Chương 5 – Phát triển tâm trí (Bhāvanā)
Đức Phật nói rằng chúng ta cần liễu ngộ sự vô thường của tất cả các pháp. Tất cả mọi người đều phải chịu sinh, già, bệnh, tử. Vạn vật đều thay đổi. Những gì chúng ta đang hưởng thụ hôm nay có thể thay đổi vào ngày mai. Nhiều người không muốn đối mặt với sự thật ấy; họ quá dính mắc vào những thứ dễ chịu mà họ tận hưởng qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Họ không nhận ra rằng những thứ đó không phải là hạnh phúc thực sự.
Đức Phật chữa vô minh của mọi người bằng cách giúp họ hiểu biết đúng về cuộc đời của mình; Ngài dạy họ Giáo pháp. Đức Phật dạy nhiều cách khác nhau để phát triển thiện pháp như bố thí (dāna), trì giới (sīla) hay phát triển tâm trí (bhāvanā). Bhāvanā hay phát triển tâm trí là một loại thiện pháp ở mức độ cao hơn, bởi vì trí tuệ (paññā) được phát triển thông qua bhāvanā.
Chúng ta có thể phân vân liệu trí tuệ có cần thiết hay không. Câu trả lời là, chỉ có hiểu mọi thứ như chúng là mới có thể tận diệt được vô minh. Do vô minh mà mọi người cho những pháp bất thiện là thiện. Vô minh tạo nên khổ đau. Đức Phật luôn giúp mọi người hiểu biết đúng về các tâm khác nhau của họ. Ngài giải thích tâm thiện và tâm bất thiện là gì để mọi người có thể phát triển thêm thiện pháp.
Chúng ta có thể kiểm chứng qua chính cuộc đời mình rằng Đức Phật dạy chân lý. Giáo pháp của Ngài không chỉ là chân lý đối với các Phật tử mà còn đối với tất cả mọi người, không tùy thuộc vào chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo mà họ đang theo đuổi. Sự dính mắc hay tham lam (tiếng Pāli là lobha), sân hay giận dữ (tiếng Pāli là dosa) và si (tiếng Pāli là moha) đều là chung với tất cả mọi người, không chỉ riêng Phật tử. Chẳng phải mọi người đều cần diệt trừ tham, sân và si ư?
Mọi người không phải lúc nào cũng nhận ra rằng tham, sân và si dẫn đến khổ đau. Họ có thể nhận ra sự bất thiện khi nó thô tháo, nhưng không nhận ra khi nó vi tế hơn. Chẳng hạn, họ biết rằng tâm là bất thiện khi có tham rất thô như tham lam hay dục vọng, nhưng họ không nhận ra tham khi nó vi tế hơn, như sự dính mắc đối với những thứ đẹp đẽ hay người thân. Tại sao dính mắc với thân quyến và bạn bè lại là bất thiện? Đúng là chúng ta hẳn có tâm tham, nhưng cần phải nhận ra rằng sự dính mắc khác với tâm từ trong sáng (tiếng Pāli là mettā). Khi ta nghĩ rằng mình đangcó tâm từ trong sáng, cũng vẫn có thể có những khoảnh khắc của sự dính mắc. Dính mắc không phải là thiện; sớm hay muộn nó cũng mang đến khổ đau. Mặc dù mọi người không muốn công nhận sự thật này, một ngày nào đó, họ sẽ kinh nghiệm rằng tham mang đến bất hạnh. Bởi cái chết, chúng ta sẽ mất những người gần gũi yêu thương. Và khi bệnh tật hay tuổi già tác động lên khả năng ngũ quan, chúng ta không còn có thể hưởng thụ những thứ đẹp đẽ qua mắt và tai nữa.
Nếu không hiểu đúng về các thực tại trong cuộc sống, chúng ta sẽ không biết làm thế nào để chịu đựng sự mất mát người thân yêu. Chúng ta đọc trong Kinh Phật tự thuyết – Udāna (Chương VIII, Phẩm Pāṭaligāmiya, Số 8) rằng khi Đức Phật ngự gần Sāvatthī, tại Đông Viên, Lộc Mẫu giảng đường, Visākhā đã đến gặp Ngài. Visākhā đã mất người cháu gái, đến gặp Đức Phật trong bộ quần áo và đầu tóc ướt sũng. Đức Phật đã nói:
“Này Visākhā, Vì sao Bà đến đây với áo ướt đẫm, với tóc ướt đẫm, vào lúc quá sớm như vậy?”
“Bạch Thế tôn, đứa cháu khả ái dễ thương của con đã mệnh chung. Cho nên con, với áo ướt đẫm, tóc ướt đẫm, con đến đây sáng sớm như vậy.”
“Này Visākhā, Bà có muốn tất cả người ở Sāvatthī là con và là cháu của Bà không?”
“Bạch Thế tôn, con muốn”
“Nhưng này Visākhā, có bao nhiêu người ở Sāvatthī mạng chung hàng ngày?”
“Bạch Thế tôn, có mười người, hay là chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai; hoặc có thể một người chết ở Sāvatthī mỗi ngày. Ở Sāvatthī không ngày nào không có người chết, thưa Thế tôn”
“Bà nghĩ thế nào, này Visākhā? Như vậy Bà có khi nào khỏi bị quần áo ướt, đầu tóc ướt không?”
“Thưa không, bạch Thế tôn! Thật là vừa đủ cho con, bạch Thế tôn, số con cháu như vậy là quá nhiều”
“Này Visākhā, những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có trăm sự đau khổ! Những ai có chín mươi, tám mươi… ba mươi, hai mươi người thân yêu, những ai có mười…. có một người thân yêu, những người ấy có một sự đau khổ. Những ai không có người thân yêu, người ấy không có đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu muộn, không có tham đắm, không có ưu não”
Những người thấy được việc bị nô lệ cho sự dính mắc với con người và những thứ xung quanh mình là bất thiện đều muốn phát triển thêm hiểu biết về các thực tại bằng cách phát triển tâm trí, bhāvanā. Nghiên cứu Giáo lý của Đức Phật và giảng giải Giáo lý cho người khác là thiện nghiệp nằm trong bhāvanā. Khi nghiên cứu Giáo lý, trí tuệ sẽ được phát triển. Nếu muốn hiểu những gì Đức Phật dạy, nhất thiết phải tìm đọc kinh sách đã được lưu truyền cho chúng ta đến ngày hôm nay trong “Tam tạng (Tipiṭaka)”, bao gồm: Tạng Luật, Tạng Kinh và Tạng Vi diệu pháp (Abhidhammā). Tuy nhiên, chỉ nghiên cứu thôi vẫn chưa đủ. Cần phải kinh nghiệm sự thực của Giáo pháp trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ khi đó chúng ta mới biết mọi thứ như chúng thực sự là. Giảng dạy Giáo pháp cho người khác là thiện nghiệp ở mức độ cao. Bằng cách ấy, chúng ta sẽ không chỉ giúp người khác có thêm hiểu biết về cuộc đời của họ mà còn giúp bản thân mình phát triển thêm hiểu biết. Dạy Giáo pháp là cách giúp đỡ người khác phát triển thiện pháp và diệt trừ bất thiện pháp hiệu quả nhất.
Một phương thức khác của thiện nghiệp nằm trong bhāvanā là phát triển sự an tịnh hay “Samatha bhāvanā”. Trong Samatha, có những đề mục thiền cụ thể tạo duyên cho sự an tịnh, sự tự do tạm thời khỏi tham, sân và si. Chúng ta cần phải có hiểu biết đúng về đề mục thiền và cách đạt được sự an tịnh. Khi Samatha đã phát triển đến mức độ cao thì có thể đạt tới các tầng thiền (jhāna). Tuy nhiên, việc đắc thiền vô cùng khó khăn và ta cần tích lũy đủ nhân duyên mới có thể đạt được điều ấy. Khi tâm (citta) là tâm thiền (jhānacitta) thì sẽ không có tham, sân và si. Tâm thiền là tâm thiện ở mức độ cao. Đắc thiền không phải là trạng thái khác thường có được khi dùng một số loại ma túy. Những người sử dụng ma túy muốn đạt được mục đích mong muốn một cách dễ dàng, hành động của họ bị thúc đẩy bởi tâm tham. Những người vun bồi Samatha có mong muốn chân thành để thanh lọc mình khỏi tham, sân và si; họ không tìm kiếm những kinh nghiệm ngây ngất hay mang tính giật gân.
Samatha có thể làm trong sạch tâm, nhưng nó không thể tận diệt được phiền não ngủ ngầm. Khi tâm không phải là tâm thiền thì tham, sân và si chắc chắn vẫn lại sinh khởi. Những người vun bồi Samatha không thể xóa bỏ niềm tin vào bản ngã, và chừng nào vẫn còn ý niệm về “ngã”, chừng đó phiền não không thể được tận diệt. Sự dính mắc vào ý niệm về ngã chỉ có thể bị tận diệt thông qua vipassanā. Vipassanā hay ”thiền minh sát” là một phương thức khác của thiện nghiệp nằm trong bhāvanā. Thông qua sự phát triển Vipassanā, vô minh về các thực tại sẽ bị diệt trừ. Ta có thể học thấy mọi thứ như chúng là bằng cách hay biết khi thấy, nghe, ngửi, nếm, khi tiếp nhận tác động trên thân căn hoặc khi suy nghĩ. Khi kinh nghiệm rằng tất cả mọi thứ trong và xung quanh chúng ta chỉ là các hiện tượng tinh thần hay danh (nāma) và hiện tượng vật chất hay sắc (rūpa) sinh rồi diệt, chúng ta sẽ bớt coi chúng là ta, là ngã.
Lý do gì khiến tất cả chúng ta luôn có xu hướng dính mắc vào một bản ngã? Lý do là vì vô minh, chúng ta không biết mọi thứ như chúng là. Khi nghe một âm thanh, chúng ta vô minh về các hiện tượng khác nhau đang sinh khởi trong khoảnh khắc nghe âm thanh đó. Chúng ta nghĩ rằng có ai đó đang nghe. Tuy nhiên, không có ai đang nghe cả; đó chỉ là một tâm (citta) nghe âm thanh. Tâm là danh (nama), là một thực tại kinh nghiệm cái gì đó. Tâm nghe thì kinh nghiệm âm thanh. Bản thân âm thanh không kinh nghiệm gì cả, nó là sắc (rupa). Sắc là thực tại không kinh nghiệm cái gì cả. Âm thanh và nhĩ căn là nhân duyên cho cái nghe xảy ra. Nhĩ căn cũng là sắc. Chúng ta có thể băn khoăn liệu có đúng nhĩ căn không kinh nghiệm cái gì không. Nhĩ căn chỉ là một loại sắc trong tai có khả năng tiếp nhận âm thanh, nhưng bản thân nó không kinh nghiệm âm thanh. Nó chỉ là một duyên cho danh kinh nghiệm âm thanh. Mỗi tâm có những duyên riêng khiến nó sinh khởi. Cái thấy được tạo duyên bởi nhãn căn là sắc và đối tượng thị giác cũng là sắc. Không có cái ngã hay người nào làm các chức năng khác nhau như thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp nhận dấu ấn qua thân căn hay suy nghĩ. Đó là các danh khác nhau, mỗi một danh đều sinh khởi bởi những duyên riêng của nó.
Chúng ta đọc trong Đại kinh đoạn tận ái (Trung bộ kinh Tập I, số 38) rằng Đức Phật, trong khi ngự ở Sāvatthī, tại Động Jeta, đã nói với tỳ kheo Sati – người hiểu sai về Giáo lý của Đức Phật. Tỳ kheo Sati đã hiểu Đức Phật dạy rằng, các thức là trường tồn và rằng vẫn là một thức ấy nói, cảm thọ và kinh nghiệm quả của những nghiệp tốt hay xấu. Một số vị tỳ kheo đã nghe thấy tà kiến của Sati. Sau khi đã giải thích cho Sati nhưng không thành công, họ đã nói cho Đức Phật về việc này. Đức Phật đã gọi Sati đến và nói:
“Này Sati, có thật chăng, Ông khởi lên ác tà kiến như sau: “Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác”?”
“Thật sự là vậy, bạch Thế Tôn. Theo như con hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác”
“Này Sati, thế nào là thức ấy?”
“Bạch Thế Tôn, chính thức ấy nói, cảm thọ, kinh nghiệm chỗ này, chỗ kia, kết quả các hành động thiện ác”
“Này kẻ mê mờ kia, vì ai mà Ông lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy? Này kẻ mê mờ kia, có phải chăng, Ta đã dùng nhiều pháp môn nói là thức do duyên khởi, không có duyên, thì thức không hiện khởi? Và này kẻ mê mờ kia, không những Ông xuyên tạc Ta, vì Ông đã tự chấp thủ sai lạc, Ông còn tự phá hoại Ông và tạo nên nhiều tổn đức. Này kẻ mê mờ kia, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho Ông”
…Rồi Thế Tôn gọi các Tỳ kheo và nói:
“Chư Tỳ kheo, các Ông có hiểu pháp Ta thuyết giảng giống như Tỳ kheo Sati, con của người đánh cá này, không những đã xuyên tạc Ta vì đã tự chấp thủ sai lạc, mà còn tự phá hoại mình và tạo nên nhiều tổn đức?”
“Bạch Thế Tôn, không. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi, không có duyên, thức không hiện khởi”
“Lành thay, chư Tỳ kheo, lành thay, chư Tỳ kheo, các Ông hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy! Chư Tỳ kheo, Ta đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi. Không có duyên, thức không hiện khởi. Nhưng Tỳ kheo Chánh niệm, con của người đánh cá, không những xuyên tạc Ta vì đã tự chấp thủ sai lạc, còn tự pháp hoại mình và tạo nên nhiều tổn đức, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho kẻ mê mờ ấy”
“…. Này các Tỳ kheo, do duyên mà thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và các tiếng, thức sanh, và thức ấy có tên là nhĩ thức. Do duyên mũi và các hương, thức sanh, và thức ấy có tên là tỷ thức. Do duyên lưỡi và các vị, thức sanh, và thức ấy có tên là thiệt thức. Do duyên thân và các xúc, thức sanh và thức ấy có tên là thân thức. Do duyên ý và các pháp, thức sanh, và thức ấy có tên là ý thức. Này các Tỳ kheo, do duyên nào lửa sanh và lửa ấy có tên tùy theo duyên ấy: duyên củi, lửa sanh, lửa ấy gọi là lử ủi. Duyên vỏ gỗ bào, lửa sanh, lửa ấy gọi là vỏ bào. Duyên cỏ, lửa sanh, lửa ấy gọi là lử ỏ. Duyên phân bò, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa phân bò. Duyên trấu, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa trấu. Duyên đống rác, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa đống rác. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, do duyên, thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy…”
Suy nghĩ về các loại danh và sắc khác nhau và những duyên cho chúng sinh khởi sẽ giúp chúng ta hiểu biết đúng về chúng. Tuy nhiên, điều này không giống với kinh nghiệm trực tiếp về chân lý. Chúng ta sẽ hiểu danh và sắc thực sự là gì khi kinh nghiệm trực tiếp các đặc tính khác nhau của danh và sắc khi chúng sinh khởi lần lượt tại một thời điểm thông qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Danh và sắc sinh diệt nhanh đến mức ta không nhận ra có các danh và sắc khác nhau. Chẳng hạn, chỉ tiếp nhận âm thanh là một khoảnh khắc khác với cái thích hay không thích âm thanh. Ta thường có xu hướng thấy việc thích hay không thích đối tượng mà ta kinh nghiệm quan trọng đến mức ta không nhận biết các đặc tính của danh và sắc xuất hiện tại thời điểm đó. Vì vậy chúng ta không thấy được mọi thứ như chúng là; chúng ta coi thích hay không thích là ta. Thích và không thích chỉ là danh sinh khởi bởi nhân duyên; thích và không thích do tích lũy của mỗi người. Có những duyên riêng cho sự sinh khởi của mỗi tâm; không ai có thể làm cho bất kỳ tâm nào sinh khởi tại giây phút này hay giây phút kia.
Chúng ta không chỉ coi tâm là ta mà còn coi thân là ta. Tuy nhiên, thân bao gồm không gì khác ngoài các sắc pháp sinh và diệt. Có nhiều loại sắc khác nhau. Sắc có thể được kinh nghiệm thông qua thân căn bao gồm cứng, mềm, nóng, lạnh, chuyển động và co dãn. Tất cả các sắc này đều có thể được kinh nghiệm trực tiếp thông qua thân căn mà không cần phải suy nghĩ về chúng hay đặt tên cho chúng. Hiểu biết trực tiếp về sắc bất cứ khi nào chúng xuất hiện là cách duy nhất để biết rằng chúng là các sắc khác nhau, rằng không nên coi chúng là tự ngã.
Các đặc tính khác nhau của danh và sắc có thể được biết một thứ ở một thời điểm khi chúng xuất hiện thông qua ngũ căn và ý môn. Chừng nào không thấy chúng như chúng thật là, chúng ta sẽ coi chúng là ta. Chúng ta không quen hay biết về các hiện tượng của cuộc sống; chẳng hạn, chúng ta không quen hay biết về cái thấy. Thấy là một danh chỉ kinh nghiệm những gì xuất hiện qua nhãn căn, tức là đối tượng thị giác. Loại danh này là thực và vì vậy nó có thể được kinh nghiệm. Trước khi nghĩ về cái mà ta đã thấy, hẳn phải có khoảnh khắc chỉ kinh nghiệm về cái xuất hiện qua mắt, về đối tượng thị giác đó. Chúng ta vẫn thường chỉ chú ý đến đồ vật hay con người , ta nghĩ đến chúng sau khi đã có cái thấy và vì vậy ta hoàn toàn vô minh về danh – thứ chỉ kinh nghiệm đối tượng thị giác, hay danh thấy. Danh thấy thì hoàn toàn khác với loại danh thích hay không thích đối tượng, hay danh suy nghĩ về đối tượng ấy. Nếu không biết cái thấy là gì, chúng ta sẽ coi đó là ta. Cũng như vậy đối với cái nghe, cái nghe chỉ là sự tiếp nhận âm thanh. Khi cái nghe sinh khởi, chúng ta có thể tập hay biết về đặc tính của nó; nó có thể được biết là một loại danh, một thực tại chỉ nhận thức âm thanh qua tai. Dần dần chúng ta sẽ quen thuộc với đặc tính của nghe và khi đó ta sẽ biết rằng nó khác với suy nghĩ và với các loại danh khác. Ta sẽ học rằng nó khác với sắc. Như vậy chúng ta sẽ bớt xu hướng coi nó là ta.
Ta chỉ có thể hay biết một đặc tính của danh hoặc sắc tại mội thời điểm. Chẳng hạn, khi nghe, có cả cái nghe và âm thanh, nhưng ta không thể hay biết cái nghe và âm thanh cùng một lúc, vì mỗi tâm chỉ kinh nghiệm một đối tượng tại một thời điểm. Có thể có chánh niệm về âm thanh tại một khoảnh khắc và về cái nghe tại một khoảnh khắc khác, vì vậy chúng ta sẽ dần biết rằng các đặc tính của chúng là khác nhau.
Chỉ khi tập hay biết về danh hay sắc xuất hiện tại thời điểm hiện tại, ta mới thấy mọi thứ như chúng là. Suy nghĩ về danh và sắc, tự nhắc nhở về danh và sắc hay đặt tên các thực tại là danh và sắc vẫn chưa phải là kinh nghiệm trực tiếp về thực tại. Nếu chỉ nghĩ về danh và sắc mà không học cách kinh nghiệm đặc tính của chúng, ta sẽ vẫn tiếp tục dính mắc vào chúng và không thể nào xả bỏ được ý niệm về ngã. Không thể kiểm soát được đặc tính nào sẽ xuất hiện tại một thời điểm cụ thể. Chúng ta không thể thay đổi thực tại đã xuất hiện. Không nên nghĩ rằng nên có chánh niệm về cái nghe trước và sau đó là chánh niệm về suy nghĩ về cái đã được nghe. Những thực tại khác nhau sẽ xuất hiện tại các khoảnh khắc khác nhau và không có trật tự đặc biệt nào cần theo khi chánh niệm về các thực tại.
Lúc ban đầu chúng ta không thể biết sự sinh diệt của danh và sắc bằng kinh nghiệm trực tiếp. Ta chỉ cần tập hay biết bất kỳ đặc tính nào của danh và sắc đang hiển lộ. Chẳng hạn, khi có mùi sinh khởi, chúng ta không thể ngừng ngửi được. Tại thời điểm đó, chúng ta có thể học hay biết đặc tính của cái ngửi mà không cố gắng tạo ra nỗ lực nào đặc biệt. Không cần nghĩ về nó hay nhắc bản thân rằng đó là cái ngửi hay đó là danh.
Rất quan trọng phải nhận thức rằng chánh niệm cũng là một loại danh, nó chỉ sinh khởi khi có đủ duyên thích hợp. Không có cái ngã nào đang chánh niệm hay có thể làm cho chánh niệm sinh khởi theo ý chí. Hiểu biết đúng về sự phát triển vipassanā là một nhân duyên cho chánh niệm sinh khởi. Sau một khoảnh khắc chánh niệm, có thể là một thời gian dài không có chánh niệm, hoặc chỉ là những khoảnh khắc suy nghĩ về danh và sắc. Khi mới bắt đầu, không thể có nhiều chánh niệm, nhưng dù chỉ một khoảnh khắc chánh niệm ngắn ngủi cũng vô cùng lợi lạc, vì mức độ trí tuệ được phát triển thông qua kinh nghiệm trực tiếp còn cao hơn trí tuệ được phát triển thông qua suy nghĩ về các thực tại hay trí tuệ được phát triển trong Samatha. Vipassanā là một thiện nghiệp ở mức độ rất cao, vì Vipassanā đưa đến sự buông bỏ ý niệm về ngã và cuối cùng dẫn đến diệt trừ phiền não. Bớt tham, sân và si cũng sẽ là niềm hạnh phúc cho cả thế giới.
Trong Tăng chi bộ kinh (Quyển 9, Chương II, Mục 10, Velama), chúng ta đọc rằng Đức Phật khi ngự gần Sāvatthī, tại Động Jeta, vườn ông Anāthapiṇḍika, Đức Phật đã nói với Anāthapiṇḍika về các mức độ thiện pháp khác nhau sẽ mang đến kết quả khác nhau tương ứng. Bố thí cho Đức Phật và Tăng đoàn, quy y Phật, Pháp, Tăng là những nghiệp thiện ở mức độ cao, nhưng cũng có những nghiệp thiện ở mức độ cao hơn nữa.
Chúng ta đọc như sau:
… và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp và Tăng, và có ai với tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu… cho đến trong khi khoảnh khắc vắt sữa bò, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.
… Và có ai từ bỏ không sát sanh, …, và ai tu tập từ tâm giải thoát, cho đến trong khi khoảnh khắc vắt sữa bò, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia
… và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm, và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập quán vô thường, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.
Nhận thức về vô thường chỉ được phát triển khi có khoảnh khắc chánh niệm về danh hay sắc. Chúng ta có thể ngạc nhiên rằng nhận thức về vô thường còn sinh nhiều hoa trái hơn các loại thiện pháp khác. Chính tuệ giác sẽ là cái chứng ngộ vô thường về danh và sắc, và loại trí tuệ này có thể thay đổi cuộc đời của chúng ta. Cuối cùng, nó sẽ tận diệt được tham, sân và si. Đến lúc nào đó, chúng ta sẽ phải rời bỏ thế giới này do tuổi già, bệnh tật hay tai nạn. Chẳng phải sẽ tốt hơn sao nếu ta rời bỏ thế giới này với sự hiểu biết về mọi thứ như chúng là? Điều đó chẳng phải sẽ tốt hơn là rời khỏi thế giới này với tâm sân và sợ hãi?