Khảo cứu pháp chân đế – CHƯƠNG 11: CÁC LỘ TRÌNH KHÁC NHAU

CHƯƠNG 11. CÁC LỘ TRÌNH KHÁC NHAU

Khi chúng ta thấy và dính mắc vào đối tượng thị giác, vui thú với đối tượng ấy, dường như đó chỉ là một sự dính mắc “bình thường” và vô hại. Tuy nhiên chúng ta phải nhận ra rằng ngay cả sự dính mắc bình thường cũng là một pháp có hại. Kết quả của nó là đau khổ (dukkha) và sự tích lũy dần dần các duyên tố gây thêm đau khổ về sau. Đúng là khổ không sinh khởi ngay lập tức khi chỉ có một lượng dính mắc nhỏ. Tuy nhiên khi dính mắc đã được tích lũy nhiều hơn thì nó sẽ trở nên mạnh mẽ và có thể lớn tới mức độ của một triền cái (nīvaraṇa), là một loại phiền não cản trở thiện pháp, mang đến lo âu và o bế. Khi ấy tính chất nặng nề sẽ trở nên rõ ràng, sự nặng nề của bất thiện (akusala), là pháp có tính chất trạo cử, bất an.

Chúng ta có thể tự mình tìm hiểu xem liệu trong một ngày, từ khi thức giấc cho tới khi đi ngủ, luồng tốc hành tâm (javana-citta) bất thiện hay luồng tốc hành tâm thiện sinh khởi thường xuyên hơn. Chúng ta có thể làm gì để thoát khỏi bất thiện? Trên thực tế, chúng ta đều đang dùng thuốc độc, thứ thuốc độc của bất thiện, và khi nhận ra điều ấy, chúng ta cần phải tìm ra loại thuốc đúng để chữa bệnh. Nếu ta không nhận ra rằng mình đang dùng thuốc độc thì chúng ta sẽ tích lũy xu hướng dùng thêm nó. Hiệu ứng độc hại của nó sẽ dần càng tăng thêm. Chỉ có một loại thuốc có thể chữa lành cho chúng ta, đó là sự phát triển hiểu biết đúng đắn về thực tại, sự phát triển của tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna). Nếu chánh niệm (sati) của tứ niệm xứ chưa sinh khởi, sẽ không có cách nào thoát khỏi sự tích lũy bất thiện pháp. Bất thiện sẽ được tích lũy hiều hơn nữa và sẽ không nhiều cơ hội cho sự sinh khởi của các loại thiện pháp khác nhau. Trong khi ấy, khi ta phát triển tứ niệm xứ, chánh niệm có thể sinh khởi thay cho bất thiện và khi ấy, xác định tâm (votthapana-citta) – tâm sinh khởi ngay trước luồng tốc hành tâm – có thể là vô gián duyên[1] cho sự sinh khởi của thiện tâm tùy theo tích lũy của mỗi người. Tâm thiện (kusala citta) có thể sinh kèm với mức độ chánh niệm hay biết thực tại đang xuất hiện.

Các luồng tâm lộ tốc hành (javana vīthi-citta) thiện và các luồng bất thiện sinh và diệt một cách liên tiếp và chúng luôn tích lũy thiện hoặc bất thiện. Điều ấy khiến mỗi người có những xu hướng tích lũy khác nhau và có những hành xử khác nhau. Những tích lũy trong tâm của mỗi người là vô cùng phức hợp. Kể cả các vị A la hán, những người đã đạt đến mức độ toàn hảo, cũng có những xu hướng khác nhau. Họ nổi trội với những phẩm chất khác nhau. Ngài Xá Lợi Phất (Sāriputta) là bậc thượng thủ về trí tuệ, Ngài Mục Kiền Liên (Moggallāna) là bậc thượng thủ về thần thông, Ngài Đại Ca Diếp (Mahā Kassapa) là bậc thượng thủ về hạnh đầu đà, Ngài cũng khuyến khích mọi người tu tập theo hạnh đầu đà, và Ngài A Nâu Lâu Đà (Anuruddha) là bậc thượng thủ về thiên nhãn thông. Các tâm lộ tốc hành của mỗi chúng ta đều xếp theo luồng, tích lũy các loại thiện và bất thiện hết lần này này sang lần khác. Chính vì lý do ấy mà bây giờ, chúng ta suy nghĩ, nói và hành xử theo những cách hoàn toàn khác nhau.

Các tâm thiện (kusala), bất thiện (akusala) hay đại duy tác (mahā-kiriya) xếp trong luồng tốc hành tâm khiến mọi người có những cách hành xử khác nhau nơi thân và khẩu. Có thể có những người thấy một vị A la hán và coi thường vị ấy, họ phán xét vị ấy bởi hành vi bên ngoài mà vị ấy đã tích lũy từ rất rất lâu. Vị Bà la môn Vassakāra, khi đó là Quốc vương nước Ma Kiệt Đà (Magadha) chẳng hạn. Ông ta đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi phán xét sai về một vị A la hán qua hành vi bên ngoài của vị ấy. Khi vị Bà la môn thấy Đại Ca Chiên Diên (Mahā Kacchana) đi xuống từ trên núi, ông ta nói rằng Đại Ca Chiên Diên có hành vi giống một con khỉ. Sự kiêu ngạo của Vassakāra được duyên bởi sự tích lũy các tâm lộ tốc hành của ông ta. Đức Phật huấn thị vị Bà la môn này sám hối với ngài Đại Ca Chiên Diên, nhưng ngã mạn đã tích lũy đã khiến ông ta không thể làm như vậy. Đức Phật đã tiên đoán rằng Bà la môn Vassakāra sau khi chết sẽ tái sinh thành một con khỉ trong cánh rừng tre. Vì thế Vassakāra đã trồng chuối và những thứ khác mà loài khỉ có thể ăn được để khi tái sinh thành một con khỉ trong rừng tre, ông ta sẽ có sẵn vật thực để ăn.

Chúng ta nên thấy mối hiểm họa của sự tích lũy bất thiện pháp trong các tốc hành tâm lộ (javana vīthi-citta) sinh và diệt một cách liên tiếp bảy chặp. Bất thiện được tích lũy đi tích lũy lại cho đến khi trở thành bản chất của mỗi người và thể hiện ra trong hành vi và lời nói. Những hành xử đã tích lũy ấy được gọi là “vāsanā” (tiền khiên tật)[2] trong tiếng Pāli. Kể cả khi một người đã trở thành A la hán, vẫn có những xu hướng được tích lũy trong tâm tạo duyên cho các cách hành xử khác nhau. Đức Phật là người duy nhất có thể tận diệt được các tiền khiên tật (vāsanā). Tất cả các vị A la hán đã tận diệt mọi phiền não một cách hoàn toàn đến mức mà không còn một chút mầm mống cấu uế nào còn tồn tại trong các vị ấy, tuy nhiên các vị ấy không thể tận diệt được các tiền khiên tật. Đó là bởi họ đã tích lũy các tiền khiên tật trong một khoảng thời gian vô cùng tận trong vòng luân hồi do năng lực của các tốc hành tâm lộ.

Tóm tắt lại các loại tâm lộ (vīthi-citta) khác nhau trong lộ trình qua ngũ môn, chúng bao gồm 7 loại:

  1. Tâm lộ thứ nhất là ngũ môn hướng tâm (pañca-dvārāvajjana-citta)
  2. Tâm lộ thứ hai là ngũ song thức[3] (dvi-pañca-viññāṇa) là nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức và thân thức.
  3. Tâm lộ thứ ba là tiếp nhận tâm (sampaṭicchana-citta) tiếp nhận đối tượng của tâm trước nó (một trong ngũ thức) sau khi thức đó đã diệt đi.
  4. Tâm lộ thứ tư là suy đạt tâm (sanṭīraṇa-citta) xem xét và thẩm định về đối tượng.
  5. Tâm lộ thứ năm là xác định tâm (votthapana-citta) đảm nhận chức năng xác định xem tâm tiếp theo sẽ là tâm thiện, tâm bất thiện hay tâm duy tác  (trong trường hợp của một vị A la hán).
  6. Tâm lộ thứ sáu là luồng tốc hành tâm lộ (javana vīthi-citta) thường xuất hiện trong bảy chặp liên tiếp. Javana có thể được dịch là đổng lực hay chạy, tốc hành. Nó chạy một cách nhanh chóng qua đối tượng với tâm thiện, tâm bất thiện hay tâm duy tác.
  7. Tâm lộ thứ bảy là tâm đăng ký (tadārammaṇa vīthi-citta). “Tadārammaṇa” có nghĩa là “đối tượng ấy” được dịch ra tiếng Anh là “đăng ký”. Nó đảm nhận chức năng tiếp nhận đối tượng, bám vào đối tượng sau các tốc hành tâm  nếu đối tượng ấy vẫn chưa diệt đi, bởi sắc tồn tại không nhiều hơn 17 sát na tâm.

Nếu sắc (rūpa) sinh khởi tại thời điểm của hộ kiếp quá khứ (atīta-bhavanga), tóm tắt sau sẽ thể hiện 15 tâm đầu tiên sinh khởi trong quá trình tồn tại của sắc đó.

  • Khi một sắc sinh và in dấu lên một trong các ngũ căn, sát na đầu tiên của tâm sinh và diệt được gọi là hộ kiếp quá khứ (atīta-bhavanga).
  • Hộ kiếp rung động (bhavanga calana) là sát na tâm thứ hai.
  • Hộ kiếp dứt dòng (bhavangupaccheda) là sát na tâm thứ ba.
  • Ngũ môn hướng tâm là sát na tâm thứ tư.
  • Một trong các ngũ song thức là sát na tâm thứ năm.
  • Tiếp nhận tâm là sát na tâm thứ sáu.
  • Suy đạt tâm là sát na tâm thứ bảy.
  • Xác định tâm là sát na tâm thứ tám.
  • Tốc hành tâm (javana-citta) thứ nhất là sát na tâm thứ chín.
  • Tốc hành tâm thứ 2 là sát na tâm thứ mười.
  • Tốc hành tâm thứ 3 là sát na tâm thứ mười một.
  • Tốc hành tâm thứ 4 là sát na tâm thứ mười hai.
  • Tốc hành tâm thứ 5 là sát na tâm thứ mười ba.
  • Tốc hành tâm thứ 6 là sát na tâm thứ mười bốn.
  • Tốc hành tâm thứ 7 là sát na tâm thứ mười lăm.

Kể từ khoảnh khắc hộ kiếp quá khứ (atīta-bhavanga), thời điểm mà sắc (rūpa) là đối tượng sinh khởi, có 15 sát na trôi qua cho đến khi tốc hành tâm thứ bảy diệt đi. Như vậy vẫn còn hai sát na nữa trước khi sắc diệt hẳn, vì so với tuổi thọ của danh (nāma) thì sắc (rūpa) tồn tại lâu hơn 17 lần. Những người sinh ra ở các cõi dục giới có tích lũy nghiệp (kamma) trong quá khứ liên quan đến đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm, tức là các đối tượng của ngũ quan. Khi các tốc hành tâm đi qua một đối tượng ngũ quan và đối tượng ấy vẫn chưa diệt, nghiệp sẽ tạo duyên cho sự sinh khởi của một tâm quả sau luồng tốc hành tâm dưới dạng tâm mót hay tâm đăng ký (tadālambana-citta), nó “treo” trên đối tượng ấy. Điều này tương ứng với bản chất của các chúng sinh ở cõi dục giới. Tâm mót (tadālambana-citta) tiếp nhận đối tượng sau luồng tốc hành tâm (javana-citta) và có hai tâm như vậy nối tiếp nhau.

Tâm mót (tadālambana-citta) là tâm lộ cuối cùng đảm nhận chức năng trong một lộ trình và kinh nghiệm đối tượng qua các môn tương ứng. Sau đó, tâm hộ kiếp lại sinh khởi nối tiếp nhau cho đến khi các tâm lộ của lộ trình mới sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng qua một trong các môn.

Tại khoảnh khắc của tâm hộ kiếp (bhavanga-citta), thế giới này không xuất hiện. Không có sự ghi nhớ nào liên quan đến con người và các sự kiện khác nhau trên thế giới này. Cũng giống như khi ta ngủ say và không có sự hay biết về tất cả những gì liên quan đến thế giới. Tại khoảnh khắc ta ngủ say hay giữa các lộ trình tâm, chỉ có các tâm hộ kiếp sinh và diệt. Thức tái tục (paṭisandhi-citta), tâm hộ kiếp (bhavanga-citta) và tử thức (cuti-citta) không phải là các tâm lộ (vīthi-citta), chúng không kinh nghiệm đối tượng qua một trong sáu căn[4]. Tử thức hay tâm tử là tâm cuối cùng của một kiếp sống. Nó đảm nhận chức năng kết thúc một kiếp sống dưới dạng một con người cụ thể. Nó được tiếp nối bởi thức tái tục của kiếp sống mới và sau đó lại là những tâm lộ kinh nghiệm đối tượng liên quan đến thế giới của kiếp sống sau, một kiếp sống khác. Chừng nào tâm tử vẫn chưa sinh khởi thì chúng ta vẫn sống trong kiếp này. Ngoài các tâm hộ kiếp không biết những gì liên quan đến thế giới, có các tâm lộ chỉ có nhiệm vụ biết các đối tượng của thế giới này, tức đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm.

Một lộ trình qua ngũ môn đầy đủ với bảy loại tâm lộ có thể được tóm tắt như sau:

 

Hộ kiếp quá khứ, một sát na

Không phải là vīthi-citta

Thời gian sinh, trụ và diệt của một sắc bằng 17 sát na tâm
Hộ kiếp rung động, một sát na
Hộ kiếp dứt dòng, một sát na
Ngũ môn hướng tâm, một sát na

5 sát na tâm lộ (vīthi-citta)

Một trong các ngũ song thức
Tiếp nhận tâm, một sát na
Suy đạt tâm, một sát na
Xác định tâm, một sát na
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác

7 chặp tốc hành tâm lộ (javana vīthi-citta)

Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm mót

2 sát na tâm lộ

Tâm mót

 

Sau khi các tâm lộ của một lộ trình ngũ môn đã sinh khởi kinh nghiệm đối tượng qua một trong ngũ căn (sắc giác quan hay pasāda-rūpa) diệt đi, sẽ có các tâm hộ kiếp sinh và diệt một cách liên tiếp giữa các lộ trình. Sau đó, ý môn hướng tâm sinh khởi và kinh nghiệm qua ý môn (hộ kiếp dứt dòng hay bhavangupaccheda) cùng một đối tượng với các tâm lộ của lộ trình ngũ môn trước đó vừa diệt đi. Lộ trình của các tâm kinh nghiệm đối tượng qua ý môn không kéo dài như lộ trình qua ngũ môn, không có hộ kiếp quá khứ (atīta-bhavanga) trước khi lộ trình qua ý môn bắt đầu. Đối tượng vừa được kinh nghiệm bởi các tâm thuộc lộ trình ngũ môn không còn in dấu lên nhãn căn hay một trong các ngũ căn khác nữa khi lộ trình ý môn bắt đầu. Cần phải có các tâm hộ kiếp trước lộ trình ý môn; hai loại tâm hộ kiếp cuối cùng sinh và diệt đó chính là hộ kiếp rung động (bhavanga calana, tức là nó bị khuấy lên bởi đối tượng đó) và hộ kiếp dứt dòng (bhavangupaccheda).

Sau khi tâm này diệt đi, ý môn hướng tâm sinh khởi và đó chính là tâm lộ đầu tiên của lộ trình ý môn kinh nghiệm cùng một đối tượng với tâm của lộ trình ngũ môn. Ý môn hướng tâm – cái đảm nhận chức năng hướng đến đối tượng qua ý môn thì khác với ngũ môn hướng tâm – cái chỉ đảm nhận chức năng của mình qua một trong ngũ môn. Ý môn hướng tâm “suy ngẫm về” đối tượng và kinh nghiệm nó quá ý môn. Bất cứ khi nào ta suy nghĩ về những đối tượng khác nhau, điều xảy ra rất thường xuyên, thì tại khoảnh khắc đó, tâm không kinh nghiệm đối tượng qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân nữa.

Sau khi hộ kiếp rung động, hộ kiếp dứt dòng và ý môn hướng tâm đã sinh và diệt đi thì tâm thiện hoặc bất thiện sẽ sinh khởi, trong trường hợp của những người không phải là bậc A la hán. Các loại tâm lộ này đảm nhận chức năng tốc hành và chúng sinh diệt liên tiếp bảy lần. Sau khi các tâm ấy diệt đi, nếu như đối tượng là rất rõ[5] sẽ có tâm mót (tadārambana citta) sinh khởi liên tiếp hai lần.

Như vậy sẽ chỉ có ba loại tâm lộ sinh khởi kinh nghiệm đối tượng qua ý môn. Đó là: ý môn hướng tâm (mano dverajjavana vīthi-citta); bảy tốc hành tâm (javana vīthi-citta); hai tâm mót (tadālambana hay tadārammaṇa vīthi-citta).

Tóm tắt lộ trình ý môn với ba loại tâm lộ:

 

Hộ kiếp rung động, một sát na

Không phải là tâm lộ

Hộ kiếp dứt dòng, một sát na
Ý môn hướng tâm, một sát na

Tâm lộ

Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác

7 chặp tốc hành tâm lộ

Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm thiện/bất thiện, hoặc tâm duy tác
Tâm mót

2 sát na tâm lộ

Khi ta thấy cái xuất hiện qua mắt, tất cả các tâm lộ sinh khởi trong lộ trình nhãn căn kinh nghiệm đối tượng thị giác qua nhãn môn là các tâm thuộc lộ trình nhãn môn. Có bảy loại tâm lộ khác nhau tất cả. Chúng phụ thuộc vào nhãn môn, kinh nghiệm đối tượng qua nhãn môn chừng nào đối tượng ấy vẫn chưa diệt đi. Cũng như vậy đối với các lộ trình qua bốn môn còn lại. Trong mỗi lộ trình ấy có bảy loại tâm lộ kinh nghiệm đối tượng xuất hiện qua các môn tương ứng chừng nào đối tượng ấy vẫn chưa diệt đi.

Số lượng tâm lộ kinh nghiệm đối tượng trong lộ trình ngũ môn có thể khác nhau. Có bốn loại lộ trình của ngũ môn, được gọi là “vāra” trong tiếng Pāli:

  1. Loại vāra thứ nhất là lộ trình kết thúc với tâm mót (tadālambana-citta) được gọi là tadālambana vāra.
  2. Loại vāra thứ hai là lộ trình kết thúc với luồng tốc hành tâm (javana-citta) được gọi là javana vāra.
  3. Loại vāra thứ ba là lộ trình kết thúc với xác định tâm (votthapana-citta) được gọi là votthapana vāra.
  4. Loại vāra cuối cùng là lộ trình vô ích được gọi là mogha vāra.

Một vāra là một chuỗi các tâm lộ sinh và diệt một cách liên tiếp và kinh nghiệm đối tượng qua cùng một môn. Trong một số lộ trình, có bảy loại tâm lộ sinh khởi, một số khác thì sáu, một số khác thì năm và một số thì không có tâm lộ nào sinh khởi cả, chỉ có hộ kiếp quá khứ và hộ kiếp rung động.

Trong trường hợp của một lộ trình vô ích, khi sắc in dấu lên một trong các ngũ căn thì hộ kiếp sinh khởi ở thời điểm ấy, tức hộ kiếp quá khứ (atīta-bhavanga) sẽ không được tiếp nối ngay lập tức bởi hộ kiếp rung động (bhavanga calana). Có một vài sát na hộ kiếp quá khứ sinh và diệt trước khi hộ kiếp rung động, cái được khuấy động bởi đối tượng, sinh khởi và tâm này sẽ được tiếp nối bởi vài sát na hộ kiếp rung động sinh và diệt. Vì đối tượng là sắc in dấu lên căn tương ứng sẽ diệt đi (không tồn tại quá 17 sát na tâm), không có đủ duyên cho các tâm lộ sinh và kinh nghiệm đối tượng đã in dấu lên một trong những ngũ môn ấy. Trường hợp đó được gọi là lộ trình vô ích.

Lộ trình vô ích này có thể so sánh với tình huống khi ai đó ngủ say và được đánh thức nhưng vẫn không thức dậy và sau đó lại bị đánh thức tiếp nhưng vẫn không thức dậy. Trong trường hợp của một lộ trình vô ích, ngũ môn hướng tâm không sinh khởi; chỉ có hộ kiếp quá khứ và hộ kiếp rung động. Đối tượng trong lộ trình vô ích đó được gọi là “rất nhẹ” (atiparitta). Bởi nó in dấu lên ngũ căn và chỉ tác động đến các tâm hộ kiếp mà thôi, nó không tạo duyên được cho sự sinh khởi của các tâm lộ; nó diệt đi trước khi những tâm lộ ấy có cơ hội sinh khởi.

Cũng có những trường hợp có một vài hộ kiếp quá khứ sinh và diệt sau đó được tiếp nối bởi một vài hộ kiếp rung động sinh và diệt, sau đó hộ kiếp dứt dòng sinh khởi và dòng tâm hộ kiếp ngưng lại. Khi ấy ngũ môn hướng tâm rồi một trong các ngũ song thức, rồi tiếp nhận tâm, rồi suy đạt tâm có thể sinh khởi và diệt đi tiếp nối nhau. Sau đó, xác định tâm sinh khởi nhưng vì sắc không thể tồn tại quá 17 sát na tâm cho nên cũng không có cơ hội cho các tốc hành tâm sinh khởi để kinh nghiệm sắc đó. Trong trường hợp ấy, lại có hai hoặc ba sát na của xác định tâm sinh và diệt rồi sau đó sắc diệt đi và lộ trình kết thúc. Loại lộ trình này được gọi là lộ trình kết thúc với xác định (votthapana vāra) bởi votthapana-citta (xác định tâm) là tâm lộ cuối cùng của lộ trình ấy.

Tất cả những điều này tương ứng với các thực tại sinh khởi trong cuộc sống của chúng ta. Khi một đối tượng in dấu lên một trong ngũ căn thì lộ trình đầy đủ của bảy loại tâm lộ sinh và diệt không phải lúc nào cũng sinh khởi. Có lúc sẽ không có tâm lộ và khi ấy thì được gọi là lộ trình vô ích. Có những lúc, lộ trình sẽ kết thúc với xác định tâm (votthapana-citta) và được gọi là votthapana vāra. Trong trường hợp ấy, đối tượng được gọi là nhẹ (paritta) bởi nó chỉ làm đối tượng cho năm loại tâm lộ và rồi diệt đi.

Lại có những trường hợp, khi xác đinh tâm sinh và diệt và được tiếp nối bởi bảy tốc hành tâm (javana-citta) sinh và diệt một cách liên tiếp và rồi đối tượng diệt đi. Trong trường hợp ấy tâm mót (tadālambana vīthi-citta) không sinh khởi và lộ trình ấy kết thúc với tốc hành tâm và được gọi là javana vāra, với sáu loại tâm lộ, trong đó loại tâm lộ cuối cùng chính là tốc hành tâm kinh nghiệm đối tượng. Đối tượng của một lộ trình như vậy thì được gọi là lớn (mahanta), bởi vì nó rõ ràng và nó làm duyên được cho sự sinh khởi của tâm thiện hay tâm bất thiện hoặc tâm đại duy tác trong trường hợp của một vị A la hán.

Cuối cùng, cũng có khi tốc hành tâm đã sinh và diệt liên tiếp bảy lần và đối tượng đó vẫn chưa diệt hẳn. Khi ấy lại có duyên cho hai tâm mót (tadārammaṇa-citta) sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng vẫn còn chưa diệt đi đó. Các tâm lộ cuối cùng kinh nghiệm đối tượng đó được gọi là tâm mót. Đó là lộ trình kết thúc với tâm mót và được gọi là tadārammaṇavāra. Đối tượng của loại lộ trình này được gọi là rất lớn (atimahanta). Đối tượng này rất rõ ràng, lộ trình chạy qua nó một cách trọn vẹn với tâm lộ mót (tadālambana vīthi-citta) tiếp nối các tâm lộ tốc hành (javana vīthi-citta) kinh nghiệm đối tượng chưa diệt đi.

Trong trường hợp lộ trình qua ý môn, có hai loại lộ trình có thể xảy ra. Loại thứ nhất là lộ trình kết thúc với tốc hành tâm và loại thứ hai là lộ trình kết thúc với tâm mót. Đối tượng của lộ trình kết thúc với tốc hành tâm thì được gọi là “tối” (avibhūta); bởi vì nó không rõ bằng đối tượng của lộ trình kết thúc bằng tâm mót. Đối tượng của lộ trình kết thúc với tâm mót được gọi là “sáng” (vibhūta) bởi vì nó rõ ràng hơn đối tượng của lộ trình kết thúc với tốc hành tâm.

Có sáu cửa giác quan (môn) khác nhau. Môn thứ nhất là phương tiện qua đó các tâm lộ biết một đối tượng khác với đối tượng của tâm hộ kiếp. Trong sáu cửa giác quan qua đó các tâm lộ kinh nghiệm đối tượng thì năm môn là sắc (rūpa) và một môn là danh (nāma). Tóm tắt về sáu môn, chúng bao gồm:

  • Nhãn môn (cakkhu-dvāra) là sắc nhãn căn (cakkhu-pasāda rūpa) tức là phần nhạy của mắt[6].
  • Nhĩ môn (sota-dvāra) là sắc nhĩ căn (sotappasāda rūpa) tức là phần nhạy của tai.
  • Tỉ môn (ghāṇa-dvāra) là sắc tỉ căn (ghānappasāda rūpa) tức là phần nhạy của mũi.
  • Thiệt căn (jivhā-dvāra) là sắc thiệt căn (jivhāppasāda rūpa) tức là phần nhạy của lưỡi.
  • Thân căn (kāya-dvāra) là sắc thân căn (kāyappasāda rūpa) tức là phần nhạy của thân.
  • Ý môn (mano-dvāra) là hộ kiếp dứt dòng (bhavangupacchedacitta)[7], tâm đi trước ý môn hướng tâm.

Sáu sắc là căn (vatthu) nơi sắc (rūpa) sinh khởi trong các cõi có ngũ uẩn, tức bao gồm cả danh (nāma) và sắc (rūpa). Sáu loại sắc này được gọi là căn vật chất (sắc căn). Tóm tắt, chúng bao gồm:

  • Cakkhuppasāda rūpa (sắc thần kinh mắt), là cakkhu-vatthu (nhãn căn), tức nơi khởi nguồn, gốc rễ của nhãn song thức (cakkhu-viññāṇa);
  • Sotappasāda rūpa (sắc thần kinh tai), là sota-vatthu (nhĩ căn) cho nhĩ song thức (sota-viññāṇa);
  • Ghānappasāda rūpa (sắc thần kinh mũi), là ghāṇa-vatthu (tỉ căn) cho tỉ song thức (ghāṇa-viññāṇa);
  • Jivhāppasāda rūpa (sắc thần kinh lưỡi), là jivhā-vatthu (thiệt căn) cho thiệt song thức (jivhā-viññāṇa);
  • Kāyappasāda rūpa (sắc thần kinh thân), là kāya-vatthu (thân căn) cho thân song thức (kāya-viññāṇa);
  • Hadaya rūpa (tâm cơ hay ý căn), là nơi khởi nguồn của tất cả tâm khác với ngũ song thức nói trên trong các cõi có ngũ uẩn.

Năm sắc giác quan vừa có thể là môn, vừa có thể là căn. Sắc nhãn căn (cakkhuppasāda rūpa) là nhãn môn cho tất cả các tâm của lộ trình nhãn môn, bao gồm: nhãn môn hướng tâm, nhãn thức, tiếp nhận tâm, suy đạt tâm, tốc hành tâm và tâm mót, cùng kinh nghiệm đối tượng thị giác qua nhãn căn và chưa diệt đi. Tuy nhiên, sắc thần kinh mắt (cakkhuppasāda rūpa) cũng là nhãn căn (cakkhu-vatthu), là nơi khởi nguồn của chỉ hai loại nhãn thức, tức tâm quả thiện (kusala vipākacitta) và tâm quả bất thiện (akusala vipākacitta). Các loại tâm khác của lộ trình nhãn môn như nhãn môn hướng tâm, tiếp nhận tâm, suy đạt tâm, xác định tâm, tốc hành tâm và tâm mót thì sinh khởi ở ý căn (hadaya vatthu). Cũng như vậy đối với những trường hợp của các sắc giác quan (pasāda rūpa) khác, chúng là cửa (môn) cho các tâm lộ tương ứng, nhưng chỉ là căn cho các song thức tương ứng mà thôi.

Sắc ý căn là cơ sở, là nơi khởi nguồn cho các tâm liên quan, nhưng không phải là môn.

********

Câu hỏi

  1. Tại sao số lượng các tâm lộ của lộ trình ý môn ít hơn số lượng các tâm lộ của các lộ trình ngũ môn?
  2. Tâm tham căn kinh nghiệm đối tượng qua bao nhiêu môn?
  3. Ngũ môn hướng tâm có thể kinh nghiệm đối tượng qua bao nhiêu môn?
  4. Ý môn hướng tâm có thể kinh nghiệm đối tượng qua bao nhiêu môn?
  5. Thế nào là lộ trình vô ích (mogha vāra), lộ trình tốc hành (javana vāra), lộ trình xác định (votthapana vāra) và lộ trình mót (tadālambana vāra)?
  6. Thế nào là đối tượng tối (avibhūta) và đối tượng sáng (vibhūta)?
  7. Sắc nào là căn cho thức tái tục sinh khởi ở cõi có ngũ uẩn?
  8. Sắc nào là căn cho tâm bất thiện sinh khởi ở cõi có ngũ uẩn?
  9. Sắc nào là căn cho tâm duy tác sinh khởi ở cõi có ngũ uẩn?

10.Những sắc nào là căn cho các tâm thuộc lộ trình nhĩ môn?

11.Những sắc nào là căn cho các tâm sở khác nhau sinh khởi ở cõi có ngũ uẩn?


[1] Mỗi tâm là vô gián duyên (anantara-paccaya), là duyên cho sự sinh khởi của tâm tiếp theo.

[2] Xem Chương 2.

[3] Trong mỗi cặp tâm (song thức), một tâm là tâm quả thiện và một tâm là tâm quả bất thiện.

[4] Chúng kinh nghiệm đối tượng được kinh nghiệm bởi các tốc hành tâm của kiếp trước.

[5] Đó là trường hợp khi tiến trình tâm ngũ môn là trọn vẹn, với các tâm mót ở cuối.

[6] Có năm sắc là các sắc thần kinh (sắc giác quan) (pasāda rūpa) có thể tiếp nhận được sự in dấu của các đối tượng tương ứng.

[7] Hộ kiếp dứt dòng là tâm hộ kiếp, không phải là tâm lộ. Nó không kinh nghiệm đối tượng được kinh nghiệm bởi các tâm thuộc tiến trình ngũ môn hay ý môn. Nó chỉ đi trước ý môn hướng tâm, nó chỉ là cửa qua đó các tâm lộ của tiến trình ý môn có thể kinh nghiệm được đối tượng.

Comments are closed.

Translate »