Nương nhờ Giáo Pháp của Đức Phật. Dẫn nhập

DẪN NHẬP

Đối với sự phát triển hiểu biết về các hiện tượng bên trong và xung quanh đời sống của chúng ta, việc biết được sự khác biệt giữa cái thực theo nghĩa quy ước và cái thực theo nghĩa tuyệt đối là rất căn bản. Trước khi chúng ta học về Giáo lý của Đức Phật, chúng ta mới chỉ biết các thực tại chế định như con người, thế giới, động vật hay cây cỏ. Đức Phật thì dạy về thực tại tuyệt đối, về pháp chân đế, tiếng Pali gọi là paramatha dhamma. Thực tại tuyệt đối hay như thường nhắc đến trong cuốn sách này dưới từ “thực tại”, dhamma, đều có đặc tính riêng, chức năng riêng của chúng, và chúng đều là thực với tất cả mọi người. Chúng ta vẫn thường nghĩ đến thân và tâm, nhưng cái mà ta cho là tâm trên thực tế là những khoảnh khắc khác nhau của thức (hay tâm) không ngừng thay đổi. Tâm là một hiện tượng thuộc về danh, nó kinh nghiệm đối tượng. Cái mà ta coi là thân chỉ là những hiện tượng vật chất, hay sắc, sinh khởi và diệt đi. Sắc không kinh nghiệm cái gì cả.

Danh và sắc là các thực tại tuyệt đối với những đặc tính riêng của chúng. Chẳng hạn, cái thấy là nama, là danh, nó kinh nghiệm đối tượng thị giác (cảnh sắc). Nó có một đặc tính riêng không thể đổi thay: cái thấy luôn luôn thấy, đối với tất cả mọi người, dù chúng ta có gọi nó bằng từ nào đi nữa. Các tên của thực tại có thể thay đối nhưng đặc tính của chúng thì không. Sau khi thấy đối tượng thị giác, ta nghĩ về hình dạng của một con người hay đồ vật, nhưng đó không còn là thấy, đó là suy nghĩ về một khái niệm có thật theo nghĩa quy ước, chứ không theo nghĩa tuyệt đối. Trong cuộc sống của chúng ta, có những tâm thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và suy nghĩ về các khái niệm từ những kinh nghiệm ấy. Đó là cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và nhờ có Giáo lý của Đức Phật, chúng ta sẽ bớt mê mờ hơn về cuộc đời mình. Chúng ta sẽ học cái gì là thật theo nghĩa tuyệt đối và cái gì chỉ là những thực tại quy ước hay khái niệm chế định.

Chỉ có một tâm (tâm) sinh và diệt tại một thời điểm, được tiếp nối bởi một tâm khác. Mỗi tâm kinh nghiệm một đối tượng. Cái nghe là một tâm kinh nghiệm âm thanh qua nhĩ căn. Các tâm khác nhau kinh nghiệm đối tượng qua sáu cánh cửa giác quan, được gọi là ngũ môn và ý môn. Tâm rất đa dạng: có những loại tâm thiện, kusala, một số khác bất thiện, akusala. Chỉ có một tâm sinh khởi ở một thời điểm, nhưng mỗi tâm lại đi kèm bởi một số các tâm sở (tâm sở) mỗi tâm sở đảm nhận chức năng riêng trong việc hỗ trợ tâm hay biết đối tượng.

Một số tâm sở như thọ và tưởng (saññå) luôn đi kèm với tất cả các tâm, trong khi một số tâm sở khác thì chỉ đi kèm với một số loại tâm nhất định mà thôi. Tham (lobha), sân (dosa) và si (moha) là những tâm sở bất thiện, chỉ đi kèm các tâm bất thiện. Vô tham (alobha) ,vô sân (adosa), vô si (amoha  hay panna) là các tâm sở tịnh hảo, chỉ đi kèm các tâm tịnh hảo. Tâm và tâm sở đều là các hiện tượng thuộc về danh pháp, chúng sinh khởi bởi các duyên tương ứng của chúng. Các thiện pháp và bất thiện pháp đã sinh khởi trong quá khứ có thể tạo duyên cho sự sinh khởi những pháp tương ứng trong hiện tại. Bởi cuộc sống của chúng ta là một chuỗi tâm không ngừng nối tiếp, các thiện pháp và bất thiện pháp được tích lũy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, và như vậy lại có nhân duyên cho chúng sinh khởi trong hiện tại.

Một số tâm là kết quả của nghiệp bất thiện (akusala kamma), và nghiệp thiện (kusala kamma), chúng là tâm quả (vipākacitta). Nghiệp (kamma) là tư hay ý chí. Khi có ý định bất thiện, nó có thể thúc đẩy việc làm bất thiện mang tới quả bất thiện về sau. Khi có ý định thiện, nó có thể thúc đẩy việc làm thiện và mang tới quả thiện về sau.

Nghiệp thiện và nghiệp bất thiện được tích lũy từ sát na tâm nay sang sát na tâm khác, và vì thế, chúng có thể tạo ra quả tương ứng trong tương lai. Nghiệp tạo ra quả dưới dạng tái sinh thức, hay trong cuộc sống thì dưới dạng thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm. Các tâm quả này (vipākacitta) kinh nghiệm đối tượng dễ chịu hay khó chịu là tùy thuộc vào nghiệp đã sản sinh ra chúng. Tâm kinh nghiệm đối tượng qua sáu cửa giác quan sinh khởi trong lộ trình tâm. Chẳng hạn, khi cái nghe sinh khởi, có một chuỗi lộ trình tâm xảy ra, trong đó tất cả các tâm đều kinh nghiệm âm thanh. Chỉ có nhĩ thức nghe, nhưng các tâm khác trong cùng lộ trình đó, mà ta gọi là lộ trình qua nhĩ môn, đều đảm nhận chức năng riêng của chúng. Nhĩ thức là tâm quả, nó chỉ nghe âm thanh mà không thích hay ghét. Sau khi nhĩ thức diệt đi, trong lộ trình ấy có các tâm thiện hay bất thiện kinh nghiệm âm thanh. Có thể có tâm tham hoặc tâm sân đối với âm thanh, cũng có thể có tâm thiện. Có các lộ trình tâm kinh nghiệm đối tượng qua nhãn môn, qua nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn và ý môn. Sau khi các tâm của lộ trình tâm qua ngũ môn đã diệt đi, đối tượng được kinh nghiệm bởi các tâm sinh khởi trong lộ trình ý môn, và sau khi lộ trình đó hoàn tất, có thể có các lộ trình tâm suy nghĩ về các khái niệm. Các tâm sinh và diệt nối tiếp nhau nhanh đến mức dường như tâm thấy và nghĩ về cái được thấy diễn ra cùng một lúc, nhưng trên thực tế có nhiều loại tâm khác nhau sinh khởi trong các lộ trình khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta tưởng rằng chúng ta thấy một cái bàn, nhưng trên thực tế thì có một lộ trình tâm kinh nghiệm đối tượng thị giác qua nhãn môn, sau đó có một lộ trình tâm kinh nghiệm đối tượng thị giác qua ý môn, và sau đó thì có các lộ trình ý môn khác suy nghĩ về khái niệm cái bàn. Đối với việc phát triển tuệ giác, rất quan trọng biết rằng có các tâm khác nhau kinh nghiệm các đối tượng khác nhau qua sáu môn. Tâm và tâm sở thuộc về danh, nama trong tiếng Pali. Danh kinh nghiệm đối tượng, trong khi ấy rūpa hay sắc thì không kinh nghiệm gì cả. Cái ta gọi là thân bao gồm các loại sắc sinh và diệt. Sắc sinh và diệt theo từng nhóm hay tổ hợp sắc. Mỗi một tổ hợp sắc bao gồm vài loại sắc trong đó luôn có bốn loại sắc được gọi là Tứ đại, như được giải thích ở Chương 1. Sắc trên thân được tạo duyên bởi bốn nhân tố: nghiệp, tâm, nhiệt độ và dưỡng chất. Sắc bên ngoài thì được tạo duyên bởi nhiệt độ.

Đức Phật giải thích một cách chi tiết về các loại danh và sắc trong cuộc sống của chúng ta và các nhân duyên khiến chúng sinh khởi. Hiểu biết về mặt lý thuyết về danh và sắc là cơ sở cho tuệ giác trực tiếp về chúng, cái có thể được phát triển qua chánh niệm về danh và sắc đang sinh khởi hiện giờ. Có nhiều mức độ của chánh niệm (sati): sati không quên hay biết cái gì là thiện. Có chánh niệm với bố thí, trì giới, với sự phát triển samatha, và với sự phát triển vipassana. Trong sự phát triển của tuệ minh sát, chánh niệm hay biết bất kỳ thực tại nào đang sinh khởi qua sáu môn. Thực tại chân đế, chứ không phải khái niệm, mới là đối tượng của chánh niệm và tuệ giác.

Trí tuệ (paññā) phát triển dần dần qua các giai đoạn khác nhau của tuệ giác. Khi giai đoạn thứ nhất của tuệ minh sát sinh khởi thì không có chút nghi ngờ nào về đặc tính của danh và sắc. Ở các tầng tuệ cao hơn hiểu sự sinh diệt của danh và sắc, tính chất vô thường của chúng được xuyên thấu. Trong quá trình phát triển tuệ giác, sẽ có hiểu biết ngày một rõ ràng hơn về ba đặc tính chung của tất cả các pháp hữu vi, tức là vô thường (aniccā), khổ (dukkha) và vô ngã (anat ).

Dukkha được dịch là khổ hay bất toại nguyện. Đó là sự bất toại nguyện do tính vô thường của các thực tại hữu vi, duyên tạo, như Khun Sujin sẽ giải thích ở chương 5. Khi trí tuệ đã được phát triển tới mức độ có thể đạt được giác ngộ, thì Tứ Thánh Đế sẽ được xuyên thấu, đó là: khổ đế (sự thật về khổ), tập đế (nguyên nhân của khổ), diệt đế (sự thật về sự chấm dứt của khổ), đạo đế (sự thật về con đường dẫn tới sự chấm dứt của khổ). Nguyên nhân của khổ là tham ái. Đức Phật đã giảng rằng, chừng nào còn tham ái thì chừng đó còn khổ. Sẽ còn có sự sinh diệt của danh và sắc mãi và đó là khổ. Khi tâm cuối cùng của kiếp sống này, tâm cận tử, đã diệt đi, nó sẽ được tiếp nối bởi tâm đầu tiên của kiếp sống mới gọi là tâm tái tục. Ở kiếp sống mới lại có sự sinh diệt của danh và sắc, và đó là dukkha.

Vô minh và tham ái là các nhân duyên khiến vòng luân hồi tiếp tục quay, và chừng nào chúng ta còn trong cái vòng này thì chừng ấy còn dukkha. Khi tuệ giác đã được phát triển một cách đầy đủ, tất cả các phiền não được tận diệt, và điều đó có nghĩa là sự tái sinh được chấm dứt.

Phiền não được tận diệt dần dần qua bốn giai đoạn giác ngộ: tầng thánh thứ nhất của bậc Thánh Dự lưu- sotapanna, tầng thánh thứ hai của bậc Thánh Nhất lai – sakadagami, tầng thánh thứ ba của bậc Thánh Bất lai, và tầng thánh cuối cùng của bậc A la hán, người đã hoàn toàn giác ngộ. Vị A la hán đã tận diệt mọi phiền não, và sẽ không tái sinh nữa sau khi chết.

Thánh đế thứ ba, diệt đế là sự chấm dứt của dukkha, là Niết bàn. Ở thời điểm giác ngộ, thực tại vô vi – Niết bàn được kinh nghiệm. Tâm, tâm sở và sắc là các thực tại sinh và diệt, chúng là khổ- dukkha. Niết bàn là thực tại tuyệt đối không do duyên tạo, không sinh không diệt, nên không phải là dukkha. Niết bàn là sự chấm dứt của sự bất toại nguyện nội tại của tất cả các pháp hữu vi có sinh có diệt.

Thánh đế thứ tư là con đường dẫn tới sự diệt khổ, và đó chính là con đường Bát Chánh đạo. Chúng ta gặp các thuật ngữ “sự phát triển của Bát Chánh đạo”, “sự phát triển của tuệ giác”, của vipassana”, “sự phát triển của Satipaṭṭhāna hay Tứ niệm xứ”. Tất cả các thuật ngữ này đều chỉ quy về sự phát triển của hiểu biết đúng đắn về các danh và sắc. Với Tứ niệm xứ, Đức Phật dậy chúng ta rằng, tất cả các danh và sắc xuất hiện hàng ngày trong  cuộc  sống  của  chúng  ta đều có thể là đối tượng của chánh niệm và tuệ giác.

Comments are closed.

Translate »