Đạo Phật trong đời sống hàng ngày: chương 12

Chương 12 – Vipassanā

Câu hỏi: Trong phát triển Vipassanā, hay minh sát tuệ, chúng ta học để thấy mọi thứ như chúng là. Thấy mọi thứ như chúng là có nghĩa là: thấy danh (nāma) và sắc (rūpa) như chúng là. Vì vậy, chúng ta cần phải phân biệt giữa danh và sắc một cách rõ ràng hơn. Sắc là cái không kinh nghiệm gì cả. Liệu chúng ta có thể nói rằng danh là cái kinh nghiệm còn sắc là cái được kinh nghiệm không?

Nina: Bạn nói rằng sắc là cái được kinh nghiệm. Câu nói của bạn có ý rằng danh không thể được kinh nghiệm. Danh không chỉ kinh nghiệm sắc mà còn kinh nghiệm cả danh nữa. Bạn có nhận thấy lúc có cảm thọ hỷ, lúc có tâm sân và lúc có suy nghĩ không? Đó không phải là một cái “ngã” nhận thấy điều đó, nhưng là danh. Tại những khoảnh khắc đó, danh hay biết danh.

Câu hỏi: Trong Vipassanā, chúng ta phát triển chánh niệm. Chánh niệm luôn hay biết cái gì đó. Tôi không chắc là tôi hiểu chánh niệm là gì.

Nina: Từ “sati” trong tiếng Pāli được dịch sang tiếng Anh là “chánh niệm” hay “hay biết”. Những từ này có thể gây nhầm lẫn. Khi nói theo ngôn ngữ chế định rằng, chúng ta hay biết cái gì đó có nghĩa là chúng ta biết hay kinh nghiệm cái gì đó, nhưng điều đó không có nghĩa là có sati (chánh niệm). Tuy nhiên, chúng ta dùng từ nào để gọi tên thực tại là chánh niệm thì không quan trọng, mà điều quan trọng là phải hiểu đặc tính của nó.

Chánh niệm là một tâm sở “tịnh hảo” (sobhana cetasika), nó chỉ sinh khởi cùng với tâm tịnh hảo (sobhana citta) (1). Mỗi tâm thiện (kusala citta) đều có chánh niệm đi kèm để không quên, cần mẫn lưu tâm cái gì là thiện, ngăn ngừa bất thiện. Có nhiều mức độ chánh niệm khác nhau. Có chánh niệm cùng với bố thí (dāna). Khi ta bố thí, chánh niệm không quên việc thiện là bố thí. Có chánh niệm cùng với sīla, hay trì giới. Khi chúng ta giữ giới không sát sinh, có chánh niệm đang lưu tâm, ngăn chúng ta khỏi sát sinh. Có chánh niệm trong Samatha, tức là sự phát triển an tịnh. Chẳng hạn, khi chúng ta suy niệm về ân Đức Phật, có khoảnh khắc an tịnh; đó chính là chánh niệm hay biết đối tượng tạo duyên cho sự an tịnh. Khi chúng ta phát triển Vipassanā, có chánh niệm đi kèm với tâm thiện và nó hay biết về bất cứ danh hay sắc nào đang sinh khởi bây giờ, tại giây phút này, thông qua một trong sáu môn. Thông qua chánh niệm về danh và sắc, chúng ta sẽ học cách thấy mọi thứ như chúng là. Vì vậy, bất kể chúng ta đang bố thí, trì giới, phát triển Samatha hay Vipassanā, luôn có chánh niệm cùng với tâm thiện, nhưng phẩm chất của chánh niệm lại khác nhau tại những giây phút khác nhau ấy.

Câu hỏi: Làm thế nào tôi có thể biết khi nào có chánh niệm của Vipassanā?

Nina: Để có thể biết khi nào có chánh niệm của Vipassanā, chúng ta cần phải hiểu đối tượng của chánh niệm là gì: là một thực tại, một danh hay sắc sinh khởi hiện giờ. Danh và sắc xuất hiện một lần tại một thời điểm thông qua sáu môn. Chúng là những thực tại có thể được kinh nghiệm trực tiếp. Chúng ta vô minh về các thực tại và không biết sự khác biệt giữa các thực tại, các khái niệm hay ý niệm. Chúng ta có thể nghĩ về các khái niệm và ý niệm, nhưng đó không phải là những thực tại có thể được kinh nghiệm trực tiếp thông qua một trong sáu môn. Chúng ta cho rằng có mọi người và đồ vật ở đó, một cách trường tồn, và không thấy rằng, cái mà chúng ta coi là trường tồn hoặc là ngã, trên thực tế, chỉ là các hiện tượng khác nhau, chúng đều vô thường và vô ngã.

Chúng ta dính mắc vào khái niệm về một người hay thứ gì đó tồn tại, nhưng trên thực tế, đó là cái gì? Cái gì có thể được kinh nghiệm trực tiếp qua một trong sáu môn? Không phải là một người hay một thứ nào đó tồn tại, chỉ là các yếu tố khác nhau hiện diện một mình tại một thời điểm thông qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, thông qua sáu môn này.

Chẳng hạn, khi chúng ta cầm lát bánh mỳ, thường là không có sự phát triển minh sát, mà thay vào đó, chúng ta bám víu vào khái niệm “cái bánh mì” – cái được cho là kéo dài, ít nhất trong một khoảng thời gian nào đó. Bánh mì là một khái niệm hay ý niệm, nó không phải là một thực tại có thể được kinh nghiệm trực tiếp. Những thực tại nào có thể được kinh nghiệm trực tiếp trong trường hợp ấy? Thông qua mắt, tức là thị giác, có đối tượng thị giác có thể được kinh nghiệm. Chúng ta không nhìn thấy lát bánh mì, nhưng chúng ta có thể nghĩ về bánh mì vì có sự ghi nhớ từ các kinh nghiệm quá khứ. Thấy đối tượng thị giác tạo duyên cho sự suy nghĩ về khái niệm bánh mì. Đối tượng thị giác chỉ xuất hiện thông qua mắt. Cái thấy thấy đối tượng thị giác. Đối tượng thị giác và cái thấy là những thực tại có thể được biết bởi trí tuệ, hay paññā. Khi chúng ta chạm vào lát bánh mì, đối tượng xúc chạm có thể được kinh nghiệm thông qua thân căn, tức là: cứng, mềm, nóng, lạnh, sự chuyển động, hay co dãn. Chúng là những thực tại, là sắc pháp, có thể được biết bởi trí tuệ. Danh pháp kinh nghiệm các sắc này cũng là thực và nó có thể được biết bởi trí tuệ. Thông qua mũi, mùi có thể được kinh nghiệm. Sắc khi đó là mùi và danh kinh nghiệm mùi là cũng là những  thực tại có thể được biết bởi trí tuệ. Thông qua lưỡi, vị có thể được kinh nghiệm. Sắc khi đó là vị và danh kinh nghiệm vị là thực tại cũng đều có thể được hay biết. Như vậy, chúng ta thấy rằng có nhiều loại danh và sắc khác nhau đều có thể được hay biết một mình tại một thời điểm. Chúng ta vẫn nghĩ rằng “tôi thấy, tôi nghe, tôi kinh nghiệm”, nhưng thông qua phát triển minh sát, chúng ta sẽ học được rằng chỉ có danh và sắc, không có cái ngã nào cả. Danh là cái thấy làm việc “thấy”, chứ không phải “ta” thấy. Cái thấy sinh khởi bởi nhân duyên rồi diệt ngay tức thì, mặc dù chúng ta không nhận ra nó. Danh là cái nghe làm việc nghe, không phải “ta” nghe. Có nhiều loại danh khác nhau kinh nghiệm các đối tượng khác nhau.

Đối tượng của chánh niệm có thể là một danh hoặc một sắc tại một thời điểm, không phải là khái niệm hay ý niệm như một người, một cái cốc hay một lát bánh mì. Chúng ta sử dụng các tên gọi trong cuộc sống hàng ngày để chỉ các khái niệm và ý niệm, nhưng chúng ta phải biết sự khác nhau giữa khái niệm và đặc tính của danh và sắc – cái có thể được kinh nghiệm trực tiếp mà không cần phải đặt tên. Danh và sắc là những thực tại tuyệt đối (hay pháp chân đế – paramattha dhammās), chúng đều có đặc tính riêng. Chẳng hạn, cái thấy có đặc tính riêng của nó; chúng ta có thể sử dụng các tên gọi khác nhau bằng các ngôn ngữ khác nhau để chỉ cái thấy, nhưng đặc tính của nó thì không thay đổi. Cái thấy thì luôn thấy, dù chúng ta gọi nó là gì; đó là một danh kinh nghiệm đối tượng thị giác và nó có thể được nhận biết khi nó xuất hiện. Có cái thấy bây giờ không? Cái cứng thì luôn cứng, cho dù chúng ta gọi nó là gì; nó là một sắc được kinh nghiệm qua thân căn. Có cái cứng bây giờ không? Như vậy, chúng ta có thể sử dụng các tên gọi khác nhau là một danh hay một sắc, nhưng đặc tính của chúng thì không thể thay đổi. Khi chúng xuất hiện thông qua một trong sáu môn, chúng có thể được kinh nghiệm trực tiếp. Chúng ta có thể nghĩ về các khái niệm và ý niệm, nhưng đó không phải là các thực tại tuyệt đối. Khi chúng ta nghĩ về chúng, bản thân sự suy nghĩ cũng là một thực tại sinh khởi, nó là một loại danh; nó sinh khởi bởi duyên.

Chánh niệm trong Vipassanā là hay biết, không quên, các thực tại tuyệt đối, các danh và sắc đang xuất hiện. Nó hoàn toàn khác với cái mà chúng ta gọi là “hay biết” theo ngôn ngữ quy ước. Mỗi một tâm đều kinh nghiệm một đối tượng, nó “hay biết” hay ý thức về một đối tượng, nhưng không phải mọi tâm đều kèm theo tâm sở chánh niệm. Chẳng hạn, đặc tính cứng có thể được kinh nghiệm bởi nhiều loại tâm khác nhau, nhưng không phải loại tâm nào cũng có chánh niệm đi kèm. Khi có chánh niệm – cái hay biết đặc tính của cái cứng, chỉ duy nhất đặc tính đó xuất hiện và tại khoảnh khắc đó, không có suy nghĩ về cái gì cứng hay về một cái tay chạm vào cái gì cứng. Một cái gì cứng hay một cái tay chạm vào cái gì cứng đều là những khái niệm mà chúng ta nghĩ đến, nhưng tại khoảnh khắc đó, không có chánh niệm về đặc tính của cái cứng. Tại khoảnh khắc chánh niệm hay biết cái cứng xuất hiện, trí tuệ có thể thẩm sát đặc tính đó để biết nó như nó là: chỉ là một sắc, không phải là một thứ gì trường tồn, không phải là “ngã”.

Khi mới bắt đầu, chưa thể có hiểu biết rõ ràng về danh và sắc, nhưng thông qua chánh niệm về đặc tính của danh và sắc xuất hiện một mình tại một thời điểm, trí tuệ có thể dần dần phát triển.

Biết được sự khác biệt giữa khoảnh khắc có chánh niệm và khoảnh khắc không có chánh niệm là rất quan trọng. Thông thường là thất niệm về thực tại, nhưng đôi khi chánh niệm có thể sinh khởi. Chúng ta sẽ học biết sự khác biệt này từ kinh nghiệm. Sau một thời gian dài thất niệm về các thực tại, chánh niệm có thể sinh khởi và hay biết một đặc tính của danh và sắc tại một thời điểm. Không phải một tự ngã nào có chánh niệm, mà là sati. Chúng ta không thể làm cho chánh niệm sinh khởi bởi vì nó là một loại danh pháp và vô ngã. Nó chỉ có thể sinh khởi khi có duyên cho nó sinh khởi.

Câu hỏi: Chúng ta không thể nào chánh niệm về danh và sắc cùng một lúc, nhưng tôi muốn biết danh và sắc có liên quan với nhau như thế nào. Khi có cái nghe, cũng có cả âm thanh – cái là sắc pháp. Khi có cái thấy, cũng có cả đối tượng thị giác, cũng là sắc pháp.

Nina: Bạn muốn có kiến thức lý thuyết về tất cả danh và sắc hay bạn muốn phát triển tuệ giác – cái kinh nghiệm trực tiếp đặc tính của các hiện tượng xuất hiện thông qua ngũ căn và ý môn? Có nhiều mức độ tuệ giác khác nhau và chúng ta nên nhận ra chúng ta đang phát triển loại tuệ giác nào.

Có nhiều loại sắc pháp, một số trong đó được tạo duyên bởi nghiệp, một số bởi tâm, một số bởi nhiệt độ và một số khác bởi vật thực. Có nhiều loại danh pháp. Danh pháp có thể tạo duyên cho sắc pháp và sắc pháp có thể tạo duyên cho danh pháp theo nhiều cách khác nhau.

Câu hỏi: Tại sao bạn lại dùng từ “duyên”? Duyên có nghĩa là nguyên nhân phải không?

Nina: Khi nói về nguyên nhân, chúng ta thường nghĩ về một nguyên nhân mang đến một kết quả. Tuy nhiên, có nhiều mối duyên hệ khác nhau cho mỗi một danh và sắc. Chẳng hạn, khi có cái thấy, sắc pháp là đối tượng thị giác tạo duyên cho cái thấy với tư cách là một đối tượng. Nhưng cái thấy không chỉ có đối tượng thị giác làm duyên. Nhãn căn, một loại sắc khác, cũng tạo duyên cho cái thấy. Khi nghiên cứu Giáo pháp, chúng ta sẽ hiểu hơn về các duyên hệ khác nhau và thấy cách hoạt động của chúng rất phức tạp mỗi khi chúng ta kinh nghiệm một đối tượng. Khi biết rằng có nhiều yếu tố tạo duyên cho sự sinh khởi của các hiện tượng như cái thấy hay cái nghe, chúng ta sẽ hiểu hơn, ít nhất về mặt lý thuyết, rằng cái thấy hay cái nghe chỉ là hiện tượng do duyên khởi, rằng chúng không thuộc về một người hay một cái ngã nào.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết loại trí tuệ nào mình muốn phát triển; liệu chúng ta chỉ muốn phát triển hiểu biết lý thuyết về chân lý, bằng sự suy nghĩ về nó; hay chúng ta cũng muốn phát triển tuệ giác về chân lý thông qua kinh nghiệm trực tiếp nữa?

Câu hỏi: Tôi không hiểu sự khác biệt giữa suy nghĩ về chân lý và kinh nghiệm trực tiếp chân lý. Làm thế nào chúng ta có thể kinh nghiệm trực tiếp chân lý?

Nina: Chân lý có thể được biết thông qua kinh nghiệm trực tiếp; tuy nhiên, không phải là một cái “ngã” biết điều ấy, mà là trí tuệ. Trí tuệ có thể trực tiếp biết các đặc tính khác nhau của danh và sắc khi chúng xuất hiện. Chẳng hạn, khi chúng ta cảm thấy nóng, và chánh niệm hay biết đặc tính của cái nóng, trí tuệ có thể hiểu được rằng đó chỉ là một loại sắc. Không cần thiết phải nghĩ về nó. Tại khoảnh khắc chúng ta nghĩ về nó hay chúng ta gọi nó là “sắc”, đặc tính của cái nóng không thể được hay biết. Chỉ cái xuất hiện tại khoảnh khắc hiện tại mới được hay biết một cách trực tiếp. Hiểu biết có được từ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại sâu sắc hơn hiểu biết có được từ việc suy nghĩ.

Câu hỏi: Khi có cái thấy, cái thấy được tạo duyên bởi sắc là đối tượng thị giác và sắc là nhãn căn. Liệu tôi có thể kinh nghiệm được các sắc tạo duyên cho cái thấy không?

Nina: Điều quan trọng cần nhớ là chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm danh hay sắc đang xuất hiện tại giây phút hiện tại; không phải là danh hay sắc đang không xuất hiện. Tùy thuộc vào tích lũy của chúng ta và vào sự phát triển tuệ giác mà loại danh và sắc nào có thể được trực nhận. Không thể quy định loại danh và sắc nào chúng ta nên hay biết và theo thứ tự nào.

Câu hỏi: Có phải chúng ta không nên đặt tên cho các thực tại khi chánh niệm về chúng, vì chúng đã diệt đi ngay lúc chúng ta gọi tên chúng?

Nina: Suy nghĩ về một cái tên có phải là một thực tại không? Nó có xuất hiện không?

Câu hỏi: Vâng, nó sinh khởi, nó là một loại danh. Chúng ta không thể ngăn loại danh đó xuất hiện.

Nina: Đúng vậy, nó sinh khởi bởi những duyên riêng của nó. Chẳng phải bạn cũng nghĩ rằng thực tại này cũng có thể được biết hay sao? Khi có cái thấy, đặc tính của cái thấy có thể được biết. Khi có suy nghĩ về cái thấy là có một loại danh pháp khác với cái thấy. Nếu chúng ta cố điều khiển chánh niệm và nghĩ rằng cần hay không cần chánh niệm về một loại thực tại cụ thể nào, điều ấy có nghĩa là chúng ta không hiểu chánh niệm là vô ngã, anattā. Danh và sắc sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng, chúng nằm ngoài sự kiểm soát. Nếu cố gắng kiểm soát chánh niệm, chúng ta sẽ không biết được thực tại như chúng là.

Câu hỏi: Tôi vẫn nghĩ rằng tốt hơn là không nghĩ về tên gọi của các hiện tượng. Có phải vậy không?

Nina: Không cần nghĩ về tên gọi của chúng; đặc tính của danh và sắc có thể được kinh nghiệm trực tiếp. Nhưng nếu có danh pháp – cái suy nghĩ về một cái tên sinh khởi, chúng ta không thể ngăn chặn nó, suy nghĩ là một thực tại mà cũng có đặc tính riêng của nó và nó cũng có thể được nhận biết.

Câu hỏi: Tôi có nghe rằng Tứ niệm xứ hay “satipaṭṭhāna” bao gồm: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp. Làm thế nào tôi có thể chánh niệm theo bốn xứ như vậy?

Nina: Không cần nghĩ về “Tứ niệm xứ” khi chúng ta hay biết về danh và sắc. Chúng ta chỉ có thể phát triển hiểu biết về thực tại đang xuất hiện tại giây phút hiện giờ. Đức Phật dạy Tứ niệm xứ để chỉ cho mọi người thấy rằng mọi danh và sắc đều có thể là đối tượng của chánh niệm. Điều ấy không có nghĩa là chúng ta nên nghĩ về Tứ niệm xứ khi chúng ta hay biết. Chúng ta không thể kiểm soát loại danh hay sắc nào sẽ xuất hiện; chúng là vô ngã, anattā.

Câu hỏi: Liệu chúng ta có thể gọi cái “tôi” là đối tượng của chánh niệm không? Nó nằm trong phần nào của Tứ niệm xứ?

Nina: Cái “tôi” của bạn ở đâu và đặc tính của nó là gì? Làm thế nào bạn kinh nghiệm nó và qua căn nào? Bạn có kinh nghiệm nó thông qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý môn?

Câu hỏi: Tôi chỉ có thể nghĩ về cái ngã nhưng không thể kinh nghiệm trực tiếp đặc tính của nó.

Nina: Chúng ta có thể nghĩ về nhiều thứ khác nhau, nhưng thực tại của khoảnh khắc đó chỉ là sự suy nghĩ. Trong phát triển minh sát, chúng ta học rằng cái chúng ta cho là ngã chỉ là danh và sắc sinh rồi diệt ngay. Trên thực tế không có gì khác ngoài danh và sắc. Vì vậy không có cái “tôi” nào đó nằm trong (đối tượng của) Tứ niệm xứ.

Câu hỏi: Thế còn các thực tại bên ngoài chúng ta, liệu chúng ta có tà kiến về chúng hay không?

Nina: Bạn có thể đưa ví dụ về các thực tại bên ngoài chúng ta được không?

Câu hỏi: Tôi muốn nói đến những thứ như cái chai, cái bàn hay cái ghế.

Nina: Những thứ như cái chai, cái bàn hay cái ghế không phải là thực tại tuyệt đối, chúng là những khái niệm mà chúng ta nghĩ đến. Do vô minh và tà kiến mà chúng ta cho rằng chúng trường tồn và có thực. Điều quan trọng cần biết là sự khác biệt giữa các thực tại tuyệt đối, danh và sắc – những thứ có đặc tính riêng của chúng, và các khái niệm. Cái chúng ta gọi là cái chai, cái bàn hay cái ghế, trên thực tế, chỉ là các loại sắc khác nhau sinh rồi diệt. Sắc này diệt đi được thay thế ngay bằng sắc khác, chừng nào vẫn còn duyên cho chúng sinh khởi.

Tà kiến về thực tại chỉ có thể được tận diệt khi đặc tính của danh và sắc được biết đến khi chúng xuất hiện một mình tại một thời điểm thông qua các căn môn khác nhau.

Câu hỏi: Tôi nghe nói về những người tập trung vào phồng xẹp. Họ nói rằng đôi khi có chánh niệm về sự sinh và diệt của sắc pháp và đôi khi có chánh niệm trên tâm hay biết sự sinh diệt của sắc pháp. Đó có phải là cách phát triển chánh niệm đúng hay không?

Nina: Cái mà chúng ta gọi là bụng, trên thực tế, chỉ là các loại sắc khác nhau. Chánh niệm chỉ có thể hay biết một đặc tính của sắc tại một thời điểm. Chẳng hạn, thông qua thân căn chúng ta có thể kinh nghiệm những đặc tính cứng, mềm, nóng, lạnh, sự chuyển động và sự co giãn, nhưng chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm một trong những đặc tính đó tại một thời điểm.

Câu hỏi: Khi kinh nghiệm sắc pháp là sự chuyển động, chúng ta không kinh nghiệm sự sinh diệt của sắc pháp ư?

Nina: Trong phát triển Vipassanā, có nhiều giai đoạn tuệ giác (Vipassanā ñāṇa). Tuệ minh sát đầu tiên là, thông qua kinh nghiệm trực tiếp, biết rõ sự khác biệt giữa đặc tính của danh và đặc tính của sắc, hay còn gọi là “tuệ phân biệt danh sắc” (tiếng Pāli được gọi là: nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa). Tại giai đoạn tuệ minh sát này, không có chút hoài nghi nào về sự khác biệt giữa đặc tính của danh và đặc tính của sắc xuất hiện tại khoảnh khắc đó. Tuy nhiên, Vipassanā cần phải tiếp tục phát triển nhằm có được sự hiểu biết rõ ràng hơn về danh và sắc. Chỉ ở giai đoạn sau mới có thể biết đến sự sinh diệt của danh và sắc. Không thể đạt đến giai đoạn này nếu không chứng ngộ các giai đoạn trước. Làm sao có thể trực nhận sự sinh diệt của danh và sắc nếu trước tiên không thấy rõ sự khác biệt giữa đặc tính của danh và sắc?

Câu hỏi: Có phải sự sinh diệt của sắc pháp nhanh hơn chuyển động của bụng không?

Nina: Danh và sắc sinh diệt cực kỳ nhanh. Chẳng hạn, dường như có cái thấy và cái nghe ở cùng một thời điểm. Trên thực tế thì không phải vậy. Cái nghe có thể sinh khởi ngay sau cái thấy, nhưng khi có cái nghe, cái thấy đã diệt mất hoàn toàn vì chỉ có thể có một tâm (citta) tại một thời điểm. Chẳng hạn, chúng ta thấy rằng tâm sinh và diệt rất nhanh, tiếp nối nhau. Mặc dù biết rằng các thực tại sinh và diệt, chúng ta vẫn chưa có hiểu biết trực tiếp về sự thực đó. Hiểu biết về sự khác biệt giữa các đặc tính của danh và sắc phải ngày một sắc bén hơn. Chỉ khi tuệ giác được phát triển ở mức độ cao mới có trí tuệ trực nhận về sự sinh diệt của danh và sắc.

Câu hỏi: Làm thế nào để tuệ giác có thể trở nên sắc bén hơn?

Nina: Chỉ bằng cách hay biết về danh và sắc khi chúng xuất hiện, một mình tại một thời điểm. Có cái thấy hiện giờ không, hay cái nghe hiện giờ không? Nếu chúng ta cố gắng tập trung vào loại danh và sắc cụ thể nào đó, khi đó sẽ chỉ là suy nghĩ mà thôi chứ không phải hiểu biết trực tiếp về bất kỳ thực tại nào xuất hiện ở giây phút hiện tại. Các thực tại như cái thấy, cái nghe, đặc tính cứng hay suy nghĩ sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng, chúng ta không thể điều tiết sự sinh khởi của chúng. Liệu chúng ta có nên biết đặc tính của chúng không? Hay chúng ta nên tiếp tục vô minh về chúng? Nếu cố gắng tập trung vào một danh hay sắc, chúng ta đang có tâm tham và điều này sẽ không dẫn đến sự xả ly khỏi ý niệm về ngã.

Câu hỏi: Dường như là chúng ta phải hay biết quá nhiều danh và sắc khác nhau?

Nina: Chúng ta phải hay biết đi hay biết lại về danh và sắc để có thể xả ly khỏi ý niệm về ngã. Sẽ không đủ khi chỉ hay biết một loại danh hay sắc. Cần có chánh niệm về bất kỳ loại thực tại nào sinh khởi. Nếu có chánh niệm, vắng bóng ý niệm về ai đó đang chánh niệm, sẽ có nhân duyên để trí tuệ dần biết rõ hơn về danh và sắc. Không có ai có thể kiểm soát bất cứ thứ gì.

Câu hỏi: Tôi có thể thấy rằng rất hữu ích khi biết về sự khác biệt giữa danh và sắc về mặt lý thuyết. Nhưng khi hay biết về danh và sắc, tôi có xu hướng nghĩ rằng không cần thiết phải phân biệt chúng; tôi hoài nghi liệu điều đó có giúp chúng ta xả lý ý niệm về ngã hay không.

Nina: Làm sao có thể có hiểu biết sâu sắc về các thực tại nếu không nhận ra sự khác biệt giữa danh pháp – loại thực tại kinh nghiệm cái gì đó, cảm thọ hay sự ghi nhớ, và sắc pháp – loại thực tại không kinh nghiệm cái gì cả? Nếu không nhận ra sự khác nhau giữa danh và sắc, chúng ta sẽ nhầm lần, chẳng hạn, giữa cái nghe là danh pháp và âm thanh là sắc pháp. Khi có cái nghe thì cũng có cả âm thanh, nhưng chánh niệm chỉ có thể hay biết một đặc tính tại một thời điểm. Đôi khi có thể có chánh niệm về cái nghe, đôi khi về âm thanh. Nếu không biết đặc tính nào xuất hiện, cái nghe hay âm thanh, điều đó rõ ràng là chúng ta vẫn vô minh về thực tại xuất hiện tại giây phút hiện tại.

Câu hỏi: Thực tại tại giây phút hiện giờ diệt đi rất nhanh, làm thế nào chúng ta có thể nắm bắt được nó?

Nina: Nếu cố gắng “nắm bắt” một thực tại, chúng ta không có hiểu biết đúng và vì vậy sự thật sẽ không được biết đến. Các thực tại được kinh nghiệm thông qua sáu môn, nhưng nếu tuệ giác chưa được phát triển, chúng ta không thể thấy rõ loại thực tại nào đang được kinh nghiệm qua môn nào. Chừng nào chưa có hiểu biết sâu sắc về đặc tính của các thực tại, sẽ vẫn chưa có sự xả ly khỏi ý niệm về ngã. Khi tuệ giác được phát triển hơn, trí tuệ sẽ biết loại thực tại nào được kinh nghiệm qua môn nào.

Câu hỏi: Có phải rất khó để biết được rằng một thực tại là danh hay là sắc phải không? Dường như có vẻ không khó lắm!

Nina: Bạn có thể nghĩ rằng rất dễ biết cái thấy là một danh pháp, khác với đối tượng thị giác là sắc pháp, nhưng bạn có chắc chắn cái đang sinh khởi tại giây phút hiện tại là danh hay sắc không? Có chánh niệm không và chánh niệm hay biết cái gì?

Câu hỏi: Tôi không chắc về thực tại đang xuất hiện tại giây phút hiện giờ. Dường như là cái thấy và đối tượng thị giác xuất hiện cùng một lúc.

Nina: Chánh niệm chỉ có thể hay biết một thực tại tại một thời điểm. Khi dường như đối với chúng ta, cái thấy và đối tượng thị giác “xuất hiện” cùng một lúc, khi đó không có chánh niệm, chỉ có sự suy nghĩ về các hiện tượng. Khi chúng ta chưa phát triển hiểu biết về các thực tại một cách sâu sắc, các thực tại sẽ không được biết khi chúng xuất hiện một mình tại một thời điểm. Chúng ta có thể biết về mặt lý thuyết rằng, danh pháp khác với sắc pháp, nhưng đó chưa phải là trí tuệ có thể dẫn đến sự xả ly khỏi ý niệm về ngã.

Cần phải biết sự khác biệt giữa danh và sắc xuất hiện, nhưng chúng ta không nên cố gắng “nắm bắt” thực tại của giây phút hiện tại. Khi chúng ta mới bắt đầu phát triển tuệ giác, chưa thể có hiểu biết rõ ràng về các thực tại. Khi có chánh niệm nhiều lần lặp lại về đặc tính của các thực tại, trí tuệ sẽ phát triển sắc bén đến mức chúng ta sẽ không còn coi các thực tại là ngã, là “ta” nữa.

********

Chú thích

(1)  Các tâm tịnh hảo không chỉ bao gồm các tâm thiện mà cả các tâm quả thiện, và các tâm duy tác của vị A la hán, đi kèm với các nhân tịnh hảo.

Comments are closed.

Translate »