CHƯƠNG 32. BA MỨC ĐỘ TOÀN TRI (PARIÑÑĀ)
Sự phát triển của tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) là sự phát triển tuệ giác dẫn đến sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Trong lộ trình phát triển tuệ giác, có thể nhận thấy ba mức độ của hiểu biết trọn vẹn (pariññā – toàn tri), bao gồm: hiểu biết trọn vẹn về trí đã đạt (ñāta pariññā – trí đạt toàn tri, hay thắng tri)[1], hiểu biết trọn vẹn về thẩm sát (tīraṇa pariññā – toàn tri về thẩm sát, hay tuệ tri)[2], hiểu biết trọn vẹn về đoạn trừ (pahāna pariññā – toàn tri về đoạn trừ, hay liễu tri)[3].
Hiểu biết trọn vẹn về trí đã đạt (thắng tri) là trí tuệ thấy được đặc tính của danh pháp và sắc pháp đang xuất hiện là vô ngã. Tuệ giác của giai đoạn thứ nhất phân biệt được rõ ràng sự khác biệt giữa đặc tính của danh pháp và sắc pháp (tuệ phân biệt danh sắc, nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa) là cơ sở cho sự phát triển tiếp theo của trí tuệ. Hiểu biết trọn vẹn về trí đã đạt là trí tuệ áp dụng hiểu biết có được ở khoảnh khắc của tuệ minh sát thứ nhất và nó bắt đầu ở giai đoạn này. Trí tuệ cần phải tiếp tục thẩm sát đi thẩm sát lại các đặc tính của các loại danh pháp và sắc pháp khác, ngoài những danh pháp và sắc pháp đã được chứng ngộ tại khoảnh khắc sinh khởi của tuệ minh sát thứ nhất. Chỉ khi ấy, danh pháp và sắc pháp mới được hiểu rõ như chúng là.
Hiểu biết trọn vẹn về thẩm sát (tīraṇa pariññā – tuệ tri) là trí tuệ thẩm sát một cách thấu đáo danh pháp và sắc pháp, không có sự ưa thích hay lựa chọn một loại danh hoặc sắc đặc biệt nào. Trí tuệ chứng ngộ các đặc tính của thực tại khi chúng xuất hiện qua sáu căn và có thể thấy chúng chỉ là pháp mà thôi. Khi trí tuệ đã nhận ra một cách rõ ràng rằng tất cả danh pháp và sắc pháp đều bình đẳng, theo nghĩa chúng chỉ là các pháp hữu vi mà thôi, trí tuệ ấy trở nên trọn vẹn hơn. Nhờ vậy, nó có thể chứng ngộ được tầng tuệ thứ tư, tuệ sinh diệt[4]. Hiểu biết trọn vẹn về thẩm sát bắt đầu ở giai đoạn này.
Hiểu biết trọn vẹn về đoạn trừ (pahāna pariññā – liễu tri) là loại toàn tri thứ ba. Khi trí tuệ thẩm sát sự diệt đi của danh và sắc và nhận rõ điều ấy, nó có thể đạt tới tầng tuệ thứ năm, tuệ diệt (bhanga ñāṇa). Từ đây trở đi, trí tuệ bắt đầu làm tăng trưởng sự xả ly đối với danh và sắc. Trí tuệ càng trở nên xả ly vì nó thấy rõ ràng sự bất lợi và hiểm họa của danh và sắc. Hiểu biết trọn vẹn về đoạn trừ bắt đầu ở tuệ diệt và tiếp tục cho đến tuệ đạo ở khoảng khắc đạt giác ngộ.
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta có nhiều duyên cho bất thiện pháp hơn là cho chánh niệm và hiểu biết về các pháp đang xuất hiện tự nhiên. Các pháp bất thiện sinh khởi rất thường xuyên và vì vậy, cần phải vun bồi ba mươi bảy phẩm trợ đạo (bodhipakkhiya-dhamma). Các yếu tố dẫn tới sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế này, như chúng ta đã đọc, bao gồm: tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như túc, ngũ căn, ngũ lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Chánh Đạo
Các yếu tố dẫn tới giác ngộ cần phải được phát triển đi phát triển lại trong khoảng thời gian rất dài, chúng chỉ có thể được tích lũy một cách từ từ. Không ai có thể khiến trí tuệ sinh khởi chỉ bằng một cách hành xử đặc biệt hay những hoạt động cụ thể. Trí tuệ có thể được phát triển một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta qua chánh niệm về các đặc tính của thực tại, chúng là vô ngã, chúng sinh khởi bởi các duyên riêng của chúng và rồi diệt đi một cách nhanh chóng. Có thể có sự hay biết về cái xuất hiện ở khoảnh khắc này qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn. Liệu ta có biết ở khoảnh khắc này tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) chính xác là gì không? Ta có biết cái xuất hiện bây giờ qua ngũ môn hay ý môn là một pháp chân đế, là vô ngã hay không? Nếu ta chưa biết điều này, trước hết cần phát triển trí tuệ ở mức độ lý thuyết. Rất cần thiết phải nghe Pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng để mọi người có thể có hiểu biết đúng về các đặc tính của các thực tại đang xuất hiện. Đức Phật dạy Pháp để mọi người có được hiểu biết tương ứng với sự thật mà Ngài đã chứng ngộ khi đạt được Phật quả. Ta cần có hiểu biết đúng đắn về sự thực hành và thực hành chính là sự phát triển tuệ giác. Chỉ nhân đúng mới mang tới kết quả đúng và đó là trí tuệ (paññā) thấy thực tại như chúng là, là vô thường, khổ và vô ngã. Trí tuệ cần phải nhận ra rằng các thực tại sinh và diệt luôn là khổ (bất toại nguyện, không dẫn tới hạnh phúc) và nó cần xuyên thấu đặc tính vô ngã của các thực tại xuất hiện ở khoảnh khắc này. Không có cách nào khác để biết được các thực tại như chúng là ngoài việc tứ niệm xứ, lần này qua lần khác, hay biết, nghiên cứu và thẩm xét các đặc tính của các pháp xuất hiện ngay bây giờ. Bằng cách này, các phẩm chất thiện (hay các tâm sở tịnh hảo – sobhana cetasika) sẽ được tích lũy có thể làm duyên cho tuệ giác trở nên hoàn mãn hơn và các tầng tuệ minh sát có thể sinh khởi.
Đức Phật Chánh đẳng giác đã tích lũy Ba la mật trong bốn A tăng kỳ kiếp và một trăm ngàn đại kiếp. Từ khi Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkara) đã thọ ký cho Ngài trở thành vị Phật Chánh Đẳng Giác trong tương lai, Ngài đã phát triển Ba la mật từ kiếp này sang kiếp khác. Ngài đã tới đảnh lễ và nghe pháp từ hai mươi tư vị Phật khác nhau trong các kiếp quá khứ trước khi Ngài đạt được Phật quả. Trong kiếp cuối cùng của Ngài, khi ngồi dưới cội cây bồ đề, Ngài đã liễu ngộ Tứ Thánh Đế và trải qua liên tiếp các giai đoạn giác ngộ Thánh Dự lưu (Sotāpanna), Thánh Nhất lai (Sakadāgāmī), Thánh Bất lai (Anāgāmī) và cuối cùng là Thánh A la hán (Arahat) và vì vậy đã trở thành Đức Phật Chánh đẳng giác với trí tuệ vô song. Ngài đã đạt được Phật quả, trong canh cuối của đêm trăng tròn tháng Vesākha.
Những vị Đại đệ tử của Đức Phật bao gồm ngài Xá Lợi Phất – bậc đệ nhất trí tuệ và ngài Mục Kiền Liên – bậc đệ nhất về thần thông. Cả hai vị đã phát triển tuệ giác trong thời gian một a tăng kỳ kiếp và một trăm ngàn đại kiếp. Trong kiếp cuối của mình, ngài Xá Lợi Phất đã đạt quả vị Thánh Dự lưu sau khi ngài đã nghe Pháp do Đại đức Assaji thuyết giảng. Khi ngài Xá Lợi Phất đã giảng lại cho ngài Mục Kiền Liên Pháp mà ngài đã nghe từ Đại đức Assaji thì ngài Mục Kiền Liên cũng đã đắc quả Thánh Dự lưu. Về sau, cả hai vị đều trở thành các bậc Thánh A la hán. Các vị đại đệ tử nổi trội về những khía cạnh khác nhau, ví dụ như ngài Kassapa (Ca Diếp), ngài Ānanda (A nan), ngài Upāli và ngài Anuruddha, đều bồi bổ tuệ giác trong một trăm ngàn đại kiếp. Vào thời của Đức Phật, có nhiều người đã vun bồi tuệ giác đến mức độ có thể xuyên thấu được Tứ Thánh Đế và đạt được giác ngộ. Thời điểm ngay trước khi Đức Phật nhập diệt là thời điểm thuận lợi nhất cho việc phát triển tuệ giác. Từ thời điểm đó tới nay chưa phải quá lâu, nhưng vẫn kém thuận lợi hơn cho sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Để có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế, cần phải có các duyên tương ứng, đó là sự nghiên cứu và hiểu Pháp cũng như cách thực hành đúng. Chỉ có nhân đúng, tức là sự phát triển tuệ giác, mới có thể mang tới quả đúng.
Trước khi Đức Phật giác ngộ, mọi người đã có thể phát triển samatha đến mức độ có thần thông. Họ có thể thị hiện thần thông nhưng không tận diệt được phiền não. Khi Đức Phật đạt được sự giác ngộ tối thượng và thuyết Pháp mà Ngài đã xuyên thấu, nhiều người có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Những người trước đó đã phát triển samatha tới mức độ đắc thiền, nếu cũng phát triển vipassanā đã có thể giác ngộ Tứ Thánh Đế. Như vậy, ta thấy có hai loại thánh nhân:
- Những người chỉ phát triển tuệ giác vipassanā, gọi là thuần tuệ (sukha vipassaka)[5],
- Những người phát triển cả samatha và vipassanā, giác ngộ theo lối “tâm giải thoát”, “ceto-vimutta”[6]
Các vị thánh nhân “thuần tuệ” đạt giác ngộ mà không có các tâm thiền làm cơ sở hay cận nhân. Tâm thiền khi ấy không thể làm đối tượng của tuệ giác, bởi vì người ấy chưa đắc thiền. Quả là tâm siêu thế chứng ngộ niết bàn một cách rõ ràng cũng an trụ rất vững vàng trên đối tượng, với một định lực mạnh, tương tự như tâm đắc an chỉ định (appanā samādhi) an trụ vững vàng trên đề mục thiền. Tuy nhiên, một vị thánh nhân thuần tuệ không có sự thuần thục trong việc đắc thiền. Khi tâm được liệt kê thành tám mươi chín loại là chỉ tính đến tâm siêu thế của các bậc thánh thuần tuệ, chứ không tính đến các tâm thiền siêu thế (lokuttara jhānacitta).
Các vị thánh nhân đạt giác ngộ bằng tâm giải thoát (ceto-vimutta) đạt giác ngộ với các tầng thiền là cận nhân. Người ấy cần phải đạt được các pháp thuần thục (vasī) trong việc đắc thiền[7]. Chỉ khi ấy, tâm thiền mới trở thành cơ sở cho tuệ giác, điều này có nghĩa rằng tâm đại thiện sinh kèm với trí có thể thẩm sát và chứng ngộ bản chất thật của tâm thiền vừa mới diệt đi. Khi tuệ giác trở nên hoàn mãn tới mức độ có thể đạt được giác ngộ, tâm đạo và tâm quả sinh khởi sẽ sinh kèm với các thiền chi. Bậc thánh nhân đạt giác ngộ với các chi thiền tương ứng với các tầng thiền khác nhau, được gọi là “tâm giải thoát”(ceto-vimutta). Người ấy được giải thoát khỏi phiền não nhờ tuệ giác và sự an tịnh gắn với các tầng thiền. Khi tính thêm tâm thiền siêu thế của các bậc thánh ceto-vimutta, sẽ có một trăm hai mươi mốt loại tâm.
[1] ñāta có nghĩa “cái đã được biết, trí đã đạt” và pariññā có nghĩa là “hiểu biết trọn vẹn, toàn tri”.
[2] tīraṇa có nghĩa là “thẩm sát, phán xét”.
[3] pahāna có nghĩa là “từ bỏ, đoạn trừ”.
[4] Giai đoạn thứ nhất của các tuệ minh sát chính.
[5] Sukha vipassanā cũng được dịch là “khô quán hành giả”.
[6] Ceto chỉ citta – tâm, nhưng ở đây có nghĩa là “định”. Vimutta có nghĩa là “được giải thoát, giải phóng”.
[7] Xem phần IV về Samatha.