Phần III
A . Tôi muốn biết là chúng ta chỉ thọ lãnh quả trong kiếp này, hay cũng còn có quả trong đời tương lai nữa?
B . Theo những lời Đức Phật dạy thì chúng ta thọ lãnh quả của nghiệp cả trong các đời tương lai nữa. Trong Tương Ưng Kinh chúng ta đọc thấy rằng lúc Đức Phật đang trú ngụ tại Sāvatthi (Xá vệ), Vua Pāsenadi đã đi đến gặp ngài. Một người đàn ông giàu có nhưng sống chẳng khác gì một người hà tiện vừa mới qua đời. Ông nhà giàu này đã làm được cả nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu và do đó ông thọ lãnh cả quả thiện lẫn quả bất thiện trong những kiếp sống khác nhau. Trong một tiền kiếp ông đã đặt bát cúng dường cho một vị Phật Độc Giác, nhưng sau đó ông lại sanh tâm hối tiếc việc đã làm. Do kết quả của thiện nghiệp đặt bát cúng dường Đức Phật Độc Giác ông được tái sinh bảy lần trên thiên giới, nơi đây ông thọ hưởng quả lạc. Sau những kiếp sống trên thiên giới đó ông tái sinh làm người, đây cũng là quả thiện (kusala vipāka). Ông sinh trong gia đình giàu có, nhưng tích luỹ nghiệp bủn xỉn của ông đã ngăn không cho ông thọ hưởng những điều khả lạc của cuộc đời. Bởi vì ông đã hối tiếc việc cúng dường đến Đức Phật Độc Giác, kết quả là ông không tận dụng được sự giàu sang của mình cho bản thân cũng như cho người khác.
Sau kiếp sống làm người ông chắc chắn lại phải tái sinh nữa. Ông đã phạm một nghiệp bất thiện thuộc loại nghiêm trọng và bất thiện nghiệp này sẽ đem lại quả bất thiện thuộc loại nghiêm trọng y như vậy. Ông đã giết đứa con trai độc nhất của anh mình vì muốn chiếm gia tài của họ. Nghiệp rất nặng này khiến ông phải tái sinh vào địa ngục, ở đây ông sẽ ở lại trong nhiều trăm ngàn năm (để thọ quả bất thiện). Bài kinh nêu ra cho chúng ta thấy một người có thể thọ lãnh những quả khác nhau trong những kiếp sống khác nhau như thế nào vậy.
A . Sự hiện hữu của các cõi trời và địa ngục không chỉ là chuyện thần thoại chứ?
B . Con người ta có những khuynh hướng đã tích luỹ khác nhau khiến cho họ tạo nghiệp khác nhau. Không người nào làm đúng y như cách của người khác làm cả. Mỗi hành động sẽ làm đem lại kết quả của nó, hoặc trong đời này hoặc trong những kiếp sống sau đó. Được tái sinh vào một cõi trời nào đó hoặc vào cõi người là kết quả của nghiệp thiện, trong khi tái sinh vào cõi khổ là kết quả của nghiệp bất thiện. Cõi trời và cõi địa ngục là những từ qui ước được dùng để giải thích những thực tại. Ở đây chúng giải thích tính chất của quả (vipāka) vốn do nghiệp tạo ra. Vì lẽ cả nghiệp bất thiện lẫn nghiệp thiện đều có những cấp độ (nặng, nhẹ) khác nhau, nên quả bất thiện và quả thiện cũng có những mức độ khác nhau vậy.
Những danh từ được gán cho những cõi trời khác nhau và những cõi khổ khác nhau chẳng qua là để chỉ ra mức độ khác nhau của quả bất thiện và quả thiện mà thôi. Chư thiên (Devas) có nghĩa là những “chúng sinh có ánh sáng”, là một tên đặt cho những người tái sinh nơi những cõi trời. Trong Kinh Anuruddha (Anậulâuđà), Trung Bộ III, Tôn giả Anuruddha có nói về những mức độ thiện xảo khác nhau trong thiền đem lại những kết quả tương ứng của chúng. Một vị Tỳ Khưu không đắc thiền sẽ sinh làm một vị Chư Thiên “với ánh sáng mờ nhạt”. Những vị đắc thiền, tuỳ theo mức độ thiền chứng mà sinh làm Phạm Thiên có ánh sáng lớn hơn. Có những vị Chư Thiên và Phạm Thiên khác nhau do ở mức độ ánh sáng khác nhau.
A . Tôi thấy thật khó tin là có những vị Chư Thiên và những cảnh giới khác nhau như vậy.
B . Lúc này bạn chưa thấy được các vị chư thiên và các cảnh giới khác nhau. Song bác bỏ những gì bạn chưa thể thấy như vậy có hợp lý không? Nếu một người có sự hiểu biết đúng về các tâm của sát na hiện tại, họ sẽ hiểu rõ hơn về quá khứ và về tương lai.
Tâm tái sinh có thể phát sinh nơi bất kỳ cảnh giới nào. Khi những điều kiện thích đáng có mặt, một nghiệp tốt hay một nghiệp xấu đã tích luỹ có thể cho ra một quả, quả ấy sẽ tạo ra tâm tái sinh trong cảnh giới tương ứng.
A . Quả đầu tiên trong đời này là gì?
B . Ngay sát na đầu tiên của kiếp này buộc phải có một tâm (citta), không có một tâm ấy chúng ta không thể có cuộc sống. Một thây chết không có tâm, nó không còn sống. Vậy thì loại tâm nào sẽ là tâm đầu tiên? Liệu đó là một tâm bất thiện hay một tâm thiện, tức một loại tâm có thể cho ra một quả? Hay đó sẽ là một loại tâm khác, chẳng hạn một tâm không phải nhân mà là quả, một vipāka citta?
A . Tôi nghĩ đó phải là một tâm quả (vipāka citta). Sinh ra đời là một kết quả; chẳng ai yêu cầu chúng ta sinh ra cả. Tại sao người ta sinh ra với những nhân cách khác nhau và với những hoàn cảnh khác nhau như vậy? Có phải cha mẹ là nhân duy nhất của tái sinh và là nhân duy nhất của nhân cách đứa bé không?
B . Cha mẹ chỉ là một trong những điều kiện cho hình hài của đứa bé, chứ họ không phải là điều kiện duy nhất.
A . Còn về nhân cách của đứa bé? Phải chăng có một vài khuynh hướng trong nhân cách của đứa trẻ được thừa hưởng từ cha mẹ nó? Phải chăng điều này khoa học không chứng minh được?
B . Nhân cách của đứa bé không thể nào giải thích bằng nhân cách của cha mẹ. Anh chị em và ngay cả những cặp song sinh cũng có thể rất khác nhau về nhân cách. Một đứa bé thích học hỏi, trong khi đứa khác lười biếng; một đứa bản tính vui vẻ, đứa khác lại trầm lặng. Cha mẹ có thể có một ảnh hưởng nào đó trên nhân cách của đứa bé sau khi nó ra đời, như trong lãnh vực giáo dục, văn hoá, hay truyền thống gia đình trong đó một đứa bé được nuôi dưỡng sẽ là những điều kiện cho tâm phát sinh. Song đứa bé không thừa hưởng nhân cách của nó nơi cha mẹ. Những khác biệt về nhân cách cũng còn do sự tích luỹ các kinh nghiệm từ những kiếp sống quá khứ tạo ra.
A . Vậy cha mẹ không phải là nhân đích thực của việc sinh sao?
B . Cha mẹ chỉ một trong những điều kiện cho sự sinh; nghiệp (kamma) mới là nhân đích thực của sinh. Một nghiệp đã làm trong quá khứ sẽ đem lại quả của nó khi đúng thời: nó có thể tạo ra tâm quả vốn là tâm tục sinh. Trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt(Cula kamma vibhaṅgasuttaṃ) chúng ta đọc thấy rằng, lúc Đức Phật đang ngụ tại một nơi gần Sāvatthi trong khu rừng Jeta, thì Subha, một thanh niên Bàlamôn đi đến gặp ngài và hỏi.
“Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa con người với nhau, trong khi cũng là hình tướng con người, lại có người thấp kém và người ưu việt? Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; có người xấu xí, có người xinh đẹp; người có ảnh hưởng nhỏ, người có ảnh hưởng lớn; người nghèo khổ, người giàu sang; người thuộc gia đình thấp hèn, người thuộc gia đình cao quý; người trí tuệ yếu kém, người trí tuệ đầy đủ. Thưa Tôn giả Gotama, gì là nhân, gì là duyên, giữa con người với nhau, trong khi họ cùng là hình tướng con người lại có người thấp hèn và người ưu việt?”
“Này thanh niên Bàlamôn, các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nơi nương tựa. Chính nghiệp phân chia các chúng sinh, đó là người thấp hèn và người ưu việt.”
A . Sự tái sinh trong cõi người có phải là đầu thai không?
B . Nếu như có đầu thai, thì một linh hồn hay “bản ngã” sẽ tiếp tục hiện hữu và nó chỉ mang một thân khác trong kiếp kế mà thôi. Tuy nhiên, hoàn toàn không có linh hồn hay “cái ngã” nào cả. Chỉ có những tâm nối tiếp nhau từ sinh đến tử; từ đời này đến đời sau. Tâm trước hoàn toàn diệt khi tâm sau sinh. Mỗi sát na chỉ có một tâm, không có tâm nào kéo dài hơn thế cả.
Các tâm sinh lên và diệt hoàn toàn, và liên tục nối tiếp nhau như thế. Chết là một từ có tính cách quy ước để chỉ sự chấm dứt thọ mạng của một người trong một cảnh giới sinh tồn nào đó, chứ thực ra ở mỗi sát na trong đời đều có sinh và tử, khi một tâm sinh lên rồi diệt. Không có tâm nào ta có thể nhận là linh hồn hay “tự ngã” được. Do vì không có linh hồn hay “tự ngã” trong đời này, thời làm thế nào có thể có linh hồn hay “tự ngã” tái sinh đời sau! Tâm cuối cùng của đời này là tâm tử. Tâm tử sinh lên rồi diệt, và nó được kế tục liền bởi tâm tái sinh (kiết sinh thức) của đời sau. Tâm tái sinh do tâm trước, tử tâm, làm duyên, nhưng không đồng một tâm.
A . Tôi có thể nhận ra những khuynh hướng trong nhân cách của con người dường như y vậy suốt cả cuộc đời họ. Hơn nữa, có sự tái sinh trong đời sau. Do đó chắc chắn phải có tính tương tục trong cuộc sống. Tuy nhiên, tôi vẫn không hiểu tính tương tục ấy là như thế nào nếu mỗi tâm hoàn toàn diệt trước khi tâm kế tiếp sinh.
B . C ó tính tương tục bởi vì mỗi tâm làm duyên cho tâm kế và như vậy những khuynh hướng đã tích luỹ có thể được mang theo từ sát na này đến sát na kế. Tất cả những tích luỹ của các kiếp quá khứ và của kiếp hiện tại sẽ làm duyên hay tạo điều kiện cho những kiếp tương lai.
Khi có người hỏi Đức Phật liệu có phải cùng con người ấy đi tái sinh hay người khác, Đức Phật trả lời rằng không phải cùng một người, cũng không phải người khác. Không có người nào cứ tiếp tục như vậy, ngay cả trong đời này, vì không có “cái ngã”. Ngược lại, cũng không phải người nào khác tái sinh, vì có sự tương tục. Những kiếp sống trước làm duyên cho kiếp này, và kiếp này cũng làm duyên cho những kiếp sau.
A Quả (vipāka) cuối cùng của kiếp này là gì?
B . Tâm tử (cuti-citta) là quả cuối cùng của kiếp hiện tại này.
Bởi lẽ có nhiều nghiệp vẫn chưa cho quả nên một trong những nghiệp ấy sẽ tạo ra tâm tái sinh sau khi chết. Bao lâu còn có nghiệp thời sẽ còn có quả, cứ tiếp diễn mãi mãi không ngừng. Có những kiếp sống tương lai, để cho những quả của nghiệp được thọ lãnh.
Khi tâm tử diệt, một nghiệp quá khứ hay nghiệp hiện tại liền tạo ra một tâm quả: tâm tái sinh của kiếp kế. Khi tâm tử đã diệt hoàn toàn, tâm tái sinh tiếp nối theo nó liền, và như vậy những gì đã được tích luỹ từ kiếp quá khứ sẽ được mang theo vào kiếp kế.
A . Cái gì tạo ra tâm tái sinh của kiếp kế?
B . Mọi người ai cũng đã từng tạo nghiệp bất thiện và nghiệp thiện. Mỗi nghiệp sẽ đem lại kết quả của nó. Do đó, tâm quả vipākacitta cũng là tâm tái sinh chỉ có thể là kết quả của một nghiệp, hoặc thiện hoặc bất thiện mà thôi.
A . Sinh vào cõi người có phải là kết quả của thiện nghiệp không?
B . Sinh vào cõi người luôn luôn là kết quả của thiện nghiệp. Quả bất thiện xuất hiện sau đó trong cuộc sống là kết quả của nghiệp khác với nghiệp thiện đã tạo ra tâm tái sinh. Sau khi sinh vào cõi người, có thể có nhiều sát na quả bất thiện mỗi lần người ta kinh nghiệm một đối tượng khó chịu qua một trong năm căn. Những sát na ấy là kết quả của những nghiệp bất thiện khác họ đã làm trong quá khứ.
Nếu tâm tái sinh là quả bất thiện, người ta không thể tái sinh như một con người được. Sự tái sinh phải xảy ra ở một trong những cảnh giới khác, chẳng hạn “súc sinh giới” hoặc một trong những khổ cảnh như địa ngục hay ngạ quỷ.
A . Một người có thể tái sinh làm thú không?
B . Có những người cư xử giống như loài súc sinh, làm thế nào họ có thể tái sinh như con người được? Mọi người sẽ thọ nhận quả của nghiệp mình làm một cách tương xứng.
A . Phải chăng do nghiệp của một người mà họ được tái sinh trong hoàn cảnh thuận lợi, chẳng hạn trong hoàng tộc hay trong gia đình hào phú?
B . Đúng vậy, đây là do một nghiệp thiện đã làm trong quá khứ.
A . Tôi thấy rằng ngay cả những người được sinh trong cùng hoàn cảnh, chẳng hạn trong những gia đình giàu có, cũng rất khác nhau. Có số người giàu thì quảng đại, số khác lại bủn xỉn. Làm thế nào để giải thích điều này?
B . Sở dĩ người ta khác nhau vì mỗi người có những sở thích và khuynh hướng đã tích lũykhác nhau khiến cho họ cư xử theo những cách khác nhau. Chúng ta đọc trong bài kinh đã trích dẫn ở trên về người đàn ông sinh trong gia đình giàu có, nhưng không thể hưởng được những điều khả lạc của cuộc đời vì tính bủn xỉn đã tích luỹ của ông ta. Mặc dù ông có cơ hội để chia sẻ với người khác số tài sản lớn của mình song ông lại không muốn làm điều này. Trong khi có những người khi được may mắn, họ biết nắm bắt cơ hội để chia sẻ những gì mình có với người khác. Chính những khuynh hướng mà người ta đã tích luỹ khác nhau này tạo điều kiện cho họ làm những nghiệp bất thiện để sẽ đem lại những quả bất thiện, hoặc tạo điều kiện cho họ làm điều thiện để sẽ mang lại những kết quả khả lạc. Con người có những thái độ khác nhau đối với quả (vipāka). Thái độ mà họ cư xử đối với quả (vipāka) quan trọng hơn tự thân quả, vì chính thái độ này sẽ làm duyên hay tạo điều kiện cho cuộc đời họ trong tương lai.
A . Liệu quả thiện (kusala vipāka) có thể là một trợ duyên cho hạnh phúc không?
B . Những điều được xem là khả lạc đối với năm căn hay năm giác quan không thể bảo đảm hạnh phúc đích thực và trường cửu. Người giàu có được mọi điều vừa lòng đối với năm căn có thể vẫn sống không hạnh phúc. Chẳng hạn, khi người ta ngồi trong một khu vườn xinh đẹp, đầy kỳ hoa dị thảo và chim muông ca hót, họ có thể vẫn cảm thấy chán chường. Vào sát na người ta buồn chán ấy các tâm của họ là tâm bất thiện, thực ra người ta không phải lúc nào cũng vui vẻ với những điều khả ái chung quanh. Không hạnh phúc và hạnh phúc tuỳ thuộc vào những tích luỹ của họ về bất thiện nghiệp và thiện nghiệp.
Nếu bạn cảm thấy không hạnh phúc thì đó là do những phiền não của bạn. Cảm giác khó chịu ấy được tạo điều kiện bởi sự dính mắc, chấp thủ. Nếu không được những gì mình muốn, bạn cảm thấy khổ. Nếu hoàn toàn không dính mắc vào gì cả, ắt hẳn bạn sẽ không đau khổ. Bạn có thể sống hoàn toàn hạnh phúc nếu bạn tịnh hoá được mọi phiền não.
Trong Tăng Chi Kinh (Aṅguttara Nikāya) chúng ta đọc thấy rằng khi Đức Phật trú ngụ tại Alavi, thì Hatthaka đang đi bộ hành đến đó, thấy đức Phật ngồi trên đất có trải lá, ông hỏi Đức Phật:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống có an lạc không?”
“Có, này chàng trai, ta sống được An lạc. Ta là một trong những người sống An lạc nhất ở đời.”
“Nhưng, bạch Đức Thế Tôn, những đêm mùa đông rất lạnh, kỳ trăng non của tháng là thời kỳ tuyết rơi. Cứng thay là đất bị trâu bò dẫm đạp, mỏng manh là nệm làm bằng lá, lưa thưa là những tàn lá cây, lạnh là tấm y casa và lạnh là những làn gió thổi.”
Thế Tôn nói như sau: “Dẫu vậy, này chàng trai, ta sống được an lạc. Trong số những người sống an lạc ở đời, ta là một.”
Sau đó Đức Phật lưu ý rằng một người đàn ông dù có nhà cao, cửa rộng, trải thảm len với lông dài, có giường nằm tốt, với bốn người vợ đẹp, vẫn còn có tham, sân, và si. Những phiền não sẽ khiến cho “thân và tâm nhiệt não”, những phiền não sẽ khiến cho khổ đau. Còn Đức Phật đã hoàn toàn đoạn tận mọi phiền não, và như vậy dù có quả bất thiện hay quả thiện cũng không quan trọng đối với ngài. Ngài có thể sống hoàn toàn an lạc bất kể hoàn cảnh có là như thế nào.
A . Chúng ta có thể tịnh hoá bản thân như thế nào để có được thái độ đúng đắn đối với quả?
B . Chúng ta chỉ có thể tịnh hoá bản thân khi chúng ta biết được nhân sanh của phiền não. Nhân sanh của phiền não là vô minh. Do vô minh chúng ta tin mình có một “cái ngã”, chúng ta chấp vào “cái ngã” này. Vô minh làm duyên cho tham ái và sân hận, nó gây ra mọi bất hạnh trong đời. Chỉ có trí tuệ mới diệt được vô minh. Trong thiền minh sát (vipassanā) trí tuệ được phát triển để loại trừ dần ngã kiến. Chỉ khi tà kiến (tin có một cái ngã thường hằng) này bị trừ diệt hoàn toàn, mọi phiền não mới dứt trừ dần theo từng giai đoạn.
Bậc Alahán, bậc đã đạt đến giai đoạn cuối cùng của sự giác ngộ, đã đoạn tận mọi phiền não. Ngài không còn tham, sân, si nữa. Vì không còn phiền não nên ngài hoàn toàn an lạc. Sau khi ngài nhập diệt sẽ không còn quả nào cho ngài trong tương lai, và như vậy đối với ngài sẽ không còn phải tái sinh lại nữa.
Trong Trung Bộ Kinh III, kinh nói về: “Phân tích các Giới” hay “Giới phân biệt”, chúng ta đọc thấy chuyện Đức Phật dạy Pháp (dhamma) cho Pukkusāti khi hai người đang trú qua đêm trong nhà người thợ gốm. Đức Phật dạy cho ông về các hiện tượng vật lý (sắc pháp), các hiện tượng tâm lý (danh pháp) và cách tu tập tâm dẫn đến quả vị Alahán. Bậc Alahán không chấp thủ cuộc sống. Để mô tả trạng thái của bậc Alahán, Đức Phật đã dùng ví dụ cây đèn dầu cháy nhờ vào tim và dầu nhưng nó sẽ tắt nếu dầu cạn, tim lụn. Điều này cũng giống như những điều kiện cho sự tái sinh. Bao lâu còn có những phiền não thời còn có nhiên liệu cho sự tái sinh. Khi phiền não đã được đoạn tận thời nhiên liệu cho sự tái sinh cũng không còn nữa. Bài kinh tiếp tục mô tả trí tuệ cao tột của những bậc đã đạt đến sự giác ngộ là “trí đoạn tận khổ”.
Trí hay trí tuệ được phát triển trong minh sát (vipassanā) dẫn đến Niết-bàn và chấm dứt mọi khổ ưu.
Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông