Khảo cứu Pháp chân đế – CHƯƠNG 31: CÁC LOẠI THANH TỊNH

CHƯƠNG 31. CÁC LOẠI THANH TỊNH

Tuệ giác được phát triển trong tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) dần trở nên sắc bén hơn và thanh tịnh hơn theo từng tầng tuệ minh sát. Trong sự phát triển của tứ niệm xứ, có nhiều loại thanh tịnh (visuddhi) và có thể được xếp làm bảy như sau:

  • Thanh tịnh giới (sīla visuddhi) là loại thanh tịnh đầu tiên. Giới (sīla) sinh khởi cùng tứ niệm xứ hay biết các đặc tính của danh và sắc gọi là thanh tịnh giới. Ở khoảnh khắc ấy có sự thanh lọc vô minh về các đặc tính của pháp chân đế, cái vốn là vô ngã. Khi tứ niệm xứ chưa sinh khởi, ta vẫn cho giới (Sīla) là ta và vì vậy, giới (sīla) không phải là giới thanh tịnh (sīla visuddhi).
  • Thanh tịnh tâm (citta visuddhi) là loại thanh tịnh thứ hai. Thực chất, đó là những mức độ khác nhau của định sinh khởi khi chánh niệm hay biết các đặc tính của danh và sắc. Hoặc khi tâm thiền là đối tượng của tứ niệm xứ, khi đó, tâm thiền chính là tâm thanh tịnh (citta visuddhi). Ở khoảnh khắc đó, ta không coi tâm thiền là ta.
  • Thanh tịnh kiến (diṭṭhi visuddhi) là loại thanh tịnh thứ ba. Đó là giai đoạn của tuệ phân biệt danh sắc, tuệ giác thấy được rõ ràng các đặc tính của danh và sắc. Ở khoảnh khắc ấy ta không coi bất cứ thực tại nào, kể cả tuệ giác là ta. Khi ấy có kiến thanh tịnh (diṭṭhi visuddhi) bởi vì trước đó chưa bao giờ có được sự chứng ngộ đặc tính vô ngã của danh và sắc rõ ràng đến như vậy.
  • Thanh tịnh do vượt hoài nghi (kaṅkhāvitaraṇa visuddhi)[1] là thanh tịnh thứ tư. Khi thanh tịnh kiến đã sinh khởi, tuệ giác được phát triển qua tứ niệm xứ thấy được thực tại như chúng là[2]. Trí tuệ thấy các thực tại như chúng là, còn chánh niệm thì hay biết các đặc tính của thực tại khi chúng sinh khởi qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn. Bằng cách ấy, tuệ giác được sung mãn tới mức độ tầng tuệ minh sát thứ hai có thể sinh khởi. Tầng tuệ này gọi là tuệ phân biệt duyên của danh và sắc (paccaya-pariggahañāṇa). Khi đã liễu ngộ trực tiếp các thực tại sinh khởi bởi các duyên riêng của chúng, hoài nghi về duyên khởi được loại bỏ. Khi ấy có thanh tịnh do vượt hoài nghi.
  • Thanh tịnh do thấu hiểu và thấy rõ đạo và phi đạo (maggāmagga-ñāṇa-dassana-visuddhi)[3] là thanh tịnh thứ năm. Khi thanh tịnh do vượt hoài nghi đã sinh khởi, tuệ giác đã trở nên hoàn mãn hơn nhờ tứ niệm xứ hay biết các đặc tính của danh và sắc. Trí tuệ trở nên quen thuộc hơn với các đặc tính của chúng và biết chúng một cách rõ ràng hơn. Trí tuệ nhận ra rằng các thực tại đều bình đẳng theo nghĩa chúng chỉ là các pháp hữu vi và vì vậy có thêm trạng thái quân bình đối với chúng. Điều ấy có nghĩa rằng sẽ có thêm sự buông bỏ, bớt xu hướng dính mắc vào một loại danh hay sắc cụ thể. Trí tuệ sẽ hướng tới việc thẩm sát sự sinh và diệt của danh và sắc xuất hiện, thẩm sát đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của chúng. Nhờ thế, trí tuệ có thể chứng ngộ được sự sinh diệt liên tiếp của các pháp ở tuệ thấu đạt (sammāsana ñāṇa). Sau giai đoạn này, có thể có sự sinh khởi của tuệ giác thứ tư, tuệ giác thấy sự sinh diệt của danh và sắc (uddayabbaya ñāṇa). Đây là trí tuệ chuẩn xác hơn về sự sinh và diệt của từng loại danh và và từng loại sắc ở mỗi thời điểm.

Một người sơ cơ trong tuệ minh sát có thể có “tùy phiền não” (vipassanūpakkilesa). Sau khi tầng tuệ thứ tư đã diệt đi, phiền não có thể sinh khởi. Vì các phiền não này chưa được tận diệt, chúng có thể tạo duyên cho sự sinh khởi cho một hay nhiều tùy phiền não (xem thêm Thanh Tịnh Đạo, chương XX, 105 – 109). Có mười loại tùy phiền não sinh khởi dựa trên các yếu tố như sau:

  • Hào quang (obhāsa)
  • Tuệ minh sát (vipassanā ñāṇa)
  • Phỉ (pīti)
  • An tịnh (passaddhi)
  • Lạc (sukha)
  • Quyết tín (adhimokkha)
  • Tinh cần (paggāha)
  • Niệm (upaṭṭhāna)
  • Xả (upekkhā)
  • Dục cầu (nikanti)

Tùy phiền não thứ nhất, cái sinh khởi do bởi hào quang, có thể sinh khởi khi tầng tuệ thứ tư, tuệ thấy được sự sinh và diệt của danh và sắc, đã diệt đi. Tâm khi ấy có thể an tịnh tới mức có thể làm duyên cho sự sinh khởi của hào quang[4]. Khi sự dính mắc vào điều này sinh khởi, nó trở thành một tùy phiền não. Tùy phiền não này sẽ tạo nên sự gián đoạn trong lộ trình phát triển tuệ giác. Ta sẽ không thẩm sát sự sinh diệt của thực tại nữa, cũng không quán xét các đặc tính khổ, vô thường và vô ngã nữa.

Tùy phiền não thứ hai là dính mắc vào tuệ giác thấy rõ các đặc tính của danh và sắc khi chúng sinh diệt chớp nhoáng. Ta dính mắc vào tuệ giác sắc bén và sinh khởi như một tia chớp. Do tùy phiền não này, ta không tiếp tục thẩm sát sự sinh diệt của thực tại và phát triển hiểu biết về Tam tướng.

Tùy phiền não thứ ba là dính mắc với phỉ, thỏa mãn với trí tuệ trực nhận sự sinh diệt của các pháp.

Tùy phiền não thứ tư là dính mắc với an tịnh do không còn trạo cử, nặng nề, cứng nhắc, vẹo vọ hay thiếu nhu nhuyến.

Tùy phiền não thứ năm là dính mắc vào cảm giác hỷ lạc mạnh mẽ sinh khởi do tuệ giác.

Tùy phiền não thứ sáu là dính mắc vào tính quả quyết, bền bỉ và tín tâm mạnh mẽ sinh khởi do tuệ giác.

Tùy phiền não thứ bảy là dính mắc vào tính tinh cần vừa độ, không thừa không thiếu, sinh khởi do tuệ giác.

Tùy phiền não thứ tám là dính mắc vào chánh niệm chắc chắn và sự vững vàng sinh khởi do tuệ giác.

Tùy phiền não thứ chín là dính mắc vào trạng thái xả và quân bình với tất cả các pháp hữu vi, sinh khởi do tuệ giác. Ta có thể dính mắc khi tuệ giác rất sắc bén và nhanh như tia chớp khi liễu ngộ sự sinh diệt của các đối tượng đang xuất hiện.

Tùy phiền não thứ mười sinh khởi khi một người hoan hỷ vui thú trong tuệ giác trực nhận các đặc tính của danh và sắc như chúng là.

Khi trí tuệ đã trở nên sắc bén hơn, nó nhận ra được sự phức hợp và vi tế của các tùy phiền não và nó biết rằng các tùy phiền não ấy cần phải được tận diệt. Trí tuệ nhận ra rằng chừng nào tùy phiền não ấy còn sinh khởi thì Chánh Đạo chưa được phát triển dẫn tới sự tận diệt kể cả những dính mắc vi tế nhất với các thực tại. Đây chính là thanh tịnh do thấu hiểu và thấy rõ đâu là đạo và đâu là phi đạo (maggāmagga-ñāṇadassana-visuddhi). Khi ấy có thể có tuệ giác thứ tư, tuệ sinh diệt, người phát triển tuệ giác giờ đây không còn dính mắc vào các tùy phiền não nữa[5].

  • Thanh tịnh do liễu tri đạo là thanh tịnh thứ sáu (paṭipadā-ñāṇadassana-visuddhi). Khi các tùy phiền não đã được vượt qua, trí tuệ có thể trở nên hoàn mãn hơn với sự phát triển tiếp tục của tứ niệm xứ và khi ấy có thanh tịnh do liễu tri đạo. Khi người phát triển tuệ giác không còn bị ngăn trở bởi tùy phiền não nữa, khi ấy có sự thanh tịnh của tầng tuệ thứ tư, tuệ liễu ngộ sự sinh diệt của các thực tại và nó sẽ tiếp tục cho đến tuệ thuận thứ (anuloma ñāṇa). Tuệ thuận thứ là ba sát na tâm sinh khởi trong đạo lộ, bao gồm tâm chuẩn bị (parikamma), tâm cận định (upacāra) và tâm thuận thứ (anuloma).

Thanh tịnh do liễu tri (thấu hiểu và thấy rõ) (ñāṇadassana visuddhi) là thanh tịnh thứ bảy. Khi ba sát na của tuệ thuận thứ đã diệt đi, tuệ chuyển tánh sinh khởi. Nó có đặc tính là hướng tới tâm siêu thế và vì vậy không thuộc vào loại thanh tịnh thứ sáu – thanh tịnh do liễu tri đạo, cũng không vào loại thanh tịnh thứ bảy – thanh tịnh do liễu tri; nó nằm giữa hai loại thanh tịnh này, tuy nhiên, nó vẫn được coi là một loại tuệ minh sát vì nó nằm trên lộ trình của minh sát tuệ. Khi tâm chuyển tánh đã diệt đi, tâm đạo sinh khởi và khi ấy có thanh tịnh do liễu tri. Như vậy, tổng cộng có bảy loại thanh tịnh.



[1]Kaṅkhā có nghĩa là “hoài nghi” và vitaraṇa có nghĩa là “vượt qua”.

[2] Có trí và kiến đúng với sự thật, tiếng Pāli là: yathābhūta ñāṇa dassana. Yathābhūta có nghĩa là “như nó là”, ñāṇa có nghĩa là “tuệ giác, trí” và dassana có nghĩa là “thấy, kiến”.

[3] Tham khảo Thanh Tịnh Đạo (Chương XXII). Amagga là “phi đạo”, tiền tố “a” có nghĩa phủ định.

[4] Ánh sáng phát ra từ cơ thể, Thanh Tịnh Đạo (Chương XXII, 107, chú thích 34). Thanh Tịnh Đạo nói rằng tùy phiền não này thường sinh khởi nơi người phát triển cả samatha và vipassanā.

[5]Thanh Tịnh Đạo có giải thích tại sao tuệ thấy sự sinh diệt của thực tại cần phải được lặp lại. Người phát triển tuệ giác không thể nhận thấy tam tướng một cách rõ ràng chừng não vẫn còn bị che chắn bởi các tùy phiền não này. Khi các tùy phiền não đã được vượt qua, người ấy cần phải tiếp tục phát triển trí tuệ về sự sinh và diệt của thực tại để có thể chứng ngộ được tam tướng một cách rõ ràng hơn nữa.

Comments are closed.

Translate »