Con đường Đức Phật : Tâm

Tâm

========

 

Đức Phật dạy về chân lý vô ngã. Những gì được gọi là tâm hay linh hồn không phải là một tự ngã mà là những yếu tố tâm thức luôn thay đổi, sinh rồi diệt. Hàm ý của sự thật này rất khó nắm bắt. Trước khi biết đến Phật giáo, chúng ta coi tâm là cốt lõi và bản chất của con người. Chúng ta cho rằng tâm là cái suy nghĩ, ra các quyết định và hoạch định cuộc sống của chúng ta. Để hiểu được lời dạy của Đức Phật về tâm là vô ngã, cần phải có một kiến thức chi tiết hơn về tâm. Từ “tâm” dễ gây hiểu lầm do được gắn với một số khái niệm nhất định nào đó trong triết học phương Tây, nó thường chỉ gắn với suy nghĩ. Tâm, theo Phật giáo, kinh nghiệm hoặc hay biết đối tượng, và điều này phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó. Vì vậy, tôi muốn sử dụng thuật ngữ citta trong tiếng Pāli (phát âm là “chi-ta”) hơn. Citta có nguồn gốc từ thuật ngữ Pāli “cinteti”, là nhận thức hay suy nghĩ. Tâm nhận biết đối tượng.

 

“Tâm hồn”, “linh hồn” hay “tinh thần” là “các thực tại chế định”. Thông qua Phật giáo, chúng ta tìm hiểu về các thực tối hậu như tôi đã giải thích trong chương trước. Tất cả các hoạt động của tâm mà chúng ta thường gán cho là “tâm chúng ta” được thực hiện bởi citta, nhưng không phải bởi một citta, mà nhiều citta khác nhau. Citta là những khoảnh khắc tâm vô thường, sinh và diệt tiếp nối nhau. Cuộc sống của chúng ta là những chuỗi citta không gián đoạn. Nếu không có citta, chúng ta sẽ không thể tồn tại, chúng ta không thể nghĩ, đọc, nghiên cứu, hành động hoặc nói chuyện. Khi chúng ta đi hoặc với tay lấy một vật gì đó thì citta tạo duyên cho các chuyển động đó. Chính citta nhận biết thế giới bên ngoài; nếu không có citta thì không gì có thể xuất hiện. Thế giới bên ngoài xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn. Chúng ta nghĩ về những gì được thấy, được nghe hoặc kinh nghiệm qua các giác quan khác. Không chỉ có các citta suy nghĩ, mà xen kẽ còn có các citta thấy, nghe hay kinh nghiệm các đối tượng qua các giác quan khác. Khi chúng ta chạm vào một cái gì đó cứng hay mềm, có các citta kinh nghiệm đối tượng xúc chạm qua thân thức, và sau đó có các citta nghĩ về những gì đã chạm là một cái bàn hay một chiếc ghế.

 

Trước khi chúng ta nghiên cứu Giáo lý của Đức Phật, chúng ta  không xem tâm như một thực tại có thể thấy hoặc nghe. Đức Phật dạy rằng cái thấy và cái nghe cũng là các citta.  Có rất nhiều loại citta, mỗi citta kinh nghiệm một đối tượng. Có citta thấy (nhãn thức) kinh nghiệm một đối tượng là đối tượng thị giác  (màu sắc). Nó kinh nghiệm đối tượng thị giác qua nhãn căn. Nhãn căn là “cửa” cho nhãn thức kinh nghiệm đối tượng thị giác. Nhĩ thức (tâm nghe) kinh nghiệm âm thanh qua nhĩ căn. Cái thấy và cái nghe là các citta hoàn toàn khác nhau, lệ thuộc vào các duyên khác nhau. Các citta kinh nghiệm các đối tượng qua các cửa giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn. Trước khi tìm hiểu Giáo lý, chúng ta không chú ý tới cái thấy như là một citta kinh nghiệm đối tượng thị giác qua nhãn môn, hoặc chúng ta không chú ý đến cái nghe như một citta kinh nghiệm âm thanh qua nhĩ môn. Các citta, đối tượng và các cửa giác quan đều là những thực tại tối hậu mà Đức Phật đã dạy.

 

Người ta có thể nghi ngờ tính hữu ích của việc biết chi tiết về các citta, đối tượng và căn môn. Biết rành rọt hơn về các hiện tượng đang diễn ra liên tục trong cuộc sống của chúng ta là điều quan trọng. Chúng ta không thấy được sự thật mà lại tin rằng, các hiện tượng của đời sống là trường tồn và chúng là  “tự ngã”, hoặc thuộc về một “cái tôi”, và rằng chúng ta có thể dùng sức mạnh để kiểm soát chúng. Đức Phật dạy rằng chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Những đặc tính này không trừu tượng,  chúng là thuộc tính của cái thấy, nhãn căn, đối tượng thị giác, của tất cả các hiện tượng sinh khởi và diệt đi trong từng khoảnh khắc. Do hiểu biết về bản chất của những hiện tượng này chỉ có thể phát triển từ từ, chúng ta cần bắt đầu tìm hiểu chúng một cách cụ thể. Theo nghĩa tột cùng, chỉ có danh và sắc. Chừng nào các hiện tượng này chưa thể được phân biệt với nhau thì chưa có hiểu biết chính xác về chúng.

 

Citta thấy, tức là tâm thấy, là một hiện tượng tâm (danh pháp), nó kinh nghiệm đối tượng. Nó tùy thuộc vào nhãn căn – một hiện tượng vật chất (sắc pháp). Nhãn căn không thấy nhưng nó có khả năng tiếp nhận màu sắc để nhãn thức có thể kinh nghiệm màu sắc đó. Màu sắc hay đối tượng thị giác cũng là một  sắc pháp, nó không kinh nghiệm gì cả. Cái thấy, cái nghe và các kinh nghiệm thông qua các giác quan đều tùy thuộc vào các duyên. Nếu không có cửa giác quan thì các đối tượng giác quan khác nhau không thể được kinh nghiệm, và do đó cái mà chúng ta gọi là ” thế giới bên ngoài” không thể xuất hiện. Khi chúng ta ngủ say, không mộng mị, thế giới không xuất hiện. Chúng ta không biết cha mẹ hoặc bạn bè mình là ai, không biết nơi chúng ta đang sống. Khi chúng ta thức dậy, thế giới xung quanh xuất hiện trở lại. Chúng ta có thể thực chứng rằng có sự tác động của các đối tượng giác quan lên trên các giác quan tương ứng, và đó là điều kiện cho việc kinh nghiệm thế giới xung quanh. Có citta thấy, citta nghe và citta kinh nghiệm các đối tượng giác quan khác, và những kinh nghiệm này tạo duyên cho suy nghĩ về thế giới con người và vạn vật. Chúng ta thường đắm chìm vào suy nghĩ về con người, sự vật xung quanh mà không nhận ra rằng chính citta làm nhiệm vụ suy nghĩ. Sẽ không thể có ý niệm về “cái tôi”, cá nhân hay tài sản, là các thực tại chế định, nếu như không có các thực tại tối hậu như màu sắc, âm thanh và các đối tượng giác quan khác, cũng như các citta kinh nghiệm chúng qua các căn môn tương ứng.

 

Mỗi khoảnh khắc chỉ có một citta kinh nghiệm một đối tượng. Dường như là có nhiều citta sinh khởi cùng một lúc nhưng thực ra không phải như vậy. Các citta khác nhau, chẳng hạn như cái thấy và cái nghe kinh nghiệm những đối tượng khác nhau và lệ thuộc vào các căn môn khác nhau. Cái thấy, cái nghe và suy nghĩ là các citta khác nhau khởi sinh vào những thời điểm khác nhau. Chúng ta có thể nhận thấy rằng cái thấy không phải là cái nghe, chúng là những kinh nghiệm khác nhau. Nếu chúng có thể xảy ra cùng một lúc thì ta sẽ không thể phân biệt được chúng. Citta sinh và diệt rất nhanh chóng; citta vừa diệt thì ngay lập tức được tiếp nối bằng một citta khác. Ta tưởng rằng cái thấy, cái nghe có thể kéo dài một khoảng thời gian nhưng thực ra chúng chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi.

 

Có nhiều loại citta sinh khởi do các duyên tương ứng của chúng. Có các citta thấy, nghe, kinh nghiệm đối tượng qua các căn và suy nghĩ về những đối tượng này. Các loại citta thấy, nghe, ngửi, nếm hoặc kinh nghiệm đối tượng qua thân thức thì không thích, cũng không không thích đối tượng, chúng không phản ứng thiện hay bất thiện với các đối tượng. Những loại citta này không phải là thiện (kusala)  hay bất thiện (akusala). Tuy nhiên ngay sau khi chúng diệt đi, có những citta phản ứng thiện hoặc bất thiện với các đối tượng được kinh nghiệm qua các căn. Chính vì vậy, có những citta thiện, citta bất thiện và citta không thiện cũng không bất thiện. Khi có suy nghĩ thì luôn có citta thiện hoặc bất thiện. Ngoài ra cũng có các citta thúc đẩy hành động hoặc lời nói tốt hay xấu. Khi chúng ta bố thí, có các tâm thiện, kusala citta, với lòng hảo tâm thúc đẩy hành động bố thí. Còn khi chúng ta nói lời nặng nề, thô ác thì có các tâm bất thiện, akusala citta, với sân hận thúc đẩy lời nói đó.

 

 

Các khuynh hướng thiện hoặc bất thiện khác nhau được tích lũy từ trước. Chúng được ví như những con vi-rút ngủ ngầm nhưng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khi có cơ hội. Liên hệ với thuật ngữ “tiềm thức” được sử dụng trong tâm lý học phương Tây,  từ này chỉ một phần của tâm thức thông thường không được biết đến nhưng tự biểu hiện, trong những giấc mơ chẳng hạn. Từ tiềm thức dễ dẫn đến hiểu lầm vì nó hàm ý một cái gì đó tù đọng. Trong thực tế, các khuynh hướng được tích lũy không cố định, chúng được tích lũy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Chúng là duyên cho sự sinh khởi của các tâm thiện hoặc bất thiện trong tương lai. Mỗi citta sinh lên và diệt đi, nhưng do được tiếp nối bởi citta kế tiếp không gián đoạn, nên quá trình tích lũy có thể tiếp diễn từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.

 

Có nhiều loại tâm thiện (kusala citta) và tâm bất thiện (akusala citta) khác nhau. Điều quan trọng là tìm hiểu thêm về chúng để hiểu được chính mình, hiểu được cách chúng ta cư xử trong hành động và lời nói với những người khác như thế nào và cách chúng ta phản ứng đối với các sự việc dễ chịu hay khó chịu ra sao. Chính citta thúc đẩy hành động tốt hay xấu. Chúng ta đọc trong Trung Bộ Kinh (số 78, Kinh Samaṇamaṇèikā) rằng Đức Phật đã thuyết giảng cho người thợ mộc tên là Pañcaka về các tâm thiện và bất thiện như sau:

Và này Thợ mộc, thế nào là bất thiện giới? Thân nghiệp bất thiện, khẩu nghiệp bất thiện, nếp sống ác. Những pháp này, này Thợ mộc, được gọi là bất thiện giới.

Và này Thợ mộc, những bất thiện giới này sanh khởi như thế nào? Sự sanh khởi của chúng cũng được nói đến, cần phải trả lời từ tâm sanh khởi. Thế nào là tâm? Tâm có nhiều loại, đa chủng, sai biệt. Tâm có tham, có sân, có si, từ đây những bất thiện giới sanh khởi.

Đức Phật cũng nói về những thiện giới có nguồn gốc từ tâm, là tâm không có tham, sân và si. Do đó, tất cả các hành động tà ác thì bắt nguồn từ tâm bất thiện, akusala citta, và tất cả hành động thiện lành thì bắt nguồn từ tâm thiện, kusala citta.

 

Bất thiện có thể được mô tả là một trạng thái tâm không lành mạnh, không thiện xảo, đáng chê trách, tội lỗi, không lợi ích, mang lại quả xấu. Thiện có thể được mô tả là một trạng thái tâm lành mạnh, thiện xảo, không lỗi lầm, hữu ích, cho quả tốt lành.

 

Chúng ta đọc trong đoạn kinh trên rằng tâm rất đa dạng, phong phú, khác nhau. Tâm bất thiện kèm với tham  hoàn toàn khác với tâm thiệnvới tính quảng đại (vô tham). Vậy tham tham và vô tham là loại thực tại gì? Liệu chúng là các tâm  hay là các loại thực tại khác? Chúng là các tâm sở, các phẩm chất đi kèm với tâm. Tham là một phẩm chất bất thiện, một phiền não, còn vô tham là một phẩm chất thiện. Tâm  có thể suy nghĩ, thúc đẩy hành động hoặc lời nói với tham, sân, rộng lượng, từ bi… Chỉ có một tâm  tại một thời điểm nhưng nó có thể sinh kèm với một số tâm sở và những tâm sở này tạo duyên cho tâm  trở nên rất đa dạng. Tham lam, bỏn xẻn, sân hận, ghen tỵ, ngã mạn là những tâm sở có thể sinh kèm tâm bất thiện. Sự rộng lượng, tâm từ, tình thương hay trí tuệ là những tâm sở thiện có thể đi kèm với tâm thiện, kusala tâm . Các tâm sở đi kèm với tâm  trong nhiều kết hợp khác nhau thì cùng sinh và diệt với tâm .

 

Chú giải cho cuốn đầu tiên về Vi Diệu Pháp, Cuốn Chú giải Bộ Pháp tụ (Atthasalini I, Phần  II, Chương I, 67), có đưa ra ẩn dụ về nhà vua và đoàn tùy tùng. Giống như nhà vua không thể đi đâu mà không có tùy tùng, tâm không sinh khởi một mình, mà đi kèm với các tâm sở. Do các tâm  sinh khởi liên tục trong cuộc sống hàng ngày nên có thể nói rằng tâm  là vương, dẫn đầu trong việc hay biết đối tượng, còn các tâm sở hỗ trợ cho tâm . Tâm suy nghĩ,  chẳng hạn với vô tham, dẫn đầu  trong việc biết đối tượng, còn vô tham hỗ trợ tâm suy nghĩ một cách thiện lành. Tâm  suy nghĩ với ghen tỵ dẫn đầu việc biết đối tượng, còn sự ghen tỵ hỗ trợ tâm  suy nghĩ một cách bất thiện.

 

Trong số các tâm sở bất thiện đi kèm với tâm bất thiện, có ba tâm sở được gọi là “nhân”, đó là: tham, sân và si.   Trong số các tâm sở thiện đi kèm với tâm thiện, có ba nhân là: vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ). Từ “nhân” (gốc, căn) được sử dụng trong Giáo lý Đức Phật vì nó là sự hỗ trợ vững chắc cho tâm , là một duyên quan trọng, giống như gốc rễ của một cái cây vững chắc hỗ trợ cho cây, là phương tiện cung cấp nhựa sống thiết yếu cho sự trưởng thành của nó. Các gốc bất thiện như tham, sân và si có thể kết hợp với tâm bất thiện thì có rất nhiều sắc thái và mức độ; chúng có thể thô tháo hoặc vi tế hơn. Tham có thể mạnh mẽ đến mức thúc đẩy các hành động xấu như trộm cắp hay nói dối, nhưng nó cũng có thể ở mức độ vi tế hơn là không thúc đẩy bất cứ hành động nào. Tham có thể là mong đợi một cái gì đó dễ chịu cho bản thân, có thể là ước vọng, thích thú, khao khát, yêu thương, sa ngã, ham muốn, chiếm hữu hoặc tham lam. Ngay cả khi chúng ta hy vọng người khác yêu mến chúng ta, khi chúng ta muốn có danh thơm, tiếng tốt thì đã có các tâm bất thiện bắt nguồn từ tham ái, dính mắc rồi. Ví dụ, khi chúng ta tặng quà cho một ai đó thì có sự buông bỏ, nhưng cũng có thể có những giây phút hy vọng, hay mong đợi được đền đáp lại một cái gì đó.  Mong đợi ấy được thúc đẩy bởi dính mắc. Bất thiện không giống với những gì thường cho là tội lỗi hoặc vô đạo đức. Ngoài ra, còn có những mức độ dính mắc vi tế hơn không thúc đẩy những hành động xấu nhưng cũng là bất thiện vì chúng vô ích, có hại. Chúng được tích lũy trong từng khoảnh khắc và do đó khiến cho dính mắc ngày một gia tăng. Tham bắt rễ rất sâu nên hiểu biết được các khuynh hướng bắt rễ sâu dày của chúng ta là điều quan trọng. Tình cảm là một dạng dính mắc mà xã hội không cho là có hại. Người ta quyến luyến cha mẹ, thân quyến, con cái và bạn hữu. Tuy nhiên, cần hiểu rằng khi có sự quyến luyến, thực chất có sự dính mắc với cảm thọ lạc của chính mình, do được ở bên cạnh người thương mến. Khi khóc thương một người đã chết, có đau buồn được tạo duyên bởi dính mắc vào chính mình. Tình cảm tạo duyên cho nỗi sợ mất mát, sân hận và buồn khổ. Chúng ta đọc thấy trong Tương Ưng Bộ kinh (Thiên Sáu Xứ, Tương Ưng Thôn Trưởng, §11 Bhadra), Đức Phật khi ngụ tại Uruvelakappa, đã giải thích cho thôn trưởng Bhadragaka rằng sự bám víu là nguyên nhân của đau khổ. Bhadragaka nói:

Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật là khéo nói, lời nói này của Thế Tôn: “Phàm có khổ gì khởi lên, tất cả khổ ấy khởi lên đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ!”

Bạch Thế Tôn, con có người con trai tên là Ciravàsii, sống xa ở đây. Khi giờ nó dậy, bạch Thế Tôn, con cử người đi và nói: “Này Ông, hãy đi và hỏi thăm đứa trẻ Ciravàsii”. Cho đến khi người ấy trở về, bạch Thế Tôn, con ở trong tình trạng bồn chồn hồi hộp: “Không biết đứa trẻ Ciravàsii có bệnh tật gì không?”

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, nếu đứa trẻ Ciravàsii của Ông bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, Ông có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?

Bạch Thế Tôn, nếu đứa con trai Ciravàsii của con bị giết, hay bị bắt, hay bị thiệt hại, hay bị chỉ trích, hay sinh mạng bị đổi khác, thời làm sao con không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não được?

Với pháp môn này, này Thôn trưởng, cần phải hiểu như sau: Phàm có khổ nào khởi lên, tất cả khổ ấy đều lấy dục làm căn bản, lấy dục làm sở nhân. Dục là căn bản của khổ.

Sẽ không thể không tham chừng nào chúng ta chưa đạt được giải thoát hoàn toàn. Chúng ta không thể ép buộc mình không tham, nhưng nhận ra được khi có tham, ngay cả ở mức độ vi tế, và khi có sự buông bỏ là điều lợi ích. Có tham khi chúng ta thích ngắm cảnh, đi mua sắm hay trò chuyện với bạn bè, thậm chí khi chúng ta đứng dậy để lấy một cốc nước. Tham có thể đi kèm với thọ hỷ hoặc thọ vô ký (không khổ không lạc). Khi có thọ vô ký thì vẫn có thể còn tham, nhưng chúng ta có thể không nhận ra.

 

Sân là một nhân  bất thiện khác. Sân không thích đối tượng nó kinh nghiệm trong khi tham thì ưa thích đối tượng. Sân không thể sinh khởi đồng thời với tham, nhưng nó có thể được tạo duyên bởi tham. Sân có nhiều sắc thái và mức độ, nó có thể là không hài lòng, thất bại, thất vọng, chán nản, buồn bã, sợ hãi, đau khổ, tuyệt vọng, căm phẫn, oán giận, ủ ê hay khó chịu. Khổ thọ luôn đi cùng với nhân bất thiện này. Ngay cả khi có một chút cảm giác khó chịu, thì cũng có tâm căn sân. Khi chúng ta ghen tị hay keo kiệt, thì cũng có tâm có căn sân như vậy. Trong trường hợp ghen tỵ, đố kỵ, ta không muốn thấy cảnh người khác được hưởng những điều dễ chịu, mà chỉ muốn mình có được điều đó. Trong trường hợp bỏn xẻn, ta không muốn chia sẻ những gì mình có với người khác. Tâm sân có thể dẫn đến hành động giết hại, lời nói khiếm nhã, thô lỗ hoặc sự đối xử tệ bạc.

 

Một nhân bất thiện nữa là si (thiếu hiểu biết). Điều này không giống như định nghĩa về thiếu hiểu biết trong ngôn ngữ chế định. Theo quan điểm Phật giáo, si hay vô minh có một ý nghĩa đặc biệt: đó là thiếu hiểu biết về các đặc tính của thiện và bất thiện, về sự thật vô ngã, về Tứ Thánh Đế, nói tóm lại là về các thực tại tối hậu. Có nhiều mức độ của si. Si là gốc rễ của mọi tội lỗi. Bất cứ khi nào có tâm  căn tham và căn sân thì cũng có nhân si. Khi nghe một âm thanh dễ chịu, tham có khả năng sinh khởi, khi ấy cũng có si. Khi nghe một âm thanh khó chịu, sân có thể sinh khởi và khi ấy cũng có  si. Si không biết các thực tại sinh khởi và không biết tham và sân là bất thiện, Si giống như bóng tối hay mù lòa. Khi có si thì bản chất của các pháp bị che mờ.

 

Ba nhân thiện là vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ) có nhiều sắc thái và mức độ. Vô tham có thể là không ích kỷ, quảng đại, xả ly hay bình tĩnh. Mỗi tâm thiện  đều có nhân vô tham. Bất cứ khi nào có tâm thiện, không có tham ở khoảnh khắc đó, mà có sự buông bỏ. Mỗi tâm thiện  không chỉ có nhân vô tham mà còn có nhân vô sân. Vô sân có nhiều mức độ: nó có thể là lòng từ bi, sự giữ giới hoặc kham nhẫn. Lòng từ bi là hướng về chúng sinh, giữ giới và kham nhẫn cũng có thể liên quan đến các tình huống và sự vật. Khi nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh thì thường có sự khó chịu. Khi thấy được lợi ích của việc giữ giới hay kham nhẫn, người ta sẽ không thấy phiền toái vì nhiệt độ, và không còn phàn nàn. Trí tuệ là nhân thiện thứ ba. Trí tuệ không sinh kèm với mỗi tâm thiện. Trí tuệ tạo duyên cho thiện tâm  sinh khởi thường xuyên hơn. Trí tuệ hay hiểu biết trong Phật giáo là hiểu biết về các thực tại. Có nhiều mức độ trí tuệ, có thể là hiểu biết lý thuyết về các thực tại hay hiểu biết trực tiếp về thực tại khi nó xuất hiện. Đó có thể là hiểu biết về thiện là thiện, về bất thiện là bất thiện, về những hành động tốt hay xấu cũng như quả của chúng, về sự thật vô ngã, về Tứ Thánh Đế. Hiểu biết có thể được phát triển dần dần. Cái hiểu trực tiếp về các thực tại dẫn đến sự tận diệt của các phiền não.

 

Khi có tâm thiện thì không có tham, sân hay si đi kèm. Tâm thúc đẩy hành vi và lời nói thiện. Loại tâm nào sinh khởi là tùy thuộc vào tích lũy thiện và bất thiện trong quá khứ . Kết giao với bạn tốt hay bạn xấu cũng là một nhân duyên quan trọng cho việc sinh khởi của các thiện tâm hay bất thiện tâm. Khi gần gũi với bạn tốt, với bậc thiện trí thức thì có các duyên cho thiện tâm sinh khởi thường xuyên hơn. Có nhiều bất thiện tâm sinh khởi hơn thiện tâm  do bởi các phiền não đã tích lũy, nhưng không được nhận biết. Ví như chúng ta không nhận biết được lượng bụi bẩn trên bàn tay cho đến khi rửa tay, cũng như vậy, chúng ta không thể biết được lượng phiền não cho đến khi hiểu biết về các thực tại được phát triển.

 

Tâm  kinh nghiệm các đối tượng dễ chịu và khó chịu qua ngũ môn và ý môn. Khi kinh nghiệm một đối tượng dễ chịu, tham có thể sinh khởi, còn khi kinh nghiệm một đối tượng khó chịu, sân có thể sinh khởi. Các đối tượng dễ chịu được ưa thích và các đối tượng khó chịu thì không được ưa thích là điều tự nhiên. Dường như chúng ta liên tục bị chi phối bởi các đối tượng được kinh nghiệm. Đối tượng dễ chịu và đối tượng khó chịu là một duyên cho tâm sinh khởi, tuy nhiên không có gì nội tại trong bản chất của đối tượng có khả năng quyết định phản ứng đối với đối tượng đó. Việc có phản ứng thiện hay bất thiện đối với các đối tượng dễ chịu hay khó chịu được kinh nghiệm qua các căn và ý môn phụ thuộc vào khuynh hướng tích lũy của một người. Sau khi có cái thấy, cái nghe hay kinh nghiệm đối tượng qua các căn khác, có thể có “phi như lý tác ý” (chú ý không chân chánh) hoặc “như lý tác ý” (chú ý chân chánh) tới các đối tượng. Khi có sự chú ý không chân chánh tới các đối tượng thì có tâm bất thiện, còn khi có sự chú ý chân chánh tới các đối tượng thì có tâm thiện. Khi một đối tượng dễ chịu xuất hiện có thể có tham và trong trường hợp đó thì có như lý tác ý. Ví dụ, chúng ta chỉ muốn hưởng thụ các đối tượng dễ chịu một mình và không định chia sẻ nó với những người khác. Trong khi đó, khi có như lý tác ý,  chúng ta sẵn sàng chia sẻ đối tượng dễ chịu với người khác, khi đó có thiện tâm  với vô tham. Khi một đối tượng khó chịu xuất hiện, có thể sân sinh khởi và như vậy có phi như lý tác ý. Ví dụ khi ai đó nói lời thô ác với chúng ta thì hầu hết chúng ta không thích và trách cứ người ấy vì đã nói những lời khó chịu. Tuy nhiên, sân không nhất thiết phải sinh khởi. Khi nhớ được rằng người nói lời thô ác ấy đang làm chính bản thân anh ta khó chịu, đau khổ thì có thể tình thương sẽ xuất hiện thay vì sự giận dữ hay sân hận trong chúng ta. Khi có sự chú ý chân chánh thì sẽ có giữ giới và kham nhẫn ngay cả khi kinh nghiệm đối tượng khó chịu.

 

Có nhiều lợi ích khi tìm hiểu chi tiết hơn về các loại tâm khác nhau: thiện tâm, bất thiện tâm, và tâm  không  thiện cũng không bất thiện. Khi không biết về thiện và bất thiện,  không thể thấy được sự bất lợi của bất thiện và lợi ích của thiện. Chúng ta thường mong muốn các đối tượng dễ chịu và không ưa thích đối tượng khó chịu. Thông qua Giáo lý Đức Phật, người ta biết rằng bất cứ cái gì sinh khởi đều do duyên. Đôi khi có duyên cho việc kinh nghiệm các đối tượng dễ chịu và đôi khi có duyên cho việc kinh nghiệm các đối tượng khó chịu, không ai có thể kiểm soát được các tâm  sinh khởi. Đối tượng dễ chịu không thể kéo dài và do đó dính mắc vào chúng chỉ dẫn đến thất vọng và buồn bã. Luôn có tham, sân và si trên các đối tượng được kinh nghiệm qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng ta làm nô lệ cho các đối tượng sinh khởi và diệt đi ngay lập tức. Khi sự vô bổ của những mê đắm ấy được nhận ra, sẽ có duyên cho sự phát triển hiểu biết về các thực tại trong đời sống. Người ta sẽ hiểu rằng có vô số bất thiện tâm phát sinh khi kinh nghiệm đối tượng thông qua các căn, các bất thiện tâm  mà trước kia chưa từng nhận thấy. Khi các đặc tính của thiện và bất thiện được thấy rõ ràng hơn thì sẽ có nhân duyên để phát triển các nhân vô tham, vô sân và trí tuệ. Đó là gốc của các thiện tâm dẫn đến sự tiết chế các hành động bất thiện và thúc đẩy việc thực hành thiện pháp.

 

Như chúng ta đã thấy, có rất nhiều loại tâm. Tất cả các tâm có điểm chung là nhận biết đối tượng, tuy nhiên chúng khác nhau khi sinh kèm với các tâm sở khác nhau và kinh nghiệm các đối tượng khác nhau. Cái thấy luôn kinh nghiệm đối tượng thị giác và cái nghe luôn kinh nghiệm âm thanh, nhưng phản ứng với đối tượng và suy nghĩ về chúng thì ở mỗi người một khác. Ví dụ khi một ai đó nói lời thô ác, có cái nghe âm thanh và sau đó là suy nghĩ về ý nghĩa của lời nói, về người nói, về các thực tại chế định. Mỗi người sống trong thế giới suy nghĩ riêng của mình.   Chúng ta phản ứng với những gì được kinh nghiệm không chỉ bằng suy nghĩ  mà còn bằng hành động và lời nói. Tại những khoảnh khắc không làm những việc tốt hoặc không phát triển hiểu biết, chúng ta suy nghĩ, hành động và nói với các bất thiện tâm. Tâm  quyết định hành vi, tâm  trong kinh điển được gọi là “Chúa tể của thế gian”. Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ kinh (Thiên Có Kệ, Tương Ưng Chư Thiên, Phẩm Thắng VII, §2, Tâm) như sau:

 

 

Để hiểu được bản chất của cuộc sống của mình và người khác, điều cần thiết là hiểu tâm  là gì. Để hiểu hơn tâm là gì thì cần nhận biết được sự khác nhau giữa sự thật chế định (tục đế) và sự thật tối hậu (chân đế). Sự thật chế định là sự thật mà chúng ta quen thuộc trước khi tìm hiểu Giáo lý Đức Phật; đó là thế giới có tồn tại con người, “tự ngã”, sự vật. Còn sự thật tối hậu là các danh và sắc. Tâm là hiện tượng tinh thần, chúng kinh nghiệm cái gì đó. Sắc, các hiện tượng vật chất, ví dụ như các cơ quan giác quan và các hiện tượng vật chất bên ngoài, thì không kinh nghiệm gì cả. Tâm  có thể kinh nghiệm cả danh và sắc. Các hiện tượng sắc và danh của đời sống sinh khởi, tồn tại trong một khoảng thời gian cực kỳ ngắn ngủi và sau đó diệt đi. Mỗi thực tại chân đế có những đặc tính riêng có thể được kinh nghiệm trực tiếp khi xuất hiện mà không cần phải suy nghĩ về nó. Bằng cái hiểu lý thuyết chúng ta sẽ không biết tâm là gì. Chỉ khi có sự phát triển hiểu biết trực tiếp về tâm  xuất hiện ở khoảnh khắc hiện tại, dù là cái thấy, cái nghe hay suy nghĩ, chúng ta mới thực sự hiểu được tâm  là gì. Khi sự đa dạng của các tâm và các mối duyên hệ của chúng được thấy rõ hơn, thì sự thật về vô ngã dần dần sẽ được hiểu sâu hơn. Ta sẽ có động lực tìm cách loại bỏ vô minh về các thực tại trong cuộc sống của mình, các ngã kiến và tất cả các dạng tham, sân và si.

Việt dịch: Phạm Thu Hằng

Leave a Reply

Translate »