Các bài kinh được dẫn
Kinh tâm từ: Kinh tập (143-152)
Bản dịch (văn vần) của Hoàng thượng Thích Minh Châu
Vị thiện xảo mục đích,
Cần phải làm như sau:
Sau khi hiểu thông suốt,
Con đường an tịnh ấy,
Có khả năng, trực tánh,
Thật sự, khéo chân trực,
Dễ nói và nhu hòa,
Không có gì cao mạn.
Sống cảm thấy vừa đủ,
Nuôi sống thật dễ dàng,
Ít có sự rộn ràng,
Sống đạm bạc giản dị.
Các căn được tịnh lạc,
Khôn ngoan và thật trọng,
Không xông xáo gia đình,
Không tham ái, tham vọng.
Các sở hành của mình,
Không nhỏ nhen vụn vặt,
Khiến người khác có trí,
Có thể sanh chỉ trích.
Mong mọi loài chúng sanh,
Ðược an lạc, an ổn,
Mong họ chứng đạt được,
Hạnh phúc và an lạc.
Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống,
Kẻ yếu hay kẻ mạnh,
Không bỏ sót một ai,
Kẻ dài hay kẻ lớn,
Trung, thấp, loài lớn, nhỏ.
Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa, Các loài hiện đang sống, Các loài sẽ được sanh, Mong mọi loài chúng sanh Sống hạnh phúc an lạc. Mong rằng không có ai, Lường gạt lừa dối ai, Không có ai khinh mạn, Tại bất cứ chỗ nào.
Không vì giận hờn nhau, Không vì tưởng chống đối. Lại có người mong muốn, Làm đau khổ cho nhau. Như tấm lòng người mẹ, Ðối với con của mình, Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất mình sanh. Cũng vậy, đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh, Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.
Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thế giới,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy, cả bề ngang,
Không hạn chế, trói buộc,
Không hận, không thù địch.
Khi đứng, hay khi đi,
Khi ngồi, hay khi nằm,
Lâu cho đến khi nào,
Khi đang còn tỉnh thức,
Hãy an trú niệm này,
Nếp sống này như vậy,
Ðược đời đề cập đến,
Là nếp sống tối thượng.
Ai từ bỏ tà kiến,
Giữ giới, đủ chánh kiến,
Nhiếp phục được tham ái,
Ðối với các dục vọng, Không còn phải tái sanh, Ði đến thai tạng nữa.
Bản dịch (văn xuôi) của Tỳ khưu Indacanda:
Việc cần làm bởi vị thiện xảo trong việc thực hành, sau khi đã thấu hiểu về vị thế (Niết Bàn) an tịnh ấy là: có khả năng, ngay thẳng, chánh trực, dễ dạy, hòa nhã, và không ngã mạn thái quá. Là người tự biết đủ, dễ cấp dưỡng, ít bận rộn công việc, và có lối sống nhẹ nhàng, có giác quan an tịnh, và chín chắn, không hỗn xược, không tham đắm theo các gia tộc.
Và không nên thực hành bất cứ điều gì nhỏ nhặt mà các bậc hiểu biết khác đã khiển trách. Mong rằng tất cả chúng sanh có được sự an lạc, có được sự an toàn. Mong rằng tất cả chúng sanh có bản thân được an lạc.
Bất cứ những chúng sanh nào dầu là: yếu hoặc mạnh (tất cả) không bỏ sót, (có thân hình) dài hoặc to lớn, trung bình hoặc ngắn, nhỏ bé hay mập.
Được nhìn thấy, hoặc không được nhìn thấy, cư ngụ ở nơi xa và không xa, đã được hiện hữu hoặc đang tầm cầu sự thành hình, mong rằng tất cả chúng sanh có bản thân được an lạc.
Người này không nên lường gạt kẻ khác, không nên khi dễ bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu. Do sự giận dữ, do ý tưởng bất bình, không nên mong mỏi sự khổ đau cho lẫn nhau.
Giống như người mẹ bảo vệ đứa con trai của mình, đứa con trai độc nhất, đến trọn đời, cũng như vậy, đối với tất cả các sanh linh, nên phát triển tâm ý vô hạn lượng. Và tâm từ ái ở tất cả thế giới, nên phát triển tâm ý vô hạn lượng, bên trên, bên dưới, và chiều ngang, không bị ngăn trở, không thù oán, không đối nghịch.
Trong khi đứng, trong khi đi, hoặc khi đã ngồi xuống, hoặc trong khi nằm, cho đến khi nào sự buồn ngủ được xa lìa, nên chuyên chú vào niệm này, ở đây việc này được gọi là sự an trú cao thượng.
Và sau khi không đeo đuổi tà kiến, là người có giới, được thành tựu về nhận thức, sau khi xua đi sự thèm khát ở các dục, thì chắc chắn không đi đến thai bào lần nữa.
Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Trường bộ kinh, III, 180)
Một thời Thế Tôn sống ở Ràjagaha (Vương Xá thành), tại Veluvana (Trúc Lâm), Kalandakanivàpa (chỗ tìm ăn của loài sóc).
Lúc bấy giờ, Singàlaka (Thi-ca-la-việt), gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước, với tóc thấm nước, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Ðông, hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc, hướng Hạ, hướng Thượng.
Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y, cầm y bát vào thành Vương Xá khất thực. Thế Tôn thấy Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm nước, với tóc thấm nước, chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Ðông, hướng Nam, hướng Tây, hướng Bắc, hướng Hạ, hướng Thượng. Thấy vậy Ngài nói với Singàlaka, gia chủ tử
– Này Gia chủ tử, vì sao Ngươi dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt chấp tay đảnh lễ các phương hướng, hướng Ðông. . . hướng Thượng?
– Bạch Thế Tôn, thân phụ con khi gần chết có dặn con: “Này con thân yêu, hãy đảnh lễ các phương hướng”. Bạch Thế Tôn, con kính tín, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ lời nói của thân phụ con, buổi sáng dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, chấp tay đảnh lễ các
phương hướng, hướng Ðông. . . hướng Thượng.
– Này Gia chủ tử, trong luật pháp của bậc Thánh, lễ bái sáu phương không phải như vậy.
– Bạch Thế Tôn, trong luật pháp của bậc Thánh, thế nào là lễ bái sáu phương? Bạch Thế Tôn, trong luật pháp của bậc Thánh, đảnh lễ sáu phương phải như thế nào? Lành thay! Thế Tôn hãy giảng pháp ấy cho con!
– Này Gia chủ tử, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng
Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Singàlaka, gia chủ tử vâng lời Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau
– Này Gia chủ tử, đối với vị Thánh đệ tử, bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân để phung phí tài sản. Vị này, nhờ từ bỏ mười bốn ác pháp, trở thành vị che chở sáu phương; vị này đã thực hành để chiến thắng hai đời, vị này đã chiến thắng đời này và đời sau. Sau khi thân hoại mạng chung, vị này sanh ở thiện thú, Thiên giới.
Thế nào là bốn nghiệp phiền não đã được diệt trừ? Này Gia chủ tử, đó là nghiệp phiền não sát sanh, nghiệp phiền não trộm cắp, nghiệp phiền não tà dâm, nghiệp phiền não nói láo. Bốn nghiệp phiền não này đã được trừ diệt.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Thiện thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:
Sát sanh và trộm cắp, Nói láo, lấy vợ người,
Kẻ trí không tán thán,
Những hạnh nghiệp như vậy.
Thế nào là không làm ác nghiệp theo bốn lý do? Ác nghiệp làm do tham dục, ác nghiệp làm do sân hận, ác nghiệp làm do ngu si, ác nghiệp làm do sợ hãi. Này Gia chủ tử, vì vị Thánh đệ tử không tham dục, không sân hận, không ngu si, không sợ hãi, nên không làm ác nghiệp theo bốn lý do.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:
Ai phản lại Chánh pháp,
Vì tham, sân, bố, si,
Thanh danh bị sứt mẻ
Như mặt trăng đêm khuyết. Ai không phản Chánh pháp, Vì tham, sân, bố, si,
Thanh danh được tròn đủ,
Như mặt trăng đêm đầy.
Thế nào là không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản? Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà đình đám hí viện là nguyên nhân phung phí tài sản. Ðam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du ác hữu là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản.
Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng, và thứ sáu là trí lực tổn hại. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sau nguy hiểm như vậy.
Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm: Tự mình không được che chở hộ trì, vợ con không được che chở hộ trì, tài sản không được che chở hộ trì, bị tình nghi là tác giả các ác sự, nạn nhân các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não. Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm như vậy.
Này Gia chủ tử, la cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm: Luôn luôn tìm xem chỗ nào có múa, chỗ nào có ca, chỗ nào có nhạc, chỗ nào có tán tụng, chỗ nào có nhạc tay, chỗ nào có trống. Này Gia chủ tử, la cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm như vậy.
Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm: Nếu thắng thì sanh oán thù, nếu thua thì tâm sanh sầu muộn, tài sản hiện tại bị tổn thất, tại hội trường (pháp đình) lời nói không hiệu lực, bằng hữu đồng liêu khinh miệt, vấn đề cưới gả không được tín nhiệm vì người đam mê cờ bạc không xứng để có vợ. Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm như vậy.
Này Gia chủ tử, thân cận các ác hữu có sáu nguy hiểm: Những kẻ cờ bạc, loạn hành, nghiện rượu, những kẻ trá ngụy, lường gạt, bạo động là những người bạn, là những thân hữu của người ấy. Này Gia chủ tử, thân cận ác hữu có sáu nguy hiểm như vậy.
Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: “quá lạnh”, không làm việc; “quá nóng”, không làm việc; “quá trễ” không làm việc; “quá sớm”, không làm việc; “tôi đói quá”, không làm việc; “tôi quá no”, không làm việc. Trong khi những công việc phải làm lại không làm. Tài sản chưa có không xây dựng lên, tài sản có rồi bị tiêu thất. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm như vậy. Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm: Có bạn gọi bạn rượu,
Có bạn, bạn bằng mồm,
Bạn lúc thật hữu sự,
Mới xứng danh bạn bè.
Ngủ ngày, thông vợ người,
Ưa đấu tranh, làm hại,
Thân ác hữu, xan tham,
Sáu sự não hại người.
Ác hữu, ác bạn lữ,
Ác hạnh, hành ác xứ,
Ðời này cả đời sau,
Hai đời, người bị hại.
Cờ bạc và đàn bà,
Rượu chè, múa và hát
Ngủ ngày, đi phi thời
Thân ác hữu, xan tham,
Sáu sự não hại người.
Chơi xúc xắc, uống rượu
Theo đuổi đàn bà người,
Lẽ sống của người khác,
Thân cận kẻ hạ tiện,
Không thân cận bậc trí,
Người ấy tự héo mòn,
Như trăng trong mùa khuyết.
Rượu chè không tiền của,
Khao khát, tìm tửu điếm,
Bị chìm trong nợ nần,
Như chìm trong bồn nước,
Mau chóng tự hại mình,
Như kẻ mất gia đình.
Ai quen thói ngủ ngày,
Thức trọn suốt đêm trường,
Luôn luôn say sướt mướt,
Không thể sống gia đình.
Ở đây ai hay than:
Ôi quá lạnh, quá nóng,
Quá chiều, quá trễ giờ,
Sẽ bỏ bê công việc.
Lợi ích, điều tốt lành,
Bị trôi dạt một bên.
Ai xem lạnh và nóng,
Nhẹ nhàng hơn cỏ lau,
Làm mọi công chuyện mình,
Hạnh phúc không từ bỏ.
Này Gia chủ từ, có bốn hạng người phải xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người khéo nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn; người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Người vật gì cũng lấy, cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, làm vì mưu lợi cho mình. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Tỏ lộ thân tình việc đã qua; tỏ lộ thân tình việc chưa đến; mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; khi có công việc, tự tỏ sự bất lực của mình. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Ðồng ý các việc ác; không đồng ý các việc thiện; trước mặt tán thán; sau lưng chỉ trích. Này Gia chủ tử, như vậy là bốn trường hợp kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Là bạn khi mình đam mê các loại rượu; là bạn khi mình du hành đường phố phi thời; là bạn khi mình la cà đình đám hý viện; là bạn khi mình đam mê cờ bạc. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn.
Thiện Thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:
Người bạn gì cũng lấy,
Người bạn chỉ nói giỏi,
Người nói lời nịnh hót,
Người tiêu pha xa xỉ.
Cả bốn, không phải bạn,
Biết vậy, người trí tránh,
Như đường đầy sợ hãi.
Này Gia chủ tử, bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật: Người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật; người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là bạn chân thật; người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn chân thật; người bạn có lòng thương tưởng phải được xem là bạn chân thật.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật: Che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi, khi bạn có công việc sẽ giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là người bạn chân thật.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật: Nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ gìn kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật: Ngăn chận bạn không làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật.
Thiện thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm: Bạn sẵn sàng giúp đỡ,
Bạn chung thủy khổ vui,
Bạn khuyến khích lợi ích,
Bạn có lòng thương tưởng.
Biết rõ bốn bạn này,
Người trí phục vụ họ,
Như mẹ đối con ruột.
Người trí giữ giới luật,
Sáng như lửa đồi cao.
Người tích trữ tài sản,
Như cử chỉ con ong.
Tài sản được chồng chất,
Như ụ mối đùn cao,
Người cư xử như vậy,
Chất chứa các tài sản,
Vừa đủ để lợi ích
Cho chính gia đình mình.
Tài sản cần chia bốn
Ðể kết hợp bạn bè:
Một phần mình an hưởng,
Hai phần dành công việc,
Phần tư, phần để dành,
Phòng khó khăn hoạn nạn.
Này Gia chủ tử, vị Thánh đệ tử hộ trì sáu phương như thế nào? Này Gia chủ tử, sáu phương này cần được hiểu như sau: Phương Ðông cần được hiểu là cha mẹ. Phương Nam cần được hiểu là sư trưởng. Phương Tây cần được hiểu là vợ con. Phương Bắc cần được hiểu là bạn bè. Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ, lao công. Phương Trên cần được hiểu là Sa-môn, Bà-la-môn.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Ðông: “Ðược nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”. Này Gia chủ tử, như vậy là cha mẹ được con phụng dưỡng như phương Ðông theo năm cách và cha mẹ có lòng thương tưởng con theo năm cách. Như vậy phương Ðông được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.
Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Ðông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.
Này Gia chủ tử, có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Ðứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp.
Này Gia chủ tử, được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyến; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt.
Này Gia chủ tử, như vậy là bậc sư trưởng được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách và sư trưởng có lòng thương tưởng đến đệ tử theo năm cách. Như vậy phương Nam được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.
Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ; Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.
Này Gia chủ, người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.
Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này Gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng; bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử.
Như vậy các bạn bè được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách và bạn bè có lòng thương tưởng vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Bắc được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.
Này Gia chủ tử, có năm cách một vị Thánh chủ nhân đối xử với hạng nô bộc như phương Dưới: Giao việc đúng theo sức lực của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương; điều trị cho họ khi bệnh hoạn; chia xẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ; thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được Thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách như kia, có lòng thương tưởng đối với vị chủ nhân theo năm cách như sau: Dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; tự bằng lòng với các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ.
Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được vị Thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách, có lòng thương tưởng đối với Thánh chủ nhân theo năm cách. Như
vậy phương Dưới được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.
Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với các vị Sa-môn, Bà-la-môn như phương Trên: Có lòng từ trong hành động về thân; có lòng từ trong hành động về khẩu; có lòng từ trong hành động về ý; mở rộng cửa để đón các vị ấy; cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết. Này Gia chủ tử, các vị Bà-la-môn, Sa-môn được vị thiện nam tử đối xử như phương Trên theo năm cách như vậy, có lòng thương tưởng vị thiện nam tử ấy theo năm cách sau đây: Ngăn họ không làm điều ác; khuyến khích họ làm điều thiện; thương xót họ với tâm từ bi, dạy họ những điều chưa nghe; làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; chỉ bày con đường đưa đến cõi Trời.
Này Gia chủ tử, các vị Sa-môn, Bà-la-môn được thiện nam tử đối xử như phương Trên với năm cách, và các vị Sa-môn, Bà-la-môn có lòng thương tưởng vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Trên được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
Thiện thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm: Cha mẹ là phương Ðông,
Sư trưởng là phương Nam,
Vợ chồng là phương Tây,
Bạn bè là phương Bắc,
Nô bộc là phương Dưới,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Có nghĩa là phương Trên.
Cư sĩ vì gia đình,
Ðảnh lễ phương hướng ấy.
Kẻ trí giữ Giới, Luật,
Từ tốn và biện tài,
Khiêm nhường và nhu thuận,
Nhờ vậy được danh xưng.
Dậy sớm không biếng nhác,
Bất động giữa hiểm nguy,
Người hiền, không phạm giới,
Nhờ vậy được danh xưng.
Nhiếp chúng, tạo nên bạn,
Từ ái, tâm bao dung,
Dẫn đạo, khuyến hóa đạo,
Nhờ vậy được danh xưng.
Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành bất cứ ai,
Ðồng sự trong mọi việc,
Theo trường hợp xử sự.
Chính những nhiếp sự này, Khiến thế giới xoay quanh, Như bánh xe quay lăn, Vòng theo trục xe chính. Nhiếp sự này vắng mặt, Không có mẹ hưởng thọ, Hay không cha hưởng thọ, Sự hiếu kính của con.
Do vậy bậc có trí,
Ðối với nhiếp pháp này,
Như quán sát chấp trì,
Nhờ vậy thành vĩ đại,
Ðược tán thánh, danh xưng.
Khi được nghe vậy, Singàlaka, gia chủ tử bạch Thế Tôn: “Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Như Thị Ngữ) Itivuttaka (Chương 3, phẩm IV)
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm bất thiện này, tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, dục tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ- kheo, sân tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, hại tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm bất thiện này, tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn.
Này các Tỷ-kheo, có ba thiện tầm này, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự vào phần tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Thế nào là ba? An ổn tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần làm tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Vô sân tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Vô hại tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, có ba thiện tầm này, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn.
Hãy suy tư, suy tầm,
Ba tầm thuộc chánh thiện,
Ðối ba tư duy ác,
Hãy từ bỏ, lánh xa.
Vị ấy chăc chế ngự,
Hành tướng các tư duy,
Như cơn mưa dẹp sạch,
Các bụi bậm chất chứa.
Vị ấy thật chắc chắn
An tịnh tầm với tâm.
Ở đây vị ấy đạt,
Con đường an tịnh đạo.
ariyan, bậc thánh, bậc đã giác ngộ.
Giải thích thuật ngữ
adosa, vô sân
ahosi kamma, nghiệp bị vô hiệu
akusala, bất thiện, không lành
akusala kamma, nghiệp bất thiện
akusala citta, tâm bất thiện
anāgāmī, bậc đạt được tầng giác ngộ thứ ba, bậc không còn sân nữa
ānāpāna sati, niệm hơi thở
anattā, vô ngã
anicca saññā, tưởng vô thường
Anumodhanā, tùy hỷ, tán thán nghiệp thiện của người khác
appanā-samādhi, đắc định
arahat, bậc đã đạt được tầng thánh thứ tư, tầng giác ngộ cuối cùng.
arūpa-brahma plane, cõi phạm thiên vô sắc giới – quả của bậc thiền vô sắc. Ở cõi này không có các kinh nghiệm ngũ quan, không có kinh nghiệm sắc pháp.
asubha, quán bất tịnh
asura, ngạ quỷ
Atthasālinī, Chú Giải Bộ Pháp Tụ, chú giải cho bộ đầu tiên của Tạng Vi Diệu Pháp
balas, lực, sức mạnh
bhāvanā, tu tiến – sự phát triển tâm trí, bao gồm phát triển sự an tịnh và phát triển tuệ giác
bhikkhu, tỳ khưu
bhikkuní, tỳ khưu ni
bodhisatta, đức Bồ Tát, là chúng sinh có hạnh nguyện trở thành Đức Phật
brahma, phạm thiên, sự tái sinh nơi cõi phạm thiên, là quả của tâm thiền
brahmā-vihāras, bốn phạm trú hay bốn vô lượng tâm: tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả
Buddha, Đức Phật, Bậc toàn giác tự mình chứng ngộ, không thầy chỉ dạy
Buddhaghosa, Nhà Chú giải vĩ đại, tác giả cuốn ThanhTịnh Đạo, ở vào thế kỷ V công nguyên.
cetasika, tâm sở, sinh khởi cùng tâm
cetovimutti, “tâm giải thoát’’ [sự giải thoát nơi tâm]
chanda, “mong muốn làm’’
citta, tâm, thực tại kinh nghiệm một đối tượng
dāna, bố thí, sự cho đi
deva, chư thiên
dhamma, Giáo lý, chân lý, thực tại, sự thật
Dhammasaṅgani, Bộ Pháp tụ, Bộ đầu tiên thuộc Tạng Vi Diệu Pháp
diṭṭhi, tà kiến, hiểu biết – thấy sai về thực tại
dosa, sân
dukkha, khổ, đặc tính bất toại nguyện của mọi thực tại hữu vi
indriya, ngũ căn hay năm năng lực tâm linh cần phải trau dồi: Tín, tấn, niệm, định and tuệ.
Jātakas, Chuyện tiền thân Đức Phật
jhāna, tầng thiền đạt được nhờ phát triển sự an tịnh kāyagatā sati, quán thể trược
kamma, tác ý; nghiệp do tác ý tạo tác
kamma patha, nghiệp đạo được tạo tác bởi thân, khẩu và ý
kappa, một khoảng thời gian dài vô tận
karuṇā, tâm bi
kasina, biến xứ, được dùng làm đề mục để phát triển sự an tịnh
kāya, thân. Nó cũng được dùng cho các tâm sở chỉ các trạng thái của thân.
khandhas, ngũ uẩn – các hiện tượng tinh thần và vật chất của cuộc sống, được chia làm năm nhóm
khanti, kham nhẫn
kusala, thiện, thành thục
kusala kamma, nghiệp thiện kusala citta, tâm thiện
lobha, tham, dính mắc
mangala, điềm lành hay phước báu māra, ác ma
mettā, lòng tốt, lòng từ
mettā citta, tâm từ
micchā-samādhi, tà định
moha, vô minh
muditā, hỷ
nāma, danh pháp – hiện tượng tinh thần
nibbāna, thực tại vô vi – thực tại không sinh và diệt. Sự tận diệt tham ái, hận thù và si mê. Sự bất tử. Tận diệt khổ.
nimitta, quang tướng trong thiền an chỉ Pāli, ngôn ngữ được dùng trong Giáo lý paññā, trí tuệ
patisanthāro, sự tiếp đãi
peta, phi nhân
rúpa, sắc pháp – hiện tượng vật chất, hay thực tại không có sự kinh nghiệm
rúpa-brahma plane, cõi phạm thiên sắc giới, được sống ở cõi này là quả của tầng thiền sắc giới.
sakadāgāmī, bậc Thánh Nhất Lai, bậc đạt được tầng giác ngộ thứ hai và sẽ không còn tái sinh làm người hay chư thiên quá một kiếp nữa
sākhalyaÿ, lời ái ngữ
samatha, chỉ tịnh [sự phát triển an tịnh] sammā, chánh
sammā-diṭṭhi, chánh kiến
sammā-samādhi, chánh định
sammā-sati, chánh niệm
sampajañña, tỉnh giác
samvara sīla, giới thu thúc
sangha, tăng chúng (gồm tỳ khưu và tỳ khưu ni). “Tăng” trong Tam bảo chỉ đến các vị thánh đã giác ngộ.
saññā, tưởng, sự ghi nhớ
saṅkhāra-kkhandha, hành uẩn – gồm tất cả các tâm sở trừ tâm sở thọ và tâm sở tưởng
Sāriputta, Ngài Xá Lợi Phất – bậc thượng thủ đệ tử trí tuệ của Đức Phật
sati, niệm, sự không quên, hay biết thực tại qua kinh nghiệm trực tiếp
sati-sampajañña, chánh niệm-tỉnh giác, sự nhận biết rõ ràng
satipaṭṭhāna, niệm xứ – sự phát triển hiểu biết trực tiếp về thực tại, hay quán niệm về thân, thọ… là các đối tượng của hiểu biết đúng (chánh kiến).
sīla, giới sobhana, tịnh hảo
Sotāpanna, Thánh Dự Lưu – bậc thánh đầu tiên, người đã tận diệt tà kiến về thực tại.
sutta, kinh thuộc điển thánh, gồm các đoạn thảo luận, lời di giáo… được thuyết trong các dịp khác nhau và tại các địa danh khác nhau.
Theravāda Buddhism, “Trưởng lão bộ”, hay Phật giáo nguyên thủy.
Tipiṭaka, Tam tạng – Lời dạy của Đức Phật, gồm ba phần: Luật, Kinh và Vi diệu pháp
upekkhā, thọ xả
viññāṇa-kkhandha, thức uẩn – gồm tất cả các tâm
vipāka, quả (của nghiệp), như sự tái sinh hay tất cả các kinh nghiệm dễ chịu, khó chịu qua các căn (thấy, nghe, ngửi, nếm…) trong suốt kiếp sống.
vipassanā, sự phát triển tuệ giác
Visuddhimagga, Thanh Tịnh Đạo – một bách khoa toàn thư về Phật giáo do nhà chú giải Buddhaghosa biên soạn vào thế kỷ V công nguyên
yakkha, dạ xor