Khảo cứu Pháp chân đế – Phần IV: Đối thoại về Vipassanā – CHƯƠNG 34: PHÁT TRIỂN TỰ NHIÊN

CHƯƠNG 34. PHÁT TRIỂN TỰ NHIÊN

 

Câu hỏi: Trong bốn mươi loại đề mục của samatha, tôi thích nhất là “Quán niệm hơi thở”. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng với đề mục này tôi không thể tận diệt được phiền não, chứng ngộ Tứ Thánh Đế và đạt tới niết bàn.

Sujin: Với samatha, phiền não không thể được tận diệt, cũng như không thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế và đạt tới niết bàn.

Câu hỏi: Tôi nghĩ rằng mục tiêu của mọi người là tận diệt phiền não và đạt tới niết bàn, tuy nhiên, họ không hiểu nguyên nhân của sự dính mắc chính là cuộc sống hàng ngày. Họ không biết khi nào có tâm tham. Nếu ai đó chỉ mong muốn tận diệt phiền não mà không biết chúng như chúng là, sẽ có sự dính mắc vào kết quả. Khi ấy, họ có thể phát triển được tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) hay không?

Sujin: Không, điều ấy là không thể.

Câu hỏi: Liệu ta có thể phát triển cả samatha và vipassanā hay không?

Sujin: Mọi người sẽ tự biết mình đang phát triển samatha hay vipassanā. Tuy nhiên, nếu không có hiểu biết đúng về các hình thái phát triển tâm trí khác nhau này thì cả samatha và vipassanā đều không thể được phát triển.

Câu hỏi: Bà có thể đưa ra vài lời chỉ dẫn về sự phát triển vipassanā được không?

Sujin: Không ai có thể đẩy nhanh sự phát triển của tứ niệm xứ. Mục tiêu của tứ niệm xứ là tận diệt phiền não. Tuy nhiên, một người không biết rõ phiền não của mình sẽ không muốn theo đuổi con đường dẫn tới sự tận diệt phiền não. Nếu ai đó xếp trẻ con thành hàng – những đứa trẻ không biết gì về phiền não của chúng – và bảo chúng hãy tận diệt phiền não bằng cách phát triển tứ niệm xứ, bọn chúng sẽ không muốn tận diệt phiền não. Làm sao chúng có thể phát triển được tứ niệm xứ đây?

Tất cả mọi người, trẻ con cũng như người lớn, đều có rất nhiều phiền não. Nếu có người hỏi họ rằng liệu họ có muốn diệt trừ chúng không, hầu hết trong số họ sẽ trả lời là không. Vì vậy, ta không nên cố ép những người khác phát triển tứ niệm xứ.

Một số người, khi nghe nói về phiền não, có thể không muốn có chúng, nhưng họ thực sự có biết về phiền não của họ hay không? Dính mắc (tham – lobha) là một phiền não. Mọi người muốn có tham hay không? Họ có thể không thích ‎ý niệm có tham, nhưng trên thực tế, mọi người thích tham tới từng khoảnh khắc. Điều ấy chỉ ra rằng ta không hiểu đặc tính của phiền não tham. Ta có thể tìm hiểu xem liệu ta có thực sự hiểu tham là một phiền não hay không? Thức ăn có ngon không? Quần áo và những thứ ta dùng để làm đẹp cho bản thân có dễ chịu hay không? Nhạc có làm ta thư thái? Hương thơm có tỏa ngát, ghế ngồi có mềm mại và tiện nghi hay không? Những gì xúc chạm có êm ái không? Mặc dầu một số người không thích ý niệm có tham (lobha) và nghĩ rằng họ không nên có tham, nhưng họ có thể thấy rằng tâm lúc nào cũng thích tham.

Sự phát triển của tứ niệm xứ là sự phát triển của chánh niệm (sati) và trí tuệ (paññā). Đó không phải là cố gắng phát triển sự tập trung, hay định (samādhi).

Câu hỏi: Thế nào là attā-saññā, nhớ tưởng về ngã?

Sujin: Attā-saññā là sự nhớ tưởng kèm theo dính mắc vào ý niệm về ngã (attā), tức là sự nhớ tưởng sai lầm về ngã. Chúng ta không cần phải hoài nghi về ngã tưởng bởi vì chúng ta rất quen thuộc với chúng. Khi một người chứng ngộ Tứ Thánh Đế tại khoảnh khắc giác ngộ lần thứ nhất của đạo quả Dự Lưu, tà kiến sẽ được tận diệt. Tà kiến này cho các thực tại là ngã, là chúng sinh, hay con người. Tuy nhiên, sẽ phải có ngã tưởng chừng nào chưa phát triển tứ niệm xứ. Sẽ còn có vô minh và tà kiến nếu chánh niệm chưa sinh khởi, nếu không có chánh niệm về đặc tính của các thực tại khi chúng xuất hiện từng cái một qua các căn môn. Tà kiến sẽ cho các thực tại đang xuất hiện là ‘một khối’, là một tổng thể, là một cái gì đó trường tồn, là tự ngã. Nếu như ở khoảnh khắc này, mọi người không biết thực tại như chúng là thì sẽ có ngã tưởng, tức là sự nhớ tưởng về một cái ‘tôi’ đang thấy và cái được thấy là một chúng sinh, con người, một tự ngã.

Khi một người chỉ có hiểu biết l‎‎‎ý thuyết về các thực tại do nhờ được nghe pháp, người ấy sẽ không thể hiểu một cách trực tiếp danh và sắc như chúng là. Người ấy không nhận ra rằng những gì mình thấy và rồi cho đó là con người hay chúng sinh trên thực tế chỉ là cái xuất hiện qua mắt. Vì vậy, ta cần thẩm sát lặp đi lặp lại Pháp đã được nghe và nghiên cứu. Ta cần phải suy ngẫm về nó một cách chi tiết. Chỉ bằng cách này, ý nghĩa của các thuật ngữ mô tả đặc tính của các thực tại mới có thể được hiểu trọn vẹn.

Cách nói “cái xuất hiện qua mắt”, mô tả đặc tính của đối tượng thị giác một cách phù hợp. Nó lý giải rằng đối tượng thị giác chỉ là một yếu tố, hay một giới (dhātu) xuất hiện qua mắt để có thể được thấy. Bất kể đó là màu gì (đỏ, xanh lá cây, xanh nước biển vàng hay trắng), màu sáng hay màu tối, nó luôn xuất hiện khi in dấu lên sắc là nhãn căn. Khi một người, sau khi thấy cái xuất hiện qua nhãn căn, nhưng không hiểu thực tại như nó là, sẽ dễ có ngã tưởng (attā-saññā). Người ấy sẽ cho cái được thấy là con người, là chúng sinh hay là đồ vật. Khi mọi người bị chìm đắm vào những màu sắc khác nhau, điều ấy sẽ khiến họ nghĩ về một “tổng thể”, về hình và dạng và vì vậy, có sự nhớ tưởng về hình dạng bên ngoài của con người và đồ vật. Dường như ta thấy con người, chúng sinh và mọi thứ, nhưng trên thực tế, đó chỉ là các màu sắc khác nhau được thấy, chẳng hạn trắng, đen, màu da, đỏ hay vàng.

Nếu như mọi người không diễn giải các màu sắc khác nhau, hoặc “dịch” chúng thành hình và dạng, họ sẽ không coi đó là chúng sinh, con người hay đồ vật. Vì vậy, khi thấy, ta bị chìm đắm trong hình dạng, vào vẻ bên ngoài hay tướng chung (nimitta), và vào chi tiết (tướng riêng) của mọi thứ. Chúng ta cần phải biết rằng điều này chỉ xảy ra bởi màu xuất hiện. Khi màu sắc xuất hiện, ta nghĩ về chúng, diễn giải về chúng và “dịch” chúng thành hình dạng của những thứ khác nhau.

Khi chánh niệm sinh khởi hay biết các đặc tính của thực tại và tuệ giác bắt đầu nghiên cứu và thẩm xét các đặc tính của chúng, ta đã bắt đầu biết rằng vẻ bên ngoài và tất cả các chi tiết về mọi thứ, tất cả các màu sắc khác nhau, chỉ là cái xuất hiện qua mắt, chứ không là cái gì khác. Khi đó, trí tuệ bắt đầu xuyên thấu đặc tính vô ngã của các thực tại xuất hiện, chúng không phải là chúng sinh, con người. Nếu chánh niệm sinh khởi và hay biết lặp lại nhiều lần, ta sẽ hiểu ‎ý nghĩa của những từ trong Giáo pháp mà Đức Phật chỉ dạy, rằng bằng việc phát triển hiểu biết về các thực tại sinh khởi tự nhiên, ta sẽ không còn dính mắc vào vẻ bề ngoài (tướng chung) và vào chi tiết (tướng riêng) của mọi thứ.

Chúng ta đọc trong Trung Bộ Kinh, số 27, Tiểu Kinh dụ dấu chân voi, trong đó Đức Phật có nói với vị Bà la môn Jāṇussoṇi về cuộc đời của vị Tỳ kheo. Ngài thuyết về việc thu thúc lục căn.

“Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt.”

(Đức Phật giảng tương tựvề các căn môn khác)

Sự thu thúc này có thể đạt được thông qua sự phát triển của tuệ giác hiểu thực tại như chúng là. Ta bắt đầu xả bỏ ngã tưởng (attā-saññā) đối với những gì xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn, tương ứng với mức độ trí tuệ đã đạt được.

Ta cần phải nhớ rằng cho dù Giáo pháp bàn đến chủ đề nào hay chi tiết nào, nó luôn liên quan đến các thực tại trong cuộc sống hàng ngày. Chánh niệm cần phải hay biết các thực tại đang xuất hiện để trí tuệ có thể hiểu một cách rõ ràng các đặc tính của chúng. Điều này dẫn tới sự tận diệt hoàn toàn các phiền não.

Ta cần phải nghe Giáo pháp một cách kỹ lưỡng, ta cần phải nghiên cứu và thẩm sát các pháp đang sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ta không thể diệt tham, sân, si và các phiền não khác ngay lập tức. Mọi người mong muốn tận diệt phiền não, nhưng họ cần phải biết rằng, phiền não chỉ có thể được tận diệt tại khoảnh khắc giác ngộ, khi tâm đạo sinh khởi. Trước hết, thân kiến (sakkāya-diṭṭhi), là tà kiến cho rằng ngũ uẩn là ta, phải được tận diệt. Tà kiến này cho các pháp xuất hiện qua sáu môn là tự ngã, chúng sinh hay con người. Ngã kiến này được tận diệt ở giai đoạn thứ nhất của giác ngộ, trở thành bậc Dự Lưu (Sotāpanna).

Sau khi đã đạt được giai đoạn đó, tuệ giác cần phải tiếp tục phát triển để các giai đoạn sau của giác ngộ có thể đạt tới và phiền não có thể được tận diệt tuần tự. Các giai đoạn này là: đạo quả Nhất lai (Sakadāgāmi), Bất lai (Anāgāmi) và A la hán (Arahat). Như vậy, tuệ giác chỉ có thể được phát triển một cách từ từ. Ta không nên cố gắng đẩy nhanh sự phát triển của nó, ta không nên tin rằng chỉ cần thực hành một ngày, một tháng hay một năm là đủ, mà không cần hiểu nhân duyên đúng cho sự sinh khởi của chánh niệm. Thực chất, sati được gọi là chánh niệm (sammā-sati) của con đường Bát Chánh Đạo chỉ có thể sinh khởi nếu trứớc đó ta có sự nghiên cứu và hiểu các đặc tính của thực tại khi chúng xuất hiện qua ngũ môn và qua ý môn. Khi ấy, sammā-sati có thể sinh khởi và hay biết và trí tuệ có thể bắt đầu nghiên cứu và thẩm sát các thực tại xuất hiện tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, để chúng có thể được thấy như chúng thực là.

Sự phát triển của tứ niệm xứ bao gồm ba loại học (sikkhā): thượng giới học (adhisīla sikkhā), thượng định học (adhicitta sikkhā) và thượng tuệ học (adhipaññā sikkhā).

Khi chánh niệm hay biết các đặc tính của các thực tại đang xuất hiện, sẽ có giới ở mức độ cao hơn (thượng giới), loại giới này cao thượng hơn. Chánh niệm hay biết đặc tính của tâm, tâm sở và sắc. Nó hay biết về thiện pháp và bất thiện pháp trước khi hành động qua thân và khẩu sinh khởi[1].

Tứ niệm xứ là thượng định học, định có nghĩa là nhất tâm (samādhi hay tâm sở ekaggatā)[2]. Khi chánh niệm sinh khởi, có định trên danh và sắc xuất hiện, trên pháp đang sinh khởi và diệt đi nhanh chóng.

Tứ niệm xứ là thượng tuệ học, bởi trí tuệ thẩm sát và nghiên cứu một cách chi tiết và suy xét các đặc tính của thực tại xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày, để chúng có thể được biết như chúng là.

Câu hỏi: Tất cả những gì Bà đã giải thích đều rất lợi lạc cho tôi ở khoảnh khắc hiện giờ. Tuy nhiên, mặc dầu tôi hiểu một chút về những gì được nghe, hiểu biết ấy vẫn còn rất khiếm khuyết. Khi tôi thực hành tứ niệm xứ, ngay lập tức tôi dính mắc vào ý‎ niệm về một cái ngã đang áp dụng chánh niệm. Tôi mới chỉ là một người sơ cơ và như tôi được biết về mình, tôi chưa đạt được tầng tuệ minh sát thứ nhất, tuệ phân biệt danh sắc (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa). Tôi cần phải làm gì để có thêm hiểu biết?

Sujin: Nếu một người cố gắng làm một cái gì đặc biệt với mục đích phát triển tuệ giác thì cuộc sống của người ấy sẽ rất phức tạp. Làm thế nào để người ấy có thể hành xử một cách đúng đắn nếu vẫn có ý‎ niệm về ngã có thể làm những thứ đặc biệt? Nếu mọi người muốn làm những thứ đặc biệt để có thêm hiểu biết, người ấy đang dính mắc. Dính mắc vào cái hiểu về danh và sắc đã sinh khởi rồi. Tứ niệm xứ là pháp hay biết bất cứ thực tại nào xuất hiện qua một trong sáu căn, chẳng hạn như pháp xuất hiện qua mắt (đối tượng thị giác – cảnh sắc) khi có cái thấy ở khoảnh khắc hiện giờ. Khi ấy, tứ niệm xứ có thể hay biết một cách tự nhiên và trí tuệ có thể dần dần nghiên cứu và thẩm xét bản chất thật của danh (nāma) và sắc (rūpa).

Câu hỏi: Ta phải phát triển tứ niệm xứ như thế nào khi ta thấy?

Sujin: Khi có cái thấy, bạn có thể hay biết và nhận ra rằng cái xuất hiện trước cái thấy chỉ là một loại thực tại chỉ có thể xuất hiện qua mắt. Khi ta thấy tóc, bàn, ghế, cột hay một khán phòng, ta cần biết rằng cái được thấy trên thực tế chỉ là cái xuất hiện qua mắt, nó không xuất hiện qua tai, qua mũi, qua lưỡi hay qua thân căn. Khi trí tuệ vẫn chưa được phát triển đến mức độ biết được sự khác biệt giữa các đặc tính của danh và sắc thì tầng tuệ này chưa thể nào sinh khởi.

Câu hỏi: Khi tôi nhận được một cuốn sách về Giáo pháp nói về sự thực hành trong đời sống hàng ngày, tôi đọc nó nhiều lần, bởi tôi muốn thực hành được. Tuy nhiên, lúc nào cũng có ý‎ niệm về ngã, về một ai đấy thấy khi có cái thấy. Tôi không thể nhận ra rằng màu là sắc và thấy là danh. Tôi vẫn nghĩ về tất cả những gì đã được giải thích, nhưng tôi không thể nào hay biết danh và sắc theo cách đúng đắn. Bà làm ơn có thể giải thích cho tôi biết phải chánh niệm như thế nào được không?

Sujin: Khi có cái thấy kinh nghiệm đối tượng qua mắt, tại khoảnh khắc ấy, bạn có thể thẩm xét đặc tính của pháp đang xuất hiện một cách tự nhiên không? Biết được trí tuệ cần được phát triển như thế nào là rất quan trọng, để tuệ giác có thể dần trở nên hoàn mãn đến mức độ đạt được tầng tuệ thứ nhất, tuệ phân biệt danh sắc. Trước hết chánh niệm cần phải hay biết và nghiên cứu các đặc tính khác nhau của danh và sắc đang xuất hiện một cách tự nhiên qua một trong các cửa giác quan. Chánh niệm khác với suy nghĩ về danh và sắc, từ hiểu biết lý‎ thuyết có được nhờ nghe Pháp. Chánh niệm về các thực tại không được phát triển nếu trong khi thấy, bạn nghĩ về nó với bồn chồn, lo lắng và căng thẳng; nếu bạn nghĩ về nó, với sự bồn chồn, rằng “cái xuất hiện là sắc và cái thấy là danh”. Ở khoảnh khắc ấy, không có sự thẩm sát, không có nghiên cứu về đặc tính của sắc hay của danh. Trước hết cần có hiểu biết đúng về các đặc tính của danh và sắc để tứ niệm xứ có thể sinh khởi và hay biết một cách trực tiếp về chúng. Cần phải hiểu rằng danh thấy chỉ là một thực tại kinh nghiệm một cái gì đó, rằng nó không có hình dạng và nó là vô ngã. Không cần thiết phải ở trong một tư thế đặc biệt để có thể biết về thực tại. Không cần thiết phải đứng trước và rồi thấy, hay ngồi và nằm trước rồi thấy để có thể biết cái thấy như nó là.

Tứ niệm xứ suy xét một cách chính xác đặc tính của cái thấy chỉ là một loại thực tại kinh nghiệm một cái gì đó, không phải là “tôi”, một tự ngã, chúng sinh hay con người. Khi tứ niệm xứ sinh khởi và hay biết các đặc tính của sắc xuất hiện qua mắt, đặc tính ấy có thể được suy xét và để được biết rằng đó chỉ là một loại thực tại, không phải là tự ngã, chúng sinh hay con người.

Câu hỏi: Sự thực hành phải rất bền bỉ, không bồn chồn như Bà đã nói. Như vậy, liệu có thể sử dụng phương pháp tứ niệm xứ quán niệm hơi thở (ānāpāna satipaṭṭhāna) hay không? Đối tượng của tứ niệm xứ là thân, thọ, tâm và pháp, nhưng ta có thể kết hợp với quán niệm hơi thở (ānāpāna sati). Tôi đã tự đặt ra cái tên ānāpāna satipaṭṭhāna cho cách thực hành này.

Sujin: Khi một người tìm cách phối hợp nhiều phương pháp khác nhau, hầu hết đó là sản phẩm của mong cầu. Có thể người ấy không biết phát triển hiểu biết như thế nào và vì vậy cố gắng sử dụng phương pháp này kết hợp với phương pháp kia để có thêm tuệ giác. Người ấy cho rằng, bằng cách ấy, sẽ không có thất niệm, rằng người ấy có thể duy trì sự chú tâm vào đối tượng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đó chẳng phải là dính mắc hay sao? Mọi người có thể mong muốn chú tâm trên một đối tượng cụ thể trong một thời gian dài, nhưng họ không thể chánh niệm theo cách đúng đắn. Chẳng hạn, họ không thể chánh niệm về cái xuất hiện qua mắt hay qua các cửa giác quan khác. Khi mọi người cố gắng chú tâm lên một đối tượng, thực chất họ đang phối hợp nhiều phương pháp phát triển khác nhau do bởi sự dính mắc vào kết quả. Đó không phải là sự phát triển trí tuệ.

Với người phát triển tứ niệm xứ một cách tự nhiên, mục đích là để hiểu thực tại và nhờ vậy, bớt dính mắc vào chúng. Tuy nhiên, nếu chưa hiểu, ta sẽ không thể nào không dính mắc. Khi cố gắng làm cho tâm tập trung trên một đối tượng, liệu bạn có thể từ bỏ dính mắc hay không? Nếu bạn cố gắng chú tâm, bạn không phát triển trí tuệ với mục đích hiểu thực tại để trở nên xả ly. Nếu mọi người cố làm một cái gì đó khác hơn là phát triển tứ niệm xứ một cách tự nhiên, họ sẽ không biết được đặc tính của các thực tại như chúng là khi chúng đang xuất hiện tại khoảnh khắc này. Nghe là thực, nó xuất hiện một cách tự nhiên, cũng như vậy với suy nghĩ, với thọ hỷ hay thọ ưu. Chúng đều xuất hiện một cách tự nhiên, tất cả đều là pháp, là thực tại. Nếu chánh niệm không sinh khởi và không hay biết các thực tại, đó không phải là sự phát triển tứ niệm xứ. Đâu là lợi ích của việc phối hợp những phương pháp khác nhau nếu không có hiểu biết về danh và sắc khi chúng đã xuất hiện qua sáu môn.

Câu hỏi: Khi tôi phối hợp những phương pháp khác nhau, tôi có thêm hiểu biết về ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã. Chúng được giảng giải trong Kinh điển mà tôi đã đọc. Tôi đã đọc về quán niệm hơi thở và điều ấy giúp cho tôi bớt sao lãng vào những chuyện khác. Nếu tôi có một vấn đề nào đó không thể giải quyết, tôi sẽ áp dụng quán niệm hơi thở. Còn nếu như tôi cố nghĩ “cái thấy qua mắt chỉ là danh, không phải là tự ngã”, hay “cái nghe là vô ngã” thì tôi sẽ cảm thấy bối rối. Luôn luôn lúc nào cũng có ngã, có cái ngã đang hành xử, đang suy nghĩ. Tôi cảm thấy lẫn lộn, bối rối và lo lắng về điều ấy.

Sujin: Nếu bạn phối hợp nhiều phương pháp thực hành khác nhau, bạn sẽ trở nên lo lắng, bởi không có trí tuệ làm công việc suy xét, thẩm sát và nghiên cứu các đặc tính của thực tại khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên. Bạn nói rằng lợi ích từ phương pháp thực hành của bạn là biết được đặc tính của thực tại (tam tướng) là vô thường, khổ và vô ngã. Tuy nhiên, đó chỉ là hiểu biết sách vở về tam tướng mà thôi. Nếu bạn không biết danh và sắc khi chúng xuất hiện, làm sao bạn có thể biết được ba đặc tính của danh và sắc? Chúng (tam tướng) phải là đặc tính của danh và sắc xuất hiện từng thứ ở từng thời điểm.

Tam tướng được xuyên thấu qua tuệ minh sát (vipassanā ñāṇa). Sẽ không thể có được tuệ minh sát nếu ta không biết được các đặc tính khác nhau của danh và sắc khi chúng xuất hiện từng thứ một. Nếu ta không thể biết sự khác biệt giữa các đặc tính của danh và sắc, tam tướng của thực tại không thể được xuyên thấu.

Câu hỏi: Làm thế nào để chánh niệm? Tôi biết rằng chánh niệm là hay biết nhưng làm thế nào? Liệu cần có sự suy xét sâu sắc hay là chỉ cần suy xét một cách hời hợt hơn về ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã? Hay chỉ cần hay biết về tính cứng và cái mềm mà thôi? Tôi cho rằng Bà dạy về sự thực hành, tôi nghe Bà giảng đã được hai hoặc ba năm rồi, tuy nhiên tôi không thể thực hành. Tôi học về danh và sắc nhưng chúng là gì? Làm sao tôi có thể hay biết về chúng? Tôi cảm thấy lẫn lộn về việc hay biết các pháp trong khoảnh khắc hiện tại. Nhất thiết phải có một phương pháp cụ thể. Liệu cần phải có chánh niệm một cách sâu sắc hay chỉ cần chánh niệm hời hợt hơn? Chánh niệm trong thời gian lâu hay chóng. Và nhìn đâu tôi cũng thấy ngã.

Sujin: Cách hành xử như vậy dẫn tới sự lẫn lộn và bối rối. Bạn có thể cứ cố điều chỉnh chánh niệm, để có chánh niệm sâu sắc hay là hời hợt, có nhiều chánh niệm hay chỉ một chút. Nhưng, không có một phương pháp hay kỹ thuật nào cho sự phát triển tuệ giác. Sự phát triển tuệ giác bắt đầu với việc nghe Pháp và nghiên cứu các thực tại mà chánh niệm có thể hay biết, để rồi trí tuệ có thể lớn mạnh. Đó là những duyên tố cho sự sinh khởi của chánh niệm hay biết trực tiếp các đặc tính của danh và sắc khi chúng xuất hiện tự nhiên. Vì danh và sắc xuất hiện đều là thực, trí tuệ có thể biết bản chất thật của chúng.

Bạn không nên cố gắng điều chỉnh chánh niệm và cố gắng làm cho nó mạnh hay yếu đi, hay làm cho nó hời hợt. Nếu làm như vậy, ta đang dính mắc vào ý‎ niệm về ngã và không thẩm sát, nghiên cứu các đặc tính của các pháp đang xuất hiện. Đâu là các thực tại đang xuất hiện? Một người không thất niệm về các thực tại có thể hay biết về chúng khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên. Người ấy hay biết một cách trực tiếp các đặc tính của chúng. Người ấy không cố khiến chánh niệm chú tâm vào một đối tượng để có thể suy xét đi suy xét lại về đối tượng ấy một cách kỹ càng hơn. Chánh niệm sinh khởi và diệt đi và rồi lại có thể có thất niệm, hay có chánh niệm hay biết một đối tượng khác. Như vậy ta có thể thấy rằng tứ niệm xứ là vô ngã. Những người hiểu rằng tất cả các thực tại, trong đó bao gồm tứ niệm xứ, đều là vô ngã sẽ không bị bối rối. Nếu một người dính mắc vào ý niệm về ngã, người ấy sẽ có xu hướng điều khiển chánh niệm, nhưng thực chất người ấy không biết con đường đúng. Nếu sự thực hành của một người không tự nhiên, nó sẽ rất phức tạp và tạo nên bối rối. Nếu chánh niệm là tự nhiên, nó sẽ nghiên cứu và suy xét các thực tại đang xuất hiện, sẽ có thêm hiểu biết chứ không có bối rối lẫn lộn.

Câu hỏi: Tôi vẫn chưa thực sự biết đặc tính của tứ niệm xứ. Khi tôi chăm chú nghe lời giảng của bà, tôi hiểu những gì nói tới, về mặt lý thuyết. Cũng có chánh niệm khi tôi có cái hiểu lý thuyết nhưng tôi không suy xét danh và sắc ở khoảnh khắc ấy. Tôi không chắc liệu đó có phải là tứ niệm xứ hay không?

Sujin: Nếu ta không biết rằng cuộc sống của ta chỉ là danh và sắc, ta sẽ cho rằng các thực tại là ngã. Ta đầy những ý niệm về ngã và điều này chỉ có thể được tận diệt bởi tứ niệm xứ. Chánh niệm có thể hay biết và thẩm sát các đặc tính của danh và sắc đang xuất hiện. Ở lúc ban đầu, khi chánh niệm hay biết, chưa thể có hiểu biết rõ ràng về tính chất vô ngã của các thực tại là danh và sắc. Hiểu biết có thể yếu ớt đến mức gần như không nhận ra được. Hiểu biết chỉ có thể phát triển một cách từ từ, nó có thể tận diệt vô minh theo từng giai đoạn, vô minh không thể được tận diệt ngay lập tức, giống như chuôi dao mà ta cầm mỗi ngày, nó chỉ mòn đi một chút xíu ở mỗi lần.

Ta đọc trong Tương Ưng Bộ  Kinh, (Phần 50 Kinh giữa, Tương ưng uẩn, Phẩm Hoa, Cán búa), rằng, khi Đức Phật ngự tại Sāvatthī, có nói với các vị Tỳ kheo rằng phiền não có thể được tận diệt qua việc chứng ngộ sự sinh diệt của ngũ uẩn. Điều ấy không thể được đạt tới bằng việc không biết, không thấy. Nếu ai đó chỉ mong tận diệt phiền não và lơ là việc phát triển hiểu biết, phiền não sẽ không thể được tận diệt. Chỉ bằng sự phát triển tuệ giác, phiền não mới dần được đoạn tận. Ta đọc như sau:

Ví như, này các Tỳ kheo, một người thợ đá hay đệ tử người thợ đá, khi nhìn vào cán búa thấy dấu các ngón tay và dấu các ngón tay cái. Vị ấy không có thể biết được như sau: “Hôm nay, từng ấy cán búa của ta bị hao mòn; hôm nay từng ấy, các ngày khác từng ấy”. Nhưng vị ấy biết được cán búa bị hao mòn trên sự hao mòn của cán búa.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo chí tâm trong sự tu tập không có biết như sau: “Hôm nay, từng ấy lậu hoặc của ta được hao mòn, hôm qua từng ấy, các ngày khác từng ấy”. Nhưng vị ấy biết được các lậu hoặc được hao mòn trên sự hao mòn các lậu hoặc…”

Trí tuệ cần được phát triển trong khoảng thời gian vô cùng dài[3]. Một số người không thích ý niệm rằng chánh niệm và trí tuệ chỉ phát triển một cách rất từ từ, nhưng không có cách nào khác. Nếu ai đấy thiếu kiên nhẫn và cố gắng phối hợp nhiều phương pháp thực hành khác nhau để đẩy nhanh quá trình phát triển tuệ giác, người ấy sẽ làm cho cuộc sống của mình rất phức tạp.

Câu hỏi: Đâu là sự khác biệt giữa thực hành tự nhiên và sự thực hành không tự nhiên?

Sujin: Ở khoảnh khắc này bạn đang ngồi một cách tự nhiên và có thể bạn đang hay biết các thực tại xuất hiện, chẳng hạn như cứng, mềm đang xuất hiện trên thân căn, hay đối tượng thị giác xuất hiện qua nhãn căn. Tất cả các pháp này đều xuất hiện một cách tự nhiên. Tuy nhiên, sự thực hành của một ai đấy sẽ là không tự nhiên nếu người ấy cho rằng khi phát triển tứ niệm xứ, mình phải ngồi ngồi theo thế hoa sen, hay phải tập trung vào một số thực tại cụ thể. Sẽ có tham khi một người lựa chọn các thực tại chưa sinh khởi làm đối tượng chánh niệm. Người ấy sẽ lơ là việc hay biết các thực tại đã xuất hiện rồi, như là thấy, nghe, đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, nóng, lạnh, cứng, mềm. Dù chỉ một chút hiểu biết sai lầm, nó sẽ làm duyên cho dính mắc và nó che lấp sự thực. Khi ấy, trí tuệ không thể sinh khởi và biết được các pháp đang xuất hiện tại khoảnh khắc ấy.

Những người phát triển tứ niệm xứ cần phải biết một cách cụ thể sự khác biệt giữa khoảnh khắc thất niệm và khoảnh khắc chánh niệm, nếu không, tứ niệm xứ không thể được phát triển. Nếu ta thường thất niệm thì sẽ dễ tiếp tục thất niệm. Có người lựa chọn một đối tượng để chú tâm, nhưng đó không phải là cách phát triển tứ niệm xứ. Ta cần phải có hiểu biết đúng về khoảnh khắc thất niệm, không hay biết đặc tính của các thực tại xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày, như là cái thấy, cái nghe. Khi có chánh niệm, ta có thể suy xét, nghiên cứu và hiểu các pháp xuất hiện thông qua sáu môn. Khi một người lựa chọn một đối tượng cụ thể để chú tâm vào, người ấy không biết rằng chánh niệm là vô ngã. Khi có chánh niệm, nó có thể hay biết các thực tại tự nhiên xuất hiện. Khi mùi xuất hiện, có thể có chánh niệm về mùi đang xuất hiện qua mũi. Có thể biết rằng đó chỉ là một thực tại sinh khởi, xuất hiện và rồi biến mất. Hay danh kinh nghiệm mùi có thể được hiểu chỉ là một thực tại đang xuất hiện mà thôi. Sau khi đã kinh nghiệm mùi, nó lại diệt đi. Nó không phải là chúng sinh, con người hay tự ngã.

Câu hỏi: Có đúng là vị Thánh Dự lưu, người đã đạt được giai đoạn thứ nhất của giác ngộ, không còn nhận ra cha mẹ của mình hay không?

Sujin: Vị Thánh Dự lưu đã chứng ngộ một cách rõ ràng rằng pháp thấy là một loại danh. Sau khi thấy, người ấy biết cái gì vừa được thấy, tức là một người, chúng sinh hay đồ vật mà người ấy có thể nghĩ về. Suy nghĩ là một loại danh khác, sinh khởi và diệt đi. Liệu có ai thấy và rồi không biết ý nghĩa của cái được thấy hay không? Nếu như vậy thì Đức Phật sẽ không nhận ra ngài Ānanda và ngài Moggallāna, hay bất cứ thứ gì. Và nếu vậy sẽ chỉ có danh thấy và không có các loại danh khác có thể nhận ra cái được thấy là gì. Tuy nhiên, pháp có lộ trình tự nhiên của nó, chúng là chúng. Ngoài danh thấy sau cái thấy, cũng có danh biết ý nghĩa của cái được thấy.



[1] Chánh niệm thu thúc lục căn có thể ngăn cản việc tạo bất thiện pháp qua thân và khẩu.

[2] Đôi khi “tâm- citta” được dùng để chỉ “định- samadhi”.

[3] Cuốn Hạnh Tạng (Cariyapitaka) bàn về các ba la mật mà đức Phật khi còn là Bồ tát phải tích lũy trong bốn a tăng kỳ kiếp và một trăm ngàn đại kiếp. Chú giải của tạng này, cuốn Paramathadipani, trong lý giải về phần Nidessa, có nói rằng, trong các tiền đề cho giác ngộ, phải có “sự vun bồi trong một thời gian dài (cira kala bhāvāna), rồi nói thêm “vun bồi đi vun bồi lại, trong một khoảng thời gian dài”.

Comments are closed.

Translate »