Chương 8 – Đức Tăng
Đức Tăng là ngôi thứ ba trong “Tam Bảo”. Khi người Phật tử quy y Đức Tăng, họ nói “Sanghaṃ saraṇaṃ gacchāmi”, có nghĩa là “Con xin quy y Tăng”. Từ “sangha” nghĩa đen là “tập hợp” hay “cộng đồng”. Đó là từ chỉ chung cho tăng đoàn các vị sư. Tuy nhiên, từ “sangha” trong nghĩa ngôi thứ ba của Tam Bảo thì có ý nghĩa khác. Ngôi Tam Bảo thứ ba, Tăng (Sangha) mà chúng ta quy y, là cộng đồng của các vị thánh tăng – bậc đã giác ngộ (Ariya Sangha). “Ariya” hay “Thánh nhân” là danh từ để chỉ những người đã đạt một trong bốn tầng giác ngộ, cho dù họ là chư tăng, chư ni, cư sĩ độc thân hay có gia đình. Trong kinh chúng ta đọc thấy có vô số cư sĩ nam, cư sĩ nữ, độc thân hay có gia đình cũng đạt được giác ngộ (1)
Để có thể hiểu giác ngộ là gì, trước hết cần hiểu hơn về sự tích lũy phiền não. Tất cả mọi loại phiền não đều do duyên khởi; chúng được tạo duyên bởi nghiệp bất thiện trong quá khứ. Tâm bất thiện (akusala citta) sinh khởi bây giờ tạo duyên cho tâm bất thiện lại sinh khởi trong tương lai. Mỗi tâm đều sinh và diệt hoàn toàn và vì vậy ta có thể phân vân làm thế nào phiền não được tích lũy. Mỗi một tâm diệt đi lại tạo duyên cho tâm tiếp theo và cứ tiếp tục như vậy. Vì cuộc đời là một chuỗi liên tiếp các tâm nối tiếp nhau, tiến trình tích lũy tiếp diễn trong chuỗi các tâm này, từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, từ kiếp sống này đến kiếp sống khác. Đó là lý do vì sao có nhân duyên hiện tại cho mọi loại phiền não; chúng có thể sinh khởi bất kỳ lúc nào, khi có đủ duyên.
Phiền não được tích lũy và bám rễ rất sâu dày, và chúng chỉ có thể bị tận diệt theo từng giai đoạn, tại từng giai đoạn khác nhau của sự giác ngộ. Các dính mắc ngủ ngầm vào tà kiến về ngã cần phải được loại bỏ trước tiên. Thông qua phát triển Vipassanā hay hiểu biết đúng về các thực tại, ý niệm về ngã có thể được tận diệt nhờ hiểu thấu về cái mà chúng ta vẫn cho là ta. Cái mà chúng ta gọi là “thân của tôi” chỉ là các hiện tượng sắc sinh diệt và nằm ngoài sự kiểm soát. Chúng ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (Tập III, Thiên uẩn, Năm mươi kinh ở giữa I, § 59, Năm vị) rằng Đức Phật đã nói với năm vị đệ tử đầu tiên tại Vườn nai tại Varanasi như sau:
“Sắc, này các Tỳ kheo, là vô ngã. Này các Tỳ kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể nói được các sắc như sau: “Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”
Cũng tương tự như vậy với danh. Cái mà ta coi là “tâm của tôi” chỉ là các danh sinh diệt và nằm ngoài sự kiểm soát. Không ai có thể điều khiển chúng. Tà kiến về ngã mà ta đã tích lũy qua vô lượng kiếp chỉ có thể bị tận diệt một cách rất chậm chạp. Trí tuệ sẽ trở nên sâu sắc hơn khi đạt được các tầng tuệ giác trong quá trình phát triển Vipassanā. Khi đạt được tầng giác ngộ đầu tiên và niết bàn được kinh nghiệm lần thứ nhất, tà kiến về ngã sẽ bị tận diệt hoàn toàn và sẽ không còn có hoài nghi về danh và sắc nữa.
Giai đoạn giác ngộ đầu tiên được gọi là giai đoạn “dự lưu”, tiếng Pāli gọi là “Sotāpanna”. Chúng ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (Tập III, Thiên uẩn, Chương XXV, Tương ưng nhập, § 1, Con mắt) rằng Đức Phật đã nói với các tỳ kheo:
“Này các Tỳ kheo, mắt là vô thường, biến hoại, đổi khác. Tai là vô thường, biến hoại, đổi khác. Mũi là vô thường, biến hoại, đổi khác. Lưỡi là vô thường, biến hoại, đổi khác. Thân là vô thường, biến hoại, đổi khác. Ý là vô thường, biến hoại, đổi khác…
Với ai, này các Tỳ kheo, đối với những pháp này, biết rõ như vậy, thấy như vậy, vị ấy được gọi là đã chứng Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc hướng đến giác ngộ”
Vị Sotāpanna, hay Thánh Dự lưu, chắc chắn sẽ đạt đến giai đoạn giác ngộ cuối cùng, hay bậc A la hán. Tại giai đoạn giác ngộ đầu tiên, giai đoạn của Thánh Dự lưu, niết bàn được kinh nghiệm và phiền não được diệt trừ, nhưng không toàn bộ. Vẫn còn có tham, sân và si. Vị thánh Tu Đà Hoàn biết rằng vẫn còn duyên cho tâm bất thiện sinh khởi, nhưng vị ấy không coi đó là ta. Mặc dù vị ấy vẫn còn có phiền não nhưng vị ấy không bao giờ phạm năm giới, giữ giới là bản chất tự nhiên của vị ấy. Vị ấy không thể tạo nên nghiệp nào có thể dẫn đến tái sinh trong bốn đường ác đạo; vị ấy đã “không còn thối đọa” như chúng ta đã đọc trong bài kinh được trích dẫn ở trên. Những người không phải là thánh nhân thì không thể đảm bảo rằng họ sẽ không tái sinh vào cõi khổ, kể cả khi vị ấy đã làm nhiều nghiệp thiện trong kiếp sống này. Chúng ta có thể đã tạo nên nghiệp ác trong một kiếp quá khứ và điều ấy có thể dẫn đến tái sinh trong cõi khổ. Chỉ có thánh nhân mới chắc chắn sẽ không còn sinh ra ở cõi khổ.
Một vị Thánh Dự lưu có niềm tin bất thối vào “Tam bảo”: vào Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng. Vị ấy không còn chút hoài nghi về Thánh đạo mà Đức Phật đã dạy; vị ấy không thể nhầm lẫn về cách thực hành đúng của Vipassanā. Chúng ta sẽ vẫn còn bị lầm lẫn về cách thực hành đúng chừng nào còn dính mắc vào ý niệm về ngã, khi muốn tạo nên sự sinh khởi của chánh niệm hay khi dính mắc vào kết quả mà mình mong đạt được. Ngược lại, vị Thánh Dự lưu thì luôn vững chãi trên Thánh đạo để đạt đến giai đoạn giác ngộ cuối cùng, giai đoạn của bậc A la hán.
Trong kinh điển, Niết bàn được mô tả là sự chấm dứt tham, sân và si, chấm dứt khổ – dukkha, chấm dứt tái sinh, và là sự bất tử. Khi đọc điều này, chúng ta có thể nghĩ rằng đạt được giác ngộ và kinh nghiệm niết bàn chỉ thuộc về bậc A la hán – người đã đạt được giai đoạn giác ngộ cuối cùng và sẽ không còn tái sinh sau khi tịch diệt. Tuy nhiên, tại mỗi một giai đoạn trong bốn giai đoạn giác ngộ, niết bàn được kinh nghiệm và một số phiền não được tận diệt, cho đến khi chúng được tận diệt hoàn toàn tại giai đoạn giác ngộ cuối cùng. Những vị thánh chưa đạt được giai đoạn của bậc A la hán thì vẫn còn phiền não và họ vẫn còn duyên để tái sinh, nhưng họ chắc chắn sẽ đạt được tận diệt phiền não và tận diệt vòng luân hồi sinh tử.
Vị Thánh Tu đà hoàn (Dự lưu) đã kinh nghiệm được Niết bàn. Thật khó để hiểu và định nghĩa Niết bàn là gì. Niết bàn là pháp vô vi, nó không sinh và diệt. Tất cả các thực tại mà ta kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày đều do duyên sinh khởi rồi diệt đi ngay lập tức. Cái gì sinh và diệt đều là dukkha – khổ hay bất toại nguyện. Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, khổ và vô ngã. Vì Niết bàn không sinh và diệt, vì vậy nó không vô thường và không khổ – dukkha. Niết bàn không phải là một người hay tự ngã, nó là vô ngã. Vì vậy, mọi thực tại, bao gồm cả Niết bàn, đều vô ngã. Khi Trí tuệ (paññā) được phát triển đến mức độ các thực tại hữu vi đều được hiểu rõ như chúng là, là vô thường, khổ và vô ngã, sẽ có thể có sự giác ngộ và kinh nghiệm Niết bàn. Niết bàn là đối tượng của tâm siêu thế (lokuttara citta), như chúng ta đã đọc ở Chương 7. Tâm siêu thế kinh nghiệm Niết bàn sinh rồi diệt ngay lập tức, chúng là vô thường. Sau khi chúng diệt đi, các loại tâm khác không phải là tâm siêu thế vẫn sinh khởi. Chừng nào chưa tận diệt được mọi phiền não, các tâm bất thiện chắc chắn vẫn lại sinh khởi. Sự thực rằng vị Tu đà hoàn đã đạt được giác ngộ không có nghĩa là vị ấy không thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày của mình. Vị Tu đà hoàn có thể sống với chồng hay vợ và có một cuộc sống gia đình. Các vị thánh chưa đạt được giai đoạn giác ngộ thứ ba, giai đoạn của vị “bất lai”, vẫn còn có dính mắc vào các đối tượng của ngũ dục. Còn một vị A la hán thì không còn bất kỳ mong muốn nào cho cuộc sống của người tại gia.
Vị Thánh Tu đà hoàn không còn chấp bất kỳ danh hay sắc nào là ta nữa, nhưng vẫn còn tham, sân và si; vị ấy vẫn còn ngã mạn. Vì vậy, vị ấy vẫn cần tiếp tục phát triển Vipassanā. Chúng ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (Tập III – Thiên uẩn, Chương I – Tương ưng Uẩn, C – Năm mươi kinh sau, Phẩm II, § 122, Thuyết pháp) rằng Ngài Mahā-Kotthika đã hỏi Ngài Sāriputta đối tượng của chánh niệm nên là gì đối với các vị tỳ kheo giới hạnh – người chưa đạt được bất kỳ giai đoạn giác ngộ nào, hay đối với vị Tu đà hoàn, hay với những vị đã đạt được giai đoạn tiếp theo của sự giác ngộ. Ngài Sāriputta đã nói rằng, đối tượng của trí tuệ là “ngũ ẩn thủ”, tức là tất cả danh và sắc ở trong và xung quanh chúng ta. Ngài Sāriputta nói:
“Này Hiền giả Kotthika, Tỳ kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã… Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỳ kheo giữ giới do như tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả Dự lưu”
“Với Tỳ kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sāriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý?”
“Với Tỳ kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ kheo Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả Nhứt lai”
“Nhưng Tỳ kheo Nhứt lai, này Hiền giả Sāriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?”
“Tỳ kheo Nhứt lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ kheo Nhứt lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả Bất lai”
“Nhưng Tỳ kheo Bất lai, này Hiền giả Sāriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?”
“Tỳ kheo Bất lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ kheo Bất lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường… vô ngã, có thể chứng được quả A-la-hán”
“Nhưng vị A-la-hán, này Hiền giả Sāriputta, cần phải như lý tác ý các pháp gì?”
“Vị A-la-hán, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.
Với vị A-la-hán, này Hiền giả, không có gì phải làm nữa, hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm. Nhưng sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác”
Vị thánh tăng ở giai đoạn giác ngộ thứ hai – vị Thánh Nhất Lai (Thánh Sakadāgāmī) chưa tận diệt tất cả tham và sân, nhưng tham và sân đã được giảm bớt. Vị ấy vẫn còn vô minh – cái chỉ được hoàn toàn tận diệt ở bậc A la hán. Vị thánh ở giai đoạn giác ngộ thứ ba, vị Thánh Bất Lai (Thánh Anāgāmī) đã tận diệt được hoàn toàn sân và vị ấy cũng tận diệt được tham ngũ dục, nhưng vẫn chưa tận diệt được mọi loại tham khác, vị ấy vẫn còn tham tái sinh và vẫn còn ngã mạn.
Những vị thánh chưa phải là A la hán vẫn có thể còn có ngã mạn, mặc dù họ không còn có tà kiến về ngã. Họ vẫn dễ cảm thấy tự hào khi so sánh mình với người khác. Khi một người nghĩ về mình tốt hơn, bằng hay kém hơn người khác thì vẫn còn có ngã mạn, ngay cả khi điều đó là sự thực. Tại sao chúng ta lại so sánh mình với người khác? Trong phẩm Maka (Tương ưng bộ kinh III, Thiên uẩn, Năm mươi kinh ở giữa, Phần 4 – Phẩm trưởng lão, VII. Khemaka) chúng ta đọc rằng Tỳ kheo Khemaka đang bị ốm ở Vườn Jujube. Một số tỳ kheo trưởng lao đang ở gần Kosambi ở Vườn Ghosita đã đề nghị Tỳ kheo Dāsaka tới thăm hỏi Tỳ kheo Khemaka. Sau khi tỳ kheo Khemaka trả lời rằng, sức khỏe của vị ấy không được cải thiện, các vị tỳ kheo trưởng lão đã nói Tỳ kheo Dāsaka đến hỏi thêm Tỳ kheo Khemaka xem liệu vị ấy vẫn còn coi cái gì là ngã không. Khi Tỳ kheo Khemaka đã nói với tỳ kheo Dāsaka rằng vị ấy không còn coi bất cứ thứ gì là ngã, các vị tỳ kheo trưởng lão đã kết luận rằng Tỳ kheo Khemaka hẳn phải là một vị A la hán. Tỳ kheo Khemaka đã trả lời Tỳ kheo Dāsaka như sau:
Thưa Hiền giả, Thế Tôn có nói đến năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn… thức thủ uẩn. Trong năm thủ uẩn này, này Hiền giả, tôi không quán cái gì là tự ngã hay ngã sở cả. Nhưng tôi không phải là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc. Và thưa Hiền giả, trong năm thủ uẩn này, dầu cho tôi vẫn còn ý niệm: “Tôi là”, nhưng tôi không còn coi cái “ tôi là” này là tôi.
Tỳ kheo Dāsaka đã quay lại gặp các vị tỳ kheo trưởng lão và thuật lại lời nói của tỳ kheo Khemaka; rồi những vị tỳ kheo trưởng lão muốn hỏi thêm:
“Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: “Tôi là”, cái mà Hiền giả nói: “Tôi là” là cái gì? Hiền giả nói: “Tôi là sắc?”; Hiền giả nói: “Tôi là khác sắc”… “là thọ… là tưởng… là các hành”…; Hiền giả nói: “Tôi là thức?”; Hiền giả nói: “Tôi là khác thức?”; Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: “Tôi là”, cái mà Hiền giả nói “Tôi là”, là cái gì?”
“Thưa vâng”. Tôn giả Dàsaka vâng đáp các Tỷ-kheo Trưởng lão, đi đến Tôn giả Khemaka…
“Thôi vừa rồi, Hiền giả Dàsaka chạy qua, chạy lại như thế này để làm gì? Hãy đem gậy lại đây! Ta sẽ đi đến các Tỳ kheo Trưởng lão!”
Rồi Tôn giả Khemaka chống gậy đi đến các Tỳ kheo Trưởng lão; sau khi đến, nói lên với các Tỳ kheo Trưởng lão những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Các Tỳ kheo Trưởng lão nói với Tôn giả Khemaka đang ngồi một bên:
“Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: “Tôi là”, cái mà Hiền giả nói: “Tôi là”, là cái gì? Hiền giả nói: “Tôi là sắc?”; Hiền giả nói: “Tôi là khác sắc”… “là thọ… là tưởng… là các hành”…; Hiền giả nói: “Tôi là thức?”; Hiền giả nói: “Tôi là khác thức?”; Này Hiền giả Khemaka, cái mà Hiền giả nói: “Tôi là”, cái mà Hiền giả nói “Tôi là”, là cái gì?”
“Thưa chư Hiền, tôi không nói: “Tôi là sắc”. Tôi không nói: “Tôi là khác sắc”… “là thọ… là tưởng… là các hành”… Tôi không nói: “Tôi là thức”. Tôi cũng không nói: “Tôi là khác thức”. Dầu rằng, này các Hiền giả, Tôi có ý niệm “Tôi là”, nhưng tôi không coi cái “tôi là” này là tôi. Ví như, này chư Hiền, hương thơm của hoa sen xanh, hay hoa sen hồng, hay hoa trắng, nếu có người nói: “Hương thuộc về lá hay thuộc về sắc, hay thuộc về nhụy hoa”, nói như vậy có nói đúng không?”
“Thưa không, này Hiền giả.”
“Vậy chư Hiền, trả lời như thế nào là trả lời một cách đúng đắn?”
“Chư Hiền, hương là của hoa. Trả lời như vậy là trả lời một cách đúng đắn.”
“Cũng vậy, này chư Hiền, tôi không nói: “Tôi là sắc”; tôi không nói: “Tôi là khác sắc”… “Tôi là thọ”… “Tôi là tưởng”… “Tôi là các hành”… Tôi không nói: “Tôi là thức”. Tôi không nói : “Tôi là khác thức”. Nhưng này chư Hiền, dầu rằng đối với năm thủ uẩn của tôi được có này, tôi không ý niệm “tôi là”, nhưng tôi không coi cái “tôi là” này là tôi”. Dầu cho đối với vị Thánh đệ tử, này chư Hiền, năm hạ phần kiết sử đã được đoạn tận, nhưng vị ấy còn nghĩ: “Ðối với năm thủ uẩn, vẫn còn dư tàn tế nhị”. Dư tàn kiêu mạn ‘Tôi là”, dư tàn dục ‘Tôi là’, dư tàn tùy miên ‘Tôi là’ chưa được vị ấy đoạn trừ. Vị ấy sau một thời gian, sống quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn: “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ… Ðây là tưởng… Ðây là các hành… Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt.
Vì rằng vị ấy sống, quán sự sanh diệt trong năm thủ uẩn này, các dư tàn ngã mạn “Tôi là”, các dư tàn ngã dục “Tôi là”, các dư tàn ngã tùy miên “Tôi là”, mà vị ấy chưa được đoạn trừ, nay đi đến đoạn tận.
Này chư Hiền, ví như một tấm vải nhớp nhúa dính bụi, những người chủ giao nó cho một người thợ giặt. Người thợ giặt sau khi nhồi nó, đập nó trong nước muối, hay trong nước tô đã, trong nước phân bò rồi giặt sạch nó trong nước trong. Dầu cho tấm vải ấy nay được sạch sẽ, trong trắng, nhưng nó vẫn còn dư tàn mùi muối hay mùi tô đã, hay mùi phân bò. Người thợ giặt giao lại tấm vải cho những người chủ. Những người chủ đem bỏ nó vào trong một cái hòm có ướp hương thơm. Như vậy, cái dư tàn mùi muối hay mùi tô đã hay mùi phân bò chưa được đoạn tận, nay được đoạn trừ…”
Chúng ta đọc tiếp:
Trong khi lời dạy này được nói lên, khoảng sáu mươi Tỳ kheo được tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, kể cả Tôn giả Khemaka.
Bậc A la hán đã tận diệt mọi phiền não và phiền não ngủ ngầm. Vị ấy không còn tái sinh sau khi kiếp sống này chấm dứt.
Làm thế nào chúng ta có biết ai là thánh nhân? Không có cách nào để biết ai là A la hán nếu chúng ta chưa giác ngộ. Không thể biết một người có phải là thánh nhân hay không chỉ qua vẻ bề ngoài của người đó. Có những người rất dễ thương và bình an nhưng chưa hẳn là thánh nhân. Tuy nhiên, chúng ta có thể quy y Tăng đoàn của các vị thánh dù rằng chúng ta không biết trực tiếp bất kỳ vị thánh nào. Chúng ta có thể nghĩ về giới hạnh của các vị thánh, cho dù họ ở cùng cõi này hay cõi khác. Các vị thánh đã chứng tỏ có một con đường đi đến chấm dứt phiền não. Chúng ta cần biết đâu là những nhân duyên để chấm dứt phiền não: đó là sự phát triển tuệ giác. Các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư si nam và cư sĩ nữ là thánh nhân trong thời kỳ Đức Phật đã chứng minh rằng những lời Đức Phật dạy có thể được chứng ngộ trong cuộc sống hàng ngày. Đức Phật không dạy những ý niệm trừu tượng, mà Ngài dạy về thực tại. Liệu những người muốn chứng ngộ chân lý có nên đi theo con đường mà các vị thánh đã đi, dù rằng con đường ấy rất dài?
Các vị thánh nhân đã hiểu rất rõ rằng, chúng ta không thể tìm kiếm sự giải thoát phiền não ở bên ngoài chúng ta. Phiền não chỉ có thể bị tận diệt ở nơi chúng sinh khởi: đó là ở bên trong chúng ta. Nếu muốn tận diệt phiền não, chúng ta cần phải đi theo con đường Bát chánh đạo – cũng là con đường “Trung đạo”. Để đi theo con đường “trung đạo”, chúng ta không cần phải thay đổi cuộc sống hàng ngày, không cần phải theo một kiểu sống đặc biệt hay những phương pháp thực hành khó khăn. Chúng ta có thể hay biết về danh và sắc trong hoạt động hàng ngày. Chúng ta sẽ kinh nghiệm rằng điều này khó hơn rất nhiều những cách thực hành của một người tu khổ hạnh. Vượt qua sự dính mắc vào tự ngã khi chúng ta thấy, nghe hay suy nghĩ còn khó hơn việc chịu đựng khó khăn trên thân. Phát triển tuệ giác là công việc cả đời người. Chúng ta cần rất nhiều dũng cảm và sự bền bỉ để có thể tiếp tục hay biết về các thực tại trong cuộc sống hàng ngày.
Khi quy y các vị Thánh Tăng là chúng ta đang bảy tỏ niềm tin vào con đường của Đức Phật, qua đó chúng ta sẽ chứng ngộ điều mà các vị Thánh tăng đã chứng ngộ. Chúng ta quy y Thánh tăng cả khi ta bày tỏ lòng tôn kính với các vị sư, cho dù họ có phải là thánh nhân hay không, bởi vì mục đích của cuộc đời vị sư là áp dụng những điều Đức Phật dạy để có thể chứng ngộ chân lý và cũng giúp người khác chứng ngộ chân lý. Như vậy các vị sư nhắc nhở chúng ta về “Tam bảo” Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng.
********
Chú thích
(1) Hãy xem thêm, ví dụ, trong “Đại kinh Vacchagotta”, Trung bộ kinh, số 73