Tâm Từ – Chương 7: Phước lành của tâm từ

Chương 7

Phước lành của tâm từ

Với lòng từ bi vô lượng, Đức Phật đã giảng dạy Giáo pháp cho các đệ tử, vì lợi ích và hạnh phúc của họ. Khi được nghe Pháp, mọi người có thể suy ngẫm và đưa Giáo pháp vào thực hành. Đức Phật dạy về những tác động xấu của sự tức giận. Giận dữ mang đến khổ đau khác nhau cho người tức giận, nhưng người là đối tượng của sự tức giận sẽ không bị đau khổ nếu bản thân người ấy không giận dữ. Chúng ta đọc trong Tăng Chi Bộ Kinh (Quyển 7, Chương VI, 10) về ảnh hưởng của sân hận. Người trong cơn tức giận trông xấu xí, dù người ấy có tắm gội sạch sẽ, xức nước thơm, chải tóc, cạo râu và ăn mặc tinh tươm, dù như vậy người ấy vẫn xấu xí, vì người ấy bị sân hận xâm chiếm. Khi ai đó giận dữ, gương mặt người ấy nhăn nhó, đôi khi miệng méo mó và lời nói lẫn lộn. Dù người ấy có nằm trên một chiếc tràng kỷ rộng, ga phủ mềm mại, chăn trắng, bọc bằng lông cừu, được thêu hoa, với những chiếc gối màu đỏ thẫm, cho dù thế, người ấy vẫn bị sân hận xâm chiếm và nằm không yên. Người ấy có thể biết cái gì là tốt và không tốt, nhưng khi bị sân hận chiếm lĩnh, người ấy làm những thứ có hại, gây bất lợi. Khi tạo nghiệp bất thiện qua thân, khẩu và ý, ta sẽ phải nhận kết quả là sự tái sinh ở cõi thấp, như cõi địa ngục hoặc súc sinh, tùy thuộc vào nghiệp sẽ cho quả.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương bảy pháp, Phẩm VI. Không tuyên bố, §10 – Sân hận), Đức Phật đã nói rằng:

Kẻ phẫn nộ xấu xí,

Ðau khổ khi nằm ngủ,

Ðược các điều lợi ích
Lại cảm thấy bất lợi.
Phẫn nộ, nó đả thương, Với thân với lời nói,
Người phẫn nộ chinh phục, Tài sản bị tiêu vong.

Bị phẫn nộ điên loạn, Danh dự bị hủy diệt,
Bà con cùng bạn bè,
Lánh xa người phẫn nộ. Phẫn nộ sanh bất lợi, Phẫn nộ dao động tâm, Sợ hãi sanh từ trong, Người ấy không rõ biết. Phẫn nộ không biết lợi, Phẫn nộ không thấy pháp, Phẫn nộ chinh phục ai, Người ấy bị mê ám. Người phẫn nộ thích thú Làm ác như làm thiện,

Về sau phẫn nộ dứt,
Bị khổ như lửa đốt,
Như ngọn lửa dầu khói, Ðược thấy thất thểu cháy, Khi phẫn nộ lan tràn,
Khi tuổi trẻ nổi nóng, Không xấu hổ, sợ hãi,
Lời nói không cung kính. Bị phẫn nộ chinh phục, Không hòn đảo tựa nương. Việc làm đem hối hận,
Rất xa với Chánh pháp.
Ta sẽ tuyên bố họ,
Hãy nghe như tuyên bố, Phẫn nộ giết cả cha,
Phẫn nộ giết cả mẹ,
Phẫn nộ giết Phạm chí, Phẫn nộ giết phàm phu. Chính nhờ mẹ dưỡng dục, Người thấy được đời này,

Nhưng phàm phu phẫn nộ,

Giết người cho sự sống.

Chúng sanh tự ví dụ,

Thương tự ngã tối thượng,

Phàm phu giết tự ngã,

Ðiên loạn nhiều hình thức,

Lấy gươm giết tự ngã,

Ðiên loại uống thuốc độc,

Dây tự trói họ chết,

Trong hang động núi rừng,

Những hành động sát sanh,

Khiến tự ngã phải chết.
Họ làm nhưng không biết,

Kẻ phẫn nộ hại người,

Với hình thức phẫn nộ,

Ma bẫy ẩn trong tâm.

Hãy nhiếp phục cắt đứt,

Với tuệ, tấn, chánh kiến,

Bậc trí tuệ cắt đoạn,

Mỗi mỗi bất thiện pháp

Như vậy học tập pháp,

Không để tâm nản chí,
Ly sân, không áo não,
Ly tham, tật đố không,

Nhiếp phục, đoạn phẫn nộ,

Vô lậu, nhập Niết-bàn.

Người hỏi: Tôi biết tâm từ mang lại nhiều lợi ích. Tuy vậy tâm từ không sinh khởi khi tôi muốn có nó trong các tình huống của cuộc sống hằng ngày. Tôi cần làm gì để tâm từ có thể sinh khởi được?

Khun Sujin: Khi ai đó cho các thực tại là tự ngã, người ấy có xu hướng tin rằng, bằng việc thực hành một phương pháp cụ thể, có một tự ngã có thể trấn áp cơn sân, phát triển chánh niệm và tâm từ. Nhưng sự thực, không có người nào có thể có chánh niệm và tâm từ nếu không có duyên cho chúng sinh khởi. Nghe Pháp, suy xét chân chánh điều được nghe, hiểu Pháp về mặt tư duy là những khoảnh khắc thiện pháp khác nhau. Chúng được tích lũy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Và chúng cùng tạo duyên cho chánh niệm sinh khởi về sau để hay biết các tâm khác nhau của chúng ta. Bằng cách này, hiểm họa của sân hận và lợi ích của tâm từ có thể được nhận biết. Tuy nhiên, nếu chánh niệm không sinh khởi và nếu có duyên cho sân, sân sẽ sinh khởi. Không ai có thể có chánh niệm và tâm từ bằng ý chí. Nếu chánh niệm sinh khởi, nó có thể hay biết về Pháp mà đức Phật đã giảng, lặp đi lặp lại, và như vậy sẽ có duyên để tận diệt sân hận. Nếu không nghe Pháp thường xuyên, sẽ không có nhiều duyên cho sự suy xét chân chánh và khi ấy, rất khó để áp chế cơn sân. Còn nếu được nghe nhiều, sẽ có duyên để ghi nhớ và suy xét chân chánh về Pháp. Chẳng hạn, chúng ta có thể suy xét về nghiệp và quả của nghiệp. Mọi người đều là chủ nhân của nghiệp do chính mình tạo ra. Có thể suy xét về nghiệp bất thiện được thúc đẩy bởi cơn sân, có thể ghi nhớ rằng sân không ích lợi cho sự giác ngộ. Có thể suy xét về sự vun bồi kham nhẫn của Đức Phật trong những kiếp Ngài là Bồ Tát, được kể trong Chuyện Tượng vương Đức hạnh (Tiền thân Silavanaga), Chuyện Đạo lý kham nhẫn (Tiền thân Khantivadi), Chuyện Tiểu Vương Hộ Pháp (Tiền thân Culladhammapala), hay Chuyện tượng vương ở hồ Chaddanta (Tiền thân Chaddanta). Mọi người có thể áp dụng những gì đã đọc trong Giáo lý. Với lòng từ bi vô lượng, Đức Phật đã giảng dạy Giáo pháp cho những người theo Ngài, nhờ vậy họ có thể suy xét Giáo pháp cẩn trọng và đưa vào thực hành.

Tôi sẽ trích dẫn chuyện Tiền thân Maha-mangala (IV, 453) để làm rõ hơn nghĩa của từ “magalana” – điềm lành hay phước báu. Mọi người đều mong muốn có phước báu, là điều tốt lành, may mắn. Mọi người kiếm tìm và tin rằng có điềm lành khi đạt được thứ gì cụ thể hay khi tụng bài kinh nào đó. Họ cần biết điềm lành thực sự là gì. Chúng ta đọc trong tiền thân Maha-mangala, tâm từ là một điềm lành. Khi biết như vậy ta sẽ không kiếm tìm điều gì khác nữa. Điềm lành thực sự là tâm có tâm từ, tâm từ trong hành động, lời nói, và suy nghĩ. Khi tâm là thiện, tâm khi ấy là tịnh hảo, là “phước báu”.

Chúng ta đọc trong chuyện Tiền thân Maha-mangala, mọi người đến hỏi Đức Bồ Tát, khi Ngài đang là một ẩn sĩ, rằng điềm lành nào cho phước báu cho đời này và đời sau? Đức Bồ Tát đã trả lời:

Mỗi Phạm thiên, thần thánh hiển linh,

Rắn rồng ta thấy giữa quần sinh,

Trong lòng mãi mãi đầy từ mẫn,
Vị ấy ban ơn mọi hữu tình.

Kẻ nào khiêm tốn với muôn người,

Yêu mến nữ nam, mọi gái trai,

Ðứng trước lời bình, không đáp lại,

Sẽ mang hạnh phúc đến cho đời.

Gặp hiểm nguy, người có trí nhanh
Chẳng khinh đồng nghiệp, bạn đồng hành,

Chẳng khoe dòng trí, giàu, giai cấp,
Hạnh phúc cho đời ắt khởi sinh.

Người nào kết bạn thiện, hiền nhân,

Ðược trọng vì mồm chẳng ác thâm,

Không hại bạn, chia đều của cải,

Chính niềm hạnh phúc giữa thân bằng.

Vợ hiền, đồng tuổi, có tình thân,
Tận tụy, nhân từ, trẻ lại đông,
Ðức hạnh, trung thành, dòng quý tộc,

Ấy niềm hạnh phúc giữa hồng quần.

 
 

Vua nào đại đế giữa thần dân,
Biết sống thanh cao, đủ khả năng,
Bảo: “Ðấy bạn ta”, không dối trá,

Chính niềm hạnh phúc giữa vương quân.

Thành tín, cùng cơm nước cúng dường,

Vòng hoa tươi tốt, các mùi hương,
Với tâm thanh tịnh, gieo an lạc,
Ấy mang hạnh phúc mọi thiên đường.

Các trí nhân thuần thiện, chánh chân,

Tâm tư rửa sạch, gắng tinh cần,
Theo đời thanh tịnh, người hiền trí,

Phúc lạc thay người giữa Thánh nhân!

Công đức như vầy giữa thế gian,

Ðược tôn sùng bởi mọi hiền nhân,

Người khôn hãy bước đi theo chúng,

Ðiềm triệu chẳng mang tính thật chân.

Có người tin rằng có điềm lành đưa lại may mắn khi họ thấy điều gì đó đặc biệt, như nhìn thấy một con bò đỏ. Số khác thì tin rằng có điềm lành khi họ nghe thấy một âm thanh đặc biệt hoặc những lời chúc lành cho mình. Một số khác lại tin rằng có điềm lành thông qua sự xúc chạm, khi họ chạm vào một thứ gì đó đặc biệt, như một cái váy trắng hay một tấm khăn quấn đầu trắng, hay khi họ rắc bột trắng. Hay có điềm lành xuất hiện qua mũi, qua lưỡi, khi họ ngửi mùi, nếm vị gì đặc biệt. Như chúng ta đọc trong chuyện tiền thân, không có điềm lành do các kinh nghiệm ngũ quan như vậy, điều ấy dựa trên mê tín. Tâm từ là điềm lành thực sự.

Người hỏi: Chúng ta có thể trải tâm từ tới các vị chư thiên không?

Khun Sujin: Khi muốn làm như vậy, mọi người nên suy xét cẩn trọng nhân gì đưa đến quả gì. Chúng ta sẽ trải tâm từ tới các vị chư thiên bằng cách nào? Ở cõi người, tâm từ có thể được phát triển thông qua bố thí – là mang tặng người khác những thứ hữu ích, hoặc trì giới – tránh làm hại người khác, tránh tức giận và gây hiềm hận. Về phát triển tâm từ đối với các vị chư thiên lại khác. Tái sinh ở cõi trời là do nghiệp thiện, tuổi thọ của chư thiên rất dài, tuỳ vào nghiệp đã làm duyên cho sự tái sinh đó. Vì vậy chúng ta không thể trải tâm từ tới chư thiên bằng việc tránh giết hay làm hại họ. Chúng ta có thể cảm kích những nghiệp thiện mà nhờ đó họ được tái sinh làm chư thiên, như vậy khi ấy có thể có phước thiện tuỳ hỷ (anumodana). Hay khi làm một việc thiện, chúng ta có thể hồi hướng đến họ và với thiện tâm, họ có thể tuỳ hỷ với chúng ta. Đó là những cách để trải tâm từ tới các vị chư thiên.

Người hỏi: Tôi vẫn chưa hiểu làm thế nào có thể hồi hướng tới các vị chư thiên khi mình thực hiện bố thí hoặc các loại thiện pháp khác?

Khun Sujin: Khi ta thực hiện một nghiệp thiện, các vị chư thiên có thể tuỳ hỷ việc làm ấy. Nhưng ta không thể mong đợi họ hộ trì nhờ việc tụng kinh. Khi có mong đợi như vậy là có tâm tham và điều này thì khác với việc thực hiện các nghiệp thiện và hồi hướng tới họ – mà qua đó các chư thiên có thể có thiện tâm và tuỳ hỷ với thiện pháp của chúng ta.

Người hỏi: Như vậy ta có thể hồi hướng tới các vị chư thiên?

Khun Sujin: Đúng vậy, khi thực hiện việc thiện, chúng ta có thể hồi hướng tới các vị ấy. Tuy nhiên, con người không thể dâng những thứ như thức ăn tới chư thiên, vì các vị ấy dùng những loại thức ăn khác, vi tế hơn chúng ta. Các vị chư thiên rất dồi dào châu báu, họ có những loại đá quý như kim cương, sa- phia và nhiều loại trang sức quý giá, họ giàu có hơn bất kỳ vị vua nào trên thế gian. Đó là nhờ những phước thiện to lớn đã đưa họ tái sinh ở cõi trời. Là một chúng sinh ở cõi người, chúng ta không thể mang cho họ bất cứ thứ gì ngoài việc hồi hướng những việc thiện đã làm tới họ.

Một số người muốn trải tâm từ tới các vị chư thiên bằng việc tụng kinh tâm từ, người ấy mong các vị sẽ hộ trì cho họ. Tuy nhiên khi gặp mất mát hay khó khăn, sự mong đợi của người ấy không trở thành sự thật, người ấy sẽ thất vọng và than trách các vị chư thiên. Trong khi đó, nếu tâm thật sự là thiện và an tịnh, sẽ không có sự mong đợi kết quả nào, người ấy sẽ không trách cứ ai, sẽ không bị thất vọng hay buồn khổ.

Người hỏi: Ở Thái Lan, mọi người tin rằng chúng ta nên đảnh lễ các vị thần hộ mệnh và phạm thiên. Họ có thực sự tồn tại và có thể giúp đỡ chúng ta không?

Khun Sujin: Trước tiên cần phải tìm hiểu liệu có sự tái sinh ở các cõi khác không, như cõi trời chẳng hạn, và liệu có chúng sinh ở các cõi khác như các vị thần hộ mệnh và phạm thiên không. Có sự tái sinh ở các cõi không phải là cõi người, điều này tùy thuộc vào những duyên tương ứng. Tái sinh ở cõi trời là quả của nghiệp thiện và sự tái sinh này cao hơn sự tái sinh làm người. Tái sinh ở cõi trời phạm thiên là kết quả của đắc định. Khi sự an tịnh đã phát triển tới mức độ đắc định và tâm thiền không những không suy giảm mà còn sinh khởi ngay trước tâm tử, nó sẽ cho quả tái sinh ở cõi trời phạm thiên. Như vậy các vị phạm thiên là thực sự tồn tại.

Một số người tin rằng có những ngôi đền thiêng hay các vật thờ cần phải tôn kính, nhưng vì sao họ lại coi trọng những thứ ấy? Nên nhớ rằng mọi người đều là chủ nhân của nghiệp do chính mình tạo ra. Nghiệp tạo duyên cho chúng ta kinh nghiệm những đối tượng khả ái hay bất khả ái trong cuộc sống. Chúng ta thấy, nghe, nếm, ngửi và kinh nghiệm qua thân căn các đối tượng khác nhau, một số dễ chịu, một số lại khó chịu. Thấy, nghe, nếm, ngửi và kinh nghiệm các đối tượng xúc chạm là các tâm quả – quả của nghiệp, vipakacitta. Nếu không có nghiệp đã tạo và có năng lực cho quả, sẽ không có tất cả các kinh nghiệm khác nhau này.

Về câu hỏi sự giúp đỡ của các vị thần hộ mệnh và phạm thiên với con người, mỗi người là chủ nhân của nghiệp do chính mình tạo ra, điều ấy có nghĩa là: các kinh nghiệm dễ chịu hay khó chịu qua các căn được tạo ra do bởi nghiệp của người ấy đã làm. Có người kể cho tôi nghe câu chuyện như sau: Khi đang lái xe trên đường, với cậu con trai nhỏ ngồi bên, chiếc xe của anh ta bị trượt khỏi đường. Tuy nhiên, có một người lái xe Jeep ở đằng sau lập tức dừng lại và với thiết bị thích hợp mang theo, người ấy đã giúp anh ta kéo chiếc xe ta trở lại. Người lái xe trải qua chuyện này hiểu rằng, nếu có duyên cho nghiệp bất thiện trổ quả bất thiện (quả bất khả ái), anh ấy có thể đã không nhận được sự giúp đỡ nhanh như vậy, và khi ấy anh ấy sẽ phải đợi rất lâu mới có thể kéo lại được chiếc xe. Chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ từ người khác, là con người hay không, điều ấy tùy thuộc vào nghiệp. Nếu có duyên cho nghiệp bất thiện trổ quả, không ai, dù là con người hay không, có thể giúp được chúng ta. Ví dụ này cho thấy các nghiệp thiện được tích lũy cũng giống như một người thân cận kề có thể bảo hộ, giúp đỡ, người có thể giải quyết các khó khăn trong những tình huống khác nhau.

 

Leave a Reply

Translate »