Chương 10
Tâm xả Ba la mật
Chú giải cho “Hạnh Tạng” định nghĩa về tâm xả ba la mật như sau:
“Tâm xả có đặc tính thúc đẩy khía cạnh trung hòa; chức năng/phận sự của tâm xả là nhìn nhận mọi thứ một cách công bằng; biểu hiện/thành tựu của tâm xả là chế ngự luyến ái và ghét bỏ; cận nhân của tâm xả là suy niệm về chân lý rằng các chúng sinh là kẻ thừa tự nghiệp của chính mình.”
Tâm xả ba la mật là sự quân bình, không xao động bởi các hành vi ngang trái của mọi người hay bởi các tình huống khó khăn.
Nếu ta không phát triển tứ niệm xứ, ta dễ dàng bị tác động bởi tham và sân, và tâm sẽ không an tịnh. Ta tiếp xúc các đối tượng bên ngoài khiến phát sinh buồn rầu và đau khổ. Tâm trạng bất hạnh của chúng ta bị duyên bởi đối tượng bất khả ái xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân căn. Những người giải thoát khỏi sầu khổ không còn bị tác động bởi tham và sân về con người và các sự kiện, như thế có nghĩa là họ đã vun bồi tâm xả ba la mật.
Khi mọi người thấy ai đó giết một con rắn, họ cho rằng họ có từ và bi với con rắn bị giết, nhưng thực chất, họ bị xáo động bởi sân đối với người giết rắn. Chúng ta cần chánh niệm và thẩm sát tâm ở khoảnh khắc ấy: loại tâm nào sinh khởi khi ta nghĩ về người giết rắn? Có thể, chúng ta không có từ tâm, nhưng khi ấy, chúng ta có thể có tâm xả khi nhận thức rằng mọi người đều nhận quả của nghiệp mình tạo. Khi tâm thiện sinh khởi, ta có thể có từ và bi; ta cảm thấy thương người tạo nghiệp bất thiện, bởi anh ta sẽ nhận quả của nghiệp bất thiện. Khi tâm xả sinh khởi, chúng ta không bị xao động và không nói những lời khiếm nhã với người tạo nghiệp bất thiện. Từ và xả sinh khởi cùng tâm thiện. Ta không nên nhầm lẫn thiện và bất thiện. Chúng ta không nên tưởng rằng pháp bất thiện là tốt, và rằng ta phải nặng lời với người tạo nghiệp bất thiện. Tâm bị xao động là tâm bất thiện. Nếu ta phát triển trí tuệ, ta có thể biết đặc tính của tâm bình thản, không bị tác động bởi tham và sân. Khi ấy ta có thể vun bồi tâm xả ba la mật thêm nữa.
Như lý tác ý hay hướng tâm chân chánh (yoniso manasikāra) là tối quan trọng. Khi chúng ta nghe Pháp, chúng ta có thể dễ cho rằng mình cần phải hành động theo một cách cụ thể nào đó để có như lý tác ý và từ bỏ phiền não. Tuy nhiên, nếu ta hiểu các pháp là vô ngã, ta sẽ không suy nghĩ theo cách ấy. Nếu chúng ta suy niệm về hành trì của đức Bồ tát trong mỗi kiếp sống của ngài, và nếu ta đánh giá sự thực hành của mình với của ngài, chúng ta có thể hiểu rằng sẽ cần một khoảng thời gian vô tận để từ bỏ phiền não.
Chúng ta cần chánh niệm-tỉnh giác và chúng ta cần vun bồi mọi loại thiện pháp với kham nhẫn và bền bỉ để có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Chúng ta không nên mong đợi gì về khoảnh khắc sẽ chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Chừng nào còn có nhiều phiền não sinh khởi liên tục và tham cầu sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế, ta còn ở rất xa mục tiêu. Vì thế chúng ta cần bắt đầu phát triển mọi loại thiện pháp để chúng có thể là trợ duyên đưa tới giải thoát.
Chúng ta đọc trong Chú giải của “Trưởng Lão Tăng Kệ”, cuốn “Paramatthadīpanī”, trong “Nidānakāthā”, rằng tất cả các ba la mật hỗ trợ và nâng cao cho nhau:
“Kham nhẫn tối thượng trong việc vun bồi các thiện pháp, bố thí v.v…để đi tới trí tuệ giác ngộ của các vị Phật Độc giác và của các đệ tử được coi là tinh tấn (viriya).
Nhẫn nại khi tiết chế sân hận được coi là kham nhẫn.
Bố thí, trì giới v.v…và tránh những lời sai lệch với sự thật được coi là chân thật.
Sự quả quyết không thể lay chuyển, vững vàng, và hoàn thành những gì lợi lạc về mọi mặt được coi là quyết định (adiṭṭhāna – hay phát nguyện).
Hướng tới lợi ích của mọi chúng sinh, thứ làm nền tảng cho việc bố thí, trì giới v.v…, được coi là tâm từ (mettā).
Bình thản với những tình huống khó khăn và việc làm sai trái của các chúng sinh khác được coi là tâm xả (upekkhā).
Vì thế, khi bố thí, trì giới và phát triển tâm trí, hoặc khi giới, định, tuệ đang hiện hữu thì các ba la mật như tinh tấn v.v…có thể được coi là đầy đủ.”
Chúng ta cần lòng kham nhẫn tột đỉnh cho sự tích lũy bố thí. Chúng ta cần tinh tấn, vững vàng và không lay động để có thể hoàn tất những gì lợi lạc trong mọi tình huống. Các ba la mật được nhắc tới theo nhiều cách khác nhau, cách sắp xếp câu chữ thay đổi một chút, nhưng ý nghĩa là một. Thấy được những khía cạnh khác nhau của ba la mật sẽ nhắc nhở chúng ta áp dụng chúng. Chẳng hạn, chúng ta đọc trong Chú giải cho “Trưởng Lão Tăng Kệ”:
“Hướng tới lợi ích của mọi chúng sinh, thứ là nền tảng cho việc thực hành bố thí, trì giới và v.v. được gọi là tâm từ.”
Như vậy, đây là một khía cạnh khác của tâm từ. Những người bố thí có thể không thẩm xét tâm của họ ở những khoảnh khắc như vậy, có thể họ không nhận ra rằng mình bố thí bởi tâm từ. Bố thí là bản chất tự nhiên của họ và vì vậy, họ cho đi vì lợi ích và an lạc của người khác. Nếu họ suy xét tâm thiện của mình, họ sẽ biết rằng tâm từ là nền tảng của sự bố thí của họ. Khi họ trì giới qua thân và khẩu, nền tảng của thiện pháp ấy cũng là tâm từ. Họ không muốn gây khổ đau tai họa cho người khác bởi hành động hay lời nói của mình.
Chú giải cho “Hạnh Tạng”, trong “Tiểu Bộ Kinh” giải thích về những loại bất thiện pháp đối nghịch với mỗi ba la mật
Chúng ta đọc về bố thí:
“Hơn nữa, bố thí đối nghịch với tham, sân và si, bởi nó áp dụng các phẩm chất vô tham, vô sân và vô si tới tuần tự các yếu tố sau: vật thí, đối tượng thọ thí và quả của bố thí.”
Như ta đọc, bố thí ba la mật đối nghịch với bất thiện, với tham, sân và si, bởi khi ta quảng đại và tích lũy bố thí ba la mật, ta thực hành phẩm chất vô tham đối với món đồ bố thí. Nếu một người vẫn dính mắc với món đồ mà người ấy định bố thí, người ấy sẽ nuối tiếc việc không còn món đồ đó. Anh ta có thể nghĩ tới việc cho đi nhưng không làm được, anh ta mong muốn đợi một cơ hội khác để bố thí. Nếu một người chưa thấm nhuần trong quyết tâm bố thí, anh ta có thể nghĩ tới việc ấy, nhưng không làm. Ở khoảnh khắc ấy không có bố thí.Trong khi ấy, nếu có lòng quảng đại thật sự, nó sinh kèm với vô tham; nó không dính mắc vào đồ vật ta bố thí. Ở khoảnh khắc tâm thiện, cũng có vô sân đối với người nhận bố thí. Nếu ta khó chịu và không thích người nhận, ta sẽ không bố thí. Điều này có thể xảy ra khi ai đó nhìn thấy một người ăn mày, và rồi nhận ra là người này còn khỏe mạnh; anh ta có thể bực bội về việc người ăn mày bắt con mình chịu khổ, và vì thế không bố thí nữa. Khi quảng đại sinh khởi, nó cần phải sinh kèm với các phẩm chất tốt lành là vô tham với vật thí, vô sân với người thọ thí, và nó có thể cũng sinh kèm với vô si hay trí nữa. Khi trí biết quả của việc bố thí, khi nó nhận ra rằng bố thí là thiện pháp, khi ấy có sự hào phóng thực sự và phiền não được viễn ly.
Chúng ta đọc tiếp trong Chú giải của “Hạnh Tạng” về giới và về xuất gia:
“Giới, sīla, đối nghịch với tham, sân và si, vì nó từ bỏ lươn lẹo và ô nhiễm của thân hành, v.v.
Xả ly, nekkhamma, đối nghịch với ba loại ô nhiễm này vì nó tránh xa sự buông thả trong dục lạc, trong hại người và hại mình (khổ hạnh).”
Nếu ta không dính mắc vào ngũ dục, đương nhiên là sân hận cũng sẽ bớt đi. Nếu một người dính mắc nhiều vào đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, và đối tượng xúc chạm, nhưng không có được chúng, người ấy sẽ khó chịu.
Chúng ta đọc trong Chú giải về trí tuệ, paññā :
“Trí tuệ đối nghịch với chúng ở chỗ tham, v.v., khiến mù quáng, trong khi trí thì phục hồi thị lực.”
Trí tuệ đối nghịch với bất thiện vì nó xua tan bóng tối của tham và phục hồi thị lực. Ngay khi ta thấy thứ gì đó, tham đã dễ khởi sinh. Khi thiếu trí tuệ, không có đối nghịch với tham, thứ rất thuần thục trong việc dính mắc vào tất cả các đối tượng ngũ dục. Tuy nhiên, khi trí sinh khởi, tham không thể có mặt đồng thời; trí tuệ đối nghịch với tham. Chỉ trí tuệ mới có thể xua tan bóng tối của dính mắc.
Khi trí tuệ sinh khởi, nó có thể hiểu được bản chất của pháp xuất hiện. Trí tuệ hiểu thiện là thiện, và bất thiện là bất thiện. Khi trí tuệ phát triển, nó sẽ biết các đặc tính của pháp như chúng thực là, để có thể vượt qua bóng tối của vô minh.
Chúng ta đọc về tinh tấn và kham nhẫn:
“Tinh tấn đối nghịch với tham bằng việc làm khởi lên chánh đạo viễn ly cả thụ động và tăng động.
Kham nhẫn đối nghịch với tham bằng việc chấp nhận khả ái, bất khả ái, và rỗng không.”
Mỗi ba la mật đều có lợi ích lớn lao nếu chúng ta suy niệm xác đáng về chúng, và dần tích lũy chúng. Trong những tình huống thử thách lòng nhẫn nại, nếu chúng ta suy niệm về kham nhẫn, kham nhẫn có thể được tích lũy. Có thể có kham nhẫn với các đối tượng khả ái và bất khả ái có tính chất rỗng không, điều có thể được chúng ta liễu ngộ.
Chúng ta đọc về chân thật:
“Chân thật là đối nghịch của tham bởi nó diễn tiến trung thành với thực chất, dù người khác giúp đỡ hay làm hại.”
Nhờ chân thật, ta có thể biết cái gì là đúng cái gì là sai, bất kể ở hoàn cảnh nào.
Chúng ta đọc tiếp về quyết định:
“Quyết định đối nghịch với ba phiền não này bởi vì, sau khi đã vượt qua các ngọn gió đời, nó không lay chuyển trong việc hoàn mãn các pháp trợ đạo theo cách chúng đã được vun bồi.”
Quyết định đối nghịch với các phiền não tham, sân và si. Chúng ta cần tự biết liệu mình có đủ quyết tâm vững vàng với việc vun bồi thiện pháp hay chưa. Điều này là thiết yếu để không còn dao động trong quá trình thành tựu vun bồi thiện pháp. Quyết tâm của chúng ta có thể dễ dàng chao đảo, không vững vàng, và niềm tin không kiên định.
Chúng ta đọc về tâm từ:
“Tâm từ đối nghịch với tham, sân, và si, qua sự viễn ly năm triền cái.”
Năm triền cái (nīvaraṇa) là: tham dục (kāmacchanda), ác ý (vyāpāda), hôn trầm-thụy miên (thīna-middha), phóng dật và trạo hối (uddhacca-kukkucca) và hoài nghi (vicikicchā). Tâm từ được coi là đối nghịch với tham bởi nó viễn ly năm triền cái. Chỉ trí tuệ mới biết được liệu các triền cái có đang hiện hữu hay không. Nếu không có trí tuệ, ta có thể nhầm tưởng rằng cái đang hiện hữu là tâm từ. Trên thực tế có thể chỉ là tham, thứ là tham dục triền cái. Trí tuệ là thiết yếu và nó cũng là yếu tố khiến mọi thiện pháp được tăng thịnh.
Chúng ta đọc về tâm xả:
“Và tâm xả đối nghịch với chúng bằng sự xua tan luyến ái đối tượng khả ái và ghét bỏ đối tượng bất khả ái, và luôn hành động quân bình trong những hoàn cảnh khác nhau.”
Tâm xả là đối nghịch với tham, sân và si. Chúng ta cần thẩm xét đặc tính của cả mười ba la mật và thấy lợi ích của chúng: chúng đối nghịch với bất thiện pháp.
Các pháp là vô ngã, chúng nằm ngoài tầm kiểm soát. Các tâm sinh và diệt liên tục tiếp nối nhau, và điều này khiến cho cuộc sống của mọi người khác biệt: họ tích lũy các nghiệp khác nhau tạo kết quả tương ứng, và họ cũng có những xu hướng khiến họ suy nghĩ theo những cách khác nhau.
Ta đọc trong Chú giải cho “Tương Ưng Bộ Kinh” (Tương Ưng Nhân Duyên, VI. Phẩm Cây) rằng Giáo Pháp được đức Phật thuyết giảng vì lợi ích của mọi chúng sinh có thể được so với một ngàn món đồ được đặt trước cửa mỗi ngôi nhà vì lợi ích của gia chủ. Một số người mở cửa và nhận tất cả các món đồ chất đống nơi bậc cửa, còn một số khác thậm chí không mở cửa.
Si là duyên khiến cho ta không thấy được lợi ích của Giáo Pháp, còn trí là duyên để nhận ra lợi ích ấy. Mỗi khoảnh khắc nghe Pháp đều lợi lạc. Không phải lúc nào cũng có cơ hội áp dụng Pháp, nhưng khi chúng ta đã được nghe Pháp, sẽ có duyên cho thiện pháp được vun bồi và bất thiện pháp dần suy giảm. Chúng ta cần trân quý người giảng giải Giáo Pháp mà đức Phật đã thuyết. Như ta đã thấy, Giáo lý của đức Phật có thể so sánh với hàng ngàn món quà được đặt trước cửa nhà.
Chúng ta đọc trong một đoạn khác của cùng Chú giải, rằng mọi người nhầm lẫn và khó chịu bởi không hiểu đúng nhân và quả diễn tiến ở mỗi khoảnh khắc. Điều này có thể được so với một cuộn chỉ bị rối, nó đã tạo thành nút thắt mà ta không tự mình gỡ nổi. Chú giải nêu rằng nút thắt có thể được gỡ rối bởi hai người, đó là bậc Toàn giác Phật và bậc Độc giác Phật1, những người đã tích lũy các ba la mật tới mức độ tự mình chứng ngộ Tứ Thánh Đế.
Tâm xả ba la mật là sự quân bình của tâm, đó là trạng thái không xao động bởi hành vi ngang trái của mọi người, bởi những tình huống khó khăn hay bởi các ngọn gió đời, bất kể chúng là khả ái hay bất khả ái, chẳng hạn như được và mất, lời khen và tiếng chê. Hiện giờ chúng ta khổ đau vì dễ dàng bị xao động và bất ổn, nhưng một người có hiểu biết vững vàng về nghiệp có thể trở nên bình thản trước các ngọn gió đời.
Nếu ta vun bồi tâm xả ba la mật, ta không để tâm đến những điều sai trái của người khác, như là Chú giải cho “Hạnh Tạng” đã giải thích. Ta có thể công bằng và quân bình, không xao động bởi những sai trái của người khác; ta hiểu rằng mọi người sẽ nhận quả của nghiệp của họ. Một số người có thể nghĩ, khi những người khác nhận quả xấu thì thật đáng đời cho họ, nhưng một người đã phát triển tâm xả ba la mật không nghĩ theo cách ấy. Anh ta có khả năng hiểu pháp chân đế, các pháp vô ngã và ngoài tầm kiểm soát.
Chúng ta đọc trong “Hạnh Tạng” (Tâm xả ba la mật, III, 15, Giới hạnh vĩ đại) rằng đức Bồ tát đã vun bồi tâm xả ba la mật tới mức độ cao nhất (ba la mật bậc thượng) trong kiếp ngài là hiền trí Lomahaṃsa. Chú giải nêu:
“Bậc Vĩ nhân thời ấy sinh ra trong một gia đình giàu có, và ngài đã hoàn tất học vấn, làm chủ mọi ngành kiến thức dưới sự dạy dỗ của bậc giáo thọ Disāpāmukha. Khi cha mẹ của ngài mất đi, ngài trở nên nhám chán với đời sống thế tục, và trong ngài đã khởi lên trạng thái khẩn cấp tu niệm, mặc dầu các thành viên gia đình khóc lóc khẩn cầu ngài chăm lo tài sản gia đình. Ngài trở nên nhàm chán do suy niệm về vô thường với như lý tác ý, ngài suy niệm về tính chất bất tịnh của thân, và ngài không muốn chạy theo phiền não sẽ dẫn mình sa vào đời sống hôn nhân.
Ngài nghĩ tới việc từ bỏ tài sản và trở thành một nhà sư, nhưng rồi ngài suy tư rằng, khi là một nhà sư, tự những phẩm hạnh của ngài sẽ không trở nên rõ rệt để đáng ngợi khen. Vì vậy, bậc Vỹ nhân, người không màng lợi dưỡng và danh dự đã không trở thành một nhà sư. Ngài suy nghĩ: ‘Ta chỉ nên có vừa đủ và sống cuộc đời tri túc đối với được, mất và các ngọn gió đời khác.’”
Một số người trở thành nhà sư nhận được lời tán tụng nhờ vào sự tuyệt hảo của địa vị xuất gia. Tuy nhiên, bậc Vĩ Nhân khước từ lợi dưỡng và danh dự mà một vị sư sẽ được nhận. Ngài nghĩ rằng mặc dầu mình không phải là nhà sư, mình sẽ vẫn hành xử một cách đáng tán thán2. Ngài sẽ thực hành thiểu dục tri túc. Đó là một cách suy nghĩ đã thấm nhuần thiện pháp. Địa vị người xuất gia khác với người tại gia. Người xuất gia dễ nhận được nhiều ân sủng và vinh dự hơn người cư sĩ, bởi sự tuyệt hảo của địa vị ấy. Đức Bồ tát khước từ lợi dưỡng và vinh hạnh và ngài không dính mắc vào chúng. Ngài nghĩ rằng mình sẽ sống một cuộc đời cư sĩ khuất bóng lợi dưỡng và vinh dự.
Chúng ta đọc trong Chú giải:
“Ngài nghĩ, ‘Ta sẽ tích lũy sự thực hành kham nhẫn tối thượng, chịu đựng những lời chế nhạo của những người khác. Ta sẽ vun bồi tâm xả ba la mật tới mức độ cao nhất.’ Ngài từ bỏ nhà cửa, chỉ bận quần áo mà ngài mang trên người; ngài thực hành tận diệt phiền não tới mức độ tột đỉnh. Khi ngài không còn sức lực nữa, ngài vẫn hành xử như thể ngài còn sức lực. Mặc dầu không câm, ngài hành xử như thể bị câm, trong khi ngài bị chế diễu bởi mọi người bởi vẻ ngoài của ngài giống như của một người điên. Ngài lang thang qua các ngôi làng, thành thị và kinh đô, mỗi nơi chỉ ngụ lại một đêm. Nơi nào ngài bị chế nhạo nhiều, ngài ở lại đó lâu hơn. Khi quần áo của ngài đã bị rách rưới và khó coi, ngài không nhận quần áo mới từ người khác; ngài lang thang với trang phục chỉ đủ để che những phần kín. Trong lúc dong duổi như vậy, ngài tới một ngôi nhà trong làng.”
Đây là ba la mật tâm xả tới mức độ cao nhất , khó vun bồi nhất. Ngài có nhiều của cải nhưng không dính mắc vào chúng. Ngài muốn tích lũy tâm xả ba la mật: ngài chịu đựng lời diễu cợt từ mọi người, và khi ra ngoài chỉ che thân bởi một tấm vải. Khi không còn sức lực, ngài hành xử như thể còn sức lực, ngài không nhụt chí và vẫn nhẫn nại. Mặc dầu không bị câm nhưng ngài hành xử như thể một người câm, ngài không bị xao động bởi bất cứ điều gì. Bất kể người khác nói gì, dù họ chế nhạo ngài vì vẻ bề ngoài của ngài có vẻ giống như của một người điên, ngài vẫn không bị tác động.
Tất cả chúng ta đều có tích lũy khác. Chúng ta dính mắc vào vẻ bề ngoài, trang phục, những lời khen chê của người khác. Chúng ta thích mặc đẹp, nhưng đức Bồ tát trong kiếp ấy có sức chịu đựng lớn lao, ngài không bị tác động khi mọi người chế nhạo cách ngài phục sức. Nơi nào càng chế nhạo ngài nhiều, ngài càng ở lại lâu hơn. Lang thang như vậy, ngài đi tới một ngôi nhà trong làng. Ta đọc:
“Bọn trẻ thuộc gia đình ấy rất hư, có thiên hướng bạo hành và thích đánh đập người khác. Một số là quyến thuộc hoặc nô lệ của gia đình hoàng gia. Chúng tàn bạo, dữ tợn, nói những lời có tính chất mỉa mai, thô tục và thóa mạ, và suốt ngày đi khắp nơi chế nhạo. Khi bọn trẻ này thấy những người già cả, cơ cực, chúng lấy đất mềm và rắc khắp lên lưng họ. Chúng hành xử một cách đáng trách, hỗn láo, và nhạo báng những người chứng kiến cảnh ấy.
Khi bậc vĩ nhân nhìn thấy lũ trẻ hư đi khắp làng, ngài nghĩ, ‘Bây giờ ta sẽ tận dụng chính sự ngang trái như một phương tiện để tích lũy tâm xả ba la mật, và vì vậy ta sẽ ở lại nơi này.’ Khi bọn trẻ hư ấy nhìn thấy bậc Vĩ nhân, chúng bắt đầu hành động hỗn hào. Bậc Vĩ nhân đứng dậy, giả đò không chịu đựng nổi nữa và lộ vẻ sợ hãi bọn trẻ. Khi bọn trẻ bám theo đức Bồ tát, ngài đi tới một nghĩa địa, nghĩ, ‘Ở đây sẽ không có ai can thiệp vào việc làm của bọn trẻ này.”
Ngài dùng một bộ xương làm gối đỡ và nằm xuống3. Thế rồi, bọn trẻ hành động hỗn hào, khạc nhổ lên ngài và rồi bỏ về. Chúng làm vậy mỗi ngày. Khi những người trí nhìn thấy hành động của bọn trẻ, họ cấm chúng tiếp tục làm vậy, nói, ‘Người này có quyền năng lớn, ngài là một ẩn sĩ, là người thực hành giải thoát vĩ đại.’ Những người trí ấy tán dương và cung kính đức Bồ tát.”
Mọi Bồ tát đều quân bình và công bằng, về mọi mặt. Chúng ta đọc rằng đức Phật nói:
“Ta ngủ nơi nghĩa địa, lấy xương người làm gối. Ta có tâm xả với những gì sạch và bẩn.”
Ta đọc rằng bọn trẻ làng hành xử theo nhiều cách hỗn láo, thô bạo, bằng việc khạc nhổ, chế nhạo, đại tiện và tiểu tiện. Chúng chọc đầu cỏ vào tai đức Bồ tát, chúng trêu đùa chế nhạo thỏa thích. Chúng ta đọc rằng đức Bồ tát khi ấy suy tư:
“Bọn trẻ làng khiến ta phải đau đớn, trong khi những bậc trí cho ta những thứ khả lạc như hoa, phấn thơm và vật thực. Ta bình thản và công bằng với tất cả mọi người; ta có tâm xả. Ta tri túc trong mọi thứ, mọi hoàn cảnh. Ta không yêu mến đặc biệt hơn những người hỗ trợ ta, ta cũng không nói những lời sân hận hay có cảm giác thù địch với những người không hỗ trợ ta. Như vậy, ta có tâm xả với tất cả mọi người.”
Đức Bồ tát không lay động và thiên vị, ngài không dính mắc với những người cho ngài những thứ khả ái như hoa, phấn thơm và vật thực, không thù hận những người quấy rối ngài và khiến ngài đau đớn.
Chúng ta đọc:
“Khi ấy đức Phật thuyết về tri túc, ngài dạy không dính mắc vào các ngọn gió đời. Ngài được trang bị với pháp trợ đạo trí tuệ và vì vậy ngài công bằng với mọi chúng sinh, với cả người giúp ngài và những người không giúp. Cuối cùng ngài nói: ‘Ta bình thản với cả hạnh phúc và khổ đau, với vinh và nhục, ta không thiên vị bất cứ điều gì, đó là tâm xả ba la mật của ta.’
Tâm xả ba la mật là sự quân bình, không hạnh phúc không khổ đau, như một cái cân rất thăng bằng. Đức Phật chỉ ra rằng ngài công bằng với mọi chúng sinh và mọi ngọn gió đời, và mức độ tâm xả này không dễ có nơi những người khác.”
Chúng ta đọc trong Chú giải cho “Hạnh Tạng”:
“Đức Bồ tát vun bồi cả mười ba la mật. Bắt đầu với bố thí, ngài đã cho đi tất cả sản nghiệp và cả thân mình, không bận tâm tới việc những người khác sẽ làm gì với những thứ ấy. Đó là bố thí ba la mật. Ngài tránh xa những thứ sai trái, và đó là trì giới ba la mật. Ngài vun bồi tưởng bất tịnh về thân mình, ngài từ bỏ dính mắc vào ngũ dục, ngài rời bỏ gia đình sống không gia đình, và đó là xuất gia ba la mật. Ngài thuần thục trong hiểu biết các pháp trợ duyên cho các pháp trợ đạo (các ba la mật- ND), và thuần thục trong sự buông bỏ các pháp đối nghịch với các pháp trợ đạo ấy. Ngài thuần thục trong suy xét tính chất cụ thể của các pháp có lợi, phân biệt chúng với các pháp có hại, và đó là trí tuệ ba la mật.
Nhàm chán với ngũ dục và nỗ lực chịu đựng khổ đau là tinh tấn ba la mật. Bền bỉ và nhẫn nại là kham nhẫn ba la mật. Trung thực trong lời nói và trong sự thực hành tránh xa điều sai là chân thật ba la mật. Hành trì vững vàng không lay chuyển của thiện pháp là quyết định ba la mật. Từ ái và thương mến mọi chúng sinh không phân biệt là tâm từ ba la mật.”
Về tâm xả ba la mật của đức Bồ tát, điều này đã được giảng như ở trên.
Trong “Hạnh xả” của “Hạnh Tạng”, tâm xả ba la mật bậc thượng được bàn tới để nhằm chỉ ra lợi lạc và sức mạnh của các phẩm hạnh tuyệt hảo của đức Bồ tát. Ta đọc:
“Ngài từ bỏ tài sản, quyến thuộc, và rời nhà ra đi, cũng hệt như cách mà người ta xuất gia thành một nhà sư, mặc dầu ngài không trở thành một nhà sư. Ngài sống giống như một nhà sư. Đức Bồ tát không dính mắc vào địa vị nhà sư, ngài không màng tới những ân huệ và tán tụng thường dồn tới các nhà sư. Nhà sư bắt buộc phải chấp nhận sự trọng vọng mà mọi người biểu lộ, và vị ấy nỗ lực cho sự tuyệt hảo của địa vị nhà sư. Đức Bồ tát là một nhà sư trong tâm, ngài có tâm trí của một nhà sư, và bằng cách ấy, ngài sống trong hạnh phúc tối thượng.”
Vì đức Bồ tát không màng tới những lợi lộc và tán tụng đi kèm với địa vị nhà sư, ngài đã không xuất gia. Tuy nhiên, ngài là một nhà sư trong tâm và vun bồi thiện pháp; bằng cách ấy những người khác sẽ thực sự tôn trọng ngài mặc dầu ngài không xuất gia.
Chúng ta đọc tiếp:
“Ngài có mức độ tri túc tối cao, ngài hoan hỷ trong an tịnh, không bận tâm tới thân thể và mạng sống của ngài, bởi mục tiêu của ngài là tâm xả. Ngài thực hành từ bỏ phiền não tới mức độ tột đỉnh, ngài chịu đựng những hành động suy đồi của kẻ khác. Ngài có quyết tâm kiên định làm suy giảm các phiền não đối nghịch với các pháp trợ đạo bằng thái độ quân bình trên mọi phương diện. Điều ấy khiến ngài tri túc trong mọi thứ, không thiên vị với những người hỗ trợ ngài hay không hỗ trợ ngài. Cuộc sống của ngài giống như cuộc sống của một vị A la hán và vì thế ngài không dính mắc vào các ngọn gió đời. Ngài đạt tới tột đỉnh của tâm xả ba la mật và nơi đó có tính kiệt xuất của một ba la mật dẫn tới sự giác ngộ của chư Phật (Buddha pāramī).”
Tâm xả ba la mật bao hàm sự công bằng với mọi chúng sinh và đó là điều khó thực hành nhất.
Mười ba la mật là:
Bố thí (dāna),
Trì giới (sīla),
Xuất gia (nekkhamma),
Trí tuệ (paññā)
Tinh tấn (viriya)
Kham nhẫn (khanti)
Chân Thật (sacca)
Quyết định (adiṭṭhāna)
Tâm từ (mettā)
Tâm xả (upekkhā)
Chúng ta không nên lơ là bất kỳ ba la mật nào trong mười ba la mật, chúng ta cần tới tất cả. Chúng ta cần chân thành trong việc từ bỏ phiền não và đó là chân thật ba la mật. Ta cần nhớ nghĩ về những sai trái của người khác với tâm từ. Ta cũng cần quyết định ba la mật, quyết tâm vững vàng không lay động thực hành mọi loại thiện pháp để có thể đạt được tới đích. Có thể chúng ta có chân thành trong mong muốn từ bỏ phiền não, nhưng những khi thiếu quyết tâm, ta không đủ vững vàng trong quyết định từ bỏ phiền não. Ta cần quyết định ba la mật để chân thành trong sự thực hành nhằm tận diệt phiền não.
Chúng ta cần kham nhẫn ba la mật, tức là sự nhẫn nại. Chúng ta cần vun bồi mọi ba la mật và đây là cách duy nhất để có như lý tác ý với bất cứ những gì ta kinh nghiệm, để phát triển trí tuệ.
Chú thích:
1.Độc giác Phật chứng ngộ Tứ Thánh Đế mà không được nghe thuyết giảng từ người khác, nhưng Ngài không thể thuyết Giáo Pháp cho thế gian. Toàn giác Phật đã chứng ngộ Thánh Đế mà không được nghe thuyết giảng từ người khác, và đã thuyết Giáo Pháp cho thế gian.
2.Bởi mức độ tối thượng của tâm xả mà ngài đã vun bồi.
3.Câu chuyện này được nhắc tới trong Trung Bộ Kinh số 12, Đại Kinh Sư Tử Hống