CHƯƠNG 3. KHÔNG QUAY TRỞ LẠI
Chúng ta đọc trong “Kinh Tập” (Sutta Nipata đoạn 547-590)[1]:
Sinh mạng của loài Người,
Ở đời không ai biết,
Không tướng, nhiều phiền toái,
Nhỏ nhoi, liên hệ khổ.
Không có sự gắng nào,
Khiến sống thoát khỏi chết,
Sau khi già là chết,
Pháp hữu tình là vậy.
Như các trái chín muồi,
Có sợ bị rơi sớm,
Cũng vậy, người được sanh,
Thường có sợ bị chết.
Như người thợ làm ghè
Làm chén bát đất sét,
Cuối cùng, bể tất cả,
Mạng sống người là vậy.
Trẻ tuổi và lớn tuổi,
Người ngu và kẻ trí,
Tất cả đi đến chết,
Cuối cùng rồi cũng chết.
Những ai chết chi phối,
Ði qua đến đời sau,
Cha không cứu được con,
Hay bà con cứu nhau.
Hãy xem, các bà con
Ðứng nhìn và than khóc,
Từng người, đi đến chết,
Như bò mang đi giết,
Như vậy, thế giới này
Bị già chết chi phối,
Do vậy, bậc nhiều trí,
Biết đời, nên không sầu
Ai không biết con đường,
Ðường đến và đuờng đi,
Do không thấy hai ngã,
Than khóc, không lợi ích.
Nếu thật sự than khóc,
Ðem lại lợi ích gì,
Kẻ ngu tự hại mình,
Người có mắt sẽ làm.
Không với sầu, nước mắt,
Khiến nội tâm an tịnh,
Khổ càng tăng trưởng thêm,
Thân càng bị gia hại.
Ốm yếu, sắc da tái,
Tự mình hại chính mình,
Kẻ chết không được hộ,
Than khóc thật vô ích.
Như đã đọc từ đoạn kinh trên, chúng ta không biết một người đến hay rời khỏi thế gian này bằng con đường nào. Chúng ta không biết kiếp quá khứ cũng như kiếp vị lai của người ấy. Chúng ta ở thế giới này trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi và nhờ vẫn có cơ hội được nghe Pháp và phát triển hiểu biết đúng về tất cả những gì xuất hiện qua ngũ môn và ý môn, chúng ta không nên lãng phí cuộc đời mình. Hiểu biết về Pháp khiến cuộc sống của chúng ta thật đáng sống. Hiểu biết quý giá hơn bất cứ của cải nào.
Đối tượng thị giác, âm thanh và các đối tượng qua ngũ quan xuất hiện chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi. Ngay khi chúng được kinh nghiệm, chúng lập tức diệt ngay, không bao giờ trở lại. Đối tượng thị giác diệt đi và rồi một đối tượng khác sinh khởi và lại đi. Điều đó khiến cho đối tượng thị giác dường như tồn tại kéo dài. Chúng ta dính mắc vào hình dáng và chúng ta bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài của mọi thứ. Dường như chúng ta thấy mọi người và đồ vật nhưng đây là một ảo giác.
Đối tượng thị giác là cái được thấy. Nó không thể xuất hiện mà không có tâm thấy, hay còn gọi là nhãn thức. Nhãn thức là một yếu tố ghi nhận hoặc kinh nghiệm, nó là danh (nāma), trong khi đối tượng thị giác là sắc (rūpa), cái không kinh nghiệm gì cả. Sắc không sinh khởi một mình, chúng sinh khởi và diệt đi trong một nhóm hay tổ hợp các sắc. Mỗi tổ hợp cấu thành bởi một số loại sắc luôn bao gồm bốn loại được gọi là các sắc Tứ đại, là những loại sắc sau:
- yếu tố Địa đại hay sự rắn chắc
- yếu tố Thủy đại hay sự kết dính
- yếu tố Hỏa đại hay nhiệt độ
- yếu tố Phong đại hay sự chuyển động
Yếu tố Địa đại xuất hiện dưới dạng cứng hay mềm, yếu tố Hỏa đại thể hiện ở tính chất nóng hay lạnh, và yếu tố Phong đại là sự chuyển động hay căng trùng. Chúng là những đối tượng xúc chạm, có thể được kinh nghiệm trực tiếp qua thân thức khi chúng xuất hiện. Yếu tố Thủy đại không phải là đối tượng xúc chạm, nó không thể được kinh nghiệm qua thân thức. Khi chạm vào cái mà chúng ta gọi là nước thì có thể tính chất mềm, nóng hay lạnh được kinh nghiệm. Chức năng của yếu tố Thủy đại hay sự kết dính là gom giữ các sắc đồng sinh trong một nhóm, do vậy chúng không thể tách rời nhau.
Các yếu tố Tứ đại này làm nền tảng cho các sắc đồng sinh và hỗ trợ chúng. Do vậy, khi đối tượng thị giác xuất hiện, cần phải có các sắc Tứ đại sinh khởi cùng với đối tượng thị giác trong một nhóm nhưng chúng không thể được thấy. Chỉ có đối tượng thị giác được thấy tại khoảnh khắc đó. Cuốn “Thanh tịnh đạo” (Chương XI, 100) dẫn luận rằng sắc Tứ đại là “những kẻ đại bịp”:
“Và cũng như những Dạ xoa nữ (yakkhiní) giấu vẻ đáng sợ của chúng dưới màu sắc, hình dáng để lừa dối chúng sinh, cũng vậy, những đại chủng này mỗi thứ giấu diếm đặc tính và nhiệm vụ chúng như cứng thô, v.v… bằng một màu da dễ ưa của thân thể đàn ông và đàn bà v.v… những hình dáng dễ ưa của tay chân và dáng điệu khả ái của ngón tay ngón chân, mày mắt, chúng lừa dối người ngu bằng cách che giấu đặc tính và nhiệm vụ chúng là thô cứng v.v.., và không để cho tự tánh của chúng hay thực chất chúng xuất đầu lộ diện. Do đó, chúng là đại chủng (mahā-bhúta) vì ngang hàng với chúng sinh lớn (mahā-bhúta) tức quỷ Dạ xoa cái, ở chỗ chúng là những kẻ đại bịp”.
Các thực tại không như biểu hiện bên ngoài của chúng. Bởi có tưởng (saññā), tâm sở có chức năng ghi nhớ sinh khởi với mỗi tâm mà chúng ta nhớ được hình, dáng và ngay lập tức dính mắc vào cái mà chúng ta tin là con người hay đồ vật.
Một người có thể bị mê đắm bởi vẻ đẹp của đàn ông hay đàn bà nhưng cái mà người ấy lầm tưởng là một thân hình đẹp đẽ chỉ là các yếu tố sắc.
Cuốn “Thanh tịnh đạo” (Chương XI, 98) đã ví các sắc Tứ đại giống như một ảo thuật gia “biến nước thành pha lê, biến đất thành ra vàng ….”. Chúng ta bị dính mắc vào pha lê và vàng, chúng ta bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài của đồ vật. Khi chúng ta chạm vào pha lê hay vàng, chỉ có đặc tính cứng, hay lạnh được kinh nghiệm. Không có pha lê hay vàng theo ý nghĩa tối hậu, chỉ có các sắc sinh và rồi diệt ngay.
Chúng ta dính mắc vào thân thể của mình nhưng trên thực tại, cái mà chúng ta cho là thân thể mình chỉ là các yếu tố khác nhau sinh khởi và rồi diệt ngay. Chúng ta nên tự hỏi bản thân “Thân thể của mình đâu?” Nó không thể được tìm thấy ở đâu cả.
Chúng ta học về các sắc khác nhau cấu thành nên cơ thể mình nhưng hiểu biết về mặt lý thuyết về những lời Phật dạy thì chưa đủ. Achaan luôn nhắc nhở chúng ta lưu tâm và thẩm xét các thực tại đang xuất hiện hiện giờ. Cái gì là quá khứ đã diệt hoàn toàn và tương lai thì chưa tới. Học về đặc tính của cái xuất hiện tại khoảnh khắc hiện tại là con đường duy nhất để xuyên thấu chân lý của các thực tại.
Đặc tính cứng xuất hiện và ngay lập tức chúng ta có ý niệm về “tay của tôi” hay “chân của tôi”, nó chưa được hiểu chỉ là một thực tại, chỉ là một pháp. Khi nghĩ về tay của tôi hay chân của tôi, chúng ta nghĩ về một tập hợp các thứ hay một “khối”, và đó là một khái niệm, không phải là một pháp chân đế. Tính cứng in dấu lên sắc là thân căn, và rồi nó được kinh nghiệm bởi thân thức. Đây là một tâm quả (vipākacitta) sinh khởi trong một lộ trình tâm. Các tâm kinh nghiệm đối tượng qua sáu cửa giác quan sinh khởi trong một lộ trình tâm. Ví dụ, khi thân thức sinh khởi, nó diễn ra trong một chuỗi hay một lộ trình các tâm cùng kinh nghiệm đối tượng xúc chạm và đồng thời, mỗi tâm đảm nhận một chức năng riêng. Thân thức là tâm quả, nó chỉ kinh nghiệm đối tượng xúc chạm, chứ không đảm nhận chức năng thích hay không thích đối tượng. Sau khi thân thức diệt đi, vẫn trong lộ trình đó, sẽ có các tâm bất thiện hoặc tâm thiện cùng kinh nghiệm đối tượng xúc chạm với bất thiện hoặc thiện. Có các lộ trình tâm kinh nghiệm đối tượng qua nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn. Có rất nhiều loại tâm khác nhau: chúng có thể là thiện (kusala), bất thiện (akusala), quả (vipāka) hay duy tác (kiriya), là cái “không tạo nghiệp”. Tâm duy tác không phải là tâm thiện, không phải là tâm bất thiện cũng không phải là tâm quả [2]. Sau khi các tâm của lộ trình ngũ môn đã diệt đi, đối tượng được kinh nghiệm bởi các tâm sinh khởi trong một lộ trình ý môn và sau khi lộ trình đó hoàn mãn, các lộ trình ý môn khác có thể sinh khởi suy nghĩ về các khái niệm. Chúng ta có thể suy nghĩ về tính cứng với dính mắc hoặc tà kiến. Chúng ta cho rằng tính cứng là cái tay hay chân của mình.
Lời dạy về những lộ trình tâm khác nhau giúp chúng ta hiểu rằng các tâm sinh và diệt nối tiếp nhau vô cùng nhanh. Các tiến trình diễn ra theo duyên và chúng ta không thể làm gì với chúng cả và điều này cho thấy bản chất vô ngã của chúng (tiếng Pali: anattā).
Khi chúng ta nghe đi nghe lại những lời giải thích về danh và sắc là các pháp sinh khởi do duyên, vô ngã, có thể sẽ có duyên cho chánh niệm (sati) sinh khởi, chẳng hạn có thể về đặc tính cứng. Tại khoảnh khắc đó, trí tuệ có thể bắt đầu thẩm xét thực tại đó để nó có thể được hiểu chỉ là một pháp.
Achaan đã giải thích rằng khi đặc tính cứng xuất hiện, có thể có chánh niệm về nó và đó không phải là kinh nghiệm thông thường của thân thức. Đối tượng là như nhau nhưng nó xuất hiện rõ ràng hơn. Tại khoảnh khắc đó không có tâm quả mà là tâm thiện sinh khởi với chánh niệm. Khi chánh niệm trực tiếp về một thực tại sinh khởi, sẽ không có suy nghĩ về nó. Khi chúng ta nghĩ về các thực tại thì thường có ý niệm về ngã, chúng ta lầm tưởng thực tại là cái gì đó hay ai đó. Chúng ta có thể học về sự khác biệt giữa khoảnh khắc có chánh niệm và khoảnh khắc không có chánh niệm. Khi chánh niệm sinh khởi, trí tuệ có thể bắt đầu biết về đặc tính của nó, nó có thể hiểu chánh niệm chỉ là một thực tại không thuộc về ai cả. Khi đặc tính cứng xuất hiện, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng nó tồn tại kéo dài nhưng nó sinh và rồi diệt ngay.
Chúng ta có thể nói rằng không có cái ngã nào nhưng cái gọi là vô ngã đó là gì? Chúng ta có thể dùng những cái tên như danh, sắc nhưng quan trọng hơn là phải biết được đặc tính của chúng khi chúng xuất hiện tại khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta có thể học rằng yếu tố kinh nghiệm và yếu tố được kinh nghiệm là các đặc tính khác nhau mà không cần phải gọi tên là danh hay sắc. Biết về một đặc tính quan trọng hơn là chỉ biết về tên gọi của một thực tại. Tôi đã có một cuộc đối thoại lợi lạc với Achaan về những khái niệm mà chúng ta thường mơ về và sự hiểu biết về thực tại.
Nina: “Tôi bị chìm đắm trong các câu chuyện, nghĩ rằng, ‘ôi, mình muốn chia sẻ kinh nghiệm này với Lodewijk. Nếu còn sống, ông ấy sẽ rất thích nó. Nhưng giờ thì mình không thể chia sẻ với Lodewijk được nữa’”.
Achaan: “Không có Lodewijk nào sau khi chết cả và thậm chí cả khi ông ấy còn sống.”
Nina: “Tôi nghĩ theo cách ấy bởi nó đã được tích lũy.”
Achaan: “Như vậy là bạn không sống một mình rồi. Trong thế giới đơn độc này không có ai cả.”
Nina: “Khi ông ấy còn sống, tôi đã cố gắng nhớ rằng không có Lodewijk. Có rất nhiều suy nghĩ, dính mắc vào các khái niệm và mơ về chúng”.
Achaan: “Thật là hiếm hoi biết bao khoảnh khắc chỉ có chánh niệm về thực tại. Điều đó có thể xảy ra khi có văn và tư tuệ nhiều hơn, đủ để tạo duyên cho chánh niệm sinh khởi. Nhờ phát triển hiểu biết, người ta sẽ buông bỏ ý niệm cố gắng để biết. [Khi cố gắng để biết], rất có thể một người đang suy nghĩ về tự ngã và cố hiểu về cái đang không xuất hiện.”
Nina: “Khi mọi người lo lắng hay mơ màng, bà luôn chỉ về thực tại hiện khởi. Đó là cách giải quyết duy nhất đối với các vấn đề”.
Achaan: “Bạn tìm cách giải quyết với ý niệm về ngã và đó không thể là giải pháp.”
Nina: “Điều đó hoàn toàn đúng, chúng tôi dính mắc vào ý niệm làm thế nào để mình có thể giải quyết vấn đề này trong khi luôn mơ màng và phiền muộn.”
Achaan: “Thực chất thì vấn đề của ai đây?”
Nina: “Của bản ngã, của tự ngã.”
Việc Achaan nhắc nhở chúng ta về sự dính mắc khủng khiếp vào bản ngã thật vô cùng lợi lạc. Chúng ta không muốn buồn rầu, cái là bất thiện, và chúng ta cố gắng tìm các phương pháp để không phải có nó. Không có phương pháp nào cả. Khi nó xuất hiện, nó có thể được hiểu chỉ là một pháp sinh khởi do duyên. Chúng ta không nên cố gắng thay đổi thực tại đã xuất hiện bởi vì có duyên cho nó sinh khởi. Vô minh về các thực tại có thể được tận diệt, nhưng cần có sự can đảm và kham nhẫn để tiếp tục phát triển hiểu biết về các thực tại.
Chúng ta có xu hướng dính mắc vào các suy nghĩ về quá khứ nhưng hãy nên nhớ rằng điều mà mình thấy quan trọng hôm nay sẽ trở thành ngày hôm qua của ngày mai. Nó đã hoàn toàn diệt đi rồi. Chúng ta không có ý niệm mình là ai trong kiếp quá khứ. Tất cả các thực tại chúng ta cho là một con người sinh và diệt ngay, không bao giờ quay trở lại. Tôi đã có cuộc đối thoại với Achaan về chủ đề này:
Achaan: “Không phải là tôi, chỉ là bản chất của các yếu tố (danh, sắc) mà thôi, luôn khác biệt. Không ai có thể quản lý được chúng hay có được chúng bằng ý chí.”
Nina: “Tôi có thể chấp nhận được điều này nhưng đối với tôi thật khó.”
Achaan: “Là bởi vì có sự dính mắc vào tự ngã. Điều này sẽ chỉ suy giảm khi có hiểu biết về một thực tại chỉ là pháp, nếu không chúng ta luôn sống trong một giấc mơ. Pháp không xuất hiện như nó là. Ngày hôm nay sẽ là ngày hôm qua của ngày mai, sẽ biến mất hoàn toàn, không quan trọng cho dù là gì đi chăng nữa. Nó kinh nghiệm một cái gì đó và rồi diệt đi.”
Nina: “Ngày thứ hai ở Thái Lan, tôi nghe tin Ivan đã qua đời và tất cả chúng tôi đi đến chùa. Tôi không bao giờ nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra.”
Achaan: “Hôm nay sẽ là hôm qua của ngày mai và rồi bạn sẽ không phải nghĩ nhiều về điều đó. Hãy cứ để nó qua đi.
Bạn thấy đối tượng thị giác và rồi nó diệt đi, giống như ngày hôm qua. Nhớ được điều này sẽ giúp hiểu về vô ngã. Không có điều kiện để lựa chọn, các thực tại đã sinh khởi rồi. Hiểu được điều này là đáng quý nhất trong cuộc đời, nếu không sẽ chỉ có bất thiện pháp.”
Nina: “Thật là một ngày dài, mệt mỏi để đi đến đây, Wang Nam Khiao.”
Achaan: “Một người có thể rất kham nhẫn nhờ có hiểu biết. Mọi thứ chỉ là tạm bợ, đều do duyên sinh. Tại sao phải lo lắng về nó? Hiểu biết đúng giúp người ta thoát khỏi bất thiện pháp.”
Thật là lợi ích khi được nhắc nhở rằng những việc buồn phiền xảy ra những ngày trước đây sẽ diệt đi hết. Khi một người thân ra đi mãi mãi và không bao giờ trở lại, chúng ta nên nhớ rằng bất kể thực tại nào xuất hiện hiện giờ đều sẽ diệt đi và không bao giờ trở lại. Cái thấy xuất hiện hiện giờ sẽ diệt đi và không bao giờ trở lại. Cái chúng ta cho là con người chỉ là tâm, tâm sở và sắc, các yếu tố (dhatu- giới) nằm ngoài kiểm soát. Khi Achaan nói rằng chúng ta nên hiểu một pháp xuất hiện chỉ là pháp, điều đó có nghĩa là chúng ta không nên lầm tưởng đó là tự ngã hay một con người. Thay vì nghĩ về một người không bao giờ còn trở lại, chúng ta nên nghĩ rằng mỗi tâm và sắc sinh khởi bây giờ sẽ diệt đi ngay, không bao giờ trở lại nữa. Thay vì bám víu vào thế giới của các khái niệm và tình huống, vào thế giới của giấc mơ, chúng ta có thể vun bồi hiểu biết về các thực tại để có thế thấy chúng chỉ là các yếu tố (dhatu) nằm ngoài sự kiểm soát. Ngay cả khi ta nghĩ về những chuyện buồn, suy nghĩ cũng chỉ là một tâm sinh khởi bởi duyên của nó, không phải là một người nào đó suy nghĩ.
******
[1] Theo bản dịch của John D.Ireland (Kandy: Hội Xuất bản Phật giáo, 1983)
[2] Tâm duy tác đảm nhận chức năng khác trong một lộ trình. Các vị a la hán không còn tâm thiện nhưng có tâm duy tác.