Pháp đàm ngày 06/11/12, buổi chiều
Câu hỏi: Làm thế nào để giải quyết nỗi sợ hãi và lo lắng? Tôi quan sát thấy rằng, mặc dù nỗi sợ hãi cũng giảm đi theo mức độ và thời gian, nhưng nó vẫn không hết hẳn, vẫn còn sự sợ hãi và lo lắng, lên xuống thất thường trong ngày. Nó có giảm, nhưng nó vẫn còn… Vậy làm thế nào chúng ta có thể loại bỏ nó hoàn toàn?
Achaan: Chừng nào chưa hiểu về sợ hãi, sợ hãi sẽ không bao giờ giảm, bởi vì còn có nhân duyên cho nó sinh khởi. Không ai thích sự sợ hãi, nhưng luôn có nhân duyên cho sự sợ hãi sinh khởi. Điều cơ bản là phải hiểu về nó, nếu không, không ai có thể ngăn nó sinh khởi.
Trả lời: Vậy chúng ta phải chấp nhận nó ư?
Achaan: Không có “chúng ta” – người chấp nhận. Nhưng bất cứ cái gì sinh khởi đều có thể được hiểu, rằng chúng sinh khởi do nhân duyên, nếu không, nó không thể sinh khởi. Giống như cái thấy hiện giờ, cái nghe hiện giờ. Cái gì làm duyên cho cái thấy sinh khởi, cái gì làm duyên cho sự sợ hãi sinh khởi? Đều như nhau. Bất cứ cái gì sinh khởi cũng phải có nhân duyên phù hợp cho nó sinh khởi.
Câu hỏi: Vậy phải chăng, bất cứ khi nào sự sợ hãi sinh khởi, chúng ta phải nghĩ: “Do nhân duyên nên nó sinh khởi”
Achaan: Không, không phải là “chúng ta”. Cái gì là nhân duyên cho sự sợ hãi? Không phải là “bạn”. Bạn không muốn sự sợ hãi sinh khởi. Bạn có không muốn cái thấy sinh khởi không?
Trả lời: Như tất cả mọi người, một cách tự nhiên, tôi có xu hướng không thích cái tôi không thích, như sự sợ hãi chẳng hạn. Tôi muốn có những cảm giác dễ chịu như niềm vui hay cái gì đó tương tự. Tôi hiểu rằng, quả là chừng nào có nhân duyên cho cái gì đó sinh khởi, cho nỗi sợ hãi hay niềm vui sinh khởi (chúng sẽ sinh khởi), về mặt nguyên lý là hệt như nhau. Trên thực tế, bất cứ khi nào sợ hãi sinh khởi, tôi cũng hỏi “ai sợ?”, không ai cả, nhưng nỗi sợ thì vẫn còn đó. Chỉ thấy nỗi sợ hãi. Chỉ vậy thôi!.
Achaan: Đó chính là cái hiểu rằng nỗi sợ hãi không phải là ta. Tuy nhiên, mới chỉ là mức độ suy nghĩ rằng không có ai cả. Nếu chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa nỗi sợ và cái thấy, chúng ta sẽ thấy rằng cái thấy không phải là ai cả, nỗi sợ cũng không phải là ai cả, chúng sinh khởi bởi nhân duyên và rồi diệt đi ngay. Tại sao lại sợ, khi hiểu rằng bất cứ cái gì sinh khởi đều phải diệt đi do nhân duyên? Chánh kiến có thể hiểu, còn nếu ai đó hay người nào cố gắng thay đổi nó,thì nó đã diệt đi trước khi ai đó có thể làm gì. Không hề có cái ngã hay ai cả. Nỗi sợ không ở lại lâu, nó sinh rồi diệt ngay, cũng như mọi thực tại hữu vi khác, chỉ vậy thôi! Nỗi sợ là nỗi sợ, hay nỗi sợ là bạn?
Trả lời: Nỗi sợ là nỗi sợ, nhưng khi có ý niệm là “tôi” sợ, khi ấy mới là vấn đề!
Achaan: Vậy là có “tôi” và có nỗi sợ?
Trả lời: Cái “tôi” mới là vấn đề.
Achaan: Vâng, cái “tôi” mới là vấn đề. Bởi vì nỗi sợ sinh khởi rồi diệt đi ngay, nhưng cái “tôi” thì vẫn luôn còn đó, cho rằng mọi cái là “tôi” hay “của tôi”, “nỗi sợ của tôi”, thấy không? Trên thực tế, nỗi sợ không hề thuộc về ai cả.
Câu hỏi: Làm thế nào tôi có thể từ bỏ được cái “tôi” ấy? Achaan: Không có cái “tôi”. Vấn đề ở chỗ coi những gì xuất hiện là cái gì đó và là “tôi”. Chẳng hạn, cái gì được thấy hiện giờ?, Thấy không? Cái gì được thấy? Có phải là ai đó không?
Trả lời: Tôi thấy các đối tượng khác nhau.
Achaan: Nếu không có cái thấy, liệu có thể có ý niệm nào về các đối tượng khác nhau không? (Trả lời: Không ạ). Vậy cái thấy chỉ thấy, nó không thể hiểu cái gì được thấy. Và suy nghĩ là suy nghĩ, không phải là cái thấy, một khoảnh khắc khác tại một thời điểm khác, rất nhanh, cực kỳ nhanh. Nếu không được nghe lời giảng đúng từ các bậc thiện trí, từ đấng Giác ngộ, ai có thể nói cho người khác rằng không hề có cái ngã nào cả? Chỉ có hai loại thực tại: một thực tại không thể kinh nghiệm được gì và thực tại kia, bất cứ khi nào sinh khởi đều kinh nghiệm một đối tượng, không phải là một tự ngã hay một con người nào cả. Nỗi sợ là một loại thực tại có thể kinh nghiệm một đối tượng. Một cái chai thì không sợ cái gì cả. Nỗi sợ sinh khởi do nhân duyên và nó sợ cái mà nó kinh nghiệm; cả hai cái cùng diệt đi ngay, không hề còn nỗi sợ và đối tượng của nỗi sợ nữa, không bao giờ quay trở lại. Từng khoảnh khắc của cuộc sống qua đi không bao giờ trở lại. Ngày hôm qua không thể là ngày hôm nay.
Người phiên dịch: Anh ấy muốn kiểm tra xem anh ấy hiểu có đúng không. Sáng hôm nay, Bà đã đề cập đến ba loại “tôi”: cái đầu tiên là với tà kiến, cái thứ hai với sự dính mắc và cái thứ ba với ngã mạn. Chỉ có bậc a la hán mới có thể diệt trừ được cả ba loại “tôi” này, và chỉ có một cách loại bỏ ý niệm về “tôi” là hiểu các thực tại như chúng là. Như vậy có đúng không ạ?
Achaan: Ngã mạn có sinh khởi không? Nó có diệt đi không? Ai biết được điều này? Vị Thánh Dự lưu biết tất cả các pháp như chúng là. Ngay bây giờ, cái thấy sinh rồi diệt, sự thực là nó có thể được hiểu hay được nhận biết một cách trực tiếp. Khi trí tuệ (panna) phát triển, chánh kiến bắt đầu hiểu về các thực tại, từng chút một, cho đến khi trí tuệ có thể kinh nghiệm trực tiếp sự sinh và diệt của thực tại. Tại khoảnh khắc đó, không còn có tà kiến cho những gì sinh và diệt là “tôi” nữa, cho dù đó là ngã mạn hay bất cứ cái gì do nhân duyên. Đó là quả dự lưu – giai đoạn giác ngộ đầu tiên. Nhưng người ấy (vị Thánh Dự lưu) thực sự chân thực với trí tuệ của mình và biết rằng trí tuệ của mình mới chỉ ở giai đoạn đó, bởi vì vẫn còn có nhân duyên cho sự dính mắc vào các đối tượng ngũ dục và ngã mạn sinh khởi. Như vậy điều đó là chưa đủ. Nhờ nhân duyên và tuệ giác về những gì xảy ra trong cuộc sống, panna sẽ ngày càng phát triển, cho đến khi có khoảnh khắc thấy được hiểm họa của sự dính mắc vào các đối tượng ngũ dục, nó rất nguy hiểm, nó chỉ sinh khởi và diệt đi ngay, chỉ có kẻ ngốc mới bị dính mắc vào nó. Dù hiện giờ biết rằng, cái thấy không thể kéo dài; rằng tại khoảnh khắc của cái nghe, không hề có cái thấy, không thể có thực tại nào khác ngoài âm thanh và thực tại kinh nghiệm âm thanh tại khoảnh khắc đó. Hiểu như vậy đã là một mức độ của panna, nhưng tuệ giác cần phải được phát triển hơn nữa để thấy được hiểm họa của sự dính mắc vào các đối tượng ngũ dục như trước kia. Panna sẽ phát triển tới mức độ thấy được hiểm họa của sự dính mắc vào đối tượng ngũ dục. Đến quả vị Nhất lai (sakadagami) – giai đoạn tuệ giác thứ hai, sẽ bớt sự dính mắc, nhưng vẫn còn sự dính mắc vi tế vào đối tượng ngũ dục. Và trí tuệ tiếp tục phát triển dần dần trong cuộc sống hàng ngày, cho đến khi thấy được hiểm họa của sự dính mắc một cách đủ triệt để và chính xác để kinh nghiệm Tứ Thánh Đế (Ariya sacca) lần thứ ba. Tại khoảnh khắc đó, sự dính mắc vào đối tượng ngũ dục sẽ bị diệt trừ hoàn toàn, nhưng vẫn chưa phải là giai đoạn A la hán quả, và vẫn còn có ngã mạn. Vậy chúng ta có thể thấy trí tuệ được phát triển nhờ hiểu biết thực sự bất kỳ cái gì đang xảy ra. Khi có ngã mạn thô tháo và mạnh mẽ, chúng ta có thể thấy thông qua lời nói và hành động, nhưng khi nó vi tế hơn, ai có thể thấy được, ngoại trừ vị thánh Dự lưu, người có thể thấy được ngã mạn một cách vi tế.
Con nào khỏe hơn, con kiến hay con người? Con người hay con voi? Trí tuệ của người không hiểu Giáo lý một cách thấu đáo, chính xác, chỉ có đọc thôi và người đã nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, ai sâu sắc hơn? Cái gì sai hiện giờ? (Trả lời: Tà kiến ạ) Vô minh và tà kiến, rất mạnh!
Sarah: Sáng nay, bạn có nói về việc làm mọi thứ chậm lại và duy trì chánh niệm. Bạn có thể nói lại điều này được không?
Trả lời: Sáng nay, có một anh nói anh ấy muốn thấy trước mọi thứ, dường như là anh ấy muốn tránh các vấn đề trước khi chúng trở nên trầm trọng, tồi tệ và nguy hại. Tôi nghĩ rằng trong Giáo pháp có cách để giải quyết các vấn đề, để thay đổi tình hình, bởi vì mọi thứ đều thay đổi. Làm thế nào chúng ta có thể thấy được vấn đề trước khi nó trở nên tồi tệ? Cách duy nhất là phải làm sắc bén các giác quan để thấy được trước vấn đề trước khi chúng phát triển theo chiều hướng xấu. Để làm sắc bén giác quan, theo quan điểm của tôi là phải học quan sát, học tỉnh thức. Bước tiếp theo là phải làm sắc bén các giác quan bên trong của chúng ta, nhờ đó mới có thể thấy được tình huống trước khi chúng trở nên tồi tệ. Ý của tôi cơ bản là vậy.
Sarah: Câu hỏi mà chúng ta đã đưa ra thảo luận sáng nay và các hôm khác là liệu có đúng là không hề có “tôi” hay bất kỳ ai có thể làm việc gì, có thể quan sát, rèn luyện hay làm sắc bén, hay liệu những loại dhamma khác nhau như nỗi sợ hãi, lo lắng, cái thấy, cái nghe đều là các pháp hữu vi sinh khởi bởi nhân duyên riêng của chúng. Khi chúng ta nói “tôi có thể làm sắc bén” hay “tôi” có thể học điều này, vậy sự thực cái gọi là “tôi”, người có thể làm nhiều thứ, là cái gì? Trên thực tế, có các loại dhamma khác nhau sinh khởi bởi nhân duyên riêng của chúng, kể cả “hiểu”, hay “thấy” cũng không phải là “tôi” , bởi chỉ là cái thấy thấy một đối tượng thị giác, rồi một khoảnh khắc của cái nghe nghe âm thanh, và nó có thể làm duyên hoặc không cho trí tuệ sinh khởi hiểu các pháp này.
Trả lời: Nhưng vấn đề là nếu tôi muốn hiểu cái gì đấy, tôi phải buông bỏ phiền não của mình, tôi phải quan sát.
Sarah: Nhưng ai làm việc buông bỏ hay quan sát?
Trả lời: Đầu tiên tôi phải dẹp bỏ mọi phiền não, với cái còn lại sau đó, tôi không biết nó là gì, có thể là không có gì, nhưng tôi không quan tâm, sau đó tôi chỉ quan sát, tôi ở trong quá trình quan sát. Nếu tôi liên tục làm như vậy trong thời gian dài, tôi sẽ thấy được quy luật của hoàn cảnh mà tôi đang quan sát. Cái mà tôi đang quan sát là một tình huống hay sự việc, tôi sẽ thấy rằng nó liên tục thay đổi. Đó là lý thuyết của Phật giáo.
Sarah: Có thể hiện giờ đang có ý niệm rằng “tôi đang trong buổi thảo luận về Giáo pháp và “tôi đang thả lỏng” hay “tôi đang quan sát”, nhưng trên thực tế, chúng chỉ là các ý niệm của khoảnh khắc suy nghĩ hiện giờ. Chỉ là một khoảnh khắc suy nghĩ, có thể suy nghĩ về bất cứ cái gì, suy nghĩ về “tôi đang thả lỏng”. Nhưng trên thực tế, không có “tôi” buông thả cái gì cả. Chỉ là suy nghĩ “tôi đang thả lỏng”, “tôi đang quan sát”, một khoảnh khắc suy nghĩ về ý niệm đó mà thôi.
Trả lời: Nhưng tôi phải có suy nghĩ, đó là tự nhiên.
Sarah: Vâng, nhưng không phải là “tôi đang suy nghĩ”. Bản chất của suy nghĩ chỉ là suy nghĩ. Suy nghĩ có thể suy nghĩ về bất cứ điều gì. Sự thật thì suy nghĩ đang suy nghĩ về cái gì không quan trọng. Chỉ là những khái niệm. Nhưng tại khoảnh khắc suy nghĩ hiện giờ, có thể có cái hiểu rằng đó là một dhamma, là suy nghĩ sinh rồi diệt. Thông thường chúng ta cho các suy nghĩ và quan điểm của mình là rất quan trọng, nhưng sự thực, đó chỉ là khoảnh khắc của suy nghĩ tiếp nối sau khoảnh khắc của cái thấy hay khoảnh khắc của cái nghe; suy nghĩ về cái được thấy, được nghe; hay suy nghĩ về ý niệm “tôi đang thả lỏng”.
Betty: Mỗi một thực tại sinh khởi một lần tại một thời điểm. Không có “chúng ta” – người có thể kiểm soát hay biết trước thực tại nào sẽ sinh khởi vào cuối tuần hay hôm nay. Điều ấy là không thể. Điều quan trọng là phát triển hiểu biết về các thực tại sinh khởi tại các khoảnh khắc khác nhau. Chúng sinh rồi diệt ngay, đó là khoảnh khắc duy nhất chúng có thể được quan sát. Trên thực tế, chúng chỉ có thể được kinh nghiệm bởi citta mà thôi (chứ không phải ai quan sát). Khi tâm sân sinh khởi, có thể có sự ghi nhớ rằng đó là một thực tại, không phải là một con người.
Câu hỏi: Khi tâm hiện tại hay biết tâm kế trước, lúc đó tâm kế trước đã diệt rồi, vậy làm sao có thể coi đó là pháp chân đế (paramattha dhamma)?
Achaan: Cái gì đang xuất hiện bây giờ? Cái đã qua hay cái hiện tại? Trả lời: Tôi muốn hỏi bà về lý thuyết Vi diệu pháp. Xin hãy nhắc lại câu hỏi của Bà?
Achaan: Câu hỏi của tôi là, cái gì đang kinh nghiệm đối tượng thị giác hiện giờ? Một thực tại, một citta, nhãn thức, có đúng không? Bạn có thể biết rằng đó là cái đã qua hay là cái hiện tại không? Bởi vì cái hiện tại đã diệt đi hoàn toàn, ngay khi nó sinh khởi. Vậy cái gì còn lại? Chỉ là tướng của thức (vinnana nimita), sự tiếp nối của các tâm sinh diệt có thể được biết để hiểu rằng, nó là một thực tại có thể kinh nghiệm, và rằng đối tượng của nó là đối tượng thị giác, chỉ vậy thôi! Nó không thể nghe, không thể nghĩ, nó chỉ thấy. Nghĩ xem nó là cái đã qua hay là cái hiện tại không quan trọng, đó chỉ là suy nghĩ, nhưng cần học để hiểu rằng nó là một thực tại có thể kinh nghiệm đối tượng thị giác đang xuất hiện bây giờ.
Trả lời: Tôi không rõ lắm, bởi vì bây giờ tôi lại có thêm một khái niệm khác: tướng (nimita). Theo như tôi hiểu, pháp chân đế bao gồm: tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc (rupa) và niết bàn (nibanna). Mà bây giờ dường như chúng ta lại có thêm một thực tại khác, một loại pháp chân đế khác, nimita của thực tại? Tôi biết rằng nó rất trừu tượng nhưng tôi muốn làm rõ, ít nhất về mặt lý thuyết.
Achaan: Liệu suy nghĩ về nó có phải là khoảnh khắc trực nhận về nó trong khi nó sinh và diệt hay không?
Trả lời: Nhưng suy nghĩ cũng là một pháp chân đế khác, như cái thấy, cái nghe, cái ngửi, đúng không ạ?
Achaan: Tại khoảnh khắc của cái thấy, nghĩ rằng nó là vô ngã có phải là khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp đối tượng không? Đó là cái hiểu trực tiếp hay cái hiểu lý thuyết? Bởi vì nó sinh diệt rồi trở thành cái đã qua, không còn là hiện tại. Nếu nó không diệt đi, sẽ không bao giờ có khoảnh khắc hiện tại tiếp nối. Đó là sự hoài nghi về khái niệm và kể cả các thực tại. Khi chưa đến lúc có được cái hiểu trực tiếp, kinh nghiệm trực tiếp, liệu nó có thể là cái hiểu trực tiếp về sự sinh diệt như là của cái đã qua, cái hiện tại hay tương lai không? Chỉ là suy nghĩ nhiều về khái niệm, cho đến khi có kinh nghiệm trực tiếp.
Câu hỏi: Tôi đang tranh đấu (vẫn có cái “tôi” ở đây) cố gắng nắm bắt thực tại và giúp cho tôi hiểu về cái “tôi” trong thực tại này là gì. Đôi khi có sự hay biết trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng nó không duy trì lâu. Câu hỏi của tôi là về việc duy trì hay biết về thực tại. Ngay khi hay biết mất đi, tôi lại cố gắng kéo nó trở lại, đó là một cuộc tranh đấu nội tại.
Achaan: Luôn có cái “tôi” mọi lúc, đúng không? (Trả lời: Vâng ạ). Vậy cái mà bạn cho là “tôi” là cái gì? Bạn cho cái gì là “tôi” hiện giờ”?. Có “tôi”, và cái gì bạn cho là “tôi”? Trong suy nghĩ phải không?
Trả lời: Vâng ạ
Sarah: Chúng ta có thể thấy loại suy nghĩ về cái “tôi” này diễn ra trong mọi lúc và nó làm tăng những lo lắng, khó khăn và các cuộc tranh đấu đến nhường nào. Trên thực tế, vấn đề chính nằm ở suy nghĩ về cái “tôi”. Đó mới là vấn đề, những suy nghĩ cho rằng các thực tại là tự ngã, và cần phải kiểm soát cái gì đó, cần phải duy trì cái này hay cái kia, rằng không nên có tâm sân, không nên thế này hay thế kia. Các tư tưởng sai lệch ấy, suy nghĩ về cái “tôi” hay tà kiến đó là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta không thể sống thoải mái khi chúng ta bị ám ảnh với những gì “tôi” cần phải làm.
Achaan: Cái gì thúc đẩy sự tranh đấu để biết? Cái gì thúc đẩy? Vẫn là “tôi”, vô minh và dính mắc! Chánh niệm là thiện hay bất thiện?
Trả lời: Đối với tôi, chánh niệm chỉ là sự hiện diện.
Achaan: Là tốt hay xấu? Là thiện hay bất thiện?
Trả lời: Chỉ là sự hiện diện
Achaan: Tại sao vậy?
Trả lời: Tôi không thể duy trì sự hiện diện đó.
Achaan: Không có “tôi”
Trả lời: Vâng, Bà nói đúng, chỉ là sự hiện diện
Achaan: Giáo lý rất vi tế, không thể hiểu Giáo lý qua một vài từ. Ngay cả một từ cũng cần rất nhiều thời gian để thực sự hiểu nó, rằng nó là vô ngã. Bởi vì cái thấy sinh rồi diệt trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, vậy cái “tôi” ở đâu? Cái nghe thì nghe, nó diệt đi rất nhanh, vậy cái “tôi” ở đâu? Không thể coi bất cứ cái gì là tự ngã, là tôi hay của tôi. Bởi vì mọi thứ do nhân duyên, sinh rồi diệt hoàn toàn, phải vậy không? Đây chính là sự phát triển hiểu biết về bất cứ cái gì đang xuất hiện bây giờ. Hoặc là tùy pháp, hoặc là cố gắng kiểm soát thực tại. Cách thứ hai này là không thể! Thực tại đã diệt đi trước khi ai đó có thể nắm bắt hay cố gắng kiểm soát nó.
Sarah: Khi bạn nói rằng chánh niệm là sự hiện diện, ý bạn là gì khi nói “sự hiện diện”?
Trả lời: Là sự hay biết hoàn toàn về “tôi” và mọi thứ xung quanh. Tôi hiểu là ở mức độ này, tôi chưa thể buông được cái “tôi”, mà chỉ có thể hay biết, hay biết thuần túy mọi thứ xung quanh.
Achaan: Nhưng chỉ một thứ tại một thời điểm. Cái gì là đối tượng của sự hay biết ấy? Hay biết về cái gì?
Trả lời: Hay biết về sự hiện diện
Achaan: Sự “hiện diện” đó, nó là cái gì vậy?
Trả lời: Là sự hay biết hoàn toàn và hiểu các cảm xúc, hoàn cảnh và tại sao mọi thứ lại như vậy.
Achaan: Rất nhiều thứ… hay một thứ tại một thời điểm?
Trả lời: Nhiều thứ trong một thứ tại một thời điểm.
Achaan: Cái thấy là một thứ, cái nghe là một thứ khác, không như cái thấy. Vậy đối tượng của hay biết là gì? Để có thể nói rằng đó là chánh niệm, cần phải có một đối tượng cụ thể và trực tiếp, có vậy mới có thể biết đặc tính của chánh niệm.
Câu hỏi: Trên thực tế, sự hiện diện, hay biết, chánh niệm và hạnh phúc là cuộc sống, nhưng có các đặc tính khác nhau. Tôi hiểu như vậy có đúng không?
Sarah: Chúng ta đang bàn về các thực tại và Giáo lý của Đức Phật là giúp hiểu về các thực tại. Cái thấy là một thực tại, đối tượng thị giác là một thực tại, suy nghĩ là một thực tại. Chánh niệm cũng là một thực tại, nhưng chánh niệm – tiếng Pali gọi là “sati”, thì hay biết một thực tại. Khi chúng ta bàn về hay biết về hoàn cảnh nào đó, hay một khối, hay một niềm hạnh phúc trọn vẹn nào đó, đó không phải là sati hay biết về thực tại. Đó là lý do vì sao chúng ta cần nghe và suy xét nhiều hơn nữa về thực tại, như chúng ta đã thống nhất sáng nay rằng, cái cứng là một thực tại, sự dính mắc cũng là một thực tại. Những thực tại này có thể được biết trực tiếp. Khi có cái hiểu về các thực tại, tại khoảnh khắc ấy sẽ có chánh niệm về thực tại đó. Tại khoảnh khắc kinh nghiệm đặc tính cứng, có thể có chánh niệm về đặc tính cứng. Nếu chúng ta nghĩ rằng có thể có chánh niệm về toàn bộ tình huống, về mọi người trong căn phòng này, tất cả đến cùng một lúc với nhau, trên thực tế, đó chỉ là suy nghĩ về một câu chuyện, không phải là chánh niệm về thực tại. Đó là lý do vì sao Achaan vừa nói chúng ta phải hiểu rất chính xác mỗi lúc từng từ một. Hãy tìm hiểu xem thực tại hiện giờ là gì, có vậy mới có thể có chánh niệm về thực tại, nếu không sẽ chỉ có những ý niệm rằng “tất cả là một”, “kinh nghiệm về sự yên lặng” hay “duy trì chánh niệm” – cái thực sự không phải là chánh niệm. Achaan vừa hỏi bạn “nó là tốt hay xấu”, chánh niệm phải là tốt, là thiện pháp, nếu không, đó không phải là chánh niệm. Đó là lý do vì sao chúng ta cần tiếp tục nghe thêm về các thực tại, để qua đó biết được cái gì có thể là đối tượng của chánh niệm.
Câu hỏi: Sự thực và thực tại có khác nhau không?
Sarah: Thực tại là sự thực
Câu hỏi: Vậy nó là như nhau?
Sarah: Cái gì là có thực thì là thực.
Trả lời: Vâng, nhưng cái gì có thực thì không thay đổi. Cái gì thay đổi thì không phải là thực. Sáng nay, Achaan có nói về hai loại thực tại: một thực tại không kinh nghiệm cái gì cả và thực tại khác thì kinh nghiệm…
Sarah: Cái đầu tiên là thực tại không kinh nghiệm cái gì cả, như đặc tính cứng và đối tượng thị giác. Có thể có chánh niệm về đặc tính cứng khi nó xuất hiện. Có thể có chánh niệm về đối tượng thị giác khi nó xuất hiện. Còn (cái kia là) thực tại có thể kinh nghiệm cái gì đó, chẳng hạn như cái thấy, cái nghe. Có thể có chánh niệm về cái nghe, có thể có chánh niệm về cái thấy, bởi vì chúng là các thực tại.
Achaan: Nếu không hề có thực tại, liệu có thể có sự thực nào không? (Trả lời: Không ạ). Vậy sự thực là gì? Sự thực của thực tại ấy? Sự thực của các thực tại là, thực tại do duyên khởi, nếu không nhân duyên, thực tại không thể sinh khởi. Cái gì xảy ra hiện giờ là do nhân duyên. Khi nó xuất hiện, có nghĩa là nó đã sinh khởi, đó là sự thực của mọi thực tại hữu vi.
Câu hỏi: Có thực tại hữu vi và có thực tại vô vi?
Achaan: Cái thấy sinh khởi do nhân duyên, cái nghe sinh khởi do nhân duyên. Có nhân duyên cho chúng sinh khởi.
Câu hỏi: Như tôi hiểu, có hai loại thực tại, vậy có hai loại sự thực. Tôi không thực sự rõ thực tại hữu vi là gì và thực tại vô vi là gì? Nhưng tôi hiểu rằng có hai loại sự thực: loại đầu tiên là các khái niệm mà chúng ta dùng để giao tiếp, chẳng hạn như chúng ta nói “đây là cái chai”, và loại thứ hai, chúng ta không đặt tên hay dán nhãn cho nó, theo Giáo lý Phật giáo, chúng ta không gọi nó là chai nước, bởi vì không có chai nước, chỉ là một khái niệm mà thôi.
Sarah: Sáng nay chúng ta đã bàn về hai loại thực tại tuyệt đối: Danh pháp (nama) là loại thực tại có thể kinh nghiệm một đối tượng và sắc pháp (rupa) là thực tại không thể kinh nghiệm một đối tượng. Cái mà bạn đang nói đến ở đây là hai loại sự thực: chân đế và tục đế. Tục đế giống như khi chúng ta nói “đây là chai nước”, “đây là cái bàn để đặt sách vở lên đó”. Tất cả mọi người đều biết điều này, chúng ta không cần một vị Phật dạy cho chúng ta biết điều đó. Vì vậy trên khía cạnh tục đế, dù cho chúng ta có được nghe Giáo lý hay không, nó vẫn là sự thật, nó vẫn đúng, đây vẫn là một chai nước. Sự thực thứ hai là pháp chân đế (paramattha sacca), có nghĩa là cái được thấy là đối tượng thị giác, cái được chạm là đặc tính cứng, vì vậy ngay cả khi chúng ta tiếp tục sử dụng sự thực tục đế, thì theo nghĩa tuyệt đối, vẫn chỉ có nama và rupa, chỉ là các thực tại có thể kinh nghiệm một đối tượng, như cái thấy và cái nghe, và những thực tại không thể kinh nghiệm cái gì, như đặc tính cứng và đối tượng thị giác.
Câu hỏi: Thực tại hữu vi là gì?
Sarah: Chỉ có các thực tại tuyệt đối, nama và rupa, mới là các thực tại hữu vi. Bởi vì cái chai hay cái bàn chỉ là các ý niệm trong tâm, chúng chỉ là khái niệm. Đó là suy nghĩ về khái niệm. Khoảnh khắc suy nghĩ về cái chai nước là thực, suy nghĩ là thực, nó do duyên khởi, nhưng ý niệm về chai nước hay về những bông hoa sen màu hồng trong ao chỉ là các ý niệm. Ý niệm không sinh và diệt. Chỉ có suy nghĩ là thực và nó do nhân duyên.
Câu hỏi: Suy nghĩ không phải là do nhân duyên phải không?
Sarah: Chính do nhân duyên mà có suy nghĩ theo cách này hay cách khác. Bởi vì tâm sở tầm (vitaka), tâm sở tưởng (sanna)… cần nhân duyên để sinh khởi, để suy nghĩ về điều này hay điều kia. Nhưng trên thực tế, chỉ có suy nghĩ mới có thể được biết trực tiếp, nó là một thực tại tuyệt đối, nó do duyên khởi tại khoảnh khắc đó. Còn các ý niệm hay giấc mơ mà chúng ta nói đến không tồn tại do nhân duyên. Đối tượng của giấc mơ không phải là thực, nó chỉ là suy nghĩ hay là sự tưởng tượng về điều nào đó, trên thực tế, cũng giống như khi chúng ta nói về cái chai nước, chỉ là ý niệm được nói đến, giống như trong mơ vậy.
Câu hỏi: Câu hỏi của tôi là: Ngày hôm qua chúng ta bàn về việc chúng ta đang thấy gì hiện giờ, đang nghe gì hiện giờ, trên thực tế chỉ là bàn về các khái niệm, bởi vì chúng ta không kinh nghiệm thực tại hiện giờ, chúng ta không có trí tuệ (panna). Khi chúng ta bàn về việc biết khoảnh khắc hiện tại như cái biết, cái nghe, cái thấy, trên thực tế, cái chúng ta biết chỉ là khái niệm trong tâm. Có thể nói rằng khi tôi nghe cái gì đó, ngay lập tức, tôi đã hiểu ý nghĩa của từ được nghe. Trên thực tế, tôi không kinh nghiệm thực tại, mà chỉ biết về các khái niệm. Câu hỏi là, làm thế nào có thể có nhân duyên cho panna sinh khởi để biết thực tại trong tương lai?
Achaan: Thực tại có dễ dàng được hiểu và kinh nghiệm không? (Trả lời: Không ạ). Rất khó! Chúng ta phải học rất kỹ lưỡng, mỗi lần từng từ một, như tại khoảnh khắc của cái thấy, có cái gì? Tại khoảnh khắc của cái thấy, có mọi người trong phòng này không?
Trả lời: Có đối tượng thị giác ạ.
Achaan: Bạn có thể nói đối tượng thị giác, nhưng bạn vẫn có ý niệm về mọi người và mọi thứ trong phòng này. Đó là lý do vì sao chúng ta nên hiểu những điều Đức Phật dạy, như cái thấy thì không phải là suy nghĩ, không phải là tự ngã, nó chỉ là một yếu tố có thể kinh nghiệm đối tượng thị giác, bạn không cần phải gọi cái thấy là “thấy” – nó thấy, cho dù chúng ta nói bằng tiếng Thái, tiếng Anh hay tiếng Việt Nam. Nó là thực bởi vì nó thấy, nó có thể thấy, nó không thể suy nghĩ, nó không thể nghe, có đúng không? Bây giờ, cái thấy thấy. Cái thấy thấy gì? Cái nó có thể thấy là cái có thể được thấy. Cái cứng có thể được thấy không? Mùi hương có thể được thấy không? Nhãn căn có thể được thấy không? Không, không thể! Chỉ có một thực tại có thể được thấy và bây giờ nó đang xuất hiện. Nó xuất hiện trong vô minh hay với trí tuệ? Để hiểu đối tượng thị giác như nó là, phải có sự suy xét về cái gì có thể là đối tượng của cái thấy. Cái cứng có thể là đối tượng của cái thấy không? Thông qua căn nào và tại khoảnh khắc nào cái cứng được kinh nghiệm?
Trả lời: Thông qua thân căn và tại khoảnh khắc của sự xúc chạm.
Achaan: Như hiện giờ, có sự xúc chạm không? Có chánh niệm và hiểu về cái cứng như là một thực tại không? (Trả lời: Bà biết đấy…). Thấy không? Tất cả mọi người đã được nghe nhiều về cái cứng. Nó chỉ có thể được chạm, nó không thể được thấy, không thể được nghe. Nhưng khi có sự xúc chạm, không có cái hiểu về cái được xúc chạm chỉ là một thực tại. Ngay cả khi có sự xúc chạm vẫn không có cái hiểu. Bởi vì đối tượng không xuất hiện đủ rõ cho chánh niệm và trí tuệ biết nó, bởi vì nó xuất hiện trong vô minh. Đó là lý do vì sao trong một ngày có rất nhiều khoảnh khắc xúc chạm nhưng không hiểu về cái được chạm chỉ là một thực tại, rằng đó không phải là khoảnh khắc của cái nghe, cái thấy. Tại khoảnh khắc của sự xúc chạm, có cái nghe và cái thấy nhưng nó không phải là cái được chạm, có đúng không? Tất cả mọi thứ sinh rồi diệt trong khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi. Rất, rất khó để hiểu được nó. Nhưng Đức Phật đã dạy cho chúng ta sự thực của những gì xuất hiện vào khoảnh khắc nào.
Sarah: Có phải lúc ban đầu khi đặt câu hỏi, bạn nói rằng cái thấy hiện giờ thấy khái niệm?
Trả lời: Đúng vậy, bởi vì chúng ta đều biết rằng chúng ta không thể kinh nghiệm thực tại.
Sarah: Hãy làm rõ điểm này: Dù có hay không có trí tuệ ,dù chúng ta đã được nghe Giáo lý hay chưa, thì cái thấy luôn thấy đối tượng thị giác, một thực tại. Như vậy, thực tại luôn được kinh nghiệm, nhưng do vô minh mà không có cái hiểu đúng về thực tại. Tuy nhiên, cái thấy vẫn thấy đối tượng thị giác. Mục đích của tuệ giác là hiểu những gì đang được kinh nghiệm, không khác với những gì đang được kinh nghiệm trong vô minh. Cái thấy vẫn thấy thực tại là đối tượng thị giác và sau đó có suy nghĩ về nó. Vì vậy cho dù có hiểu biết hay không, nó vẫn là thực tại được thấy, không phải là khái niệm. Bạn đồng ý không?
Trả lời: Đúng vậy.
Câu hỏi: Liệu có sự khác biệt nào giữa cái thấy và cái biết không?
Achaan: Điều ấy còn tùy thuộc vào ý nghĩa ngôn từ bạn sử dụng, nhưng thực tại vượt lên trên ngôn từ, bởi vì có cái thấy, cho dù bạn gọi nó là cái biết hay cái thấy hay là gì đi chăng nữa. Vẫn có cái thấy, hiện giờ nó đang thấy.
Câu hỏi: Bởi vì tôi nghĩ nếu chúng ta nói về những thứ như cái thấy, cái nghe, dường như chúng ta hướng đến đối tượng. Nhưng chúng ta đang bàn về cái chủ thể thuần túy, cái biết thuần túy. Tôi thấy rằng, cái khoảnh khắc mà ta nói, hay nghĩ “đó là cái cứng”, là khoảnh khắc có cái biết. Nếu không, ta không thể biết đặc tính cứng.
Achaan: Tôi muốn nói rằng cái cứng không thể biết cái gì cả.
Trả lời: Nhưng phải có cái gì đó biết cái cứng.
Achaan: Khi không có sự xúc chạm, cái cứng không thể xuất hiện. Sự xúc chạm không phải là cái cứng. Đó là thực tại kinh nghiệm đặc tính cứng. Nó là một thực tại, không phải là tự ngã, không phải là “tôi” chạm. Bạn thấy không, ngay cả khi có đối tượng thị giác đang xuất hiện bây giờ, vẫn rất khó để hiểu rằng nó chỉ là thực tại được thấy xuất hiện , không có ai trong đó cả. Giống như khi bạn nhìn vào gương, có bạn ở trong gương không?
Trả lời: Đôi khi nảy ra câu hỏi “ai xuất hiện trong gương vậy?”. Trước kia không có suy nghĩ như vậy, nhưng bây giờ thì…
Achaan: Bất cứ lúc nào bạn nhìn vào gương, thì đó vẫn là bạn, không phải là ai khác, có đúng không? Cho dù loại thực tại nào xuất hiện, khi không có hiểu biết, sẽ có luôn suy nghĩ coi hình khối là cái gì đó hay ai đó. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ, như “có tôi trong gương”, hay cái bàn và cái ghế ở trong gương. Nhưng trên thực tế, nó chỉ là cái được thấy với hình khối, cho dù ở trong hay không ở trong gương, nó luôn là ai đó hay vật gì đó. Không dễ để hiểu lời dạy của Đức Phật, bậc giác ngộ, nhưng sự thực là sự thực. Kể từ bây giờ, có thể có khoảnh khắc của suy nghĩ và hiểu cái được thấy, cái được xúc chạm như chúng là. Cái cứng thì không phải là sự xúc chạm. Chắc chắn phải có một thực tại kinh nghiệm cái cứng, nhờ đó, đặc tính của cái cứng mới xuất hiện. Trong một ngày, cái cứng xuất hiện rất, rất nhiều lần, tại khoảnh khắc của sự xúc chạm. Khi chúng ta thức dậy, có sự xúc chạm, cái mềm, cái cứng xuất hiện mà không hề được hay biết. Nó bị coi là cái gì đó: bàn và ghế, thìa và dĩa, mọi lúc, không hề hiểu cái mềm chỉ là cái mềm, cái cứng chỉ là cái cứng, cũng như đối tượng thị giác chỉ là đối tượng thị giác, không hề có ai trong đó cả. Nhưng vì chúng ta vốn sống trong vô minh và luôn ghi nhớ về hình khối, suy nghĩ nhiều về mọi thứ giống như tia chớp. Khi cái thấy diệt đi, suy nghĩ theo sau ngay lập tức, từ sự tích lũy. Liệu một đứa bé hay một trẻ sơ sinh có thể biết điều gì về cái được thấy không? Không hề có ý niệm gì, bởi vì nó xuất hiện trong sự vô minh. Khi đứa bé lớn lên, nó bắt đầu để ý và cho cái được thấy với hình khối là cái gì đó, có đúng không? Luôn có sự tiếp nối của các citta từ khi sinh ra, liên tiếp, liên tiếp cho đến bây giờ. Nhưng mỗi tâm đều do duyên khởi, nó vô thường (aniccam), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Không dài đến mức như khi nói “chúng ta được sinh ra, rồi già đi…” hay cái gì đó tương tự. Như thế quá lâu. Trên thực tế, nó chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi. Mọi thứ đều do duyên mà sinh khởi, thực hiện chức năng của nó và rồi diệt mất hoàn toàn. Nó giống như màn trình diễn của một ảo thuật gia. Không có ai ở đó cả. Không ai cả. Chỉ là các thực tại khác nhau mà thôi. Cái cứng và cái mềm luôn diệt đi với ý niệm về cái gì đó. Đối tượng thị giác hiện giờ diệt đi với ý niệm về con người và đồ vật. Đều như nhau cả. Đối tượng thị giác không thể biết gì cả, nó chỉ có thể được thấy. Cả bốn loại sắc chính, Tứ đại (cái mềm, cái cứng,…) đều không thể được nhìn thấy. Cái có thể kinh nghiệm thì không thể được nhìn thấy. Dính mắc không thể được nhìn thấy hay bất cứ cái gì khác đều không thể được nhìn thấy. Chỉ có một thực tại có thể được thấy. Không có cái hiểu, nó sẽ diệt đi với ý niệm về con người và đồ vật trong đó. Và chánh niệm nghĩa là gì? Không có cái hiểu lý thuyết, sẽ không hề có nhân duyên để hiểu cái đang xuất hiện bây giờ như nó là, là không có ai trong đó cả, chỉ là cái cứng, cái mềm,…
Sarah: Vậy các thực tại đều như nhau, không hề thay đổi trong cuộc sống hàng ngày, cái thấy luôn thấy đối tượng thị giác, cái cứng luôn có đặc tính cứng. Các thực tại sinh và diệt, thông thường, chúng cứ sinh và diệt với sự vô minh. Song có thể bắt đầu hiểu về chúng mà không có sự thay đổi về cách cuộc sống vẫn tiếp diễn hay về các loại thực tại khác nhau đang kinh nghiệm và được kinh nghiệm. Không có gì khác để làm, không có gì đặc biệt phải làm, cho dù đang đọc báo hay xem ti vi hay ngồi ở đây, đều chỉ là các thực tại như nhau mà thôi. Dù sao thì vấn đề chỉ là bắt đầu phát triển hiểu biết về cái gì đang sinh và diệt.
Câu hỏi: Cái hiểu này rất khó giải thích, có đúng không?
Sarah: Cái hiểu bắt đầu phát triển như hiện giờ. Hiện chúng ta đang nghe lời giảng rằng, chỉ có đối tượng thị giác là cái được thấy, chỉ có cái cứng là cái được kinh nghiệm. Vậy bằng việc nghe như vậy, cái hiểu sẽ bắt đầu phát triển, không ai phải làm cái gì cả. Không cần nghĩ xem liệu nó dễ hay khó, nhanh hay chậm. Bây giờ, cái hiểu tự nó bắt đầu phát triển một cách tự nhiên nhờ việc lắng nghe về các thực tại. Điều quan trọng là cần tiếp tục lắng nghe, suy xét hơn nữa về các thực tại ở khoảnh khắc này là gì. Cách hiểu như vậy sẽ phát triển một cách tự nhiên, không cần phải làm cái gì đó khác thường hay làm chậm lại, hay chánh niệm về một khối hay một cái gì đó. Chỉ có cách suy xét hơn nữa về thực tại mà thôi.
Câu hỏi: Vậy khái niệm “phát triển hiểu biết” thực chất là sai, bởi vì theo tôi hiểu, dường như Bà đang nói rằng hoặc là có sự hiểu biết hoặc là không, rằng không có cái hiểu dần dần, phải là cái hiểu ngay lập tức, tức là chỉ có đốn ngộ chứ không có tiệm ngộ?
Sarah: Trên thực tế, nó phải dần dần. Nó bắt đầu với cái hiểu rất yếu ớt như hiện giờ. Chúng ta bắt đầu nghe về các thực tại, vì thế nó là cái hiểu còn rất yếu ớt và mỗi lần nó sinh khởi, nó được tích lũy. Cũng giống như dính mắc tạo thêm sự dính mắc. Vậy hiện giờ, mỗi lần có thêm chút hiểu biết, hiểu biết lại tăng trưởng, phát triển nhưng không phải là “chúng ta” , hay “ai đó” có thể làm việc gì hay làm cho nó phát triển. Tự hiểu biết sẽ phát triển nhờ việc suy xét kỹ lưỡng về thực tại hiện giờ là cái gì.
Câu hỏi: Vậy chúng ta không cần chủ động hay sao?
Sarah: Không, bởi vì không có “chúng ta” – người có thể làm việc gì. Đó chính là chánh kiến, bởi vì không hề có “chúng ta” – người có thể làm. Câu hỏi: Vậy cũng không cần cả nỗ lực ư?
Sarah: Khi có cái hiểu như hiện giờ, chúng ta đang nghe về cái cứng, có thể bắt đầu hiểu rằng cái cứng được kinh nghiệm. Ngay tại khoảnh khắc của cái hiểu yếu ớt đó vẫn có cả chánh tinh tấn.
Achaan: Chúng ta có thể nghĩ về nỗ lực theo cách chúng ta nghĩ, nhưng trên thực tế, ngay cả tại khoảnh khắc không có hiểu biết, vẫn có nỗ lực. Tại giây phút vô minh, không có hiểu biết, vẫn có nỗ lực, bởi vì đó không phải là “bạn” đang cố gắng.
Câu hỏi: Vậy phát triển hiểu biết là tự nhiên, vô tác đúng không?
Achaan: Thực tại là thực tại, chúng không thuộc về ai cả. Không ai có thể kiểm soát nó, tạo ra nó.
Câu hỏi: Sự khác nhau giữa tâm sở tưởng (sanna cetasika) và tâm sở niệm (sati cetasika) là gì và vai trò của sanna cetasika trong tâm đạo (magga citta) là gì?
Sarah: Trước khi bàn về vấn đề này, (hãy quay trở lại với) câu hỏi trước của bạn về nimita. Tôi muốn nói thêm một chút về điều này, bởi vì tôi nghĩ rằng bạn vẫn chưa thấy thỏa đáng. Tôi hiểu điều ấy bởi vì tôi đã từng hỏi chính câu hỏi ấy. Bạn có nói: chỉ có citta, cetasika và rupas là các pháp chân đế, và bây giờ chúng ta lại nghe thêm về nimita. Khi có chánh niệm về đối tượng thị giác, trên thực tế, bản thân đối tượng thị giác đã diệt mất ở nhãn môn. Chánh niệm sinh khởi ở tiến trình tâm ý môn. Chỉ còn tướng hay nimita của đối tượng thị giác vừa diệt đi. Trên thực tế, theo kinh điển, nó vẫn được coi là đối tượng hiện tiền, bởi vì đặc tính của nó giống hệt như là bản sao hoàn hảo của đối tượng hiện tiền. Vậy nếu chúng ta nghĩ quá nhiều về việc liệu nó có thực sự là đối tượng hiện tiền hay là nimita hay là cái gì đó tương tự, nó sẽ khiến ta càng thêm băn khoăn. Chánh niệm hay biết đặc tính của thực tại được kinh nghiệm, nhưng bạn nói đúng, trên thực tế, nó là nimitta của đối tượng thị giác.
Trả lời: Cảm ơn Bà, tôi đã suy nghĩ về câu hỏi này được một thời gian. Bởi vì nếu ta nói pháp chân đế chỉ có citta, cetasika, rupa và nibanna. Vậy khi đề cập đến nimitta, chúng ta phải xem liệu đó là citta, cetasika hay….
Sarah: Đó là lý do vì sao chúng ta càng nghiên cứu và suy xét, chúng ta càng thấy Giáo lý sâu sắc và vi tế. Niết bàn không sinh và diệt, vì vậy nó không có nimitta, nó là vô tướng pháp (animitta-dhamma). Nhưng tất cả các thực tại khác: citta, cetasika và rupa đều sinh và diệt cực kỳ nhanh, giống như khi chúng ta xoay thanh lửa, nó tạo ra một dấu hiệu hay hình bóng, đó chính là nimitta hay hình bóng của thực tại. Nhưng thông qua phát triển hiểu biết, chúng ta có thể nói nó là một thực tại, nó là nama hay rupa được kinh nghiệm, nhưng trên thực tế, nó là nimita. Chúng ta cứ gọi nó là đối tượng hiện tiền. Điều đó không quan trọng, chẳng hạn, đối tượng hiện tiền được biết đang sinh khởi trong tiến trình nhãn môn hay trong tiến trình ý môn. Điều đó không quan trọng, bởi vì nó giống hệt với thực tại. Trên thực tế, khi thực tại không còn được kinh nghiệm trong tiến trình nhãn môn, nó tiếp tục được kinh nghiệm trong tiến trình ý môn, lúc ấy nó phải là nimitta của thực tại, bởi vì khi ấy bản thân thực tại đã diệt đi rồi. Tôi xin nói rất vắn tắt về niệm (sati) và tưởng (sanna). Tất cả các tâm đều sinh khởi cùng với sanna, nó đánh dấu và ghi nhớ đối tượng. Tại khoảnh khắc của cái thấy, sanna sinh khởi, đánh dấu và ghi nhớ đối tượng thị giác được thấy. Nhờ có sanna ghi nhớ, đánh dấu hình dạng và màu sắc mới có sự nhận ra đây là con cá, con người hay cái chai. Sanna có thể sinh khởi cùng với tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả hay tâm duy tác. Sanna sinh khởi cùng với tất cả các tâm để đánh dấu và ghi nhớ đối tượng. Chánh niệm hay sati sinh khởi với tất cả các tâm tịnh hảo (sobhana citta), tức là tất cả các tâm thiện (kusala citta) và tâm quả thiện (kusala vipaka citta). Sati sinh khởi hay biết đối tượng theo cách thiện. Nó ngăn chặn bất thiện pháp tại khoảnh khắc đó. Chánh niệm có nhiều mức độ khác nhau. Chúng ta hay nói chánh niệm về thực tại, nhưng ngay tại khoảnh khắc bố thí, cũng có cả chánh niệm khi đó.
Câu hỏi: Cả sanna và sati đều biết đối tượng. Nhưng mức độ của sati cao hơn sanna phải không? Sarah: Chúng có các chức năng riêng. Sanna chỉ đánh dấu và ghi nhớ đối tượng theo cách đúng hay cách sai. Ngay cả tại khoảnh khắc của tâm quả (vipaka citta) như cái thấy – là quả của nghiệp quá khứ, sanna cũng đánh dấu đối tượng, chỉ đánh dấu và ghi nhớ đối tượng. Nhưng sati thì chỉ hay biết đối tượng theo cách thiện mà thôi. Câu hỏi: Vậy sanna tạo duyên cho việc hình thành các khái niệm và sati tạo duyên cho hiểu biết sinh khởi?
Sarah: Đúng vậy, không có sanna sẽ không thể có sự ghi nhớ về các khái niệm. Không có sati, sẽ không thể có chút hiểu biết nào, không thể có các thiện pháp khác sinh khởi. Vậy sati rất quan trọng cho các tâm thiện sinh khởi. Nhưng ngay cả khi chúng ta bị cuốn theo một câu chuyện dài, sanna vẫn luôn đánh dấu đối tượng, đó là lý do vì sao chúng ta có thể ghi nhớ các tên gọi… nhờ có sanna.
Câu hỏi: Vậy chức năng của sanna trong khoảnh khắc của tâm đạo (magga citta) là gì?
Sarah: Tại khoảnh khắc của tâm đạo, sanna đi kèm với tâm đạo siêu thế và kinh nghiệm Niết bàn. Khi đó, nó ghi nhớ Niết bàn, Niết bàn là đối tượng. Nó đánh dấu và ghi nhớ đối tượng theo cách thiện.
Câu hỏi: Ngay cả khi sanna là thiện, chức năng của nó vẫn khác với chức năng của sati, có phải không ạ?
Sarah: Đúng vậy, sati thì hay biết còn sanna thì ghi nhớ, bởi vì sanna ghi nhớ đối tượng đó. Đó là lý do vì sao sau đó đối tượng có thể được nhớ lại.
Câu hỏi: Tại khoảnh khắc của sati, cũng có cả sanna thiện ghi nhớ và đánh dấu đối tượng?
Sarah: Như hiện giờ, khi chúng ta được nghe nhiều về đối tượng thị giác, vậy tại khoảnh khắc của cái hiểu, chánh niệm hay biết đối tượng thị giác và sanna ghi nhớ đối tượng đó, sau đó có thể có cái hiểu về cùng đối tượng và có sự ghi nhớ tại khoảnh khắc đó.
Achaan: Có sanna hiện giờ không?
Trả lời: Có ở mọi khoảnh khắc.
Achaan: Có sati hiện giờ không?
Trả lời: Luôn cần trở về với hiện tại. Không có hiện tại, không thể có trí tuệ trong tương lai.
Achaan: Mà chỉ có khái niệm về nó mà thôi.