Tìm hiểu mười ba la mật – Chương 2: Trì giới Ba la mật

Chương 2.

 

Trì giới Ba la mật

 

Chú giải “Hạnh tạng” định nghĩa trì giới ba la mật như sau:

“Trì giới (sīla) có đặc tính trấn tĩnh (sīlana); phối hợp (samādana) và đặt nền tảng (patitthana) cũng được dùng để mô tả đặc tính của giới; chức năng/phận sự của giới là đẩy lui sự vô lương, hay chức năng của giới là hành xử đúng đắn; biểu hiện/thành tựu của giới là trong sạch về đạo đức; cận nhân của giới là tàm và quý.”

Phạm giới, chẳng hạn như sát sinh, trộm cắp, tà dâm bị thúc đẩy bởi tâm bất thiện: tham (lobha), sân (dosa), và si (moha). Khi một người làm việc xấu, người ấy không có từ tâm với người khác. Tất cả các tâm bất thiện đều duyên bởi sự dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm, và vào tà kiến cho rằng có một tự ngã, chúng sinh hay con người.

Bậc Thánh Dự lưu đã giác ngộ Tứ Thánh Đế và đạt được tầng giác ngộ đầu tiên đã tận diệt các phiền não tương ứng với mức độ giác ngộ ấy. Ngài giữ ngũ giới hoàn toàn trong sạch, ngài không thể phạm những giới ấy nữa. Nếu ta không phải là một bậc Dự lưu, ta có thể giữ được những giới nào? Kể cả trước khi trở thành bậc Dự lưu, ta không nên phạm giới. Những phiền não thô tháo có thể được kiềm chế và bào mòn cho đến khi trí tuệ được phát triển tới mức độ viên mãn và có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế.

Trì giới ba la mật là một phẩm chất tuyệt hảo, là một trợ duyên cho việc đạt tới bờ bên kia, tức là sự tận diệt phiền não. Chúng ta đọc về giới của ẩn sĩ Akitti trong Chú giải của “Hạnh Tạng” như sau:1

“Khi đức Phật còn là ẩn sĩ Akitti, ngài sống trong rừng Kāra với sức mạnh và tinh tấn nhằm thực hành khổ hạnh (tapa), tức là trì giới ba la mật. Giới được gọi là khổ hạnh, bởi vì nó đốt cháy ô nhiễm của bất thiện. Cả xuất gia ba la mật và tinh tấn ba la mật được gọi là khổ hạnh (tapa), vì chúng đốt cháy ô nhiễm của tham ái và lười nhác nhờ sức mạnh của mình.”

Mười ba la mật trợ duyên cho nhau, và khi đức Phật còn là ẩn sĩ Akitti cũng vậy: Ngài tích lũy trì giới ba la mật song song với các ba la mật khác, chẳng hạn như xuất gia và tinh tấn. Ta đọc:

“Thời là ẩn sĩ Akitti, Ngài đã dựng một thảo am bên cạnh cây cổ thụ Kāra. Khi cây chín quả, Ngài thọ thực bằng quả, và khi cây không có quả, Ngài sống bằng lá mục. Do vậy ngài có thời gian và cơ hội để tu tập thiền chứng.”

Ẩn sĩ Akitti gom lượng lá đủ dùng cho một bữa mỗi ngày, vì ngài thấy rằng, kiếm thực phẩm cho hai bữa sẽ không dẫn tới sự tận diệt phiền não.

Đó là kham nhẫn ba la mật, bởi cuộc sống của ngài không bị gắn với nhu cầu thọ thực. Ta đọc:

“Hành vi của ngài khiến Sakka, vua trời Đế thích, thắc mắc vì sao ẩn sĩ Akitti lại có được nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh tới vậy, một cuộc sống xa lìa dính mắc và chỉ dùng duy nhất lá cây Kāra làm nguồn thực phẩm, đó là những loại khổ hạnh khó thực hành nhất.”

 

Chúng ta cần biết mục tiêu của những gì mình thực hành, ví dụ như trì giới. Những người muốn từ bỏ dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm cần biết tại sao họ làm điều đó. Chúng ta đọc:

“Khi Sakka thấy vậy, ông ta thắc mắc tại sao ẩn sĩ Akitti theo những hạnh ấy. Ông ta nghĩ rằng ẩn sĩ Akitti thực hành như vậy là vì muốn trở thành vua trời Đế Thích (Sakka).

 

 Sakka bèn hóa thành một vị bà la môn tới gặp ẩn sĩ Akitti, nghĩ bụng, ‘nếu ẩn sĩ Akitti muốn thành vua trời Đế Thích, vị ấy sẽ cho ta những chiếc lá Kāra mục của vị ấy, nhưng nếu đó không phải là mong muốn của vị ấy, vị ấy sẽ không cho.’”

Sakka nghĩ rằng nếu ẩn sĩ Akitti muốn trở thành Đế thích, ngài sẽ thực hành bố thí ba la mật và cho đi thực phẩm của mình. Chúng ta đọc:

“Khi ẩn sĩ Akitti thấy người bà la môn cần thực phẩm, ngài đã lấy toàn bộ chỗ lá Kāra mục và tặng chúng cho người bà la môn. Ngày thứ hai và ngày thứ ba ngài cũng làm như vậy.”

 

Ở đây, ta thấy rằng thiện pháp mà ngài tạo tại những thời điểm như vậy thực chất là các ba la mật bố thí, trì giới, xuất gia, kham nhẫn, tinh tấn, quyết định, và chân thật, tức là sự chân thật trong việc tạo thiện pháp. Ngài vun bồi các ba la mật để có thể đạt được quả vị Phật. Tất cả các ba la mật đều liên quan đến nhau và hỗ trợ lẫn nhau.

Ẩn sĩ Akitti kiên cố trong quảng đại, ngài không do dự vì keo kiệt. Ngài không thèm khát gì từ cuộc sống, kể cả những thứ nhỏ. Đó là chân thật ba la mật. Ta đọc:

“Ẩn sĩ Akitti không suy xuyển trong hạnh bố thí khi cho đi những chiếc lá Kāra mục của mình trong ba ngày liên tiếp. Ngài thực hành tâm từ ba la mật khi sẵn lòng trợ giúp mọi chúng sinh. Ngài thực hành tâm xả ba la mật qua sự bình thản, quân bình của tâm, không bị tác động bởi những sự kiện khó khăn hay hành vi trái khoáy của mọi người.”

 

Sakka xin ăn trong ba ngày liên tiếp, nhưng ẩn sĩ Akitti vẫn không suy xuyển trong quyết tâm bố thí của mình, và ngài đã bố thí, bất kể người hỏi xin là ai. Chúng ta đọc:

“Về trí tuệ ba la mật, ngài biết những pháp nào thuận duyên cho sự vun bồi ba la mật, và những pháp nào thì không. Ngài từ bỏ các pháp không thuận duyên và hướng sự thực hành của mình tới các pháp thuận duyên. Khi Đế thích biết được tấm lòng bố thí của ẩn sĩ Akitti, ông ta đã tặng ngài một điều ước, nhân đó Vĩ Nhân ẩn sĩ Akitti đã thuyết Pháp về thọ trì phước.”

 

Ta đọc tiếp trong Chú giải:

 

“Sakka thấy ẩn sĩ Akitti an trú trong tri túc. Ông ta hỏi: ‘Hỡi bà la môn cao quý, ông mong đợi gì, độc cư ở đây trong nắng nóng?’”

 

Sakka đã chất vấn Akitti bởi ông ta muốn biết về sự chân thành của ẩn sĩ trong việc thực hành giới tối thượng, chính vì thế, Sakka đã gọi ngài là Bà la môn cao quý. Chúng ta đọc:

“Akitti đáp, ‘thưa Sakka, vua trời Đế thích, sinh là khổ, sự tan hoại của thân là khổ, và chết trong si ám là khổ. Do vậy ta độc cư ở đây.’

Sakka đáp lại: ‘Nói hay lắm, này Kassapa2, ông thật khéo thuyết. Ta sẽ cho ông một điều ước, hãy chọn bất kỳ thứ gì ông muốn.’”

 

Chúng ta có thể phân vân điều này có nghĩa gì. Ở đây, ẩn sĩ Akitti đã biểu lộ quyết tâm kiên định khi đưa ra điều ước của mình. Điều ước của ngài là mười ba la mật. Chúng ta đọc:

“Ẩn sĩ Akitti nói: ‘Hỡi Sakka, vua trời Đế thích, ngài đã cho tôi một điều ước. Những người có vợ, con, tài sản và mọi lạc thú dính mắc vào các cảnh ấy, dù sự dính mắc ấy không phương hại tới họ. Dầu vậy, tôi muốn giải thoát khỏi những dính mắc ấy, bất kể mức độ nào. Đó là điều ước mà tôi muốn có.’”

 

Điều này chỉ ra rằng, ngài có hiểu biết rất chi tiết cụ thể về tâm mình: ngài không muốn có dính mắc kể cả khi nó không phương hại gì. Một người không có quyết tâm kiên cố trong sự vun bồi ba la mật có thể cho rằng dính mắc khiến cho cuộc sống tiện nghi và dễ chịu hơn, và rằng, chừng nào dính mắc không phương hại gì thì không có nguy hiểm nào trong đó. Tuy nhiên, ẩn sĩ Akitti muốn giải thoát khỏi mọi tham ái. Đó là sự kiên định với thiện pháp ở mức độ ba la mật. Chúng ta đọc:

“Sau đó Sakka nói, ‘Ông nói hay lắm, hiền giả Kassapa. Ông còn ước điều gì nữa?’”

 

Chúng ta có ước rằng duyên cho thiện pháp sẽ được kiên cố, như trong trường hợp của ẩn sĩ Akitti hay không? Điều ngài mong ước ấy vẫn chưa đủ. Điều ước sau đây của ẩn sĩ Akitti tiếp tục minh họa ý nghĩa của thiện pháp ở mức độ ba la mật. Chúng ta đọc rằng Akitti đáp:

“Sakka, vua trời Đế thích đã cho ta một điều ước. Đất đai, của cải và vàng bạc, bò, ngựa, nô lệ và gia quyến đều tan hoại và ra đi. Mong ta không có bất toại nguyện ấy.”

 

Sự mất mát tài sản là quả bất thiện, quả của nghiệp bất thiện ta đã tạo từ trước. Sự mất mát ấy sẽ không xảy ra nếu ta không tạo nghiệp bất thiện. Ta đọc rằng Akitti ước:

“‘Mong không còn nghiệp bất thiện nào để có thể gây ra mất mát ấy.’

 

Sakka hỏi, ‘Này Kassapa, ông còn ước gì nữa?’

 

Ẩn sĩ Akitti đáp, ‘Hãy cho tôi điều ước này: mong tôi không phải thấy hoặc nghe hay gần gũi kẻ ngu, mong tôi không ưa nói chuyện với kẻ ngu.’

 

Sakka hỏi, ‘Vì lẽ gì này Kassapa, ông không ưa kẻ ngu và không muốn thấy kẻ ngu?’”

 

Nếu ta mong phát triển xuất gia ba la mật, chúng ta cần suy xét đoạn này. Nếu ta thân cận với kẻ ngu ta không thể vun bồi xa lìa ngũ dục. Các ba la mật liên quan đến nhau và ngay từ lúc ban đầu chúng ta cần xem xét chúng một cách toàn diện. Chúng ta đọc:

“Ẩn sĩ Akitti nói, ‘Kẻ ngu khuyên ta làm điều sai quấy, họ dễ dính dáng tới những hoạt động sai quấy3; rất khó khuyên họ làm việc thiện. Khi ai đó nói với họ theo cách thiện lành trong mong mỏi họ sẽ trở nên đàng hoàng, họ đáp lại với sân hận. Kẻ ngu không biết giới luật chân chánh (vinaya). Không gặp gỡ kẻ ngu thật lợi lạc.’

 

Sakka hỏi tiếp: ‘Này Kassapa, ông còn ước gì nữa?’

 

Ẩn sĩ Akitti nói ‘Hỡi Sakka, vua trời Đế thích, nếu ngài muốn cho tôi một điều ước, tôi xin ước điều sau đây: mọi người được thấy bậc trí, lắng nghe bậc trí, tìm cách thân cận bậc trí và trân quý hội đàm với bậc trí.’”

 

Sakka chất vấn Akitti để ngài cắt nghĩa rõ ràng hơn cho những người mong hiểu chi tiết và nghiên cứu Giáo Pháp.

Chúng ta đọc:

“Sakka hỏi Akitti, ‘Này Kassapa, hãy cho biết cớ sao ông muốn thân cận bậc trí, gặp gỡ bậc trí?’

Ẩn sĩ Akitti đáp, ‘Bậc trí khuyên ta làm điều phải, họ không dính dáng với những hoạt động sai quấy. Rất dễ sách tấn bậc trí. Họ không đáp trả những lời nói chí lý bằng sân hận. Họ biết hành xử đúng đắn. Thân cận bậc trí thật tốt lành.’

 

Sakka hỏi tiếp, ‘Ông ước điều gì nữa?’

 

Ẩn sĩ Akitti đáp, ‘Khi đêm đã qua và mặt trời, kẻ thống lĩnh thế gian, nhô lên, mong cho lương thực thiên giới và những bậc tu sỹ hành khất thánh thiện xuất hiện, mong cho thực phẩm mà ta bố thí sẽ không bị cạn kiệt. Mong ta không hối tiếc việc thiện và bố thí với tâm thanh tịnh. Đây là điều ước của tôi.’

 

Sakka lại hỏi, ‘Ông ước điều gì nữa?’

 

Ẩn sĩ Akitti đáp, “Hỡi Sakka, vua trời Đế thích, nếu ngài muốn cho tôi một điều ước, [thì đó là] mong ngài đừng tới thăm tôi nữa.’”

 

Đây là điều ước cuối cùng mà ẩn sĩ Akitti đã xin. Điều ấy chỉ ra rằng Ngài đã không lơ là với những bất thiện đã tích lũy. Sakka vô cùng ngạc nhiên bởi hết thảy mọi người đều mong muốn được gặp các thiên tử và tiên nữ. Một số người phát triển thiện pháp tới mức độ an tịnh để có thể thấy được chư thiên. Còn ẩn sĩ Akitti thì lại mong rằng Sakka sẽ không thăm mình nữa. Chúng ta đọc:

“Sakka nói, ‘Nhiều người giữ giới hằng mong được diện kiến các thiên tử và tiên nữ. Vậy có nguy hiểm nào trong việc thấy ta?’

 

Ẩn sĩ Akitti đáp, ‘Tôi có thể sẽ phá phát nguyện khổ hạnh của mình khi thấy các chư thiên xuất hiện, họ là những chúng sinh đầy hào quang và khả ái với các căn. Đó là nguy hiểm trong việc thấy ngài.’

 

Nghe vậy, Sakka bèn nói, ‘Được lắm, bậc đáng kính, từ giờ trở đi ta sẽ không tới thăm ông nữa’, và ra đi.

 

Đức Bồ tát cư ngụ ở cùng chốn đó suốt cả kiếp sống ấy. Sau khi mệnh chung, ngài đã tái sinh vào cõi Phạm thiên. Đại đức Anuruddha chính là Sakka, còn ẩn sĩ Akitti là tiền thân đức Phật.”

 

Ẩn sĩ Akitti cẩn mực, ngài không muốn thấy những gì có thể là mối đe dọa cho mình. Chúng ta học một bài học từ câu chuyện này, chúng ta cần suy xét các ba la mật trong tương quan với cuộc sống của chúng ta. Chúng ta còn phải đi một chặng đường dài để có thể đạt được sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế và tận diệt phiền não. Nếu không hiểu các ba la mật thực sự là gì, chúng ta sẽ không có quyết tâm mạnh mẽ để tìm hiểu Giáo Pháp để có được hiểu biết đúng, áp dụng Giáo Pháp và thực hành nó một cách chân thành, cái là chân thật ba la mật. Chúng ta cần nghiên cứu và thực hành mà không bị tác động bởi các ngọn gió đời của được, mất, vinh, nhục, khen, chê, khổ, lạc. Nếu không bị lay động bởi các ngọn gió đời, ta bắt đầu vun bồi các ba la mật để chúng có thể được thiết lập vững vàng. Nếu ta suy xét các ba la mật được đức Phật vun bồi từ kiếp này sang kiếp khác như đã thuật lại trong cuốn Hạnh Tạng, chúng ta có thể thấy rằng sự vun bồi các ba la mật của chúng ta chẳng có nghĩa lý gì so với sự vun bồi của ngài, rằng có một sự khác biệt lớn lao. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục vun bồi mọi ba la mật. Chúng ta không nên mong đợi có tuệ giác về đặc tính của danh và sắc đang sinh diệt nhanh chóng hiện giờ. Chân lý không thể được tỏ ngộ ngay lập tức, mà hiểu biết cần được phát triển một cách rất dần dần trong một khoảng thời gian dài.

Chúng ta đọc ở phần cuối của Chú giải “Hạnh tạng”:

 

“Có thể tồn tại đức tin nơi ngài (đức Bồ tát), có niềm tin rằng giải thoát khỏi khổ là khả thi, nhưng có thể rằng ta chỉ đơn thuần biểu lộ tín tâm ấy bằng lời chứ không bằng hành động tùy Pháp4 giống như đức Phật.”

 

Như vậy, chỉ có niềm tin vào các ba la mật mà đức Phật đã vun bồi trong các tiền kiếp của ngài thì không đủ, mà ta cũng cần áp dụng các ba la mật ấy trong cuộc sống hàng ngày của mình. Chúng ta có thể thể hiện tín tâm của mình bằng lời, nhưng dẫu chúng ta có nói với tâm thiện mà không hành động tương ứng bằng sự thực hành chân chánh, chúng ta sẽ không thể đạt được tới đích.  Chúng ta quan tâm đến việc nghe Pháp và học về sự thực hành tùy Pháp. Chúng ta cần tinh tấn ba la mật để có thể lắng nghe. Nếu không có chánh tinh tấn, chúng ta không tìm nghe Pháp, mà tìm nghe những chủ đề cho ta giải trí và lạc thú. Khi nghe Pháp, chúng ta cũng cần ba la mật kham nhẫn, bởi đôi lúc, chúng ta phải nghe những nội dung mà mình không quan tâm lắm. Nếu không có kham nhẫn, chúng ta không thể vun bồi các ba la mật khác, ví dụ như trì giới. Nếu không có ba la mật trì giới, ta sẽ phạm giới qua thân và khẩu.

Thân cận ai là điều tối quan trọng. Ẩn sĩ Akitti nói rằng mình không muốn thấy, nghe, hay gần gũi kẻ ngu. Chú giải “Hạnh tạng” so sánh sự thân cận với kẻ ngu giống như nhấm vị nước đắng, còn thân cận với bậc trí giống như nếm vị nước ngọt.

 

Có những thời điểm, đức Bồ tát cũng phải thân cận với kẻ ngu. Chẳng hạn, trong một tiền kiếp, đức Bồ tát thuộc về dòng họ của những người tà kiến. Trong kiếp đó, bà la môn trẻ Jotipāla sinh ra trong một gia đình tà kiến và không có tín tâm nơi đức Phật5. Jotipāla đã theo cha mẹ coi thường đức Phật. Những người bà la môn tà kiến không có tín tâm nơi đức Phật Kassapa, là vị Phật ngay trước đức Phật Gotama. Chú giải cho bài kinh “Ghatikāra” thuộc Trung Bộ Kinh, cuốn  Papañcasūdanī nói rằng đức Bồ tát đã tích lũy các ba  la mật cho tới kiếp là thanh niên Jotipāla, khi ngài thân cận những người tà kiến. Chú giải so sánh những tích lũy ba la mật với một ngọn lửa cháy sáng nhưng tới kiếp đó gặp phải nước nên vì vậy bị nước làm tàn lụi, những tia sáng biến mất và chỉ còn than đen sót lại.6

 

Chúng ta không biết kiếp trước của mình, nhưng chúng ta có thể học hỏi từ câu chuyện của đức Bồ tát khi là thanh niên Jotipāla: mặc dầu đã tích lũy các ba la mật tới mức độ cao, ngài vẫn thân cận với kẻ ngu. Chúng ta có thể học rằng mình không nên bất cẩn và nên thấy mối hiểm nguy trong việc thân cận với kẻ ngu.

Chúng ta đọc trong Chú giải cho “Hạnh Tạng” như sau:

 

“Giờ nói đến phương thức thực hành trì giới ba la mật. Vì Vĩ nhân mong tô điểm cho chúng sinh với món trang sức là giới đức của bậc Chánh biến tri, ngay từ lúc ban đầu, ngài phải thanh lọc giới của mình. Ở đây, giới được thanh tịnh theo bốn hình thức:

 

  1. Thanh lọc xu hướng tích lũy (ajjhāsayavisuddhi);
  2. Thọ giới (samādhāna);
  3. Giữ giới (avitikkamana;)
  4. Sửa chữa những lỗi đã phạm (patipākatikaraṇa)”.

 

Bằng cách này, ta có thể kiểm tra giới trong cuộc sống hàng ngày của mình. Chúng ta cần biết liệu giới của mình có trong sạch hay không. Chúng ta đọc:

“Do người ngự trị bởi các lý tưởng sẽ tự nhiên ghê sợ điều ác vì tích lũy thanh tịnh vốn có và sẽ thanh lọc thân khẩu nghiệp của mình bằng sự hổ thẹn tội lỗi (hiri- tàm). Người ngự trị bởi quan tâm tới thế giới xung quanh và e ngại điều ác sẽ thanh lọc thân khẩu nghiệp bằng việc thọ giới từ người khác và bằng cảm giác ghê sợ tội lỗi (ottapa – quý)7. Cả hai người trên an trú trong giới qua việc giữ giới. Nhưng nếu do thất niệm, có lúc họ phạm giới, qua tàm và quý trong mỗi trường hợp, họ nhanh chóng sửa chữa lỗi lầm một cách phù hợp.”

 

Giới được thanh lọc theo những cách như vậy. Tiếp theo chúng ta đọc về giới của đức Bồ tát:

“Khi nói, lời nói của ngài cần phải đúng sự thật, đem lại lợi ích, khả ái, có cân nhắc, đúng thời, liên hệ tới Giáo Pháp. Tâm của ngài phải luôn vắng mặt xan tham, ác ý và tà kiến. Ngài có hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp8, có tín tâm và thương mến các ẩn sĩ, bà la môn thực hành đúng pháp. Bằng việc tránh xa lời nói sai quấy, phát ngôn của ngài có trọng lượng với mọi người. Ngài được coi là đáng tin cậy và tin tưởng, những gì ngài nói ra luôn được mọi người chấp nhận. Ngài được các chư thiên thương mến và ái mộ. Miệng ngài tỏa hương ngọt ngào, ngài thu thúc khẩu nghiệp và thân nghiệp. Ngài có được những nét cao sang, và loại bỏ tiền khiên tật9.

 

Bằng sự từ bỏ lời nói đâm thọc, ngài có được tùy tùng không thể bị chia rẽ bởi tấn công. Ngài có niềm tin kiên cố vào chánh Pháp. Ngài là một người bạn vững vàng, được các chúng sinh yêu quý như thể họ đã quen ngài từ kiếp trước. Và ngài hết lòng xa lìa phiền não.

 

Bằng sự từ bỏ lời nói thô ác, ngài được chúng sinh thương mến và ái mộ, tính cách khả lạc, lời nói ngọt ngào, người khác kính trọng. Và ngài phát triển giọng nói với tám đặc điểm 10.

 

Bằng sự từ bỏ nói lời vô ích, ngài được chúng sinh thương mến và ái mộ, tôn trọng và kính cẩn. Phát  ngôn của ngài được chấp nhận và ngài nói với cân nhắc. Ngài có được ảnh hưởng và sức mạnh, trở nên thiện xảo trong giải đáp các câu hỏi của chúng sinh, với sự khéo léo tạo nên cơ hội cho họ được lợi lạc. Khi ngài đạt quả vị Phật, ngài có thể cắt nghĩa nhiều câu hỏi của chúng sinh, nói nhiều ngôn ngữ chỉ trong một câu trả lời.

 

Bằng xa lìa xan tham, ngài có được những gì mong muốn, cũng như những tài sản tuyệt hảo cần thiết. Ngài được tôn vinh bởi những người sát đế lỵ hùng mạnh 11. Ngài không thể bị kẻ thù đánh bại, không bao giờ khiếm khuyết các căn, và trở thành một đấng vô song.”

 

Nếu ta phát triển thiện pháp và không mong đợi gì cho bản thân, kết quả sẽ tương ứng với thiện pháp mà ta đã tạo. Một số người có thể nói hay, diễn đạt với những mỹ từ, nhưng khi nói, người ấy cần nghĩ tới người nghe, người ấy cần biết liệu người nghe có thấy thoải mái hay vui vẻ không. Nếu có chánh niệm-tỉnh giác, người ấy sẽ tránh được lời nói khiến người nghe khó chịu, mặc dầu mình nói không sai sự thật. Nếu chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi, nó giúp người ta nói điều lợi lạc một cách dễ chịu. Nếu một người không mong đợi kết quả cho bản thân, thiện pháp của người ấy sẽ cho quả tương ứng, như đức Phật đã thuyết. Chúng ta đọc tiếp trong Chú giải:

“Bằng sự xa lìa ác ý, ngài có được vẻ ngoài tươi đẹp. Ngài được mọi người tôn kính, và bởi vì ngài hoan hỷ trong hạnh phúc của chúng sinh, ngài tự nhiên khơi gợi sự tin tưởng nơi họ. Ngài có tính cách cao thượng, an trú trong từ tâm, có nhiều ảnh hưởng và quyền lực.

 

Bằng sự xa lìa tà kiến, ngài có được những cận sự thiện lành. Kể cả khi bị gươm kề cổ, ngài cũng không làm việc ác. Bởi ngài vững tin vào luật nhân quả, ngài không tin vào các hình thái dị đoan. Niềm tin của ngài vào chân Pháp đã được gieo trồng và bắt rễ chắc chắn. Ngài có niềm tin vào sự giác ngộ của các Như Lai, và không hoan hỷ với những tín ngưỡng ngoại đạo nhiều hơn một con thiên nga hoan hỷ trong đống phân.”

 

Ở đây ta thấy mức độ tinh tế của tâm miễn nhiễm với tà kiến. Ta không nên thân cận với những người có tà kiến. Những người không hiểu nhân nào dẫn tới quả nào sẽ có thể dính mắc vào các hình thái mê tín dị đoan. Họ có thể nghe Pháp và có tín tâm, nhưng nếu không được gieo niềm tin vững chãi vào chân Pháp, họ vẫn có thể bị lôi cuốn bởi mê tín dị đoan và thiếu hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp.

 

Giới có hai khía cạnh: giới tránh (vāritta) và giới làm (cāritta). Giới tránh là sự tránh xa điều ác. Giới làm là những hành xử đúng đắn mà ta nên theo. Có thể ta tránh xa được bất  thiện và không phạm giới, nhưng khi liên quan đến giới làm, chúng ta cần suy xét về hành xử của đức Bồ tát để có thể phát triển thêm thiện pháp. Chúng ta đọc tiếp:

“Ở đây, đúng thời, đức Bồ tát thực hành cung kính, đứng dậy, chắp tay chào đón, và đối đãi lịch thiệp với những bạn lành đáng được cung kính. Đúng thời, ngài giúp đỡ họ, phục dịch khi họ ốm đau. Khi nhận được những lời khuyên xác đáng, ngài biểu lộ sự biết ơn. Ngài tán thán các phẩm chất cao thượng của những bậc đức hạnh, và kiên nhẫn chịu đựng sự nhục mạ của địch thủ. Ngài ghi nhớ sự trợ giúp của những người khác đối với mình, hoan hỷ với công đức của họ, hồi hướng công đức của mình cho sự giác ngộ tối thượng, và luôn tinh tấn an trú trong sự vun bồi thiện tâm. Khi phạm một giới điều, ngài thừa nhận và sám hối với các đồng phạm hạnh. Sau đó ngài hoàn thành chánh hạnh một cách viên mãn.

 

Ngài lanh lẹ và khéo léo hoàn thành bổn phận của mình với các chúng sinh khi điều ấy ích lợi cho họ. Ngài đồng hành với họ. Khi các chúng sinh chịu đau đớn bệnh tật, ngài bốc cho họ toa thuốc phù hợp. Ngài xua tan sự buồn khổ của những người chịu nỗi đau mất đi sản nghiệp, v.v…Luôn sẵn sàng giúp đỡ, ngài ngăn chặn một cách đúng Pháp những người cần ngăn chặn, cải tà quy chánh cho họ. Ngài khơi dậy niềm tin vào Giáo Pháp nơi những người cần khơi dậy niềm tin. Khi nghe về những việc làm khó khăn và cao thượng nhất, những việc làm vượt quá sức mạnh tưởng tượng của các bồ tát trong quá khứ, mang đến hạnh phúc và an sinh tột cùng cho các chúng sinh để qua đó làm viên mãn các phẩm trợ đạo, ngài không lo lắng bất an mà suy tư: ‘Những Vĩ Nhân ấy chỉ là con người, nhưng bằng sự rèn mình qua việc hoàn mãn các điều học tuần tự, họ đã đạt được sức mạnh tinh thần cao thượng nhất và tột đỉnh ba la mật đưa đến giác ngộ. Cũng vậy, ta cần phải thực hành các điều học giới, v.v…Bằng cách ấy ta cũng sẽ dần dần hoàn mãn các điều học và cuối cùng đạt tới tột đỉnh ấy.’ Rồi, với lòng tinh tấn dũng mãnh phát xuất từ niềm tin ấy, ngài hoàn mãn điều học giới, v.v…

 

Lại nữa, ngài che dấu phẩm hạnh của mình và phô bày điểm xấu. Ngài thiểu dục tri túc, ưa thích độc cư, cách biệt, sẵn sàng chịu đựng đói khổ, và xa lìa bất an lo lắng. Ngài không nóng nảy, kiêu mạn, đồng bóng, thô lỗ, lảm nhảm, mà điềm đạm và thu thúc. Tránh xa những tà mạng như mưu mô v.v…, ngài có được hành xử đúng đắn và nơi sinh nhai phù hợp. Ngài thấy hiểm họa trong những lỗi nhỏ nhặt, và sau khi thọ giới, rèn giũa mình theo giới điều với tinh tấn và quyết định, không màng đến thân mình hay mạng sống. Ngài không chấp nhận sự bận tâm đến thân mạng mình dù nhỏ nhất, mà từ bỏ và xua tan nó; nói gì đến những bận tâm quá đà? Ngài từ bỏ và xua tan mọi nhiễm ô như sân hận, mưu mô v.v…những thứ là nguyên nhân của sự suy đồi đạo đức. Ngài không tự mãn hay tự ti vì những thành tựu nhỏ mọn, mà nỗ lực vươn tới những thành tựu cao hơn. Nhờ vậy mà những thành tựu ngài đạt được không bị suy giảm hay dậm chân tại chỗ.

 

Bậc Vĩ nhân là người dẫn đường cho những kẻ mù, chỉ cho họ con đường đúng. Với kẻ điếc, ngài dùng dấu tay ra hiệu và nhờ vậy khiến họ được lợi lạc. Cũng như vậy với người câm. Với người què cụt, ngài cho họ chiếc ghế, hay chiếc xe, hoặc một phương tiện di chuyển khác. Ngài nỗ lực để người không có đức tin có được đức tin, kẻ biếng nhác có được nhiệt tâm, người lơ đễnh có thể chánh niệm, kẻ trạo cử có thể định tâm, người si mờ có thể nảy sinh trí tuệ. Ngài cố gắng xua tan tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, bất an trạo cử, xua tan sự bối rối của những người bị chế ngự bởi các triền cái, xua tan tham tầm, sân tầm và hại tầm ở những người bị những suy nghĩ ấy ngự trị. Tri ân những người đã trợ giúp mình, ngài cho họ lợi lạc và vinh dự tương đương hoặc nhiều hơn những gì họ đã làm, hòa nhã trong phát ngôn và từ ái trong lời nói.

 

Ngài là người đồng hành trong hoạn nạn. Hiểu được bản chất và tính cách của các chúng sinh, ngài gần gũi bất cứ chúng sinh nào cần tới sự có mặt của ngài, bằng mọi phương cách mà họ cần; ngài thực hành với bất cứ chúng sinh nào cần thực hành cùng ngài, theo bất cứ phương cách nào cần thiết cho họ. Nhưng ngài luôn chỉ cải tà quy chánh, gieo trồng hạt giống thiện lành, chứ không làm ngược lại. Bởi lẽ để bảo vệ tâm mọi người, đức Bồ tát luôn hành xử theo hướng làm tăng trưởng thiện pháp. Cũng vậy, do thiên hướng của ngài là làm điều lợi lạc cho người khác, ngài không bao giờ nên làm hại họ, thóa mạ, sỉ nhục họ, cố làm họ hối hận hoặc khiến họ hành động phi pháp. Ngài cũng không bao giờ nên tỏ vẻ bề trên với những người có hành xử kém cỏi. Ngài cũng không bao giờ nên quá xa cách, hay quá dễ dãi với người khác, và ngài cũng không nên gần gũi với mọi người lúc phi thời.

 

Ngài thân cận với các chúng sinh phù hợp đúng thời và đúng chỗ. Ngài không chỉ trích những người được ái mộ hay tán dương những người bị ghét bỏ trước mặt những người khác. Ngài không thân mật với những người không đáng tin cậy. Ngài không khước từ lời mời phù hợp, hay cố sức thuyết phục  hoặc chấp nhận một cách quá dễ dãi.”

 

Giới làm, cāritta  sīla, rất khó và vi tế, và ta luôn cần suy xét nó ở khoảnh khắc hiện tại với chánh niệm. Chẳng hạn, khi một người bạn thân làm điều sai trái, ta có thể thiếu cẩn mực và lập tức trách cứ bạn trước mặt mọi người. Nhưng khi chánh niệm sinh khởi, ta sẽ đợi cơ hội phù hợp để nói chuyện sau. Điều ấy chỉ ra rằng phiền não cần được bào mòn dần dần cho đến khi hoàn toàn bị diệt tận.

 

Chú Thích 

1.Tham khảo Akitti Jātaka, số 480.

2.Đó là tên của dòng họ ẩn sĩ, dòng họ Kassapa.

3.Chú giải giảng rằng họ không khiến người khác có tín tâm (nơi thiện pháp), phát triển giới và tuệ, mà dẫn họ tới những điều sai trái.

4.Dhammanuddhamma paṭipatti: thực hành tương ứng với Pháp (anudhamma) hay thực hành tùy Pháp. Là sự thực hành Giáo Pháp đưa tới Pháp siêu thế, tới giác ngộ.

5.Tham khảo Trung Bộ Kinh số 81, Về Ghatikāra

6.Xem thêm “Mi Tiên Vấn Đáp”, 144.Tượng vương Chandata thì cung kính y cà sa, mà Bồ tát Jotipāla lại.

 

7.Cuốn “Chú giải Bộ  Pháp tụ” giải thích rằng tàm (hiri) có gốc từ bên trong, nhân gần của nó là sự tôn trọng chính mình. Còn quý (ottapa) có gốc từ bên ngoài, ảnh hưởng bởi thế gian; cận nhân của nó là sự tôn trọng người khác. Tàm và quý luôn sinh khởi cùng nhau, nhưng có những đặc tính khác nhau.

8.Kammassakatā  ñāna, trí hiểu rằng nghiệp (kamma) là nhân của quả (vipāka). Chúng sinh sẽ nhận quả tương ứng với nghiệp đã tạo.

9.Tiếng Pali là vāsanā. Kể cả các bậc A la hán đã tận diệt phiền não có thể vẫn có những lời nói hoặc hành động bất khả ái với người khác. Việc ấy không bị thúc đẩy bởi tâm bất thiện, mà do những thói quen đã được tích tụ từ quá khứ. Chỉ có đức Phật mới tận diệt các tiền khiên tật.

10.Tám đặc điểm của giọng nói đức Phật: dứt khoát, dễ hiểu, ngọt ngào, dễ nghe, lưu loát, trong sáng, sâu xa, âm vang..

11.Sát đế lỵ (khattiya) là tầng lớp xã hội cao sang nhất. Tất cả các vua chúa và tướng lĩnh đều là sát đế lỵ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Translate »