính chất riêng có thể được hiểu, bất kể chúng ta ở đâu. Chúng ta không thể cố ép thiện pháp sinh khởi bằng cách nghe Pháp thêm. Bất thiện được tạo duyên bởi tích lũy, chúng ta cần chấp nhận nó như nó là. Bằng việc nghe Pháp và suy xét, sẽ có thêm duyên tố cho sự phát triển thiện pháp một cách từ từ từng bước một. Chúng ta cần theo tích lũy của mình một cách khôn ngoan, chân thành, hiểu chúng như chúng thực là. Tôi có tích lũy đi xem phim, xem T.V và đọc báo. Mối quan tâm đến những thứ này là một thực tại do duyên khởi (pháp hữu vi) có thể được nhận biết. Cũng vậy, quan tâm đến Giáo Pháp cũng phụ thuộc vào duyên. Tôi không thể bắt ép mình quan tâm đến Giáo Pháp nhiều hơn nữa. Tôi hiểu giá trị của việc đọc kinh điển và suy xét về Pháp, và rằng đó là một duyên cho việc tìm hiểu Pháp. Ta không thể đọc cả ngày và mọi ngày. Vì vậy, tốt nhất là hãy sống cuộc sống của chúng ta một cách tự nhiên theo tích lũy của riêng mình và tập áp dụng Giáo Pháp trong mọi tình huống.

Bất cứ khi nào ta tìm hiểu Giáo Pháp là đã có xuất gia (nekkhama – từ bỏ phiền não, buông xả), vì vậy chắc chắn có những lúc ta sẽ muốn nghiên cứu hơn là xem T.V, nhưng liệu ta làm điều ấy vì sự buông xả hay vì mong cầu? Rất dễ có dính mắc ở đó. Điều này cần được thấy một cách rõ ràng trung thực, nếu không việc tìm hiểu Giáo Pháp của chúng ta sẽ bị thái quá, căng thẳng, không phù hợp với bản chất tự nhiên của mình. Điểm khởi đầu của việc tìm hiểu, nghiên cứu Giáo Pháp là học thấy thiện là thiện và bất thiện là bất thiện. Ta không nên cố ép mình có thêm thiện pháp bằng cách đưa mình vào những hoàn cảnh nhất định.

Để tóm tắt: bất cứ lúc nào cũng là thời Pháp, nhưng đọc, nghe Pháp, đặt câu hỏi rất quý báu. Chúng ta cần cân bằng tích lũy của mình với việc tìm hiểu Pháp. Đi coi phim quá nhiều sẽ làm ta lơ là việc đọc và suy xét. Đọc và suy xét quá đà có thể sẽ là khiên cưỡng và tạo nên căng thẳng. Ta cần phải thoải mái, học để thấy pháp là pháp và nhận ra mối hiểm họa của dễ duôi thái quá. Tham ái luôn đẩy chúng ta rời xa Giáo Pháp.

Ba la mật chân thật là không thể thiếu cho sự phát triển tuệ giác. Susie viết cho tôi rằng, cô ấy nhận ra rằng sau cái thấy có nhiều khoảnh khắc suy nghĩ về các câu chuyện về con người và vạn vật. Cô viết: chắc chắn tôi có thể thấy rằng mình bị chìm đắm tới mức không muốn nghe, đọc hoặc suy nghĩ về Giáo Pháp. Khi ấy tôi thích theo tham ái và câu chuyện của mình hơn. Điều này rất tự nhiên.

Như vậy là chân thật. Nếu ta cố ép mình không chìm đắm vào các câu chuyện về con người, về mọi thứ, ở đó đã có mong cầu kết quả. Có ý niệm về một cái ngã “làm một cái gì đó” và khi ấy, chúng ta đi trên con đường sai. Chỉ khi chúng ta theo sát các thực tại một cách tự nhiên, trong đó có cả những khoảnh khắc đắm chìm ấy, ta đang trên con đường “Trung Đạo”, và hiểu biết có thể phát triển. Liệu ta có bận tâm với việc thực tại nào sinh khởi hay không? Ta có thể nghĩ rằng ta không bận tâm, nhưng khi trí tuệ phát triển, ta biết rằng thực chất mình bận tâm nhiều. Bận tâm nhiều hay ít chỉ ra hiểu biết đã phát triển được bao nhiêu. Chúng ta chỉ có thể tự mình tìm ra câu trả lời. Khi hiểu biết đã phát triển hơn, việc thực tại nào xuất hiện không còn quan trọng nữa, vì tất cả các thực tại đều do duyên mà thành. Jonathan nhận xét rằng, ta vui khi hay biết tham cũng như khi hay biết sân, vì cuối cùng thì mọi thực tại đều cần được hiểu như chúng thực là. Được nhắc nhở rằng ta bận tâm nhiều về thực tại xuất hiện là một điều lợi lạc. Việc ấy dạy ta nên chân thật hơn. Nếu không nhận ra điều ấy, ta có thể ưu ái một số thực tại này và bỏ qua việc chánh niệm một số thực tại khác. Ta có thể muốn biết cái thấy, nhưng ta không hài lòng với suy nghĩ sinh khởi do bởi cái ta thấy, và như vậy ta sẽ bỏ qua thực tại ấy. Chúng ta không thích sân, và vì vậy chúng ta có thể bỏ qua thực tại này khi nó xuất hiện. Khun Sujin nói:

Ta có thể có được lợi lạc từ việc có tham hoặc sân. Ta có thể thấy mình đã tích lũy các thực tại ấy nhiều tới đâu. Điều ấy chẳng ích lợi hay sao? Ta có thể thấy được bất thiện của mình. Nếu không ta sẽ không biết được mình có nhiều bất thiện tới chừng nào. Không ai thích bất thiện, nhưng thay cho việc không thích nó, tại sao lại không sử dụng nó như một cơ hội phát triển hiểu biết. Rất ích lợi khi hiểu bất thiện một cách chi tiết. Nó luôn sinh khởi và có đó mà không được hiểu đúng, từ sang tới tối. Trí tuệ thấy bất thiện là bất thiện để ý niệm về tự ngã sẽ được loại bỏ khỏi tất cả các bất thiện pháp ở mọi mức độ. Nếu không có hiểu biết về bất thiện pháp, làm sao ta có thể biết liệu bất thiện đã suy giảm hay gia tăng? Nếu không có hiểu biết về bất thiện, liệu ta có thể nói rằng ta đã phát triển thêm hiểu biết? Trong các buổi đàm đạo, Khun Sujin đã chỉ ra nhiều lần rằng, chánh niệm có thể “trượt vào” một cách rất tự nhiên, và rồi lại trượt ra, cũng tự nhiên như là suy nghĩ hay nghe trượt vào và trượt ra. Chúng đến và đi, và chúng ta không cần làm gì về các thực tại này, vì chúng sinh khởi do duyên. Chúng ta nên hiểu tính chất vô ngã của chánh niệm chứ đừng cố có nó. Chúng ta hoan hỷ khi có một khoảnh khắc chánh niệm đúng không? Điều ấy chỉ ra sự dính mắc của chúng ta. Có nhiều duyên cần thiết cho sự sinh khởi của chánh niệm, ví dụ như đọc, thảo luận và suy xét về đặc tính vô ngã của thực tại xuất hiện. Khi ta nhớ được rằng cần có nhiều nhân duyên, ta sẽ bớt ý muốn chủ động chánh niệm. Nếu ta cố sức để làm chánh niệm sinh khởi, ta cho rằng mình đang có chánh niệm, nhưng đó không phải là *chánh* niệm. Ta có thể tưởng lầm rằng có chánh niệm về các thực tại, trong khi thực chất chỉ là suy nghĩ về các thực tại như là đặc tính mềm, hay sự kinh nghiệm đặc tính mềm. Trong một số trung tâm thiền, người ta phải ngồi một tiếng rồi đi một tiếng, nhưng lại không có hiểu biết đúng về đối tượng của chánh niệm. Họ có thể nghe thầy dạy nói rằng sự kinh nghiệm đặc tính cứng là vô ngã. Họ học thuộc lòng rằng có sáu cửa giác quan và họ tự nhắc mình về sáu đối tượng xuất hiện qua sáu giác quan. Đây có thể là một mức độ của chánh niệm vì chánh niệm sinh kèm tất cả các tâm thiện, tuy nhiên đó không phải là sự phát triển hiểu biết trực nhận thực tại xuất hiện trong khoảnh khắc hiện giờ. Khun Sujin đã nhấn mạnh lại rằng, bất cứ khi nào chánh niệm sinh khởi, đó là lúc phát triển hiểu biết. Chúng ta đã từng nghe điều ấy, nhưng chúng ta quên mất phải không? Khi trí tuệ được phát triển, sẽ giảm bớt hoài nghi về chánh niệm. Chúng ta sẽ bớt xu hướng nghĩ, “liệu đó là chánh niệm hay chỉ là tư duy thôi nhỉ?” Khun Sujin nói:

Sự xúc chạm xuất hiện nhiều lần, nhưng khi có chánh niệm, sẽ là sự khởi đầu của hiểu biết rằng đặc tính mềm chỉ là một thực tại, hay rằng sự xúc chạm chỉ là một khoảnh khắc kinh nghiệm. Khoảnh khắc đó không phải là suy nghĩ về ý niệm đặc tính mềm hay suy nghĩ về sự xúc chạm, bởi vì đó là khoảnh khắc kinh nghiệm một cách tự nhiên, là khoảnh khắc phát triển hiểu biểu. Có chánh niệm và trí tuệ không ô nhiễm bởi mong cầu, bởi vì đó là sự phát triển hiểu biết khi chánh niệm hay biết, chứ không phải là khi bạn muốn hay biết. Ta biết được hiểu biết đang ở mức độ nào khi có chánh niệm. Khi Sarah hỏi đặc tính của đối tượng thị giác là gì, Khun Sujin đã đưa ra một câu trả lời đầy ý nghĩa, rất đáng để ta suy xét: là một thực tại. Liệu có ai có thể làm gì về đối tượng thị giác hiện giờ không? Nó xuất hiện bây giờ, nó có đặc tính riêng biệt mà không ai có thể thay đổi.

Đối tượng thị giác chỉ là một thực tại, đó không phải là một con người hay một cái cây như ta vẫn thường nghĩ. Khi nghe rằng đó là một thực tại và rằng ta không thể làm gì về nó, ta được nhắc nhở về tính chất vô ngã của thực tại. Nó đã xuất hiện rồi và hiểu biết về nó có thể được phát triển một cách tự nhiên. Dường như chúng ta thấy ngay bông hoa hay chiếc ghế, nhưng kỳ thực nếu không có suy nghĩ, liệu có thể có khái niệm nào về cái được thấy hay không. Thấy và suy nghĩ sinh khởi cận kề nhau và dần dà tính chất của chúng có thể được biết.

Nhờ sự phát triển satipatthana, ta sẽ có được hiểu biết sâu sắc hơn về nghiệp và quả của nghiệp. Một người nhận xét rằng thật nhẹ nhõm khi hiểu được nghiệp và quả, khi biết rằng mọi thứ phải xảy ra, và rằng kiểm soát cuộc sống chẳng có ích gì. Khun Sujin nhận xét rằng, khi ta nghĩ “đây là nghiệp, đây là quả của nghiệp” thì không được chính xác như hiểu biết trực tiếp về nghiệp và quả có được nhờ chánh niệm về các thực tại xuất hiện. Chúng ta nói rằng cái thấy và cái nghe là quả, nhưng như vẫn chỉ là lặp lại những gì trong kinh điển. Hiểu biết của chúng ta còn nông cạn. Khi có chánh niệm và trí tuệ trực nhận về các thực tại này, sẽ có hiểu biết rõ ràng hơn về bản chất của quả. Có những tầng tuệ minh sát khác nhau, và ở mỗi giai đoạn, trí tuệ nhận ra bản chất của các thực tại sinh khởi một cách rõ ràng hơn. Khi trí tuệ phát triển, nghiệp và quả sẽ được thấy rõ dần lên. Khi phát triển hiểu biết, ta không nên mong đợi có được hiểu biết sáng tỏ về các thực tại ngay lập tức. Khun Sujin nhận xét rằng hiểu biết sắc bén là kết quả sẽ sinh khởi về sau, ta không nên mong cầu nó. Ta đang ở giữa chặng đường và không phải bận tâm khi nào và ở đâu sẽ có kết quả, kết quả sẽ sinh khởi khi chín muồi. Có thể có hiểu biết về cái thấy hiện giờ, ta không phải lãng phí thời gian.

Khi hiểu biết đúng được phát triển trong cuộc sống đời thường, sẽ có thêm kham nhẫn trong nhiều hoàn cảnh. Ngoại cảnh luôn thay đổi và cuộc sống có thể rất phức tạp. Chúng ta có thể bận ngập đầu và có nhiều rắc rối với những người thân. Tôi xin trích dẫn một cuộc nói chuyện giữa Khun Sujin và Sarah về ba la mật kham nhẫn:

Khun Sujin: Nếu không có các hoàn cảnh khác khác nhau, làm sao ta có thể biết được rằng hiểu biết đúng có thể xử lý các tình huống ấy, rằng nó có thể biết được các thực tại khác nhau xuất hiện? Khi có thêm hiểu biết về tính chất vô ngã của các thực tại, sẽ có thêm kham nhẫn. Khi có kham nhẫn, nó có thể được hiểu như là “không thuộc về ai”

Sarah: Phải chăng sở dĩ có thêm kham nhẫn là do ta bớt cố kiểm soát các thực tại?

Khun Sujin: Do bớt dính mắc hơn vào ý niệm về ngã.

Sarah: Như vậy sẽ bớt thất vọng bởi ngoại cảnh?

Khun Sujin: Và cũng bớt xao động khi nghĩ về những người khác. Ta hiểu rằng không có một tự ngã trường tồn. Âm thanh sinh khởi và diệt  đi, nó không thuộc về ai. Khi nói, âm thanh được tạo duyên bởi các danh uẩn, và những thực tại này cũng diệt đi. Chỉ luôn có suy nghĩ về một câu chuyện về con người và vạn vật. Cũng như vậy khi ta xem T.V, đọc báo hoặc mơ về những thứ khác nhau. Cái được thấy chỉ là đối tượng thị giác. Khi có kham nhẫn, ta không bị xao động bởi bất cứ hoàn cảnh nào.

Ta có thể quen nghĩ về một tự ngã không thể chịu đựng nổi hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia thêm nữa. Kham nhẫn là duyên để không có sân. Ta phải xử lý nhiều tình huống khác nhau. Sự lớn mạnh của các ba la mật phải diễn ra trong đời sống thường nhật, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Sarah: Tôi không hiểu rõ lắm về ba la mật quyết định, dường như đó chỉ là suy nghĩ mà thôi.

Khun Sujin: Suy nghĩ và hành động.

Sarah: Theo hướng thiện lành?

Khun Sujin: Khi tôi đi tới chùa Bovornives để giảng Pháp hay chuẩn bị các bản thu âm cho đài truyền thanh, tôi không cần nghĩ tới việc mình đang phát triển các ba la mật nào. Hành động chỉ ra ba la mật. Không phải tự ngã mà chính hành uẩn là cái tạo duyên cho suy nghĩ “tôi sẽ  tạo nhiều thiện pháp nhất có thể”, và hành động tương ứng với suy nghĩ ấy. Quyết định không chỉ là suy nghĩ. Ta cần ba la mật chân thật để hành động đi đôi với lời nói và suy nghĩ muốn làm thiện của mình. Chẳng hạn, bạn có ý định nói lời chân chánh, nhưng khi một tình huống xảy ra, có được chánh ngữ hay không tùy thuộc vào việc liệu bạn có sự chân thật để hành xử theo những gì mình đã quyết định. Chân thật có thể tạo duyên cho thiện pháp khi ấy. Và khi đó, bạn phát triển thiện pháp không phải vì để được danh thơm, ái mộ hay vì các động cơ vị kỷ khác.

Khi chúng ta nhận ra bất thiện nơi một người khác, ta thấy rất khó khăn để khởi thiện tâm. Khun Sujin hỏi: “Khi bạn nghĩ về Saddam Hussein, suy nghĩ ấy là loại tâm gì?” Một người không có hiểu biết đâu là thiện và đâu là bất thiện có thể là đối tượng của từ tâm. Khi người ấy làm việc ác, người ấy không biết đó là bất thiện. Ta có thể có từ tâm thay cho sân hận khi có chánh niệm. Khi đó ta sẽ không chạy theo ý kiến của những kẻ không ưa người ấy. Khi chúng ta có sân hận về việc làm xấu ác của một người khác, ta đang tích lũy thêm bất thiện.

Khun Sujin đã nhắc nhở chúng tôi khi ở Ấn độ hãy trở thành một tấm thảm chùi chân. Một tấm thảm giữ lại bụi bặm và không bị làm phiền bởi dơ bẩn. Ta cần khiêm nhường như giẻ chùi chân.  Ngài Xá Lợi Phất, người có thể tha thứ cho bất kể ai, dù đó là người đã đối xử hỗn hào với mình, tự so sánh bản thân với một cái giẻ chùi chân. Ngài không còn ngã mạn. Khi hiểu biết đúng đã được phát triển, ta sẽ bớt dính mắc vào ý niệm về ngã, sẽ có thêm sự khiêm cung. Trong các buổi pháp đàm, Khun Sujin nhắc lại: Tôi muốn là một tấm giẻ. Tôi đi theo con đường thành một tấm giẻ, đó là quyết định của tôi. Quyết định có nghĩa là ta hành động bằng sự phát triển hiểu biết và từ tâm.

Thật lợi lạc khi được nghe nhắc lại về tấm giẻ, bởi lẽ sự khiêm nhường dường như đi ngược lại bản chất của chúng ta. Khi hiểu biết càng phát triển, nó càng phải dẫn tới sự xả ly với danh và sắc. Cái mà ta tưởng là mình, là tự ngã chỉ là các danh và sắc vô thường. Khi bản chất vô thường của chúng đã được liễu ngộ, liệu chúng có còn quan trọng như trước đây?

Chúng ta đọc trong “Tạng Luật” ( Parivara, XII, Xung đột ) về việc vị tỳ kheo phải hành xử thế nào khi tới một Hội chúng tập họp về một vấn đề giới luật. Chúng ta đọc:

…vị tỳ khưu nên đi đến hội chúng với tâm nhún nhường, với tâm như là không bị cấu uế, nên khéo léo về chỗ ngồi và khéo léo khi ngồi xuống, nên ngồi xuống chỗ ngồi thích hợp không chiếm chỗ của các tỳ khưu trưởng lão, không buộc các tỳ khưu mới tu phải nhường chỗ ngồi, không nên là người nói linh tinh, không nên là người nói chuyện nhảm nhí, hoặc là nên tự mình nói Pháp hoặc là nên thỉnh cầu vị khác (nói Pháp), hoặc là nên tôn trọng trạng thái im lặng thánh thiện.

Chú giải (Samantapasadika) thêm vào câu “với một cái tâm như là không cấu uế” với câu: “như một tấm giẻ chùi chân”. Tạng Luật có nhiều nhắc nhở hữu ích về các hành xử mà người cư sĩ cũng có thể áp dụng cho hoàn cảnh của mình. Một số người tin rằng, khi họ không làm hại hay gây tổn tương những người khác bằng các việc xấu như giết chóc hay trộm cướp là họ đã có giới. Tuy nhiên, chẳng phải ta cũng nên biết các bất thiện tâm sinh khởi trong các tình huống khác nhau trong cuộc sống thường nhật của mình hay sao? Chẳng phải ta nên thấy hiểm họa của các mức độ bất thiện nhẹ hơn, bởi chúng ta tích lũy chúng từ kiếp này sang kiếp khác? Rất quan trọng biết được các bất thiện của ta một cách chi tiết, kể cả khi ta làm những việc dường như không quan trọng. Khi vội vã ngồi xuống ghế trống trong xe bus hay tàu hỏa, tâm là thiện hay bất thiện đây? Ta có nói về những người khác một cách miệt thị không? Qua chánh niệm, có thể có sự cẩn trọng hơn trong hành động và lời nói, ta có thể trở nên tế nhị hơn. Ta đọc đoạn tiếp sau:

….  không nên làm cử động bàn tay, không nên vội vã, không nên hấp tấp, không nên hành xử ác độc, nên có tâm từ và có sự trầm tĩnh trong lời nói, nên có tâm bi với lòng thương tưởng đến lợi ích, nên chăm chú đến lợi ích không lao theo điều phù phiếm, nên nói có giới hạn, không trú vào oan trái, không sanh lòng oán giận.

Khi nói, có lúc ta vung tay phải không? Ta có thể nghĩ rằng mình không hại ai bởi những hành vi ấy, nhưng ta có nên tìm hiểu xem ở những khoảnh khắc như vậy, tâm là thiện hay bất thiện? Nếu ta muốn trở nên như một tấm giẻ, tự ái và ngã mạn phải được tận diệt. Hiểu biết đúng phải được phát triển khi ta bận rộn, khi ta đang ở bên những người khác. Tâm bất thiện dễ sinh khởi khi giao tiếp với mọi người cũng như khi ở một mình, nhưng khi bất thiện tâm sinh khởi, ta có cơ hội biết bất thiện như nó là. Chúng tôi bị quấy rầy bởi tiếng động lớn, chẳng hạn như tiếng xe hay loa đài mở quá to. Khun Sujin hỏi Sarah xem cô ấy có bị làm phiền bởi âm thanh ấy, và Sarah trả lời rằng cô ấy bị làm phiền nhiều lần, rằng âm thanh tạo duyên cho sân. Tôi sẽ trích dẫn cuộc trao đổi về chủ đề này:

Khun Sujin: Tùy thuộc vào hiểu biết chứ không phải vào bạn mà cái nghe có thể được hiểu chỉ là một khoảnh khắc kinh nghiệm hay không. Khi sân sinh khởi, cũng cần phải có hiểu biết về sân là vô ngã. Hiểu biết phải được phát triển liên tục, ta không nên dừng chánh niệm, khi ấy ta sẽ biết được tính vô ngã của sân.

Saraj: Sau một khoảnh khắc của chánh niệm, có rất nhiều suy nghĩ và sân

Khun Sujin: Đó là cách để biết ta đã phát triển hiểu biết được đến đâu. Sự phát triển có thể rất ngắn ngủi, chỉ một khoảnh khắc, không nhiều hơn thế.

Sarah: Thường là chỉ một khoảnh khắc.

Khun Sujin: Như vậy không đủ. Ta nhận ra rằng ta sẽ phải tiếp tục phát triển hiểu biết.

Không nên có ý niệm về một tự ngã tiếp tục phát triển hiểu biết, mà biết rằng những khoảnh khắc chánh niệm lác đác không đủ để tạo duyên cho sự vun bồi được tiếp tục. Có thể có chánh niệm về âm thanh trong chỉ một khoảnh khắc, nhưng khi nghĩ về nó với tham hoặc sân, ta ngừng lại. Rất hữu ích được nhắc nhở rằng vẫn còn rất nhiều thực tại không được nhận biết. Mọi thực tại xuất hiện cần phải được biết để có thể tận diệt ý niệm về ngã. Tiến trình ấy cần nhiều hơn một kiếp sống, như Khun Sujin thường nói.

 

Với tâm từ,

Nina Van Gorkom

 

Leave a Reply

Translate »