Chương 5
Các mức độ tuệ giác khác nhau
Buổi pháp đàm với Nhóm Phật tử Campuchia tại Nakorn Nayok (Phần 2)
Khun Sujin: Chúng ta cần phải biết các thực tại khi chúng xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn, hiện giờ có các thực tại không khi chúng ta đang cười?
Người Phiên dịch: Có các thực tại và không có người nào cười cả.
Khun Sujin: Có những cảm thọ khác nhau (vedana). Khi chúng ta không cười thì cảm thọ là gì?
Người phiên dịch: Có thể có cảm thọ xả (upekkha vedana)
Khun Sujin: Chúng ta biết tên của tất cả các cảm thọ khác nhau: cảm thọ lạc trên thân, cảm thọ khổ trên thân, cảm thọ hỷ trên tâm, cảm thọ ưu trên tâm và cảm thọ trung tính. Mọi người có thể chỉ biết tên của những cảm thọ ấy thôi. Nhưng khi một cảm thọ nhất định xuất hiện và có chánh niệm về các đặc tính của chúng, khi đó cảm thọ ấy sẽ được biết như nó là. Thông qua chánh niệm, những đặc tính khác nhau của các cảm thọ khác nhau sẽ được biết và hiểu như chúng là.
Chẳng hạn, có cảm thọ xả tại giây phút có cái thấy này. Sau khi cái thấy diệt đi, thọ hỷ có thể sinh khởi cùng với tham (lobha) và khoảnh khắc đó khác với cái thấy. Khi chúng ta đang vui thú với những thứ dễ chịu, sẽ có cảm thọ hỷ đi cùng với tâm tham căn (lobhamula-citta). Trong khi đó, khi chúng ta nghe Pháp và chúng ta cảm thấy hoan hỷ rằng chúng ta đã được nghe những thứ mà trước kia chúng ta chưa từng được nghe thì có thọ hỷ đi kèm với tâm thiện. Loại thọ hỷ này khác với loại thọ hỷ đi kèm với tâm tham. Các thực tại đều có tính chất riêng, đặc tính riêng của chúng, và trí tuệ có thể hay biết bản chất thật của các đặc tính khác nhau của thực tại khi chúng sinh khởi. Các bạn có nghĩ điều này khó hiểu hay dễ hiểu?
Người phiên dịch: Cái này rất khó.
Khun Sujin: Điều đó là đúng. Nếu ai đấy cho rằng điều ấy dễ dàng thì có nghĩa là người ấy đang phỉnh phờ bản thân. Đức Phật – bậc Toàn giác chắc chắn đã không dạy một Giáo lý mà có thể dễ dàng hiểu được.
Khi trí tuệ có thể xuyên thấu tính chất thực sự của thực tại thì nó sẽ biết rằng các thực tại thay đổi cực kỳ nhanh. Cảm thọ luôn luôn thay đổi. Tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc cảm thấy không hài lòng, đau khổ bởi những suy nghĩ của mình. Tại thời điểm của cái thấy thì không có suy nghĩ, nhưng sau khi cái thấy đã diệt đi, suy nghĩ có thể sinh khởi. Một số người có những suy nghĩ buồn bã, một số người khác thì có suy nghĩ vui vẻ. Nhờ lời dạy của Đức Phật mà chúng ta có thể biết được đặc tính của thực tại trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể thấy rằng lời dạy của Ngài mang lại lợi lạc vô biên. Chúng ta có thể tự mình kiểm chứng sự thật của những gì Ngài dạy. Chẳng hạn, tất cả chúng ta đều có thể thấy rằng khoảnh khắc buồn bã thì khác với cái thấy sinh kèm với thọ xả. Chúng ta cần phân biệt những thực tại khác nhau. Cảm thọ hỷ hay cảm thọ ưu có thể sinh khởi sau cái thấy hoặc cái nghe, chúng không sinh khởi tại khoảnh khắc nghe hay thấy. Nếu chúng ta dần dần biết được bản chất thật của thực tại thì vô minh và đau khổ do vô minh tạo ra cuối cùng có thể được vượt qua. Nếu trí tuệ nhận ra được sự thật về các thực tại một cách sâu sắc hơn, tức là, nếu nó biết được các thực tại ấy chỉ là pháp sinh và diệt, hoàn toàn vô ngã, thì sự đau khổ sinh ra bởi những suy nghĩ của chúng ta sẽ bớt đi. Khi trí tuệ đã được phát triển đến mức đó thì các niềm khổ đau của chúng ta sẽ giảm bớt.
Trí tuệ ở mức độ hiểu biết về mặt lý thuyết được duyên bởi nghe Pháp thì khác với trí tuệ được phát triển thông qua chánh niệm về danh và sắc. Loại trí tuệ thứ hai này thì lại khác với loại trí tuệ xuyên thấu được bản chất của thực tại tại thời điểm giác ngộ. Trí tuệ của những vị đạt được giác ngộ ở những mức độ khác nhau theo bốn giai đoạn. Trí tuệ xuyên thấu Tứ Thánh Đế tại thời điểm đắc đạo quả thứ nhất của vị thánh Dự lưu thì ở mức độ khác với mức độ trí tuệ xuyên thấu Tứ Thánh Đế tại thời điểm đắc đạo quả của vị thánh Nhất lai, của vị thánh Bất lai hay của vị A la hán. Đó là những mức độ trí tuệ khác nhau.
Những người là đệ tử của Đức Phật cần phải có sự kiên nhẫn lớn lao để lắng nghe Giáo pháp và suy xét về những gì họ đã được nghe, và bằng cách ấy có thể có thêm hiểu biết về các thực tại. Điều này không thể đạt được bằng cách đi đâu đó để thực hành một pháp môn nào đó. Nếu một người thực sự kiên nhẫn thì chánh niệm và trí tuệ có thể dần dần được phát triển. Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải chân thành đối với sự phát triển trí tuệ của chúng ta. Nếu vẫn có vô minh về thực tại, chúng ta cần nhận thấy điều ấy và không tin tưởng sai lầm rằng chúng ta đã biết về các thực tại. Chúng ta không nên tự phỉnh phờ bản thân, coi cái không phải là trí tuệ là trí tuệ. Chừng nào các thực tại đang xuất hiện qua sáu môn vẫn chưa được biết như chúng thực sự là thì có nghĩa là vẫn chưa có chánh kiến, thứ chỉ có thể phát triển được nhờ có sự thực hành đúng đắn. Những người đi theo Phật Pháp cần phải xuất phát một cách đúng đắn ngay từ ban đầu. Họ cần nghe Pháp với mục đích đúng đắn, và đó là: để hiểu được các thực tại như chúng là. Mục đích không phải là để đạt được lợi dưỡng, vinh quang, sự nổi tiếng hay lời ngợi khen; mục đích không phải là để được người khác kính trọng với tư cách là một người có nhiều trí tuệ. Ngay từ lúc đầu, trí tuệ cần phải được phát triển với mục đích đúng đắn, nó không nên được phát triển với sự dính mắc vào cái hiểu về Tứ Thánh Đế.
Một người phát triển trí tuệ cần phải chân thành với chính mình: người ấy cần phải biết liệu đã có hiểu biết về đặc tính của thực tại đang xuất hiện tại giây phút này hay chưa. Nếu vẫn chưa có cái hiểu đó thì người ấy cần tiếp tục nghe Pháp và suy xét đi suy xét lại về những gì đã được nghe, và người ấy cần tiếp tục phát triển chánh niệm và trí tuệ.
Không ai biết khi nào mình sẽ chết, khi nào mình sẽ phải rời bỏ tất cả những gì trên thế giới này. Nếu chúng ta không phát triển trí tuệ thì sự dính mắc mà chúng ta đã tích lũy sẽ có cơ hội để sinh khởi mãi và cả trong những kiếp sống tới nữa, và nó sẽ trở nên rất cứng rắn và ngoan cố. Vì vậy, điều có giá trị nhất trong cuộc đời chúng ta là trí tuệ biết được thực tại như chúng là. Trí tuệ là yếu tố duy nhất có thể tận diệt phiền não. Chúng ta cần thấy lợi ích vô giá của trí tuệ, cái được tạo duyên bởi việc nghe Pháp và có thể hiểu ngày một nhiều hơn về thực tại. Trí tuệ cần phải được phát triển mà không có sự mong đợi giây phút xuyên thấu Tứ Thánh Đế. Nếu chúng ta bắt đầu dần dần hiểu biết về thực tại thì chúng ta đang ở trên con đường dẫn đến sự xuyên thấu Tứ Thánh Đế, đến kinh nghiệm niết bàn ở khoảnh khắc giác ngộ. Không có con đường nào khác dẫn tới mục đích này. Chúng ta không nên tin lầm rằng cần phải biết cái gì đó khác ngoài cái đang xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày. Nhớ về điều này là rất quan trọng. Con đường đúng là biết về thực tại khi chúng đang sinh khởi tự nhiên tại giây phút hiện giờ. Nếu như ai đó muốn biết cái gì đó khác, nếu người ấy không phát triển hiểu biết về thực tại đang xuất hiện tự nhiên tại giây phút này thì người ấy đang đi trên con đường sai.
Người phiên dịch: Một số người băn khoăn về ý nghĩa của từ dukkha. Theo kinh điển thì đôi khi thuật ngữ khổ đế (dukkha sacca) được sử dụng và đôi khi lại có thuật ngữ “thánh khổ đế” (dukkha ariya sacca). Họ băn khoăn liệu cái khổ của các vị thánh, của những người đã đạt giác ngộ có khác với cái khổ của người bình thường hay không.
Khun Sujin: Các thực tại sinh và diệt đều là dukkha và không ai có thể thay đổi được sự thực ấy. Thuật ngữ dukkha sacca và dukkha ariya sacca nói đến một trong ba đặc tính của các pháp hữu vi, tức là sự sinh diệt của thực tại. Không ai có thể ngăn cản các thực tại đã sinh khởi diệt đi. Đặc tính của thực tại sinh và diệt là dukkha, bởi vì sinh và diệt là khổ, không phải là lạc. Tất cả mọi người muốn niềm vui luôn trường tồn, tiếp tục mãi mãi và không bao giờ diệt mất, nhưng các thực tại hữu vi có đặc tính dukkha vì chúng sinh rồi diệt ngay lập tức. Có ba đặc tính chung cho tất cả các pháp hữu vi đó là vô thường, tức là sự sinh và diệt, đặc tính của dukkha, khổ hay bất toại nguyện, vì những gì sinh và diệt thì không thể là lạc, và đặc tính cuối cùng là đặc tính vô ngã, anattā. Không ai có thể kiểm soát được các thực tại, vì chúng như thế nào là tuân theo bản chất riêng của chúng.
Người phiên dịch: Mọi người vẫn rất bối rối về thuật ngữ dukkha sacca, khổ đế và dukkha ariya sacca, thánh khổ đế. Họ tin rằng thuật ngữ thứ nhất là nói đến cái khổ của những người thường và thuật ngữ thứ hai là nói đến cái khổ của các bậc thánh. Bản thân tôi thì hiểu rằng dukkha ariya sacca, thánh khổ đế là cái đầu tiên trong Tứ Thánh Đế, còn dukkha sacca, tức là khổ đế thì nói đến dukkha của tam tướng, tức là một trong ba đặc tính chung của các pháp hữu vi.
Khun Sujin: dukkha sacca, một trong ba đặc tính chung của tất cả các pháp hữu vi thì không là gì khác mà chính là dukkha do sự sinh và diệt của các thực tại. Người đã trực tiếp nhận ra và chứng ngộ ba đặc tính của thực tại là một vị thánh, một người đã đạt được giác ngộ. Người ấy đã trực nhận chân lý qua kinh nghiệm riêng của vị ấy, người ấy đã chứng ngộ sự sinh và diệt của các thực tại, và điều ấy khác hoàn toàn với việc nhắc đi nhắc lại rằng mọi thực tại đều sinh và diệt và là khổ. Một người có thể nhắc lại những từ này mà không có kinh nghiệm trực tiếp về sự sinh diệt của các thực tại.
Dukkha sacca, khổ đế là sự thực về khổ, và cái gì là chân lý thì không phụ thuộc vào việc một người hiểu và chứng ngộ điều ấy hay không. Không ai có thể thay đổi sự thực về dukkha. Người đã chứng ngộ bằng kinh nghiệm riêng của mình về sự thật về dukkha được gọi là vị thánh nhân. Vì vậy, thuật thữ dukkha ariya sacca hay thánh khổ đế, được sử dụng, có ý nghĩa là sự thực đã được chứng ngộ của vị thánh nhân.
Người phiên dịch: Một số người băn khoăn liệu có đúng rằng có ba mức độ của người phật tử: mức độ đầu, mức độ giữa và mức độ cuối. Họ cho rằng mức độ đầu là quy y Phật, Pháp, Tăng. Họ cho rằng mức độ giữa, nói một cách tóm tắt, là giữ giới, và mức độ cuối cùng là sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Một số người có tà kiến, họ không quy y Tam bảo và cũng không giữ giới; họ ăn cắp để có thức ăn. Tuy nhiên, họ vẫn đi nghe giảng Pháp ở chùa, và nghe nói rằng họ vẫn có thể giác ngộ. Tôi cảm thấy rất bối rối và tôi không biết điều ấy có thể xảy ra hay không.
Khun Sujin: Khi mọi người đi nghe Pháp và nắm bắt được điều đã được nghe, họ sẽ hiểu Đức Phật, bậc Toàn giác, thực sự là gì. Chừng nào ai đó chưa nghiên cứu Giáo pháp, họ vẫn có thể đảnh lễ tượng Phật, nhưng họ chỉ làm như vậy mà không có chút hiểu biết Đức Phật là ai. Những người đã nghe Pháp sẽ biết rằng không có một người nào khác ngoài Đức Phật đã dạy sự thật về Pháp, mà họ có thể tự mình kiểm chứng và chứng ngộ qua kinh nghiệm riêng của chính mình.
Khi mọi người nghe Pháp và suy xét về những gì được nghe, họ có thể có được chánh kiến về thực tại đang xuất hiện hiện giờ, chẳng hạn như cái thấy và cái nghe. Họ có thể hiểu rằng tại khoảnh khắc thấy thì không thể có cái nghe, và rằng cái thấy phải diệt đi trước khi cái nghe sinh khởi. Họ có thể kiểm chứng rằng đặc tính của suy nghĩ thì khác với cái thấy và cái nghe. Một số người nghe Pháp nhưng không thể hiểu Pháp, trong khi một số người khác nghe và hiểu những gì được nghe, họ hiểu ngay lập tức rằng không có ai cả, rằng chỉ có các thực tại mà thôi. Tùy thuộc vào mức độ tích lũy ba la mật trí tuệ mà mỗi người có hiểu được Giáo pháp mà họ nghe hay không, và phát triển trí tuệ đến mức độ xuyên thấu đặc tính của thực tại và thậm chí chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Khi Đức Phật thuyết Pháp trước lúc nhập diệt, một số người đã có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế ngay trong lúc nghe và trở thành các vị A la hán. Một số khác đạt được giai đoạn thứ ba của sự giác ngộ – của vị thánh Bất lai, một số khác nữa thì ở giai đoạn thứ hai- của vị thánh Nhất lai và một số người khác thì đạt được giai đoạn thứ nhất- của vị thánh Dự lưu. Vua Bình Sa Vương (Bimbisara) và quần thần của Ngài, chẳng hạn, đã đạt được giác ngộ ở bậc thánh thứ nhất. Nhưng cũng có những người nghe mà không đạt được bất kỳ bậc giác ngộ nào. Một người có thể xuyên thấu được các đặc tính thực tại hay không còn tùy thuộc vào mức độ hiểu biết của người ấy. Những người nghe Pháp và hiểu những gì họ nghe thực sự có thể nương nhờ nơi Tam bảo. Họ biết rằng không có ai khác ngoài Đức Phật, một bậc Toàn giác, có thể thuyết Pháp.
Người phiên dịch: Những người Phật tử tới đây để nghe Pháp rất hứng khởi và đầy niềm hoan hỷ, họ rất hoan hỷ rằng họ có thể gặp bà, Thầy (Acariya) Sujin. Một số người phân vân liệu sau khi nghe Giáo pháp, họ vẫn có thể thực hành và phát triển vipassana mặc dù chưa được thọ năm hay tám giới? Hay trước tiên họ cần phải quy y Tam bảo và thọ giới một thời gian dài đã?
Những người hỏi các câu này cảm thấy rất lẫn lộn về chuyện này, họ chưa thực hành, nghiên cứu Giáo pháp nhiều. Họ muốn sử dụng cơ hội này để đưa ra các câu hỏi của họ và được nghe câu trả lời của bà nhằm có thêm hiểu biết.
Khun Sujin: Tùy hỷ công đức, tôi đánh giá cao sự quan tâm của tất cả những người ngồi đây. Tại thời điểm hiện giờ đúng là nhiều Phật tử thấy việc nghiên cứu và hiểu Tam tạng rất khó khăn. Vì vậy, họ có xu hướng diễn giải Phật Pháp theo cách riêng của mình, và họ tin rằng mình đã hiểu đúng về các lời dạy trong Tam tạng. Tuy nhiên, lời dạy của Đức Phật rất vi tế và sâu sắc, và không ai có thể hiểu chân lý ấy chỉ bằng tự mình.
Người phiên dịch: Liệu có một phương pháp nào để chánh niệm có thể hay biết các thực tại sinh khởi qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý hay không? Làm thế nào để chánh niệm có thể sinh khởi đủ nhanh để hay biết giây phút hiện tại?
Khun Sujin: Không có một phương pháp nào có thể được theo đuổi, nhưng tại khoảnh khắc này thực tại đang sinh khởi rồi. Chúng ta có thể bắt đầu phát triển hiểu biết thêm về chúng. Nếu trước tiên chúng ta nghe pháp và hiểu những gì chúng ta đã được nghe thì chánh niệm có thể sinh khởi và hay biết về các thực tại. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nghe đi nghe lại để có thêm hiểu biết về tính chất vô ngã của các thực tại ấy. Cái sinh khởi qua mắt, tức đối tượng thị giác, tiếp xúc với sắc là nhãn căn; nó chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi và rồi diệt đi ngay. Nếu chúng ta có thêm hiểu biết về các thực tại, chúng ta sẽ không quên rằng sắc uẩn (rúpa-kkhandha), thọ uẩn (vedanå-kkhandha), tưởng uẩn (saññå-kkhandha), hành uẩn (sankhåra-kkhandha- bao gồm tất cả các tâm sở không phải là thọ uẩn và tưởng uẩn) và thức uẩn (viññåùa-kkhandha), tức là cả năm uẩn, đều là vô ngã, không phải là “ta”. Nghe Pháp làm duyên cho sự tích lũy niệm và tuệ, và vì vậy, chánh niệm về thực tại đang xuất hiện có thể sinh khởi, và tại thời điểm đó thì hiểu biết có thể được phát triển. Đó chính là Satipaṭṭhāna (tứ niệm xứ). Tứ niệm xứ không phải là một phương pháp cụ thể nào cần phải đi theo để có thể hay biết thực tại. Tứ niệm xứ là sự phát triển hiểu biết các đặc tính của thực tại đang sinh khởi và xuất hiện, mỗi thực tại theo những duyên riêng của chúng.
Liệu bạn có biết trước khi nào những thực tại như cái nghe, sân hay chánh niệm sẽ sinh khởi không? Nếu không có duyên đầy đủ cho cái nghe thì chúng ta không thể làm chúng sinh khởi. Chỉ khi có đủ duyên cho nó thì nó mới sinh khởi. Cũng như vậy, khi không có nhân duyên đầy đủ cho chánh niệm sinh khởi, chúng ta không thể làm cho nó sinh khởi. Khi có nhân duyên đầy đủ thì chánh niệm sinh khởi và khi đó chúng ta sẽ biết rằng không có cái ta, cái ngã nào có thể tạo nên sự sinh khởi của nó.
Sự phát triển của Tứ niệm xứ rất vi tế; nếu không có cái hiểu đúng về sự phát triển của Tứ niệm xứ thì mọi người sẽ bám chấp vào cách thực hành sai lầm (sílabbatå paråmåsa kåya-gantha). Chỉ có trí tuệ mới có thể tận diệt được sự thực hành sai. Khi ai đó chưa biết sự khác biệt giữa khoảnh khắc có chánh niệm và không có chánh niệm, người ấy có thể sẽ cố đi theo một con đường khác, theo sự thực hành sai. Cái hiểu đúng về con đường phát triển tứ niệm xứ là không thể thiếu được; trí tuệ cần phải biết chánh niệm là vô ngã, và cần phải biết khi nào có chánh niệm và khi nào không có sự hay biết về các thực tại. Nếu sự khác biệt giữa những khoảnh khắc ấy chưa được biết thì trí tuệ không thể được phát triển. Sẽ có sự dính mắc vào khái niệm về một cái tôi đang cố gắng “làm” cái gì đó.
Cách bắt đầu là hay biết khi nào chánh niệm sinh khởi và khi nào không có chánh niệm. Tôi xin đưa ra một ví dụ. Tất cả chúng ta đều chạm vào những thứ cứng. Ngay một đứa trẻ cũng biết cảm giác cứng, vì tính cứng tác động lên sắc là thân căn và có tâm kinh nghiệm đặc tính cứng. Điều này luôn luôn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Khi chúng ta chỉ kinh nghiệm hoặc hay biết về tính cứng thì điều đó không có nghĩa rằng có chánh niệm và trí tuệ. Nhưng một người đã nghe Pháp biết rằng, cứng là một thực tại khi nó tiếp xúc với sắc trên thân căn. Sắc trên thân căn là vô ngã. Không có ai có thể tạo nên tính chất cứng. Bất cứ khi nào thân căn, cái tồn tại mọi nơi trên thân, từ đầu tới chân, tiếp xúc với cái gì đó cứng thì tính cứng xuất hiện. Đặc tính thực sự của yếu tố cụ thể ấy xuất hiện tại chính giây phút đó. Tuy nhiên, khi có sự thất niệm về thực tại thì sẽ không có cái hiểu đúng, chúng ta tưởng rằng toàn thân, từ đầu tới chân, là ta.
Từ lúc chúng ta thức dậy vào buổi sáng cho đến bây giờ, chúng ta đã xúc chạm với tính cứng rất nhiều, nhưng nếu ta chưa nghe Pháp thì ta sẽ quên những khoảnh khắc ấy. Một người đã được nghe Pháp và đã hiểu những gì mình nghe sẽ có được chánh kiến về đặc tính cứng khi nó xuất hiện. Người ấy hiểu rằng đó chỉ là một thực tại đang xuất hiện, không phải là “ta”.
Chỉ một khoảnh khắc trước, chúng ta kinh nghiệm cái gì đó cứng, và bây giờ, tại khoảnh khắc này, chúng ta có thể bắt đầu hiểu rằng tính cứng chỉ là một thực tại. Hiểu biết đó là do nhờ có chánh niệm sinh khởi và hay biết về đặc tính cứng. Chánh niệm sinh khởi và hay biết về thực tại, dù chỉ trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi, và sau đó thì lại có sự thất niệm về các thực tại, chúng ta lại suy nghĩ về các thứ khác.