Tìm hiểu mười ba la mật – Lời giới thiệu

Lời Giới Thiệu

Mười ba la mật trong đời sống thường ngày

Mười ba la mật, tiếng Pali là pārami, là những duyên quan trọng nhất cho sự tận diệt hoàn toàn các phiền não. Chúng ta cần phát triển mọi loại thiện pháp để trí tuệ có thể sinh khởi và tận diệt phiền não theo từng giai đoạn. Thiện pháp không phải lúc nào cũng là ba la mật, vì thế rất cần thiết phải hiểu đúng đắn khi nào một thiện pháp là ba la mật, và khi nào thì không. Do mười ba la mật là thiết yếu cho sự tận diệt phiền não, chúng ta cần nghiên cứu tìm hiểu về chúng, hiểu rõ ý nghĩa của chúng để giúp chúng tăng thịnh.

Mười ba la mật bao gồm:

Bố thí (dāna),

Trì giới (sīla),

Xuất gia (nekkhamma),

Trí tuệ (paññā)

Tinh tấn (viriya)

Kham nhẫn (khanti)

Chân Thật (sacca)

Quyết định (adiṭṭhāna)

Tâm từ (mettā)

Tâm xả (upekkhā)

Việc nghiên cứu cẩn mực về mười ba la mật rất lợi lạc, giúp ta có thể suy xét và tự thẩm định xem những ba la mật nào chưa được tích lũy đủ. Chúng ta cần vun bồi tất cả các ba la mật, và bằng cách ấy, chúng có thể là duyên cho sự giác ngộ Tứ Thánh đế. Nếu một người đặt mục tiêu là có được chánh niệm hay biết về đặc tính của các thực tại khi chúng xuất hiện trong đời sống thường nhật, nhưng không để tâm tới việc phát triển các ba la mật, người ấy sẽ nhận ra rằng mình luôn bị chinh phục bởi nghiệp bất thiện. Có nhiều duyên cho sự sinh  khởi của nghiệp bất thiện hơn là của nghiệp thiện. Chúng ta không biết mỗi chúng ta sẽ còn phải phát triển và bồi bổ các ba la mật trong bao lâu nữa. Tuy nhiên, trong mỗi kiếp sống có cơ duyên, chúng ta nên vun bồi các ba la mật với hết sức mình. Tham ái đối nghịch với các ba la mật, vì thế, chúng ta không nên quên rằng mình phát triển các ba la mật không phải vì mong đợi kết quả của nghiệp thiện, mà bởi vì chúng ta thấy được hiểm họa của mọi bất thiện pháp. Chúng ta không nên vun bồi các ba la mật bởi mong đợi quả thiện sẽ trổ trong vòng sinh tử luân hồi, mà bởi vì mục đích của chúng ta là sự tận diệt các phiền não, và cuối cùng là đạt tới điểm cuối của vòng luân hồi. Điểm cuối ấy chỉ được chạm tới khi mọi phiền não đã được tận diệt hoàn toàn. Chừng nào còn phiền não, chừng ấy sẽ không có điểm dừng của bánh xe sinh tử. Vì vậy ta không nên vun bồi ba la mật vì mong đợi quả thiện sẽ trổ trong vòng luân hồi ấy.

Vì vậy, nếu một người thấy hiểm họa của sự keo kiệt bủn xỉn, người ấy sẽ phát triển bố thí. Nếu một người thấy hiểm họa của việc phạm giới, người ấy sẽ giữ giới. Người ấy thấy rằng, dễ duôi trong lời nói, hành động và tạo nghiệp ác qua thân và khẩu là tự hại chính mình. Ta có thể không nhận ra rằng, kể cả những lời nói bất cẩn cũng có thể làm tổn hại tới cả mình và mọi người. Vì thế, nếu môt người thấy được hiểm họa của việc phạm giới, người ấy sẽ cố gắng giữ giới và cẩn mực hơn trong lời nói việc làm của mình. Nếu một người thấy hiểm họa của mọi lạc thú ngũ dục, bao gồm cả những lạc thú gắn liền với cuộc sống hôn nhân, người ấy sẽ hướng tới sự xuất gia. Nếu một người nhận ra hiểm họa của vô minh và hoài nghi, người ấy sẽ nghiên cứu Giáo Pháp để biết và hiểu các thực tại như chúng thực là, và đó là sự phát triển của trí tuệ ba la mật. Nếu một người thấy sự bất lợi của lười nhác, người ấy sẽ hướng tới tinh tấn, nỗ lực. Nếu một người thấy khiếm khuyết của tính sốt ruột, nóng nảy, người ấy sẽ phát triển kham nhẫn. Nếu một người thấy hiểm họa của dối trá trong hành động và lời nói, người ấy sẽ hướng tới chân thật. Nếu một người thấy nguy cơ của tính do dự, người ấy sẽ hướng tới quyết định. Nếu một người thấy hiểm nguy của hận thù, người ấy sẽ phát triển từ tâm. Nếu một người thấy sự vô nghĩa của các ngọn gió đời như được và mất, vinh và nhục, người ấy sẽ thiên về tâm xả. Tất cả các phẩm chất này chính là mười ba la mật cần được tích lũy và vun bồi dần dần.1

Đặc tính, Chức năng, Biểu hiện và Cận nhân của các Ba la mật

Chúng ta đọc trong cuốn Paramatthadīpanī, cuốn Chú giải cho “Hạnh tạng” (Cariyāpiṭaka) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikāya) về các đặc tính của mười ba la mật2 như sau:

  1. Bố thí (dāna) có đặc tính xả ly; chức năng/phận sự của bố thí là đẩy lui lòng tham với những thứ có thể cho đi; biểu hiện/thành tựu của bố thí là không dính mắc, hay đạt được phú quý và tái sinh an lành; cận nhân của bố thí là một đối tượng có thể được xả ly.
  2. Trì giới (sīla) có đặc tính trấn tĩnh (sīlana); phối hợp (samādana) và đặt nền tảng (patitthana) cũng được dùng để mô tả đặc tính của giới; chức năng/phận sự của giới là đẩy lui sự vô lương, hay chức năng của giới là hành xử đúng đắn; biểu hiện/thành tựu của giới là trong sạch về đạo đức; cận nhân của giới là tàm và quý.
  3. “Xuất gia (nekkhamma) có đặc tính xa lìa lạc thú ngũ dục và cõi dục; chức năng/phận sự của xuất gia là kiểm chứng tính bất toại nguyện của dục; biểu hiện/thành tựu của xuất gia là viễn ly dục lạc; cận nhân của xuất gia là trạng thái khẩn cấp tu niệm (saṃvega)”
  4. Trí tuệ (panna) có đặc tính xuyên thấu bản chất của các pháp, hay đặc tính xuyên thủng, như mũi tên được bắn đi bởi tay thiện xạ; chức năng/phận sự của trí tuệ là chiếu sáng cảnh, như một ngọn đèn; biểu hiện/thành tựu của trí tuệ là sự tỏ tường, như một người dẫn đường trong rừng sâu; cận nhân của trí tuệ là định hay Tứ Thánh Đế.3
  5. Tinh tấn có đặc tính nỗ lực, chức năng/phận sự của tinh tấn là củng cố; biểu hiện/thành tựu của tinh tế là không mệt mỏi; cận nhân của tinh tấn là một cơ hội cho tinh tấn hay trạng thái khẩn cấp tu niệm
  6. Kham nhẫn có đặc tính chấp nhận; chức năng/phận sự của kham nhẫn là chịu đựng đối tượng khả ái và bất khả ái; biểu hiện/thành tựu của kham nhẫn là độ lượng hay không đối kháng; cận nhân của kham nhẫn là thấy mọi thứ như chúng thực là.
  7. Chân thật có đặc tính không dối trá trong lời nói; chức năng/phận sự của chân thật là kiểm chứng trung thực với thực tế; biểu hiện/thành tựu của chân thật là cao quý; cận nhân của nó là trung thực.
  8. Quyết định có đặc tính quyết tâm về các pháp trợ đạo 4; chức năng/phận sự của quyết định là vượt qua pháp đối nghịch của các pháp trợ đạo; biểu hiện/thành tựu của quyết định là không lay chuyển trong nhiệm vụ ấy; cận nhân của quyết định là các pháp trợ đạo.
  9. Tâm từ có đặc tính yểm trợ sự an sinh (của các chúng sinh); chức năng/phận sự của tâm từ là tạo sự an sinh, hay loại bỏ hận thù; biểu hiện/thành tựu của tâm từ là từ ái; cận nhân của tâm từ là thấy mặt tốt đẹp của chúng sinh.
  10. Tâm xả có đặc tính thúc đẩy khía cạnh trung hòa5; chức năng/phận sự của tâm xả là nhìn nhận mọi thứ một cách công bằng; biểu hiện/thành tựu của tâm xả là chế ngự luyến ái và ghét bỏ; cận nhân của tâm xả là sự suy niệm về chân lý rằng các chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp của mình.

 

Ngoài các định nghĩa này, có nhiều đoạn trong cuốn Chú giải của “Hạnh tạng”  bàn chi tiết về các ba la mật. Việc cần tìm hiểu chi tiết đến đâu tùy thuộc vào khả năng nhìn nhận giá trị của những chi tiết ấy cũng như mức độ thẩm xét về các thực tại của mỗi người.  Tất cả mọi người đều muốn hoàn thiện cả mười ba la mật, nhưng để  có thể làm được điều đó, ta cần phải vun bồi và tích lũy chúng một cách tuần tự, từ từ.

Trước khi chúng ta nghe Pháp, tâm bất thiện dễ sinh khởi thường xuyên, và chúng ta không hề biết cách thức phát triển con đường Bát Chánh Đạo. Khi một người đã được nghe Pháp, người ấy có được hiểu biết về tiến trình phát triển của trí tuệ và của Bát Chánh Đạo. Tuy nhiên, khi mọi người đã có được một chút hiểu biết, họ có thể nhận ra rằng chánh niệm (sammā- sati) rất hiếm khi sinh khởi và hay biết về các đặc tính của thực tại. Vì vậy, rất cần tự biết mình và tìm ra nguyên nhân tại sao chánh niệm lại sinh khởi hiếm hoi như vậy.

Có thể có người, sau khi hiểu ra con đường đúng để phát triển tuệ giác, có khả năng tận diệt tà kiến về ngã và giác ngộ Tứ Thánh Đế. Tuy nhiên, đâu là lý do khiến chánh niệm không phát triển tương ứng với hiểu biết của một người về con đường Chánh Đạo? Câu trả lời là mọi người đều có phiền não, và điều này có thể so sánh với bệnh tật. Chúng ta như một người bệnh không biết làm cách nào để khỏi bệnh và phục hồi sức lực. Chúng ta thấy rằng con đường phải đi xa vô cùng tận, nhưng khi thân thể không được khỏe mạnh, ta không thể nào đi hết chặng đường và tới được đích đến. Con đường Bát Chánh Đạo là một con đường dài mà chúng ta phải đi để có thể tới được đích là sự giác ngộ Tứ Thánh Đế. Nếu ta không tự kiểm mình và biết rõ bản thân, chúng ta sẽ giống như một người biết con đường đúng nhưng không thể du hành trên con đường ấy. Chúng ta giống như một người không biết phương thức khỏi ốm và phục hồi sức mạnh. Do vậy, nghe Pháp và suy xét để có hiểu biết đúng có thể được so sánh với người tìm được bài thuốc phù hợp để cắt bệnh cho mình. Người không nghe Pháp và thậm chí không biết là mình đang ốm bệnh sẽ không đi tìm thuốc chữa. Khi người ấy tìm được Pháp và có hiểu biết đúng đắn về Giáo Pháp, người ấy giống như một bệnh nhân đã tìm được thuốc trị bệnh để có đủ sức mạnh du hành trên đường thiên lý. Các pháp khiến cho tâm khỏe mạnh để ta có thể đi hết con đường Bát Chánh Đạo là mười ba la mật.

Chúng ta cần suy xét về các ba la mật một cách kỹ lưỡng để có được hiểu biết đúng về chúng, nếu không chúng ta sẽ không thể vun bồi chúng. Ta có thể nghe Pháp hàng ngày, nhưng chúng ta cần biết rõ và suy xét tại sao ta làm vậy: chúng ta cần nghe với quyết tâm vững vàng để có được hiểu biết đúng về Giáo Pháp để có thể áp dụng Pháp ấy, bây giờ và trong mỗi kiếp sống tới. Ta cần biết được mục đích đúng đắn của việc nghe Pháp: sự phát triển của trí tuệ có thể tận diệt các phiền não. Bằng cách ấy, các ba la mật có thể được phát triển khi chúng ta nghe. Trong khi nghe, quyết định ba la mật có thể được vun bồi.

Chúng ta cần biết ý nghĩa của quyết định ba la mật; nếu không có tâm lực mạnh mẽ, ta không thể hoàn thiện ba la mật này. Một số người thực hiện thiện pháp như bố thí, thể hiện sự quyết tâm của họ bằng lời nguyện nhưng lại không biết ý nghĩa của quyết định. Khi ta có lòng quyết tâm vững mạnh, không lay chuyển để đạt tới đích cuối là sự tận diệt của mọi bất thiện, quyết định sẽ là một ba la mật, và đó là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của trí tuệ. Nếu ta không tìm hiểu các ba la mật, ta có thể cứ tiếp tục nghe Pháp mà không biết đến mục đích chính đáng của việc ấy, và vì thế chắc chắn ta sẽ không chứng ngộ được Tứ Thánh Đế.

Chúng ta cần suy xét xem liệu các ba la mật có bắt đầu phát triển khi ta nghe Pháp. Bất cứ khi nào ta có quyết tâm vững vàng để nghe với mục đích đúng là nhằm phát triển trí tuệ, chúng ta lại đang tích lũy cả mười ba la mật để chúng dần đạt tới độ hoàn mãn.

Chú thích

1.Cuốn “Tiền thân Đức Phật” (Jātaka) bàn về các phẩm chất tuyệt hảo mà ngài đã vun bồi trong các tiền kiếp, nhưng không chỉ nói riêng về các ba la mật. Cuốn “Hạnh tạng” thuộc Tiểu Bộ Kinh mô tả các ba la mật và kể lại cách thức chúng được vun bồi. Chú giải của tác phẩm này, được viết bởi Ngài Dhammapala trong thế kỷ thứ VI giải thích chúng một cách hệ thống và chi tiết hơn. Các ba la mật cũng được mô tả một cách tóm tắt trong các Phụ chú giải (Tika) của “Kinh Phạm Võng” (Brahmajāla Sutta) thuộc Trung Bộ Kinh. Mười ba la mật cũng được nhắc tới trong cuốn “Phật sử” (Buddhavaṃsa) thuộc Tiểu Bộ Kinh.

2.Các trích dẫn của tôi về cuốn Chú giải cho Hạnh Tạng cùng các định nghĩa, mô tả về các ba la mật ở phần cuối của Tiểu Bộ Kinh được lấy từ bản dịch của Tỳ kheo Boddhi. Bản dịch này nằm trong cuốn “Kinh Phạm Võng và các chú giải” xuất bản bởi B.P.S, Kandy, Sri Lanka.

3.Định của Bát Chánh đạo đảm nhận chức năng của mình khi nó sinh kèm với Chánh kiến của Bát Chánh Đạo. Tứ Thánh Đế là đối tượng của trí tuệ.

4.Quyết tâm với các pháp trợ đạo, tức là với mười ba la mật.

5.Sự trung hòa/ quân bình/bình đẳng với các chúng sinh

Leave a Reply

Translate »