Chương 6
Con đường Bát chánh đạo
Buổi pháp đàm với các Phật tử Campuchia tại Nakorm Nayok (Phần 3)
Khun Sujin: Khi Đức phật giảng về các thực tại như cái thấy và đối tượng thị giác được kinh nghiệm qua mắt, những người nghe đã hiểu đặc tính của chánh niệm, họ có thể biết có chánh niệm trong khi thấy hay không. Khi Đức Phật giảng về cái nghe và âm thanh, những người nghe biết được, khi chánh niệm sinh khởi, có sự hay biết về các đặc tính của âm thanh hay của cái nghe, tức là thực tại kinh nghiệm âm thanh. Pháp mà bây giờ tôi nói đến chính là Pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng tại Kỳ viên Tịnh xá, Trúc Lâm viên và các nơi khác. Nếu chúng ta quay lại thời Đức Phật tại thế, hơn 2500 năm trước đây, Pháp mà tôi nói đến bây giờ cũng đúng với mọi người ở thời điểm đó. Nếu mọi người ở thời điểm đó không thất niệm về các thực tại, họ đã có thể xuyên thấu tính chất thực sự của chúng. Một số người, trong lúc Đức Phật giảng về các thực tại, đã có thể xuyên thấu được chân lý, một số khác có được điều ấy sau khi được nghe giảng giải về các thực tại kỹ lưỡng và chi tiết hơn. Nhưng thời nay không còn những người như vậy nữa. Kể cả sau khi nghe những lời giảng về cái thấy thì cũng không chắc rằng đã có chánh niệm hay biết cái thấy. Chúng ta cần phải phát triển hiểu biết chính xác về các thực tại sinh khởi qua sáu môn, và chúng ta cần phải biết liệu đã có chánh niệm về các thực tại đó hay chưa. Mọi người cần phải tự thẩm sát khoảnh khắc có sự thất niệm về các thực tại và khoảnh khắc có chánh niệm. Họ cần phải hiểu rằng khi chánh niệm không sinh khởi, không thể biết các thực tại đang xuất hiện như chúng thực là. Không thể khiên cưỡng tạo nên sự sinh khởi của chánh niệm, nhưng trí tuệ có thể được phát triển từng bước một nếu ta trung thực với quá trình vun bồi trí tuệ và tự biết liệu có chánh niệm hay không. Đó là cuộc sống hằng ngày, và mọi người cần hiểu cuộc sống hằng ngày của chính mình.
Đức Phật đã giảng về sự phát triển con đường Bát chánh đạo, con đường này bao gồm tám chi là các tâm sở như sau:
Chánh kiến – sammā-dithi
Chánh tư duy – sammā-sankappa
Chánh ngữ – sammā-vācā
Chánh nghiệp – sammā-kammanta
Chánh mạng – sammā-ājíva
Chánh tinh tấn – sammā-vāyāma
Chánh niệm – sammā-chánh niệm
Chánh định – sammā-samādhi
Chánh kiến và chánh tư duy là hai chi thuộc nhóm tuệ của con đường Bát chánh đạo. Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng là các chi thuộc nhóm giới của con đường Bát chánh đạo. Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định là những chi thuộc về nhóm định của con đường Bát chánh đạo. Như vậy sẽ có giới, định và tuệ của con đường Bát chánh đạo.
Khi có chánh kiến về thực tại thì tại thời điểm đó sẽ có “tu tập” (sikkha) về tăng thượng giới (tăng thượng có nghĩa là cao hơn), tăng thượng định và tăng thượng tuệ. Ba loại “tu tập” (Tam học) này được gọi là “ Tăng thượng tu – sự tu tập ở mức độ cao” (adhi-sikkha), bởi vì chúng là sự tu tập ở mức độ cao hơn, vi tế hơn và sâu sắc hơn các loại tu tập khác. Vào thời điểm ai đó làm việc bất thiện thì có vô minh về tham, sân và si. Khi chánh niệm sinh khởi, nó có thể hay biết về bất thiện pháp, dù chỉ là một mức độ tham nhẹ mà thôi, chưa tới độ đậm đặc của nghiệp bất thiện. Chánh niệm vẫn có thể hay biết về đặc tính thực sự của thực tại ấy. Đó là mức độ tu tập cao hơn về giới, vì ngay cả một mức độ bất thiện rất nhẹ cũng có thể được hay biết.
Định (Samadhi) là tâm sở nhất tâm (ekaggatā tâm sở), đó là thực tại tập trung vào đối tượng mà nó kinh nghiệm; nó làm duyên cho tâm kinh nghiệm đối tượng. Có tà định (miccha samadhi) đi kèm với các tâm bất thiện và chánh định (samma samadhi) đi kèm với tâm thiện. Bất cứ khi nào chánh niệm sinh khởi và hay biết đặc tính của thực tại thì chánh định tập trung trên đối tượng của chánh niệm. Chính vào thời điểm đó, hiểu biết về đối tượng có thể được phát triển và dần dần đặc tính của thực tại có thể được biết như chúng là.
Phát triển tuệ minh sát là một loại phát triển tâm trí cần rất nhiều thời gian, bởi vì chánh niệm không sinh khởi thường xuyên trong ngày, nó sinh khởi kém thường xuyên hơn các tâm bất thiện. Chánh niệm sinh khởi rất hiếm hoi, nhưng khi sinh khởi thì nó hay biết về các thực tại và trí tuệ có thể dần dần có thêm hiểu biết về chúng. Khi thất niệm trở lại, lại có vô minh không rõ các thực tại như chúng là. Hằng ngày có nhiều khoảnh khắc vô minh và vì vậy có rất nhiều vô minh được tích lũy, trong khi chánh niệm và trí tuệ chỉ có thể được tích lũy một cách nhỏ giọt.
Tuệ giác có thể xuyên thấu đặc tính thực sự của tất cả các thực tại. Khi một người đã chứng ngộ sự sinh diệt của các thực tại thì dần dần sẽ loại bỏ tà kiến rằng các thực tại là ngã, và người ấy, tại thời điểm giác ngộ, có thể xuyên thấu được Tứ Thánh Đế. Người đã xuyên thấu được Tứ Thánh Đế tại thời điểm giác ngộ tầng thứ nhất được gọi là vị thánh Dự lưu (sotāpanna). Tại thời điểm đó, đặc tính của niết bàn được kinh nghiệm và hoài nghi cùng tà kiến về các thực tại được hoàn toàn loại bỏ.
Vị thánh Dự lưu biết rằng vị ấy không phải là Vị Thánh Nhất lai, người đã đạt được tầng giác ngộ thứ hai và cũng không phải là vị A na hàm, hay thánh Bất lai, người đã đạt được bậc thánh thứ ba và cũng không phải là vị A la hán, người đã đạt được sự giác ngộ hoàn hảo và loại bỏ hoàn toàn phiền não. Trí tuệ ở mức độ vị thánh Dự lưu không thể loại bỏ được tham, sân và si. Ngoài các kiết sử đã được tận diệt, vẫn còn nhân duyên tích lũy khiến các pháp bất thiện khác sinh khởi. Vì vậy một vị Thánh Dự lưu vẫn cần phải tiếp tục phát triển trí tuệ theo cách người ấy đã biết rõ, tức là hay biết về các thực tại đang xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày của mình. Đó là cách duy nhất để đạt được mục đích, không có con đường nào khác.
Người phiên dịch: Như vậy ý nghĩa của cụm từ “chú ý để biết kịp thực tại” là như thế nào?
Khun Sujin: Đó là sự dính mắc vào ý niệm rằng thực tại là ta. Khi chánh niệm không sinh khởi và có sự thất niệm về thực tại, ta thường cho thực tại là cái gì đó thực sự tồn tại. Chẳng hạn, khi có cái thấy, mọi người tin rằng họ thấy một ngôi đền, con người và những thứ khác nhau, chúng dường như đang tồn tại. Trong khi ấy nếu có trí tuệ, nó sẽ nhận ra rằng cái được biết qua nhãn môn không phải là người hay những thứ khác con nhau, mà chỉ là đối tượng thị giác, là một yếu tố xuất hiện qua nhãn môn. Khi chúng ta nhắm mắt lại, cái được thấy không còn ở đó nữa nhưng chúng ta vẫn có thể nghĩ về những người đang ngồi, chúng ta có thể nhớ về họ, nhưng những giây phút đó khác với giây phút thấy đối tượng thị giác đang xuất hiện qua mắt. Nếu một người nhắm mắt và mặc dù mọi người đã rời khỏi ngôi đền, người ấy có thể cho rằng vẫn có người ở trong ngôi đền đó. Điều đó cho thấy rằng, giây phút suy nghĩ về các khái niệm thì hoàn toàn khác với giây phút của cái thấy thực sự. Thực tại sinh và diệt, nối tiếp nhau rất nhanh. Các thực tại sinh khởi tiếp nối nhau qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thì bị cho là một “khối” – một người hay một thứ gì đó cụ thể. Chúng ta không nên cố gắng chú tâm trên một thực tại ở một thời điểm để có thể biết nó “kịp”, điều đó là không thể. Chỉ có chánh niệm mới có thể hay biết đặc tính của thực tại đang xuất hiện, một đặc tính tại một thời điểm, cho đến khi đặc tính ấy được hiểu một cách rõ ràng và thể hiện tính chất vô ngã.
Người phiên dịch: Người nghe muốn được biết thêm về cuộc đời riêng của bà – Achaan Sujin, quá trình giáo dục của bà, công việc của bà cũng như những việc bà đã làm để giảng giải Giáo pháp của Đức phật. Họ muốn biết về những điều ấy, dù là ngắn gọn hay chi tiết. Tôi muốn đóng vai trò của người phỏng vấn. Bà có phải người gốc Bangkok hay không?
Khun Sujin: Tôi không biết tôi có thể nói là tôi gốc người Bangkok hay không. Bố tôi làm việc ở Sở Lâm nghiệp và các con của ông sinh ra ở tỉnh nơi ông ấy sống. Tôi được sinh ra tại Ubonrajadhani, nhưng tôi được giáo dục ở Trường Saint Mary ở Bangkok. Tôi đã sống toàn bộ tuổi thơ của mình ở Bangkok cho đến khi học hết lớp sáu tại trường trung học. Sau đó tôi đã thi vào trường dự bị đại học Chulalongkorm. Sau đó tôi đăng ký vào học tại trường Đại học và học ở đó cho đến năm thứ hai. Tuy nhiên tôi không hoàn tất việc học của mình. Vì tôi vẫn thường bỏ lỡ những môn học quan trọng và không đi học thường xuyên, tôi đã thi trượt hai lần và cuối cùng đã rời bỏ trường Đại học. Sau đó tôi đến ở với cha, lúc đó ông đang làm việc tại Sở Lâm nghiệp ở Chiang Mai. Các con của ông thường đi học ở Bangkok, nơi có người chăm lo cho họ, vì mẹ của tôi đã mất khi chúng tôi còn bé. Vào kỳ nghỉ, chúng tôi đi thăm cha ở tỉnh. Khi chị gái của tôi đã có bằng đại học, chị ấy bắt đầu dạy tại trường Hoàng gia tại Chiang Mai. Tôi cũng có được đặc cách dạy tại trường Dara, gần trường Hoàng gia đó. Khi cha tôi rời công việc nhà nước và quay trở về Bangkok, chúng tôi lại đi theo ông về Bangkok sinh sống.
Có người đã khuyến khích tôi dạy tiếng Thái cho người nước ngoài tại khoa Tiếng Thái của Trường Dòng và tôi đã dạy ở đó trong một thời gian dài. Sau đó tôi rời ngôi trường này, cùng một số người bạn chúng tôi đã lập ra trường riêng, gọi là Hiệp hội các trường dạy tiếng Thái. Sau này trường này được rời từ tòa nhà trụ sở đầu tiên đến một nơi khác gần nhà của tôi tại Sathorn. Cuối cùng cha tôi đã bán ngôi nhà mà chúng tôi đã sống hơn bốn mươi năm, và sau đó chúng tôi chuyển gần về nhà em gái chúng tôi ở Soy Patthanavet (phố Sukhumvit 91). Vì ở đây rất xa trường mà tôi dạy nên tôi đã ngừng dạy và giao lại việc giảng dạy cho những người bạn, để họ cùng nhau tiếp tục công việc này.
Người phiên dịch: Bà bắt đầu nghiên cứu Giáo pháp như thế nào?
Khun Sujin: Tôi bắt đầu với việc học Vi diệu pháp. Tôi đọc một thông báo trên báo “Thế giới Bangkok”, nói rằng Hiệp hội Phật tử có một lớp dạy về Đạo phật và từ đó tôi bắt đầu học với Achaan Naeb Mahaniranan (Achaan Naeb) và với những người khác là thành viên của Hiệp hội giáo thọ. Tôi chủ yếu học ở trong lớp của Achaan Naeb. Vào thời điểm đó tôi vẫn còn đang làm việc, nhưng chỉ một nửa ngày thôi và còn lại tôi dành thời gian để ôn lại những gì mà tôi đã được học từ các lớp Vi diệu pháp vào chủ nhật. Trước năm 1957 vẫn chưa có bản dịch Tam Tạng từ tiếng Pali sang tiếng Thái, mà chỉ có một vài cuốn sách về Đạo phật bằng tiếng Thái. Nhưng sau năm 1957, khi bắt đầu có bản dịch thì tôi bắt đầu nghiên cứu các bản dịch Tam tạng sang tiếng Thái và các cuốn sách khác như Thanh tịnh đạo (Visudhimagga). Tôi gặp Achaan Naeb vào hầu như tất cả các ngày thứ năm, và khi tôi có thắc mắc gì về một số chủ đề nhất định thì tôi hỏi ý kiến của bà. Bà đã giảng những chủ đề đó cho tôi với tâm từ rất lớn. Bất cứ khi nào bà muốn tôi đi cùng bà và giúp bà giảng Pháp thì tôi lại đi cùng , dù đó là một đám tang trong tỉnh hay việc khác. Khi tôi nghiên cứu Vi diệu pháp được hai hay ba năm, Achaan Naeb đã đề nghị tôi giảng Pháp ở Viện Văn hóa quốc gia và cả ở nhà tù của phụ nữ. Bất cứ khi nào Achaan Naeb muốn tôi làm việc gì để truyền bá Đạo Phật thì tôi làm hết khả năng của mình. Khi Achaan Naeb lập Trung tâm Nghiên cứu Đạo Phật và Tổ chức Hỗ trợ tâm linh vào năm 1963 thì tôi cũng giảng ở đó. Về sau tôi bắt đầu giảng ở Chùa Maha-Dhatu và sau đó ở trong các giảng đường của Trường Mahamarkut thuộc Chùa Bovornivet. Bây giờ tôi không còn giảng Pháp nữa nhưng tôi vẫn giúp các buổi pháp đàm, và tôi xem xét lại những bài giảng của tôi mà mọi người đã được nghe trên các chương trình phát thanh. Giáo sư Somporn bây giờ đang giảng về cuốn “Vi diệu pháp toát yếu” (Abhidhammattha Sangaha). Hiện nay, tôi đang sắp xếp và xem xét lại tất cả các cuốn băng, tổng cộng hơn hai nghìn cuốn, về các chương trình của tôi trên các đài phát thanh khác nhau. Tôi biên tập lại để có thể làm cho nội dung được cô đọng hơn và có ít sự lặp lại hơn.
Người phiên dịch: Bà đã đọc và nghiên cứu Tam Tạng . Bà đã làm thế nào để có được sự hiểu biết về phát triển Tứ niệm xứ từ sự nghiên cứu của mình?
Khun Sujin: Không có chút nghi ngờ nào rằng Giáo pháp mới chính là vị đạo sư của chúng ta và vì vậy mọi người không nên bị dính mắc vào những người thầy của mình. Rất khó có thể hiểu sâu sắc và hoàn toàn Tam tạng, dù theo nghĩa đen của câu chữ hay theo ý nghĩa, nhưng chúng ta có thể có thêm hiểu biết bằng việc nghe bất cứ ai giảng sự thực về Pháp. Tuy nhiên chúng ta không nên chấp nhận những gì không đúng với pháp. Chúng ta không nên dính mắc vào con người, chúng ta không nên tin vào con người hơn là vào Giáo pháp. Chúng ta cần thực sự có niềm tin vào Giáo pháp mà Đức Phật đã dạy, hãy coi đó là người thầy của chúng ta.
Mọi thứ xảy ra do nhân duyên tương ứng. Không có ai có thể biết được mình có những nhân duyên tích lũy nào cho khía cạnh này hay khía cạnh kia của Pháp, hay để làm những việc này hay việc kia trong lĩnh vực Đạo Phật. Mong tất cả những ai có mong muốn nghiên cứu Giáo pháp có thể giúp người khác biết được về Giáo pháp với đúng khả năng của mình. Nếu một ai đó đang cố gắng giảng Pháp thì không nhất thiết phải có nhiều người đến nghe. Những người có kiến thức và hiểu biết về Giáo pháp đều có thể, theo cách riêng của mình, giúp những người khác chưa biết về Giáo pháp có thêm hiểu biết. Không cần phải suy nghĩ “tôi hơn người này” hay “người kia hơn tôi”. Mỗi một người khác nhau đều có thể làm những việc riêng biệt trong lãnh địa Giáo pháp, phù hợp với sự hiểu biết và khả năng mà người ấy đã tích lũy.
Cách chia sẻ Giáo pháp là trước hết phải tự tìm hiểu để có hiểu biết đúng đắn. Sẽ sai lầm nếu mong chờ người khác tìm hiểu về Giáo pháp mà không tự mình nghiên cứu. Ai đó có thể nói rằng Đạo phật mang lại rất nhiều lợi lạc, rằng nó mang đến giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống chúng ta và cho xã hội, nhưng liệu người ấy có thực sự tự mình tìm hiểu Giáo pháp hay không? Người muốn tìm hiểu Giáo pháp cần biết chắc khi nào mình sẽ làm điều ấy. Nếu không người ấy sẽ tiếp tục nghĩ về việc nghiên cứu sẽ làm trong tương lai, thay cho thực sự tìm hiểu. Khi một người chắc chắn rằng mình sẽ nghiên cứu Giáo pháp thì cũng cần biết cái mình chắc chắn sẽ nghiên cứu và khi nào, ở đâu mình sẽ nghiên cứu. Những điều này mọi người cần phải thẩm định một cách đúng đắn, họ không nên lơ là việc tự nghiên cứu và có được hiểu biết về Giáo pháp, họ không nên chỉ nhắc lại những gì đã được nghe từ người khác.
Chỉ có một cách duy nhất đúng đắn, mỗi người cần là nơi nương tựa của chính mình khi nghiên cứu Giáo pháp với mục đích hiểu Pháp rõ hơn. Tất cả những ai tìm hiểu và hiểu đúng Giáo pháp đều đang góp phần hoằng dương Phật Pháp, cho cả chính mình và mọi người. Khi người ta không tự mình có hiểu biết đúng về Pháp, họ không thể truyền bá được Phật Pháp.