1/ Pháp đàm buổi chiều ngày 31.08.2013 tại Sài Gòn.
Achaan: Tôi rất hoan hỉ được gặp quý vị ở đây ngày hôm nay, bởi vì điều quý báu nhất trên đời là được hiểu giáo lý của Đức Phật. Khi chúng ta nói rằng: con xin quy y Phật, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng, chúng ta có niềm tin vào đức Phật, xin nương nhờ vào bậc Giác ngộ. Nhưng chúng ta có thực sự biết về giáo lý của bậc giác ngộ ấy không, hay chúng ta chỉ tỏ lòng tôn kính của mình mà thôi? Nếu chúng ta muốn biết về giáo lý của bậc Giác ngộ, chúng ta cần phải biết về ơn đức của Ngài và biết Ngài đã biết về điều gì. Chúng ta cần trung thực để đánh giá mình biết được bao nhiêu về những gì Đức Phật đã dạy, không nên chỉ phỏng đoán.
Đức Phật dạy về sự thật tối hậu. Nếu chúng ta nhớ rằng Ngài đã trải qua rất nhiều A tăng kỳ kiếp là một vị đại Bồ tát, hoàn thành các ba la mật để trở thành một vị Phật, chúng ta sẽ thấy rằng hẳn là Giáo lý của Ngài phải vô cùng vi tế và thâm sâu, và không thể nào dễ dàng hiểu được. Chúng ta không thể tự nghĩ ra một số điều và cho rằng đó là Giáo lý của Đức Phật. Chúng ta phải nghiên cứu rất chi tiết. Nếu nghiên cứu Giáo lý của một bậc Giác ngộ như vậy thì ta cần phải nghiên cứu từng từ một. Chẳng hạn từ Phật, Đức Phật là gì? Đức Phật là một bậc Giác ngộ, Ngài có lòng từ bi vĩ đại để có thể giúp đỡ tất cả mọi người. Lòng từ bi của Ngài không chỉ trải đến một số người nhất định hay ai đó trong thân bằng quyến thuộc mà đến tất cả các chúng sinh.
Vì sao Đức Phật thuyết giảng ? Đức Phật thuyết giảng về cái gì? Đức Phật giảng về bây giờ, về hiện tại. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, chỉ có hiện tại là cái duy nhất có thể được hiểu và tiếp cận. Như vậy, tôi nghĩ rằng chỉ có một con đường, đó là nghiên cứu Giáo lý mà đức Phật đã để lại, nghiên cứu từng từ một. Chẳng hạn, Đức Phật nói về cái thấy, tất cả chúng ta đều thấy, nhưng hiện giờ các bạn hiểu về cái thấy như thế nào? đó chỉ là tôi thấy, hay tôi thấy điều gì? Nếu không có đối tượng được thấy, và không có thức thấy thì có thể thấy hay không?
Quý vị có câu hỏi gì không? Vừa rồi, chúng ta mới chỉ nói về một từ thôi, đó là từ “pháp”. Chúng ta có thể nói, cái gì là thực là pháp không? Nếu không thì có lợi ích gì đây, khi chỉ nghe từ “pháp” thôi mà không hiểu gì cả.
Người phiên dịch: Đoạn trước Achaan có nói về từ pháp, thông thường mọi người khi nghe từ pháp vẫn nghĩ đó là chỉ giáo lý của Đức Phật, nhưng thực sự từ pháp là gì? Đó là lý do bây giờ Achaan đang giảng cho chúng ta về từ pháp.
Achaan: Chúng ta hãy học một từ ở một thời điểm. Người Phật tử đã ít nhiều nghe từ “pháp” trong cuộc đời của mình. Thế còn cái hiểu về từ Pháp-Dhamma, nếu chúng ta không dùng từ Pháp thì sao? Nếu không dùng từ “pháp”, chúng ta có thể nói về bất cứ cái gì là thực hiện giờ. Thay cho việc cố tìm hiểu định nghĩa về từ “pháp”, hiện giờ cái gì là thực? Tiếng Việt gọi là “pháp”, nhưng tiếng Pali là “dhamma”, chúng ta thấy rằng đây là một từ mà Đức Phật đã sử dụng. Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng bất cứ cái gì là thực, dù không cần đặt tên thì đã là Pháp rồi. Chẳng hạn, như cái thấy, chúng ta có cần gọi đó là “cái thấy” không? Nghe, chúng ta có cần đặt tên nó là “nghe” không? Âm thanh đã được nghe và nó đã qua rồi, chúng ta có cần đặt tên nó là “âm thanh” không? Tuy nhiên chúng ta vẫn cần dùng ngôn từ để giao tiếp và truyền đạt những gì chúng ta muốn nói tới. Chúng ta dùng từ “cái thấy” để biết là chúng ta đang không nói về cái nghe. Nhưng không ai có thể thay đổi đặc tính của cái thấy. Nếu cái nghe không sinh khởi, liệu ai có thế biết rằng có âm thanh? Ở khoảnh khắc của cái nghe, cái gì là thực? Không chỉ có âm thanh là thực mà cái nghe cũng là thực. Những gì là thực chính là điều mà Đức Phật đã giác ngộ, giác ngộ về bản chất thật của tất cả các thực tại. Nếu cái thấy không sinh khởi thì có thể thấy được không? Nếu cái nghe không sinh khởi thì liệu có ai có thể nghe và có thể nghĩ về cái nghe? Khi cái nghe sinh khởi, nó chỉ là cái nghe mà thôi, không phải “tôi” nghe. Nếu không có cái thấy, không có mắt, sẽ không thể có ý niệm “tôi thấy.”
Như vậy chúng ta sẽ học được rằng trong thế giới này hay trong một thế giới khác, cái tồn tại duy nhất chỉ là các thực tại mà thôi. Chúng ta có thể nói rằng, bây giờ chúng ta bắt đầu biết hơn về bất cứ cái gì là thực không? Bạn muốn nghe về điều này hay là bạn muốn nghe “pháp” nào? Có phải đó là hai thứ khác nhau không, hay chỉ là một? Đây chính là thời điểm để bắt đầu hiểu “ pháp” là gì, về tất cả thứ gì là thực, dù chúng ta có đặt tên nó là gì trong bất kỳ ngôn ngữ nào, thì nó vẫn là như vậy. Nó là chung cho toàn bộ vũ trụ này. Cái thấy có phải là Việt nam hay Thái lan không? Cái thấy chỉ là cái thấy không hề có quốc tịch. Như vậy các bạn có thể hiểu được nghĩa của từ “pháp” bây giờ. Cái là thực đối với tất cả mọi người. Đối với những người nào hiểu được điều ấy mà thôi. Như vậy thì các bạn sẽ có thêm lòng từ bi bởi vì cái mà chúng ta cho là “ta”, là “tự ngã”, thực chất chỉ là thực tại. Sân có thực không? Chúng ta có phải đặt tên nó là “pháp” không? Nhưng nó chính là pháp đấy, nó cũng là một thực tại, là pháp, như Đức Phật đã dạy về cái thấy và cái nghe. Bây giờ các bạn có hiểu không? Tương tự như vậy, nếu không có duyên, cái hiểu sẽ không thể sinh khởi. Bất cứ cái gì xuất hiện hiện giờ đều cần có nhiều duyên để cho nó sinh khởi. Có ai kiểm soát được điều ấy không? Có ai tạo ra được không? Có ai có thể ngừng việc diệt đi của những gì đã sinh khởi không? Có ai có thể làm được gì không? Hãy chỉ học để hiểu thực tại như nó là mà thôi. Và đó là cái hiểu đúng đắn về bất cứ thực tại nào xuất hiện, rằng nó hoàn toàn vô thường, nó không thuộc về ai cả. Cái gì được sinh ra? Bây giờ có thể có câu trả lời, cái gì được sinh ra? Có ai muốn trả lời không?
Ai đó trả lời: Đó là pháp.
Achaan: Đúng như vậy, cái gì chết, cái gì sống? vẫn là pháp. Cái gì thấy? Vẫn chỉ là “pháp” thấy. Cái gì thích và không thích? Vẫn chỉ là “pháp” thích và không thích. Như vậy tất cả các thực tại này đều sinh khởi khi có duyên cho chúng sinh khởi. Chúng sinh và diệt ngay tức thì, chúng ta hoàn toàn không hay biết gì về tất cả những thực tại đó, suốt cả ngày đều như vậy. Nhưng nếu được nghe Giáo lý thì có thể bắt đầu phát triển hiểu biết về thực tại . Có ai biết được khi nào thì mình sẽ chết không? Trước khi chết điều gì là tốt nhất? Là hiểu biết đúng về bất cứ cái gì xuất hiện. Liệu ai có thể có hiểu biết về những điều đó mà không có sự nghiên cứu giáo lý của Đức Phật hay không? Đó là ý nghĩa của câu “Con xin quy y Pháp”.
Sarah: Một người bạn có nói với tôi: nhiều người Việt nam, Thái lan hay những nơi khác đặt câu hỏi rằng, tại sao chúng ta lại mất thời gian tìm hiểu ý nghĩa của các từ trong giáo lý Đức Phật, về cái thấy, cái nghe, mà không đi thực hành đi.
Khi ở sân bay, tôi có nghe một bạn nói, trước đây, khi bạn tiếp xúc với Giáo lý của Theravada, ngay lập tức bạn ấy đi vào thực hành và bây giờ bạn ấy quan tâm đến việc nghiên cứu, học them về các loại pháp (thực tại) khác nhau. Và câu hỏi đặt ra là, liệu có thể có sự thực hành đúng đắn nếu trước đó không có hiểu biết về cái gì là pháp, về Giáo lý hay không?
Achaan giảng cho chúng ta rằng tất cả các pháp là vô ngã, nếu có hiểu biết đúng đắn về điều ấy, hiểu biết ấy sẽ bắt đầu phát triển. Như vậy, nếu không có hiểu biết đúng đắn ngay lúc ban đầu về những gì Đức Phật dạy, liệu nó có thể là nền tảng cho sự thực hành hay không? Liệu có thể có thực hành đúng không? Do đó tôi có câu hỏi cho bạn ấy: quan điểm của bạn về pháp học đúng là gì, và về pháp hành đúng là gì?, nếu bạn phân biệt pháp học và pháp hành thì liệu đó có phải pháp học đúng và pháp hành đúng hay không? Liệu đó có phải là hiểu biết đúng không? Có đưa đến chánh kiến hay không? Hay đó chỉ là quan điểm riêng của bạn thôi?
Học viên 1: Trong quá trình học, hiểu biết luôn luôn thay đổi, trước đây tôi hiểu về pháp khác, bây giờ lại hiểu khác. Tôi hiểu rằng không có ai đang thực hành cả, tất cả sự việc đều do duyên sinh, không có ai có thể thực hành được, vì nó là vô ngã, chỉ có hiểu biết đúng, và hiểu biết đúng đó được tích lũy thì nó dẫn tới sự trực nhận về giáo pháp, về những cái gì là thực, chứ không phải là các ý niệm.
Sarah: Lý do mà Achaan nói nhiều về cái thấy, cái nghe hiện giờ liên quan tới những gì bạn vừa nói. Thông thường mọi người vẫn nghĩ chúng ta thấy được sự sinh diệt trong cuộc sống hàng ngày. Achaan nói về cái nghe, cái thấy, những thứ rất thông thường. Nhưng trong một ngày, chúng ta luôn chỉ thấy tôi thấy, tôi nghe, chứ không hiểu rằng đó là “pháp”, nếu chưa có cải hiểu ban đầu rằng đó chỉ là pháp, sẽ không thể nào đi đến bước sau là thấy được sự sinh diệt của pháp. Thêm một lý do nữa, khiến Achaan nói với chúng ta về cái thấy và cái nghe hiện giờ là bởi vì, nếu không có hiểu biết đúng đắn về lý thuyết, về những gì đang xuất hiện hiện giờ, về cái thấy hiện giờ, để hiểu về cái thấy hiện giờ, biết cái hiểu đúng về nó là gì, và về cái nghe hiện giờ, biết cái hiểu đúng về nó là gì về mặt lý thuyết- pariyati, sẽ không thể có được khoảnh khắc của patipati- pháp hành. Nếu không có cái hiểu về lý thuyết một cách rành mạch, vững vàng, sẽ không có duyên cho pháp hành sinh khởi. Một số người cho rằng, trước đây tôi có pháp học và bây giờ tôi chuyển sang pháp hành. Nhưng chúng ta phải định nghĩa rất rõ về khái niệm này, Pháp học và gì? Pháp hành là gì?
Achaan: Trước khi nghiên cứu giáo lý, thông thường mọi người muốn quan tâm đến những gì mình chưa biết, nhưng khi tìm hiểu, họ cũng quan tâm đến những điều họ hiểu lờ mờ. Chẳng hạn, chỉ có một từ như từ “Pháp”, chúng ta vẫn nói “con xin quy y Pháp” nhưng vẫn chưa hiểu Pháp là gì? Nếu chúng ta nghiên cứu một cách kỹ lưỡng sâu sắc, chúng ta sẽ hiểu hơn giáo lý của Đức Phật và thấy rõ hơn ơn đức của Ngài. Nếu không chúng ta sẽ tưởng mình đã biết Đức Phật đã dạy những gì bằng việc đọc Giáo lý của Ngài. Nhưng thực chất không phải như vậy, Đức Phật đã phải tích lũy nhiều ba la mật trong thời gian rất dài.
Mục đích sự nghiên cứu giáo lý của Đức Phật là gì nào? Có ai muốn trả lời không? Đâu là mục đích của việc nghe và nghiên cứu Giáo lý của Đức Phật? Mục tiêu chỉ là để hiểu, bởi vì trước khi nghiên cứu giáo lý không ai có thể hiểu được cả. Vậy, muc tiêu của sự thực hành là gì?
Chúng ta cần phải rất trung thực, nếu không có sự nghiên cứu Giáo lý của Đức Phật, làm sao có thể hiểu được đặc tính của cái xuất hiện bây giờ mà Ngài đã giảng. Đó là nghĩa của từ Paṭipatti– pháp hành, là tiếp cận sự thật với hiểu biết đúng, chứ không phải nghĩa là ngồi và làm cái gì đấy. Nếu như chúng ta không hiểu về cái thấy hiện giờ, cái nghe hiện giờ, suy nghĩ thì sự thực hành có ích gì đây? Một sự thực hành mà không dẫn đến hiểu biết? Giáo lý của đức Phật không dẫn tới sự không hiểu biết. Vậy chúng ta có nên tạm gác sang một bên ý niệm về sự thực hành chừng nào ta chưa hiểu được về cái gì xuất hiện hiện giờ một cách đúng đắn. Điều ấy cũng giống như chúng ta muốn đi đến một nơi nào đó mà hoàn toàn không biết con đường. Làm thế nào các bạn có thể tới đó được?
Chẳng hạn, Tứ diệu đế là gì? Gồm những gì? Chúng ta có thể học thuộc lòng Tứ diệu đế, nhưng có thể hiểu về từng thứ ở trong đó không? Vậy chúng ta sẽ đọc Tứ diệu đế, đi thực hành, hay là hiểu về thực tại hiện giờ đây? Chúng ta chọn đường nào đây? Sẽ đi đâu thực hành hay hiểu chút xíu, từng bước một? Việc hiểu đúng là cái duy nhất dẫn tới sự giác ngộ, không có cái gì khác. Có ai có thể giác ngộ Tứ diệu đế mà không có hiểu biết không? Hay là chỉ nghe từ Tứ diệu đế là đủ rồi mà không có cái hiểu gì về khoảnh khắc hiện giờ? Chúng ta có thể nói khoảnh khắc hiện giờ đây chính là khoảnh khắc để những người có trí tuệ đã phát triển hiểu đúng về Tứ diệu đế. Còn những người không có cái hiểu đúng, mà chỉ cố nỗ lực để đạt tới một cái gì đó, thì là điều không thể. Đức Phật đã cho các Phật tử những gì nào? Điều đó là vô cùng quý báu, hơn tất cả các thứ khác ở trên đời này. Đó là hiểu biết đúng đắn về các thực tại sinh khởi, nó hoàn toàn khác trước đây. Nếu như không có sự nghiên cứu, không có sự suy xét thì sẽ không thể có cái hiểu đúng. Bạn có thể nói với ai đó mà không có sự trân quý về giá trị của những gì nghiên cứu, những gì là thực hiện giờ hay không?
Sarah: Nhắc lại câu hỏi trước rằng liệu có lãng phí thời gian không nếu chúng ta cứ nghiên cứu lý thuyết mà không đi vào thực hành? Nếu không có hiểu biết về lý thuyết mà chúng ta đã ngay lập tức đi đâu và ngồi thiền thì liệu đó có phải là sự lãng phí thời gian không? Liệu đó có là sự thực hành của Tứ niệm xứ như những gì đức Phật đã thuyết giảng nếu không có nền tàng của hiểu biết đúng đắn hay không?
Achaan: Một số người cho rằng sự nghiên cứu cái thấy cái nghe như chúng ta đang nghiên cứu giáo lý bây giờ là sự lãng phí thời gian. Nếu chúng ta nghiên cứu từng từ một, thay cho việc nghĩ rằng đó là sự lãng phí thời gian, chúng ta có thể thấy rõ rằng nếu không nghiên cứu cái gì cả thì đó là một cuộc đời hoàn toàn uổng phí, vì không có them chút hiểu biết nào.
Ai là người nói mọi người đi đến một ngôi chùa để thực hành? Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài có nói các đệ tử của Ngài đi đến ngôi chùa nào đó để thực hành hay không? Bây giờ các bạn hãy thử suy xét xem, một bên là người nói với bạn, hãy đi đến ngôi chùa nào đấy để thực hành, và một người nói khác với các bạn, hãy hiểu về những gì đang xuất hiện hiện giờ, các bạn sẽ chọn cái gì? Nghĩa của từ Đệ tử (savaka) là gì? Đệ tử đi theo ai? Nếu chúng ta không nghe Pháp của Đức Thế tôn thì chúng ta theo ai đây? Khi đó chúng ta sẽ đi theo những người khác chứ không phải Đức Phật.
Sarah: Có một số lời nhận xét, chúng ta nghiên cứu Vi diệu pháp làm gì, bởi vì đó là Tạng không được Đức Phật dạy trực tiếp, hoặc vi diệu pháp quá khó. Nếu ai đó nói như vậy là không thấy được rằng, bản thân cái thấy hiện giờ, cái nghe hiện giờ đã là pháp, là vi diệu pháp. Nếu ai đó thấy rằng, vi diệu pháp không giống như những ý niệm của họ về thực hành, điều ấy có nghĩa là có gì đó không ổn với ý niệm ấy, vì lý thuyết và thực hành cần phải thống nhất. Những cái gì là thực, là Vi diệu pháp không nằm trong một cuốn sách. Cho nên Vi diệu pháp không phải là một cuốn sách, đó là lời dạy về tất cả những gì có thực hiện giờ, rằng mọi cái đều là vô ngã.
Achaan: Các bạn có quan niệm như thế nào về Vi diệu pháp? Vi diệu pháp có khác với “pháp” hay không? Bởi vì pháp luôn là pháp, là cái gì có thực, không ai có thể thay đổi được đặc tính của cái có thực.
Học viên 2: Theo tôi Đức Phật có dạy nhiều cách tiếp cận khác nhau cho các đối tượng khác nhau. Vì vậy có lúc Ngài dạy thông qua các câu chuyện, qua các bài kinh và hướng dẫn cụ thể cần thực hành như thế nào. Chẳng hạn trong Tứ niệm xứ, phải đi đâu để thực hành, quán ra làm sao, những đề mục gì; có lúc Ngài dạy giữ giới, có lúc Ngài nói các hành giả cần nỗ lực.Tôi nghĩ vào thời Đức Phật với các ba la mật khác nhau, các hành giả đều có các điều kiện khác nhau để tìm đến con đường giải thoát. Hôm nay cũng vậy, chúng ta – các yogis, cũng cần nhiều công cụ, nhiều con đường khác nhau, và với duyên nào mà chúng ta thấy mang tới sự hiểu biết thì chúng ta nên cố gắng mở phương pháp của mình để không bị bám chấp và nắm bắt tốt nhất Giáo pháp của Đức Phật. Đây là dịp tôi cho rằng rất quan trọng để bù đắp sự thiếu hụt về Vi diệu pháp, về hiểu biết đúng của các hành giả Việt nam, cả về pháp học và pháp hành Mong nhờ Achaan từ từ điều chỉnh chúng con.
Achaan: Đức Phật đã dạy trong 45 năm, Đức Phật dạy để làm gì? Đức Phật dạy cho mọi người hiểu, hay Đức Phật để mọi người theo những ý niệm của mình mà thôi? Bạn có đề cập đến Hành giả-Yogi, vậy ý nghĩa của từ Yogi là gì? Đó là một thuật ngữ Pāli có nghĩa là sự bền bỉ. Nếu nghĩa của từ Yogi là sự bền bỉ một cách đúng đắn, vậy thì bây giờ bất cứ những ai đang ngồi đây, đang có sự cố gắng lắng nghe để hiểu thì có thể gọi người đó là Yogi hay không?
Chúng ta đề cập đến từ Yogi- những người có sự nỗ lực hay bền bỉ một cách đúng đắn. Khi tôi còn nhỏ, ở Thái lan mọi người gọi Yogi là những người ngồi mặc áo da hổ, đeo tràng hạt với những trang phục đặc biệt giống như các Yogi Ấn độ. Chính vì vậy đối với người Thái, họ hiểu Yogi theo một nghĩa khác. Tuy nhiên, đúng theo giáo lý của Đức Phật, Yogi có nghĩa là sự nỗ lực đúng đắn.
Vừa rồi, bạn có nói rằng Đức Phật dạy mọi người phải nỗ lực, tuy nhiên chúng ta phải hiểu điều này một cách đúng đắn bởi vì các pháp đều là vô ngã. Bản thân Viriya – sự tinh tấn cũng là một pháp sinh khởi do duyên. Không ai có thể tạo ra được điều đó, không phải cứ ai đi đâu đó thì được gọi là tinh tấn một cách đúng đắn. Vậy Tất cả những gì chúng ta đọc cần phải đọc dưới ánh sáng của hiểu biết về vô ngã.
Nếu không nghiên cứu một cách cẩn thận chúng ta rất dễ hiểu sai Giáo lý. Khi nói đến pháp thì hầu hết mọi người đều đồng ý, nhưng khi nói đến Vi diệu pháp thì một số người phủ nhận, cho rằng không cần phải học. Nhưng nếu chúng ta biết ý nghĩa của từ “pháp”, thì chúng ta sẽ thấy “pháp” cũng chính là Vi diệu pháp. Bởi vì một từ chưa thể làm rõ Giáo lý của đức Phật, chúng ta không thể nói một số từ để diễn tả hết giáo lý của Đức Phật, nhưng mỗi từ sẽ cần là đối tượng để suy xét một cách cẩn thận, để tìm ra sự thật của nó. Sẽ không đủ đâu nếu chúng ta cứ nói rằng mọi thứ đều là thực, đều là pháp. Bởi vì khi nói như vậy, vẫn chỉ là ngôn từ mà thôi, nhưng còn hiện giờ, còn khoảnh khắc này thì sao?
Trong mọi ngày, tất cả chúng ta đều có cái thấy, cái nghe, cái ngửi, sự xúc chạm, sự suy nghĩ và không ai có thể thoát khỏi những cái đó cả. Có thể thấy rằng hiểu biết của chúng ta về tất cả những thứ đó còn chưa có gì cả. Chúng ta có thể hiểu dần dần là bây giờ có cái thấy, không ai có thể thay đặc tính của cái thấy thành cái nghe, khi ta suy xét về điều ấy, chúng ta có thể thấy ý nghĩa của từ paramattha dhamma- pháp chân đế. Vậy Pháp chân đế có phải là pháp không? Có ai muốn trả lời không?
Học viên 3: Đúng, Pháp chân đế cũng là pháp
Achaan: Như vậy ta đã hiểu rõ hơn một chút rằng pháp cũng là pháp chân đế, pháp chân đế cũng là pháp. Có pháp nào không phải là pháp chân đế không?
HV 3: Có pháp không phải là pháp chân đế, đó là những pháp thuộc về chế định.
Achaan: Khi chúng ta nói đến từ “pháp” theo nghĩa pháp chân đế, nó có nghĩa rằng, đó là pháp – không phải do ai tạo ra , sinh khởi do duyên, bất cứ khi nào có duyên cho nó sinh khởi thì nó sẽ sinh khởi. Bất cứ cái gì sinh khởi sẽ phải diệt đi. Đó là pháp và cũng là pháp chân đế, và rất sâu sắc. Các pháp như cái thấy và cái nghe là những thực tại khác nhau, nó sinh và diệt, nhưng ai có thể kinh nghiệm được sự sinh và diệt của các pháp ấy? Chúng ta đang tập để nghe thêm và suy xét thêm về những thực tại ấy, hiện giờ, có nhiều khoảnh khắc của cái thấy, cái nghe và như vậy những thực tại đó sinh và diệt vô cùng nhanh, vô cùng vi tế, và rất khó để kinh nghiệm trực tiếp sự sinh diệt của các pháp ấy, chính vì thế mà chúng ta có từ Vi diệu pháp- Abhidhamma, bởi sự vi tế của các pháp ấy. Hiện giờ chúng ta vẫn còn đang có hoài nghi về ý nghĩa của các từ dhamma- pháp, paramattha dhamma- chân đế pháp và vi diệu pháp – abhidhamma, vậy thì chưa thể nói đến từ Paṭipatti- pháp hành. Pháp hành sẽ tới về sau, khi có những khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp về thực tại. Tôi muốn hỏi bạn mục tiêu của thực hành là gì?
HV 3: Theo con thấy thì mục đích của thực hành là thấy các pháp như nó là, thấy sự sinh và diệt của thực tại.
Achaan: Ngay bây giờ ấy ư? Hiện giờ chưa phải thời điểm để có được Tuệ giác đó. Chúng ta nghe về các thực tại sinh diệt và chúng ta nỗ lực rất nhiều để kinh nghiệm trực tiếp. Nhưng điều đó không thể dễ dàng như vậy. Tuệ giác thấy được sự sinh diệt của các thực tại là một Tuệ giác rất sâu sắc, cần phải có tuệ giác phát triển thì mới có thể xuyên thấu được sự thật ấy, vì đó là về từng sát na tâm, vô cùng ngắn ngủi, nhưng đó là một Tuệ giác rất vĩ đại. Có ai đã từng đọc về sự thực hành sai chưa? Và về con đường tà đạo chưa – Cái là đối nghịch với Bát chánh đạo? Nếu chúng ta không có hiểu biết đúng đắn về con đường Bát chánh đạo, chắc chắn chúng ta sẽ đi theo con đường Bát tà đạo. Vậy tại sao chúng ta chỉ muốn thực hành thôi, mà không phát triển hiểu biết một cách dần dần?
Sarah: Tôi muốn làm rõ hơn một chút về nhận xét pháp chế định cũng là Pháp. Chẳng hạn, chúng ta thấy bông hoa và chạm vào bông hoa, đó là khoảnh khắc của cái thấy và sự xúc chạm. Từ khoảnh khắc đó mới hình thành nên ý niệm bông hoa, ý niệm đó là khái niệm. Trên thực tế, nếu không có cái thấy và sự xúc chạm là những thực tại chân đế, sẽ không có ý niệm bông hoa. Như vậy cái thấy, sự xúc chạm là chân đế pháp; còn bông hoa chỉ là chế định mà thôi.
HV 3: Con chưa đủ năng lực để thấy được sắc và danh, tức là từng cặp sắc và danh sinh diệt. Nhưng con cảm nhận được hơi thở vào ra nơi cửa mũi, hoặc tác ý tưởng sinh và diệt trong tâm, từ ý này đến ý khác. Vậy những nhận biết đó có thuộc về pháp chân đế hay không?
Sarah: Đó là những kinh nghiệm của suy nghĩ mà thôi.
Người phiên dịch: Bà có thể giải thích thêm không?
Achaan: Tại sao bạn lại gọi đó là hơi thở?
HV 3: Do có gió ra vào, có sự cảm nhận nơi mũi, con nhận biết xúc chạm khi đó, tưởng ghi nhận biết đó [là hơi thở, gió] thì được gọi là thực hành đúng hay là sai?
Achaan: Liệu việc biết rằng đó là hơi thở hay là gió có phải là trí tuệ hay không? Bởi vì trí tuệ thấy thực tại như nó là có thể biết rằng, thực tại đang được kinh nghiệm là vô ngã. Hiện giờ cái gì đang xuất hiện? Cái gì đã diệt đi?
HV 3: Cái gì đã xuất hiện và diệt đi thì không thể mô tả. Vì nếu con vừa cảm giác xong mà con lại mô tả thì nó đã thay đổi, vấn đề con đang mô tả nó đã thuộc về quá khứ.
Achaan: Làm sao bạn biết được đó là gió?
HV 3: Con cảm nhận sự lưu chuyển, rung động.
Achaan: Như vậy vẫn có ý niệm về tôi, đúng không?
HV 3: “Tôi” là một từ diễn tả để nói chuyện với bà. Khi ngồi và quan sát hơi thở thì chỉ là hơi thở vào ra ngay lúc đó. Sự thực hành như vậy có đúng không ?
Achaan: Bạn chỉ muốn câu trả lời hay là bạn muốn hiểu?
HV 3: Con muốn hiểu, bởi vì bà có đặt ra vấn đề Thế nào là thực hành đúng và thế nào là thực hành sai. Thế nào là sự hiểu đúng về pháp chân đế? Con chưa đủ năng lực để thấy các sắc pháp và danh pháp ở dạng vi tế. Nhưng con có thể quan sát ý nghĩ hay hơi thở gió ra vô cửa mũi là danh và sắc pháp dạng thô, vậy thì sự thực hành đó nên tiếp tục thực tập hay không?
Achaan: Có bao nhiêu loại tà kiến ở trong kinh điển? Có hai mươi loại tà kiến về thân kiến: có 5 uẩn, mỗi uẩn có 4 loại dính mắc khác nhau, nên có 20 loại Sakkāya- diṭṭhi (thân kiến) khác nhau. Thân kiến thật ra là chấp ngũ uẩn là ta. Diṭṭhi- tà kiến không thể hiểu được bản thân nó, tham không thể hiểu được bản thân nó, chỉ có trí tuệ mới có thể hiểu, thấy tà kiến là tà kiến, tham là tham. Chức năng của trí tuệ hoàn toàn đối nghịch với chức năng của tham. Chức năng của tham là dính mắc, chức năng của trí tuệ là xả ly. Khi có những kinh nghiệm lạ sinh khởi, tham chỉ muốn biết thôi, nếu không có trí tuệ sinh khởi ngay khi đó để đảm nhận chức năng hiểu. Như vậy, bây giờ chúng ta có nên bắt đầu với các pháp, để hiểu về các pháp đang xuất hiện, không phải chỉ bằng ngôn từ, mà bằng đặc tính của các pháp. Mỗi một pháp có đặc tính riêng, không giống nhau.
Chẳng hạn, hiện giờ cái cứng có đang xuất hiện không? Khi nói đến cái cứng là ta nói đến khoảnh khắc có sự xúc chạm, chứ không phải khoảnh khắc nghĩ về cái cứng. Nếu không, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục nói về nó mà không biết được chính xác khoảnh khắc cái cứng xuất hiện. Thay cho việc nghiên cứu, suy xét về đặc tính của thực tại đó, lại có ý niệm liệu đây là danh hay sắc. Ở khoảnh khắc kinh nghiệm cái cứng, cái cứng có khác với cái kinh nghiệm nó hay không? Có khác nhau không? Cái cứng không kinh nghiệm gì cả nhưng ngay ở khoảnh khắc này đang có một thực tại kinh nghiệm cái cứng. Bất cứ thực tại hữu vi nào đều là một trong hai loại thực tại, thứ nhất là loại thực tại không kinh nghiệm gì cả, và thứ hai là loại thực tại mà khi sinh khởi, nó kinh nghiệm một cái gì đó. Dù chúng ta không dùng từ danh và sắc đi nữa, vẫn có một loại thực tại kinh nghiệm đối tượng và một loại thực tại không kinh nghiệm. Để giao tiếp với nhau, chúng ta dùng từ danh và sắc, nhưng về mặt thực chất, chúng chỉ là thực tại kinh nghiệm và thực tại không kinh nghiệm. Dù chúng ta không gọi nó là danh, nó vẫn là loại thực tại kinh nghiệm đối tượng, bất cứ khi nào nó sinh khởi. Tất cả đặc tính của thực tại xuất hiện trong ngày cần được nghiên cứu để loại bỏ ý niệm về ngã. Có ai có câu hỏi gì về danh và sắc hay không?
Như vậy đã đủ chưa, vì nó là VI diệu pháp mà. Có nhiều thứ đơn giản nhưng rất đáng để chúng ta suy xét, chẳng hạn như cái thấy hiện giờ. Nó có dễ không? Nếu như dễ thì nó không phải là Vi diệu pháp. Tất cả các pháp đều là Vi diệu pháp, chúng rất vi tế. Để biết cái gì được thấy, bạn hãy nhắm mắt xem nào, và rồi mở mắt ra. Cái gì được thấy khi bạn mở mắt ra, nó khác khi bạn nhắm mắt đúng không? Nếu không có nhãn căn làm duyên thì hiện giờ có thể có cái thấy không? Nếu chúng ta không có sự nghiên cứu về giáo pháp thì sẽ ngay lập tức có ý niệm rằng “tôi” thấy, nhưng nếu có sự nghiên cứu, chúng ta sẽ biết rằng đó chỉ là một thực tại, nó sinh khởi để thấy mà thôi. Nếu chúng ta không quên sự thực ấy, nó sẽ dẫn tới sự buông bỏ ý niệm về ngã. Cái thấy đã diệt rồi, vậy cái là tôi đi đâu? Nhưng tham thì không thể biết được điều ấy. Việc quý vị đi tới một trường thiền có mang tới hiểu biết rằng cái thấy hiện giờ là vô ngã, không có ai ở đó cả hay không?
Nếu hiện giờ chưa có hiểu biết và chúng ta đi đến một nơi nào đó khác với mong muốn có được hiểu biết, liệu điều đó có thể xảy ra không? Khi Đức Phật thuyết pháp cho mọi người, tùy thuộc vào sự tích lũy của mình, họ có thể có được cái hiểu đúng về những gi Đức Phật dạy hoặc không. Có ai đã thấy được sự vi tế của cái được thấy hay không? Nếu chúng ta không thấy được sự khác biệt giữa cái thấy và đối tượng thị giác – cái được thấy – mà chúng ta cho là con người hay đồ vật, thì sẽ thế nào đây? Hiện giờ chúng ta đang thấy mọi người, thấy như vậy là bình thường hay là vi diệu pháp? Khi có cái thấy, cả cái thấy và cái được thấy đều không phải là con người hay cảnh vật, và không phải là một giấc mơ, phải có một thực tại được thấy thì mới có cái thấy. Đức Phật đã dạy cho chúng ta cách thức để thấy được thực tại hiện giờ, phát triển được hiểu biết đúng về những gì đang xuất hiện hiện giờ. Nếu chúng ta không có sự nghiên cứu mà lại tự nghĩ ra lý thuyết riêng của mình, điều ấy sẽ không dẫn đến hiểu biết đúng đắn về những gì là thực tại. Như vậy, câu hỏi về cái gì được thấy và cái gì thấy hiện giờ có thể làm duyên cho hiểu biết đúng sinh khởi. Ai nghiên cứu vi diệu pháp có thể nói được, cái gì được thấy hiện giờ và nó ở đâu, đúng không?
Trong những ai ở đây đã từng nghiên cứu vi diệu pháp, các bạn có thể nói không? Cái được thấy hiện giờ là gì? Nó ở đâu? Nó không có gì là bí hiểm cả, nhưng mà chúng ta thậm chí không có thời gian để suy xét về nó kể cả khi chúng ta đã biết lý thuyết rồi. Nếu không có Tứ đại (đất, nước, lửa, gió) thì hiện giờ bạn có thể thấy cái này không? Bạn có thể “thấy” cái cứng không? Chúng ta có thể “thấy” cái cứng không?
Ai đó trả lời: Có.
Achaan: Chúng ta có thể “thấy” cái cứng hay sao? Bạn có thể “thấy” cái cứng ư? Có thể thấy nó mềm không? Cho rằng có thể “thấy” cứng hay mềm là sai. Khi tôi cất cái này đi, thì bạn có thể thấy được nó không? Như vậy, cái được thấy cũng sinh khởi cùng với cả cái cứng và cái mềm, tức là tứ đại. Dù chúng ta có đập vỡ cái kính này thành những mảnh rất nhỏ thì từng sắc trong đó vẫn có những yếu tố đó.
Chúng ta không thể nói được số lượng của cái thấy đã sinh khởi, bởi vì nó sinh khởi rất nhanh, có vô số cái thấy đã sinh khởi và diệt đi mà không hề có hiểu biết nào, nhưng chúng ta có thể bắt đầu phát triển hiểu biết về cái đã sinh và diệt đi, sau khi nó diệt đi thì còn lại tướng (nimitta) của cái đã diệt đi. Bây giờ các bạn đã hiểu về Vi diệu pháp đúng không? Và vi diệu pháp, pháp chân đế hay pháp cùng là một. Bây giờ tôi có thể hỏi cái gì đang được thấy đây?
Ai đó trả lời: Ý niệm
Achaan: Không, ý niệm thì không thể được thấy
Ai đó trả lời: Màu sắc
Achaan: Màu sắc? Nó là gì? Không phải đỏ hay xanh, mà là cái có thể được thấy. Không cần phải đặt tên cho cái được thấy, vì về bản chất nó là một thực tại được thấy.Cái cứng không để được thấy, mềm không thể được thấy. Đối tượng xúc chạm có thể được xúc chạm, nhưng không thể được thấy. Đó là Vi diệu pháp. Chúng ta có thể dùng các từ “đối tượng thị giác”, “màu”, hay “cái được thấy” nếu cần phải chỉ ra ta đang nói đến cái gì . Chúng ta có thể dùng ngôn từ nếu điều ấy giúp ta thấy được cái gì sinh khởi và đã diệt đi, và thấy được rõ hơn là không có ai cả. Trong tiếng Pali, từ “atta” không chỉ có nghĩa là “bản thân”, “tự ngã”, mà còn để chỉ những thứ ta coi là thường hằng như con người, bông hoa, bàn, ghế. Đó là những thứ không tồn tại kéo dài, được tạo bởi các thành phần vô cùng nhỏ bé, sinh và diệt liên tục. Những điều ấy luôn diễn ra như thế, kể cả từ trước khi đức Phật thành đạo.
Sarah: Bạn muốn biết về con đường đúng và con đường sai. Achaan có nói đến 20 loại tà kiến về ngã. Các Tà kiến về ngã- Sakkāya diṭṭhi chính là con đường sai. Bất cứ khi nào có ý niệm về tự ngã thì đã là con đường sai. Achaan nói đến những thực tại kinh nghiệm cái gì đó và những thực tại được kinh nghiệm nhưng không có khả năng kinh nghiệm gì cả. Khi nhắc tới những thực tại như vậy, đó là khởi đầu của con đường đúng, chứ không phải là việc đi theo kỹ thuật nào đó, chẳng hạn như tập trung vào một đối tượng nào đó, hay như chúng ta nói “Đức Phật dạy cho những người khác nhau những phương pháp, kỹ thuật khác nhau”.
Về thực chất, con đường phát triển Tuệ giác chỉ có một mà thôi, đó là cái hiểu đúng về thực tại, là hiểu đúng về thực tại hiện giờ, nếu không chúng ta lại sẽ nghĩ đến ngày mai hay hôm nào đó, hoặc đi đến nơi khác để làm cái gì đó, để kinh nghiệm cái gì đó. Nhưng hiểu biết đúng phải băt đầu từ chính khoảnh khắc này, hiểu những gì đang xuất hiện. Nếu không, sẽ có tham dẫn chúng ta đi đến một con đường khác, ra khỏi khoảnh khắc thực tại. Nếu chúng ta có suy nghĩ về việc thực hành vào ngày mai, vào hơi thở ngày mai, cái có thực ở thời điểm ấy chính là suy nghĩ, nó là một thực tại và thực tại ấy phải được hiểu ở ngay chính thời điểm này chứ không phải ở khoảnh khắc về sau. Con đường đúng là con đường hiểu thực tại hiện giờ.
Achaan: Hiện giờ chúng ta đang nghiên cứu Vi diệu pháp, có phải không? Học và nghiên cứu, cũng có nghĩa là hiểu, chứ không đơn thuần chỉ nghe mà thôi. Hiện giờ các bạn có đang nghiên cứu giáo lý của Đức Phật hay không? Đây không phải là giáo lý của ai khác mà là Giáo lý của Đức Phật.
Jonathan: Tôi có một câu hỏi cho các bạn suy xét, liệu có thể có sự thực hành hiện giờ hay không? Như chúng ta đang ngồi đây và đang đàm đạo về pháp. Hiện giờ có nên hiểu về pháp và về Vi diệu pháp hay không? Nếu hiện giờ có một khoảnh khắc của hiểu biết với chánh niệm về những gì đang sinh khởi, liệu ta có thể gọi đó là thực hành hay không?
Achaan: Ngay cả với từ chánh niệm, chúng ta cũng cần nghiên cứu rất kỹ, vì nó khác với cái chúng ta vẫn thường nói là “tôi có sự hay biết”, “tôi chánh niệm”. Đó là thực tại sinh khởi cùng tâm thiện với Trí tuệ, khi nó sinh khởi, nó hiểu đúng thực tại như nó là. Mỗi từ cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, nếu không, chúng ta cứ nghĩ là mình hiểu nhưng, thực chất, đó không phải là cái hiểu về thực tại.
Học viên 4: Thế nào là pháp chân đế, thế nào là danh, thế nào là sắc? Xin Achaan giải thích thêm vì đây là những khái niệm quan trọng cho hiểu biết.
Achaan: Việc tìm hiểu về danh và sắc không phải chỉ là nghĩ về danh và sắc, mà là hiểu về bất cứ cái gì đang xuất hiện hiện giờ, rằng đó là những thực tại và không có ai cả. Chẳng hạn khi tôi nói về cái thấy, có thể các bạn nghĩ về những thứ khác, chứ không phải về cái thấy, phải không? Ở thời Đức Phật, khi Ngài giảng về các thực tại như cái thấy chẳng hạn, thì khoảnh khắc mà Đức Phật nói về cái thấy, những người ngồi nghe có tích lũy suy xét để biết về cái thấy ở khoảnh khắc đó với chánh niệm và trí tuệ. Không dễ để khi nghe về cái thấy, có sự hướng về đặc tính của thực tại ấy với trí tuệ.
Thời nay chúng ta không có được trí tuệ như vậy, chúng ta không có được trí tuệ như những người ở thời đó. Chính vì vậy chúng ta cần phải nghiên cứu rất cẩn thận, cần nhiều thời gian, như nói về cái cứng: cái cứng là một thực tại, nó có đặc tính là cứng và có thể được kinh nghiệm bây giờ. Cái là cứng không thể thay đổi sang một đặc tính khác, chẳng hạn như vị ngọt, vị ngọt lại là một đặc tính khác. Tức là mỗi thực tại có một đặc tính riêng và hoàn toàn khác nhau. Âm thanh cũng vậy, âm thanh là một thực tại không thể xúc chạm mà chỉ có thể được nghe. Như vậy chúng ta đang dần dần biết được thêm về những thực tại là các sắc không kinh nghiệm gì cả. Sau đó chúng ta sẽ học thêm về danh là thực tại kinh nghiệm, và sự khác nhau giữa hai thực tại đó. Nếu không, chúng ta sẽ lãng quên mất. Trong một ngày, chúng ta luôn luôn nhìn thấy mọi người mà không thấy đó là những khoảnh khắc của thực tại chân đế.
HV 4: Thấy đúng theo vi diệu pháp là như thế nào và làm thế nào để thấy?
Achaan: Hiểu từng bước một rằng đây là cái được thấy, nếu không có cái được thấy thì không có cái thấy. Như vậy không phải bạn thấy hay là một ai đó hiểu, mà chỉ là pháp, là hành uẩn mà thôi, khi hành uẩn tích lũy cùng với hiểu biết, sẽ có khoảnh khắc của hiểu biết đúng, không có một ai ở trong đó cả, không ai có thể làm cái gì cả. Vậy, bây giờ chúng ta tạm bắt đầu với một sự thật rất nhỏ nhoi rằng: có gì đó được thấy. Nếu không có màu sắc của cái được thấy sẽ không thể có khái niệm về cái bàn, bông hoa. Nếu tất cả chỉ là đỏ hoặc trắng thì cũng không có cái bàn, cái ghế. Có ai có thể thay đổi cách tồn tại của thực tại không? Chẳng hạn, những cánh hoa, chiếc lá, mỗi thứ đều khác nhau, không ai có thể tạo ra những điều ấy. Do tứ đại được kết hợp theo những cách khác nhau nên tạo ra những đối tượng khác nhau. Tứ đại cùng với màu, sắc, hương, vị có thể tạo ra được những đối tượng khác nhau. Đây chỉ là một số bông hoa khác nhau trên cái lẵng này. Các bạn có thể thấy rằng sắc vô cùng đa dạng. Danh thì còn phong phú hơn nữa. Đó là các thực tại. Vậy chúng ta có thể nói rằng hiện giờ không có ai ở đây mà chỉ có các thực tại khác nhau hay không?. Chỉ là những khoảnh khắc các tâm khác nhau suy nghĩ. Các bạn có biết từ citta –tâm ? Citta nghĩa là thực tại, không phải là thứ gì trường tồn, sinh và diệt, không tồn tại kéo dài.
Học viên 5: Ở khoảnh khắc đầu tiên, sau khi mở mắt ra, chỉ là hình và màu, sau đó mới là cái bàn hay cái ghế. Vậy khoảnh khắc đầu tiên đó có phải là pháp chân đế?
Achaan: Nếu không có khoảnh khắc đầu tiên ấy, liệu có thể có khoảnh khắc tiếp theo hay không?
HV 5: Khoảnh khắc tiếp theo là khái niệm
Achaan: Nếu không có suy nghĩ thì cũng không có khái niệm, đúng không? Sau cái thấy và cái nghe, luôn luôn có suy nghĩ.
HV 5: Tại khoảnh khắc đầu tiên, đó là do thức chưa kịp hoạt động phân tích hay là bản chất của thực tại chỉ là hình và màu ở cái thấy đầu tiên?
Sarah: Theo tiến trình tự nhiên của các pháp, ở khoảnh khắc đầu tiên, ví dụ sẽ có thực tại là cái thấy. Cái thấy chỉ thấy màu – cái được thấy, sau đó thì mới có ý niệm về hình và dạng, rồi mới có ý niệm về đồ vật và con người. Tương tự như vậy đối với những thực tại khác, trước hết có kinh nghiệm về cái cứng, kinh nghiệm về nóng lạnh thì mới có ý niệm về cái bàn. Nếu không có khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp về thực tại, sẽ không có khoảnh khắc có ý niệm về thực tại đó là gì, tức là khoảnh khắc có các khái niệm hình thành. Đó là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên. Khi chúng ta tìm hiểu thế này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn, cái gì là sắc và cái gì là danh. Những câu hỏi như vậy sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn bản chất của thực tại, là những cái gì đang xảy ra hiện giờ.
HV 5: Ở khoảnh khắc đầu tiên, nó xảy ra rất nhanh, không thể ghi nhận được. Con người đã sống quen với các khái niệm, quen với sự suy nghĩ. Vậy để cho sự thực hành tốt hơn, để hiểu về thực tại rõ hơn thì mình phải phát triển như thế nào, phải tu học như thế nào để kinh nghiệm thực tại được nhiều hơn?
Achaan: Không ai có thể phát triển hiểu biết mà chỉ có hiểu biết – trí tuệ được phát triển dần dần từng bước một do duyên. Hiện giờ chúng ta đang nói về các thực tại, từng chút một, nếu có cái hiểu, nó sẽ từ từ được tích lũy, chứ không có ai có thể làm cái gì cả.
HV 5: Mặc dù hiểu rằng không có ngã ở đây, nhưng khi trao đổi thì phải dùng cái tôi , nên đó là thói quen khó tách rời, cho nên tập như thế nào, hiểu như thế nào,để xa rời cái ngã, cái tôi đó?
Achaan: Tham- muốn là một thực tại có phải không?
HV 5: Dạ, con đang muốn hiểu.
Achaan: Đó đang là một thực tại hiện giờ, phải không?
HV 5: Dạ, con cảm ơn.
Sarah: Bất cứ khi nào có một ý niệm phải làm một cái gì đấy, rằng ai đó có thể làm một cái gì đấy, thì ở khoảnh khắc đó có ý niệm về ngã chứ không phải là tiến trình hiểu một cách tự nhiên.
Achaan: Chừng nào chưa có hiểu biết đúng thì vẫn còn duyên cho sự mong cầu. Khi hiểu được rằng cái thấy là do duyên, liệu ta có muốn tạo ra cái thấy để thấy không? Thay vào đó, có trí tuệ hiểu rằng không thể nào dùng lý trí để tạo ra cái thấy được. Dù là chúng ta có muốn “thấy” đến đâu đi nữa, sẽ không thể “thấy” nếu không đủ duyên cho cái thấy sinh khởi. Nếu hiểu được điều ấy, ta sẽ thấy rằng “muốn” chỉ là một sự lãng phí thời gian mà thôi. Tốt hơn chúng ta hãy học dần để hiểu các thực tại như nó là. Bởi vì Tứ diệu đế thứ hai – Tập đế có nói đến nguyên nhân của khổ, và đó là tham ái.
Học viên 6: Trong ngôn ngữ Việt nam có hai từ “nhìn” và “thấy”. Theo con hiểu thì từ “nhìn” chỉ là nhìn suông mà thôi, “thấy” là có đối tượng và ghi nhận đối tượng đó, hai cái này là hai khái niệm khác nhau. Vậy trong Vi diệu pháp có phân biệt hai cách này không?
Achaan: Dù là ‘thấy” hay là “nhìn” thì đều có nghĩa rằng có một cái gì đó được thấy.
HV 6: Vậy một người bị khuyết tật ở mắt, ví dụ bị lé, khi họ nhìn một bông hoa, nhưng họ không thấy bông hoa ấy, vậy có thực sự là họ thấy không?
Achaan: Về mặt chân đế, không có từ “lé”, chỉ có cái thấy và cái được thấy. Dù bất kể như thế nào chăng nữa, hễ có cái được thấy thì có cái thấy, cái thấy thấy cái được thấy chứ không thể thấy cái cứng. Nên về mặt bản chất có một thực tại kinh nghiệm cái được thấy và một thực tại không kinh nghiệm, đó là cái được thấy.
HV 6: Vậy là trong Vi diệu pháp không có sự phân biệt giữa hai cái đó.
Achaan: Đúng vậy.
HV 6: Cảm ơn Achaan về một buổi chiều rất bổ ích cho tất cả mọi người.
Mọi người: Sadhu, sadhu, sadhu!