CHƯƠNG X: THIỀN VÀ THỰC HÀNH
Pháp đàm tại Hội an, sáng ngày 19/05/2014
Người hỏi: Thưa bà, con có một thắc mắc là: Đức Phật ngộ đạo là nhờ hành thiền, ngồi thiền. Vậy, theo lời dạy của Achaan Sujin chúng con sẽ áp dụng vào việc thực hành như thế nào ạ?
Achaan Sujin: Khi nói là Đức Phật ngồi thiền thì ngồi thiền là gì?
Người hỏi: Thực ra con cũng không hiểu ngồi thiền là thế nào nhưng trong Kinh điển, nghe các vị sư, các vị thầy nói Đức Phật ngồi thiền dưới cội cây bồ đề và Ngài giác ngộ. Còn thực tế Đức Phật ngồi thiền như thế nào thì con không biết ạ.
Achaan Sujin: Bạn có muốn Đức Phật nằm hay đứng không?
Người hỏi: Dạ, con không muốn gì hết, con chỉ muốn hiểu thôi ạ.
Achaan Sujin: Đó chính là lý do chúng ta cần phải hiểu từng từ một, chẳng hạn như giác ngộ là gì, thiền là gì? Đức Phật có giác ngộ sự thật của cái thấy không? Khi ta ngồi có cái thấy, khi ta đứng cũng có cái thấy, luôn luôn có thực tại để có thể được hiểu. Sự phát triển tuệ giác không phụ thuộc vào tư thế mà phụ thuộc vào hiểu biết. Trong ngày, ta ở trong tư thế nào thường xuyên nhất? Đứng, đi ngồi hay nằm? Sự phát triển hiểu biết không phụ thuộc vào việc thân ở oai nghi nào. Chính vì thế, chúng ta cần phải có hiểu biết rõ ràng, thế nào là thiền và thế nào là ngồi thiền? Mỗi lời Đức Phật thuyết giảng cho chúng ta đều là về sự giác ngộ của Ngài, và sự giác ngộ của Ngài là về tất cả những gì đang xuất hiện. Mấu chốt ở đây là hãy tìm hiểu thế nào là giác ngộ. Nếu không có hiểu biết về những gì đang xuất hiện hiện giờ, liệu có thể có hiểu biết ở mức độ cao hơn hay không? Một mức độ hiểu biết cao hơn để có thể dẫn tới sự tận diệt phiền não và chứng ngộ niết bàn chỉ có thể có được từ sự phát triển hiểu biết về những gì đang xuất hiện hiện giờ, trong chính khoảnh khắc này. Nếu không phải là về các thực tại hiện giờ thì cái gì có thể là đối tượng của hiểu biết đây? Những gì đã qua hoặc chưa sinh khởi không thể là đối tượng của trí tuệ. Vậy, ngồi thiền là thế nào đây? Ngồi thiền có trong lời dạy của Tam Tạng không? Cái Đức Phật đã dạy là sự phát triển hiểu biết từ mức độ pháp học sang pháp hành tới pháp thành. Tất cả những gì xuất hiện hiện giờ có thể dần dần trở thành đối tượng của trí tuệ ngày càng phát triển, đến một mức độ ngay cả sự sinh diệt cũng trở thành đối tượng của nó. Nếu không có hiểu biết ở mức độ tư duy về bản chất của những gì đang xuất hiện thì làm sao có thể đạt được giác ngộ? Nếu không có những lời dạy của đấng Giác ngộ thì làm sao có thể có cái hiểu đúng ý nghĩa thực sự của giác ngộ đây? Bạn có quan tâm đến việc ngồi thiền hay không?
Người hỏi: Con nghĩ đó là một phương pháp, cũng như bây giờ con có cơ duyên được nghe bà nhắc nhở về cái hiểu đúng, về sự phát triển hiểu biết. Nếu không có bà nói, con không biết áp dụng những lời dạy của bà trong phương pháp thực hành như thế nào. Ít ra trong việc ngồi thiền có thời khóa cụ thể, nhưng những khi không có bà, không được nghe sự nhắc nhở, con sẽ thực hành như thế nào?
Achaan Sujin: Khi nói về ai đó làm một cái gì đó thì vẫn có ý niệm về một tự ngã, không phải là hiểu biết. Ở khoảnh khắc của cái thấy, cái thấy có ngồi không? Cái thấy có đứng không? Ở khoảnh khắc của cái thấy chỉ có cái thấy, không có ý niệm về đứng hay ngồi, khi đó không có ai, không có tôi, không có bạn, chỉ có thực tại kinh nghiệm cái thấy và thực tại được kinh nghiệm là đối tượng thị giác. Nếu vẫn chưa có sự xuất hiện rõ ràng của chỉ một thực tại ở một thời điểm như vậy thì vẫn chưa phải là cái hiểu thật sự thấu đáo về vô ngã, rằng mỗi thực tại như vậy đều chỉ là pháp, không phải là ai cả. Cái thấy có thể xảy ra trên mặt đất, trong không khí nhưng tại khoảnh khắc cái thấy sinh khởi, không có ý niệm về một nơi chốn, nó chỉ thấy mà thôi, cũng không có ý niệm về oai nghi ở khoảnh khắc đó.
Bạn muốn có hiểu biết thêm về tính chất vô ngã của cái thấy hay không? Tại sao?
Người hỏi: Vì con cảm nhận đó là sự thật.
Achaan Sujin: Bởi vì lúc nào cũng có cái thấy, nếu không có hiểu biết đúng về cái thấy, làm sao ta có thể có hiểu đúng về vô ngã trong cuộc sống hàng ngày? Nếu không có hiểu biết về cái nghe, sẽ luôn luôn là ý niệm tôi nghe. Kể cả khi đang ngồi, nếu không có hiểu biết thì sẽ luôn luôn là ý niệm tôi ngồi. Vậy về mặt bản chất cái gì đang ngồi đây? Cái gì đang ngồi hiện giờ? Có phải là cái thấy ngồi không?
Người hỏi: Dạ, nếu con hiểu như bà giảng những ngày vừa qua thì cái sắc đang ngồi ạ.
Achaan Sujin: Sắc là gì?
Người hỏi: Dạ, là cái thân này ạ
Achaan Sujin: Khi bạn dùng từ thân, bạn có thể chỉ ra thân hiện giờ ở đâu không?
Người hỏi: Dạ, con đang ngồi ở trên ghế.
Achaan Sujin:Cái gì đang ở trên ghế?
Người hỏi: Dạ, cái thân của con.
Achaan Sujin:Cái này đang ở trên bàn, cái này có phải là thân không?
Người hỏi: Dạ không, đó là cái ly.
Achaan Sujin: Có phải cái ly ngồi trên bàn không? Hay nó nằm trên bàn? Cái mà ta gọi là đứng, đi hay nằm chỉ là một ý niệm về những gì được kinh nghiệm. Nếu chỉ có một tổ hợp sắc thôi thì nó có thể ngồi không?
Người hỏi: Dạ, không.
Achaan Sujin: Như vậy phải có một khối của các sắc thì mới có thể ngồi đúng không? Vậy thì chính do sự quy ước nên nếu như thế này thì ta gọi là đứng, còn nếu như thế kia thì ta gọi là ngồi. Thân có phải là bạn hay không?
Người hỏi: Nếu con không nghe Pháp thì con nghĩ đó là con.
Achaan Sujin: Bạn có thể chạm vào thân của mình không?
Người hỏi: Dạ, có.
Achaan Sujin: Khi chạm vào thân thì cái gì xuất hiện?
Người hỏi: Cảm giác cứng, cảm giác đau, cảm giác mềm.
Achaan Sujin: Cứng và mềm đều sinh và diệt. Vì cái cứng sinh và diệt, cái cứng-mềm ở nơi thân có thể là bạn hay là của bạn không?
Người hỏi: Dạ không, nó do duyên, nó diệt thì không còn cái cứng, mềm đó nữa. Có thể lúc đó con sẽ kinh nghiệm cái khác chứ không phải cái cứng hay mềm nữa.
Achaan Sujin:Tất cả những thứ đó đều không phải là bạn bởi vì chúng sinh và diệt đi ngay, không bao giờ quay lại. Tất cả các thực tại đều sinh và diệt. Vậy bạn đang ở đâu? Chẳng hạn, ở khoảnh khắc của cái thấy, ta có thể cho rằng đó là “ta” thấy nhưng thực chất, đó chỉ là một pháp sinh khởi làm nhiệm vụ thấy và rồi diệt đi. Bạn có cần phải ngồi để hiểu được điều ấy hay không?
Người hỏi: Dạ, không ạ.
Achaan Sujin: Hiểu biết có thể sinh khởi bất cứ lúc nào. Như vậy, chúng ta có thể suy xét đâu là Giáo lý của Đức Phật và đâu không phải là Giáo lý của Đức Phật. Một người nằm có thể hiểu sự thật không?
Người hỏi: Dạ, có ạ, bất cứ tư thế nào.
Achaan Sujin: Không cần thiết là phải ngồi dậy và trong một tư thế đặc biệt.
Người hỏi: Nhưng nằm dễ làm duyên cho sự buồn ngủ và như vậy trí tuệ khó có điều kiện để phát sinh hơn.
Sarah: Chúng ta thấy rằng thực chất chỉ có khoảnh khắc hiện tại cùng với các thực tại đang sinh và diệt mà thôi. Những gì đang sinh khởi hiện giờ là thấy và nghe đều sinh khởi do duyên và diệt do duyên. Chúng ta có thể cho rằng chính “mình” quyết định đi, đứng hay ngồi, quyết định đến đây nghe Pháp, và lúc nào đó có thể nằm. Nhưng như đã nói sáng nay, mỗi khoảnh khắc chỉ có một tâm sinh khởi kinh nghiệm một đối tượng, nó sinh khởi cùng với những tâm sở khác nhau và cùng với những sắc được sinh khởi do những duyên khác nhau. Mỗi tâm, tâm sở, hay sắc đều sinh khởi do duyên và diệt do duyên, hoàn toàn không phải là một ai đó, một tự ngã. Kể cả khi ta đang nằm và nghĩ rằng mình cần phải ngồi dậy để ngồi thiền vì như vậy sẽ tốt hơn, đó cũng là một suy nghĩ. Suy nghĩ đó cũng sinh khởi do duyên, được duyên bởi một cái gì đó trước đấy. Vậy thì bất cứ cái gì sinh khởi và diễn ra trong cuộc sống này đều sinh khởi và diệt đi do duyên. Chẳng hạn, bây giờ trời đang nóng và có thể có một số người buồn ngủ. Có thể chúng ta không muốn buồn ngủ chút nào, vì đang nghe Pháp mà buồn ngủ thì thật không nên, nhưng buồn ngủ vẫn xảy ra, như vậy pháp đó đã sinh khởi do duyên rồi.
Điều khiến cho Giáo lý của Đức Phật có tính phổ quát, vượt qua không gian và thời gian, đó là: tất cả các thực tại, kể cả khi Đức Phật còn tại thế cũng như bây giờ, đều có tính chất như vậy, cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Dù đó là buồn ngủ, tỉnh giác, hay vui vẻ, tất cả đều là những thực tại hữu vi, chúng cần được hiểu như chúng là, không phải là một ai cả, chỉ là các pháp mà thôi. Như chúng ta đọc trong Kinh Tứ Niệm Xứ, phần về niệm thân, Đức Phật giải thích rằng dù ta đang ở trong tư thế đứng, đi, ngồi hay nằm đều luôn có các sắc sinh khởi như cứng-mềm, nóng-lạnh nhưng bị tưởng lầm là ta, là thân. Thông thường chúng ta cho rằng thân của tôi hay oai nghi của tôi là rất quan trọng nhưng thực chất, qua thân căn chỉ có những yếu tố cứng-mềm, nóng-lạnh, căng-trùng được kinh nghiệm. Chúng ta được nhắc nhở rằng dù ở bất cứ oai nghi nào, vẫn có những thực tại là các sắc sinh khởi, và chúng không phải là tôi, không phải thân của tôi. Việc thực hành phải diễn ra hết sức tự nhiên. Nếu có sự lựa chọn một đối tượng cụ thể để hay biết về nó như cái thấy, cứng, mềm, nhiệt độ hay bất cứ một thực tại nào khác, thì khi đó không còn là hiểu biết về các thực tại sinh khởi do duyên, là vô ngã. Nếu chúng ta nghĩ rằng có một thời điểm nào hay nơi chốn nào khác phù hợp hơn cho sự phát triển hiểu biết, hay oai nghi này khiến hiểu biết khó phát triển hơn oai nghi kia, thì thực chất ở khoảnh khắc đó có ý niệm về một cái ngã muốn có thêm nhiều hiểu biết, muốn tạo cho chánh niệm cùng trí tuệ sinh khởi theo ý chí của mình. Khi ấy, thay vì để cho cuộc sống phát triển một cách tự nhiên, ta lại luôn luôn có sự lo lắng bất an, muốn nó khác đi với tiến trình diễn ra tự nhiên của nó.
Pháp đàm tại Hội an, chiều ngày 20/05/14
Người hỏi: Con muốn hỏi, lúc nãy bà nói, khi thấy, thực tại chỉ là thấy; khi nghe, thực tại chỉ là nghe. Trong quá trình thực hành, con thấy chuỗi thời gian đó, theo kinh nghiệm của con, niệm phải mạnh và liên tục. Khi thấy, niệm bắt được cái thấy thì cái thấy ngừng lại và không có cái khác xen vào. Hoặc nếu có khái niệm hoặc cái gì chen vào, những cái đó rất yếu ớt. Có phải do cái niệm mạnh nên các cái kia được cắt lìa, không nối tiếp theo khái niệm hay các cái này cái kia nhảy vào.
Achaan Sujin: Khi đó bạn có biết gì không?
Người hỏi: Biết tiến trình rất rõ ràng. Rất tự nhiên. Dừng lại ở lúc thấy khái niệm chen vào.Ví dụ khi có ý niệm về cái ly thì nó dừng lại.
Achaan Sujin: Khi đó có hiểu biết gì không?
Người hỏi: Nhận ra được là nhờ cái niệm mạnh nên nó trội lên. Sự hiểu biết ở đó nên tâm ngừng lại tại đó, không đi theo khái niệm.
Achaan Sujin: Khi đó là bạn hiểu hay ai hiểu?
Người hỏi: Cái trực nhận tự mình cảm nhận, rất tự nhiên, không phải do mình cố gắng.
Achaan Sujin: Thế nó có giống bây giờ không?
Người hỏi: Khác ạ.
Achaan Sujin: Khác thế nào?
Người hỏi: Giống bây giờ là thế nào? Ý bà là thế nào ạ?
Achaan Sujin: Như bây giờ, bây giờ có hiểu biết như lúc đó không? Cái thấy chỉ là cái thấy, chỉ là một thực tại kinh nghiệm, không có ai ở trong đó cả.
Người hỏi: Cái mình cảm nhận khoảnh khắc đó, không phải lúc nào cũng như vậy mà chỉ thỉnh thoảng. Điều như vừa thấy, lúc đó, cảm nhận rõ ràng, vấn đề rất sáng tỏ và nổi bật. Giống như tự mình nhận ra, rất rõ ràng. Bây giờ biết thấy chỉ là thấy, một cách bình thường, không rõ ràng như kinh nghiệm lúc đó.
Kinh nghiệm đó rất là rõ ràng, khiến trong một thời gian dài, không quên trạng thái và cảm giác lúc đó.
Achaan Sujin: Vừa rồi cô có dùng từ chánh niệm mạnh, thế nào là chánh niệm mạnh? Và duyên nào cho chánh niệm mạnh như vậy?
Người hỏi: Duyên là do, khi thực tập một cách tự nhiên, theo lời hướng dẫn của các vị thiền sư, thấy gì thì niệm cái đó, niệm một cách tự nhiên, không gò ép, trong niệm, có sự đam mê ở đó, niệm liên tục, thoải mái, tự nhiên. Cảm nhận niệm mạnh, liên tục, ít bị đứt khúc, hay có đứt khúc thì nhận ra. Thời điểm đó, duyên được liên tục nhiều hơn, có mất chánh niệm nhưng dễ dàng nhận ra chánh niệm mất. Niệm mạnh là niệm có cái lực, có trớn.
Achaan Sujin: Hiện giờ có chánh niệm tự nhiên không?
Người hỏi: Có nhưng không cảm nhận năng lực mạnh như lúc đó.
Achaan Sujin: Phần năng lực đó không quan trọng. Hãy nói về chánh niệm tự nhiên. Chánh niệm tự nhiên hay biết về gì?
Người hỏi: Hay biết những gì xảy ra trong lúc hiện tại. Tâm khởi lên gì hay biết ngay lúc đó. Đơn thuần ghi nhận vậy thôi.
Achaan Sujin: Chánh niệm thực sự chỉ hay biết một đặc tính ở một thời điểm. Nếu không như vậy, nó không phải là chánh niệm thực sự.
Người hỏi: Xin nói rõ hơn.
Achaan Sujin: Chẳng hạn ở khoảnh khắc này, có cảm giác cứng nào đang được kinh nghiệm không?
Người hỏi: Khi bà hỏi, con phải kiểm tra. Con thường quan sát tâm đang hoạt động, suy nghĩ hay lắng nghe, nói cái gì, con quan sát những tâm đó nhiều hơn cái cứng hay cái mềm.
Achaan Sujin: Khi hay biết như vậy, đó không phải là chánh niệm mà vẫn là suy nghĩ.
Người hỏi: Như bà nói, nếu quan sát vào cái cứng, cái mềm, đó là cảm nhận là thuộc về thân, không phải tâm. Cái cứng thể hiện trên cảm giác. Cái tâm không có cứng hay mềm.
Achaan Sujin: Liệu bạn có nghĩ rằng chánh niệm cần phải được phát triển từ việc nghe và suy xét để hiểu rất rõ ràng rằng không có cái ngã nào có thể tạo ra bất cứ điều gì? Khi chánh niệm sinh khởi, nó hoàn toàn là một thực tại vô ngã, nó do duyên mà sinh khởi khi đó chứ không phải có cái tôi đang chánh niệm.
Người hỏi: Con hiểu điều đó nhưng trong quá trình thực hành, vẫn bị rớt lên, rớt xuống. Chính vì vậy mới phải thực hành tiếp.
Achaan Sujin: Nếu nói đến sự thực hành, liệu đó có còn là chánh niệm tự nhiên như cô nói không?
Người hỏi: Kinh nghiệm khi thực hành, con thấy chánh niệm rõ ràng. Còn giờ ngồi đây, con không cố gắng chánh niệm, cái gì biết thì biết, không có để ý là mình chánh niệm.
Achaan Sujin: “Trong lúc thực hành” có nghĩa là gì, theo ý cô?
Người hỏi: Theo các vị thiền sư, cái gì hiện khởi trong thân trong tâm, hiện tại khởi lên cái gì thì niệm cái đó.
Achaan Sujin: Vậy cũng giống như bây giờ, chứ không có sự phân biệt giữa bây giờ và lúc thực hành, đúng không?
Người hỏi: Lúc ngồi tại Pháp đàm này, không có ý thức về sự chánh niệm. Chỉ lắng nghe, xem hiểu cái gì, không hiểu cái gì rồi tìm tòi thì dường như không có ý thức về sự chánh niệm.
Achaan Sujin: Liệu ý thứchay ý địnhchánh niệm đó có phải con đường dẫn tới giải thoát?
Người hỏi: Theo cái hiểu của con, đó là một chi của Bát Chánh Đạo
Achaan Sujin: Bát Chánh Đạo có tám chi. Hãy kể tên từng chi.
Người hỏi: Khi có tác ý đến đây, có tác ý hướng tâm để nghe, hiểu, vun bồi cho trí tuệ, sự hiểu biết để thực hành dễ hơn thì đó cũng là một hướng tâm đến sự giải thoát.
Achaan Sujin:Sự “tác ý tới” đó là bạn hay là một pháp sinh khởi do duyên?
Người hỏi: Con không chắc ạ.
Achaan Sujin: Khi không có hiểu biết đúng về Giáo lý của Đức Phật, sẽ luôn có ý niệm về ngã, tôi, anh ta, cô ấy v.v…Càng hiểu Giáo lý, ta càng biết rằng chỉ có các thực tại, tất cả đều là pháp. Khi không có hiểu biết, pháp bị lầm tưởng là “ta”, kể cả trí tuệ cũng bị lầm tưởng là “ta”, nhưng thực chất, trí tuệ là một thực tại khác với vô minh, nó cũng sinh khởi do duyên, bởi vì nếu không có sự lắng nghe và suy xét, sẽ không thể có hiểu biết.
Người hỏi: Con hiểu rằng không có tôi, không có ta đi nghe Pháp. Nhưng lúc khởi tâm, chưa chắc không có cái tôi. Bởi vì vô minh dày đặc. Ngay khoảnh khắc đó có sự hướng tâm nhưng không kiểm tra xem có cái tôi ở đó không. Chỉ biết có sự hướng tâm đến nghe Pháp, để hiểu biết, để thực hành, là mục đích hướng tới giải thoát.
Achaan Sujin: Đương nhiên là, chừng nào không có đủ hiểu biết đúng về thực tại đủ thì mọi thứ đều không rõ ràng. Ai là người không bao giờ có ý niệm về tự ngã nữa? Chỉ có bậc Thánh Dự Lưu là không bao giờ còn ý niệm về tự ngã. Ta có thể thấy rằng nếu không có hiểu biết thì làm sao có thể tận diệt ý niệm về ngã vốn bám rễ rất sâu dày.
Mỗi lời của Giáo lý đều vô cùng vi tế, vì thế, chúng ta cần tìm hiểu với sự tôn kính. Rất dễ rơi vào hiểu sai hay thay đổi ý nghĩa của Giáo lý. Chẳng hạn như câu: “tất cả đều là pháp, tất cả những gì là thực đều là pháp”.Rất khó để hiểu đúng ý nghĩa những câu đó.
Nếu ở ngay khoảnh khắc này, chúng ta không tìm hiểu Giáo Pháp ở mức độ tư duy, sẽ không thể có duyên cho sự kinh nghiệm trực tiếp.Vậy hiểu biết về mặt tư duy hiện giờ đã đủ để làm duyên cho hiểu biết trực tiếp chưa? Hiện giờ đang có cái thấy, chúng ta nói về cái thấy, có chánh niệm về cái thấy không?
Chánh niệm của Bát Chánh Đạo luôn sinh khởi cùng hiểu biết đúng. Nếu không có trí tuệ sinh khởi cùng với nó thì đó không phải là chánh niệm, sammasati,của Bát Chánh Đạo. Đức Phật dạy về con đường Bát Chánh Đạo và con đường Bát Phi Đạo. Bất cứ khi nào không có hiểu biết đúng, dù ta có cho rằng mình đang trong thực hành hay không trong thực hành thì thực chất đều không có sự thực hành đúng, mà là sự thực hành sai, con đường sai.
Nếu không có sự suy giảm từ từ của tà kiến chấp những thứ xuất hiện là ngã, sẽ không thể có chánh niệm trực tiếp sinh khởi, cái được làm duyên bởi hiểu biết đúng. Con đường tận diệt phiền não bắt đầu với chánh kiến. Chúng ta cần nhớ rằng, nếu không có sự lắng nghe kỹ lưỡng những lời dạy của Đức Phật, sẽ không thể phát triển hiểu biết đúng. Làm sao có thể xác định được một lời dạy nào đó có phải là Giáo lý của Đức Phật hay không? Lời dạy nào nói về sự thật của những gì đang xuất hiện trong khoảnh khắc hiện tại chính là Giáo lý của Đức Phật.
Chẳng hạn, nhãn thức chỉ kinh nghiệm đối tượng thị giác và thân thức chỉ kinh nghiệm đối tượng xúc chạm mà thôi. Trong ngày có vô số khoảnh khắc của thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Có những khoảnh khắc hiểu biết đúng về các thực tại đó là vô ngã hay không? Có những khoảnh khắc xúc chạm sinh khởi, cái cứng sinh khởi như lúc này đây, sự khác biệt giữa trước khi nghe Pháp và sau khi nghe Pháp là gì? Có sự khác biệt nào không?
Trước khi nghe Giáo lý, khi xúc chạm thì cái được xúc chạm là một cái bàn. Khi nghe Giáo lý rồi, chúng ta biết rằng ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, cái được xúc chạm là nóng, lạnh, cứng, mềm, căng, trùng chứ không phải là một “cái gì đó”. Ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, không có thế giới của mùi, không có thế giới của cảnh sắc, không có thế giới của âm thanh, chỉ là thế giới của sự xúc chạm. Và ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, liệu có hiểu biết thực sự về thế giới của chỉ sự xúc chạm mà thôi, không có gì khác hay không? Hay vẫn như thông thường?
Bất cứ khi nào có trí tuệ, chánh niệm cũng đồng thời sinh khởi. Sự phát triển của trí tuệ cùng chánh niệm là một tiến trình từ từ, không thể ngay lập tức có chánh niệm mạnh.Vậy khi bạn nói tới chánh niệm mạnh, đó là gì?
Người hỏi: Con cũng nhận ra là chuỗi thực hành từ từ, ghi nhận từ từ, liên tục, đơn thuần thì từ từ mới làm chánh niệm mạnh lên. Khi có chuỗi dài thực hành liên tục, có trạng thái như vậy, ghi nhận tự nhiên, bớt đi khái niệm thì chánh niệm mạnh lên.
Achaan Sujin: Khi ta cứ nghĩ sự thực hành là cái gì đó khác với bây giờthì đó không thực sự là chánh niệm tự nhiên sinh khởi do duyên.
Ý nghĩa của bhāvanā– vẫn được dịch là thiền – có nghĩa là gì? Bhāvanā không có nghĩa là “thực hành” hay làm gì đó.
Người hỏi: Với người chưa biết gì, phải có thời khóa thiền, phương pháp để đưa tâm vào, để gắn và tập. Như đi học qua lớp mẫu giáo…Chưa biết gì về thiền, làm sao thực hành một cách tự nhiên như bà nói được? Vào khóa thiền, không có gì lo lắng bên ngoài, chỉ ý niệm dành thời gian cho sự thực hành chánh niệm mà thôi. Ban đầu cần có gì hướng tâm, tập dần dần, các khái niệm buông ra dần dần. Ban đầu niệm phồng xẹp, thời gian sau, chỉ còn hay biết sự chuyển động của cái phồng, xẹp mà thôi.
Achaan Sujin:Nếu mọi người phải đến một nơi cụ thể để xa lìa cuộc sống đời thường nhằm phát triển hiểu biết, họ cũng xa lìa hiểu biết về các thực tại một cách tự nhiên. Chẳng nhẽ không thể nghiên cứu và tìm hiểu thực tại trước khi đi đến một khóa tu hay đi thực hành sao? Ở khoảnh khắc này, bạn đang nghe Pháp hay đang thực hành?
Người hỏi: Với người bình thường, khó theo được cách của bà vì cao quá. Trong khi thiền dễ cho mọi người, có thể làm được, theo được và thực hành được. Nghe bà thì hiểu, đó là một kiến thức nhưng thực tế không phải như là suy nghĩ của mình, như cái bà nói. Khi thấy, tà kiến nhảy vào theo cái thấy rồi. Đó mới là vấn đề.
Achaan Sujin: Không ai vừa nghe giảng về sự thực có thể kinh nghiệm trực tiếp ngay, đó là tiến trình phát triển từ từ.
Người hỏi: Giờ bà nói đây không phải cái ly, theo kiến thức của bà đưa ra thì biết, nhưng thực chất thấy là thấy cái ly, như vậy tà kiến đã nằm ở đó rồi. Vậy phải làm sao? Sự thực hành của bà đòi hỏi cao. Từ từ là đến bao giờ? Khi bà ở đây còn thấy khó, khi bà về, còn khó nữa.
Achaan Sujin:Việc phát triển hiểu biết có ba giai đoạn: Pháp học-Pháp hành-Pháp thành. Trước khi được nghe, không có hiểu biết gì. Sau khi được nghe, có hiểu biết. Chính sự hiểu biết ở mức độ lý thuyết và tư duy, từ từ mới chuyển thành hiểu biết ở mức độ pháp thành tức là trực tiếp. Nếu ta không có hiểu biết vững vàng về Tứ Thánh Đế, về tính chất vô thường, khổ, vô ngã của các thực tại hữu vi, làm sao có thể có sacca-ñāna– tuệ học Tứ Thánh Đế đủ kiên cố để không xa lìa khoảnh khắc hiện tại, bởi vì khoảnh khắc này sinh và diệt, nó có thể được biết, nó có thể được xuyên thấu trực tiếp.
Trước khi thành Phật, Đức Bồ tát cần bao lâu để hiểu được cái thấy như nó là? Ngài cần bốn a-tăng- kỳ kiếp và một trăm ngàn đại kiếp để có thể hiểu được về cái thấy, ai có thể trí tuệ hơn Đức Phật để có thể phát triển nhanh hơn Ngài?
Pháp đàm tại Nha Trang, sáng ngày 21/05/2014
Người hỏi: Thông thường bà phủ nhận sự thực hành như là một kỹ thuật đạt được một cái gì đó, chẳng hạn như là kỹ thuật thiền minh sát hay là kỹ thuật thiền chỉ. Vậy thì làm thế nào để nghe Pháp mà không có sự thực hành có thể giúp chúng ta tiến bộ trong sự phát triển tâm trí. Tại sao Đức Phật dạy nhiều kỹ thuật hành thiền khác nhau?
Achaan Sujin: Đức Phật dạy kỹ thuật hay là hiểu biết? (Trả lời: Hiểu biết). Vậy kỹ thuật không quan trọng, bởi vì kỹ thuật có nghĩa là không hiểu biết. Đức Phật có dạy kỹ thuật mà không cần có hiểu biết, hay Đức Phật dạy hiểu biết và cách phát triển hiểu biết như thế nào? Chúng ta có thể làm rõ những lời dạy của Đức Phật từng câu một. Chẳng hạn, thực hành là gì? Thế nào là thực hành?
Người hỏi: Thực hành, theo con nghĩ là những gì thực tại đang xảy ra, diễn ra, mình có sự hay biết và tỉnh thức.
Achaan Sujin: Chánh niệm có phải là một pháp do duyên sinh không? Liệu chánh niệm có thể sinh khởi nếu ta không biết cụ thể cái gì thực sự xuất hiện ở mỗi khoảnh khắc hay không? Liệu có thể ngay lập tức phát triển chánh niệm về các thực tại nếu như trước đó không hiểu rõ các thực tại đó là gì, như thế nào hay không? – (Trả lời: Không.)– Như vậy cần có hiểu biết về thực tại đó hoặc bất cứ thực tại nào hiện giờ để có thể làm duyên cho chánh niệm sinh khởi biết về chúng một cách đúng đắn.
Nếu không có những lời chỉ dạy của Đức Phật thì ai biết được rằng, những gì sinh khởi ở trong khoảnh khắc này đều là vô ngã? Hiện giờ đang có cái thấy, vậy thực hành là thế nào đây? Nếu chúng ta nói phải thực hành, vậy bây giờ phải thực hành như thế nào để hiểu được cái thấy là vô ngã? Cũng tương tự như vậy với khoảnh khắc của nghe, ngửi, nếm, xúc chạm sinh khởi rất thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Chúng là những thực tại sinh và diệt, đảm nhận những chức năng riêng của chúng, và không phải do ai tạo ra, không có ai ở đằng sau. Theo Giáo lý, yếu tố kinh nghiệm một cái gì đó hiện giờ chính là yếu tố có khả năng kinh nghiệm đối tượng, mà chúng ta gọi là tâm, citta.
Hiện giờ có tâm không? Về lý thuyết ta biết là có, nhưng liệu ngay lập tức có thể kinh nghiệm trực tiếp nó một cách trực tiếp không? Thực hành có nghĩa là gì? Trong Kinh điển có thuật ngữ Pali “bhāvanā”,và nghĩa của nó là “phát triển trí tuệ”, “phát triển tâm trí”. Tiến trình phát triển tâm trí bắt đầu từ việc được nghe những lời mô tả chi tiết của Đức Phật về từng thực tại là vô ngã. Việc được nghe về các thực tại đó sẽ dần dần tạo duyên cho khoảnh khắc chánh niệm sinh khởi, và điều ấy xảy ra do đủ duyên, chứ không phải bởi tác ý chánh niệm hay mong muốn có được chánh niệm. Nếu không phải là như thế thì sẽ đi ngược lại với ý nghĩa của từ “vô ngã”.
Sự phát triển trí tuệ luôn phải bao hàm hiểu biết đúng từ ngay khoảnh khắc đầu tiên. Vô ngã luôn luôn là vô ngã, từ đầu đến cuối con đường ấy. Bất cứ cái gì đang sinh khởi hiện giờ đều sinh khởi do những duyên tương ứng của chúng. Tất cả những gì sinh thì đều diệt ngay lập tức. Hiểu đúng một chút bây giờ chính là sự bắt đầu phát triển hiểu biết từ việc nghe và suy xét, cho đến khi trí tuệ bắt đầu vững vàng đến mức độ hiểu rằng không có cách thức nào khác ngoài tiến trình tự nhiên đó để có thể hiểu được các thực tại mà Đức Phật đã dạy, để thực sự nương tựa Giáo Pháp mà Ngài đã thuyết giảng.
Người hỏi: Vừa rồi, bà có nói chánh niệm là do duyên mà đến. Nếu người bình thường không chỉ cho người ta chánh niệm là như thế nào, thì làm sao mà tự do duyên mà đến được?
Achaan Sujin: Chúng ta chưa thể chỉ cho họ chánh niệm là gì chừng nào chánh niệm chưa sinh khởi. Chúng ta chỉ có thể giải thích cho họ về các thực tại hiện giờ để họ hiểu dần chút một, từ đó sẽ có duyên cho chánh niệm sanh khởi.
Người hỏi: Bà đã hiểu về Pháp học thâm sâu, bà đã hiểu những thực tại đó như thế nào rồi thì những chuyện đó rất dễ dàng với bà. Còn những người bình thường không biết gì hết và muốn đưa họ vào con đường tu tập để cho họ được bình an và muốn họ hiểu được Giáo Pháp thì trước tiên mình phải nói một điều gì đó về chánh niệm và chánh niệm như thế nào. Chẳng hạn như bà nói về thực tại, mình quan sát, hay biết thực tại đó thì chánh niệm khởi sanh.
Bà nói thì có thể hiểu nhưng thông thường thì rất khó cho những người bình thường để nắm bắt được.
Sarah: Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người trong chúng ta hoài nghi liệu việc nghe Pháp và suy xét có đủ để tạo duyên cho trí tuệ sinh khởi cùng với chánh niệm trực tiếp hay biết về các thực tại, đó cũng là tinh thần của câu hỏi của người bạn của chúng ta từ Srilanka.
Nghĩa của từ bhāvanāmà vẫn được dịch là tuhoặc thiềnthực chất là phát triển tâm trí, có thể là samathahoặc vipassana. Bởi hiểu biết luôn luôn bắt đầu ở một điểm nào đó, và điểm nào đó ấy chỉ có thể ở trong khoảnh khắc này mà thôi, bởi vì cuộc sống tồn tại duy nhất trong một khoảnh khắc. Vậy câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để hiểu biết có thể phát triển từ khoảnh khắc này?
Chúng ta cũng đã nói rằng, có ba mức độ của phát triển trí tuệ. Đó là pariyati-pháp học, patipatti– pháp hành, và pativedha-pháp thành. Pariyati có nghĩa là hiểu biết rõ ràng về cái là thực tại ở khoảnh khắc này, không phải ở khoảnh khắc khác. Sở dĩ chúng ta nói rất nhiều về cái thấy, về đối tượng thị giác, về âm thanh, về cái nghe, vì đó là những gì đang là thực tại ở trong mỗi khoảnh khắc hiện giờ. Pháp học có nghĩa là phát triển hiểu biết ở mức độ tư duy về những gì đang xuất hiện trong hiện tại một cách rõ ràng. Bởi chúng ta quá quen thuộc với ý nghĩ rằng phải “thực hành”, phải có ai đấy làm cái gì đấy để đạt một kết quả nào đó, nên chúng ta thấy rất khó khăn để hiểu được rằng những thực tại sinh khởi hiện giờ là vô ngã. Do chúng ta mong muốn có được kết quả nhanh chóng hay có những kinh nghiệm đặc biệt, điều đó ngăn cản sự khởi đầu của tiến trình phát triển tâm trí, sự sinh khởi của hiểu biết tự nhiên.
Người hỏi: Bản thân con hiện giờ không có sự mong mỏi, nhưng với sự thực tập, khởi đầu con phải có sự hướng tâm tới chánh niệm để quan sát thực tại, để có ý thức chánh niệm. Khoảnh khắc của cái hướng tâm đầu tiên đó thì có cái ngã, có cái tôi, có phương pháp, và mình vẫn hiểu là có, nhưng sau đó thì có thể không có. Mình để ý tới, có sự hướng tâm tới chánh niệm, để đưa vào sự chánh niệm. Nhưng nếu không có sự hướng tâm, dường như là không ý thức được là mình chánh niệm. Theo cách của con là như vậy, con muốn trình bày để bà biết và bà chỉ dạy cho con, để con hiểu biết thêm.
Jonothan:Có rất nhiều người nghĩ rằng, khi bắt đầu thực hành, mặc dù không có thiện pháp hay vẫn có nhiều tà kiến, nhưng dần dần điều đó vẫn dẫn đến trí tuệ, chánh niệm và thiện pháp về sau. Tuy nhiên, việc bắt đầu thực hành để có chánh niệmkhông thể dẫn đến chánh niệm tự nhiên, bởi vì nó bị thúc đẩy bởi mong muốn có chánh niệm. Nó bị thúc đẩy bởi ý niệm rằng “nếu tôi làm thế này thì chánh niệm sẽ sinh khởi”.
Trong Giáo lý của Đức Phật, ngài không đề cập đến các phương pháp hay kỹ thuật thực hành theo nghĩa ấy. Ngược lại, Đức Phật dạy những pháp nào là các pháp cần được hiểu đúng. Ngài cũng mô tả tiến trình phát triển chánh niệm cùng với trí tuệ hiểu đúng các thực tại đó.
Người hỏi: Con muốn hỏi là có thể có trường hợp này xảy ra không: Mới đầu có phương pháp để mình thực tập, nhưng đến một lúc sự thực tập trở lên thuần thục, thành thói quen thì chánh niệm sẽ là tự nhiên hay không?
Achaan Sujin: Liệu bạn có thể nói cho tôi biết về kỹ thuật đó được không?
Người hỏi: Ví dụ, mới đầu vị thiền sư phải đưa một khái niệm, một phương pháp, một cái gì đó cho mình quan sát, chẳng hạn “phồng, xẹp”. Nhưng đến khi thuần thục rồi, chỉ còn quan sát sự chuyển động của phồng – xẹp, cái cứng, mềm, cái gió, cái mát, cái nóng của hơi thở, của sự phồng xẹp đó, của cái chuyển động đó, không còn bám vào phồng – xẹp nữa. Ý của con là mới đầu phải có một khái niệm gì đó cho người ta biết, hiểu vấn đề đó, sau khi thực hành, người ta đi vào thực tại dễ dàng hơn. Như vậy thì có đúng không, hay là vẫn ẩn chứa một cái ngã?
Achaan Sujin: Hiện giờ có kinh nghiệm đặc tính cứng không?
Người hỏi: Chỉ khi bà hỏi ạ.
Achaan Sujin: Thế còn trước đó?
Người hỏi: Chỉ khi có tác ý quan sát thực tại đó.
Achaan Sujin: Ở bất cứ khoảnh khắc nào của sự xúc chạm thì đều có đặc tính cứng xuất hiện, đúng không?
Người hỏi: Chúng ta về mặt lý thuyết có thể biết có cái cứng. Thực tại mà mình cảm nhận được là một điều khác.
Achaan Sujin: Cái cứng chỉ xuất hiện ở khoảnh khắc của sự xúc chạm. Chúng ta không cần phải làm gì để đặc tính ấy được kinh nghiệm đúng không? Nhưng cái thiếu ở đây là hiểu biết đúng về cái kinh nghiệm đặc tính cứng và bản thân đặc tính cứng. Trong Giáo lý, Đức Phật có dạy về hai loại thực tại: thực tại kinh nghiệm [đặc tính cứng (thân thức)] và đặc tính [cứng (địa đại)] được kinh nghiệm.
Sự khác biệt giữa Giáo lý của Đức Phật với Giáo lý của những người khác không phải là Đức Phật là gì? Đức Phật không dạy mọi người một kỹ thuật nào đó để hiểu tính cứng là vô ngã, hay cái kinh nghiệm tính cứng là vô ngã, mà ngài dạy tất cả về những thực tại ấy, về những duyên để chúng sinh khởi để chỉ rõ sự vô ngã của chúng. Khi ta cứ cố để hay biết thực tại, hay là cố làm một cái gì đó đặc biệt thì khi ấy hoàn toàn chỉ là ý niệm về ngã, về “mình” mà thôi. Mỗi khoảnh khắc đều có các thực tại mà Đức Phật đã mô tả, là: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ…Nhưng cái thiếu là hiểu biết đúng về chúng.
Vậy mục tiêu của kỹ thuật là gì? Nếu ta định áp dụng một kỹ thuật nào đấy thì mục tiêu để đạt tới là gì, để hiểu được điều gì? Mục đích cuối cùng là để giảm bớt sự dính mắc vào thực tại xuất hiện, đúng không? Vậy chúng ta cần phải biết rõ sự khác biệt giữa những lời dạy của Đức Phật và những lời dạy của những người không phải là Đức Phật.
Sarah:Có rất nhiều người có ý kiến chung rằng, việc thực hành khởi đầu với bất thiện, với những ý niệm về ngã, cuối cùng có thể vẫn dẫn đến trí tuệ và thiện pháp. Nhiều người cũng cho rằng, sở dĩ chúng ta hiểu được một chút những điều nói tới ở đây là do chúng ta đã có kinh nghiệm hành thiền từ trước. Tuy nhiên, điều chúng ta được học từ Giáo lý của Đức Phật là, các phẩm chất thiện hoặc bất thiện đều được tích lũy theo cách như thế này: Khoảnh khắc của thiện pháp dẫn đến thiện pháp, khoảnh khắc của hiểu biết hiện giờ sẽ dẫn đến những khoảnh khắc của trí tuệ tiếp theo đó. Những khoảnh khắc của tà kiến về một cái ngã có thể tiếp tục làm duyên cho những khoảnh khắc của giới cấm thủ và tà kiến về ngã khác.
Vì không thấy rõ nên chúng ta bị lẫn lộn giữa nhân và quả, tưởng rằng bất thiện có thể dẫn đến quả thiện, và hiểu sai bản chất của duyên. Hiện giờ, có những khoảnh khắc của thiện, của bất thiện như mọi lúc. Việc các bất thiện sinh khởi là bình thường, tự nhiên mà thôi, nhưng sẽ là một điều nguy hiểm nếu chúng ta cho rằng phải bắt đầu với ý niệm về ngã hay với bất thiện để sau đó có trí tuệ, có sự phát triển hiểu biết thực sự. Một mối hiểm nguy khác nữa là, chúng ta dễ dính mắc vào lối suy nghĩ ấy cũng như vào những kinh nghiệm của mình, và khi đó sẽ càng khó hơn để nghe và suy xét về những lời chỉ dạy của Đức Phật về các thực tại trong khoảnh khắc hiện giờ.
Achaan Sujin: Liệu chúng ta có nên tiếp tục nói về cái thấy không? Nếu có sự hoài nghi thì có thể hiểu được bản chất của cuộc sống hay không? Bây giờ đang có cái thấy, vậy cái được thấy là gì, về mặt bản chất?
Bất cứ khi nào có cái thấy thì cũng phải có cái được thấy, đúng không? Vậy cái được thấy là gì? (Trả lời:là rupa-sắc). Có rất nhiều loại sắc, vậy nó là loại sắc cụ thể nào? Ở đây không có ai cả, chỉ có sắc mà thôi. Câu trả lời như vậy có đúng không? Đức Phật có dạy điều đó không? Có dễ biết được điều ấy không? Hay là cần rất nhiều thời gian để có thể bắt đầu nghe và chắc chắn rằng ở mỗi khoảnh khắc, những gì xuất hiện không phải là một con người, không phải là một cái gì đó.
Nhờ có việc nghe và hiểu về điều này, sẽ bớt đi sự dính mắc vào ý niệm “tôi thấy”, và những gì được thấy là con người hay cảnh vật. Nếu không có hiểu biết nhờ việc nghe và tư duy thì làm sao giảm dần ý niệm về ngã. Sự thực hành tự nhiên, hay con đường tự nhiên, là việc hiểu một cách tự nhiên khoảnh khắc của cái thấy hiện giờ.
Ở khoảnh khắc của cái thấy, ngoài đối tượng thị giác hay còn gọi là cảnh sắc, còn cái gì khác xuất hiện hay không? Có thân ngồi lúc đó không? Khi hiểu được từng thực tại riêng rẽ ở một thời điểm, ta sẽ từ bỏ được những ý niệm về một về một cái thân đang ngồi ở khoảnh khắc của cái thấy. Ở khoảnh khắc của cái thấy chỉ có một thế giới, đó là thế giới của cảnh sắc mà thôi.
Đức Phật dạy những điều như vậy hay Đức Phật dạy kỹ thuật đây? Đức Phật đã dạy về sự thật để chúng ta có thể hiểu được những gì xuất hiện, một cách từ từ. Ở khoảnh khắc không có hiểu, thì cái gì ở đó? –Vô minh.– Ở khoảnh khắc không có hiểu biết thì vô minh đang có mặt. Nếu không có cái hiểu về vô minh, thì vô minh có thể được tận diệt hay không? Hiểu biết về thực tại cần phải được thiết lập một cách rất vững chắc. Bản thân vô minh không thể tự hiểu nó. Nhưng ở khoảnh khắc của hiểu thì không có vô minh. Vô minh không phải là là một con người. Hiểu biết, trí tuệ cũng không phải là một con người. Trí tuệ sẽ tự phát triển theo tiến trình riêng của nó để đến một lúc nào đấy chứng ngộ sự sinh diệt của các thực tại, và dần dần dẫn đến sự giác ngộ.
Khoảnh khắc mà chúng ta nghĩ về các kỹ thuật, khoảnh khắc đó không có hiểu biết đúng. Ở đó không chỉ có vô minh, mà có dính mắc nữa.
Từ sáng đến giờ có chút hiểu biết nào về thực tại hay không? Và bây giờ? Kể cả bây giờ cũng chỉ là câu chuyện về thực tại sinh khởi, đảm nhận chức năng của nó và diệt đi suốt cả ngày mà thôi. Chúng ta có nên bận tâm về những gì diệt đi rồi hay không? Chúng ta có nên bận tâm đến những gì chưa tới hay không? Như vậy, chúng ta biết rằng trí tuệ chỉ có thể hiểu duy nhất cái đang xuất hiện. Nếu không có hiểu biết đúng về khoảnh khắc hiện tại thì sẽ không thể có sự phát triển trí tuệ. Không “ai” có thể phát triển bất cứ thứ gì, ngoài trí tuệ tự phát triển theo tiến trình riêng của nó, và đó chính là vô ngã.
Ta có cần ai đó nói cho biết mình hiểu thực tại được bao nhiêu không? Hay nói cách khác, chỉ trí tuệ mới tự biết được hiểu biết còn ít ỏi hay đã phát triển nhiều hơn. Giáo Pháp của Đức Phật làm duyên cho hiểu biết ở những người biết lắng nghe một cách kỹ lưỡng. Nếu những lời đó không thể hiện những tính chất như vậy, thì không phải là lời từ chính Đức Phật nữa. Vậy bạn tin vào ai đây? Bạn có niềm tin vào ai đây?
Chính vì vậy mới nói rằng, nếu không tìm hiểu Giáo lý, không ai thực sự biết Đức Phật cả. Làm sao ta có thể biết Đức Phật nếu không nghiên cứu những gì Ngài đã dạy? Hình ảnh của Đức Phật không phải là Đức Phật, không bao giờ là chính Đức Phật. Chỉ có Giáo lý của Ngài mới thực sự thể hiện Ngài là ai.
Ý nghĩa của Upāsaka và Upāsikālà gì? Là các cận sự (cư sĩ) nam và cận sự nữ. Đức Phật có tứ chúng, đó là các tỳ kheo, tỳ kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ. Cận sự nam và cận sự nữ là gì? Không phải ai cũng được gọi là cận sự nam, cận sự nữ – chỉ những người tiệm cận dần tới Giáo lý của Đức Phật, hiểu rõ hơn một chút, bất kể ở nơi đâu. Theo nghĩa gốc, đó là người ngồi bên cạnh Giáo lý, nhưng “ngồi” không có nghĩa là ngồi theo hình thức của thân mà ngồi trong tâm, tức là lắng nghe một cách kỹ lưỡng, một cách tôn kính, một cách chân thành và không tìm cách thay đổi ý nghĩa những lời dạy của Đức Phật do những vô minh, hạn chế của mình.
Vậy ai có thể được gọi là cận sự nam hay cận sự nữ? Điều đó còn tùy thuộc vào từng khoảnh khắc, chỉ có những khoảnh khắc hiểu được Giáo lý ta mới thực sự là người cận sự.
Pháp đàm tại Hội an, sáng ngày 21/05/14
Người hỏi online từ Sri Lanka: Vậy Đức Phật không dạy một sự thực hành nào hay sao? Vậy Ngài đã làm gì với cây bồ đề trong tư thế kiết già vào lúc giác ngộ? Ngài đã chẳng dạy cách thức phát triển các tầng thiền bằng thiền định sao?
Trong Kinh, ở chỗ nào chúng ta hãy nghe Giáo lý thêm nữa.
Tôi chắc chắn rằng Ngài đã dạy các vị đệ tử đừng có dễ duôi, đó là những lời cuối cùng của Ngài. Điều đó có nghĩa là không dựa vào ai khác mà dựa vào bản thân mình.
Làm ơn bình luận về những điều này.
Sarah: Người bạn của chúng ta luôn có những câu hỏi rất thẳng thắn và trực diện, tôi rất trân quý và đánh giá cao điều đó.
Về mặt bản chất, không có Đức Phật, cũng không có người nào làm điều gì. Cũng như hiện giờ, về mặt bản chất, không có Sarah, không có Jonothan, không có việc ngồi trên ghế, chỉ có tâm, tâm sở và sắc. Cái thấy thấy đối tượng thị giác, sự xúc chạm chạm vào đối tượng cứng, mềm, nóng, lạnh, v.v…
Sự khác biệt giữa cái gọi là chúng ta và Đức Phật theo chế định, đó là: Hiện giờ có nhiều khoảnh khắc của thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm nhưng có vô cùng ít sự hiểu biết, nhưng với Đức Phật, do tích luỹ tuệ giác lớn lao, tất cả khoảnh khắc của nghe, ngửi, nếm, xúc chạm đã được xuyên thấu hoàn toàn tới mức độ chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Nhưng thực chất không có con người nào cố làm gì hay khiến cái gì sinh khởi cả. Tất cả chỉ là các pháp do duyên sinh, bất kể ta đang nói về Đức Phật hay về chúng ta.
Về câu hỏi tiếp theo, liệu hiện giờ đã có sự hiểu biết đúng đắn về sự phát triển samatha và vipassana hay chưa? Hiện giờ chúng ta đã biết được rõ ràng khoảnh khắc nào có sự an tịnh thực sự, khoảnh khắc nào không hay chưa? Chúng ta thực sự quan tâm đến việc xả ly với đối tượng thị giác hay vẫn quan tâm đến những gì được thấy?
Dù chúng ta nói đến sự phát triển samatha hay vipassana, luôn phải quay lại với khoảnh khắc hiện tại, và với hiểu biết cặn kẽ từng từ một. Ví dụ như từ jhana, nó có hai nghĩa, một trong hai nghĩa đó là sự đốt cháy phiền não. Trong sự phát triển samatha, có sự đốt cháy phiền não bằng trí tuệ và song song với đó sự an tịnh được vun bồi. Tuy nhiên, sự đốt cháy này chỉ có tính chất tạm thời mà thôi, phiền não không được tận diệt với sự phát triển samatha. Trong trường hợp của vipassana, khi cả tám chi của Bát Chánh Đạo cùng sinh khởi tại khoảnh khắc của tâm Đạo kinh nghiệm Niết bàn, khi đó có jhana đốt cháy và hoàn toàn tận diệt các phiến não.
Điều đó chỉ có thể đạt được bằng việc hiểu các thực tại một cách rõ ràng. Với bất cứ sự phát triển hiểu biết nào, dù là samatha bhāvanā và vipassana bhāvanā, đều phải bắt đầu với trí và với hiểu biết về khoảnh khắc hiện tại. Và luôn phải trở lại với việc hiểu các thực tại là vô ngã, nếu không sẽ chỉ là bắt chước Đức Phật mà không có sự hiểu biết nào cả.
Jonothan: Tôi nghĩ rằng câu hỏi của bạn rất thú vị. Khi chúng ta đọc chuyện về cuộc đời và sự thành đạo của Đức Phật, chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Phật đang ngồi thực hành cái gì đó. Nhưng trong bài Kinh đầu tiên là bài Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật mô tả những gì đã xảy ra trong sự kiện thành đạo của Ngài. Điều đặc biệt xảy ra là Ngài đã chứng ngộ được sự thật mà trước đó chưa từng được chứng ngộ. Khi quý vị đọc Kinh trong đó có lời mô tả Đức Phật ngồi thiền và các vị tỳ kheo ngồi thiền thì dễ cho rằng họ đang đi theo một sự thực hành nào đó. Điều chúng ta cần phải xem xét, đó là Đức Phật đã dạy những gì về sự phát triển hiểu biết. Đức Phật dạy rằng hiểu biết được phát triển dần dần, qua một thời gian dài, và nó bắt đầu với việc hiểu những gì Đức Phật dạy. Đức Phật không đưa ra những chỉ dẫn mà ai đó phải làm theo để kinh nghiệm được những gì xuất hiện trong hiện tại.
Thực chất, trong rất nhiều bài Kinh, Đức Phật luôn nhấn mạnh vai trò của việc nghe Pháp nhiều lần, lặp đi lặp lại. Đức Phật cũng nói rằng gần gũi bậc thiện chí là toàn bộ cuộc đời phạm hạnh. Điều có cũng có nghĩa là gần gũi một bậc thiện trí có khả năng hiểu và giải thích cho chúng ta về Giáo lý. Nếu chúng ta đọc Kinh một cách cẩn thận và kỹ lưỡng, ta sẽ thấy rằng sự phát triển hiểu biết được phát triển độc lập với ý niệm về một sự thực hành theo một kỹ thuật nào đó.
Khi Đức Phật nói “chớ có dễ duôi”, ngài đang nói đến các phẩm chất của các tâm sở như: tâm sở tinh tấn, tâm sở chánh niệm, tâm sở quyết định. Bậc Giác ngộ luôn nói về bản chất các loại thực tại khác nhau, không nói về ai đó làm cái gì đó. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu những loại pháp nào, những loại thực tại nào có mặt trong những khoảnh khắc cụ thể. Khi Đức Phật nói về chớ có dễ duôi là nói đến sự phát triển của các phẩm chất vừa kể. Xét trong toàn cảnh Giáo lý của Đức Phật, ta biết rằng những phẩm chất đó được phát triển nhờ việc được nghe nhiều lần, lặp đi lặp lại, suy xét và hiểu đúng những lời chân chánh về sự thật.
Pháp đàm tại Huế, chiều ngày 23/05/2014
Achaan Sujin: Bây giờ ta sẽ đổi từ mắt sang sự xúc chạm. Ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, có gì xuất hiện?
Người hỏi: Sự xúc chạm ở toàn thân hay hướng vào vùng nào ạ?
Achaan Sujin: Hiện giờ bạn có cảm thấy cứng ở đâu đó không?
Người hỏi: Có, cảm giác cứng ở phần mông, ở tay chạm vào cái bàn.
Achaan Sujin: Vậy bạn vẫn nghĩ đây là cái tay của tôi phải không?
Người hỏi: Không, tự nhiên mình cảm thấy là cứng chỗ này, cứng chỗ kia nhưng khi giải thích thì nói như vậy thôi, còn thực chất chỉ là cảm nhận, hay biết.
Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc cái cứng xuất hiện thì nó xuất hiện ở đâu?
Người hỏi: Xuất hiện nhiều nhất ở mũi.
Achaan Sujin: Đó có phải là chị không?
Người hỏi: Không, nó không phải của mình. Chỉ là các hiện tượng thường xuyên từ chỗ này sang chỗ khác.
Achaan Sujin:Không hoài nghi chút nào về những thứ đó hay là sao?
Người hỏi: Vì thường xuyên thực tập nên cảm nhận được nhưng vì nó luôn thay đổi nên không có gì là của mình. Mà chỉ có sự hay biết nên trong ngày hoạt động bình thường luôn xuất hiện chỗ này, chố kia: cứng, lạnh, đau…rồi ngủ gật hay gì là việc của nó, không phải của mình.
Achaan Sujin: Khi không thực hành thì có gì ở đó?
Người hỏi: Khi nào thực hành chánh niệm trên thân, thấy các hiện tượng trong thân, nếu không, con hay biết những gì xảy ra trên tâm, nó có các hoạt động của nó, luôn luôn là như vậy.
Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc bạn không để ý đến một cái gì đó thì cái gì xảy ra?
Người hỏi: Những khoảnh khắc không để ý gì tức là không để ý về thân, không để ý về tâm, mọi thứ mờ hết đi.
Achaan Sujin: Vậy bây giờ đừng thực hành việc để ý đến cái gì đó. Cái gì đang xuất hiện ở khoảnh khắc này? Đừng làm công việc thực hành như thường lệ.
Người hỏi: Không làm gì trong khoảnh khắc này, chỉ có nghe.
Achaan Sujin: Cái nghe có thể được hiểu là vô ngã không?
Người hỏi: Có thể, vì trong từng khoảnh khắc, nó đến rồi nó đi nên nó không tồn tại.
Achaan Sujin: Vậy thì không cần phải thực hành gì, đúng không? Vì ngay hiện giờ có thể biết rằng cái nghe không phải là tôi.
Người hỏi: Sadhu! Sadhu! Sadhu! Con đã hiểu ra.
Achaan Sujin: Như thế sẽ tốt hơn đúng không?
Người hỏi: Rất cảm ơn những câu hỏi của Achaan Sujin đã khiến tôi hiểu ra, bây giờ không cần làm gì, chỉ thả ra.
Achaan Sujin: Ai là người thả?
Người hỏi: Lâu nay hay để ý chứ không có ai để thả. Cho nên bây giờ nó như vậy đó. Phải thật tự nhiên.
Achaan Sujin: Hiện giờ có vô minh không?
Người hỏi: Không, khi biết là không vô minh.
Achaan Sujin: Tôi không hỏi ở khoảnh khắc của biết mà chỉ hỏi ngay bây giờ, khoảnh khắc này, có vô minh không? Vô minh không phải là trí tuệ, đúng không? Hiện giờ có vô minh không?
Người hỏi: Khoảnh khắc này thì tôi thấy rất rõ, tức là không có vô minh.
Achaan Sujin: Bạn hãy nói về sự khác biệt của khoảnh khắc có vô minh và khoảnh khắc không có vô minh?
Người hỏi: Theo tôi cảm nhận thì khoảnh khắc không có vô minh là mình rất rõ ràng nhưng mà mình không diễn tả được. Còn khoảnh khắc vô minh là khoảnh khắc tưởng mình biết hết nhưng không rõ ràng.
Ngay khi cái thấy không có tâm ý chen vào thì không có vô minh, khi thấy có tâm chen vào thì đó là vô minh. Còn ngay cái thấy không có cái tâm chen vào là có minh.
Achaan Sujin: Nói đến tâm là bạn nói đến gì?
Người hỏi: Khi thấy là thấy của mắt bình thường còn khi có tâm chen vào, nghĩa là là ý hay suy nghĩ chen vào, thì khi đó là vô minh.
Achaan Sujin: Ý của bạn là suy nghĩ không phải cái thấy?
Người hỏi: Trong cái thấy thì chỉ thấy mà thôi nhưng mà chẳng có ý gì chen vào trong đó thì ngang đó mình thấy nó rất rõ ràng, mọi vật rất sống động.
Riêng về cái thấy thì lúc rõ, lúc không rõ. Thường xuyên thực hành thì không có gì hết. Còn khi cái thấy có ý chen vào thì bắt đầu thấy không rõ ràng.
Achaan Sujin: Mục tiêu của bạn là gì?
Người hỏi: Khi nghe Giáo Pháp của Đức Phật thì thực hành, cảm thấy có cái hiểu thì rất thoải mái. Mình đang trên đường thực hành.
Achaan Sujin: Vậy thì ta sẽ phải dựa vào những gì Đức Phật, một bậc Giác Ngộ đã dạy, đúng không? Để hiểu được mọi thực tại đều là vô ngã, không phải chỉ bằng suy nghĩ mà bằng sự suy xét rất nghiêm túc về những gì mà Đức Phật đã dạy nhờ sự giác ngộ của Người. Thực chất có bạn hay không?
Người hỏi: Đang tồn tại.
Achaan Sujin: Như vậy, đang có ai đấy là “tôi”, đúng không? Vậy là có ý niệm về ngã chứ không phải về vô ngã. Nếu không có hiểu biết một cách rõ ràng về từng thực tại một thì không thể nào có cái hiểu rõ rằng các thực tại đó luôn luôn bị nhầm tưởng là tôi.
Sarah: Có vẻ như là bạn nghĩ rằng có những cách thực hành nhất đinh, và nếu theo những cách thực hành ấy thì một lúc nào đấy sẽ dẫn tới hiểu biết về các pháp là vô ngã, phải vậy không?
Nhưng sự thực là ngay hiện giờ, dù có cái mà bạn gọi là thực hành hay là không thực hành thì bản chất của các pháp là luôn sinh và diệt. Về bản chất, không có ai cả, chỉ có các pháp như cái thấy sinh rồi diệt, cái nghe sinh rồi diệt, cái được thấy sinh và diệt… Bản chất của tất cả những thực tại này luôn là như vậy, dù chúng ta chưa được nghe Giáo lý hay đã từng được nghe Giáo lý, chúng sinh do những duyên riêng của chúng rồi diệt đi, không phải một ai cả.
Chẳng hạn, cái thấy hiện giờ là pháp do duyên sinh, sinh rồi diệt đi, chứ không phải một ai đó đang thấy. Tương tự như vậy, khi có duyên cho cái nghe sinh khởi thì sẽ có sự nghe xảy ra, chứ không phải do một ai đó cố khiến cái nghe xảy ra.
Hiện giờ, khi có suy nghĩ về bông hoa hay con người đang ngồi ở đây, thực chất đó là những suy nghĩ sinh khởi sau những khoảnh khắc của thấy, nghe, và bản thân suy nghĩ đó cũng là một pháp sinh khởi do duyên, không phải ai cả.
Vậy ngay hiện giờ nếu có suy nghĩ “tôi có thể thực hành” hay “tôi có thể hay biết” thì bản thân ý nghĩ đó cũng là pháp sinh khởi do duyên, nó cũng sinh và diệt. Về bản chất, thực sự không có người nào đó có thể chủ động chánh niệm hay làm công việc thực hành, vì thực chất không có ai cả, về mặt tối hậu. Cái gọi là “tôi” chỉ có trong sự tưởng tượng của ta mà thôi. Còn thực chất chỉ có những khoảnh khắc của thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ trong ngày sinh diệt, tiếp nối nhau mà thôi.
Bạn có nói rằng mục tiêu của bạn là thực hành để hiểu được các pháp là vô ngã. Nhưng để hiểu được các pháp là vô ngã thì hiểu biết đó luôn phải bắt đầu trong khoảnh khắc hiện tại. Bởi khoảnh khắc đã qua thì qua rồi, những gì chúng ta nghĩ tới trong tương lai thì chưa tới, chỉ có khoảnh khắc hiện tại là những thứ có thể được hiểu.
Bắt đầu bằng việc hiểu cái là thực hiện giờ, chẳng hạn như cái thấy lúc này chỉ thấy một loại thực tại là cảnh sắc hay đối tượng thị giác. Khi hiểu rõ điều đó thì đó là sự khởi đầu của hiểu rằng các pháp là vô ngã. Không có ai là người thấy, không có ai là người thực hành và không ai là người hay biết. Như vậy phát triển hiểu biết là học để hiểu những thực tại tạo nên cái mà chúng ta gọi là cuộc sống.
Chúng ta cũng không cần phải nhớ lại hay dính mắc vào những cái qua rồi mà ta coi là kinh nghiệm về sự sinh diệt, v.v… Bởi vì những kinh nghiệm ấy không giống như hiểu biết chi tiết về từng thực tai một xuất hiện ở một khoảnh khắc.
Achaan Sujin: Tôi có thể hỏi thêm, cái gì thực hành và ai thực hành?
Người hỏi: Ban đầu, con nghĩ rằng tôi đang thực hành, nhưng càng thực hành, không có ai thực hành cả.
Sarah: Bạn nói, lúc khởi đầu nghĩ rằng “tôi” thực hành, nhưng thực chất đó chỉ là một suy nghĩ, một ý niệm mà thôi. Chẳng hạn, nếu bây giờ nghĩ rằng “tôi đang thực hành” thì đó chỉ là khoảnh khắc của suy nghĩ. Sở dĩ suy nghĩ đó sinh khởi là bởi có những duyên cho loại suy nghĩ như vậy sinh khởi. Nếu không có duyên cho những suy nghĩ như vậy, sẽ không bao giờ có ý niệm “tôi đang thực hành”. Nhưng Đức Phật luôn nói về các pháp là vô ngã, nên ngay từ lúc ban đầu phải hiểu là không có một người nào đó làm công việc thực hành.
Jonothan: Mục tiêu của việc thực hành có phải để có thêm chánh niệm không?
Người hỏi: Thêm sự hiểu biết.
Jonothan: Khi thực hành có ý niệm rằng sẽ có thêm hiểu biết nhờ việc thực hành hay không?
Người hỏi: Trong khi thực hành thì không có ý niệm đó. Nhưng nhờ vào sự thực hành thì có sự hiểu biết sau đó.
Jonothan: Liệu có chút dính mắc nào vào ý niệm là thực hành sẽ mang lại hiểu biết không?
Người hỏi: Lúc ban đầu có nhưng càng thực hành, tự nhiên hiểu ra. Không phải do suy nghĩ mà do thực hành.
Jonothan: Liệu ý niệm có thêm chánh niệm sẽ che lấp sự thực về sự dính mắc muốn có thêm hiểu biết không?
Người hỏi: Hoàn toàn tự nhiên là như vậy và để học hỏi ngay khoảnh khắc đó.
Jonothan: Hiểu biết tự nhiên ở mỗi khoảnh khắc không đòi hỏi sự thực hành, vì thực hành có nghĩa là một cái gì đó được làm với ý niệm để có chánh niệm hay trí tuệ.
Người hỏi: Khi thực hành, càng ngày càng biết rằng không có ai thực hành ở đây cả mà chỉ có cái tự nhiên hiểu. Con muốn hỏi con đường như vậy có đúng không?
Jonothan: Đâu là phép thử cho việc kiểm chứng xem sự thực hành của ta là đúng đắn hay không?
Người hỏi: Càng làm càng có cái hiểu, giải thoát mọi ràng buộc, dính mắc…
Achaan Sujin: Nếu bây giờ tôi trả lời là bạn thực hành đúng thì thế nào?
Người hỏi: Cũng không vui cũng không buồn.
Achaan Sujin: Nếu tôi trả lời rằng bạn thực hành sai?
Người hỏi: Nếu con đường đúng thì đi tới sự giải thoát những ràng buộc. Nếu sai thì hỏi lại để học hỏi, hiểu thêm vì sao sai.
Achaan Sujin: Khi bạn nói bạn thực hành thì là bạn làm gì?
Người hỏi: Trước đây thường xuyên để ý cái gì cảm nhận qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Rồi thì xem cái tâm phản ứng thế nào.
Achaan Sujin: Khi có ý nghĩ chủ động để ý việc thấy, nghe, ngửi, nếm, hay quan sát thì ngay đó đã có ý niệm rằng có cái “tôi” làm việc đó. Vậy ở khoảnh khắc đó, làm sao có thể có hiểu biết rằng không có cái tôi nào? Hiện giờ cái thấy là “tôi” thấy hay chỉ là thực tại do duyên sinh khởi để thấy? Cái gì là ngã và cái gì không phải là ngã trong trường hợp này?
Người hỏi: Hiện tại bây giờ chỉ là thấy để mà thấy.
Achaan Sujin: Đó mới chỉ là suy nghĩ chứ không phải là khoảnh khắc thực sự xuyên thấu đặc tính của thực tại sinh khởi để thấy, sinh và diệt, không phải là một ai cả.
Chẳng phải cái thấy do duyên sinh chỉ để thấy? Đây là cách thức tự nhiên để hiểu về cái thấy hiện giờ. Không cần phải có ý niệm “tôi sẽ thực hành để hiểu về cái thấy”. Nếu không, sẽ luôn có có ý niệm: tôi sẽ làm cái này, cái kia để hiểu điều này, điều kia.
Ở khoảnh khắc của cái nghe, liệu đã hiểu đó chỉ là thực tại do duyên sinh khởi để nghe, hay vẫn có ý niệm đây là tôi nghe? Nghe là tự nhiên, đúng không? Không cần phải làm gì để khiến cho cái nghe trở nên tự nhiên.
Ngoài cái thấy và cái nghe như vừa nói thì còn có cái gì cần được biết nữa? Tất cả các thực tại khác nhau cần phải được hiểu rõ. Khi không có hiểu biết thì dễ có vô minh, không thể hiểu được đúng những gì xuất hiện hiện giờ. Hiện giờ đang có những gì?
Người hỏi: Mọi thứ đã tự nhiên ở đó rồi.
Achaan Sujin: Hiện giờ chị đang nghĩ gì?
Người hỏi: Không nghĩ gì.
Achaan Sujin: Khi thấy và biết đây là bông hoa thì đã là suy nghĩ rồi. Sau khi có cái thấy, có suy nghĩ về cái được thấy là một “cái gì đó”, và điều ấy luôn luôn diễn ra như vậy một cách tự nhiên. Nếu không có sự nghiên cứu và suy xét một cách kỹ lưỡng về các thực tại ấy, liệu có thể bớt dần dần sự dính mắc vào ý niệm về tôi mỗi khoảnh khắc kinh nghiệm không?
Người hỏi: Nếu không có sự nghe, sẽ có ý niệm về tôi. Nếu được nghe thì sẽ tự nhiên không làm việc đó, nó giảm dần.
Sarah: Đây là tiến trình phát triển tự nhiên của hiểu biết thực sự bằng việc nghe và suy xét để hiểu rằng cái gì là đúng, cái gì là sai, về pháp là vô ngã. Nó đối nghịch với việc bắt đầu với ý niệm rằng “tôi sẽ thực hành”, “tôi sẽ chánh niệm”, nhằm để có hiểu biết rằng các pháp là vô ngã. Lý do là, những ý niệm “tôi làm một cái gì đó”, “tôi thực hành”, “tôi chánh niệm” càng ngày càng củng cố ý niệm sai lầm về một cái tôi có thể làm gì đó để khiến trí tuệ sinh khởi, chứ không dẫn đến cái hiểu là không có gì là “tôi”. Ta dễ cho rằng lúc đầu có thể có tà kiến sai lầm nhưng dần dần, nó sẽ dẫn đến hiểu biết đúng về sau. Nhưng sự thật không thể như vậy, tà kiến luôn dẫn đến tà kiến, chỉ có hiểu biết đúng mới dẫn đến hiểu biết đúng mà thôi.
Bạn có nói rằng bạn đến đây để đặt câu hỏi để bà xác nhận xem sự thực hành của mình đúng hay chưa. Nhưng thực chất câu trả lời cho câu hỏi đó luôn phải là từ khoảnh khắc hiện tại, vì chỉ khoảnh khắc này mới tồn tại. Chỉ hiểu biết đúng trong giây phút hiện tại mới đưa ra câu trả lời chính xác là đúng hay sai.
Bạn nói rằng có những khoảnh khắc hiểu biết nhưng không rõ, hoặc không thể giải thích rõ. Tuy nhiên thực chất, nếu hiện giờ các thực tại đang xuất hiện – chẳng hạn như đối tượng thị giác, cái thấy hay cái cứng – nếu có sự hiểu biết đúng về chúng như chúng là thì sẽ không có sự hoài nghi, và sẽ không cần phải hỏi, liệu như vậy đã có sự hiểu biết hay như thế là đúng hay chưa.
Bạn đã đúng khi nói rằng bằng việc hiểu biết về tất cả những gì xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày trong khoảnh khắc hiện tại khi chúng sinh khởi, điều đó sẽ dần dần dẫn tới hiểu biết về những thực tại đó càng ngày càng rõ ràng hơn.
Người hỏi: Xin cảm ơn.
Jonothan: Rất cám ơn bạn đã chia sẻ về những kinh nghiệm của mình. Luôn rất thú vị khi nghe những kinh nghiệm khác nhau. Dần dần có thể bạn đã nhận thấy rằng con đường phát triển chánh niệm và trí tuệ ở đây có sự khác biệt nhất định với những gì bạn đã nghe từ trước.
Bây giờ tôi muốn tự trả lời câu hỏi của tôi với bạn về những tiêu chí trong sự phát triển chánh niệm và trí tuệ. Câu trả lời là các pháp được thấy chính xác và rõ ràng hơn. Như chúng ta biết, có nhiều loại pháp khác nhau nhưng ta chỉ có thể nói về những pháp đang xuất hiện hiện giờ.
Vậy, mấu chốt là ở chỗ, hiện giờ hay trong những khoảnh khắc bình thường của cuộc sống, liệu đã dần phát triển thêm hiểu biết về các pháp xuất hiện một cách tự nhiên chưa? Ở đây, chúng ta không nói về việc lựa chọn quan sát một số pháp nhất định mà nói đến tất cả các pháp. Chánh niệm tự nhiên về một pháp hiện khởi không phải là lựa chọn một số đối tượng cụ thể, chẳng hạn như một trạng thái tâm, để tập trung vào, mà là bất cứ pháp nào xuất hiện. Bởi vì bản thân cái thấy, nhãn thức có thể cũng bị lầm tưởng là ngã. Pháp là đối tượng thị giác cũng được cho là một ai đấy, là ngã.
Điều mà Đức Phật đã dạy là phát triển hiểu biết về tất cả các pháp là chân đế, không phải chỉ để làm cho tâm thanh tịnh hơn mà thôi. Khi thực hành, chúng ta rất dễ làm việc đó với sự dính mắc vào việc có thêm trạng thái tâm thanh tịnh.
Achaan Sujin: Nói rằng cái thấy không phải là tôi thì dễ, đúng không?
Người hỏi: Ở lúc ban đầu thì dễ, càng thực hành, càng thấy khó.
Achaan Sujin: Làm thế nào để có thể thực hành để thấy được cái thấy là vô ngã?
Người hỏi: Học cách nó đến và nó đi.
Achaan Sujin: Học như thế nào?
Người hỏi: Trong từng khoảnh khắc mình thấy, chỉ thấy rằng thấy chỉ là thấy. Còn nếu không thấy ra được điều đó thì có phiền não, đau khổ ngay. Luôn luôn phải quan sát. Nếu thấy mà thêm vào cái gì đó thì đau khổ.
Achaan Sujin: Khổ là gì?
Người hỏi: Khổ thân và khổ tâm. Khổ thân không phải là vấn đề lắm. Còn khổ tâm như là phiền não làm mình mệt và kiệt sức. Còn nếu hiểu cái thấy chỉ là cái thấy thì không phiền não.
Achaan Sujin:Làm thế nào để có thể hiểu được là cái thấy chỉ là cái thấy?
Người hỏi: Cái thấy đến và đi, từng chặp, không liên tục trong đó, không phải thấy mãi. Thấy thấy nhiều thứ khác nhau. Nên nó không phải luôn là một cái thấy.
Jonothan: Ai nhận biết về cái thấy đó?
Achaan Sujin: Chẳng hạn khi nhận thấy thì ghi nhận thấy, vậy ghi nhận có phải là chánh niệm không?
Người hỏi: Ghi nhận là chánh niệm.
Achaan Sujin: Chẳng hạn khi nhận thấy bông hoa, khi đó có chánh niệm không?
Người hỏi:Khi nhận thấy bông hoa, đôi khi là chánh niệm, đôi khi không phải chánh niệm.
Người phiên dịch: Sở dĩ bà hỏi câu này vì bà muốn bạn phân biệt giữa việc ghi nhận cái gì đó và chánh niệm, chúng giống nhau không hay là hai thứ khác nhau.
Người hỏi: Hai thứ khác nhau.
Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc ghi nhận thì không phải chánh niệm.
Người hỏi: Ghi nhận không phải là chánh niệm.
Achaan Sujin: Đâu là sự phát triển của hiểu biết rằng cái xuất hiện không phải là một bông hoa?
Người phiên dịch: Tôi sẽ giải thích để bạn hiểu rõ hơn câu hỏi của bà. Ta biết rằng sự thực tối hậu mà Đức Phật đã dạy đó là, cái được thấy chỉ là đối tượng thị giác, không phải là một bông hoa, cái thấy chỉ làm công việc thấy, không phải là ai cả. Vậy làm thế nào để phát triển sự hiểu biết đó?
Chẳng hạn, bây giờ đang có cái thấy, phải thực hành như thế nào để biết cái được thấy không phải là một bông hoa mà chỉ là cái được thấy mà thôi? Nếu nói có thể có thực hành thì ở ngay khoảnh khắc này, sự thực hành đó là gì?
Người hỏi: Khi thấy chung chung thì chỉ thấy màu, khi đi vào chi tiết hơn, sẽ thấy thêm nhiều ý niệm.
Achaan Sujin: Cái thấy không thể thấy được những thứ như mình nghĩ, cái thấy chỉ thấy một loại thực tại có tính chất có thể được thấy. Đâu là hiểu biết về cái thấy và cái đang xuất hiện là những yếu tố khác nhau, không phải là tự ngã?
Đức Phật không dạy mọi người ghi nhận. Trong 45 năm, ngài đã thuyết giảng về sự thật về các thực tại để những người nghe có tín tâm và có tích lũy hiểu biết có thể hiểu bất cứ cái gì xuất hiện và trở thành đối tượng của tuệ giác. Ở khoảnh khắc của cái thấy, còn gì khác nữa không?
Người hỏi: Để cho người khác trả lời ạ.
Achaan Sujin: Bởi vì sự thật là sự thật, nó có thể được hiểu về mặt tư duy, và sự vun bồi trí tuệ thống nhất với từng lời trong Giáo lý. Không ai có thể thay đổi điều ấy, vì đó là sự thật.
Cái thấy thấy nhưng thông thường chúng ta cho rằng ai đó thấy, đúng không? Nhưng trong thực tại tối hậu, chỉ có cái thấy sinh khởi, thấy đối tượng thị giác, không có ai ở trong đó cả. Nhưng ở khoảnh khắc này, thực tế đang diễn ra là “tôi” đang thấy, cái được thấy là con người hay cái gì đó, suốt cả ngày. Vậy, làm thế nào để phát triển hiểu biết từ sự vô minh hiện giờ về bản chất của những gì đang xuất hiện đến khoảnh khắc của hiểu biết như Đức Phật đã thuyết? Nếu không có hiểu biết từ Giáo lý của Đức Phật, làm sao có thể dần có hiểu biết rằng cái thấy không phải là ai cả, và cái được thấy cũng không phải ai cả?
Bản thân Đức Phật khi còn là Bồ tát đã phải cần bao nhiêu lâu để có thể phát triển hiểu biết xuyên thấu được bản chất vô ngã của cái thấy hiện giờ? Như vậy, nhờ được nghe rằng không có tự ngã nào cả, chỉ có các thực tại khác nhau, chúng ta bắt đầu hiểu ở mức độ tư duy, nhưng những gì được thấy vẫn là các bông hoa và cảnh vật, bởi vì trí tuệ vẫn chưa phát triển tới mức độ hiểu trực tiếp các thực tại.
Pháp đàm tại Huế, chiều ngày 24/05/14
Người hỏi: Tôi xin nói về hành thiền định. Khi ngồi thiền, đôi khi tôi thấy xuất hiện những hình ảnh kỳ lạ, nó làm tôi cảm thấy lo lắng. Hai ngày vừa rồi tôi được nghe Bà nói rằng mọi khoảnh khắc đều khác nhau. Bà có thể giải thích phương pháp này rõ hơn để tôi có thể hiểu được?
Sarah: Trong Kinh điển có nói về tà định và chánh định, tức là nhất tâm chân chánh và nhất tâm không chân chánh. Ở những khoảnh khắc của thiện tâm như bố thí, trì giới và phát triển tâm trí, tâm là thiện nên tâm sở nhất tâm sinh khởi với tâm đó cũng là thiện. Ở những khoảnh khắc của hiểu biết, tâm rất trong sáng, rõ ràng, không hề có những kinh nghiệm kỳ lạ hay những hình ảnh lạ kỳ, những trạng thái bất an. Khi ta khởi sự thực hành với cố gắng tập trung vào một đối tượng nào đó, với mong muốn có định tâm hay chánh niệm, chính tâm tham ấy sẽ làm duyên cho những kinh nghiệm về hình ảnh kỳ lạ, hoặc những trạng thái bất bình thường. Bất cứ sự thực hành nào bị thúc đẩy bởi ý niệm “tôi” muốn làm gì đó, muốn có thêm chánh niệm, muốn có thêm hiểu biết… đều sẽ làm cho cuộc sống rắc rối và phức tạp hơn. Bởi vì đó không phải là một cách tự nhiên, nó không phải là cái hiểu đúng đắn, tự nhiên về những gì đang xuất hiện hiện giờ.
Chính vì lý do đó mà chúng ta cứ nói đi nói lại về cái thấy hiện giờ, cái nghe hiện giờ, về sự dính mắc hiện giờ. Bởi vì, hiểu rõ những gì đang được kinh nghiệm chỉ là những thực tại vô ngã sẽ làm duyên cho sự xả ly. Khi có hiểu biết rõ ràng hơn về bản chất của thực tại, của cuộc sống trong khoảnh khắc hiện giờ, sẽ có sự xả ly với ý niệm “đi theo một cách thực hành cụ thể nào đóđể có được một kết quả cụ thể nào đó”, những thứ bị thúc đẩy bởi tham ái. Và khi đó ta sẽ không bị gặp rắc rối bởi những loại kinh nghiệm lạ kỳ như bạn đã mô tả. Việc có những hình ảnh, kinh nghiệm lạ, cũng giống như ta có một giấc mơ rất khó chịu, nhưng ta lại muốn tiếp tục và tìm cách lặp lại giấc mơ ấy. Khi ta cho rằng giấc mơ đó là một cái gì quan trọng, khi ấy tham sẽ không thể nào xả bỏ. Nhưng chỉ cần ta thức dậy thì mọi thứ biến mất.
Hiện giờ không có hình ảnh và kinh nghiệm kỳ lạ đó, tất cả những gì cần nhận biết lúc này là cái thấy hiện giờ, cái nghe hiện giờ, âm thanh hiện giờ. Và những khoảnh khắc hiểu biết nhỏ nhoi đó cũng giống như thức dậy từ giấc mơ, từ cơn ác mộng.
Người hỏi: Vậy bà hãy giải thích về thực tại đang xuất hiện hiện giờ, bởi vì chúng sinh diệt rất nhanh, và cần rất nhiều thời gian để phát triển hiểu biết thực sự về chúng. Nói cách khác là những điều có thể làm giảm sợ hãi hay những thứ tương tự…
Jonothan:Sự phát triển chánh niệm đúng đắn mà Đức Phật đã dạy không bao giờ dẫn đến kinh nghiệm có tính chất lạ kỳ. Những gì Đức Phật dạy dẫn tới hiểu biết đúng đắn hơn, rõ ràng hơn về những gì đang xuất hiện. Đó là lý do mà ta nói về những gì đang xuất hiện hiện giờ, về các thực tại đang sinh khởi. Nếu ta hiểu một cách đúng đắn rằng mỗi thực tại ở khoảnh khắc này chính là đối tượng của chánh niệm, nó sẽ tạo duyên cho chánh niệm sinh khởi một cách tự nhiên, khi đó sẽ không có duyên nào cho những kinh nghiệm kỳ lạ xảy ra. Bạn có đồng ý với ý kiến này không?
Người hỏi: Bây giờ tôi muốn thoát khỏi những hình ảnh quấy rối đó, vì trong khi sợ hãi thì tôi quên mọi thứ.
Jonothan: Ở khoảnh khắc hiện giờ có những hình ảnh kỳ lạ đó xảy ra không?
Người hỏi: Không
Jonothan: Và bạn có nói rằng những sự việc kỳ lạ đó xảy ra liên quan đến việc bạn thực hành, đúng không?
Người hỏi: Những khoảnh khắc đó do thực hành, nó là kết quả về nghi ngờ về Giáo lý, về Đức Phật và nghi ngờ đó trở thành cản trở cho sự thực hành.
Jonothan: Như vậy nếu như không có sự thực hành sai trái thì sẽ không xảy ra những chuyện lạ kỳ đó, đúng không?
Người hỏi: Đúng thế.
Jonathan: Đó là lý do mà hôm qua Achaan Sujin đã nói rằng: Hãy quên việc thực hành đi. Chúng ta cần phải bắt đầu từ việc học những thực tại đang xuất hiện hiện giờ. Học về những gì đang xuất hiện hiện giờ sẽ không bao giờ đưa tới kết quả là có những kinh nghiệm lạ kỳ và đáng sợ như vậy.
Sarah: Thông thường mọi người rất bận tâm về những lo lắng, sợ hãi, bất an. Sở dĩ như vậy là bởi những kinh nghiệm đó liên quan đến một loại thọ là cảm thọ khó chịu, cảm thọ ưu. Như ta đã nói, tất cả mọi người đều muốn kinh nghiệm cảm thọ dễ chịu và không thích cảm thọ khó chịu. Tất cả chúng ta đều không muốn và cố tránh cảm thọ khó chịu cùng những điều không vừa ý trong cuộc sống. Nhưng phải thấy rằng, chính sự dính mắc là cái làm duyên cho sự bất an hay lo lắng đó sinh khởi. Mọi người thường không bận tâm đến sự dính mắc của mình, vì tham ái dễ sinh khởi với thọ hỷ, vì thế họ thường đi tìm những kinh nghiệm dễ chịu. Tuy nhiên, ngay lúc tìm những kinh nghiệm dễ chịu, ta đang đang gieo những hạt giống cho khoảnh khắc kinh nghiệm khó chịu sinh khởi. Sáng nay chúng ta đã nói đến Tứ Thánh Đế thứ nhất – Khổ Đế, tức sự thật về sự sinh diệt của tất cả các thực tại. Tập đế- Thánh Đế thứ hai là sự thật về nguyên nhân của khổ, đó là tham ái. Chính tham ái sẽ dẫn tới các lo lắng bất an và những kinh nghiệm khó chịu.
Có thể ta cho rằng hiện giờ không có sự dính mắc với những kinh nghiệm đã qua. Nhưng thực chất khi suy nghĩ về những kinh nghiệm như vậy, ngay ở đó đã có sự dính mắc, không thể buông bỏ những kinh nghiệm của quá khứ. Chính vì vậy, hiểu biết luôn luôn phải quay về với những gì xuất hiện trong khoảnh khắc hiện giờ, nó có thể là sự dính mắc với những suy nghĩ về những kinh nghiệm đã qua. Đó là những gì là thực trong lúc này đây. Suy nghĩ là thực, và sự dính mắc với suy nghĩ đó là thực, còn đối tượng của suy nghĩ, tức là các kinh nghiệm quá khứ, đã hoàn toàn qua rồi, không còn ở đó để được hiểu nữa.
Jonothan: Liệu bây giờ bạn có đang tìm một cách thức hay sự thực hành nào đó có hiệu ứng đảo ngược lại những hệ quả của các thực hành trước đây của bạn hay không?
Achaan Sujin: Có ai kiểm soát điều gì không? Ý nghĩ cho rằng có một sự thực hành khác có hiệu ứng đảo ngược lại cái cũ được duyên bởi chính sự thực hành sai trước đây. Nếu không có sự thực hành sai thì những sự kiện mà bạn nói đến đã không xảy ra. Nếu tiếp tục với những ý niệm sai lầm, nó sẽ tiếp tục làm duyên cho những kinh nghiệm khiến bạn sợ hãi. Còn hiểu biết đúng thì không làm điều gì hại tới ai cả. Vậy bây giờ bạn còn muốn thực hành nữa không? Nếu bạn vẫn tiếp tục ý niệm về một lối thực hành nào đó, những điều tương tự sẽ vẫn còn sinh khởi.
Người hỏi: Vậy bà nói rằng tôi nên quên việc thực hành đi?
Achaan Sujin: Không ai có thể kiểm soát mọi việc. Tất cả đều phụ thuộc vào những gì bạn hiểu và sự hiểu biết của bạn. Nếu không có những ý niệm sai lầm làm duyên cho sự thực hành sai lầm đó, liệu những kinh nghiệm xấu đó có xảy ra không?
Người hỏi: Không
Sarah: Mục tiêu của bạn là gì khi bạn thực hành?
Người hỏi: Để có hiểu biết và bình an
Achaan Sujin: Đó là một hiểu biết sai lầm. Bởi trí tuệ không thể tới bằng việc cố thực hành một cái gì đó, hay bằng việc ngồi – những thứ không phải là hiểu biết. Bởi vì hiểu biết đúng – trí tuệ không bao giờ hại bất cứ ai. Hãy có niềm tin vào hiểu biết đúng và vào thực tại.
Pháp đàm tại Huế, sang ngày 25/05/14
Người hỏi: Khi chúng ta ngồi bình thường như thế này thì không đau. Còn khi ngồi thiền thì nó đau như sắp chết. Khi ngồi thiền bị đau như chết mà tâm mình vẫn bình thản thì có phải là tâm thiện không? Như vậy có phải là có trí tuệ đang phát triển không?
Achaan Sujin: Trí tuệ có thể hiểu được thực tại hiện giờ một cách đúng đắn, đúng không? Hay là nó hiểu về cái qua rồi.
Người hỏi: Trí tuệ hiểu những gì đang xuất hiện hiện giờ, không phải những gì đã qua rồi.
Achaan Sujin: Làm thế nào bạn biết được trạng thái tâm mà bạn gọi là bình an lúc ngồi thiền có phải là tâm thiện hay không?
Người hỏi: Nếu là bất thiện pháp thì tâm đã bỏ chạy rồi. Chịu đau như vậy thì là tâm thiện. Nếu con đứng dậy là tâm bất thiện. Do đó con nghĩ nó phải là tâm thiện
Achaan Sujin: Khi đó có ý niệm “tôi đang chịu đau không”?
Người hỏi: Khi đó tâm bình an, bình thản, hiểu là không có quyền gì, nó đau là nó đau, ở đó không có ý niệm về ngã, không thể làm gì ở đó.
Achaan Sujin: Vì sao bạn có thể nói là khi đó không có ý niệm về ngã?
Người hỏi: Lúc đó chỉ có một hiện tượng, không có cái tôi ta gì hết, chỉ có một cái nhận biết ở đó thôi.
Achaan Sujin: Thế còn bây giờ?
Người hỏi: Tâm con rất hoan hỉ được nghe Pháp như vậy.
Achaan Sujin: Hoan hỉ thì là thiện pháp hay bất thiện pháp?
Người hỏi: Đó là thiện.
Achaan Sujin: Vậy bất cứ lúc nào mình hoan hỷ cũng là thiện pháp pháp hay sao?
Người hỏi: Hoan hỷ trong lời Giáo Pháp của Đức Phật thì mới là thiện pháp, như bây giờ.
Sarah: Vậy yếu tố nào, hay “ai” là người muốn chịu đựng cảm thọ đau trong thời gian dài như vậy, và với mục đích là gì?
Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều phiền não. Khi bị đau ta có phải chịu đựng đau để tận diệt phiền não không? Bất cứ lúc nào cũng vậy. Vậy yếu tố nào tìm phiền não để tận diệt?
Người hỏi: Khi ngồi thiền hàng ngày, khi có bất thiện pháp sinh khởi tôi có thể biết được có bất thiện pháp sinh khởi. Do đó bất thiện pháp có thể được suy giảm.
Sarah: Khi bạn nói, ngồi thiền thì có chánh niệm, vậy chánh niệm này là để cho ai?
Người hỏi: Tất cả những gì xảy ra, cái gì mình cũng chánh niệm. Chánh niệm là để cho bản thân của mình, làm những gì quay về cái thực tại tâm và thân mình, khi quay về thì mình thấy cái bất thiện pháp.
Sarah: Mọi hiểu biết đều luôn bắt đầu trong hiện tại. Những gì bạn nói tới đã qua rồi. Chỉ ở trong khoảnh khắc hiện giờ, nếu có hiểu biết sinh khởi, tự nó sẽ biết thế nào là chánh niệm, thế nào không phải là chánh niệm, thế nào là thiện pháp, thế nào không phải là thiện pháp. Nó cũng biết rằng chánh niệm không phải là tôi hay của tôi.
Jonothan: Theo hiểu biết của bạn, những gì Đức Phật dạy, hay mục tiêu của việc theo đuổi con đường Bát chánh đạo là bớt đi phiền não, hay là tăng trưởng hiểu biết?
Người hỏi: Trước tiên là giảm bớt phiền não rồi tăng trưởng trí tuệ sau đó.
Jonothan: Tại sao bạn nghĩ không nên phát triển hiểu biết đúng về những gì xuất hiện hiện giờ mà lại phải suy giảm phiền não trước?
Người hỏi: Nếu khi có hiểu biết rồi mà vẫn chưa tận diệt được phiền não thì phiền não vẫn cứ bao quanh chúng ta.
Sarah: Tận diệt phiền não là công viêc của trí tuệ. Tự trí tuệ sẽ làm công việc tận diệt phiền não.
Người hỏi: Vậy phải tu tập như thế nào để đến giây phút ngồi như vậy là không còn có cái tôi? Trí tuệ có thể phát triển bởi việc ngồi thiền chịu đau hay không?
Jonothan: Tôi nghĩ rằng điều mà Đức Phật dạy là sự phát triển hiểu biết về các thực tại sinh khởi trong mỗi khoảnh khắc, chứ không phải việc bớt đi phiền não hay chịu đựng đau. Trong kinh Tứ niệm xứ, Đức Phật nói về việc phát triển chánh niệm tỉnh giác trong cuộc sống hàng ngày, dù khi đi- đứng -nằm- ngồi, tiểu tiện- đại tiện hay lâm y v.v… Đức Phật không nói mọi người phải bớt phiền não trước khi bắt đầu phát triển hiểu biết. Chính đó là lý do mà chúng ta nên nói về các thực tại xuất hiện trong khoảnh khắc hiện giờ. Bởi vì sự phát triển hiểu biết luôn luôn phải bắt đầu ngay khoảnh khắc hiện tại, dù khoảnh khắc hiện tại ấy đang ở tình huống nào. Nếu ta cho rằng, trí tuệ cùng chánh niệm chỉ có thể được phát triển khi đã bớt đi phiền não, nó sẽ là một bước cản cho quá trình sinh khởi của chánh niệm cùng trí tuệ. Chúng ta biết rằng, ở khoảnh khắc của tâm đạo có một số loại phiền não được tận diệt. Và công việc tận diệt phiền não này được diễn ra nhờ chức năng của trí tuệ sinh khởi cùng với tâm đạo (magga-citta) kinh nghiệm Niết bàn. Ở đạo quả thứ nhất, một trong các phiền não được tận diệt là tà kiến. Tà kiến này chính là tà kiến về các thực tại xuất hiện trong khoảnh khắc hiện giờ, vì hiện giờ, các thực tại không được hiểu đúng như chúng là, chúng bị coi là tự ngã, là ai đó, hay cái gì đó. Trí tuệ được phát triển nhờ được học và nghiên cứu về những gì xuất hiện trong giây phút hiện tại. Chúng ta được học để thấy rõ rằng tất cả các pháp sinh khởi đều do duyên, chứ không phải do một cái ngã nào tạo ra. Chính vì vậy Achaan Sujin đã nhắc lại là chúng ta nên quên thực hành đi.
Chúng ta cần phải nhớ rằng, hiểu biết cần phải được phát triển trên cơ sở những gì xuất hiện hiện giờ, chứ không phải là làm một cái gì đó, ở một nơi nào đó khác biệt. Chẳng hạn, hiện giờ sau cái thấy, liệu ai có thể ngăn tham dính mắc với cái thấy ngay sau khi nó sinh khởi hay không? Khi đang nghe Pháp, liệu ai có thể dùng ý chí để làm cho hiểu biết sinh khởi hay không? Không có ai có thể khiến cho một pháp nào đó có thể sinh khởi, dù là đang ngồi đây, hay đang ngồi thiền hay ở bất cứ nơi nào khác. Chẳng hạn, ngồi đây ta có thể thấy cảm thọ đau kéo dài năm phút hay nhiều hơn. Nhưng trên thực tế cảm thọ đã diệt đi sau khi thân thức kinh nghiệm xúc chạm cùng với thọ khổ và bắt đầu có suy nghĩ với ý niệm “tôi đau”, “tôi đang chịu đau”, v.v… Trên thực tế, tất cả các pháp sinh khởi đều do duyên riêng của nó, chứ không phải có “ai” làm việc đó. Bằng việc phát triển hiểu biết, sẽ tự nhiên có sự xả ly với những gì đang được kinh nghiệm trong khoảnh khắc hiện tại.Nhưng cố tìm một số loại kinh nghiệm đặc biệt – chẳng hạn cố gắng để chịu đựng đau, hay cố gắng để có một trạng thái bình an – không phải là hiểu một cách tự nhiên về những gì xuất hiện trong hiện tại. Con đường duy nhất Đức Phật đã dạy cho chúng ta để phát triển hiểu biết là hiểu các thực tại tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Đó là cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đọc trong Kinh rằng, về mặt tối hậu, không có con người, không có oai nghi, không có một “cái gì đó”, mà chỉ có các thực tại sinh và diệt mà thôi.
Ý niệm “trả nghiệp” không thực sự đúng đắn, vì chúng ta đã học rằng những khoảnh khắc kinh nghiệm qua các căn là các khoảnh khắc quả của nghiệp, và sau đó được tiếp nối bởi các khoảnh khắc của suy nghĩ, với phiền não hay thiện pháp. Sau đó lại có khoảnh khắc tạo nghiệp qua thân và khẩu, đó chỉ là các khoảnh khắc khác nhau mà thôi. Ý niệm trả nghiệp đó không được đề cập tới.
Người hỏi: Bất kỳ chỗ nào cũng có pháp, những cái gì đến nếu ngăn chặn được vì có cái biết là thiện hay không thiện. Khi mình làm cái gì đó bất thiện, mà chỉ cần quay về nhìn nó, tại khoảnh khắc đó có khoảnh khắc thiện.
Jonothan:Trước khi chúng ta học về các điều khác thì một điều chúng ta cần phải học: thực tại mà chúng ta gọi là chánh niệm là gì? Bất kỳ ai cũng có thể biết là tôi đang bực mình hay tôi dính mắc, tôi thích hay không thích. Nhưng đó không phải là chánh niệm mà Đức Phật nói tới. Khi chúng ta suy ngẫm về những gì đang diễn ra, để xác định xem nó là thiện hay bất thiện, thông thường đó chỉ là ý niệm của chúng ta về thế nào là thiện pháp, thế nào là bất thiện pháp, chứ không phải là khoảnh khắc chánh niệm trực tiếp kinh nghiệm tính chất của thiện và bất thiện. Chẳng hạn, hiện giờ chúng ta đang thảo luận về Pháp, điều đó phải chăng có nghĩa là hẳn phải có thiện pháp bây giờ? Có thể có rất nhiều loại tâm khác nhau sinh khởi xen kẽ lẫn nhau, có tính chất khác nhau. Chúng ta cũng không thể nói rằng, tất cả các khoảnh khắc này đều là thiện pháp. Chẳng hạn, có lúc ta nghĩ “không biết người kia sẽ nói gì”, “tôi thích điều người này vừa nói”, “tôi không thích điều người kia vừa nói” v.v. Chánh niệm là một thực tại không lãng quên về thực tại trong khoảnh khắc hiện giờ. Chánh niệm luôn sinh khởi do duyên riêng, nó sinh khởi không phải khi chúng ta muốn biết hiện giờ đang là thiện pháp hay bất thiện pháp, không phải khi chúng ta muốn biết đặc tính của các thực tại sinh khởi hiện giờ.
Pháp đàm tại Huế, chiều ngày 25/05/14
Người hỏi: Bà nói không cần làm gì cả, hãy để mọi thứ tự nhiên. Đại chúng ở đây, có nhiều người đã học qua các phương pháp của các vị cao tăng ở các trường thiền nổi tiếng như Mahasi, có các kỹ thuật để hành. Vậy những sự thực hành đó phải bỏ hay sao? Các thiền sinh phải làm gì?
Achaan Sujin: Bạn muốn biết về sự thật hay bạn muốn tìm hiểu về kỹ thuật? Bởi những gì Đức Phật dạy là về sự thật.
Jonothan:Trước khi vị thiền sư dạy một kỹ thuật, chẳng hạn như bạn nói là kỹ thuật của ngài Mahasi, thì trước đó đã có kỹ thuật của ngài Mahasi chưa?
Người hỏi: Chưa ạ.
Jonothan: Khi Đức Phật còn tại thế đã có những kỹ thuật như vậy hay chưa? Vậy tại sao tất cả những người thời đó vẫn có thể giác ngộ mặc dù không có kỹ thuật?
Người hỏi: Họ nghe Đức Phật giảng pháp
Jonothan: Nghe là sự bắt đầu, nhưng mấu chốt là ở hiểu biết, chứ họ không đi theo một kỹ thuật nào. Một câu hỏi nữa là, tại sao không có những kỹ thuật đó cho đến khi ngài Mahasi bắt đầu dạy những kỹ thuật đó? Vậy những kỹ thuật này tới từ đâu? Đó là từ cách hiểu của vị ấy, từ cách diễn giải của vị ấy về Giáo lý.
Tôi muốn nói thêm vài câu về phần bình luận của tôi trước đó, đề phòng là có thể có sự hiểu sai ý của tôi. Tất cả những kỹ thuật mà ngày nay chúng ta đã quen thuộc thường được giải thích là tới từ Giáo lý của Đức Phật. Nhưng những kỹ thuật đó thực chất dựa trên những diễn giải chưa tồn tại về Giáo lý của Đức Phật trước khi những kỹ thuật đó ra đời. Ở một chừng mực nào đó, nó cũng phản ánh ý hiểu hay nhận thức của những người đã tạo ra những kỹ thuật đó. Ngày nay, chúng ta vẫn còn đủ phước lành để tiếp cận trực tiếp với Giáo Pháp. Trong tương lai, Giáo lý này có thể biến mất, có thể trong một vài chục năm, một vài trăm năm hay một thời gian nữa. Giáo lý có thể biến mất, và cái còn lại chỉ là những kỹ thuật mà thôi. Nhưng hiện giờ chúng ta vẫn còn cơ hội để nương nhờ vào chính những lời dạy của bản thân Đức Phật, chứ không cần đi tìm những diễn giải của những người khác. Chúng ta vẫn có Giáo lý của Đức Phật từ Tam Tạng, cùng với các chú giải cổ. Những chú giải này tới từ trí tuệ của những người là những bậc thánh đệ tử của Đức Phật, giác ngộ khi ngài còn tại thế hoặc ở thời kỳ ngay sau khi ngài nhập diệt.
Người hỏi: Con muốn bổ sung thêm ý kiến về vấn đề này với kinh nghiệm đi hành thiền ở các trường thiền trên thế giới. Những phương pháp mà các vị cao tăng chỉ dạy cũng được nói là đến từ lời dạy của Đức Phật. Như ngày hôm nay, chúng con nghe Bà dạy, Bà cũng nói là lời của Đức Phật dạy. Chúng con không biết thực sự Đức Phật dạy cái gì. Nhưng nghe Bà dạy, chúng con có cảm nhận là hiểu biết của chúng con phát triển. Con có sự thích thú và con cũng biết đây là cách phát triển đúng. Con nghĩ như vậy, kỹ thuật đó cũng giúp cho sự phát triển về thân và tâm của con trong thời gian đầu, bây giờ bổ sung thêm chánh kiến của Bà. Con nghĩ có sự kết hợp, khi hành pháp như vậy thì có suy nghĩ đúng. Khi hành thiền theo kỹ thuật thì biết được Tứ đại đó không phải là mình. Khi mình hành thiền là cái tinh tấn hành thiền, chánh niệm hành thiền để là duyên cho phát triển Trí tuệ, củng cố niềm tin ngày càng sâu sắc nhờ vào việc dạy của bà. Lời bà nói là từ những lời của Phật nói, những vị thiền sư cũng nói là lời Đức Phật nói. Con thấy lợi ích từ cả hai. Con sẽ kết hợp cái tư duy, chánh kiến bà dạy với kỹ thuật hành thiền. Như vậy có đúng hay không ạ?
Achaan Sujin: Khi nói như vậy là đang có ý niệm về “tôi” – “tôi” sẽ được gì, đúng không? Hiện giờ có vô minh không?
Người hỏi: Nếu không nói “tôi” thì nói đến sự phát triển của trí tuệ. Sự phát triển của trí tuệ có nhiều con đường. Không phải là tôi thực hành, nhưng để phát triển trí tuệ như vậy thì phải có Niệm-Định-Tuệ, có hỉ, có trạch pháp. Là sự kết hợp của nhiều thứ. Bây giờ con không có nghĩ tôi hành thiền nữa.
Achaan Sujin: Nhưng câu hỏi là đặt ra là “hiện giờ có vô minh không?”
Người hỏi: Có ạ
Achaan Sujin: Hiện giờ có tham hay dính mắc không?
Người hỏi: Dạ có
Achaan Sujin: Nếu chỉ nói là có vô minh thôi thì không đủ. Vô minh về điều gì?
Người hỏi: Vô minh về sự thật, chúng ta không biết về sự thật trong lúc này.
Achaan Sujin: Sự thật về cái gì?
Người hỏi: Mấy ngày nay Bà giảng dạy là sự thật về cái thấy, cái nghe, xúc chạm.v.v.. Sự thật qua sáu căn mình không biết, mình vô minh cho rằng đó là “tôi”,
Achaan Sujin: Và dính mắc với cái thấy nữa đúng không?
Người hỏi: Dạ phải.
Achaan Sujin: Ngay bây giờ?
Người hỏi: Dạ, có ạ
Achaan Sujin: Chừng nào vẫn còn tham và vô minh đối với cái thấy thì làm sao cái thấy có thể xuất hiện như nó là? Nếu các thực tại đó không xuất hiện ngay hiện giờ, làm sao ta có thể xuyên thấu được những thực tại ấy, từng thực tại một. Nhờ việc nghe, suy xét, ta có thể nhận thấy rằng cái thấy sinh và diệt. Nhưng hiểu biết ở mức độ đó chưa thể tận diệt được vô minh và tham ái. Vẫn cần phải hiểu thêm, kỹ lưỡng hơn về lời Đức Phật dạy, để có đủ duyên hiểu được một cách trực tiếp cái thấy hiện giờ cũng như tất cả các thực tại khác. Chỉ có một đặc tính xuất hiện ở một thời điểm mà thôi. Nếu cái thấy hiện giờ không được nhận biết, không được xuyên thấu, liệu ai đó có thể xả ly? Nếu không có hiểu biết thực sự, liệu có thể không còn dính mắc với ý niệm “tôi thấy”nữa hay không? Điều đó không thể đạt được chỉ trong một vài khoảnh khắc hay là một vài năm, bởi vì việc có được hiểu biết ở mức độ như vậy không phù thuộc vào ý chí của một người nào cả. Ở khoảnh khắc này cái thấy vẫn chưa được biết như nó là. Liệu trong một ngày, có những khoảnh khắc chúng ta suy xét về những thực tại ấy “chỉ là vô ngã, không có ai có thể làm gì cả” hay không? Có thể có hiểu biết dần dần từng bước một. Không phải chỉ về cái thấy mà về nhiều thực tại khác trong cuộc đời. Chính vì thế các vị tỳ kheo ở thời Đức Phật đi theo Ngài để tiếp tục được nghe Pháp. Họ là những người nhận ra rằng mình vẫn chưa đủ hiểu biết để có thể giác ngộ ngay lập tức, để có được chánh niệm kinh nghiệm trực tiếp thực tại về cái thấy đang xuất hiện.
Cái thấy có thể được hiểu khi có thêm hiểu biết và bớt đi sự dính mắc vào nó. Nếu không có sự phát triển của trí tuệ theo cách từ từ, không thể có kỹ thuật nào có thể tạo duyên cho cái thấy được hiểu đúng “như nó là”. Nếu không vậy, ta sẽ không thấy giá trị thực sự của Giáo lý của Đức Phật, ta sẽ cho rằng chỉ cần vài lời của Đức Phật đã là đủ rồi. Nhưng chỉ với một vài lời thôi thì chưa thể tạo duyên cho chánh niệm trực tiếp về thực tại ngay hiện giờ. Bây giờ, ta có thể phân biệt được những mức độ hiểu biết khác nhau: hiểu biết ở mức độ pháp học, mức độ pháp hành, và mức độ pháp thành – tức là sự liễu ngộ chân lý. Chỉ nghe theo lời bảo “hãy ngồi đi” sẽ không thể làm duyên cho hiểu biết về những gì đang xuất hiện ngay trong khoảnh khắc này. Sẽ không có duyên cho sự sinh khởi của Tứ niệm xứ, là khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp về thực tại. Phát triển hiểu biết không phải là làm theo một cái gì đó để có thể đạt được giác ngộ.
Giáo lý của Đức Phật hoàn toàn khác với lời dạy của bất kỳ ai khác trong toàn bộ vũ trụ này. Ai cũng có thể nói “đừng làm điều ác, hãy làm việc thiện, hãy thanh lọc tâm”. Ai cũng có thể nói những điều ấy, nhưng Đức Phật không chỉ dạy về điều đó. Ngài cũng dạy chúng ta rằng, không có người nào làm gì cả về mặt bản chất. Không phải là vấn đề nghĩ “không có ai ở đây”, như vậy vẫn chưa đủ. Nếu nói “không có ai cả” thì hiện giờ có gì ở đó? Chỉ một thứ ở một khoảnh khắc. Ở khoảnh khắc của cái thấy, chắc chắn không thể có suy nghĩ. Ở khoảnh khắc của cái nghe không có cái thấy. Nhưng rất nhiều thực tại hiện giờ đang xuất hiện mà không được hiểu rằng chúng chỉ là những pháp do duyên, pháp này sau pháp khác. Nếu không hiểu được những điều đó, làm sao có thể tận diệt được ý niệm về ngã.
Hiện giờ có suy nghĩ không, dù chỉ về một từ thôi? Nó do duyên sinh. Trước khi có việc nghĩ về ngôn từ thì phải có việc nghe âm thanh. Chúng ta đã nghe rằng thực tại sinh và diệt trong từng sát-na. Nếu không có hiểu biết để thực sự thấy rằng những gì xuất hiện không phải là ta hay một cái gì đó thì sẽ không thể tận diệt được ý niệm về ngã. Hiện giờ có vô minh về cái thấy không? Hiện giờ có vô minh về cái nghe không? Hiện giờ có vô minh về suy nghĩ không? Hiện giờ có vô minh về tham hay không? Hiện giờ có tham với sân hay không? Tất cả những điều đó đều đang không được biết và hiểu đúng. Nếu chúng vẫn chưa được hiểu làm sao có thể có sự tận diệt hoàn toàn những vô minh đó, để chúng không bao giờ còn quay trở lại nữa.
Những lời dạy của Đức Phật không chỉ nhằm mục đích ngăn chặn phiền não một cách tạm thời. Liệu có ai có thể ngừng việc dính mắc với những gì đang xuất hiện hiện giờ không? Chẳng hạn, hiện giờ có dính mắc với một chai nước không? Bất cứ khi nào có vô minh, nó sẽ làm duyên cho sự dính mắc với những gì được thấy. Bất cứ khi nào có ý niệm về một cái chai, nó đã che lấp những thứ đã diệt đi rồi. Vì vậy, nếu không có việc nghiên cứu Giáo lý một cách cặn kẽ, sẽ không thể làm một cái gì đó để có thể giác ngộ.
Niềm tin phải tới từ việc nghe và suy xét. Nghe một cách cẩn trọng về đâu là con đường đúng và đâu là con đường sai. Con đường đạo không thể được phát triển với ý niệm, “tôi” sẽ cố gắng, “tôi” sẽ làm, “tôi” sẽ thử. Cũng không phải tới từ việc kết hợp giữa chánh kiến và tà kiến. Ở khoảnh khắc của cái hiểu sai không thể có hiểu đúng. Nếu ta muốn kết hợp những ý niệm đúng và những ý niệm sai, làm sao có thể tận diệt được tà kiến đây? Những người ở thời Đức Phật có đủ sự dũng mãnh để hiểu rằng chỉ có khoảnh khắc hiện tại duy nhất mới có thể được hiểu. Hiện giờ có cái thấy, tại sao ta lại cần phải đi một nơi khác để hiểu về nó? Cái thấy trong tương lai chưa có duyên để sinh khởi, đúng không? Nhưng lại có mong muốn hiểu biết về những thứ còn chưa sinh khởi. Khi đó không có sự suy xét thực sự kỹ lưỡng về những gì Đức Phật đã dạy, rằng “quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, chỉ có cái xuất hiện hiện giờ đã có duyên để sinh khởi mới có thể trở thành đối tượng của hiểu biết. Nhưng tất cả các thực tại đều đang sinh và diệt rất nhanh. Cái nghe ở khoảnh khắc trước và suy nghĩ ở vài khoảnh khắc trước, chúng ở đâu rồi? Tất cả các thực tại đó đã trôi qua mà không có hiểu biết trực tiếp nào về chúng, cho đến khi có hiểu biết một cách vững vàng, chắc chắn về Giáo lý. Khi đó mới có đủ duyên để có thể khiến hiểu biết trực tiếp về những gì chúng ta nói tới, ví dụ cái thấy hiện giờ, sinh khởi. Và điều ấy xảy ra không phải do “ta” sắp xếp, vì nếu không thì đã không còn là vô ngã. Ta cố làm cách này cách kia để cho trí tuệ sinh khởi, nhưng điều ấy là không thể. Do vô minh và tham ái, nó che giấu bản chất của những gì xuất hiện. Bất kể là hôm nay, ngày mai, ngày hôm qua hay nhiều a-tăng- kỳ kiếp trước. Và nó cứ tiếp diễn như vậy trong nhiều a-tăng- kỳ kiếp sắp tới. Vậy nếu không có Giáo lý của Đức Phật thì mọi người đều sống trong một cái lồng rất lớn của vô minh. Chúng ta sẽ không thể ra khỏi cái lồng của samsara– vòng sinh tử luân hồi.
Cô tu nữ: Trước khi gặp bà và nghe nói về bà thì tôi biết thông tin là bà không ngồi thiền. Đó là một điều làm con thắc mắc. Chính vì thắc mắc nên con càng muốn tìm hiểu những lời dạy của bà. Sau bao nhiêu ngày theo bà và nghe Pháp bà giảng thì tôi hiểu ra được một điều, dường như bà cũng không bác bỏ ngồi thiền mà bà cũng không nói hãy ngồi thiền. Mà lời dạy của bà là hiểu biết phải đi đầu, chánh kiến phải đi đầu, và không có phương pháp, không có chọn lựa. Nếu mình ngồi thiền và vô khóa thiền thì sẽ có sự chọn lựa và có phương pháp. Không phương pháp, không kỹ thuật, không chọn lựa. Điều bà giảng là cái vô ngã đi đầu, cái hay biết trong thực tại ở từng khoảnh khắc. Hôm trước, bà có hỏi tôi là chánh niệm như thế nào hoặc tại sao phải đến trung tâm thiền? Thực tại là cái nghe, cái thấy hiện khởi và nó sinh diệt liên tục ở đây. Và tôi nhận ra được rằng khi mình có suy nghĩ phải đến trường thiền hay chánh niệm là việc mà mình sắp đặt phải làm, đều là sai với lời của Đức Phật dạy. Hình như mình phải chấp nhận mọi hiện tượng nó đến là do nhân do duyên với một thái độ chấp nhận chân chánh, với cái chánh kiến rõ ràng, phải quan sát hay biết liên tục bất cứ hoàn cảnh nào. Trong những ngày theo và nghe Pháp của Bà, tôi rút ra được sự hiểu biết là Bà có lời dạy như vậy. Mong bà chia sẻ liệu như vậy có đúng hay không?
Sarah: Trước tiên tôi muốn nói rằng không chỉ đơn thuần đi đến một nơi nào đấy, hay đến một trường thiền thì mới là việc chọn lựa đối tượng. Kể cả hiện giờ khi chúng ta đang ngồi đàm đạo ở đây cũng có thể có sự cố tình làm một cái gì đó, nắm bắt hay chánh niệm về một cái gì đó. Như cô đã nói, tất cả chúng ta đã nghe từ vô ngãtừ lâu rồi, nhưng liệu ngay trong lúc này đây, trong lúc đang nghe Pháp, ý niệm về ngãcó len lỏi vào không? Chẳng hạn, trong lúc nghe Achaan Sujin nói về cứng, mềm, nóng, lạnh, v.v… liệu có một ý định cố hay biết những thứ ấy, hay biết một cách liên tục hay không? Vậy ngay lúc này cũng có thể có những khoảnh khắc được duyên bởi những hiểu biết sai lầm, chứ không cần nhất thiết đi đến một nơi nào đấy mới là hiểu biết sai lầm. Khi chúng ta cố chánh niệm, hay biết, quan sát một cách liên tục hiện giờ, đó cũng không phải là chánh niệm thực sự. Vì chánh niệm không thể sinh khởi khi có những cố gắng, dù rất vi tế, để hay biết, chọn lựa hay quan sát. Ví dụ như, hiện giờ đang có cái thấy, ngay lập tức đã có tham sinh khởi dính mắc vào cái thấy hay cái được thấy mà không cần ai cố tạo ra nó, hoặc có thể làm điều gì để ngưng nó lại. Điều đó hoàn toàn xảy ra một cách không mong đợi, không ai có thể làm gì. Cũng tương tự như vậy, một khi đã hiểu được bản chất vô ngã của các thực tại, có những lúc hiểu biết đó có thể len vào ngay sau khoảnh khắc của cái thấy và cái nghe, nhưng không cần phải cố làm việc đó. Đó chính là điều mà Achaan Sujin đã nói, rằng: tất cả các pháp đều sinh khởi do duyên, trong đó bao gồm cả chánh niệm. Chánh niệm không thể sinh khởi bằng việc quan sát hay cố nhận biết, ghi nhận, v.v..
Tôi nghĩ tốt nhất là cứ tiếp tục lắng nghe và suy xét một cách tự nhiên mà không hề mong đợi khi nào chánh niệm sẽ đủ duyên để sinh khởi. Bởi bất cứ khi nào ta có ý niệm rằng cần phải có sự hay biết một cách liên tục, ta lại quên mất rằng chánh niệm là một pháp do duyên sinh. Ở những khoảnh khắc của sự dính mắc và mong cầu, dù là vi tế và nhỏ nhoi, nó cũng cản trở sự sinh khởi của chánh niệm thực sự.
Mặc dù chúng ta ngồi đây ít nhiều đã nghe Giáo lý về vô ngã, nhưng ý niệm về ngã và sự dính mắc vào ý niệm về ngã đã được tích lũy từ rất lâu rồi. Vì thế chúng ta cần tiếp tục nghe và suy xét rất nhiều để có thể hiểu hơn về các tầng vi tế của dính mắc và tà kiến khi chúng sinh khởi. Và không cần phải sợ hãi tà kiến, bởi vì nếu không có tà kiến sinh khởi để có thể hiểu biết về chúng, chẳng hạn như đối với trường hợp của con súc vật hay những đứa trẻ nhỏ chưa hề có tà kiến-ý niệm cố thủ về cái gì đó cụ thể, chúng ta sẽ không thể có cơ hội để hiểu về thực tại là tà kiến. Nhưng thực tại là tà kiến hay những thực tại khác cần phải được hiểu như nó là, để có thể tận diệt được hoàn toàn. Vậy không cần phải nghĩ đến chánh niệm liên tục.
Cô tu nữ: Như vậy khi nói chánh niệm liên tục thì chỉ là ý niệm mà thôi, chứ không phải là có chánh niệm. Trong khi Bà nói Pháp, có lúc con cố gắng tập trung nghe thì ngay khoảnh khắc đó con nhận ra mình có sự chú tâm quá nhiều, biết rằng đã có tà kiến ở trong đó rồi. Nhưng khi biết ở đó có cái ngã thì ta phải chấp nhận nó, bởi vì khi nhận ra có ngã ở đó thì khoảnh khắc đó cũng trở thành quá khứ rồi.
Sarah: Những gì nhận ra đã qua rồi, khi đó chỉ còn là suy nghĩ về chúng mà thôi. Không chỉ với những khoảnh khắc của tà kiến, hay khi suy nghĩ theo một cách cụ thể, mà với tất cả các suy nghĩ, các thực tại, khi có duyên để chúng được nhận biết thì chúng được nhận biết, chỉ vậy thôi. Nếu không thì sẽ luôn luôn là ý niệm về tôi và muốn một cái gì đó cụ thể.
Cô tu nữ: Chúng tôi đa phần là các thiền sinh đến trung tâm thiền, thông thường chỉ chánh niệm trên thân. Chứ chánh niệm về thực tại vô ngã như Bà nói, chánh niệm là vô ngã và không có tà kiến trong đó, thì lâu lâu mới có được một vài lần. Và những lúc đó đều là tự động, do duyên, chứ không phải do mình muốn mà có được.
Jonothan: Tôi nghĩ cô đã đưa ra một tóm tắt rất bổ ích về những gì Achaan Sujin đã dạy trong những ngày qua. Và tôi rất hoan hỷ vì cô thấy rằng những gì Achaan Sujin chia sẻ có lợi ích. Tôi rất ấn tượng khi cô nói rằng, khi cố tập trung vào một pháp nào đó thì pháp đó đã qua rồi. Vì khi chúng ta nghĩ rằng ta quan sát hay tập trung vào cái thấy hay một trạng thái tâm nào đó, thì thực chất trạng thái đó đã qua rồi hay pháp đó đã diệt đi rồi. Và tôi đồng ý rằng chú tâm hay tập trung vào một cái gì đó thì không phải là chánh niệm, và cũng như vậy khi nói đến quan sát hay ghi nhận. Vậy, bất cứ chúng ta làm gì, dù là ăn uống hay đi đến một nơi khác, sẽ rất hữu ích nếu chúng ta nhớ được những gì chúng ta đã thảo luận trong những ngày qua. Và chúng ta nhận ra rằng, chánh niệm cùng với trí tuệ phải cần đến rất nhiều thời gian để có thể được phát triển. Nhưng nếu có niềm tin vào chân lý, vào những gì mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta, sẽ có thể có sự kham nhẫn để chánh niệm có thể phát triển và sinh khởi một cách tự nhiên, và sẽ không phải cố để có chánh niệm và phát triển chánh niệm cho thật nhanh.
Sarah: Như cô đã nói, cái mà chúng ta tưởng là chánh niệm thì có thể hoàn toàn không phải là chánh niệm. Bây giờ chúng ta lại trân trọng một điều là chánh niệm có rất ít trong một ngày. Chính vì vậy, Achaan Sujin có đặt câu hỏi là hiện giờ có vô minh không? Và tôi nghĩ rằng sự phát triển hiểu biết phải bắt đầu từ việc nhận ra rằng vô minh sinh khởi rất nhiều trong cuộc sống, nhiều hơn những gì ta nghĩ rất nhiều. Càng có thêm nhiều hiểu biết thì vô minh lại càng trở nên rõ rệt.
Cô tu nữ: Tôi rất cảm ơn Achaan Sujin vì đã đặt những câu hỏi, chính những câu hỏi đã khiến tôi tìm tòi để phát triển hiểu biết.
Pháp đàm tại Sài gòn, chiều ngày 02/01/15
Người hỏi: Khi con hành thiền, quan sát đối tượng, thì tâm quan sát ghi nhận được rất nhiều đối tượng, ví dụ cảm giác nơi thân, âm thanh, những cảm xúc khác nhau, v.v… Các đối tượng có thể thay đổi, nhưng riêng cái tâm quan sát thì dường như luôn luôn tồn tại, hiện hữu. Con bị kẹt rất lâu trong trạng thái tâm đó. Thậm chí đến bây giờ, khi đã được nghe một chút về thực tại, con vẫn cảm thấy cái tâm quan sát vẫn còn ở đó.
Betty: Thực chất không có một con người nào có thể làm công việc quan sát hay biết. Chỉ khi đủ duyên thì khi ấy sẽ có chánh niệmsinh khởi nhận biết rõ về một thực tại nào đó.
Jonothan: Sự phát triển trí tuệ trong Giáo lý của Đức Phật là sự phát triển hiểu biết đúng về pháp đang sinh khởi. Như chúng ta đã thảo luận, chánh niệmlà một tâm sở và nó sinh khởi do duyên. Nó là một loại tâm sở thiện. Nếu hiểu rõ hơn về bản chất của pháp mà Đức Phật đã giảng, ta sẽ thấy rằng thực chất, phát triển hiểu biết không phải là ngồi hay làm công việc quan sát. Thực chất đó là sự suy xét về những gì đã từng được nghe về bản chất của các pháp đang xuất hiện. Khi đó sẽ có thêm hiểu biết đúng về bản chất của những hiện tượng này. Chẳng hạn, chúng ta nói nhiều về cái thấy, về đối tượng thị giác, đó là những nội dung Đức Phật đã dạy. Có thể nhờ việc được nghe và thảo luận nhiều về những thực tại như vậy, chúng ta hiểu hơn một chút về bản chất của đối tượng thị giácso với trước đây. Việc bây giờ hiểu biết đã trở nên sáng rõ hơn, chứng tỏ rằng đã có những khoảnh khắc của chánh niệmsinh khởi rồi. Như vậy, ta nhận ra rằng chánh niệmcó thể được phát triển một cách tự nhiên. Chúng ta thấy được rằng nếu ta cố ngồi trong một tư thế, lựa chọn một đối tượng nào đấy, hay có ý định quan sát những gì xảy ra xung quanh, sẽ có cái gì đó khiên cưỡng, không tự nhiên. Đó sẽ không phải là chánh niệmthực sự sinh khởi như ở những khoảnh khắc vừa mô tả.
Sarah: Tôi muốn nói thêm một chút về việc bạn cảm giác cái tâm quan sát dường như vẫn tồn tại ở đó. Chúng ta đã nói đến tâm, tâm sở và sắc, những yếu tố này có tồn tại một cách kéo dài không, hay chúng sinh và diệt?
Người hỏi: Chúng sinh và diệt.
Sarah: Khi bạn nói bạn ngồi thiền và quan sát, thì tâm quan sát dường như ở đó, tồn tại kéo dài. Vậy tâm quan sát đó thực chất là gì?
Người hỏi: Đó là ý niệm về sự tồn tại của tâm quan sát.
Sarah: Đúng vậy, không có tâm nào có thể tồn tại kéo dài, vì thế, đó chỉ là một ý niệm sai lầm về một cái tâm quan sát không sinh diệt. Bởi vì thực chất, trong số các pháp hữu vi, không có gì là trường tồn. Đức Phật nói rằng không từ nào có thể mô tả được mức độ sinh diệt nhanh chóng của các thực tại. Giống bây giờ, dường như cái thấytồn tại kéo dài, nhưng về mặt bản chất thì cái thấysinh và diệt. Cũng như vậy, cái nghesinh và diệt, suy nghĩcũng sinh và diệt. Như vậy cho rằng có một cái tâm kéo dài, một cái nghekéo dài, hay suy nghĩkéo dài… hoàn toàn là một ảo giác. Tất cả những ý niệm về một cái tâm, về con người này hay con người kia chỉ là những ý niệm. Trên thực tế, chúng chỉ là các pháp nối tiếp nhau sinh và diệt liên tục. Nhưng do sự dính mắc vào ý niệm về ngã nên có cảm giác rằng đang có một cái “tôi” quan sát và thấy được tất cả những hiện tượng đang diễn ra xung quanh.
Người hỏi: Ngay bây giờ, khi chúng ta đang học lý thuyết rằng tại một khoảnh khắc chỉ có một tâm kinh nghiệm một đối tượng. Nhưng con lại thấy cùng lúc là một chùm cái nghe, cái thấy, cảm giác, đồng sanh. Như vậy là vô minhtạo cho mình ý niệm đó?
Sarah: Điều đó là hoàn toàn chính xác.
Người hỏi: Là tại vô minhphải không ạ?
Người dịch: Vâng, chính xác là vô minh.
Sarah: Nhưng tốt hơn là chúng ta biết đang có vô minh.
Nina: Đúng là dường như thế giới đang diễn ra một cách đồng thời, dường như nghe, thấy và suy nghĩdiễn ra cùng một lúc. Với cả chúng tôi cũng vậy, nhưng điều đó là tự nhiên, là bình thường. Nhưng Đức Phật đã dạy rằng chỉ có một tâm sinh khởi ở một thời điểm kinh nghiệm một đối tượng mà thôi. Chẳng hạn, nhãn thứcsinh khởi và kinh nghiệm đối tượng qua nhãn căn. Và chúng ta đã học rằng không thể có đối tượng nào khác cùng được kinh nghiệm một lúc, ví dụ như âm thanh. Bởi vì âm thanhthì được nghe qua tai. Chỉ duy nhất một thực tại có thể được kinh nghiệm ở một thời điểm, không thể nào hơn thế. Chúng ta nghĩ về tất cả những đối tượng này với vô minh-si, rằng đó là những đối tượng được kinh nghiệm một lúc. Chúng ta cần học thật chi tiết về sự thật để khi nào đầy đủ duyên, chánh niệmcùng trí tuệcó thể sinh khởi để hay biết và hiểu rõ từng thực tại một ở mỗi thời điểm. Bằng cách đó, sự thật về những gì mà Đức Phật đã dạy có thể được chứng tỏ, có thể được kiểm chứng. Chẳng hạn, cái thấysinh khởi và sự dính mắc vào cái được thấycũng sinh khởi. Hoặc có thể có sânnếu đối tượng được kinh nghiệm là bất khả ái. Tất cả những thực tại ấy đều sinh khởi do những duyên riêng của chúng.
Chúng ta biết rằng cần rất, rất nhiều thời gian trước khi sự thật có thể được kinh nghiệm trực tiếp, và sẽ luôn luôn có ý niệm về ngãxen vào và lừa dối chúng ta. Chúng ta muốn biết sự thật ngay lập tức, trong khi vô minh thì đã được tích lũy rất nhiều trong vô lượng kiếp. Nó không thể được tẩy rửa chỉ trong một vài khoảnh khắc hay trong một vài năm mà thôi.
Jonothan: Tôi cũng muốn nói thêm rằng, mặc dù mỗi thứ chỉ xảy ra ở một thời điểm, chúng ta vẫn có cảm giác mọi thứ sinh khởi cùng một lúc. Sở dĩ như thế là bởi tâm sinh diệt rất nhanh. Tại khoảnh khắc chánh niệm, nó chỉ hay biết một đối tượng mà thôi. Tuy nhiên, mặc dù ngay hiện giờ ta có thể vẫn có cảm giác mọi thứ đang sinh khởi cùng một lúc, điều đó không ngăn cản chánh niệm sinh khởikhi có đủ duyên cho nó. Chúng ta không nên rơi vàocái bẫy, nghĩ rằng cần phải cố tách các thực tại, hay cần phải làm mọi thứ chậm lại để chánh niệmcó thể bắt kịp các thực tại, hoặc nghĩ rằng phải tập trung vào một thực tại cụ thể để chánh niệmcó thể sinh khởi. Nếu chúng ta thực sự hiểu rằng, khi chánh niệmđủ duyên sinh khởi thì nó sẽ sinh khởi, và rằng, ở lúc đó nó sẽ chỉ hay biết về một thực tại một cách rất tự nhiên mà thôi, khi đó sẽ không có vấn đề gì cả.
Người hỏi: Hôm nay con được nghe những điều rất mới và con rất hoan hỷ. Trước đây con cứ đi tìm kiếm thực tại, nhưng kiếm hoài không ra. Nhưng hôm nay nghe được những lời này, con nhận thấy không cần phải tìm kiếm thực tại nữa.
Nina: Tôi rất hoan hỷ với sự nhiệt huyết của các bạn trong việc tìm hiểu Giáo Pháp, và cách cởi mở mà các bạn tiếp nhận Giáo pháp. Khi các bạn nghe thông tin mới, các bạn không chối bỏ ngay lập tức, mặc dù điều ấy có thể xảy ra ở một số nơi khác. Mỗi khi chúng ta nghe một thông tin mới, chúng ta cần phải tiếp tục suy xét để kiểm chứng những thông tin chúng ta tiếp nhận. Tuy nhiên một thái độ cởi mở để tiếp nhận những gì mới, những gì lạ là vô cùng đáng quý. Như Achaan Sujin nói, Đức Phật đã thuyết Phápđể mọi người có thể phát triển hiểu biết theo tích lũy riêng của mình, chúng ta không cần phải đi theo mù quáng những lời nói của người khác. Chúng ta luôn luôn cần kiểm chứng và tìm ra sự thật được kiểm chứng ở kinh nghiệm của chính mình. Chẳng hạn, hiện giờ chúng ta nghe về cái thấyvà đối tượng thị giác, ta có thể đặt câu hỏi: Liệu có thật không, có đúng là cái thấychỉ kinh nghiệm đối tượng thị giáchay không? Chúng ta cũng tự hỏi, liệu có phải cái thấykhông thấy con người mà chỉ thấy đối tượng thị giácvà sau đó mới có suy nghĩvề những ý niệm kia? Tất cả những gì chúng ta nghe về thực tại thì cần phải được tự mình kiểm chứng.
Pháp đàm tại Sài gòn, sáng ngày 06/01/15
Người hỏi: Con có câu hỏi liên quan đến 3 câu Kinh Pháp cú.
- Câu Pháp cú số 110:
“Dầu sống một trăm năm. Ác giới, không thiền định/
Tốt hơn, sống một ngày. Trì giới, tu thiền định”
- Câu Pháp cú số 111:
“Ai sống một trăm năm. Ác tuệ, không thiền định/
Tốt hơn, sống một ngày. Có tuệ, tu thiền định”
- Câu Pháp cú số 282:
“Tu thiền, Trí tuệ sanh. Bỏ thiền, Trí tuệ diệt/
Biết con đường hai ngả. Đưa đến hữu, phi hữu/
Hãy tự mình nỗ lực. Khiến Trí tuệ tăng trưởng”
Các câu kinh này nhắc đến những từ như “nỗ lực”, “kiểm soát” [từ “kiểm soát” được nhắc đến trong bản dịch tiếng Anh], “tu thiền”. Theo con nghĩ là rất dễ dẫn đến hiểu lầm là cần phải nỗ lực làm một cái gì đó để phát triển an tịnh, hiểu biết. Xin Achaan Sujin giải thích cho con rõ là Đức Phật muốn dạy điều gì qua ba câu kinh trên? Qua Pháp đàm lần này, con nhận ra cần cẩn thận tìm hiểu kỹ lưỡng ý nghĩa từng từ, chứ không chỉ biết về mặt ngôn từ, nếu không thì rất dễ dẫn đến hiểu sai lời Đức Phật dạy.
Achaan Sujin: Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng việc nói rằng, tất cả những gì đề cập tới thực chất đều là về các thực tại khác nhau, phải không? Dù ngôn từ nào được dùng [trong Kinh điển], chúng ta phải hiểu rằng đó là về các thực tại, ở đó không có con người nào, không có “tự ngã” nào. Nếu có hiểu biết chắc chắn như vậy chúng ta có thể đọc bất cứ điều gì với hiểu biết đúng, bất cứ lời nào trong đó đều chỉ đến thực tại.
Jonothan: Điều này chúng ta đã có đề cập tới. Khi đọc một đoạn nào đó trong Kinh điển nói về một vị tỳ kheo thu thúc lục căn, chúng ta cũng hiểu rằng đó là chỉ đến một pháp đang sinh khởi. Pháp duy nhất có thể “kiểm soát” các pháp khác là trí tuệvà chánh niệm sinh cùng với nó, Bởi vì khi trí tuệ cùng với chánh niệm được phát triển tới một mức độ cao, thì chúng trở thành lực (bala).Một số những phẩm chất thiện hay nói cách khác là những tâm sở tịnh hảo khác cũng có thể phát triển đến mức độ cao như vậy. Rất khác với những người bình thường có mức độ hiểu biết yếu ớt, với những người đã có sự phát triển trí tuệ cùng với những phẩm chất thiện pháp tới một mức độ cao, thì ta có thể tạm gọi họ là những người có khả năng kiểm soát.
Như Achaan Sujin đã nói, bất cứ điều gì chúng ta đọc trong Kinh điển cần phải được hiểu là chỉ đến pháp, đến thực tại, không nói đến một con người đang làm một cái gì đó hay có một hoạt động cụ thể nào đó. Theo tôi được biết, từ bằng tiếng Anh “meditation”, tiếng Việt là “thiền”, thực chất được dịch ra từ một thuật ngữ Pāli, “bhāvanā”. Từ bhāvanā trong tiếng Pāli không có nghĩa là một hoạt động hay một thực hành làm một cái gì đó. Ý nghĩa của nó chỉ đơn thuần là sự phát triển tâm trí: sự vun bồi, lớn mạnh dần của những phẩm chất tịnh hảo trong đó có trí tuệ. Trong Kinh, Đức Phật có nói đến những người đã phát triển thiện pháp ở mức độ cao, với ẩn dụ là một lực sỹ duỗi cánh tay hay co cánh tay, có thể kiểm soát được việc đó. Điều ấy có nghĩa là, khi thiện pháp đã được phát triển rất cao, chúng có thể sinh khởi một cách nhẹ nhàng khi tâm hướng đến điều đó. Nhưng mức độ này khác xa với những gì chúng ta đang là hiện giờ. Chúng ta nên biết hơn một chút về điều này, vì trong một số đoạn Kinh mà chúng ta đọc đều có những mô tả ấy, và chúng chỉ tới những người đã phát triển trí tuệở mức độ như vậy. Nói đến “khả năng kiểm soát” trong những đoạn Kinh ấy là nói đến thiện pháp đã được phát triển ở mức độ cao.
Robert: Tôi có một ý kiến là, có thể trong bản Pāli của đoạn kinh Pháp cú vừa rồi, từ được sử dụng có thể là từ jayati, và nó bao gồm hai loại: Loại thứ nhất lấy 40 đề mục làm đối tượng, loại thứ hai lấy pháp sinh khởi trong khoảnh khắc hiện tại làm đối tượng, tức là nói đến hai sự phát triển tâm trí là phát triển minh sát(vipassana) và phát triển an tịnh(samatha).
Nina: Tôi đã kiểm tra bài kinh này bằng tiếng Pāli, và trong bản tiếng Pāli, từ “thiền” được dịch từ bhāvanā, tức là sự phát triển tâm trí như ông Jonothan đã nêu ra.
Sarah: Và đoạn sau đó, cũng trong kinh Pháp cú, quả có nói đến từ “thực hành”. “Thực hành” ở đây, như ý kiến của ông Robert, là nói đến hai loại phát triển tâm lý: sự phát triển samathavà vipasanā. Như chúng ta đề cập nhiều ngày nay, phát triển tâm trí không phải là một người nào đó làm một cái gì đó, mà chỉ đơn thuần là sự phát triển của hiểu biết sinh khởi do duyên, với những đối tượng khác nhau và ở những mức độ tuệ giác khác nhau.
Như Achaan Sujin đã nhấn mạnh nhiều lần, tất cả những gì chúng ta đọc trong Kinh điển cần phải được hiểu đó là các pháp, các thực tại. Tuy nhiên trong quá trình dịch thuật, phụ thuộc vào hiểu biết riêng của mỗi người dịch, những ngôn từ, thuật ngữ khác nhau được sử dụng, do đó có thể đưa đến những cái hiểu khác nhau.
Pháp đàm tại Đà lạt, sang ngày 12/05/2015
Achaan Sujin: Sự khác biệt giữa đi tới trường thiền và không đi tới trường thiền là gì?
Người hỏi: Qua nhiều lần được học, con thấy không cần phải đi trường thiền, vì ở đâu cũng có thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm.
Achaan Sujin: Có thật không?
Người hỏi: Theo hiểu biết của con, sự khác nhau giữa việc đi đến trường thiền và không đi đến trường thiền là: những người bình thường khi ở trong trường thiền họ có thể giữ được im lặng…
Achaan Sujin: Tôi nghĩ chúng ta không thể nói về người khác được, hãy nói về bản thân bạn. Bạn có đi tới trường thiền không?
Người hỏi: Không, con thì chưa đi tới đó. Tuy nhiên con có tham gia vài khóa thiền nhưng trong thời gian rất ngắn
Achaan Sujin: Bạn thu được điều gì từ đó?
Người hỏi: Con chẳng thu được hiểu biết gì cả.
Achaan Sujin: Như vậy bạn tới đó không để làm gì cả. Ý tôi là không hữu ích, bởi vì thông thường hàng ngày, chúng ta cũng không thu được gì, các thực tại thì không ngừng sinh và diệt do duyên, và không có hiểu biết nào sinh khởi. Vì vậy, thời gian nào không có hiểu biết là thời gian không hữu ích.
Người hỏi: Nhưng chúng ta có thể im lặng ở đó. Ở ngoài đời, chúng ta nói rất nhiều chuyện vô ích. Với thói quen ngoài đời, khi đến trung tâm thiền, chúng ta có thể học được cách im lặng và nghe, tôi nghĩ cũng đáng quý.
Achaan Sujin: Phải có sự khác biệt giữa ở trường thiền và ở đây.
Người hỏi: Đúng vậy, rất khác nhau. Bởi vì ở đây chúng ta thảo luận về các thực tại, thì khác với việc chúng ta trao đổi những việc trong đời thường, những việc không liên quan đến thực tại. Và pháp đàm, trung tâm thiền và cuộc sống hàng ngày là ba điều khác nhau.
Jonothan: Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khi chúng ta ở trong một hội chúng như thế này, ở một thời điểm cũng chỉ có một người nói thôi, tất cả những người khác về cơ bản là giữ im lặng và lắng nghe. Bạn nói rằng, khi tới trường thiền thì sự khác biệt là ở chỗ họ im lặng và tập cách lắng nghe. Còn Achaan Sujin thì đang nói là phải có sự khác biệt giữa nghe và im lặng ở trường thiền và sự lắng nghe ở đây.
Người dịch: Khi bà nói, phải có sự khác biệt giữa ở đây và trường thiền, thì từ ở đây là để nói về cuộc sống hàng ngày, có đúng không ạ? [Achaan Sujin gật đầu]
Achaan Sujin: Chúng ta nói về Bốn Dự lưu phần, việc thân cận thiện trí thức (kalyāṇa-mitta– cũng còn được dịch là thiện bạn hữu– VDH) là để đạt được mục đích gì? Điều đó sẽ dẫn tới việc đi tới trường thiền hay không đi tới trường thiền?
Người hỏi: Theo con hiểu, thiện trí thức là những khoảnh khắc thiện, vì vậy chúng ta cũng phải có hiểu biết thì mới có thể biết được đâu là thiện trí thức.
Achaan Sujin: Vậy ai là thiện trí thức?
Người hỏi: Chính là kusala citta(tâm thiện)
Achaan Sujin: Đức Phật là thiện trí thức tốt nhất của tất cả mọi người, đúng không?
Người hỏi: Đúng ạ.
Achaan Sujin: Hiểu biết về các thực tại, về các pháp, đó là điều quý giá nhất của cuộc đời mỗi người, những gì bạn có và sở hữu trên cuộc đời này sẽ biến mất, nhưng hiểu biết thì được tích lũy.
Người hỏi: Có sự tích lũy, nhưng không phải tất cả mọi người đều tích lũy được.
Achaan Sujin: Mỗi khoảnh khắc của hiểu biết sinh khởi và diệt đi làm duyên cho khoảnh khắc khác tiếp tục lắng nghe suy xét và hiểu thêm, trên nền tảng đó lại tiếp tục làm duyên cho những hiểu biết khác, đó chính là cách để hiểu được tích lũy. Thiện trí thức thực sự là người có thể chia sẻ với người khác về thực tại, để người ấy có thể có hiểu biết nơi chính tự thân mình, vì vậy hiểu biết đó sẽ không thể bị đánh mất bởi bất cứ ai. Trong Tam Tạng có nói rằng, chỉ có những người trung thực thì mới có thể có được trí tuệ. Nếu không có sự trung thực sẽ không thể có được hiểu biết đúng. Sự trung thực hiện giờ là trả lời chân thật vào câu hỏi: liệu có ai biết một cách đúng đắn về những gì đang xuất hiện hiện giờ hay không? Ta sinh ra trong vô minh và cứ tiếp tục với vô minh và dính mắc nếu không biết được sự thật của cuộc sống này. Có đúng như chúng ta nói, rằng chúng ta sống và làm mọi việc trong cuộc đời này trong vô minh không? Vô minh không hiểu gì cả, đó là tính chất của nó. Nếu có vô minh sẽ không có hiểu biết đúng về những gì xuất hiện qua mắt, qua tai, qua lưỡi, qua mũi, qua thân trong suốt cả ngày. Pháp rất thâm sâu, có đúng không? Có ai có thể làm thay đổi tính chất của Pháp trở thành không thâm sâu được không? Mỗi thực tại thì không thể thay đổi, nhưng chúng có thể được xuyên thấu bởi Đức Phật.
Đức Phật không nên chỉ là người mà chúng ta đảnh lễ và bày tỏ sự cung kính mà không tìm hiểu về những gì Ngài dạy. Chúng ta đã cung kính Đức Phật đủ chưa? Dù chúng ta có dâng cả thế giới này cho Ngài thì cũng không đủ sự cung kính với ngài. Mỗi lời dạy của Đức Phật đều tới từ chính sự giác ngộ của Ngài, và sự giác ngộ đó chỉ có thể đạt được sau một thời gian vô cùng dài. Không biết đã từng bao nhiêu kiếp chúng ta sống trong vô minh, và sẽ còn tiếp tục như vậy bao nhiêu kiếp nữa, nếu không có sự phát triển hiểu biết đúng. Sự tôn kính lớn nhất với Đức Phật là lắng nghe Giáo lý của Ngài với sự tôn trọng sâu sắc. Không ai có thể hiểu được hết những gì mà Ngài đã dạy trong quá trình 45 năm giáo hóa chúng sinh. Mỗi từ sâu sắc đến mức phải được nghe, nghiên cứu và tiếp tục nghe, để thấy được sự vi tế của sự thật, đó là cách duy nhất để có thể tận diệt được vô minh, nếu không thì sẽ là với dính mắc.
Mỗi lời dạy của Ngài đều làm duyên cho sự xả ly, chẳng hạn như từ “pháp”, nó là một thực tại, nó sinh khởi, mỗi khi sinh khởi nó có thể xuất hiện. Chẳng hạn một từ nữa, loka–thế giới, bạn có biết từ này không?
Người hỏi: Có ạ
Achaan Sujin: Vậy thế giới là gì?
Người hỏi: Thế giới có nghĩa là cuộc sống hàng ngày.
Jonothan: Câu trả lời của bạn là về lokya (nghĩa là thế gian, đối lập với siêu thế gian– lokuttara –VDH), nhưng Achaan Sujin đang hỏi về loka, có nghĩa là thế giới.
Sarah: Tất cả các pháp hiện giờ như thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, đối tượng thị giác, v.v. thì đều là thế giới-loka dhamma. Thông thường khi ta nói đến thế giới, ta nghĩ về con người, vạn vật và cây cối. Thực chất, ở mỗi khoảnh khắc, có một thế giới xuất hiện. Ở khoảnh khắc cái thấy, chỉ có nhãn thức và đối tượng thị giác. Ở khoảnh khắc cái nghe, chỉ có nhĩ thức và âm thanh. Cái thấy ở trong một trường thiền hay ở đây, hay khi ta đang làm công việc hàng ngày của mình thì vẫn chỉ là cái thấy mà thôi. Ở khoảnh khắc của cái thấy, cái được thấy duy nhất vẫn chỉ là đối tượng thị giác. Bất kể chúng ta ở đâu vẫn không hề có sự khác biệt, cái được thấy vẫn chỉ là đối tượng thị giác. Dù chúng ta ở trong một khóa tu hay ở đây thì cái nghe vẫn là như vậy, nó chỉ nghe âm thanh. Dù ta có nói hay im lặng thì, ở trong thành phố hay trong khu rừng, ở khoảnh khắc của nhĩ thức vẫn chỉ có âm thanh được nghe. Đó là ý nghĩa thực sự của từ “thế giới” – loka, chỉ có một thế giới ở một thời điểm mà thôi.
Những gì mà chúng ta học được từ Giáo lý của Đức Phật, đó là Ngài dạy để chúng ta có thể sống với một thế giới ở một thời điểm mà thôi. Dù chúng ta sống ở nơi thành thị, trong một trường thiền hay một nơi nào đó khác, nếu có khoảnh khắc hiểu biết thực sự về đối tượng thị giác khi nó xuất hiện thì nơi đó có sự độc cư. Bởi vì ở khoảnh khắc đó, không có sự dính mắc, khi đó có hiểu biết về đối tượng thị giác và vì vậy không có sự dính mắc vào cái được kinh nghiệm. Có hiểu biết đúng về cái được kinh nghiệm là ý nghĩa thực sự của từ độc cư-sống một mình. Chỉ bằng việc học hỏi để có thể có được hiểu biết đúng về khoảnh khắc hiện tại thì mới là độc cư thực sự, dù chúng ta ở một mình hay ở với người khác. Đó là một tiến trình rất dài, nhưng chỉ bằng cách hiểu ý nghĩa thực sự của từ “thế giới” thì dần dần mới có thể có sự vun bồi trí tuệ đưa tới khoảnh của siêu thế gian.
Bất cứ khi nào ta nghĩ đến một nơi khác, ở một môi trường khác, ở thời điểm khác, thì khi đó không có sự độc cư, vì ở khoảnh khắc đó không có sống một mình với pháp, mà ta gọi là “thế giới”.
Jonothan: Tôi muốn kết nối giữa câu hỏi của Achaan Sujin về sự khác biệt giữa việc đi tới hay không đi tới trường thiền với bốn yếu tố của giác ngộ, hay bốn Dự lưu phần (1. Thân cận bậc thiện trí; 2. Nghe Chánh Pháp; 3. Suy xét chân chánh (như lý tác ý); 4. Thực hành tuỳ pháp – VDH). Một người đi tới trường thiền có thể có ý nghĩ rằng họ tới đó với ý định làm cái gì đó đặc biệt để khiến cho tiến trình hiểu biết diễn ra nhanh hơn, hoặc ít ra là để tạo duyên cho tiến trình của sự phát triển hiểu biết. Chính vì vậy, đối với người này, yếu tố thứ tư – thực hành tùy pháp, sẽ có nghĩa là “làm một cái gì đó để có sự hiểu biết”. Người không đi tới trường thiền thì nhận ra rằng hiểu biết sinh khởi do duyên, không phải do một tự ngã nào cả. Và người ấy cũng biết rằng nó sinh khởi do duyên của ba yếu tố đã nói tới trước đó. Đối với người này, ý nghĩa của cụm từ “thực hành tùy pháp” sẽ là: “khoảnh khắc của trí tuệ cùng chánh niệm sinh khởi”, và nó sinh khởi một cách tự nhiên.
Pháp đàm tại Đà lạt, sang ngày 13/05/2015
Cô tu nữ: Tôi đã tham dự pháp đàm được vài lần. Bà thường nhắc chúng tôi về cái thấy và cái nghe. Với tôi khi học về cái thấy và cái nghe, không có ai ở đó cả. Đôi khi tôi nhận được sự vô minh ở ngay tại đó. Vì thế, tôi vui vì nhận ra được cái vô minh, cái không hiểu biết của mình. Đó là lý do khi nghe nói đến pháp đàm của bà thì tôi phải sắp xếp để tham dự, mặc dù tôi chưa nhận ra được những thực tại, nhưng tôi cũng thấy được những vô minh của mình. Nhưng tôi thú thật là mặc dù nghe những lời giảng của bà, tôi vẫn thích đi tới các trung tâm thiền. Biết rằng đó là những dính mắc của mình, một thái độ chưa đúng, nhưng tôi vẫn thích tới đó, vì tôi thấy ở đó những lời dạy của bà vẫn có thể áp dụng trong mắt thấy, tai nghe.
Sarah: Tôi rất trân quý sự chân thực khi ai đó thừa nhận còn rất nhiều vô minh ở khoảnh khắc này. Như Achaan Sujin thường nhấn mạnh, cần rất nhiều sự dũng cảm và trung thực để có thể nhận ra rằng còn rất nhiều vô minh. Chính do vô minh cho nên có rất nhiều dính mắc trong cuộc sống, và những sự chấp thủ đó tạo nên sự phức tạp, khó khăn trong cuộc đời của mình.
Hôm qua chúng ta cũng nói đến chấp thủ. Có bốn loại thủ khác nhau: Loại thứ nhất, dục thủ (kamupadana), đó là sự chấp thủ vào ngũ dục không kèm tà kiến. Chẳng hạn hiện giờ có cái thấy, có đối tượng thị giác, và ngay lập tức có sự dính mắc vào cái được nhận biết, chẳng hạn màu sắc hay hình dạng của bông hoa. Những khoảnh khắc dính mắc như vậy chỉ đơn thuần là sự dính mắc vào đối tượng ngũ dục mà không nhất thiết có tà kiến ở trong đó. Nhưng ba loại chấp thủ còn lại đều liên quan đến tà kiến.
Loại thủ thứ hai là kiến thủ (ditthupadana), đó là sự chấp thủ vào những tà kiến, những hiểu biết sai lệch, ví dụ như “không có nghiệp và quả của nghiệp”, hay vào cái hiểu sai về những khía cạnh khác nhau của Giáo lý.
Loại thủ thứ ba: giới cấm thủ (silabbatupadana),đó là sự chấp thủ vào những sự thực hành sai trái. Một ví dụ, chẳng hạn khi ta cho rằng, bằng việc nhắm mắt và cố gắng tập trung vào một đối tượng nào đó – chẳng hạn tập trung vào hơi thở, và chỉ cần như vậy có thể đưa tới trí tuệ.
Cũng có những sự thực hành sai, rất vi tế ở ngay khoảnh khắc này. Chẳng hạn hiện giờ trong lúc chúng ta được nghe rằng, cái được thấy chỉ là đối tượng thị giác mà thôi, liệu có sự cố ý hay biết đối tượng thị giác hay không? Hay trong lúc nghe rằng cái được xúc chạm chỉ là đặc tính cứng mà thôi, liệu ở khoảnh khắc đó có cố tình nắm bắt đặc tính cứng hay không? Hoặc có thể sẽ đặt tên, gọi đó là đặc tính cứng, và nghĩ rằng bằng cách ấy chánh niệm sẽ sinh khởi. Tất cả những hình thái đó đều là những hình thái vi tế khác nhau của giới cấm thủ. Như vậy, mặc dù chúng ta nghĩ rằng có thể có một vài hiểu biết, thực chất vẫn có rất nhiều sự dính mắc và chấp thủ, liên tục xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, không nhất thiết là đến những nơi như trường thiền thì mới có giới cấm thủ.
Loại thủ cuối cùng, ngã kiến thủ (attavadupadana), là sự chấp thủ cho rằng có một tự ngã hay một chủ thể thực sự hiện hữu. Có những thứ ở bên ngoài thân như cái bàn chẳng hạn, nếu có chấp thủ, cái được kinh nghiệm qua sự xúc chạm bị coi thực sự là một cái bàn, chứ không phải chỉ là đặc tính cứng. Hoặc cho rằng cái được nhận biết qua mắt vốn chỉ là đối tượng thị giác thực sự là một cái gì đó.
Cách thức duy nhất để có thể hiểu được cái loại chấp thủ khác nhau đó chính là những gì sinh khởi ở khoảnh khắc hiện tại. Như chúng ta đã nói, cái thấy ở đây hay cái thấy ở trường thiền là như nhau, nó chỉ thấy đối tượng thị giác mà thôi. Những gì có thể được biết hiện giờ, chẳng hạn như tham ái hay sân hận, hay bất cứ trạng thái hay tính chất nào đó hiện khởi, cũng có thể được nhận biết khi chúng ta trở về với cuộc sống của mình, đi làm, hay bên gia đình, hay khi chúng ta ở trong trường thiền, vậy thì bất cứ những gì chúng ta đọc đều phải hiểu rằng đó chỉ là lời mô tả về những pháp sinh khởi trong khoảnh khắc hiện tại có thể được nhận biết, chứ không phải ở nơi nào khác hay lúc nào khác.
Cô tu nữ: Con cũng đã nghe nhiều lần rồi và biết rằng cách của bà là không chọn lựa nơi chốn, thực tại xảy ra mọi lúc mọi nơi, ngay lúc này. Mỗi lần nghe Pháp đàm của bà, tôi về đều nghe để hay biết về thực tại đang diễn ra nơi mình, nhưng hay biết chút rồi nó lại mất đi. Vì trong cuộc sống thường ngày mình vẫn chưa tập để thành thói quen, nên nó cứ bị gián đoạn nhiều hơn là mình nghe biết trong thực tại. Khi đến một trung tâm thiền, thì việc duy nhất tôi phải làm là hay biết cái thực tại đó thôi, không có gì phải bị chi phối hết. Ở những trung tâm thiền, ngày xưa tôi không hiểu về vô thường thay đổi của thực tại. Tôi hiểu về sự thay đổi vô thường cho nên bớt đi những dính mắc và ràng buộc, những dính mắc đó giảm dần trong sự quan sát các thực tại đó. Từ những trung tâm thiền thì tôi mới hiểu ra. Tôi đến đó chỉ duy nhất việc là hay biết thực tại thôi, tôi thấy, sau khi học ở các buổi pháp đàm của Bà về, thì việc đi đến trung tâm thiền thì đã khác hơn, để hay biết về thực tại không giống như những lần trước tôi đi đến trường thiền.
Khi tôi đến trường thiền, việc duy nhất tôi phải làm ở đó là hay biết về thực tại, do vậy ở đó có những hiểu biết về vô thường và hiểu rằng mọi thứ đều thay đổi, chúng ta không thể điều khiển gi cả, vì thế mà sự dính mắc được giảm bớt. Tôi thấy rằng thái độ sinh khởi để đi đến trung tâm thiền đã trở nên tự nhiên hơn trước đây.
Achaan Sujin: Thế còn những nơi khác thì sao? Khi đến những nơi khác thì bớt đi dính mắc hay là nhiều dính mắc hơn?
Cô tu nữ: Những nơi khác thì tôi không nghĩ đến, mà tôi nghĩ đến trường thiền để hay biết về thực tại, thì khi đó có sự dính mắc. Nhưng sự dính mắc đó đã sanh và diệt mất rồi, cho nên không nhất thiết là lúc nào sự dính mắc (vào việc đi đến trường thiền) cũng có ở đó.
Achaan Sujin: Như vậy vẫn có ý niệm về “tôi” ở đó, có đúng không?
Cô tu nữ: Đúng vậy
Achaan Sujin: Giáo lý của Đức Phật thì có thể làm duyên cho sự dính mắc không?
Cô tu nữ: Không
Achaan Sujin: Vậy thì những gì làm duyên cho sự dính mắc thì không phải là Giáo lý của Đức Phật.
Cô tu nữ: Vì tôi vẫn là người phàm phu, nên không thể tránh khỏi những dính mắc, nhưng nó có sanh thì nó sẽ diệt, chứ không phải sự dính mắc đó có thì sẽ có hoài, khi đã có ở khoảnh khắc đó, khi mình quan sát và nhận ra thì nó đã xảy ra lúc đó. Mình vẫn hành động và hay biết theo tự nhiên, tuy nhiên có sự vô minh ở đó thì bất cứ ở đâu cũng vậy, với ý niệm và mình muốn hay không muốn đi đến trường thiền, thì cái vô minh, cái ý niệm về tôi cũng có ở đó.
Achaan Sujin: Thế còn về dính mắc muốn đi tới trường thiền thì sao?
Cô tu nữ: Dính mắc đó sinh và diệt, những tâm sau đó cũng sinh khởi bởi duyên, thì sao?
Achaan Sujin: Nếu chỉ có tác ý đi đơn thuần mà thôi, thì nó có thể đi bất cứ đâu, chứ không phải chỉ đi tới trường thiền, đúng không?
Cô tu nữ: Con hiểu ý bà, vậy là sự dính mắc vẫn còn ở đó, vì sao mà tôi lại tiếp tục muốn tới đó.
Jonothan: Ngày hôm qua Achaan Sujin có đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa người muốn đi tới trường thiền và người không muốn đi tới trường thiền, và chúng ta có thảo luận về những ý niệm khác nhau về thực hành và về việc muốn đạt tới một kết quả nào đó. Chúng ta nói rằng những người muốn đi tới trường thiền có ý nghĩ rằng đó là những nơi cho họ kỹ thuật và những điều kiện để giúp họ đạt được kết quả nhanh chóng hơn. Tôi rất trân quý việc cô nói rằng, việc đi đến trường thiền rất tự nhiên đối với cô. Tuy nhiên, chúng ta cần cảnh giác với những điều mà Achaan Sujin thường nhắc nhở: đó là động cơ ẩn giấu. Bởi vì, mặc dù chúng ta có thể tự bảo với mình rằng, mình làm thế này là tự nhiên thôi, nhưng chúng ta không nhận thấy được động cơ bị ẩn giấu ở đằng sau, hoặc chúng ta không muốn thừa nhận. Và có thể chúng ta cảm thấy hơi nản chí bởi diễn tiến chậm chạp của những tiến bộ của mình. Chúng ta nghĩ rằng, nếu mình không làm thêm vài bước tích cực nào đó, sự tiến bộ trong tu tập sẽ rất chậm chạp.
Trong Kinh điển, Đức Phật nói rằng kham nhẫn là hình thức khổ hạnh tối thượng nhất, apati. Ý của câu đó nghĩa là, cách tốt nhất để thực hành khổ hạnh, hay bất cứ sự thực hành nào đó, là kham nhẫn, và có một niềm tin vững vàng rằng, nhân đúng sẽ đưa tới quả đúng trong dài hạn.
Sarah: Hoàng hậu Malika, khi được hỏi cái gì là thân thương nhất trong cuộc đời của mình, đã trả lời: đó chính là bản thân mình. Từ khi chúng ta thức dậy, luôn luôn có sự dính mắc với những gì được kinh nghiệm, với những cảm thọ, và luôn tìm kiếm những gì mình muốn thấy, muốn nghe, muốn kinh nghiệm, kể cả khi chúng ta đã có tất cả những gì mình muốn có rồi. Cũng vậy, khi chúng ta cố gắng hay biết, cố gắng chánh niệm thì khi đó vẫn còn sự dính mắc vào bản thân mình. Bởi nó bị thúc đẩy bởi ý nghĩ “không biết chánh niệm của mình có ít quá so với người khác không”, hay bởi mong muốn có thêm chánh niệm và hiểu biết cho bản thân. Chính vì sự dính mắc rất mạnh mẽ vào bản thân mà ta tìm những phương thức khác nhau để đạt tới kết quả, và trên thực tế, nó chính là ba hình thái của chấp thủ – kiến thủ, ngã thủ và giới cấm thủ.
Do dính mắc và tà kiến, kết quả sẽ trái ngược với những gì mà ta mong muốn, vì dính mắc thì không thể mang tới kết quả đúng. Tất cả những nỗ lực để hay biết, cố gắng chánh niệm, v.v…, sẽ làm duyên cho càng thêm sự thực hành sai và thêm sự dính mắc. Chánh niệm cùng với trí tuệ phải được phát triển với sự xả ly chứ không phải với sự dính mắc. Một khi hiểu biết đã bắt đầu được phát triển thì một cách tự nhiên nó sẽ càng được tăng trưởng, chứ không phải do nỗ lực cố gắng có thêm nó. Cố gắng để có thêm chánh niệm, cố gắng để có thêm trí tuệ sẽ tạo hiệu ứng ngược lại.
Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều phiền não, sân hận, dính mắc, những khoảnh khắc của vô minh, nhưng tất cả những khoảnh khắc đó, những trạng thái đó đều có thể trở thành đối tượng của hiểu biết. Chúng có thể trở thành đối tượng của hiểu biết một cách tự nhiên, nhưng nếu ta cố đi theo một phương pháp thực hành cụ thể nào đó, nó sẽ dễ dàng dẫn tới một sự thực hành sai trái, giới cấm thủ, và đưa chúng ta xa con đường Chánh Đạo.
Cô tu nữ: Hôm nay tôi muốn trình bày thực sự mọi điều. Đôi khi tôi nghĩ, có thể bà hay cô Sarah không đến các trường thiền, cho nên quý vị có thể không biết được các vị thiền sư dạy như thế nào. Ban đầu, những thiền sinh mới tới thường có thái độ không đúng, có những vô minh và chấp thủ rất nhiều. Nhưng do được các vị thầy ở đó chỉ dạy phương pháp, từ từ đến lúc họ cũng có được trạng thái tâm quân bình thực sự, chứ không phải lúc nào cũng là chấp thủ và dính mắc. Theo tôi hiểu, trí tuệ khởi sanh trong những trạng thái mà ngũ căn hay ngũ lực quân bình. Tôi cảm nhận, những lời bà dạy không khác gì những điều tôi đã được học trong các trung tâm thiền. Cho nên giờ đây được nghe thêm những điều bà giảng thì tôi càng thấm thêm nữa, hiểu thêm nữa.
Tôi không nghĩ mình tìm kiếm cái gì khi tới trường thiền, nhưng cuộc sống thường ngày khiến tâm tôi luôn bận rộn. Nhưng khi ở trung tâm thiền, tôi thấy mình quân bình hơn và dễ dàng thấy các đối tượng mà không có trông chờ để đạt được hay xả bỏ cái gì. Tuy nhiên, ở các trường thiền có dạy về chánh kiến nhưng không mở rộng và sâu sắc như bà dạy. Họ cũng chỉ cho thiền sinh bỏ cái tôi, cái ta, do đó có thể nhận ra và giảm bớt, không dính mắc vào những ràng buộc đó. Còn bà thì chỉ rõ, chánh niệm –satilà phải đi kèm với trí tuệ mới được gọi là chánh, và không thể nào có chánh niệm sinh khởi liên tục được. Tôi hiểu điều đó nhưng để làm theo lời Bà dạy thì quả thật là khó và mênh mông quá.
Sarah: Như Achaan Sujin đã nói, khi những ý niệm về ngã, về tôi chắn ngang thì mọi thứ sẽ trở nên khó khăn.
Jonothan: Điều tôi được nghe từ cô, có vẻ ý cô nói rằng, ở trường thiền thì có sự cân bằng hơn và chánh niệm sẽ được liên tục hơn? Vậy thì dù chúng ta không thừa nhận, thì ở đó vẫn có sự mong đợi kết quả.
Cô tu nữ: Tôi đồng ý như vậy, nhưng dù ở trường thiền với (cái ngã) mong đợi kết quả nào đó, thì vẫn hơn là trong đời sống bình thường cũng có đầy rẫy vô minh và những cái ngã nằm ở đó.
Jonothan: Chúng ta hãy quay về với câu hỏi của Achaan Sujin ngày hôm qua, đâu là sự khác biệt giữa hai nơi, và nơi nào sẽ mang lại kết quả hơn. Bởi vì chúng ta đã nói rằng đối tượng thực sự của chánh niệm cùng với trí tuệ phải là pháp chân đế sinh khởi trong khoảnh khắc hiện tại. Khi chánh niệm thực sự sinh khởi, ở khoảnh khắc đó đã có sự cân bằng, chứ không phải theo cái ngược lại, là tạo ra sự cân bằng trước rồi sau đó mới có chánh niệm. Hiện giờ có cái thấy và đối tượng thị giác xuất hiện, cái nghe và âm thanh, nếu một trong những đối tượng đó được nhận biết với chánh niệm thì nơi đó đã có sự cân bằng ngũ căn. Không cần phải có cố để khiến điều đó xảy ra, mà nó xảy ra một cách tự nhiên. Chánh niệm tự nhiên này sẽ không thể sinh khởi khi ta cứ cố gắng tạo ra một bối cảnh, hay một nỗ lực nào đó để làm cho nó sinh khởi.
Achaan Sujin: Thế nào là sự cân bằng, thế nào là hiểu biết?
Cô tu nữ: Khi có sự hiểu biết thì có sự cân bằng
Achaan Sujin: Nếu như vậy thì không ai có thể dạy người khác tạo sự cân bằng, đúng không? Nếu không có hiểu biết thì sẽ không có sự cân bằng. Liệu có ai có thể dạy người khác cân bằng các ngũ căn, hay khi hiểu biết đúng sinh khởi thì nó sẽ làm cho ngũ căn cân bằng? Chính vì vậy, Đức Phật đã dạy trong 45 năm một cách rất chi tiết. Những điều ngài dạy đều đưa tới sự xả ly chứ không đưa tới sự dính mắc. Khi hiểu biết về các thực tại đã được tròn đủ, một cách rất tự nhiên nó sẽ tạo duyên cho chánh niệm sinh khởi, và ở khoảnh khắc của chánh niệm sinh khởi một cách tự nhiên như vậy, trí tuệ sẽ hiểu một cách rõ ràng rằng tất cả các pháp đều là vô ngã. Ta vẫn chưa biết được mình đã là nô lệ cho sự dính mắc và vô minh trong suốt bao nhiêu a-tăng- kỳ kiếp rồi. Nếu không có sự lắng nghe và suy xét Giáo lý một cách cẩn thận, kỹ lưỡng, sẽ không thể có được chánh niệm cùng với trí tuệ sinh khởi hiểu được đặc tính của chánh niệm và trí tuệ.
Trước khi được nghe Giáo lý của Đức Phật, có ai biết được rằng mình đang ở trong bóng tối của vô minh và dính mắc? Phải nhắc lại để chúng ta đừng quên rằng, ngay sau khi Đức Phật giác ngộ, ngài không hề nghĩ đến việc giáo hóa chúng sinh mà chỉ chiêm nghiệm sự thâm sâu của những pháp mà ngài đã chứng ngộ. Những pháp mà Ngài đã chứng ngộ đó hiện giờ đang là gì? Tất cả đều là pháp, nhưng ai biết được điều đó? Nếu không có ánh sáng của Giáo lý thì hoàn toàn là bóng tối. Trước khi mặt trăng hay mặt trời chiếu rọi, đầu tiên phải có những ánh sáng rất mờ nhạt. Vậy làm sao ai có thể khiến trí tuệ soi sáng ngay lập tức thực tại một cách rõ ràng được, để hiểu rằng đó không phải là tôi, không phải là một thứ gì cả, mà chỉ là các pháp mà thôi. Pháp vô cùng đa dạng và không ai có thể mong đợi cái gì sẽ trở thành đối tượng của trí tuệ. Vì vậy, ta cần phải nghiên cứu từng từ một của Giáo lý. Sự sâu sắc cũng như vi tế của mỗi một thực tại, mỗi pháp ở ngay trong chính khoảnh khắc này. Chúng ta chỉ có một đức Bổn sư, duy nhất một vị thầy, đó là Đức Phật. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy được Đức Phật nếu không hiểu rõ từng từ của ngài, và mỗi một từ thì thống nhất với toàn bộ những từ còn lại trong Giáo lý, vô ngã phải là vô ngã. Ở mỗi thời điểm có một ý niệm về “tôi” làm một cái gì đó, khi đó không có vô ngã.
Chúng ta cần phải nói rằng, một số điểm trong Giáo lý cần thời gian rất dài để có thể hiểu rõ hơn, chẳng hạn, chỉ một từ thôi, từ thủ- upādāna. Thủ hay sự dính mắc có nghĩa là gì? Nó sâu tới mức nào, nó dầy tới mức nào, nó to lớn chừng nào? Như hiện giờ đang có cái thấy và có ai biết rằng đang có sự chấp thủ vào cái thấy không? Chừng nào không có cái hiểu về cái thấy thì chắc chắn sẽ có sự chấp thủ vào cái thấy. Liệu ai có thể ngăn sự dính mắc ấy sinh khởi không? Vì không có sự hiểu biết, mà vô minh thì làm sao có thể ngăn chặn sự sinh khởi của nó được. Mặc dù nó đang có ở đó nhưng chẳng ai biết được về nó. Hiện giờ có phải chỉ có một khoảnh khắc của cái thấy không? Có rất nhiều khoảnh khắc của cái thấy, mặc dù dường như chỉ có một sự thấy liên tục mà thôi, nhưng có vô số khoảnh khắc của cái thấy liên tục tiếp nối nhau, cái này diệt đi thì có cái khác sinh khởi. Có biết bao nhiêu vô minh đã sinh khởi từ bấy giờ, không chỉ vô minh tại khoảnh khắc của cái thấy, mà đó là vô minh của sự tích lũy từ vô thủy cho tới giờ, nếu không có hiểu biết đúng thì không ai biết được. Ai có thể tạo nên sự cân bằng ngũ căn để có thể kinh nghiệm điều đó? Nếu không có những lời dạy của Đức Phật, ta không thể nhận được ra rằng ta hoàn toàn sống trong thế giới của vô minh và tham ái.
Pháp đàm tại Nha Trang, sang ngày 20/05/15
Người hỏi: Câu hỏi của con liên quan đến việc ngồi thiền. Con biết rằng sự suy xét về các thực tại thì dù ở đây hay ở trong tường thiền hay trong rừng đều như nhau. Nhưng với thực tế của con,…
Sarah: Trước tiên tôi muốn hiểu rõ hơn ý của anh khi anh nói đến thiền.
Người hỏi: Thiền là sự phát triển hiểu biết. Còn việc ngồi chỉ là một trong những tư thế và giúp mình tránh buồn ngủ.
Sarah: Nếu ta suy xét về “bhāvanā” mà Đức Phật đã dạy, thực chất nó không giống với những gì mà ngày nay chúng ta vẫn hay nghĩ về nó, ví dụ như ngồi ở một tư thế, tập trung vào một đề mục hay đến một nơi nào đó tham gia khóa tu tích cực. Từ bhāvanā, mà ta dịch là thiền, thực chất là sự phát triển tâm trí. Sự phát triển tâm trí hay phát triển hiểu biết mà đức Phật đã dạy bao gồm hai loại: samatha–phát triển sự an tịnhvà vipassana–phát triển hiểu biết thực tại như nó là. Các bạn chắc đã đọc nhiều trong Kinh điển, bạn cũng biết rằng chỉ ở khoảnh khắc của thiện tâm cùng với trí mới gọi là bhāvanā. Như chúng ta vừa nói, những tình huống như đi đến chùa, đi ra biển đều là những câu chuyện dài mà trong đó có nhiều loại tâm khác nhau: có tâm quả, tâm thiện, tâm bất thiện… Không thể khẳng định trong một tình huống như thế luôn luôn là thiện hay bất thiện.
Jonothan: Khi ai đó hành thiền, dù ở nhà hay ở trung tâm thiền, thông thường việc ấy được tiến hành với mục tiêu là để có thêm thiện pháp. Như vậy ở đó có mong cầu đạt được kết quả và cũng có cả sự mong chờ kết quả xảy ra. Động cơ đó sẽ chi phối tất cả những gì xảy ra trong cả quá trình thực hành. Sẽ có cố gắng để có thiện pháp, cố xem liệu đã có thiện pháp hay chưa, có sự đánh giá phán xét nhiều về điều ấy… Hiện giờ chúng ta có biết có thiện pháp đang sinh khởi hay không? Hiện giờ ta có thể phân biệt được khoảnh khắc của tâm thiện và khoảnh khắc có sự dính mắc vi tế hay không? Nếu không phân biệt đâu là khoảnh khắc của thiện pháp, đâu là khoảnh khắc bất thiện pháp trong cuộc sống hang ngày, chắc chắn chúng ta cũng sẽ không thể phát triển được chánh niệm trong trường thiền hay khóa thiền tích cực. Một điều quan trọng hơn nữa là, luôn có các pháp làm đối tượng cho sự phát triển hiểu biết, đặc biệt là hiểu biết về đặc tính vô ngã của các pháp. Chúng ta nên nhận thức rằng, sẽ không thể có kết quả khi ta cố đạt được điều gì đó một cách nhanh chóng.
Người hỏi: Tiếp nối sự phân tích này, việc mọi người ngồi thư giãn trên ghế hay ngồi thiền nhắm mắt, mà xét về thực tại đều là tâm và sắc do tâm sinh – hay thân biểu tri, cũng đều do tích lũy từ rất nhiều kiếp, vì thế người này muốn ngồi theo cách này và người khác ngồi theo cách kia. Qua sự truyền tải của quý vị thì con hiểu rằng, quý vị muốn làm rõ động cơ ở đằng sau mỗi hành động, về thiện và bất thiện. Nhờ quý vị giải thích thêm về sắc là thân biểu tri do tâm sinh, vì việc ngồi thế này hay thế kia là do tích lũy của mỗi người.
Achaan Sujin: Với tôi, từng lời của Đức Phật cần phải được tìm hiểu rất thận trọng. Vì ngài là Đức Phật, là bậc giác ngộ. Và chúng ta là ai? Chúng ta mới nghe vài lời thôi mà đã nghĩ rằng mình hiểu hết rồi. Mỗi lời dạy trong Giáo lý của ngài đều chỉ tới thực tại hiện giờ. Ngài dạy mọi người hiểu về cái đang xuất hiện ở khoảnh khắc này. Đừng quên rằng quá khứ đã qua và tương lai chưa tới. Vậy ở khoảnh khắc này, có hiểu biết nào về pháp? Chúng ta đã ở trong thế giới của sự suy đoán từ lâu rồi. Khi nghe từ “pháp”, chúng ta đã lập tức suy đoán việc về phát triển hiểu biết về pháp trong khi không hiểu ý nghĩa thực sự của pháp hiện giờ đang có mặt. Nếu không hiểu về cái hiện giờ đang xuất hiện, làm sao có sự phát triển cao hơn, chẳng hạn cái mà bạn gọi là thiền. Khi đó chỉ là sự mong đợi có được hiểu biết ở nơi nào khác, lúc nào khác chứ không phải bây giờ. Điều ấy có thể xảy ra không?
Chẳng phải từng lời Giáo lý đều là sự thật về những gì đang xuất hiện? Vậy sự thật của cái hiện giờ đang xuất hiện là gì? Nếu không ta sẽ đi tìm Tứ Thánh Đế ở nơi khác mà không hiểu sự thật ở khoảnh khắc này. Khoảnh khắc này chính là sự thật, là Thánh đế mà Đức Phật đã dạy. Dù chúng ta không dùng từ “pháp” thì hiện giờ vẫn đang có các tính chất, các thực tại, dù được diễn tả ở bất cứ ngôn ngữ nào. Kể cả những người không biết được nghĩa của những từ Pali – là ngôn ngữ cổ mà Đức Phật đã dùng, nhưng khi có cái hiểu về tính chất của cái hiện giờ đang xuất hiện, dù được gọi là “pháp” hay không, thì nó vẫn đang có ở đó, có thực và hiện hữu. Bất cứ cái gì là thực hiện giờ, dù diễn tả bằng tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Pali… thì đều là pháp – dhamma. Ở Thái lan có nhiều người đi các tỉnh tây bắc, đông bắc để tìm kiếm pháp. Vì họ không hiểu được ý nghĩa thực sự của từ “dhamma” mà Đức Phật đã dạy trong tiếng Ma kiệt đà, nó có nghĩa là: bất cứ cái gì đang xuất hiện hiện giờ. Hiện giờ đang có cái thấy, nếu không hiểu tính chất của cái thấy hiện giờ thì nghe Giáo lý của Đức Phật hữu ích gì đây? Bất kể bạn cố đi tìm nơi nào đó thì sự thực vẫn chỉ là pháp hiện giờ đang xuất hiện.
Ngôn từ trong Giáo lý sẽ không được hiểu nếu không hiểu về pháp hiện giờ đang xuất hiện. Vậy hãy quên các ngôn từ đi và thấy rằng lúc này có các tính chất, các pháp đang hiện khởi. Thường chúng ta có thể nói hiện giờ có cái thấy, cái nghe, nhưng đó chỉ là ngôn từ thôi, còn hiểu biết về các pháp đang xuất hiện thì sao đây? Hiện giờ cái thấy đang sinh khởi để thấy, ai là người khiến cho cái thấy sinh khởi? Đối tượng được thấy sẽ không thể xuất hiện nếu nhãn thức hay cái thấy không sinh khởi. Liệu điều này có thể dần đưa đến hiểu biết rằng cái thấy là vô ngã, không phải là ai cả, ở ngay khoảnh khắc cái thấy sinh khởi không? Đây chính là điểm mấu chốt về ơn đức của Đức Phật, về sự thanh cao, trí tuệ và lòng từ bi của Ngài dành cho tất cả những người chưa hiểu được về sự thật hiện giờ đang xuất hiện, không riêng một ai trên toàn cõi nhân gian.
Khi đã thực sự hiểu được cốt tuỷ Giáo lý của Đức Phật, ta sẽ không còn nghĩ đến việc phải đến một nơi đặc biệt nào đó, ở một thời điểm nào và làm việc cụ thể gì để phát triển hiểu biết.
Sarah: Quay trở về với câu hỏi của một bạn, ngay hiện giờ trong lúc chúng ta đang ngồi vẫn có những khoảnh khắc thiện và bất thiện. Bất cứ khi nào có thiện tâm đều có sự an tịnh. Như vậy phát triển tâm trí không phải là việc đi đến nơi nào đó, ở trong tư thế ngồi thiền. Nếu ta nghĩ đến việc đi đến một nơi nào khác thay cho hiểu biết về pháp hiện giờ đang xuất hiện, khi đó đang là sự dính mắc, mong cầu.
Jonothan: Vừa nãy tôi có trả lời câu hỏi trước, rằng mục đích của mọi người khi ngồi thiền là để có được thiện pháp, nếu không thì ngồi để làm gì? Mọi người có thể nghĩ rằng có quyết định có thiện pháp thì cũng là thiện rồi. Ở Đà lạt, chúng ta đã nói về sự khác biệt giữa việc có ý định có thiện pháp và khoảnh khắc thực sự có thiện pháp sinh khởi. Và chúng ta đã làm rõ rằng, chúng là những khoảnh khắc khác nhau. Trong những loại thiện pháp mà Đức Phật đã mô tả thì không có “ý định có thiện pháp”. Mỗi khoảnh khắc chỉ có thể là thiện hoặc bất thiện. Như chúng ta đã nói rất nhiều, có vô số bất thiện pháp sinh khởi trong ngày mà không hề được nhận biết.
Achaan Sujin: Các bạn đã hiểu đủ về lời của Đức Phật chưa, dù chỉ một từ thôi? Như từ “thiện” và “tâm”, “tâm thiện”. Bạn đã hiểu về cái gọi là tâm hiện giờ chưa? Hãy nói về từng từ một, nếu không ta sẽ bị lẫn lộn mà không thể hiểu về từng từ ấy một cách sâu sắc. Trước khi nói về tâm thiện, ta hãy nói về tâm đã. Nếu bạn nghĩ về nhiều loại tâm khác nhau trong khi không hiểu gì về tâm, điều đó có thể đúng không? Đức Phật đã sử dụng từ “citta” (tâm) cho những người nghe Giáo pháp bằng ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên, từ này biểu đạt một thực tại hiện khởi, bất kể quốc tịch nào. Nó không phải là Thái lan, Việt nam… mà là tính chất của thực tại hiện giờ, ở bất cứ thời điểm nào. Vậy ta có hiểu tâm hiện giờ không, để có thể hiểu được các thực tại khác mà Đức Phật đã dạy? Tại sao chúng ta đi tới trường thiền, để làm gì? Chúng ta mong đợi, mong cầu có được cái gì? Không hề có hiểu biết vì ngay ở khoảnh khắc này, dù ở bất cứ nơi đâu, đều có pháp. Trước khi chuyển sang các từ khác, hãy làm rõ về từ “tâm”. Hiện giờ có “tâm” không? Nếu bạn nói “có”, tức là bạn đã hiểu về tâm rồi. Vậy tâm là gì?
Người hỏi: Tâm là cái đang kinh nghiệm một đối tượng
Achaan Sujin: Hiện giờ đang là tâm gì?
Vị Sư: Nếu là đang nghe thì là tâm quả.
Achaan Sujin: Chúng ta đã biết đủ về tâm quả chưa? Nếu tính chất của tâm hiện giờ vẫn chưa được hiểu thì làm sao ta có thể hiểu về tâm quả? Dù là thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, chạm… thì bản chất của tâm vẫn là “yếu tố kinh nghiệm đối tượng” qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Để có thể hiểu được cái thấy không phải là ta, không phải là của ta, thì cần phải hiểu được tính chất của pháp đang sinh khởi để kinh nghiệm, nhận biết đối tượng. Không sai và rất dễ để nói rằng, “cái thấy không phải là tôi”, “nó sinh khởi chỉ để thấy đối tượng mà thôi”. Nhưng ở khoảnh khắc của cái thấy hiện giờ, hiểu biết ấy đã có chưa? Không hề có! Khi nghe Giáo lý của Đức Phật, ta chưa thể hiểu ngay lập tức, nhưng nếu có một chút hiểu biết được gieo trồng, mầm ươm đó sẽ được nuôi dưỡng và phát triển hơn. Chúng ta sẽ biết được những mức độ trí tuệ khác nhau.
Nếu không nghe Giáo lý của Đức Phật, ta sẽ không biết được cái thấy sinh khởi do duyên chỉ để thấy. Ai biết được sự thật ấy trước khi được nghe Giáo lý? Vậy ta bắt đầu thấy sự khác biệt giữa Đức Phật và người khác. Hiểu được thực tại hiện giờ, ta sẽ thấy và tri ân công đức lớn lao của Đức Phật. Chỉ nghe và hiểu Giáo lý ở mức độ tư duy thôi thì chưa đủ. Như khi nói “cái thấy sinh khởi là một thực tại, nó diệt đi”, hiện giờ có hiểu biết ấy không? Dù ta đã nghe điều đó hàng trăm, hàng ngàn lần thì vẫn chưa đủ để trí tuệ có thể kinh nghiệm được nó, vì trí tuệ cần được vun bồi từ từ, từng chút một, bắt đầu từ việc được nghe. Hiểu biết đó sẽ phát triển dần dần, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, cho đến khi có được niềm tin rất kiên cố. Người nhận ra sự thật đó cũng biết rằng đây chính là con đường của sự xả ly. Nếu hiểu biết đó không trở thành hiểu biết tự thân của mỗi người thì sẽ có thêm vô minh, khi nghĩ rằng “tôi có thể làm”. Vô minh vô cùng lớn, làm sao có thể tận diệt được nó đây, làm sao có thể thanh lọc nó nếu không phải là nhờ hiểu biết phát triển nơi tự thân của mỗi người, về từng từ một?
Hiện giờ ai thấy được giá trị từng lời dạy của Đức Phật?
Pháp đàm tại Sài gòn, sáng ngày 05/01/2016
Người hỏi: Trong một cuốn sách giảng về bài kinh Chuyển pháp luân, có chi tiết Đức Phật thuyết bài kinh chuyển pháp luân thì ngài Kondaññađã đắc Thánh Dự Lưu, và các ngài còn lại chỉ chứng đắc trong các ngày tiếp theo. Trong cuốn sách có đoạn nói: “Hơn nữa phải lưu ý đặc biệt ở đây rằng: trong suốt thời gian này đức Thế tôn đã ở tại tự viện không đi ra ngoài khất thực để sẵn sàng trợ giúp cho 4 vị tỳ kheo để có thể loại trừ chướng ngại có thể phát sanh với các vị ấy trong quá trình hành thiền. Mỗi khi có những chướng ngại phát sinh với các vị tỳ kheo, đức Thế tôn bằng đường hư không liền đến giúp họ loại trừ chúng”
Tiếp theo có đoạn: “Chỉ nghe Pháp thôi không đủ, thực hành là cần thiết, không chỉ do nghe bài pháp mà chỉ sau thực hành thực sự các vị mới đắc quả Dự lưu, các vị không đi ra ngoài mà thực hành cả ngày lẫn đêm, chính Đức Phật cũng không đi ra ngoài tự viện mà giúp đỡ cho các vị tỳ kheo”
Trích đoạn trên đây đề cập đến những cụm từ như “sự thực hành thực sự”, “làm việc cả ngày lẫn đêm”, …. Những cụm từ này có thể dẫn tới cái hiểu của nhiều người là các vị tỳ kheo đã theo một phương pháp hành thiền nào đó, mà người ta có thể cho rằng cần phải làm điều gì đó để giác ngộ, Achaan Sujin có thể cho chúng con được rõ, trong Kinh điển và Chú giải có nói về tiến trình chứng đắc của 4 vị tỳ kheo này như thế nào?
Jonothan: Đây là bài kinh đầu tiên, Kinh chuyển pháp luân, như vậy đến cuối bài kinh này, Giáo Pháp đã được thuyết giảng trọn vẹn. Nếu Đức Phật đã dạy một phương pháp hành thiền nào đó, hay một sự thực hành nào đó, thì phương pháp đó cũng sẽ phải nằm trong bài kinh này chứ, đúng không?
Nếu nói rằng sau đó các vị đi hành thiền, vậy tại sao phương pháp mà các vị thực hành đó lại không có trong bài kinh này?
Người hỏi: Vì thế mà tôi phân vân
Jonothan: Tôi cũng phân vân
Sundara: Tôi muốn nhắc lại lời bà Nina ngày hôm trước, chúng ta cần phải rất thận trọng với từ “thiền”, vì Đức Phật thì dạy cho chúng ta về bhāvanā, sự phát triển tâm trí, và đó là phương thuốc chữa lành, từ “thiền” sẽ làm cho chúng ta lẫn lộn về ý nghĩa của bhāvanā. Từ bhāvanāmà Đức Phật sử dụng có nghĩa là “làm cho trở thành”.
Ngài Kondañña là người đầu tiên đã giác ngộ trong năm vị tỳ kheo nghe Đức Phật thuyết giảng. Sau đó Ngài ra ngoài khất thực và Đức Phật đã ở lại để tiếp tục thuyết về điều mà ngài Kondañña đã hiểu. Theo hiểu biết của tôi, Đức Phật không chỉ dạy một phương pháp thực hành nào cả, mà Ngài chỉ giúp các vị tỳ kheo đó hiểu về các thực tại. Tôi nghĩ rằng chúng ta dễ bị nhầm lẫn do những hàm ý mà từ “thiền” mang lại.
Sarah: Với những gì mà tôi nhớ về bài kinh và chú giải, đó là bài kinh thuyết về Tứ Thánh Đế và con đường Bát chánh đạo. Trong phần chú giải cho bài kinh (về đoạn: Hỡi này các Tỳ Khưu , ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn pháp thánh đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức (10) chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì, cho đến chừng ấy, Như Lai không xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng Sa-Môn, Bà-La-Môn, Trời và Người rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác –VDH), chúng ta được đọc về ba mức độ của trí tuệ, saccañāṇa, kiccañāṇa, và katañāṇa.
Trước hết nói về saccañāṇa, sacca có nghĩa là sự thật, chân thật. Trong số mười ba la mật có chân thật ba la mật. Còn ñāṇacó nghĩa là trí tuệ. Saccañāṇa là trí hiểu rõ Tứ thánh đế ở mức độ tư duy. Thực chất, saccañāṇa tương ứng với pháp học, nhưng nó là mức độ hiểu biết kiên cố, vững vàng. Ở mức độ ấy, dù đọc bất cứ Kinh điển, tài liệu hay thuật ngữ nào, sẽ không bao giờ bị tưởng lầm rằng có một tự ngã làm một cái gì đó, mà luôn hiểu tất cả chỉ là các pháp do duyên sinh làm nhiệm vụ của nó.
Kiccañāṇa là hiểu biết về phận sự của Tứ thánh đế, đó là khoảnh khắc trí tuệ kinh nghiệm trực tiếp các thực tại, các pháp chân đế. Như chúng ta đã đề cập đến nhiều lần, khi nói đến mức độ hiểu biết trực tiếp về thực tại, đó không còn là suy nghĩ đúng đắn về các thực tại hiện giờ – chẳng hạn như cái thấy, mà ở đó có khoảnh khắc liễu ngộ trực tiếp bản chất của các pháp, ở đó có khoảnh khắc pháp hành. Một số người dịch từ saccañāṇalà hiểu biết lý thuyết, dẫn đến sự thực hành thực sự– kiccañāṇa, nhưng đó không phải là lý giải đúng đắn về những thuật ngữ ấy.
Katañāṇa là trí hiểu sự hoàn thành của Tứ Thánh Đế, tương đương với Pháp thành. Như vậy nói đến katañāṇa là nói đến sự liễu ngộ trọn vẹn Tứ Thánh Đế.
Saccañāṇa, hiểu biết ở mức độ tư duy, dù rất kiên cố thì vẫn chưa đủ, mà cần phải có sự kinh nghiệm trực tiếp về các thực tại – kiccañāṇa. Nếu có kinh nghiệm trực tiếp về các thực tại mà chưa dẫn đến sự chứng ngộ Niết bàn thì vẫn chưa đủ. Cần phải dẫn đến sự hoàn tất nhiệm vụ của Tứ Thánh Đế, có nghĩa là các tầng tuệ minh sát và kinh nghiệm Niết bàn – kiccañāṇa. Đó là những gì được đề cập đến trong bài Kinh này và Chú giải cho bài kinh ấy (Ba sắc thái là saccañāṇa, kiccañāṇa, kiccañāṇa; Mỗi sắc thái liên hệ lần lượt đến cả bốn đế trong Tứ Thánh Đế, nên tổng cộng là 12 phương thức – VDH). Tuy nhiên, tùy sự hiểu biết của mỗi người, ở vai trò người dịch hoặc người đọc, mà những thuật ngữ đó có thể hiểu theo cách này hay cách khác. Và đó chính là ý của Achaan Sujin khi ngay đầu tiên Bà trả lời rằng, đó là cuộc sống hàng ngày. Bởi vì dù chúng ta đọc bất cứ điều gì đi nữa, thì đều là về các pháp đang xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Người hỏi: Đó cũng là điều con mong được nghe giải thích rõ hơn.
Sarah: Đây là câu hỏi bổ ích cho tất cả mọi người, cảm ơn bạn.
Nina: Mọi người thường tìm một phương pháp, cách thức để đạt đến trí tuệ. Nhưng thực chất không có phương pháp nào ngoài việc được nghe và suy xét về bản chất của pháp đang xuất hiện. Nhiều người thắc mắc về việc trong Kinh có nói đến những người đến xin Đức Phật đề mục thiền. Bản chất đề mục thiền là các giới (dhatu), các thực tại khác nhau, kể cả khi Đức Phật nói về các đề mục chế định như thân bất tịnh, v.v. Thực chất phải hiểu rằng, nói đến thân không phải là nói đến thân từ đầu đến chân, mà là nói đến các thực tại sinh và diệt, là vô thường, khổ, vô ngã. Không có gì thuộc về mình, đó chỉ là các giới-dhatu, các yếu tố là vô ngã. Như Achaan Sujin vẫn nhắc, không có ai, không có con người nào, chỉ có các pháp khác nhau mà thôi. Vấn đề duy nhất là: chúng ta quên về sự thực ấy trong cuộc sống hàng ngày và cứ tiếp tục dính mắc. Hiện giờ trong những ngày này, chúng ta luôn nói về các thực tại. Đó tưởng như là một phương pháp, nhưng không thực sự là một phương pháp, đó là con đường duy nhất để có thể hiểu về cái là thực, phương pháp thực sự là không có phương pháp nào cả.
Người hỏi: Chúng ta đều biết rằng bốn vị đệ tử này đã cùng với Đức Phật theo học nhiều vị thầy, và việc xuất nhập samatha đã rất thành thục. Cuộc sống hàng ngày của các vị là thiền. Các vị sẽ phát triển hiểu biết trong khi tâm thiền đang sinh khởi. Lúc có vướng mắc khi Đức Phật ở đó có thể sẵn sàng hỗ trợ. Họ khác với chúng ta mà cuộc sống hàng ngày chỉ là ăn và ngủ. Họ phát triển hiểu biết của họ qua samatha.
Achaan Sujin:Liệu chúng ta có thể nói rằng mỗi khoảnh khắc của thiện đều có sự an tịnh và cũng là samatha? Mọi người ở thời điểm trước khi Đức Phật giác ngộ vẫn chưa được nghe Giáo Pháp của ngài, nhưng họ thấy được hiểm họa của bất thiện mỗi ngày, càng ngày càng nhiều hơn, đủ đến mức để trí tuệ có thể làm thiện pháp tăng trưởng. Nhưng họ vẫn chưa có hiểu biết về Tứ Thánh Đế. Mỗi từ cần phải được nghiên cứu và suy xét một cách cẩn thận để có thể hiểu được Giáo lý của Đức Phật. Khi có hiểu biết đúng thì có sự an tịnh hay không? Chúng ta có nên phát triển sự an tịnh tách biệt với hiểu biết đúng về các pháp hiện giờ hay không? Trong tám chi của Bát Thánh Đạo thì yếu tố chánh kiến và chánh tư duy đều liên quan đến trí tuệ minh sát. Những chi còn lại liên quan đến samatha. Vì vậy, khi có sự phát triển hiểu biết đúng về các pháp trong cuộc sống hàng ngày thì có song song cả vipassanā (minh sát) và samatha (an tịnh). Không cần nghĩ đến việc phải phát triển samatha trước khi phát triển hiểu biết về những gì đang xuất hiện. Dù mức độ thiện pháp nào cao tới đâu, nếu không có hiểu biết đúng về các thực tại sẽ không thể tận diệt được phiền não.
Ở khoảnh khắc nói về thiền – làm một cái gì đó khác bình thường- liệu có saccañāṇa hay không? Chính vì thế ta nói về ba mức độ saccañāṇa-hiểu biết về Tứ Thánh Đế ở mức độ tư duy, kiccañāṇa– hiểu biết về phận sự của Tứ thánh đế, và katañāṇa là hiểu biết về sự hoàn thành của Tứ Thánh Đế. Sẽ không thể tận diệt ý niệm về ngã nếu cả ba mức độ trí hiểu về Tứ Thánh Đế chưa được trọn vẹn. Khi chúng ta nói về các pháp sinh và diệt, chẳng phải chúng là Khổ Đế hay sao? Nhưng hiểu biết về khổ đế hiện giờ đã đủ vững vàng để được gọi là saccañāṇahay chưa? Vì vậy, chỉ nghe và nghĩ về các thực tại sinh và diệt thì vẫn chưa đủ. Sự sinh và diệt của các thực tại hiện giờ có thể được tìm hiểu, nhận biết? Hiểu biết đó phải được phát triển đến mức độ kiên cố của saccañāṇa, rằng không có gì khác ngoài việc tìm hiểu về khoảnh khắc hiện tại, đủ vững vàng để không còn thay đổi nữa.
Đó là saccañāṇa về Thánh Đế thứ nhất, thế còn saccañāṇa và Thánh Đế thứ hai, thứ ba và thứ tư thì sao? Nếu không có một mức độ tích lũy ba la mật rất lớn thì đại đức Kondañña không thể nghe Pháp và giác ngộ ngay lập tức, và cũng như vậy với tất cả những người khác. Nếu không có saccañāṇa sẽ không thể tận diệt được ý niệm về ngã. Sẽ không chỉ có saccañāṇa, bởi vì khi có saccañāṇa, nó sẽ làm duyên cho hiểu biết về phận sự của Tứ Thánh Đế, kiccañāṇa. Đó không phải là một hệ thống hay một phương pháp thiền nào cả. Người đi thiền liệu có biết được về saccañāṇa, hiểu biết kiên cố về Tứ thánh đế, kiccañāṇa và katañāṇa hay không? Ở khoảnh khắc này khi chúng ta nói về các pháp, đó là sự khởi đầu của pariyati và saccañāṇa. Nếu ai đó cho rằng khoảnh khắc hiện tại không thể là khoảnh khắc cho giác ngộ thì đó là hiểu biết sai lầm. Nếu không phải là ngay bây giờ thì khoảnh khắc nào có thể là Khổ Đế?
Người hỏi: Điều này khiến chúng con mông lung. Con muốn biết khái niệm về “thiền” là như thế nào, chúng con mỗi người có hiểu biết về thiền khác nhau, riêng con thiền có nghĩa là ghi nhận những gì đang diễn ra trong thực tại này. Nhiều vị thiền sư cũng hướng dẫn cho chúng con về vấn đề này như những gì mà con đang cảm nhận. Ví dụ: khái niệm thiền của Bà có thể là ngồi một tư thế, quan sát một đối tượng hoặc theo một phương pháp cụ thể nào đó. Con muốn biết chính xác khái niệm thiền của Bà?
Achaan Sujin: Hiện giờ các thực tại đang sinh và diệt, cái gì có thể mang tới sự xuyên thấu tính sinh và diệt của các thực tại ấy đây, sự xả ly hay dính mắc? Khi có ý niệm về “thiền” thì ở đó là sự xả ly hay dính mắc? Khi được nghe Giáo lý, chúng ta hiểu được rằng, cái có thể liễu ngộ được sự sinh và diệt của các pháp là một mức độ trí tuệ rất cao, vì thế cũng hiểu rằng không có con đường nào khác ngoài hiểu Giáo lý, hiểu về khoảnh khắc hiện giờ, cho tới mức độ của saccañāṇa. Vậy chỉ nghe Giáo Pháp thôi thì chưa đủ, mà cần phải đến mức độ của saccañāṇa, niềm tin vững vàng kiên cố rằng, pháp ở ngay khoảnh khắc này có thể được hiểu. Cần bao nhiêu thời gian cho các vị Thanh văn đệ tử của Đức Phật tích lũy trí tuệ để có thể giác ngộ?
Sarah: Khi nói về cái xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại, ta cần rất chi tiết. Chẳng hạn ai đó có thể nghĩ rằng cầm một cái ly hay ghi chép là cái đang xảy ra tại khoảnh khắc hiện giờ. Hoặc ăn uống, vận y phục, quàng khăn là cái đang xảy ra tại khoảnh khắc hiện giờ. Nhưng đó là cách hiểu thông thường về cái đang diễn ra hiện giờ, là loại nhận biết mà bất cứ ai, kể cả người chưa từng nghe Giáo Lý của Đức Phật có thể có. Chẳng hạn, đứa trẻ có thể hay biết khi đang quàng khăn. Chính vì vậy, chúng ta cần phải đi vào chi tiết, bởi vì cái thực sự xảy ra ở khoảnh khắc này chỉ là cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác, cái nghe nhận biết âm thanh, suy nghĩ v.v…
Về mặt chân đế, không có ly, không có khăn. Không có thân từ đầu đến chân, không có oai nghi, không có tự ngã nào cả. Chỉ có các tâm, tâm sở và sắc sinh khởi do duyên ở khoảnh khắc này. Như vậy, nếu trí tuệ sinh khởi ở khoảnh khắc này, nó phải hiểu về thực tại đang xuất hiện. Chính vì lẽ đó, chúng ta nói rất nhiều về cái thấy, về đối tượng thị giác, về cái nghe và âm thanh, về sự xúc chạm, v.v… Bởi vì nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ dứt bỏ được những ý niệm về ngã, về những con người hay những đồ vật xung quanh mình.
Bất kể chúng ta gọi thuật ngữ mô tả tiến trình phát triển hiểu biết đó là gì thì ngôn từ không quan trọng, cái quan trọng là cái hiểu đúng về nó, đó là sự phát triển hiểu biết về các pháp chân đế sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Một cách chân thật, hiện giờ mọi người đang không có trí tuệ để kinh nghiệm được sự sinh và diệt của các thực tại. Sự thật đó đang không được chứng nghiệm một cách thực sự, nhưng khi có hiểu biết nhiều hơn thì hiểu biết đó được phát triển và sẽ không có gì có thể ngăn cản được sự chứng nghiệm trực tiếp bản chất của thực tại.
Người hỏi: Con khởi đầu từ một thiền sinh, xuyên suốt quá trình thực hành của mình để phát triển hiểu biết. Nhiều lúc con đánh giá những cái của mình là sai, nhưng xuyên suốt thời gian, những cái được tiếp nhận từ người khác hay từ sự thực hành, kể cả hiểu biết lệch lạc, là những yếu tố không thể thiếu để có được sự hiểu biết đúng đắn. Con nghĩ mình không nên trốn tránh hay sợ hãi bất kỳ hiểu biết sai lầm nào cả, mà chỉ lấy nó làm nền tảng, như vậy đúng không ạ?
Sarah: Chúng ta cần phải rất rõ ràng về đâu là nhân và đâu là quả. Những sự dính mắc hiện giờ như dính mắc vào cảnh sắc hay âm thanh, sẽ làm duyên thêm cho dính mắc. Nếu hiện giờ có sân thì sẽ dẫn đến thêm sân nữa. Nếu có hiểu biết đúng hiện giờ sẽ dẫn đến thêm hiểu biết đúng. Tất cả đều được tích lũy. Nếu có tà kiến hiện giờ, nó cũng sẽ được tích lũy, và đây là loại phiền não nguy hiểm nhất trong các loại phiền não, vì nó sẽ khiến cho người ta xa rời con đường đúng. Chúng ta có thể có cảm tưởng rằng nhờ cái hiểu sai đã có trước đây mà giờ mình có thể tới đây và nghe được lời giảng về Chánh Pháp. Tuy nhiên, nếu không có một mức độ suy xét đúng nhất định đã từng có được, thì chắc chắn không thể có cái hiểu về những gì đã được thuyết giảng. Dù ở nơi đây hay ở một trường thiền hay bất cứ nơi nào, luôn luôn xen kẽ những khoảnh khắc khác nhau. Khoảnh khắc của tà kiến là khoảnh khắc của tà kiến, khoảnh khắc của thiện và bất thiện là những khoảnh khắc riêng rẽ không trộn lẫn.
Achaan Sujin: Thiền có phải là cuộc sống hàng ngày không?
Người hỏi: Chắc chắn là thế ạ.
Sarah: Đó là cuộc sống hàng ngày một cách tự nhiên ư?
Người hỏi: Vâng ạ
Achaan Sujin: Chẳng hạn, hiện giờ đang có các thực tại, đó có phải là thiền không?
Người hỏi: Việc ghi nhận thực tại đó là thiền, kèm theo cả hiểu biết đúng đắn.
Achaan Sujin: Sự ghi nhận về thực tại trong khoảnh khắc này với hiểu biết đúng được thực hiện bởi ai đó, hay chỉ là chánh niệm sinh khởi do duyên? Cái hiểu về chánh niệm ở khoảnh khắc ấy là gì, khi luôn có ý niệm “tôi thiền”, “tôi ghi nhận”?
Người hỏi: Sati chỉ sinh khởi do duyên, không tự nhiên mà có.
Achaan Sujin: Chánh niệm sinh khởi do duyên, đúng vậy. Hiện giờ nó có thể sinh khởi do duyên không? Ở khoảnh khắc chánh niệm sinh khởi do duyên, ta có gọi đó là “thiền” không? Khi thực sự hiểu rằng nó sinh khởi do duyên, sẽ không thể có ý niệm “tôi thiền”, hay “tôi sẽ thiền”. Khi có ý nghĩ như vậy thì bản thân ý nghĩ đó cũng là do duyên sinh, nhưng đó là cái hiểu sai. Không có hiểu biết đúng về saccañāṇa, kiccañāṇa và katañāṇa.
Người hỏi: Như bà nói, có nghĩa giống như khi mình uống nước trực tiếp thì không bao giờ mình nghĩ đến khái niệm uống nước đó?
Sarah: Chúng tôi không có ý nói như thế. Khi có hiểu biết đúng về các thực tại, điều đó không có nghĩa rằng không còn có sự nhận biết về khái niệm về những thứ đang diễn ra, Đức Phật uống nước và Ngài vẫn biết là Ngài đang uống nước nhưng không có cái hiểu sai về khoảnh khắc đó.
Pháp đàm tại Sài gòn, chiều ngày 06/01/2016
Người hỏi: Mỗi người đều có khái niệm riêng về thiền. Bà có hỏi thiền có phải là cuộc sống không? Con đã trả lời rằng thiền là cuộc sống. Ngay lúc đó, con nhận ra được sự dính mắc của mình. Nếu không có các câu hỏi trực tiếp như vậy thì con không nhận ra được. Bà hãy phân tích thêm các sự phản ứng của tâm. Nếu qua các câu hỏi chuẩn bị trước thì có nhiều sự suy diễn ở đó rồi. Do đó con xin được nghe tiếp và nếu có câu hỏi gì bộc phát thì con sẽ hỏi ngay.
Achaan Sujin: Để có thể trả lời câu hỏi về thiền trong Giáo lý của Đức Phật, chúng ta nên bắt đầu với bài Kinh Chuyển Pháp Luân. Bởi vì chúng ta không phải là những người đương thời với Đức Phật, chúng ta sẽ phải tập tìm hiểu một cách cẩn thận những lời dạy của Đức Phật ở trong đó. Chuyển Pháp Luân là bài kinh đầu tiên của Đức Phật, chuyển động bánh xe Chánh Pháp một lần nữa. Trước đó không ai biết gì về Giáo lý ấy. Trước khi được nghe Giáo lý của Đức Phật, không ai biết về bản chất của những gì hiện giờ đang xuất hiện. Chính vì vậy, lời dạy của Đức Phật hẳn phải hoàn toàn khác với lời dạy của những người khác. Đó là lời dạy mang tới hiểu biết về sự thật của những gì đang xuất hiện ngay khoảnh khắc này. Sự thật ấy luôn đúng, không phải chỉ ở thời kỳ của Đức Phật mà kể cả trước đó và ngay bây giờ cũng vậy. Như vậy, chúng ta không chỉ đơn thuần đọc bài Kinh Chuyển Pháp Luân mà cần phải tìm hiểu, nghiên cứu nó một cách kỹ càng. Chúng ta không giống như năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật, và điều này nhắc nhở chúng ta rằng, không ai có thể hiểu ngay được những lời dạy của Đức Phật như họ. Vì vậy, chúng ta không nên lấy từ “thiền” và hình dung mặc định về nó theo một cách nào đó mà không tìm hiểu kỹ càng Giáo lý. Những ý niệm về “thiền” mà chúng ta tưởng tượng không phải là ý mà Đức Phật đã thuyết giảng trong bài Kinh Chuyển pháp luân
Jonathan: (bắt đầu đọc bài Kinh): Đây là bài pháp đầu tiên Đức Phật thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như sau khi Ngài đắc đạo
Achaan Sujin: Chúng ta biết rằng trước tiên là một vị, rồi sau đó là tất cả những vị khác sẽ đắc đạo sau khi nghe Đức Phật thuyết Pháp. Như vậy, chúng ta thấy sự khác biệt rất lớn giữa chúng ta ngày nay và những vị đệ tử này
Jonathan: “Này các tỳ kheo, có hai cực đoan mà hàng xuất gia phải tránh. Thứ nhất, sự dễ duôi trong dục lạc là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc thánh nhân và vô ích.”
Achaan Sujin: Sự dễ duôi chẳng phải chính là cuộc sống của chúng ta ngày nay hay sao?
Jonathan: “Thứ hai, sự thiết tha gắn bó trong khổ hạnh là đau khổ không xứng phẩm hạnh của bậc thánh nhân và vô ích.”
Achaan Sujin: Liên hệ đến việc cố đi và ngồi với mong muốn đạt được một cái gì đó. Ở đoạn này đã có ai muốn hỏi gì chưa?
Ở đây Đức Phật không khuyên phải làm khổ mình hay đi tới một nơi nào đó.
Người hỏi: Nếu quan niệm đi và ngồi cũng giống như công việc hàng ngày của mình đang làm thì sẽ như thế nào ạ?
Achaan Sujin: Nhưng khi một người, không phải như trong cuộc sống hàng ngày, đến một nơi nào đó, làm công việc nào đó với mục đích cụ thể đạt cái gì đó, thay cho việc nghe Pháp, như bài Kinh Chuyển pháp luân này, thì đó không phải là điều mà Đức Phật dạy. Đi, đứng, nằm, ngồi, nói… là hoạt động rất tự nhiên của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bởi chúng ta nhận ra được rằng mình không hiểu gì về bản chất thực sự của cuộc sống này, còn Đức Phật thì thuyết giảng về bản chất ấy, vì vậy, chúng ta lắng nghe những gì ngài dạy để biết được đâu là con đường sai.
Ai biết về con đường phi đạo?
Sarah: Hôm qua có một người bạn có tới nói với chúng tôi rằng, các quý vị không biết được thiền định sâu sắc là như thế nào. Bạn có muốn chia sẻ thêm về ý này không?
Người hỏi: Con không thấy sự mâu thuẫn giữa lời nói theo cách tiếp cận của Bà với việc hành thiền với khái niệm không về ai đó hay cái gì đó.
Achaan Sujin: Bạn không thấy mâu thuẫn giữa việc nghe Giáo lý và thiền hay sao?
Người hỏi: Trước đây con thấy bối rối, nhưng giờ con không thấy mâu thuẫn
Achaan Sujin: Ai là người dạy về bản chất của thực tại hiện giờ, ai là người dạy thiền? Việc được nghe về các thực tại hiện giờ đang xuất hiện đúng với bản chất của nó, và việc ai đó bảo ta làm một cái gì đó, chẳng phải là hai việc khác nhau hay sao? Đức Phật không bảo năm vị đệ tử này làm một cái gì đó, nhưng họ lắng nghe những lời dạy của ngài, để trí tuệ nơi ngài trở thành hiểu biết nơi họ. Đây là điều quý báu nhất của cuộc sống – có trí tuệ. Không có điều gì quý báu hơn trên đời này là được nghe những lời về chân lý mà Đức Phật đã thuyết giảng. Chúng ta hãy thật chân thật, vì chân thật là một trong các Ba la mật. Pháp vô cùng vi tế và thâm sâu. Kể cả ngay hiện giờ, chúng ta được nghe rằng các thực tại là vô ngã, nhưng không có cái hiểu thực chứng về bất cứ thực tại nào ngay tại khoảnh khắc này, để có được niềm tin vào Giáo lý của Đức Phật ở mọi lúc, mọi thời điểm. Nếu bạn không tìm hiểu hay lắng nghe kỹ càng bài kinh Chuyển Pháp Luân này, mà chỉ làm theo lời của ai đó thì đó là đúng hay sai? Làm sao có thể liễu ngộ được sự sinh và diệt của các thực tại trong khi vẫn có quá nhiều vô minh về những thực tại đang xuất hiện, những thực tại xuất hiện rất nhanh.
Như vậy là có sự mâu thuẫn hay không mâu thuẫn theo ý bạn, một cách chân thật?
Người hỏi: Vị thầy của con cũng nhắc về vấn đề này, cũng nói qua Giáo lý của Đức Phật. Ngài nói về cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm chứ ngài không nói về cái làm.
Sarah: Nếu chúng ta thực sự hiểu rằng ở khoảnh khắc này, cái thấy là vô ngã, cái nghe, suy nghĩ là vô ngã, vì chúng sinh khởi do duyên, tại sao lại còn có ý niệm phải chọn một đối tượng nào đó, ví dụ hơi thở, nếu như hiểu rằng mọi pháp sinh khởi là do duyên?
Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc có sự lựa chọn một đối tượng cụ thể, đó không phải là chánh niệm của Bát Chánh Đạo, cái được tạo duyên bởi chánh kiến. Nếu không có chánh kiến thì không thể có chánh niệm của Bát Chánh Đạo sinh khởi. Vì vậy, có Bát Chánh Đạo và cũng có Bát Phi Đạo nữa, chính Đức Phật đã giảng về điều ấy.
Sarah: Có nghĩa là có tám chi của Chánh Đạo và tám chi của Phi Đạo
Người hỏi: Nếu hành thiền một cách đúng đắn và sâu hơn thì cũng không có đối tượng và không có chủ thể.
Sarah: Bạn nói rằng trong thiền sâu thì không có chủ thể cũng không có đối tượng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng mỗi một khoảnh khắc luôn luôn có tâm kinh nghiệm một đối tượng, nếu bạn nói như vậy thì có phải bạn nói rằng không có tâm nữa?
Người hỏi: Không có đối tượng ở đây, ý con muốn nói là nó không đưa tới khoảnh khắc nghĩ về khái niệm của đối tượng và chủ thể đang hành thiền.
Sarah: Ý bạn là khi đó không có những tiến trình của ngũ quan như hiện giờ hay sao? Bạn nghĩ rằng vẫn có cái thấy và nghe, nhưng sau khi thấy và nghe thì không có khái niệm về những gì được nghe, hay như thế nào?
Người hỏi: Khi chánh niệm sâu và liên tục hơn, thì chừng mực nào đó nó chưa đi đến khoảnh khắc xuất hiện ý niệm về cái gì đó.
Sarah: Có phải ý bạn đang nói là ngay sau tiến trình của căn tiếp xúc với cảnh, khi ấy đã có tâm thiện cùng với trí tuệ sinh khởi ở thời điểm ấy?
Người hỏi: Vẫn chưa được đến mức là có trí tuệ sinh khởi nhưng cũng không có tà kiến hay ý niệm gì đó.
Achaan Sujin: Loại tâm khi đó là tâm gì?
Người hỏi: Tại khoảnh khắc thân thức kinh nghiệm cái cứng hoặc cái nóng, sau đó điều đó được hay biết,
Achaan Sujin: Khi nói đến “thiền”, tức là bạn làm gì?
Người hỏi: Con chưa đủ hiểu biết để lý giải rõ ràng về tổng thể thiền là như thế nào. Nhưng con thấy kết quả là khi hành thiền thì con hiểu những điều bà nói, nó sâu hơn và không chỉ hiểu ở bề mặt.
Achaan Sujin: Nhưng bạn làm gì từ sáng đến tối khi ở trung tâm thiền. Bạn hãy mô tả các bước?
Người hỏi: Con cũng quan niệm ….
Achaan Sujin: Lời dạy của Đức Phật thì đem tới hiểu biết về bất cứ cái gì xuất hiện trong cuộc sống. Hiện giờ chúng ta không ngồi thiền mà chúng ta đang nghe giảng về lời dạy của Đức Phật trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân. Từng lời trong bài kinh này đều đưa cho chúng ta hiểu biết về những gì đang xuất hiện. Như vậy, khi bạn nói rằng “tôi thiền”, thì có nghĩa bạn đang không nghe lời dạy của Đức Phật như hiện giờ, đúng không? Vậy khi đó bạn làm gì?
Người hỏi: Hoặc chúng ta có thể nói, bây giờ cũng đang là hành thiền.
Jonathan: Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cũng như ngay bây giờ, có những khoảnh khắc của thấy và nghe và được tiếp nối bởi khoảnh khắc của suy nghĩ. Nhưng dường như tất cả những điều ấy diễn ra rất nhanh, vì thế chúng ta có cảm giác tất cả những điều đó diễn ra cùng một lúc. Bản chất của tâm là như vậy, nó thay đổi đối tượng từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác và xen kẽ những khoảnh khắc tâm bắt cảnh qua ngũ quan thì có những khoảnh khắc của suy nghĩ. Ẩn dụ mà Đức Phật đã sử dụng trong Kinh để mô tả về điều đó là ví dụ về con khỉ nhảy từ cành này sang cành khác trong cánh rừng của nó, từ cành cây này sang cành khác. Có nghĩa là từ đối tượng ngũ quan này sang ngũ quan khác, và xen kẽ giữa những khoảnh khắc đó là nhiều khoảnh khắc của suy nghĩ, đó là bản chất của tâm. Đó là bản chất cho nên nó không thay đổi kể cả khi chúng ta nói chúng ta bắt đầu một sự thực hành, hay ngồi thiền. Không ai có thể thay đổi được bản chất của tâm. Với những bậc giác ngộ thì vẫn là như vậy, có rất nhiều đối tượng khác nhau qua ngũ quan và xen kẽ giữa chúng là nhiều khoảnh khắc của suy nghĩ. Nhưng điểm khác biệt giữa bậc giác ngộ và người phàm phu, đó là bậc giác ngộ không nhầm lẫn khái niệm là thực tại. Bởi bậc giác ngộ đã hiểu được bản chất thực sự của thực tại như chúng là.
Chính vì vậy, con đường phát triển hiểu biết mà Đức Phật đã dạy chính là con đường phát triển trí tuệ hiểu được đúng các pháp khi chúng sinh khởi. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng con đường trí tuệ chính là sự giảm bớt phiền não, bớt bất thiện hay bớt đi suy nghĩ dưới hình thức tôi và bạn, mình và người kia. Hay bằng việc tập trung vào một số tiến trình nào đó, hay một số pháp nào đó. Đó chính là cạm bẫy mà hôm qua chúng ta đã đề cập tới. Ngay khi chúng ta có ý niệm về làm một cái gì đó, chúng ta đã xa rời lời dạy của Đức Phật về sự phát triển hiểu biết về các thực tại khi chúng sinh khởi tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.
Khi nói về hiểu biết bản chất của các pháp là nói tới sự xuyên thấu bản chất, ví dụ như của cái thấy, trước khi có ý niệm về cái được thấy. Bởi vì khi chánh niệm bắt một đối tượng, chỉ đối tượng đó được chánh niệm hay biết mà không bị sự xen vào của các pháp khác sinh khởi gần với pháp đó. Ở khoảnh khắc suy nghĩ là đối tượng của chánh niệm, chỉ có đặc tính của nó được hay biết chứ không có sự quay trở lại với những khoảnh khắc của thấy hay nghe đã có trước đó.
Vì vậy, khi có niềm tin thực sự vào Giáo lý của Đức Phật thì sẽ thấy không cần đến một nơi nào đó cụ thể để có thể phát triển hiểu biết.
Sarah: Câu hỏi của Achaan Sujin là: khi bạn nói bạn thiền, có nghĩa là bạn làm gì, bạn nhắm mắt rồi bạn làm gì tiếp theo?
Người hỏi: Ông Jonathan nói như vậy, có nghĩa ông cho rằng hành thiền là chỉ với một đối tượng, mà trong khi hành thiền vipassana là không phải với một đối tượng.
Achaan Sujin: Liệu tâm có thể kinh nghiệm hai đối tượng ở cùng một khoảnh khắc hay không?
Người hỏi: Những người hành thiền đều được học và biết rằng tại một khoảnh khắc tâm chỉ kinh nghiệm một đối tượng mà thôi.
Jonothan: Khi tôi nói một sự thực hành cụ thể nào đó, là tôi nói đến hai ý: 1. Làm theo phương pháp thực hành nào đó; 2. Khi có sự cố ý để có chánh niệm, thì đằng sau đó đều có một động cơ thúc đẩy
Người hỏi: Nếu hành thiền với sự hiểu biết đúng, cũng không có ý niệm về nơi chốn hay đi đến đâu hay làm gì đó đặc biệt cả. Thứ hai, với hiểu biết đúng, có chánh niệm hay không có chánh niệm sinh khởi thì những điều đó cũng chỉ là những thực tại sinh khởi để kinh nghiệm mà thôi.
Jonothan: Cụm từ “hành thiền với hiểu biết đúng” chính là câu hỏi lớn đấy.
Sarah: Achaan Sujin đã hỏi bạn khi thiền bạn làm gì, thì bạn vẫn tránh trả lời, nhưng đó là vấn đề chính yếu ở đây.
Jonathan: Một câu hỏi nữa cũng đặt ra là, nếu không thể có chánh niệm về những đối tượng trong cuộc sống hàng ngày như đối tượng thị giác và cái thấy, tại sao lại có thể có chánh niệm về đối tượng ấy trong khuôn khổ cái mà ta gọi là “thực hành”?
Người hỏi: Bà vẫn nói là không có ai đó làm cái gì đó? Vậy tại sao mọi người cứ cố tìm ra sự khác biệt giữa ai đó đi đến trường thiền và ai đó không đi đến trường thiền?
Achaan Sujin: Hai thực tại vô minh và trí tuệ có khác nhau không? Đâu là sự khác biệt giữa hai thực tại đó?
Người hỏi: Tất nhiên là nó khác nhau.
Achaan Sujin: Vô minh thì không hiểu được cái xuất hiện như nó là. Cái thấy chỉ kinh nghiệm đối tượng thị giác. Đối tượng thị giác là sắc sinh khởi cùng với tứ đại, nó có thể in dấu lên nhãn căn. Đối tượng thị giác chỉ sinh khởi để được thấy và lại diệt đi, đó là Giáo lý của Đức Phật. Liệu vô minh có thể kinh nghiệm được điều ấy không? Nếu không hiểu được điều đó ngay ở mức độ tư duy thì như vậy là có vô minh. Vậy có phương tiện hay cách thức nào để hiểu được sự thực ấy như Đức Phật đã dạy không? Có phương pháp nào để chứng nghiệm được điều đó hay không? Có cách nào để thấy được rằng cái thấy sinh khởi chỉ để kinh nghiệm đối tượng thị giác, chỉ là đối tượng thị giác mà thôi và rồi diệt đi, không bao giờ tìm lại được nữa. Đó là sự thực của tất cả các pháp hữu vi. Đức Phật đã tích lũy các ba la mật trong vô lượng kiếp để có thể hiểu được sự thật ấy.
Sarah: Ta có thể có ý nghĩ rằng khi mình nhắm mắt hoặc ở trong một căn phòng kín thì có bớt sự phân tán hơn, và vì vậy dễ có hiểu biết về các thực tại hơn, nhưng đây thực chất là sự trốn tránh các thực tại đang xuất hiện. Hiểu biết đúng luôn liên quan tới khoảnh khắc hiện tại, không có ý niệm lựa chọn một đối tượng hay nơi chốn đặc biệt nào, trí tuệ luôn luôn phải hiểu đối tượng sinh khởi ngay trong khoảnh khắc ấy.
Achaan Sujin: Có ba mức độ hiểu biết về Giáo lý của Đức Phật. Nếu không có một mức độ hiểu biết nền tảng, sẽ không thể liễu ngộ được sự thật rằng cái thấy chỉ là cái thấy. Mức độ đầu tiên của sự phát triển hiểu biết có thể làm duyên cho mức độ trí tuệ cao hơn là gì?
Người hỏi: Là mức độ pháp học, saccañāṇa.
Achaan Sujin: Mức độ hiểu biết đó liên quan đến hiểu biết nơi người nghe Pháp, chứ không phải là việc làm một cái gì đó.
Sarah: Hôm qua, có một người bạn nói: sau khi chị ấy đã được nghe về các thực tại, về vô ngã thì bây giờ khi tập trung vào hơi thở, chị ấy tập trung với hiểu biết về thực tại và vô ngã, chứ không giống như những người khác. Nếu ở khoảnh khắc này, khi chúng ta cố nhắm mắt lại, hay cố có chánh niệm, hay chọn đối tượng cụ thể để chánh niệm về nó, thì ý niệm nào đang ở đó? Có được cái hiểu đúng đắn về chánh niệm ở khoảnh khắc này không? Ai là người cố tập trung vào hơi thở?
Jonathan: Tuy nhiên điểm Achaan Sujin muốn nhấn mạnh ở đây, đó là: trong Giáo lý của Đức Phật, pháp học làm duyên cho pháp hành. Vậy nếu ai đó có ý niệm thực hành để khiến kinh nghiệm trực tiếp về thực tại sinh khởi, thì đó chính là sự mâu thuẫn với Giáo lý. Một bên nói rằng pháp học, hiểu đúng về các thực tại xuất hiện hiện giờ sẽ làm duyên cho hiểu biết trực tiếp sinh khởi về chúng, còn một bên khác cho rằng thực hành theo một phương pháp cụ thể nào đó sẽ khiến cho kinh nghiệm trực tiếp sinh khởi, đó là hai thứ khác nhau. Tâm ở khoảnh khắc có suy nghĩ “bây giờ mình sẽ tới một trường thiền” là tâm gì? Chỉ có các loại thực tại là tâm, tâm sở và sắc. Khi chúng ta nói về bất cứ thời điểm nào, chúng ta phải nói về cái vốn bản chất chỉ là tâm và tâm sở và sắc, bởi vì không có một tự ngã nào cả.
Chúng ta đều ăn sáng, khi đó là tâm nào? Khi đó là tôi hay là tâm và các tâm sở? Với sự suy xét, chúng ta có thể thấy được rằng không có một con người nào cả, ở bất cứ thời điểm nào, chỉ có tâm và các tâm sở, các thực tại có thể nhận biết mà thôi. Hay ở khoảnh khắc này tâm nào đang hiện hữu? Nếu chúng ta không biết được sự thật thì đó không phải là hiểu biết đúng. Từ sáng cho đến giờ có biết bao nhiêu khoảnh khắc của vô minh? Cái gì có thể tận diệt được vô minh cùng dính mắc với đối tượng, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác? Phải có hiểu biết đúng về sự thật vô ngã thì mới hiểu đúng về bản chất của thực tại sinh khởi. Không có một phương tiện nào khác cả.
Người hỏi: Mọi người đến đây nghe, thì cũng như đến một trường thiền, đến một nơi chốn, coi việc ở kia là hướng dẫn theo một phương pháp, thì ở đây thay vì thế mình sẽ lắng nghe. Nhưng con thắc mắc rằng liệu mình đến nghe bao nhiêu lần hoặc suy xét bao nhiêu, để người không hiểu gì về Giáo pháp nắm bắt đúng được ý nghĩa của nó, về vô ngã chẳng hạn?
Achaan Sujin: Tâm nào hiện hữu ở khoảnh khắc nghĩ cần bao nhiêu thời gian?
Người hỏi: Khi con đặt câu hỏi đó là bị dính vào khái niệm vào thời gian.
Achaan Sujin: Nhưng là loại tâm nào, tâm thiện hay bất thiện?
Người hỏi: Tâm tham, bất thiện ạ.
Achaan Sujin: Tham [kèm tà kiến] là bước cản cho sự sinh khởi của hiểu biết trực tiếp hiểu về thực tại trong khoảnh khắc hiện giờ. Làm thế nào để suy giảm bớt mong muốn, tham cầu đó? Tham ái chính là Tứ Thánh Đế thứ hai, nó cần phải được biết và được suy giảm dần dần cho đến khi chấm dứt hoàn toàn.
Người hỏi: Ngay ở giây phút hiện tại, với một thiền sinh, họ ghi nhận ngay cảm thọ sinh khởi, ngay cảm thọ rõ ràng thì họ phân biệt tâm bất thiện. Với người mới, thì họ phải qua suy diễn, đó là khái niệm thời gian, rồi kết luận đó là tâm tham. Thông qua suy diễn, thì đó chỉ là suy nghĩ, còn với người thiền sinh thì họ có thể cảm nhận được rõ ràng sự rung động của tâm tham.
Achaan Sujin: Thay cho việc nghĩ cần phải mất bao lâu, hãy thử xem hiện giờ có chừng nào hiểu biết, nhận ra rằng cái gọi là hiểu biết hiện giờ rất ít ỏi, không đáng kể.
Sarah: Mục tiêu của mọi người đến tham dự pháp đàm là để được nghe về các thực tại. Bởi vì đó là những thực tại sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta vẫn thường chấp tưởng là tự ngã. Những gì chúng ta được nghe không phải là cái hiểu của Achaan Sujin hay của bất kỳ ai khác, mà đó là Giáo lý của Đức Phật, như chúng ta được đọc trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân. Cần phải được nghe Pháp để có thể hiểu cặn kẽ về các thực tại một cách đúng đắn. Chẳng hạn, lúc trước bạn có nói khi có tâm tham thì nó có thể nhận biết qua cảm thọ, qua sự rung động. Nhưng tất cả những thứ đó không phải là đặc tính của tâm tham. Tâm tham là tâm tham, là danh. Khi bạn hiểu biết cặn kẽ về đặc tính của các pháp sinh khởi thì đó chính là pháp học. Chính hiểu biết cặn kẽ về các pháp như vậy mới có thể làm duyên cho pháp hành sinh khởi.
Jonathan: Vừa nãy, khi bạn trình bày, tôi hiểu ý bạn nói rằng việc “nghe Pháp rồi suy xét về nó trong cuộc sống hàng ngày của mình để có thể có được kinh nghiệm thực chứng về nó”, và “đi đến một nơi nào đó, theo một sự thực hành nào đó để có được sự kinh nghiệm trực tiếp”, thì tương tự như nhau, nhưng dường như cách thứ hai “thực hành để có kinh nghiệm trực tiếp” thì có kết quả nhanh hơn?
Người hỏi: Không nhanh hơn mà là tương đương.
Jonathan: Nếu nó là như nhau thì tại sao lại đi thực hành, vì thực hành thì vất vả hơn? Điều tôi muốn nói ở đây là việc cho rằng có hai cách thức như vậy có được Đức Phật dạy, hay tới từ quan điểm bên ngoài cho rằng đó là những gì Đức Phật dạy? Những gì chúng ta tìm hiểu trong Kinh điển cho thấy rằng, Đức Phật luôn luôn khuyến khích các tỳ kheo, các đệ tử nghe Pháp, đàm đạo, thảo luận, chiêm nghiệm, suy tư để bồi bổ chánh kiến. Đức Phật cũng luôn luôn nhấn mạnh đến việc thân cận bậc thiện trí, người có thể thuyết giảng Giáo lý một cách đúng đắn. Nếu thực sự có một cách thức nào khác thì sẽ không cần thiết phải nói về gặp gỡ bạn hữu, suy xét… mà chỉ thực hành thôi.
Sarah: Chúng ta sẽ đọc tiếp bài kinh này, phần nói về con đường Bát chánh đạo
Jonathan: “Từ bỏ cả hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ con đường trung đạo là con đường đem lại nhãn quan và tri kiến và đưa đến an tịnh trí tuệ cao siêu, giác ngộ và Niết bàn”.
Achaan Sujin: Chúng ta sẽ nói một chút về Niết bàn. Niết bàn là gì? Nếu chúng ta không biết Niết bàn là gì thì tại sao chúng ta lại nỗ lực để đạt tới Niết bàn? Niết bàn có thực không
Người hỏi: Có ạ
Achaan Sujin: Nó có khác với đời sống hàng ngày hay không? Nó có sinh khởi do một duyên nào đó hay không? Tại sao chúng ta cần phát triển hiểu biết để chứng được Diệt đế-Niết bàn? Bởi vì mỗi khi Niết bàn được chứng ngộ, nó sẽ tận diệt các phiền não theo từng giai đoạn. Phải có sự thấy rõ hiểm họa của vô minh cùng với các bất thiện. Một số người tránh không sân, và họ cho rằng khi không sân là có sự an tịnh, nhưng đó không phải là sự an tịnh. Khi ta ngồi một mình, có sự an tịnh hay không, một cách trung thực? Không có sự an tịnh. Chỉ có khoảnh khắc của thiện tâm mới có sự an tịnh, khi đó nó ly phiền não, ly bất thiện. Đôi khi mọi người tiếp cận Giáo lý một cách rất đơn giản và không đúng. Ví dụ, họ nghĩ chỉ cần tránh tham và sân. Nhưng cái gì có thể làm cái công việc đó? Bởi vì không có con người nào cả, chỉ trí tuệ mới có thể làm công việc đó. Khi tâm là bất thiện thì sẽ có vô minh và có những lúc có dính mắc. Thiện không phải chỉ là một ngôn từ mà đó là một đặc tính có thể sinh khởi. Ở những khoảnh khắc không có trí tuệ thì không thể tận diệt được tham ái.
Trong cuộc đời này chúng ta dính mắc vào cái gì nhiều nhất?
Người hỏi: Đó chính là bản thân mình.
Achaan Sujin: Đúng rồi. Vậy làm thế nào để có thể tận diệt được dính mắc này, mặc dù không có tự ngã nào cả? Kể cả bớt đi sự dính mắc vào các đối tượng ngũ dục cũng đã rất khó khăn rồi. Lúc ăn, chúng ta thích thú với những gì mình ưa thích. Khi nghe, chúng ta vui thú với những âm thanh du dương. Chúng ta thích mùi dễ chịu hay vị ngon của thức ăn. Chúng ta chạy theo tham ái, vì vậy tham ái luôn luôn là ông chủ của chúng ta, từng khoảnh khắc là như vậy. Chúng ta tìm kiếm lạc thú từ bất cứ thứ gì, từ sắc.
Chừng nào còn có sự dính mắc với ngũ dục thì chừng ấy còn có duyên cho sự tái sinh trở lại trong cõi dục giới. Nhưng không ai có thể ngăn sự dính mắc sinh khởi. Đối với những người có nhiều vô minh và tham ái, Đức Phật đã dạy cho họ về bất thiện để họ nhận ra rằng có rất nhiều bất thiện sinh khởi. Nếu không có sự tận diệt ý niệm về ngã thì tất cả các loại bất thiện pháp sẽ không thể được tận diệt. Đừng nghĩ đến sự chứng ngộ Niết bàn mà hãy nghĩ đến vô minh và bất thiện đã được tích lũy từ vô lượng kiếp rồi. Khi có tham, bạn nghĩ thế nào? Ta nên làm gì? Ta có thể không muốn có nó, tránh nó và đi tới một nơi khác để xa rời nó, nhưng đó không phải là con đường, con đường là hiểu đúng bản chất của nó như nó là, nó không phải là tôi, là tự ngã. Nếu bạn tìm cách bớt đi sự dính mắc theo những cách nào khác, thì đó không phải là con đường Đạo, vì vẫn có cái tôi ở trong đó. Cách thức duy nhất là nghe và suy xét Giáo lý để có thể phát triển hiểu biết đến một mức độ trí tuệ cao hơn, cho đến khi hiểu biết về bản chất của các thực tại có thể dẫn đến sự tận diệt hoàn toàn ý niệm về ngã khi đạo quả thứ nhất được chứng ngộ. Sự tận diệt vô minh và tham ái bắt đầu với việc được nghe Pháp. Nếu không được nghe về các pháp là vô ngã hiện giờ thì sẽ càng dày thêm ý niệm và sự dính mắc vào tự ngã.
Về câu hỏi “mất bao nhiêu lâu?”, chính tham cầu đã làm duyên cho câu hỏi như vậy. Tôi có gặp một cậu bé 16 tuổi là người theo đạo Sikh của Ấn độ, mẹ cậu bé theo đạo Sikh rất nghiêm khắc và không cho cậu nghe Pháp. Cậu ấy đã nghe Pháp qua kênh Youtube, trong khi bà mẹ lại tưởng cậu bé đó chơi game. Hiểu biết của cậu bé ấy rất sâu sắc. Khi em gái tôi hỏi: “Cháu sẽ còn tiếp tục nghe Pháp đến bao giờ?”, thì câu trả lời của cậu ấy là: “Cho tới khi giác ngộ”. Không có ý nghĩ về việc cần bao nhiêu lâu. Một người không có sự chân thật sẽ không có được lợi lạc gì từ Giáo Pháp do bởi sự dính mắc quá nhiều vào tự ngã.
Vậy chúng ta sẽ nghe Pháp trong bao lâu? Nếu vẫn chưa hiểu đủ thì hãy tiếp tục nghe, không có con đường nào khác. Chính vì vậy Đức Phật đã phải thuyết giảng trong suốt 45 năm.
Người hỏi: Con thích câu hỏi: Tại sao bạn lại có câu hỏi “bao lâu?”. Con quan tâm đến thực tại, mong biết được lý do vì sao mà những sự việc đó xảy ra, nên muốn đặt những câu hỏi cho việc mình quan sát được sâu sắc hơn và mình hiểu rõ hơn. Câu hỏi “bao lâu?” thực ra nhiều người hỏi lắm, nhưng mỗi thời điểm câu hỏi đó xuất hiện với một suy nghĩ khác nhau, sự hiểu biết khác nhau. Việc của mình nên là đặt câu hỏi “lý do vì sao câu hỏi xuất hiện?”.
Achaan Sujin: Vậy loại tâm nào đặt câu hỏi “bao lâu?” Đấy không phải là bạn mà là một tâm, đúng không?
Người hỏi: Để hiểu vấn đề này, con cần quan sát nhiều hơn.
Achaan Sujin: Điều đó được thực hiện bởi vô ngã hay bởi ngã?
Người hỏi: Nếu có cái hiểu đúng thì đó là quan sát bởi vô ngã.
Sarah: Khi chúng ta đặt câu hỏi “mất bao nhiêu lâu?”, cũng giống như hôm trước, câu hỏi về kiếp trước kiếp sau, tất cả những câu hỏi đó đều bị thúc đẩy là ý nghĩ “cho bản thân mình”.
Achaan Sujin: Vô minh và tham ái đã được tích lũy bao lâu rồi?
Người hỏi: Rất sâu dày ạ
Achaam: Và ta nghe Giáo lý được bao lâu rồi?
Người hỏi: Quá ít ạ
Nina:Khi mọi người đặt câu hỏi “bao nhiêu lâu?”, chúng ta cũng biết có những vị thầy nói với mọi người nếu theo phương pháp này thì sẽ đạt được kết quả trong một thời gian nào đó. Nhưng thực chất chỉ có việc nghe giảng Pháp. Khi ta hiểu được bản chất của các pháp là vô ngã, sẽ không còn sự thắc mắc mất bao nhiêu lâu thì mới đạt được kết quả cuối cùng. Đức Phật có giảng về cira kala bhāvanā, tức là sự phát triển tâm trí trong một khoảng thời gian dài. Vì thế ta không cần nghĩ là sẽ phải cần bao lâu, mà phải hiểu từng chút một bất cứ thực tại hiện giờ đang xuất hiện. Mỗi cánh cửa giác quan chỉ có một đối tượng mà thôi. Sẽ chẳng còn sự phân vân về việc cần bao nhiêu kiếp sống nữa. Bao nhiêu lâu sẽ phụ thuộc vào duyên bởi vì các pháp là vô ngã. Khi chúng ta hỏi bao nhiêu lâu thì khi ấy chúng ta quên về vô ngã, có cái tôi ở đó muốn một cái gì đó.
Sarah: Khi bạn nói đến “quan sát”, thì quan sát không phải là chánh niệm, bởi chánh niệm chỉ hay biết, nó cũng không phải là trí tuệ, vì trí tuệ thì hiểu. Vì thế, khi ta nói đến sự hay biết cái đang diễn ra, thường ta không nói chính xác bản chất của các pháp. Cái đang diễn ra thường là một câu chuyện, còn chánh niệm thì có đối tượng là thực tại chân đế, ví dụ như cái thấy, cái nghe. Cái thấy sinh và diệt rất nhanh chóng, khi nói đến “quan sát” thì cái thấy đó diệt đi từ lâu rồi. Với tất cả các thực tại thì đều như vậy. Sự quan sát thực chất chỉ là cố nắm bắt các thực tại, nó là suy nghĩ về cái đã qua, và suy nghĩ với sự dính mắc, suy nghĩ với ý niệm về mình.
Tôi nghĩ việc muốn phát triển trí tuệ nhanh chóng thì khá tự nhiên đối với tất cả mọi người. Nhưng khi hiểu rõ hơn về thực chất của mỗi khoảnh khắc, như thế nào là thiện và như thế nào là bất thiện, thì chúng ta sẽ nhận ra được rằng những ý nghĩ như vậy là thiện hay bất thiện. Chúng ta dễ có ý nghĩ rằng vì mục tiêu là thiện nên tâm hướng tới mục tiêu đó cũng là thiện. Tuy nhiên, dính mắc cũng như tà kiến thì vô cùng nham hiểm. Tà kiến và sự thực hành sai dường như trở thành chánh kiến và chánh tư duy. Rất tự nhiên, tà kiến sẽ cho những ý nghĩ sai là chánh kiến. Nhưng khi suy xét nhiều hơn về Giáo lý của Đức Phật, chúng ta sẽ nhận ra rằng những ý niệm như vậy sẽ không thể là chánh kiến được. Chúng ta nhận ra rằng có rất nhiều tích lũy về tham ái và tà kiến. Chính vì lẽ đó, những dính mắc và tà kiến xuất hiện trong tâm một cách rất thường xuyên. Như Achaan Sujin đã nói, chúng ta đã tích lũy vô minh và tham ái trong bao nhiêu lâu rồi? Từ vô lượng kiếp. Do vậy, chúng ta cần nghe đi nghe lại lời dạy của Đức Phật. Nghe Pháp thường xuyên làm duyên cho sự suy xét về các pháp sinh khởi trong khoảnh khắc hiện tại. Nó làm duyên cho việc thấy được các khoảnh khắc của bất thiện trong cuộc sống hàng ngày. Ta sẽ biết rằng phải cần thiết có thêm hiểu biết đúng về các pháp xuất hiện Có thể chúng ta đã đọc rằng, bất thiện thì nguy hiểm. Đúng thế, nhưng mà bất thiện là để được hiểu chứ không phải là để đè nén.
Người tham dự: Có một vị sư đã chia sẻ với con điều này: Trong khoảnh khắc muốn ngồi thiền thì rõ ràng ở đó có ý niệm tôi muốn ngồi thiền và đồng thời có sự dính mắc đạt được kết quả gì đó. Còn khi mình ngồi và nhận ra đây là cái cứng và không có bản ngã, lúc đó có cái hiểu sanh, cái hiểu này được duyên bởi việc đã được nghe về cái đúng, không phải là duyên do việc ngồi thiền, đó là hai khoảnh khắc khác nhau nhưng chúng ta đều nhầm lẫn cho rằng chúng ta có được cái hiểu là do việc ngồi thiền này.
Sarah: Tôi cũng muốn chia sẻ điều hôm qua Achaan Sujin nói với một bạn: Cô ấy nói, trong lúc ngồi thiền thì cô ấy biết được đây là cứng, nóng, v.v… Achaan Sujin nhận xét rằng, một đứa trẻ cũng biết được đây có cứng, đây có nóng. Chúng ta không cần phải nghe lời dạy của Đức Phật để có thể biết cái này cứng, mềm, hay mát. Giáo lý của Đức Phật thâm sâu và vi tế hơn thế rất nhiều.
Pháp đàm tại Sài Gòn, chiều ngày 06/01/2016
Người hỏi: Sáng nay chúng ta đã đề cập đến một chủ đề mà tất cả mọi người đều quan tâm, đó là chủ đề về thiền. Khi một thính giả nói về một trạng thái không phải là hiểu biết nhưng cũng không có suy nghĩ hay ý niệm cụ thể về một ai đó hay cái gì đó, Achaan Sujin có đặt câu hỏi rằng:“tâm khi đó là loại tâm nào?”. Vậy chúng ta hãy làm rõ tiếp chủ đề này, để mọi người được rõ hơn.
Sarah: Như chúng ta đã thảo luận mấy ngày nay, con đường phát triển hiểu biết là con đường nhận ra rằng có rất nhiều vô minh trong cuộc sống của mình. Sau cái thấy và cái nghe, có vẻ dường như không có tham và không có sân, nhưng có gì được hiểu hay không? Chính vì lẽ đó, Đức Phật đã thuyết giảng cho chúng ta về lậu hoặc(āsava), đó là những bất thiện sinh ra từ sự tiếp xúc giữa các căn và các cảnh trong suốt cả ngày. Đó là những phiền não hoàn toàn không được nhận biết, ta không có khái niệm gì về chúng.
Ngay sau khi các căn tiếp xúc với năm cảnh của chúng, có dục lậu hoặc(kāmāsava)sinh khởi, nó dính mắc với đối tượng được kinh nghiệm. Ngay khi chúng ta thức dậy, lập tức có sự dính mắc sinh khởi và sự dính mắc đó hoàn toàn không được nhận biết.
Một loại lậu hoặc khác làhữu lậu hoặc (bhavāsava), đó là loại lậu hoặc dính mắc vào hữu(bhava).
Một loại lậu hoặc nữa là kiến lậu hoặc (diṭṭhāsava), nó sinh khởi ngay sau khoảnh khắc của các căn tiếp xúc với các cảnh và cũng vô cùng vi tế nên khó được nhận biết. Nhiều người có thể cho rằng bây giờ đã được nghe Pháp, mình đã hiểu được về vô ngã. Tuy nhiên những khoảnh khắc kiến lậu hoặc tiết ra sau khi căn tiếp xúc với cảnh thì sao? Chúng vô cùng vi tế nên rất khó nhận biết.
Loại lậu hoặc cuối cùng là vô minh lậu hoặc (avijjāsava). Chúng ta đã nói về vô minh rất nhiều: nó không hiểu được bản chất thực sự của pháp đang xuất hiện, kể cả khi không có tham và sân thì vẫn có vô minh không hiểu được pháp đúng với bản chất của nó. Vô minh lậu hoặc cũng sinh khởi ngay sau khi các căn tiếp xúc với các cảnh.
Vậy chúng ta không nên cho rằng, sau khi có cái thấy hoặc cái nghe, nếu không có tham hay sân gì đó, như vậy có nghĩa là không có vô minh ở đó. Đặc biệt, khi ta không biết rõ tâm nào là tâm sinh khởi ở khoảnh khắc đó, thì điều đó có nghĩa rằng vô minh đã ở đó rồi.
Chỉ có bậc A la hán mới hoàn toàn tận diệt vô minh lậu hoặc, tất cả các bậc Hữu học khác đều còn vô minh lậu hoặc sinh khởi sau những khoảnh khắc của căn tiếp xúc với cảnh. Chính vì vậy, khi càng có thêm hiểu biết đúng, ta càng nhận ra mức độ vô minh lớn đến chừng nào, có những khoảnh khắc mà chúng ta vẫn dễ cho rằng không có bất thiện hay có sự an tịnh, thực chất chỉ là những khoảnh khắc của vô minh mà thôi.
Jonothan: Với tôi, từ những gì được nghe, mô tả về trạng thái nơi đó không có ý niệm về mình hay ai đó được dựa trên cách tiếp cận là không nên có sự dính mắc, hay không nên có ý niệm về mình. Với những gì mà tôi hiểu, cốt lõi của Giáo lý là hiểu đúng về pháp sinh khởi trong khoảnh khắc hiện tại. Trong bối cảnh ấy, không quan trọng là có tham hay không có tham. Bởi vì theo tinh thần của kinh Tứ Niệm Xứ thì tâm tham hay tâm sân cũng đều là đối tượng của Tứ niệm xứ. Như vậy trạng thái tâm nào sinh khởi ở mỗi khoảnh khắc không phải là một vấn đề. Không cần thiết phải hạn chế hay lựa chọn đối tượng của chánh niệm. Đối tượng có thể là đối tượng thị giác hay là một trạng thái tâm. Không có sự lựa chọn.
Người dịch: Đôi khi chúng ta không lựa chọn đối tượng cụ thể, nhưng vẫn có ý niệm cố gắng nắm bắt thực tại hiện giờ đang sinh khởi, các vị nghĩ như thế nào về điều đó?
Sarah: Ngay khi có ý niệm về sự quan sát đã là có sự lựa chọn, vì ta vẫn lựa chọn một thứ cụ thể để hay biết, như vậy thì không phải là sự sinh khởi tự nhiên của chánh niệm. Như chúng ta đã nói về các thực tại, chẳng hạn về cái thấy: cái thấy sinh khởi hoàn toàn do duyên của nó, không có ai tạo nên, không có ai bảo nó dừng lại, nhưng nó tự diễn tiến. Cũng như thế, sau cái thấy có sự dính mắc với cái được kinh nghiệm, sau cái nghe có sự dính mắc với âm thanh, tất cả sự dính mắc đó hoàn toàn tự nhiên, không có con người nào có thể làm cho dính mắc đó sinh khởi. Cũng như vậy với chánh niệm, chánh niệm sinh khởi tự nhiên do duyên của nó, không có ai có thể cố làm cho chánh niệm sinh khởi. Khi chúng ta có ý niệm rằng cần để ý quan sát tâm tham hay tâm sân, khi ấy có sự lựa chọn rồi. Cách thức duy nhất để chánh niệm có thể sinh khởi một cách tự nhiên như chúng ta đã đề cập, đó là nghe và hiểu một cách thấu đáo rằng tất cả các pháp sinh khởi đều do duyên, không có một tự ngã nào cả.
Như chúng ta đã nói, hiểu biết và niềm tin vào sự thật vô ngã của các pháp cần phải vô cùng vững vàng và kiên cố để chánh niệm thực sự có thể sinh khởi trực tiếp kinh nghiệm chúng. Nếu chỉ biết rằng, cái này là đặc tính cứng, mềm, hay cái được nghe chỉ là âm thanh v.v… thì chừng đó vẫn chưa đủ. Bởi vì vẫn có ý niệm rằng “tôi” có thể nghe âm thanh hay “tôi” nhận biết đặc tính cứng, mềm v.v… Hiểu biết này phải sâu sắc hơn rất nhiều những gì mà con người có thể nhận biết được về cái đang diễn ra khi chưa từng được nghe Giáo lý của Đức Phật. Chính vì vậy, chúng ta cần được nghe Giáo lý, được giảng giải một cách kỹ lưỡng dưới nhiều góc độ khác nhau, được nghe về uẩn, giới, xứ, về các căn, các pháp khác nhau, để thực sự thấy được rằng không có tự ngã nào cả, các pháp đều sinh khởi do duyên, và không có một con người nào ở đó để can thiệp vào tiến trình đó.
Người hỏi: Nếu ý niệm và sự dính mắc trở thành đối tượng để ghi nhận thì như thế nào?
Achaan Sujin: Liệu nó có thể trở thành đối tượng của chánh niệm hay không chính là câu hỏi đặt ra, bởi vì chúng ta nói về những khái niệm khác nhau, nhưng còn thực tại thì sao? Khi chúng ta nói đến việc một ai đó nghĩ đến việc đi thiền hay ngồi thiền, thực hành thiền, về mặt bản chất vẫn không có con người nào cả, vì vậy nó phải là một thực tại. Làm thế nào để thực tại đó –tâm tham chẳng hạn – có thể trở thành đối tượng của chánh niệm? Chúng ta đã nói về nhiều loại tâm sở khác nhau: chúng ta nói về tâm thấy, tâm nghe, tâm suy nghĩ, và chúng ta cũng nói về tâm sở tham, sân, si, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những thực tại ấy có thể trở thành đối tượng của chánh niệm? Ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, thân thức kinh nghiệm đặc tính cứng hay đặc tính mềm một cách tự nhiên. Liệu thân thức có thể trở thành đối tượng của chánh niệm, và đặc tính cứng/mềm đó trở thành đối tượng của chánh niệm hay không? Nếu ta không làm rõ về điều này thì sẽ chỉ là nói suông về chúng mà thôi, không hiểu được chúng là vô ngã mà cho rằng đó là một cái gì đó tồn tại kéo dài. Đây là một điểm rất vi tế và quan trọng, bởi vì chúng ta đang nói về Tứ Niệm Xứ, trong đó đề cập đến các loại tâm khác nhau và các thực tại khác nhau.
Câu hỏi đặt ra: liệu những thực tại ấy có thể trở thành đối tượng của chánh niệm của khoảnh khắc này hay không? Hiện giờ chúng chỉ là đối tượng của vô minh: đặc tính cứng là đối tượng của vô minh; cái thấy hiện giờ là đối tượng của vô minh, vì không có hiểu biết về đặc tính của thực tại sinh khởi để thấy. Không tồn tại một phương pháp nào để có thể hiểu đúng được thực tại ấy. Chỉ bằng việc nghe Giáo lý và suy xét mới giúp chúng ta có thể phân biệt được khoảnh khắc nào các đối tượng ấy là đối tượng của chánh niệm cùng hiểu biết đúng, và khoảnh khắc nào chúng là đối tượng của vô minh và dính mắc. Chúng ta không thể nhảy cóc từ vô minh sang trí tuệ kinh nghiệm trực tiếp đối tượng là thực tại chân đế. Si là si, trí tuệ là trí tuệ. Chừng nào chưa có hiểu biết về mặt tư duy về các thực tại ấy thì không thể nào có được kinh nghiệm trực tiếp về chúng. Có ai khi đọc bài kinh Tứ niệm xứ mà ngay lập tức các pháp đề cập trong đó trở thành đối tượng của chánh niệm và trí tuệ hay không?
Giáo lý của Đức Phật vô cùng thâm sâu và vi tế, có rất nhiều mức độ hiểu biết khác nhau. Mỗi từ đều cần phải được nghiên cứu tìm hiểu một cách từ từ, cẩn thận. Chẳng hạn từ “pháp”, pháp là một thực tại. Có nghĩa là không ai có thể khiến nó sinh khởi bằng ý chí của mình. Ta có thể cố lấy một đối tượng nào đó làm đề mục cho sự quan sát của mình, thế còn những thực tại hiện giờ đang xuất hiện thì sao? Không có hiểu biết gì về chúng một chút nào! Chúng đã do duyên mà sinh khởi và hiện giờ chúng đang xuất hiện. Nếu không hiểu đúng về cái hiện giờ đang xuất hiện thì trí tuệ hiểu cái gì đây? Vì vậy, ta phải quay về với khoảnh khắc hiện tại, khi các thực tại đang xuất hiện, để thực sự hiểu rằng không có ai tạo ra chúng, chúng đã sinh khởi do duyên rồi. Cái hiện giờ đang xuất hiện đã sinh khởi do duyên. Cái thấy sinh khởi để thấy, không phải là tôi thấy. Tất cả những gì mà chúng ta được nghe về Giáo lý đều phải được suy xét dưới góc độ vô ngã, là tâm và tâm sở. Nếu không sẽ luôn có ý niệm “tôi” biết, “tôi” tìm hiểu, “tôi” nghe. Nhưng cái “tôi” đó là gì? Bất cứ lúc nào cũng phải đặt câu hỏi đó. Hiện giờ có cái “tôi” không? Bất cứ khi nào không có hiểu biết về thực tại đang xuất hiện như chúng là thì sẽ là vô minh và dính mắc, chấp tưởng vào cái xuất hiện là một cái gì đó, luôn luôn là như vậy. Bởi vì sự tiếp nối của các thực tại khác nhau sinh và diệt tạo nên những ý niệm về hình và dạng.
Từ sự giác ngộ của mình, Đức Phật đã chỉ ra từng pháp một, mỗi pháp sinh khởi một mình ở một thời điểm. Những pháp ấy được chỉ ra để giúp mọi người có được hiểu biết đúng về chúng và để hiểu biết ấy phát triển dần dần cho đến những khoảnh khắc thực sự kinh nghiệm về chúng một cách trực tiếp, và tiến trình đó là tự động, không có ai ở đó để làm công việc đó. Đây là những lời dạy của Đức Phật về chân lý. Dễ hay khó? Chấp tưởng những thực tại đó là ta thì không khó chút nào. Cố tìm một con đường để đạt tới Tà Giải Thoát cũng không khó, bởi vì vô minh và dính mắc sẵn có ở đó rồi. Tham ái là Thánh Đế thứ hai-tập đế, nó cần phải được suy giảm và tận diệt. Nếu nó không được làm cho suy giảm từng chút một bởi hiểu biết đúng, làm sao có thể có được sự xả ly với những gì xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của mình? Đó vẫn là chưa nói đến sự chứng ngộ chân lý, mà mới chỉ là những ngôn từ mà chúng ta đã tìm hiểu và ghi nhớ. Ở mỗi một khoảnh khắc đều không phải là mình hay cái gì đó, mà chỉ là một pháp sinh khởi, nhưng tùy thuộc nó xuất hiện đối với trí tuệ hay với vô minh.
Việc phát triển trí tuệ từng chút một để dần dần suy giảm vô minh và tham ái cần một quãng thời gian rất dài. Liệu sự dính mắc vào ý niệm về ngã và vô minh có thể được tận diệt ngay trong kiếp này không? Hay trong kiếp tới, hay trong một trăm kiếp tới? Khi chúng ta chân thật, chúng ta sẽ không thể nói được điều gì về câu hỏi đó, câu trả lời tùy thuộc vào mức độ hiểu biết đã tích luỹ về những pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng, vô cùng vi tế. Nếu không hiểu chúng, chúng ta không thực sự hiểu được Đức Phật. Cách thức duy nhất để có thể thực sự thấy được Đức Phật đó là hiểu được đúng những lời dạy của Đức Phật. Những lời dạy của ngài phải hoàn toàn khác với những lời dạy của những vị khác. Bởi vì chừng nào còn Giáo lý của Đức Phật, sẽ không ai có thể là một vị Phật khác. Chúng ta có thực sự tôn kính Đức Phật và Giáo lý của ngài hay không? Đức Phật đã nói rằng tất cả những lời dạy chân lý đều là Phật ngôn. Cái thấy hiện giờ sinh và diệt, nó không phải là tự ngã. Đức Phật đã dạy như vậy, lời dạy đó dù là ai nói ra thì vẫn là lời dạy của Đức Phật. Từ “thiền” không hề rõ ràng, vì nó không cho chúng ta biết chút nào về những thực tại hiện giờ đang xuất hiện để được nhận biết.
Pháp đàm tại Sài gòn, chiều ngày 07/01/2016
Achaan Sujin: Tôi đã tìm hiểu Giáo lý của Đức Phật một cách cẩn thận. Tôi nghiên cứu từng từ một và suy xét về từng từ ấy để hiểu về bản chất thực sự của những pháp hiện giờ đang sinh khởi. Tuy nhiên, tôi không biết được ở các trường thiền thì như thế nào, đâu là sự thực hành ở đó, sự thực hành đó mang lại hiểu biết gì, có tương ứng với Giáo lý của Đức Phật hay không? Tôi không có tích lũy đi theo những gì mà tôi chưa hiểu. Liệu có ích gì không khi cố đến một nơi nào khác, cố làm cái gì đó mà không hiểu đúng về khoảnh khắc hiện tại? Đức Phật có dạy chúng ta đi đến một nơi khác, hay dạy chúng ta nghe những gì Ngài thuyết giảng về những gì xuất hiện? Nếu không phải là bây giờ ở đây thì ở nơi nào khác có thể có cái hiểu về sự thật của các pháp đây? Vì vậy, tôi muốn nghe thêm ai đó nói về thiền, và các trung tâm thiền. Bạn nghĩ gì trước khi đi đến trường thiền?
Cô tu nữ: Như Bà đã giảng “điều Đức Phật giác ngộ là về các pháp sinh diệt, đang xuất hiện trong khoảnh khắc hiện tại”. Con nhận thấy, không chỉ ở bên Phật giáo Bắc tông mà ngay cả Phật giáo Nam tông, hầu hết nội dung các buổi thuyết giảng đều không nói về những pháp đang hiện khởi mà chủ yếu khuyên bảo mọi người đối xử với nhau tốt đẹp, nên có từ tâm, không sân hận, v.v… Những buổi nói chuyện như vậy người ta đều gọi chung là “thuyết pháp”. Nhưng theo con, các buổi đó chỉ nên gọi là giảng về những lời hay ý đẹp, về đạo đức con người, nếu cứ nói chung chung là thuyết pháp thì đã vô tình làm giảm giá trị cao quý về sự giác ngộ của một vị Phật Chánh đẳng Chánh giác.
Tương tự đối với việc hành thiền. Mọi người có thể từng nghe Achaan Sujin giảng nhiều lần, nhưng mỗi người có một xu hướng và tích lũy riêng nên vẫn đi theo những chiều hướng suy nghĩ và hành động theo ý kiến riêng của mình. Con có trao đổi với bạn bè, các bạn có hỏi con: “đã thấy sự sanh diệt chưa?”. Con trả lời “chưa thấy”. Họ lại nói: “Hãy đi theo vị thiền sư này thì sẽ có được kinh nghiệm trực tiếp về vô ngã vì lúc đó không còn cái thân mà chỉ là các hạt kalapa sinh diệt” Con hỏi họ: “Hiện giờ bạn đang thấy cái gì?” Họ đều trả lời: “Thấy một lọ hoa.” Con nhận ra nếu không có việc nghe lời giảng chi tiết của Đức Phật thì làm sao có thể biết được bản chất của thực tại, và nếu vẫn chưa thể hiểu về cái thấy đang xuất hiện hiện giờ thì làm thế nào có thể kinh nghiệm trực tiếp được sự sinh diệt của các hạt kalapa? Do kiến thức của con còn ít ỏi nên con không thể chia sẻ giúp đỡ gì thêm cho các bạn ấy. Mong nhờ Achaan Sujin chỉ dạy thêm.
Sarah: Tôi nghĩ những điều cô chia sẻ rất hay. Như cô đã nói, có những người nghe Pháp, họ thấy những điều đó rất hữu ích và họ hiểu các pháp là vô ngã, nhưng rồi lại đi đến một nơi khác để thực hành. Mọi người có thể nghĩ rằng những người ở đây đang đi theo lời dạy của Achaan Sujin, nhưng thực sự những gì Achaan Sujin mô tả là lời dạy của Đức Phật. Tất cả những gì mà chúng ta đọc trong Kinh điển hay những ai nói những lời tương ứng với những gì Đức Phật đã thuyết giảng thì đều là Phật ngôn. Bữa trước, chúng ta đã đọc phần đầu của bài Kinh Chuyển Pháp Luân. Nếu chúng ta đọc kỹ bài kinh này đến cuối, chúng ta sẽ thấy rằng trong toàn bộ bài kinh, không đâu nói đến bất kỳ phương pháp hành thiền nào mà chỉ nói về những thực tại đang xuất hiện. Trừ khi có được hiểu biết rõ ràng, tường tận về những gì là thật ở khoảnh khắc này, sẽ không thể có chánh niệm- samma sati sinh khởi. Tuy nhiên chúng ta có thể sốt ruột và cảm thấy muốn đạt được kết quả một cách nhanh chóng, vì cuộc sống rất ngắn ngủi. Vì vậy, khi ai đó nói rằng: “bạn không cần phải nghe quá nhiều chi tiết về các thực tại khác nhau trong Vi Diệu Pháp, không cần đọc quá nhiều kinh sách làm gì, mà chỉ cần đến một nơi ngồi và quan sát là có thể kinh nghiệm được khoảnh khắc thực tại”, thì điều đó trở nên rất hấp dẫn. Nhưng nếu không có hiểu biết một cách cụ thể, chắc chắn về những gì hiện giờ là thực, rằng âm thanh là cái duy nhất được nghe, đối tượng thị giác là cái duy nhất được thấy là chứ không phải con người được thấy, thì làm sao có thể chứng nghiệm được những thực tại ấy? Khi chúng ta cho rằng, cái được thấy là cái ly, hay bông hoa, điều đó chứng tỏ rằng thậm chí mức độ hiểu biết về mặt tư duy vẫn chưa có. Nếu không có hiểu biết ở mức độ tư duy một cách vững vàng, sẽ không thể nào có được chánh niệm trực tiếp về thực tại. Những điều này không phải là lời dạy của Achaan Sujin hay của tôi, mà là những lời dạy của Đức Phật, vì ngài đã giảng về các thực tại. Pháp chân đế là những pháp thực sự tồn tại, là bản chất cuộc sống tại khoảnh khắc này và chúng có thể được hiểu.
Như đã đề cập đến trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân, trước tiên phải có niềm tin vững vàng, hay hiểu biết chắc chắn, kiên cố ở mức độ tư duy về Tứ Thánh Đế, saccañāṇa. Chỉ khi hiểu biết tư duy đạt đến mức độ kiên cố đó, nó mới làm duyên cho kiccañāṇa, hay kinh nghiệm trực tiếp, cũng còn gọi là pháp hành. Trí tuệ cùng chánh niệm thực chứng được rằng, ở khoảnh khắc thấy, cái được thấy chỉ là đối tượng thị giác, chưa có bông hoa hay cái ly. Hiểu biết đó chỉ có thể xảy ra sau khi có những sự suy xét rất kỹ càng. Cần có hiểu biết về nhiều loại thực tại khác nhau: thực tại là danh – thực tại kinh nghiệm đối tượng, và thực tại là sắc- thực tại không kinh nghiệm đối tượng, chẳng hạn như âm thanh. Chánh niệm cùng trí tuệ sinh khởi có thể kinh nghiệm trực tiếp đặc tính của pháp xuất hiện một cách tự nhiên, không bằng cách cố để chánh niệm và quan sát. Khoảnh khắc đó không giống như khoảnh khắc chỉ hiểu ở mức độ tư duy. Chỉ khi có hiểu biết trực tiếp, hay kinh nghiệm thực chứng, về những thực tại ấy, lặp đi lặp lại nhiều lần thì mới có thể kinh nghiệm sự sinh diệt của các thực tại. Trí tuệ hiểu được sự sinh và diệt của cái thấy ở khoảnh khắc nó sinh khởi và xuất hiện chỉ là cái thấy mà thôi. Vì vậy, chừng nào vẫn chưa hiểu được một cách ngọn ngành, mà vẫn cho rằng bông hoa là cái được thấy qua mắt, sẽ không thể có được sự chứng nghiệm về sự sinh diệt của các thực tại, mà chỉ là ý niệm của chúng ta về sự sinh và diệt mà thôi.
Trước khi Đức Phật ra đời và giác ngộ, tất cả mọi người đều biết cuộc đời này là vô thường, ai cũng sẽ có lúc phải chết, cảm thọ đau hiện giờ luôn luôn thay đổi… Chúng ta không cần Đức Phật để nói cho chúng ta những điều ấy. Mức độ trí tuệ chứng ngộ được sự sinh diệt các thực tại là một mức độ trí tuệ rất cao. Chúng ta đã được nghe từ mấy ngày nay rằng, khi đối tượng thị giác sinh khởi, nó sinh khởi trong cùng một nhóm sắc gọi là nhóm sắc bất ly, hay còn được gọi là tổ hợp sắc-kalapa. Hiện giờ, chúng ta có thể nghĩ rằng đối tượng thị giác không thể sinh khởi tách rời khỏi tứ đại, cùng những sắc khác trong cùng nhóm với nó, nhưng đó vẫn chỉ là suy nghĩ về các pháp mà thôi. Mỗi đối tượng thị giác đều khác biệt tùy thuộc vào các thực tại khác sinh khởi cùng tổ hợp sắc với nó. Nếu tất cả các đối tượng thị giác đều giống hệt nhau, thì không thể có ý niệm sau đó về những bông hoa khác nhau hay cái ly, cái khăn trải bàn, v.v… Việc biết rằng tứ đại sinh khởi cùng đối tượng thị giác giúp ta hiểu được tại sao mỗi đối tượng thị giác lại khác nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta cho rằng ngay bây giờ có thể kinh nghiệm được các kalapa hay sự sinh khởi cùng nhau của các pháp trong cùng một nhóm trước khi kinh nghiệm trực tiếp từng pháp một một cách riêng rẽ, thì đó là một ảo tưởng.Như ta đã nói, nếu không có phát triển hiểu biết từ từ về từng pháp một, sẽ không thể biết được các tổ hợp sắc thực sự là gì.
Như vậy, con đường của sự phát triển hiểu biết chính là con đường nhận ra mức độ vô minh và tham ái nhiều tới chừng nào. Nhưng khi vô minh không được nhận diện, chúng ta sẽ muốn tìm một con đường tắt để kiếm tìm kết quả một cách nhanh chóng. Vì lẽ đó, chân thật ba la mật rất quan trọng, sự chân thật này sẽ cho chúng ta biết cái gì có thể thực sự được nhận biết ở ngay khoảnh khắc này. Nếu không có chân thật ba la mật, thì sẽ không thể nào xả ly khỏi cái được kinh nghiệm tại khoảnh khắc hiện giờ, vì ta sẽ dính mắc vào ý niệm muốn kinh nghiệm những pháp ấy. Vì vậy, chúng ta đừng mong cầu có trí tuệ, mong muốn có tuệ giác vipassanāsinh khởi nhanh chóng, nó sẽ khiến chúng ta quay lưng với những thực tại hiện giờ đang xuất hiện. Tôi rất đồng ý với cô rằng, đôi khi thật khó để có thể giải thích chia sẻ cho người khác, với tôi cũng vậy, tôi thấy điều đó không dễ dàng.
Sư cô: Bởi vì sự tích lũy vô minh và tà kiến quá sâu dầy cho nên mặc dù đã được nghe về các thực tại nhưng chúng ta vẫn thường quên lãng các thực tại đang hiện hữu. Hầu hết thời gian mọi người hướng tâm đến công việc, đến con người, và không nhớ ra được rằng đó chỉ là các thực tại. Hôm trước, một vị sư thỉnh Achaan Sujin dạy về 24 duyên hệ, Achaan Sujin đã nhắc một lời làm con rất chấn động là “Sư học về 24 duyên hệ để biết thêm kiến thức, phân tích chia chẻ các ngôn từ, hay là để hiểu sâu thêm về thực tại?”. Con nhận ra rằng khi nghe Pháp, đúng là thường có xu hướng ghi nhớ thuật ngữ, động cơ là nhớ về ngôn từ, chứ không phải để hiểu tính chất của thực tại đang hiện hữu.
Sau đó Achaan Sujin cũng nói thêm “Muốn học về 24 duyên hệ, hiện giờ có cảnh duyên xuất hiện đối với cái thấy, vậy sư có biết được chăng? Hay vô gián duyên sinh khởi liên tục cái này tiếp nối cái kia, những duyên ngay trước mắt thì có thể biết được chăng?” Con thấy đây đúng là một cách học tuyệt vời, học để hiểu thêm về pháp chứ không phải là học để thêm kiến thức. Rồi con suy nghĩ “mình phải làm thế nào để xu hướng tích lũy khác đi”. Liền ngay đó con nhận ra đó lại là một sai lầm. Khi Achaan Sujin kể về câu chuyện của cậu bé đạo Sikh, cậu đã nói rằng: “sẽ nghe Pháp để hiểu về thực tại cho đến khi nào giác ngộ”. Bởi lẽ quá trình được lắng nghe Giáo Pháp chân chánh, nghe về khoảnh khắc hiện tại nhiều lần thì mới có thể làm duyên cho mình có sự suy xét một cách chân chánh hơn, đó là một tích lũy tốt, để hiểu đúng hơn về thực tại, về các pháp.
Sarah:Thứ khó khăn nhất để từ bỏ chính là ý niệm về ngã.
Pháp đàm tại Nha Trang, chiều ngày 06/04/2016
Sarah:Liên quan đến ý “quay trở về với khoảnh khắc hiện tại”, thực chất là chỉ có khoảnh khắc này thôi, không có gì khác cả. Khi Đức Phật thuyết giảng, cho dù Ngài sử dụng ngôn ngữ nào đi chăng nữa, thì về mặt thực chất là chỉ có các pháp sinh khởi do duyên mà thôi. Khi tôi nói bây giờ hay Đức Phật nói trước đây rằng hãy hiểu về cái thấy hiện giờ, vẫn không có một con người có thể làm công việc ấy. Đó chỉ là một lời nhắc nhở để nếu có sự tích luỹ trí tuệ, trí tuệ có thể sinh khởi và hiểu. Vì vậy, chúng ta có nói rằng bản thân Tam Tạng Kinh điển có thể bị hiểu sai khi ta đọc với ý niệm cho rằng có ai đó làm một cái gì đó. Vì vậy, rất quan trọng để ta hiểu được rằng, dù chúng ta đọc gì đi nữa thì về mặt bản chất, ở khoảnh khắc này chỉ có các pháp hữu vi sinh khởi mà thôi.
Jonothan:Kể cả khi chúng ta nghĩ về quá khứ và tương lai và không chú đến những gì diễn ra trong hiện tại thì ở khoảnh khắc ấy vẫn chỉ có thực tại trong khoảnh khắc hiện tại mà thôi. Và thực tại ở khoảnh khắc đó chính là suy nghĩ, thông thường là với dính mắc về quá khứ hay tương lai. Đức Phật đã nói rằng chỉ có thể hiểu về thực tại đang sinh khởi trong khoảnh khắc hiện giờ. Như vậy, Đức Phật không bảo mọi người không được phép nghĩ về tương lai hay quá khứ, mà ngài nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ của hiểu biết chỉ liên quan đến khoảnh khắc hiện giờ mà thôi, cái đang thực sự hiện hữu. Như vậy thì chúng ta không cần phải nghĩ, dưới góc độ “cố gắng ở trong hiện tại”, hay “quay trở về khoảnh khắc hiện tại”. Nhưng hãy nhớ rằng ở mỗi khoảnh khắc có một số thực tại sinh và diệt, và điều ấy diễn ra suốt cả ngày. Cái thấy luôn xảy ra ở khoảnh khắc hiện tại, và cái nghe cũng thế. Các pháp này, cũng như suy nghĩ về những thứ đã qua, kể cả khi sinh kèm với rất nhiều tham hay sân, cũng vẫn là đối tượng của trí tuệ.
Pháp đàm tại Nha Trang, chiều ngày 05/04/2016
Achaan Sujin: Vậy thiền là gì?
Người hỏi: Thiền là sự dừng lại.
Achaan Sujin: Dừng lại cái gì?
Người hỏi: Ví dụ mình dừng lại ở cái thấy và nhận diện nó.
Sarah:Có ai có thể dừng lại cái thấy được không?
Người hỏi: Ý không phải là dừng lại cái thấy mà là mình trực nhận nó.
Sarah:Cái thấy sinh khởi do duyên, không ai có thể chặn được cái thấy. Khi cố nhận diện hay nắm bắt cái thấy thì khi đó là ý niệm về ngã cố nắm bắt thực tại.
Achaan Sujin: Nếu cho rằng việc dừng lại đó là thiền, thì thiền không phải là trí tuệ đúng không? Bởi vì điều ấy là không thể, mà nó lại cho rằng điều ấy là có thể. Như vậy thì thiền không liên quan gì đến trí tuệ cả.
Vị sư 2: Theo như sư hiểu về những lời của quý vị là: từ bhāvanā-phát triển tâm trí có nghĩa là hiểu rõ được đặc tính nào của sắc, và sắc do nguồn nào sanh, dó duyên nào, vật thực nào, tâm nào và thời tiết nào sanh? Hay từng trạng thái của sắc, chẳng hạn như cái cứng, cái mềm nó thuộc về căn nào? Hay màu của sắc nó thuộc về căn nào để nhận biết? Ví dụ, tâm nhãn thức, nó nhận biết màu sắc của tứ đại đó và hiểu sắc bất ly nó phải xuyên qua các căn, mới được hiểu cái bất ly. Hay ví dụ như cái vị của sắc phải qua lưỡi mới biết được vị này ở trong tứ đại đó là cái gì. Còn tâm cũng phải biết từng loại tâm một, ví dụ như tâm thì có các loại như tâm tố, tâm duy tác, tâm bất thiện. Tâm bất thiện thì tâm nào thuộc tham, tâm nào thuộc sân, tâm nào thuộc tà kiến, v.v… hay tâm thiện thì cũng phải biết rằng tâm nào là tâm thiện dục giới, tâm nào là thiện sắc giới. Đó là những gì mà sư hiểu, phát triển tâm trí là phát triển như vậy. Có nghĩa là hiểu biết về từng thực tại khi nó sinh khởi.
Sarah:Khi tìm hiểu về những chi tiết trong lời dạy của Đức Phật, chẳng hạn như về duyên, có rất nhiều khoảnh khắc của suy nghĩ sinh khởi. Việc tìm hiểu những chi tiết ấy có thể sinh khởi với như lý tác ýhay với phi như lý tác ý. Nếu chỉ nói mình đang tìm hiểu Vi Diệu Pháp, hay đang nghiên cứu Giáo lý, điều đó không có nghĩa là tâm sinh khởi luôn luôn là tâm hợp trí. Nếu ta cho việc tìm hiểu là để nắm thêm kiến thức thì sẽ không khác gì với việc ta tìm hiểu những môn khoa học khác như môn triết học, môn vật lý. Việc cố gắng thu thập thêm thông tin chi tiết không nhất thiết dẫn đến sự phát triển trí tuệ. Chính vì lẽ đó, Achaan Sujin luôn nhắc chúng ta quay về với khoảnh khắc hiện tại. Ở khoảnh khắc hiện tại có cái thấy không? Liệu có tâm từ không, hay đó là sự dính mắc khi ta đang nói chuyện với bạn bè?
Sáng nay chúng ta có nói đến một bài Kinh mà Đức Phật đã giảng cho ngài Cấp Cô Độc về việc hiểu bản chất của pháp, và rằng một khoảnh khắc hiểu về vô thường là vô cùng quý báu, quý báu hơn tất cả phước thiện mà ta đã tạo trong cuộc đời. Hiểu vô thường là nói tới sự xuyên thấu bản chất thật của các pháp như là thấy, nghe, v.v… ở khoảnh khắc hiện tại. Khi có hiểu biết về các pháp xuất hiện hiện giờ thì cũng có hiểu biết về các duyên như là thường cận y duyên, hỗ tương duyên, đồng sinh duyên, cảnh trưởng duyên, v.v… Dù chúng ta đọc phần nào trong Tam tạng, tất cả đều nói về khoảnh khắc hiện tại. Dù chúng ta đọc sách về Bộ Pháp Tụ, đọc trong lúc ăn trưa hay đọc trong khi dạo chơi,… Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn luôn có các thực tại, luôn luôn có cái thấy, cái nghe, âm thanh,… Và phép thử của hiểu biết luôn luôn ở khoảnh khắc hiện tại.
Như vậy không có một quy tắc nào cho phát triển hiểu biết, chẳng hạn như là cần phải đọc Bộ Pháp Tụ, Bộ Duyên Hệ, hay cần phải gặp gỡ ít người hoặc nhiều người. Xét về mặt chân đế, luôn luôn chỉ có các thực tại mà thôi. Khi chúng ta được nghe về các thực tại khác nhau ở khoảnh khắc này, trí tuệ sẽ tự nó dần dần được phát triển.
Achaan Sujin: Vào thời của Đức Phật có các trường thiền hay không?
Vị sư 2: Thưa không, ví dụ khi ngài Xá lợi phất nghe ngài Asaji thuyết pháp, chỉ có một câu kệ thì ngài đã đắc quả thánh rồi.
Achaan Sujin: Như vậy sư có hàm ý rằng không cần phải thiền?
Vị sư 2: Theo sư nếu nói thiền thôi thì không đủ. Nó phải có đầy đủ 10 ba-la-mật, phải đầy đủ nhân duyên và quan trọng là phải hiểu được các thực tại ngay từ ban đầu để phân biệt được đâu là danh, đâu là sắc nữa.
Achaan Sujin: Khi sư nói “chỉ thiền thôi thì không đủ”, thì theo ý của sư, “thiền” ở đây có nghĩa là gì?
Vị sư 2: Ở trong Kinh thì Đức Phật có dạy, có những xu hướng của những vị hành thiền định rồi qua thiền quán thì mình không nên chấp trước vào đó rằng phải có thiền chứng mới đắc đạo.
Achaan Sujin: Nếu như nói đến thiền theo nghĩa như vậy thì không phải là cái hiểu về khoảnh khắc hiện tại. Nó có phải là Giáo lý của Đức Phật không?
Vị sư 2:Cái thiền đó thì không phải là Giáo lý của Đức Phật, bởi Giáo lý của Đức Phật luôn luôn phải về các pháp thực tại.
Achaan Sujin: Vậy thì cái gì là thiền?
Vị sư 2: Theo như được biết, và như bà đã dạy thì vipassanaphải là hiểu biết về thực tại. Theo sư dùng từ đó nó hay hơn là dùng từ thiền.
Achaan Sujin: Vậy thì vipassanacó nghĩa là gì?
Vị sư 2:Có nghĩa là thấy một cách trực tiếp.
Achaan Sujin: Đây là một điểm rất quan trọng mà ta phải làm rõ ngay từ đầu, nếu không ta sẽ đi sai con đường mà Đức Phật đã dạy.
Sarah:Vậy Đức Phật đã dạy về việc thấy các thực tại một cách rõ ràng trong khoảnh khắc hiện giờ, bất kể Ngài đang thuyết giảng cho ai. Kể cả đối với những vị đệ tử đã đắc được những tầng thiền cao nhất thì mấu chốt vẫn là thấy được rõ ràng bản chất các pháp xuất hiện trong khoảnh khắc hiện tại. Vậy chỉ có một con đường duy nhất là con đường Bát Chánh Đạo, mà điểm khởi đầu của nó là hiểu rõ ràng về các thực tại. Như vậy Đức Phật không nói về trường thiền hay dạy về một phương pháp thiền nào cả.
Achaan Sujin: Những lời dạy của Đức Phật hoàn toàn khác với những lời dạy của những vị thầy khác, vì thế khi chúng ta tìm hiểu Giáo lý của Đức Phật, chúng ta cần phải hết sức trung thực với bản thân. Vì nếu không tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, đối chiếu với những gì xuất hiện trong khoảnh khắc hiện tại, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được đúng con đường mà ngài đã dạy.