Chương V: Sắc pháp
Pháp đàm tại Huế, chiều ngày 24/05/2014
Achaan Sujin: Hãy suy xét về cái thấy. Nếu không có nhãn căn, không có đối tượng để thấy, không có nhãn thức thì không thể có sự sống sinh khởi. Kể cả nhãn căn cũng là một pháp do duyên sinh. Nó là một sắc đặc biệt có tính chất khiến cho đối tượng thị giác có thể in dấu lên nó. Nếu không có sắc thì không thể có duyên cho cái thấy sinh khởi. Người mù có thể thấy không?
Người hỏi: Không. Con muốn biết người mù có thể thấy bóng tối không?
Achaan Sujin: Không hề. Bởi vì họ không hề có ý niệm nào về cái thấy.
Người hỏi: Người có mắt có thể nhìn thấy bóng tối không?
Achaan Sujin: Có, vì thế người đó mới nói “tôi thấy bóng tối”. Khi tắt đèn, cái gì được thấy?
Người hỏi: Ở khoảnh khắc của bóng tối, không có đối tượng thị giác nên không có cái thấy.
Achaan Sujin: Vì sao bạn nói rằng khi đó không có đối tượng thị giác? Bản chất của đối tượng thị giác là cái có thể được thấy, bất kể là nó sáng hay tối.
Người hỏi: Về đối tượng thị giác thì có một chút bối rối. Nhưng về âm thanh, khi yên lặng thì nghĩa là không có âm thanh.
Sarah: Đối với người mù, người đó không có nhãn căn cho nên hoàn toàn không có cái thấy sinh khởi. Đối với những người có nhãn căn, vẫn có cái thấy dù trong căn phòng tối, mặc dù không có cái thông thường như chúng ta vẫn thấy nhưng vẫn có một cái gì đó được thấy. Kể cả khi bây giờ không ai nói gì, không có xe đi qua,… về mặt chế định, ta nói khi đó rất yên lặng, nhưng vẫn có âm thanh được nghe về mặt thực tại chân đế. Hoàn toàn khác với những người bị điếc bẩm sinh, họ không thể nghe một chút âm thanh nào. Kể cả với người sắp chết vẫn có cái nghe sinh khởi.
Về bài kinh mà bạn đề cập, chúng ta cần nhớ rằng bất cứ những gì được đọc trong Tam Tạng đều phải được suy xét dưới ánh sáng của vô ngã. Mặc dù Đức Phật có thể dùng ngôn ngữ chế định, chẳng hạn như nói đến việc đi tới Huế, nhưng cái thực sự diễn ra chỉ là các pháp mà thôi. Đức Phật đã nói chỉ có một con đường duy nhất phát triển tuệ giác dẫn tới giác ngộ, đó là con đường Bát Chánh Đạo, mà bắt đầu với chánh kiến. Đức Phật đã mô tả tính chất của chánh niệm, nó có tính chất thu thúc lục căn. Ngài cũng nói về sự phát triển chánh niệm tỉnh giác về các đặc tính của thực tại. Đó là những gì mà bạn nói tới trong bài kinh vừa rồi. Trong bài kinh đó, Đức Phật không thể khiến tất cả mọi người giác ngộ. Và tại sao lại không? Vì tất cả những pháp đó, những pháp mà Đức Phật mô tả, không thuộc quyền kiểm soát của bất kỳ ai, kể cả của Đức Phật. Đức Phật đã nói rất nhiều về mọi khía cạnh của cuộc sống và về các thực tại, nhưng tùy thuộc vào hiểu biết của người nghe mà liệu họ có được hiểu biết đúng đắn về lời giảng của Đức Phật và liệu hiểu biết đó có đủ mạnh để giác ngộ hay không. Cũng hệt như đối với chúng ta ở đây mà thôi.
Người hỏi: Quay lại với chủ đề cái nghe. Trong một căn phòng kín vẫn có thể có những âm thanh nhỏ, nhưng chúng ta có thể tạo ra một môi trường không có âm thanh. Khi đó, ta có thể biết là không âm thanh, hay nói cách khác, chúng ta nghe được cái “không âm thanh”. Điều dường như ngược lại với Vi Diệu Pháp.
Achaan Sujin: Chúng ta đang nói đến khoảnh khắc không có âm thanh xuất hiện. Ở khoảnh khắc âm thanh không xuất hiện, khi đó tâm kinh nghiệm những đối tượng khác. Vì khi nhĩ thức sinh khởi, nhĩ thức phải kinh nghiệm đối tượng của nó, đó là âm thanh.
Người hỏi: Con đang nói về thực tế, người ta có thể biết được khi nào có âm thanh và khi nào không có âm thanh.
Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc mà ta nói không có âm thanh thì khoảnh khắc đó không phải là khoảnh khắc của cái nghe.
Người hỏi: Tại sao chúng ta biết được lúc đó không có âm thanh?
Achaan Sujin: Khoảnh khắc của cái thấy thì không có âm thanh.
Người hỏi: Con đồng ý rằng khi tâm đang bận việc khác thì cái nghe không sinh khởi, ví dụ một người mải suy nghĩ hoặc nhìn chăm chú thứ gì đó… có thể họ không nghe được âm thanh khi nó sinh khởi. Nhưng khi người đó chú tâm để nghe thì có thể nhận ra lúc đó đang có âm thanh hay không có âm thanh sinh khởi.
Jonothan: Bạn nghĩ cái gì sinh khởi trước, âm thanh sinh khởi trước rồi mới đến cái nghe, hay cả hai sinh khởi cùng một lúc.
Người hỏi: Thông thường âm thanh sinh khởi trước, rồi sau đó mới có cái nghe.
Jonothan: Không phải là thông thường, mà là âm thanh phải sinh khởi trước rồi mới có cái nghe sinh khởi, luôn là như vậy. Âm thanh phải sinh khởi trước rồi mới có cái nghe.
Người hỏi: Nhưng liệu ta có thể biết là không có cái nghe không, khi mà nhĩ thức không sinh khởi? Đấy là câu hỏi, nó giống như trường hợp cái thấy (nhãn thức). Nếu cái thấy có thể nhìn thấy “bóng tối”, thì cái nghe cũng có thể nghe cái «không có âm thanh».
Jonothan: Nhãn thức có thể sinh khởi chỉ khi có đối tượng thị giác xuất hiện để nó kinh nghiệm, vì đó là chức năng của nó. Mặc dù trong ngôn ngữ chế định, ta gọi là bóng tối, nhưng nếu không có cái có thể được thấy, không thể có cái thấy sinh khởi. Cũng tương tự như vậy với âm thanh và cái nghe. Nếu không có âm thanh sinh khởi thì nhĩ thức không thể sinh khởi. Nhưng ta có thể có cảm giác rằng, có sự vắng mặt âm thanh và cái nghe, có thể nghe sự vắng mặt âm thanh đó. Sở dĩ như vậy vì chúng ta không có chánh niệm trực tiếp về đặc tính của thực tại là âm thanh. Chúng ta cho cái gọi là sự vắng mặt của âm thanh về mặt chế định ấy là không có thực tại âm thanh.
Sarah: Khi trong giấc ngủ sâu thì không có đối tượng thị giác, không có âm thanh xuất hiện. Nhưng khi ta thức dậy và tìm đường đi vào phòng tắm thì khác. Mặc dù căn phòng tối nhưng ta mở mắt và vẫn có một cái gì đó được thấy. Khi không có ánh sáng thì màu sắc không xuất hiện, nhưng nó không giống hoàn toàn như lúc chúng ta ngủ say. Nếu không có nghe, không có âm thanh, không có những thực tại để chúng ta suy xét hiện giờ, liệu có thể có sự giác ngộ không, có thể trở thành bậc Dự Lưu không? Ở cõi Phạm thiên vô sắc giới không có thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm. Ở đó không có duyên cho người ở cõi đó phát triển trí tuệ để trở thành một vị Thánh Dự Lưu. Trong tiền kiếp, Đức Phật đã nhiều lần tái sinh ở cõi vô sắc giới nhưng chỉ khi Ngài sinh ra trong cõi người, thì mới có đủ nhân duyên để phát triển hiểu biết về mọi thực tại và giác ngộ. Nếu không có điều kiện để phát triển hiểu biết rõ ràng về hai loại thực tại – Loại thực tại kinh nghiệm đối tượng và loại thực tại không kinh nghiệm gì cả, chẳng hạn như đối tượng thị giác và âm thanh, sẽ không thể nào tận diệt được ý niệm về ngã. Đó cũng là lý do mà ở cõi Phạm thiên, vì không có đối tượng ngũ quan nên không có duyên để chứng đắc đạo quả, trở thành một vị thánh.
Người hỏi: Tôi đồng ý, nhưng nó hơi ngược lại với lý thuyết của Vi Diệu Pháp, tôi chỉ thắc mắc mỗi ý đó.
Người dịch: Tôi xin nhắc lại một chút, ban nãy ông Jonothan có nói, thực tại của âm thanh khác với ý niệm chế định của mình về âm thanh và yên lặng. Vì chúng ta chưa kinh nghiệm trực tiếp thực tại của âm thanh, nên mới cho rằng sự yên lặng chế định đó là sự vắng mặt âm thanh, nhưng không phải vậy. Đó là điểm cần phải suy xét thêm.
Người hỏi: Nhưng khoa học hiện đại hoàn toàn có thể tạo ra được môi trường không có âm thanh.
Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc có cái hiện giờ, liệu ta có cần phải nói là cái thấy thấy không? Hay là không cần dùng ngôn từ nào hết? Cái xuất hiện hiện giờ là cái được thấy, ta có cần phải nói ra điều ấy không? Ở khoảnh khắc có âm thanh xuất hiện, ta có phải nói là có cái nghe nghe không? Nhưng nếu không có nhĩ thức để có thể kinh nghiệm âm thanh, âm thanh không thể xuất hiện. Như vậy ta chỉ nói về những gì xuất hiện trong cuộc sống bình thường, để hiểu về các thực tại là thực và xuất hiện, để hiểu rằng chúng là vô ngã và do duyên sinh. Ở khoảnh khắc nghĩ “tôi có thể làm”, khoảnh khắc đó là gì? Cái thấy có thể làm gì không? Cái nghe có thể nghĩ “tôi sẽ làm” không? Cái thấy chỉ thấy, cái nghe chỉ nghe, và suy nghĩ xuất hiện sau đó. Khoảnh khắc nghĩ “tôi có thể làm” không phải là khoảnh khắc của thấy và nghe, đúng không? Ngoài những khoảnh khắc của thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ trong cuộc sống của mỗi người, còn có cái gì khác nữa không? Kể cả lúc có ý niệm “tôi có thể làm” cũng chỉ là khoảnh khắc của suy nghĩ mà thôi. Tất cả những khoảnh khắc không có thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm thì đều là những khoảnh khắc của suy nghĩ. Ai nhận ra được suy nghĩ nghĩ suốt cả ngày? Thấy và nghe thực ra chỉ xuất hiện xen kẽ rất ngắn ngủi giữa những khoảnh khắc của suy nghĩ, đúng không? Không có ai ở đó cả. Vậy hãy học chỉ để hiểu về những khoảnh khắc xảy ra, những sự kiện đó rất ngắn ngủi. Chúng ta chỉ đang nói về một số thực tại trong rất nhiều thực tại. Ta mới nói về thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, nhưng trên thực tế còn có rất nhiều thực tại khác. Chẳng hạn như tham hay sân đều là thật. Ai có thể ngừng sự sinh khởi của chúng không? Nó phải sinh và diệt, nếu không sẽ không thể có những khoảnh khắc của sân xen kẽ với chúng. Toàn bộ chỉ là thế giới của các thực tại hữu vi sinh khởi do duyên mà thôi.
Jonothan: Liệu tôi có thể thêm gì vào sự sinh khởi và diệt đi đó hay không? Khi bạn nói đến việc tạo ra một môi trường “không có âm thanh”, bạn đang nói về âm thanh theo nghĩa khoa học mà thôi. Âm thans đó, khi không đo được bằng các dụng cụ khoa học thì người ta gọi là không có âm thanh, đúng không? Cái là đối tượng của cái nghe thì không phải là âm thanh theo định nghĩa của khoa học. Âm thanh là thực tại xuất hiện đối với cái nghe ở khoảnh khắc nhĩ thức sinh khởi. Chúng ta dùng từ âm thanh thay cho từ gốc của nó là đối tượng nhĩ thức. Khi nói đến thực tại đó, chúng ta không nói đến ý niệm của khoa học về âm thanh. Cũng như vậy, đối tượng thị giác, cái có thể được thấy bởi nhãn thức, cũng không phải là ý niệm của khoa học về ánh sáng.
Người hỏi: Vậy là lúc nào cũng có âm thanh, nghe được cái «không có âm thanh» cũng là “có âm thanh”, đúng không? Không có âm thanh là chế định, vậy khi không nghe được vẫn là có âm thanh?
Achaan Sujin: Chỉ có âm thanh khi có duyên cho âm thanh sinh khởi mà thôi.
Sarah: Chẳng hạn lúc ngủ say, vẫn có âm thanh sinh khởi nhưng không có duyên cho âm thanh được nghe.
Người hỏi: Đó là trường hợp tôi muốn nói. Khi ngủ say, ta không hề biết có âm thanh hay không có âm thanh. Nhưng khi ta chú ý, ta có thể biết được là có âm thanh hay không có âm thanh. Hai trường hợp khác nhau ở chỗ đó.
Người dịch: Vì bạn vẫn nói âm thanh theo nghĩa chế định. Khi bạn nói “biết về cái không có âm thanh” là bạn đang nói về âm thanh theo nghĩa chế định, có đúng không?
Người hỏi: Tôi đang nói về sự sinh khởi của nhĩ thức, khi có có sự sinh khởi là có sự nghe. Trong ngủ say thì không có sinh khởi của nhĩ thức, chứ không phải là không có âm thanh. Âm thanh lúc đó là đối tượng bên ngoài.
Người dịch: Nhưng khi bạn nói là nhĩ thức nghe được cái không âm thanh, thì cái “không âm thanh” ấy chỉ là ý niệm chế định, đúng không?
Người hỏi: Đúng, như thế là lúc nào cũng có âm thanh. Như vậy «im lặng» cũng được gọi là có âm thanh. Nhưng đề tài này hơi lắt léo, có lẽ nên chuyển sang đề tài khác.
Achaan Sujin: Ta có thể nói rằng bất cứ những gì sinh khởi đều phải có duyên tương ứng cho chúng sinh khởi. Có những loại âm thanh không được nghe. Trong rừng hay trên đường phố, bất cứ khi nào có duyên cho âm thanh sinh khởi thì âm thanh sẽ sinh khởi. Trong rừng vẫn có âm thanh sinh khởi mặc dù không có ai nghe âm thanh ấy. Nhưng ở khoảnh khắc âm thanh xuất hiện thì phải có một yếu tố kinh nghiệm nó, và cái đó là nhĩ thức. Kể cả khi ta không gọi khoảnh khắc đó là cái nghe thì nó cũng đang kinh nghiệm đối tượng nhĩ thức. Bạn gọi nó là gì không quan trọng. Hiện giờ không cần phải nói rằng đang nghe âm thanh. Nhưng chúng là hai loại thực tại khác nhau và chúng ta cần biết mình đang nói về loại thực tại nào. Mọi người có thể thay đổi ngôn từ, nhưng không thể thay đổi đặc tính của cái nghe âm thanh. Nếu không có cứng và mềm thì liệu có thể có âm thanh không? Nếu không có cứng-mềm, liệu có thể có cái được thấy không? Nếu không có cứng-mềm, có thể có mùi không? Nếu không có cứng-mềm, liệu có thể có vị không? Nhưng chỉ có một thực tại được kinh nghiệm trực tiếp ở một thời điểm mà thôi. Trưa nay bạn ăn gì?
Người hỏi: Món súp ạ
Achaan Sujin: Nếu không có cứng-mềm, nóng- lạnh, liệu ta có thể gọi cái đó là súp không? Bạn gọi nó là súp không chỉ bởi nó mềm và nóng, mà còn bởi vị của nó nữa. Nếu không có yếu tố kinh nghiệm vị, sẽ không có ý niệm nào về “súp”. Vậy khi đó cái gì ăn? Và cái gì được ăn ở khoảnh khắc đó? Có một cái ngã nào không, hay chỉ là các thực tại khác nhau? Thực tại có thể kinh nghiệm đối tượng là cái biết được đó là súp. Thân có biết được ở đó đang có súp không? Vậy cái gì biết đó là món súp? Ở khoảnh khắc của sự nếm vị thì không có ý nghĩ về súp. Nhưng việc nếm đó làm duyên cho nhớ tưởng về những vị đã được kinh nghiệm và gọi đó là súp. Tất cả chỉ là những khoảnh khắc của các thực tại khác nhau. Trong một ngày và mọi ngày của cuộc đời mỗi chúng ta đều như vậy, chỉ là các thực tại khác nhau mà thôi.
Người hỏi: Quay trở lại với khái niệm “âm thanh”. Con hiểu vấn đề là khi không có âm thanh thì vẫn có nhĩ thức sinh khởi, đúng không ạ?
Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc nếm thì có âm thanh không?
Người hỏi: Có, âm thanh thì có nhưng mà nhĩ thức không sinh khởi.
Achaan Sujin: Âm thanh ở đâu? Ở trong món súp?
Người hỏi: Âm thanh ở xung quanh.
Achaan Sujin: Ở xung quanh à? Thật không? Nếu không có cái nghe thì làm gì có sự xuất hiện của âm thanh?
Sarah: Chúng ta sẽ làm rõ hai ý. Ý thứ nhất, ở khoảnh khắc nếm súp, chỉ có sự nếm vị xảy ra nên sẽ không thể nghe âm thanh cùng ở khoảnh khắc đó. Khi đó không có âm thanh xuất hiện là đối tượng của tâm.
Mặc dù có thể có âm thanh sinh khởi xung quanh, nhưng âm thanh không thể là đối tượng của thiệt thức – cái chỉ nếm vị. Ý thứ hai liên quan đến ý niệm chế định về âm thanh và thực tại là âm thanh. Trong chế định, ta có thể nói có âm thanh cao hoặc thấp, chói tai hay nhẹ nhàng, nhưng về bản chất, âm thanh chỉ là âm thanh. Cũng vậy, trong chế định ta nói “có sự yên lặng”, điều ấy không có nghĩa là không có âm thanh theo nghĩa tối hậu.
Achaan Sujin: Liệu ta có hiểu được sự thực của âm thanh khi âm thanh không xuất hiện không?
Người hỏi: Khi âm thanh không xuất hiện thì nhĩ thức có sinh khởi không?
Người dịch: Khi nói “âm thanh xuất hiện” có nghĩa là, lúc đó âm thanh là đối tượng của nhĩ thức. Khi âm thanh không xuất hiện (với tư cách) là đối tượng của nhĩ thức, liệu khi đó âm thanh có thể được hiểu không?
Người hỏi: Nếu hiểu âm thanh không xuất hiện theo nghĩa nhĩ thức không sinh khởi thì lúc đó không có khái niệm về nghe, không có cái hiểu về cái nghe.
Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc của cái thấy, âm thanh không xuất hiện. Khi đó chỉ có thể có cái hiểu về cái xuất hiện – tức là đối tượng thị giác mà thôi.
Sarah: Đó là lý do mà sự phát triển hiểu biết là hiểu những gì đang xuất hiện hiện giờ. Nếu có ý niệm phải chọn một đối tượng cụ thể nào đó, chẳng hạn như hơi thở, thì cũng giống như chọn đối tượng đang không xuất hiện với tâm ở khoảnh khắc đó. Khi đó sẽ không thể phát triển hiểu biết, vì khi đó có tham tìm kiếm một đối tượng khác đang không có mặt. Như vậy sẽ không thể có hiểu biết giống như là Đức Phật đã dạy.
Pháp đàm tại Sài Gòn, sáng ngày 31/12/2014
Người hỏi: Con mới được tiếp cận Vi Diệu Pháp trong thời gian gần đây. Con tin rằng chỉ một số ít người, không phải tất cả, có thể thực sự hiểu và có đầy đủ kiến thức về Vi Diệu Pháp. Đối với những người mới như con, rất khó để tiếp cận với những điều Bà đang muốn chia sẻ, bởi mức độ hiểu biết rất giới hạn của chúng con hiện giờ. Theo con, trước hết những người mới nên dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Nếu có những kiến thức nền tảng, ví dụ về danh và sắc thì có thể hiểu được những điều Bà thuyết giảng. Nhờ đó chúng con có thể thực hành nhanh hơn, hiệu quả hơn. Vì vậy, con muốn Bà hãy giải thích rõ hơn về phần “sắc”, bao gồm 28 loại, đặc biệt là về tám sắc bất ly. Những kiến thức Bà cung cấp sẽ làm nền tảng cho con có thể nắm bắt tốt hơn những điều được nghe trong quá trình Pháp đàm.
Nina: Chúng ta có thể nghiên cứu kinh điển và nói
về các sắc, về tám sắc bất ly, về tứ đại,… nhưng chúng ta không nên quên rằng chúng đều là những thực tại ở khoảnh khắc hiện giờ. Nếu chúng ta quên mất điều đó thì việc nghiên cứu những chi tiết đó sẽ không được hữu ích là bao. Hiểu biết có nhiều mức độ hiểu biết về vô ngã khác nhau, và hiểu biết ở mức độ lý thuyết rất quan trọng, vì nó giúp chúng ta thấy được các thực tại khác nhau và không còn chấp vào các thực tại như chánh niệm hay trí tuệ là “ta”. Hiểu biết lý thuyết giúp chúng ta không có mong muốn, cố kinh nghiệm các thực tại với một ý niệm về ngã. Nó giúp chúng ta hiểu được đặc tính cứng đang xuất hiện hiện giờ là do duyên sinh, không phải là ta, và kể cả mức độ hiểu biết lý thuyết thôi cũng đã hữu ích rồi.
Chúng tôi không nói rằng không nên nghiên cứu kinh điển, nhưng chúng tôi nói rằng cần phải biết những gì đã viết trong kinh điển chính là những gì đang xuất hiện hiện giờ, chúng ta dễ quên điều ấy. Tất cả các sắc xuất hiện đều là do duyên sinh. Nếu có hiểu biết sinh khởi hiện giờ thì hiểu biết đó cũng sinh khởi do duyên của nó. Không ai có thể chỉ đạo cho một số thực tại cụ thể nào đó xuất hiện. Tôi nghĩ rằng luôn phải ghi nhớ điều này khi chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu Giáo lý trong sách vở. Thực tại không nằm trong cuốn such.
Achaan Sujin: Với người mới bắt đầu thì chỉ nên tìm hiểu từng từ một. Tìm hiểu từng từ một, chứ không phải chỉ đọc, thu thập thật nhiều kiến thức mà không hiểu ý nghĩa thực sự của những từ đó. Hiện giờ bạn đang quan tâm đến hiểu biết về từ “sắc”- rūpa đúng không? Sắc có thực không? Cái là “thực” mà chúng ta gọi là “sắc” là gì? Tính chất của sắc là gì? Bạn có thể lấy ví dụ về bất cứ tính chất nào của sắc. Không chỉ nói về nghĩa của từ “sắc” (rūpa), mà hãy nói đến tính chất của sắc. Hiện giờ có sắc nào đang xuất hiện không?
Người hỏi: Bây giờ con đang ngồi và để tay lên quần, con cảm nhận được độ thô ráp của vải quần. Đó là chất đất (địa đại).
Achaan Sujin: Trước hết, chúng ta cần phải hiểu về tính chất chung của sắc, nó là một thực tại không kinh nghiệm gì cả, đúng không? Bất kể thực tại đó có được thấy hay không, nhưng bất cứ thực tại nào mà không thể kinh nghiệm gì cả thì là sắc. Có rất nhiều thực tại, như thực tại gọi là đối tượng thị giác, là loại thực tại có thể được thấy, nó không kinh nghiệm gì cả, nhưng nó là thực và nó có thể được kinh nghiệm. Cái “có thể được thấy” thì có thể được nghe không? Rõ ràng đối tượng thị giác là một thực tại, nó là thực và không thể được nghe. Thế còn âm thanh thì sao, nó có phải là một sắc không? Âm thanh là một thực tại, nó có thể được nghe, nó là thực nhưng nó không thể là bất cứ thứ gì khác ngoài tính chất “có thể được nghe”. Chúng ta học về Giáo lý của Đức Phật về các thực tại khác nhau hiện giờ có mặt. Chúng ta cần phải đọc với hiểu biết rất kỹ lưỡng. Chẳng hạn về âm thanh, nó là một loại thực tại, nó có thực và có tính chất là có thể được nghe. Có ai có thể khiến cho âm thanh sinh khởi không?
Vậy ngay từ lúc ban đầu, chúng ta phải hiểu rằng không có tự ngã, thực thể nào tạo ra cái gọi là âm thanh, mỗi thứ sinh khởi được hình thành do những duyên tương ứng của nó. Có sự khác biệt nào giữa tính cứng ở trên thân và tính cứng ở cái bàn không? Hiểu được điều ấy là bắt đầu hiểu về tính chất thực sự của đặc tính cứng. Nó không phải là một cái chân hay một cái bàn. Nó đơn thuần chỉ là tính cứng mà thôi. Tính cứng trên thân có thuộc về bạn không? Bạn có thể làm nó sinh khởi không? Hiện giờ nó có phải là thân của bạn không? Sáng nay nó có là thân của bạn không? Khi không có hiểu biết thì ý niệm về một “tự ngã”, một cái gì đó tồn tại, như cái này là của tôi, cái kia là của người khác,… Nhưng về mặt bản chất, pháp chỉ là pháp, và điều đó không hề thay đổi. Nếu không có thực tại kinh nghiệm tính cứng đó, liệu tính cứng đó có thể xuất hiện không?
Người hỏi: Không ạ.
Achaan Sujin: Vậy tính cứng là cái xuất hiện đối với thực tại có thể kinh nghiệm nó ở thời điểm đó. Không phải “bạn”, cũng không phải nhĩ thức hay nhãn thức là cái có thể kinh nghiệm đặc tính cứng, đúng không? Bất cứ loại kinh nghiệm nào sinh khởi, dù là danh hay sắc, đều đơn thuần là pháp, là thực tại, không có ai ở trong đó cả. Nó chỉ sinh khởi và diệt đi trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi. Đặc tính cứng không được kinh nghiệm suốt, mà xen kẽ có những khoảnh khắc của cái nghe, cái thấy… Ở những khoảnh khắc khác nhau, những đối tượng khác nhau xuất hiện, không có một “tự ngã” hay “con người” nào trong đó. Bây giờ chúng ta đang chỉ nói về một thực tại, đó là thực tại “không kinh nghiệm” gì cả, tức là sắc pháp. Bao nhiêu loại sắc có thể xuất hiện trong ngày? Chúng ta đọc từ Kinh điển, từ lời dạy của Đức Phật rằng có 28 loại sắc. Nhưng không phải cả 28 loại sắc này đều xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày, mà chỉ một số loại sắc nhất định thường xuất hiện, và chúng là gì?
Sarah: Giờ hãy nói một cách đơn giản, chúng ta đã nói về cái được thấy hiện giờ, nó là đối tượng thị giác. Chúng ta nói rất nhiều về đối tượng thị giác, vì đối tượng thị giác – cảnh sắc đó xuất hiện thường xuyên, suốt cả ngày, vô số lần, và chúng ta dính mắc rất nhiều vào những gì xuất hiện. Nếu ta không được nhìn thấy cái này hay cái kia nữa thì sẽ có rất nhiều đau khổ. Một thực tại khác cũng xuất hiện rất thường xuyên, đó là âm thanh. Nếu không có âm thanh, chúng ta không thể ngồi đây để đàm đạo với nhau. Như vậy âm thanh cũng là một loại sắc xuất hiện hàng ngày, thường xuyên. Ngoài hai sắc vừa kể đến, cũng có những sắc khác xuất hiện thường xuyên, nhưng không nhiều bằng hai sắc kia, đó là mùi và vị. Còn có những sắc khác nữa như tính cứng- mềm, nóng-lạnh và căng-trùng, đó là những đặc tính xuất hiện thường xuyên hàng ngày.
Như vậy trong tổng số 28 loại sắc thì bảy loại sắc thô này xuất hiện thường xuyên qua năm căn khác nhau. Bảy loại sắc đó là âm thanh, đối tượng thị giác, mùi, vị và ba đại là cứng-mềm thuộc địa đại, nóng-lạnh thuộc hỏa đại, và căng- trùng thuộc phong đại. Chúng ta có thể cho rằng, yếu tố thứ tư của tứ đại là thủy đại có thể được kinh nghiệm khi ta chạm tay vào nước. Nhưng thực chất không phải vậy. Khi ta chạm tay vào nước, cái thực sự được kinh nghiệm vẫn chỉ là các tính chất nóng- lạnh, cứng-mềm…. Còn tính chất kết dính của thủy đại không được kinh nghiệm qua thân căn như các đại kia, nó chỉ được kinh nghiệm qua ý môn mà thôi. Vừa rồi Achaan Sujin đặt câu hỏi: “Có những loại sắc nào là sắc thường xuyên xuất hiện hàng ngày?”. Đó chính là bảy sắc vừa kể đến, vì những sắc này là những sắc rất thông thường, luôn được chúng ta kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, lúc là cái này, lúc là cái khác, vì vậy ta nói nhiều và nhấn mạnh về chúng. Còn những sắc khác không xuất hiện thường xuyên như vậy và không xuất hiện qua ngũ quan.
Jonothan: Một điều tôi muốn nói thêm, mặc dù khi đọc sách ta thấy nói rằng các sắc này sinh khởi theo nhóm, nhưng không có nghĩa là chúng xuất hiện theo nhóm. Xuất hiện ở đây với nghĩa nó là “đối tượng của tâm”. Chúng ta không nên quên mục đích của việc nghiên cứu Giáo lý là để hiểu về Pháp đang xuất hiện hiện giờ. Chúng ta cần phân biệt rõ để không lẫn lộn giữa việc hiểu những gì đang xuất hiện hiện giờ một cách đúng đắn, với việc có được kiến thức về những gì xảy ra theo suy đoán từ những gì đã đọc, không hướng tới những gì đang xuất hiện hiện giờ. Khi nghiên cứu Vi Diệu Pháp, ta cần nhớ rằng, tất cả những chi tiết trong Vi Diệu Pháp có ý nghĩa ở một số khía cạnh nhất định đối với mức độ trí tuệ hiện giờ. Và ý nghĩa thực sự quan trọng với chúng ta là để giúp phát triển hiểu biết về đặc tính của thực tại trong khoảnh khắc hiện giờ.
Nina: Khi nói đến một nhóm thì nên hiểu rằng, cả một nhóm cùng một lúc không thể làm đối tượng cho tâm, hay gọi là xuất hiện đối với tâm, vì chỉ có một đặc tính được tâm nhận biết ở một thời điểm. Chẳng hạn, tính cứng là đặc tính của địa đại, khi là đối tượng của tâm (được tâm nhận biết) thì nó không sinh khởi một mình mà luôn sinh khởi cùng các đại khác. Nhưng chỉ có một tính chất được kinh nghiệm ở một thời điểm, tùy theo duyên mà tính chất của đại này hay đại khác (cứng-mềm, nóng-lạnh hay căng-trùng) được kinh nghiệm. Như vậy, không phải cả tám sắc bất ly có thể xuất hiện cùng lúc để làm đối tượng cho tâm nhận biết. Khi cho rằng cả tám sắc bất ly xuất hiện với tâm nhận biết nó thì chỉ là suy nghĩ về nó.
Chúng ta học rằng trong tám sắc bất ly có sắc là đối tượng thị giác, và đối tượng thị giác là sắc duy nhất có thể xuất hiện qua nhãn căn. Những loại sắc khác trong nhóm tám sắc bất ly này không thể xuất hiện cùng lúc đó, chúng không được kinh nghiệm qua nhãn căn.
Người hỏi: Thưa Achaan Sujin, đối tượng thị giác khi được kinh nghiệm thì có nhiều màu khác nhau, còn đối tượng xúc chạm như cứng-mềm thì cũng có nhiều mức độ khác nhau. Những sắc đó có tính chất rất phong phú, Achaan Sujin có thể nói rõ điều này?
Achaan Sujin: Tôi sẽ chưa nói về điều đó vội, bởi có một điều quan trọng nhất mà chúng ta rất hay quên, đó là pháp chỉ là pháp. Chúng ta nói về nhiều thứ khác nhau, nhưng chúng ta quên rằng pháp không phải là ta, không phải là ai cả. Đối với người mới khởi đầu, điều quan trọng nhất là biết được rằng không có ai cả, dù là ở kiếp này hay kiếp sau thì vẫn chỉ có các pháp mà thôi, không con người, không cảnh vật trong những gì xuất hiện. Cái xuất hiện là những gì do duyên sinh, sinh khởi và xuất hiện qua một trong các căn. Mỗi thời điểm chỉ có một thực tại xuất hiện mà thôi. Hãy nói về từng pháp một để hiểu thật rõ. Bây giờ chúng ta hiểu rằng, có hai thực tại khác nhau, cái thấy thì không phải là đối tượng thị giác, cái thấy là cái có thể kinh nghiệm cái được thấy hay đối tượng thị giác. Bất kể ta dùng từ nào để đặt tên cho nó, nó là thực, nó là pháp, nó khác với thực tại kinh nghiệm nó.
Nếu không có thực tại có thể kinh nghiệm thì không gì có thể được kinh nghiệm. Vậy còn gì để hoài nghi nữa không? Các thực tại là rất thực. Tại mỗi thời điểm chỉ có một thực tại có thể được kinh nghiệm mà thôi. Các bạn có chắc rằng cái được thấy là thực và chỉ làphápkhông?Khôngcóaiởđócảvàkhôngcógìởđó cả. Đó chỉ là một thực tại có thể được kinh nghiệm, chỉ như vậy thôi. Có hoài nghi gì không? Hãy bắt đầu với sự thực rằng ở khoảnh khắc của cái thấy không có ai ở đó cả. Khi ta nhìn vào trong gương, có ai ở đó không? Thực tế có ai ở trong gương không? Khoảnh khắc này cũng vậy, không có ai trong đối tượng thị giác cả, dù trong gương hay ngoài gương. Đây là sự khởi đầu để hiểu về sắc, cái sinh khởi tại khoảnh khắc của cái thấy. Không phải chỉ nói về nó hay suy nghĩ về nó. Bắt đầu từ việc nghe và suy xét về từng khoảnh khắc và về mỗi thực tại. Bây giờ còn có sự hoài nghi nào về cái thấy và đối tượng thị giác nữa không? Cái mà có thể kinh nghiệm thì là danh (nama), cái được kinh nghiệm thì là sắc (rūpa).
Từ bây giờ có thể có cái hiểu được rằng, bất cứ cái gì xuất hiện chỉ có thể có tính chất hoặc của danh hoặc của sắc, và chúng có thể được hiểu. Có sự dính mắc vào danh và sắc không? Liệu tính cứng hay mềm có thể xuất hiện tại cùng thời điểm đối tượng thị giác xuất hiện không? Đó không phải lý thuyết, mà là cái hiểu ở mức độ lý thuyết. Pháp học không chỉ đơn thuần là việc đọc sách hay nghiên cứu, mà chính là hiểu đúng những điều Đức Phật dạy, những thứ có thể được kiểm chứng và hiểu bất cứ khoảnh khắc nào. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu phải có hiểu biết rõ ràng về danh và sắc là thực tại mà thôi, chứ không phải là “tự ngã”.
Có bao nhiêu loại sắc và danh được Đức Phật thuyết giảng?
Người hỏi: Có 28 sắc ạ.
Achaan Sujin: Có bao nhiêu loại sắc có thể xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày?
Người hỏi: Màu, âm thanh, mùi, vị, cứng-mềm, nóng-lạnh, căng-trùng (chuyển động).
Achaan Sujin: Như vậy là có mấy loại? Có bảy loại mà thôi. Hoàn toàn thống nhất với những gì được đọc trong kinh điển, được suy xét và kiểm chứng trong cuộc sống hàng ngày. Những người học về 28 loại sắc có thể kiểm chứng xem những thực tại nào không thể được kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày? Có ai muốn biết về điều này không? Các bạn có muốn kinh nghiệm những thực tại không xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày hay không?
Người hỏi: Có ạ.
Người khác: Không ạ.
Achaan Sujin: Khi muốn như vậy thì cái muốn đó là gì?
Người hỏi: Tham (Lobha) ạ.
Người khác: Bây giờ chúng ta đang thu thập kiến thức để có một bức tranh tổng thể thì mới có thể có chánh niệm trực tiếp về thực tại.
Achaan Sujin: Mục tiêu của việc tìm hiểu không phải là để có chánh niệm trực tiếp về thực tại, mà là để có cái hiểu đúng về những gì được nghe. Nếu không Đức Phật đã không dạy một cách chi tiết về tất cả các thực tại. Phải đi từng từ một, từng thực tại này sang từng thực tại khác, tức là [phải học] từng từ một, để có thể hiểu được một cách đúng đắn từng thực tại mà Đức Phật đã dạy. Trong cuộc sống hàng ngày chỉ có bảy loại sắc thông thường được biết tới. Bạn có đồng ý không?
Người hỏi: Vâng ạ.
Sarah: Khi Achaan Sujin đặt câu hỏi cho đại chúng thì Bà muốn được nghe câu trả lời. Bởi đặt câu hỏi như vậy là cách để Achaan Sujin biết được mức độ hiểu biết của đại chúng tới đâu. Nếu không thì không có cách nào để Achaan Sujin biết người nghe có cái hiểu như thế nào về những điều đã được chia sẻ, Bà sẽ đi từng bước một để giúp đỡ mọi người. Cho nên khi nhận được câu hỏi, nhất là người đang có cuộc nói chuyện với Achaan Sujin thì nên trả lời vào câu hỏi đó, để Achaan Sujin biết được mức độ nắm bắt của người đó tới đâu. Vừa nãy Achaan Sujin hỏi, ngoài bảy loại sắc thông thường được kinh nghiệm trong ngày, liệu mọi người ở đây có ai muốn kinh nghiệm trực tiếp những sắc không nằm trong số bảy sắc này không? Bà hỏi câu hỏi này bởi lẽ, lúc chúng ta cứ cố gắng muốn biết về những thực tại không thể được kinh nghiệm trực tiếp hiện giờ, trong khi còn chưa hiểu về những thực tại hiện giờ đang xuất hiện, là lúc chúng ta đang xa rời khoảnh khắc hiện tại. Vì trong khi những gì đang xuất hiện, những sắc có thể được kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày vẫn chưa được hiểu một cách tường tận, ta lại muốn kinh nghiệm cái đang không xuất hiện, điều ấy chứng tỏ chúng ta đã bị dẫn dắt bởi tham, bởi sự mong cầu và như vậy xa rời với sự phát triển hiểu biết. Chính vì vậy, khi nói về sắc, chúng ta vẫn cứ phải quay về với những sắc rất thông thường trong cuộc sống hàng ngày, như đối tượng thị giác, âm thanh… Hiện giờ chúng ta có thể nghĩ mình đang nhìn thấy một hội chúng, nhưng thực chất cái được thấy chỉ là một sắc có tính chất có thể được thấy và đang xuất hiện.
Achaan Sujin: Và đó chính là sự nghiên cứu “Pháp” hay tìm hiểu “Pháp”. Nếu không hiểu về những gì đang xuất hiện hiện giờ thì sẽ không được gọi là nghiên cứu pháp. Nếu chỉ học về ngôn từ, về các con số thì sẽ không phải là tìm hiểu pháp.
Ai đó hỏi: Có phải mỗi người chúng ta chỉ có 27 sắc pháp, vì với sắc giới tính thì chỉ xuất hiện hoặc sắc tính nam hoặc sắc tính nữ?
Achaan Sujin: Điều đó là đúng. Sắc giới tính, theo bạn, có thể được kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày không?
Trả lời: Có.
Achaan Sujin: Không đâu.
Trả lời: Nhưng chúng ta vẫn biết được người này là nam, người kia là nữ.
Achaan Sujin: Sở dĩ có thể biết được là nam hay nữ là do cách thức, cử chỉ thì mới tạo nên ý niệm trong suy nghĩ của chúng ta là nam hay nữ.
Sarah: Vì cái được thấy chỉ là đối tượng thị giác, không phải là sắc tính nam hay nữ. Nhờ có cái thấy, sau đó có suy nghĩ và gọi rằng đây là cử chỉ của người nam, đây là cử chỉ của người nữ. Điều đó chứng tỏ là “đặc tính” của sắc tính nam hay nữ không được kinh nghiệm trực tiếp. Khi nói đến 28 sắc là nói đến tổng số các sắc chứ không nói đến số sắc trên thân này hay thân kia. Khi ta nói đến bảy sắc thường xuyên được kinh nghiệm là nói đến bảy sắc có thể được kinh nghiệm trực tiếp, không phải thông qua suy nghĩ, bất kể trong thân hay ngoài thân, như đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, cứng-mềm, nóng-lạnh, căng-trùng. Chiều nay chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này.
Jonothan: Tôi muốn có bình luận cuối. Nếu nói về đặc tính của sắc tính nam và nữ, cần tìm hiểu xem nó được kinh nghiệm qua căn môn nào. Khi đó sẽ biết được nó có được “kinh nghiệm trực tiếp” hay không.
Pháp đàm tại Sài Gòn, chiều ngày 01/01/2015
Người hỏi: Con muốn có thêm hiểu biết về sắc. Trong cuốn Khảo cứu pháp chân đế, Bà có viết: “Chúng sinh trong cõi nào, dù có sự sống hay không có sự sống thì gồm có 13 sắc không bao giờ vắng mặt đó là tám sắc bất ly, bốn sắc tướng trạng và một sắc không gian”. Vậy trong một sát na, 13 sắc này có xuất hiện đồng thời cùng nhau?
Sarah: Bất kể chúng ta đọc gì thì ở một khoảnh khắc, tâm chỉ kinh nghiệm một đối tượng hay một đặc tính mà thôi. Hiện giờ ta đang nói về đối tượng thị giác là cái được kinh nghiệm ở khoảnh khắc thấy. Ở khoảnh khắc đối tượng thị giác được kinh nghiệm thì không cái gì khác có thể xuất hiện. Đối tượng thị giác được hỗ trợ bởi những sắc khác để sinh khởi, tức là tứ đại cùng với ba sắc còn lại trong tám sắc bất ly. Nhưng ở thời điểm ấy thì những sắc kia không được nhận biết. Tương tự như vậy, khi âm thanh xuất hiện, nó không sinh khởi một mình mà sinh kèm với sắc khác, nhưng ở khoảnh khắc âm thanh được kinh nghiệm thì đặc tính của các sắc khác không xuất hiện, mà chỉ có đặc tính của âm thanh xuất hiện mà thôi. Nếu không có sự hỗ trợ của những sắc khác, những sắc như âm thanh hay đối tượng thị giác không thể tự sinh khởi một mình. Chúng ta đã nói từ ban đầu, chúng ta sẽ không đi sâu vào những thứ thuần túy lý thuyết, vì vậy ta sẽ không nói quá nhiều chi tiết.
Người hỏi: Con đọc trong sách có nói đến bốn sắc tướng trạng: Sinh, trụ, hoại, diệt. Khi con nhìn cái bàn thì có màu sắc, khi con chạm vào tấm khăn trải bàn thì có sự mềm, nhưng còn bốn sắc tướng trạng thì nó được biểu hiện như thế nào?
Jonothan: Có một điểm là, chúng ta cần phân biệt giữa những gì đang sinh khởi như được đọc trong sách và những gì đang xuất hiện, tức là những gì được tâm kinh nghiệm. Có rất nhiều sắc đang sinh và diệt hiện giờ, nhưng chỉ có bảy loại sắc, như chúng ta đã nói, là có thể được kinh nghiệm bởi tâm. Có nhiều sắc chúng ta đọc trong sách, mặc dù thực sự tồn tại, nhưng không xuất hiện với chúng ta. Bây giờ tôi muốn quay về với câu hỏi mà Achaan Sujin đưa ra: “Đối tượng thị giác nằm ở đâu?”, vì đối tượng thị giác là cái xuất hiện hiện giờ với tất cả mọi người.
Achaan Sujin: Hãy nói về từng thực tại một. Chúng ta đang nói về đối tượng thị giác. Đối tượng thị giác là cái được thấy, ta có thể dùng từ “màu”. Nhưng cả khi ta không dùng từ “màu” thì nó vẫn được thấy, đúng không? Nói rõ như vậy để hiểu tính chất thực sự của cái có thể được thấy, hay đối tượng thị giác, chứ không phải là để biết nó ở đâu. Nếu như bây giờ tôi cất cái này [Achaan Sujin cầm một chai nước] đi, bạn còn nhìn thấy nữa không? Nếu chúng ta dời tất cả những thứ này ra bên ngoài, bạn có thể nhìn thấy gì nữa không?
Suốt cả ngày, chúng ta nhìn thấy mọi thứ nhưng hoàn toàn không có chút hiểu biết nào về tính chất của cái được thấy. Chúng ta biết rằng, cái được thấy hay đối tượng thị giác không thể sinh khởi một mình mà chúng phải sinh khởi đồng thời với ít nhất bảy sắc khác trong nhóm tám sắc bất ly, trong đó có các sắc thuộc tứ đại (cứng-mềm, nóng-lạnh, căng-trùng, kết dính). Nếu không có tứ đại thì không thể có bất cứ sắc nào sinh khởi. Tất cả những sắc như sắc tính nam, sắc tính nữ, hay những sắc đã đọc trong sách đều sinh khởi nương vào tứ đại, kể cả vị. Nói vậy để hiểu được đối tượng của chấp thủ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là gì. Chúng ta cần phải hiểu rất rõ những thực tại cấu thành nên những gì mà chúng ta vẫn chấp thủ, hiểu biết đó sẽ giúp chúng ta xả ly hơn đối với những thứ chúng ta vẫn kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Tứ đại thìkhông thể được thấy, đúng không? Nhưng nếu không có tứ đại thì sẽ không thể nào có được cái mà ta gọi là “màu” hay đối tượng thị giác.
Vậy bạn có thể trả lời câu hỏi “đối tượng thị giác nằm ở đâu” không? Bất cứ khi nào tứ đại sinh khởi thì đối tượng thị giác ở đó. Tứ đại thì không thể được thấy, nhưng một sắc khác sinh khởi cùng với tứ đại có thể in dấu lên nhãn căn mà ta gọi là “màu”, đó là cách mà đối tượng đó có thể được thấy. Ở ngay khoảnh khắc này, đối tượng thị giác đang được thấy, chẳng hạn hiện giờ đang có sự xúc chạm với cái micro [Người hỏi đang cầm micro], khi bạn nhắm mắt lại thì khi đó không nhìn thấy gì hết, nhưng lúc đó có sự xúc chạm. Nhưng khi mở mắt ra thì xuất hiện đối tượng thị giác mà bạn gọi là cái micro, đúng không? Điều đó chứng tỏ đối tượng thị giác phải sinh khởi cùng với tứ đại trong một nhóm. Nhưng đối tượng thị giác khác với tứ đại, chúng khác nhau. Từng sắc trong đó đều có thể trở thành đối tượng của sự chấp thủ. Chúng ta không chỉ dính mắc vào cái chai, mà chúng ta cũng dính mắc vào màu hay hình dạng của cái mà chúng ta gọi là cái chai đó.
Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng ta sẽ không biết rằng có sự dính mắc sinh khởi suốt cả ngày, với các đối tượng khác nhau sinh khởi qua các giác quan khác nhau. Nếu có sự nghiên cứu rằng cái được thấy chỉ là một thứ có tính chất được thấy, và hiểu điều ấy một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, thì có thể làm duyên cho sự suy giảm sự dính mắc vào thực tại ấy. Đó là lý do khiến hiểu biết là thực tại duy nhất có thể tận diệt ý niệm về ngã.
Người hỏi: Con hiểu điều Bà nói là khi nhắm mắt và cầm cái micro, thì con cảm nhận được sự xúc chạm với cái cứng, khi con mở mắt và thấy đối tượng thị giác [mà được gọi là micro đó] thì con hiểu được nó sinh khởi cùng với tứ đại. Nhưng đối với những vật ở xa, ví dụ như dải lụa vàng hay cái chai kia, con chỉ thấy được “màu” thôi, con không chắc màu có sinh khởi cùng với tứ đại hay không, vì con không chạm vào được.
Achaan Sujin: Hãy đến đây và chạm vào nó. [Achaan Sujin cầm cái chai lên]
Người hỏi: Có phải do tôi đã từng chạm vào những cảnh vật tương tự, cho nên tôi có kinh nghiệm về nó trong quá khứ? Và bây giờ, khi tôi chỉ mới nhìn thấy màu thì dựa vào kinh nghiệm cũ, tôi có cái hiểu về khái niệm đó, biết được đó là cái chai hoặc cái bàn?
Jonothan: Bạn có nói về dải lụa vàng kia và về việc sắc được thấy. Nhưng khi nói đến dải lụa thì là nói đến một ý niệm, còn khi nhãn thức kinh nghiệm thì cái được kinh nghiệm chỉ là đối tượng thị giác mà thôi. Tương tự, khi bạn nói đây là cái bàn thì đó cũng chỉ là một ý niệm mà thôi, còn thực tế ở khoảnh khắc thân căn tiếp xúc với đối tượng của nó thì chỉ là một tính chất nào đó được kinh nghiệm: cứng-mềm hoặc nóng-lạnh. Khi bạn nhắm mắt lại, ý niệm về cái bàn sẽ không còn nữa. Bạn có thể nghĩ về khoảnh khắc bạn đã từng kinh nghiệm nó, nhưng đó chỉ là trí nhớ, ký ức mà thôi. Bây giờ chúng ta đang nói về những gì xuất hiện theo nghĩa là những gì được kinh nghiệm trực tiếp qua năm căn [nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân]. Vấn đề không phải là nghĩ xem có bao nhiêu sắc khác sinh khởi cùng một lúc ở thời điểm đó. Những ý niệm cho những thứ như cái bàn, con người,… tồn tại trong suy nghĩ mà thôi.
Người hỏi: Bà có nói đến trong sách về tám sắc bất ly. Con phân vân, các sắc trong nhóm bất ly xuất hiện cùng một thời điểm hay mỗi sắc xuất hiện ở từng thời điểm?
Nina: Mỗi tâm chỉ kinh nghiệm một đối tượng, tức là một “đặc tính”, một sắc mà thôi. Khi bạn chỉ vào một cái gì đó, như cái chai chẳng hạn, đối tượng thị giác cùng với nhóm sắc đó đã diệt đi từ lâu rồi. Khi đó sẽ chỉ là suy nghĩ về các khái niệm chứ không phải kinh nghiệm đối tượng thị giác đang xuất hiện. Chúng ta muốn biết rất nhiều và cố sức để biết, để hiểu. Tôi rất hoan hỷ khi thường xuyên được Achaan Sujin nhắc nhở rằng, việc cố để hiểu như vậy là rất vô ích. Achaan Sujin nói rằng, hiện giờ hiểu biết về mặt lý thuyết vẫn còn chưa đủ. Trí tuệ sẽ diễn tiến theo trình tự, quy luật riêng của nó, để đến một lúc nào đấy đủ chín muồi mới có thể kinh nghiệm trực tiếp các thực tại.
Sarah: Bạn nói rằng khi chạm vào micro thì chắc chắn có đặc tính cứng và các sắc khác sinh khởi theo nhóm mà gọi là tổ hợp sắc. Nhưng khi nhìn vào một cái chai ở xa, mà bạn không trực tiếp chạm vào, bạn không chắc là đối tượng thị giác đó cũng sinh khởi cùng các sắc khác trong một tổ hợp. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ mà thôi. Vì ở khoảnh khắc kinh nghiệm tính chất cứng, như hiện giờ, không có bất cứ một thực tại nào khác, một sắc nào khác được kinh nghiệm cùng một lúc với tính chất cứng ấy. Việc biết rằng các sắc không thể sinh khởi một mình mà sinh khởi cùng với các sắc khác trong cùng một nhóm là nhờ chúng ta được học từ kinh điển, và rằng trong mỗi nhóm tổ hợp sắc như vậy luôn có ít nhất tám sắc, tiếng Pāli gọi là kalāpa. Nhưng ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, chỉ có đặc tính cứng được kinh nghiệm, hoặc nóng-lạnh, hoặc căng-trùng. Như vậy, khi có sự xúc chạm thì không phải là xúc chạm vào một nhóm tổ hợp sắc.
Các sắc khác sinh khởi cùng một lúc trong cùng một nhóm với những sắc là các đặc tính có thể được kinh nghiệm qua sự xúc chạm và cùng diệt đi với những sắc ấy, nhưng chỉ duy nhất những sắc như nóng-lạnh, cứng-mềm, căng-trùng có thể được kinh nghiệm qua sự xúc chạm. Tương tự với đối tượng thị giác, bất kể đối tượng thị giác đó là gì, chỉ có đối tượng thị giác là cái có thể được thấy, còn các sắc khác thì không thể được thấy. Nhưng chúng ta biết rằng, đối tượng thị giác cần được hỗ trợ bởi các sắc khác, như tứ đại cùng với những sắc còn lại trong nhóm tám sắc bất ly. Những sắc còn lại, vì không phải là đối tượng thị giác nên không thể được thấy, chúng chỉ sinh khởi cùng đối tượng thị giác. Đó là những điều chúng ta biết được nhờ lời dạy của Đức Phật. Chúng ta học những điều này về mặt lý thuyết để biết rằng, các thực tại sinh khởi và diệt đi như thế nào, rằng chúng là vô ngã. Tuy vậy không có nghĩa, bất cứ những gì ta đọc có thể được chứng ngộ trực tiếp ngay bây giờ.
Bạn có nhắc đến bốn đặc tính của sắc, đến bốn giai đoạn: sinh, trụ, hoại, diệt. Nếu hiện giờ đặc tính của sắc thông thường, như đối tượng thị giác, vẫn còn chưa được biết thì sẽ không thể có hiểu biết được ở mức độ cao hơn. Chỉ mức độ trí tuệ rất phát triển, tức là trí tuệ biết được sự sinh và diệt của sắc mới có thể tiếp cận được các đặc tính này. Chính vì vậy, chúng ta phải luôn luôn bắt đầu từ căn bản, từ những gì có thể được kinh nghiệm trong khoảnh khắc hiện tại. Nếu không thì mọi người có thể sẽ nhầm tưởng rằng mình đã có chánh niệm và hay biết được sự sinh diệt của các thực tại. Nhưng thực tế, họ vẫn chưa rõ thực sự thực tại là gì, bởi vì vẫn còn lẫn lộn giữa thực tại và khái niệm. Đức Phật không dạy chúng ta về sự vô thường của cái chai hay cái bàn, hay những thứ chỉ là khái niệm. Điều Đức Phật dạy để chúng ta tự khám phá và kinh nghiệm, đó là sự vô thường của các pháp như cái thấy, đối tượng thị giác, âm thanh, suy nghĩ,… Chúng là những thực tại chứ không phải là khái niệm. Chỉ ở những giai đoạn sau, khi trí tuệ đã phát triển ở mức độ cao rồi, thì mới có thể chứng ngộ được sự sinh diệt của những thực tại đó.
Achaan Sujin: Vậy bây giờ bạn đã hiểu chắc về đối tượng thị giác chưa, rằng nếu đối tượng thị giác không sinh khởi cùng với tứ đại thì không gì có thể được thấy?
Người hỏi: Việc có thể nhìn được cái chai hay cái bàn là vì có cái cơ thể tứ đại. Điều này có đúng không?
Người dịch: Achaan muốn bạn hiểu rõ từng thứ trước khi chuyển sang một thứ khác.
Achaan Sujin: Bây giờ ta vẫn đang nói về đối tượng thị giác, nó sinh khởi trong cùng một nhóm với các sắc khác. Khi tìm hiểu Giáo lý, ta biết rằng nó bao giờ cũng sinh khởi cùng với sắc khác trong nhóm tám sắc bất ly, tức là cùng với mùi, vị, dưỡng chất và tứ đại. Nếu không có các sắc khác cùng sinh khởi thì không gì có thể được thấy. Nhưng duy nhất chỉ đối tượng thị giác mới có thể in dấu lên nhãn căn. Cái có thể được nhãn thức kinh nghiệm chỉ là đối tượng thị giác mà thôi. Còn những đặc tính như nóng-lạnh, cứng-mềm… thì không thể được thấy bởi nhãn thức. Nhưng những sắc khác đó luôn sinh cùng đối tượng thị giác, vì đối tượng thị giác không thể sinh khởi một mình.
Người hỏi: Con chưa thực sự thấm nhuần chi tiết này, nhưng Pháp đàm không có nhiều thời gian để nói kỹ hơn nên con sẽ tìm hiểu sâu hơn khi về nhà.
Người dịch: Achaan Sujin không bao giờ cảm thấy mất thời gian khi giúp cho một người hiểu rõ vấn đề, cho nên bạn đừng ngại.
Achaan Sujin: Tứ đại sinh khởi cùng bốn sắc khác (màu, mùi, vị, dưỡng chất), trong đó đối tượng thị giác (màu) là cái có thể được thấy, và cái có thể được thấy thì có thể được thấy. Nhưng cứng hay tính chất của địa đại thì không thể được thấy. Bạn có thể nhìn thấy “tính chất cứng” không? Bạn có thể nhìn thấy “mùi” không?
Người hỏi: Không ạ.
Sarah: Bạn nói là bạn thấy được dải lụa hay cái chai, đúng không? Nhưng ở khoảnh khắc thấy, có phải cái chai hay dải lụa là cái được thấy không? Thực chất, khi biết đó là cái chai hay dải lụa thì đã trải qua nhiều lộ trình khác nhau. Chỉ trong suy nghĩ, ý niệm về cái chai hay dải lụa mới được hình thành, vì cái là đối tượng thị giác thì không phải là cái chai hay là dải lụa. Ý niệm thấy một cái chai hay dải lụa được hình thành sau rất nhiều tiến trình của các nhãn thức thấy những đối tượng thị giác khác nhau và rồi suy nghĩ về những hình dạng khác nhau; rất, rất nhiều những lộ trình như thế mới hình thành nên ý niệm về cái chai hay dải lụa.
Thường ta vẫn nghĩ rằng “tôi có thể thấy cái chai hay con người trong căn phòng này”, nhưng thực sự cái “tôi” nhìn thấy những thứ đó là gì? Có phải là có một cái “tôi” nào đó nhìn thấy, hay thực chất chỉ là một tâm sinh khởi để thấy đối tượng đó và rồi diệt đi. Tâm là tâm thấy, chỉ là một tâm sinh khởi để kinh nghiệm đối tượng thị giác trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Sau đó mới có ý niệm “tôi thấy một cái chai”, “tôi thấy dải lụa”, “tôi thấy con người”, “tôi có thể kinh nghiệm”… Tất cả những cái đó đều hình thành về sau, trong tiến trình suy nghĩ. Khoảnh khắc thấy, thực chất, chỉ là một tâm sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng thị giác. Và đối tượng thị giác chỉ có tính chất là được thấy thôi, nó không phải là cảnh vật hay con người nào.
Nina: Tôi nghĩ rất hữu ích khi biết được các sắc khác nhau sinh khởi cùng nhau trong một tổ hợp sắc như vậy. Điều đó chỉ ra tính chất vô ngã của những duyên làm cho đối tượng thị giác có thể tồn tại và xuất hiện. Về tứ đại, chúng cũng luôn khác biệt, có lúc nhiều yếu tố cứng, có lúc ít yếu tố cứng hơn, và chính sự khác biệt ấy tạo ra những đối tượng khác nhau. Điều quan trọng nhất của việc biết những chi tiết ấy là giúp chúng ta hiểu rằng, tất cả đều hoàn toàn vô ngã, chúng ta không thể làm gì được chúng. Cố suy nghĩ không phải là cách để biết được cái thấy ở khoảnh khắc cái thấy đang sinh khởi. Rất đơn giản, hiện giờ cái thấy đang sinh khởi và thấy đối tượng thị giác một cách tự nhiên, tức là thấy cái có thể in dấu lên nhãn căn. Không cần phải cố nghĩ về nó, hãy chỉ hiểu rằng đó là những thực tại sinh khởi khi có duyên cho chúng mà thôi.
Achaan Sujin: Chúng ta có cần biết thêm về đối tượng thị giác nữa không? Bởi vì suốt ngày đều có cái thấy. Mặc dù xen kẽ với rất nhiều khoảnh khắc của nghe, rồi suy nghĩ, ngửi, nếm,… nhưng luôn luôn có đối tượng thị giác xuất hiện. Điều đó dường như chỉ ra rằng, có nhiều duyên cho cái thấy sinh khởi hơn là các kinh nghiệm qua các ngũ quan khác. Nhưng thực chất, có một loại thực tại khác sinh khởi nhiều hơn cái thấy, đó là suy nghĩ. Đó là sự thực trong suốt cả ngày, chúng ta cần tìm hiểu chúng kỹ lưỡng, và đến lúc nào đó, thực tại đó chỉ xuất hiện một mình ở một thời điểm mà thôi.
Bây giờ chúng ta bắt đầu hiểu được về tứ đại và bốn sắc y sinh (bốn sắc sinh khởi cùng và phụ thuộc vào tứ đại). Mặc dù tứ đại có ở đó, nhưng chúng không thể được thấy. Mùi và vị có ở đó, nhưng chúng không được thấy. Chỉ duy nhất một thực tại có thể được thấy, đó là đối tượng thị giác, nó sinh khởi cùng các thực tại kia. Nó sinh khởi và có khả năng in dấu lên nhãn căn và làm duyên cho nhãn thức sinh khởi kinh nghiệm nó. Kể cả một khoảnh khắc rất ngắn ngủi của cái thấy hiện giờ cũng cần rất nhiều duyên cho nó sinh khởi. Khi biết và suy xét thêm nhiều về điều đó sẽ làm duyên cho những khoảnh khắc kinh nghiệm rằng, pháp là vô ngã. Mặc dù chắc chắn có cả tứ đại, nhưng vì chúng không thể được thấy, nên ở khoảnh khắc của cái thấy không có sự dính mắc vào tứ đại mà có sự dính mắc vào đối tượng thị giác, vào cái được thấy.
Các bạn có thể thấy rằng các thực tại được làm duyên để sinh khởi và diệt đi tiếp nối với nhau vô cùng nhanh chóng. Vô minh làm duyên cho sự dính mắc vào bất cứ cái gì xuất hiện. Ở khoảnh khắc cái thấy thì không có duyên cho sự dính mắc vào bất cứ cái gì khác ngoài vào cái được thấy. Ở khoảnh khắc của sự xúc chạm thì không có sự dính mắc vào cái được thấy mà khi đó có sự dính mắc vào cái được xúc chạm. Khi ta ăn chẳng hạn, có sự dính mắc vào rất nhiều thứ khác nhau, chẳng hạn vào màu sắc, vị, mùi, kể cả vào những tính chất cứng-mềm của những thực phẩm ta ăn. Nhưng nếu có hiểu biết rằng, thực chất chúng chỉ là tứ đại cùng với bốn sắc y đại sinh, chúng ta sẽ thấy, hóa ra mọi người đánh nhau và chiến tranh chỉ vì địa đại. Điều ấy xảy ra vì có sự lầm tưởng cho những cái thực chất chỉ là tứ đại là đất nước, hồ, núi sông,… mà không biết rằng đó chỉ là những thứ được làm duyên để sinh khởi và diệt đi, không bao giờ quay trở lại.
Chính vì vậy, những cái được kinh nghiệm giống như trong giấc mơ. Dường như những thứ đó rất quan trọng. Nhưng thực chất, đối với kiếp sau, tất cả những gì là quan trọng trong cuộc đời này sẽ hoàn toàn bị lãng quên, không còn giá trị gì nữa. Kể cả sự dính mắc vào những thứ được kinh nghiệm mà ta cho là con người hay cái bàn…, tất cả đều sẽ bị lãng quên hoàn toàn trong kiếp sau. Nhưng các thiện pháp và bất thiện pháp sẽ được tích lũy, trong đó có trí tuệ được tích lũy ở những khoảnh khắc có hiểu biết đúng sinh khởi. Chính vì vậy, các chúng sinh chào đời rất là khác nhau.
Pháp đàm tại Sài Gòn, sáng ngày 02/01/2015
Sarah: Hôm qua chúng ta đã thảo luận về tứ đại và 24 sắc còn lại phụ thuộc vào tứ đại, gọi là các sắc y đại sinh. Tứ đại bao gồm: địa đại, thủy đại, phong đại, hỏa đại. Tính chất của những đại này được thể hiện như sau: hỏa đại qua tính chất nóng-lạnh, địa đại qua tính chất cứng-mềm, phong đại qua tính chất căng-trùng, thủy đại qua tính chất kết dính. Qua thân căn thì chỉ có các tính chất cứng-mềm, nóng-lạnh, căng-trùng được kinh nghiệm. Một người bạn ở đây đã đặt cho tôi câu hỏi về tám sắc bất ly, tám sắc bất ly luôn sinh khởi trong tất cả các nhóm sắc bao gồm bốn sắc tứ đại, bốn sắc còn lại là màu, mùi, vị và dưỡng chất. Dù chúng ta nói đến các sắc ở trên thân hay ngoài thân, những gì ở trong chai nước, hay những sắc trong khu rừng mà ta không nhìn thấy hiện giờ,… tất cả những sắc đó đều được cấu tạo gồm nhóm tổ hợp sắc gọi là tám sắc bất ly. Đối với các sắc trên thân, ngoài tám sắc bất ly thì luôn có một sắc khác, đó là sắc mạng căn.
Câu hỏi này nằm trong cuốn Khảo cứu Pháp chân
h n S c pháp 281
đế của Achaan Sujin, liên quan đến câu sau: Bốn sắc tứ đại không thể sinh khởi nếu không có các sắc y đại sinh, các sắc y sinh này lại sinh khởi phụ thuộc vào các sắc tứ đại. Thực chất, bốn sắc tứ đại luôn là nền tảng cho bốn sắc y đại sinh sinh khởi và chúng phụ thuộc vào bốn sắc tứ đại này. Tất cả các sắc khác đều được làm duyên bởi bốn sắc tứ đại. Nhưng khi chúng sinh khởi cùng nhau thì các sắc khác nhau trong cùng một nhóm làm duyên hỗ trợ cho nhau. Chính vì vậy, hôm qua chúng ta có nói rằng, đối tượng thị giác được duyên bởi bốn sắc tứ đại. Nhờ vậy, các đối tượng thị giác có thể được phân biệt về sau. Tùy thuộc việc đối tượng thị giác đó sinh khởi cùng sự kết hợp với tứ đại như thế nào, mà sau khi chuyển qua tiến trình của ý môn sẽ có những ý niệm khác nhau.
Hôm qua bà Nina có nói, nếu trong nhóm tứ đại sinh cùng với một đối tượng thị giác cụ thể, tính chất cứng nhiều hơn sẽ khiến đối tượng thị giác khác biệt so với khi tính chất mềm nhiều hơn. Vì vậy, các đối tượng thị giác hiện giờ được nhìn thấy, mặc dù cùng có tính chất “được thấy”, nhưng chúng sẽ có sự khác biệt nhau, tùy thuộc vào việc chúng sinh khởi với nhóm tứ đại như thế nào. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, chỉ duy nhất đối tượng thị giác là sắc có thể được thấy, còn tất cả các sắc khác như địa đại, phong đại… chỉ hỗ trợ để làm duyên cho đối tượng thị giác sinh khởi, tức là chúng không thể được thấy. Cứng không thể được thấy, nóng-lạnh không thể được thấy, dưỡng chất không thể được thấy… Chúng ta đọc ở trong phần sau của cuốn sách rằng: Nếu bốn sắc tứ đại không sinh khởi thì không thể có 24 sắc y đại sinh cùng sinh khởi. Nếu không có những sắc là cứng- mềm, nóng-lạnh hay căng-trùng thì cũng không có sắc nào khác được kinh nghiệm.
Người hỏi: Với trường hợp của âm thanh thì các sắc tồn tại trong nhóm sắc có âm thanh đó gồm những gì ạ?
Sarah: Trong trường hợp của âm thanh, âm thanh không phải là một trong tám sắc bất ly luôn sinh khởi cùng nhau theo nhóm. Nhưng khi âm thanh được nghe, chẳng hạn như hiện giờ, thì âm thanh đó phải sinh khởi với sự hỗ trợ của nhóm tám sắc bất ly. Khi âm thanh sinh khởi, điều đó có nghĩa rằng ít nhất trong nhóm đó phải có chín sắc. Nói một cách đơn giản và ngắn gọn là như vậy.
Người hỏi: Đối với sắc là đối tượng thị giác, khi nó sinh khởi thì cần hỗ trợ với tám sắc bất ly, con chưa hiểu điều đó.
Sarah: Hiện giờ khi có cái thấy thì chỉ có đối tượng thị giác là cái được thấy, đúng không?
Người hỏi: Đúng vậy.
Sarah: Đối tượng thị giác đó sinh khởi như thế nào, được làm duyên như thế nào để có thể được thấy?
Người hỏi: Có phải do duyên nên đối tượng thị giác sinh khởi?
Sarah: Đúng vậy. Chúng ta đã nói có bốn nguyên nhân làm phát sinh sắc, một trong bốn nguyên nhân là nhiệt độ, một số trường hợp là do tâm, như bây giờ, do có tâm suy nghĩ đến việc chuyển tải một số điều cho nên phát ra âm thanh, trở thành những ngôn từ. Có một duyên nữa là nghiệp, chẳng hạn như làn da của chúng ta được quyết định bởi nghiệp. Một duyên nữa là dưỡng chất, nếu chúng ta không ăn gì cả thì không thể nào nuôi dưỡng các sắc trên thân để chúng tiếp tục sinh khởi. Thực tế, cái là màu hay đối tượng thị giác, chẳng hạn như màu ở trên da, thì không thể sinh khởi một mình mà phải được hỗ trợ bởi các sắc khác để sinh khởi. Trong các sắc hỗ trợ cho sắc là đối tượng thị giác sinh khởi thì có tính cứng chẳng hạn, nhưng đặc tính cứng đó không thể được thấy mà chỉ có đối tượng thị giác được thấy mà thôi.
…
Jonothan: Tôi muốn nói rõ hơn rằng đối tượng thị giác hay cái được thấy chính là cái xuất hiện đối với nhãn thức, hay nói cách khác, nó là đối tượng của nhãn thức (cái thấy). Hiện giờ nhãn thức đang kinh nghiệm đối tượng thị giác. Đối tượng thị giác có một đặc tính riêng biệt, bất kể đối tượng chế định được thấy là gì. Cho dù ta đang nhìn vào một con người, một cái chai hay bất cứ cảnh vật nào, trên thực tế, cái được kinh nghiệm chỉ là đối tượng thị giác và chỉ được kinh nghiệm bởi nhãn thức mà thôi. Vậy phải làm rõ rằng, không phải đối tượng thị giác của một con người hay đối tượng thị giác của một cái chai. Đó chính là đối tượng được kinh nghiệm ở mọi lúc trong ngày bởi nhãn thức. Trước khi có ý niệm về cái được thấy là gì thì thực chất, điều xảy ra là như vậy. Việc nhận ra đây là người này, đây là cái ly, cái chai hay bông hoa,… hoàn toàn nằm trong tiến trình suy nghĩ, do sự nhớ tưởng, chứ không phải ở khoảnh khắc của cái thấy.
Achaan Sujin: Để có thể hiểu được tính chất thực sự của đối tượng thị giác, hãy nhớ rằng hiện giờ nó đang xuất hiện, dù chúng ta không đặt tên nó là đối tượng thị giác, đúng không? Nhưng hiện giờ không có cái hiểu đúng về cái được thấy, về đối tượng thị giác. Vậy hiểu được đúng bản chất của đối tượng thị giác là một điểm vô cùng vi tế. Ngoài đối tượng thị giác, còn gì khác xuất hiện nữa đây?
Người hỏi: Dạ, âm thanh nữa ạ.
Achaan Sujin: Sự khác biệt được cái được nghe và cái được thấy là gì, tức là giữa âm thanh và đối tượng thị giác?
Người hỏi: Đối tượng thị giác thì in dấu lên nhãn căn, âm thanh thì in dấu lên nhĩ căn.
Achaan Sujin: Khi nói nó in dấu lên nơi này hay nơi kia, thì đó chỉ là sự suy nghĩ, còn bản chất sự khác biệt giữa âm thanh – cái được nghe và đối tượng thị giác – cái được thấy là gì? Trước khi nghĩ đến các duyên cho từng thực tại ấy sinh khởi, cần phải có cái hiểu căn bản rằng, đó là một thực tại. Đó là một thực tại, hay một pháp, nó là thực, khoảnh khắc nghe âm thanh thì âm thanh đó là thực. Ở khoảnh khắc nghe thì có con người nào ở đó không?
Người hỏi: Không ạ.
Achaan Sujin: Không có ai ở đó cả, vì vậy ngay từ lúc ban đầu, cần phải hiểu rất rõ rằng, bất cứ cái gì xuất hiện và là thực thì không phải là ai cả, chỉ là pháp mà thôi. Âm thanh thì không thuộc về ai, cái thấy cũng không thuộc về ai. Cũng như âm thanh là cái được nghe, đối tượng thị giác là cái được thấy. Không hề dễ dàng có thể tận diệt được ý niệm về cái gì đó, hay một con người nào đó trong những gì đang xuất hiện. Nhờ hiểu rõ từng thực tại một theo tính chất của chúng, ta sẽ thấy được sự khác biệt giữa thực tại được nghe với thực tại được thấy.
Liệu đặc tính cứng có thể được biết nếu không có thực tại kinh nghiệm đặc tính ấy không? Có những duyên khác nhau để khoảnh khắc này có kinh nghiệm về đặc tính cứng, và khoảnh khắc tiếp theo thì kinh nghiệm về âm thanh, cứ tiếp tục như vậy. Thực tại kinh nghiệm âm thanh thì không phải là ai cả và âm thanh thì không phải là một thứ gì đó. Đối tượng thị giác chỉ là cái có thể được thấy. Còn đặc tính cứng cũng là một pháp, nhưng nó khác với âm thanh và đối tượng thị giác, nó có thể được xúc chạm. Nếu không hiểu rõ điều ấy thì sẽ luôn là ý niệm “tôi nghe, tôi thấy, tôi chạm”. Khi hiểu được Pháp là vô ngã thì có thể hiểu được những đối tượng khác nhau khi chúng xuất hiện. Thông thường cái gì được chạm vào? Nếu ta không được nghe từ Giáo lý về bản chất của những gì xuất hiện, thì khi ta xúc chạm trong cuộc sống hàng ngày, cái gì xuất hiện?
Người hỏi: Thông thường, khi xúc chạm con nghĩ là thân của con.
Achaan Sujin: Không phải là toàn thân đúng không? Một phần nào đó?
Người hỏi: Vâng, chỉ một phần như tay chẳng hạn.
Achaan Sujin: Hãy nhắm mắt lại, cái cứng có xuất hiện không? Hãy mở mắt ra. Đặc tính cứng ở khoảnh khắc chạm có phải là tay của bạn không?
Người hỏi: Không ạ.
Achaan Sujin: Đối tượng thị giác có phải là cái tay của bạn không?
Người hỏi: Không, tay chỉ là khái niệm.
Achaan Sujin: Không dễ gì tận diệt được ý niệm về ngã trong tất cả những kinh nghiệm như vậy, vì chúng ta đã tích lũy tà kiến về một “tự ngã” từ vô lượng kiếp rồi. Không thể nào ở những khoảnh khắc, chẳng hạn khi âm thanh hay một đặc tính nào đó khác của pháp xuất hiện, mà ngay lập tức có thể hiểu được về tính chất vô ngã của những thực tại ấy. Cần bao lâu để có thể thực sự hiểu rằng cái được thấy không phải là “tay tôi”, và cái được chạm không phải là “tay tôi”? Hãy bắt đầu bằng việc suy xét rằng cái được thấy thì chỉ là một pháp mà thôi. Chẳng hạn, đặc tính cứng mà ta cho là tay tôi, hay màu trên tay mà ta cũng cho là tay tôi, ở những khoảnh khắc khác nhau. Nhưng tất cả các pháp hữu vi đều sinh và diệt trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi. Và dính mắc thì dính mắc vào bất cứ “cái gì xuất hiện”. Nếu không có gì sinh khởi thì có thể có thế giới không? Nếu cái thấy không sinh khởi thì có thể có ý niệm “tôi thấy” không? Khi cái cứng không sinh khởi thì có thể có ý niệm “thân tôi” hay không? Chính vì vậy, ngay từ ban đầu cần phải có cái hiểu rõ ràng rằng, không có con người nào cả mà chỉ có các thực tại, các thực tại thì không phải là ai, không thuộc về ai. Nếu không có đặc tính cứng thì liệu có gì có thể được thấy không? Vì ở khoảnh khắc có sự xúc chạm thì nghĩ rằng “đây là tay tôi”, và khi mở mắt ra, thay cho đặc tính cứng được kinh nghiệm qua sự xúc chạm, có đặc tính của đối tượng thị giác xuất hiện qua mắt, và ta cũng gọi đó là tay. Như vậy nếu không có tứ đại, trong đó có đặc tính cứng, thì không thể có đối tượng thị giác hay cái có thể được thấy. Đây là cách để dần hiểu được sự khác biệt giữa các sắc tứ đại và các sắc khác, chẳng hạn như đối tượng thị giác. Cái mà ta gọi là những thứ khác nhau trong thế giới này thực chất là những thứ kết hợp với tứ đại theo những cách khác nhau.
Người hỏi: Con cảm ơn Bà, con sẽ cố gắng tìm hiểu thêm ạ.
Achaan Sujin: Cứ từ từ, từng chút một, chẳng hạn như cả buổi sáng nay có thể chỉ tìm hiểu về cái được thấy và tứ đại.
Sarah: Tôi muốn đưa thêm ví dụ. Bây giờ chúng ta đang nghe Achaan Sujin giảng, thực tế chỉ âm thanh là cái có thể được nghe, đúng không? Mặc dù âm thanh chỉ là âm thanh, nhưng ngay lập tức đã có ý niệm đây là giọng của Achaan Sujin, giọng của người phiên dịch, giọng của cô Sarah… Và cũng ngay lập tức có cái hiểu về ý nghĩa của những âm thanh đã được nghe. Nhưng chúng ta đã được nghe giảng rằng khi nghe Achaan Sujin nói thì cái được nghe thực chất chỉ là âm thanh mà thôi. Xen kẽ giữa những tiến trình của nhĩ căn nghe âm thanh, cũng có tiến trình của nhãn căn thấy đối tượng thị giác. Có rất nhiều suy nghĩ sinh khởi nghĩ về con người được thấy, về các ngôn từ được nghe. Và ta quên mất rằng, ở khoảnh khắc đầu tiên, chỉ có âm thanh là cái thực chất được nghe. Những gì tiếp nối chỉ là những câu chuyện sau khi nghe và thấy, cho rằng có người này đang nói, người kia đang nói,… Trên thực tế chỉ có âm thanh là cái được phát ra. Và khi ta nhắm mắt thì không có con người nào, chỉ có âm thanh mà thôi. Sau đó có những suy nghĩ nối tiếp.
Pháp đàm tại Sài Gòn, chiều ngày 05/01/2015
Vị sư: Sư muốn trở về phần sắc pháp. Theo những tài liệu Sư đang học, trong phần sắc chia ra làm hai nhóm: (1) Nhóm sắc thành tựu gồm 18 sắc và (2) nhóm sắc phi thành tựu gồm 10 sắc. Tổng cộng là 28 sắc. Nhóm sắc thành tựu, tức là những loại sắc do thiện hoặc bất thiện trước đó đã làm duyên tạo ra những loại sắc này. Có sự giải thích rằng, 28 loại sắc này chỉ nói đến những chúng sinh hữu tình, chứ không nói đến vật vô tri như bàn ghế, cây cỏ. Mong mọi người thảo luận thêm.
Jonothan: Tôi chỉ có thể tạm thời bình luận về điểm cuối cùng mà Sư nhắc đến, rằng 28 loại sắc chỉ nói đến sắc nơi chúng sinh hữu tình, chứ không nói đến sắc vô tri ở bên ngoài thân. Như chúng ta biết, sắc là loại thực tại không kinh nghiệm đối tượng. Hiện giờ đối tượng thị giác đang được kinh nghiệm bởi nhãn thức, và đối tượng thị giác là một thực tại. Nếu vậy cái được thấy, bất kể được cho là chúng sinh hữu tình hay vật vô tri, nếu không phải là sắc thì là cái gì đây? Tôi thấy rất khó khăn với thông tin là khi nói đến 28 sắc thì chỉ nói đến sắc nơi chúng sinh hữu tình, vì rõ ràng bây giờ đang có cái thấy và đối tượng của cái thấy. Như vậy rõ ràng có những sắc thuộc về chúng sinh hữu tình, và có sắc không thuộc chúng sinh hữu tình. Tôi thấy quan điểm sư nhắc tới rất khó hiểu, vì ý nghĩa của đối tượng thị giác, hay cảnh sắc, chỉ đơn thuần là cái được thấy qua mắt mà thôi.
Sarah: Khi Đức Phật nói đến 52 loại tâm sở, 89 loại tâm và 28 sắc là Đức Phật nói về tất cả những gì có thể sinh khởi trong vũ trụ. Cũng như vậy, khi nói đến 52 tâm sở, là nói đến tất cả các trạng thái tâm sinh khởi trong vũ trụ. Như chúng ta vừa thảo luận, trong trường hợp của các tâm sở của những vị A la hán, có những loại tâm sở bất thiện không bao giờ sinh khởi. Có những tâm sở không bao giờ sinh khởi với một số loại tâm nhất định, chẳng hạn như thọ hỷ không bao giờ sinh khởi với thọ ưu. Cũng vậy, khi nói đến 28 loại sắc là nói đến tất cả những loại sắc có thể sinh khởi. Điều đó không có nghĩa rằng nơi những vật chất vô tri mà ta gọi là cái bàn, hay những gì ở trong rừng… đều có cả 28 loại sắc sinh khởi. Như ông Jonothan có nói, những sắc do nghiệp sinh không thể sinh khởi nơi vật vô tri. Nơi người thì chỉ có hoặc là sắc tính nam, hoặc là sắc tính nữ sinh khởi, vì cả hai loại sắc này không thể cùng sinh khởi một lúc. Nói đến 28 loại sắc là nói đến tất cả những sắc tồn tại, chứ không phải là chúng có mặt ở mọi vật, mọi nơi, mọi chỗ. Các vị thầy khác nhau có thể có những ý niệm khác nhau. Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm hiểu Tam Tạng, và như tôi biết hiện giờ Sư cũng đang nghiên cứu Tạng Vi Diệu Pháp, thì trong Bộ Pháp Tụ và Chú giả icủa Bộ Pháp Tụ có chỉ rõ,khi nói đến các sắc thì không phải chỉ nói đến những sắc tạo nên thân nơi chúng sinh hữu tình, mà cũng nói đến những sắc khác nữa.
Vị sư 2: Khi chúng ta nói về âm thanh, có nghĩa là âm thanh luôn sinh khởi cùng tám sắc bất ly và sắc mạng căn?
Sarah: Khi nói đến âm thanh bên ngoài như tiếng thác nước chẳng hạn, khi đó âm thanh chỉ sinh khởi cùng tám sắc bất ly thôi. Sắc là âm thanh được phát ra từ người do tâm làm duyên cũng sinh khởi cùng với tám sắc bất ly, nhưng phải có yếu tố nghiệp trợ duyên cùng những điều kiện khác để khiến âm thanh đó được phát ra. Vì thế khi đó sẽ có thêm yếu tố là sắc được làm duyên bởi nghiệp, mà ta gọi là sắc mạng căn.
Phải nói rõ hơn, riêng âm thanh thì chỉ sinh khởi với tám sắc bất ly. Nhưng chúng ta biết rằng có những âm thanh, người nói giọng cao, thấp, trong, khàn,… cái đó có sự tham gia của yếu tố nghiệp. Yếu tố tác động khiến giọng như thế này hoặc thế kia phải có sắc mạng căn ở trong đó.
Vị sư 2: Khi nghe âm thanh của tiếng thác đổ, âm thanh đó chỉ có tám sắc bất ly. Nhưng âm thanh từ con người phát ra thì có yếu tố sắc mạng căn trong đó. Đối với đối tượng thị giác, khi là chúng sinh thì đối tượng thị giác đó có yếu tố sắc mạng căn, còn khi sắc là cái bàn thì đối tượng thị giác chỉ là tám sắc bất ly thôi, không có yếu tố sắc mạng căn ở trong đó?
Sarah: Đối với trường hợp vật chất vô tri là đối tượng bên ngoài, thì chắc chắn đối tượng thị giác ấy sinh khởi nơi tám sắc bất ly, không có sắc mạng căn sinh cùng. Còn với sắc nơi thân, có sắc mạng căn cùng sinh khởi hay không tùy thuộc vào việc sắc đó có phải là do sắc do nghiệp sinh hay không. Bởi vì không phải sắc nào sinh khởi nơi thân cũng do nghiệp sinh, có những sắc được sinh do nhiệt độ, tâm và dưỡng chất. Những sắc nào là sắc do nghiệp sinh thì sẽ đồng sinh với sắc mạng căn, còn nếu không phải thì không có sắc mạng căn. Và điểm mấu chốt ở đây là, sắc đơn thuần chỉ là sắc mà thôi, không phải ở nơi này hay nơi kia, hay thuộc về bất kỳ ai. Vì thế ở khoảnh khắc đối tượng thị giác sinh khởi, đặc tính của nó xuất hiện và có thể được kinh nghiệm trực tiếp. Ở khoảnh khắc trí tuệ ấy, sẽ không có ý niệm về một nơi chốn, không phải là ở trong thân hay ngoài thân, mà chỉ là một tính chất được kinh nghiệm, không phải là một con người hay một cái gì đó.
Achaan Sujin: Khi có hiểu biết căn bản về các loại sắc chính, ta sẽ dễ dàng tiếp cận với cách phân loại các nhóm sắc khác nhau. Ngược lại, nếu không hiểu chi tiết về từng loại sắc, ta sẽ rất khó biết các cách phân loại sắc. Đầu tiên ta học về tứ đại, về nhóm tám sắc bất ly, rồi học về các nhóm kết hợp khác nhau với các sắc ấy. Tất cả các sắc bao giờ cũng phải tồn tại với bốn sắc, chính vì thế nó mới có tên là tứ đại. Bất kể tứ đại đó được duyên bởi tâm, bởi nghiệp, bởi dưỡng chất hay nhiệt độ, bất cứ khi nào chúng có mặt thì cũng phải có bốn sắc y đại sinh, và cùng nhau chúng tạo nên tám sắc bất ly.
Có bốn yếu tố có thể làm phát sinh tứ đại, đó là tâm, nhiệt độ, dưỡng chất và nghiệp. Mặc dù có tám sắc bất ly, nhưng chúng cũng được duyên bởi những yếu tố khác nhau. Tính chất của từng sắc thì không thể thay đổi. Địa đại luôn luôn có tính chất cứng hoặc mềm. Mỗi sắc có đặc tính riêng của chúng. Ở khoảnh khắc kinh nghiệm đối tượng thị giác, sẽ không cần xác định xem nó được duyên bởi nghiệp, tâm, vật thực hay thời tiết. Nhưng các duyên thì có sự khác biệt, chính vì vậy vẻ ngoài của các đối tượng xuất hiện cũng khác biệt và làm duyên cho những ý niệm khác nhau. Chẳng hạn, về mắt mà chúng ta đều biết: Nhóm sắc nhãn căn sẽ bao gồm tám sắc bất ly, sắc nhãn căn (sắc thần kinh mắt) và sắc mạng căn. Nhưng cái mà chúng ta nhìn thấy từ bên ngoài là những màu khác nhau của mắt, và điều ấy được quyết định bởi nghiệp.
Pháp đàm tại Đà Lạt, chiều ngày 12/05/2015
Vị sư 2: Sư muốn biết sắc ý vật, cái mà bắt cảnh sắc, thì nó nằm ở đâu?
Achaan Sujin: Chắc chắn phải luôn có sắc nào đó cho tâm nương ở trong các cõi có cả danh và sắc. Những tâm không phải là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân thức vẫn phải có sắc trên “thân” cho nó nương vào để sinh khởi.
Vị sư 2: Nó nằm trong thân, vậy nó nằm ở đâu?
Achaan Sujin: Nếu không có sự sinh khởi của sắc, thực tại không kinh nghiệm gì cả, thì có thể có cái mà ta gọi là “thân” không?
Vị sư 2: Sư có đọc sắc ý vật nằm ở trái tim. Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc tái sinh, khi đó đã
có trái tim chưa?
Vị sư 2: Vẫn chưa.
Achaan Sujin: Ở khoảnh khắc đó vẫn chưa có cái mà ta gọi là trái tim, nhưng vẫn có tâm, và khi đó tâm vẫn phải nương vào một sắc, và sắc đó không sinh khởi một mình mà sinh khởi cùng những sắc khác như sắc tứ đại (cứng-mềm, nóng-lạnh…). Đặc tính cứng có thể được thấy không? Vậy tâm cơ, hay sắc ý vật, có thể được thấy không? Cứng có thể được chạm không? Sắc ý vật có thể được chạm không? Sắc ý vật không phải là cứng, không phải là mềm, không phải là cái có thể được xúc chạm, mà là một thực tại để tâm có thể nương vào đó mà sinh.
Vị sư 1: Có khi nào tâm (citta) nương vào sắc nghiệp sinh (rupakamma) không?
Achaan Sujin: Rupakamma là gì?
Vị sư 1: Kammaja-rupa.
Người dịch: Tức là sắc do nghiệp sinh.
Achaan Sujin: Thế nào là sắc do nghiệp sinh? Có bao nhiêu loại sắc do nghiệp sinh? Nhãn căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn và cả ý căn đều là những sắc do nghiệp sinh.
Vị sư 2: Khi một người bị tổn thương não bộ, người đó không làm chủ được tâm của mình. Như vậy có phải cái biết của ta nương vào não, có phải sắc ý vật nằm trên não?
Achaan Sujin: Tôi nghĩ khi chúng ta nói về sắc hay các pháp chân đế, chúng ta không nói đến não bộ, đúng không? Pháp chân đế của cái được gọi là não bộ là gì?
Vị sư 2: Là sắc pháp.
Achaan Sujin: Loại tâm nào không nương vào sắc ý vật?
Vị sư 1: Có 5 loại: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt và thân.
Achaan Sujin: Chúng ta có thể thấy rằng, điều này vượt quá khả năng tưởng tượng của chúng ta, rằng khoảnh khắc của nhãn thức sinh khởi thì tâm nương vào mắt, còn những khoảnh khắc trước đó thì tâm không nương vào mắt mà nương vào sắc ý vật. Có thể thấy hiểu biết của chúng ta về các thực tại thật vô cùng nhỏ bé, kể cả khi chúng ta đã đọc rất nhiều. Cái có thể là đối tượng của hiểu biết thì phải là đối tượng xuất hiện hiện giờ, là đối tượng của tâm. Dù chúng ta có nghĩ đến sắc ý vật nhiều đến đâu đi nữa, cũng không thể sinh khởi hiểu biết trực tiếp về thực tại là sắc ý vật, trong khi hiện giờ đang có cái thấy xuất hiện.
Cái thấy không xuất hiện như đối tượng thị giác. Vì vậy chúng ta biết qua Giáo lý rằng, cần phải có một thực tại nhận biết đối tượng thị giác hay còn gọi là cảnh sắc. Bằng việc hiểu điều đó ngày càng rõ rang hơn, có thể đến một lúc nào đó thấy được rõ, tâm nhận biết đối tượng thị giác thì không phải là đối tượng thị giác. Nếu không, mọi thứ sẽ chỉ là bóng tối mà thôi, vì mặc dù các pháp đang ở đó, nhưng không có hiểu biết về nó.
Nhưng khi có niềm tin vào đặc tính và chức năng của trí tuệ, ta có thể dần thấy được rằng không có cái ngã nào cả. Nếu không thì sẽ không bao giờ có thể có sự tận diệt ý niệm về ngã. Vì hiểu biết ở mức độ tư duy chỉ là hiểu biết về “câu chuyện” của thực tại mà thôi, giống như nghe câu chuyện về một người mình chưa từng biết mặt, dù người đó ở ngay bên cạnh. Chúng ta nghĩ sao, liệu đi hay ngồi có thể là cách để hiểu về thực tại hiện giờ không? Đó không phải là lời dạy của Đức Phật, vì nó không mang tới hiểu biết. Vậy ai là thiện bạn hữu? Hãy nhớ lại bốn Dự Lưu phần.
Lợi ích của việc nghe Giáo lý của Đức Phật là gì? Điều đó là vô ích hay hữu ích? Nó là hữu ích, nhưng chúng ta cần phải biết phân biệt đâu là lời dạy của Đức Phật và đâu không phải là lời dạy của Đức Phật.
Vị sư 1: Sư đã được nghe và đọc sách của Bà, Sư thấy rất hoan hỷ. Đức Phật dạy trong Bát Chánh Đạo, chánh kiến là rất quan trọng. Từ đó các sư có thêm nhiều hiểu biết đúng. Các sư rất cảm ơn Bà. Nhưng từ trước, có rất nhiều quan điểm thành ra rất khó để tu tập. Mong Bà cho một lời khuyên.
Achaan Sujin: Đó không phải là lời dạy của tôi, mà tất cả đều là lời dạy của Đức Phật.
Sarah: Tôi nghĩ rằng Giáo lý là những thứ cần phải được chứng nghiệm, kiểm chứng ở khoảnh khắc hiện giờ. Chẳng hạn, khi ai đó nói rằng ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, cái được kinh nghiệm là đặc tính cứng, thì ta có thể kiểm chứng xem điều đó có đúng không. Còn nếu ai đó nói rằng, cái gọi là cái thân (từ đầu tới chân) có thể được kinh nghiệm trực tiếp, ta cũng nên kiểm chứng xem có đúng như vậy không.
Vị sư 1: Không thể biết qua xúc chạm.
Sarah: Ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, cái gì
được xúc chạm, hay đối tượng của thân thức là gì?
Vị sư 1: Chính là thân thức.
Sarah: Ở khoảnh khắc kinh nghiệm qua thân căn, khi đó có danh làm chủ thể kinh nghiệm. Đối tượng của thân thức chỉ có thể là những đặc tính như cứng-mềm, nóng-lạnh… mà thôi. Đặc tính cứng là thực, nóng-lạnh là thực, căng-trùng là thực, nhưng “thân” chỉ là một ý niệm mà thôi, giống như ý niệm về con người vậy. Nếu ai đó nói rằng có thể có chánh niệm về toàn thân, hãy kiểm tra xem điều đó có đúng không. Toàn bộ Giáo lý của Đức Phật đều để cho chúng ta kiểm chứng trong khoảnh khắc hiện tại, chứ không đòi hỏi niềm tin mù quáng. Khi xúc chạm như thế này chẳng hạn, đặc tính cứng được xúc chạm hay cái đĩa được xúc chạm?
Trả lời: Chỉ có cái cứng được xúc chạm.
Sarah: Vậy toàn bộ Giáo lý của Đức Phật, bằng cách ấy, có thể được kiểm chứng, chứ không phải là bởi ai đó nói rằng nó là như vậy. Toàn bộ Giáo lý của Đức Phật phải thống nhất và tương ứng với các thực tại mà chúng ta đã nói đến, như đặc tính cứng hiện giờ,… đó là những thực tại chân đế, những tính chất được kinh nghiệm. Kinh điển không nói đến sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi. Đặc tính cứng hiện giờ chính là Vi Diệu Pháp. Tất cả những pháp như cứng-mềm nóng-lạnh, … đều là pháp và là vi diệu pháp, là cốt lõi của Giáo lý Đức Phật. Chỉ có hiểu biết nơi tự thân mới có thể cho chúng tabiết,cáigìlàđúngvàcáigìthựcsựlàGiáolýcủa Đức Phật.
Vị sư 1: Thông qua việc đọc và nghiên cứu sách, chúng ta có thể bớt đi dính mắc và chấp thủ, như vậy có đúng không?
Jonothan: Nếu có sự nghiên cứu Giáo lý một cách đúng đắn thì sẽ có thêm hiểu biết về các pháp chân đế. Điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng có bớt bất thiện pháp hơn, hay có bớt suy nghĩ hơn, vì sự phát triển Bát Chánh Đạo chính là sự phát triển hiểu biết về các pháp chân đế. Chúng ta không nên mong đợi có một số thay đổi sẽ diễn ra. Tuy nhiên, nếu như có những việc đã diễn ra như bớt đi sự chấp thủ chẳng hạn, thì chúng ta không nên coi việc bớt đi sự chấp thủ đó là một thứ để ta mong đợi xảy ra. Vì ý nghĩ đó có thể dẫn tới sự thực hành sai.
Điều quan trọng nhất tôi muốn nói là phát triển hiểu biết sẽ làm tăng trưởng hiểu biết, chứ không nhất thiết là sẽ làm bớt đi một số loại trạng thái tâm nào đó.
Sarah: Do những tích lũy của các phiền não ngủ ngầm, chúng ta không thể dự đoán được khi nào các bất thiện pháp có thể sinh khởi và thuộc loại nào.
Jonothan: Nếu thấy rằng đang có thêm sự dính mắc hay chấp thủ, chúng ta cũng không nên nản chí. Bởi vì trong cuộc sống của chúng ta, có thể thấy rằng đối tượng của sự chấp thủ luôn thay đổi.
Sarah: Quan trọng nhất cần phải rằng, đó đều chỉ là các pháp mà thôi, chứ không phải là sự chấp thủ “của tôi”, hay sự dính mắc “của tôi”.
Pháp đàm tại Nha Trang, chiều ngày 20/05/2015
Người hỏi: Hôm qua Achaan Sujin nói sau những khoảnh khắc của thấy là bóng tối, con không hiểu được điều này. Nhờ Achaan Sujin giảng kỹ hơn ạ
Achaan Sujin: Cái được thấy hiện giờ là sáng hay tối?
Người hỏi: Hiện giờ đang sáng ạ.
Achaan Sujin: Chỉ có một loại thực tại có thể in dấu lên nhãn căn, là thực tại có thể được thấy ở khoảnh khắc này. Đối tượng của cái nghe là gì? Là sáng hay tối?
Người hỏi: Là tối ạ.
Achaan Sujin: Như vậy trong bóng tối ta vẫn có thể nghe được âm thanh. Các bạn hãy nhắm mắt lại. Cái gì được thấy?
Hội chúng: Không có gì ạ.
Achaan Sujin: Nhưng ở bất cứ khoảnh khắc nào của cái thấy, đối tượng được thấy phải được thấy, kể cả tối hay mờ. Thực tại là “cái được thấy” không phải là “cái được nghe”. Ở khoảnh khắc này không phải chỉ có cái thấy. Khi được hỏi là bạn thấy gì, câu trả lời hiện giờ là gì, một cách trung thực?
Người hỏi: Đối tượng thị giác ạ.
Achaan Sujin: Chúng ta không cần trả lời như vậy, vì chỉ mức độ trí tuệ rất cao mới có thể phân biệt được giữa thực tại có thể thấy và thực tại có thể được thấy.
Một cách thông thường, hiện giờ cái gì được thấy?
Người hỏi: Con người và cảnh vật.
Achaan Sujin: Con người và cảnh vật có thể được thấy không? Bản thân điều đó cũng chưa được biết. Rằng thực chất, chỉ có một khoảnh khắc của cái thấy, những tâm sinh khởi sau tâm thấy không thể đảm nhận chức năng thấy, nhưng vẫn kinh nghiệm đối tượng thị giác đó. Và một câu hỏi nữa, hiện giờ đang có cái thấy, ai biết được sự khác biệt giữa cái thấy và cái được thấy? Đối tượng thị giác là cái đang được thấy nhưng tính chất “chỉ có thể được thấy” của nó không được hiểu rõ. Tâm sinh khởi nối tiếp nhau. Khoảnh khắc của nhãn thức diệt đi và những khoảnh khắc tâm tiếp nối không thấy đối tượng thị giác, mặc dù chúng vẫn kinh nghiệm nó. Các thực tại sinh và diệt trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, cái mà chúng ta đang thấy hiện giờ thực chất là hình bóng của những gì sinh và diệt, của những gì được kinh nghiệm qua nhãn môn. Nhưng chúng ta không phân biệt được sự tách rời giữa khoảnh khắc của cái thấy và khoảnh khắc suy nghĩ về cái được thấy.
Như đã nói, đối tượng thị giác sinh khởi cùng với tứ đại. Sắc sinh khởi theo nhóm trong các tổ hợp sắc vô cùng nhỏ. Chúng bao gồm ít nhất là tám sắc bất ly không bao giờ tách rời nhau. Nếu không có tứ đại để các sắc nương vào, sẽ không thể có mùi, vị… hay cái được thấy như hiện giờ… Nếu không nghiên cứu Giáo lý, ta sẽ không phân biệt được giữa khoảnh khắc của nhãn thức với những tâm sau đó, tức là những suy nghĩ về con người và cảnh vật. Ngay thời điểm này, đang có vô số tiến trình của cái thấy và của suy nghĩ về cái được thấy tiếp nối nhau. Vô minh thì tưởng rằng cái được thấy là con người và cảnh vật. Khi còn ý niệm chấp cái được thấy thực sự là con người hay cảnh vật thì có thể tận diệt ý niệm về ngã không? Không, vì vô minh vẫn còn đó…, cho đến khi có thêm nhiều sự suy xét hơn trong cuộc sống hàng ngày để nhận ra rằng, khoảnh khắc của cái thấy vô cùng ngắn ngủi.
….
Người hỏi: Ban nãy sư cô TL có nói, nếu ta cố gắng làm gì thì là vướng vào tự ngã, kể cả không làm gì cả cũng vướng vào tự ngã. Vậy làm thế nào để thiện pháp có thể làm duyên cho trí tuệ sinh khởi?
Achaan Sujin: Trước khi chúng ta chuyển sang chủ đề đó, hãy nói thêm một chút về cái thấy hay đối tượng thị giác. Người mù có thể thấy, nghe, ngửi không?
Hội chúng: Không thể thấy, chỉ nghe và ngửi thôi.
Achaan Sujin: Có thể nghe âm thanh không? Có thể ngửi mùi không? Có thể xúc chạm không? Hội chúng: Có ạ.
Achaan Sujin: Tất cả những cái đó đều diễn ra trong bóng tối. Ví dụ về người mù giúp chúng ta dễ hiểu rằng, mọi kinh nghiệm thực tại qua các căn, trừ nhãn căn, đều diễn ra trong bóng tối. Mỗi thế giới chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc mà thôi. Ở khoảnh khắc nghe âm thanh thì không có cái thấy.
Jonothan: Sáng nay chúng ta nói về ẩn dụ bánh xe chiến xa. Khi bánh xe quay, điểm xúc chạm giữa bánh xe với mặt đất cũng giống như khoảnh khắc của tâm kinh nghiệm đối tượng. Nhưng ở mỗi điểm đó có một kinh nghiệm khác nhau. Nhãn thức kinh nghiệm đối tượng thị giác, nhĩ thức nghe âm thanh, tỷ thức ngửi mùi… Mặc dù ta có cảm giác cái thấy diễn ra suốt cả ngày, nhưng sự thật diễn ra khác với những gì ta mường tượng. Đó là những điều Đức Phật đã dạy. Khoảnh khắc của cái thấy khá ít so với tổng số khoảnh khắc của những tâm khác. Vì vậy Achaan Sujin đã nói, phần lớn thời gian là trong bóng tối, vì ánh sáng chỉ có ở khoảnh khắc nhãn thức kinh nghiệm đối tượng thị giác mà thôi.
Sarah: Liên quan đến câu hỏi sau của bạn, sau khi nghe Achaan Sujin giải thích về cái thấy và đối tượng thị giác, bạn có hiểu thêm chút nào không ạ?
Người hỏi: Dạ, con hiểu thêm rất nhiều và vô cùng hoan hỷ.
Sarah: Khi nghe giảng lại, bạn đã có thêm chút hiểu biết. Vậy ở khoảnh khắc có thêm chút hiểu biết như vậy, liệu có ai đó đã làm gì để hiểu được thêm như vậy không?
Người hỏi: Không ạ.
Sarah: Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi của bạn. Hiểu biết cũng là pháp do duyên. Khi có đủ duyên cho hiểu biết sinh khởi thì hiểu biết sinh khởi, chứ không phải do ai cố làm được điều đó.
Vị Sư: Một người mù bẩm sinh, nếu được nghe Chánh pháp, có thể đạt được giác ngộ không?
Achaan Sujin: Làm thế nào biết được ai đó bị mù bẩm sinh?
Jonothan: Với người không có bất cứ khoảnh khắc nào của nhãn thức sinh khởi thì không có cơ hội cho người ấy có trí tuệ đến mức độ giải thoát. Thiên hướng chấp trước các thực tại vốn là vô ngã đối với người ấy không thể được tận diệt.
Sarah: Khi nói đến người mù bẩm sinh, ta cần nhớ rằng mình không biết chắc thời điểm nào người ấy bị mù, và rất khó biết được người ấy sinh ra với tam nhân hay vô nhân.
Pháp đàm tại Sài Gòn, chiều ngày 01/01/2016
Người hỏi: Thưa Bà, tại thời điểm tái tục, có sắc thân, sắc tính và sắc ý vật để trợ cho tâm tái tục sanh, vậy sát na tâm của tâm tái tục nương vào sắc ý vật để sinh khởi, nhưng sắc ý vật thì diệt chậm hơn 17 sát na so với tâm. Vậy phải hiểu điều này như thế nào? Xin Bà giải thích.
Achaan Sujin: Chúng ta cần tìm hiểu từng thứ một. Khi nói về sắc ý vật, sắc ý vật là gì? Nó có phải là địa đại, phong đại hay đối tượng thị giác không? Sắc ý vật sinh khởi cùng với nhóm tám sắc bất ly, hầu như nó sinh khởi với tất cả các khoảnh khắc của tâm. Ở khoảnh khắc tái sinh vào cõi này – cõi ngũ uẩn, tâm sẽ không thể sinh khởi nương vào một sắc nào khác ngoài sắc được làm duyên bởi nghiệp. Tất cả những thực tại sinh khởi ở khoảnh khắc tái sinh đều do nghiệp sinh. Nghiệp đó có thể được tạo ở ngay trong kiếp trước, hoặc từ những kiếp xa xưa. Không có một chủ thể nào làm công việc chọn loại thực tại sinh khởi tại khoảnh khắc đầu tiên đó. Được sinh ra làm người là quả của nghiệp thiện, nhưng ai biết được đó là quả của nghiệp nào, được tạo ra trong kiếp nào không? Chúng ta được sinh ra do quả của nghiệp thiện, nhưng tất cả chúng ta đều khác nhau. Bởi nghiệp tạo ra sự tái sinh trong kiếp này cũng mang kèm theo nó các nghiệp khác. Thức tái tục mang trong nó tất cả những thiên hướng ngủ ngầm hay những loại nghiệp sẽ được làm duyên để trổ quả trong kiếp này. Ở khoảnh khắc của sự tái sinh mà ta gọi là thức tái tục thì chưa có thân mà chỉ có ba nhóm sắc do nghiệp sinh1. Chúng sinh khởi rồi diệt đi, và các nhóm sắc tương tự được nghiệp làm duyên để tiếp tục sinh và diệt cho đến tận bây giờ. Có những sắc do nhiệt sinh. Nhiệt độ từ sắc trước sẽ làm duyên cho sự sinh khởi của những sắc sau, chính vì vậy có người sinh ra với da màu trắng, có người màu đen, cao hay thấp, và tất cả những chi tiết khác nữa. Trong một gia đình chẳng hạn, có nhiều người con khác nhau, người là con gái, người là con trai, và họ đều khác biệt. Mặc dù họ sống trong cùng một ngôi nhà, ăn cùng thực phẩm, nhưng suy nghĩ thì khác nhau và các đặc điểm đều khác nhau. Như vậy, mỗi khoảnh khắc đều có những duyên để tạo ra những danh khác nhau và những sắc khác nhau.
Chú thích
1. Sắc ý vật, thân căn, sắc tính nam hoặc sắc tính nữ.
Sarah: Quay trở lại với câu hỏi vừa nãy. Ở khoảnh khắc của sự tái sinh, không có con người nào, và cũng như khoảnh khắc này, cái thấy không phải là con người nào đang thấy. Thức tái tục cùng là một loại với thức sinh khởi khi chúng ta ngủ say. Nó là tâm quả, kết quả của một nghiệp đã được tạo trong quá khứ. Sinh khởi cùng với tâm này, như bạn đã nói, có ba nhóm sắc: nhóm sắc có sắc ý căn, nhóm sắc có sắc giới tính và nhóm sắc có sắc thân căn. Ngoại trừ các tâm thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm là các tâm nương vào căn tương ứng của chúng để sinh khởi, tất cả những tâm còn lại đều nương vào sắc ý vật/ ý căn để sinh khởi. Ở khoảnh khắc thức tái tục, tâm nương vào ý căn, và ý căn được duyên bởi cùng một nghiệp làm duyên cho thức tái tục, nó sinh khởi tại cùng một khoảnh khắc với thức tái tục. Trong cuộc sống hàng ngày, trước khi tâm sinh khởi, sắc ý vật đã sinh khởi trước đó. Nhưng riêng ở khoảnh khắc đầu tiên của kiếp sống, khi thức tái tục sinh khởi thì cũng là lúc sắc ý vật sinh khởi, như vậy là chúng sinh khởi ở cùng một thời điểm.
Như bạn đã nói, sắc có tuổi thọ dài hơn tâm, tương đương 17 sát na tâm. Tâm là thức tái tục đó sẽ diệt đi và được tiếp nối bởi những tâm khác cũng nương vào sắc ý vật để sinh khởi, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi những khoảnh khắc đầu tiên của cái thấy diễn ra rất lâu về sau. Việc sắc có tuổi thọ dài hơn tâm, sinh khởi trước hay cùng một lúc với tâm không đặt ra vấn đề nào cả. …….
Người hỏi: Con muốn được hiểu về sắc do tâm quả tạo, xin Bà giảng.
Achaan Sujin: Trước hết, chúng ta sẽ nói về sắc. Sắc là thực tại không kinh nghiệm gì cả. Vì nó không kinh nghiệm gì nên sắc không bao giờ là vipāka (quả), chỉ tâm mới là vipāka mà thôi. Khi nói về nguồn gốc phát sinh của sắc, ta biết sắc có bốn nguồn gốc phát sinh: Sắc phát sinh do tâm, sắc phát sinh do nghiệp, sắc phát sinh do nhiệt độ và sắc phát sinh do vật thực. Chỉ có bốn nguyên nhân đó làm phát sinh sắc. Còn khi nhắc đến vipāka thì chỉ có tâm mới là vipāka mà thôi.
Người hỏi: Trong tâm thì có tâm nhân1, tâm thiện, tâm bất thiện và tâm quả. Vậy tâm quả tạo ra những sắc đó như thế nào?
Achaan Sujin: Loại tâm quả là ngũ song thức không thể tạo ra sắc, nhưng những loại tâm quả khác thì có thể tạo ra sắc.
Người hỏi: Xin Bà hãy cho ví dụ để dễ hiểu.
Chú thích
1. Có lẽ người hỏi muốn nói đến tâm duy tác hay tâm vô ký ở đây.
Achaan Sujin: Bất kể tâm thiện, tâm bất thiện hay tâm quả, khi nó làm duyên phát sinh sắc, nó khiến cho sắc phát sinh đồng thời ở khoảnh khắc nó sinh khởi. Khi chúng ta ngủ say, khi đó có tâm gì?
Người hỏi: Tâm hộ kiếp ạ.
Achaan Sujin: Những tâm quả (tâm hộ kiếp) đó tạo sắc tại khoảnh khắc sinh của nó.
Sarah: Một ví dụ, mọi người đều biết, khi chúng ta ngủ say thì vẫn có hơi thở. Nếu không có hơi thở thì cuộc sống sẽ dừng lại. Như vậy. lúc ngủ say, tâm quả vẫn tạo ra sắc, một trong các sắc đó là cái ta gọi là hơi thở.
Người hỏi: Điểm này rất vi tế. Đối với tâm sân thì dễ nhận biết. Khi ta tức giận sẽ làm phát sinh sắc khiến cho mặt mũi đỏ tía, còn đối với tâm quả thì rất khó nhận biết. Xin cảm ơn lời giải thích của các vị
Sarah: Như vậy chúng ta thấy rằng Giáo lý rất vi tế, ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu sự vi tế đó.