Đạo Phật trong đời sống hàng ngày: chương 7

Chương 7 – Đức Pháp

Ngôi thứ hai trong Tam Bảo là Pháp. Khi mọi người quy y Pháp, họ nói: “Dhammāṃ saraṇaṃ gacchāmi”, có nghĩa là “Con xin quy y Pháp”.

Vậy từ “Pháp” (dhammā) có nghĩa là gì? Phần lớn mọi người nghĩ rằng “Pháp” có nghĩa là Giáo lý, nhưng từ “Pháp” có nhiều ý nghĩa. Pháp có nghĩa là tất những gì là thực, bất kể là tốt hay xấu. Chẳng hạn, pháp là cái thấy, âm thanh, sự tham lam và chân thực. Chúng ta không thể quy y tất cả các pháp; như chúng ta không thể quy y tham lam hay sân hận.

Chúng ta có thể quy y vào những việc tốt của mình không? Quả của một việc làm tốt không bao giờ mất đi, vì vậy mỗi một việc thiện đều sẽ mang lại kết quả tương ứng. Trong Tương ưng bộ kinh (I, Thiên có kệ, Chương I, Phần 8 – Phẩm Đoạn, § 5) chúng ta đọc rằng, một vị chư thiên hỏi Đức Phật làm thế nào một người có thể sống mà không phải sợ hãi tái sinh ở cõi khác. Đức Phật đã trả lời:

Hãy chánh trú lời, ý,

Thân nghiệp chớ làm ác.

Nếu an trú trong nhà,

Với tài sản dồi dào,

Hãy tín tâm (1), nhu hòa,

Chia tài sản, hòa nhã.

An trú bốn pháp này,

Không sợ hãi đời sau.

Một việc làm tốt có thể tạo ra sự tái sinh an lành như sinh vào cõi người hay cõi trời, và như vậy chúng ta không còn phải sợ hãi cuộc sống ở cõi khác. Tuy nhiên, ngay cả cõi trời cũng không phải là nơi trú ẩn trường tồn. Cuộc sống ở cõi thiên có thể rất dài nhưng không bất biến. Có thể có sự tái sinh trong cõi khổ sau kiếp sống ở cõi lành, tuỳ thuộc vào những việc làm tốt hay xấu, những nghiệp thiện (kusala kamma) hay bất thiện (akusala kamma) mà chúng ta đã tích luỹ sẽ trổ quả ra sao. Mỗi một việc làm đều mang tới kết quả riêng của nó: việc thiện mang lại kết quả dễ chịu và việc bất thiện mang lại kết quả khó chịu. Một số việc làm có thể tạo quả trong kiếp sống này, việc làm khác lại tạo quả trong kiếp tương lai. Những việc làm thiện hay bất thiện được tích luỹ có thể tạo nên việc tái sinh ở các cõi khác nhau tại những thời điểm khác nhau. Trong Tương ưng bộ kinh (I, Thiên có kệ, Chương III, Tương ưng Kosala, Phần 2, § 10, Không có con) chúng ta đọc về một người đã cúng dường cho một Đức Phật Độc giác. Nhờ phước thiện này, người ấy được sinh vào cõi thiên bảy lần và sau đó ở cõi người, cái cũng là quả thiện (kusala vipāka). Tuy nhiên, người ấy đã giết cháu trai của mình vì muốn đoạt tài sản của người anh trai. Nghiệp ác này đã khiến người ấy tái sinh vào địa ngục. Như vậy, người ấy nhận kết quả của nghiệp thiện và nghiệp bất thiện ở những thời điểm khác nhau.

Chừng nào tất cả các phiền não và phiền não ngủ ngầm chưa bị tận diệt thì vẫn còn có sự tái sinh ở các cõi khác nhau. Ngay cả những người được tái sinh ở cõi trời vẫn còn có phiền não và phiền não ngủ ngầm. Tái sinh là khổ, bất kể ở cõi nào; bởi tái sinh sẽ được tiếp nối sau đó bởi cái chết. Chúng ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (II, Thiên nhân duyên, Chương XV, Phẩm thứ nhất, § 3, Nước mắt) rằng Đức Phật, khi ngự tại Động Jeta, gần Sāvatthī đã nói với các tỳ kheo rằng:

Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỳ kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, cái gì là nhiều hơn? Dòng nước mắt tuôn chảy do các Ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các Ông phải lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này hay là nước trong bốn biển lớn?

Trong một thời gian dài, này các Tỳ kheo, các Ông chịu đựng mẹ chết, con trai chết, con gái chết, các Ông chịu đựng tai họa về Bà con, về tiền của, về bệnh tật. Cái này là nhiều hơn, là dòng nước mắt tuôn chảy do các Ông than van, khóc lóc, phải hội ngộ với những gì mình không ưa, phải biệt ly với những gì mình thích, khi các Ông phải chịu đựng tai họa của bệnh tật chớ không phải nước trong bốn biển.

Chỉ khi mọi phiền não được đoạn diệt mới không còn nguyên nhân đưa đến kiếp sống tới; đó là sự chấm dứt tái sinh, và điều đó có nghĩa là chấm dứt mọi đau khổ. Niết bàn là sự chấm dứt tái sinh vì niết bàn là sự chấm dứt phiền não (2). Vì vậy chúng ta có thể thực sự quy y niết bàn. Theo kinh điển, niết bàn bàn được gọi là “bất tử”. Chúng ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (Tập V, Thiên Đại phẩm, Quyển I, Tương ưng đạo, Phẩm I, Vô minh, §7) rằng, khi Đức Phật ngự tại Sāvatthī, một vị tỳ kheo đã nói với Ngài:

“Bất tử, bất tử”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Thế nào là bất tử, bạch Thế Tôn? Thế nào là con đường đưa đến bất tử?

“Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỳ kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử”

Niết bàn là pháp mà ta có thể quy y, niết bàn nằm trong ngôi thứ hai của Tam Bảo. Niết bàn là châu báu (Bảo) có giá trị cao nhất vì không có gì sánh với sự giải thoát khỏi mọi khổ đau, khỏi tái sinh, tuổi già và cái chết. Niết bàn là có thực. Nếu chưa đạt được giác ngộ, chúng ta chưa thể kinh nghiệm niết bàn. Nhưng nếu đi theo chánh đạo, chúng ta có thể đạt được niết bàn, ngay cả trong kiếp sống này.

Niết bàn là sự bất tử, là sự chấm dứt luân hồi sinh tử. Mọi người có thể nghĩ rằng không tái sinh nữa thật đáng tiếc. Không có nghĩa gì khi chỉ phỏng đoán về niết bàn; nếu chưa đạt được giác ngộ, chúng ta không thể tưởng tượng niết bàn như thế nào. Tại thời điểm hiện tại, chúng ta có thể kinh nghiệm các phiền não của mình; chúng ta có thể kinh nghiệm những đau khổ được tạo ra trên thế giới bởi tham, sân và si. Chúng ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (I, Thiên có kệ, Chương III, Tương ưng Kosala, Phẩm thứ ba, § 3, Thế gian) rằng, khi Đức Phật ngự tại Sāvatthī, Đức vua Pasenadi đã hỏi Ngài:

“Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú?”

“Có ba pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú. Thế nào là ba? Tham, sân và si là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú”

Có ai không muốn thoát khỏi khổ đau do bởi tham, sân và si? Những người muốn giải thoát khỏi đau khổ sẽ quy y niết bàn. Vậy đâu là con đường dẫn tới niết bàn? Không thể đạt được niết bàn chỉ nhờ việc mong muốn nó. Mọi người có thể đạt được niết bàn nhờ việc làm thiện hay không? Ngay cả khi làm những việc thiện, vẫn có thể có ý niệm về ngã. Khi làm việc thiện mà không có sự phát triển chánh kiến về các thực tại, ý niệm về ngã và các phiền não khác không thể bị đoạn diệt. Vì vậy, chỉ có việc thiện thôi mà không có chánh kiến thì không thể dẫn tới niết bàn. Chỉ có Vipassanā mới có thể dẫn tới chứng đắc niết bàn, tới đoạn diệt phiền não.

Chúng ta có thể phân vân liệu có nên làm các việc thiện khác hay không, ngoài việc phát triển Vipassanā? Không có cái ngã nào có thể lựa chọn việc làm một loại thiện nghiệp nào. Đức Phật khuyến khích chúng ta làm tất cả các việc thiện khi có cơ hội. Đôi lúc có cơ hội cho bố thí, đôi lúc cho giữ giới và lúc khác lại cho Samatha hoặc Vipassanā. Thông qua sự phát triển Vipassanā, chúng ta sẽ biết được phiền não thực sự của mình, kể cả những phiền não vi tế. Khi đó chúng ta sẽ thấy rõ hơn hiểm hoạ của phiền não và nhận ra ích lợi của sự phát triển con đường dẫn tới đoạn diệt phiền não. Nếu giữ giới hay làm các việc thiện khác với chánh niệm về danh và sắc , chúng ta sẽ biết rằng không có cái ngã nào làm việc thiện, như vậy việc làm thiện ấy sẽ trong sạch hơn. Tuy nhiên, Vipassanā không thể lập tức thay đổi tính cách của chúng ta. Rất quan trọng để phát triển hiểu biết đúng về cả thiện và bất thiện, rằng chúng chỉ là các thực tại do duyên khởi, không phải là ngã.

Phải mất nhiều kiếp sống để phát triển Vipassanā, bởi vô minh được tích luỹ sâu dày. Phần lớn thời gian chúng ta thường không hay biết về danh và sắc đang sinh khởi hiện giờ thông qua một trong năm căn hoặc thông qua ý môn. Chúng ta vẫn thường suy nghĩ về các thực tại đã diệt đi từ lâu hay về những gì có thể xuất hiện trong tương lai. Không nên mong đợi có thể học chánh niệm trong một ngày hay kể cả trong một năm. Chúng ta không thể nói bao nhiêu tiến bộ sẽ đạt được mỗi ngày, vì trí tuệ phát triển một cách rất từ từ, từng bước một.

Chúng ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (Tập III, Thiên uẩn, Năm mươi kinh ở giữa, Phẩm thứ năm, § 101, cán búa) rằng Đức Phật khi ngự tại Sāvatthī đã nói với các tỳ kheo:

Do biết, do thấy, này các Tỳ kheo, Ta tuyên bố sự đoạn tận các lậu hoặc (3), không phải do không biết, do không thấy.

Này các Tỳ kheo, như có Tỳ kheo sống không chí tâm trong sự tu tập, khởi lên ước muốn như sau: “Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ!” Tuy vậy, tâm của vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, có chấp thủ. Vì sao? Phải nói rằng vì vị ấy không có tu tập. Không có tu tập cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ. Không có tu tập Thánh đạo Tám ngành.

… Tỳ kheo sống chí tâm trong sự tu tập. Dầu cho vị ấy không khởi lên ước muốn: “Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”; tuy vậy, tâm vị ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy có tu tập.

… một người thợ đá hay đệ tử người thợ đá, khi nhìn vào cán búa thấy dấu các ngón tay và dấu các ngón tay cái. Vị ấy không có thể biết được như sau: “Hôm nay, từng ấy cán búa của ta bị hao mòn; hôm nay từng ấy, các ngày khác từng ấy”. Nhưng vị ấy biết được cán búa bị hao mòn trên sự hao mòn của cán búa.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo chí tâm trong sự tu tập không có biết như sau: “Hôm nay, từng ấy lậu hoặc của ta được hao mòn, hôm qua từng ấy, các ngày khác từng ấy”. Nhưng vị ấy biết được các lậu hoặc được hao mòn trên sự hao mòn các lậu hoặc.

Khi trí tuệ đã được phát triển cao, niết bàn có thể được chứng ngộ. Có bốn giai đoạn giác ngộ và tại mỗi giai đoạn, niết bàn được kinh nghiệm và phiền não được loại bỏ theo thứ tự.

Phiền não bám rễ sâu dày đến mức chúng chỉ có thể bị tận diệt theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn thứ nhất, tà kiến về ngã bị tận diệt, nhưng vẫn còn tham, sân và si. Chỉ ở giai đoạn cuối cùng của sự giác ngộ, giai đoạn của bậc A la hán, phiền não và những phiền não ngủ ngầm mới được tận diệt hoàn toàn. Khi chúng ta đạt được mức độ của vị A la hán thì sẽ không còn tái sinh nữa.

Tâm (citta) kinh nghiệm niết bàn là “tâm siêu thế” hay lokuttara citta. Có hai loại tâm cho mỗi một giai đoạn của bốn tầng giác ngộ: Tâm siêu thế và tâm quả của tâm siêu thế. Có bốn giai đoạn giác ngộ, vì vậy có tám loại tâm siêu thế. Niết bàn và tám loại tâm siêu thế kinh nghiệm niết bàn thuộc về ngôi Tam Bảo thứ hai – Pháp bảo mà chúng ta quy y. Khi quy y ngôi Tam Bảo thứ hai, chúng ta coi mục đích của cuộc đời mình là sự phát triển trí tuệ, cuối cùng có thể dẫn tới sự tận diệt phiền não.

Sẽ vẫn còn “Pháp” khác nằm trong ngôi Tam Bảo thứ hai, tức là “Pháp” trong ý nghĩa Giáo pháp của Đức Phật. Chúng ta có thể quy y Giáo pháp của Đức Phật. Giáo pháp có thể đưa mọi người tới chân lý nếu họ nghiên cứu chúng với hiểu biết đúng và nếu họ thực hành theo những gì được dạy. Chúng ta cần phải nghiên cứu toàn bộ Giáo lý của Đức Phật. Nếu chỉ nghiên cứu một vài bài kinh, chúng ta sẽ không hiểu rõ Đức Phật dạy gì. Đôi khi, một bài kinh chỉ đề cập chi tiết một nội dung thuộc Tam tạng (Tipiṭaka). Rất cần nghiên cứu cả các chú giải của Tam tạng (Tipiṭaka) nữa, bởi vì chúng giải thích các lời dạy của Đức Phật. Giáo lý là người chỉ đường cho chúng ta vì Đức Phật đã tịch diệt rồi.

Chúng ta đọc trong Kinh Gopaka-Moggallāna (Trung bộ kinh, Tập III, số 108) rằng sau khi Đức Phật tịch diệt, một vị Bà la môn đã hỏi ngài Ānanda đâu là nguyên nhân dẫn đến sự hoà hợp giữa các vị chư tăng. Vị ấy hỏi như sau:

“Thưa Tôn giả Ānanda, có một vị Tỳ kheo nào được Tôn giả Gotama sắp đặt: “Vị này, sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Ông, và các Ông nay sẽ y chỉ vị này?”

“Này Bà-la-môn, không có một vị Tỳ kheo nào được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác sắp đặt: “Vị này, sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Ông, và các Ông sẽ y chỉ vị này”.

“Thưa Tôn giả Ānanda, có một vị Tỳ kheo nào được chúng Tăng thỏa thuận và một số đông các vị Tỳ kheo Trưởng lão sắp đặt: “Vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Ông, và các Ông nay sẽ y chỉ vị này?”

“Không có một vị Tỳ kheo nào, này Bà-la-môn, được chúng Tăng thỏa thuận và được số đông các vị Tỳ kheo Trưởng lão sắp đặt: “Vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các Ông, và các Ông nay sẽ y chỉ vị này?”

“Và như vậy là không có chỗ nương tựa, thưa Tôn giả Ānanda, như vậy do nhân gì, Quý vị có thể hòa hợp?”

“Này Bà-la-môn, chúng tôi không phải không có chỗ nương tựa. Này Bà-la-môn, chúng tôi có chỗ nương tựa, và Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi”

Trong Tăng chi bộ kinh (Chương III, Phần VI, số 60, Sangarava), chúng ta đọc rằng Đức Phật đã nói với vị Bà la môn Sangārava về ba loại “thần thông”: đó là thần thông biến hoá, thần thông ký thuyết (tha tâm thông) và thần thông giáo hoá. Đức Phật đã hỏi vị ấy loại thần thông nào thù diệu hơn đối với vị ấy. Sangārava đã trả lời như sau:

Trong những loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, có người chứng được loại thần thông biến hoá,….loại thần thông này, đối với tôi, được xem tính chất như là huyễn hóa. Với thần thông biết rõ tâm người khác….Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, đối với tôi, được xem tính chất như là huyễn hóa. Nhưng đối với thần thông giáo giới…Loại thần thông này, tôi có thể chấp nhận là hy hữu hơn và thù diệu hơn trong ba loại thần thông.

Giáo pháp là thứ thù diệu nhất bởi vì nó có thể thay đổi cuộc đời của một người. Thông qua Giáo pháp, chúng ta có thể đi theo chánh đạo dẫn đến tận diệt mọi phiền não, tận diệt vòng luân hồi sinh tử. Giáo lý của Đức Phật không hấp dẫn đối với tất cả mọi người. Nhiều người thấy rất khó nghĩ khác với cách mà họ vẫn thường nghĩ. Họ không thích chân lý về vô ngã. Họ muốn làm chủ tâm mình, ngay cả khi họ thấy rằng điều ấy là không thể. Đức Phật biết mọi người rất khó thay đổi cách suy nghĩ của mình. Trong Kinh Vacchagotta về lửa (Trung bộ kinh, Tập II, số 72), chúng ta đọc rằng Đức Phật, khi ngự tại gần Sāvatthī, tại Động Jeta, đã dạy Giáo pháp cho Vacchagotta, người có các tà kiến. Vacchagotta, sau khi nói ra các tà kiến của mình và được nghe Đức Phật trả lời, đã nói rằng vị ấy hoang mang và đảo lộn về những gì Đức Phật vừa nói. Đức Phật đã trả lời như sau:

Này Vaccha, thôi vừa rồi, đảo lộn của Ông! Thôi vừa rồi, hoang mang (của Ông)! Này Vaccha, sâu kín là pháp này, khó thấy, khó giác ngộ, an tịnh, thù thắng, không thể luận bàn, tế nhị, chỉ bậc trí mới hiểu. Thật rất khó cho Ông có thể hiểu được, khi Ông thuộc tri kiến khác, kham nhẫn khác, lý tưởng khác, hành trì khác, đạo sư khác.

Giáo pháp rất sâu sắc và khó hiểu. Mọi người không thể hiểu Giáo pháp nếu họ vẫn dính mắc vào tà kiến của mình. Nếu họ thực sự nghiên cứu Giáo pháp và áp dụng những gì được học, họ có thể tự thấy liệu họ có thể quy y Giáo pháp hay không. Khi đã kiểm chứng trong cuộc đời mình rằng những gì Đức Phật đã dạy là thực tại, ngay cả khi chưa thể kinh nghiệm mọi điều mà Ngài dạy, chúng ta vẫn không muốn đổi hiểu biết của mình cho bất kỳ thứ gì khác trong cuộc đời. Nếu phát triển hiểu đúng về thực tại, chúng ta sẽ có Giáo pháp làm người thầy. Và như vậy chúng ta quy y Pháp.

********

Chú thích

(1) Tin vào thiện pháp

(2) Có bốn giai đoạn giác ngộ. Ở mỗi giai đoạn, các phiền não được tận diệt tương ứng dần.Chỉ sau khi tầng giác ngộ thứ tư, tầng giác ngộ của một bậc A la hán, đã được chứng ngộ, thì toàn bộ phiền não mới được tận diệt. Điều này sẽ được giải thích kỹ hơn ở Chương 8.

(3) Nhóm các phiền não. Phiền não được chia thành nhiều nhóm khác nhau.

Comments are closed.

Translate »