Pháp đàm sáng 09-09-2013 tại Vũng tàu

19/      Pháp đàm buổi sáng ngày 09/09/2013 tại Vũng tàu.

 

Học viên 28: Con đã hành thiền 2 năm, nhưng rất khó khăn để đọc Pháp, gần đây con thấy cần phải đọc sâu hơn. Khi tham dự pháp đàm, hai ngày đầu tiên con thấy rất mơ hồ khó hiểu, nhưng đến ngày hôm qua thì con đã bắt đầu hiểu hơn và thấy thích thú. Con muốn hỏi xem những cuộc pháp đàm như thế này có phải có ích hơn rất nhiều so với việc chỉ đọc pháp đơn thuần?

Achaan:         Mỗi khoảnh khắc đều sinh khởi do duyên, đó là câu trả lời. Chúng ta vẫn chưa được học đầy đủ về các duyên hệ, ngoài 24 loại duyên hệ chính ra còn có những loại duyên hệ phụ nữa, chúng ta cần biết rõ những điều đó để hiểu về thực tại hiện giờ đang xuất hiện. Không phải chỉ là học những ngôn từ trong sách như “tác ý” hay là “cái thấy” mà cần phải hiểu rằng tất cả cái thực tại ấy đang đang xuất hiện hiện giờ, và sẽ thấy rằng Đức Phật thực sự dạy về tất cả mọi pháp. Một số người bắt đầu với việc đọc sách. Nhưng điều ấy không đúng đắn bởi nếu hiện giờ cái đang xuất hiện không được hiểu, bởi vì tất cả các cuốn sách của giáo lý đều là về hiện giờ, như vậy nghiên cứu Giáo lý có nghĩa là bắt đầu hiểu những gì đang xuất hiện hiện giờ, từng bước một, và điều ấy sẽ tạo duyên cho Trí tuệ phát triển một cách từ từ cho đến khoảnh khắc giác ngộ. Lâu quá hay sao? Nhưng chúng ta có thể thấy hôm nay có hiểu tốt hơn một chút so với hôm qua.

 Vị sư 4:         Bà có thể giải thích rõ hơn về những duyên cho chánh niệm sinh khởi?  Chánh niệm được phát triển như thế nào?

Achaan:         Sati (chánh niệm) có phải là tự ngã không? Chánh niệm có thể sinh khởi mà không phải do duyên không? Những ngôn từ trong Giáo lý thì không thể thay đổi, đó là những lời về thực tại tuyệt đối đến từ sự giác ngộ của Đức Phật. Nếu như ta nhận ra rằng không có gì có thể sinh khởi mà không phải do duyên, thì cũng như vậy, sati (chánh niệm) hay bất cứ pháp nào cũng cần có duyên cho chúng sinh khởi. Chúng ta không nên chỉ nghe ai đó nói với mình “hãy phát triển chánh niệm đi” mà không hề hiểu chánh niệm là gì. Chúng ta phải phát triển từ việc nghe và tìm hiểu về cái mà chúng ta được nghe thật rõ ràng để hiểu thực sự cái nói tới là gì, và như vậy phải bắt đầu từ việc đặt câu hỏi chánh niệm là gì. Nếu ta không hề có cái hiểu về chánh niệm mà chỉ muốn có chánh niệm thì điều ấy là đúng hay sai đây? Chánh niệm cũng phải bắt đầu với bất cứ cái gì đang xuất hiện hiện giờ, cái thấy (nhãn thức) có phải là chánh niệm không? Nếu không có cái hiểu thì sẽ không có câu trả lời cho câu hỏi này. Để có thể nói về thực tại thì cái hiểu đúng phải rất chính xác ngay từ lúc ban đầu. Chúng ta không nên trộn lẫn các thực tại với nhau vì như vậy thì rất khó để hiểu chúng một cách đúng đắn.

Bây giờ là thời điểm để chúng ta suy xét, để cho cái hiểu ấy trở thành cái hiểu của bạn, chứ không phải chỉ đơn thuần là ai đó nói cho bạn biết, đó chẳng phải là điều mà bạn muốn có được từ Giáo lý của Đức Phật hay sao? – có được hiểu biết riêng của mình từ sự suy xét riêng của mình, chứ không phải chỉ cứ tin hay  đi theo lời ai đấy nói rằng hãy tin điều này hay điều kia và làm cái này cái kia. Thông thường trong cuộc đời của mình ta nói những điều mà chúng ta không hiểu, ví dụ thế giới, thế gian, bộ não…

Vừa rồi có câu hỏi về chánh niệm và sự phát triển chánh niệm, sự phát triển chánh niệm luôn luôn phải là ở ngay thời điểm này. Chánh niệm không thể lựa chọn đối tượng cho nó, bởi vì nếu ta lựa chọn đối tượng cho chánh niệm thì thực chất chỉ là ý niệm về ngã muốn có chánh niệm mà thôi. Chẳng hạn ta không muốn có cái thấy thì hiện giờ vẫn đang có cái thấy, ai có thể khiến cho cái thấy sinh khởi đây? Không có cái hiểu về chánh niệm trong khi hiện giờ đang có cái thấy. Vậy, cái gì có thể được hiểu thêm đây? “Chánh niệm” là một từ có trong Giáo lý, cũng như vậy với những từ “thấy”, “nghe”, “ngửi”, “nếm”, “nghĩ”, “thích”, “không thích”, vậy tại sao ta lại muốn chỉ hiểu về chánh niệm mà không muốn hiểu về cái thấy hay cái nghe? Ý niệm về ngã ở đó, nó bám rễ rất sâu.

Ở khoảnh khắc hiện giờ có thể có thêm một chút hiểu biết không? Ở khoảnh khắc có thêm một chút hiểu biết, ai biết được là khi ấy cũng có chánh niệm? Đó mới là một mức độ chánh niệm sơ cơ, vẫn chưa phải là mức độ chánh niệm có thể xuyên thấu được bản chất của thực tại, nhưng nó cần phải được phát triển và lớn mạnh. Nếu như không có sự khởi đầu nhỏ bé đó của chánh niệm thì làm sao nó có thể lớn mạnh đây? Vậy chính ở khoảnh khắc mà chúng ta đang nghe về cái thấy, ở khoảnh khắc có hiểu thêm một chút, có nhiều thực tại sinh khởi cùng với thực tại đang thấy hiện giờ. Chánh niệm là một thiện pháp, nó không thể sinh khởi cùng với các thực tại là bất thiện. Khoảnh khắc có cái hiểu khác với những khoảnh khắc không có cái hiểu. Cái gì là thiện đây, khoảnh khắc hiểu hay khoảnh khắc không hiểu? Bất cứ khi nào có những thực tại là thiện pháp thì khi ấy cũng đều có chánh niệm. Khi chúng ta nghe những điều vừa rồi thì các bạn có thêm một chút hiểu biết phải không? Vậy là chánh niệm đang bắt đầu phát triển. Nếu không như vậy thì sẽ không thể có chánh niệm đủ sức mạnh và độ sắc bén để có thể xuyên thấu bản chất của thực tại, để đi đến sự giác ngộ. Có ai có thể vội vàng tìm đến chánh niệm ở mức độ cao  mà không bắt đầu khởi sự từ lúc còn non nớt? Nếu nghĩ như vậy là đi ngược lại Giáo lý của Đức Phật. Vì Đức Phật đã dạy cho chúng ta về ba mức độ của hiểu biết: pháp học, pháp hành, và pháp thành. Pháp học không có nghĩa là có khả năng đọc chữ, mà là thực sự hiểu rằng từng từ trong đó đều nói về những thực tại hiện giờ. Nếu như không phải là cái hiểu về những gì đang xuất hiện thì đó không phải là Giáo lý của Đức Phật. Không thể chung chung mà phải chi tiết.

Ở khoảnh khắc của hiểu biết, ai có thể nói rằng đang có cả tính chất của chánh niệm chứ không phải chỉ có hiểu biết ở trong ấy? Thực tại phải rất sáng rõ ở khoảnh khắc tâm hay biết một đối tượng, chẳng hạn ở khoảnh khắc này, nếu không có sự lắng nghe thì có thể có cái hiểu về ý nghĩa của từng từ không? Có thể có cái nghe mà không có hiểu, nhưng nếu có việc nghe một cách cẩn thận, suy xét một cách chân chánh thì đó sẽ là duyên để hiểu thêm về chánh niệm. Bởi vì trí tuệ và chánh niệm có mặt cùng nhau khi ấy. Để hiểu một cách rõ ràng hơn, gần gũi hơn về từng khoảnh khắc, trước hết là phải lắng nghe đã. Nếu như chúng ta không nói theo thuật ngữ của Vi diệu pháp – trong đó có rất nhiều thuật ngữ khác nhau – thì vẫn có thể có cái hiểu rằng nếu không có cái nghe sinh khởi thì sẽ không thể có âm thanh xuất hiện.

Con chó, con mèo hay các con vật khác không hiểu được ý nghĩa của âm thanh trong ngôn ngữ.  Một đứa trẻ sơ sinh cũng không hiểu được. Vậy làm thế nào có thể hiểu được âm thanh khi cao khi thấp trong những ngôn ngữ khác nhau? Tôi đã nghe rất nhiều từ tiếng Việt, nhưng thoạt đầu tôi không hiểu chút nào cả. Tôi có nghe thấy từ “Dạ, Dạ” và bắt đầu suy nghĩ “nó có nghĩa là gì?” và bắt đầu đoán nó có nghĩa là “Yes” theo tình huống, không ai dạy tôi cả nhưng do có việc lắng nghe và có chú ý quan sát thì tôi có thể nhận ra từ “dạ, dạ” đó ở trong hoàn cảnh mà nó được nói. Đây là sự khởi đầu của cái hiểu, dù là bất cứ cái gì, kể cả vấn đề ngôn ngữ. Đức Phật đã giảng Pháp và sử dụng tiếng Ma kiệt đà là tiếng thông dụng thời đó. Mỗi một ngôn ngữ đều có thể giúp chúng ta hiểu về thực tại trong tiếng của ngôn ngữ ấy. Tôi là người Thái, vì vậy tôi nghe Pháp bằng tiếng Thái, tôi suy xét những điều được nghe bằng tiếng Thái và tôi vẫn hiểu được những điều Đức Phật dạy qua tiếng Thái. Mục đích thực sự của ngôn từ trong Giáo lý là để cho chúng ta hiểu, chứ không phải chỉ để đọc mà không hề có cái hiểu thực sự, hoặc nghĩ rằng chúng ta đã biết được từ đó rồi.

Tuy nhiên, Giáo lý vô cùng vi tế, khi càng ngày càng hiểu hơn thì ta càng thấy độ thâm sâu của Giáo lý nhiều hơn. Bất cứ cái gì như cái thấy chẳng hạn đều không thể sinh khởi mà không phải do duyên. Nó sinh khởi và diệt đi không bao giờ tồn tại kéo dài. Cái sinh khởi và lại diệt đi thì không thể được coi là trường tồn hay tự ngã. Chúng ta nghĩ rằng đó là cuộc đời của chúng ta, nó bắt đầu rồi kết thúc, nhưng trên thực tế, không có ai ở đấy cả mà chỉ có thực tại sinh diệt theo những duyên của chúng. Như vậy bây giờ là lúc có thể bắt đầu hiểu về chánh niệm, chánh niệm sinh khởi với tất cả tâm thiện, cùng với nó là các tâm sở tịnh hảo khác. Trí tuệ cũng là một thiện pháp, bất cứ khi nào sinh khởi, nó không sinh khởi một mình mà cùng với các thiện pháp khác, và lúc này vẫn chưa là mức độ cao của chánh niệm, bởi vì nó mới ở mức độ nghe và suy xét mà thôi, đó là ở mức độ pháp học

Vị sư 1:          Xin Achaan nói thêm về trường hợp có chánh niệm mà không có hiểu biết?

Achaan:         Có thể có những trường hợp trẻ con bố thí chẳng hạn, khi ấy không có cái hiểu biết về thực tại, bố thí do tích lũy mà thôi. Mọi người đều có tích lũy khác nhau, có người thì bố thí rất dễ dàng, trong khi một số thì rất dễ nổi sân, có những người thì lại quan tâm đến việc hiểu thực tại như nó là. Ở khoảnh khắc có bố thí nhưng không có trí tuệ sinh khởi cùng với khoảnh khắc ấy thì đó là chánh niệm không đi kèm hiểu biết nhưng vẫn là thiện.

Nếu không có cái hiểu về thực tại kinh nghiệm hiện giờ, thì vẫn chỉ là nhớ tên của thực tại mà thôi, gọi đó là tâm hay là cái kinh nghiệm. Thế còn cái thấy hiện giờ thì sao? Nếu không có nhiều dần hơn sự hướng tâm chân chánh để hiểu rằng đó chỉ là một khoảnh khắc sinh khởi một lần duy nhất trong vòng luân hồi, thì vẫn chỉ là nghe về tâm và tâm sở mà không hề có cái hiểu trong đó. Chính vì vậy nghe Giáo lý là hiểu về thực tại hiện giờ, chứ không phải chỉ đọc ngôn từ mà thôi. Cái thấy có khác với cái nghe không? Có rất nhiều loại tâm khác nhau chứ không chỉ có cái thấy. Cái xuất hiện và sinh khởi trong một ngày là những tâm khác nhau ở những thời điểm khác nhau chứ không phải là cùng một tâm. Nghe như vậy sẽ giúp cho việc không quên lãng rằng đó không phải là tự ngã mà chỉ là thực tại mà thôi. Khi cái hiểu đó trở nên vững chãi, ta gọi là Sacca ana (Tri kiến về Tứ Đế), nó không lay chuyển: đó là khoảnh khắc của cái hiểu rằng bản chất của cái thấy có thể được xuyên thấu một cách trực tiếp, nếu vẫn chưa phải là khoảnh khắc như vậy thì kể cả bây giờ nếu có cái hiểu cũng chưa được gọi là Sacca nana. Nếu như có ý niệm rằng phát triển hiểu biết như thế thì cần thời gian quá lâu (so với mong đợi) thì đó cũng không phải là Sacca nana. Chỉ có pháp học đúng và vững vàng, hay nói cách khác là Sacca nana thì mới có thể tạo duyên cho kinh nghiệm trực tiếp Kicca nana (Tri kiến về cơ năng của Tứ Đế), chứ không phải là việc cố gắng với ý niệm về ngã trong khi không có cái hiểu đúng về những gì đang xuất hiện. Tà kiến cũng là một thực tại và thực hành sai lầm cũng là một thực tại.

Vị sư 1:          Khi có chánh niệm mà có hiểu biết trong đó thì đối tượng được biết lúc đó là thực tại, còn nếu khi nào có chánh niệm mà không có hiểu biết thì đối tượng được biết là khái niệm. Sư hiểu như vậy có đúng không?

Achaan:         Có ít nhất là bảy biến hành tâm sở sinh khởi cùng với mỗi tâm. Cả bảy biến hành tâm sở sinh khởi cùng với tâm có xuất hiện bây giờ không? Nếu như có một thực tại nào trong đó xuất hiện thì mới có hiểu biết về mặt lý thuyết rằng tâm không thể sinh khởi một mình, mà phải có các tâm sở sinh khởi với loại tâm này. Như vậy ta có thể thấy rằng có những tâm sở thiện và tâm sở bất thiện, và chúng không sinh khởi cùng nhau. Khoảnh khắc của hiểu biết đúng là thiện đúng không?  Tâm không thể sinh khởi một mình được, có nhiều tâm sở thiện khác cùng sinh khởi với nó, trong đó có cả tín, tàm, quý và chánh niệm. Nếu một trong những thực tại đó không xuất hiện thì làm sao ai có thể biết được chúng khác với tâm? Hiện giờ chẳng hạn, tâm và tâm sở đang sinh khởi cùng nhau. Chúng chỉ đang xuất hiện đối với vô minh mà thôi nếu như chưa có sự phát triển thêm hiểu biết về mặt tư duy rằng chúng không phải là tự ngã. Vậy thì chúng ta không nên mong đợi có kinh nghiệm trực tiếp về cái này hay cái kia bằng ý chí của mình, chẳng hạn như hiện giờ, ở khoảnh khắc của cái thấy thì cái gì xuất hiện? Bạn có thể có âm thanh là đối tượng không, trong khi âm thanh không xuất hiện vì đang không có cái nghe, và cái nghe và cái thấy thì không thể sinh khởi cùng nhau trong một khoảnh khắc? Đây chính là thế giới:  Một thực tại sinh khởi trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi và diệt đi. Cần những thực tại như tinh tấn, chân thật, kham nhẫn v.v làm ba la mật để có thể phát triển được chánh niệm. Cần phải có sự phát triển hiểu biết về mặt tư duy một cách đầy đủ để trở thành Sacca nana cho đến khoảnh khắc mà chánh niệm thực sự sinh khởi và hay biết được đặc tính của thực tại cùng hiểu biết, nhưng không thể có sự chuẩn bị hay phỏng đoán khi nào nó sẽ xảy ra. Đây chính là con đường đúng đắn, con đường duy nhất để có thể dẫn tới chứng ngộ về thực tại hiện giờ, chỉ về cái xuất hiện chứ không thể về cái chưa xuất hiện. Khi chúng ta càng hiểu Giáo lý thì chúng ta càng thấy mức độ vi tế của những thực tại hiện giờ.

Vị sư 1:          Trong cuộc sống tập thể giữa những bạn đạo với nhau. Mỗi người hiểu về lời dạy Đức Phật theo cách khác nhau nhưng có thống nhất về thời khóa tu tập. Vẫn biết thiền không phải đợi đến lúc ngồi, mà nó phải xảy ra trong suốt cả ngày. Sư muốn hỏi Achaan là mình có cần thiết thay đổi cuộc sống trước đó không – tức là chấm dứt việc tham gia tọa thiền với mọi người? Bởi sự tuân thủ giờ giấc và việc tọa thiền xảy ra với rất nhiều sự mong muốn, mong muốn đúng giờ, mong muốn ngồi thẳng lưng… Hay là nên nhận thấy sự mong muốn đó là thực tại đang xảy ra và không cần thiết phải thay đổi?

Achaan:         Lobha- tham có phải là tự ngã hay là một thực tại? Nó có thể được nhận ra chỉ là thực tại hay cho rằng đó là tham của tôi? Chúng ta nói về chánh đạo, nhưng khi có tham thì đâu là chánh đạo khi ấy? Nếu có sân với cái tham đó thì đó không phải là con đường đúng đắn, bởi vì đã không hiểu về thực tại lúc đó chỉ là một thực tại mà thôi. Nếu như không có cái hiểu ở khoảnh khắc đó mà cho rằng đó là con đường chánh đạo thì đó cũng là tà đạo. Vậy, bất cứ khi nào không có hiểu biết đúng thì không thể có con đường chánh đạo, con đường chánh đạo là vô cùng khó khăn. Nếu không có trí tuệ thì sẽ không bao giờ có con đường chánh đạo. Bất cứ khoảnh khắc nào có thực tại xuất hiện và trí tuệ đã được phát triển thì đều có thể có duyên để hiểu rằng khoảnh khắc đó, thực tại đó là vô ngã.

Sarah:            Chúng ta có thể sống trong những hoàn cảnh khác nhau, một số người thường đặt câu hỏi cho Achaan là trong hoàn cảnh này thì tôi phải làm gì, tôi có nên chọn nghề này hay nghề kia, tôi nên chuyển sang Bangkok sống hay ở lại Úc đây? Hay là khi đã được nghe pháp như thế này rồi thì tôi có nên bỏ việc theo thời khóa? Và dù câu hỏi là gì thì câu trả lời luôn luôn là quay trở về với cái hiểu đúng về thực tại sinh khởi.

Chính vì vậy, đôi khi mọi người nghĩ rằng Achaan chưa trả lời câu hỏi của mình, vì ta vẫn nghĩ theo hướng rằng hoàn cảnh như thế này hay bối cảnh như thế kia sẽ tốt hơn, phù hợp hơn, nhưng sẽ không bao giờ có câu trả lời đúng hay sai cho những câu hỏi ấy. Câu trả lời thực sự là luôn luôn quay về hiểu về thực tại hiện giờ. Và khi có hiểu biết phát triển hơn, dù cuộc sống của ta diễn ra theo cách nào đi nữa, dù quay bên trái hay bên phải, thì đều có cái hiểu rằng mọi thứ đều chỉ do duyên tạo mà thôi, chứ không có người nào quyết định là đi theo con đường này hay đi theo con đường kia, kể cả khi ta nghĩ rằng ta nên đi bên trái thì đến thời điểm ta lại đi sang bên phải… Thứ quý báu nhất vẫn là cái niềm tin vào sự phát triển hiểu biết về khoảnh khắc này.

Jonathan:     Achaan có giải thích rằng nếu như không có cái hiểu thì sẽ không thể có sự phát triển con đường chánh đạo, cũng như vậy nếu như có hiểu biết thì trong hoạt động hàng ngày sẽ có thể có hiểu biết, điều ấy có thể áp dụng với tất cả những gì chúng ta nói tới như cuộc sống, hay nơi làm việc hay môi trường xã hội, bởi vì ta có niềm tin vững vàng rằng chánh niệm có thể sinh khởi bất cứ lúc nào và có thể lấy bất cứ đối tượng nào là đối tượng của nó.

Vị sư 1:          Với nhận thức của một người xuất gia thì luôn luôn có khái niệm về việc giữ giới luật cho bản thân. Như vậy luôn luôn nghĩ là phải làm gì, phải thực hiện điều gì? Chẳng hạn một vị sư không thể nào nhìn chăm chăm vào thân thể người nữ đang mặc đồ ngắn. Trong khoảnh khắc bất chợt thì xu hướng là có sự phản ứng hướng tầm nhìn đi chỗ khác, nhưng lý thuyết có cái hiểu dù có ham muốn xảy ra đi nữa thì đó cũng chỉ là tính chất của tâm tham thì có gì phải tránh né. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu lại tiếp tục nhìn thì những người khác sẽ nghĩ rằng một vị sư đang nhìn vào cơ thể người nữ. Sư muốn hỏi, mỗi khoảnh khắc đều là do nhân duyên và cái duyên đến chẳng phải do ngã tạo ra, như vậy việc phản ứng hướng tầm nhìn đi chỗ khác một cách đột ngột, không được hiểu đó là một duyên xảy ra như vậy cũng không nhất thiết phải phân vân nên tiếp tục hay nhìn chỗ khác?

Achaan:         Phản ứng lại gì, thưa sư?

Vị sư 1:          Trong cái ý niệm trước đó có sự phân vân là nên tiếp tục để hiểu được bản chất của tham hay sự quay đi là một phản ứng sai lầm về ngã, sau đó hiểu rằng cái việc đột ngột quay đi cũng là một tính chất do duyên, cho nên không cần phải thắc mắc là quay đi hay không quay đi.

Achaan:           Đúng vậy.

Sarah:            Nhưng mặt khác nếu như có cái ý niệm rằng ta không nên quay đi bởi vì quay đi có nghĩa rằng không hiểu tham chỉ là một pháp thôi, nếu có ý nghĩ như vậy thì đó lại là cái hiểu sai.

Achaan:          Có những câu hỏi rất lạ như là khi mà tôi đã hiểu pháp rồi thì tôi làm cái gì đây? Nếu không có cái hiểu thì nó sẽ làm duyên cho những pháp này và nếu có cái hiểu thì nó sẽ làm duyên cho những pháp khác. Điều ấy tùy thuộc vào hiểu biết của bạn, chẳng hạn trước khi nghiên cứu Giáo lý thì cuộc sống diễn ra hoàn toàn không có hiểu biết, sau khi đã nghiên cứu Giáo lý và có thêm một chút hiểu biết thì cuộc sống vẫn tiếp tục như cũ theo những duyên của nó, nhưng lại có một chút hiểu biết thay cho vô minh. Đừng nghĩ rằng sẽ không còn cuộc đời nữa, hay là cuộc sống của ta sẽ như thế nào. Sẽ luôn có duyên cho bất cứ cái gì sinh khởi, và điều mấu chốt là có hiểu biết hay không có cái hiểu biết về cái sinh khởi ấy. Cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn như cũ, nhưng nếu có hiểu biết sẽ tốt hơn là không có hiểu biết.

Học viên 12:  Tiếp tục ví dụ của sư, nếu lúc đó chỉ có cái hiểu về cái thực tại đang sinh khởi là tâm tham thì liệu có đủ không nếu mà không có sự hiểu biết về vị ngọt hay nguy hiểm và sự xuất ly của các thực tại?

Jonathan:      Bạn hỏi về sự nguy hiểm vị ngọt và sự xuất ly của cái gì?

HV 12:           Của tham và của thọ

Jonathan:     Chỉ là của tham và của thọ thôi hay là của bất cứ pháp nào?

HV 12:           Trong ví dụ của sư thì có thể là cảm thọ hay cái tham ái đó.

Jonathan:     Khi bạn nói trong trường hợp này thì bạn muốn nói về trường hợp bất cứ cái gì xuất hiện hay có sự lựa chọn?

HV 12:           Như ví dụ vừa rồi thì lúc đó có thể là tham ái hay cảm thọ sinh khởi.

Jonathan:     Bạn chỉ nói về tình huống này, nhưng khi nói đến sự nguy hiểm và sự xuất ly ta phải nói đến tất cả các pháp. Khi nói về tình huống thì có thể rất khác với khi nói đến thực tại, bởi vì ở trong một tình huống, có thể có bất cứ thực tại nào xuất hiện – như cái thấy, tham, suy nghĩ hay một thực tại khác, và ta không thể lựa chọn thực tại này hay thực tại kia để chánh niệm về nó.

HV 12:          Ví dụ này thì sư nói là lúc đấy tham ái nó sinh khởi.

Jonathan:     Chúng ta có thể biết được trong lý thuyết là khi có đối tượng xuất hiện như vậy thì có tham sinh khởi, nhưng điều ấy không có nghĩa là cái tham đó sẽ xuất hiện như đối tượng của chánh niệm – nếu có chánh niệm sinh khởi – tức là tùy thuộc vào cái gì xuất hiện đối với chánh niệm. Vì vậy chúng ta không thể nói rằng trong tình huống có thể có tham thì tham sẽ là đối tượng của chánh niệm. Tùy thuộc vào mức độ hiểu biết và vào những tích lũy cũ mà cái gì sẽ xuất hiện đối với chánh niệm và trí tuệ vào cái khoảnh khắc ấy.

Học viên 2:   Bà nói không có cái nghe và cái thấy cùng một lúc, vậy nên hiểu chính xác điều này như thế nào, bởi vì cùng một lúc mình có thể vừa nhìn thấy một vật trước mặt và vừa nghe một tiếng động. Vậy nên hiểu cùng một thời điểm có tâm nghe và thấy cùng nhau, hay phải hiểu tại thời điểm nghe thì mới có đối tượng nghe, tại thời điểm thấy thì mới có đối tượng thấy? Phải hiểu cách nào là đúng?

Achaan:        Cái thấy có thể có âm thanh làm đối tượng không?

Sarah:          Ở thời điểm của cái nghe thì không thể có cái thấy bởi vì tại một thời điểm chỉ có một citta sinh khởi kinh nghiệm một đối tượng. Vì cái thấy chỉ có thể thấy đối tượng thị giác mà thôi, nên ở khoảnh khắc của cái thấy, không thể có âm thanh làm đối tượng. Còn cái nghe thì chỉ có thể nghe âm thanh mà thôi, không thể nghe đối tượng thị giác.

HV 2:             Thế có nghĩa là trong hai cách tôi vừa nêu, thì cách thứ hai là đúng?

Sarah:           Cả hai giả thiết mà bạn đưa ra giải thích thì đều chưa chính xác bởi vì sau khoảnh khắc nhãn thức kinh nghiệm đối tượng thị giác, còn có một số lộ trình khác sau lộ trình nhãn môn. Trong khi những tâm trong cùng lộ trình đó đang kinh nghiệm đối tượng thị giác ấy thì không thể nào có sự kinh nghiệm về sắc khác. Mặc dù trong cùng lúc ấy vẫn có những âm thanh khác đang sinh và diệt nhưng lúc đó âm thanh không phải là đối tượng của tâm biết, chỉ khi đối tượng thị giác đã hoàn toàn diệt đi và không còn tâm nào kinh nghiệm đối tượng thị giác đó nữa thì mới có tâm kinh nghiệm một đối tượng khác. Sau lộ trình qua nhãn môn, lại có những tâm hộ kiếp. Những loại tâm hộ kiếp này là những tâm không kinh nghiệm các đối tượng qua sáu môn. Bởi vì nó không thông qua sáu môn nên không có gì xuất hiện ở khi ấy. Sau khi các tâm hộ kiếp này diệt đi thì lại phải có lộ trình tâm qua ý môn. Trong lộ trình ý môn, nếu như trước nó là lộ trình của nhãn môn kinh nghiệm đối tượng thị giác, sẽ có khái niệm về đối tượng thị giác ấy trong lộ trình ý môn ấy. Lại có thêm một số tâm hộ kiếp và những lộ trình ý môn khác nữa, trước khi âm thanh có thể được kinh nghiệm. Thực ra có thể có mô tả kỹ lưỡng hơn những gì tôi vừa nói nữa. Khi ta nói là sau khi cái thấy thì có thể có cái nghe thì trên thực tế thì có thể chi tiết hơn thế nhiều, ta nói như vậy là nói chung chung mà thôi. Điều mấu chốt ở đây để chỉ ra là không thể có cái thấy và cái nghe cùng một lúc, và đối tượng thị giác và âm thanh không được kinh nghiệm cùng lúc, và rằng chỉ có các pháp khác nhau kinh nghiệm các đối tượng khác nhau và tất cả đều là vô ngã.

HV 2:             Cái duyên để cho chánh niệm tăng trưởng là được nghe Giáo pháp, sau pháp đàm ngày hôm nay chúng ta sẽ quay về nhà và tự mình tìm tiếp con đường này, có phải lời dạy của Achaan là chúng ta hãy tìm cách học từ hiện tại và thấy rằng mọi pháp đều là vô ngã hay không? Tự học như thế thì tự học như thế nào? Có phải tự nhắc mình là mọi pháp là vô ngã hay không? Với con hành động đó có vẻ là hành động của tự ngã rồi, vậy làm thế nào để chúng ta học tiếp đây?

Jonathan:     Trước hết tôi muốn nói rằng có sự khác biệt tinh tế giữa hành động nghe phápnghe thấy pháp, mà Achaan sẽ giải thích thêm, nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta rất là may mắn vì có cơ hội nghe Pháp mà chúng ta thấy hay, ý nghĩa. Tất nhiên là để có thể nghe thấy Pháp thì phải có việc ngồi nghe và có sự hướng tâm chân chánh để có thể nghe thấy những lời đó, mà muốn như vậy thì phải có sự quan tâm đến những điều được giảng. Yếu tố đầu tiên trong sự phát triển của trí tuệ là gần gũi bậc thiện trí thức, yếu tố thứ hai là nghe chánh pháp, yếu tố thứ ba là suy xét chân chánh. Lại nữa, việc có sự suy xét về những gì được nghe lại tùy thuộc vào mối quan tâm của chúng ta vào những gì được nghe, chứ không phải vào việc chúng ta đặt ra  kế hoạch hay thời khóa biểu cho một khoảng thời gian nào đó để có sự suy xét về pháp. Chúng ta biết rất rõ rằng cùng lúc có thể có nhiều câu chuyện xảy ra trong đầu trong khi chúng ta nghe pháp. Nếu những câu chuyện đó liên quan đến điều mà chúng ta đã được nghe thì đó cũng là một duyên để cho chánh niệm sinh khởi. Dù chúng ta được khuyến khích là nên tiếp tục nghe pháp nhưng cần phải có cái hiểu thông suốt rằng tất cả các pháp là do duyên tạo chứ không thể có một ai đấy làm cái này hay cái kia cho nó sinh khởi.

Học viên 29:  Con là người mới tu tập nên những khái niệm như vô ngã, duyên, dính mắc, cái thấy, cái nghe đều là những khái niệm khá là khó với con. Achaan hãy giải thích một cách dễ hiểu nhất để con có thể nắm bắt.

Achaan:         Cái thấy có khó hiểu không?

HV 29:            Không có khó hiểu, nhưng thật khó khi nói mắt không phải của tôi.

Achaan:         Chúng ta có thể có nhiều ý niệm khác nhau về mọi thứ trước khi được nghe Pháp nhưng tất cả những ý niệm đó chỉ là suy nghĩ riêng của ta mà thôi, những suy nghĩ ấy có thể đúng hay là đúng một cách hoàn toàn không?

HV 29:            Con nghĩ nó đúng một cách hoàn toàn.

Achaan:         Nếu không thì chúng ta lại mong muốn được nghe về tất cả những thứ khác, ngoài thấy nghe ngửi nếm, những thứ thực sự diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, mọi ngày. Trong cuộc sống hàng ngày có những gì?

HV 29:            Có cái nghe, cái thấy, xúc chạm…

Achaan:         Hiện giờ cái gì xuất hiện? Và chúng ta đang nói về thực tại với những từ rất đơn giản mà thôi.

HV 29:           Theo con hiểu thực tại là những thứ diễn ra ngay tại thời điểm này, đó là những cái nghe, cái nhìn và xúc chạm.

Achaan:         Đó là sự khởi đầu để bắt đầu hiểu rằng những thực tại ấy là vô ngã. Ở khoảnh khắc của cái thấy thì thân có xuất hiện không?

HV 29:            Câu này con không hiểu.

Người phiên dịch: Tức là hình dạng của cái thân có xuất hiện không ở khoảnh khắc của cái thấy?

HV 29:           Cái thân có xuất hiện.

Achaan:         Trước khi chúng ta nghiên cứu Giáo pháp thì luôn có ý niệm đây là cái thân tôi, tôi có cái thân này, cho rằng cái mà về mặt bản chất luôn sinh và diệt là thân của tôi. Nhưng thực tại thì rất chi tiết, các thực tại có khả năng kinh nghiệm là cái mà ta gọi là tâm, chúng không thể nào xuất hiện cùng một lúc, nhiều tâm không thể xuất hiện cùng lúc, chỉ có một tâm xuất hiện tại một thời điểm và nó là do duyên tạo.

HV 29:           Trong những ngày qua con nghe rất nhiều về duyên. Xin Bà giải thích về từ duyên?

Achaan:         Được rồi, nhưng để sau đã. Chúng ta làm rõ hơn về khoảnh khắc của cái thấy. Ở khoảnh khắc của cái thấy thì khi ấy đã có ý niệm về thân không?

HV 29:           Trước khi đến đây, con vẫn nghĩ là thân của tôi, sau khi nghe con biết được rằng tất cả những gì mình nhìn thấy thì đều chỉ là những khái niệm, đó là những gì con hiểu được.

Achaan:         Như vậy, trước khi được nghe Giáo pháp thì bất cứ khi nào có ý niệm về thân thì lại là thân tôi – cái ngã rồi. Thân được tạo bởi nhiều yếu tố khác nhau, là những sắc, chẳng hạn như tứ đại. Do chưa có được hiểu biết về các duyên cho sự sinh khởi của danh và sắc, không có kinh nghiệm trực tiếp về sự sinh diệt của những sắc ấy cho nên vẫn nghĩ rằng cái thân này tồn tại kéo dài. Để có thể tận diệt được ý niệm về ngã, về cái được tạo duyên để sinh và diệt, thì phải có sự chân thực với bất cứ cái gì xuất hiện để có thể hiểu được chúng một cách tốt hơn và kỹ càng hơn. Chẳng hạn ở khoảnh khắc của cái thấy thì có thế giới hay cái thân xuất hiện không?

HV 29:           Cái thấy hình thành do tâm chứ không phải do những khái niệm về cái sắc mà mình nhìn thấy.

Achaan:         Có những loại sắc nào?

HV 29:            Theo con hiểu, sắc là những cái có thể biến đổi bởi các yếu tố như nhiệt độ vân vân.

Achaan:         Cái thấy có kéo dài không?

HV 29:            Nó ngắn ngủi.

Achaan:         Cái được thấy có tồn tại kéo dài không?

HV 29:           Không.

Achaan:         Vì là không có cái gì tồn tại kéo dài, vậy cái thân này có tồn tại kéo dài không? Khi có nhiều yếu tố cùng nhau thì ta (gom) tổng hợp chúng lại và ta gọi nó là cái gì đó, ví dụ như cái bàn, cái ly. Để có thể hiểu được về bản chất vô thường thì không thể nào chỉ dùng suy nghĩ, chẳng hạn là nghĩ về toàn bộ cái thân. Ở khoảnh khắc đó thì chỉ có một thực tại được tạo duyên để sinh khởi và xuất hiện. Thông thường thì nó là đối tượng của vô minh và dính mắc. Nhưng sau khi nghe Pháp, có thể bắt đầu hiểu về thực tại đó như chỉ là là một đặc tính khi nó xuất hiện, và không có gì khác ở khoảnh khắc đó. Khi có bớt hơn sự dính mắc vào ý niệm có một cái gì đó kéo dài trường tồn ở đó, ví dụ có một cái thân, thì sẽ có thể có cái hiểu rằng không có cái gì ở đó cả, kể cả cái mà ta vẫn cho rằng có cái thân hay là vạn vật. Cái xuất hiện với cái thấy thì là một thực tại chỉ có đặc tính là được thấy, mà chúng ta gọi là cảnh sắc – đối tượng thị giác. Nó chỉ là một loại sắc mà thôi, không phải là loại sắc khác, nó sinh khởi do duyên, nó sinh và diệt đi bất kể là cái thấy có thấy nó hay không? Chỉ có một đối tượng có thể được  kinh nghiệm ở một thời điểm, cho nên chỉ có một đối tượng được kinh nghiệm bởi cái thấy ở khoảnh khắc đó mà thôi. Ở thời điểm của cái thấy, nếu như vẫn có ý niệm rằng có cái thân của tôi, hay có cái gì đó thì được gọi là atta sannanhớ tưởng về ngã, cần phải có thời gian để hiểu được rằng cái xuất hiện ở khoảnh khắc cái thấy thì không có gì khác là thực tại có thể được thấy, và như vậy cái hiểu về vô ngã bắt đầu. Nếu không thì sẽ có những ý niệm như “mắt của tôi” ở đó. Vẫn cho rằng mắt đó là mắt của tôi, và nó đang ở đó, mặc dù nó không phải là đối tượng của cái thấy lúc đó. Khi Trí tuệ đã được phát triển đến mức độ có thể xuyên thấu được sự sinh diệt của bất cứ cái gì hiện giờ – đó là một mức độ Trí tuệ rất sắc bén và chỉ nó mới có thể kinh nghiệm được sự sinh diệt ấy –  thì ý niệm về một tự ngã mới suy giảm dần, cho đến khi giác ngộ Tứ Thánh Đế. Lúc đó thì không còn hoài nghi về Tứ Thánh Đế nữa.

Tứ Thánh Đế thì không phải chỉ nói về thọ khổ mà thôi. Khổ đế là nói về Khổ của những thực tại sinh và diệt không thể kiểm soát được. Không có thực tại nào thuộc về ai cả, chúng là những yếu tố (giới) khác nhau. Ở khoảnh khắc ấy, có thể hiểu được toàn bộ Giáo lý về khổ, dù là nói dưới góc độ uẩn (khandha) hay góc độ xứ (ayatana), hay góc độ Tứ Thánh Đế (ariya sacca). Vậy hãy thử xem hiện giờ có thân không? Cái mà ta cho là thân là gì đây? Ta có thể nói rằng thân bao gồm tứ đại cũng những sắc khác không thể được kinh nghiệm qua ngũ quan. Ta không thể mong đợi cái gì sẽ là đối tượng của trí tuệ, nếu không thì ý niệm về ngã sẽ có ở đó.

HV 29:           Con hiểu Achaan dạy là con người là nô lệ của tham sân si. Song song với việc tu tập thì vẫn phải sống cuộc sống hiện tại. Và trong cuộc sống bình thường nhất là trong kinh doanh thì không thể nào thoát khỏi tham sân si được. Vậy làm thế nào cân bằng chúng?

Achaan:         Ta không phải làm thêm hoạt động nào đó để có thể hiểu về thực tại ngoài cuộc sống hàng ngày của mình. Có khoảnh khắc nào mà không có thực tại không? Bất cứ cái gì sinh khởi thì đều do duyên và nằm ngoài sự kiểm soát, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường do những duyên đã có, như cái cách nó là. Nhưng khi đã có thêm hiểu biết thì sẽ có duyên để sống tốt đẹp hơn là trong vô minh, sẽ bớt đi sự vị kỷ, vì làm gì có cái ngã nào đây, trên thực tế thì chỉ có thiện và bất thiện, và trí tuệ thì thấy được cái gì có lợi ích hơn.

Sarah:            Vừa rồi bạn nói giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản. Và câu hỏi của tôi là hiện giờ bạn đang làm gì?

HV 29:           Con làm việc bên cung cấp nhân sự.

Sarah:          Ngay tại thời điểm này bạn đang làm gì?

HV 29:          Nhìn và nghe.

Sarah:          Vậy đâu là sự khác biệt giữa sự thấy nghe hiện giờ và lúc bạn làm việc?

HV 29:           Trong công việc, thì tham và sân nổi lên khá nhiều, còn bây giờ khái niệm về công việc tiền bạc nó không còn quá trở thành trọng tâm con nữa.

Sarah:          Khi ta đang nghe như thế này thì ai là cái đang nghe và ai có tham?

HV 29:           Do tâm khởi lên.

Sarah:          Khi nói như vậy thì đó là cái tôi ở trong tâm, hay là cái tâm ở trong tôi hay là tôi đang có tham?

Achaan:        Tôi nghĩ là bạn muốn những câu hỏi đơn giản và câu trả lời đơn giản, phải không? Bạn có hỏi là tôi phải làm gì đây và câu hỏi của tôi cho bạn là: Bạn có thể làm gì?

HV 29:           Con có thể học ngay từ bây giờ.

Achaan:        Vì bạn hỏi “tôi nên làm gì đây”, cho nên tôi muốn bạn suy xét là bạn có thể làm gì hay không?

Người phiên dịch: Ý của Achaan ở đây là bạn có thể làm gì không?

HV 29:           Con nghĩ con không thể làm gì cả.

Achaan:        Đó chính là câu trả lời, bởi vì mọi thứ đã do duyên tạo rồi, bạn có biết được là khoảnh khắc tiếp theo sẽ là gì không? Cái nghe sinh khởi do duyên chứ không phải là do bạn hay ai đó có thể làm cho cái nghe sinh khởi. Tất cả từ khi sinh ra đến khi chết đi thì đều do duyên, vậy thì đừng lo lắng. Mọi thứ sinh khởi đều là do duyên mà thôi. Dù là cái thấy, cái nghe, hay tham, sân hay hiểu biết chánh niệm, tất cả đều sinh khởi do duyên. Và cả vô minh nữa, nó cũng là do duyên và nó ở đó.

HV 29:           Không biết con hiểu thế này có đúng không, chúng ta không thể can thiệp để thay đổi thực tại mà chúng ta chỉ có thể quan sát và hiểu nó.

Achaan:        Khi bạn đã nói đến sự quan sát thì có phải là “tôi” quan sát hay không? Vì nói đến quan sát là có người quan sát.

Sarah:          Vì không có ai nghe thì không có ai quan sát, không có ai hiểu, không có người làm công việc ấy, mà đó là công việc của các thực tại.

Vị sư 4:         Bà hãy giải thích thế nào là thiền?

Achaan:        Đấy phải là câu hỏi mà tôi đặt ra cho mọi người.

Vị sư 4:         Tôi thấy từ Thiền rất nhiều người ngộ nhận. Cách hiểu về thiền của tôi không nhất quán. Để chính xác hiểu thuật ngữ Thiền là gì thì cần có người có cái hiểu đúng giải thích. Đây cũng là câu hỏi chung, bởi vì nếu không biết chính xác Thiền là gì thì làm sao mình hành thiền đây?

Achaan:        Chúng ta đã nói rất nhiều về cái thấy, cái nghe, về các thực tại khác nhau và về chánh kiến, tà kiến. Tôi hoàn toàn không sử dụng đến từ Thiền mà chỉ nói về các thực tại khác nhau, những duyên để chúng sinh khởi, và tôi có nói rằng việc hiểu về thực tại và các duyên cho sự sinh khởi của chúng chính là sự khởi đầu của hiểu biết, trí tuệ, để nó dần dần lớn mạnh. Đối với tôi, từ Thiền theo nghĩa mà mọi người giải thích cho tôi thì là những kỹ thuật. Nhưng kỹ thuật thì không có gì liên quan đến hiểu biết về những thực tại đang xuất hiện như trong Giáo lý của Đức Phật, cái là pháp học cần phải có một cách vững vàng trước khi có pháp hành, cái kinh nghiệm trực tiếp.

Vị sư 4:         Sư rất tâm đắc với câu trả lời của Bà. Những gì sư được nghe ở đây khiến sư rất thuyết phục và thay đổi những suy nghĩ cũ của mình rất nhiều.

Jonathan:     Achaan đã trả lời câu hỏi của sư là chúng ta đã nói về các thực tại, về đâu là hiểu biết đúng và đâu là sự phát triển của con đường chánh đạo. Nói cách khác, chúng ta đã nói đến những thuật ngữ có thể tìm thấy trong toàn bộ kinh điển như về thực tại, cái thấy ,cái nghe, về xứ, uẩn, v.v… Nhưng thuật ngữ Thiền không có trong kinh điển theo nghĩa mà ngày nay người ta hiểu về nó. Chính vì vậy khi mọi người đặt câu hỏi về Thiền, chúng tôi cần phải hỏi xem họ định nói gì khi họ sử dụng từ đó, họ có hàm ý gì, họ hiểu về từ đó như thế nào. Nếu chúng ta không thể liên hệ được cái hiểu của họ với những gì trong Giáo lý thì rõ ràng là cái mà họ hàm ý về thiền không nằm trong giáo lý của Đức Phật. Chính vì vậy điều quan trọng là khi mọi người hỏi về thiền thì họ hàm ý gì.

Sarah:          Và khi mà có thêm chút hiểu biết, chúng ta có thể chia sẻ điều ấy với những người khác, nhưng chỉ khi họ quan tâm đến việc nghe và suy xét thêm. Kể cả Đức Phật với Trí tuệ vĩ đại của Ngài cũng không thể nào thuyết phục tất cả những người đến găp Ngài. Chính vì vậy còn tùy thuộc vào tích lũy của mỗi người, liệu họ có tiếp tục lắng nghe và suy xét, hay họ muốn đi ra một nơi khác và theo kỹ thuật nào đó

Achaan:        Nếu như thiền mà không phải là hiểu về bất cứ những gì đang xuất hiện hiện giờ thì ta có nên quan tâm đến nó hay không?

Học viên 20:  Hôm trước Bà có nói là Trí tuệ sinh khởi thì có thể hiểu được chánh niệm sinh khởi tại khoảnh khắc đó, vậy thì lúc chánh niệm và tuệ sinh khởi cùng nhau, nhưng chánh niệm sinh khởi cùng tuệ đó có thể làm đối tượng cho tuệ  hiểu được hay không?

Sarah:           Nếu như có Trí tuệ sinh khởi ở khoảnh khắc cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác thì có đối tượng thị giác đó được kinh nghiệm, và chánh niệm sinh khởi hay biết về đối tượng thị giác ấy. Ở khoảnh khắc ấy, đối tượng thị giác là đối tượng chứ không phải chánh niệm hay bất cứ thực tại nào khác. Nhưng sau đó khi tâm cùng với chánh niệm và trí tuệ đó diệt đi thì đặc tính của chánh niệm và trí tuệ ở khoảnh khắc đấy có thể được biết. Nếu như có trí tuệ được phát triển một chút thì ngay sau đó nó có thể được hiểu về đặc tính đó.

HV 20:           Niệm có thể được hay biêt, như vậy khoảnh khắc của tuệ sau có thể hay biết chánh niệm của khoảnh khắc trước?

Sarah:            Thực tế thì chánh niệm hay bất cứ danh nào ở khoảnh khắc trước đã diệt đi trước khi có tâm tiếp theo sinh khởi, tuy nhiên đặc tính của chánh niệm ở khoảnh khắc trước đó có thể được biết, vì vậy chúng ta có nói đến nimita – hay bản sao của đặc tính chánh niệm, vì thế đặc tính của chánh niệm có thể được biết một cách trung thực bởi trí tuệ ở khoảnh khắc tiếp theo. Như vậy chánh niệm cùng với trí tuệ cùng với các tâm sở khác sinh khởi rồi có thể được biết bởi trí tuệ.

Achaan thường nhấn mạnh với chúng ta là tất cả điều ấy xảy ra tự nhiên khi nó có đủ duyên, chứ không phải ai đó cố gắng để cho nó xảy ra.

Achaan:         Nếu chánh niệm không xuất hiện như là một đối tượng thì liệu ai có thể hiểu được đặc tính của chánh niệm không? Vậy ở mức độ nào trí tuệ mới có thể hiểu được đặc tính của chánh niệm? Có những loại thiện pháp không kèm trí tuệ như bố thí và trì giới. Nhưng trong sự phát triển của samatha và vipassana thì cần phải có trí tuệ sinh khởi cùng với chánh niệm, nhưng bản thân chúng cũng ở những mức độ khác nhau. Chẳng hạn hiện giờ có cái thấy nhưng không hề có chánh niệm về cái thấy vì khi ấy không có chánh niệm cùng trí tuệ. Như vậy không nên bận tâm về chánh niệm, chúng ta không nên bận tâm về việc đó và hãy tiếp tục phát triển hiểu biết về mặt lý thuyết. Khi chánh niệm sinh khởi cùng trí tuệ thì ở thời điểm ấy, trí tuệ sẽ hiểu về sự khác biệt giữa chánh niệm ở mức độ ấy và chánh niệm ở mức độ thiện pháp bình thường mà thôi. Khi chánh niệm sinh khởi hay biết, nó khác biệt với khoảnh khắc nó không sinh khởi. Dù ta có nghĩ nhiều về tâm sở xúc, về cái nghe, hay về tàm hay về chánh niệm, chừng nào những đối tượng ấy không xuất hiện như là một đối tượng cho trí tuệ thì sẽ không thể có cái hiểu về đúng bản chất của chúng. Khoảnh khắc của chánh niệm sinh khởi cùng trí tuệ hiểu được đặc tính của thực tại một cách trực tiếp được gọi là Kicca Nana (Tri kiến về cơ năng của Tứ Đế). Dù chúng ta cố gắng thế nào đi nữa với ý niệm về ngã để cho những các pháp đó sinh khởi thì trí tuệ sẽ không thể sinh khởi, đó là những gì Đức Phật dạy chúng ta, sự phát triển phải theo từng giai đoạn.

Học viên 25:  Con vẫn có thói quen sám hối để gột rửa tâm. Con thấy Achaan luôn nói trọng tâm vào khoảnh khắc hiện tại, nhưng con vẫn muốn thực hành sám hối để nhắc nhở mình thì đó có phải là hiểu đúng không hay là tâm tham?

Achaan:         Tại sao những lời của Đức Phật lại có giá trị đến như vậy? Bởi vì những lời chân chánh sẽ tạo duyên cho trí tuệ. Nếu không thì không ai có thể tìm thấy trí tuệ ở đâu cả, không nơi nào khác có thể làm sinh khởi trí tuệ đó.  Ở khoảnh khắc có cái hiểu, sẽ không có cái suy nghĩ với tà kiến về việc tôi sẽ phải làm gì, vì hiểu biết đúng bao giờ cũng biết rõ và tạo duyên cho thêm hiểu biết khi có sự suy xét và lắng nghe nhiều hơn. Liệu tà kiến có thể hoàn toàn được tận diệt ngay lập tức hay không?

HV 25:           Không thể

Achaan:        Vậy cái gì có thể tận diệt được tà kiến?

HV 25:           Chánh kiến.

Achaan:        Ở khoảnh khắc có chánh kiến hay trí tuệ thì không ai cần phải làm gì cả vì ở khoảnh khắc ấy chánh kiến đẩy lùi sự vô minh.

Học viên 7:   Khi người mẹ không muốn các con xăm trên người thì làm thế nào?

Sarah:          Câu hỏi “tôi nên làm gì đây” cũng tương tự như câu đặt ra trước đó, tất cả mọi người đều đặt câu hỏi “tôi nên làm gì đây”, nhưng ở khoảnh khắc nghĩ như vậy thì đã quên rằng tất cả đều là pháp.

Achaan:        Người mẹ nào cũng mong con cái nghe lời mình, nhưng cảm xúc của con thì sao? Khi con phải theo ý của mẹ mà không theo ý của mình thì con sẽ đau khổ, nhưng điều người mẹ mong muốn có phải là cho con được hạnh phúc, có đúng không? Chúng ta chỉ nghĩ về mong muốn, về ý thích của mình, thế còn người khác thì sao, khi cứ muốn người khác theo ý thích của mình thì sẽ tạo ra sự căng thẳng, đau khổ. Tốt nhất nên là một người mẹ biết cảm thông, và suy cho cùng cánh tay đó là tay của con chứ không phải tay của mẹ, đúng không?

Sarah:           Và người con đó hay tất cả mọi người thì đều trân quý tâm từ, khi có thêm tâm từ thì cũng có thể là duyên để cho cậu con trai đó có sự suy xét nhiều hơn đến cảm xúc của người khác. Nhưng nếu ta chỉ cứ ra lệnh cho con trẻ với sự dính mắc hay sân hận của mình, thì chúng có thể cảm thấy bực mình, đau khổ và đi theo con đường hoàn toàn ngược lại, như vậy tâm từ không bao giờ làm tổn thương cả. Khi có tâm từ thay cho sự dính mắc thì không bao giờ có sự thất vọng hết, nhưng khi có sự dính mắc và yêu cầu người khác làm theo ý mình, đó lại là sự mong đợi và điều ấy không giúp được ai cả.

Sadhu sadhu sadhu!

Leave a Reply

Translate »