CHƯƠNG 13. SỰ TRẢI NGHIỆM PHÙ DU VỀ ĐỐI TƯỢNG
Có 89 loại tâm (citta) tất cả và những loại này có thể được chia theo bốn chủng loại (jāti):
- Kusala (thiện), 21 loại tâm;
- Akusala (bất thiện), 12 loại tâm;
- Vipāka (quả), 36 loại tâm;
- Kiriya (duy tác), 20 loại tâm.
Khi nghiên cứu cách sắp xếp các tâm theo chủng loại, chúng ta cần phải biết những loại tâm nào sinh khởi nơi bậc phàm nhân (putthujana), nơi bậc thánh nhân (ariyan, tức là những người đã đạt được giác ngộ) như sau:
- Bậc phàm nhân có các tâm thuộc bốn chủng loại: thiện (kusala); bất thiện (akusala); quả (vipāka) và duy tác (kiriya).
- Bậc thánh thứ nhất, bậc Dự lưu (Sotāpanna) là người đã đạt được tầng tuệ thứ nhất của sự giác ngộ, cũng có các tâm thuộc bốn chủng loại.
- Bậc thánh thứ hai, bậc Nhất lai (Sakadāgāmī), là người đã đạt được giai đoạn thứ hai của sự giác ngộ, cũng có các tâm thuộc bốn chủng loại.
- Bậc thánh thứ ba, bậc Bất lai (Anāgāmī), là người đã đạt được giai đoạn thứ ba của sự giác ngộ, cũng có các tâm thuộc bốn chủng loại.
- Bậc thánh cuối cùng, bậc A la hán (Arahat), người đã hoàn toàn tận diệt phiền não ở giai đoạn thứ tư của sự giác ngộ, có các tâm thuộc hai chủng loại, đó là: quả (vipāka) và duy tác (kiriya).
Chúng ta không nên chỉ biết một loại chủng loại cụ thể của một tâm nào đó, chúng ta cũng cần phải biết chức năng của tâm đó. Thức tái tục là tâm quả (vipākacitta), là kết quả của nghiệp (kamma). Tâm đảm nhận chức năng tái sinh ở một cõi lành là quả thiện (kusala vipāka), là kết quả của nghiệp thiện (kusala kamma). Tâm đảm nhận chức năng tái sinh ở một cõi xấu, chẳng hạn như địa ngục, là quả bất thiện (akusala vipāka), đó là kết quả của nghiệp bất thiện (akusala kamma). Chỉ các tâm quả thiện và tâm quả bất thiện đảm nhận chức năng của sự tái sinh mới được gọi là thức tái tục.
Bất cứ tâm quả thiện hoặc tâm quả bất thiện nào đảm nhận chức năng hộ kiếp (bhavanga) thì được gọi là tâm hộ kiếp (bhavanga-citta).
Nhãn thức là loại tâm quả không thể đảm nhận chức năng tái tục hay chức năng hộ kiếp. Nó chỉ đảm nhận chức năng của cái thấy. Nó được gọi là nhãn thức, bởi vì nó là tâm biết đối tượng thị giác, nó thấy đối tượng thị giác qua mắt. Như vậy chúng ta có thể hiểu được rằng tâm biết các đối tượng qua các cửa giác quan khác nhau được đặt tên theo chức năng mà chúng đảm nhận.
Câu hỏi: Tại sao tâm lại không có năm chủng loại mà chỉ có bốn, chẳng hạn như: thiện (kusala); bất thiện (akusala); quả thiện (kusala vipāka); quả bất thiện (akusala vipāka) và duy tác (kiriya)?
Trả lời: Bạn đang hỏi tại sao lại không có năm loại chủng loại. Có hai chủng loại của tâm là nhân: thiện và bất thiện; và vì vậy bạn nghĩ rằng sẽ phải có tương ứng hai chủng loại của tâm là quả: quả thiện, quả bất thiện. Như vậy thì sẽ phải có năm chủng loại. Tuy nhiên, chỉ có bốn chủng loại bởi vì vipāka chỉ là quả, nó không thể được gọi là hạ, trung, hay thượng như đối với nghiệp[1]. Tâm thiện, tâm bất thiện là những tâm là nhân, chúng rất đa dạng. Chúng có rất nhiều sắc thái và mức độ, dưới đây, tôi sẽ đưa ra cho các bạn một số ví dụ:
Tâm thiện và tâm bất thiện là khác nhau khi kinh nghiệm đối tượng qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn. Chúng đa dạng bởi chúng tạo những loại nghiệp khác nhau, tốt cũng như xấu. Có nghiệp ở mức độ bố thí (dāna); trì giới (sīla) và phát triển tâm trí (bhāvanā), trong đó bao gồm cả sự phát triển của samatha (qua đó các phiền não được chế ngự) và sự phát triển của trí tuệ (paññā). Sự phát triển của trí tuệ có nhiều mức độ, chẳng hạn như nghe Pháp, luận giải về Pháp hay phát triển tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) hay còn gọi là phát triển minh sát tuệ (vipassanā).
Các nghiệp khác biệt bởi chúng được thực hiện qua thân, khẩu và ý. Chúng sinh kèm với các tâm sở (cetasika) khác nhau và chúng có những yếu tố chủ đạo khác nhau[2]. Như vậy ta thấy rằng những thực tại là nhân, tức là các tâm thiện và bất thiện, thì rất đa dạng, chúng có nhiều mức độ và nhiều sắc thái, còn tâm quả (vipākacitta) thì không có sự đa dạng ấy. Quả chỉ là kết quả của nghiệp đã được tạo từ trước. Khi nghiệp đã chín muồi và có đủ duyên tố để trổ quả thì tâm quả sẽ sinh khởi. Tâm quả (vipākacitta) có thể đảm nhận chức năng tái tục, chức năng hộ kiếp (bhavanga) hay các chức năng khác: Nó có thể kinh nghiệm những đối tượng khác nhau qua mắt, tai, mũi, lưỡi thân và ý môn.
Cái thấy ở thời điểm này là tâm quả, nó sinh khởi do được duyên bởi nghiệp đã tạo trong quá khứ. Nhưng tâm quả là cái thấy (nhãn thức) thì không thể tạo ra nghiệp mới.
Khi nhĩ thức kinh nghiệm âm thanh, đó là tâm quả, nhưng nhĩ thức không thể tạo ra quả. Vì vậy tâm quả không phải là nguyên nhân, nó không tạo ra kết quả. Nó không thể tạo ra những việc làm qua thân hay qua khẩu. Nó không thể sinh kèm với những tâm sở có tính chất thiện của bi, hỷ hay của các tâm sở giới phần (virati cetasika-tiết chế) chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng[3].
Tâm quả không phải là pháp có tính chất hạ, trung hay thượng, nhưng nghiệp (kamma) thì có tính chất hạ, trung hay thượng, nó tạo ra kết quả tương ứng và vì thế có những mức độ quả (vipāka) khác nhau. Vì quả không phải là nguyên nhân tạo quả, mà chỉ là quả của một nhân, của thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp, vì vậy chỉ có một chủng loại là quả (vipāka). Như chúng ta đã thấy, quả không có được sự đa dạng của các pháp là nguyên nhân, bao gồm thiện và bất thiện, được sắp xếp thành hai loại chủng loại khác nhau. Đây là câu trả lời cho câu hỏi của bạn.
Tất cả các tâm quả đều là kết quả của nghiệp đã được tạo trong quá khứ. Có bốn loại, đó là:
- Nhãn thức là tâm quả
- Tiếp nhận tâm là tâm quả
- Suy đạt tâm là tâm quả
- Tâm mót hay tâm đăng ký cũng là tâm quả
Chúng ta cần phải biết khi nào thì có tâm quả, tâm thiện, tâm bất thiện hay tâm duy tác. Khi chúng ta thấy một đối tượng thị giác dễ chịu, nhãn thức khi ấy là quả thiện. Tiếp nhận tâm, suy đạt tâm và đăng ký tâm đi liền ngay sau đó cũng là quả thiện. Sau khi đối tượng thị giác và các tâm lộ (vīthi-citta) của lộ trình nhãn môn diệt đi, các tâm hộ kiếp sinh khởi và rồi diệt đi liên tiếp, cho đến khi các tâm lộ lại sinh khởi và biết một đối tượng khác xuất hiện. Chúng ta cần phải nhớ rằng, khi nhãn thức thấy một đối tượng thị giác qua mắt, nhãn thức cũng như các tâm quả trong lộ trình đó đều là kết quả của một nghiệp đã được tạo trong quá khứ.
Khi ta nghe một âm thanh dễ chịu hay khó chịu, đó chính là khoảnh khắc của quả tâm lộ (vipāka vīthi-citta) nghe âm thanh và rồi diệt đi hoàn toàn. Tuy nhiên, có những duyên khiến một số lượng lớn các tâm bất thiện thích hoặc không thích các sắc (rūpa) sinh khởi qua mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân căn. Thích và không thích không bao giờ thiếu trong cuộc đời, chúng sinh khởi rất nhiều lần, xuất phát từ những gì xuất hiện qua sáu căn.
Với hiểu biết lý thuyết có được nhờ việc nghe Pháp mà Đức Phật đã dạy, bất thiện pháp chưa thể được tận diệt. Chúng ta có thể biết rằng thấy chỉ là vipāka, là kết quả của nghiệp đã được tạo trong quá khứ, nhưng chỉ biết điều này trên lý thuyết không thôi thì chưa đủ. Chỉ với hiểu biết về mặt lý thuyết, chúng ta không thể nào ngăn cản sự sinh khởi của tham (lobha) khi thấy một cái gì đó dễ chịu.
Chúng ta cần phải nghiên cứu thực tại để trí tuệ có thể được phát triển tới mức độ thấy được bản chất của thực tại, nó có thể thấy rằng thưc tại không phải là chúng sinh, là con người, không phải là tự ngã. Khi ta nghiên cứu Giáo pháp và nghiên cứu một cách cẩn thận, chi tiết, chúng ta sẽ thấy rõ hơn mối hiểm họa của bất thiện, và chúng ta sẽ muốn phát triển tất cả các mức độ của thiện pháp. Chúng ta cần phải biết rằng nếu chúng ta không phát triển thiện pháp, chúng ta sẽ bị xiết chặt trong lưới phiền não.
Chúng ta có thể cho rằng mọi thứ đều thuộc về mình, nhưng suy nghĩ ấy chỉ xảy ra ở những khoảnh khắc các tâm lộ sinh khởi. Khi các tâm lộ không sinh khởi, chúng không kinh nghiệm bất cứ đối tượng nào qua sáu môn. Tại những khoảnh khắc ngủ say, sẽ không có sự dính mắc, không có say mê, mong mỏi hay thèm khát, không có sự dính mắc vào các uẩn (khandha) mà chúng ta vẫn thường cho là ta. Lý do là, ở những khoảnh khắc như vậy, tâm lộ không sinh khởi để biết các đối tượng qua sáu môn. Như vậy, chỉ ở những khoảnh khắc ngủ say thì mới không có sự vướng mắc hay dính líu vào các đối tượng của ngũ dục, hay những câu chuyện mà chúng ta nghĩ tới. Vậy tại sao chúng ta không phát triển tuệ giác (paññā) để sự dính mắc vào các đối tượng qua sáu môn có thể được tận diệt và để bớt đi bất thiện pháp?
Thực tại chỉ xuất hiện tại các khoảnh khắc có các tâm lộ (vīthi-citta) sinh khởi. Khi một tâm sinh khởi và rồi diệt đi, nó biến mất hoàn toàn. Khi một sắc sinh khởi và sau đó diệt đi, nó cũng biến mất hoàn toàn. Đối tượng thị giác xuất hiện qua nhãn căn chỉ một khoảnh khắc trước đây thôi cũng đã hoàn toàn diệt đi, cũng như tất cả các tâm vừa sinh khởi trong lộ trình của nhãn môn. Tất cả các tâm, tất cả các sắc sinh khởi và rồi diệt đi và biến mất mãi mãi.
Tuy nhiên, chừng nào sự sinh và diệt của danh (nāma) và sắc (rūpa) chưa được chứng ngộ trực tiếp bằng tuệ giác, chúng ta sẽ không thể hiểu được diệt là gì. Chúng ta chưa trực nhận được sự sinh khởi và diệt đi của bất kì thực tại nào qua sự phát triển vipassanā. Chúng ta có thể nói rằng tại khoảnh khắc này, cái thấy đang diệt đi, rằng tiếp nhận tâm, suy đạt tâm và xác định tâm, các tốc hành tâm và các tâm đăng ký đang diệt đi, nhưng thực chất sự diệt đi của các pháp chưa được xuyên thấu bởi tuệ giác. Tuệ giác (paññā) phải được phát triển để có thể xuyên thấu được danh và sắc. Kể cả khi trí tuệ chưa đạt được đến mức độ đó thì cũng rất cần thiết phải nghe Pháp và suy xét để hiểu biết đúng có thể phát triển và trở nên sắc bén hơn, sâu sắc hơn. Hiểu biết đúng cần phải được tích lũy và có thể là nhân duyên cho tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) sinh khởi và hay biết các đặc tính của pháp sinh và diệt. Bằng cách ấy, tuệ giác có thể dần được phát triển và xuyên thấu các đặc tính của các pháp để có thể nhận ra rằng chúng không phải là con người, không phải là ta, không là tự ngã.
Trong cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Atthasālinī, quyển II, Phần II, Chương I, Tam đề, mục 261, ấn bản 1999) giải thích ý nghĩa của các pháp quá khứ như sau: “quá khứ có nghĩa là đã qua khỏi ba tiểu sát na”.
Ba tiểu sát na này là: sát na sinh (uppāda khaṇa); sát na trụ (tiṭṭhi khaṇa) và sát na diệt (bhanga khaṇa)[4].
Tâm có thời gian tồn tại cực kỳ ngắn ngủi: nó sinh, trụ và rồi diệt đi ngay lập tức. Sát na sinh của nó không phải là sát na trụ và cũng không phải là sát na diệt. Sát na trụ cũng không phải là sát na sinh và không phải sát na diệt. Sát na diệt cũng không phải là sát na sinh và sát na trụ. Khi tâm đã sinh khởi, nó có mặt và tồn tại, khoảnh khắc của sự có mặt và tồn tại ấy (sát na trụ) không thể được gọi là quá khứ, nhưng tại thời điểm ấy, sát na sinh của nó đã thuộc về quá khứ.
Khi tìm hiểu về sắc, chúng ta học rằng sắc có nguồn gốc từ nghiệp (kammaja rūpa – sắc do nghiệp sinh) sinh khởi ở mỗi thời điểm của tâm. Như vậy, nó sinh khởi ở sát na sinh của tâm, ở sát na trụ của tâm và ở sát na diệt của tâm. Sắc do nghiệp sinh (kammaja rūpa) sinh khởi ở ba tiểu sát na tâm trong suốt cuộc đời của chúng ta. Tuy nhiên, trong 17 sát na tâm trước tử thức thì nghiệp không tạo ra sắc nữa, sắc được tạo bởi nghiệp đã hết khi tử thức diệt đi[5]. Đó là sự chấm dứt của ngũ uẩn tạo nên kiếp sống của một người cụ thể.
Sắc bắt nguồn từ tâm (cittaja rūpa – sắc do tâm sinh) sinh khởi ở khoảnh khắc sinh của tâm. Thức tái tục, ngũ song thức và bốn tâm quả vô sắc giới (arūpāvacara vipākacitta)[6] và tử thức của một vị A la hán không tạo ra sắc.
Sắc bắt nguồn từ nhiệt độ (utuja rūpa – sắc do nhiệt sinh – tức hỏa đại ở nhiệt độ thích hợp) sinh khởi ở khoảnh khắc trụ của nhiệt độ[7].
Sắc bắt nguồn tử dưỡng chất (āhāraja rūpa – sắc do dưỡng chất sinh) sinh khởi ở khoảnh khắc trụ của dưỡng chất (ojā rūpa) ở trong thực phẩm được ăn. Khi những tinh chất trong vật thực ấy đã được tiêu thụ thì nó có thể tạo nên các sắc khác.
Tâm sinh và diệt rất nhanh và như vậy cả ba tiểu sát na tâm biến mất ngay lập tức. Như được giải thích trong Chú Giải Bộ Pháp Tụ , bất cứ pháp nào đã qua đều đã đi khỏi ba sát na: sinh, trụ và diệt; nó đã biến mất vĩnh viễn, không để lại gì.
Trong cùng mục đó của cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Atthasālinī, – quyển II, Phần II, Chương I, Tam đề, mục 261, ấn bản 1999) đã giải thích những từ đồng nghĩa của từ “quá khứ”. Chúng ta đọc: “diệt” tức là “đã tận diệt”. Pháp quá khứ thì đã diệt đi hoàn toàn, giống như một ngọn lửa đã bị dập tắt. Kinh điển lại tiếp tục: “tan biến”, tức là băng hoại, hủy diệt, đi khỏi. Không còn gì nữa, giống như một người đã chết, không còn tồn tại. Đó là đặc tính của diệt. Sách tiếp tục giải thích: “thay đổi” có nghĩa là biến chuyển qua sự từ bỏ đặc tính gốc. Như vậy chừng nào một pháp còn giữ tính chất bình thường, gốc rễ của nó thì nó tồn tại, nhưng khi nó từ bỏ tình chất gốc của mình thì nó không còn tồn tại nữa. Và Kinh điển nói tiếp: “chấm dứt” có nghĩa là đã tới cái được gọi là “diệt”. Nó không thể tồn tại thêm nữa, đó chính là ý nghĩa của diệt. Sau đó Kinh điển lại giải thích: …“diệt tận” …Từ này mạnh hơn thuật ngữ trước (“chấm dứt”), nó có nghĩa là biến mất hoàn toàn, không còn gì sót lại. Và cuối cùng, sách nói: “tan biến sau khi đã sinh khởi”, có nghĩa là đi khỏi sau khi đã tới. Điều ấy không có nghĩa rằng pháp không tồn tại, nó đã tồn tại bởi vì nó đã sinh khởi, nhưng sau khi sinh khởi thì nó ra đi, biến mất một cách hoàn toàn, không còn gì sót lại. Chúng ta đọc tiếp Kinh điển như sau:
“Các pháp đã qua này là những gì? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.”
Đó chính là ngũ uẩn, là các pháp hữu vi (saṅkhāta dhamma). Ngũ uẩn bao gồm các thực tại sau:
- Sắc uẩn (rūpakkhandha): tất cả các sắc (rūpa) sinh và diệt.
- Thọ uẩn (vedanākkhandha): tất cả các cảm thọ (vedanā) sinh và diệt.
- Tưởng uẩn (saññākkhandha): tưởng tâm sở (saññācetasika) sinh và diệt.
- Hành uẩn (saṅkhārakkandha): 50 loại tâm sở (cetasika), ví dụ như tham, sân, si, ghen tị, bủn xỉn, tín, tấn và trí tuệ; chúng sinh và diệt.
- Thức uẩn (viññāṇakkhandha): từng loại tâm sinh và diệt.
Tất cả những gì sinh khởi đều là pháp hữu vi, nó là một trong ngũ uẩn và nó cũng diệt đi. Chúng ta vẫn còn mong muốn, dính mắc vào uẩn nào? Mỗi uẩn (khandha) sinh và diệt, nó biến mất, tan biến hoàn toàn không còn gì sót lại, không có gì đáng dính mắc vào.
Chỉ với kiến thức có được nhờ đọc và nghe thì phiền não không thể được tận diệt; chúng sẽ vẫn còn xuất hiện với đầy đủ sức mạnh của chúng. Khi chúng ta suy xét về các pháp và có được hiểu biết đúng về chúng, thì các nhân duyên cho sự sinh khởi của chánh niệm đang được tích lũy. Khi ấy, chánh niệm (sati) có thể hay biết và ghi nhận được các đặc tính của các pháp mà trước đó chúng ta mới chỉ có cái hiểu về mặt lý thuyết nhờ việc nghe. Bằng cách ấy, trí tuệ có thể xuyên thấu được các thực tại sinh và diệt và tà kiến cho rằng các thực tại là chúng sinh, là con người có thể được loại bỏ.
Ta có thói quen dính mắc vào những gì xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn. Chúng ta coi đó là ta, là ngã, là của cải của ta. Trên thực tế thì mọi thứ chỉ xuất hiện ở khoảnh khắc có sự sinh khởi của các tâm lộ (vīthi-citta). Các pháp là quả (vipāka) là quả của nghiệp. Chúng ta có thể có nhà cửa, của cải, quần áo và đồ trang sức đẹp đẽ và hấp dẫn, nhưng trên thực tế chỉ có tâm quả là quả của các nghiệp quá khứ sinh khởi và kinh nghiệm những đối tượng ấy qua các căn. Tâm xuất hiện và kinh nghiệm đối tượng ở một khoảnh khắc và rồi diệt đi, nó biến mất mãi mãi, không hề tồn tại kéo dài. Không ai có thể biết nghiệp nào sẽ tạo ra quả nào trong tương lai. Lý do là bởi chúng ta đã tạo cả nghiệp thiện lẫn nghiệp bất thiện trong quá khứ. Khi có các duyên tố phù hợp cho nghiệp tạo quả thì tâm quả sẽ sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng qua một trong sáu môn.
Khi chúng ta học về chân lý vô thường và suy ngẫm về điều ấy, chúng ta sẽ được thúc giục bền bỉ hay biết về các đặc tính của những thực tại đang xuất hiện. Nếu chánh niệm có thể hay biết các đặc tính của các pháp và trí tuệ thẩm xét các pháp ấy, lần này qua lần khác, thì các pháp ấy có thể được chứng ngộ như chúng là; không phải là ngã, chỉ là danh và sắc xuất hiện đơn lẻ tại mỗi thời điểm qua sáu môn.
Với hiểu biết đúng về các đặc tính của các pháp, sẽ có nhân duyên cho tốc hành tâm lộ thiện (kusala javana vīthi-citta). Nếu chúng ta không nghe Giáo pháp và không thẩm xét các thực tại, chúng ta sẽ không biết khi nào có quả, là kết quả của nghiệp quá khứ và khi nào là tốc hành tâm lộ thiện hay bất thiện (kusala javana vīthi-citta hay akusala javana vīthi-citta) sinh khởi theo chặp. Nếu không biết được điều ấy, ta sẽ không thấy được mối nguy hiểm và bất lợi của bất thiện và sẽ không muốn phát triển thiện pháp. Như vậy thì vòng luân hồi sẽ kéo dài vô tận. Trong một ngày có nhiều tâm thiện hơn hay có nhiều tâm bất thiện hơn? Trong tương lai, kết quả tương ứng của nghiệp sẽ sinh khởi, có thể là quả thiện hay quả bất thiện. Việc suy xét về những thực tại xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là rất lợi lạc.
Các đặc tính cụ thể của các tâm và chức năng của chúng:
Có tất cả 14 chức năng của tâm:
1. Chức năng tái sinh (paṭisandhi): Cái tiếp nối chức năng của tử thức ở kiếp sống trước. Các tâm đảm nhận chức năng tái sinh bao gồm 19 loại tâm quả (vipākacitta)[8]:
- Kāmāvacara vipākacitta (tâm quả dục giới): 10 loại
- Rūpāvacara vipākacitta (tâm quả sắc giới – quả của các tầng thiền sắc giới): 5 loại
- Arūpāvacara vipākacitta (tâm quả vô sắc giới – quả của các tầng thiền vô sắc giới)[9]: 4 loại
2. Chức năng hộ kiếp (bhavanga): là sự bảo tồn tính tương tục trong một kiếp sống. Các tâm đảm nhận chức năng hộ kiếp cũng bao gồm 19 loại tâm quả (vipākacitta). Bất cứ loại tâm nào đảm nhận chức năng tái sinh trong một kiếp sống cũng đảm nhận chức năng hộ kiếp sau khi thức tái tục đã diệt đi. Các tâm hộ kiếp sinh khởi trong một kiếp sống cũng cùng là một loại với thức tái tục (paṭisandhicitta). Chúng sinh và diệt liên tiếp cho đến khi các tâm lộ sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng qua một trong sáu môn và khi các tâm lộ của lộ trình ấy diệt đi, các tâm hộ kiếp cùng loại với thức tái tục sẽ nối tiếp. Điều này xảy ra liên tục cho đến khi tử thức xuất hiện ở cuối kiếp sống.
3. Chức năng hướng tâm (āvajjana): là sự hướng đến đối tượng in dấu lên một trong sáu môn. Hướng tâm là tâm lộ đầu tiên sinh khởi trong một lộ trình và kinh nghiệm đối tượng qua một trong sáu môn. Có hai loại tâm duy tác đảm nhận chức năng hướng tâm là:
- Ngũ môn hướng tâm (pañca-dvārāvajjana-citta).
- Ý môn hướng tâm (mano-dvārāvajjana-citta).
4. Chức năng thấy (dassana kicca): có hai loại tâm quả đảm nhận chức năng thấy, đó là:
- Nhãn thức là tâm quả bất thiện (akusala vipākacitta)
- Nhãn thức là tâm quả thiện (kusala vipākacitta)
5. Chức năng nghe (savana kicca): có hai loại tâm quả đảm nhận chức năng nghe, đó là:
- Nhĩ thức là tâm quả bất thiện (akusala vipākacitta)
- Nhĩ thức là tâm quả thiện (kusala vipākacitta)
6. Chức năng ngửi (ghāyana kicca): có hai loại tâm quả đảm nhận chức năng ngửi, đó là:
- Tỉ thức là tâm quả bất thiện (akusala vipākacitta).
- Tỉ thức là tâm quả thiện (kusala vipākacitta)
7. Chức năng nếm (sāyana kicca): có hai loại tâm quả đảm nhận chức năng nếm, đó là:
- Thiệt thức là tâm quả bất thiện (akusala vipākacitta)
- Thiệt thức là tâm quả thiện (kusala vipākacitta)
8. Chức năng kinh nghiệm đối tượng xúc chạm thông qua thân căn (phusana kicca): có hai loại tâm quả đảm nhận chức năng này, đó là:
- Thân thức là tâm quả bất thiện (akusala vipākacitta)
- Thân thức là tâm quả thiện (kusala vipākacitta)
9. Chức năng tiếp nhận (sampaṭicchana kicca): là sự tiếp nhận đối tượng sau khi ngũ song thức đã diệt đi. Có hai loại tâm đảm nhận chức năng của tiếp nhận, đó là:
- Tiếp nhận tâm là tâm quả bất thiện (akusala vipākacitta)
- Tiếp nhận tâm là tâm quả thiện (kusala vipākacitta)
10. Chức năng suy đạt (santīraṇa kicca): là sự suy đạt về đối tượng xuất hiện qua một trong năm môn, Có ba loại tâm đảm nhận chức năng này, đó là:
- Suy đạt tâm sinh kèm với thọ xả (upekkhā) là quả bất thiện.
- Suy đạt tâm sinh kèm với thọ xả (upekkhā) là quả thiện.
- Suy đạt tâm sinh kèm với thọ hỷ (somanassa) là quả thiện.
11. Chức năng xác định (votthapana kicca): là xác định đối tượng để xem loại tốc hành tâm nào sẽ sinh khởi tiếp theo trong một trong các lộ trình ngũ môn. Có một loại tâm duy tác làm chức năng này, đó là:
- Ý môn hướng tâm (manodvārāvajjana-citta).
12. Chức năng tốc hành (javana kicca): là “chạy qua” đối tượng, hay “thọ hưởng” đối tượng. Có 55 loại tâm có thể đảm nhận chức năng tốc hành:
- Tâm bất thiện (akusala citta): 12 tâm[10].
- Tâm sinh nụ cười hàm tiếu[11] của vị A la hán (ahetuka kiriyacitta-hasituppada citta): 1 tâm.
- Tâm thiện dục giới (kāmāvacara kusala citta)[12]: 8 tâm.
- Tâm duy tác dục giới (kāmāvacara kiriyacitta) của một vị Ala hán: 8 tâm.
- Tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) của các tầng thiền sắc giới: 5 tâm.
- Tâm duy tác sắc giới (rūpāvacara kiriyacitta) của vị Ala hán: 5 tâm.
- Tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta) của các tầng thiền vô sắc giới: 4 tâm.
- Tâm duy tác vô sắc giới (arūpāvacara kiriyacitta) của các vị Ala hán: 4 tâm.
- Tâm siêu thế (lokuttara citta) kinh nghiệm niết bàn: 8 tâm.
13. Chức năng đăng ký, mót (tadālambana kicca): đảm nhận chức năng biết đối tượng sau khi các tốc hành tâm đã diệt đi. Có 11 loại tâm quả đảm nhận chức năng này, đó là:
- Suy đạt tâm (santīraṇa-citta): 3 tâm.
- Các tâm dục giới có nhân (kāmāvacara sahetuka) là quả thiện (kusala vipāka): 8 tâm.
14. Chức năng tử (cuti kicca): là chức năng đi khỏi kiếp sống này. Sau khi tử thức (cuti-citta) đã sinh khởi, đảm nhận chức năng này và rồi diệt đi, thì đó là thời điểm cuối của kiếp sống và ta không còn là con người cụ thể đó nữa. Có 19 loại tâm quả đảm nhận chức năng tử thức, chúng cùng loại với các tâm đảm nhận chức năng tái sinh và chức năng hộ kiếp. Bất cứ loại nào đảm nhận chức năng tái sinh trong một kiếp sống thì cũng đảm nhận chức năng hộ kiếp và chức năng tử trong cùng kiếp sống đó.
Do duyên mà thức tái tục sinh khởi trong một kiếp sống cụ thể với các tâm sở đồng sinh khác nhau và cùng với các sắc với những phẩm chất khác nhau, tùy vào sức mạnh và tính chất của tâm tái tục. Có 10 loại tâm quả dục giới (kāmāvacara vipākacitta) có thể đảm nhận chức năng tái sinh trong 11 cõi dục giới (kāma bhūmi):
- Suy đạt tâm sinh kèm với thọ xả là quả bất thiện: 1 tâm.
- Suy đạt tâm sinh kèm với thọ xả là quả thiện: 1 tâm.
- Tâm quả thiện dục giới có nhân (kāmāvacara sahetuka kusala): 8 tâm.
- Suy đạt tâm sinh kèm với thọ xả có thể là quả bất thiện, là kết quả của nghiệp bất thiện, và nó có thể đảm nhận chức năng tái sinh trong bốn cõi ác đạo bao gồm: địa ngục, ngạ quỷ, a tu la và cõi súc sinh[13].
- Suy đạt tâm sinh kèm với thọ xả là quả thiện là kết quả của nghiệp thiện yếu ớt có thể đảm nhận chức năng tái sinh trong cõi người và trong những cõi trời bậc thấp bao gồm tứ đại thiên vương (Cātummahārājika). Trong trường hợp ấy, nghiệp bất thiện có cơ hội làm cho người ấy phải chịu đau khổ và khiến người ấy sẽ bị tàn tật bẩm sinh. Người ấy sinh ra sẽ có những dị tật như câm, mù, què hay những loại dị tật khác.
Có tám loại tâm đại quả có thể đảm nhận chức năng tái sinh ở cõi người và sáu cõi trời, và những phẩm chất khác nhau của chúng phụ thuộc vào mức độ và sức mạnh của nghiệp thiện (kusala kamma) đã tạo duyên cho chúng sinh khởi[14].
Có năm loại tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipākacitta) đảm nhận chức năng tái sinh trong 15 cõi phạm thiên sắc giới (rūpa-brahma) và các mức độ khác nhau của những loại tái sinh này (tức là ở tầng trời nào) phụ thuộc vào tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) đã sản sinh ra chúng.
Có bốn loại tâm quả vô sắc giới (arūpāvacara vipākacitta) đảm nhận chức năng tái sinh trong bốn cõi phạm thiên vô sắc giới (arūpa-brahma) và các mức độ khác nhau của những loại tái sinh này phụ thuộc vào tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta) đã sản sinh ra chúng.
Có mười một loại tâm mót hay tâm đăng ký (tadālambana-citta) đảm nhận chức năng đăng ký đi sau luồng tốc hành tâm (javana), chúng không sinh khởi ở cõi phạm thiên sắc giới hay cõi phạm thiên vô sắc giới[15].
Có hai loại tâm đảm nhận năm chức năng, bao gồm chức năng tái sinh, hộ kiếp, suy đạt, đăng ký và tử, chúng là: suy đạt tâm sinh kèm với thọ xả là quả bất thiện và suy đạt tâm sinh kèm với thọ xả là quả thiện.
Có tám loại tâm đại quả (mahā-vipākacitta) đảm nhận bốn chức năng: tái sinh, hộ kiếp, đăng ký và tử.
Có năm loại tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipākacitta) đảm nhận ba chức năng và có bốn loại tâm quả vô sắc giới (arūpāvacara vipākacitta) cũng đảm nhận ba chức năng, đó là chức năng tái sinh, chức năng hộ kiếp và chức năng tử.
Có hai loại tâm có thể đảm nhận hai chức năng, đó là ngũ môn hướng tâm[16] và suy đạt tâm sinh kèm với thọ hỷ[17].
Tất cả các loại tâm khác chỉ đảm nhận một chức năng, là chức năng riêng của chúng mà thôi.
********
Câu hỏi
- Tâm mót hay tâm đăng ký (tadārammaṇa-citta) thuộc loại chủng loại nào? Nó được tạo duyên bởi nghiệp nào?
- Khi nào sắc do nghiệp sinh (kammaja rūpa) sinh khởi? Và khi nào nó không sinh khởi?
- Khi nào sắc do tâm sinh (cittaja rūpa) sinh khởi? Khi nào nó không sinh khởi?
- Tâm bất thiện đảm nhận chức năng nào?
- Các tâm đảm nhận chức năng tốc hành là thuộc loại chủng loại nào?
- Tâm thiện và tâm duy tác có thể đảm nhận chức năng đăng ký không?
- Suy đạt tâm thọ xả có thể đảm nhận những chức năng nào?
- Suy đạt tâm thọ hỷ có thể đảm nhận những chức năng nào?
- Các tâm của một vị A la hán thuộc các loại chủng loại nào?
Các tâm của một vị không phải là A la hán thuộc các loại chủng loại nào?
[1] Trong Bộ Pháp Tụ (Quyển III, chương I, Mẫu đề Tam, § 1027-1027, các pháp được xếp thành hạ, trung và thượng. Cuốn Chú giải Bộ Pháp Tụ (Quyển I, Phần I, Chương I, §45) giải thích rằng, “hạ tiện” tương ứng với pháp bất thiện, “trung” tương ứng với các pháp còn lại thuộc tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới), còn “thượng” tương ứng với pháp siêu thế.
[2] Tâm sở dục (chanda), tinh tấn (viriya), hay trạch pháp (vīmaóósā) có thể là các yếu tố nổi trội, chúng có thể ở mức độ thấp, vừa, hay cao (tham khảo Thanh Tịnh Đạo, Chương I, §33.
[3] Ba tâm sở tiết chế là sự tiết chế khỏi tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng. Tiết chế khỏi tà mạng là tiết chế khỏi tà ngữ và tà nghiệp trong nuôi mạng.
[4] Xem thêm Chương 7.
[5] Sắc không tồn tại nhiều hơn mười bảy sát na tâm. Sắc do nghiệp sinh không thể tồn tại sau khi chết.
[6] Quả của các tâm thiện thuộc bốn tầng thiền vô sắc giới. Chúng sinh khởi ở những cõi không có sắc.
[7] Sắc, trong trường hợp của hỏa đại, quá yếu ở khoảnh khắc sinh; nó chỉ có thể tạo nên một sắc khác ở khoảnh khắc trụ.
[8] Điều này sẽ được nói cụ thể hơn trong chương này.
[9] Có năm tầng thiền sắc giới, và như vậy có năm loại tâm quả là quả của các tâm thiền ấy. Có bốn tầng thiền vô sắc giới, như vậy sẽ có bốn loại quả của chúng.
[10] Có tám loại tâm tham căn, hai loại tâm sân căn, và hai loại tâm si căn.
[11] Tiếu sinh tâm.
[12] Bốn tâm đồng sinh với thọ hỷ, bốn tâm với thọ xả, bốn hợp trí, và bốn không hợp trí, bốn cần có tác động, và bốn không cần có tác động. Các tâm duy tác dục giới cũng được phân chia như vậy. Tham khảo Phụ lục I: Tâm (citta)
[13] Suy đạt tâm (sanṭīraṇa-citta) đảm nhận chức năng suy đạt trong một tiến trình ngũ môn, nhưng loại tâm này cũng có thể đảm nhận chức năng của thức tái tục. Trong trường hợp sau, nó vẫn được gọi là suy đạt tâm, vì nó cùng môt loại với tâm sinh khởi trong tiến trình ngũ môn.
[14] Có tám tâm đại quả, là quả của tám tâm đại thiện; chúng đồng sinh với thọ hỷ hoặc thọ xả, hợp hoặc không hợp với trí, cần có tác động hoặc không cần có tác động. Các chi tiết này sẽ được giải thích kỹ hơn về sau.
[15] Chỉ trong các cõi dục giới mới có duyên cho nghiệp tạo tâm quả “treo” vào đối tượng được kinh nghiệm trước đó bởi các tốc hành tâm.
[16] Nó đảm nhận chức năng hướng tâm trong tiến trình ý môn, và đảm nhận chức năng xác định trong tiến trình ngũ môn.
[17] Loại tâm này chỉ có thể đảm nhận chức năng suy đạt trong một tiến trình có đối tượng rất dễ chịu. Nó cũng đảm nhận chức năng tâm mót.