Đạo Phật trong đời sống hàng ngày: chương 3

 

Chương 3 – Giáo lý

Với công việc hoằng pháp, Đức Phật đã chứng tỏ lòng từ bi của Ngài đối với con người. Mọi người có thể thắc mắc tại sao Giáo pháp lại là yếu tố chính yếu chứng tỏ lòng từ bi của Đức Phật. Chẳng lẽ không có cách khác để giúp mọi người hay sao, như đi thăm những người bị ốm và nói những lời ái ngữ với mọi người để làm cho họ vui? Đúng là có thể giúp người khác bằng các việc làm thiện và nói những lời ái ngữ. Tuy nhiên, không thể mang đến hạnh phúc thực sự cho người khác bằng cách ấy. Khi có từ tâm với người khác, ta có thể giúp họ ở chừng mực làm cho họ cảm thấy thư giãn hay bớt buồn khổ hơn trong một khoảnh khắc nào đó. Tuy nhiên, có những người luôn có xu hướng lo lắng và buồn rầu, cho dù ta có đối xử tử tế với họ đến đâu đi nữa.

Đức Phật biết rằng nguyên nhân sâu sắc nhất của hạnh phúc và đau khổ nằm trong mỗi con người. Không thể mang đến cho người khác hạnh phúc thực sự; ta chỉ có thể là một duyên cho họ cảm thấy hạnh phúc trong một thời gian. Còn Đức Phật, Ngài đã giúp mọi người bằng cách hiệu quả nhất: Ngài giúp họ hiểu biết đúng về cuộc sống, về bản thân và về cách tìm kiếm hạnh phúc thực sự.

Các đệ tử của Ngài đã theo tấm gương của Ngài và giúp đỡ người khác bằng việc dạy họ Giáo pháp. Chúng ta đọc trong Kinh giáo giới Channa (Trung bộ kinh Tập III, số 144) rằng ngài Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Ngài Mahā-Cunda (Đại Châu na), trong khi đang ở tại núi Linh Thiếu, đã tới thăm một vị tỳ kheo bị ốm có tên là Channa. Đầu tiên ngài Sāriputta hỏi Channa cảm thấy thế nào và sau đó ngài đã cho Channa các loại thực phẩm và thuốc phù hợp, chăm sóc Channa như vị ấy muốn. Tuy nhiên, ngài Sāriputta biết rằng lời nói từ ái và các việc làm thiện thì chưa đủ. Đến thời điểm thích hợp, ngài Sāriputta và ngài Mahā-Cunda đã nói Giáo pháp cho Channa nghe, nhằm giúp vị ấy hiểu đúng về cuộc đời của mình.

Trong Kinh Vô tránh phân biệt (Trung bộ kinh Tập III, số 139), chúng ta đọc rằng Đức Phật, khi ngự gần Sāvatthī trong động Jeta, đã nói về Bát Chánh đạo hay con đường “Trung đạo”. Chúng ta không nên thiên về phía thỏa mãn ngũ dục hoặc mặt khác thiên về thực hành khổ hạnh. Đức Phật bảo các đệ tử của mình rằng, không nên nói với người khác là họ đang đi con đường chánh đạo hay phi đạo; Ngài nói rằng không nên có sự tán thành hay phản đối con người, mà nên dạy họ đâu là con đường đúng và đâu là con đường sai. Các đệ tử Phật cần dạy người khác những nguyên nhân nào mang đến kết quả nào. Chỉ nên dạy Giáo pháp mà thôi. Giáo pháp có nghĩa là tất cả những gì là thực. Đức Phật giúp mọi người phát triển hiểu biết đúng về tất cả những gì có thể kinh nghiệm, cho dù là đó là tốt hay xấu.

Nếu muốn loại bỏ phiền não, trước hết cần hiểu thế nào là tâm bất thiện và thế nào là tâm thiện và cần hay biết chúng khi chúng sinh khởi. Chỉ khi hay biết về các tâm (citta) khi chúng xuất hiện, ta mới biết được chúng như chúng là. Sẽ không thể biết về tâm bằng sự phỏng đoán. Như đã thấy, tâm không trường tồn. Tâm sinh và diệt ngay lập tức và được tiếp nối bởi tâm tiếp theo. Chỉ có một tâm tại một thời điểm. Cuộc đời bao gồm chuỗi tâm không gián đoạn, sinh và diệt liên tục. Không có khoảnh khắc nào không có tâm. Có rất nhiều loại tâm đảm nhận các chức năng khác nhau như thấy, nghe và nghĩ. Hơn nữa, có tâm bất thiện (akusala citta), tâm thiện (kusala citta). Một tâm bất thiện và một tâm thiện không thể sinh khởi cùng một khoảnh khắc vì chỉ có thể có một tâm tại một thời điểm. Tuy nhiên, tâm bất thiện có thể sinh khởi ngay sau tâm thiện vừa mới diệt đi, kể cả trong suốt thời gian ta đang làm một việc tốt. Khi tâm thiện diệt đi thì sự tiếc nuối về việc làm tốt của mình có thể sinh khởi. Khi ấy lại là tâm bất thiện.

Trong Kinh Giáo giới Channa nêu trên, chúng ta đọc rằng Channa bị đau đớn cùng cực. Vị ấy không thể chịu đựng thêm nữa và đã quyết định tự tử. Đức Phật biết rằng trước khi chết, có những tâm thiện sinh khởi sau các tâm bất thiện đã thúc đẩy Channa làm việc bất thiện đó. Vị ấy đã thanh lọc phiền não sau việc làm của mình. Vì vậy Đức Phật đã nói “Channa đã cầm dao tự đâm mình mà không tạo nên sự chê trách”. Ta không biết về tâm của người khác từ việc làm bên ngoài của họ, bởi vì ta không biết từng khoảnh khắc khác nhau của tâm. Ta chỉ có thể biết được nơi bản thân mình tại từng thời điểm có tâm thiện hay tâm bất thiện, và ngay cả điều ấy cũng khó khăn lắm rồi.

Các tâm bất thiện có “gốc rễ” ở ba “nhân” bất thiện (akusala hetu). Chúng bao gồm:

Tham (tiếng Pāli là lobha)

Sân (tiếng Pāli là dosa)

Si (tiếng Pāli là moha).

Từ “nhân” ở đây có nghĩa là cái gốc của tâm. Gốc của tâm cũng giống gốc rễ của một cái cây, nó làm cho cây tăng trưởng. Có nhiều mức độ khác nhau của ba loại tâm bất thiện trên.

Tất cả các tâm bất thiện đều có si (moha) là nguyên nhân. Si là, ví dụ, không biết cái gì là bất thiện và cái gì là thiện, và không biết nguyên nhân nào mang đến kết quả nào trong cuộc sống. Có nhiều mức độ khác nhau của si. Một con thú có rất nhiều tâm si; vì nó không biết về thiện và bất thiện, nó không biết làm thế nào để vun trồng thiện pháp. Tuy nhiên, không chỉ thú vật mới có tâm si mà con người cũng có rất nhiều tâm si. Tâm bất thiện sinh khởi thường xuyên hơn tâm thiện và vì vậy, có vô số khoảnh khắc của tâm si, bất kể là chúng ta đang đi, đứng, ngồi hay nằm. Tâm si chỉ có thể được tận diệt hoàn toàn khi trí tuệ (paññā) được phát triển tới mức độ hoàn hảo, tức là khi trở thành một vị A la hán tại thời điểm đạt được tầng giác ngộ thứ tư (1).

Khi tâm sinh khởi kèm với tham và si thì được gọi là “tâm tham căn” hay tâm có nhân tham, lobha-mūla-citta (2). Tại thời điểm đó không chỉ có si là gốc chung cho tất cả các tâm bất thiện mà cũng có cả tham. Tâm tham căn có si và tham làm nhân thì khác với tâm chỉ có si, hay sự vô minh về các thực tại, làm nhân. Tâm tham có thể là tham lam, khát dục, các mong muốn vị kỷ và cũng có thể là các dạng dính mắc vi tế khó nhận ra nếu chưa có hiểu biết đúng.

Tâm tham có thể đi kèm với cảm thọ hỷ. Chẳng hạn, khi chúng ta thưởng thức bản nhạc hay, khi đó có tâm tham căn. Khi đó tâm là bất thiện, mặc dù loại tâm tham này thì không thô tháo như là sự tham lam hay khát dục. Chúng ta có thể có xu hướng nghĩ rằng bất cứ khi nào có cảm thọ hỷ, tâm đi kèm với cảm thọ này hẳn là tâm thiện. Tuy nhiên khi có thọ hỷ thì tâm chưa chắc là tâm thiện; thọ hỷ có thể đi kèm với tâm bất thiện. Chẳng hạn, khi chúng ta làm một việc tốt có thể có tâm thiện cùng với cảm thọ hỷ, nhưng khi chúng ta cảm thấy dễ chịu với tiếng nhạc hay hoặc thấy cảnh đẹp, tâm lúc ấy là bất thiện; đó là tâm tham căn cùng đi kèm với thọ hỷ. Chúng ta nhầm lẫn về sự thực một cách rất dễ dàng. Chúng ta coi trọng cảm thọ đến mức không còn thấy gì khác nữa. Chúng ta không có khả năng biết tâm đó là thiện hay bất thiện vì chúng ta chỉ chú ý đến cảm thọ vào thời điểm đó.

Tâm tham căn, tâm có gốc là tham, có thể đi kèm với thọ hỷ hoặc thọ xả. Khi chúng ta muốn làm việc gì đó như đứng lên, đi, hay cầm một đồ vật nào đó, tâm tham căn sinh khởi có thể đi kèm với thọ xả. Thông thường không có thọ hỷ khi ta đứng lên hay lấy cốc nước. Chúng ta không thể ngăn việc có tâm tham sinh khởi thường xuyên. Tất cả mọi người, trừ các vị A la hán, đều có tâm tham.

Đức Phật không nói với những người vẫn còn phiền não rằng đó là “tội lỗi”. Đức Phật chỉ ra tất cả những gì là thực và Ngài giải thích nguyên nhân nào mang đến kết quả nào. Việc làm xấu của ai đó sẽ mang đến cho họ kết quả riêng của nó, như hạt giống sẽ tạo ra cái cây. Đó là luật nhân quả, hay “nghiệp” (kamma) và “quả của nghiệp” (vipaka). Đức Phật giải thích cho các đệ tử rằng không nên có sự tán thành hay phản đối con người, mà chỉ nên đơn thuần giảng Giáo pháp mà thôi. Bằng cách ấy, mọi người sẽ biết cái gì là thực. Tham là thực và vì thế chúng ta nên biết tham là gì, đặc tính của nó như thế nào và khi nào nó sinh khởi.

Một loại nhân bất thiện khác là sân (dosa). Khi tâm sinh khởi đi kèm với sân và si, khi đó tâm được gọi là “tâm sân căn” (dosa-mūla-citta), tâm có nhân “sân”. Ở thời điểm đó thì không chỉ có si – tâm sở có mặt trong mọi tâm bất thiện, mà còn có cả sân. Sân xuất hiện ở dạng thô nhất là sự giận dữ hay ác ý. Khi chúng ta làm đau hay giết một chúng sinh, hoặc khi ta nói lời nặng nề, chửi thề, khi đó có tâm sân. Tâm sân luôn luôn đi kèm với thọ ưu.

Cũng có những dạng vi tế hơn của tâm sân: tâm sân có thể là một sự khó chịu nhẹ khi chúng ta thấy hay nghe điều gì đó không ưa thích, hay khi chúng ta ở trong trạng thái không vui vẻ. Có thể nhận thấy tâm sân qua cảm thọ đi kèm với nó. Kể cả khi có cảm giác khó chịu rất nhẹ, chúng ta có thể chắc chắn rằng đang có tâm sân. Tâm sân sinh khởi rất thường xuyên trong ngày. Chúng ta chắc chắn có tâm sân khi có nghe thấy tiếng động to hay nhìn thấy thứ gì xấu xí.

Có ba loại “nhân thiện” hay nhân tịnh hảo (sobhana hetu), đối lập với nhân bất thiện. Đó là:

Vô tham (tiếng Pāli là alobha)

Vô sân (tiếng Pāli là adosa)

Trí tuệ (tiếng Pāli là amoha –vô si hoặc paññā)

Tâm thiện không đi kèm với tham, sân hay si. Chúng luôn đi kèm với vô tham (alobha), vô sân (adosa), nhưng không phải lúc nào cũng với Trí tuệ (paññā). Vì vậy, tâm có thể là tâm thiện không kèm với trí. Chẳng hạn, ta có thể giúp đỡ người khác mà không biết rằng giúp đỡ là việc thiện và thiện pháp đó sẽ mang đến kết quả tốt. Tuy nhiên, khi có trí tuệ, tâm sẽ ở mức độ thiện cao hơn. Nếu ta giữ giới (3) chỉ vì coi đó là một luật lệ được quy định trong Giáo lý mà không có chút hiểu biết nào về nguyên nhân của các giới ấy, các việc làm xấu có thể được ngăn ngừa, nhưng không phải luôn luôn. Nếu sự hấp dẫn quá mạnh, chúng ta sẽ phạm giới. Hiểu về những việc làm bất thiện và việc làm thiện, biết được hậu quả của những việc làm ấy sẽ làm duyên cho sự giữ giới một cách thường xuyên hơn. Chúng ta có thể phát triển các thiện pháp hơn bằng việc hiểu về các thực tại, hiểu về nguyên nhân và kết quả của chúng.

Tất cả mọi người, ngoại trừ vị A la hán, đều có cả tâm thiện và tâm bất thiện. Mỗi tâm sinh khởi bởi các duyên riêng của nó. Tâm không thể sinh khởi nếu không có duyên. Tùy thuộc vào các duyên khác nhau mà tâm là thiện hay bất thiện. Tất cả chúng ta đều tích lũy nhân duyên cho cả thiện và bất thiện. Nếu tâm hiện giờ là bất thiện, chúng ta đang tích lũy nhân duyên cho bất thiện nhiều hơn, nếu tâm hiện giờ là thiện, chúng ta lại tích lũy thêm nhân duyên cho thiện pháp. Chẳng hạn, khi có cảm giác khó chịu rất nhẹ, khi đó có tâm sân căn. Nếu tâm sân căn xuất hiện thường xuyên, ta tích lũy tâm sân và sân trở thành một thói quen. Nếu ta là người dễ dàng nổi nóng, điều ấy có thể thúc đẩy những việc làm bất thiện và lời nói bất thiện.

Ta có thể phân vân làm thế nào các thiện pháp và bất thiện pháp có thể được tích lũy, vì mỗi tâm sinh và diệt hoàn toàn. Mỗi tâm sinh và diệt hoàn toàn nhưng nó tạo duyên cho tâm tiếp theo. Tâm sinh và diệt tiếp nối nhau. Đó là lý do vì sao các tích lũy quá khứ có thể tiếp nối từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Nếu hiểu sự tích lũy của mỗi người khác nhau đến thế nào, ta sẽ bớt xu hướng trách cứ người khác khi họ làm việc sai lầm.Ta sẽ giúp họ có được hiểu biết đúng về sự tích lũy thiện và bất thiện. Nếu có thêm hiểu biết đúng về các nhân duyên khiến mình hành xử như hiện giờ, chúng ta sẽ có thể hướng đến một cuộc sống thiện hơn.

Ta có thể thắc mắc Đức Phật dạy như thế nào về ý chí hay tác ý thúc đẩy chúng ta làm việc ác (bất thiện) và việc tốt (thiện). Chẳng lẽ không có “ý chí tự do” nào có thể điều khiển các hành động, lời nói và suy nghĩ của chúng ta sao? Khi nghĩ đến “ý chí tự do”, thường chúng ta nghĩ đến một cái “ngã”- người có thể kiểm soát các quyết định làm việc tốt hay việc xấu của mình. Tuy nhiên, tâm sinh khởi bởi những duyên riêng của nó, không có cái “ngã” hay con người nào có thể khiến cho tâm sinh khởi theo mong muốn.

Thuật ngữ Pāli “kamma” có nghĩa đen là hành động. Trên thực tế, “kamma” là tác ý hay ý chí. Nó khác với cái người ta vẫn hiểu trong thuật ngữ “ý chí tự do”. Kamma (nghiệp) không tồn tại kéo dài, nó sinh và diệt cùng với tâm. Vì vậy, ta không nên coi kamma là “ngã” hay thuộc về “ngã”. Nghiệp thiện (kusala kamma) hay nghiệp bất thiện (akusala kamma) là tác ý thúc đẩy các việc làm thiện hay bất thiện. Chẳng hạn, có thân nghiệp bất thiện khi đánh ai đó; có khẩu nghiệp bất thiện khi nói lời thô tháo hoặc nguyền rủa người khác; có ý nghiệp bất thiện khi có ý định lấy đồ của người khác, hay khi có ý định giết ai đó.

Đức Phật dạy rằng tất cả mọi người đều sẽ phải kinh nghiệm quả do nghiệp mà mình tạo ra; chúng ta sẽ gặt những gì mình đã gieo. Nghiệp là nhân tạo ra quả của nó. Kết quả tinh thần của nghiệp là một loại tâm, được gọi là “tâm quả” (vipāka citta). Nghiệp bất thiện sẽ mang đến kết quả khó chịu hay tâm quả bất thiện (akusala vipāka citta); nghiệp thiện sẽ mang đến kết quả dễ chịu hay tâm quả thiện (kusala vipāka citta)

Mọi người sinh ra với khả năng tinh thần khác nhau, với hình thức thân thể khác nhau và trong các hoản cảnh khác nhau. Trong Tiểu kinh nghiệp phân biệt (Trung bộ kinh Tập III, số 135), chúng ta đọc khi Đức Phật ngự gần Sāvatthī, ở động Jeta, thanh niên Subha đi đến hỏi Ngài do nhân gì dẫn đến sự khác biệt giữa các hạng người:

“Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu? Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; chúng tôi thấy có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; chúng tôi thấy có người xấu sắc, có người đẹp sắc; chúng tôi thấy có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn; chúng tôi thấy có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý; chúng tôi thấy có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ”

Đức Phật đã trả lời Subha như sau:

“Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.”

Không chỉ có việc sinh ra ở hoàn cảnh nào đó mới là quả của nghiệp. Trong suốt cuộc đời, chúng ta nhận các quả khó chịu và dễ chịu. Tất cả mọi người đều chỉ muốn kinh nghiệm những thứ dễ chịu qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Tuy nhiên, tất cả mọi người chắc chắn đều phải kinh nghiệm cả những thứ dễ chịu và khó chịu qua năm căn, vì mỗi người đều đã tạo nên những nghiệp thiện và bất thiện trong quá khứ.

Một việc ta đã làm có thể tạo ra kết quả ngay hoặc một thời gian dài sau đó. Nên nhớ rằng, tác ý hay nghiệp tạo nên một hiện tượng tinh thần, và vì thế nó có thể được tích lũy. Như vậy, nó sẽ đưa đến quả về sau. Đức Phật dạy rằng nghiệp bất thiện và nghiệp thiện mà ta đã tích lũy trong suốt cuộc đời và trong vô số kiếp sống trước đây đều tạo ra quả của nó khi có đủ nhân duyên cho nó sinh khởi. Tâm quả là quả của nghiệp. Khi thấy những thứ không vừa mắt, tại thời điểm đó có tâm quả bất thiện, là quả của nghiệp bất thiện. Những tâm quả bất thiện này nhận một đối tượng khó chịu thông qua mắt. Khi thấy thứ vừa mắt thì đó là tâm quả thiện, là quả của nghiệp thiện, nó nhận đối tượng dễ chịu thông qua mắt. Khi nghe thứ khó nghe thì đó là tâm quả bất thiện, là quả của nghiệp bất thiện, nó nhận đối tượng khó chịu thông qua tai. Khi nghe thứ dễ nghe thì đó là tâm quả thiện, là quả của nghiệp thiện, nó nhận đối tượng dễ chịu thông qua tai. Luôn có tâm quả mỗi khi ta thấy, nghe, ngửi, nếm hay có cảm giác tác động trên thân. Chúng ta không thể ngăn tâm quả sinh khởi; chúng ta không thể ngăn việc thấy, nghe, ngửi, nếm hay nhận cảm giác thông qua thân căn. Như vậy mỗi tâm, kể cả tâm quả, đều có duyên riêng của nó; không ai có thể làm cho tâm sinh khởi bằng ý chí. Mỗi một tâm quả nhất định sinh khởi tại giây phút hiện tại đều nằm ngoài sự kiểm soát. Khi làm những việc tốt, chúng ta có thể chắc chắn rằng những việc làm tốt đó sẽ mang lại kết quả dễ chịu, nhưng thời điểm trổ quả cũng còn tùy thuộc vào những duyên khác.

Tâm quả bất thiện kinh nghiệm đối tượng khó chịu thông qua mắt không giống với tâm quả bất thiện kinh nghiệm đối tượng khó chịu thông qua tai. Không có một bản ngã hay con người nào đang kinh nghiệm các đối tượng khó chịu và dễ chịu khác nhau thông qua năm căn môn. Mỗi tâm đều có điều kiện nhân duyên riêng của nó và nó khác với tất cả các tâm khác. Càng nhận ra sự thực này, chúng ta càng bớt tin vào sự tồn tại của bản ngã.

Tâm quả sinh và diệt trong một sát na, giống như tất cả các tâm khác. Sau khi tâm quả diệt đi, một loại tâm khác sẽ sinh khởi, chẳng hạn như tâm thích hay không thích đối tượng, đó là tâm tham căn hay tâm sân căn. Nếu không biết các loại tâm khác nhau, mọi người có thể nghĩ rằng thích hay không thích chỉ là quả. Tuy nhiên, thích hay không thích sinh khởi sau khi tâm quả diệt đi; chúng không phải là quả của nghiệp. Tâm tham căn hay tâm sân căn không phải là tâm quả mà là tâm bất thiện.

Các loại tâm khác nhau tiếp nối nhau rất nhanh. Chẳng hạn, khi chúng ta nghe âm thanh chói tai, tâm quả sinh khởi tại giây phút âm thanh được tiếp nhận qua tai và ngay lập tức diệt mất. Khoảnh khắc tâm quả xuất hiện cực kỳ ngắn ngủi. Sau đó có thể có các tâm bất thiện. Chẳng hạn, thích hay không thích sinh khởi và theo sát đến mức dường như nó sinh khởi cùng thời điểm với cái nghe. Trên thực tế, những tâm đó không sinh khởi cùng một khoảnh khắc, mỗi tâm đều có các duyên sinh khởi riêng và đảm nhận chức năng riêng của nó. Tâm quả là quả của nghiệp bất thiện hay nghiệp thiện đã tạo trong quá khứ. Thích hay không thích sau tâm quả là bất thiện pháp. Cần biết rằng, tâm bất thiện sinh khởi sẽ càng tích lũy thêm bất thiện, và điều đó sẽ dẫn đến càng nhiều bất thiện pháp trong tương lai.

Chúng ta thường không biết tại lúc nào là tâm quả và lúc nào là tâm bất thiện, vì chúng ta cho các cảm thọ về đối tượng đang kinh nghiệm quá quan trọng. Cảm thọ hỷ đi kèm với tâm tham căn và cảm thọ ưu đi kèm với tâm sân căn có thể mạnh đến mức ta hoàn toàn bị cuốn theo các cảm thọ ấy. Vì vậy chúng ta không thể thấy mọi thứ như chúng là.

Một phần của cuộc đời chúng ta diễn ra trong việc tiếp nhận các kết quả dễ chịu và khó chịu, một phần khác là tạo thêm các tâm thiện và bất thiện thúc đẩy các việc làm thiện và bất thiện. Những việc làm này làm duyên cho cuộc sống tương lai, chúng tạo duyên cho kết quả sẽ nhận được trong tương lai. Hiểu biết hơn về tâm quả, kết quả của những việc làm của chính mình, sẽ giúp ta thêm kiên nhẫn khi các kết quả khó chịu xảy ra trong cuộc đời. Ta sẽ không trách cứ người khác về những quả khó chịu mà mình nhận được, bởi vì nghiệp là nguyên nhân thực sự của quả. Chúng ta sẽ bớt làm nô lệ cho các cảm thọ liên quan đến quả khi biết các tâm khác nhau sinh khởi tại những khoảnh khắc khác nhau.

Như vậy, Đức Phật đã chứng tỏ lòng từ bi lớn lao của Ngài khi dạy mọi người hiểu được thực tại, qua việc dạy Giáo pháp cho họ.

********

Chú thích

(1) Có 4 giai đoạn giác ngộ, ở mỗi giai đoạn, các phiền não được tận diệt một cách từ từ.

(2) Mula có nghĩa là rễ, nó đồng nghĩa với hetu (nhân)

(3) Người cư sĩ tại gia có thể giữ năm giới, bao gồm tránh sát sinh, tránh trộm cắp, tránh tà dâm, tránh nói dối , tránh uống rượu và các chất say.

Comments are closed.

Translate »