CHƯƠNG 30. CÁC TẦNG TUỆ MINH SÁT
Trước khi có thể đạt được giác ngộ, cần phải có các tâm đại thiện hợp trí (mahā-kusala citta ñāna-sampayutta) suy xét và thẩm sát các đặc tính của tất cả các danh và sắc, lần này qua lần khác, kiếp này qua kiếp khác. Nhờ đó, hiểu biết về thực tại có thể lớn mạnh. Khi trí tuệ (paññā) đã trở nên sắc bén và viên mãn hơn, các tâm đại thiện hợp trí ở mức độ minh sát tuệ (vipassanā ñāṇa) có thể sinh khởi. Trí tuệ minh sát là loại trí tuệ có thể chứng ngộ một cách rõ ràng các đặc tính của danh và sắc qua ý môn, tương ứng với tuần tự của các tầng tuệ. Có nhiều tầng tuệ cần được liễu tri trước khi có thể đạt giác ngộ.
Tuệ phân biệt danh và sắc (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa)[1] là tầng tuệ minh sát thứ nhất.
Tâm đại thiện hợp trí sinh khởi và phân biệt một cách rõ ràng sự khác biệt của các đặc tính của danh và các đặc tính của sắc khi chúng xuất hiện từng cái một. Các đối tượng tạo nên “thế gian” xuất hiện và không có tự ngã nào trong đó. Ở khoảnh khắc ấy, không có nhớ tưởng sai lầm về ngã, cái vẫn thường nhớ hay nhận thức các thực tại theo hình khối, tạo nên một thế giới. Khi ấy bắt đầu có nhớ tưởng đúng đắn về các thực tại đang xuất hiện, rằng chúng là vô ngã. Satipaṭṭhāna hay tứ niệm xứ cần phải tiếp tục hay biết tất cả các loại danh và sắc, ngoài những thực tại đã được biết ở khoảnh khắc của tuệ minh sát (vipassanā ñāṇa). Khi có chánh niệm về các thực tại, trí tuệ cần suy xét đi suy xét lại tưởng vô ngã đã được xuyên thấu ở khoảnh khắc của tuệ minh sát ấy, nếu không, nhớ tưởng sai lầm về ngã đã được tích lũy từ vô thủy sẽ không thể nào được tận diệt.
Tuệ phân biệt duyên của danh và sắc (paccaya-pariggaha-ñāṇa)[2], là tầng tuệ minh sát thứ hai.
Khi khoảnh khắc của tuệ minh sát đã diệt đi, thế gian lại xuất hiện như trước, nghĩa là như một khối. Người phát triển satipaṭṭhāna biết một cách rõ ràng sự khác biệt giữa khoảnh khắc của tuệ minh sát và khoảnh khắc không phải tuệ minh sát. Khi tuệ minh sát đã diệt đi, vô minh và hoài nghi về các thực tại lại có thể sinh khởi trở lại, bởi những phiền não ấy chưa được tận diệt hoàn toàn. Khi giai đoạn thứ nhất của tuệ minh sát đã được chứng ngộ, sẽ có trí hiểu biết trọn vẹn về những gì đã hiểu, ñāta pariññā[3](trí đạt toàn tri hay thắng tri). Trí tuệ (paññā) chứng ngộ như chúng là đặc tính của các thực tại xuất hiện ở các khoảnh khắc của tuệ minh sát. Khi ấy không có vô minh và hoài nghi về các đặc tính của thực tại đó. Tầng tuệ thứ nhất chỉ là giai đoạn khởi đầu đưa đến các tầng tuệ sau, nơi các đặc tính của danh và sắc được xuyên thấu một cách kỹ lưỡng hơn nữa.
Khi tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) tiếp tục hay biết các thực tại xuất hiện và thẩm sát các đặc tính của chúng, sẽ có thêm hiểu biết về các duyên khiến chúng sinh khởi. Khi chỉ một đối tượng xuất hiện đơn lẻ, trí tuệ có thể nhận ra rằng danh (thực tại kinh nghiệm đối tượng) sinh khởi do duyên, rằng nó được tạo duyên bởi đối tượng ấy. Nếu không có đối tượng xuất hiện, danh không thể sinh khởi. Như vậy, bất cứ khi nào có danh thì phải có đối tượng được kinh nghiệm bởi danh. Khi một đối tượng xuất hiện đơn lẻ, tuệ giác có thể hiểu được rằng các pháp sinh khởi đều phụ thuộc vào duyên. Bằng cách ấy, trí tuệ có thể thấy một cách rõ ràng hơn đặc tính vô ngã của tất cả các pháp và vì vậy, dần dần sẽ bớt đi sự dính mắc với xu hướng cho các đối tượng là tự ngã. Khi các chi của Bát Chánh Đạo, các tâm sở thuộc hành uẩn, (saṅkhārakkandha) đã được phát triển đến mức độ cao, chúng có thể tạo duyên cho sự sinh khởi của tuệ minh sát thứ hai. Đó là tuệ phân biệt duyên (paccaya-pariggahañāṇa), tuệ giác trực nhận sự phụ thuộc vào duyên của danh và sắc ở khoảnh khắc chúng sinh khởi. Tức là, có chánh niệm và trí tuệ trực nhận sự sinh khởi của các thực tại như là cái nghe, âm thanh, thọ hỷ, thọ ưu hay suy nghĩ. Tất cả các pháp này đều sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng, được trực nhận từng pháp một, một cách rõ ràng và tách biệt với nhau. Trí tuệ sẽ hiểu rằng không có tự ngã nào đằng sau chúng.
Tuệ minh sát (vipassanā ñāṇa) biết một cách rõ ràng đặc tính của các thực tại xuất hiện một cách tự nhiên và hiểu biết ấy được diễn ra trong ý môn. Tuệ minh sát hiểu được đặc tính của những đối tượng khác nhau, thấy một cách rõ ràng sự khác nhau giữa chúng và nhận ra rằng chúng là vô ngã. Khi tuệ minh sát đã diệt đi, thế gian lại xuất hiện như thường lệ, như một khối.
Tuệ thấu đạt (sammāsana ñāṇa)[4], là tầng tuệ minh sát thứ ba.
Đây là tuệ giác chứng ngộ rõ ràng sự sinh diệt một cách nhanh chóng của danh và sắc. Chừng nào tuệ minh sát này chưa sinh khởi, ta biết rằng danh (nāma) và sắc (rūpa) sinh và diệt rất nhanh, nhưng sự tiếp nối nhanh chóng của các danh và sắc sinh và diệt vẫn chưa xuất hiện. Ở tầng tuệ thứ nhất và thứ hai, trí tuệ có thể xuyên thấu các đặc tính của từng danh và sắc một cách tách rời, nhưng vẫn chưa giác ngộ được sự sinh diệt tiếp nối nhanh chóng của chúng.
Tuệ thứ nhất, thứ hai và thứ ba chỉ là những giai đoạn sơ khởi, được gọi là tuệ minh sát yếu (taruṇa vipassanā). Chúng chưa phải là tuệ lực (balava[5] vipassanā), tức là khi tuệ minh sát đã trở nên mạnh mẽ ở giai đoạn về sau. Ở giai đoạn của tuệ minh sát yếu, vẫn còn có suy nghĩ về các danh và sắc được kinh nghiệm trực tiếp. Tuy nhiên, mặc dầu có suy nghĩ, các pháp riêng rẽ khi ấy không bị liên kết thành một khối, thành một thế giới tổng thể như ta vẫn luôn thấy.
Do vẫn còn những suy nghĩ về danh và sắc tại ba giai đoạn đầu của tuệ minh sát, paññā khi ấy được gọi là cintā paññā (tuệ tư), “cintā” có nghĩa là tư duy, hay suy xét. Một số người có thể hiểu sai về các tầng tuệ trong đó vẫn còn suy nghĩ. Họ có thể tưởng rằng khi có sự suy xét và nhận thấy các đặc tính của danh và sắc là đã có tuệ minh sát yếu và ta đã có hiểu biết về chúng. Tuy nhiên, chừng nào tuệ minh sát còn chưa sinh khởi, ta chưa thể xuyên thấu đặc tính vô ngã của tuệ minh sát. Ta không thể hiểu rằng tuệ minh sát, cái chứng ngộ một cách rõ ràng các đặc tính của danh và sắc qua ý môn, có thể sinh khởi ở bất cứ nơi nào và có thể lấy bất cứ thực tại nào làm đối tượng. Nó sinh khởi bởi những duyên riêng của nó và nó không thể bị kiểm soát hay điều khiển.
Người ta có thể nhầm tưởng rằng khi mình có sự hay biết, suy xét và nhận ra các đặc tính của danh và sắc là mình đã hiểu rõ ràng về chúng và đã chứng được tầng tuệ minh sát thứ nhất là tuệ phân biệt danh sắc (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa). Sở dĩ người ấy có thể có hiểu lầm như vậy là bởi người ấy không biết rằng bản thân tuệ minh sát phải xuất hiện với tính chất vô ngã, giống như các loại danh khác khi chúng xuất hiện. Khi tuệ minh sát sinh khởi, các đặc tính của danh và sắc xuất hiện qua ý môn[6]. Các sắc là đối tượng của ngũ môn được kinh nghiệm qua các môn tương ứng và sau mỗi lộ trình của ngũ quan thì đối tượng được kinh nghiệm qua ý môn. Tuy nhiên, khi chưa có tuệ minh sát, lộ trình qua ý môn chưa xuất hiện; nó như thể bị che lấp bởi các đối tượng ngũ môn được kinh nghiệm trong lộ trình ngũ môn. Vào khoảnh khắc của tuệ minh sát, sắc xuất hiện một cách rất rõ ràng qua ý môn và ở khoảnh khắc đó lộ trình ý môn như thể che lấp lộ trình ngũ môn. Khi không có tuệ minh sát, tình huống là hoàn toàn ngược lại.
Một số người cho rằng khi họ suy xét về danh và sắc và biết rằng danh này được tạo duyên bởi sắc kia và sắc này được tạo duyên bởi danh kia, là tuệ minh sát thứ hai, tức là tuệ thấy nhân duyên – đã sinh khởi rồi. Tuy nhiên, chừng nào tuệ minh sát thứ nhất, tức là tuệ phân biệt danh sắc, chưa sinh khởi, các tầng tuệ sau vẫn chưa thể sinh khởi. Khi tầng thứ nhất của tuệ minh sát đã sinh khởi, ta sẽ không nhầm tưởng rằng đã có tuệ minh sát trong khi thực chất là chưa có. Một khi minh sát tuệ đã xuất hiện, ta hiểu tính chất của nó là vô ngã, ta hiểu thực chất là nó đã sinh khởi bởi các duyên riêng của nó. Ta biết rằng các chi của Bát Chánh Đạo đã được phát triển đến mức độ khiến tuệ giác đó có thể xuất hiện. Tuệ minh sát chỉ có thể sinh khởi khi các duyên cần thiết của nó đã được vun bồi, đó chính là tứ niệm xứ nghiên cứu, thẩm xét và ghi nhận các đặc tính của danh và sắc khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, lặp đi lặp lại, để trí tuệ có thể trở nên ngày càng sắc bén.
Một người thậm chí chưa biết sự khác biệt giữa các đặc tính của danh và các đặc tính của sắc có thể tưởng lầm rằng mình đã đạt được tầng tuệ thứ ba, tuệ thấu đạt (sammāsana ñāṇa). Người ấy có thể cho rằng mình có thể kinh nghiệm được sự sinh và diệt của các danh, danh này sau danh khác và rằng đó chính là tuệ minh sát thứ ba. Tuy nhiên, nếu một người chưa phát triển tứ niệm xứ, chưa chánh niệm về các đặc tính của của các loại danh khác nhau xuất hiện, người ấy không thể trực nhận rằng danh chỉ là một thực tại kinh nghiệm. Người ấy có thể tưởng rằng mình đang kinh nghiệm sự sinh diệt của danh, nhưng thực chất chưa biết danh là gì. Người ấy vẫn nhầm lẫn giữa danh và sắc. Người ấy chưa biết rằng danh hoàn toàn khác với sắc.
Một người thiếu kiên nhẫn mong muốn tuệ minh sát sớm sinh khởi, người ấy sẽ cố gắng làm một cái gì đó thay cho việc hay biết các đặc tính của danh và sắc xuất hiện một cách tự nhiên và sinh khởi bởi những duyên riêng của nó. Không thể vội vàng trong việc phát triển trí tuệ. Trí tuệ chỉ có thể lớn mạnh từ từ và không thể có nhân duyên nào cho sự phát triển của nó ngoài sự phát triển tứ niệm xứ trong cuộc sống hàng ngày. Nếu ai đấy cố làm một cái gì đó, người ấy sẽ đi con đường sai, mà nhân sai thì không thể mang đến kết quả đúng. Nếu ai đấy hy vọng có kết quả nhanh chóng trong sự thực hành của mình, đó chính là con đường sai (phi đạo); người ấy không hiểu rằng con đường đúng (chánh đạo) là gì. Tâm tham căn sinh kèm với tà kiến thúc đẩy sự phát triển của phi đạo và nó sẽ dẫn tới phi giải thoát[7], không phải là sự giải thoát chân chánh, cái là sự đoạn diệt phiền não.
Tuệ sinh diệt (udayabbaya ñāṇa)[8] là tầng tuệ minh sát thứ tư.
Tuệ minh sát của giai đoạn thứ ba đã chứng ngộ được sự sinh và diệt liên tiếp của danh và sắc. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, tuệ giác vẫn chưa đủ sắc bén để thấy được hiểm họa và sự bất lợi của sinh và diệt tới mức có thể buông bỏ chúng. Sự sinh khởi nhanh chóng của một pháp mới ngay sau sự diệt đi của pháp cũ che lấp hiểm họa của sự sinh diệt. Trí tuệ cần phải trở nên sắc bén hơn để có thể đắc được các tầng tuệ sau. Ở tầng tuệ thứ tư, tuệ giác có thể xuyên thấu một cách rõ ràng hơn sự sinh và diệt của mỗi loại danh và mỗi loại sắc riêng biệt. Ta không nên cố gắng làm một cái gì đó đặc biệt mà chỉ tiếp tục suy xét các đặc tính của danh và sắc. Ta cần kiên trì bền bỉ trong việc phát triển tuệ giác.
Tất cả các loại danh và sắc đều có thể là đối tượng của hiểu biết, cho dù chúng là thiện pháp hay bất thiện pháp, cho dù chúng ở mức độ nào của thiện pháp hay bất thiện pháp, hay chúng xuất hiện qua căn môn nào. Giai đoạn thứ tư của tuệ minh sát biết rõ ràng hơn, chính xác hơn sự sinh diệt của mỗi loại danh và sắc khi chúng xuất hiện từng cái một. Tuệ giác này có thể sinh khởi khi hiểu biết trọn vẹn về thẩm sát (tīraṇa pariññā) đã viên mãn[9] (toàn tri thẩm sát hay tuệ tri). Hiểu biết trọn vẹn về thẩm sát là loại trí tuệ suy xét và hiểu một cách rõ ràng đặc tính của các loại danh và sắc khi chúng xuất hiện qua sáu căn. Chừng nào hiểu biết ấy chưa viên mãn, sẽ không có duyên cho sự sinh khởi của tuệ sinh diệt (udayabbaya ñāṇa).
Người phát triển con đường Chánh đạo biết rằng niết bàn, thực tại tận diệt phiền não, không thể được chứng ngộ khi hiểu biết về các thực tại hữu vi chưa được phát triển một cách trọn vẹn. Trước hết, cần phát triển trí tuệ hiểu biết một cách rõ ràng các đặc tính của danh và sắc khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Sẽ không thể chứng ngộ niết bàn nếu trí tuệ chưa xuyên thấu một cách thấu đáo và chuẩn xác các đặc tính của danh và sắc xuất hiện qua sáu môn.
Các đặc tính của danh và sắc xuất hiện qua mỗi giác quan là hoàn toàn khác nhau. Nếu trí tuệ vẫn chưa hiểu một cách chi tiết sự khác biệt giữa các đặc tính khác nhau của danh và sắc khi chúng xuất hiện qua sáu cửa giác quan, sự sinh và diệt của danh và sắc sẽ không thể được chứng ngộ. Khi ấy, vô minh, hoài nghi và tà kiến về các thực tại không thể nào được tận diệt.
Tuệ diệt (bhanga ñāṇa)[10] là tầng tuệ minh sát thứ năm.
Mặc dầu tuệ minh sát thứ tư đã chứng ngộ một cách rõ ràng sự sinh diệt của từng đặc tính một của danh và sắc, dính mắc vào chúng vẫn còn rất ngoan cố. Sự dính mắc vào tất cả các thực tại đã được tích lũy từ vô thủy trong vòng sinh tử luân hồi. Vô minh và dính mắc vào các khái niệm về ngã giống như rễ cây bám chắc rất khó nhổ đi. Trí tuệ cần được phát triển thấu đáo hơn nữa thông qua tứ niệm xứ. Cần phải có chánh niệm và trí tuệ thẩm sát nhiều lần về sự sinh diệt của danh và sắc đã được chứng ngộ ở tầng tuệ thứ tư. Trí tuệ cần phải suy xét một cách kỹ lưỡng hơn sự diệt đi của các danh và sắc đang xuất hiện. Khi ấy có thể thấy rằng các pháp diệt đi không thể là nơi nương tựa. Thông qua sự phát triển của tứ niệm xứ, trí tuệ sẽ trở nên sắc bén hơn và trọn vẹn hơn, để rồi có đủ duyên cho sự sinh khởi của tầng thứ năm của tuệ minh sát, gọi là tuệ diệt (bhanga ñāṇa). Tầng tuệ này nhận rõ danh và sắc sinh và diệt không thể là nơi nương tựa, chúng không mang tới sự an toàn. Khi ấy, có sự khởi đầu của pariññā (toàn tri) thứ ba, tức là hiểu biết trọn vẹn về đoạn trừ (pahāna pariññā – toàn tri đoạn trừ hay liễu tri). Toàn tri này có thể dẫn đến các tầng tuệ giác cao hơn nữa, đến mức độ trí tuệ bắt đầu xả ly khỏi sự dính mắc vào ý niệm về ngã, con người hay chúng sinh.
Tuệ úy (bhaya ñāṇa) là tuệ minh sát thứ sáu.
Khi tuệ diệt đã diệt đi, người phát triển minh sát nhận ra rằng phiền não vẫn còn rất mạnh, rằng vẫn còn duyên cho chúng sinh khởi tùy theo mức độ mà chúng đã được tích lũy. Người ấy suy xét kỹ lưỡng các đặc tính của sự diệt đi của danh và sắc, nhưng dính mắc vào ý niệm về ngã vẫn còn được tích lũy kiên cố. Loại dính mắc này có thể được tận diệt nhờ thấy được hiểm họa và tính chất bất toại nguyện của sự diệt đi của danh và sắc. Trí tuệ vẫn phải tiếp tục suy xét về danh và sắc và nhờ đó thấy được rõ hơn hiểm họa và bất lợi của sự diệt đi của các thực tại. Khi tuệ giác đã trở nên trọn vẹn hơn, sẽ có đủ duyên cho sự sinh khởi của tầng tuệ thứ sáu, được gọi là tuệ úy (bhaya ñāṇa). Tuệ giác này thấy được hiểm họa của danh và sắc ở khoảnh khắc thấy rõ sự sinh và diệt của danh và sắc.
Tuệ thấy hiểm họa của ngũ uẩn (ādīnava ñāṇa) là tầng tuệ minh sát thứ bảy.
Tuệ úy (bhaya ñāṇa) thấy được bất lợi của sự sinh và diệt của danh và sắc, tuy nhiên, khi tuệ giác này đã diệt đi, sự dính mắc vào ý niệm về ngã vẫn có thể sinh khởi, nó vẫn chưa được tận diệt hoàn toàn. Người phát triển tứ niệm xứ hiểu rằng mối hiểm họa và bất lợi của danh và sắc sinh và diệt cần phải được liễu tri một cách sâu sắc hơn nữa và dưới nhiều khía cạnh hơn nữa. Bằng cách ấy, xu hướng cho danh và sắc là ta có thể suy giảm. Khi chánh niệm hay biết đặc tính của thực tại sinh và diệt, trí tuệ trở nên sắc bén hơn và thấy một cách rõ ràng hơn tính bất lợi của sự sinh và diệt của danh và sắc. Trí tuệ trở nên trọn vẹn đến mức độ có thể tạo duyên cho sự sinh khởi của tuệ thấy hiểm họa của ngũ uẩn (ādīnava ñāṇa). Khi tuệ giác này sinh khởi, nó sẽ thấy rõ ràng hiểm họa và bất lợi của danh và sắc sinh và diệt.
Tuệ chán nản (nibbidā ñāṇa) là tầng tuệ minh sát thứ tám.
Khi mối hiểm họa của tất cả các thực tại hữu vi đã được liễu ngộ, chúng dường như là một tòa nhà đang bén lửa. Sự dính mắc vào cuộc sống trở nên suy giảm khi ta thấy rõ sự vô ích của danh và sắc đang xuất hiện. Khi ấy sẽ có tuệ chán nản (nibbidā ñāṇa)
Tuệ muốn giải thoát (muccitukamyatā ñāṇa)[11] là tầng tuệ minh sát thứ chín.
Khi tuệ giác thấy được rõ ràng hơn sự vô ích của danh và sắc đang xuất hiện, nó trở nên thờ ơ với chúng, trí tuệ sẽ muốn được giải thoát khỏi danh sắc sinh và diệt. Trí tuệ muốn được giải thoát đó gọi là tuệ muốn giải thoát (muccitukamyatā ñāṇa).
Tuệ suy đạt (paṭisaṅkhā ñāṇa)[12] là tầng tuệ minh sát thứ mười.
Khi tuệ giác sinh khởi muốn giải thoát khỏi danh và sắc và mong muốn ấy trở nên mạnh mẽ hơn nữa, tuệ giác sẽ hướng đến việc suy xét đi suy xét lại nhiều lần ba đặc tính chung (tam tướng) của các thực tại hữu vi, đó là: vô thường, khổ và vô ngã. Khi trí tuệ thấy rõ ràng các đặc tính vô thường (aniccā) của tất cả thực tại hữu vi sinh và diệt, nó hiểu được rằng chúng không mang tới an toàn, rất tạm bợ, mong manh, luôn thay đổi, không ổn định và không thể nương náu. Khi trí tuệ thấy rõ ràng đặc tính khổ (dukkha) của tất cả các thực tại hữu vi sinh và diệt, nó sẽ thấy chúng luôn o ép, như một sự đe dọa mà không cách nào trốn chạy, như một căn bệnh trầm kha, như một mối nguy hiểm, như một thứ bất khả ái và không đáng bám víu vào. Khi trí tuệ thấy rõ ràng các đặc tính vô ngã của tất cả các thực tại sinh và diệt, nó thấy rằng chúng là rỗng không, trống rỗng, một cái gì đó không thể sở hữu, không thể kiểm soát. Tuệ giác thấy được cả ba đặc tính của tất cả các thực tại hữu vi (saṅkhāra dhamma) đó gọi là tuệ suy đạt (paṭisaṅkhā ñāṇa).
Tuệ xả hành (saṅkhārupekkhā ñāṇa), là tầng tuệ minh sát thứ mười một.
Khi trí tuệ chứng ngộ một cách rõ ràng ba đặc tính của các pháp hữu vi trở nên hoàn mãn hơn, sẽ bớt có xu hướng cho các thực tại hữu vi là thường, lạc và ngã. Như vậy, sẽ có thêm sự xả ly đối với các pháp hữu vi. Người phát triển vipassanā biết rằng chừng nào niết bàn vẫn chưa xuất hiện và do vậy, trí tuệ vẫn chưa xuyên thấu được đặc tính của niết bàn, người ấy vẫn còn phải tiếp tục suy xét bất kỳ đặc tính nào của tam tướng xuất hiện. Tuệ giác dẫn đến tâm xả đối với các pháp hữu vi sinh và diệt được gọi là tuệ xả hành (saṅkhārupekkhā ñāṇa). Tuệ giác này chính là minh sát tuệ dẫn tới sự chứng ngộ tối thượng; nó dẫn tới sự vượt lên[13]. Đó là trí tuệ tạo duyên cho một người rời bỏ trạng thái của phàm phu và điều này xảy ra khi tâm đạo (magga-citta) sinh khởi.
Tuệ thuận thứ (anuloma ñāṇa) là tầng tuệ minh sát thứ mười hai.
Tuệ thuận thứ, là tuệ minh sát sinh khởi trong lộ trình đạt giác ngộ, tức là đạo lộ (magga-vīthi). Loại tuệ giác này tương hợp với tuệ tri rõ ràng về Tứ Thánh Đế[14]. Tuệ thuận thứ là ba khoảnh khắc của tâm đại thiện hợp trí sinh khởi trong đạo lộ. Chúng bao gồm: tâm chuẩn bị (parikamma), cận định (upacāra) và thuận thứ (anuloma). Cả ba tâm này đều có đối tượng là một trong ba đặc tính của tam tướng[15]. Chúng liễu tri pháp hữu vi xuất hiện ở khoảnh khắc đó hoặc là vô thường, khổ hay vô ngã. Tuệ thuận thứ này thuận với sự buông bỏ các đối tượng là pháp hữu vi.
Đối với người tuệ bén (tikkha puggala) là người có trí tuệ sắc bén và có thể chứng ngộ được Tứ Thánh Đế nhanh chóng, sẽ chỉ có hai sát na tuệ thuận thứ, bởi vì người ấy không cần đến chuẩn bị tâm (parikamma).
Tuệ chuyển tánh (gotrabhū ñāṇa) là tầng tuệ minh sát thứ mười ba.
Tuệ giác này tiếp nối tuệ thuận thứ, bao gồm ba sát na tâm đối với người chứng ngộ Tứ Thánh Đế chậm hơn người bén tuệ[16], hay hai sát na tâm đối với người bén tuệ. Tuệ chuyển tánh này chính là tâm đại thiện hợp trí có niết bàn làm đối tượng. Nó là tập hành duyên (asevana-paccaya)[17] cho tâm đạo tiếp theo của bậc Dự lưu (Tu đà hoàn), là tâm thiện siêu thế (lokuttara kusala citta). Tâm đạo có niết bàn làm đối tượng và tận diệt phiền não.
Trong lộ trình tâm, thường thì cả bảy tốc hành tâm (javana-citta) có cùng một đối tượng, nhưng trong trường hợp của tâm đạo (magga-citta) thì lại khác. Các tâm chuẩn bị (parikamma), cận định (upacāra) và thuận thứ (anuloma) sẽ có đối tượng là một trong ba đặc tính của thực tại. Các tâm tiếp theo trong lộ trình ấy là tâm chuyển tánh (gotrabhū), tâm đạo (magga-citta) và các sát na của tâm quả (phala-citta) (hai hoặc ba sát na) có niết bàn làm đối tượng. Tâm chuyển tánh là tâm đại thiện lần đầu tiên kinh nghiệm niết bàn; nó như thể “hướng tới” tâm đạo Dự lưu, tâm tiếp nối ngay sau tâm chuyển tánh và có niết bàn làm đối tượng. Thanh Tịnh Đạo (chương XXII, 11, ấn bản năm 1975 B.P.S) có nói rằng tâm này chỉ có thể chứng ngộ niết bàn nhưng không tận diệt được phiền não, nên nó được gọi với tên “hướng tới Đạo”. Chúng ta đọc như sau:
Mặc dầu nó không hướng tới (āvajjana)[18] nhưng nó lại đảm nhiệm vị trí của hướng tới, vì vậy, nó như thể ra dấu hiệu để đạo xuất hiện, rồi nó diệt đi.
Tâm đạo tiếp nối tâm chuyển tánh có thể tận diệt phiền não trong khi kinh nghiệm niết bàn.
Cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Quyển I, Phần 7, Ch.1, Đạo Thứ Nhất, §232 – 233) và Thanh Tịnh Đạo (Chương XXII, 8 – 10) sử dụng một ẩn dụ cho tuệ thuận thứ và tuệ chuyển tánh. Một người đi ngắm trăng vào ban đêm, mặt trăng vẫn chưa xuất hiện bởi vì nó bị che lấp bởi các đám mây. Rồi một ngọn gió đã thổi bay những đám mây dày, một ngọn gió khác thổi bay đám mây vừa và ngọn gió khác thổi bay đám mây mỏng. Khi ấy, người đó có thể thấy được mặt trăng không bị che lấp bởi đám mây nữa. Niết bàn cũng giống như mặt trăng. Ba khoảnh khắc của tuệ thuận thứ giống như ba ngọn gió, tuệ chuyển tánh (gotrabhū ñāṇa) giống như người đàn ông thấy được mặt trăng rõ ràng trong bầu trời, hoàn toàn không bị che lấp bởi mây nữa.
Cũng giống như ba ngọn gió chỉ có thể xua tan được mây che mặt trăng mà không thấy được mặt trăng, cũng như vậy, ba khoảnh khắc của tuệ thuận thứ chỉ có thể xua tan bóng tối che lấp Tứ Thánh Đế nhưng chúng không thể kinh nghiệm niết bàn. Cũng giống như một người chỉ có thể thấy được mặt trăng mà không thể xua tan được đám mây, tuệ chuyển tánh chỉ có thể kinh nghiệm được niết bàn mà không xua tan được phiền não.
Tuệ đạo (magga ñāṇa) là tầng tuệ minh sát thứ mười bốn.
Khi tuệ chuyển tánh đã diệt đi, nó được tiếp nối bởi tâm đạo Dự lưu và tâm này vượt qua trạng thái của phàm phu và đạt tới trạng thái của bậc Thánh nhân (Ariyan). Tâm này tận diệt phiền não tương ứng với giai đoạn giác ngộ đạt được.
Tuệ quả (phala ñāṇa) là tầng tuệ minh sát thứ mười lăm.
Khi tâm đạo của một vị Dự lưu đã diệt đi, nó tạo duyên cho sự sinh khởi của tâm tiếp theo, đó là tâm quả (phala-citta). Tâm quả cũng là tâm quả siêu thế (lokuttara vipākacitta) được tiếp nối ngay sau tâm đạo (magga-citta) không gián đoạn. Tâm thiện siêu thế là nghiệp duyên cho tâm quả tiếp nối không chậm trễ, không cần có các tâm khác giữa chúng và vì vậy nó được gọi là không chậm trễ hay tức khắc trổ quả (akāliko)[19]. Như vậy, tâm quả siêu thế (lokuttara vipākacitta) khác với các loại tâm quả khác. Tâm quả siêu thế là hai hay ba sát na tâm sinh khởi trong đạo lộ và nối tiếp tâm đạo đảm nhận chức năng của tốc hành tâm. Như vậy, chúng đảm nhận chức năng khác với chức năng bình thường của các loại tâm quả khác.
Tuệ hồi quán (paccavekkhaṇa ñāṇa) là tầng tuệ minh sát thứ mười sáu.
Khi tâm đạo lộ đã diệt đi, chúng được tiếp nối bởi các tâm hộ kiếp (bhavanga-citta) và rồi các tâm thuộc lộ trình ý môn sinh khởi. Các tâm này hồi quán sự giác ngộ đã đạt được. Trong một lộ trình, các tâm này hồi quán tâm đạo, trong một lộ trình khác hồi quán tâm quả, trong một lộ trình khác hồi quán phiền não đã được tận diệt, trong một lộ trình khác nữa hồi quán các phiền não vẫn còn tồn tại và trong một lộ trình nữa hồi quán niết bàn.
Những người chứng A la hán đạo và A la hán quả không phải xem xét lại phiền não còn tồn tại, vì tâm đạo của vị A la hán đã tận diệt hoàn toàn phiền não.
Tóm tắt lại các tầng tuệ minh sát như sau:
- Tuệ phân biệt danh và sắc (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa)
- Tuệ phân biệt duyên (paccaya-pariggaha-ñāṇa)
- Tuệ thấu đạt (sammāsana ñāṇa)
- Tuệ thấy sinh diệt (udayabbaya ñāṇa)
- Tuệ diệt (bhanga ñāṇa)
- Tuệ úy (bhaya ñāṇa)
- Tuệ thấy hiểm họa của ngũ uẩn (ādīnava ñāṇa)
- Tuệ chán nản (nibbidā ñāṇa)
- Tuệ muốn giải thoát (mucitukamyatā ñāṇa)
10.Tuệ suy đạt (paṭisankhā ñāṇa)
11.Tuệ xả hành (saṅkhārupekkhā ñāṇa)
12.Tuệ thuận thứ (anuloma ñāṇa)
13.Tuệ chuyển tánh (gotrabhū ñāṇa)
14.Tuệ đạo (magga ñāṇa)
15.Tuệ quả (phala ñāṇa)
16.Tuệ hồi quán (paccavekkhaṇa ñāṇa)
Các tuệ minh sát ở đây được liệt kê gồm mười sáu. Tuy nhiên, trong một số Kinh điển, người ta chỉ tính là chín, tức là tính từ tầng tuệ giác chính đầu tiên (mahā-vipassanā) là tuệ thấy sinh diệt (uddayabbaya ñāṇa) và kết thúc ở tuệ thuận thứ (anuloma ñāṇa). Chín tầng tuệ minh sát này không bao gồm ba giai đoạn đầu tiên của tuệ minh sát yếu, và là tuệ lực minh sát (balava vipassanā).
Đôi khi, các tầng tuệ minh sát được tính thành mười, khi đó người ta bắt đầu tính từ tầng tuệ thứ ba của tuệ minh sát yếu, tức tuệ thấu đạt (sammāsana ñāṇa) và cũng kết thúc ở tuệ thuận thứ.
Việc trình bày các giai đoạn khác nhau của tuệ minh sát – từ tuệ giác đầu tiên cho tới tuệ thuận thứ – sinh khởi trước khi đạt được giác ngộ – chỉ ra rằng, sự phát triển tuệ giác là một lộ trình dài lâu. Rất từ từ, tuệ giác trở nên sắc bén hơn, viên mãn hơn để tuệ thuận thứ có thể sinh khởi và tương hợp với sự chứng ngộ niết bàn.
[1] Tham khảo Thanh Tịnh Đạo (Ch.18). Pariccheda xuất phát từ thuật ngữ “paricchindati”, có nghĩa là “đánh dấu, giới hạn hay làm rõ”.
[2] Tham khảo Thanh Tịnh Đạo (Ch19, Đoạn Nghi Thanh tịnh) Pariggaha xuất phát từ thuật ngữ “parigaṇhāti” có nghĩa là “thẩm xét, có được hay hiểu rõ”.
[3] Pariññā có nghĩa là “toàn tri”, hay “hiểu trọn vẹn”,. Có ba loại pariññā, sẽ được giải thích về sau.
[4] Tham khảo Thanh Tịnh Đạo (Ch 20, 6 và tiếp theo). Sammasana xuất phát từ thuật ngữ “sammasati” có nghĩa là “nắm bắt, biết rõ”.
[5] Bala có nghĩa là “lực”.
[6] Tuệ minh sát vipassanā ñāṇa sinh khởi trong tiến trình ý môn.
[7] Micchā-vimutti.
[8] Tham khảo Thanh Tịnh Đạo (Ch 21, Đạo Tri Kiến Thanh Tịnh) cho tầng tuệ này và các tầng tuệ sau, chúng là các tuệ minh sát chính (mahā-vipassanā ñāṇa). Udaya là “sinh”và baya là “diệt”.
[9] Có ba loại Pariññā (toàn tri): Hiểu biết trọn vẹn về trí đã đạt (ñāta pariññā – thắng tri), hiểu biết trọn vẹn về thẩm sát (tīraṇa pariññā – tuệ tri), và hiểu biết trọn vẹn về đoạn trừ (pahāna pariññā – liễu tri). Mỗi khi đạt tới một tầng tuệ minh sát, trí tuệ có được ở những khoảnh khắc ấy cần [tiếp tục] được áp dụng. Ba loại Pariññā (toàn tri) là các mức độ trí tuệ ứng dụng các tuệ minh sát trong việc suy xét đi suy xét lại về danh và sắc. Điều này sẽ được giải thích thêm ở phần sau.
[10] Bhanga có nghĩa là “tan biến” hoặc “vỡ vụn”.
[11] Muccati có nghĩa là “giải thoát” và kamyatā có nghĩa là “mong muốn”.
[12] Paṭisaṅkhāna có nghĩa là “suy đạt, suy xét”.
[13] Trong tiếng Pāli, nó được gọi là “vuṭṭhāna gaminī paññā”. Vuṭṭhāna có nghĩa là “lên cao, thượng” và gaminī có nghĩa là “đi”.
[14]Thanh tịnh đạo (Ch.21, 130) có nói rằng tuệ thuận thứ tương hợp (thuận thứ) với tám tuệ minh sát chính (mahā-vipassanā) và với 37 phẩm trợ đạo. Các pháp này đạt được sư hoàn mãn ở thời điểm giác ngộ. Vì vậy, tuệ thuận thứ tương hợp (thuận thứ) với các tầng tuệ thấp hơn trước đó và nó cũng tương hợp (thuận thứ) với thượng tầng, tức là sự giác ngộ.
[15] Tâm thứ ba là thuận thứ (anuloma), nhưng cả ba tâm trước chuyển tánh (gotrabhū) đều thuộc tuệ thuận thứ.
[16] Trong tiếng Pāli, người chậm được gọi là “manda puggala” và người sắc bén được gọi là “tikkha puggala”.
[17] Tâm tốc hành trước làm duyên cho tốc hành tâm sau sinh khởi gọi là tập hành duyên.
[18] Nó không đảm nhận chức năng hướng tới (āvajjana) như ngũ môn hướng tâm trong tiến trình qua ngũ môn hay ý môn hướng tâm trong tiến trình ý môn.
[19] Kāla có nghĩa là “khoảnh khắc” và tiếp đầu ngữ “a” có hàm ý phủ định. Tham khảo thêm trong Thanh Tịnh Đạo (Ch.VII,80) phần Pháp Tùy Niệm. Giáo Pháp là sandiṭṭhiko, có nghĩa là “có thể chứng ngộ ở đây và bây giờ” và akāliko, có nghĩa là “không chậm trễ, tức khắc trổ quả”.