Bức thư vipassana 8

Bức thư vipassana 8

Thân gửi Robert

Bạn đã biết rằng Bát chánh đạo mà Đức Phật dạy chính là con đường trung đạo. Đức Phật đã nói tại Isipatana (Vườn nai) với năm vị đại đệ tử rằng, hai con đường cực đoan nên tránh là lợi dưỡng và khổ hạnh (trong Tương ưng Bộ kinh, Thiên Đại Phẩm -Maha-vagga, Quyển XII, Chương II). Chúng ta có thể hiểu về mặt lý thuyết rằng chúng ta phải theo con đường trung đạo, nhưng khi thực hành thì hoài nghi lại xuất hiện. Liệu chúng ta có nên làm điều gì đó đặc biệt để có chánh niệm hơn và chúng ta có nên tránh những điều dường như là bất lợi cho việc vun bồi Tứ niệm xứ (Satipathana)? Chúng ta có thể làm những việc thiện như bố thí khi giúp đỡ người khác, nhưng sự dính mắc, tham lam, ác cảm, sân hận, vô minh vẫn sinh khởi liên tiếp, và chánh niệm (sati) thì hiếm khi sinh khởi. Chúng ta có thể trở nên nản chí vì sự thiếu tiến bộ của mình. Bạn hiểu rằng, Tứ niệm xứ nên được phát triển một cách tự nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, nhưng, như bạn đã viết, bạn phân vân liệu mình có nên tránh những hoàn cảnh nhất định nào đó không.

Bạn nói rằng bạn  phân vân liệu có nên chấp nhận lời mời của bạn bè đi xem phim hay nên ở nhà để nghiên cứu Phật pháp. Bạn cảm thấy việc chấp nhận lời mời là sự dễ duôi trước dục lạc. Tuy nhiên, bạn cũng lại thấy rằng, ngay cả trong khi xem phim, bạn sẽ vẫn có cơ hội đối mặt với thực tại. Tôi  xin trích dẫn từ bức thư của bạn:

Mặc dù nếu ở nhà, tôi sẽ có cơ hội để học Phật Pháp, nhưng có lẽ sẽ là cảm giác “sự thực hành của tôi”, “giới luật của tôi”, vì vậy mà có thể không có nhiều ích lợi. Trong khi đó, nếu tôi chấp nhận (lời mời), tôi có thể mất đi thời gian dành cho việc học này, nhưng lại giảm nguy cơ tăng trưởng dính mắc vào sự “thực hành của tôi”  và thực ra cũng có chừng ấy thời gian để quan sát thực tại hiện tiền. Tất nhiên, khi trí tuệ phát triển, một cách tự nhiên, người ta có thể không hề có mong muốn đi xem phim, và khi đó, đằng nào ta cũng sẽ từ chối thôi. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng, sẽ có nhiều điều kiện để phát triển thiện tâm hơn nếu chúng ta ở nhà . Tôi đồ rằng, câu trả lời cho vấn đề này là, việc thực hành không phải chủ yếu là để tích lũy nhiều thiện tâm mà là để phát triển sự hiểu biết, giúp nhận ra các đặc tính khác nhau của tất cả danh và sắc, và nhận thấy chúng là vô ngã, trong đó bao gồm cả niệm (sati) và trí tuệ (panna).”
Câu trả lời cho tình thế tiến thoái lưỡng nan này là, ta không bao giờ biết trước loại tâm nào sẽ sinh khởi tại từng khoảnh khắc, tâm thiện hay bất thiện. Chỉ có bậc thánh Bất lai, người đã đạt đến đến giai đoạn thứ ba của sự giác ngộ, sẽ không bao giờ thưởng thức những cảm giác vui thú của dục lạc.  Ngài sẽ không có xu hướng đi xem phim. Đối với chúng ta thì lại khác. Có khi chúng ta sẽ chấp nhận lời mời đi xem phim, có khi lại từ chối, và tâm phát sinh trong cả hai trường hợp này có thể là thiện hoặc bất thiện. Chúng ta cũng có thể chấp nhận lời mời vì lòng tốt, không muốn người bạn phải đi một mình. Làm sao mà ta có thể định trước cái tâm nào sẽ ra quyết định? Mỗi tâm khởi sinh do điều kiện nhân duyên riêng của nó, nó là vô ngã, ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Đôi khi trong lúc xem phim, bạn có thể có chánh niệm về thực tại, nhưng điều này phụ thuộc vào tích lũy trí tuệ của mỗi người. Có thể có chánh niệm khi hay biết đối tượng thị giác xuất hiện qua nhãn căn. Khi chúng ta bị cuốn theo nội dung cuốn phim, khi đó có sự suy nghĩ về các khái niệm. Suy nghĩ được tạo duyên bởi cái thấy.  (Trong khi ấy), khi ở nhà để học giáo pháp, có thể không có bất kỳ chánh niệm nào, làm sao mà lên kế hoạch trước cho điều này được? Có thể ta sẽ ngủ gật hoặc có các thứ khác làm ta xao nhãng. Như bạn đã nói, luôn luôn có thể bị dính mắc vào “sự thực hành của tôi”, nhưng đó cũng là danh sinh khởi do các nhân duyên và có thể được nhận diện như vậy.
Bạn đã hiểu rằng mục tiêu của chúng ta không nên chỉ đơn thuần là tích lũy thiện tâm mà là hiểu biết rằng mọi thực tại, trong đó bao gồm cả chánh niệm và trí tuệ, là vô ngã. Khi chúng ta cố gắng tạo ra chánh niệm bằng cách làm điều gì đó đặc biệt, chúng ta sẽ không bao giờ nhận thấy nó là vô ngã. Ai đó đã viết rằng, một thiền sư khuyên thiền sinh nên có chánh niệm liên tục. Tuy nhiên, điều này là không thực tế. Chúng ta không thể tránh được cái thấy và cái nghe cứ lặp đi lặp lại, những loại tâm này cứ sinh khởi dù chúng ta muốn hay không. Thấy và nghe sinh khởi trong lộ trình của tâm và trong lộ trình này, rất nhanh sau cái thấy và cái nghe diệt đi, luôn có tâm thiện hay bất thiện khởi sinh, nhưng hầu hết là tâm bất thiện. Thông thường, ta có thể không chú ý đến cái thấy hoặc cái nghe, chúng vụt qua. Tương tự thế, các loại tâm bất thiện khởi sinh ngay sau cái thấy và nghe cũng vụt qua, chúng ta đều không để ý tới. Tâm sinh và diệt rất nhanh. Vì vậy, rất khó để nhận biết tâm đang sinh khởi tại từng thời điểm là thiện hay bất thiện. Bạn phân vân không biết các loại tâm nào sinh khởi trong khi bạn đang bị cuốn vào việc học Giáo Pháp ? Không ai có thể chỉ cho bạn biết, bạn phải tự mình tìm ra. Khi bạn học Giáo Pháp để hiểu về các thực tại, có tâm thiện ở đó, nhưng cũng có thể có cả tâm bất thiện sinh khởi. Trong khi bạn học Giáo Pháp, cũng có cái thấy và cái nghe, và bạn phải tìm ra xem tâm thiện hay tâm bất thiện đang sinh khởi sau cái thấy và cái nghe, cái được gọi là những tâm quả (vipakacittas), các quả của nghiệp. Có thể có sự bám víu vào cái thấy, vào đối tượng của cái thấy, vào những khái niệm ta dựng nên cho những thứ được nhìn thấy. Chúng ta tưởng rằng, chúng ta không đặc biệt thích thú những gì mình nhìn thấy, nhưng kỳ thực chúng ta vẫn còn dính mắc với tất cả các đối tượng. Chúng ta dính mắc với tất cả những thứ quen thuộc xung quanh chúng ta, giấy, sách vở và bút, chiếc ghế đang ngồi. Tuy nhiên, khi chúng ta học Phật Pháp, chúng ta có thể được nhắc nhở để nhận biết bất cứ thực tại nào xuất hiện. Vì thế, chúng ta không quên mục tiêu của việc nghiên cứu giáo pháp của mình là: để hiểu những gì xuất hiện trong giây phút này.

Bạn viết rằng bạn có xu hướng bị trượt khỏi trung đạo. Tất cả chúng ta đều như vậy, chừng nào chúng ta chưa trở thành vị thánh Nhập lưu. Tôi xin trích dẫn từ bức thư của bạn:

Tôi có khuynh hướng nghĩ rằng, “Ồ, đã có sẵn tích lũy thói quen hưởng thụ ở đó rồi. Tôi có thể thưởng thức thú vui đó miễn là tôi biết nó không phải là cái ngã đang làm, mà chỉ là tham đang sinh khởi”. Nhưng thường thì tôi nhận thấy rằng, nếu cứ thế mà hưởng thụ, dường như có rất ít chánh niệm, mà dính mắc thì lại tăng thêm. Mặt khác, khi kiềm chế ham muốn như bằng cách giữ tám giới chẳng hạn, cảm giác khó chịu có thể xuất hiện. Nhưng cách này có lợi ích là giúp  phiền não lộ rõ.

Ở đây cũng vậy, chúng ta không thể thiết lập bất kỳ quy tắc cho tâm phải quyết định làm gì tại một thời điểm cụ thể. Khi chúng ta lắng nghe Giáo lý và suy xét về những gì được nghe, chúng ta học về thiện và bất thiện pháp”. Khi chúng ta bắt đầu chánh niệm, chúng ta dần nhận ra có nhiều khoảnh khắc bất thiện mà ta đã không thấy trước khi được học Giáo Pháp. Chúng ta cũng học về nhiều biểu hiện khác nhau của bất thiện pháp mà chúng ta chưa hề nghĩ đến trước đây. Khi trí tuệ, panna, phát triển, nó sẽ nhìn thấy thường xuyên hơn những bất lợi của bất thiện pháp và lợi ích của thiện pháp. Khi chúng ta đầu hàng với vui thú và nghĩ, “đó không phải là ngã”, sự suy nghĩ này có thể khởi sinh với tâm bất thiện nhưng cũng có thể là tâm thiện. Khi không có niệm và tuệ, chúng ta có thể sử dụng suy nghĩ về vô ngã như là một cái cớ để phát triển bất thiện tâm. Trái lại, khi niệm, tuệ phát triển và có chánh niệm về sự ham muốn như là một thực tại do duyên sinh khởi, hoàn toàn vô ngã, thì đó là thiện tâm. Bạn thấy rằng việc giữ tám giới làm cho bạn khó chịu. Không ai khác ngoài bạn có thể nói cho bạn biết nên giữ giới hay không. Chúng ta nên tìm hiểu những tâm gì khiến chúng ta quyết định trì giới. Có phải là ta bám vào “tâm thiện của tôi”, hay là chúng ta muốn được hoàn hảo ngay lập tức? Bạn có thể nhận thấy sự dính mắc của mình vào chiếc ghế hay chiếc giường mềm khá rõ ràng khi giữ tám giới, nhưng còn sự dính mắc sinh khởi sau cái thấy và cái nghe bây giờ? Liệu chúng ta có nên hiểu rõ nhằm giảm bớt vô minh? Sự chân thực là không thể thiếu được trong phát triển Tứ niệm xứ. Chúng ta phải trung thực về các loại tâm khác nhau sinh khởi, có thể là tâm thiện hoặc bất thiện. Để biết tại thời điểm này là tâm thiện hay bất thiện, chúng ta cần chánh niệm – tỉnh giác (sati-sampajanna), chánh niệm và trí tuệ. Có nhiều cấp độ chánh niệm – tỉnh giác khác nhau, thường được diễn giải là “sự thấy biết rõ ràng”. Biết thiện là thiện và bất thiện là bất thiện là một mức độ của chánh niệm – tỉnh giác. Nếu chúng ta muốn phát triển thiện tâm, chúng ta phải biết tâm tại thời điểm này là thiện hay bất thiện. Sẽ không thể biết điều này nếu không có chánh niệm – tỉnh giác sinh khởi. Nếu chúng ta muốn phát triển thiền chỉ, chúng ta cần chánh niệm – tỉnh giác để biết liệu có thiện tâm với sự an tịnh, do đối tượng của thiền chỉ  làm phát sinh hay không. Chánh niệm – tỉnh giác trong thiền minh sát nhận ra danh là danh và sắc là sắc, nó nhận ra chúng là vô ngã. Chánh niệm – tỉnh giác của minh sát tuệ được hỗ trợ bởi các cấp độ khác của chánh niệm – tỉnh giác, cấp độ chánh niệm – tỉnh giác nhận ra thiện là thiện và bất thiện là bất thiện, và cấp độ nhìn thấy những bất lợi của bất thiện và lợi ích của thiện. Mặt khác, chánh niệm – tỉnh giác của minh sát tuệ hỗ trợ tất cả các mức độ thiện pháp.

Có thể phát triển chánh niệm – tỉnh giác bằng việc lắng nghe và suy ngẫm Giáo Pháp, và sau đó chúng ta sẽ biết phân biệt tinh tế hơn các tâm thiện và bất thiện trong cuộc sống hàng ngày. Khi nói về Tứ Niệm Xứ, chúng ta cũng cần phải thảo luận về những khoảnh khắc tâm thiện và bất thiện khác nhau khởi sinh trong cuộc sống hàng ngày. Phải phát triển Tứ Niệm Xứ song song với tất cả các loại  thiện pháp khác bởi lẽ mục tiêu cuối cùng là để diệt trừ phiền não. Nếu chúng ta tìm hiểu về danh và sắc nhưng lại bỏ qua việc thực hành bố thí, chúng ta sẽ tiếp tục bám vào tự ngã. Thật khó khăn để phát triển bố thí khi đã tích lũy rất nhiều sự keo kiệt, nhưng chúng ta nên biết các tích lũy thiên hướng thực sự của chúng ta. Khi chúng ta nhận ra sự keo kiệt, chúng ta không thích nó, chúng ta có ác cảm về nó. Hoặc là có sự hối tiếc (kukkucca – tâm sở hối hận) về bất thiện pháp của chúng ta hoặc về thiện pháp mà chúng ta đã bỏ qua không làm, thì đó cũng chính là tâm bất thiện. Khi chánh niệm – tỉnh giác có cơ hội sinh khởi, sẽ không có sân hay hối tiếc. Chánh niệm – tỉnh giác có thể nhận ra đặc tính của sự keo kiệt như một thực tại do duyên khởi, một loại danh pháp. Có thể có hiểu biết hơn về nhân duyên của nó: nó sinh khởi bởi vì nó đã được tích lũy sâu dày. Chúng ta không muốn keo kiệt, chúng ta có thể nói mình không phải là kẻ keo kiệt, không nói những lời thể hiện sự keo kiệt của mình, nhưng sự keo kiệt vẫn sinh khởi. Chúng ta có thể học ra từ những tình huống như vậy. Thay vì làm ta nản chí , chánh niệm tỉnh giác có thể sinh khởi và nhận ra bất lợi của bất thiện tâm, và tại thời điểm đó, không thể có sự khó chịu về nó. Nên có chánh niệm – tỉnh giác để nhận ra ngã mạn xuất hiện thường xuyên thế nào trong mối quan hệ của chúng ta với người khác. Chúng ta có thể cảm thấy không hài lòng về những gì người khác đang làm hay nói với mình. Có một sự so sánh, có “anh ta” và “tôi”, chúng ta tự hỏi “làm sao mà anh ta có thể làm điều đó với tôi.” Sau đó là tự phụ, chúng ta bám víu vào “cá nhân quan trọng của tôi”. Ngã mạn gây cản trở cho sự rộng lượng và tâm từ. Chúng ta có thể tha thứ cho người khác một cách dễ dàng không? Tha thứ là một dạng của lòng từ bi, một loại bố thí. Nó là “abhayadana – vô úy thí”, mong muốn một người nào khác không bị hại. Chúng ta nên thường xuyên xem xét các lợi ích của sự tha thứ hơn, nó giúp chúng ta giảm tính tự phụ.

Chúng ta có thể có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác, chúng ta có thể muốn khiển trách người khác. Tuy nhiên, khi chánh niệm – tỉnh giác có mặt, chúng ta sẽ tự thẩm tra tâm mình và sau đó chúng ta sẽ bớt xu hướng muốn đổ lỗi cho người khác. Chúng ta đọc trong “Tăng Chi bộ kinh” (Chương Mười Pháp, Phẩm Mắng Nhiêc,  IV, tại Câu Thi Na) rằng khi Đức Phật đang ở tại Câu Thi Na, Ngài đã nói rằng trước khi vị tì khưu muốn buộc tội người khác thì nên tự suy ngẫm và tự quán sát năm pháp nội tâm. Chúng ta đã đọc rằng, vị tì khưu nên tự thẩm tra liệu mình có thực hành sự trong sạch về thân nghiệp và khẩu nghiệp, liệu vị này có tâm từ đối với các vị tì khưu khác và không có ác ý. Nếu không, mọi người xung quanh sẽ nói vị này nên tự mình thực hành những điều này. Chúng ta đọc trong kinh như sau:

Lại nữa, này các tì kheo, tì kheo muốn buộc tội người khác, cần phải quán sát như sau: Ta có phải là người nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, cất giữ điều đã nghe hay không? Những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, những pháp ấy, ta có nghe nhiều, có thọ trì, có tụng đọc bằng lời, có suy tư với ý, được khéo thể nhập với chánh kiến? Pháp ấy có nơi ta hay không? Này các tì kheo, nếu tì kheo không phải là vị đã nghe nhiều … có người sẽ nói với vị ấy như sau: “Mong rằng tôn giả hãy học tập về luật”. Người ta sẽ nói như vậy đấy.

Sau đó chúng ta đọc thấy rằng nếu một vị tì kheo muốn buộc tội người khác, vị tì kheo đó nên thẩm tra liệu mình có được học về giới luật đầy đủ hay không. Năm yêu cầu mà vị tì kheo phải tự mình thiết lập, đó là:

(Vị tì kheo tự cân nhắc): Ta nói đúng thời, không phải phi thời ? Ta nói đúng sự thật, không phải không đúng sự thật? Ta nói lời nhu hòa, không phải nói lời thô bạo? Ta nói lời liên hệ đến mục đích, không phải lời không liên hệ đến mục đích; Ta nói với tâm từ bi, không nói với tâm sân hận?.

Năm pháp này vị tì khưu phải tự an trú nội tâm. Chúng ta có thể thực hành bài kinh này trong cuộc sống hàng ngày. Khi có chánh niệm – tỉnh giác, có thể nhận ra liệu những pháp này có được thực hiện hay không. Rất khó thực hiện đầy đủ cả năm pháp này, và khi chúng ta nhận thấy điều đó, chúng ta có thể bớt đổ lỗi cho một ai đó. Khi chúng ta thực sự suy ngẫm bài kinh này, nó có thể tạo duyên phát triển chánh niệm – tỉnh giác, thứ giúp chúng ta nhận biết điều bất lợi của tâm bất thiện và lợi ích của tâm thiện. Khi đó, tâm thiện có thể được sinh khởi bởi vì nó trở thành bản chất của chúng ta. Không cần áp đặt các nguyên tắc hay phải đến một nơi đặc biệt nào đó để phát triển thiện tâm. Một người đã viết rằng chúng ta nên cố gắng nuôi dưỡng  thiện pháp trong tâm một cách tối đa. Khi đó có thể có một ý tưởng về ngã – ai đó đang cố gắng, và người đó chắc chắn sẽ thất bại. Người viết bức thư này ở trong một trường thiền và cô ta hy vọng tại đó mình có thể phát triển tâm từ. Tuy nhiên, cô ta nhận thấy cô ta đã không thể. Điều này cho thấy rằng thực tại nằm ngoài sự kiểm soát, vô ngã. Có thể nản lòng khi thấy trong một ngày có ít tâm từ quá. Chúng ta đã từng nhầm lẫn tâm từ với sự dính mắc. Chúng ta có xu hướng chỉ tốt với một vài người cụ thể nào đó, chứ không phải với bất kỳ ai mà ta gặp. Nhưng thật hữu ích khi nhận ra rằng sự dính mắc và ngã mạn đã cản trở từ tâm.

Chúng ta nên xem xét tất cả các loại thiện tâm và bất thiện tâm được sinh khởi trong các tình huống của cuộc sống hàng ngày. Bạn nói rằng bạn đã từng tách biệt cuộc sống thiền định với cuộc sống thường ngày, nhưng giờ bạn đã biết, đó không phải là Trung đạo. Khi chúng ta chỉ ngồi trong một căn phòng yên tĩnh, làm sao ta biết về bản thân mình thực sự trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc và trong mối quan hệ với những người khác? Chúng ta cần phải trung thực và không nên giả vờ là mình tốt hơn mình thực sự là, kể cả chỉ đối với chính bản thân mình.

Từ “thiền” có thể tạo ra sự nhầm lẫn. Người ta liên hệ “thiền” với việc đi tới nơi hẻo lánh và cố gắng tập trung vào cái gì đó đặc biệt. Nếu chúng ta muốn tu luyện định tâm tới mức an chỉ định, chúng ta phải sống một cuộc sống tách biệt và chúng ta phải sử dụng một đề mục của thiền chỉ để phát triển tâm an tịnh. Để phát triển thiền minh sát, chúng ta không cần phải đi đâu cả. Chúng ta nên phát triển nó một cách tự nhiên, trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta phải phải biết những tích lũy thật sự của chúng ta, phiền não của chúng ta. Nếu chúng ta không phát triển hiểu biết về các thực tại nào xuất hiện, tuệ giác sẽ không thể phát triển. Bạn hỏi về sự khác biệt giữa trí tuệ trong thiền chỉ và trí tuệ trong thiền minh sát. Mục tiêu khác nhau và vì vậy, phương pháp để đạt được chúng là khác nhau. Trong thiền chỉ, có những người trước thời Đức Phật đã nhìn thấy sự nguy hại của sự tiếp xúc giữa ngũ căn và ngũ trần. Họ đã nhận thấy phiền não theo sau ngay cái thấy, cái nghe và các sự tiếp xúc khác của ngũ căn với cảnh trần. Vì vậy họ đã sử dụng đối tượng của thiền chỉ để đạt tới an chỉ định, bởi vì trong giây phút tâm an chỉ định, không thể có bất kỳ hoạt động nào của ngũ căn. Bằng thiền định, phiền não tạm thời bị kiềm chế nhưng không bị diệt trừ. Mục tiêu của thiền minh sát là diệt trừ phiền não thông qua  hiểu biết tất cả các thực tại như chúng là. Đối tượng của thiền minh sát là danh hoặc sắc – thứ sinh khởi ngay bây giờ… Đối tượng không phải là một con người, một cơ thể hay một khái niệm nào khác, nó là pháp chân đế, một danh hay một sắc. Đối tượng của thiền chỉ có thể là khái niệm nhưng cũng có thể là pháp chân đế như tứ đại. Tuy nhiên, mục đích khi ấy không phải là để nhận ra chúng là vô ngã, mà là giảm bớt sự dính mắc vào chúng. Trong thiền minh sát, đối tượng thay đổi từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác, vì vậy nó là thực tại xuất hiện ở giây phút hiện tại. Chúng ta không bao giờ biết cái gì sẽ xuất hiện tiếp theo. Đó là sự khác biệt với thiền chỉ, vì trong thiền chỉ, ta phải chú tâm trên một đối tượng nhằm đạt được định tâm tới mức an chỉ định. Chúng ta có thể không có đủ các kỹ năng cần thiết để phát triển định tâm tới mức an chỉ định. Tuy nhiên chúng ta có thể phát triển sự an tịnh trong cuộc sống hàng ngày, một cách tự nhiên, khi hoàn cảnh đến. Ví dụ, khi chánh niệm – tỉnh giác biết đặc tính của tâm từ, tâm từ có thể sinh khởi một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, mà không cần nghĩ “tôi nên có nhiều tâm từ hơn”. Cũng có thể có giây phút tỉnh giác khi chúng ta nhận ra tâm từ như một thực tại do duyên sinh khởi, một loại danh mà không phải là ngã. Giây phút an tịnh tâm và giây phút minh sát tuệ có thể được khởi sinh một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào chánh niệm – tỉnh giác. Như chúng ta đã thấy, có những mức độ chánh niệm – tỉnh giác khác nhau và tất cả đều mang lại lợi ích.

Để có hiểu biết đúng về danh và sắc, nên có chánh niệm về bất kỳ thực tại nào sinh khởi thông qua một trong sáu căn. Điều này rất khó và vì vậy chúng ta phân vân, liệu trong giai đoạn bắt đầu có nên chỉ chánh niệm trên một căn, ví dụ như những gì sinh khởi qua sự xúc chạm của thân. Liệu chúng ta có nên giới hạn đối tượng của chánh niệm? Bạn thấy rằng một số bài kinh dường như nói như vậy. Bạn đã trích dẫn câu truyện của ngài Pothila từ chú giải  Kinh Pháp cú – Dhammapada (282, chú giải 282). Một vị A- la- hán đã hướng dẫn vị tì kheo Pothila qua ẩn dụ sau: Nếu một con kỳ đà trú trong hang, hang ấy có sáu cái lối ra vào. Muốn bắt con kỳ đà ấy, phải đóng kín 5 lối ra vào, con kỳ đà sẽ đi ra ở lối thứ sáu và nó sẽ bị bắt. Vì vậy, ngài Pothila nên thu thúc năm trong sáu căn và chỉ nhận thức ý căn. Sau đó chúng ta đọc thấy rằng ngài đã chánh niệm trên thân và bắt đầu phát triển tuệ giác. Sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng một đoạn kệ, ngài đã đạt A la hán quả. Đoạn kệ như sau:

Tu tập sinh nhiều trí, không tu tập trí hư hoại
Biết rõ hai con đường, tái sinh và không tái sinh
Hãy tự mình chọn lấy. Giúp trí tuệ vững mạnh.

Khi trí tuệ đã hoàn mãn, chúng ta sẽ không còn chút dao động nào trước được và mất và những ngọn gió đời khác. Cái gì sẽ diễn ra nếu chúng ta tự nói rằng chúng ta giờ đây sẽ chỉ tập trung hướng tâm vào một căn, như thân căn chẳng hạn? Khi đó sẽ có chánh niệm về thực tại sinh khởi, nhưng có cả ý tưởng về ngã – người cố gắng hướng tâm trên một đối tượng, người lựa chọn đối tượng của chánh niệm. Người đó nghĩ về nó và cố gắng tập trung vào nó. Trong khi người đó cố gắng kiểm soát niệm, anh ta sẽ không còn biết rằng mỗi thực tại đang khởi sinh bởi những nhân duyên riêng của nó, nó nằm ngoài sự kiểm soát. Một số bài kinh dường như nhấn mạnh đến thân, một số bài kinh khác lại nhấn mạnh đến cảm thọ hoặc các thực tại khác. Tại sao lại như vậy? Đó chỉ là để nhắc nhở chúng ta rằng không nên quên thực tại nào đang sinh khởi. Khi có sự nhận biết về đặc tính cứng thông qua thân căn, chúng nên tìm hiểu chúng với chánh niệm nhằm biết đó chỉ là một loại sắc, không phải là “cơ thể của tôi”. Cũng có cả danh – cái đang kinh nghiệm cái cứng, hoặc danh – cái đang cảm nhận. Nếu chúng ta không nhận thức về danh đang sinh khởi, chúng ta sẽ tiếp tục dính mắc vào ý niệm về ngã – người đang kinh nghiệm đối tượng. Chúng ta nên biết rằng chỉ có một danh uẩn đang kinh nghiệm đối tượng, không phải là ngã. Tuệ minh sát đầu tiên  là phân biệt sự khác nhau giữa đặc tính của danh và đặc tính của sắc. Vì vậy, cần tìm hiểu về cả danh và sắc đang sinh khởi với chánh niệm. Điều này tùy thuộc vào việc có thường xuyên hơn chánh niệm về tính cứng, về đối tượng của thị giác, về cảm xúc, hay về bất kỳ thực tại nào khác. Mỗi người sẽ khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không nên cố ý giới hạn đối tượng của chánh niệm, chúng ta không nên đặt ra bất kỳ nguyên tắc nào, bởi vì khi đó có mong muốn và điều này cản trở chánh niệm thực sự.

Cuối cùng, tất cả đối tượng xuất hiện qua sáu căn đều cần phải được nhận biết. Ngài Pothila không thể đạt đạo quả A la hán nếu ngài không hay biết tất cả các thuwch tại. Một số người có khả năng phát triển cả thiền chỉ và thiền minh sát. Khi phát triển thiền chỉ, chúng ta phải vượt qua sự dính mắc vào các đối tượng ngũ căn. Tuy nhiên, để phát triển trí tuệ, phải có hiểu biết về tất cả danh và sắc được sinh khởi. Tại khoảnh khắc chánh niệm về đối tượng xuất hiện qua sáu căn, có sự  thu thúc lục căn ( indriya samvara sila). Tại khoảnh khắc đó, có sự “chặn lại” các bất thiện tâm đối với những gì xuất hiện qua các giác quan.

Chúng ta có thể nghĩ rằng một số bài kinh chỉ nhấn mạnh về một đối tượng của chánh niệm, nhưng quan trọng là cần đọc tất cả bài kinh. Ví dụ, chú ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Đạo Phẩm Tà Tánh, IX, Thọ) rằng Đức Phật, khi ở tại Savatthi, đã nói với các tì kheo:

 Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ này.

Muốn liễu tri ba thọ này cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định. Muốn liễu tri thọ này cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành.

Khó để biết được đặc tính thực sự của cảm thọ, để biết nó như là danh, khác với sắc. Chẳng phải là chúng ta cứ nhầm lần giữa cảm thọ trên thân và sắc là đặc tính cứng – cái tác động lên thân thể hay sao? Luôn có cảm thọ nhưng chúng ta không có chánh niệm về nó, chúng ta bị dính mắc vào cảm thọ và coi nó là ngã. Bài kinh này có thể nhắc nhở chúng ta hãy hay biết về các cảm thọ. Bài kinh sau (X) nhắc nhở chúng ta hãy chánh niệm về các đối tượng ngũ căn. Chúng ta đọc thấy rằng Đức Phật đã giảng giải cho Uttiya về “5 pháp tăng trưởng các dục”. Đức Phật nói:

Các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận nhận thức… các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Năm dục công đức này, này Uttiya, được Ta nói đến.

Muốn đoạn tận năm dục công đức này, này Uttiya, cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành. Thế nào là Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến… chánh định. Muốn đoạn tận năm dục công đức này, này Uttiya, cần phải tu tập Thánh đạo Tám ngành này.

Chúng ta không thể tự nhiên đoạn tận năm dục lạc này. Điều ấy chỉ có thể thực hiện được thông qua sự hiểu biết đúng đắn về các đối tượng như chúng là. Chúng ta phải bắt đầu hay biết về bất kỳ đối tượng nào sinh khởi qua một trong sáu căn nhằm tăng trưởng sự hiểu biết.

Bạn đã hỏi làm thế nào mà chúng ta có thể phân biệt sự khác nhau giữa danh và sắc, và đặc biệt là sự khác nhau giữa các hiện tượng trên thân và kinh nghiệm về các hiện tượng trên thân, điều này thực sự rất khó. Liệu có phải lại một lần nữa có ý tưởng về ngã – người có thể lựa chọn đối tượng nhằm hay biết về chúng? Chúng ta hiểu rằng cần biết sự khác biệt giữa danh và sắc nhưng không nên có bất kỳ sự lựa chọn đối tượng hay biết nào. Chúng ta vô minh về tất cả các đối tượng. Liệu chúng ta có biết về đối tượng thị giác như nó là, cái thấy như nó là, cảm thọ như nó là hay không? Khi đối tượng thị giác xuất hiện, có thể có chánh niệm về nó, nhờ vậy hiểu biết về nó có thể được phát triển. Hiểu biết đúng có thể nhận biết nó chỉ là sắc, khác với danh. Cũng có thể có chánh niệm về các đối tượng khác được sinh khởi nhưng chúng ta không nên có ý niệm rằng sau chánh niệm về đối tượng thị giác phải có chánh niệm về cái thấy nhằm nhận biết sự khác biệt giữa danh và sắc. Có thể có chánh niệm về cảm thọ hoặc âm thanh, chúng ta không thể định hướng cho niệm được. Tương tự như vậy khi đạt đến tầng tuệ đầu tiên, khi nhận biết rõ sự khác biệt giữa danh và sắc khi chúng sinh khởi. Đối tượng của chánh niệm không chỉ là cái thấy và đối tượng thị giác, cái nghe và âm thanh. Chúng là bất kỳ loại sắc nào xuất hiện và loại danh nào sinh khởi, không có sự lựa chọn đối tượng, không có định trước rằng chúng cần phải xuất hiện như thế nào. Khi chúng ta lo lắng làm sao để chúng ta có thể biết sự khác biệt giữa một loại sắc cụ thể với một loại danh cụ thể là lúc chúng ta không phát triển sự biết. Vì vậy, không có đơn thuốc nào cho chúng ta để đi tìm sự khác biệt giữa danh và sắc. Tất cả đều phụ thuộc vào sự phát triển của chánh niệm – tỉnh giác.

Khi chúng tôi ở Ấn Độ, Khun Sujin đã nói rằng nếu chúng ta không biết đặc tính của chánh niệm, chánh niệm không thể được vun bồi. Mặt khác, chỉ khi chánh niệm sinh khởi, chúng ta mới biết đặc tính của nó. Dường như là cái vòng luẩn quẩn. Khun Sujin đã nói đi nói lại điều này, “ Hãy vun bồi nó ngay bây giờ”. Chúng tôi cứ băn khoăn làm sao có thể làm được. Câu trả lời rằng, thông qua việc học hỏi, suy ngẫm về chúng, thông qua việc đưa ra câu hỏi, tư tuệ  sẽ dần được xây đắp. Đó là điều kiện để thỉnh thoảng có chánh niệm trực tiếp về một thực tại khi nó sinh khởi. Chúng ta cần kiên nhẫn lắng nghe và suy ngẫm đi suy ngẫm lại, chúng ta không nên mong tạo ra chánh niệm. Khun Sujin nói: “tôi đảm bảo rằng, nếu không mong có chánh niệm, nó sẽ sinh khởi”. Tại sao chúng ta cứ thảo luận mãi về đối tượng thị giác? Nhằm nhắc nhở chúng ta hãy tìm hiểu nó với chánh niệm. Khi chúng ta thấy, chúng ta lập tức suy nghĩ về con người hay đồ vật xung quanh chúng ta, đó là bởi vì chúng ta luôn luôn làm như vậy, chúng ta quen làm như vậy. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta có thể thay đổi sự tích lũy của mình, chúng ta có thể nhớ rằng cái gì xuất hiện qua nhãn căn chỉ là đối tượng thị giác. Sẽ lại xuất hiện suy nghĩ về con người, nhưng khi đó chúng ta có thể nhớ rằng điều này xảy ra vì chúng ta đã quen làm như vậy. Bằng cách này, chúng ta sẽ bớt dính mắc vào suy nghĩ của mình. Chúng ta cần thảo luận về nhiều thực tại, và khi đó, với việc không có sự lựa chọn về đối tượng cụ thể nào, sẽ có nhân duyên để bản chất tự nhiên của danh và sắc dần dần hiển lộ. Chúng ta có thể tưởng rằng, chỉ cần chánh niệm về đối tượng thị giác một vài lần là có thể biết nó là cái gì. Không đủ đâu. Đối tượng thị giác ở trước mặt ta nhưng chúng ta thường quên nó. Chúng ta không phải nghĩ về nó, nó ở đó và nó xuất hiện qua mắt. Chúng ta không thể nhìn thấy âm thanh, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cái in dấu lên nhãn căn. Có thể có nhân duyên để học hỏi danh và sắc với chánh niệm, nếu chúng ta ghi nhớ rằng thật ích lợi khi biết rằng (về thực chất) chúng ta không thấy người nào cả, điều đó sẽ giúp chúng ta bớt dính mắc vào mọi người . Cũng có cả danh đang kinh nghiệm đối tượng thị giác. Đó không phải là ngã, đó chỉ là một thực tại đang kinh nghiệm đối tượng. Chúng ta thường bỏ lỡ cơ hội để nghiên cứu đối tượng – chúng luôn có ở đó, hàng ngày. Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu mọi đối tượng khi chúng sinh khởi qua tất cả các căn. Chỉ có thể có chánh niệm về một thực tại sinh khởi qua một trong sáu căn tại một thời điểm, và chúng ta không nên nghĩ hay lo lắng về nó rằng đó là danh hay sắc. Tại thời điểm lo lắng hay phân vân, sẽ không có chánh niệm, tâm lúc đó là bất thiện. Chúng ta nên biết rằng, không thể đạt được giác ngộ với việc vun bồi tứ niệm xứ chỉ trong một kiếp sống. Chánh niệm về thực tại là một tích lũy mới có được một cách từ từ. Chúng ta đọc trong Tăng Chi Bộ Kinh (Phần 3, Ch XIV, khổ. 131, Phẩm KChiến sĩ) rằng một chiến sĩ có ba đức tính: kẻ chiến sĩ là người bắn xa, bắn nhanh như tia chớp và đâm thủng được vật lớn. Một tì kheo đáng được kính trọng cũng nên có ba đức tính ấy.  Kinh nói như sau:

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn xa?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phàm có sắc/thọ/ tưởng/ hành/ thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, tất cả sắc, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Năm uẩn, tất cả danh và sắc do duyên khởi nên được nhận biết như chúng là. Sau đó chúng ta đọc thấy rằng vị tì kheo bắn như chớp nhoáng khi vị này hiểu được Tứ Thánh đế: khổ, sự sinh khởi của khổ, sự diệt khổ và con đường dẫn đến diệt khổ. Vị tì kheo đâm thủng được vật lớn khi vị ấy đâm thủng bức màn vô minh to lớn.

Nếu chúng ta muốn học về nghệ thuật bắn cung tên, chúng ta phải có sự kiên trì, nhẫn nại vô cùng để học được kỹ năng này. Như vậy chúng ta phải có sự kiên trì, nhẫn nại rất lớn để vun bồi tứ niệm xứ. Phải học mà không có ý niệm về có người đang học. Cần có tiền đề đúng đó để có thể phát triển hiểu biết đúng đắn. Người muốn bắn xa và có thể nhắm trúng đích cũng giống như người đã phát triển trí tuệ một cách sắc bén đến mức  có thể thấy biết như thật về thực tại sinh khởi. Trí tuệ nhanh như một tia chớp và nó có thể xé tan bức màn vô minh dày đặc. Vì  vô minh được tích lũy sâu dày trong vô lượng kiếp, nó  không thể được đoạn trừ trong một thời gian ngắn.

 

Với tâm từ
Nina Van Gorkom

 

(Chuyển ngữ: Thanh Mai)


Comments are closed.

Translate »